Một ngày hay một đời?

Thích Pháp Lạc

1. Cả một đời vì con:

Như dòng suối ngọt ngào, từ trên cao chảy xuống, nuôi lớn bao ruộng đồng, rồi nhẹ xuôi ra biển, thầm lặng. Cũng thế, tình yêu thương của mẹ, đức nghiêm từ của cha, cả một đời cho con, không bao giờ ngưng nghỉ, lắng sâu:

“Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi,
Tình thương có ngừng chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”.

Kinh Vu Lan dạy thật cảm động, nhắc cho người thức tỉnh trọng ân. Bao văn chương, bao nhạc thơ ca ngợi ân sinh thành biết mấy cho xong! Chỉ có thể nói rằng, trót sinh ra trong cuộc đời này, ai cũng phải bẩm thụ từ tinh cha huyết mẹ mà hợp thành người. Lại thêm nghiệp dĩ đẩy đưa, tương quan nhân duyên ràng buộc, mà hội tụ đến với nhau trong một gia đình, quyến thuộc. Trong tương hệ gia thân quyến thuộc, cha mẹ là người thân nhất, ta mang nặng ân tình nhất. Con là khúc ruột của mẹ, con từ máu thịt mẹ ra. Công lao còn có thể nói nhiều hay ít, nhưng cái tình thầm lặng của mẹ thì ai tả được không! Âm thầm chịu đựng, dẫu trong hoàn cảnh đau thương. Lặng lẽ hy sinh, dẫu mình sống trong nước mắt. Con có thế nào chăng nữa, mẹ cũng mong con thành người. Con ở nơi đâu về đâu, lòng mẹ vẫn hoài mong nhớ. Nếu con rơi vào hoạn nạn, mẹ ngồi đau buốt tim gan, đứng ngồi không yên, mẹ sống bằng nước mắt khổ đau:

“Có những lần ngay trong bữa ăn
Mẹ bưng cơm nghẹn ngào không nuốt được
Cứ như vậy, cơm chan với nước mắt
Cơm nhạt nhẽo, hòa nước mắt mặn mà
Và từ đây ngậm ngùi trong đau khổ.” (HKT)

Có lẽ, những ai biết làm cha, những ai từng làm mẹ mới thấm thía niềm thương mà ngày xưa cha mẹ đã dành cho mình. Lịch sử Phật giáo còn ghi, câu chuyện Thái tử A-xà-thế bất hiếu bất mục, muốn chiếm ngôi vua nên hãm hại cha mình, đày cha vào ngục tối, muốn cha đói lạnh đến chết. Nhưng rồi, ông chợt thức tỉnh, bởi cảm giác sung sướng rúng động khi đứa con đầu tiên chào đời. Bao nhiêu niềm thương mong đợi, tràn ngập lòng ông, khi nghe tiếng con khóc chào đời. Cảm giác hạnh phúc khi được làm cha, đánh thức trong ông một ý niệm:
“Không biết ngày xưa cha mình có được cảm giác sung sướng lạ thường và thương con như mình không nữa?”
Ông cứ tưởng như chỉ riêng ông mới biết thương con mình đến vậy, nên vội vàng chạy tìm mẹ ông để hỏi. Mới biết rằng cha ông là người rất mực thương con, và mãi đến khi sắp trút hơi thở cuối cùng trong ngục, cha ông vẫn gọi tên và cầu nguyện cho con được an lành và biết quay về nẻo chánh. Đau thương, hối hận tràn về, lòng ông trĩu nặng, chạy vào ngục tối tìm cha. Nhưng ôi thôi đã muộn màng, ăn năn làm sao kịp nữa! Vị vua đức độ Tần-bà-sa-la đã trút hơi thở cuối cùng, sau bao ngày bị hành hạ dã man trong ngục.
Đời người lắm lúc cũng vậy, thấu hiểu sự thật thì đà quá muộn. Sống, nếu không ý thức để tạo nhân tố tốt đẹp cho nhau, thì rồi cũng dễ trở thành oan gia, cừu đối. Ân sâu nghĩa nặng như cha mẹ, ruột thịt tình thâm như mẹ cha, nếu mình không thương không quý, thì ai là người để mình thương chân thật? Chân tình phát xuất từ lòng trung thành, hiếu niệm.
Cả một đời cha mẹ vì con, thương lo tạo dựng cho con nên người, nhưng ngược lại người ta vẫn nói “một ngày cho Mẹ” mà thôi.

