LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 85

Phẩm thứ bảy mươi mốt
Đạo thọ1
(Cây đạo)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật rất thậm tâm. Bồ Tát biết chúng sanh bất khả đắc mà vẫn vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề. Thật là việc rất khó làm.

Bạch Thế Tôn! Như người muốn trồng cây giữa hư không rất khó làm. Bồ Tát biết chúng sanh bất khả đắc mà vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề cũng là như vậy.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát làm việc rất khó làm. Vì muốn độ chúng sanh điên đảo chấp ngã, mà Bồ Tát vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Ví như người trồng cây chẳng biết gốc, thân, cành, lá, hoa, quả của cây sẽ ra làm sao, mà vẫn vui vẻ bón phân, tưới nước, khiến cây lớn lần lần, trổ lá, đơm hoa, rối kết quả, kết hạt đều được thành tựu đều đặn.

Cũng như vậy, Bồ Tát vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề, lần lần hành sáu pháp Ba La Mật, được nhất thiết chủng trí, thành tựu “Phật thọ”, rồi đem lá, hoa, quả, hạt làm lợi ích chúng sanh.

* Thế nào là lá cây làm lợi ích chúng sanh?

Nhờ Bồ Tát mà chúng sanh được ra khỏi ba đường ác. Như vậy là lá làm lợi ích chúng sanh.

* Thế nào là hoa làm lợi ích chúng sanh?

Nhờ Bồ Tát mà chúng sanh được sanh làm người trong các đại gia, đại tộc; được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương … dẫn đến cõi trời Phi Tưởng Phi Tưởng. Như vậy là hoa làm lợi ích chúng sanh.

* Thế nào là quả làm lợi ích chúng sanh?

Nhờ Bồ Tát được nhất thiết chủng trí mà chúng sanh mới được bốn quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật … dẫn đến quả Phật. Bồ Tát dùng ba thừa pháp, lần lần độ chúng sanh, an lạc chúng sanh nơi Vô Dư Niết Bàn. Như vậy là quả làm lợi ích chúng sanh.

Bồ Tát biết chúng sanh là không, là bất khả đắc, mà vẫn độ chúng sanh, khiến chúng sanh xa lìa chấp ngã điên đảo. Bồ Tát tự nghĩ rằng, “Trong hết thảy pháp đều chẳng có chúng sanh vì chúng sanh thật là bất khả đắc, mà ta vẫn phải vì chúng sanh cầu nhất thiết chủng trí vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phải biết vị Bồ Tát ấy là như Phật rồi. Vì sao? Vì do nhân duyên vị Bồ Tát ấy đoạn đứt hạt giống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, mà đoạn dứt được hết thảy các khổ nạn, bần cùng, hạ tiện; Đoạn dứt hết thảy các hạt giống cõi Dục, cõi Sắc và cõi vô Sắc.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Phải biết vị Bồ Tát ấy là như Phật rồi vậy.

Này Tu Bồ Đề! Nếu chẳng có Bồ Tát phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm, thì ở thế gian, trong ba đời, chảng có Phật, cũng chẳng có Bích Chi Phật, chẳng có A La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn, cũng chẳng ngừng dứt cảnh chúng sanh đọa lạc trong ba đường ác, qua lại trong ba cõi.

Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói, Bồ Tát ấy là như Phật vậy. Vì sao? Vì do “như” mà gọi là Như Lai; Do “như” mà gọi là Bích Chi Phật, là A La Hán, là A Na Hàm, là Tư Đà Hàm, là Tu Đà Hoàn; do “như” mà gọi là sắc … dẫn đến là thức; Do như mà gọi hết thảy pháp….dẫn đến hữu vi tánh, vô vi tánh v.v… Tất cả đều là “như thật”, chẳng có sai khác. Bởi vậy nên gọi là “như”. Bồ Tát học “như”, mà được nhất thiết chủng trí, mà được gọi là Như Lai.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói, “Phải biết vị Bồ tát ấy là như Phật, vì hành như tướng vậy”.

Này Tu Bồ Đề! Thế nên Bồ Tát phải học Bát Nhã Ba La Mật như. Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật như, thì có thể học hết thảy pháp như. Học hết thảy pháp như, thì được đầy đủ hết thảy pháp như.

Được đầy đủ hết thảy pháp như rồi, thì được tự tại ở nơi hết thảy pháp như. Được tự tại ở nơi hết thảy pháp như rồi, thì khéo biết được căn của hết thảy chúng sanh. Khéo biết căn của hết thảy chúng sanh rồi thì khéo biết căn đầy đủ của hết thảy chúng sanh, khéo biết nghiệp nhân duyên của hết thảy chúng sanh.

Khéo biết nghiệp nhân duyên của hết thảy chúng sanh rồi, thì được nguyện trí đầy đủ. Được nguyện trí đầy đủ rồi, mới được trí huệ ba đời thanh tịnh. Được trí huệ ba đời thanh tịnh rồi, mới được lợi ích chúng sanh. Lợi ích chúng sanh rồi, mới thanh tịnh Phật độ. Thanh tịnh Phật độ rồi, mới được nhất thiết chủng trí. Được nhất thiết chủng trí rồi, mới chuyển pháp luân. Chuyển pháp luân rồi, mới an lập chúng sanh nơi ba thừa đạo, khiến họ vào được Vô Dư Niết Bàn.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn được hết thảy công đức, tự lợi và lợi tha, thì phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát nào đúng như pháp mà hành thâm Bát Nhã Ba La Mật, thì hết thảy thế gian, Trời, Người, A Tu La đều phải đảnh lễ.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào đúng như thuyết  mà hành thâm Bát Nhã Ba La Mật, thì hết thảy thế gian, Trời, Người, A Tu La đều phải đảnh lễ.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát sơ phát tâm mà vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề có được bao nhiêu phước đức?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu trong tiểu thiên thế giới, tất cả chúng sanh đều phát tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật. Ý ông nghĩ sao? Phước đức  của những chúng sanh ấy có nhiều chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đức vô lượng.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phước đức của họ chẳng bằng được phước đức của Bồ Tát tân phát ý. Trong trăm, ngàn, vạn, ức phần chẳng được một… dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể đem ra so sánh kịp.

Vì sao? Vì Thanh Văn và Bích Chi Phật do nơi Bồ Tát mà xuất sanh ra; còn Bồ Tát chẳng phải do nơi Thanh Văn và Bích Chi Phật xuất sanh ra vậy.

Trong cõi trung thiên thế giới, cõi đại thiên thế giới … dẫn đến trong ba ngìn đại thiên thế giới cũng là như vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu trong ba ngìn đại thiên thế giới, tất cả chúng sanh đều được Càn Huệ địa. Ý ông nghĩa sao? Phước đức của những chúng sanh ấy có nhiều chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đức vô lượng.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phước đức của họ chẳng bằng được phước đức của Bồ Tát tân phát ý. Chẳng những họ trú Càn Huệ địa, mà trú Tánh Địa, Bạt Địa, Ly Dục Địa, Bích Chi Phật địa, thì phước đức của họ cũng chẳng sao bằng được phước đức của Bồ Tát tân phát ý. Trong trăm, ngàn, vạn, ức phần chẳng bằng được một … dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể đem ra so sánh kịp.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Trong ba ngìn đại thế thiên thế giới, Bồ Tát sơ phát ý chẳng bằng được Bồ Tát đã nhập pháp vị, Bồ Tát đã nhập pháp vị chẳng bằng được Bồ Tát hướng Phật đạo, Bồ Tát hướng Phật đạo chẳng bằng được Phật. Nếu đem công đức của chư Bồ Tát so sánh với công đức của Phật, thì trong trăm, ngàn, vạn, ức phần chẳng bằng được một … dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể đem ra so sánh kịp.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát sơ phát tâm nên niệm những pháp gì?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên niệm nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế tôn! Thế nào là nhất thiết chủng trí? Thế nào là duyên, là tăng thượng, là hành, là tướng của nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nhất thiết chủng trí là vô sở hữu, vô niệm, vô sanh, vô thị (chẳng chỗ có, chẳng niệm, chẳng sanh, chẳng hiển thị).

