LUẬN THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Tạo luận: Bồ-tát Tịnh Ý.
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Quy mạng Đức Mâu-ni
Diệu pháp Tỳ-kheo Tăng
Lược soạn Luận Nhân Duyên
Vì để hiển bày nghĩa.
Đức Mâu-ni diễn nói
Mươi hai phần thắng thượng
Pháp do Nhân duyên sinh
Được ba pháp thâu tóm.
Phiền não, nghiệp và khổ
Kế đó cần phải biết
Phiền não: một, tám, chín
Nghiệp gồm hai và mười.
Còn lại bảy là khổ
Ba thâu mười hai pháp
Từ ba lại sinh hai
Từ hai sinh ra bảy.
Từ bảy lại sinh ba
Cứ thế mà luân chuyển
Tất cả pháp thế gian
Chỉ nhân quả, không người.
Chỉ từ các pháp “không”
Chỉ sinh trong pháp “không”
Thí dụ đèn, ấn, gương
Mặt trời, chủng tử, nước
Các ấm chuyển, không chuyển
Người trí giỏi suy xét.

Có đệ tử thành tựu, nghe được pháp gì thì nhận lãnh, thọ trì, khiến không quên mất pháp của Như Lai. Còn những nghĩa lý như: Sự, phi sự, tánh, tướng… trong lòng sinh nghi hoặc, vì muốn biết nên hỏi Tôn giả:

Pháp Mâu-ni diễn nói
Mười hai phần thắng thượng
Pháp do Nhân duyên sinh
Được ba pháp thâu tóm.
Trong những việc như vậy
Tôi nay xin thưa hỏi
Mong giải thích cho tôi
Đoạn lưới nghi cho tôi
Thầy biết ý đệ tử
Sinh lòng khát ngưỡng pháp
Nên cung kính cầu xin
Thầy đáp: Ông lắng nghe
Mươi hai phần thắng thượng
Được ba pháp thâu tóm
Phiền não, nghiệp và khổ
Kế đó cần phải biết
Mười và hai trong ấy
Nên gọi là mười hai
Do phần nói không khác
Nên gọi là Thắng phần
Như phần của chiếc xe
Nên nói: phần thù thắng.

Mâu-ni được gọi là Tịch Diệt, hay Vô Phân Biệt, còn gọi là Định hay Vô Ngôn thuyết. Những điều Đức Mâu-ni diễn nói, tuyên thuyết được gọi là Giả danh. Nó không phải do lúc bậc Đại nhân Trượng phu nhập định, tánh tướng sinh ra, mà nó chỉ do nhân duyên sinh thành. Mười hai phần ấy, do ba pháp là Phiền não, Nghiệp và Khổ cùng làm nhân duyên với nhau sinh ra. Như chân bàn, cái bình, cái bàn, ba thứ này cũng làm nhân làm duyên cho nhau mà tồn tại.

Hỏi: Cái gì là phiền não? Cái gì là nghiệp? Cái gì là khổ? Mà được hình thành gồm thâu trong những phần thù thắng nhân duyên này?

Đáp: Trong mười hai phần thù thắng này, đầu tiên là Vô minh, thứ tám là Ái, thứ chín là Thủ, thứ mười là Hữu do phiền não gồm thâu. Thứ hai là Hành, thứ mười là Hữu, hai phần này do Nghiệp gồm thâu cả. Bảy phần (bảy chi) còn lại do khổ thâu tóm. Phiền não, nghiệp và khổ, ba pháp này gồm thâu cả mười hai phần. Bảy phần còn lại gồm: Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Sinh, Lão tử. Các pháp sinh khổ như: Ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ v.v… mười hai phần vừa nêu, lấy phiền não, nghiệp và khổ làm nền tảng. Gồm thâu cả mười hai phần này chỉ do ba pháp ấy chứ không phải pháp nào khác. Trong tất cả các kinh chỉ nói đến phần này chứ không nói đến phần nào khác.

Hỏi: Nghĩa của các phần thù thắng đã biết rồi, còn như phiền não, nghiệp và khổ ở đâu? Vì sao nó hình thành tất cả các sự?

Đáp: Từ ba sinh ra hai. Ba là phiền não, hai là nghiệp, nghĩa là từ phiền não sinh ra nghiệp. Lại từ hai sinh ra bảy. Bảy là khổ, nghĩa là từ nghiệp sinh ra khổ. Từ bảy sinh ra ba, tức là từ khổ sinh ra phiền não. Ở đây nói: Phiền não, nghiệp khổ, ba thứ này tác động lẫn nhau, vì vậy nó luân chuyển không định rồi tạo thành Hữu. Hữu ở đây chỉ cho cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Trong ba cõi này bất định, dụ như bánh xe quay. Do có Hữu nên tất cả phàm phu chúng sinh sinh lên đọa xuống, qua lại không cùng. Hữu vốn bất định nên có ba cõi.

