LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 83

Phẩm thứ sáu mươi chín
(tiếp theo)
Đại Phương Tiện
(tiếp theo)

KINH:

Bạch Thế Tôn! Các bậc đại Bồ Tát lợi căn mới nhập vào được pháp môn này chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát độn căn cũng có thể nhập vào pháp môn này. Bồ Tát trung căn, Bồ Tát tán tâm cũng đều có thể nhập vào pháp môn này.

Pháp môn này chẳng có trở ngại. Nếu Bồ Tát nào nhất tâm học cũng có thể nhập vào pháp môn này. Nếu giải đãi, ít tinh tấn, thất niệm, tán loạn, thì chẳng có thể nhập vào pháp môn này.

Người tinh tấn, chẳng giải đãi, chánh ức niệm, nhiếp tâm có thể vào được. Người muốn cầu bậc bất thối chuyển, muốn mau được nhất thiết chủng trí có thể vào được.

Bồ Tát phải học đúng như thuyết trong Bát Nhã Ba La Mật… dẫn đến phải học đúng như thuyết trong Đàn Ba La Mật.

Bồ Tát học như vậy sẽ mau được nhất thiết chủng trí.

Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, nếu có bao nhiêu ma sự Bồ Tát phải liền diệt. Bởi vậy nên muốn có được các lực phương tiện, Bồ Tát phải hành Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát nào như vậy hành, như vậy tập, như vậy tu, sẽ được vô lượng chư PHật ở khắp vô lượng thế giới hộ niệm.

Vì sao? Vì từ trong Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh chư Phật ở quá khứ, ở hiện tại và ở vị lai. Thế nên, Bồ Tát phải tự niệm rằng, “Đây là pháp mà 3 đời chư Phật được; ta cũng sẽ được pháp ấy”.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải học Bát Nhã Ba La Mật như vậy, phải tập Bát Nhã Ba La Mật như vậy, phải tu Bát Nhã Ba La Mật như vậy mới mau được Vô Thượng Bồ Đề. Thế nên, Bồ Tất thường phải chẳng xa lìa Tát Bà Nhã tâm.

Nếu Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, thì chỉ trong khoảng khảy móng tay cũng đã có được phước đức rất nhiều, thù thắng hơn phước đức của người dậy cho chúng sanh trong cõi đại thiên thế giới tu bố thí, tu trì giới, tu thiền định, tu trí huệ, khiến họ được giải thoát, được giải thoát trí kiến, được quả Tu Đà Hoàn…dẫn đến quả A La Hán, được đạo Bích Chi Phật. Vì sao? Vì từ trong Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra bố thí, trì giới, thiền định, trí huệ, xuất sanh ra các quả Tu Đà Hoàn, dẫn đến quả A la hán, xuất sanh ra đạo Bích Chi Phật.

Trong khắp 10 phương, chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật vị lai đều từ trong Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra cả.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Trong khoảng khảy móng tay, trong một ngày, trong một tháng, trong một năm, … trong một kiếp… dẫn đến trong vô số kiếp, Bồ Tát phải thường niệm nhất thiết chủng trí, thường hành Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy được phước đức rất nhiều, thù thắng hơn phước đức của người dạy cho chúng sanh trong hằng sa thế giới khắp 10 phương tu bố thí, trì giới, thiền định, khiến họ được giải thoát, giải thoát trì kiến, được quả Tu Đà Hoàn… dẫn đến quả A La Hán, được đạo Bích Chi Phật.

Vì sao? Vì chư Phật xuất sanh từ Bát Nhã Ba La Mật, tuyên thuyết bố thí, trì giới, thiền định, trí huệ, mới có được giải thoát, giải thoát trì kiến, được quả Tu Đà Hoàn… dẫn đến quả A La Hán, được đạo Bích Chi Phật.

Nếu có Bồ Tát nào đúng như Bát Nhã Ba La Mật sở thuyết mà an trú thì phải biết đó là bậc Bồ Tát bất thối chuyển. Bồ Tát ấy được chư Phật hộ niệm.

Nếu có Bồ Tát nào thành tựu được các lực phương tiện như vậy, thì phải biết:

Đó là vị Bồ Tát đã thân cận, cúng dường vô lượng ngàn, muôn, ức chư Phật, đã gieo trồng thiện căn nơi chư Phật, đã từ lâu hành 6 pháp Ba La Mật, 18 pháp Không… dẫn đến hành nhất thiết chủng trí.

Đó là vị Bồ Tát đã trú bậc pháp vương tử, đã đầy đủ các hạnh nguyện, trọn chẳng ly chư Phật, chẳng ly thiện căn, đã thường đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác.

Đó là vị Bồ Tát đã được biện tài vô ngại, đã đầy đủ các đà la ni, đã được thọ ký, nhưng vì chúng sanh và thọ sanh nhân

Đó là vị Bồ Tát đã thông đạt tự môn và phi tự môn, đã khéo biết chỗ nên nói, chỗ chẳng nên nói; đã khéo biết chỗ nên nói ít lời hay nhiều lời; đã khéo biết tiếng người nam hay người nữ; đã khéo biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức; đã khéo biết tánh thế gian và tánh Niết Bàn; đã khéo biêt các pháp tướng; đã khéo biết hữu vi tướng và vo vi tướng; đã khéo biết hữu pháp và vô pháp; đã khéo biết tự tánh và tha tánh; đã khéo biết hợp phát và tán pháp; đã khéo biết tương ưng pháp và bất tương ưng pháp; đã khéo biết thế nào là như thật biết và thế nào là chẳng như thật biết; đã khéo biết pháp tánh và pháp vị; đã khéo biết duyên và vô duyên, đã khéo biết ấm, giới, nhập; đã khéo biết 4 đế, 12 nhân duyên, đã khéo biết 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định; đã khéo biết 6 Ba La Mật, 4 niệm xứ… dẫn đến nhất thiết chủng trí, đã khéo biết hữu vi tánh và vô vi tánh, đã khéo biết hữu tánh và vô tánh, đã khéo biết quán sắc, quán thọ, quán tưởng, quán hành, quán thức…dẫn đến quán nhất thiết chủng trí; đã khéo biết sắc là sắc tướng không…dẫn đến Bồ Đề là Bồ Đề tướng không, đã khéo biết xả đạo và bất xả đạo; đã khéo biết sanh, trú, dị, diệt; đã khéo biết tham sân si, đã khéo biết bất tham, bất sân, bất si, đã khéo biết tà kiến, chánh kiến cũng hết thảy kiến chấp; đã khéo biết danh sắc; đã khéo biết nhân, nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên; đã khéo biết các hành tướng; đã khéo biết khổ, tập, diệt, đạo; đã khéo biết địa ngục và xu hướng đọa địa ngục; ngạ quỷ và xu hướng đọa ngạ quỷ, súc sanh và xu hướng đọa súc sanh, người và xu hướng làm người, Trời và xu hướng trời, A Tu La và xu hướng làm A Tu La; đã khéo biết 4 quả Thanh Văn và Thanh Văn đạo, quả Bích Chi Phật và Bích Chi Phật đạo, Phật và Phật đạo; đã khéo biết nhất thiết chủng trí; đã khéo biết các căn và các căn đầy đủ; đã khéo biết huệ, tật huệ, hữu lực huệ, lợi huệ, võ đẳng đẳng huệ và thật huệ; đã khéo biết quá khứ, hiện tại và vị lai; đã khéo biết phương tiện tùy thuận chúng sanh; đã khéo biết tâm và thâm tâm; đã khéo biết nghĩa và ngữ; đã khéo biết phân biệt 3 thừa giáo.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, sanh Bát Nhã Ba La Mật, tu Bát Nhã Ba La Mật được các lợi ích như vậy.

