LUẬN TỲ BÀ SA
Tác giả: A-la-hán Thi Đà Bàn Ni
Hán dịch: Đời Phù Tần, Tam tạng Tăng Già Bạt Trừng, Người nước Kế-tân
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Phần Thứ Bốn Mươi Mốt: XỨ CỦA TRUNG ẤM

(Xuất xứ: Kiền-độ kiết sử, Phẩm Nhân của A-tỳ-đàm)

Trung ấm:

Hỏi: Vì sao tạo ra phần luận này?

Đáp: Vì để dứt bỏ ý người khác, nên soạn ra phần luận này,

Hoặc có thuyết nói: Vì muốn có Trung ấm. Hoặc có thuyết nói: Vì muốn không có Trung ấm. Phái Tỳ-bà-xà-bà-đề muốn cho không có Trung ấm. Phái Dục-đa-bà-đề muốn cho có Trung ấm.

Hỏi: Phái Tỳ-bà-xà-bà-đề vì sao ý muốn cho không có Trung ấm?

Đáp: Vì ông ta theo Khế kinh của Phật, muốn cho không có Trung ấm: Năm tội Vô gián đã gây ra rồi, tăng trưởng không đứt quãng, tất nhiên đọa vào địa ngục. Nếu vì không đứt quãng, sẽ đọa vào địa ngục, cho nên không có Trung ấm, như Khế kinh nói kệ:

Mạng căn Phạm chí hết

Chưa đến chỗ Diêm vương

Giữa không có chỗ dừng

Phải qua, không thể bỏ.

Nếu giữa không có chỗ dừng, thì không có Trung ấm. Lại nữa, nói việc thế tục thí dụ, như tia sáng, như bóng, không có trung gian. Cũng thế, khi qua đời, nếu sinh không có Trung gian, vì dùng Khế kinh này để chứng minh, nên phái Tỳ-bà-xà-bà-đề nói không có Trung ấm.

Hỏi: Phái Dục-đa-bà-đề vì sao ý muốn cho có Trung ấm?

Đáp: Vì từ Khế kinh khởi, muốn cho có Trung ấm. Ông ấy nói: Trong Khế kinh của Đức Thế Tôn nói: Vì ba việc kết hợp, nên vào trong thai mẹ: cha, mẹ giao hội nhau, hoặc thời gian đầy đủ có khả năng nhận lãnh trách nhiệm làm mẹ, hương ấm đã đến. Nếu hương ấm đến, thì có Trung ấm.

Khế kinh khác nói năm A-na-hàm: Trung bát Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn, Hành bát Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn, Thượng lưu đến A-ca-nị-tra.

Nếu nói Trung bát Niết-bàn, thì có Trung ấm. Khế kinh khác nói: Phạm chí Bà-tha đến chỗ Thế Tôn hỏi: Cù-đàm! Nếu lúc ấy, bỏ thân này rồi, trong khi chưa đến chỗ khác, chúng sinh phải theo sự vận hành của ý. Này Cù-đàm! Bấy giờ, chúng sinh này sẽ nương vào thọ mà trụ ở đâu? Sa-môn Cù-đàm vì chúng sinh kia nói nương vào thọ mà trụ ở đâu?

Đức Thế Tôn nói: Bà-tha! Nếu vào lúc này, bỏ thân này rồi, lúc chưa sinh chỗ khác, chúng sinh theo sự vận hành của ý. Bà-tha! Ngay bấy giờ, chúng sinh kia đã dựa vào thọ mà trụ trong ái. Ta nói chúng sinh kia dựa vào thọ ái mà trụ.

Nếu nói chúng sinh bỏ thân này rồi, chưa sinh vào nơi khác, chúng sinh theo ý vận hành, cho nên có Trung ấm.

Lại nói đến việc này, nhằm hỏi vặn, nêu vấn nạn: Nếu nói không có Trung ấm, nghĩa là có người từ châu Diêm-phù-đề, sau đó sinh ở châu Uất-đơn-việt, là người ấy đã dứt bỏ cõi này, trong cõi kia chưa có mà có. Nếu như vậy, lẽ ra không có pháp mà có, đừng nói là có lỗi, cho nên có Trung ấm.

Như thế, một thuyết, như thế, hai thuyết, chỉ nói có Trung ấm là tốt.

Hỏi: Nếu có Trung ấm, thì với thuyết của phái Dục-đa-bà-đề này làm sao hiểu được? Thuyết của phái Tỳ-bà-xà-bà-đề đã nói là lấy Khế kinh làm chứng phải không?

Đáp: Chứng cứ của Khế kinh này có ý có thể hiểu.

Hỏi: Có ý gì và hiểu thế nào?

Đáp: Phật nói Khế kinh: Năm tội Vô gián đã gây ra, tăng trưởng không đứt quãng, sẽ đọa vào địa ngục. Đức Phật ở trong Khế kinh này đã dứt trừ đường khác, hành vi khác. Dứt trừ đường khác, nghĩa là tội Vô Gián đã gây ra tăng trưởng, sẽ bị đọa vào địa ngục, không sinh đường khác. Dứt trừ hành vi khác, nghĩa là về năm tội Vô gián, phải thọ sinh báo, không thọ hiện báo, không thọ hậu báo. Đây nói là đã hiểu ý của Khế kinh này.

Như ông đã nói: Khế kinh này nói: Năm tội vô gián đã gây ra rồi, tăng trưởng không dứt quãng sẽ đọa vào địa ngục. Kẻ có tội này, phải đủ năm tội vô gián, tạo rồi, tăng trưởng, chắc chắn phải đọa địa ngục. Phải chăng có bốn, ba, hai, một tội, sẽ đọa địa ngục? Hoặc có, hoặc trừ năm tội Vô gián, lại tội khác cũng đọa địa ngục? Thường có năm tội Vô gián đã gây ra xong, tăng trưởng, liền đọa vào địa ngục? Hay là sống ở đời đến một trăm tuổi?

Khế kinh này hoặc có ý, hoặc không có ý, nhưng không nói là không có Trung ấm.

Hỏi: Nếu vậy, như kệ này đã nói, làm sao hiểu được?

Mạng căn Phạm chí hết

Chưa đến chỗ Diêm vương

Giữa không có chỗ dừng

Sẽ qua, không thể bỏ.

Đáp: Ở kệ này, Đức Phật đã dứt trừ đường khác, hành vi khác. Dứt trừ đường khác: Nghĩa là Phạm chí này đã gây ra hành vi ác, tăng trưởng, sẽ phải đọa vào địa ngục, không sinh các đường khác.

Dứt trừ hành vi khác: Nghĩa là Phạm chí này đã gây ra hành vi ác, tăng trưởng sẽ phải nhận lãnh sinh báo, không phải hiện pháp báo, hậu báo.

Hỏi: Với thí dụ của thế gian này làm sao hiểu? Như ánh sáng, như bóng, không có trung gian, như thế, nếu chết, hoặc sinh không có trung gian?

Đáp: Thí dụ này không nên hiểu, vì thí dụ này không phải là Khế kinh, không phải luật, không phải A-tỳ-đàm, do đó, không nên dùng thí dụ của thế gian làm hư hoại pháp của Hiền Thánh, vì thí dụ của thế gian khác, pháp của Hiền Thánh khác.

Lại nữa, nên bỏ. Như bỏ thí dụ này về nghĩa cũng nên bỏ. Vì ánh sáng và bóng không phải mạng căn, không có ý, không phải số chúng sinh. Nếu khi chết, hoặc sống là có mạng căn, có ý, là số chúng sinh. Nếu hiểu thí dụ này thì có ý gì?

Đáp: Thí dụ này là nói có Trung ấm, không phải nói không có Trung ấm. Như ánh sáng, như bóng, không có trung gian. Cũng thế, Tử ấm, Trung ấm không có trung gian. Trung ấm, Sinh ấm cũng không có trung gian. Thí dụ này là nói có Trung ấm, chứ chẳng phải nói không có Trung ấm.

Hỏi: Với thuyết của phái Tỳ-bà-xà-bà-đề này làm sao hiểu được? Với thuyết của phái Dục-đa-bà-đề kia đã nói là lấy Khế kinh làm chứng?

Đáp: Thuyết kia như đã nói: Vì ba việc kết hợp, nên vào trong thai mẹ. Cha, mẹ giao hội, hoặc thời gian đầy đủ khả năng gánh vác làm mẹ, hương ấm đã đến. Ở đây không nên nói hương ấm đã đến. Vì sao không nên nói? Vì đây là đàn cầm mà nói là hương ấm đã đến.

Hỏi: Nếu không nên nói hương ấm, thì nói thế nào?

Đáp: Nên gọi là ấm hành. Vì sao? Vì hương ấm kia do ấm vận hành, cho nên gọi là ấm hành.

Có thuyết nói: Vấn đề này không biện luận. Vì sao? Vì nếu nói hương ấm, nếu nói hành ấm thì không thể dứt bỏ Trung ấm.

Hỏi: Điều này làm sao hiểu năm A-na-hàm Trung bát Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn, Hành bát Niết-bàn, vô hành bát Niết-bàn, Thượng lưu đến A-ca-nị-trá?

Đáp: Thuyết ấy nói có cõi trời tên là Trung. Người kia sinh Trung thiên, mạng chưa hết mà chết.

Có thuyết nói: Vấn đề này không biện luận, vì sao? Vì Khế kinh của Phật không nói tên Trung thiên. Khế kinh Phật nói: Từ cõi trời tứ Thiên vương, đến cõi trời Phi tưởng, Phi bất tưởng không nghe có Trung thiên.

Lại nữa, Khế kinh này nói: Sinh bát Niết-bàn, Hành bát Niết-bàn, vô hành bát Niết-bàn, muốn cho có thiên mạng, Sinh bát Niết-bàn, Hành bát Niết-bàn, vô hành bát Niết-bàn chăng?

