LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 70

Phẩm thứ bốn mươi tám
(Tiếp theo)
Phật Mẫu
(Tiếp theo)

KINH:

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Do nơi thâm Bát Nhã Ba La Mật, mà Phật như thật biết tâm số lên xuống, ra vào của chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Phật biết rõ như vậy ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Hết thảy tâm số chúng sanh dù có lên xuống, dù có ra vào, thì cũng đều y cứ nơi “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” mà sanh khởi cả. Vì sao? Có chúng sanh y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian là thường, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian là vô thường, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian vừa là thường cũng vừa là vô thường, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối, hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối.

Đối với “thọ, tưởng, hành và thức” cũng lầm chấp như vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có chúng sanh y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian là hữu biên, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian là vô biên, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian vừa là hữu biên cũng vừa là vô biên, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối, hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần và thế gian chẳng phải hữu biên cũng chẳng phải vô biên, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối.

Đối với “thọ, tưởng, hành và thức” cũng lầm chấp như vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có chúng sanh y cứ nơi sắc, mà chấp thần tức là thân, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thầnlà khác thân, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần vừa làthân cũng vừa khác thân, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối, hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp thần chẳng phải thân cũng chẳng phải khác thân, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối.

Đối với “thọ, tưởng, hành và thức” cũng lầm chấp như vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có chúng sanh y cứ nơi sắc, mà chấp sau khi chết sẽ có thần chuyển đi, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp sau khi chết sẽ chẳng có thần chuyển đi, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nơi sắc, mà chấp sau khi chết sẽ vừa có thần chuyển đi cũng vừa có thần chẳng chuyển đi, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối; hoặc y cứ nới sắc, mà chấp sau khi chết sẽ chẳng có thần chuyển đi, cũng chẳng có thần chẳng chuyển đi, cho đó là sự thật, nếu trái lại là hư dối.

Đối với “thọ, tưởng, hành và thức” cũng lầm chấp như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Bởi nhân duyên vậy nên do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật như thật biết tâm số lên xuống, ra vào của chúng sanh.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Phật như thật biết sắc tướng. Vì sao? Vì sắc tướng là như như, là bất hoại, là vô phân biệt, vô ức tưởng, vô hý luận, vô tướng, vô đắc.

Đối với “thọ tướng, tưởng tướng, hành tướng và thức tướng” Phật cũng đều như thật biết như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Bởi nhân duyên vậy, nên Phật như thật biết chúng sanh như tướng, tâm số lên xuống và ra vào của chúng sanh như tướng, ngũ ấm như tướng, các hành như tướng … dẫn đến hết thảy các pháp như tướng.

Thế nào gọi là hết thảy các pháp như tướng?

Đó là sáu pháp Ba La Mật như tướng, ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo như tướng, mười tám pháp “không” như tướng, tám bối xả như tướng, cửu thứ đệ định như tướng, mười Phật lực như tướng, tứ vô sở úy như tướng, tứ vô ngại trí như tướng, đại từ đại bi như tướng, mười tám bất cộng pháp như tướng, nhất thiết chủng trí như tướng. Đó là thiện pháp như tướng, bất thiện pháp như tướng, thế gian pháp như tướng, xuất thế gian pháp như tướng, hữu lậu pháp như tướng, vô lậu pháp như tướng, hữu vi pháp như tướng, vô vi pháp như tướng, quá khứ pháp như tướng, hiện tại pháp như tướng, vị lai pháp như tướng. Đó cũng là Tu Đà Hoàn quả như tướng, Tư Đà Hàm quả như tướng, A Na Hàm quả như tướng, A La Hán quả như tướng, Bích Chi Phật quả như tướng … dẫn đến đó là Phật quả như tướng, Vô Thượng Bồ Đề như tướng.

Hết thảy pháp như tướng đều là “nhất như tướng”, đều chẳng phải hai, chẳng phải khác, chẳng tán, chẳng hoại.

Này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật, mà Phật như thật biết hết thảy pháp như tướng. Bởi vậy nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay xuất sanh ra chư Phật, hay khai thị thế gian tướng.

Này Tu Bồ Đề! Phật như thật biết hết thảy pháp như tướng là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Vì như thật biết hết thảy pháp như tướng, nên Phật được gọi là đấng Như Lai.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu! Hết thảy pháp như tướng là chẳng phải hai, chẳng phải khác, chẳng phải chẳng như tướng.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật dụng pháp như tướng như vậy, để vì chúng sanh thuyết Vô Thượng Bồ Đề. Chỉ có các bậc Bồ Tát bất thối, các bậc lậu tận A La Hán, các bậc đã đầy đủ chánh kiến mới tín giải được thậm thâm pháp này.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì pháp như tướng là vô tận, nên là thậm thâm, vi diệu.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những pháp gì được gọi là như tướng vô tận, nên là thậm thâm, vi diệu?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Hết thảy các pháp đều là như tướng vô tận, nên đều là thậm thâm, vi diệu

Này Tu Bồ Đề! Phật như thật biết hết thảy pháp như tướng vô tận, nên mới vì chúng sanh chuyển pháp luân.

LUẬN:

Phật biết rõ chúng sanh, khi hành các pháp, thường rơi vào sáu mươi hai tà kiến chấp. Đó là do chín mươi tám kiết sử phiền não sanh ra. Bởi vậy nên nói là Phật biết rõ tâm và tâm sở pháp lên xuống, ra vào của hết thảy chúng sanh.

Phàm phu, do bị ái dục che tâm, mà thường khởi sanh các phiền não. Hàng xuất gia, nếu còn bị kiêu mạn che tâm, thì cũng còn khởi sanh tà kiến.

Phàm phu, do chấp thế gian lạc, nên tâm bị chìm xuống. Hàng xuất gia nhàm chán sanh tử, muốn cầu Phật đạo, muốn được tâm nổi lên; thế nhưng, nếu chẳng rõ được chánh đạo, thì chẳng ly được ba cõi, khiến tâm vẫn bị chìm xuống.

–oOo–

Dùng mắt thường (nhục nhãn) nhìn vào hồ nước trong có thể thấy rõ đàn cá trong hồ, có lúc nổi lên, có lúc chìm xuống, bơi lội mải miết như vậy, mà chẳng thoát ly ra được.

Cũng như vậy, dùng Phật nhãn quán tâm chúng sanh, ở trong lục đạo và khắp mười phương, cứ mãi lên xuống, ra vào. Vì sao? Vì chúng sanh thường bị ngũ dục che tâm, khiến phải bị chìm đắm mãi trong sanh tử, chẳng có thể thoát ly khỏi ngục tù ba cõi. Ví như:

– Có người phát tâm bố thí, trì giới, nhưng lại bị tà nghi che tâm, khiến tâm huệ bị chìm xuống.

– Có người đã ly ngũ dục, đã có được Noãn pháp và Đảnh pháp, quán được tứ Thánh đế, nhưng nếu chưa liễu đạt được thật tướng pháp, thì tâm huệ vẫn còn bị chìm xuống.

– Có người đã ly dục, đã rõ thông được các pháp vô sở hữu … nhưng nếu chưa vào Niết Bàn, thì tâm huệ vẫn còn bị chìm xuống.

Hỏi: Thế nào gọi là tâm nổi lên, chìm xuống?

Đáp: Ở đoạn kinh trên đây, Phật nêu lên các trường hợp lầm chấp của chúng sanh, khiến tâm của họ cứ phải nổi lên, chìm xuống mãi trong biển sanh tử.

Các trường hợp lầm chấp của chúng sanh về “thần và thế gian”, y cứ nơi ngũ ấm, được chia ra làm bốn nhóm.

1. Nhóm thứ nhất: Chấp thần và thế gian hoặc là thường, hoặc là vô thường, hoặc vừa là thường vừa là vô thường, hoặc chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường.

