Vu Lan – Bao nỗi tơ vương

Thích Minh Thuần

Mỗi độ gió thu về
Réo rắc lá thu rơi
Vu Lan sầu man mác
Ôi! nhớ mẹ không nguôi.

Giáo lý của Đức Thế Tôn không những là phương châm hành động cho hàng xuất gia, để đi đến con đường giác ngộ, mà còn phổ cập cho tất cả mọi người, mọi đẳng cấp, không phân biệt, từ thứ dân cho đến vua quan đều có thể thấy được giá trị lợi ích thiết thực cho tự thân, cho cuộc sống. Có thể nói Kinh Vu Lan là một thí dụ điển hình nhất và là một phương pháp giáo dục đến tư cách của một con người trong xã hội cần phải có, cơ bản nhất là đạo đức, một con người dù cao sang quyền quý, nhưng thiếu đạo đức thì chưa hẳn là tòan diện, một xã hội hay một quốc gia thiếu đạo đức thì nhiều tệ nạn xã hội sẽ xảy ra.
Bài kinh được xây dựng trên nền tảng hiếu đạo, xuyên suốt bài kinh được đề cập đến công lao cha mẹ, qua đó mọi người ý thức được bổn phận làm con của mình để làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ, mà đỉnh cao là tinh thần tri ân và báo ân.
Người xưa bảo:
“Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận, hiếu cảm đến đất thì vạn vật xanh tươi”.
Có thể hiểu ở đây là đất nước và môi trường sống. Bởi vì con người có hiếu đạo thì gia đình trên hòa dưới thuận, xã hôi văn minh, họ là gương sáng cho mọi người xung quanh, không khí an lành luôn bao phủ họ, nhìn vào đó người ta có cảm nhận như sống trong sự yêu thương hạnh phúc, bằng trái lại thì bầu không khí luôn ngột ngạt, với những cảm giác khó chịu… và chính họ đã góp phần cho cuộc sống được bình yên thì dân chúng được an cư lạc nghiệp, dành thời gian cho những nhu cầu khác.
Muốn cho con có được hiếu đạo thì trách nhiệm ở đây thuộc về cha mẹ. Sanh con ra không phải chỉ lo cho con cái ăn cái mặc, mà còn phải chắp cho con những đôi cánh tri thức vào đời, qua đó con mình mới có được sự nhận thức đúng sai, việc nào cần làm và không cần, đồng thời còn biết tạo điều kiện cho con phát triển tài năng và giúp cho con thành tựu được sự nghiệp.
Chuyện kể Mạnh Mẫu đã nhiều lần đổi chỗ ở vì sợ Mạnh Tử nhiễm vào môi trường xấu, và kết quả Mạnh Tử được làm quan, và là một trong Thập nhị tứ hiếu. Vấn đề này được Đức Phật xác nhận là cha mẹ phải có trách nhiệm đối với con có 5 điều:
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con :

1. Ngăn con đừng để làm ác.
2. Chỉ bày những điều ngay lành.
3. Thương yêu đến tận xương tủy.
4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.
5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng. (Kinh Thiện Sanh, T.A.Hàm).

Tổ tiên chúng ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ” đây là một kinh nghiệm sống được đúc kết qua bao thế hệ truyền thừa, trở thành một truyền thống tốt đẹp và cao quý, bên cạnh đó cha mẹ cũng thể hiện cuộc sống hiếu đạo của mình đối với người trên. Đây cũng là một bài học thiếc thực sống động để làm gương sáng và có sức tác động trực tiếp cho con noi theo. Người xưa dạy:

Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì hoài công

Hay ấn tượng hơn qua hình ảnh ẩn dụ của những giọt nước trước sau:

Hiếu thuận sanh ra con hiếu thuận
Ngỗ nghịch thì con có khác chi
Xem thử trước thềm mưa xối nước
Giọt sau giọt trước chẳng sai gì

Nhờ có một nền tảng giáo dục luân lý đạo đức đặt trên cơ sở hiếu đạo như vậy thì tự thân con người đã tô điểm thêm nét son vàng vào truyền thống của gia đình của đất nước, và Đức Phật tán thán:

Làm người hiếu nghĩa đi đầu
Hiếu cha hiếu mẹ việc gì không xong.
Người tu theo thường pháp
Nuôi dưỡng mẹ và cha
Chính do công hạnh này
Mà các bậc hiền thánh
Trong đời thường tán thán
Khi chết được sanh thiên
Hưởng an lạc thù thắng”
(Kinh Tương Ưng IB. 203)

