LUẬN QUẢNG THÍCH BỒ ĐỀ TÂM
Bồ-tát Liên Hoa Giới tạo luận
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 2
Lại nữa, trong nầy, như Kinh Tỳ Lô Giá Na Thành Phật nói: “Tất cả trí Nhất thiết trí (Trí Phật) lấy tâm bi làm căn bản, thuận theo bi phát sanh ra tâm Đại Bồ-đề, sau đó thành lập các phương tiện. Vì vậy các Bồ-tát đối với tất cả mọi lúc, luôn thực hành hai loại nầy. Tất cả các phương tiện như bố thí… hiện rõ thân, hiện rõ cõi, sắc tướng quyến thuộc, quả báo rộng lớn, vì hai loại thâu gồm nên thảy đều được thành tựu. Như Phật Thế Tôn không trú vào Niết-bàn, vì khiến cho tất cả khởi chánh tuệ, có thể đoạn trừ các điên đảo khắp nơi lại không trụ vào sanh tử, vì sanh tử khởi điên đảo. Vì vậy Đức Thế Tôn thành tựu Niết-bàn Vô trú. Lại nữa, nên biết tự tướng đã thực hành của tuệ và phương tiện, cần phải xa rời hai bên cộng tướng và hủy báng. Xa rời hai bên nên đã thực hành trung gian thì đạt được vô ngại”. Đã nói là hai bên cộng tướng và hủy báng, nghĩa là tuệ xa rời bên cộng tướng, phương tiện xa rời bên hủy báng. Như vậy trong nầy, như Kinh Thánh Pháp Tập nói: “Nếu sắc thân đầy đủ các tướng hảo, thì có thể khiến người nhìn thấy khởi lên được ý vui mừng hơn hẳn. Nếu ở trong Tam muội quán sát pháp thân ấy, thì không thể nào làm cho khởi ý vui mừng được”. Lại có thuyết nói: “Tuệ và phương tiện sanh ra các Như Lai, có thể khiến cho người khác khởi tín giải thanh tịnh”. Như vậy nên biết! Vả lại có nơi nói: Như pháp thế gian cần phải biết rõ, pháp hãy còn phải bỏ huống hồ chẳng phải là pháp, vì xa rời tướng thủ, các tâm chấp thủ điên đảo kia đoạn dứt. Do đoạn dứt nơi kia rồi nên ở đây nói: Đây thực sự có được ý vui mừng, không nên ở trong những việc đã làm ấy, mà dấy tâm quyết định thực sự nương nhờ. Cũng như có nơi nói: Trong tất cả các pháp cũng không đáng lấy, cũng không đáng bỏ, vì pháp lấy bỏ ấy không thể đạt được.
Hoặc có thuyết nói: Các hành như bố thí… cảm đến quả sanh tử. Ở đây vì sao nói là xa rời tuệ mà thực hành bố thí…? Đạt được một chút thiện cho là niềm vui đủ để khởi tâm dũng mãnh, tiếp tục khởi lên ý tưởng thiện căn được tăng thượng.
Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Tất cả các pháp vốn có, nên cùng với tuệ và phương tiện thực hành cả hai loại. Các việc làm như bố thí… nếu là tuệ thâu tóm, thì có thể gọi là Ba-la-mật-đa, tên gọi khác đây thì không phải là bố thí… thanh tịnh”.
Trong ấy nên biết, nếu như trú vào Tam-ma-địa thì có thể sanh khởi các tuệ, vì gia hạnh chuyên chú tổng thâu các tạo tác, nghĩa là do trước khởi lên nghe thành tựu tuệ, theo nghĩa của bổn tông mà đích thực nhiếp trì, sau đó từ suy nghĩ thành tựu tuệ mới có thể sanh khởi. Ở trong sự tư tuệ nầy quán sát như thật nghĩa, sự quán sát ấy quyết định chân thật, không có tà vọng điên đảo giả dối. Quán sát như vậy nên nghi hoặc chấm dứt, chánh trí sanh ra như lý mà tu tập đúng đắn. Như Đức Phật ngồi nơi cội Bồ-đề vì các ngoại đạo thuyết về pháp vô ngã. Trong nầy cần phải tư duy quán sát, chắc chắn có chánh nhân đạt được quả Niết-bàn. Khác với điều nầy đều là nhân phân biệt bình thường của ngoại đạo, không phải là tịch tĩnh. Vì thế nên trong Tạp A Hàm đều nói rõ. Trong tư duy đã thành tựu tuệ như lý quán sát rồi, thuận theo quán sát các vật có tự tướng chân thật, mà tự tướng kia trong Thắng nghĩa đế chính là không sanh khởi. Như vậy quyết định tương ưng với những gì trong A Hàm đã nói.
