PHẦN PHỤ LỤC

26. NẮM TAY TIỀN VÀNG

Thưa bạn,

Cứ mỗi độ Vu Lan, Phật Đản hay Xuân về, là tôi lại có dịp hầu chuyện cùng các bạn.

Sự thật, tôi có đáng giá vào đâu để nói câu chuyện đạo mầu cùng các bạn, Nhưng từ ngày tôi tìm về Phật Học Viện Quốc Tế đến nay, hằng tuần được nghe Thầy thuyết pháp, theo tu học tọa thiền, niệm Phật, lòng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát nhiều lắm.

Thầy tôi, Thượng Tọa Thích Đức Niệm, bậc Thầy đạo hạnh quý kính của chúng tôi, không ngừng khuyến khích cổ lệ sách tấn chúng tôi gắng tu học Phật. Thầy tận tụy hướng dẫn chúng tôi không một chút tỏ ra chán nản. Trước nghĩa cử từ bi bao dung của Thầy đã làm cho chúng tôi vừa cảm động, vừa dũng chí tin tưởng ở khả năng mình trên đường tu học. Từ đấy, tôi mới cảm thấy phấn khởi tin tưởng vào khả năng của mình hơn, bớt đi sự ái ngại rụt rè. Nhờ vậy mà tôi có thể hầu chuyện đạo với quý vị ngày hôm nay. Cũng chính nơi đây, tôi cảm thấy thấm thía lời cổ nhân dạy: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, trở thành vô dụng cũng hoài ngọc đi. Con người ta có khác gì …”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Tu học cần phải tìm bậc minh sư. Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đủ thấy ai cũng có khả năng để trở thành bậc thánh thiện. Ai cũng có thể kiên nhẫn gắng chí tu học để trở thành người hữu dụng cho đời. Điều quan trọng là khéo chọn bạn thiện tri thức. Thận trọng chọn thờ bậc minh sư, để gần gũi và để y nương học hỏi. Cổ đức nói: “Viễn hành yếu giả lương bằng, sát sát tương ư nhĩ mục”. Nghĩa là đi xa phải nương bạn lành, từng giờ từng khắc tâm niệm cử chỉ tốt của bậc minh sư, bạn đạo thấm vào tâm mắt mình. Đừng nên sống theo cảm tình, quá nể vì nghe theo lời dụ êm ái ngọt ngào mà lao mình vào bẩy.

Thưa bạn, hôm nay tôi hầu chuyện với bạn, trong làn khói trầm hương quyện tỏa của ngày Phật Đản. Đời tôi đã đổi khác hẳn với những năm xưa, ngày chưa về nương tựa bóng từ bi. Từ ngày tôi biết Phật Học Viện Quốc Tế, tôi thường đến để nghe thuyết pháp, theo học đạo thiền, thân gần Thầy Đức Niệm, tâm tôi không còn phiền muộn theo chuyện thế gian thị phi thăng trầm thành bại. Tôi cũng không còn nặng tính đua đòi theo hình thức tốt xấu thời trang bên ngoài. Mọi sự suy tư lo tính hơn thua, khen chê, tôi không để ý đến. Tôi cảm thấy thân tâm tôi nhẹ nhàng lắm. Tôi không mất thì giờ vì bạn bè rủ rê hò hẹn ở rạp hát, ở siêu thị, tiệc tùng. Tôi không còn lãng phí tiền bạc vào việc sắm sửa áo quần thời trang. Tôi vẫn đi làm việc, vẫn ngày hai bữa cơm, vẫn dùng xe để làm phương tiện tới lui. Nhưng tôi cải đổi quan niệm sống. Sống đời đơn giản, lợi mình, lợi người, lợi đạo pháp. Tôi không còn truy cầu tham đắm, chụp giựt, thắng thì vui mừng hỷ hạ, thua thì bực tức buồn khổ như xưa nữa. Tất cả đều nhờ giáo lý từ bi giác ngộ của Phật tạo nên mẫu người tôi ngày hôm nay.

Ngày trước chưa biết đạo, chưa gặp Thầy, dù làm có tiền bao nhiêu cũng thấy thiếu, cũng không vừa ý. Chỉ biết lo cho mình, bà con mình, mặc kệ người đời, tôi chẳng để tâm đoái hoài đến. Mỗi ngày làm hai job cũng vẫn không thấy đủ, không thấy có tiền để làm một việc thiện nhỏ. Đến nỗi không có thì giờ để nghĩ đến việc thiện. Lúc chưa biết đạo đồng tiền cho việc từ thiện giúp đỡ người nghèo thiếu bao giờ cũng thấy quá to. To hơn cả mạng sống, cả giá trị đạo đức danh dự! Khi chưa biết đến đạo Phật, chưa gặp Thầy, tôi luôn luôn thấy thiếu, thấy khổ, tâm thần thường bất an.

