LUẬN QUẢNG THÍCH BỒ ĐỀ TÂM
Bồ-tát Liên Hoa Giới tạo luận
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Quy mạng tất cả Phật ba đời
Lược tập hợp pháp hành Đại thừa
Xây dựng sự nghiệp đầu thù thắng
Nay con giải rộng tâm Bồ-đề.

Trong nầy vì sao nói: Nếu muốn nhanh chóng chứng được Nhất thiết trí, lược nêu chung tâm trú vào ba chỗ, phát sanh tâm bi, thuận theo Bi phát sanh tâm Đại Bồ-đề. Tất cả pháp Phật tối thắng vốn có, đều do tâm bi làm căn bản. Tâm bi nầy vốn vì quán xét chúng sanh, như Kinh Thánh Pháp Tập nói: “Bấy giờ, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại thưa Đức Phật: Thưa Đức Thế Tôn! Các Bồ-tát không nên tu tập nhiều loại pháp môn, chỉ ở tại một pháp tự mình cần mẫn thực hành, thì đối với tất cả các pháp như đã trong tay. Như thế nào là một pháp? Đó gọi là Đại bi? Các Bồ-tát nhờ vào đại bi nầy, thì đối với tất cả pháp Phật như đã nắm trong tay. Thế Tôn! Ví như vị Chuyển luân Thánh vương đi khắp mọi nơi với xe báu, thì quy tụ được tất cả mọi năng lực. Các Bồ-tát cũng lại như vậy, Đại bi đi qua mọi nơi, đã có thể tích tụ thành tựu năng lực của tất cả pháp Phật. Thế Tôn! Lại như bậc sĩ phu có mạng căn kiên cố, thì có thể làm cho các căn sẽ được chuyển hóa. Các Bồ-tát cũng lại như vậy, đại bi kiên cố mới có thể làm cho các pháp hành Bồ-đề được chuyển hóa”.

Như Kinh Vô Tận Ý nói: “Lại nữa, Xá-lợi-tử! Nên biết các Bồ-tát có đại bi vô tận. Tại sao? Vì làm người dẫn đường cho tất cả các pháp. Xá-lợi-tử! Ví như bậc sĩ phu vốn có mạng căn cùng với hơi thở ra vào nên làm người dẫn đường. Pháp môn Đại thừa rộng lớn tập hợp tất cả cũng lại như vậy, cho nên Bồ-tát lấy đại bi làm người dẫn đường”.

Như Kinh Tượng Đầu nói: “Bấy giờ, có một vị trời thưa hỏi Bồ-tát Diệu Cát Tường: Nên nói thế nào là có thể phát khởi tất cả các hạnh tốt đẹp của Bồ-tát, lại an trú thế nào?

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói với vị trời: Tâm đại bi có thể phát khởi tất cả các hạnh tốt đẹp của Bồ-tát. Bồ-tát duyên với các chúng sanh làm cảnh giới an trú, vì thế nên Bồ-tát thường khởi ái niệm tất cả chúng sanh, đối với bản thân mình không hề tiếc nuối, thuần nhất làm lợi ích nuôi lớn người khác, ở trong thời gian lâu dài phát sanh các hạnh khó làm nhưng làm được”.