Như Kinh Thánh Pháp Tập nói: “Vô sanh chân thật, không thật thì gọi là pháp sai khác. Những loại như vậy đều là vô sanh tùy thuận với Thắng nghĩa đế. Đây nói là chân thật, còn thắng nghĩa vô sanh chính là chẳng phải vô sanh, tất cả các hành ấy đều là tánh quá khứ”. Ở đây lại nói: “Nầy người thiện nam! Hai pháp sanh diệt suy cho cùng đều là sự chấp thủ của thế gian. Vì thế nên Đức Phật đại bi vì muốn cảnh tỉnh thế gian xả bỏ các hành tướng, thuyết về pháp sanh diệt suy cho cùng không có một pháp nào được sanh ra”.
Lại trong Kinh Thánh Pháp Tập nói: “Sao nói là sanh, sao nói là diệt? Đáp: Vô sanh gọi là sanh, vô diệt gọi là diệt”. Trong nầy lại nói: “Pháp môn chữ A nghĩa là tất cả các pháp xa rời sanh diệt, đây chính là tất cả các pháp không có chủng loại tự tánh, tự tánh thành tựu từ Không”.
Kinh Thánh Nhị Đế nói: “Nếu như vô sanh bình đẳng, thì đạt được tất cả các pháp bình đẳng”.
Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa nói: “Nầy Tu-bồ-đề! Sắc sắc tự tánh là không, cho đến thức thức tự tánh đều là không, tự tướng được thành tựu từ không”.
Kinh Tượng Dịch nói: “Tất cả các tánh không thể nào được sanh ra, ở trong vô sanh tánh, người ngu muội chấp có tánh sanh ra”.
Kinh Phụ Tử Hiệp Tập nói: “Tất cả các pháp kia thảy đều bình đẳng, ba đời cũng bình đẳng, tất cả các pháp quá khứ xa rời tự tánh, cho đến tất cả các pháp hiện tại cũng xa rời tự tánh”. Như vậy là nói tổng quát về tánh các pháp. Trong A Hàm kia nghĩa chắc chắn tương ưng cần phải quán sát, khác với điều nầy có nhân thì không thể thành tựu được. Trong nầy như lý quán sát quyết định rối, nói tóm tắt: Nghĩa là các tánh sanh ra hoặc nói là có nhân, hoặc nói là không có nhân. Như thật nên biết. Không phải tánh ấy có nhân, không phải tánh ấy không có nhân, nghĩa nầy nói thế nào? Nếu như tánh xả bỏ nhân, thì tánh sai biệt nầy hoặc biểu hiện rõ là có thật, không phải là không có nhân của nó. Nếu lúc pháp sanh ra chính là tất cả các tánh khắp tất cả các xứ, sao nói là chẳng phải có? Lúc tánh kia không có hoặc là không hề sai biệt, trong lúc sanh ra cũng không phải là có được, không phải tánh đó có nhân. Nói tổng quát như vậy, tánh ấy không phải là không có nhân mà được hòa hợp, cũng không phải là có nhân mà được hòa hợp. Như vậy đã nói nếu nghĩ là có ngã tức là ngoại đạo khởi lên chấp vào nhân thường có, thì vô tánh kia được sanh ra, có thể khởi lên các hành mà biểu hiện rõ. Làm hỏng các nhân của tánh thì sao có thể sanh khởi các hành, vì xả bỏ không như lý. Vả lại, không phải ngoại đạo đã chấp vào ngã đều tự nó có năng lực, đối với pháp sai biệt nơi khác có thể không xả bỏ tánh. Đã chấp là tánh thường có thì không thể đối với nơi khác làm những điều lợi ích được. Nếu không có lợi ích thì trái với pháp tương ưng. Trong nầy như vậy nên biết, đã chấp vào tất cả mọi năng lực của các ngã, thì rốt cuộc đều là không, giống như người phụ nữ vô sanh. Không có tự tánh kia ở trong các việc đã làm, thì không thể nào thành tựu những việc ấy. Giả sử có năng lực đã làm không có thật, thì dường như chẳng phải đã làm lại chẳng phải hòa hợp. Lại giống như tất cả mọi việc thuận theo có làm ra, quyết định từ lúc sanh ra về sau, nếu có năng lực thì chính năng lực ấy, thuận theo chuyển đổi tự tánh như trước đã nói, các sự đã khởi làm mà được hoà hợp, hoặc không thuận theo chuyển đổi cũng như trước đã nói. Không có tự tánh kia thì tánh là nhân vô thường chắc chắn không hòa hợp. Vì vậy trong các nhân vô thường không có một pháp nào có thể đạt được.
