LUẬN QUẢNG THÍCH BỒ ĐỀ TÂM
Bồ-tát Liên Hoa Giới tạo luận
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Lại nữa, trong nầy, như Kinh Bảo Vân nói: “Bồ-tát làm sao đạt được pháp Đại thừa? Nghĩa là nếu như Bồ-tát cố gắng học hỏi tất cả các pháp, họ tuy là có học hỏi nhưng vào lúc học và pháp đã học hoàn toàn không thể đạt được. Tuy ở trong cái học quyết định không có đạt được, cũng không ở trong pháp nhân duyên kia mà dấy lên cái thấy đoạn dứt (Đoạn kiến)”.

Như Kinh Thánh Pháp Tập nói: “Sao nói là đối tượng hành của các Bồ-tát? Nghĩa là nếu như Bồ-tát ở trong các đối tượng hành từ thân, ngữ và ý, luôn luôn không bỏ rơi tất cả chúng sanh, nội tâm phát khởi đại bi tăng thượng, vì muốn làm lợi lạc cho các chúng sanh, theo đó dấy lên suy nghĩ: Nếu công hạnh hiện tại và công hạnh đã thực hành của mình, toàn bộ tặng cho tất cả chúng sanh, thực hiện lợi ích an lạc to lớn. Bồ-tát tuy quán xét các uẩn như huyễn, cũng không ở trong đó mà sanh ra chán bỏ, tất cả đối tượng hành hoàn toàn không có chướng ngại. Xứ như trụ trống rỗng, cũng không thể ở trong đó mà sanh ra chán bỏ, tất cả đối tượng hành đều không có chướng ngại. Giới giống như rắn độc, cũng không ở trong đó sanh ra chán bỏ, tất cả đối tượng hành hoàn toàn không có chướng ngại. Hơn nữa, tuy quán sắc giống như bọt nước tụ lại, cũng không rời bỏ sắc thân tướng hảo của Như Lai. Thọ giống như bong bóng nước trôi nổi, cũng không ở trong các thiền định – Tam-mađịa, Tam-ma-bát-để của Như Lai sanh ra niềm vui tuyệt vời mà không thành lập phương tiện. Tưởng giống như dợn nắng, sóng nắng, cũng không ở trong các trí của Như Lai mà không khởi lên ý tưởng tốt đẹp. Hành giống như thân cây chuối, cũng không ở trong tất cả pháp hành của Phật làm người dẫn đường mà không thực hành điều gì. Thức giống như người có pháp thuật huyễn ảo, cũng không ở trong trí ba nghiệp làm người dẫn đường của Như Lai mà không thực hành điều gì. Như vậy tất cả các đối tượng hành, hoàn toàn không có chướng ngại”.

Vả lại, các kinh đều nói: Nên biết tuệ và phương tiện, là những công hạnh đang thực hành của các Bồ-tát. Vì vật các vị Bồ-tát ở trong vô số tất cả các hạnh kia, luôn luôn đã phát khởi tuệ và phương tiện, quán tưởng tu tập thực hiện qua thời gian dài không gián đoạn. Như vậy chính là đạt được mười hai phần vị, các địa vị nầy được an lập rồi, trong từng địa vị ấy công đức được tăng lên thảy đều đầy đủ. Đã nói là mười hai phần vị ấy, đó là từ địa Tín giải hành cho đến Phật địa. Trong những địa nầy chỉ ngoại trừ Phật địa, những địa còn lại đều là phàm phu và Bồ-tát gồm thâu. Địa Tín giải hành trong nầy, chưa có thể chứng được hai lý vô ngã, luôn luôn phát khởi tín giải kiên cố, quân ma không thể lay động được. Năng lực tín giải ấy cũng chưa có thể quán thật tánh duy thức, nhưng ở trong pháp tín giải kiên cố, thành lập địa Giải hành. Lại trong các địa, tùy theo mỗi địa đều có vô số các công đức thuộc loại Tam-ma-địa – Tổng trì – Giải thoát – Thần thông…