Như Kinh Tín Lực Pháp Môn nói: “Các Bồ-tát ấy tâm bi kiên cố, vì cứu độ tất cả chúng sanh, luôn nghĩ không có một chút nào gian khổ. Nếu được độ rồi cũng nghĩ không có gì đã độ, không bỏ tất cả các hạnh gian khổ khó thực hành. Như vậy, không bao lâu các hạnh được viên mãn, thành tựu sở nguyện vốn có, chứng được Nhất thiết trí, đạt được tất cả pháp Phật. Như vậy, đều căn cứ vào bi làm căn bản. Hết thảy chư Phật, Thế Tôn hiện chứng Nhất thiết trí, đại bi thâu tóm khắp nơi, rộng ra làm lợi ích tốt đẹp nhất cho thế gian, an trú nơi vô trú Niết-bàn. Như vậy, chư Phật đã thực hiện, đều lấy đại bi làm nhân tố đó. Trong nhân của chư Phật giả sử có khổ não, bấy giờ bèn tác ý duyên với chúng sanh, quay trở lại làm cho tăng trưởng sự không lui sụt nhiều hơn”. Như Đức Phật đã thuyết giảng trong các kinh, tất cả chúng sanh nơi các nẻo có nhiều loại đau khổ, như chúng tương ưng với khổ não hết sức to lớn, Bồtát thường vì chúng sanh mà thương xót quán sát. Đó là báo ứng trong chốn địa ngục có nhiều loại đau khổ, lửa nghiệp thiêu đốt suốt thời gian dài không gián đoạn và khổ não không bao giờ hết. Như các loại sửa trị trừng phạt đám trộm cướp của thế gian, giam cầm đánh đập cùm kẹp xua đuổi, chặt đứt thân hình khổ đau vô cùng nhưng phải nhận chịu, khổ não nầy cũng vậy. Trong chốn ngạ quỷ có các loại đau khổ đói khát cùng cực của loài đó, thân thể khô đét, vì rình rập tìm kiếm thức ăn cho nên tàn hại lẫn nhau, tuy luôn mong cầu, cho dù trải trăm năm, nhưng cuối cùng không thể nào có được phần nhỏ những thứ còn thừa lại bỏ đi và bất tịnh… Lại có ngạ quỷ sức mình yếu kém dựa vào nơi khác mạnh hơn, tuy dựa vào họ mà chẳng được gì. Giả như có giành được, trở lại bị các quỷ sức mạnh hơn, ức hiếp chèn ép cướp đoạt bức bách đánh đập trừng trị, nhận chịu vô lượng khổ não thuộc loại như vậy. Nhận chịu khổ đau nầy, là các loại được an vui tự tại trong loài người xưa kia, do nhớ các điều ác nên vào trong chốn nầy. Trong loài súc sanh nhận chịu vô số khổ đau, khởi tâm thù hận làm hại ăn nuốt lẫn nhau, hoặc có khi xâu thủng lỗ mũi, hoặc mổ thịt lột da trên thân của nó, hoặc đánh đập trói buộc… không tự tại chút nào, bức bách thân mình đau khổ vô cùng, thật sự không có chút nào đáng để vui mừng yêu thích. Như người gánh gánh nặng từng không dám có lười mỏi, tuy trải qua thời gian dài nhưng không thể nghĩ là cần nghỉ ngơi vì mất nhiều sức lực. Lại có các loài súc sanh ở giữa đồng hoang mênh mông, dốc lòng buông thả tùy tiện, dong ruổi nơi nầy đến nơi kia, chưa hề tạm dừng, tàn hại lẫn nhau, sợ hãi lẫn nhau, ở trong loài nầy lại có đau khổ như thế.