Lại nữa, như ông nói: Mạng chưa hết mà chết, gọi Trung bát Niếtbàn, trừ Bồ-tát và người ở châu Uất-đơn-việt, mạng của tất cả chúng sinh khác, chưa hết mà chết, muốn cho tất cả chúng sinh đều được Trung bát Niết-bàn.

Hỏi: Làm sao hiểu được? Phạm chí Bà-tha đến chỗ Thế Tôn hỏi: Thưa Cù-đàm! Nếu lúc này, bỏ thân này rồi, chưa sinh chỗ khác, thì chúng sinh sẽ theo ý vận hành. Cù-đàm! Ngay bấy giờ, chúng sinh này đã dựa vào thọ nào mà trụ? Sa-môn Cù-đàm! Vì chúng sinh kia nói dựa vào thọ nào mà trụ?

Đức Thế Tôn nói: Bà-tha! Nếu vào lúc ấy bỏ thân này rồi, chưa sinh chỗ khác, chúng sinh theo ý vận hành. Bà-tha! Ngay lúc ấy, chúng sinh kia dựa vào thọ ái mà trụ, Ta nói chúng sanh ấy nương thọ mà trụ việc này làm sao hiểu được?

Đáp: Thuyết ấy nói: Trong đây nói: Các tầng trời cõi Vô Sắc theo ý vận hành, Phạm chí kia có bạn bè rất kính mến, mà qua đời, đã dùng thiên nhãn quán sát cõi Dục mà không thấy, quán sát cõi Sắc cũng không thấy. Không tìm thấy bạn, Phạm chí kia bèn nghĩ: “Bạn mình đã đoạn diệt rồi chăng? Hay là thế nào?” Phạm chí kia nghe nói có Sa-môn Cù-đàm là bậc Nhất thiết trí, Nhất thiết kiến, bèn nghĩ: Ta sẽ đến đó để hỏi cho tường tận.

Bấy giờ, Phạm chí đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn: Thưa Cùđàm! Vào lúc này, bỏ thân này rồi, chưa sinh chỗ khác, chúng sinh theo ý vận hành. Thưa Cù-đàm! Ngay bấy giờ, chúng sinh này dựa vào thọ nào mà trụ? Sa-môn Cù-đàm hãy vì chúng sinh kia nói nương vào thọ nào mà trụ?

Đức Thế Tôn nói: Bà-tha! Nếu bấy giờ, đã bỏ thân này rồi, chưa sinh chỗ khác, chúng sinh sẽ dựa vào ý hành. Này Bà-tha! Lúc ấy chúng sanh kia nương thọ ái mà trụ, ta nói nương vào thọ ái mà trụ.

Cho nên, biết là các tầng trời cõi Vô Sắc dựa vào sự vận hành của ý.

Hỏi: Khế kinh Phật thường nói dựa vào sự vận hành của ý, hoặc hóa thân, hoặc Trung ấm, hoặc các tầng trời Sắc, Vô Sắc, hoặc người khởi thỉ, hoặc địa ngục.

Trong đây làm sao biết được các tầng trời cõi Vô Sắc dựa vào sự vận hành của ý? Phạm chí kia cũng hỏi ở đây làm sao biết được Trung ấm dựa vào sự vận hàng của ý?

Đáp: Tức Khế kinh này biết trong ấy nói bỏ thân này rồi, chưa sinh chỗ khác. Vì thế cho nên Khế kinh này nói Trung ấm dựa vào sự vận hành của ý.

Hỏi: Nếu không có Trung ấm, nghĩa là chúng sinh ở Diêm-phù-đề chết rồi, sẽ sinh đến châu Uất-đơn-việt, chúng sinh ấy chết ở cõi này, ở cõi kia không có mà có. Nếu không có mà có, thì đấy là không có pháp mà có?

Đáp: Thuyết ấy nói chúng sinh không xả ấm lúc chết thì phải thọ ấm lúc sanh, được ấm lúc sinh rồi thì sau đó, sẽ bỏ ấm lúc chết, như con sâu tên sâu đo, lúc chết không bỏ chân sau, mà phải đứng vững chân trước. Khi đã yên định chân trước rồi, sau đó nó mới giở chân sau lên. Cũng thế, chúng sinh kia chết không bỏ ấm, lúc chết, mà trước phải thọ sinh ấm, thọ tên sinh rồi, sau đó mới bỏ lúc chết.

Hỏi: Như ông đã nói, người đời chết đi, sinh trong địa ngục thì chúng sinh đó không nên bỏ ấm nhân gian để được ấm địa ngục. Nếu không buông bỏ ấm nhân gian để được ấm địa ngục, thì chúng sinh kia lẽ ra tức người là địa ngục? Nếu tức người là địa ngục, thì đấy là rất hư hoại. Như Đức Thế Tôn nói năm cõi: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời, người sẽ trái nhau. Chỉ quả vô trí kia, quả tối tăm, quả ngu si, quả bất động, là nói không có Trung ấm. Chỉ có Trung ấm chân thật, có chủng tướng, tức nói là dứt trừ ý người khác, thể hiện ý mình, vì nói pháp như Như bình đẳng, nên soạn ra luận này, đừng để dứt trừ ý người khác, cũng đừng thể hiện ý mình, chỉ vì nói pháp như Như bình đẳng, nên soạn ra luận này.

Hỏi: Nếu có Trung ấm, thì hình dạng nó lớn hay nhỏ?

Đáp: Như đứa trẻ khoảng bốn, năm tháng tuổi, là kích cỡ thân Trung ấm.

Hỏi: Nếu hình dáng như thế thì không nên có tưởng điên đảo: Đối với mẹ có tâm dâm, đối với cha có tâm hại, có tâm dâm đối với cha, có tâm hại đối với mẹ?

Đáp: Mặc dù hình Trung ấm này nhỏ, nhưng nó rất nhanh nhẩu, các căn nhạy bén. Như người vẽ lên vách, tạo ra hình tượng người già, hình nhỏ mà già. Cũng thế, hình dáng Trung ấm kia dù nhỏ, nhưng nó rất nhanh, các căn nhạy bén.

Hỏi: Thân Trung ấm của Bồ-tát là lớn hay nhỏ?

Đáp: Như bổn thân có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm. Thân Bồ-tát sắc vàng ròng, có vầng sáng tròn chiếu xa một tầm. Âm thanh Phạm, tiếng mầu nhiệm, như chim Ca-tỳ-lăng-già, nhìn ngắm mãi không biết chán. Vì thế cho nên lúc trụ ở Trung ấm, ánh sáng tinh diệu soi khắp trăm ức thiên hạ, mặt trời, mặt trăng dù có nhiều sức rất mầu nhiệm, cũng không thể chiếu khắp. Trung ấm của Bồ-tát dùng ánh sáng mầu nhiệm soi khắp, thấy ánh sáng mầu nhiệm ấy rồi, mỗi chúng sinh đều hiểu biết nhau, chúng sinh khác sinh, chúng sinh khác sinh.

Hỏi: Nếu Bồ-tát sinh Trung ấm như thế, thì với kệ của Tôn giả Pháp Thật làm sao hiểu được?

Bồ-tát thanh tịnh diệu

Cưỡi loài voi trắng lớn

Từ trời Đâu-thuật xuống

Giáng thần vào thai mẹ.

Hỏi: Bài kệ này không cần hiểu. Vì sao? Vì không phải Khế kinh, không phải luật, không phải A-tỳ-đàm, chỉ vì người soạn tụng muốn cho câu hợp với nghĩa. Nếu phải hiểu kệ này, thì phải có ý gì?

Đáp: Vì đây là biểu hiện phương tục tốt, nên đã thấy thuận trong điềm chiêm bao của mẫu thân Bồ-tát, vì theo sách tướng kia đã ghi nhận. Chỉ có Bồ-tát đã dứt trừ súc sinh của chín mươi mốt kiếp trước, thì Bồ-tát kia há cưỡi súc sinh vào thai mẹ?

Hỏi: Cõi Trung ấm ra sao?

Đáp: Nghĩa là người đọa vào địa ngục, chân duỗi lên, đầu chúc xuống dưới. Như bài kệ Phật đã nói:

Những người đọa địa ngục

Chân hướng trên, đầu chúc

Ý ác với vì tiên Giới đức và khổ hạnh.

Nói người sinh lên cõi trời: Đầu ở trên, chân ở dưới, như mũi tên bắn vào hư không.

Nói người sinh các phương: Nghiêng thân mà đi, như chim bay trên hư không, như bay bằng thần túc.

Hỏi: Hình dáng Trung ấm thế nào?

Đáp: Người địa ngục, như thân địa ngục. Như thế, cho đến trời là thần trời.

Hỏi: Trung ấm có tự thấy nhau chăng?

Đáp: Thấy nhau.

Hỏi: Nếu thấy nhau thì thấy gì?

Đáp: Người địa ngục thấy lại địa ngục. Như thế, cho đến trời thấy lại trời.

Lại có thuyết nói: Trung ấm trời thấy Trung ấm năm đường, con người thấy bốn đường, ngạ quỷ thấy ba đường, súc sinh thấy hai đường, địa ngục thấy một đường. Thuyết ấy nói địa ngục thấy địa ngục, như thế, đến cõi trời.

Hỏi: Mắt ở cõi này sinh có thấy Trung ấm không?

Đáp: Không!

Hỏi: Làm sao biết được?

Đáp: Có Khế kinh Phật, Khế kinh Phật nói: Nếu nam hoặc nữ phạm giới, đều có pháp ác. Khi thân chúng sinh kia đã hư hoại, chưa đến đường ác, ý đã dựa vào hành, như lông dê đen, ánh sáng như đêm mờ tối. Nói là thiên nhãn rất thanh tịnh, thiên nhãn đó có thể thấy. Nếu nam, hoặc nữ giữ giới hạnh, đều có pháp thiện, thì khi thân họ đã hư hoại, mà chưa sinh vào đường thiện, ý đã nhân nơi hành động, như áo trắng sạch, có ánh sáng như ánh sáng của mặt trăng tròn vào ban đêm.