Như Kinh Bảo Vân nói: “An lập bốn loại thuận theo phần quyết trạch mà bốn địa vị ấy có phát ra ánh sáng trí tuệ bậc thượng, bậc trung và bậc hạ. Bốn địa vị nầy đều quán các pháp vô ngã, trong nầy nếu như có phát sanh ánh sáng trí tuệ thuộc phẩm thấp, thì đây là Noãn vị. Phần vị ấy đã chứng định tên gọi là Minh đắc. Nếu có phát sanh ánh sáng trí tuệ thuộc phẩm trung, thì đây là Đảnh vị. Địa vị ấy đã chứng định tên gọi là Minh tăng. Nếu có phát sanh ánh sáng trí tuệ tối thượng không có đối đãi ngăn ngại nào khác, đối với phần vị của tâm xa rời tướng chủ thể thủ, thì đây là Nhẫn vị. Địa vị ấy chứng được định gọi là Nhất phần nhập. Nếu ở trong tướng chủ thể thủ và đối tượng thủ biết không có đạt được, vì trí không có hai, do đó quyết định phù hợp hai tướng thủ kia là không, thì đây là vị thế đệ nhất. Địa vị ấy chứng được định tên gọi là vô gián, từ vô gián nầy đi vào tánh duy thức”. Trong nầy, nói tóm lại, những giải thích như vậy, đều là địa Tín giải hành đã thâu tóm.

Hơn nữa, Thập Địa chính là mười phần vị. Địa thứ nhất là người thuận theo thế đệ nhất pháp trước đây không gián đoạn, sơ tâm được vào vị kiến đạo, đã đạt được Thánh tánh phát sanh đại hoan hỷ, vì thế địa nầy gọi là địa Hoan Hỷ. Địa nầy có thể phần chứng hai lý vô ngã, được phát sanh trí tuệ chân thật về pháp vô tánh, tất cả mọi sự phân biệt hý luận đều xa rời. Ở đây có thể đoạn trừ một trăm mười hai hoặc do kiến đạo đoạn, ngoài ra, tu đạo đoạn ba cõi tất cả có mười sáu hoặc, như thích ứng mà đoạn. Địa nầy Bồ-tát đạt được trí bình đẳng, tự lợi và lợi tha, đối với Bố thí Ba-la-mật-đa được viên mãn, an trú trong Tamma-địa, cho đến chưa có thể xa lìa cấu nhiễm hủy phạm vi tế. Nếu như có thể đạt phần chứng đắc thì tiến tiếp vào vị trí Địa thứ hai.

Địa thứ hai có thể xa rời tất cả mọi cấu nhiễm và phạm giới, vì thế địa nầy gọi là địa Ly Cấu. Ở địa ấy Bồ-tát có thể đích thực xa lìa mọi cấu nhiễm do phạm giới rất vi tế, đối với Trì giới Ba-la-mật-đa sẽ được viên mãn, thậm chí chưa có thể thành tựu được Tam-ma-địa – Tam-mabát-để thù thắng cho đến văn tổng trì. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì được tiến tiếp vào vị trí Địa thứ ba.

Địa thứ ba có thể phát ra vô lượng ánh sáng trí tuệ thù thắng, vì vậy địa nầy gọi là địa Phát Quang. Ở địa nầy, Bồ-tát thu được tất cả mọi Tam-ma-địa và văn tổng trì, nhẫn chịu mọi khổ đau, đối với Nhẫn nhục Ba-la-mật-đa được viên mãn, ở trong tất cả Tam-ma-bát-để xả bỏ tâm ái, cho đến chưa có thể tu tập nhiều về phần pháp Bồ-đề. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì tiếp tục tiến vào vị trí Địa thứ tư.

Địa thứ tư là ngọn lửa trí tuệ của phần pháp Bồ-đề, có thể đốt cháy mọi thứ củi phiền não, vì thế địa nầy có tên gọi là địa Diệm Tuệ. Ở địa nầy Bồ-tát đã xa rời và giảm bớt sự phân biệt của ngữ ý, cố gắng tu tập phần pháp Bồ-đề không thiếu sót, do Tinh tấn Ba-la-mật-đa được viên mãn, cho đến chưa có thể thực hiện quán bốn đế. Nếu như có thể đạt phần chứng đắc thì tiến tiếp vào vị trí Địa thứ năm.

Địa thứ năm, đối với sanh tử và Niết-bàn, dùng phương tiện khéo léo quán sát bình đẳng, do tu tập thù thắng vượt qua những nạn khó nhất, vì thế địa nầy có tên gọi là địa Nan Thắng. Ở địa nầy Bồ-tát từ trong bốn Thánh đế có thể khéo léo quán sát thực hiện nhiều sự tu tập, vì Thiền định Ba-la-mật-đa được viên mãn, từ trong thuận theo phần quyết trạch vượt ra đến trong địa nầy, mới đạt được hành về vô tướng, cho đến chưa có thể thực hiện quán duyên sanh. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì tiến vào vị trí Địa thứ sáu.