LUẬN:

Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật: Chỉ có các đại Bồ Tát lợi căn mới có thể nhập vào pháp môn này chăng?

Ý ngài muốn nói rằng, “Người an trú trong tinh tấn, trong chánh niệm, trong chánh định, trong chánh kiến là đã được an ổn. Nhưng phải bậc lợi căn, minh trí mới vào được thâm Bát Nhã Ba La Mật”.

Phật dạy: Chẳng phải chỉ có những người lợi căn, minh trí mới có thể vào được thâm pháp này.

Ý Phật muốn nói, “Chỉ cần nhất tâm, tinh tấn cầu học là có thể vào được”. Ví như trong mùa nóng bức mà vào được nơi có hồ nước ắt là được mát mẻ. Những ai có mắt sáng, có đôi chân lành lặn đều có thể vào được nơi đây, nếu thật sự muốn vào. Những người ở cạnh bên hồ mà chẳng có ý muốn vào, thì cũng chẳng vào nơi đây. Cũng như vậy, hồ Bát Nhã Ba La Mật mát mẻ, co s4 cửa dẫn vào; chúng sanh ở khắp 4 phương đều có thể vào được cả, chẳng có gì ngăn ngại.

Người chẳng giải đãi là người an ủi trong tinh tấn; người chẳng vọng niệm là người an trú trong chánh niệm; người chẳng loạn động là người an trú trong chánh định; người chẳng có tà kiến là người an trú trong chánh kiến. Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh kiến là 4 cửa dẫn Bát Nhã Ba La Mật. Qua được 4 cửa này, là đầy đủ giới hạnh, đầy đủ 8 thánh đạo, vào được Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Ngài Tu Bồ Đề là Thanh Văn Tiểu Thừa nên nghĩ rằng, “Chỉ có hạng người lợi căn, minh trí mới có thể vào được pháp Đại Thừa.”

Nay Phật dạy, “Hạng người trung căn, độn căn mà hành 8 thánh đạo, cũng có thể vào được Phật đạo, qua 4 cửa Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh kiến như đã nêu trên đây”.

Nếu Bồ Tát y như chỗ Bát Nhã Ba La Mật thuyết mà tu hành, thì sẽ mau đến được nhất thiết chủng trí

Ví như trong pháp Thanh Văn, hành giả chẳng phải chỉ dùng chánh kiến, mà còn phải dùng 8 thánh đạo hòa hợp mới vào được đạo. Cũng như vậy, hành giả tu theo pháp Đại thừa chẳng phải chỉ hành Bát Nhã Ba La Mật, mà còn phải hòa hợp Bát Nhã Ba La Mật với 5 Ba La Mật kia mới vào được nhất thiết chủng trí. Bởi vậy nên nói, “Bồ Tát chẳng phải chỉ học đúng theo như Bát Nhã Ba La Mật, mà còn phải học hết thảy pháp, phải được hết thảy trí”.

Hỏi: Trước đây đã nói, “Học Bát Nhã Ba La Mật là đến được nhất thiết chủng trí”. Nay vì sao nói, “Phải hòa hợp Bát Nhã Ba La Mật với 5 Ba La Mật kia mới vào được nhất thiết chủng trí?”.

Đáp: Phải đầy đủ cả 6 pháp Ba La Mật mới được nhất thiết chủng trí. Thế nhưng ở nhiều cõi Phật, chúng sanh chỉ nghe thuyết về thật tướng pháp là liền được nhất thiết chủng trí, chẳng phải thứ lớp hành 6 pháp Ba La Mật. Nói, “có đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật công đức mới vào được nhất thiết chủng trí” như trên đây nhằm tán thán người tu hành có được sự hộ trì của các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Lại nữa, trong kinh nói, “Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật thấy có các ma sự là liền diệt, vì đã được 10 phương chư Phật thường hộ niệm. Đây là nhằm tán thán Bồ Tát, do hành Bát Nhã Ba La Mật công đức mà khéo biết cả 3 thừa giáo, khéo biết tự môn và phi tự môn, khéo biết pháp tánh thật tế của hết thảy các pháp. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên có vô lượng phước đức lực, biết rõ cả 2 pháp thế gian và Niết Bàn. Bồ Tát biết rõ danh dự là hư vọng, nên phá được các chấp tướng điên đảo. Do phá được các chấp điên đảo, nên Bồ Tát khéo biết chỗ nên nói, chỗ chẳng nên nói, chỗ nên nói ít lời, chỗ nên nói nhiều lời; khéo biết tiếng nam, tiếng nữ có các âm thanh sai khác… Vì khéo biết các sự việc như vậy, nên Bồ Tát hàng phục được các tà ma, ngoại đạo, các hạng người xấu ác.

Bồ Tát khéo biết xả đạo và bất xả đạo, như xả địa này để tu lên địa khác, xả hạ địa lên thượng địa, hoặc vì thương xót chúng sanh mà vẫn trú trong các địa, chẳng xả đạo…

Bồ Tát khéo biết tà kiến, chánh kiến cùng hết thảy các kiến chấp. Vì ở nơi các kiến chấp, Bồ Tát đã được tâm bình đẳng, nên dù ở trong tà kiến, ở trong thế gian đạo, mà thấy được chánh kiến, học hết thẩy các kiến chấp, mà thật chẳng có học.

Bồ Tát khéo tu 16 hạnh, khéo biết 4 quả Thanh Văn và Thanh Văn đạo, quả Bích Chi Phật và Bích Chi Phật đạo… dẫn đến quả vị Phật và Phật đạo.