Phàm phu chấp có thần và thế gian, mà chẳng biết rằng thần và thế gian chẳng thật có, chỉ do ức tưởng phân biệt mà vọng chấp vậy thôi.

Có người chấp thần là thường. Do chấp thần như vậy, mà thường tu phước đức, mong được thân chứng giải thoát.

Có người chấp thần là vô thường. Do chấp thần như vậy, mà buông lung theo danh lợi, nhằm thỏa mãn cuộc sống hiện tại.

Có người chấp “vi tế thần” là thường trú, còn thần tạo ra thân sau là vô thường. Như vậy là chấp thần vừa là thường cũng vừa là vô thường.

Có người chấp thần chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì họ cho rằng chấp thần thường hay vô thường cũng đều có lỗi cả. Nếu chấp thần là vô thường, thì chẳng có tội, cũng chẳng có phước. Nếu chấp thần là thường thì khổ lạc chẳng có khác nhau, ví như hư không chẳng bị mưa làm ướt, chẳng bị mặt trời làm khô vậy.

Trái lại, nếu chấp thần là vô thường, thì khổ lạc biến đổi. Ví như da trâu, phơi ngoài trời, bị gió mưa làm hư hoại vậy.

Có người chấp có thần, mà thần chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường. Do chấp như vậy mà tâm thức bị cuồng loạn.

–oOo–

Phật dạy: Tất cả bốn tà chấp về thường và vô thường nêu trên đây, là do vọng kiến thủ chấp nơi ngũ ấm sanh ra cả.

Nên biết, “thế gian” có ba tướng. Đó là:

  1. Ngũ ấm thế gian tướng.
  2. Chúng sanh thế gian tướng.
  3. Quốc độ thế gian tướng.

Chúng sanh, trú ở nơi các tướng thế gian này, thường khởi sanh bốn tà kiến chấp về thường và vô thường.

–oOo–

2. Nhóm thứ hai: Chấp thần và thế gian hoặc là hữu biên, hoặc là vô biên, hoặc là vừa hữu biên cũng vừa là vô biên, hoặc chẳng phải hữu biên cũng chẳng phải vô biên.

– Có người chấp thế gian là hữu biên, rồi truy tầm cho được nguồn gốc của thế gian; như vậy là chấp thế gian là hữu thỉ, tức là có đầu mối. Thế nhưng, tìm mãi cũng chẳng ra đầu mối, chẳng ra nguồn gốc của thế gian. Thế gian đã chẳng có đầu mối, thì cũng chẳng có chặng giữa, và rốt ráo chẳng có tận cùng vậy.

Ví như người vào thâm thiền định, được túc mạng trí, có thể thấy tám vạn kiếp trong quá khứ. Ngoài tám vạn kiếp, thì mù mịt chẳng biết gì nữa cả. Do vậy, mà chẳng cho rằng ngoài tám vạn kiếp cũng là như vậy.

Lại nữa, họ chỉ thấy được thức, lúc ban đầu, gá vào thân trung ấm, rồi tự nghĩ rằng “Nếu thức gá vào thân trung ấm như vậy, ắt phải có nhân, có duyên gì mà ta chưa biết được thôi”. Rồi từ đó, họ ức tưởng phân biệt, chấp có một thể tánh vi tế; từ thể tánh vi tế đó sanh ra giác tánh, mà giác tánh là thân trung ấm vậy.

Từ đó, họ lại suy diễn “Giác tánh sanh ra ngã; từ ngã sanh ra có năm trần; theo thanh trần, sanh ra không đại; theo thanh trần và xúc trần sanh ra phong đại; theo sắc trần, thanh trần và xúc trần sanh ra hỏa đại; theo sắc trần, thanh trần, vị trần và xúc trần sanh ra thủy đại; theo sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần và xúc trần sanh ra địa đại; theo không đại sinh ra nhĩ căn; theo phong đại sanh ra thân căn; theo hỏa đại sanh ra nhãn căn; theo thủy đại sanh ra thiệt căn; theo địa đại sanh ra tỷ căn.

Như vậy lần lần chuyển biến từ tế đến thô, rồi từ thô đến tế, trở về với thể tánh. Ví như lấy đất sét làm ra cái bình, cái chậu … thì các vật dụng này lại trở về với đất sét. Ở đây có sự chuyển biến từ tế đến thô, từ thô đến tế, mà thể tánh vẫn thường còn.

Trên đây là quan điểm của hàng ngoại đạo Tăng Khư, diễn giải về thể tánh.

– Có người chấp “vi tế trần” là sơ biên (biên bờ đầu tiên) của thế giới; chấp “vi tế trần” là thường pháp, chẳng thể phá, chẳng thể tiêu, chẳng thể hư nát. Vì vi tế trần quá nhỏ, nên phải hội đủ các nhân duyên tội phước hòa hợp, mới dẫn sanh có thân, từ cõi trời cho đến cõi địa ngục. Thân chẳng phải do cha mẹ sanh ra, nên khi tội phước tán hoại, thì thân cũng tán hoại.

– Có người chấp thế giới tự nhiên có; sự giàu nghèo, sang hèn … của con người chẳng phải do hạnh nguyện làm ra được.

– Có người chấp có một vị “Thiên Chủ” là đầu mối, sanh ra thế giới; tạo tác ra muôn sự, muôn vật; tạo tác ra thiện ác, tội phước v.v… Khi nào vị Thiên Chủ thu hồi công trình tạo tác, thì muôn sự, muôn vật tự nhiên diệt.

– Có người chấp rằng chúng sanh thọ khổ, thọ lạc trong nhiều đời, nhiều kiếp. Khi hết thọ khổ lạc rồi, thì tự đến chỗ tận đoạn. Ví như cầm đầu mối chỉ, rồi thả cho cuộn chỉ lăn từ trên cao xuống, cho đến khi tháo hết chỉ thì cuộn chỉ chẳng còn lăn xuống nữa. Cũng như vậy, khi tội phước đã đi đến chỗ tận cùng rồi thì trở thành “không”. Dù tinh tấn, dù giải đãi … cũng chẳng có gì khác nhau.

– Có người chấp tám phương của quốc độ thế gian đều có biên bờ chỉ có phương trên, phương dưới là chẳng có biên bờ.

– Có người chấp bên dưới có địa ngục, bên trên có cõi trời Hữu Đảnh, còn tám phương kia chẳng có biên bờ.

– Có người chấp thần là hữu biên. Ví như nói thần ở nơi thân nhỏ như hạt cát; hoặc nói thân lớn thì thần lớn, thân nhỏ thì thần nhỏ. Lại chấp thần thuộc về sắc pháp, nên có thể phân chia.

– Có người chấp thần là vô biên, biến khắp hư không, chẳng có chỗ nào là chẳng có thân. Ví như khi thần ở nơi thân, thì thân biết khổ, biết lạc vậy.

– Có người chấp thế gian là vô thỉ, tức chẳng có đầu mối. Họ cho rằng nếu thế gian là hữu thỉ, thì phải là hữu chung. Như vậy thì chẳng có thường thọ thân sau, chẳng có Niết Bàn. Cho nên họ chấp thế gian là vô thỉ.

– Có người chấp quốc độ thế gian trong mười phương là vô biên.

– Có người chấp thần và thế gian là vô biên, mà quốc độ là hữu biên.

– Có người chấp thần và thế gian là hữu biên, mà quốc độ là vô biên.

– Có người chấp thần và thế gian chẳng phải hữu biên mà cũng chẳng phải vô biên. Họ cho rằng chấp thần và thế gian là hữu biên hay là vô biên đều có lỗi cả.

3. Nhóm thứ ba: Chấp thần tức là thân, hoặc thần khác thân hoặc thần vừa là thân cũng vừa khác thân, hoặc thần chẳng phải là thân cũng chẳng phải khác thân.

– Có người chấp thần tức là thân, vì cho rằng khi phân chia thân ra thì thần là bất khả đắc. Hơn nữa thân có thọ khổ, thọ lạc, nên thần tức là thân vậy.