Địa thứ sáu là có đủ tuệ thù thắng, lại có thể thuận theo chuyển vận pháp môn hiện tại trước mắt, thù thắng của tất cả pháp Phật vì vậy địa nầy có tên là địa Hiện Tiền. Ở địa nầy Bồ-tát có thể khéo léo quán sát về pháp duyên sanh, do Trí tuệ Ba-la-mật-đa được viên mãn, đạt được vô tướng hành, cho đến chưa có thể viên mãn hạnh nầy. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì tiến vào vị trí Địa thứ bảy.

Địa thứ bảy là vào trong đạo phương tiện không có công dụng, tuy chưa thể đầy đủ, nhưng vì trải qua lâu dài, vì thế địa nầy có tên là địa Viễn Hành. Ở địa nầy Bồ-tát quán tất cả các tướng đều giống như sự việc hóa hiện không thật, biết rõ chân thật tướng dụng đã thực hành hoàn toàn không có xa cách ngăn ngại, lúc ấy có thể thành tựu công hạnh về vô tướng. Do phương tiện Ba-la-mật-đa được viên mãn, thậm chí chưa có đủ công hạnh và không có công dụng, nếu có thể đạt phần chứng đắc thì được tiến vào vị trí Địa thứ tám.

Địa thứ tám có các loại tướng dụng hoàn toàn không thể lay động, vì thế địa nầy có tên gọi là địa Bất Động. Ở địa nầy Bồ-tát dễ dàng đạt được công hạnh về công dụng vô tướng, do Nguyện Ba-la-mật-đa được viên mãn, thậm chí chưa có thể phân biệt tất cả các tướng thuyết pháp tự tại. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì được tiến vào vị trí Địa thứ chín.

Địa thứ chín có đủ tuệ tối thắng dễ dàng nói về các pháp, vì thế địa nầy có tên gọi là địa Thiện Tuệ. Ở địa nầy Bồ-tát được tương ưng với tuệ lực tối thắng của bốn loại vô ngại giải, do Lực Ba-la-mật-đa được viên mãn, cho đến chưa có thể vào trong pháp hội cõi Phật tùy loại ứng hóa, hiện thân thuyết pháp, lợi ích chúng sanh được viên mãn tự tại. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì được tiến vào Địa thứ mười.

Địa thứ mười có thể đối với tất cả các thế giới không giới hạn , tỏa ra vầng mây pháp rộng lớn, rưới mưa cam lồ vi diệu, vì thế địa nầy có tên gọi là địa Pháp Vân. Ở địa nầy Bồ-tát có được trí tuệ thù thắng tương ưng thuyết pháp lợi ích cho chúng sanh, thực hiện các hóa sự đều được tự tại, cho đến chưa có thể ở trong tất cả các tướng, tất cả những gì đã biết đạt được trí vô ngại. Nếu có thể đạt phần chứng thì được tiến vào vị trí Phật địa.

Các ịa như trên vốn có những hành tướng đã được thành lập, như trong Kinh Hòa Hợp Giải Thoát nói. Vả lại, các địa nầy đã có rất nhiều nơi giảng giải, uẩn – xứ – giới thanh tịnh và phần vị tướng, ở những nơi khác có văn nhưng sợ nhiều quá nên tạm thời không nói đến.

Hơn nữa, Phật địa chính là một phần vị. Phật địa ở đây là tất cả các tướng thù thắng thảy đều đầy đủ, tất cả mọi công đức thảy đều viên mãn, đã có thể rộng khắp tất cả mọi giới hạn. Vượt qua phần vị thắng thượng nầy không có phần vị nào khác, nhưng hết thảy công đức trong Phật Địa, ngay như đến chư Phật dùng mọi ngôn từ vi diệu, cũng không thể nào xưng tán được một phần trong muôn vạn. Vì thế nên biết, công đức của chư Phật vô lượng vô biên không thể nào ca ngợi suy tính được, chỉ có Phật Thế Tôn dùng trí tuệ tự nhiên quán xét tự chứng thực biết được. Như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói về công đức, cũng chính là một phần mà không thể nào cùng tận, huống hồ nay tôi làm ra luận nầy, dám dùng ngôn từ để giảng giải ngợi ca đầy đủ được ư? Vả lại, tất cả công đức trong Phật địa, toàn bộ thâu tóm tất cả các nghĩa thù thắng, như trong Kinh Lăng Già nói đầy đủ.