Bồ Tát khéo biêt các căn, khéo phân biệt 22 căn, khéo quán căn cơ chúng sanh có lợi, có độn; khéo biết các chúng sanh nào đầy đủ các căn thì có thể độ, chưa đầy đủ cac căn thì chưa thể độ …

Bồ Tát khéo biết các căn đầy đủ hay chưa đầy đủ, ví như con chim tự biết hai cánh nó có đầy đủ sức hay chưa có đầy đủ sức, biết 2 cánh phải có đầy đủ sức mới có thể bay được

–oOo–

Bồ Tát khéo biết tổng tưởng trí huệ của hết thảy chúng sanh: Biết người có tạp huệ mau biết các pháp, nhưng sự biết đó chẳng được lâu bền. Biết người có hữu lực huệ là người có trí lực; nếu có trí lực nhạy mà chẳng mạnh, thì cũng ví như con ngựa chạy rất nhanh nhưng chóng mệt; nếu có trí lực mạnh và chẳng sắc bén, thì cũng ví như con dao lụt, tuy chặt rất mạnh, nhưng vẫn chẳng chẻ được củi. Người có lợi huệ là người có trí lực vừa mạnh vừa nhạy bén. Người có xuất huệ là người ở trong cơn nguy biến mà có thể thoát ra dễ dàng, ở trong phiền não mà có thể tự giải thoát ra khỏi 3 cõi, chứng nhập Niết Bàn. Người có dạt huệ là người thông đạt các sự việc đến chỗ tột cùng rốt ráo; ở trong Phật pháp và thông đạt hết thảy các pháp, dẫn đến được lậu tận, được Niết Bàn, thường trú trong pháp tánh thanh tịnh. Người có quảng huệ là người thông hiểu cả tục lẫn đạo, biết rõ hết các kinh thơ và luận nghị của thế gian, nên ở trong Phật pháp mà biết rõ thế pháp vậy. Người có thâm huệ là người quán hết thảy pháp là vô ngại tướng, vô tướng tướng, bất khả tư nghì tướng; ở trong thế gian, người được thâm trí huệ cũng có thể biết được các sự việc từ lâu xa, biết trong cái lợi có cái suy, biết trog cái suy có cái lợi. Người có đại huệ là người có được tất cả các huệ nêu trêu, như vậy nên gọi là đại. Người có vô đẳng huệ là người ở trong Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng chấp Bát Nhã Ba La Mật, là người đã thâm nhập pháp như, nên chẳng có pháp nào có thể sánh kịp; người được vô đẳng huệ là bậc Bồ Tát đã thành tựu đạo pháp đến chỗ bất khả tư nghì, chẳng có ai sánh kịp.

Ví như viên ngọc như ý bảo châu tự nó chẳng có định sắc, nhưng nếu đem đặt cạnh vật nào, thì nó liền hiện sắc của vậy ấy. Cũng như vậy Bát Nhã Ba La Mật chẳng có định tướng, nhưng vẫn thường tùy theo các pháp mà tác hành.

Ví như viên ngọc như ý bảo châu khiến cho sự mong cầu của mọi người đều được thành tựu như ý nguyện. Cũng như vậy, Bát Nhã Ba La Mật khiến người tu mong cầu gì cũng đều như nguyện, … dẫn đến người cầu thành Phật sẽ được thành Phật.

Bồ Tát khéo biết quá khứ, hiện tại và vị lai, biết rõ quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại chẳng trú mà vẫn tùy duyên hóa độ chúng sanh, nên công đức chẳng thể nghĩ bàn được. Bồ Tát thường tu thật tướng pháp, biết rõ các pháp niệm niệm sanh diệt, là chẳng có thể biết, nhưng vẫn thông đạt mọi pháp, nên gọi là khéo biết hiện tại

–oOo–

Bồ Tát khéo biết phương tiện tùy thuận chúng sanh. Người có phương tiện mới có được các nhân duyên thành tựu được các việc như ý muốn, mới tránh được các lỗi lầm. Ví như người lái buôn nương theo ngựa tốt của ông đại tướng mau được đến nơi đến chốn, chẳng phải chờ đợi các người khác. Cũng như vậy, Bồ Tát nương theo ngựa trí huệ vào thẳng đến nơi Niết Bàn, chẳng chờ đợi chúng sanh, nhưng vì thương xót chúng sanh mà chẳng trú Niết Bàn, hội nhập thế gian để hóa độ chúng sanh

–oOo–

Bồ Tát khéo biết thâm tâm của chúng sanh, quán 5 căn của chúng sanh, từ nơi thâm tâm của họ, biết rõ từng chúng sanh ở trong quá khứ xa thế nào, họ từ đâu đến, để phương tiện hóa độ họ. Bồ Tát khéo biết các chủng thiện căn ở nơi từng chúng sanh; biết rõ có chúng sanh ở trong hiện tại xấu ác, nhưng xưa kia vốn là thiện. Ví như cha mẹ mắng con, đánh con, tuy có hiện tướng ác, nhưng trong thâm tâm là thiện. Cũng ví như khi Phật độ ma vương Uất Ma La Quật, thì Phật đã quán biết tâm ác của vị ma vương này rất cạn mỏng, mà thiện căn tiềm ẩn nơi thâm tâm rất sâu dày.

–oOo–

Chúng sanh y nơi các pháp mà truy danh để tầm nghĩa. Bồ Tát ở nơi danh và pháp đều vô ngại, nên ở nơi nghĩa cũng được vô ngại; như vậy gọi là khéo biết nghĩa. Khi đã được nghĩa vô ngại rồi, thì sẽ được lạc thuyết vô ngại; như vậy gọi là khéo biết ngữ.

Do khéo biết nghĩa và ngữ, nên Bồ Tát thường đem 3 thừa giáo để giáo hóa chúng sanh, diễn nói, phân biệt rõ ràng, khiến chúng sanh được dễ hiểu.

Hỏi: Vì sao trước nói khéo biế sắc… dẫn đến thức, rồi sau mới nói khéo biết ấm, giới, nhập? Vì sao trước nói nhân, rồi sau mới nói đến duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên.

Đáp: Vì trước nói hẹp, rồi sau mới nói rộng vậy.

***

Phẩm thứ bảy mươi
Tam Huệ
(Ba Huệ)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, sanh Bát Nhã Ba La Mật, tu Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì sắc tịnh diệt, sắc không, sắc hư dối, sắc chẳng kiên cố, nên phải hành Bát Nhã Ba La Mật.

Vì thọ, tưởng, hành, thức cũng là như vậy, nên phải hành Bát Nhã Ba La Mật.

Sanh Bát Nhã Ba La Mật là như sanh hư không.

Tu Bát Nhã Ba La Mật là tu các pháp phá hoại.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phải hành Bát Nhã Ba La Mật, sanh Bát Nhã Ba La Mật, tu Bát Nhã Ba La Mật trong thời gian bao nhiêu lâu?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Từ sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng phải hành Bát Nhã Ba La Mật, phải sanh Bát Nhã Ba La Mật, phải tu Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phải dụng tâm thú lớp như thế nào để hành Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Thường chẳng xa lìa Tát Bà Nhã tâm, giữ tâm chẳng để cho các tâm niệm khác xen vào. Như vậy gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật, là sanh Bát Nhã Ba La Mật, là tu Bát Nhã Ba La Mật.