Ông hỏi về duyên, về tăng thượng, về hành, về tướng của nhất thiết chủng trí chăng?

Này Tu Bồ Đề! Nhất thiết chủng trí là vô pháp, lấy vô duyên làm duyên, lấy niệm làm tăng thượng, lấy tịch diệt làm hành, lấy vô tướng làm vô tướng. Đó là duyên, là tăng thượng, là hành, là tướng của nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: bạch Thế Tôn! Chỉ có nhất thiết chủng trí là vô pháp, hay là sắc, thọ, tưởng, hành, thức … dẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng cũng đều là vô pháp?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Sắc là vô pháp… dẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng cũng đều là vô pháp cả.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà nhất thiết chủng trí là vô pháp; sắc… dẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng đều là vô pháp?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì nhất thiết chủng trí là tự tánh không, mà pháp tự tánh không tức là vô pháp vậy. Sắc… dẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng cũng là như vậy.

Ngài Tu Bồ đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà các pháp là tự tướng không?

 Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, nên ở nơi pháp chẳng có tự tánh; mà pháp chẳng có tự tánh tức là vô pháp. Bởi vậy nên Bồ Tát biết hết thảy các pháp đều là vô tánh. Vì sao? Vì hết thảy pháp đều là tánh không vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp đều là tánh không, thì Bồ Tát sơ phát tâm phải dùng phương tiện gì để hành Đàn Ba La Mật… dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, nhằm thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh; Phải dùng phượng tiện gì để hành bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định, nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ … dẫn đến tám thánh đạo, ba tam muội “không, vô tướng và vô tác”, tám bối xả, chín thứ đệ định, mười Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám bất cộng pháp, đại từ, đại bi … dẫn đến nhất thiết chủng trí, nhằm thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh?

Phật dạy: này Tu Bồ Đề! Bồ Tát học hết thảy pháp vô tánh, mà vẫn có thể thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, vì biết rõ thế giới và chúng sanh cũng đều là vô tánh.Đó chính là lực phương tiện của Bồ Tát vậy.

Này Tu Bồ Đề, Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật là tu học Phật đạo … dẫn đến hành nhất thiết chủng trí là tu học Phật đạo. Thế nhưng Bồ tát biết rõ Phật đạo cũng là vô tánh. Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật là tu học Phật đạo….dẫn đến chưa thành tựu mười Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám bất cộng pháp, đại từ, đại bi, nhất thiết chủng trí cũng là tu học Phật đạo. Khi đã được đầy đủ các nhân duyên Phật đạo rồi, Bồ Tát dùng nhất niệm tương ưng huệ, được nhất thiết chủng trí.

Lúc bấy giờ, hết thảy các phiền não tập khí chẳng còn sanh, nên Bồ Tát dùng Phật nhãn quán khắp cõi đại thiên thế giới, thấy “vô pháp” còn chẳng có, huống nữa là “hữu pháp”.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải hành “vô tánh Bát Nhã Ba La Mật” mới có được lực phương tiện, vì “vô pháp” còn chẳng có, huống nữa là “hữu pháp”.

Này Tu Bồ Đề! Khi bố thí, Bố Tát chẳng biết có pháp bố thí, có người thọ thí, có Bồ Tát tâm, vì “vô pháp” còn chẳng biết được, huống nữa là “hữu pháp”. Dẫn đến khi hành nhất thiết chủng trí, Bồ Tát chẳng biết có người đắc, có pháp đắc, có chỗ đắc, vì “vô pháp” còn chẳng biết, huống nữa là “hữu pháp”.

Vì sao? Vì tánh của hết thảy pháp vốn là như vậy; chẳng phải do Phật làm ra, chẳng phải do Thanh Văn và Bích Chi Phật làm ra, cũng chẳng phải do ai khác làm ra. Vì hết thảy pháp đều chẳng có tác giả làm ra vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hết thảy pháp đều là tánh ly chăng?

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Hết thảy pháp đều là tánh ly.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp đều là tánh ly, thì làm sao pháp ly lại biết được pháp ly? Pháp ly là hữu pháp hay là vô pháp?

Vì sao? Vì vô pháp chẳng thể biết vô pháp, hữu pháp chẳng thể biết hữu pháp, vô pháp, chẳng thể biết hữu pháp, hữu pháp chẳng thể biết vô pháp.

Bạch Thế Tôn! Như vậy là hết thảy pháp đều chẳng có tướng, thì làm sao Bồ Tát có thể phân biệt nói có “hữu pháp”, và nói có “vô pháp”?

 Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tùy theo thế tục đế mà Bồ Tát vì chúng sanh nói CÓ, nói KHÔNG. Đây chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế tục và đệ nhất nghĩa đế khác nhau chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế chẳng có sai khác nhau.

Vì sao? Vì “thế đế như” tức là “đệ nhất nghĩa như”. Vì chúng sanh chẳng  biết được như vậy, nên Bồ Tát phải vì chúng sanh mà nói CÓ, nói KHÔNG vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Vì chúng sanh ở nới năm ấm mà khởi chấp tướng, chẳng biết năm ấm là chẳng có tướng (vô sở hữu tướng), nên Bồ Tát phải vì họ nói Có, nói Không.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải như vậy mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật dạy, “Vô sở đắc tức là đắc” sanh tâm hoan hỷ, bạch Phật rằng: Bát Nhã Ba La Mật rất thậm thâm. Bồ Tát vì chúng sanh làm các việc rất khó làm, y như người muốn trồng cây giữa hư không vậy.

Phật dụ “Phật thọ” (cây Phật) như cây đại thọ đem lá, hoa, quả, hạt làm lợi ích chúng sanh, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu.

Ví như vòm lá cây che nắng mặt trời. Đem lại sự im mát; cũng như vậy, Bồ tát giáo hóa chúng sanh, đưa họ ra khỏi ba đường ác, là những nơi nóng bức, khổ đau khiến họ thoát được các khổ. Ví như hoa với màu sắc tươi đẹp, hương thơm thanh khiết đem lại sự tươi vui, cũng như vậy, Bồ Tát đem bố thí, trì giới giáo hóa chúng sanh, khiến họ được hưởng các phước lạc ở cõi trời và cõi người. Ví như cây có nhiều quả có màu sắc tươi đẹp, hương vị thơm ngon; cũng như vậy, Bồ Tát đem ba thừa đạo, giáo hóa chúng sanh, khiến họ được bốn quả Bích Chi Phật… dẫn đến quả Phật.

Ngài Tu Bồ Đề nghe như vậy sanh tâm hoan hỷ bạch Phật: Bồ tát do nhân duyên đoạn dứt hạt giống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nên là chư Phật rồi vậy.