– Có người chấp thần khác thân, vì cho rằng thần rất vi tế, nên ngũ căn chẳng thể thấy biết được thần. Hơn nữa phải nhất tâm thanh tịnh mới thấy được thần, nên thần khác thân vậy.

– Có người chấp thần khác thân, vì khi thân diệt thì thần vẫn thường còn. Đây thuộc về biên kiến.

– Có người chấp thần vừa là thân cũng vừa khác thân.

– Có người chấp thần chẳng phải là thân cũng chẳng phải khác thân.

4. Nhóm thứ tư: Chấp sau khi chết sẽ có thần chuyển đi, hoặc chấp sau khi chết sẽ chẳng có thần chuyển đi; hoặc chấp sau khi chết sẽ vừa có thần chuyển đi cũng sẽ vừa có thần chẳng chuyển đi, hoặc chấp sau khi chết sẽ chẳng có thần chuyển đi cũng sẽ chẳng có thần chẳng chuyển đi.

– Có người chấp đã sanh ra ở cõi đời này rồi, thì sẽ đi đến đời sau. Như vậy là chấp sau khi chết, thần sẽ chuyển đi.

– Có người chấp đời trước chẳng từ đâu đến, nên khi chết cũng chẳng đi về đâu. Như vậy là chấp sau khi chết, thần chẳng chuyển đi.

– Có người chấp khi sống thần và thân hòa hợp, còn sau khi chết, thì thân đi mà thần chẳng đi. Như vậy có nghĩa là vừa chuyển đi cũng vừa chẳng chuyển đi.

– Có người cho rằng chấp thần chuyển đi là có lỗi, mà chấp thần chẳng chuyển đi cũng là có lỗi, nên chấp sau khi chết, sẽ chẳng có thần chuyển đi cũng sẽ chẳng có thần chẳng chuyển đi.

–oOo–

Tất cả các tà kiến chấp như vậy làm cho tâm chúng sanh cứ phải nổi lên chìm xuống mãi mãi. Vì sao? Vì do tà kiến che tâm mà chúng sanh dù muốn cầu đạo Giải Thoát cũng vẫn phải cứ nổi lên và chìm xuống mãi trong biển sanh tử, chẳng sao thoát ra khỏi ngục tù ba cõi.

Tà kiến chấp rất nhiều chẳng sao kể xiết được.

Thế nhưng, nên biết rằng mười sáu tà chấp, nêu nơi bốn nhóm trên đây, cùng tất cả các tà kiến chấp khác đều do ức tưởng phân biệt khởi sanh ra cả.

Phật dạy: Do duyên ngũ ấm và y chỉ nơi ngũ ấm mà chúng sanh điên đảo khởi các vọng kiến, mà chẳng biết rằng ngũ ấm cùng hết thảy pháp đều là “không, vô tướng, vô tác”, đều là “như tướng” cả.

Nên biết hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều là như. Bởi vậy chẳng nên chấp thiện pháp, bất thiện pháp … dẫn đến chẳng nên chấp Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? Vì các pháp “như tướng” là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Vì các pháp đều “như tướng”, nên đều tùy thuận nhau, chẳng có chống trái nhau … dẫn đến mười phương chư Phật cũng là như vậy.

“Như” là như vậy. Bởi vậy nên ngài Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Chỉ có các bậc Bồ Tát bất thối, các bậc lậu tận A La Hán, các bậc đã đầy đủ chánh kiến mới có thể tín giải được.

Phật lại dạy: Hết thảy pháp đều như tướng vô tận, nên đều là thậm thâm vi diệu. Phật như thật biết các pháp như tướng vô tận, nên được gọi là Như Lai, vì chúng sanh thuyết pháp, dẫn dắt chúng sanh vào đạo Niết Bàn vậy.

***

Phẩm thứ bốn mươi chín
Vấn Tướng
(HỏiVề Các Tướng)

KINH:

Lúc bấy giờ, chư Thiên trong khắp đại thiên thế giới tán hương hoa đầy khắp hư không, đều đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng sang một bên và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật rất thậm thâm. Vậy tướng của Bát Nhã Ba La Mật như thế nào?

Phật dạy: Này chư Thiên Tử! Bát Nhã Ba La Mật tướng là không tướng, vô tướng tướng, vô tác tướng, vô khởi tướng, vô sanh tướng, vô diệt tướng, vô cấu tướng, vô tịnh tướng, vô sở hữu tướng, vô sở y tướng, là hư không tướng. Bởi vậy nên Bát Nhã Ba La Mật rất thậm thâm.

Này chư Thiên Tử! “Như tướng” là tướng của thâm Bát Nhã Ba La Mật. Bởi vậy nên Phật dùng thế gian pháp để thuyết giảng cho chúng sanh nghe, mà chẳng dùng đệ nhất nghĩa mà thuyết vậy.

Này chư Thiên Tử! Hết thảy thế gian, Trời, Người, A Tu La chẳng thể phá hoại tướng ấy được. Vì sao? Vì hết thảy thế gian, Trời, Người và A Tu La cũng đều là tướng ấy vậy.

Này chư Thiên Tử! Tướng chẳng thể phá hoại tướng, tướng chẳng thể biết tướng, tướng chẳng thể biết vô tướng, vô tướng chẳng thể biết tướng.

Vì sao? Vì tướng là “vô tướng tướng”. Đã là “vô tướng tướng”, thì là “vô sở tri” vậy. Biết như vậy là như thật biết các pháp đều là bất khả đắc.

Vì sao? Vì tướng chẳng phải do sắc làm ra … dẫn đến chẳng phải do thức làm ra, chẳng phải do Đàn Ba La Mật làm ra … dẫn đến chẳng phải do Bát Nhã Ba La Mật làm ra, chẳng phải do nội không làm ra … dẫn đến chẳng phải do vô pháp hữu pháp không làm ra, chẳng phải do tứ niệm xứ làm ra … dẫn đến chẳng phải do nhất thiết chủng trí làm ra.

Này chư Thiên Tử! Hết thảy tướng đều chẳng phải sở hữu của Trời, của Người, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.

Này chư Thiên Tử!Ví như có người hỏi “tướng của hư không như thế nào?”. Hỏi như vậy có đúng chăng?

Chư Thiên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hỏi như vậy chẳng đúng. Vì hư không chẳng có tướng khả thuyết (có thể nói ra được). Vì hư không là vô tướng, là vô vi, là vô ký vậy.

Phật dạy: Này chư Thiên Tử! Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì tánh và tướng vẫn thường trú.

Phật như thật biết như tánh tướng, nên được gọi là Như Lai. Chư Thiên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã được tánh tướng thậm thâm. Được tánh tướng ấy rồi là được vô ngại trí. An trú trong tánh tướng ấy và dùng Bát Nhã Ba La Mật mà tập tự tướng của các pháp.

Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Thâm Bát Nhã Ba La Mật là chỗ hành xứ của chư Phật. Do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà đắc Vô Thượng Bồ Đề, mới thông đạt hết thảy các pháp tướng, từ sắc tướng … dẫn đến nhất thiết chủng trí tướng vậy.

Phật dạy: Đúng như vậy, này chư Thiên Tử! Não hoại là tướng của sắc, cảm giác là tướng của thọ, duyên lự là tướng của tưởng, duyên khởi tạo tác là tướng của hành, liễu triệt là tướng của thức. Phật dụng tâm vô tướng, nên xả hết thảy các tướng ấy.

Lại nữa, này chư Thiên Tử! Hay xả thí là tướng của Đàn Ba La Mật, chẳng nhiệt não là tướng của Thi La Ba La Mật, chẳng naonúng là tướng của Sẵn Đề Ba La Mật, chẳng thối thất là tướng của Tỳ Lê Gia Ba La Mật, thường nhiếp tâm là tướng của Thiền Ba La Mật, thường xả ly tướng là tướng của Bát Nhã Ba La Mật. Phật dụng tâm vô tướng, nên xả hết thảy các tướng ấy.