Hỏi: Nó tạo tác ra tất cả thân, tất cả chúng sinh, vậy nó dựa vào cái gì mà tạo tác ra?

Đáp: Trong bài kệ nói: Tất cả pháp thế gian, chỉ nhân quả không người, Vì muốn bỏ giả thuyết cho nên nói có. Điều này phải suy xét kỹ. Đây không nói về tánh, vậy nên thấy nó không tạo tác ra chúng sinh.

Hỏi: Nếu vậy, tại sao nói từ thế gian đời này nhận thế gian đời sau?

Đáp: Thậm chí chẳng có mảy may pháp nào từ thế gian đời này nhận thế gian đời sau. Do vậy bài kệ nói: Chỉ từ các pháp “không”, chỉ sinh trong pháp “không”. Đủ thấy ngã và ngã sở đều “không”. Nghĩa là hành tánh của năm pháp trong phiền não và nghiệp tách lìa không có ngã, phải hiểu như thế.

Hỏi: Như nói: Tánh vô ngã trong pháp, mà tánh hành vô ngã, nay lấy gì làm chứng?

Đáp: Bài kệ nói: Thí như đèn ấn gương, mặt trời chủng tử nước những thí dụ đó đủ làm bằng chứng. Tin không có tự thể, tánh là giả danh, cho nên nói có. Đời hiện tại đời vị lai ở đây, thí như thầy đọc tụng nhưng kỳ thật không phải từ thầy truyền cho đệ tử. Tuy không phải từ thầy truyền cho đệ tử nhưng há không phải là trao cho đệ tử đó sao! Có thể nói, đệ tử không nhờ truyền mà nhận được, đó cũng là ngăn ngừa cái họa chấp không có nguyên nhân. Như lúc lâm chung, tâm thức không đến thế gian đời sau, nói vậy là nhằm ngăn ngừa cái họa chấp thường. Thân đời sau không phải từ nơi khác đến, nói vậy là ngăn ngừa cái họa chấp không có nguyên nhân. Như thầy đọc tụng là nhân, khiến cho đệ tử lãnh thọ, như vậy không thể nói là chính là nó, mà cũng không thể nói là khác với nó. Lúc lâm chung, tâm thức là nhân rồi chuyển sinh qua tâm thức thân sau. Nhưng tâm thức ấy không thể gọi là một mà cũng không thể gọi là khác, không lìa nó, cũng không phải là nó, như từ đèn sinh ra đèn, từ ấn in thành ấn, từ gương hiện ra bóng, từ tiếng sinh ra âm hưởng, từ mặt trời sinh ra lửa, từ hạt nảy ra mầm, từ quả me miệng tiết ra nước bọt. Như vậy không thể gọi là nó, mà cũng thể gọi là khác với nó. Tất cả pháp nhân duyên chuyển và không chuyển, người có trí đều giỏi suy xét.

Trung ấm ở đây chỉ cho sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thác sinh qua thân kia thì ấm của thân này diệt. ấm này diệt thì ấm kia tiếp tục sinh, nhưng sự thật không có mảy may pháp nào từ chỗ này đến chỗ kia. Đây là nghĩa lần lượt của thế gian. Từ nghĩa này, nên tất cả thế gian đều vô thường, bất tịnh, khổ, vô ngã. Nếu hay quán sát kỹ như vậy thì đối với các pháp sẽ không bao giờ sinh tâm nghi hoặc. Không nghi hoặc thì không nhiễm, không nhiễm thì không đắm chấp, không chấp trước thì không khát ngưỡng suông không khát ngưỡng suông thì không tạo nghiệp, không có nghiệp thì không nhận lấy sự, không nhận sự thì không hành động, không hành động nên không thọ sinh lại, không thọ sinh lại thì không có tất cả sự thống khổ của thân và tâm. Như thế, không gây ra năm loại nhân thì cõi kia không có bảy loại quả. Hễ không có quả thì gọi là giải thoát. Hiểu được như vậy, thì đã giải thích xong nghĩa của chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thường, chẳng đoạn, hữu biên, vô biên v.v.. Bài kệ tóm lược:

Chẳng thấy vô duyên sinh
Nhất định là hiểu đúng
Trong muôn việc nhiệm mầu
Do vậy không thành đoạn
Trong ấy không có diệt
Và cũng không có tăng
Thấy chắc thật như vậy
Muôn hình đều như thế.