PHẦN PHỤ LỤC

24. BƯỚC VÀO CỬA PHẬT

Sau những năm tù đày dưới bàn tay bạo quyền ác nghiệt của cộng sản, rồi sau đó tôi đã phải sáu lần lặn lội chui nhủi mới trốn thoát được đến đảo tỵ nạn và nay định cư ở Mỹ.

Sáu năm sống trên đất Mỹ, tôi đã dời đổi gia đình đi khắp bảy tiểu bang. Từ tiểu bang ấm Cali đến tiểu bang lạnh Minnesota và giờ đây là Chicago. Nơi nào tôi cũng thấy xa lạ thiếu vắng tình quê hương, thiếu cả tình người.

Hôm nay rằm tháng mười, gia đình người bạn đến rủ tôi đi chùa lễ Phật. Nghe đi chùa, vợ con tôi vui mừng thúc dục tôi. Thế rồi, chúng tôi cùng lên xe. Chẳng mấy chốc từ xa tôi đã thấy cờ Phật giáo phất phới bay trên nóc cao của một building lớn. Lòng thầm nghĩ rằng nơi đó có lẽ là chùa. Quả thật, đúng như tôi đoán, ba chữ Chùa Quang Minh màu đỏ tiếp tục lớn hiện ra trên mặt tiền của một building. Chúng tôi cho đậu xe rồi cùng bước vào chùa.

Đây là lần đầu tiên trên đất Mỹ tôi đến chùa. Chùa Quang Minh Chicago không giống như chùa ở quê nhà có vườn cây hoa lá. Nhưng chùa khá rộng và khang trang. Chúng tôi vào đúng lúc buổi lễ bắt đầu. Chánh điện phía sau còn nhiều chỗ trống. Tôi nghĩ lạ, tại sao ngày rằm tháng mười lại ít người về chùa. Nhưng khoảng 15 phút sau, tôi quay lại nhìn phía sau thì thấy người ngồi đầy chật chánh điện. Ừ, té ra người ta đi chùa, làm việc phước thiện ít sốt sắng hăng hái. Nhưng đi nhảy, đi coi hát, tiệc tùng thì lúc nào cũng đi đúng giờ khắc, nhiều khi đi trước giờ nữa là khác.

Thế thì bảo sao cuộc đời không đầy dẫy tội các phiền khổ.

Từ đó suy ngẫm, có lẽ người Việt mình vụng tu, nên phải chịu kiếp tha hương chăng?

Tôi đang miên man suy nghĩ, thì ba hồi chuông trống Bát Nhã chấm dứt, vị xướng ngôn viên kêu gọi mọi người trang nghiêm im lặng một phút để tưởng niệm những vị đã vì pháp vong thân, những anh hùng tử sĩ đã vì nước hy sinh và những đồng bào vì lý tưởng tự do mà đã bỏ mình trên khắp nẻo.

Ôi! Thật là giờ phút trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Dù sống ở đâu và phương trời nào, chúng ta cũng nhớ đến những người đã hy sinh để chúng ta được sống còn. Ý nghĩa này, lần đầu tiên sau sáu năm trên đất Mỹ, tôi thấy sống lại trong ngôi chùa. Ngôi chùa ôm ấp hồn dân tộc. Với lời giới thiệu chững chạc của bác xướng ngôn viên, tôi được biết vị thầy đang đứng nơi điện Phật trước mặt chúng tôi là Thượng Tọa Thích Đức Niệm. Cái tên nghe rất quen thuộc, từ mấy mươi năm trưóc, khi còn ở quê nhà, tôi đã từng nghe đến danh của Thượng Tọa Thích Đức Niệm, và nếu không lầm, thì tôi cũng đã từng đọc những bài của Thầy đăng trong các báo Bách Khoa và Thông Thiên Học Sàigòn. Trong khi tâm trí tôi đang miên man sống về những kỷ niệm của thời dĩ vãng nơi quê hương, thì giọng nói Thầy đĩnh đạc cất lên:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính thưa quý Phật tử và quý đồng hương … Và Thầy mở đầu bài thuyết pháp. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi chùa nghe thuyết pháp trên đất Mỹ. Lời giảng của Thầy thật trầm hùng bình dị thực tế, nhưng thật sâu sắc. Nếu nghiệm kỹ ra thì những lời giảng đó đem áp dụng vào đời sống sẽ đem lại kết quả hạnh phúc lợi ích vô cùng. Tôi còn nhớ một trong những đoạn của bài Thầy giảng hôm ấy, nay xin lược kể ra đây:

“… Sau thời 1963, tôi (tức Thầy Đức Niệm) đã có được phước duyên thường hầu cận Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết ở chùa Ấn Quang. Những lúc thanh thản tôi quạt hầu, Ngài kể cho tôi nghe những chuyện cung miếu triều vua và những chùa viện cùng các bậc cao tăng ở đất thần kinh cố đô Huế. Trong lúc đó, Ngài có kể một câu chuyện về ông quan tri huyện kiêu mạn tự cao như thế này:

Có một ông tri huyện hán học uyên thâm chữ viết rồng bay phượng múa, nhưng có cái tật cậy tài thông minh, ỷ mình con nhà quyền thế, nên tánh tình cao ngạo, manh tâm gian ác lấy việc hãm hại người làm thú vui đắc chí. Tuy có tài, nhưng thiếu phẩm hạnh, dù luồn cúi khắp phương, nhưng trên đường quan lộ, ông huyện không thăng tiến thêm được bước nào. Bạn bè ông huyện, tuy tài không bằng ông, họ lại cũng không phải xuất thân từ nhà quyền thế, nhưng ai nấy đều tiến thân, có người được dân chúng mến trọng.

Nhìn lại thân phận, ông huyện buồn đời, nên có ý muốn tìm nơi an ủi tâm hồn. Từ lâu, ông đã nghe nói đến kinh Kim Cang là bộ kinh ý nghĩa thâm thúy trong Phật giáo. Ông cũng đã nghe nói đến Lục Tổ Huệ Năng cũng nhờ câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ngộ đạo đắc Tổ. Ông huyện tự nhủ: Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, chỉ nhờ nghe một câu kinh Kim Cang mà ngộ đạo. Huống chi mình thâm nho bác học như thế này chắc phải thông suốt lý kinh đạt đạt đạo mau hơn.

Nghĩ vậy, ông huyện nhờ người tìm kinh, bắt đầu lập bàn thờ Phật, sớm hôm chuyên tụng kinh Kim Cang. Suốt gần 15 năm ông huyện trì tụng kinh Kim Cang không mấy khi bê trễ. Và cũng nhờ vậy mà ông vơi nhẹ đi tủi thân phiền muộn, vợ con người ở trong nhà cũng nhờ đó mà đỡ bớt bị ông cau có la rầy đay nghiến đánh mắng. Từ ấy, trong nhà vợ con ai nấy đều lấy làm mừng.

Vợ ông huyện thấy ông cũng đã hơn năm mươi tuổi, kinh kệ cũng nhiều năm, nên đã nhiều lần thừa lúc ông vui, bà huyện khuyên ông nên tìm thầy quy y để nương tựa tinh thần, tu học đạo cho mau có kết quả. Cứ mỗi lần bà huyện khuyên như vậy, là bị ông huyện gạt phăng: “Đàn bà biết gì. Bà có biết cả xứ Huế ni không có ông thầy nào thông hiểu kinh Kim Cang bằng tui. Tui còn dạy những ông thầy ấy được nữa là khác. Đâu có ông nào xứng đáng để cho tôi bái làm thầy cầu đạo. Tôi không cần quy y tăng. Tôi chỉ quy y Phật pháp nhị bảo mà thôi” Có đôi lúc bạn bè cũng khuyên ông huyện nên tìm bậc cao tăng theo lời Phật dạy để mà quy y Tam Bảo. Nhưng ông nói cười xã giao cám ơn lòng tốt của họ và từ chối khéo. Tánh tình ngạo mạn của ông huyện ngày một đồn lan xa.