Ý ấy trong nầy như Đức Thế Tôn dạy: “Lại nữa, Đại Tuệ! Cộng tướng không thật, đó gọi là hư không diệt mất Niết-bàn không có tạo tác, không có tánh, không chấp thủ cộng tướng, vì vậy nên đều là vô thường”. Sanh nầy không hòa hợp mà cũng chẳng phải vô thường, như tánh trong hai sự việc của quá khứ và vị lai, cũng chẳng phải có sanh mà được hòa hợp, nhân kia không có hòa hợp thì tánh theo đó chuyển đổi. Nếu cùng thời gian sanh ra có những tương ưng, cũng không phải là nhân cùng thời gian đã làm tự tánh của sự việc được quyết định. Quán sát cùng lúc ấy cũng không có tánh nào được thành tựu, hoặc quán sát thời gian khác nhau cũng không phải là thời gian khác nhau. Nếu như quán sát ở trong thời gian – trong duyên, thì tánh ấy cũng không sanh ra – không có thật. Quá khứ nếu như sanh ra có những hòa hợp, nhưng cũng không phải là duyên – cũng không phải là có sanh ra, tất cả ngã ấy cũng không có duyên, lại không phải tất cả sát na thuận theo đí vào trong một sát na, kiếp và sát na phân biệt hạng lượng mà không thể hòa hợp, như các vi trần tập hợp tích tụ lại thành đống lớn, trong nầy cũng không có ngã ở mức vô cùng nhỏ mà được hòa hợp. Như vậy trong một tập hợp – một thành phần, sát na uẩn kia tích tụ tánh không thể hòa hợp, tự nó không được sanh ra cũng không có thành phần của nhân. Nếu như ở trong nầy giữ lấy phần của tánh ấy, thì tự ngã đã khởi lên trái với nhau cũng không có hai loại. Nếu như có hai phần của tánh thì thuận theo mắc phải hai loại sai lầm. Như vậy nói tóm lại, vì tất cả thế tục đã sanh khởi có những tánh đạt được, ở trong Thắng nghĩa đế mà thật sự không có sanh khởi. Điều nầy nói không trái ngược gì với A Hàm.
Như Đức Phật đã nói: “Tánh của các chúng sanh đều gọi là thế tục, trong Thắng nghĩa đế chúng sanh không có tự tánh, trong tự tánh không có nếu như khởi lên nghi hoặc, lúc ấy chính là thật sự khởi lên ý nghĩ thế tục”. Đã nói như lý, thì Phật Thế Tôn là chân thật vui với ý thù thắng, như những thân lúa của thế gian, tự tánh và tha tánh ở trong hai loại nói là không có nhân sanh ra, nghĩa nầy nên chấm dứt. Trong nầy nên thuận theo quán sát như lý, nếu là Sắc hay Vô sắc, hai tánh ấy thì sắc giống như những loại bình lọ v.v… và Vô sắc là những, hạn lượng nhỏ vô cùng không thể làm hỏng tánh sắc, đối với phần vị trước (sắc) nhưng không phải là một tánh, trong phần vị trước (sắc) nếu như có những tổn hại thì tánh kia (Vô sắc) không thành tựu. Lại nữa, không phải trong tập hợp những nhỏ bé cùng cực ấy có một tánh hay nhiều tánh, xa rời một hay nhiều tánh ấy sao nói là có tự tánh? Nếu như không có tự tánh thì đây chính là thắng nghĩa, giống như tướng sắc, tánh sắc đã đạt được trong mộng ảo. Nghĩa đó nên biết và đây chính là lời Đức Phật đã thuyết.