Phật dạy: Đúng như vậy. Nếu chẳng có Bồ Tát phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, thì ở thế gian chẳng có Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng chẳng đoạn dứt cảnh chúng sanh đọa về ba đường ác, qua lại trong ba cõi.

Vì Bồ Tát được pháp “như” nên gọi là Như Lai, Sắc … dẫn đến hữu vi tánh, vô vi tánh đều là “như”, chẳng có sai khác. Bồ Tát học “pháp như” mà được nhất thiết chủng trí nên nói là như Phật, chẳng có sai khác. Phật là như, Bồ Tát cũng là như, hết thảy pháp đều là như; chẳng có pháp nào mà chẳng vào trong “như” vậy.

Hỏi: nếu Bồ Tát được “như” mà gọi là như Phật, thì vì sao hết thảy chúng sanh cũng có “tánh như”, mà chẳng được gọi là như Phật?

Đáp: Do nhân duyên chúng sanh có “tánh như” mà chẳng phát khởi tánh như, chẳng làm lợi ích chúng sanh… dẫn đến chẳng được nhất thiết chủng trí, nên chẳng được gọi là Như Lai.

Bồ Tát phải học Bát Nhã Ba La Mật như; Học bát Nhã Ba La Mật như, mới được hết thảy pháp như, mới vào được nơi thật tướng pháp, mới được tự tại ở nơi hết thảy pháp.

Bồ Tát được tự tại ở nơi hết thảy Pháp, nên biết rõ được căn chúng sanh, biết rõ những chúng sanh có căn đầy đủ. Ở trong ba thừa, Bồ Tát biết rõ người có tín căn, người chẳng có tín căn, người có tín lực, người chẳng có tín lực v.v… Bồ Tát biết rõ người có đầy đủ năm căn, năm lực, mới có thể ra khỏi thế gian. Vì có đầy đủ tín căn, tín lực mới có thể thọ trì các thiện pháp, mà chẳng nghi hối; Người có tấn căn, tấn lực, dù chưa thấy được đạo, cũng đã nhất tâm tinh tấn cầu đạo, chẳng ngưng nghỉ, chẳng tiếc thân mạng; Người có niệm căn, niệm lực, thì thường nhớ nghĩ đến lời thầy dạy, thường hành các thiện pháp, xa lìa ác pháp. Người có định căn, định lực thường nhiếp tâm, chẳng lay động; Do có định mà khởi sanh được trí huệ. Người có huệ căn, huệ lực mới có thể thật quán được thật tướng các pháp.

Người đầy đủ 5 căn được chia ra làm 2 hạng. Đó là:

– Người thành tựu Bồ Tát căn là người có Đại Thừa tâm.

– Người thành tựu Nhị Thừa căn là người có Tiểu Thừa tâm.

–oOo–

Bồ Tát lại thấy có người, tuy nay đã được đầy đủ năm thiện căn mà chưa thể độ được, vì đời trước có phạm trọng tội v.v… Bởi vậy nên nói Bồ Tát biết rõ hết thảy nghiệp nhân duyên của chúng sanh. Bồ Tát phải được túc mạng thông mới biết rõ được các nghiệp nhân duyên của chúng sanh.

Bồ Tát phải được nguyện trí mới biết rõ được các sự việc trong ba đời; biết rõ như vậy, để vì chúng sanh nói các nghiệp nhân duyên của họ ở đời vị lai. Vì như nói rõ nhân duyên ở đời vị lại họ sẽ bị đọa địa ngục, khiến họ sanh tâm sợ hãi; do sợ hãi mà quyết điều phục tâm; nhờ vậy mà dễ được độ. Ví như nói rõ nhân duyên ở đời vị lai họ được hưởng phước đức, khiến họ sanh tâm hoan hỷ; nhờ vậy mà dễ được độ v.v…

Bồ Tát phải được trí huệ ba đời thanh tịnh mới thông đạt các pháp vô ngại, biết rõ các quả báo thiện hay ác của chúng sanh ở đời vị lai, biết rõ ở hiện đời có căn tánh lợi hay độn v.v… Do biết rõ như vậy nên mới có thể tùy duyên nói pháp, khiến chúng sanh được nhiều lợi ích.

Bồ Tát thanh tịnh Phật độ rồi, mới được nhất thiết chủng trí. Được nhất thiết chủng trí rồi, mới chuyển pháp luân, an lập chúng sanh vào nơi Vô Dư Niết Bàn.

—oOo—

Do học hết thảy pháp như, mà Bồ Tát thành tựu được vô lượng công đức như trên. Đúng như lời Phật dạy, “Bồ Tát muốn được hết thảy công đức, tự lợi và lợi tha, thì phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề”.

Ngài Tu Bồ Đề nghe nói đến vô lượng công đức của Bồ Tát, bèn bạch Phật rằng: Bồ Tát nào đúng như thuyết mà hành thâm Bát Nhã Ba La Mật, thì hết thảy gian đều phải đảnh lễ.

Phật ấn chứng lời nói của ngài Tu Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi: Như vậy, Bồ Tát sơ phát tâm phải niệm pháp gì?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phải thường niệm nhất thiết chủng trí.

Vì sao? Vì nhất thiết chủng trí tức là Vô Thượng Bồ Đề. Vì hết thảy Phật pháp đều nhiếp trọn trong nhất thiết chủng trí.

Hỏi: Vì sao Phật dạy, “Bồ Tát sơ phát tâm phải thường niệm nhất thiết chủng trí”?

Đáp: Bồ Tát sơ phát tâm chưa có được thâm trí huệ, khó có thể dứt bỏ các dục lạc thế gian, nên phải thường niệm nhất thiết chủng trí, phải thường niệm rằng, “Ta phải bỏ thiện lạc riêng, để cùng với hết thảy chúng sanh cầu được nhất thiết chủng trí, được thanh tịnh giải thoát lạc”.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nhất thiết chủng trí là hữu pháp hay vô pháp. Thế nào là duyên, là tăng thượng, là hành, là tướng của nhất thiết chủng trí?

Phật dạy:Nhất thiết chủng trí là vô pháp, vô sanh, vô diệt, lấy vô duyên làm duyên, lấy niệm làm tăng thượng, lấy tịch diệt làm hành, lấy vô tướng làm tướng.

Hỏi: Như vậy thì nhất thiết chủng trí là rốt ráo vô niệm; vì sao nói lấy niệm làm tăng thượng?

Đáp: Trí huệ Phật là rốt ráo không, rốt ráo thanh tịnh; pháp như, pháp tánh, thật tế đều là vô tướng; Tất cả đều là tịch diệt tướng. Mặc dù các pháp mỗi mỗi đều có lực riêng, nhưng khi đã được nhất thiết chủng trí, được thành Phật rồi, thì chẳng còn có tư duy; Chẳng còn thấy có xa hay gần, khó hay dễ v.v… Lúc bấy giờ, hết thảy chỗ niệm đều được thành tựu viên mãn. Bởi vậy nên nói ‘lấy niệm làm tăng thượng”.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Chỉ có nhất thiết chủng trí là vô pháp hay hết thảy các pháp đều là vô pháp?