Để cảm hóa người sa cơ vào đường tội lỗi vì mạn tâm khinh tăng, Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết vốn là bậc cao tăng trụ trì chùa Tường Vân Huế. Ngài là bậc cao tăng đức trọng được trong từ vua cho đến ngoài dân gian kính phục. Ngài đến nhà ông huyện thăm, nhằm lúc ông huyện đang bận tụng kinh Kim Cang, miệng tụng đọc theo tiếng chuông mõ gõ đều. Đức Tăng Thống lặng lẽ đứng phía sau cửa nhìn nghe thấy tiếng chuông mõ của ông huyện, Ngài lắc đầu thầm than: Chưa được! Chưa được!

Bà huyện thấy thế chấp tay kính cẩn thưa : Bạch Ôn, như thế nào?

Đức Tăng Thống lại lắc đầu nói: Chưa được! Chưa được!

Bà huyện không hiểu ất giáp gì, chỉ biết thành tâm chấp tay thưa: Xin thỉnh Ôn ngồi chứng nước. Chút nữa ông nhà con tụng kinh xong ra hầu Ôn.

Đức Tăng Thống lắc đầu: Chưa được! Chưa được! Thôi, tôi xin cáo từ. Xin gửi lời thăm ông huyện.

Khi ông huyện tụng kinh xong, bà huyện kể lại đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra. Ông huyện nổi cơn thịnh nộ lôi đình nạt bà huyện, rồi to tiếng quát: Ông Thầy Tường Vân này dám nói ta tụng kinh chưa được. Dám cả gan thật! Hôm nay để ông thầy này biết tay ta! Ông huyện giận dữ vội vã kêu người hầu gọi xe đưa ông lên chùa gấp để gặp Hòa Thượng Tăng Thống ăn thua đủ một phen. Thấy ông huyện quá nóng, sợ sẻ xảy ra việc không hay, nên bà huyện khúm núm đến chấp tay bái xá ông huyện lia lịa miệng khẩn nài: Tôi van xin ông! Việc có chi nà! Việ đâu còn đó! Nhưng bị ông huyện dùng tay hất mạnh làm bà phải văng ra xiểng liểng suýt té nhào xuống bực thềm tam cấp. Ông hấp tấp lên xe, không ngớt thúc dục người đánh xe chạy gấp gấp.

Vừa đến cửa chùa, ông huyện vội nhảy phóc xuống xe, xông thẳng vào chùa, miệng quát to: Có ông thầy Tường Vân ở chùa không? – Nghe có tiếng quát lớn, chú điệu liền chạy ra chắp tay: A Di Đà Phật, bẩm ông có việc chi cần gấp?

Ông huyện lớn tiếng nạt: Phật Phật gì? Có thầy mi ở chùa không, bảo có quan huyện đến cần việc gấp. Mau lên!

Thấy thái độ giận dữ của ông huyện, chú điệu hoảng hốt vội chạy thẳng vào liêu phòng thỉnh bạch Đức Tăng Thống.

Ngài chậm rãi khoan thai bước ra. Ông huyện vừa thấy Đức Tăng Thống, cơn thịnh nộ cực độ liền chỉ tay lớn tiếng hằn học:

– Vừa rồi thầy đến nhà tôi, nói tôi tụng kinh chưa được, có phải thế không?

– Mô Phật đúng thế.

– Tại sao chưa được, nói, nói mau?

– Mô Phật! Nếu đã được thì quan huyện đâu cần phải gấp rút đến tìm tôi như thế này? Nơi cửa Phật thanh tịnh, quan huyện đã thấy lòng mình được thanh tịnh chưa? Bình thản vô sở trụ chưa?

Trước phong thái bình thản an nhiên uy nghiêm từ hòa của Đức Tăng Thống, ông huyện lại càng thêm bực tức.
Đức Tăng Thống từ hòa nói: Kinh dạy vô nhơn, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả! Vừa nghe Đức Tăng Thống nói đến câu này, ông Huyện như tỉnh ngộ, hổ thẹn xá chào, quỳ xụp lạy, rồi xin kiếu lui.

Về sau, khi ông huyện chết, mắt mở trân tráo, máu miệng trào ra, thân xác bị hành hạ dẫy dụa đau đớn vô cùng, không làm cách nào hết được. Người nhà phải thỉnh Đức Tăng Thống đến tụng kinh khấn nguyện, ông huyện mới nhắm mắt êm ái trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt!