Nếu chẳng để cho các tâm và tâm sở hiện hành, thì đó gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật, là sanh Bát Nhã Ba La Mật, là tu Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát tu Bát Nhã Ba La Mật sẽ có được nhất thiết chủng trí chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Chẳng được vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tu và chẳng tu Bát Nhã Ba La Mật sẽ có được nhất thiết chủng trí chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề ! Chẳng được vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng tu và chẳng phải chẳng tu Bát Nhã Ba La Mật sẽ có được nhất thiết chủng trí chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Chẳng được vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng như vậy, thì phải làm thế nào để được nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát được nhất thiết chủng trí như như tướng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là như như tướng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Là như thật tế.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là như thật tế?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Là như pháp tánh,

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là như pháp tánh?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Là như ngã tánh, chúng sanh tán, thọ mạng tánh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ngã tánh, chúng sanh tán, thọ mạng tánh.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Ngã, chúng sanh, thọ mạng có thể được chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng thể được vậy

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu ngã, chúng sanh và thọ mạng đều chẳng thể được, thì làm sao lại nói có ngã tánh, có chúng sanh tánh và có thọ mạng tánh? Nếu trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng nói có hết thảy pháp, thì làm sao nói sẽ có nhất thiết chủng trí?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có Bát Nhã Ba La Mật là chẳng thể nói ra được, hay hết thảy pháp đều chẳng thể nói ra được?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể nói ra được, Đàn Ba La Mật… dẫn đến Thiền Ba La Mật, hết thảy các pháp hữu vi, vô vi, Thanh Văn Pháp, Bích Chi Phật pháp, Bồ Tát pháp, Phật pháp cũng đều chẳng thể nói ra được.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu hết thảy các pháp đềuchẳng thể nói ra được, thì vì sao lại nói có các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, Trời, A Tu La… dẫn đến có cảnh giới Phật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Danh tự chúng sanh thật có thể được chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng thể được vậy

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh là bất khả đắc, thì làm sao nói có cảnh giới địa ngục… dẫn đến có cảnh giới Phật. Như vậy, Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật phải học hết thảy pháp chẳng thể nói ra được Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật là phải học sắc, thọ, tưởng, hành, thức…dẫn đến phải học nhất thiết chủng trí chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phải học sắc chẳng tăng, chẳng giảm… dẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng tăng, chẳng giảm.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là học sắc chẳng tăng, chẳng giảm… dẫn đến học nhất thiết chủng trí chẳng tăng, chẳng giảm?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là học các pháp ấy chẳng sanh, chẳng diệt vậy

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là học các pháp chẳng sanh, chẳng diệt?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là học các pháp ấy chẳng khởi, chẳng tác các hạnh nghiệp, dù là CÓ, dù là KHÔNG vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là học các pháp ấy chẳng khởi, chẳng tác các hạnh nghiệp, dù là CÓ, dù là KHÔNG?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là quán các pháp ấy là tự tướng không vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là quán các pháp ấy là tự tướng không?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là phải quán sắc là tướng không, phải quán thọ, tưởng, hành, thức là tướng không; phải quán nhãn…dẫn đến ý, sắc…dẫn đến pháp, nhãn thức…dẫn đến ý thức, nhãn giới…dẫn đến ý thức giới là tướng không; quán nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không là tướng không; phải quán 4 thiền … dẫn đến diệt thọ tưởng định là tướng không; phải quán 4 niệm xứ… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề là tướng không.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phải quán hết thảy các pháp đều là tướng không.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu sắc… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề đều là tướng không, thì làm sao hành Bát Nhã Ba La Mật được?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Chẳng hành gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao nói chẳng hành là hành Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc (chẳng thể được), nên là bất khả hành (chẳng thể hành). Người hành, pháp hành và chỗ hành cũng đều là bất khả đắc cả. Vì hết thảy pháp đều là hý luận, là bất khả đắc, nên chẳng hành mới thật là hành Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng hành là hành Bát Nhã Ba La Mật, thì Bồ Tát từ khi sơ phát tâm phải hành Bát Nhã Ba La Mật như thế nào?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Từ khi sơ phát tâm đến nay, Bồ Tát phải học pháp không là vô sở đắc. Bồ Tát dụng vô sở đắc phá, mà hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ… dẫn đến dụng vô sở đắc pháp, mà hành nhất thiết chủng trí

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là pháp hữu sở đắc? Thế nào gọi là pháp vô sở đắc?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Pháp có hai, gọi là pháp có sở đắc; pháp chẳng có hai, gọi là pháp chẳng có sở đắc

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những pháp gì là có hai là có sở đắc? Những pháp gì chẳng có hai là chẳng có sở đắc?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nhãn và sắc là hai, ý và pháp là hai, … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề và Phật là hai. Như vậy gọi là có hai.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Từ trong hữu sở đắc mà có vô sở đắc, hay từ trong vô sở đắc mà có hữu sở đắc?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Chẳng phải từ trong hữu sở đắc mà có vô sở đắc, cũng chẳng phải từ trong vô sở đắc mà có hữu sở đắc.

Này Tu Bồ Đề! Hữu sở đắc và vô sở đắc bình đẳng; đó mới gọi là vô sở đắc. Như vậy, ở nơi hữu sở đắc và ở nơi vô sở đắc là chỗ Bồ Tát cần phải học.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật như vậy mới được gọi là người vô sở đắc, là người chẳng có lầm lỗi

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát chẳng hành hữu sở đắc, cũng chẳng hành vô sở đắc, thì làm sao có thể từ một địa này lên một địa khác…dẫn đến làm sao có thể đến được nhất thiết chủng trí?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng trú trong hữu sở đắc để tu từ một địa này lên một địa khác. Vì sao? Vì ở trong hữu sở đắc, thì chẳng thể tu từ một địa này lên một địa khác được.

Này Tu Bồ Đề! Vô sở đắc là tướng của Bát Nhã Ba La Mật; vô sở đắc là tướng của Vô Thượng Bồ Đề; vô sở đắc cũng là tướng của người hành Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát phải như vậy mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bát Nhã Ba La Mật bất khả đắc, Vô Thượng Bồ Đề bất khả đắc và người hành Bát Nhã Ba La Mật bất khả đắc, thì làm sao Bồ Tát phân biệt được các pháp tướng từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức khả đắc…dẫn đến chẳng thấy Vô Thượng Bồ Đề khả đắc

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật là hành sắc bất khả đắc … dẫn đến hành Vô Thượng Bồ Đề bất khả đắc, thì làm sao được đầy đủ Đàn Ba La Mật…dẫn đến được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật; làm sao được Bồ Tát vị?