Nói là thiên nhãn rất thanh tịnh, thiên nhãn đó có thể thấy, do Khế kinh này có thể biết, thì thiên nhãn không rất tịnh, thiên nhãn đó không thể thấy, huống chi mắt được sinh ra mà có thể thấy chăng?

Hỏi: Trụ trong thời gian bao lâu?

Đáp: Sinh lên cõi trời và địa ngục thì nhanh hơn đọa vào ngạ quỷ. Súc sinh và người như khi hội hợp, không bao lâu, sau cùng mới sinh.

Hỏi: Hoặc có chúng sinh hội hợp, bèn sinh, có thể như thế. Nói là không hội hợp với mẹ, hoặc ở Thiên-trúc, cha hoặc đến Chấn Đán, mà người kia đã qua đời, sẽ sinh thế nào?

Đáp: Nên xem duyên của chúng sinh kia có chuyển biến hay không. Nếu chúng sinh kia không chuyển biến đối với duyên của mẹ, mà chuyển biến đối với duyên của cha, thì lúc đó, người mẹ hết sức giữ trinh chánh, phải là hướng đến chỗ người khác, khiến chúng sinh kia được sinh. Nếu không chuyển biến đối với duyên của cha mà chuyển biến đối với duyên của mẹ, thì khi đó, người cha hết sức giữ sự chánh trực, phải nên hướng đến chỗ người nữ khác, để chúng sinh kia được sinh.

Hỏi: Nếu cả hai cha, mẹ đều cùng duyên không chuyển biến, cả hai đều không hợp, thì chúng sinh này sau cùng sẽ sinh thế nào?

Đáp: Vì chúng sinh kia do sự vận hành của duyên. Ví như người cha việc kinh doanh chưa xong, thị tứ chưa thành, bèn có tâm trở lại, người kia tìm đường về, khi đi không bị trúng do đao binh, lửa, chất độc, cũng không nhờ người khác, sau cùng, phải trở về với mình, đều duyên với hội hợp, chúng sinh kia bèn được sinh.

Hỏi: Nói chúng sinh thường hành dục thì việc này có thể như thế, nghĩa là chúng sinh hành dục theo thời tiết, như ngựa hành dục vào mùa xuân, mao ngưu hành dục vào mùa hè, chó hành dục vào mùa thu, báo hành dục vào mùa đông. Lúc chúng sinh kia chết thì sinh như thế nào?

Đáp: Vì duyên của chúng sinh kia phi thời mà hành dục, chúng sinh kia liền được sinh.

Hoặc nói: Chúng sinh kia sinh ở chỗ giống nhau. Đây gọi là bò cũng gọi là mao ngưu. Mao ngưu hành dục theo thời tiết, bò thì thường hành dục, tức đáng lẽ sinh làm mao ngưu, nhưng lại sinh trong loài bò. Gọi là chó, cũng gọi là chồn. Chồn thì thường hành dục, còn chó hành dục theo thời tiết. Nghĩa là lẽ ra sinh trong loài chó, thì lại sinh trong loài chồn. Gọi là gấu, cũng gọi là bi, bi thường hành dục, gấu thì hành dục theo thời tiết. Lẽ ra nên sinh trong loài gấu thì sinh trong loài bi.

Hỏi: Tôn giả Bà-tu-mật nói: Trung ấm nên nói trụ trong bảy ngày, hay nên nói hơn?

Đáp: Trung ấm trụ lại nên nói là bảy ngày, vì sao? Vì thân ốm yếu, nên trụ lại trong thời gian bảy ngày, không quá bảy ngày.

Hỏi: Nói là đủ bảy ngày, cha mẹ không hội hợp, lúc đó có mất đi chăng?

Đáp: Không mất, chỉ sinh trở lại Trung ấm.

Lại nói: Trung ấm nên nói là trụ trong thời gian bốn mươi chín ngày.

Tôn giả Đàm-ma-đa-la nói: Nếu cha mẹ không hội hợp thì Trung ấm cũng có thể trụ lại trong thời gian lâu.

Hỏi: Trung ấm có y phục hay không?

Đáp: Tất cả chư thiên cõi Sắc có mặc y phục. Vì sao? Vì như pháp thân không lõa hình, sinh thân cũng vậy. Bồ-tát trong cõi Dục có mặc y phục và Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh có mặc y phục, tất cả chúng sinh khác đều không mặc y phục.

Lại có thuyết nói: Trung ấm của Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh có mặc y phục, Trung ấm của Bồ-tát không mặc.

Hỏi: Vì sao Trung ấm của Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh có mặc y phục, còn Bồ-tát không có?

Đáp: Vì Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh đã dùng y để bố thí Thánh chúng.

Hỏi: Bồ-tát đã thí y nhiều, không phải Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh đã thí y vô số. Vì sao Trung ấm của Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh có y phục mà Bồ-tát lại không có y phục?

Đáp: Vì Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh dùng y thí cho Thánh chúng, phát thệ nguyện: Mong sao ở Trung ấm, tôi có y phục. Vì thế cho nên ở Trung ấm có y phục, tức mặc y này vào thai mẹ, do y này, khi ra khỏi thai mẹ, nói là Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh tăng trưởng, thì y cũng tăng trưởng theo, đến khi lớn khôn, xuất gia học đạo, lấy y đã mặc đem cắt rọc may thành năm y, thành quả vị A-la-hán, Niết-bàn hữu dư, nhập Niết-bàn vô dư mà bát Niết-bàn, liền dùng y quấn thân mà trà-tỳ.

Công đức Bồ-tát đã tạo nên đều mong cầu đạo Chánh chân vô thượng, cho nên thân sau cùng của Bồ-tát đã chứng thành quả tối diệu trong tất cả chúng sinh.

Vì vậy nên Trung ấm của Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh có mặc y phục, còn Bồ-tát thì không có mặc y phục.

Hỏi: Thức ăn của Trung ấm là gì?

Đáp: Các thức ăn đựng trong đồ đựng ở nhà bếp mà lấy ăn.

Hỏi: Như mưa xuống rất nhiều, như thế, chúng sinh rơi vào địa ngục A-tỳ với số Trung ấm của họ cũng nhiều như vậy, huống chi là số Trung ấm của đường khác. Nếu tất cả thân Trung ấm đó đều đến lấy ăn thì các chúng sinh ở đây sẽ lấy gì mà ăn?

Hơn nữa, thức ăn này rất nặng, còn hóa thân thì rất vi tế, làm sao họ ăn thức ăn này mà tiêu hóa được? Đáp: Về vấn đề này không nói.

Hỏi: Nếu không như vậy thì thế nào?

Đáp: Dùng mùi hương làm thức ăn: Các chúng sinh có đức ăn mùi hương của hoa, quả, hương vị của thức ăn ngon. Những chúng sinh không có đức thì ăn những thứ bất tịnh ở cầu xí và hơi bùn nhơ dùng làm thức ăn.

Hỏi: Trung ấm ở đâu?

Đáp: Trung ấm ở cõi Dục, cõi Sắc, không ở cõi Vô Sắc.

Hỏi: Vì sao? Về cõi Dục, cõi Sắc chẳng phải cõi Vô Sắc. Đáp rằng:

Đáp: Vì hễ có sắc thì có Trung ấm. Còn trong cõi Vô Sắc không có sắc, cho nên không có Trung ấm.

Hỏi: Vì sao có sắc là có Trung ấm?

Đáp: Như dùng khuôn dấu in lên trên đất sét, sẽ hiện ra đường vằn, cũng thế,vốn có trung hữu, nếu có sắc thấy rồi là biết có như Trung ấm này, cho nên nói có sắc thì có Trung ấm.

Hoặc nói: Có qua lại thì có Trung ấm, vì trong cõi Vô Sắc không có sự qua lại, nên không có Trung ấm.

Hỏi: Sau cùng của thân này thì sinh thân này, Trung ấm kia làm sao có qua lại?

Đáp: Vì chúng sinh ấy, hoặc có người thức diệt từ ngón chân, hoặc diệt từ đỉnh đầu, hoặc diệt từ rún, hoặc diệt từ tim.

Nói là thức diệt từ ngón chân: Nên biết người ấy sẽ đọa vào cõi ác.

Nói là thức diệt từ đỉnh đầu: Nên biết là người đó sẽ sinh lên cõi trời.

Nói là thức diệt từ rún: Nên biết kẻ ấy chắc chắn sẽ sinh về các phương.

Nói là thức diệt từ tim: Nên biết người ấy quyết định nhập Niếtbàn.

Chúng sinh này do phần nhiều đều yêu, đắm gương mặt mình, nghĩa là thức từ ngón chân diệt, trở lại đến mặt là có sự qua lại kia.

Lại nữa, thức diệt từ ngón chân, tức đến từ ngón chân. Trong cõi Vô Sắc không có việc này. Vì thế nên trong cõi Vô Sắc không có Trung ấm.

Hỏi: Trung ấm là thuộc về đường chăng? Nếu thuộc về đường làm sao hiểu với sự lập bày. Người kia đã hỏi bốn sinh là thuộc về năm đường, hay năm đường thuộc về bốn sinh?

Đáp: Bốn sinh thuộc về năm đường, chứ không phải năm đường gồm thâu bốn sinh.

Hỏi: Không gồm thâu những gì?

Đáp: Không gồm thâu Trung ấm.

Nếu lìa đường làm sao hiểu được thuyết của Đàm-ma-nan-đề này? Như nói: Trung ấm tùy thuộc theo đường, như hạt giống chưa nẩy mầm thì thực vẫn gọi là hạt giống. Cũng thế, Trung ấm của địa ngục dù chưa đến địa ngục, nhưng vẫn gọi là địa ngục, như thế cho đến cõi trời, soạn luận này xong, đáp: Trung ấm thuộc về đường.