Như vậy, các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, vì khởi lên nhiều loại nghiệp ác và phiền não, vì nhân tố đó mà ở trong những nẻo ấy nhận chịu các khổ não. Như người rơi vào nơi núi non nguy hiểm, khổ não cũng như thế. Trong cõi người kia, có nhiều loại đau khổ, như nơi khác có nói rõ. Tiếp đến các trời cõi Dục, lửa dục vọng thiêu đốt làm tán loạn tâm ý, muốn khiến cho tự tâm trong phút chốc được quy tụ ổn định một chỗ, cuối cùng không thể nào làm được. Nên biết lúc dục lạc đi qua thì khổ đau lập tức hiện rõ trước mặt, như người nghèo khổ làm sao có vui sướng? Trong cõi trời Dục ấy thường bị sợ hãi, buồn lo và những điều tổn hại của sự đoạ lạc, hủy diệt, cũng không phải là niềm vui của họ. Tất cả các trời cõi Sắc, vì các hành thường bị chuyển đổi, báo nơi cõi trời ấy dùng hết, hoặc trở lại rơi vào các nẻo địa ngục… Trong các nẻo tương tự đều như vậy, nghiệp và phiền não luôn luôn ràng buộc làm cho không được tự tại, vì vậy phát sanh các khổ não. Do đó, nên biết ngọn lửa đau khổ bùng cháy lên, thiêu cháy thế gian không lúc nào dừng lại. Bồ-tát trông thấy khổ đau nầy rồi tức thì phát khởi tâm bi, quán sát khắp nơi tất cả chúng sanh. Vả lại, lúc Bồ-tát thấy các chúng sanh nhận chịu các loại khổ đau, khởi tâm thương xót không oán không thân, bình đẳng quán sát cứu độ cho tất cả. Hơn nữa, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay lưu chuyển trong vòng luân hồi, Bồ-tát chưa từng đối với một chúng sanh nào không khởi lên nghĩ là bạn thân, khởi tâm bình đẳng nầy, lập tức theo đó thực hành, quán sát hướng về tất cả chúng sanh khắp mười phương. Nếu như thấy một chúng sanh nào có điều khổ não, Bồ-tát thương yêu họ như con, liền thay họ nhận chịu không để cho chúng sanh chịu đựng điều khổ não ấy, dùng tâm bi nầy chuyển hóa, nên có thể làm cho tất cả chúng sanh chấm dứt khổ não, mới thành tựu được công hạnh tốt đẹp của đại bi.

Như Kinh Vô Tận Ý nói: Bồ-tát quán, thực hành theo tâm bi nầy. Ở Kinh A Tỳ Đạt Ma, đầu tiên Phật đã giảng nói: Vì muốn cứu độ tất cả hữu tình, Bồ-tát khởi các lực bi, nguyện… hướng đến cầu quả vị Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Nếu không vì cứu độ chúng sanh, Ta lập tức không phát tâm Bồ-đề.

Như Kinh Thập Địa nói: “Trong tất cả chúng sanh, những người không ai cứu hộ, không có nơi quay về, không có chốn nương tựa, không có sự hiểu biết, Bồ-tát thấy họ rồi lập tức sanh niệm bi, mới phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng. Nếu như không vì họ mà giảng giải khuyên bảo, chỉ dạy rõ, thì Bồ-tát đã không phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng”. Vì thế nên biết các vị Bồ-tát đã dũng cảm phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng, đó chính là tâm bi kiên cố.

Như Kinh Như Lai Trí Ấn Tam Ma Địa Thắng Thượng nói: “Tâm

Bồ-đề đã thực hành có thể trừ bỏ nỗi khổ luân hồi”.

Như Kinh Di Lặc Giải Thoát nói: “Nầy người thiện nam! Ví như có người không lấy vật báu Đại Kim Cang, nhưng chỉ đạt được tất cả đồ dùng trang nghiêm bằng vàng, mà cũng không bỏ vật báu Đại Kim Cang, đối với người nghèo túng có thể cứu giúp rộng khắp. Nầy người thiện nam! Bồ-tát cũng lại như vậy, không chọn lấy tâm Nhất thiết trí là vật báu Đại Kim Cang, nhưng chỉ đạt được tất cả công đức hàng Thanh văn, Duyên giác là đồ dùng trang nghiêm bằng vàng, mà cũng không bỏ mất công hạnh Bồ-tát, vì đối với tất cả người nghèo trong luân hồi, nó có năng lực cứu giúp rộng khắp. Bồ-tát có thể đối với tất cả các loại, tất cả các pháp môn tu học, bình đẳng tu tập, vì vô lượng công hạnh thù thắng nầy, nên thuận theo tâm Bồ-đề để sanh khởi, đưa ra các phương tiện, thành tựu quả vị Đại Bồ-đề”.