Lại nữa, này chư Thiên Tử! Tâm chẳng bị phiền não nhiễu loạn là tướng của tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định. Phật dụng tâm vô tướng nên xả hết thảy các tướng ấy.

Lại nữa, này chư Thiên Tử! Xuất thế gian là tướng của ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, xả ly là tướng của không môn, tịch diệt là tướng của vô tướng môn, chẳng khổ là  tướng của vô tác môn. Phật dụng tâm vô tướng nên xả hết thảy các tướng ấy.

Lại nữa, này chư Thiên Tử! Siêu thắng là tướng của mười Phật lực, chẳng sợ hãi là tướng của tứ vô sở úy, liễu đạt được hết thảy các pháp là tướng của tứ vô ngại trí, chẳng ai có thể sánh kịp là tướng của mười tám bất cộng pháp. Phật dụng tâm vô tướng nên xả hết thảy các tướng ấy.

Lại nữa, này chư Thiên Tử! Thương xót chúng sanh là tướng của đại từ đại bi, thấy biết chân thật là tướng của chánh kiến, chẳng đắm trước là tướng của hành xả, biết rõ hết thảy pháp hiện tiền là tướng của nhất thiết chủng trí. Phật dụng tâm vô tướng nên xả hết thảy các tướng ấy.

Này chư Thiên Tử! Vì dụng tâm vô tướng như vậy, nên Phật được gọi là đấng Vô Ngại Trí.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây đã nói nhiều về không tướng, vô tướng tướng, vô tác tướng … dẫn đến vô sở hữu tướng là tướng của Bát Nhã Ba La Mật rồi. Nay vì sao chư Thiên còn hỏi nữa?

Đáp: Phật tùy nơi, tùy thời, tùy căn cơ của chúng sanh đến nghe pháp mà thuyết, để chúng sanh được lợi lạc. Có lúc Phật thuyết “vô”, có lúc thuyết “hữu”, có lúc thuyết về nhân quả, có lúc thuyết về tội phước v.v… Nay chư Thiên hỏi về Bát Nhã Ba La Mật tướng, nên Phật mới rộng nói về các tướng của Bát Nhã Ba La Mật.

Trước đây Phật đã nói “Bát Nhã Ba La Mật tướng là như mộng, như huyễn” … tợ như khả đắc (có thể được) mà thật chẳng có tướng khả thủ (có thể nắm bắt được). Chỉ có chư Phật mới có thể như thật biết về tướng ấy.

Chư Thiên, dù có lợi trí, nhưng chẳng thể nào biết rõ được nên mới thưa hỏi Phật như vậy.

Phật dạy rằng chư Thiên cũng như hết thảy các pháp khác đều là Bát Nhã Ba La Mật tướng, là không tướng.

Hết thảy pháp đều là “không tướng”, có nghĩa là hết thảy pháp đều là “vô tướng tướng”.

Đã là vô tướng tướng thì chẳng có các nguyên nhân dẫn sanh thân sau, nên cũng là “vô tác tướng” vậy.

Bởi vậy nên nói tam giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác” là ba cửa dẫn vào ba thừa đạo. Đây là cộng tướng của cả ba thừađạo, vì cả ba thừa đều có nói đến.

Ví như ở cả ba thừa đều nói đến pháp tướng là bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, đều là vô y chỉ, là như hư không. Đây cũng chính là Bát Nhã Ba La Mật tướng vậy.

–oOo–

“Cửa Không” chỉ có một, nhưng tùy người căn trí lợi hay độn mà cách vào “cửa Không” có nhiều sai khác. Bởi vậy nên mới phân biệt nói không, nói vô sanh, nói vô diệt v.v…

Chư Thiên tự niệm rằng:Bát Nhã Ba La Mật là không, là vô sở hữu, thì tướng của Bát Nhã Ba La Mật là tướng của hư không. Như vậy làm sao có thể diễn bày được. Vì sao? Vì nếu tướng ấy có thể diễn bày được, thì ắt phải là hữu tướng, chẳng phải là vô tướng vậy.

Tự niệm như vậy, nhưng vì sợ oai đức của Phật, nên chư Thiên chẳng dám thưa hỏi. Phật biết rõ tâm niệm của chư Thiên, nên dạy: Phật thương xót chúng sanh, nên dùng thế đế để diễn bày “không tướng”, mà chẳng dùng đệ nhất nghĩa đế. Vì Phật dùng thế đế, nên chẳng có gì để nạn vấn cả.

Lại nữa, tuy thuyết “không”, mà chẳng thủ chấp “không”, tuy thuyết thế đế, mà chẳng rơi lọt vào thế đế, nên là đồng một tướng vô phân biệt vậy. Tuy nói Bát Nhã Ba La Mật tướng là vô sở hữu, là như hư không tướng, mà chẳng có pháp nào mà chẳng vào trong tướng ấy cả, nên nói hết thảy tướng thế gian đều chẳng thể hoại được. Vì sao? Vì hết thảy thế gian, Trời, người, A Tu La cũng đều là tướng ấy cả, mà tướng thì chẳng thể phá hoại tướng. Ví như lửa chẳng thể diệt được lửa, nước chẳng thể diệt được nước vậy. Dù miệng nói “phá tướng cho đến chỗ rốt ráo” nhưng “rốt ráo” là bất khả tư nghì, là chẳng thể phá hoại được.

Phật dạy:Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không, là vô tướng, là vô tác. Bởi vậy nên tướng chẳng thể phá hoại vô tướng, tướng cũng chẳng thể phá hoại tướng. Vì sao? Vì các pháp dù phân tán, dù tập hợp, thì cũng đều rốt ráo chẳng tăng giảm, rốt ráo chẳng có chỗ phá được. Ví như lấy búa chẻ khúc gỗ lớn ra thành nhiều miếng củi nhỏ, thì lượng gỗ vẫn chẳng có tăng giảm. Lại nữa, hết thảy pháp đều chẳng có định tướng nên chẳng thể phá hoại được. Ví như cây do gốc rễ, thân, cành, lá … họp lại, mà chẳng có pháp nào nhất định gọi là cây.

Hỏi: Hết thảy sắc pháp chẳng có tánh giác, nên chẳng hay chẳng biết đươc. Còn tâm sở pháp có thể hay biết được các tướng. Như vậy vì sao lại nói chẳng hay biết?

Đáp: Nơi đây Phật nói về thật tướng pháp nên nói sự “thấy, nghe, hay, biết” của phàm phu đều là hư vọng. Do chấp có hữu vi pháp tướng mới có nhân duyên hòa hợp sanh, nên nói các pháp là hư vọng, chẳng thật có.

Nên biết rằng:

Nếu dùng trí để phân biệt các pháp là thường, là vô thường, là không, là tịch diệt v.v… thì vẫn chưa đến được chỗ vô sở hữu.

Trái lại, nếu “như thật biết” các pháp, thì chẳng cần dùng đến trí dụng, vì trí dụng là trí tướng mà đã là tướng thì chẳng thể biết tướng, tướng chẳng thể biết vô tướng. Nội, tuy có trí mà thật sự là tánh không, ngoại, tuy có tướng,mà cũng vẫn là tánh không. Nội cũng như ngoại đều chẳng có pháp có thể biết được. Có thuyết nói duyên tướng bên ngoài là vô duyên (chẳng có duyên), nên tướng bên ngoài chẳng phải do trí huệ sanh. Cho nên nói trí tướng tướng chẳng có thể biết được vô tướng. Ví như con dao, dù rất bén, cũng chẳng có thể chém được hư không vậy.

Có thuyết nói trí huệ ở bên trong, chẳng có định tướng, mà các pháp bên ngoài lại có định tướng, và nói tâm tùy duyên sanh. Cho nên nói vô tướng chẳng thể biết được tướng. Ví như nếu chẳng có những dụng cụ để cưa xẻ gỗ, thì chẳng sao có thể cưa xẻ khúc gỗ lớn ra làm nhiều tấm ván mỏng được vậy.