2. Chỉ một ngày cho Mẹ:

Người Tây phương cũng có một ngày lễ về mẹ, một ngày về cha. Việt Nam lấy ngày lễ Vu Lan rằm tháng bảy làm ngày báo ân cha mẹ. Ngày nay, ngày rằm tháng bảy không còn riêng cho những người theo Phật mới làm lễ báo ân, mà dường như tất cả mọi người đều xem ngày đó là Ngày Cho Mẹ và đều có thể đến chùa lễ Phật cầu nguyện cho cha mẹ. Nhưng phải chăng, chỉ có ngày Vu Lan người con Phật mới nghĩ về hai đấng sinh thành? Chỉ có đợi đến ngày ấy mới làm điều gì đó để gọi là báo đáp thâm ân? Cái ân, cái tình canh cánh bên con suốt đời như vậy, sao có thể nói một ngày hay một mùa mà có thể trả? Cả một đời người, âu cũng chưa thể trả xong. Nhưng dù sao, trong vòng quay tất bật của cuộc sống, bao người con phải lao theo với công việc, với sự nghiệp, với hưởng thụ vật chất, mà quên đi tình sâu nghĩa nặng của mẹ già lặng lẽ, đơn côi. Chỉ một ngày con biết nhớ đến mẹ, nghĩ đến mẹ, và làm một điều gì đó thể hiện mình biết thương mẹ thôi, là mẹ đã hạnh phúc nhiều lắm rồi. Chỉ cần một ngày biết dừng lại để nhớ đến những kỷ niệm và hoài mong của mẹ nơi mình thì con cũng đã có cơ hội sửa mình, khỏi phải lầm chân lạc bước trên đường đời. Chỉ một ngày con biết hiếu hạnh, là đã nhắc nhở con sống hướng thượng rồi đó. Một ngày, một ngày tiêu biểu, để nhắc nhở những người quên ân nghĩa, bạc ân tình. Một ngày tiêu biểu để phát huy tinh thần hiếu đạo tại thế gian.
Người con Phật không phải có một ngày, mà một đời cung phụng vật chất vẫn chưa gọi là đủ, phải trả bằng cách nào? Báo đáp bằng cách giúp cho cha mẹ có niềm vui về tinh thần, và hướng đến hạnh phúc thánh thiện. Chỉ bằng cách hướng thượng, hướng thiện, thì cha mẹ mới có được hạnh phúc vĩnh cữu. Kinh Tăng Chi Bộ I, Đức Phật dạy:

“Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, cung phụng cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các vị Tỳ kheo! Những ai đối với cha mẹ không có niềm tin thì khuyến khích cha mẹ có niềm tin vào Tam Bảo. Đối với cha mẹ theo ác pháp, thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ đi vào thiện pháp.”

Với tinh thần vừa chăm lo về vật chất, vừa phụng sự tinh thần như vậy mới có thể gọi là báo đáp ân tình song thân. Tinh thần hiếu đạo kinh điển dạy thật nhiều, nhưng nếu một năm không có được một ngày để nhắc nhủ, để khơi dậy, để phát huy lên, thì âu cũng dễ bị đi vào quên lãng. Nếu con người sống mà lãng quên và mai một hẳn đi hiếu nghĩa, thì cũng sẽ không còn thứ tình nghĩa nào giá trị trên cõi đời. Bởi rằng, tình thương yêu chân thực cũng phát xuất từ tình thương mẹ cha. Sự trung trinh chung thủy cũng phát xuất từ con người biết ân biết nghĩa. Và, lòng bao dung đại lượng cũng phát tiết từ sự hy sinh và tha thứ ngay trong tình thân ruột thịt trước tiên.