Nhưng giờ đây, sau những tháng năm theo Thầy học đạo, hiểu lời Phật dạy, nhớ lời Thầy khuyên, tôi không còn đua đòi hơn thiệt, mà lúc nào cũng thấy đủ, làm được nhiều điều lành, bố thí, phóng sanh, in kinh ấn tống, cúng dường chư tăng, cúng chùa, giúp đỡ bà con, còn có thì giờ thương nhớ quê hương đồng bào v.v… Những việc từ thiện lợi tha ít nhiều tôi đều làm được cả. Lòng tôi cảm thấy an nhàn vui vẻ lạ thường. Tình thương mở rộng, xem nhẹ việc đời. Có lúc tôi cảm thấy thư thới tự tại trước mọi việc đời trôi qua trước mắt. Khi nghe tin Mẹ tôi mất, tôi xin nghỉ việc không lương. Tôi đem tất cả tiền dành dụm và mượn thêm của bạn bè để làm lễ trai tăng cúng dường Tam Bảo, in kinh ấn tống, cúng tiền đúc tượng Phật để hồi hướng siêu độ cho mẹ tôi. Đúng là giáo lý Đức Phật đã gội rửa sạch lòng tôi. Đạo hạnh của Thầy đã cảm hóa đời tôi, khai tâm mở trí tôi, giờ đây tôi đã bỏ bớt tham sân si, không còn ham muốn xi nê nhảy nhót dạ hội.

Mỗi khi ngồi trong giảng đường trước tượng Phật, dưới bóng hào quang trang nghiêm, lời giảng pháp trầm hùng hiền hòa của Thầy khi bổng lúc trầm, bằng những bài kinh, lời kệ của Phật của Tổ, với những bài thơ mang hương vị đạo mầu, những câu chuyện đạo lý đơn giản, nhưng thâm thúy, bao hàm ý nghĩa, dạy đời khuyên tu. Lời nào lời nấy đơn giản, nhưng rõ ràng, bao hàm giáo lý thâm sâu chỉ bày phương pháp tu hành. Chẳng hạn, nguyên nhân nào hình thành những hiện tượng giàu nghèo ở thế gian. Tại sao có kẻ thông minh, người  ngu đần, kẻ sang trọng, người bần tiện. Tất cả không ngoài nhân quả phước báo.

Để giải nghĩa những hiện tượng đó, một trong những câu chuyện mà tôi được nghe Thầy giảng và còn nhớ rõ nơi lòng. Câu chuyện này đã khai trí tôi, khiến cho tôi biết làm nhiều việc bố thí, cúng dường, rộng rãi giúp đỡ mọi người. Nay xin được lược thuật để hầu chuyện cùng quý bạn trọng ngày Phật Đản:

Khi Đức Thích Ca còn tại thế, ở thành Xá Vệ có một thiếu phụ hạ sanh một đứa con trai. Đứa trẻ này từ khi sanh ra, lúc nào hai bàn tay cũng nắm chặt lại. Người mẹ lấy làm lạ, lo ngại tưởng bàn tay con mình có tật, nên gỡ tay nó ra xem, thì thấy trong hai nắm tay của nó, nắm tay nào cũng có vàng. Người mẹ rất đổi ngạc nhiên, mừng rỡ, liền lấy tiền vàng từ tay đứa trẻ ra, nhưng điều kinh ngạc tiếp liền sau đó là, khi tiền vàng lấy đi thì bàn tay cậu bé nắm trở lại như cũ, và đồng thời lại sanh ra tiền vàng khác. Cứ thế lấy vàng mãi mà không hết. Người mẹ nghĩ rằng, đây chắc là nhờ phước báo đời trước của nó mà có, nên đặt tên cho cậu bé là Kim Tiền.

Em bé Kim Tiền này trông khôi ngô đỉnh ngộ, đoan chánh, tâm tánh từ hòa hiền dịu của em khiến cho ai nấy mỗi khi thấy em đều mến thích. Em bé Kim Tiền sanh lúc Đức Phật còn ở đời. Ngày tháng trôi qua, theo đà thời gian xuôi chảy em khôn lớn. Khi nghe tin có Đức Phật thuyết pháp độ sanh, người người hâm mộ tin theo, em khẩn khoản cầu xin cha mẹ cho em được đi thăm Đức Phật. Trước tấm lòng thành khẩn cầu xin tha thiết của em, cha mẹ đồng ý cho em đi. Một mình em tìm đến chỗ Phật, được nghe Phật thuyết pháp. Em xin đảnh lễ và cầu xin Đức Phật cho em được xuất gia, nhập chúng. Đức Phật hoan hỷ nhận lời.

Đức Phật cho em xuống tóc, thọ giới, mặc áo cà sa làm tỳ kheo. Khi thọ giới xong, Kim Tiền đã đi đảnh lễ từng vị một khắp trong hàng tăng chúng. Nơi nào tỳ kheo Kim Tiền chấm hai bàn tay xuống đất lễ lạy là nơi đó lưu lại hai thỏi vàng.