Hỏi: Nếu Trung ấm thuộc về đường, thì đã khéo hiểu được thuyết của Tôn giả Đàm-ma-nan-đề, còn như sự lập bày cây hỏi: Bốn sinh gồm thâu năm đường hay năm đường gồm thâu bốn sinh?

Đáp: Bốn sinh gồm thâu năm đường, chứ không phải năm đường gồm thâu bốn sinh.

Hỏi: Không gồm thâu những gì

Đáp: Trung ấm, vấn đề này làm sao hiểu?

Đáp: Thuyết đã nói này nên phải như thế.

Hỏi: Bốn sinh gồm thâu năm đường hay năm đường gồm thâu bốn sinh?

Đáp: Tùy chủng tướng thâu về, việc này phải nên như thế.

Lại có thuyết nói: Trung ấm lìa đường.

Hỏi: Nếu Trung ấm lìa đường thì với sự lập bày đã nói là đã khéo hiểu, như thuyết của Tôn giả Đàm-ma-nan-đề nói: Trung ấm thuộc về đường, như hạt giống chưa nẩy mầm, vẫn gọi là hạt giống lúa. Cũng thế, Trung ấm của địa ngục dù chưa đến địa ngục, nhưng vẫn gọi là địa ngục, như thế cho đến cõi trời, làm sao hiểu được?

Đáp: Thuyết của Tôn giả kia nói, không hướng đến đường khác, không nói gồm thâu. Tức chúng sinh kia có Trung ấm địa ngục, thì không hướng tới đường khác, phải đọa trong địa ngục, như thế cho đến cõi trời.

Thế nên Tôn giả Đàm-ma-nan-đề nói: Không hướng đến đường khác, không nói là gồm thâu.

Thuyết nói như thế, là Trung ấm ly lìa đường. Vì sao? Vì Trung ấm là đường rối loạn, hay không rối loạn? Không nên nói là không rối loạn gồm thâu rối loạn, cũng không nên nói là rối loạn gồm thâu không rối loạn.

Hoặc nói: Trung ấm không nhất định, đường thì nhất định. Không nên cho là không nhất định gồm thâu nhất định, cũng không nên cho là nhất định gồm thâu không nhất định.

Hoặc nói: Đường đã đến là tên gọi, Trung ấm, nghĩa là phương sẽ đến. Do đó nên Trung ấm lìa đường.

Hỏi: Trung ấm có đủ các căn hay không?

Đáp: Có thuyết nói: Trung ấm đủ các căn. Lại có thuyết nói: Trung ấm không đủ các căn.

Hỏi: Nếu Trung ấm không đủ các căn, thì bổn hữu cũng không đủ các căn, vì bổn hữu kia tức là Trung ấm, có một căn là đúng.

Lại có thuyết nói: Là khác.

Các thuyết như thế đều nói là Trung ấm đủ các căn, vì sao lại nói Trung ấm là bắt đầu đi?

Lại nữa, sáu cửa chúng sinh kia thường tìm kiếm hữu, cho nên Trung ấm đủ các căn.

Hỏi: Trung ấm đi nhanh chóng chăng? Có phải vì thần túc đi nhanh?

Đáp: Có thuyết nói: Thần túc đi nhanh, không phải là Trung ấm.

Lại có thuyết nói: Trung ấm đi nhanh, chẳng phải thần túc. Vì sao? Vì sức đi mạnh, chẳng phải sức thần túc. Thuyết ấy nói: Thần túc đi nhanh, chẳng phải Trung ấm.

Hỏi: Nếu thần túc đi nhanh, không phải Trung ấm, vì sao nói sức đi mạnh chẳng phải thần túc?

Đáp: Nên nghe nói về lý do sức đi mạnh không phải sức thần túc. Thần túc có thể làm dừng thần túc, Phật có thể làm dừng tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh không thể làm dừng Phật. Bích-chi-Phật, ngoài Phật, có thể làm dừng lại hết thảy chúng sinh, hết thảy chúng sinh không thể làm dừng lại Bích-chi-Phật. Tôn giả Xá-lợi-phất, trừ Bích-chi-Phật, đã có thể làm dừng lại tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh không thể làm dừng lại Tôn giả Xá-lợi-phất, cho đến người căn cơ nhạy bén làm dừng lại căn chậm lụt, căn chậm lụt không thể làm dừng lại căn cơ nhạy bén. Trung ấm không phải là đối tượng mà chúng sinh có thể làm dừng lại, không phải pháp, không phải chú thuật, cũng không phải thuốc. Không phải Phật, Bích-chi-Phật và Thanh văn Ba-la-mật có thể dừng lại, phải là vãng sinh. Cho nên nói sức chuyển vận mạnh, không phải sức thần túc. Chỉ thần túc đi nhanh không phải Trung ấm, như trong Khế kinh của Đức Thế Tôn đã nói: Ba việc hội hợp là vào thai mẹ. Sự hội hợp của cha, mẹ là vì dâm dục. Như người mẹ hoặc thời gian đầy đủ: Tức là người nữ kia do dục đầy đủ, thân thể như sông tràn ngập nước. Cũng thế, sự dâm dục của người nữ kia tràn đầy thân thể.

Lại có thuyết nói: Người mẹ hoặc thời gian đầy đủ, là trường hợp người nữ bệnh, cho nên nói là hoặc có thời gian đầy đu, có khả năng đảm nhiệm, là người nữ kia có đủ sức mang thai, gìn giữ chín đến mười tháng. Cho nên nói có khả năng đảm nhiệm.

Hương ấm đã đến: Hương ấm là Trung ấm. Hương ấm vào lúc ấy có hai ý: Tâm ái và tâm hại. Nếu là người nữ thì Trung ấm kia đối với người cha có tâm ái, đối với mẹ có tâm hại, nghĩ rằng: Nếu không có người nữ này, thì ta sẽ hội hợp với người nam này. Trung ấm kia không thấy người mẹ, tự thấy mình đang hội hợp với người cha. Vật bất tịnh của cha, mẹ, Trung ấm kia nghĩ là ta có, vừa thấy vật bất tịnh là ngây ngất, ngây ngất xong, là ấm này chuyển biến dầy lên. Khi ấm đã chuyển biến dầy lên, tức là bỏ Trung ấm, được sinh ấm.

Nếu là người nam, thì sẽ có tâm ái đối với người mẹ, có tâm hại đối với người cha, nghĩ rằng: Nếu không có người nam này, thì ta sẽ hội hợp với người nữ này. Trung ấm kia không thấy người cha, bèn hội hợp với người nữ, là vật bất tịnh của cha, mẹ, Trung ấm kia nghĩ rằng đây là ta có, vừa thấy xong là ngây ngất, ngây ngất xong, thì ấm này chuyển biến dầy lên, ấm chuyển biến dày rồi, bèn bỏ Trung ấm, được sinh ấm.

Tất cả phàm phu đều có ý nghĩ điên đảo như thế khi vào thai mẹ, chỉ có Bồ-tát là người không có tâm điên đảo lúc vào thai mẹ.

Đức Thế Tôn nói Khế kinh này rằng: Cha mẹ có đức, hương ấm không có đức, thì không được vào thai mẹ. Hương ấm có đức, cha mẹ không có đức, cũng không được vào thai mẹ, cha mẹ có đức, hương ấm cũng có đức, cả ba sự kiện hợp bằng nhau, sẽ được vào thai mẹ.

Hỏi: Như người cao sang này cũng hội hợp chung với người nữ thấp hèn, hoặc người nam thấp hèn hội hợp với người nữ sang trọng, làm sao ba sự kiện ngang đồng hòa hợp?

Đáp: Người cao sang hội hợp chung với cô gái thấp hèn, thì người nữ thấp hèn kia sẽ theo người nam kia mà được cao sang. Hoặc nếu người nam thấp hèn hội hợp với người nữ giàu sang, thì người nữ giàu sang kia theo người nam kia gặp phải chỗ nghèo hèn. Cũng thế với ba sự kiện như vậy đồng hòa hợp.

Hỏi: Trung ấm do chỗ nào vào thai mẹ?

Đáp: Trung ấm theo chỗ dục mà vào. Vì sao? Vì Trung ấm đối với vách tường, cây, gỗ, núi, sông, vách đá, đều không bị ngăn ngại.

Có thuyết nói như thế này: Trung ấm từ cửa mình đi vào thai mẹ. Do việc này, nên hài nhi song sinh, đứa ra trước là nhỏ, đứa ra sau là lớn. Vì sao? Vì đứa đó vào thai trước.

Hỏi: Như trong một bào thai, có Trung ấm của năm đường có thể đạt được. Chẳng hạn như: heo, chó, cá, tôm, ểnh ương. Nói là Trung ấm địa ngục ở trong thai có thể đạt được, sao không đốt cháy thai kia?

Đáp: Vì hành hỏa của địa ngục kia là do hành động đã gây ra, nghĩa là kẻ làm ác, liền bị đốt, người không hành động ác, sẽ không bị đốt. Đối với tội căn bản đọa vào địa ngục, chúng sinh kia cũng còn không thường bị đốt, huống chi là Trung ấm mà thường bị đốt hay sao? Như Luận Thi Thiết, Tôn giả Mục Liên kia đã nói: Hoặc có đại địa ngục Thời Hoạt có gió lạnh nổi lên, lần lượt xướng âm: Chúng sinh Đẳng Hoạt, chúng sinh Đẳng Hoạt. chúng sinh kia được sống trở lại, da thịt, huyết mạch sống trở lại!

Như đại địa ngục căn bản kia chúng sinh cũng còn không thường bị đốt, huống chi Trung ấm lại thường bị đốt hay sao?

Ở đây, nói bốn thứ Trung ấm:

  1. Trung ấm.
  2. Ý thừa hành.
  3. Hương ấm.
  4. Tìm kiếm hữu.

Hỏi: Vì sao nói Trung ấm?