Vậy thì, một ngày cho mẹ đã là đáng quý. Một mùa Vu Lan cũng đã là một hồi chuông, gióng lên, thức tỉnh cho những tâm hồn lầm đường lạc lối, ham bôn ba trong những chốn phồn hoa hưởng thụ, và càng thúc đẩy hơn cho những người con hiếu nghĩa. Vu Lan cũng là dịp cho những ai không còn may mắn “có mẹ” có cơ hội thực hiện ân tình mà khi cha mẹ còn sống, họ chưa làm được, hoặc còn thiếu sót:

“Chắp tay lạy mẹ trăm lần
Tha cho con mọi lỗi lầm mẹ ơi
Bàn thờ hương cháy lên rồi
Mẹ là ngọn lửa suốt đời bên con.”

3. Ai còn có Mẹ bên đời

May mắn thay cho những ai còn có mẹ! Càng may mắn thay cho những ai biết thương quý mẹ cha! Người biết trân quý tình thân là người có nhiều hạnh phúc. Chỉ sợ rằng không thương nhau, oán giận nhau mà phải chung sống với nhau thì dễ va chạm và dễ gây ra phiền não “oán tắng hội khổ”. Hiếu thảo xem như việc đánh răng. Trân quí và chăm sóc hàm răng mỗi ngày chứ không để một lúc nào đó răng hư, đau nhức mới nhận ra mình bất hạnh. Lúc ấy, ôm hàm đau mới ước mong mình được bình thường như bao nhiêu người khác. Những ai có tình thương và biết cảm nhận tình thương từ cha mẹ, thì người đó được gọi là may mắn, là người biết cảm nhận hạnh phúc ngay khi mình đang có hàm răng bình thường, tốt đẹp. Chi bằng, ngay trong hiện tại, chúng ta mang ý thức giữ gìn và cảm nhận chúng ta đang có hàm răng đẹp, đang còn mẹ, còn có cơ hội làm người vui, để mai này chúng ta bớt đi niềm hối hận.
Biết bao nhiêu người trong chúng ta sống bên cha mẹ bao nhiêu năm, nhưng chưa từng có ý niệm muốn làm cho cha mẹ hạnh phúc. Thậm chí có người, trong vòng tay bao dung lo toan của mẹ, tính nghiêm từ huấn luyện của cha, người con lại không hề thấu hiểu, để rồi chỉ đem cá tính bướng bỉnh, giận hờn của mình mà làm khổ cha mẹ thật nhiều. Rồi một ngày nào đó xa mẹ, giật mình ăn năn, thì ôi thôi đã quá muộn màng, hối tiếc khóc lóc khi cơ hội không còn. Cho nên:

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con”.

4. Những cái giật mình trên phố:

Nhớ lại ngày nào đi học, những lần đang đi trên phố, những con đường chật hẹp ở Việt Nam, chúng ta phải dừng xe đứng lại, rồi giở nón ra lặng chào, một đoàn xe tang đi qua. Bỗng đâu, cảm thót giật mình, bởi bóng hình ai sao tựa giống mẹ mình. Chao ôi, vẫn biết rằng hình bóng kia là của người khác lạ, sao vẫn cứ bâng khuâng suy nghĩ, thấy lòng nặng trĩu. Âu lo một ngày kia, những dòng nước mắt tiễn đưa, cũng sẽ đến với mình, mình sẽ ra sao?!? Suốt đoạn đường đến trường, tâm tư toàn hình bóng mẹ. Tóc mẹ phủ màu sương, sương thấm lạnh vào tim con. Bỗng đâu, mùa xuân trở nên buồn tênh, trong lòng vọng lên câu hát:

“Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần.”

Dòng thời gian vẫn lạnh lùng trôi, dẫu chúng ta có ý thức được hay không. Và, mỗi một mùa xuân đến cho con trưởng thành với đời, thì cũng là khi tuổi mẹ đi về phía xế bóng hoàng hôn. Ai chợt nhận ra, ai từng quên lãng? Mẹ vẫn lặng lẽ đi về. Sao chúng ta không nhìn ra những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà kia? Tia nắng như nhắn nhủ cho chúng ta biết mình còn có mẹ, mình còn có thời gian để có thể làm những điều chưa làm xong vậy. Những tháng ngày tuổi già, mẹ cần con lắm, con cho một, mẹ cảm nhận được mười. Không muộn!

“Con sẽ không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc.
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con sẽ không đợi một ngày kia
Có người cài lên áo con một bông hồng màu trắng
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ.
Mỗi ngày đi qua là đang cài cho con một bông hồng.” (Đỗ T. Quân)