–oOo–

Tóm lại, “thật tướng pháp” là vô tướng tướng. Hết thảy các pháp ở nơi thật tướng đều là không tướng, là vô tướng tướng nên đều là bất khả tri (chẳng thể biết được), bất khả đắc (chẳng thế đắc được).

Hỏi: Vì sao nói tướng chẳng vào được vô tướng?

Đáp: Vì vào chỗ vô tướng là đã ly tướng rồi, mà vô tướng là vô sở hữu xứ (chẳng có xứ sở) vậy. Bởi vậy nên tướng chẳng có vào được vô tướng.

Lại nữa, “năng tướng” và “sở tướng” đều chẳng có định tướng. Do có sở tướng, mới có năng tướng, và ngược lại. Nếu nói trước đã có năng tướng, mà năng tướng lại là vô tướng (chẳng có tướng), thì chẳng thể nào có sở tướng được. Còn nếu nói trước đã có sở tướng, mà sở tướng là vô tướng, thì cũng chẳng thể nào có năng tướng được.

Cả năng tướng và sở tướng đều chẳng có định tướng, nên các tướng ấy đều chẳng phải là thật tướng. Cho nên nói năng tướng và sở tướng đều là bất khả đắc cả.

–oOo–

Như trước đây đã nói “hết thảy các pháp tướng đều là không tướng, là vô tướng”. Như vậy là tướng chẳng phải do ngũ ấm làm ra, chẳng phải do sáu Ba La Mật làm ra … dẫn đến chẳng phải do nhất thiết chủng trí làm ra. Tướng là vô vi tánh, nên chẳng do pháp nào làm ra, chẳng do người làm ra … dẫn đến chẳng do chư Thiên, chư Bồ Tát, chư Phật làm ra.

Vì sao? Vì tướng là rốt ráo không, chẳng phải là hữu lậu hay vô lậu, chẳng phải là thế gian hay xuất thế gian vậy.

–oOo–

Trước đây nói vô vi tướng nhằm đối trị sự làm chấp về hữu vi tướng. Nay nói vô vi tướng cũng chẳng có định tướng, khiến có nhiều người nghi, nên Phật nói rõ với chư Thiên rằng: Dù có Phật, dù chẳng có Phật, thì các tướng vẫn thường trú. Người biết rõ như vậy là vào được Phật đạo.

Lúc bấy giờ, hàng chư Thiên hoan hỷ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là thậm thâm. Tuy chẳng chấp thủ pháp tướng, mà vẫn có thể tu hành để thành tựu vô thượng phước quả.

Phật dạy: Nếu thấu rõ được tánh tướng như vậy là được vô ngại trí. Nếu chẳng thấu rõ thậm thâm tánh tướng như vậy, thì chẳng có được vô ngại trí.

Phật thông đạt vô ngại, thể nhập vào thật tướng pháp, để rồi từ đó rộng thuyết về tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp, từ não hại tướng, tức là sắc tướng … dẫn đến “liễu vi tướng”, tức là nhất thiết chủng trí tướng. Phật đã như vạy mà phân biệt ra các tướng.

Phàm phu, do chấp tướng, mà phân biệt ra có các tướng riêng khác. Còn Phật biết rõ hết thảy các pháp tướng đều là không tướng, mà không tướng cũng là vô tướng. Phật khắp biết rõ thật tướng của hết thảy các pháp, mà thật tướng pháp chính là Bát Nhã Ba La Mật tướng vậy.

KINH:

Phật bảo ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư Phật, hay khai thị thế gian tướng, nên Phật y chỉ nơi Bát Nhã Ba La Mật, trú trong Bát Nhã Ba La Mật, cung kính, cúng dường, tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao? Vì từ nơi Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra chư Phật. Phật biết rõ Bát Nhã Ba La Mật là nhân sanh ra chư Phật, nên nói pháp ấy là pháp tối thượng, chẳng có pháp nào sánh kịp.

Do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà Phật được Vô Thượng Bồ Đề, được thành Phật, nên Phật trở lại cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán và hộ trì pháp ấy.

Này Tu Bồ Đề! Phật biết rõ hết thảy pháp đều là vô tác tướng, vì chẳng có tác giả làm ra, đều chẳng có tướng sanh khởi, vì đều là bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật, mà Phật biết rõ hết thảy pháp đều chẳng có tướng tạo tác, chẳng có tướng sanh khởi, cũng biết rõ hết thảy pháp bất sanh, là vô sở đắc.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Bát Nhã Ba La Mật là vô tri giả (chẳng có người biết), là vô kiến giả (chẳng có người thấy), thì làm sao Bát Nhã Ba La Mật lại hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng?

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Hết thảy pháp chẳng thể biết, chẳng thế thấy được.

Thế nào gọi là chẳng thể biết, chẳng thế thấy được?

Này Tu Bồ Đề! Vì hết thảy pháp đều là tự tánh không, là hư vọng, là chẳng kiên cố, nên là chẳng thể biết, chẳng thể thấy được.

Vì hết thảy pháp đều chẳng có chỗ y chỉ, chẳng có gì trói buộc, nên là chẳng thể biết, chẳng thể thấy được.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Vì sắc chẳng thể thấy, vì “thọ, tưởng, hành, thức” chẳng thể thấy, … dẫn đến vì nhất thiết chủng trí chẳng thể thấy, nên nói đến Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao chẳng thấy sắc … dẫn đến chẳng thấy nhất thiết chủng trí, mà Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu chẳng duyên nơi sắc để sanh phân biệt, chẳng duyên nơi “thọ, tưởng, hành, thức” để sanh phân biệt … dẫn đến chẳng duyên nơi nhất thiết chủng trí để sanh phân biệt, thì đó gọi là chẳng thấy sắc tướng … dẫn đến chẳng thấy nhất thiết chủng trí tướng.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề!Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị thế gian không.

Thế nào gọi là hay khai thị thế gian không?

Này Tu Bồ Đề!Đó là khai thị ngũ ấm thế gian không, khai thị mười hai nhập thế gian không, khai thị mười tám giới thế gian không, khai thị mười hai nhân duyên thế gian không, khai thị ngã kiến cùng sáu mươi hai kiến chấp thế gian không, khai thị tứ thiền thế gian không, khai thị tứ vô lượng tâm thế gian không, khai thị tứ vô sắc định thế gian không, khai thị ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo thế gian không, khai thị thập thiện đạo thế gian không, khai thị nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không thế gian không, khai thị hữu vi tánh và vô vi tánh thế gian không, khai thị mười lực thế gian không, khai thị mười tám bất cộng pháp thế gian không, … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian không. Như vậy gọi là khai thị thế gian không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Do nơi Bát Nhã Ba La Mật mà Phật khai thị thế gian không, biết rõ thế gian không, tư duy thế gian không, phân biệt thế gian không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian không.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian bất khả tư nghì.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian bất khả tư nghì?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian bất khả tư nghì … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian bất khả tư nghì.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại tướng, này Tu Bồ Đề!Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian ly.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian ly?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian ly … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian ly.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề!Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian tịch diệt.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian tịch diệt?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian tịch diệt … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian tịch diệt.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề!Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian rốt ráo không?

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian rốt ráo không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian rốt ráo không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian rốt ráo không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề!Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian tánh không.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian tánh không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian tánh không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian tánh không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian vô pháp không.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian vô pháp không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian vô pháp không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian vô pháp không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian hữu pháp không.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian hữu pháp không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian hữu pháp không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian hữu pháp không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian vô pháp hữu pháp không.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian vô pháp hữu pháp không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian vô pháp hữu pháp không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian vô pháp hữu pháp không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị Phật thế gian độc không.

Thế nào gọi là hay khai thị Phật thế gian hữu pháp không?