Đáp: Vì ở khoảng giữa hai ấm, nên gọi là Trung ấm. Hai ấm là Tử ấm, Sinh ấm, vì ở trung gian hai ấm này sinh, nên gọi là Trung ấm.

Hỏi: Vì sao nói ý thừa hành?

Đáp: Vì do ý sinh ra, nên gọi ý thừa hành. Chúng sinh hoặc do hành sinh, hoặc do kiết sinh, hoặc do ý sinh. Hành sinh là địa ngục, phải hoàn tất hành động, không bao giờ chết giữa chừng.

Kiết sinh: Noãn sinh, thai sinh và trời hóa sinh cõi Dục. Ý sinh: Trung ấm hóa và trời cõi Sắc, Vô Sắc, bắt đầu là con người. Vì ý sinh trong đây, nên Trung ấm gọi là ý thừa hành.

Hỏi: Vì sao nói hương ấm?

Đáp: Vì dùng mùi hương để gìn giữ mạng, nên Trung ấm gọi hương ấm.

Hỏi: Vì sao nói tìm kiếm hữu?

Đáp: Vì thường tìm kiếm hữu ở cửa sáu nhập, nên Trung ấm được gọi là tìm kiếm hữu, như trong Khế kinh của Đức Thế Tôn nói: Điều-đạt thân vào địa ngục.

Hỏi: Điều-đạt có Trung ấm hay không?

Đáp: Điều-đạt có Trung ấm, nhưng Tử ấm liền diệt, Trung ấm liền sinh, Trung ấm liền diệt, Sinh ấm liền sinh.

Có thuyết nói: Thích-đề-hoàn-nhân dùng Khế kinh bạch Thế Tôn, kệ:

Ngồi ở đây chết rồi

Đại tiên ta thân trời

Đã được lại mạng mình

Mắt tịnh, ta tự biết.

Hỏi: Thích-đề-hoàn-nhân là qua đời rồi sinh lại, hay là không qua đời không sinh lại? Nếu qua đời rồi sinh lại thì Trung ấm của Thích-đềhoàn-nhân kia ra sao? Nếu không qua đời, không sinh lại làm sao hiểu kệ (kệ như trên)? Soạn luận này xong, đáp: Thích-đề-hoàn-nhân qua đời rồi sinh lại.

Hỏi: Nếu qua đời rồi sinh lại thì thế nào?

Đáp: Trung ấm của chư thiên là hóa sinh của Sinh ấm. Hóa: thân chết không biểu hiện, không thể biết.

Hỏi: Như nói: vị trời này trông như hình của mười sáu nam, nữ đang ngồi ở trên gối trời, lúc ấy chư thiên không thấy chăng?

Đáp: Thấy, nhưng chư thiên nghĩ rằng: Thích-đề-hoàn-nhân ấy với sức rất lớn, đức rất lớn, thần túc thật vĩ đại, đối trước Như lai, biểu hiện thần túc của mình.

Lại có thuyết nói: Các trời oai đức vĩ đại kia, như Nhân-đà-la, Phi-lâu-na, Y-sa-na (ba Thích tử này cũng như vua). Như thế, các vị đại thiên kia v.v… vốn có trung hữu lớn, nhỏ. Một thứ như thế, Thích-đềhoàn-nhân chung quy rồi sinh lại thân vĩ đại, nhưng các vị trời không biết. Thuyết như thế nói Thích-đề-hoàn-nhân không qua đời, không sinh lại.

Hỏi: Nếu Thích-đề-hoàn-nhân không qua đời, không sinh lại, thì làm sao hiểu được bài kệ này (kệ như trên)?

Đáp: Vì dứt bỏ năm tướng suy bại, nên nói kệ. Chư thiên có năm tướng suy bại, có năm tướng chết. Năm tướng suy bại là:

1. Thân chư thiên trong sạch, mềm mại, xuống ao thơm tắm, lên khỏi ao rồi thì nước không dính thân: Lúc suy bại thì dính.

2. Sức thân chư thiên mạnh, đầu tiên, mắt không nháy: Lúc suy bại thì nháy.

3. Cảnh giới năm dục của chư thiên rất tốt đẹp, trang nghiêm, không có gì so sánh, thường không thích ở một chỗ, ý như bánh xe thợ gốm. Lúc suy bại, thì giữ một chỗ.

4. Xiêm y, chuỗi anh lạc của chư thiên chạm nhau, phát ra tiếng rất thanh tao cũng như năm thứ âm nhạc: Lúc suy bại thì không có âm thanh.

5. Chư thiên có ánh sáng cùng khắp như báu Ma-ni, bóng không thể thấy: Lúc suy bại, liền có hiện bóng.

Lại có thuyết nói: Bóng không thể thấy, nhưng ánh sáng không được tươi đẹp lắm, đây là năm tướng suy bại.

Năm tướng chết: Mũ hoa của các vị trời chưa từng héo mà héo. Y báu chưa từng có vết nhơ mà có vết nhơ. Mồ hôi dưới nách chảy ra, hình sắc thay đổi. Không ưa chỗ ngồi cũ. Đây nói là năm tướng chết. Vì tướng suy bại, có thể ngăn cản, nhưng tướng chết thì không thể ngăn cản. Thích-đề-hoàn-nhân phát sinh năm tướng suy bại, không bao lâu sẽ phát sinh năm tướng chết, bèn nghĩ rằng: Ta sẽ phải trông cậy vào người nào để giải thoát cho ta năm tướng chết? Bèn quán sát chỉ có Đức Phật! Rồi lập tức đến chỗ Đức Thế Tôn để được nghe pháp hợp cơ, rất vui mừng thấy đế, liền dứt trừ năm tướng suy bại. Vì thế, nên Thích-đềhoàn-nhân đã dùng lời nói dịu dàng bạch Thế Tôn nói bài kệ này (kệ như trên).

Hoặc nói: Vì dứt trừ đường ác, nên nói kệ này. Đức Phật ở trong đường ác, cứu vớt Thích-đề-hoàn-nhân, đặt yên ở trong cõi trời. Ông ta liền dứt bỏ ngay đường ác, nên đã dùng lời nói dịu dàng bạch Thế Tôn: Lẽ ra con phải ở đường ác, tức diệt đoạn hoại. Rất may được gặp Thế Tôn cứu vớt khỏi đường ác, như người cứu tù nhân thoát ngục, được đặt vào chỗ yên ổn. Tù nhân kia thường đến chỗ người ấy, dùng lời dịu dàng đáng yêu đáp tạ họ: Lẽ ra tôi phải bị đoạn, hoại ở trong ngục, nhờ gặp ân nhân, nên được thoát khỏi tai nạn này. Như thế, được Phật Thế Tôn cứu vớt, Thích-đề-hoàn-nhân kia khỏi đường ác, đặt vào cõi trời, Thích-đề-hoàn-nhân liền khỏi đường ác dùng lời dịu dàng bạch Thế Tôn: Lẽ ra con phải ở đường ác, tức diệt đoạn hại, rất may được gặp Thế Tôn cứu vớt ra khỏi đường ác, do tuệ vô thượng mà bảo tồn được mạng này, đều là ơn của Thế Tôn. Đây nói là vì dứt trừ đường ác, nên nói kệ.

Hoặc nói: Vì kiến đoạn hết bệnh kiết nên nói kệ. Đức Thế Tôn cứu thoát, Thích-đề-hoàn-nhân được kiến đoạn bệnh kiết, ở yên đệ nhất nghĩa, như thầy thuốc chữa bệnh, khiến được lành bệnh. Người ấy thường đến chỗ thầy thuốc, dùng lời dịu dàng đáp tạ. Người ấy nói: Lẽ ra tôi đã phải bị đoạn hoại ở bệnh, may nhờ gặp ân nhân, tôi mới được thoát khỏi bệnh này!

Cũng thế, Phật Thế Tôn đã giải thoát dứt trừ bệnh kiết, của Thíchđề-hoàn-nhân, đặt yên ở đệ nhất nghĩa. Thích-đề-hoàn-nhân kia liền trừ kiến, vì dứt trừ hết bệnh kiết, nên dùng lời dịu dàng bạch Thế Tôn: Lẽ ra con phải ở kiến đoạn, bị đoạn hoại do bị kiết, may mắn được gặp Thế Tôn cứu vớt kiến, dứt trừ bệnh kiết, nhờ tuệ vô thượng, được tồn tại mạng này, đều là nhờ ơn Thế Tôn. Đây nói là vì trừ kiến, đoạn kiết, nên nói kệ này.

Hoặc nói: Muốn cho báo hiện pháp được chuyển vận, càng thêm sống lâu, Thích-đề-hoàn-nhân thấy Phật, nghe pháp, thọ báo hiện pháp, càng thêm sống lâu. Đây nói là vì thọ báo hiện pháp, nên nói kệ này.

Hỏi: Trung ấm có chuyển biến hay không?

Đáp: Không chuyển biến, vì giới, cõi, xứ sở.

Hỏi: Nếu giới Trung ấm không chuyển biến thì ở đây không có Tỳkheo học rộng, làm sao hiểu Sinh Kinh. Như nói: Một Tỳ-kheo không học rộng ngồi thiền. Vì nhân duyên đời trước được Sơ thiền thế tục, Tỳkheo ấy nghĩ rằng: Ta đã được quả Tu-đà-hoàn, được Nhị thiền thế tục. Lại nghĩ rằng: Ta đã được quả Tư-đà-hàm, được Tam thiền thế tục. Lại nghĩ rằng: Ta đã được quả A-na-hàm, được Tứ thiền thế tục. Lại nghĩ rằng: Ta đã được quả A-la-hán.

Vị Tỳ-kheo kia ở trong đây chưa được tưởng được, bỏ phương tiện, không thêm mong cầu, chưa đắc, muốn chứng đắc, chưa được muốn được, chưa chứng muốn chứng. Tỳ-kheo ấy liền qua đời, sinh Trung ấm của địa Tứ thiền, bèn nghĩ: Tất cả kiết ta đã hết, đã đoạn tất cả sinh tử, nên nhập Niết-bàn, không nên sinh lại, vì sao có Trung ấm này? Sẽ không có sự giải thoát. Nếu khiến cho có Trung ấm thì hiện nay lẽ ra phải có!