Như Kinh Như Lai Thị Giáo Thắng Quân Vương nói: “Đức Phật nói với Đại vương: Nếu ông đã làm nhiều loại sự nghiệp, đối với tất cả các loại, tất cả các nơi, nên tạo điều kiện để Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát nhã Ba-la-mật-đa tương ưng mà học. Vì thế Đại vương, ông nên như vậy đối với Chánh Đẳng Giác, khởi lên các tâm mong muốn, tin tưởng, cầu nguyện và hướng đến… Trong bốn oai nghi hoặc đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc là ăn uống, hoặc trong các việc làm, quyết luôn luôn nhớ nghĩ định ra ý hướng, quán tưởng hết thảy chư Phật – Bồ-tát – Duyên giác-Thanh văn, các phàm phu chúng sanh cho đến bản thân mình…, tất cả quá khứ, vị lai và hiện tại, tất cả thiện căn hợp lại tập trung một nơi, phát tâm thắng thượng tự hướng về tùy hỷ rồi, rộng khắp ở trong tất cả chư Phật – Bồ-tát – Duyên giác – Thanh văn, cúng dường thừa sự những công đức vốn có, tặng cho tất cả chúng sanh cùng chung hưởng, nguyện cầu mọi chúng sanh cho đến đạt được Nhất thiết trí, tất cả pháp Phật thảy đều viên mãn. Nếu như ngày từng ngày ba thời hồi hướng về đạo quả Bồ-đề vô thượng, nầy Đại vương, việc ông đã làm đều được thanh tịnh, các hạnh Bồ-đề cũng đều thành tựu. Lại nữa, nầy Đại vương! Tâm Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng đã phát sanh vô số quả báo thiện căn. Như sanh trong loài người hoặc sanh lên cõi trời, ở tất cả mọi nơi thường được tốt đẹp nhất, mà ông là Đại vương cũng làm như vậy, thì trở thành rộng lớn. Vả lại, nầy Đại vương! Tâm Đại Bồ-đề là tối thượng tối thắng, nếu như tiếp tục thực hành được chân thật, thì có thể thành tựu kết quả Đại Bồ-đề”.

Như Kinh Vô Úy Thọ Vấn nói: “Phát tâm Bồ-đề đã sanh ra những phước đức giống như hư không giới, rộng lớn bao la không có cùng tận. Giả sử, có người dùng châu báu ngọc ngà chứa đầy trong hằng hà sa số cõi Phật để cúng dường Đức Thế Tôn. Nếu như người có thể chắp tay thành kính, một lần phát tâm đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng ấy, mà phước đức nầy hơn hẳn phước đức trước không thể so sánh tính toán được”.

Như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nầy người thiện nam! Từ tâm Bồđề sanh ra tất cả pháp Phật, rộng lớn tối thượng và trang nghiêm. Tâm Bồ-đề có hai loại của nó: 1. Tâm nguyện. 2. Tâm phần vị”. Lại ở kinh ấy nói: “Nầy người thiện nam! Điều mà tất cả chúng sanh rất khó có được, đó gọi là đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng. Nếu như rộng ra khởi lên hạnh nguyện, thì được an trú trong Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng hiện đang phía trước, có thể làm lợi ích khắp nơi tất cả thế gian. Nầy người thiện nam! Ta được thành Phật, nghĩa là do phát khởi tâm cầu Bồ-đề, tâm nhờ vào bổn nguyện. Về sau theo đó đã thực hành các công hạnh, trước đây đã khởi lên tất cả hạnh ấy, mà thảy đều thâu tóm rộng khắp trở thành phần vị tâm. Vì thế cho nên những năng lực của hạnh nguyện dường như đều thành lập, liền được tri thức thiện hiện rõ trước mắt thâu nhận, xả bỏ tất cả mọi cảnh tướng không thật, như Bồtát Diệu cát Tường ở trước dựa vào nhà vua đã phát tâm Bồ-đề. Bồ-tát phát tâm Bồ-đề như vậy rồi, tự thực hành Bố thí cùng các Ba-la-mật-đa tương ưng với thắng hạnh. Nếu như người tự mình không thể điều phục được mình, sao có thể điều phục được người khác? Vì thế nên biết Bồtát nếu như không tự mình tu tập các công hạnh, sao có thể đạt được quả vị Đại Bồ-đề?”