Phật dạy: Hết thảy các pháp đều là vô pháp. Vì các pháp đều theo nhân duyên hòa hợp sanh, là chẳng có tự tánh, là không, là vô pháp. Bởi vậy nên nói hết thảy pháp tánh đều là vô sở hữu.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát sơ phát tâm phải dùng phương tiện gì để tu sáu pháp Ba La Mật … dẫn đến tu nhất thiết chủng trí, nhằm giáo hóa chúng sanh?

Phật dạy: Thường quán hết thảy pháp vô tánh, cũng thường chứa nhóm các công đức giáo hóa chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, tức là có phương tiện lực. Bồ Tát vẫn thường hành cả 2 pháp CÓ và KHÔNG, nên ở nơi rốt ráo không, mà vẫn thường thành tựu các phước đức.

Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật là tu học Phật đạo. Bồ Tát dùng pháp rốt ráo không, rốt ráo vô sở hữu mà hành sáu pháp Ba La Mật… dẫn đến nhất thiết chủng trí là tu học Phật đạo, Bồ Tát thường hành đầy đủ mười Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám bất cộng pháp , đại từ, đại bi là tu học Phật đạo. Khi được các pháp đầy đủ như vậy rồi, Bồ Tát tọa đạo tràng, dùng nhất niệm tương ưng huệ, được nhất thiết chủng trí. Ví như người đánh rơi viên “như ý bảo châu”, lần theo ánh quang minh chiếu ra trong đêm tối, mà tìm lại được viên ngọc quý đó.

Lúc bấy giờ, hết thảy tập khí phiền não đều chẳng còn sanh nữa, nên Bồ Tát dùng Phật nhãn quán khắp 10 phương thế giới, thấy rõ vô pháp còn chẳng có, huống nữa là hữu pháp. Bồ Tát tận phá được tâm chấp điên đảo, vào nơi rốt ráo không pháp, được thành Phật, mà vẫn biết rõ chẳng có người đắc, chẳng có pháp đắc, chẳng có chỗ đắc.

Bởi vậy nên nói, “Biết rõ hết thảy pháp đều là vô sở hữu tướng, như vậy là có được lực phương tiện của Bồ tát”. Vì vô pháp còn chẳng có, huống nữa là hữu pháp.

Bồ Tát dùng “vô sở hữu Bát Nhã Ba La Mật”, nên khi bố thí chẳng thấy có pháp bố thí, có người thọ thí, có Bồ tát tâm, … dẫn đến khi hành nhất thiết chủng trí cũng chẳng thấy có người đắc, có pháp đắc, có chỗ đắc.

Bồ Tát là người đắc Vô Thượng Bồ Đề, pháp đắc là Vô Thượng Bồ Đề, chỗ đắc pháp ấy chính là Bồ Tát đạo. Thế nhưng, Bồ Tát thấy tất cả các pháp ấy đều là bất khả đắc. Vì sao? Vì hết thảy các pháp, từ xưa đến nay, vốn là như vậy; Chẳng phải do Phật làm ra, chẳng phải do Thanh Văn, Bích Chi Phật làm ra, cũng chẳng phải do phàm phu làm ra; Chẳng phải do trí huệ mà thay đổi khác. Hết thảy các pháp đều chẳng được tạo tác, đều chẳng có tác giả làm ra vậy.

Ngài Tu Bồ Đề đã biết rõ các pháp đều là vô hữu tướng, nhưng vì muốn chúng hội hiểu rõ hơn về “vô sở hữu tướng”, nên ngài nêu các câu hỏi: Các pháp là tánh ly chăng? Nếu các pháp đều là tánh ly thì làm sao pháp ly lại biết được pháp ly? Pháp ly là hữu pháp hay là vô pháp?

Vì sao? Vì vô pháp chẳng thể biết vô pháp, hữu pháp chẳng thể biết hữu pháp, vô pháp chẳng thể biết hữu pháp, hữu pháp chẳng thể biết vô pháp. Như vậy hết thảy pháp đều là vô sở hữu tướng, thì làm sao Bồ Tát có thể phân biệt nói các pháp là CÓ hay là KHÔNG?

Phật dạy: Bồ Tát y theo thế tục mà vì chúng sanh nói CÓ, nói KHÔNG. Đó chẳng phải là đệ nhất nghĩa.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi: Thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế khác nhau chăng?

Phật dạy: Chẳng có khác nhau.

Vì sao? Vì nếu nói thế tục và đệ nhất nghĩa khác nhau, thì tức là phá hoại pháp tánh rồi vậy. Nên biết “thế tục đế như: tức là “đệ nhất nghĩa đế như”. Vì chúng sanh chẳng biết như vậy, nên Bồ Tát phải vì chúng sanh dùng thế tục đế, mà nói CÓ, nói KHÔNG vậy. Vì chúng sanh ở nơi năm ấm mà có khởi chấp, nên chẳng biết được năm ấm, cùng hết thảy các pháp đều là vô sở hữu tướng. Bồ Tát vì chúng sanh thuyết “vô sở hữu thế tục pháp”, nên đã phân biệt nói về hữu pháp, về vô pháp, để chúng sanh hiểu rõ nghĩa “vô sở hữu” là như vậy đó. Bồ Tát phải như vậy mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

***

Phẩm thứ bảy mươi hai
Bồ Tát Hạnh
(Hạnh của Bồ Tát)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành như thế nào mà gọi là hành Bồ Tát Hạnh?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành vì Vô Thượng Bồ Đề, nên gọi là hành Bồ Tát hạnh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ tát hành vì Vô Thượng Bồ Đề mà gọi là hành Bồ Tát hạnh?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là Bồ Tát hành sắc không … dẫn đến thức không; Hành sắc không … dẫn đến pháp không; Hành nhãn không … dẫn đến ý không; Hành nhãn giới không … dẫn đến ý thức giới không; Hành Đàn Ba La Mật … dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật; Hành nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không; hành bốn thiền, bốn vô lượng tâm; hành không vô biên xứ định … dẫn đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định; Hành 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 thánh đạo; 3 tam muội “không, vô tướng và vô tác”, hành 8 bối xả; hành 9 thứ đệ định; Hành 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí; hành 18 bất cộng pháp; hành đại từ, đại bi; Hành thanh tịnh Phật độ; Hành thành tựu chúng sanh; Hành các biện tài; Hành văn  tự, nhập vào chỗ vô văn tự; hành các Đà la ni; hành hữu vi tánh; hành vô vi tánh. Hành tất cả như, hành Vô Thượng Bồ Đề; chẳng phải hai việc làm sai khác.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát Nhã Ba La Mật gọi là Vô Thượng Bồ Đề hạnh, hành Bồ Tát hạnh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn y theo nghĩa gì mà gọi Phật là Phật ?

Phật dạy: này Tu Bồ Đề! Biết thật nghĩa của các pháp, nên gọi là Phật. Được thật tướng của các pháp, nên gọi là Phật. Thông đạt thật nghĩa, nên gọi là Phật. Như thật biết các pháp nên gọi là Phật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Y theo nghĩa gì mà gọi là Bồ Đề?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nghĩa “không” là nghĩa Bồ Đề. Nghĩa “như” là nghĩa Bồ Đề. Nghĩa “pháp tánh”, nghĩa “thật tế” là nghĩa Bồ Đề.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Danh tướng ngôn thuyết là nghĩa Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Thật nghĩa của Bồ Đề là chẳng thể phân biệt được, chẳng thể phá hoại được. Đó là nghĩa Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Thật tướng của các pháp là chẳng hư dối, chẳng khác biệt. Đó là nghĩa Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Đề là pháp sở hữu của chư Phật. Do vậy mà gọi là Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Chánh trí của chư Phật biến cùng khắp (Chư Phật chánh biến tri ). Do vậy mà gọi là Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát vì Bồ Đề mà hành sáu pháp Bát Nhã Ba La Mật … dẫn đến hành nhất thiết chủng trí, thì ở nơi các pháp có gì được hay mất, tăng hay giảm, sanh hay diệt, cấu hay tịnh chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát vì Bồ Đề mà hành 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến hành nhất thiết chủng trí, thì ở nơi các pháp chẳng có gì được hay mất, tăng hay giảm, sanh hay diệt, cấu hay tịnh cả.