Kết luận câu chuyện trên, Thượng Tọa Đức Niệm nói: Tài trí mà không đạo đức chẳng khác nào con dao bén nhọn trong tay kẻ trộm cướp. Người tu học Phật chỉ biết chú trọng hình thức tụng kinh hay, lý thuyết giỏi, mà tâm tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, không đoạn trừ thì chẳng khác nào nấu cát thành cơm, con dao trong tay kẻ ác. Nếu kẻ vào chùa mà không thật lòng tu tâm dưỡng tánh lại ý đồ lợi danh, thì chùa luôn luôn bị xáo trộn, thì chậm mau gì rồi cũng sẽ phải nhận lấy quả báo đau thương đen tối đời này và đời sau.

“Tham sân tật xấu không chừa,
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì?”

Xuyên tạc chùa chiền, mạ nhục Tăng bảo, lợi dụng chiếc áo Phật, có tâm phá hoại người, thì nhất định không tránh khỏi quả báo đen tối. Bà Hy Thị vợ vua Lương Võ Đế xem thường Tăng mà làm thân mãng xà. Anh em Ngô Đình Diệm vì độc ác khinh chê phá Phật Pháp mà mạng họa đớn đau.

“Ngày xưa quả báo còn lâu,
Ngày nay quả báo bất câu nhãn tiền”.

Cổ đức dạy: “Người ác hại người hiền như ngửa mặt lên trời phun nước miếng. Nước miếng chưa đến trời thì đã rơi vào mặt mình”. Người Phật tử nên sống chân thành, tu hạnh hỷ xả, cùng nhau lo cho chùa cho đạo để vun bồi cội phước. “Nhứt nhựt tại thiền, nhứt niên tại ngoại”. Nghĩa là: Người ở chùa chơn chánh tu hành bằng người ở ngoài đời tu một năm.

Để kết luận bài giảng rằm tháng mười hôm ấy, Thượng Tọa Đức Niệm nói: Tất cả mọi người không phân biệt thân sơ, có việc gì cần sự giúp đỡ của nhà chùa xin cho chùa hay, thầy trải rộng lòng thương tuỳ khả năng chân tình đáp ứng. Chúng ta mất hết tất cả, chỉ còn niềm tin và tình thương, nên đùm bọc lấy nhau, tình con Phật từ bi trong tình đồng bào ruột thịt, nên thông cảm gắn bó nhau trong những ngày còn sống tha hương.

Người Phật tử chớ nên để lợi danh khuynh đảo, chớ nên vì sự bất đồng ý kiến mà đố kỵ hận thù để rồi tạo cho nhau đau lòng phiền khổ. Cổ đức dạy: “Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”. Là đệ tử Phật, học theo tâm hạnh Phật, tập sống đời vị tha hỷ xả:

Người có lỗi lầm ta thứ tha,
Khoan dung đại độ tánh ôn hòa,
Đã không buồn tức mà yên tĩnh,
Mở rộng lòng thương sống vị tha.

* * *
Ta oán giận người, người không đau
Mà tâm ta nổi sóng ba đào
Nhiều đêm buồn tức, ta không ngủ
Ta tự giam mình giữa vực sâu.

Xin qúy vị hãy về đây hòa vui trong ánh đạo từ bi, để cùng nhau xây dựng ngôi chùa làm nơi gửi gắm tâm hồn. Xin qúy vị hãy về đây đáp tiếng gọi của Đức Thích Ca Mâu Ni, để cùng xiết chặt tay nhau duy trì phát triển niềm tin truyền thống đạo nhiệm mầu của tổ tiên dân tộc. Xin quý vị hãy về đây trong tình thầy trò huynh đệ, trong tình con Phật vị tha, để cùng chia xẻ cho nhau nổi vui buồn ngõ hầu xây dựng đời sống hạnh phúc, nung đúc ý chí, chờ ngày quang phục tổ quốc Việt Nam thân yêu:

Dù cho giông tố bão bùng,
Quê hương còn vững tượng đồng Thích Ca,
À ơi! Bến cũ cây đa,
Ngôi chùa còn đó thì ta còn mình.

Trân trọng kính chào và cảm ơn liệt quý vị.