Tiếp theo, tụng nêu:

Cần phải biết rõ ràng về ba thân ấy
Thâu gồm tất cả các thân của chư Phật
Chỗ dựa của pháp nơi nghĩa tối thù thắng
Vì thế biểu hiện rõ ràng tướng ba thân.
Thân của tự tánh và thân của chánh báo
Ba thân như ứng hóa là tối thắng thượng
Phân biệt thân vốn có của chư Thế Tôn
Thân thứ nhất cho hai thân kia làm y chỉ.
Đã tu hạnh khó làm và hạnh hiếm có
Trăm loại rèn luyện tâm nhẫn nại yên ổn
Tất cả các pháp môn tốt đẹp vốn có
Luôn luôn tích tập tất cả không bỏ sót.
Tu tập từ vô lượng kiếp kiếp đến nay
Pháp môn vi diệu tối thượng của Đại thừa
Tất cả mọi chướng ngại thảy đều trừ diệt
Hết sạch không sót lại gì được thanh tịnh.
Trong nhân vốn có những chướng ngại vi tế
Trí lực trong quả trừ dứt hết tất cả
Ví như vật báu kỳ lạ mới mở hòm
Phát ra ánh sáng rực rỡ soi tất cả.
Tùy thuận thế gian hiện tại có sanh ra
Trải qua đau khổ chỉ cầu quả Bồ-đề
Thuyết pháp hóa độ lợi ích trăm ngàn cách
Cố gắng thực hành khắp tất cả mọi nơi.
Như Lai cao vời vợi mà lại bất động
Bậc Đại Thánh Tôn an trú giữa thế gian
Như núi chúa Tu Di giữa các núi kia
Ngước mặt nhìn cao đẹp sừng sững uy nghi.
To lớn là vì tâm bi làm gốc rễ
Pháp môn Tam-ma-địa cố gắng sanh ra
Khắp nơi trong ba cõi hiện bày thân ấy
Tất cả không đâu không chỉ bày xứ sanh.
Như vầng mặt trời trong sáng tỏa ánh sáng
Khắp nơi thế gian đều chiếu rọi rõ ràng
Ánh sáng vi diệu từ trí tuệ chư Phật
Luôn luôn biết rõ các pháp cũng như vậy.
Những người hàng Thanh văn đã chứng quả vị
Rời bỏ thế gian làm thù thắng nhất
Nhưng trong quả đạt được của Thanh văn kia
Lại không giống như ở địa vị Duyên giác.
Duyên giác nếu như so với địa Bồ-tát
Ở trong các phần không thể bằng một phần
Bồ-tát nếu như so với Phật Như Lai
Trong gấp ngàn phần không bằng một phần.
Như Lai đã chứng đắc đạo quả Bồ-đề
Vô lượng công đức không thể nghĩ bàn được
Như thời gian xứ sở đã thực hành ấy
Tùy thuận phương tiện mà cố gắng chuyển đổi.
Trong quả đã chứng được tối thắng tối thượng
Năm căn thanh tịnh diệu dụng đã thành tựu
Công đức pháp môn trong mười hai phần vị
Tất cả nghĩa ấy đều có thể chuyển đổi.
Trong quả tối thắng tối thượng đã chứng được
Tất cả mọi ý đạo thảy đều thanh tịnh
Như quả đã chứng được ấy đều biết rõ
Tất cả không còn cấu nhiễm không phân biệt.
Trong quả tối thắng tối thượng đã chứng được
Thâu gồm các nghĩa lợi ích đều thanh tịnh
Cõi Phật thanh tịnh như những gì mong muốn
Tất cả tự tại mà hiện rõ trước mắt.
Trong quả tối thắng tối thượng đã chứng được
Tất cả phân biệt hoàn toàn được thanh tịnh
Những việc làm trong lúc bình thường không hỏng
Cố gắng tu tập sự nghiệp Nhất thiết trí.
Trong quả tối thắng tối thượng đã chứng được
Tất cả đều thanh tịnh dễ dàng an trú
Đã đạt được vô trú với Đại Niết-bàn
Đầy đủ trọn vẹn câu “Chư Phật Thanh Tịnh”.
Trong quả tối thắng tối thượng đã chứng được
Tất cả các pháp nhiễm chấp đã thanh tịnh
Không xen lẫn phiền não – vốn không tì vết
Thường đi vào diệu lạc hạnh của chư Phật.
Trong quả tối thắng tối thượng đã chứng được
Ý tưởng như hư không thảy đều thanh tịnh
Tích góp quy tụ thắng nghĩa môn rộng lớn
Xa rời các sắc tướng để mà quán sát.
Như Lai hóa tướng rộng lớn tột cùng
Vô lượng công hạnh nầy đều được thanh tịnh
Thành sở tác trí vi diệu khó nghĩ được
Nơi y chỉ thù thắng nhất của chư Phật.