Vì sao? Vì việc Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải vì được hay mất, tăng hay giảm, sanh hay diệt, cấu hay tịnh mà khởi xuất.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng vì được hay mất, tăng hay giảm, sanh hay diệt, cấu hay tịnh, thì Bồ Tát làm sao có thể hành 1 Ba La Mật mà nhiếp được cả 5 Ba La Mật kia? Làm sao có thể hành nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không? Làm sao có thể hành 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định? Làm sao có thể hành 4 niệm xứ … dẫn đến 8 thánh đạo? làm sao có thể hành 3 giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác”? Làm sao có thể hành 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 bất cộng pháp, đại từ, đại bi? Làm sao có thể hành 10 địa Bồ Tát? Làm sao có thể vượt qua Thanh văn địa, Bích Chi Phật địa, để nhập vào Bồ Tát vị?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát chẳng dùng “hai pháp” khi hành 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến chẳng dùng “hai pháp” khi hành nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng dùng “ hai pháp” khi hành 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến chẳng dùng “ hai pháp” khi hành nhất thiết chủng trí, thì từ sơ phát tâm … đến tối hậu tâm, Bồ Tát làm sao tăng trưởng được thiện căn?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu dùng “  hai pháp” thì chẳng tăng trưởng được thiện căn. Từ sơ phát tâm … dẫn đến tối hậu tâm, Bồ Tát chẳng dùng “ hai pháp” nên ở chặng giữa đó mới tăng trưởng được thiện căn. Bởi vậy nên hết thảy thế gian, Trời, Người và A Tu La chẳng thể phá hoại thiện căn của Bồ Tát, chẳng thể khiến Bồ Tát lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa. Các ác bất thiện pháp chẳng thể chế ngự được Bồ Tát , chẳng thể ngăn Bồ Tát hành 6 pháp Ba La Mật nhằm tăng trưởng thiện căn.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải như vậy mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đê bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát vì thiện căn mà hành Bát Nhã Ba la Mật chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Chẳng phải vậy. Bồ Tát chẳng phải vì thiện căn mà hành Bát Nhã Ba La Mật, cũng chẳng phải chẳng vì thiện căn mà hành Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát chưa cúng dường chư Phật, chưa đầy đủ thiện căn, chưa thân cận thiện tri thức, thì chưa có thể được nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát cúng dường chư Phật, đầy đủ thiện căn, thân cận thiện tri thức như thế nào mới được nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ Tát đã cúng dường chư Phật, nghe chư Phật thuyết 12 bộ kinh; nghe xong, liền thọ trì, đọc tụng, tư duy, quán chiếu rõ ràng. Do liễu đạt, nên được các Đà la ni. Do được các Đà la ni, nên phát khởi được vô ngại trí. Do phát khởi được vô ngại trí, nên dù sanh ở nơi nào, dẫn đến khi được nhất thiết chủng trí, vẫn trọn chẳng hề quên sót.

Lại nữa, Bồ Tát cũng thường trồng thiện căn nơi chư Phật. Do nhân duyên trồng thiện căn, mà trọn chẳng đọa về ba đường ác, chẳng bị các ách nạn. Cũng do nhân duyên trồng thiện căn, mà được thân tâm thanh tịnh. Do được thân tâm thanh tịnh, mà có thể thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh. Lại do thường được sự hộ trì của các thiện căn, nên trọn chẳng xa rời chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thanh Văn, là những bậc chân thiện tri thức, và thường tán thán Phật, Pháp và Tăng.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải cũng dường chư Phật, phải gieo trồng chư thiện căn, phải thân cận chư thiện tri thức.

LUẬN:

Ở phẩm trước đã nói nhiều về Bát Nhã Ba La Mật. Ở phẩm này nói về hành Bồ Tát hạnh.

Hỏi: Nếu Bát Nhã Ba La Mật nhiếp hết thảy pháp, thì hành Bát Nhã Ba La Mật là hành Bồ Tát hạnh. Như vậy, vì sao còn hỏi nữa?

Đáp: Hành hết thảy các đạo của Bồ Tát gọi là hành Bồ Tát hạnh. Còn biết tận tướng của hết thảy pháp là do trí huệ, nên gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Tuy rằng hành Bát Nhã Ba La Mật và hành Bồ Tát hạnh có chỗ sai khác nhau, nhưng Bát Nhã Ba La Mật và Bồ Tát hạnh có cùng cộng tướng, tương nhiếp nhau, nên chẳng có sai khác vậy.

Có thuyết nói tất cả các nghiệp ở thân, khẩu và ý của Bồ tát, tất cả các sự vận hành của Bồ Tát đều gọi là Bồ Tát hạnh

Vì muốn phân biệt rõ các điều nêu trên đây, nên ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật: Bồ Tát hành như thế nào mà gọi là hành Bồ Tát hạnh.

Phật dạy: Bồ Tát hành vì Vô Thượng Bồ Đề, nên gọi hành Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hành các thiện pháp mà chẳng có chấp trước, mới gọi là hành Bồ tát hạnh. Nếu còn chấp tâm mà hành các thiện pháp, thì chẳng thể gọi là hành Bồ tát hạnh được. Phải dùng từ bi, trí huệ, vì Vô Thượng Bồ Đề mà hành, mới là hành thanh tịnh Bồ Tát hạnh.

Thế nào là hành thanh tịnh hạnh?

Đó là hành năm ấm không … dẫn đến hành hữu vi tánh, vô vi tánh, mà chẳng phân biệt các pháp đó là không, là thật … dẫn đến là hữu vi, là vô vi; Phải hành các pháp như hành Vô Thượng Bồ Đề; Lại phải diệt các hý luận, phải dùng “bất nhị tướng”, mới gọi là hành thanh tịnh Bồ Tát hạnh. Hành như vậy là chẳng có lỗi lầm, chẳng ai có thể phá hoại được.

Ngài Tu Bồ Đề biết rõ Bồ Tát hành thanh tịnh Bồ Tát hạnh như vậy, sẽ được quả báo làm Phật, nên sanh tâm hoan hỷ, và hỏi Phật: Y theo nghĩa gì mà gọi Phật là Phật.?

Phật dạy: Biết thật nghĩa của các pháp, nên gọi là Phật.

Hỏi: Chư vị A La Hán, Bích Chi Phật cũng biết thật nghĩa của các pháp. Như vậy vì sao chẳng được gọi là Phật?

Đáp: Trước đây đã có nêu ví dụ về các ngọn đèn đều có công năng đẩy lui bóng tối, nhưng tùy theo cường độ ánh sáng có nhiều, có ít sai khác, mà kết quả phá màn tối có nhiều ít sai khác nhau.