Có câu chuyện rất cảm động:
Một bà mẹ nghèo nhưng cũng cố lo cho con ăn học. Khi vào đại học thì nhu cầu cung cấp tiền bạc càng cao, nhưng người mẹ vẫn tảo tần hôm sớm để lo cho con, lúc đầu con học rất tốt, sau do theo bạn xấu mà người con vướng vào con đường nghiện hút, người con thường dối mẹ xin tiền cho là để đóng học phí. Mãi đến khi người mẹ nhận được giấy báo đuổi học của nhà trường, người mẹ bàng hòang tưởng như đất trời sụp đổ. Người mẹ đem con về nhà và mua một sợi dây xích tự tay xiềng đứa con lại mà ruột đau như cắt, mỗi khi nhìn đứa con lên cơn nghiện mà lòng nát tan, bà suy nghĩ do bởi mình chỉ biết cung cấp mà thiếu đi sự quan tâm, bà tự tay mang cơm nước cho con, chờ con ăn xong bà mới ra ngoài, mỗi khi con lên cơn nghiện bà vuốt ve an ủi động viên, bà đã cho con cả tình thương yêu và nghị lực, việc làm kéo dài đến 3 năm, bà đã giành đứa con của mình từ vũng lầy tăm tối trở về vòng tay thương yêu của mình, và sau đó người con được vào trường học với sự giám sát thương yêu của mẹ, người con đã thành đạt và có địa vị trong xã hội. Thật là:

Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người ta phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Và Đức Phật đã dạy cho chàng cư sĩ Thiện Sanh về phương pháp báo hiếu: “Này Thiện Sinh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm?

1. Cung phụng không để thiếu thốn.
2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.
3. Không trái điều cha mẹ làm.
4. Không trái điều cha mẹ dạy.
5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm. (Kinh Thiên Sanh T.A.Hàm).

Chúng ta phải biết rằng cha mẹ thương con không chỉ là trách nhiệm mà bằng cả tình thương vô bờ bến, ví như nhịp đập của con tim làm sự tuần hoàn nuôi thân thể, đập mãi để rồi đến khi không còn đập nữa…. Núi cao nhưng không cao. Biển rộng nhưng không rộng, vì núi và biển còn có giới hạn còn có thể đo được, nhưng tình thương của cha mẹ thì vô ngần, không sao đo đong đếm được.

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để mẹ buồn mẹ khổ nghe không?

Quả thật đời mẹ là những chuỗi dài đau khổ, nếu cho rằng có định mệnh, thì khi mới sanh ra, định mệnh đã ban cho mẹ chúng ta một chiếc áo và chiếc áo đó được vá bằng những mãnh đời cơ cực, cho nên suốt đời mẹ phải lận đận vì con….. có thể nói mẹ là trái tim, là buồng phổi trong lành cho con bao sự sống. Ai đó bảo rằng tất cả các kỳ quan của nhân loại cũng không bằng hình ảnh của người mẹ. Thật vậy, mẹ là một kỳ quan trong tất cả các kỳ quan, vì các kỳ quan có đẹp, có hùng vĩ đến đâu thì cũng không có trái tim, không sự sống, không có đức tính hy sinh, nhưng mẹ có thể chết để cho con sự sống… cảm nhận được điều này có nhà thơ đã thốt lên:

Ngôn ngữ trần gian là túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ ơi…
Và:

Ôi ! Chiếc lưng của mẹ
Đã còm bởi thương đau
Ôi ! Cuộc đời của mẹ
Trăm năm nối chuyện sầu …

Do đó khi cha mẹ còn tại thế những người con phải biết tri ân và báo ân, báo ân không phải qua hình thức giàu có mới thực hiện được mà người nghèo không làm được, mà chỉ ở tấm lòng hiểu và sự hiểu biết bao sự cơ hàn khốn khổ, hy sinh cả một đời vì con:

Dây bầu dây mướp cùng leo
Sớm nuôi cha mẹ giàu nghèo sá chi

Báo hiếu cha mẹ bằng sự nhận thức sâu sắc tình thương không bờ bến, một thứ tình thương mà người ta bảo đó là thiêng liêng không diễn đạt, không bằng sự cảm nhận của mẹ cho và con nhận, mà bằng sự gắn liền trái tim của mẹ vào trái tim của con, cho nên mỗi khi con đau ốm thì mẹ đứng ngồi không yên, nỗi đau của con chính là nỗi đau của mẹ, như vậy mẹ cho chúng ta không những là tình thương yêu mà còn thêm sự sống:

Một đời vốn liếng mẹ trao
Mẹ cho tất cả mẹ nào giữ riêng
Mẹ hiền như một bà tiên
Mẹ theo con suốt hành trình con đi

Để rồi đến khi cha mẹ qua đời có muốn báo đền cũng không còn có cơ hội. Hãy sống với tình thương cao quý mà mọi thứ trên đời cũng không có gì sánh bằng, vì khi lớn lên chúng ta còn có cuộc sống riêng, có bổn phận riêng, cho nên điều kiện sống gần bên mẹ cũng không còn, mỗi con người còn có bao nhiêu sự lo toan khác, nhất là cơm gạo, bạc tiền, càng ngày chúng ta càng xa cha mẹ để rồi một ngày nào đó ngậm ngùi tiếc thương:

Cho tôi sống lại tuổi nằm nôi,
Tuổi chập chững đi, chập chững ngồi
Tuổi được sống trong vòng tay Mẹ
Để bầu sữa mãi ấm vành môi

Hạnh phúc nhất là khi còn cha mẹ, do đó mỗi con người chớ thờ ơ và xem đó là hiện tượng bình thường trong cuộc sống, là sự trả vay luân chuyển, là nhiệm vụ của mỗi con người sống trong cuộc đời. Ông bà sanh cha mẹ, cha mẹ sanh con, nên phải lo cho con là lẽ tất nhiên. Đó không phải là bản năng của con người, mà đó là một hiện tượng bệnh họan, vô trách nhiệm và không bổn phận, người xưa bảo hạng người đó có sống như đã chết.
Đức Phật dạy:
“ Trên đời này dù là nhà cửa ruộng vườn, tiền tài danh vọng, thậm chí là ngôi vị đế vương khi mất đi còn có thể kiếm lại được, nhưng một khi cha mẹ mất rồi muôn đời không tìm được” (Kinh Tâm Địa Quán)
Cho nên chúng ta cần phải có nhận thức về điều này, và thể hiện bằng hành động thiết thực, để không còn:

Ai có mẹ là có tàng bóng mát Ngày anh về còn có mái ấm chở che Em không mẹ em đi cùng trời cuối đất Suốt một đời nắng lửa chói chang…

Cuộc đời vốn dĩ vô thường sáng còn tối mất, bãi biển nương dâu, nay đây mai đó, để rồi khi xa quê hương, những người con hiếu đạo canh cánh bên lòng không có điều kiện về thăm cha mẹ, vì xa xôi cách trở vạn dặm trùng dương chỉ biết dõi mắt về quê, để mà nhớ mà thương, xót xa chạnh lòng:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ cha nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Chiều chiều ra đứng ngỏ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau như dần

Hay là: Nhìn vào đêm tối mông lung,
Khát khao tìm lại hình dung mẹ hiền,
Một trời thương nhớ xây thành,
Mây buồn tóc rối giữa vành tang thương
Cánh chim bàng bạc kêu sương,
Đóa hồng rũ cánh lòng vương vấn sầu….

Ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên được xem là gương sáng cho nhân lọai, về hạnh hiếu và được Đức Phật khen ngợi tán thán, vì khi tu hành đắc đạo, nghĩ đến công lao sanh thành dưỡng dục, liền vận dụng thần lực xem mẹ đã đọa sanh vào cõi nào trong tam giới. Ngài vô cùng đau khổ khi biết mẹ đọa vào ác đạo vì khi còn sanh tiền đã tạo bao điều ác nghiệp, tự tay Ngài đem cơm cho mẹ ăn, nhưng không ăn được vì lòng tham lam bỏn xẻn. Ngài trở về xin Phật chỉ dạy phương pháp để cứu độ mẹ mình, và Đức Phật chỉ bày cho phương pháp tri ân và báo ân, do vậy ngày đó không chỉ bà Thanh Đề được siêu độ mà cả những người xung quanh cũng được thừa ân công đức.
Bà Thanh Đề tạo nhiều ác pháp, sau khi chết đi phải chịu nhiều đau khổ là lẽ tất nhiên, nhưng dù sao bà cũng còn được diễm phúc qúa lớn là có được người con tu hành đắc đạo. Còn mẹ chúng ta thì sao? Mình có đắc đạo để cứu mẹ không? Nghĩ đến sao không chạnh lòng, bao nỗi ưu tư, bao điều còn vương vấn… thôi thì:

Chắp tay niệm Phật Thích-ca
Cầu cho cha mẹ kết hoa liên đài
Về cảnh Phật thấy hoa khai
Trầm luân chấm dứt, đáo lai Niết-Bàn

Mùa Vu Lan thắng hội lại trở về, như ngọn gió xuân ấm áp sưởi ấm bao tấm lòng con trẻ với những ai còn mẹ, nhưng là mùa thu với bao chiếc lá vàng rơi rụng, lá đã lìa cành, và lá sẽ úa vàng, gợi thêm bao nỗi buồn nhớ thương man mác với ai không còn mẹ…. Trăng đã lặn và sao đã rơi…. Bầu trời càng âm u, những bước chân nặng nề kéo dài trong đêm tối cho những trẻ mồ côi, những mãnh đời bất hạnh….
Và cũng mong rằng suối nguồn tình thương của mẹ sẽ chảy mãi không ngừng, sẽ thấm vào những trái tim còn băng giá, để họ biết rằng trên thế gian này còn có một thứ tình thương không bờ bến, một vòng tay ấm áp chở che, còn có một hương vị không thể mua được bằng tiền…