Phải vào Bồ Tát vị rồi, mới thành tựu chúng sanh, mới thanh tịnh Phật độ, mới được nhất thiết chủng trí; phải được nhất thiết chủng trí rồi, mới chuyển pháp luân, làm các Phật sự để độ thoát chúng sanh ra khỏi sanh tử.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát chẳng vì sắc mà hành Bát Nhã Ba La Mật … dẫn đến chẳng vì Vô Thượng Bồ Đề mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát vì những sự việc gì mà hành Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng vì sao cả. Vì sao? Vì hết thảy pháp là vô sở vi, vô sở tác; Bát Nhã Ba La Mật là vô sở vi, vô sở tác; Vô Thượng Bồ Đề là vô sở vi, vô sở tác; Bồ Tát cũng vô sở vi, vô sở tác.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải hành Bát Nhã Ba La Mật vô sở vi, vô sở tác như vậy.

LUẬN

Chúng hội nghe tán thán công đức của bát mới rõ được các sự việc, nên rất tôn quý Bát Nhã Ba La Mật, muốn có được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề biết rõ tâm niệm của chúng hội, nên hỏi Phật: Thế nào gọi là Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, sanh Bát Nhã Ba La Mật, tu Bát Nhã Ba La Mật?

Vì sao? Vì ngài thường nghe nói phải từ nơi Càn Huệ địa mà hành Bát Nhã Ba La Mật; khi được vô sanh pháp nhẫn mới gọi là sanh Bát Nhã Ba La Mật; được vô sanh pháp nhẫn rồi mới dùng Thiền Ba La Mật mà huân tu Bát Nhã Ba La Mật.

Phật dậy: 5 ấm là chỗ trói buộc của hết thảy tâm thế gian; Niết Bàn là tướng tịch diệt. Bồ Tát dùng lực trí huệ Bát Nhã Ba La Mật để phá 5 ấm tướng, thông đạt đến chỗ rốt ráo không; tức là đến chỗ tịch diệt tướng Niết Bàn. Từ nơi tịch diệt tướng, Bồ Tát trở lại thọ sanh thân với đầy đủ 6 tình. Nhưng rồi lại xuất gia, niệm tịch diệt tướng, vì Bồ Tát biết rõ các pháp thế gian là hư dối, là chẳng chân thật. Như vậy là Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật vô định tướng, nên là bất khả đắc. Lúc bấy giờ, dù có nói hay chẳng có nói, thì các ngôn ngữ đều đoạn.

Nên biết “không” là như hư không, nên nói sanh như hư không. Trong hư không chẳng có pháp sanh, cũng chẳng có chỗ sanh. Vì sao? Vì hư không là vô pháp, vô hình, vô xúc, vô tác tướng vậy. Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy

Hư không là vô pháp, nên chẳng thể nói là thường hay là vô thường chẳng thế nỏi là có hay là không, chẳng thể nói là chẳng phải có hay chẳng phải không. Vì hư không là bất khả đắc, nên diệt hết các hý luận vậy.

Hư không là vô nhiễm, vô chấp, nên chẳng có văn tự nào có thể diễn bày được. Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy.

Bồ Tát quán các pháp thế gian tợ như hư không. Như vậy gọi là sanh Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát được Bát Nhã Ba La Mật, rồi thâm nhập thiền định, dùng lực Bát Nhã Ba La Mật quán thiền cảnh, và dùng duyên thiền định phá các pháp tướng. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật xả ly hết thảy các pháp tướng, chẳng chấp hết thẩy các pháp vậy.

–oOo–

Lại nữa, ở trong chúng hội có nhiều người nghĩ rằng Bát Nhã Ba La Mật quá thậm thâm, nên ắt là phải trai qua thời gian tu tập lâu dài mới biết được.

Ngài Tu Bồ Đề biết rõ tâm niệm của họ, nên hỏi Phật: Phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật trong thời gian bao nhiêu lâu?

Phật dạy: Từ khi sơ phát tâm đến khi tọa đạo tràng, Bồ Tát phải thường tu tập Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

Hỏi: Từ khi sơ phát tâm đến khi tọa đạo tràng, Bồ Tát phải tu 10 địa, phải hành 6 pháp Ba La Mật, 37 Phẩm Trợ Đạo, cùng hết thảy các thiện pháp. Như vậy vì sao chỉ nói hành Bát Nhã Ba La Mật mà thôi?

Đáp: Vì ngài Tu Bồ Đề chỉ thưa hỏi Phật về những gì liên hệ đến Bát Nhã Ba La Mật, nên Phật đáp như trên. Lại nữa, Bát Nhã Ba La Mật là pháp tối đại dung nhiếp hết thảy các thiện pháp, nên khi tu các thiện pháp đó, Bồ Tát đều phải điều hợp với Bát Nhã Ba La Mật. Do vậy mà chỉ nói đến Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng nói đến các pháp khác

Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là vô lượng, vô hạn. Như vậy vì sao chỉ nói tu Bát Nhã Ba La Mật cho đến khi tọa đạo tràng mà thôi.

Đáp: Bát Nhã Ba La Mật dẫn đến chỗ Phật tâm, ở nơi đây Bát Nhã Ba La Mật đổi tên thành nhất thiết chủng trí.

Lý tuy là một, nhưng tên phải đổi khác, nên nói tu Bát Nhã Ba La Mật cho đến khi đạo tràng. Bồ Tát từ sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng, có bao nhiêu công đức đều xả. Do vậy mà được vô ngại giải thoát, thông đạt được cả 3 đời.

Hỏi:  Một cái khảy móng tay có 60 niệm, và trong mỗi niệm đều có tướng sanh diệt. Như vậy vì sao nói, “Nhất tâm thường niệm nhất thiết chúng trí, chẳng để cho các niệm khác sanh, mới và được nhất thiết chủng trí?

Đáp:  Tâm có 2 nghĩa. Đó là:

– Niệm niệm sanh diệt là tâm sanh diệt.

– Niệm niệm tương tục thứ lớp sanh là tâm tương tục còn gọi là nhất tâm.

Vì tương tục thứ lớp sanh, nên tuy có nhiều phen sanh mà cũng gọi là nhất tâm. Suốt quá trình niệm niệm tương tục thứ lớp sanh như vậy, Bồ Tát chẳng để cho tâm ái xen vào. Vì sao? Vì tâm tham ái chướng ngại Bát Nhã Ba La Mật. Nếu có tâm tham ái dấy khởi, thì phải liền diệt, mới chẳng  chướng ngại Bát Nhã Ba La Mật. Đây là nói về hàng Bồ Tát sơ phát tâm. Còn hàng đại Bồ Tát khi hành các thiện pháp vẫn giữ tâm vô trú, thường hòa hợp các thiện pháp với Bát Nhã Ba La Mật, khiến các tâm niệm khác chẳng thể xen vào được.