Chư Thanh Văn và Bích Chi Phật, tuy đã phá được vô minh, nhưng chưa tận diệt vô minh rốt ráo như Phật.

Những gì phàm phu tin là thật, thì Phật chẳng cho là có thật nghĩa. Vì sao? Vì phàm phu còn bị các tập khí phiền não che tâm, nên chưa thấu rõ được thật nghĩa, chưa được nhất thiết chủng trí. Phải tận đoạn các pháp nghi hối, mới gọi là được chánh trí thật nghĩa.

Hỏi: Đoạn kinh trên đây nói, “Biết thật nghĩa của các pháp, được thật tướng của các pháp, thông đạt thật nghĩa, như thật biết các pháp, nên được gọi là Phật”. Như vậy, bốn nghĩa ấy có gì sai khác chăng?

Đáp: Có thuyết nói dù danh tự có khác, nhưng nghĩa chẳng có gì sai khác cả.

Có thuyết nói nghĩa và danh đều có sai khác. Ví như nói thật tướng các pháp là bất sanh, bất diệt; pháp tánh là thường trú, là như; Niết Bàn là thường trú, là tịch diệt v.v… Phật biết rõ các danh nghĩa ấy chẳng có lầm lẫn, nhưng vì chúng sanh mà phải lập ra có danh, có nghĩa sai khác, khiến chúng sanh giải được “đệ nhất thật nghĩa”. Trong bốn “ vô ngại trí”, thì nơi đây nói đến “ thuyết vô ngại trí” và “pháp vô ngại trí”

Có thuyết nói có người tuy biết được thật nghĩa của các pháp, mà chẳng có thể thông đạt thật nghĩa. Do 2 nguyên nhân sau đây:

– Vì chưa tận đoạn phiền não.
– Vì chưa được nhất thiết chủng trí.

Ví như người mới được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, do chưa đoạn sạch phiền não, nên chưa thông đạt được quả A La Hán, quả Bích Chi Phật. Các đại Bồ tát, do chưa đoạn sạch tập khí, nên chưa thông đạt được nhất thiết chủng trí. Phải thông đạt được thật nghĩa của các pháp mới gọi là Phật.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Y theo nghĩa gì mà gọi là Bồ Đề?

Phật dạy: Nghĩa không, nghĩa như, nghĩa pháp tánh, nghĩa thật tế là nghĩa Bồ Đề. “Không tam muội” tương ứng với thật tướng trí huệ duyên như pháp tánh thật tế, nên gọi là Bồ Đề. Tất cả các hạng người tu theo Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo và Bồ Tát đạo, tuy chưa đoạn sạch phiền não, nhưng đều tu tập trí huệ. Cả 3 hạng người tu trên đây, khi dứt sạch vô minh, thì vào được “vô học vị”, được trí huệ Bát Nhã Ba La Mật, nên gọi là Bồ Đề. Hàng “vô học” Nhị Thừa chưa được nhất thiết chủng trí, chưa có chánh trí biến khắp, nên trí huệ Nhị thừa chẳng được gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Chỉ có trí huệ của Phật mới được gọi là Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, danh tướng ngôn thuyết là nghĩa Bồ Đề, mà thật nghĩa của Bồ Đề là chẳng thể phân biệt, chẳng thể phá hoại.

Lại nữa, Bồ Đề cùng với “như” chẳng sai khác, là chân thật, là chẳng hư dối. Vì sao ? Vì trí huệ của chúng sanh thường chuyển mãi cho đến nơi Phật trí là trí huệ vô thượng. Các pháp cũng chuyển từ nơi hư vọng đến nơi chân thật , gọi là Bồ Đề.

Lại có thuyết nói “như như” là Bồ Đề. Được “như như” tức là được Bồ Đề.

Lại có thuyết nói “tận trí” biết rõ hết thảy pháp sanh diệt gọi là Bồ Đề.

Lại có thuyết nói “tận trí” và “ vô sanh trí” là Bồ Đề.

Lại có thuyết nói “vô ngại giải thoát” là Bồ Đề. Vì sao? Vì khi đã được giải thoát, thì ở nơi hết thảy pháp đều được thông đạt.

Lại có thuyết nói bốn vô ngại trí là Bồ Đề. Vì sao? Vì biết được thật tướng pháp là “nghĩa vô ngại”; Phân biệt các ngữ ngôn, danh tự, khiến chúng sanh được giải rõ gọi là “từ vô ngại”; thuyết pháp chẳng cùng tận, để giáo hóa chúng sanh gọi là “lạc thuyết vô ngại”. Có đầy đủ cả 4 vô ngại trí mới làm lợi ích cho chúng sinh nên bốn vô ngại trí  được gọi là Bồ Đề.

Lại có thuyết nói 10 Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, 18 bất cộng pháp, đại từ, đại bi, nhất thiết chủng trí, cùng vô lượng Phật pháp đều gọi là Bồ Đề. Vì sao? Vì được như vậy là được đại trí huệ, nên hết thảy các thiện pháp đều gọi là Bồ Đề.

Lại có thuyết nói được chân Bồ Đề, thì được gọi là Phật. Vì sao? Vì thành tựu được trí huệ vô lậu; 10 trí tương ứng với thọ, tưởng, hành và thức; Các nghiệp thân, khẩu và ý tương ứng với các hạnh, cộng duyên, cộng sanh, cộng tương trợ, nên gọi là Bồ Đề.

Lại có thuyết  nói nghĩa Bồ Đề vô lượng, vô biên, mà Phật thường khắp biết tất cả. ví như vị Chuyển luân thánh vương biết rõ tất cả các bảo vật trong kho, biết rõ giá trị của từng món, chẳng có lầm lẫn.

Ngài tu Bồ Đề hỏi: nếu Bồ Đề là rốt ráo không, là bất hoại tướng thì Bồ tát hành sáu pháp Ba La Mật làm sao tăng trưởng thiện căn?

Phật dạy: Bồ Tát hành sáu pháp Ba La Mật, nên biết rõ ở nơi thật tướng Bồ Đề , hết thảy pháp đều chẳng có chỗ tăng ích, huống  nữa là tăng ích thiện căn. Vì sao? Vì việc Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải vì được hay mất, tăng hay giảm, sanh hay diệt, cấu hay tịnh mà khởi xuất, vì Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo thanh tịnh vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: nếu chẳng vì được hay mất, tăng hay giảm, sanh hay diệt, cấu hay tịnh, thì làm sao Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật mà có thể thành tựu được Bồ Tát hạnh?

Phật dạy: Bồ Tát chẳng dùng “ hai pháp”, nên tuy có hành các pháp, mà là hành rốt ráo không vậy. Chẳng nên nạn hỏi làm gì nữa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu chẳng dùng “ hai pháp” thì từ sơ phát tâm đến tối hậu tâm Bồ Tát làm sao có thể tăng trưởng thiện căn?