Này Tu Bồ Đề! Đó là khai thị ngũ ấm thế gian độc không … dẫn đến khai thị nhất thiết chủng trí thế gian độc không.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật hay khai thị thế gian pháp tướng. Đó là “tướng” chẳng sanh ở đời này và ở đời sau.

Vì sao? Vì các pháp chẳng có tướng dụng sanh ở đời này và sanh ở đời sau vậy.

LUẬN:

Phật dạy Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư Phật, là nhân duyên xuất sanh chư Phật. Cho nên Phật y chỉ nơi Bát Nhã Ba La Mật, trú trong Bát Nhã Ba La Mật, cung kính, cúng dường, tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật.

Trong kinh có nói: Chư Phật y chỉ nơi pháp ấy; tôn trọng pháp ấy và lấy pháp ấy làm thầy.

Nơi đây, Phật bảo ngài Tu Bồ Đềrằng: Pháp ấy chính là Bát Nhã Ba La Mật. Pháp ấy chẳng có lỗi lầm. Chúng sanh, do tà kiến mà khởi phân biệt thiện pháp với bất thiện pháp; nhưng pháp ấy vẫn y nhiên như vậy.

Người biết ơn Phật, biết tôn quí thiện pháp, thì phải xem pháp ấy là pháp tối thượng, khiến đời này được an vui, lưu danh lại ở đời sau; lại còn được quả báo tối diệu nữa.

–oOo–

Phật dạy hạnh tri ân là cao quí nhất. Đối với pháp bố thí, pháp trì giới v.v… mà các Thiện Nam, Thiện Nữ còn biết tri ân, huống nữa là đối với Bát Nhã Ba La Mật.

Thế nhưng, vì chư Thiên Tử tự niệm rằng “Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không, chẳng có định tướng, khiến có người chẳng biết quý trọng”, nên Phật dạy rằng “ta là đấng tối thượng trong ba cõi. Thế nhưng ta còn cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán Bát Nhã Ba La Mật, huống nữa là các hàng Trời, Người.”

Lại có người nghi rằng “Phật xem thế gian tướng là như hư không tướng, chẳng nên chấp đắm. Như vậy vì sao Phật lại tham đắm Bát Nhã Ba La Mật, lại cung kính, cúng dường, tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật?”

Bởi vậy nên Phật dạy: Ta chẳng có tham tâm, mà chỉ dùng phương tiện phân biệt các pháp thiện ác, các pháp có lực dụng nhiều hay ít, để chỉ cho chúng sanh biết rõ Bát Nhã Ba La Mật có oai lực tiêu trù hết các hý luận, tận diệt hết các khổ, khai mở đạo Nhất Thừa, có vô lượng công đức. Bởi vậy nên ta cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán Bát Nhã Ba La Mật.

Ví như người dẫn đường biết rõ con đường nào tốt, chẳng có hoạn nạn, nên vẫn thường nhớ nghĩ đến con đường ấy, nhằm hướng dẫn đoàn người đi theo mình được an toàn. Cũng như vậy, Phật biết rỗ hết thảy pháp đều là vô tác tướng, đều chẳng có tác giả làm ra, đều là rốt ráo không, nên đã dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, nhằm dẫn dắt chúng sanh vào nơi thật tướng pháp.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề nêu lên câu hỏi: Nếu hết thảy pháp đều là độn tướng, đều chẳng thể biết, chẳng thể thấy, thì làm sao Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh chư Phật, khai thị thế gian pháp tướng?

Phật dạy: Hết thảy pháp chẳng thể biết, chẳng thể thấy được. Vì sao? Vì hết thảy pháp đều là tự tánh không, đều là hư vọng, đều chẳng kiên cố. Lại nữa, vì hết thảy pháp đều chẳng có chỗ y chỉ, đều chẳng có gì trói buộc. Bởi nhân duyên vậy, nên Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

–oOo–

Hành giả phá hết thảy các pháp tướng, mới nhập vào được pháp “không”. Ví như:

– Nếu chấp “có” thì khi phá pháp tướng sẽ thấy “không”, nhập vào pháp “không”.

– Nếu chấp “thường” thì khi pháp pháp tướng sẽ thấy “vô thường”, nhập vào pháp “không”.

– Nếu chấp “thật” thì khi phá pháp tướng sẽ thấy “rốt ráo tận”, nhập vào pháp “không”.

– Nếu chấp “ngã” thì khi phá pháp tướng sẽ thấy “vô ngã”, nhập vào pháp “không”.

– Nếu chấp “nhất thiết chủng trí” thì khi phá pháp tướng sẽ thấy “rốt ráo ly nhất thiết chủng trí”, nhập vào pháp “không” v.v…

Như vậy là hết thảy các pháp tướng đều nhập vào “không tướng”. Bởi vậy nên nói hết thảy các pháp đều chẳng có chỗ trú, chẳng có chỗ y chỉ, chẳng có bị ràng buộc, chẳng có bị lệ thuộc, nên là bất sanh bất diệt.

Cũng do vậy, mà nói “thật tướng pháp” chẳng bị trói buộc trong ba cõi. Vì sao? Vì ba cõi là hư vọng, là chẳng thật có. Do ba cõi đều là hư vọng, nên nói hết thảy pháp đều là vô tri giả, vô kiến giả, tức là chẳng có người biết, chẳng có người thấy vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật hay sanh chư Phật, hay khai thị thế gian pháp tướng.

Ở nơi đây, Phật muốn nêu lên các nhân duyên cho thấy rằng, ở nơi thể tánh, các pháp chẳng có sanh duyên thức … dẫn đến chẳng có sanh duyên nhất thiết chủng trí.

Như vậy gọi là chẳng biết, chẳng thấy hết thảy các pháp vậy.

Hỏi: Thức chẳng sanh sắc. Nay vì sao lại nói sắc chẳng sanh thức?

Đáp: Vì tướng “não hại” là tướng của sắc. Thế nhưng, do nơi thức mới phân biệt các pháp tướng, phân biệt các pháp do các duyên hòa hợp sanh.

Ví như, do duyên thân xúc trần mà phân biệt biết đất có tướng cứng, lửa có tướng nóng, gió có tướng di động v.v… Như vậy là chẳng thể rời thân thức mà biết được tướng của các pháp vậy.

Tuy nhiên, khi vào trong Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì sẽ biết rõ các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh. Vì do nhân duyên hòa hợp sanh, nên hết thảy các pháp, từ sắc … dẫn đến nhất thiết chủng trí, đều là tự tánh không, đều là vô sở hữu. Như vậy là Bát Nhã Ba La Mật khai thị thế gian pháp tướng không.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, khi quán các pháp, dù lớn, dù nhỏ, dù ở trong, dù ở ngoài … đều biết là rốt ráo không. Như vậy gọi là Bát Nhã Ba La Mật khai thị thế gian pháp tướng không.

–oOo–

Khi Phật khai thị thế gian không, có người nghi rằng Phật còn chấp trước pháp. Họ nghĩ rằng: Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật, khai thị thế gian không mà chẳng phải thật tướng pháp là thường không như vậy.

Phật biết rõ tâm niệm của họ, nên dạy rằng: Ta chẳng ái pháp, nên ta biết rõ hết thảy các pháp tướng, trước sau, chỉ do tư duy trù lượng mà có; thật chẳng có pháp nào xuất sanh từ không cả.

Phật lại dạy: Chẳng phải do đọc tụng, chẳng phải do nghe người khác nói, mà ta thuyết như vậy. Ta dùng trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, tư duy, phân biệt, mới khai thị thế gian pháp tướng không.

Lại nữa, trong chúng hội có người nghĩ rằng: Chỉ có Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không.

Phật biết rõ tâm niệm của họ, nên dạy rằng: Bất khả tư nghì cũng là rốt ráo không, cũng là bất khả đắc. Rốt ráo không còn được gọi là ly, là tịch diệt v.v…

Ly, nói ở đây, có nghĩa là phân tán cho đến chỗ rốt ráo không, chẳng còn gì để phân tán nữa. Khi đã vào được nơi rốt ráo không, là ly được các tâm và tâm sở pháp, ly được ngôn ngữ, văn tự … Như vậy gọi là tịch diệt.