Hàng Bồ Tát sở phát tâm, ở nơi Bát Nhã Ba La Mật, phần nhiều thường khởi hý luận và tạp niệm, nên Phật dạy, “Bồ Tát sơ phát tâm phải thường niệm nhất thiết chủng trí, đừng để các tâm niệm khác xen vào. Có thường niệm như vậy mới khiến tâm chẳng hướng về chỗ khác, dù chết đột ngột cũng chẳng xa lìa nhất thiết chủng trí. Chỗ hành tướng của Bát Nhã Ba La Mật là chỗ các tâm sở chẳng hiện hành”.

Hỏi:  Phàm phu khi vào được vô tưởng định thường sanh về cõi Vô Tưởng Thiên; còn các bậc Thánh thường trú nơi Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn, hoặc vào diệt tận định. Khi các bậc Thánh vào Vô Dư Niết Bàn, thì các tâm và tâm sở chẳng còn hiện hành. Như vậy vì sao nói, “Chẳng để cho các tâm và tâm sở hiện hành là hành Bát Nhã Ba La Mật của Bồ Tát?” Làm thế khiến các tâm sở chẳng hiện hành được?

Đáp:  Nghĩa nêu trên đây thuộc về pháp Tiểu Thừa, được nói ở trong các kinh A Tỳ Đàm. Nghĩa nêu trong pháp Đại Thừa chẳng phải như vậy. Chớ nên dùng nghĩa nêu trong các kinh A Tỳ Đàm để vấn nạn về kinh Ma Ha Diễn Đại Thừa.

Lại nữa, khi đã vào được “vô tướng tam muội” rồi thì hết thảy các sắc tướng đều diệt, nên là vô tướng. Đã là vô tướng thì chẳng nên nói có sanh tâm và tâm sở pháp nữa. Đây chẳng phải là “vô tướng định” mà là “diệt tận định”.

Hỏi:  Ở các chỗ khác đã nói nhiều về nghĩa “vô tướng”. Có chỗ nói người vào kiến đế đạo là người được tín hành và pháp hành; đó là người hành vô tướng vậy. Có chỗ nói người vào vô sắc định, tuy còn các vị tế tướng khó thấy, khó biết, cũng được gọi là hành vô tướng. Có chỗ nói người dùng 3 giải thoát môn, duyên Niết Bàn, cũng được gọi là hành vô tướng.

Như vậy vì sao nói ở nơi vô tướng, thì các tâm và tâm sở đều chẳng hiện hành? Duyên pháp vô tướng Niết Bàn mà các tâm và tâm sở còn chẳng diệt huống nữa là duyên các pháp mà lại có tướng diệt hay sao?

Đáp:  Vào kiến đế  đạo chẳng còn có sắc, nên nói là vô tướng. Nhưng chẳng thể nói duyên pháp vô tướng Niết Bàn được. Vì sao? Vì Phật tán than Biết Bàn là vô tướng, vô lượng, bất khả tư nghì, cũng tức là pháp vô duyên, nên chẳng thể nói là có duyên được vậy.

Hỏi:  Khi diệt các tướng sắc, các tướng nam nữ v.v… là vào được vô tướng, nên chẳng thể nói có tướng Niết Bàn được. Như vậy vì sao nói duyên tướng Niết Bàn? Khi duyên Niết Bàn thì hành giả phải chấp tướng Niết Bàn, phải sanh các tâm và tâm sở rồi vậy.

 Đáp:  Phật dạy “Hết thảy các duyên pháp hữu vi đều là lưới ma, hư vọng. Nếu nói duyên pháp Niết Bàn, thì tâm và tâm sở pháp phải là thật pháp. Nếu chẳng chân thật thì chẳng thể thấy được Niết Bàn. Bởi vậy nên nói Niết Bàn có tướng có thể duyên là chẳng hợp lý vậy.

Hỏi:  Phật thường tán thán Niết Bàn có 3 tướng, vì sao nay chỉ nói đến “vô tướng” mà thôi?

Đáp:  Cả 3 tướng đều là giả danh, chẳng thật có. Phải lập ra 3 tướng Niết Bàn nhằm phá 3 tướng hữu vi.

Vì sao? Vì nhằm phá các tướng hữu vi, nên nói đến vô sanh, vô trú, vô dị, vô diệt, còn pháp vô vi chẳng có các tướng sai khác, nên nói là vô tướng vậy.

Trước đây đã nói “vô sanh” là bất khả đăc, nên “sanh tướng” cũng là bất khả đắc. Phá “sanh tướng” đến chỗ rốt ráo rồi, thì chẳng cần nói đến “vô sanh” nữa. Vì khi đã ly hữu vi tướng rồi, thì vô vi tướng cũng là bất khả đắc. Vô vi tướng chỉ là danh dự, chẳng có tự tướng vậy.

Lại nữa, Phật pháp là chân thật, là tịch diệt, là chẳng có hý luận.

Nếu nói Niết bàn có tướng, thì tức là nói Niết Bàn có định tướng có thể chấp; nói như vậy thành ra là hý luận. Mà đã là hý luận thì khởi tranh cãi. Khi đã có tranh cãi, thì có sân nhuế. Mà đã có khởi sân nhuế, thì chẳng thể được Niết Bàn vậy .

Phật dạy, “Niết Bàn là vô tướng, là vô lượng, là bất khả tư nghì, là tận diệt các hý luận. Niết Bàn tướng tức là Bát Nhã Ba La Mật tướng nên nói ở nới đây chẳng có các tâm và tâm sở hiện hành”.

–oOo–

Ở phẩm trước đã có nói rằng, “Hành Bát Nhã Ba La Mật là ly tâm và phi tâm tướng”. Nếu phi tâm tướng là có, thì mới nên nạn hỏi. Nay Bát Nhã Ba La Mật ly cả 2 bên, nên chẳng nên nạn hỏi vậy.

Lại nữa, do vô minh điên đảo và do các tà kiến nhân duyên của từ bao kiếp trước, mà nay mới sanh thân người. Ở nơi thân này, tuy các tâm và các tâm sở được sanh ra do các thiện nhân duyên, nhưng tất cả đều chẳng có tự tánh, đều là hư dối, chẳng thật có. Vì sao? Vì có thiện nhân duyên mà nay mới được sanh làm người, làm Trời, được hưởng các phước lạc, nhưng phước cũng như tội đều là vô thường, là hư dới, là chẳng thật có. Bát Nhã Ba La Mật là chân tâm, nên nơi đây các tâm và sở tâm chẳng hiện hành.