Hỏi: Tỳ-kheo kia nẩy sinh tà kiến, chê bai Niết-bàn, bèn từ Trung ấm của địa Tứ thiền chuyển sinh trong đại địa ngục A-tỳ?

Đáp: Bổn hữu của Tỳ-kheo kia chuyển chứ không phải nhập vào Trung ấm chuyển. Tỳ-kheo kia ở trong đây chưa được tưởng được, bỏ phương tiện, không gia tăng sự mong cầu, chưa đắc, muốn đắc, chưa được, muốn được, chưa chứng, muốn chứng. Tỳ-kheo ấy lúc sắp qua đời sẽ có ứng điềm lành sinh địa đệ Tứ thiền. Vừa thấy điềm lành, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng: Tất cả kiết ta đã hết. Ta đã dứt tất cả sinh tử, lẽ ra phải nhập Niết-bàn, không nên sinh lại, vì sao lại có điềm lành này. Hẳn là không có giải thoát nếu khiến có Trung ấm thì nay lẽ ra phải có?

Tỳ-kheo kia phát sinh tà kiến, chê bai Niết-bàn, tức thì điềm ứng trước của địa Tứ thiền chuyển biến sinh trong đại địa ngục A-tỳ. Đây nói là sự chuyển biến của Trung ấm.

Hỏi: Nếu cõi Trung ấm không chuyển biến, thì Sinh kinh kia đã nói về hành vi thiện, ác của người ấy làm sao hiểu được, như nói: Ở thành Xá-vệ có hai hạng người: một người làm việc thiện, một người làm điều ác.

Người làm việc thiện kia liền qua đời, nhân vì hành vi của sinh báo sau, nên sinh ra Trung ấm địa ngục, bèn nghĩ rằng: Ta thường tu thiện, không làm hành vi ác, lẽ ra phải được sinh lên cõi trời, không đọa địa ngục, vì sao lại sinh Trung ấm địa ngục? Người kia ghi nhớ tu việc thiện rồi, chuyển biến sinh Trung ấm địa ngục, được Trung ấm cõi trời, liền sinh lên cõi trời.

Kẻ hành động bất thiện, khi chết, do hành vi của sinh báo sau, nên sinh Trung ấm cõi trời. Người ấy nghĩ rằng: Ta thường gây ra nhiều hành vi ác, không tu hành điều thiện, lẽ ra nên bị đọa địa ngục mới phải, không nên sinh lên cõi trời, vì sao lại sinh Trung ấm cõi trời. Thấy xong, nghĩ rằng: Quyết không có quả báo thiện, ác, nếu có thì hiện nay ta lẽ ra phải có? Người kia nẩy sinh tà kiến, chê bai nhân quả, do đó chuyển biến Trung ấm cõi trời, được Trung ấm địa ngục, liền đọa vào địa ngục.

Hỏi: Nếu cõi Trung ấm không chuyển biến thì sao hai người này lại chuyển?

Đáp: Vì khi bản hữu của người kia chuyển biến, thì không phải vào Trung ấm mới chuyển.

Thông thường, tất cả chúng sinh, lúc sắp qua đời, tất nhiên có ứng trước điềm thiện, ác. Nếu người làm việc thiện kia thì sẽ có điềm lành ứng trước, kẻ làm điều bất thiện thì điềm ác ứng hiện trước, Điềm lành được ứng hiện trước, như nói kệ:

Nếu thấy người làm thiện

Khi chết nói lời này

Tôi thấy vườn thượng uyển

Nước sông chảy ao hoa.

Ứng hiện điềm ác, như nói kệ:

Nếu thấy kẻ làm ác

Khi chết thì nói rằng:

Tôi thấy lửa, dao, gươm

Chim dữ, chó, chồn, sói.

Người làm việc thiện, do hành vi của sinh báo sau, khi sắp chết, ứng điềm sinh địa ngục, thấy rồi, nghĩ rằng: Ta thường gắng sức tu thiện, không làm điều gì ác, lẽ ra phải được sinh lên cõi trời, không nên đọa địa ngục, vì sao ứng hiện điềm đọa địa ngục? Người ấy nhớ lại việc thiện mình đã tu, thì sẽ chuyển mất điềm đọa địa ngục, sau cùng sẽ được sinh lên cõi trời.

Kẻ làm điều bất thiện kia, do hành vi của sinh báo sau, đến khi sắp chết, ứng điềm sinh lên cõi trời, thấy xong nghĩ rằng: Ta thường gây tạo điều ác, không tu hành việc thiện, đáng lý phải đọa xuống địa ngục, không nên sinh lên cõi trời, vì sao lại ứng điềm sinh lên cõi trời? Điều này chứng tỏ, quyết không có quả báo thiện, ác. Nếu có, nay lẽ ra phải có. Người ấy nẩy sinh tà kiến, chê bai nhân quả, do đó, sẽ chuyển biến ứng điềm lành sanh lên cõi trời, sau cùng sinh trong đại địa ngục A-tỳ. Đây là nói khi bổn hữu chuyển biến, chứ không phải vào Trung ấm mới chuyển biến.

Hỏi: Nếu xứ sở của Trung ấm không chuyển biến, thì với trường hợp của vua Bình-sa, làm sao hiểu được? Như nói: Từ Trung ấm của Đâu-thuật đến trời Đâu-thuật, ngay bấy giờ Bốn vị thiên vương, Tỳ-samôn Đại Thiên vương, cho dọn ra thức ăn thịnh soạn với hương vị cực kỳ thơm ngon, vua Bình Sa vừa nghe mùi hương ấy xong, liền chuyển biến Trung ấm Đâu-thuật sinh Tứ thiên vương. Nếu xứ sở của Trung ấm không chuyển thì vua Bình-sa làm sao chuyển?

Đáp: Vua Bình-sa cũng chuyển biến khi bổn hữu, chứ không phải chuyển biến lúc vào Trung ấm.

Có thuyết nói: Phụ vương của vua A-xà-thế, theo vương pháp thì không có lỗi, không có đường ác, mà vẫn bị tra xét, hình phạt ở lao ngục: Dùng dao cắt chân, ngăn cấm người hầu không được đưa thức ăn, không ai được gặp mặt, ôm nỗi khổ não, không thể chịu nỗi, bèn nghĩ: Thế Tôn không thấy nỗi khổ của ta! Thiện Thệ không nghĩ đến ta! Bấy giờ, Đức Thế Tôn và năm trăm Tỳ-kheo đang du hóa ở núi Kỳ-xà-quật, nước Ma-kiệt-đà. Lúc đó, Đức Thế Tôn đã biết ngay ý của vua Bình-sa, liền bảo Tôn giả Mục-kiền-liên: Mục-kiền-liên! Ông hãy đi đến chỗ vua Bình-sa, đem lời ta nói khéo an ủi đại vương. Thế Tôn nói thế này: Đại vương! Ta và Ngài những gì làm đã làm, đều tránh khỏi đường ác. Hành vi ác mà đại vương đã gây ra, nhất định sẽ phải nhận lấy quả báo. Báo của hành vi ác, Như lai còn không tránh khỏi, huống chi hành động ác hiện giờ của đại vương!

Sau khi vâng lời Đức Thế Tôn dạy xong, Tôn giả Mục-kiền-liên liền nhập Tam-muội, biến khỏi núi Kỳ-xà-quật, hiện đến lao ngục kia. Lúc ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên từ xuất định, bảo vua Bình-sa: Đại vương! Thế Tôn nói thế này: Đại vương! Ta và đại vương những gì làm đã làm, để tránh khỏi đường ác. Nay hành vi ác mà đại vương đã làm, nhất định sẽ nhận lấy quả báo. Báo của hành vi ác, Như lai còn không tránh khỏi, huống chi tội ác của đại vương hiện nay! Như thế, Tôn giả Mục-kiền-liên đã rộng vì nói pháp. Vì bị nỗi đói khát quá ép ngặt, nên vua Bình-sa không nhận biết pháp mầu nhiệm.

Bấy giờ, vua Bình-sa hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên: Tôn giả! Trên trời ở nơi nào có thức ăn thật ngon, để khi ta sinh rồi sẽ được ăn? Tôn giả Mục-kiền-liên khen ngợi cõi trời Tứ Thiên vương, đến cõi trời Tha hóa tự tại, có thức ăn cực ngon!

Vua Bình-sa lẽ ra sinh lên cõi trời Đâu-thuật, khi nghe nói đến thức uống ăn của các cõi kia rồi, liền nghĩ: Ta ăn trước thức ăn gần đây rồi, sau đó sẽ sinh lên cõi trời Đâu-thuật. Ở cõi ấy, sau khi chết, sẽ sinh lên cõi Tứ Thiên vương, làm Thái tử của Tỳ Sa-môn, tên là Tôn Thắng Tử.

Đây nói là chuyển biến lúc bổn hữu, chứ không phải chuyển biến khi vào Trung ấm. Do việc này, có thể biết Trung ấm cũng không chuyển biến, cõi cũng không chuyển biến, xứ sở của Trung ấm cũng không chuyển biến. Như trong Luận Thi Thiết của Mục-kiền-liên có nói: Con người khởi thủy, dùng hông, ức để đi, gọi là Ma-hầu-lặc, sanh ra chúng sinh ba tay, gọi là voi.

Hỏi: Chúng sinh kia chết rồi là voi Ma-hầu-lặc, hay là không chết không sinh? Nếu chết rồi sinh lại, thì Trung ấm thế nào? Nếu không chết không sinh, làm sao gọi là con người, người hoặc là Ma-hầu-lặc, hoặc là voi? Soạn luận này xong, đáp: Chúng sinh kia chết rồi sẽ sinh lại.