Hỏi: VÌ sao nói hết thảy pháp đều là tự tánh không?

Đáp: Vì nếu còn phân biệt nói có “mười tám không” là còn có sự đối đãi giữa các pháp.

Ví như nói “nội không” là do y vào nội pháp mà nói. Nếu chẳng có sự phân biệt giữa nội pháp và ngoại pháp, thì chẳng nói đến “nội không”. Dẫn đến “vô pháp hữu pháp không” cũng là như vậy.

–oOo–

Ở đoạn kinh trên đây có nói đến “độc không”.

Nói “độc không” là chẳng phải do nhân duyên đối đãi mà nói. “Độc không” là như hư không, là như pháp tánh thật tế vậy.

–oOo–

Có người chấp có đời này, mà chẳng có đời sau. Như vậy là tà kiến, đọa vào đoạn diệt.

Có người chấp có đời này, và chấp có thần thường trú sẽ nhập vào thân ở đời sau. Như vậy cũng là tà kiến, đọa vào thường kiến.

Bát Nhã Ba La Mật ly chấp cả hai bên. Bởi vậy nên nói Bát Nhã Ba La Mật là “trung đạo đế”.

Tuy nói “không” mà chẳng chấp “không”, nên Bồ Tát mới có thể vì chúng sanh thuyết về tội phước. Tuy nói tội phước mà chẳng đọa vào thường kiến, nên Bồ Tát ở nơi không mà vẫn vô ngại.

Nơi đây, Phật thuyết hết thảy pháp rốt ráo không, mà chẳng chấp đời này, đời sau, chẳng chấp thường, chấp đoạn vậy.

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật, vì đại pháp sự mà khởi. Bát Nhã Ba La Mật vì bất khả tư nghì sự mà khởi, vì bất khả xứng sự mà khởi, vì bất khả lượng sự mà khởi, vì vô đẳng đẳng sự mà khởi.

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Bát Nhã Ba La Mật vì đại pháp sự, vì bất khả tư nghì sự, vì bất khả xứng sự, vì bất khả lượng sự, vì vô đẳng đẳng sự mà khởi.

Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật vì đại pháp sự mà khởi?

Này Tu Bồ Đề! Đại pháp sự của chư Phật là cứu độ hết thảy chúng sanh, chẳng xả bỏ hết thảy chúng sanh.

Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật vì bất khả tư nghì sự mà khởi?

Này Tu Bồ Đề! Bất khả tư nghì sự của chư Phật là các pháp sự mà chẳng ai có thể nghĩ bàn được. Các pháp sự ấy là Phật Pháp, là Như Lai pháp, là tự nhiên trí pháp, là nhất thiết trí pháp.

Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật, vì bất khả xứng sự mà khởi?

Này Tu Bồ Đề! Bất khả xứng sự của chư Phật là các pháp sự mà chẳng ai có thể tư duy, xứng lượng được. Các pháp sự ấy là Phật Pháp, là Như Lai pháp, là tự nhiên trí pháp, là nhất thiết trí pháp.

Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật, vì bất khả lượng sự mà khởi?

Này Tu Bồ Đề! Bất khả lượng sự của chư Phật là các pháp sự mà chẳng ai có thể suy lường được. Các pháp sự ấy là Phật Pháp, là Như Lai pháp, là tự nhiên trí pháp, là nhất thiết trí pháp.

Thế nào gọi là Bát Nhã Ba La Mật, vì vô đẳng đẳng sự mà khởi?

Này Tu Bồ Đề! Vô đẳng đẳng sự của chư Phật là các pháp sự mà chẳng ai có thể sánh ngang bằng được. Hết thảy chúng sanh chẳng ai có thể sánh ngang bằng Phật được.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có Phật Pháp, Như Lai pháp, tự nhiên trí pháp, nhất thiết trí pháp là bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng chăng?

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Chẳng phải chỉ có Phật Pháp, Như Lai pháp, tự nhiên trí pháp, nhất thiết trí pháp là bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng, mà sắc cũng là bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳngvậy. Thọ, tưởng, hành, thức … dẫn đến nhất thiết chủng trí, pháp tánh, pháp tướng … cũng đều là như vậy. Bởi vậy nên các tâm và tâm sở đều là bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề! Sắc bất khả tư nghì, sắc bất khả xứng, sắc bất khả lượng, sắc vô đẳng đẳng cũng là bất khả đắc … dẫn đến nhất thiết chủng trí bất khả tư nghì, nhất thiết chủng trí bất khả xứng, nhất thiết chủng trí bất khả lượng, nhất thiết chủng trí vô đẳng đẳng cũng là bất khả đắc.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Sắc bất khả tư nghì, sắc bất khả xứng, sắc bất khả lượng, sắc vô đẳng đẳng cũng là bất khả đắc … dẫn đến vì sao nhất thiết chủng trí bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng là bất khả đắc?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì sắc tướng là chẳng thể nghĩ bàn được, chẳng thể tư duy xứng lượng được, chẳng thể suy lường được, chẳng có gì sánh bằng được, nên là bất khả đắc. Dẫn đến nhất thiết chủng trí tướng cũng là như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao! Bất khả tư nghì … dẫn đến vô đẳng đẳng là khả đắc (có thể được) chăng? Sắc … dẫn đến vô đẳng đẳng là khả đắc chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải là “khả đắc” vậy.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Hết thảy các pháp đều là bất khả tư nghì … dẫn đến đều là vô đẳng đẳng.

Này Tu Bồ Đề! Phật pháp bất khả tư nghì, nên cũng là bất khả tư nghì tướng … dẫn đến Phật pháp là vô đẳng đẳng, nên cũng là vô đẳng đẳng tướng.

Này Tu Bồ Đề! Bất khả tư nghì có nghĩa là chẳng thể nghĩ bàn được; bất khả xứng có nghĩa là chẳng thể xứng lượng được; bất khả lượng có nghĩa là chẳng thể so lường được; vô đẳng đẳng có nghĩa là chẳng thể sánh bằng được.

Này Tu Bồ Đề! Phật pháp bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng là như hư không bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng vậy.

Này Tu Bồ Đề! Phật pháp là bất khả tư nghì … dẫn đến là vô đẳng như vậy, nên hết thảy thế gian, Trời, Người, A Tu La chẳng thể nghĩ bàn được.

***

Lúc Phật thuyết xong phẩm này, thì có năm trăm vị Tỷ Kheo và hai mươi vị Tỷ Kheo Ni, chẳng còn thọ hết thảy pháp, được lậu tận, được tâm giải thoát, chứng quả vị A La Hán; lại có sáu vạn Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh; lại có hai mưới vị đại Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, và sẽ được thọ ký ngay trong Hiền Kiếp.

LUẬN:

Ngài Tu Bồ Đề, da đã thâm giải Bát Nhã Ba La Mật tướng, nên ở nơi hết thảy pháp chẳng còn chấp trước, được vô ngại, sanh tâm hoan hỷ.

Ngài bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật, vì đại pháp sự, vì bất khả tư nghì sự, vì bất khả xứng sự, vì bất khả lượng sự, vì vô đẳng đẳng sự mà khởi.

Phật ấn chứng lời ngài Tu Bồ Đề, và giải thích rộng thêm, khiến ngài Tu Bồ Đề cùng chúng hội đều hoan hỷ tín thọ.

1. Đại pháp sự:

Đại pháp sự của chư Phật là cứu độ hết thảy chúng sanh khỏi các khổ đau, ách nạn, thường ban phát cho chúng sanh vô lượng Phật pháp, chẳng xả bỏ hết thảy chúng sanh.