Trong nầy nên biết, pháp giới thanh tịnh chính là tất cả pháp chân như, là chánh nhân tự tánh không điên đảo của tất cả các pháp, nhưng luôn luôn sanh ra chư Phật và trí tuệ chư Phật, xa rời các chướng ngại nhiễm vướng, xây dựng pháp môn Tổng trì – Tam-ma-địa, và vô lượng phước đức các công hạnh phác, thành tựu những sự nghiệp tạo lợi lạc cho tất cả chúng sanh, cho đến thành thục tất cả các chủng tử nghe – giữ (Văn trì) chánh pháp, những tướng như vậy đều được thành tựu.

Nói là chư Phật trí ấy, đó chính là bốn trí. Thứ nhất là trí đại viên cảnh, là trí lìa xa tướng ngã và ngã sở, cho đến xa rời phân biệt chủ thể thủ và đối tượng thủ, không lẫn lộn với tất cả các phiền não cấu nhiễm, ở trong tướng của tất cả đối tượng duyên – đối tượng hành – đối tượng nhận biết, không thể quên không thể ngu si, trí và ảnh phát sanh lẫn nhau hiện rõ chủng loại tựa vào nhau giữ gìn, làm sở y thanh tịnh của Nhất thiết trí, đây chính là trí vô phân biệt mà chân như đã duyên theo. Thứ hai là trí bình đẳng tánh, đạt được đối tượng duyên thắng thượng, trí nầy luôn luôn quán sát tự và tha bình đẳng, đã có thể an ổn ở nơi Niết-bàn vô trú bàn, khởi lên đại từ bi thuận theo hướng tới tất cả mọi nơi hiện thân hiện rõ quốc độ, dùng phương tiện khéo léo tương ưng với tất cả. Thứ ba là trí diệu quan sát, thâu gồm rộng khắp tất cả các pháp môn Tam-ma-địa – Tam-ma-bát-để và Tổng trì, đối với tất cả các phần vị đã biết, vô ngại mà chuyển hóa và có thể phát sanh mọi công đức thù thắng, phương tiện hiện thân khéo đoạn trừ những gì nghi ngờ, như những gì thích hợp với điều ấy thì có thể dễ dàng thuyết pháp. Thứ tư là trí thành sở tác, có thể dùng các loại phương tiện không thể nghĩ bàn được, làm cho người khác thành thục tất cả mọi việc đã làm, như thuận theo hóa độ tất cả chúng sanh. Những tướng như vậy chính là bốn trí.

Tiếp theo, tụng nêu:

Phần vị ba thân phân ra hai-hai-một
Hai Pháp thân-hai Báo thân-một Hóa thân
Trong pháp giới chư Phật hoàn toàn thanh tịnh
Hoặc một hay nhiều tánh không thể tồn tại.

Ý trong nầy nói: Pháp thân thanh tịnh giống như hư không mà không có hình tướng, từ trong thân nầy phát sanh ra tất cả các pháp, những pháp nầy đều là bạch pháp tối thắng vi diệu không gì ví dụ được, là chân lý thanh tịnh làm nhân cho sự lợi lạc to lớn, sanh ra thiện lạc tối thượng trong Phật Địa, để có thể viên mãn đại dương chánh pháp vô tận. Lại luôn luôn đầy đủ diệu tuệ thanh tịnh, tức là có thể thành tựu tâm Đại Bồ-đề. Nghĩa lý của tâm Bồ-đề đã giải thích như trên, ở trong các kinh sớ lược sưu tập những văn quan trọng, chỉ có Phật Bồ-tát mới có năng lực thấy biết tất cả.

Pages: 1 2 3 4