Hỏi: Nếu chết rồi sinh lại, thì Trung ấm kia thế nào?

Đáp: Nghĩa là Trung ấm của bổn ấm kia đều là hóa sinh, mà hóa thì thân họ ta không thể nhìn thấy.

Lại có thuyết nói: Chúng sinh kia cũng không chết, cũng không sinh.

Hỏi: Nếu không chết, không sinh vì sao nói là con người, hoặc là Ma-hầu-lặc hoặc là voi?

Đáp: Vì chúng sinh kia từ Quang Âm, sau cùng đến đây, chúng sinh kia nên như thế, là trong súc sinh nhưng hình dáng như người, về sau, khi chuyển biến thức uống ăn dở, vì chúng sinh xấu ác, vì phần nhiều thấm nhuần sự lừa dối gian xảo, nên hình người chuyển biến mất, liền trở thành súc sinh như: Tôm, ểnh ương, ếch nhái. Màu sắc ban đầu thì đen, mình tròn, về sau, sắc xanh, hình vuông. Như thế, chúng sinh kia từ cõi trời Quang Âm đến, đọa trong loài súc sinh, nhưng có hình người, do sinh ra bốn việc ác, nên hình con người chuyển biến mất, mà thành hình súc sinh.

Đây nói chúng sinh kia là Ma-hầu-lặc, hoặc là voi, là không chết không sinh lại.

Đã nói rộng về Trung ấm xong.

 

Phần Thứ Bốn Mươi Hai: XỨ CỦA BỐN LOÀI SANH

Bốn loài sinh: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh.

Hỏi: Thế nào là noãn sinh (sinh bằng trứng)?

Đáp: Nghĩa là chúng sinh sinh bằng trứng: Vào trứng, bị ràng buộc do trứng, bị trứng bao bọc, bị mổ vỡ vỏ trứng, cùng sinh, sinh khởi, đẳng khởi, chuyển biến thành, trở thành hữu.

Hỏi: Loại noãn sinh này thế nào?

Đáp: Như chim nhạn, chim oan ương, chim công, anh vũ, con yểng, chim bồ câu, chim thiên thu. Hoặc rồng, hoặc chim cánh vàng, hoặc con người. So sánh như thế, chúng sinh sinh bằng trứng: Vào trứng, được ràng buộc do trứng, được trứng bao bọc, vỏ trứng bị mổ vỡ, sinh ra, chuyển biến sinh khởi, đẳng khởi thành, chuyển biến thành hữu. Đây gọi là noãn sinh.

Hỏi: Thế nào là thai sinh?

Đáp: Nghĩa là chúng sinh sinh bằng lưới thai: Vào lưới thai, bị ràng buộc do lưới thai, lưới thai bao bọc, lưới rách nát, cùng sinh, sinh khởi, đẳng khởi, chuyển biến thành, trở thành hữu.

Hỏi: Loại thai sinh này thế nào?

Đáp: Voi, ngựa, heo, dê, la, lừa, lạc đà, trâu, nai hoang dã. Hoặc rồng, hoặc chim cánh vàng, hoặc con người. Như thế, tất cả chúng sinh này sinh bằng lưới thai: Vào lưới thai, bị lưới thai ràng buộc, bị bao bọc trong lưới thai, lưới thai rách nứt, cùng sinh, sinh khởi, đẳng khởi thành, chuyển biến thành hữu. Đây gọi là thai sinh.

Hỏi: Thế nào là thấp sinh?

Đáp: Chúng sinh nhân bông tre, trúc, bộng cây mục, nhân cá, thịt hôi, hoặc nhân thức ăn nhơ, hoặc nhân cầu vệ sinh, bùn lấy nhơ nhớp, hoặc nhân phân phế thải, hoặc nhân hơi nóng bốc lên, hoặc co các thứ đều gần nhau, có ngặt nhau, cùng sinh, sinh khởi, đẳng khởi thành, chuyển biến thành hữu.

Hỏi: Loại thấp sinh này thế nào?

Đáp: Bọ hung, muỗi mòng, con ngài, ruồi lằn, con kiến. Hoặc rồng, chim cánh vàng, người. Như thế, chúng sinh kia nhân bộng tre, trúc, bộng, lỗ cây mục, nhân cá, thịt hôi tanh, hoặc nhân thức ăn dơ, hoặc nhân cầu vệ sinh, bùn lấy nhơ, hoặc nhân phân phế thải, hoặc nhân hơi nóng bốc lên, hoặc các thứ gần nhau, ép ngặt nhau, cùng sinh, sinh khởi, đẳng khởi, thành, chuyển biến thành hữu. Đây gọi là thấp sinh.

Hỏi: Thế nào là hóa sinh?

Đáp: Nói là chúng sinh thành tựu tất cả căn, đầy đủ các phần của thân, sinh cùng một lúc, sinh khởi, đẳng khởi thành, chuyển biến thành hữu.

Hỏi: Loại hóa sinh này thế nào?

Đáp: Tất cả địa ngục, tất cả ngạ quỷ, tất cả Trung ấm, tất cả trời, hoặc rồng, chim cánh vàng, người. Như thế chúng sinh này đã thành tựu tất cả căn, đầy đủ các phần của thân, sinh cùng một lúc, sinh khởi, cùng khởi thành, chuyển biến thành hữu. Đây gọi là hóa sinh.

Hỏi: Bốn sinh có tánh gì?

Đáp: Có tánh của bốn ấm, năm ấm. Tánh năm ấm của cõi Dục, cõi Sắc, tánh bốn ấm của cõi Vô Sắc. Đây gọi là tánh của bốn sinh.

Đã gieo trồng thân tướng tất cả tự nhiên. Nói tánh xong, sẽ nói về hành:

Hỏi: Vì sao nói sinh? Sinh có nghĩa gì?

Đáp: Vì chúng sinh đã sinh ra ách, nên gọi là sinh.

Hỏi: Nếu chúng sinh vì đã sinh ra ách, nên gọi là sinh, thì giới, cõi, cũng là chúng sinh ách, vì sao không gọi là sinh?

Đáp: Vì chỉ có ách chúng sinh và ách của tất cả chúng sinh.

Nói giới: Mặc dù là ách của tất cả chúng sinh nhưng chẳng phải số chúng sinh. Cũng là đường ách, nghĩa là dù là ách chúng sinh, nhưng chẳng phải ách của tất cả chúng sinh, vì lìa Trung ấm. Sinh này chỉ là ách chúng sinh và tất cả chúng sinh, cho nên nói bốn sinh.

Hỏi: Giới bốn sinh có bao nhiêu sinh?

Đáp: Ở cõi Dục, tất cả bốn sinh của cõi Dục có thể đạt được, cõi Sắc, Vô Sắc, chỉ tất cả hóa sinh.

Hỏi: Cõi của bốn sinh này có bao nhiêu sinh?

Đáp: Địa ngục, ngạ quỷ, cõi trời chỉ có một hóa sinh.

Lại có thuyết nói: Ngạ quỷ, thai sinh có thể được. Như nữ ngạ quỷ kia hướng về Tôn giả Mục-kiền-liên, nói kệ:

Ban ngày hai lăm con

Trong đêm cũng hai lăm

Vừa sinh, ta đã ăn

Ý ta vẫn không no.

Súc sinh và người, tất cả bốn loài sinh có thể được.

Hỏi: Làm sao biết trong loài người có noãn sinh?

Đáp: Như nói: Cõi Diêm-phù-lợi phần nhiều có người đi buôn ra biển để tìm nhặt của báu, bắt được hai con ngỗng trời, hình sắc chúng rất tươi đẹp, tùy ý biến hóa; một mất, một còn. Nói còn, nghĩa là người lái buôn cùng dạo chơi với nó, ấp ủ trong một nhà. Khi hội hợp với người lái buôn kia, bèn lần lượt đẻ ra hai trứng. Hai trứng ấy, về sau thành thục dần, bèn nở ra hai đồng tử hết sức đẹp đẽ, khôi ngô. Về sau, lớn lên, xuất gia học đạo, được quả A-la-hán: Một vị tên là Tôn giả Kỳthi-ba-la, vị thứ hai tên là Tôn giả Ưu-bát-thi-ba-la, nghe đồn từ lâu đã làm chủ chùa Nam Sơn.

Hỏi: Làm sao biết trong loài người có thấp sinh?

Đáp: Như nói: Có vua Đảnh Sinh, Tôn giả Già-la, Tôn giả Ưu-ba Già-la-lợi nữ.

Hỏi: Làm sao biết trong loài người có hóa sinh?

Đáp: Là người kiếp sơ.

Có thuyết nói: Tất cả từ bốn sinh đều được pháp Thánh, bậc Thánh đã được pháp Thánh, không còn noãn sinh, thấp sinh.

Hỏi: Vì sao bậc Thánh đã được pháp Thánh, không còn noãn sinh, thấp sinh?

Đáp: Noãn sinh, thấp sinh, thuộc về đường súc sinh, bậc Thánh đã lìa đường súc sinh.

Hoặc nói: Hai sinh này phần nhiều có ngu, bậc Thánh đã được quán.

Hoặc nói: Noãn sinh, thấp sinh ép ngặt, bậc Thánh ý rộng.

Hoặc nói: Noãn sinh, thấp sinh, không đáng nương cậy, bậc Thánh thành tựu pháp trông cậy. Nếu Ba-lê nữ có được người trông cậy thì không nên khinh dể người nữ kia là thấp hèn, Phạm chí Đàn-đề không thí dụ về người nữ, không dám khinh dễ, vì có chủ.

Hoặc nói: Bậc Thánh, hai sinh: Thấp sinh, noãn sinh. Nếu noãn từ thai mẹ xuất sinh, mổ trứng chui ra, do việc này, nên chim gọi là hai sinh, như Sa-môn và Phạm chí gọi là hai sinh. Từ thai mẹ sinh, xuất gia, học đạo.