Sau khi thọ giới xong, Kim Tiền tinh tấn tu hành, không khi nào tỏ ra dãi đãi, chậm trể. Chẳng bao lâu, vị tân tỳ kheo Kim Tiền này chứng được đạo quả A La Hán.

Một ngày nọ, Tôn giả A Nan thấy vậy bạch hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, tỳ kheo Kim Tiền đời trước đã vun trồng những phước đức gì mà đời này trong nắm tay cứ mãi sanh ra vàng, lấy hoài chẳng hết, dùng mãi vẫn còn, lại gặp được Phật, xuất gia không bao lâu, chứng được đạo quả A La Hán? Cúi mong Đức Thế tôn từ bi khai thị, cho chúng con được hiểu rõ”.

Đức Phật hoan hỷ, vì đại chúng mà nói về một đoạn nhân quả như sau:

“Cách đây 91 kiếp về trước, khi Đức Phật Tỳ Bà Thi thuyết pháp độ sanh khắp nơi. Nơi nào Ngài và tăng chúng đến thuyết pháp cũng đều có thí chủ thiết trai cúng dường. Lúc đó, có một người thanh niên nghèo, nhưng lòng ước ao rất muốn được cúng dường Đức Phật Tỳ Bà Thi và đại chúng, nhưng lại không có tiền của. Anh ta mới nghĩ ra cách kiếm tiền bằng sự quyết định vào núi ngày đêm cố gắng hết sức đốn củi để đem ra chợ bán. Bán dành dụm được hai chục đồng, sốt tiền có được là do từ công lao mồ hôi nước mắt đốn củi của anh. Anh rất vui mừng được số tiền hai chục, liền đến chỗ Đức Phật Tỳ Bà Thi, thành kính dâng trọn lên cúng dường Phật và chư tăng. Anh nghèo này đã đem hết tâm dạ chí thành, thực hành việc tịnh tài cúng dường Phật và chư tăng. Trải qua 91 kiếp đến nay, bởi do lòng thành cúng dường mà được phước báu, nên tay sanh ra tiền vàng, dùng mãi không hết. Người nghèo lúc đó không ai xa lạ, mà chính là tiền thân của tỳ kheo Kim Tiền hôm nay”.

Một hạt giống đưọc gieo trồng thì sau đó có thể sanh ra muôn ngàn hạt giống. Chẳng khác nào một hạt ổi được ươm trồng sẽ sanh ra hằng trăm trái ổi và có hàng ngạn vạn hạt ổi. Chỉ cần thành tâm bố thí cúng dường như anh tiều phu nghèo kia, mà sau đó gặt hái được cái phước báu có vàng dùng mãi không hết. Theo luật nhân quả phước báu, bố thí cúng dường là nguồn gốc để được phát tài giàu sang phú quý.

Qua câu chuyện trên đây, cho ta thấy rõ nhân nào quả nấy. Tâm tạo nhân bố thí, cúng dường Tam Bảo thì nhất định phước báu giàu sang. Tâm tánh keo kiệt bỏn sẻn ích kỷ bo bo giữ của thì sẽ phải chịu quả báo nghèo đói bần cùng. Cổ đức dạy: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”. Nghĩa là: “Lưới trời lồng lộng, người phàm không thấy, nhưng không một mảy lông nào thoát khỏi”.

Khi gặp phải cảnh trái ý nghịch lòng, đừng nên oán trời trách đất, giận đời, hờn người, mà phải cố gắng tu, cố gắng làm việc bố thí, cố gắng làm việc thiện. Bởi nhân nào quả nấy, tôi thấy chỉ có tu mới được hạnh phúc. Tu hành mà hẹn, hẹn thì không thành. Hoằng Nhất đại sư dạy rằng: Bởi mạng sống con người đâu dễ biết ngày mai. Bố thí, cúng chùa, đừng đợi giàu, Vì giàu thì thường hay sanh tâm keo kiết, bủn xỉn, tham lam muốn vơ vét để cho giàu thêm. Chớ nên phân bì, so đo hơn thiệt. Ai có phần nấy. Cấy lúa thì được lúa. Gieo cỏ thì được cỏ. Tâm của ta như đất. Nên thường gọi là “Tâm địa”. Đất không trồng cây hoa trái thì đất sẽ sanh cỏ gai dại. Tâm không biết tu hành lành thiện, thì tâm sẽ sanh tham sân si, nghi, mạn, đam mê dục lạc, tạo nên tội ác.

Để kết luận bài này, Thầy đã mượn lời kệ của cổ nhân:

Dục trí tiền thế nhơn
Kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.

Tạm dịch:

Muốn biết việc làm đời trước của người,
Nên xem đời này họ thọ hưởng.
Muốn biết quả báo đời sau của người,
Nên xem hành vi đời này họ tạo.