Như Kinh Lăng Già nói: “Lại nữa, nầy Đại Tuệ! Ví như một con voi lớn tách ra nhỏ như hạt bụi, ở trong tướng hạt bụi nầy, như lý quán sát tánh sắc của con voi kia thật sự không có tự tánh. Lại như cácmàu sắc xanh vàng đỏ trắng trong Sắc uẩn, sắc ấy có đối ngại nhau nhưng không có tự tánh. Như vậy suy cho cùng ngoài thức không có sắc. Nghĩa nầy cần phải biết”.
Như Đức Thế Tôn nói: “Bên ngoài không có các sắc mà hiện ra do tự tâm. Các loại sắc tướng xanh vàng đỏ trắng ngoài kia thật sự không có đối ngại, mà tướng lấy – bỏ cũng không đối ngại, chẳng phải một tánh tương ưng, cũng chẳng phải nhiều tánh tương ưng”. Một và nhiều trái ngược nhau sao nói là chẳng phải một tánh? Vì là một tập hợp tánh sắc không phải là một tánh sanh ra, không phải là nhiều tánh, nghĩa đó cần phải biết! Trong nầy quán sát các tướng sắc là có, tự thể không chân thật cho nên không có đối ngại. Thức kia cũng không thật, tại sao thức xa rời tự tướng, không nói là sắc ấy xa rời thức mà có? Vả lại tự tướng của thức rất nhiều loại không thật, vì vậy nên nói là thức không thật. Do đó Đức Phật nói thức giống như huyễn sĩ. Như thế, nói tóm lại, nếu là một tánh hay nhiều tánh thì tánh đều là không. Trong Thắng nghĩa đế quyết định nghĩa nầy: Tất cả các tánh không có thật.
Lại như Kinh Lăng Già nói: “Ví như cảnh tượng đã nhìn thấy trong gương, chẳng phải cùng một tánh, chẳng phải là khác tánh”. Lúc quán sát như vậy thì tánh chẳng phải có. Tại sao xa rời một tánh và khác tánh? Vì không thể nắm bắt được một tánh hay khác tánh. Hoặc có thuyết nói: Người trí quán sát tự tánh thật sự không thể đạt được, trong nầy không thể nói rõ là không có tự tánh. Những loại như vậy đều có những luận thuyết riêng vì thế hãy quán sát như lý. Đây là tuệ thành tựu từ tư duy quyết định như thật, nghĩa nầy thành tựu và từ đây tu tập trở thành tuệ tương xứng được sanh khởi. Nếu như không có nghe, suy nghĩ thì tu tuệ không thành tựu.
Như Kinh Bảo Vân nói: “Các chánh hạnh ấy có trí trong sáng, sanh ra trong đó thì chánh hạnh kia không hủy hoại, do trí sanh ra các sự tu tập, mà khởi sanh ra các thành tựu. Ví như trong đất đầy dẫy những thứ bất tịnh, những gì được sanh ra (sở) và tồn tại đâu nói là chủ thể (năng) phát sanh. Các sự tu tập cũng như vậy, đã thông suốt rõ trí quả trong tánh chân thật, vì Như lý xuất hiện.
Như Kinh Tam Ma Địa Vương nói: “Nếu như có người khởi lên nhiều loại tìm cầu, mà tâm đã khởi lên lại có vướng mắc có nương nhờ. Vì vậy nếu như muốn chứng được tu tuệ chân thật ấy, thì ban đầu nên tu Xa-ma-tha tương ưng với thắng pháp, khiến cho tâm an trú giống như làm cho dòng nước dừng lại. Nếu tâm có dao động thì chẳng phải là Xa-ma-tha, không thể thâu gồm giữ gìn mà dừng lại được”. Như Đức Phật đã thuyết: “Tâm an trú, tâm đẳng dẫn có thể biết như thật. Nếu vị trí của tâm bị phân tán thì không tương ưng với định nầy. Vì vậy lúc tu Xa-ma-tha, tất cả những gì đạt được, những gì mong muốn, nên trú trong bình đẳng mà xả bỏ, những khổ đau trong Thể thảy đều trừ bỏ, an trú trong tịnh giới và phát khởi tinh tấn nhanh chóng được thành tựu”. Trong nầy là như vậy nên biết.