Phật dạy: Người dùng “ hai pháp” mới là điên đảo, chẳng có thể tăng trưởng thiện căn. Ví như người nằm mộng, dù thấy rất nhiều của cải mà chẳng sao nắm bắt được. Phàm phu do chấp “ hai pháp”, nên chẳng tăng trưởng được thiện căn. Còn Bồ Tát hành thật tướng pháp là hành “bất nhị pháp”. Do chẳng hành “ hai pháp”, nên từ sơ phát tâm dẫn đến tối hậu tâm, Bồ Tát thường tăng trưởng thiện căn. Bởi vậy nên hết thảy thế gian, Trời, Người, A tu La đều chẳng có thể phá hoại được thiện căn của Bồ Tát, chẳng thể khiến Bồ Tát lạc về Nhị Thừa địa. Vì sao? Vì các ác bất thiện pháp chẳng thể ngăn Bồ Tát hành 6 pháp Ba La Mật nhằm tăng trưởng thiện căn vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát vì thiện căn mà hành Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Phật dạy: Chăng phải vì thiện căn, cũng chẳng phải chẳng vì thiện căn mà Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Nếu chẳng vì bất thiện căn mà hành Bát Nhã Ba La Mật, thì còn hợp lý. Vì sao nói chẳng phải vì thiện căn mà hành Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp:Vì quý Vô Thượng Bồ Đề mà Phật đáp như vậy. Hành thiện căn chỉ là phương tiện để làm các thiện hạnh mà thôi. Như trong kinh có nói, “Thiện pháp còn xả huống nữa là phi pháp”. Vì sao? Vì thiện căn chỉ là trợ đạo pháp, đưa hành giả đến Vô Thượng Bồ Đề, ví như người muốn qua sông phải mượn bè để qua bờ bên kia vậy.

Phật lại nói nhân duyên Bồ Tát chưa cúng dường chư Phật, chưa thân cận chư thiện tri thức, thì chẳng thể được nhất thiết chủng trí. Dù có trồng thiện căn, nhưng đó chẳng phải là quý, chỉ có Vô Thượng Bồ Đề mới là quý.

 Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát cúng dường chư Phật, thân cận chư thiện trí thức như thế nào, mới được nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Bồ Tát từ sơ phát tâm đã cúng dường chư Phật, đã thân cận chư thiện tri thức, thường nghe chư Phật thuyết 12 bộ kinh; khi nghe xong liền thọ trì, đọc tụng, tư duy, quán chiếu rõ rang, nên được căn trí càng thêm lanh lợi. Do liễu nghĩa, nên được các Đà la ni. Do được các Đà la ni, mà nghe rồi chẳng có quên sót, được bốn vô ngại trí, vì chúng sanh thuyết pháp, làm lợi ích cho chúng sanh.

Các Đà la ni nêu trên đây, gồm có:

– Văn Trì Đà la ni.
– Chư pháp thật tướng Đà la ni.

Bồ Tát do thường thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm các kinh pháp, nên được “Văn Trì Đà la ni”, Do thông đạt nghĩa lý trong kinh, nên được “chư pháp thật tướng đà la ni”, Bồ Tát được hai Đà la ni này, nên được vô ngại trí huệ.

Hỏi: Nếu Bồ Tát đã được vô ngại trí, thì so với Phật chẳng có gì khác. Vì sao chẳng được gọi là Phật?

Đáp: “Vô ngại trí” phải được hiểu theo hai nghĩa. Đó là:

– Chân vô ngại trí.
– Danh tự vô ngại trí.

Chỉ có Phật là đầy đủ chân vô ngại trí. Chư thánh phải tùy theo chỗ hành pháp mà được vô ngại trí.

Bồ Tát do nhân duyên thường thọ trì, đọc tụng kinh điển, mà sanh vào chỗ nào cũng được vô ngại trí, chẳng bao giờ quên sót. Vì sao? Vì Bồ Tát do thường trì tụng kinh điển, mà các phiền não mỏng dần; Do được các thiện căn hộ niệm. Nên chẳng bị đọa vào các đường ác, chẳng bị các ách nạn; Do có được các thiện căn công đức, nên được thâm tâm thanh tịnh; Do được thâm tâm thanh tịnh, nên thường từ ái, niệm chúng sanh, xem người thân, kẻ oán bình đẳng; Do có phước đức, trí huệ đầy đủ, nên các phiền não chẳng sanh, khiến thiện tâm tăng trưởng.

Bồ Tát thâm tâm thương xót chúng sanh, nên đối với hết thảy chúng sanh thường khởi tâm “từ, bi, hỷ, xả” nhằm cứu độ chúng sanh; Ở nơi các pháp được rốt ráo “không tâm”,… dẫn đến ở nơi Phật cũng chẳng sanh “Phật tưởng”, chẳng sanh “Niết Bàn tưởng”. Như vậy gọi là được thâm tâm thanh tịnh.

Do được thâm tâm thanh tịnh, nên những lời giáo hóa của Bồ Tát đều được chúng sanh tín thọ. Do thành tựu chúng sanh như vậy, nên Bồ Tát thanh tịnh Phật độ. Như trong kinh Duy Ma Cật, ở phẩm Phật Quốc, Phật có nói, “Chúng sanh tịnh, nên thế giới tịnh”.

–oOo–

Người được các thiện căn hộ trì thường chẳng ly chư Phật, chư Bồ Tát, chư A La Hán là những bậc chân thiện tri thức; lại thường tán thán ba ngôi Tam Bảo.

Cho nên, Phật dạy, “Bồ Tát phải thường cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, thân cận chư thiện tri thức”.

Vì sao? Vì người bệnh phải cần đến thầy giỏi, thuốc hay, người thăm nuôi chu đáo mới chóng lành bệnh. Cũng như vậy, đối với Bồ Tát, thì Phật là đấng y vương, thiện căn là linh dược, thiện tri thức là người thường gần gũi dắt dìu. Bồ Tát phải thường cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, thân cận tri thức mới tận diệt được các phiền não, mới làm được những việc lợi ích cho chúng sanh.

***

Phẩm thứ bảy mươi ba
Chủng thiện căn
(Gieo Trồng Căn Lành)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát chẳng cúng dường chư Phật, chẳng trồng thiện căn, chẳng thân cận chư thiện tri thức, thì có được nhất thiết chủng trí chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, thân cận chư thiện tri thức còn khó được nhất thiết chủng trí, huống nữa là chẳng cúng dường chư Phật, chẳng gieo trồng thiện căn, chẳng thân cận chư thiện tri thức.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao có trường hợp Bồ Tát cúng dường chư Phật, gieo trồng thiên căn, thân cận thiện tri thức, mà lại khó được nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đây là hạng Bồ Tát chẳng theo Phật nghe pháp, chẳng có đầy đủ thiện căn, chẳng nghe theo lời chỉ dạy của thiện tri thức, nên chẳng có được các lực phương tiện. Vì xa rời các lực phương tiện, mà chẳng được nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là những lực phương tiện mà Bồ Tát phải hành theo để được nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ Tát hành Đàn Ba La Mật đúng theo Tát Bà Nhã tâm. Khi cúng dường chư Phật, chư Bích Chi Phật, chư Thanh Văn, cũng như khi bố thí cho các loài chúng sanh, Bồ Tát chẳng sanh tưởng có người cho, có người nhận, có tài vật đem cho. Vì sao? Vì Bồ Tát quán các pháp đều là tự tướng không, đều chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển tướng; nhập vào thật tướng pháp là nơi chẳng có tác tướng, chẳng có khởi tướng. Bồ Tát dùng các lực phương tiện như vậy mà tăng trưởng thiện căn, hành Đàn Ba La Mật, thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh. Khi hành bố thí, Bồ Tát chẳng thọ quả báo thế gian, mà chỉ vì muốn cứu độ chúng sanh. Như vậy gọi là hành Đàn Ba La Mật.