Ngài Tu Bồ Đề chưa hiểu rõ vì sao các tâm và tâm sở pháp chẳng có hiện hành, nên hỏi Phật: Tu Bát Nhã Ba La Mật có được nhất thiết chủng trí chăng?

Phật dạy: Chẳng được vậy.

Vì sao? Vì tu mà phải thường tích tập các tâm và tâm sở pháp, thì tu như vậy chẳng thể được nhất thiết chủng trí, huống nữa là chẳng tu. Bát Nhã Ba La Mật là pháp vô vi; hành giả khi vào trong Bát Nhã Ba La Mật thường quán thật tướng các pháp. Bởi vậy nên nếu còn khởi tâm chấp có tu hay chẳng có tu đều là lỗi lầm cả. Đây là lý do vì sao Phật trả lời, “Chẳng được vậy”.

Hỏi:  Vì sao ngài Tu Bồ Đề hỏi đến câu thứ 3, câu thứ 4, mà Phật vẫn đáp, “Chẳng được vậy”. ?

Đáp:  Vì ngài Tu Bồ Đề dùng “thủ tướng, chấp tâm” mà hỏi, nên Phật đáp “Chẳng được vậy”.

Vì ngài Tu Bồ Đề dùng “tu và chẳng tu” mà nói “chẳng tu, chẳng phải chẳng tu”, là còn chấp tướng. Phải chẳng chấp tướng mà nói “chẳng tu, chẳng phải chẳng tu” mới là chẳng có lỗi. Bởi vậy nên ngài Tu Bồ Đề nêu lên 4 câu hỏi mà Phật đều đáp, “Chẳng được vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Như vậy phải làm thế nào để được nhất thiết chủng trí ?

Phật dạy: Ông chưa rõ nghĩa “như như”. Nay ta vì ông nói đại Bồ Tát được nhất thiết chủng trí như tướng. “Như” là như thật tế.

Hỏi:  Trước đây ngài Tu Bồ Đề đã khéo giải về nghĩa “như”. Nay vì sao ngài lại khởi tâm nghi ?

Đáp:  “Như” chẳng có định tướng, nên ngài Tu Bồ Đề chẳng thể chẳng nghi vậy.

Mặc dù khi nghe Phật dạy “như” chẳng có định tướng, ngài Tu Bồ Đề đã được rõ ; nhưng vì “như tánh” quá chậm thâm, có vô lượng nghĩa nên ngài chưa hiểu đến chỗ thâm nghĩa được. Ví như nước sâu, nước cạn chỉ là tương đối; cùng một vũng nước mà trẻ nhỏ cho là sâu, người lớn cho là cạn; quan niệm về sâu cạn có khác nhau vậy.

Hỏi:  Vì sao chẳng dùng “như” để dụ cho “thật tế”, mà lại dùng “thật tế” để dụ cho “như” ?

Đáp:  “Như” và “thật tế” tuy là một, nhưng khi quán có sai khác, “Như” là thể tánh của các pháp, là thật tế. Hành giả chẳng nên chấp tâm, thủ tướng.

Vì Phật biết ngài Tu Bồ Đề đã chứng đắc “thật tế”, nên mới dùng dụ nêu trên.

Hỏi:  Thông thường nói “pháp tánh” trước, rồi sau đó mới nói đến “Như”, đến “thật tế”. Nay vì sao lại nói “pháp tánh” sau cùng?

Đáp:  Nay Phật muốn nói đến “ngã tánh, chúng sanh, thọ mạng tánh”, nên mới chuyển “pháp tánh” ra sau cùng.

Lại nữa, khi vào được “kiến đế đạo”, hành giả chỉ mới thường quán các “quán như”. Đến khi vào được “vô học đạo” mới tận đoạn được các vi tế phiền não, tức chứng định tâm. Ở nơi định tâm mới thông đạt được hết thảy tổng tướng cùng biệt tướng của các pháp, tức là mới thông đạt được “pháp tánh”. Vì sao? Vì “pháp tánh” là gốc thanh tịnh của các pháp. Đây là lý do vì sao dùng “pháp tánh” để dụ cho “thật tế”.

–oOo–

Nghĩa “pháp tánh” theo pháp Đại Thừa và theo pháp Tiểu Thừa có sai khác. Ngài Tu Bồ Đề hiểu rõ nghĩa theo pháp Tiểu Thừa, nhưng ngài chưa được rõ nghĩa theo pháp Đại Thừa, nên mới hỏi Phật.

Phật muốn dùng các sự việc của phàm phu để làm chứng, nên mới  nói về “ngã tánh, chúng sanh tánh và thọ mạng tánh”, khiến ngài Tu Bồ Đề chẳng còn gì để hỏi nữa.

–oOo–

Phật phản vấn lại ngài Tu Bồ Đề: Ý ông nghĩ sao? Ngã và pháp có thể được chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Chẳng thể được vậy.

Vì sao? Vì ngài đã đắc quả Tu Đà Hoàn nên đã đáp như vậy. Bậc Tu Đà Hoàn mà còn thấy ngã và pháp đều bất khả đắc, huống nữa là bậc A La Hán.

Phật dạy: Ông dùng trí độn của hàng Tiểu Thừa mà còn thấy được ngã và pháp đều bất khả đắc, huống nữa là Phật. Phật dùng trí huệ quán ngã và pháp đều bất khả đắc, nên nói ngã bát khả thuyết, pháp cũng là như vậy. Bồ Tát thường hành pháp bất khả thuyết, nên mới được nhát thiết chủng trí. Bất khả thuyết, nên chẳng phân biệt là CÓ hay là KHÔNG vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu các pháp chẳng có phân biệt, thì làm sao phân biệt nói có các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh … dẫn đến có Thánh địa?

Phật đáp:  Chúng sanh chẳng phải là định pháp, chẳng ó định tướng. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v… chỉ là giả danh tự. Chư Thánh tùy thuận chúng sanh, nên nói có 6 đạo chúng sanh, mà thật ra chúng sanh là bất khả đắc. Bồ Tát phải như vậy mà học bất khả thuyết Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát phải học hết thảy pháp, thì làm sao nói họ hết thảy pháp bất khả thuyết?

Phật dạy:  Bồ Tát học hết thảy pháp mà phải biết các pháp đều là bất tăng, bất giảm. Do nhân duyên học các pháp bất sanh, bất diệt, mà Bồ Tát biết được các pháp là bất tăng, bất giảm.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào là học các pháp bất sanh, bất diệt.

Phật dạy:  Là chẳng khởi, chẳng hành các hạnh nghiệp, nên CÓ và KHÔNG đều đoạn diệt cả. Như vậy lại chẳng còn có 3 cõi, vì phải ly 3 cõi mới vào được Thánh địa.