Như Kinh Hòa Hợp Giải Thoát nói: “Trước tiên tu các hạnh thắng thượng như bố thí, trì giới…, sau đó trú vào thực hành Xa-ma-tha. Nếu người muốn trú trong Xa-ma-tha nầy, tùy theo các phần vị, đối với chư Phật, Bồ-tát trước tiên nên quy mạng sám hối và tùy hỷ, tiếp sau đó hãy khởi tâm đại bi nảy sanh ý tưởng cứu độ rộng khắp tất cả thế gian, vào trong chỗ ngồi yên ổn kín đáo ngồi xếp bằng tròn lặng lẽ, thân vươn thẳng đoan trang hiện tại chánh niệm tràn đầy, dẫn phát Tam-ma-địa tương ưng với hiện tại trứoc mắt. Thuận theo lúc đầu chuyên chú như thích ứng quán sát, cho đến nhiều loại sự việc đã duyên vào, thâu gồm tất cả khắp cả các nơi gắn chặt tâm trú trong vắng lặng. Lại tiếp tục tổng hợp để gạn lọc, trong hai loại Sắc và Vô sắc, cần phải xả bỏ những sai lầm tán loạn, tổng nhiếp các đối tượng duyên kia khởi lên ý thực hiện tốt đẹp, cho đến tất cả mọi sự thuộc loại uẩn – xứ – giới, đều không phân biệt gì thì được thanh tịnh”. Tất cả nói rộng về các hành tướng đối tượng duyên, như phần tương ưng thứ mười tám trong kinh Hòa Hợp Giải Thoát.
Hết thảy sự việc thâu gồm hữu tình của Đức Thế Tôn, phân biệt về các sắc và phân biệt về tất cả sự việc, sơ lược trong phần mở rộng về hành tướng, như những gì nói trong Luận A Tỳ Đạt Ma.
Ý trong nầy là đối với những sự việc kia, quán sát đã xa rời lầm lỗi mà thâu gồm tất cả, làm cho tâm tương tục được tiến tới tu tập nhiều hơn. Nếu như tâm nảy sanh các tham ái chấp trước, lúc ấy cần phải thực hiện những cách quán về bất tịnh, được dừng lại rồi, lại tiếp tục vượt qua trước khởi tâm thắng tiến. Hết thảy hành tướng của quán bất tịnh nầy (sợ văn nhiều nên thôi không nói ra). Nếu như tâm ấy không thể thắng tiến khởi lên ý vui mừng tốt đẹp, cũng là những sai lầm do tán loạn, lúc ấy nên quán Tam-ma-địa vốn có các công đức để khởi lên ý vui mừng hơn hẳn, thì có thể dừng lại ý vui mừng không phải tốt đẹp. Nếu lúc ấy sanh khởi hôn trầm muốn ngủ, nên quán các công đức của Phật và những việc vui thích thù thắng, thì hôn trầm kia có thể chấm dứt. Vả lại, ở trong những duyên như vậy, nếu như thích hợp thâu gồm giữ gìn kiên cố không phân tán, thì nhất định tương ưng. Vả lại, nếu như lúc tâm trước yêu thích vui vẻ, tâm sau theo đó sanh ra bốc lên cao, lúc ấy nên thực hiện cách quán về Vô thường. Như vậy nói tổng quát, ở trong các duyên thuận theo làm cho tâm không có hoạt động gì, chuyên chú trú trong tĩnh lặng xa rời các pháp cao thấp, những hành tướng bình đẳng nên tâm được thanh tịnh, làm cho hiểu ra những nguyên nhân tán loạn kia mà xả bỏ tất cả. Nếu như có sự gợi mở hiểu biết chân thật về những điều làm cho tâm ấy bị tán loạn, thì vào trong những duyên đã gặp dường như không có tác động gì. Như vậy mới đạt được những ham muốn những công hạnh tương ưng với Định tốt đẹp, lúc ấy nên biết Xama-tha có thể thành tựu. Những loại như vậy nên biết là cộng tướng của tất cả Xa-ma-tha, đó gọi là tự tánh trong Tâm nhất cảnh tánh. Xa-matha ấy đã duyên quyết định như vậy. Những pháp Xa-ma-tha nầy, Đức Phật đã giảng giải rộng trong các kinh nói về Bát nhã Ba-la-mật-đa.