Tôn giả Cù-sa nói: Vì sao bậc Thánh đã được pháp Thánh, không còn noãn sinh, thấp sinh?

Đáp: Như cha hướng về con cũng thế.

Hỏi: Thế nào là như cha hướng về con cũng thế?

Đáp: Như đã thành Bồ-tát thì không còn noãn sinh, thấp sinh. Cũng thế, bậc Thánh đã được Thánh pháp, không còn noãn sinh, thấp sinh.

Hỏi: Trong bốn sinh, sinh nào rộng nhất?

Đáp: Có thuyết nói Noãn sinh rộng nhất, thuyết này nói: Ở lưng chừng núi, đầm bình nguyên dọc theo ven biển phía Tây nước ngoài, trứng đầy ắp trong đó. Lừa, la, lạc đà, voi, ngựa, heo, dê, trâu, nai hoang dã đều đạp bể số trứng đó. Như thế, noãn sinh rộng nhất.

Lại có thuyết nói: Thai sinh rất rộng, thuyết này nói: một con cá, một con ễnh ương đẻ con đầy bảy ruộng lúa, bảy con sông. Như thế, thai sinh rộng hơn.

Lại có thuyết nói thấp sinh rộng nhất: Vào tháng mùa hè, những vùng đất mặn, đất tro, trong nước tiểu bò và nước đọng lại ở những nơi ẩm ướt, từ cõi Dục, đến Phạm thiên, trong một khoảnh khắc, loài côn trùng sinh sản đầy ắp trong đó. Như thế, chứng tỏ thấp sinh rộng nhất.

Những thuyết như thế, đều nói hóa sinh rộng nhất. Vì sao? Vì hóa sinh đều gồm thâu ba đường. Hai cõi thì ít đối tượng nhập. Đều gồm thâu ba đường: Địa ngục, ngạ quỷ, trời. Hai cõi ít đối tượng nhập: súc sinh và người. Lại nữa, tất cả chúng sinh ở cõi Dục, cõi Sắc đều sinh Trung ấm. Trung ấm là hóa sinh, vì thế nên hóa sinh rộng nhất.

Hỏi: Bốn sinh, sinh nào là tốt nhất?

Đáp: Hóa sinh tốt nhất.

Hỏi: Nếu hóa sinh là tốt nhất, vì sao Phật Thế Tôn không từ hóa sinh?

Đáp: Vì không bình đẳng, hòa hợp, cho rằng khi có hóa nhân thì bấy giờ không có Phật, nói là khi có Phật thì lúc ấy không có hóa nhân. Đây nói là vì không bình đẳng hòa hợp, nên Phật, Thế Tôn không hóa sinh.

Hoặc nói: Vì thân hóa sinh không có sức mạnh, nên không hơn mười lực, bốn vô sở úy.

Hoặc nói: Vì hóa thân mềm mại không trội hơn đạo Chánh chân vô thượng.

Hoặc nói: Đây là hoàn toàn niệm ái cùng cực, nối tiếp với người thân, Bồ-tát thường hoàn toàn rất thích tu thiện. Do đó nên thai sinh, không hóa sinh.

Hoặc nói: Bồ-tát suốt đêm dài, tu hành nguyện cầu cho cha mẹ đáng kính. Cha, mẹ cũng suốt đêm dài cầu mong con cái hiếu thuận. Nếu Bồ-tát xuất hiện từ hóa sinh, thì hạnh thệ nguyện sẽ không có quả, không có báo, vì lẽ này, nên Bồ-tát từ thai sinh, không từ hóa sinh.

Hoặc nói: Vì tiếp nhận nói pháp: Nếu Đức Thế Tôn từ hóa sinh rồi, đến chỗ nhóm họp, biện luận, quở trách, thì Tỳ-kheo kia sẽ nghĩ rằng: Người này không có cha, mẹ, không có anh em, chị em và các họ hàng thân thuộc, chỉ đến quở trách chúng ta! Như đất Diêm-phù-đề, nhà giàu sang nhất, chúng thân tộc đông, Ca-duy-la-vệ, trung tâm duy nhất của mọi người, Đức Thế Tôn sinh nơi đó. Như miệng ngậm nước bọt, không thích để lâu, nên xuất gia, học đạo ở trong khu rừng được ca tụng nhất. Vì thế, nên khi nói pháp, có nhiều người được hóa độ. Đây nói vì người tiếp nhận nói pháp, nên Phật, Thế Tôn từ thai sinh, không từ hóa sinh.

Hoặc nói: Vì dứt sự chê bai, nên Đức Thế Tôn từ thai sinh không từ hóa sinh. Như Thế Tôn ở trong đại chúng, tất cả mọi người không ai không biết. Từ trời Đâu-suất, sau cùng giáng sinh thai mẹ. mười tháng đã mãn, sinh ở vườn Lâm-tỳ, liền đi bảy bước, có hai con rồng tắm thân, hai mươi chín tuổi xuất gia, ba mươi lăm tuổi đắc đạo, tu khổ hạnh sáu năm, ăn cháo sữa của hai cô gái, hàng phục ma, quan thuộc, thành đạo vô thượng.

Cũng còn có dị học đến chê bai: Quá một trăm kiếp rồi, ở trong biển cả, sinh ra một người huyễn, ăn tất cả của thí, huống chi Đức Thế Tôn từ hóa sinh? Các dị học há không tăng thêm sự chê bai? Đây nói là vì dứt trừ sự chê bai, nên Thế Tôn từ thai sinh, không từ hóa sinh.

Hoặc nói: Vì làm lợi ích cho người, nên Đức Thế Tôn từ thai sinh, không từ hóa sinh. Nếu Thế Tôn hóa sinh, thì khi nhập Niết-bàn, chúng ta sẽ không được thấy xá-lợi. Nếu không thấy xá-lợi thì như hiện nay, bát Niết-bàn diệt một ngàn năm. Xá-lợi như hạt cải, hàng trăm ngàn chúng sinh đều cung kính, cúng dường. Cung kính cúng dường rồi, nguyện cầu đạo Phật, Bích-chi-Phật, Thanh văn, sẽ được sinh vào nhà cao sang, được hình mạo đoan nghiêm trong loài người, trên cõi trời, không có ai sánh bằng, cho đến nhập cõi Niết-bàn vô dư.

Nếu Thế Tôn từ hóa sinh, thì ngần ấy công đức đều đoạn diệt, không hiển hiện. Vì lý do này, nên Phật, Thế Tôn từ thai sinh, không từ hóa sinh.

Hỏi: Vì sao thân hóa sinh lúc sau cùng không thể thấy.

Đáp: Vì thân hóa sinh, một lúc sinh, một lúc diệt, như người lội xuống nước, một lúc chìm, một lúc nổi, nổi rồi lại chìm, không xuất hiện lại. Cũng thế, thân hóa sinh một lúc sinh, một lúc diệt.

Hoặc nói: Thân hóa sinh thường có tạo sắc, một ít bốn đại, vì bốn đại khi chết có thể thấy.

Hoặc nói: Thân hóa sinh, căn nhiều, phi căn ít. Vì phi căn nhiều, nên lúc chết có thể thấy. Người hóa sinh, ít tóc, lông, móng tay, răng, xương. Vì lý do này, nên thân hóa sinh, đến khi chết, thân không thể thấy.

Hỏi: Nếu thân hóa sinh, khi chết không thể trông thấy, thì với Khế

kinh kia làm sao hiểu được? Như nói: Chim cánh vàng hóa sinh quắp lấy rồng hóa sinh mà ăn. Nếu hóa sinh không hiện, làm sao lấy rồng kia để làm thức ăn.

Đáp: Vì ý muốn ăn nên lấy được, chỉ vì không trừ được đói khát.

Hoặc nói: Hóa thân mềm mại vào bụng, tức sẽ ăn, như dầu như tô vào bụng, sẽ ăn. Cũng thế, hóa thân mềm mại, vào bụng, thì sẽ ăn.

Hoặc nói: Vì nuốt cùng lúc, cho nên sẽ ăn.

Hoặc nói: Chim cánh vàng kia có ý phương tiện, trước hết nuốt đuôi rồng, sau đó đến đầu. Lúc mạng rồng chưa dứt sẽ ăn, cho nên hóa thân sẽ ăn.

Hỏi: Nếu hóa thân, lúc chết không hiện, thì Khế kinh khác kia làm sao hiểu được? Lính của địa ngục kia bắt lấy người tội, lột da từ chân đến cổ, từ cổ đến chân, làm sao có thể thấy?

Đáp: Vì vướng mắc thân, nên có thể thấy, lìa thân, nên không thể thấy, như điện quang ra khỏi lớp mây thì trông thấy, tắt mất thì không thấy. Cũng thế, vì chấp mắc thân nên có thể thấy, lìa thân, không thể thấy.

Hỏi: Chim trên trời là noãn sinh hay hóa sinh? Nếu là noãn sinh, thì khi chết thân sẽ thấy. Chư thiên thấy rồi đâu được không khởi tâm oán ghét chăng? Chư thiên có sáu điều ưa thích, đó là mắt thấy sắc, đều thấy cái đáng ưa, không thấy cái chẳng đáng ưa, thích chẳng phải không thích, nhớ nghĩ, chẳng phải không nhớ nghĩ, sắc thiện, chẳng phải sắc bất thiện, sắc vui sướng chẳng phải sắc không vui sướng, là đẹp, chẳng phải không đẹp. Như thế cho đến ý tạo ra phần luận này xong, có thuyết nói: Chim trên trời là noãn sinh.

Hỏi: Nếu noãn sinh thì đến lúc chết thân có thể thấy. Chư thiên thấy rồi, đâu được không khởi tâm oán ghét chăng?

Đáp: Chim trên trời, đến lúc chết có thể thấy, nhưng gió thổi đi nhanh. Thuyết như thế, nói chim trên trời là hóa sinh. Đã nói rộng về phạm vi bốn sinh xong.

[postlist id=75626]