Lại như Kinh Tượng Đầu nói: “Các Bồ-tát đã thực hành chân thật cho nên đạt được Bồ-đề, không phải là các công hạnh không chân thật”.

Như Kinh Tam Ma Địa Vương nói: “Nầy Đồng tử! Như Ta đã thực hành được chân thật, mà ông là Đồng tử nên học như vậy. Tại sao Đồng tử? Vì nếu đã thực hành chân thật, thì không khó gì đạt được đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng”.

Như vậy, các công hạnh Bồ-tát đã thực hành, hoặc là dùng mười Ba-la-mật-đa, bốn vô lượng, bốn nhiếp pháp… phân biệt điều ấy rộng ra, như Kinh Vô Tận Ý – Kinh Bảo Vân… đều nói. Vả lại, học có hai loại, đó là thế gian và xuất thế gian. Sao nói là thế gian học? Đó là những kỹ năng công xảo. Sao nói là xuất thế gian học? Đó là các thiền định. Những gì còn lại nói sao? Đó là đã làm tất cả sự nghiệp lợi ích cho chúng sanh. Trong nầy nên biết các thực hành của Bồ-tát, tóm tắt mà nói, đó là tuệ và phương tiện, nhưng hai pháp nầy không khiến cho giảm bớt.

Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Bồ-tát không có tuệ phương tiện ràng buộc, có tuệ phương tiện giải thoát; không có tuệ phương tiện ràng buộc, có tuệ phương tiện giải thoát”. Lại như Kinh Tượng Đầu nói: “Tổng quát lược nói: Về các Bồ-tát, có hai loại đạo, đối với hai đạo nầy nếu như người đầy đủ, thì các Bồ-tát ấy sẽ có thể nhanh chóng chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng. Như thế nào là hai đạo? Đó gọi là tuệ và phương tiện. Nếu như xa rời hạnh Bát nhã Ba-la-mật-đa, thì các Ba-la-mật-đa – bốn nhiếp pháp…, làm sao có thể trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật rất phong phú tự tại, thành thục hữu tình thực hiện các hóa sự, khắp nơi thâu gồm các pháp phương tiện thiện xảo? Vì thế cho nên tuệ nầy cùng với phương tiện kia, là tánh không có điên đảo mà nhân có phân biệt. Căn cứ vào nhân nầy nên khởi lên phương tiện đích thực. Như đã nói về các pháp, khởi tư duy phân biệt không có điên đảo, có thể suy cho cùng là lợi lạc cho mình và người, có thể làm cho phiền não không khởi lên, giống như các chất độc bị bùa chú ngăn trừ”. Lại kinh nầy nói: “Trí tuệ thâu tóm phương tiện, đây là trí có phân biệt”.

Lại như Kinh Tín Lực Pháp Môn nói: “Sao nói là phương tiện thiện xảo? Đó gọi là thâu tóm tất cả các pháp. Sao nói là tuệ? Đó là đối với tất cả các pháp không hề làm tổn hại đến thiện căn”.