Hơn nữa, nên biết tu tập Xa-ma-tha có chín phương pháp:
- Trừ bỏ.
- Trừ bỏ tất cả.
- Trừ bỏ phần vị.
- Trừ bỏ tiếp cận.
- Điều phục.
- Dừng lại.
- Dừng lại tiếp cận.
- Luôn luôn thực hiện.
- Biết dừng lại.
Chín loại hành tướng nầy nói thế nào? Đó là tất cả chín pháp nầy, đây chính gọi là Trừ. Giữ tâm gắn liền trong những duyên thì gọi là Biến trừ. Tiếp nối vào trong những duyên mà chuyển đổi là Phần vị trừ. Tán loạn hiện tại trước mắt mà biết làm cho thuần phục nhanh chóng, đây là Cận trừ. Tán loạn xa rời rồi lại tiếp tục tiến lên trước, trừ diệt tất cả các duyên, đây là Điều phục. Nếu như lúc tâm ái khởi làm cho thuần phục được thì gọi là Chỉ. Nếu sai lầm do tán loạn hiện tại trước mắt không thể khởi lên, ý được vui vẻ mà có thể dừng lại thì đây là Cận chỉ. Nếu lúc hôn trầm mơ màng thùy miên cùng khởi lên, nhanh chóng làm cho phải xa lìa, đây là hoàn toàn được tạo. Ở trong những duyên đã không có tác động gì nữa, sau đó chuyên chú được tương ưng với Chỉ, đạt được Chỉ tương ưng rồi, trú tâm vào nơi xả, đây là Tri chỉ. Những nghĩa như vậy, như bậc Thánh giả Bồ-tát Từ Thị đã nói.
Vả lại, nên biết những lúc tu tập tất cả các Tam-ma-địa, có sáu loại lỗi lầm:
- Biếng trễ.
- Quên mất đối tượng duyên.
- Cảm thấy nặng nề.
- Bốc lên cao quá đáng.
- Không làm cho thức tỉnh.
- Phát ra hiểu biết.
Lúc sáu loại sai lầm nầy phát sanh, nên khởi lên tám loại Đoạn hành để đối trị. Như thế nào là tám loại? Đó là: 1. Tín. 2. Dục. 3. Cần. 4. Khinh an. 5. Niệm. 6. Chánh tri. 7. Tư. 8. Xả. Những hành tướng đối trị nầy như thế nào? Đó là bốn pháp như tín v.v… đối trị biếng trễ. Ý nói trong nầy là do trong công đức của Tam-ma-địa, cần phải có đủ trạng thái thuận theo chánh tín tăng thượng, tương ưng tín ấy thì khởi lên niềm hy vọng tốt đẹp, vào lúc hy vọng làm cho thực hành tinh tấn, đã khởi lên tinh tấn thì thân tâm dũng mãnh về sau được khinh an. Vì thế nên mới nói là Đối trị. Niệm đối trị với quên mất đối tượng duyên, nghĩa nầy thuận theo biết rõ. Chánh tri đối trị với tâm vọng nặng nề và lên cao quá đáng (hưng phấn thái quá), nghĩa là dùng sự hiểu biết chính đáng khởi lên quán sát đúng đắn, có thể làm cho hai pháp cao – thấp được dừng lại. Vì thế cho nên phải đối trị. Tư đối trị với không gợi mở thức tỉnh, nghĩa nầy tùy theo biết rõ. Xả đối trị với sanh ra hiểu biết, do pháp cao thấp trước đây có thể dừng lại rồi, tâm an trú thì chính là không gợi mở thức tỉnh, vì thế cho nên hãy đối trị. Tám loại Đoạn hành như vậy, đối trị với sáu loại sai lầm do sơ suất rồi, thì sự nghiệp Tam-ma-địa tối thượng vốn có sẽ được thành tựu, thần túc và công đức căn cứ vào đây mà phát sanh.
Như các kinh nói, nếu như có đủ tám loại đoạn hành, thì có thể phát khởi bốn loại thần túc, có tâm nhất cảnh tánh, sự nghiệp tốt đẹp cao cả nhất định tương ưng chính đáng, bèn có thể chứng đạt vào trong pháp môn thiền định giải thoát, đầy đủ trọn vẹn tất cả mọi công đức thù thắng nhất.