Lại này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ Tát hành Thi La ba La Mật đúng theo Tát Bà Nhã tâm. Khi trì giới, Bồ Tát chẳng niệm dâm độ si, cũng chẳng bị phiền não trói buộc, chẳng phá đạo pháp, chẳng khởi xan tham, sân nhuế, chẳng giải đãi, chẳng kêu mạn, lại cũng chẳng lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật Địa. Vì sao? Vì Bồ Tát quán các pháp đều là tự tướng không, đều chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển tướng; Nhập vào thật tướng pháp là nơi chẳng có tác tướng, chẳng có khởi tướng. Bồ Tát dùng các lực phương tiện như vậy mà tăng trưởng thiện căn, hành Thi Ba La Mật, thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh. Khi hành trì giới, Bồ Tát chẳng thọ quả báo thế gian, mà chỉ vì muốn cứu độ chúng sanh. Như vậy gọi là hành Thi Ba La Mật.

Lại này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ Tát hành Sẵn Đề Ba La Mật đúng theo Tát Bà Nhã tâm. Do thành tựu được các lực phương tiện, mà ở nơi “kiến đế đạo”, “tư duy đạo”, Bồ Tát chẳng có thủ chứng các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Vì sao? Vì Bồ Tát quán các pháp đều là tự tướng không, đều chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển tướng. Bồ Tát tuy hành các pháp trợ đạo, mà chẳng bị lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa. Như vậy gọi là Bồ tát được “vô sanh pháp nhẫn”.

Lại này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ tát hành Tỳ Lê Gia Ba La Mật đúng theo Tát Bà Nhã tâm, vào sơ thiền, … dẫn đến đệ tứ thiền, vào 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, mà chẳng thọ quả báo thế gian. Vì sao? Vì do thành tựu được các lực phương tiện, mà Bồ Tát biết rõ các thiền định đều là tự tướng không, chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển tướng. Bồ Tát tinh tấn thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, nhưng chẳng thọ quả báo thế gian, mà chỉ vì muốn cứu độ chúng sanh. Như vậy gọi là Bồ Tát hành Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

Lại này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ Tát hành Thiền Ba La Mật đúng theo Tát Bà Nhã tâm, vào 8 bối xả, 9 thứ đệ định mà chẳng thủ chứng các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Vì sao? Vì do thành tựu được các lực phương tiện, mà Bồ Tát biết rõ các pháp đều là tự tướng không, đều chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển tướng.

Lại này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm, Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật đúng theo Tát Bà Nhã tâm, học 10 Phật lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, đại từ, đại bi, 18 bất cộng pháp … dẫn đến chưa được nhất thiết chủng trí, chưa thanh tịnh Phật độ, chưa thành tựu chúng sanh, mà trong khoảng giưãđó vẫn thường tu học như vậy. Vì sao? Vì Bồ Tát biết rõ các pháp đều là tự tướng không, đều chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển trướng.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng thọ các quả báo phước lạc như vậy.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao ngài Tu Bồ Đề nêu lên câu hỏi, “Người chẳng cúng dường chư Phật, chẳng gieo trồng thiện căn, chẳng thân cận chư thiện tri thức có được nhất thiết chủng trí chăng”?

Đáp: Vì trong chúng hội có người khởi tâm nghi. Có người nghĩ rằng, “Các pháp đều là vô sở hữu, thì việc trồng thiện căn hay chẳng trồng thiện căn chẳng có gì sai khác nhau cả”. Lại có người nghĩ rằng, “Được Bát Nhã Ba La Mật là do tu tập nhiều pháp môn, chẳng phải chỉ do trồng thiện căn mà được vậy”.

Bởi các nhân duyên ấy, nên ngài Tu Bồ Đề phải hỏi Phật như trên.

Phật đáp: Người có cúng dường chư Phật, có gieo trồng thiện căn, có thân cận thiện tri thức mà còn khó được nhất thiết chủng trí, huống nữa là người chẳng làm các hạnh đó.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Vào nơi rốt ráo không, thì chẳng còn có phước, có tội nữa. Như vậy vì sao nói, “Tu phước mới được quả Phật”?

Phật dạy: Nói có phước mới được quả Phật là nói theo thế đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế.

Ngài Tu Bồ Đề sợ chúng sanh chấp “vô sở hữu”, nên mới hỏi lại Phật như trên đây, và Phật lại dùng chỗ chẳng chấp mà đáp lại, “Tinh tấn tu phước còn chẳng được, huống nữa là chẳng tu phước”.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Có cúng dường, có bố thí mà sao chẳng thọ quả báo?

Phật dạy: Dù cúng dường chư Phật, bố thí cho chúng sanh, gieo trồng thiện căn, thân cận chư thiện tri thức, mà xa lìa các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng có thể được nhất thiết chủng trí. Vì nếu xa lìa các lực phương tiện, thì dù thấy Phật cũng chẳng sao có thể thấy được pháp thân Phật; dù có trồng thiện căn, thì cũng chẳng được bao nhiêu; Dù có ở gần bên thiện tri thức, thì cũng chẳng được lợi ích gì.

Từ sơ phát tâm, Bồ Tát phải tu cả hai tâm “hữu” và “vô”. Khi hành bố thí phải dùng “hữu tâm”, vì bố thí phát xuất từ lòng đại bi thương xót chúng sanh. Thế nhưng khi cúng dường chư Phật cũng như khi bố thí cho chúng sanh, Bồ Tát chẳng nên khởi ba tưởng về người cho, người thọ và tài vật đem cho, nên lại phải dùng “vô tâm”. Vì sao?

Vì Bồ Tát phải ở nơi bình đẳng tâm, mới có thể hành bố thí Ba La Mật. Bồ Tát phải biết rõ hết thảy pháp đều là tự tướng không, từ trước đến nay vốn chẳng có sanh tướng, chẳng có định tướng, chẳng có chuyển tướng. Bồ Tát an trú trong “như”, quán ‘như”, nên vào được nơi thật tướng pháp, là nơi chẳng có tác tướng, chẳng có khởi tướng vậy. Vì biết rõ như vậy, nên Bồ Tát chẳng sanh cao tâm, chẳng có hư vọng chấp các pháp tướng vậy. Như vậy gọi là lực phương tiện của Bồ Tát.

Do có các lực lượng tiện như vậy, nên Bồ Tát thường xa lìa các bất thiện  căn, thường tăng ích các thiện căn, giáo hóa chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.

Bồ Tát làm các việc bố thí, dù nhiều, dù ít, cũng chẳng bao giờ thọ các quả báo thế gian, mà chỉ muốn cứu độ chúng sanh. Bồ Tát nghĩ rằng, “Đời trước ta chẳng hành thâm phước đức, nên đời nay ta phải hành bố thí Ba La Mật, rộng bố thí cho chúng sanh; Khi ta có được quả nhất thiết chủng trí rồi, ta mới có thể làm đầy đủ các việc lợi ích cho vô lượng chúng sanh, khiến họ được nhiều lợi lạc ở đời này và cả đời sau”.

Bồ Tát có cúng dường chư Phật, có gieo trồng thiện căn, có thân cận chư thiện tri thức, mà chẳng tu các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật thì chẳng có thể được nhất thiết chủng trí, huống nữa là chẳng cúng dường chư Phật, chẳng gieo trồng thiện căn, chẳng thân cận chư thiện tri thức.

Tu năm Ba La Mật kia cũng là như vậy.

(Hết Quyển 85)