Như vậy hai loại tuệ và phương tiện, đi vào khắp nơi các địa, trong tất cả mọi lúc luôn luôn thực hành, không được ở trong đó làm cho nó bị giảm bớt. Tất cả các Bồ-tát Thập Địa thực hành mười hạnh Ba-lamật-đa cho đến rộng ra thực hành các hạnh, như Kinh Thập Địa giải thích nhiều, hết thảy Bồ-tát Bát Địa, thuận theo oai nghi Phật bắt đầu thực hành chắc chắn dừng lại. Kinh ấy nói: “Lại nữa, Phật tử là bậc Đại Bồ-tát, nên hường về dựa vào đại nguyện đã phát khởi trước đây gia trì trú trong năng lực thiện căn, chư Phật Thế Tôn cũng từ pháp môn nầy, lưu chuuển ra đại trí viên mãn các công hạnh. Đây chính là thành tựu pháp môn nhẫn cao nhất, tất cả pháp Phật từ đây mà tụ tập. Lại nữa, nầy người thiện nam! Không nên như vậy khởi lên thực hành dừng lại. Như Ta đã đạt được mười lực-bốn vô sở úy-mười tám bất cộng, các thần thông cùng tất cả pháp Phật, nhưng ông chưa đầy đủ thì hãy phát khởi tinh tấn, thành lập các nguyện cầu tương ưng mà thực hành. Vì thế cho nên ông đối với pháp môn Nhẫn như vậy, không nên lìa bỏ. Nầy người thiện nam! Lẽ nào ông không quán sát các hạng phàm phu ngu muội, tích tập các loại phiền não, khởi các loại tìm cầu nối tiếp nhau không gián đoạn, tại sao lại muốn khởi lên thực hành dừng lại? Lại nữa, nầy người thiện nam! Nên biết pháp tánh của các pháp mà tự thường trú, vì pháp tánh thường trú, cho nên Như Lai chính là vô sanh, nghĩa là các hàng Thanh văn, Duyên giác, không hiểu rõ tất cả các pháp không có phân biệt – không có sanh ra, Như lai dùng thiện phương tiện xuất hiện giữa thế gian thôi. Lại nữa, nầy người thiện nam! Ông nhìn thấy thân vô lượng – trí vô lượng của Ta, cõi Phật vô lượng – viên quang vô lượng, trí hiện tiền môn vô lượng – thanh tịnh vô lượng, các pháp rộng lớn thuộc loại như vậy, vì thế nên ông nương theo nguyện hạnh vốn có, hãy luôn luôn suy nghĩ và nhớ làm lợi ích cho chúng sanh, thì đạt được pháp môn trí không thể nghĩ bàn như vậy”.

Như Kinh Thập Địa đã nói về hành tướng, cùng với Kinh Duy Ma Cật trái ngược nhau, kinh ấy nói: “Diệu Cát Tường! Nếu người nào đối với pháp Như Lai đã thuyết ra mà khởi lên khinh thường phỉ báng, người nầy tuy nói ra lời phỉ báng, như Ta đã nói cũng được thanh tịnh. Lý và sự trong nầy cũng không trái ngược nhau”.

Như Kinh Tượng Đầu nói: “Đức Phật dạy: Từ Thị! Các Bồ-tát vì Bồ-đề, nên tích tập Ba-la-mật-đa. Hoặc có người si mê khởi lên nói như vầy: Bát nhã Ba-la-mật-đa là pháp học hàng Bồ-tát, tại sao nói trở lại học các Ba-la-mật-đa khác? Hoặc có người nghe rồi đối với các phương tiện và các Ba-la-mật-đa khởi lên ý lìa bỏ. Nầy Từ Thị! Theo ý của ông thế nào? Như Ca Thi Vương lấy xác thân của mình mà cứu cho chim bồ câu, vị Vương nầy lẽ nào là ngu si ư? Từ Thị thưa: Thưa Thế Tôn, không phải vậy. Đức Phật dạy: Từ Thị! Lúc Ta tu hạnh Bồ-tát, tu nhiều về sáu Ba-la-mật-đa tương ưng với thiện căn, nên không có lợi ích gì chăng? Từ Thị thưa: Thưa Thế Tôn! Không phải vậy. Đức Phật dạy: Như vậy Từ Thị, như ông tích tập ở trong sáu mươi kiếp, Bố thí cùng các Ba-la-mật-đa, cho đến trong sáu mươi kiếp tích tập Bát nhã Ba-la-mật-đa cũng lại như vậy”. Trong kinh ấy nói rộng về hành tướng, cần phải biết.

Pages: 1 2 3 4