Chư Thánh cầu diệt; phàm phu cầu sanh; Bồ Tát biết rõ các pháp đều là vô sanh, vô diệt, nên chẳng hành 3 nghiệp, chẳng khởi các hạnh nghiệp là vào được vô tác giải thoát môn.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Phải tu phương tiện gì để đến được chỗ chẳng còn tác, chẳng còn khởi các hạnh nghiệp?

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Phải tu phương tiện gì để đến được chỗ chẳng còn tác, chẳng còn khởi các hạnh nghiệp?

Phật dạy:  Bồ tát phải thường quán các pháp là tự tướng không; quán sắc là tự tướng không … dẫn đến quán Vô Thượng Bồ Đề cũng là tự tướng không. Lúc bấy giờ, Bồ Tát mới thành tựu được 2 việc:

– Chẳng tác, chẳng khởi các hạnh nghiệp.

– Ở nơi hết thảy pháp, mà vẫn hành được tự tướng không.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu các pháp đều là tự tướng không, thì làm sao Bồ Tát có thể ở nơi các pháp mà hành Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy : Chẳng hành mới gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, nên người hành, pháp hành và chỗ hành đều là bất khả đắc. Vì các pháp là không, nên Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, pháp hành Bát Nhã Ba La Mật, chỗ hành Bát Nhã Ba La Mật đều là bất khả đắc. Vì chúng sanh là không, nên người hành Bát Nhã Ba La Mật cũng là bất khả đắc. Vì các hý luận bất khả đắc, nên nói Bồ Tát chẳng hành mới thật là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu chẳng hành là hành Bát Nhã Ba La Mật, thì từ khi sơ phát tâm đến khi tọa đạo tràng, Bồ Tát phải làm sao để hành Bát Nhã Ba La Mật?

Sở dĩ ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật như trên, vì ngài nghĩ rằng Bồ Tát khi mới sơ phát tâm còn mê muội, điên đảo, nên cần phải hành, chẳng thể chẳng hành được vậy.

Phật dạy: Từ khi sơ phát tâm, Bồ Tát phải học “vô sở đắc pháp”, mà chẳng đắc tức là chẳng hành vậy. Bồ Tát dùng các phương tiện để hành bố thí, trì giới v.v…, nhưng phải biết rõ hêt thảy các pháp ấy đều là bất khả đắc, đều là vô sở đắc pháp cả. Tuy hành bố thí, trì giới v.v… mà biết rõ ở nới thật tướng thì các pháp ấy đều là rốt ráo không, đều là bất khả đắc; dù ở trong CÓ hay ở trong KHÔNG cũng đều là bất khả đắc cả. Bồ Tát trú như vậy, nên được trí huệ tương ứng với nhất thiết chủng trí. Bồ Tát khi hành bố thì chẳng thấy có mình là người hành bố thí, có người thọ nhận sự bố thí, có tài vật mà mình đem ra bố thí, vì biết rõ các pháp đó đều bình đẳng, đều bất khả đắc. Dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng như vậy. Ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng, “Hữu sở đắc là thế gian điên đảo. Vô sở đắc là Niết Bàn”, nên ngài hỏi Phật: Thế nào gọi là hữu sở đắc, và thế nào gọi là vô sở đắc?

Phật dạy:  Pháp có hai là pháp hữu sở đắc; pháp chẳng có hai là pháp vô sở đắc.

Ví như có con mắt và sắc hòa hợp gọi là có hai, vì mắt và sắc là hai pháp đối đãi vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Khi chẳng thấy sắc, thì vẫn có mắt. Như vậy vì sao nói mắt chẳng ly sắc?

Phật dạy: Nay tuy con mắt chẳng quán sắc, nhưng lưu ảnh của sắc đã sẵn có ở nội trần. Điều đó cho biết nhãn căn và sắc trần là 2 pháp tương đãi vậy.

Bởi vậy, nên biết rằng hết thảy pháp hữu vi đều do nhân duyên hòa hợp sanh. Đã có nhân ắt phải có quả. Quả theo nhân sanh, nên chẳng có tự tánh. Dẫn đến ý cũng là như vậy.

Phàm phu, do vô trí, nên mới phân biệt có thiện, có bất thiện v.v… Còn người trí biết rõ cả 2 pháp đều là hư dối, biết rõ cả 2 pháp đều do nhân duyên sanh, nên là không; do vậy mà chẳng thấy có 2 tướng tương đãi vậy. Vì sao? Vì pháp có 2 tướng là pháp hữu sở đắc; pháp chẳng có 2 tướng là pháp vô sở đắc.

Phật dạy: Do có hữu sở đắc mới có vô sở đắc. Do duyên các pháp mà chấp có tướng hành đạo, nên là hữu duyên sở đắc. Nếu chẳng duyên các pháp chẳng thủ tướng hành đạo, thì vào được rốt ráo không, tức là được vô sở đắc vậy.

Phật dạy tiếp: Chấp hữu sở đắc, chấp vô sở đắc đều lầm lỗi. Bởi vậy nên ở nơi cả 2 việc đó, Bồ Tát thường giữ tâm bình đẳng. Dùng vô sở đắc để phá chấp về hữu sở đắc; khi đã phá xong hữu sở đắc rồi, thì cũng phải bỏ luôn hấp về vô sở đắc. Như vậy mới có được tâm bình đẳng ở nơi hữu sở đắc và vô sở đắc vậy.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật phải phân biệt học như vậy. Hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là chân hành “vô sở đắc”, chẳng có lầm lỗi. Bồ Tát dụng vô sở đắc như vậy mà tu từ một địa này lên một địa khác cũng là như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu Bát Nhã Ba La Mật bất khả đắc, Vô Thượng Bồ Đề bất khả đắc, Bồ Tát bất khả đắc, thì Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật làm sao có thể phân biệt được các pháp tướng? Nếu nói Bát Nhã Ba La Mật là hành pháp bất khả đắc, thì làm sao được đầy đủ bố thí Ba La Mật,… dẫn đến đầy đủ hết thảy thiện pháp? Làm sao Bồ Tát có thể vào được Bồ Tát vị?

Phật đáp: Bồ Tát chẳng đắc các pháp tướng, mới thật là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào mới gọi là hành Bát Nhã Ba La Mật?

Phật đáp: Hành vô sở đắc là hành Bát Nhã Ba La Mật. Hành hết thảy các pháp không, vô tướng, vô tá, vô khởi là hành Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát vì thật tướng của hết thảy pháp mà hành Bát Nhã Ba La Mật, chẳng phải do chấp điên đảo mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Vì hết thảy pháp đều vô vi, vô tác, vô khởi nên Bồ Tát phải hành vô vi, vô tác, vô khởi Bát Nhã Ba La Mật vậy.

(Hết Quyển 83)