2. Bất khả tư nghì sự:

Đại pháp sự của chư Phật là bất khả tư nghì. Chẳng có chúng sanh nào có thể nghĩ bàn được.

Phật dạy rằng: Vì thương xót chúng sanh, vì muốn cứu độ chúng sanh mà chư Phật ở khắp mười phương thường dùng bình đẳng pháp để dìu dắt chúng sanh đến Niết Bàn.

Như vậy gọi là bất khả tư nghì sự.

Lại nữa, có nhiều vị Bồ Tát đã được vô sanh pháp nhẫn rồi, mà vẫn chẳng ly chúng sanh, chưa vội nhập Niết Bàn. Chư vị đại Bồ Tát ấy, dù đã vĩnh viễn ly dục, mà vẫn thị hiện thọ ngũ dục, để phương tiện hóa độ chúng sanh. Các ngài phát đại thệ nguyện thọ sanh thân, làm những việc rất khó làm, như:

– Chịu khổ thay cho chúng sanh.

– Xả thiền định lạc để cùng sống chung với chúng sanh.

– Đồng sự với kẻ ác để phương tiện giáo hóa họ.

– Vào trong Pháp hội để hướng dẫn chúng hội v.v…

Như vậy gọi là bất khả tư nghì sự.

Hết thảy chúng sanh, chẳng có ai có thể nghĩ bàn được về các đại pháp sự bất khả tư nghì của chư Phật và của chư đại Bồ Tát.

3. Bất khả xứng sự:

Đại pháp sự của chư Phật là bất khả xứng. Chẳng có chúng sanh nào có thể tư duy, xứng lượng được.

– Bát Nhã Ba La Mật khai thị thật tướng pháp, là trí huệ thâm diệu, chẳng phải như trí huệ thế gian cạn cợt, thô thiển.

– Bát Nhã Ba La Mật quảng đại, rộng mênh mông, chẳng phải như trí huệ thế gian thiển cận, hẹp hòi.

– Bát Nhã Ba La Mật đem lại đại lợi ích cho chúng sanh. Khi tu chưa thành, thì cũng được vô lượng phước báo ở cõi Trời, cõi Người. Khi tu viên mãn rồi, thì được nhất thiết chủng trí, được quả vị Phật. Chư Phật và chư đại Bồ Tát dùng trí  huệBát Nhã Ba La Mật hành các pháp sự.

Hết thảy chúng sanh, chẳng có ai có thể tư duy, xứng lượng về các pháp sự bất khả xứng của chư Phật và của chư đại Bồ Tát.

4. Bất khả lượng:

Đại pháp sự của chư Phật là bất khả lượng. Chẳng có chúng sanh nào có thể suy lường được.

Vì sao? Vì dù là thường, là vô thường, là thật, là hư, là hữu, là vô v.v… thì các pháp bản lai cũng vốn là vô tướng, nên là bất khả lượng (chẳng thể so lường được) vậy.

Lại có thuyết nói rằng chấp tướng là có hạn lượng, chẳng có chấp tướng là chẳng có hạn lượng, là vô lượng vậy. Bát Nhã Ba La Mật chẳng có chấp tướng, nên nói Bát Nhã Ba La Mật là bất khả lượng.

Lại nữa, ngài Tu Bồ Đề thường hành tứ vô lượng tâm, nên nói Bát Nhã Ba La Mật là bất khả lượng.

Lại nữa, trí huệ thế gian của phàm phu, trí huệ của hàng Nhị Thừa là có hạn lượng, còn trí huệ của Phật và của chư đại Bồ Tát là vô hạn lượng, nên nói Bát Nhã Ba La Mật là bất khả lượng.

Hết thảy chúng sanh, chẳng có ai có thể suy lường về các pháp sự bất khả lượng của chư Phật và chư đại Bồ Tát.

5. Vô đẳng đẳng sự:

Đại pháp sự của chư Phật là vô đẳng đẳng. Chẳng có chúng sanh nào có thể sánh kịp, chẳng có thể ngang bằng được.

Pháp sự vô đẳng đẳng, nói ở đây, cũng có nghĩa là pháp Niết Bàn, là Bát Nhã Ba La Mật.

– Pháp Niết Bàn là vô đẳng đẳng. Chẳng có pháp hữu vi nào có thể sánh kịp.

Thế nhưng, nên biết ở cả ba thừa đều có Niết Bàn. Đó là: Niết Bàn Thanh Văn, Niết Bàn Bích Chi Phật và Niết Bàn Phật thừa cũng còn gọi là Niết Bàn Đại Thừa.

Niết Bàn Đại Thừa là trên hết, chẳng có Niết Bàn nào sánh kịp. Bởi vậy nên nói Niết Bàn Đại Thừa là vô đẳng đẳng.

Bát Nhã Ba La Mật đem lại đại lợi cho chúng sanh, chẳng có pháp nào có thể sánh kịp. Bởi vậy nên nói Bát Nhã Ba La Mật là vô đẳng đẳng.

Bát Nhã Ba La Mật là Phật pháp vi diệu đệ nhất, chẳng có pháp nào có thể sánh kịp. Bởi vậy nên nói Bát Nhã Ba La Mật là vô đẳng đẳng.

Với phương tiện lực Bát Nhã Ba La Mật, hành giả thể nhập được vào nơi “thật tướng pháp”. Trong tất cả các pháp quán, thì pháp quán về “thật tướng pháp” và “tánh không” tối diệu, phá được lưới tà kiến chấp. Bởi vậy nên nói Bát Nhã Ba La Mật là vô đẳng đẳng.

Bồ Tát được pháp quán bình đẳng này, nên thường khởi đại bi tâm, cứu độ hết thảy chúng sanh.

Như vậy gọi là vô đẳng đẳng sự.

–oOo–

Phật dạy:Bát Nhã Ba La Mật vì các đại pháp sự bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng mà khởi. Các đại pháp sự đó là Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên trí pháp, nhất thiết trí pháp.

Tất cả bốn pháp, nêu ở đoạn kinh trên đây, đều là Phật pháp cả. Sở dĩ có bốn tên gọi như vậy, vì Phật cũng được gọi là đáng Như Lai, là đấng Tự Nhiên Trí, là đáng Nhất Thiết Trí.

Vì Phật có vô lượng công đức, nên ngoài bốn danh hiệu này, Phật còn có vô lượng danh hiệu khác nữa.

(Xem thêm ở Quyển 2 – Phẩm thứ nhất – Bà Già Bà)

1. Phật Pháp

Phật pháp là pháp của Phật.

Phật là đấng Giác Ngộ hoàn toàn, biết rõ hết thảy các pháp ở quá khứ, ở hiện tại, cũng như ở vị lai.

Phật là tiếng gọi tắt của Phật Đà.

2. Như Lai pháp:

Như Lai pháp là pháp của đấng Như Lai.

Như Lai là như pháp tướng; hiểu như pháp tướng, diễn nói theo pháp tướng, nương theo thật tánh như như mà đến.

Phật đã tu sáu phép Ba La Mật trong vô lượng kiếp, nên thể nhập vào “như pháp tướng”, tức là đã như thật biết thật tướng các pháp. Bởi vậy nên Phật được gọi là đáng Như Lai.

3. Tự nhiên trí pháp:

Tự nhiên trí pháp là pháp của đáng Tự Nhiên Trí.

Phật tự mình tìm đạo Giải Thoát, được nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí.

Bởi vậy nên Phật được gọi là đấng Tự Nhiên Trí.

Các vị Bích Chi Phật cũng có được tự nhiên trí, chẳng theo người khác học đạo, tự mình tìm được đạo. Thế nhưng, Bích Chi Phật chưa được đầy đủ nhất thiết trí, và nhất thiết chủng trí như Phật.

Còn hàng Thanh Văn thì do nghe Phật thuyết pháp, rồi y chỉ nơi đó tu hành mà chứng đạo.

4. Nhất thiết trí pháp:

Nhất thiết trí pháp là pháp của đấng Nhất Thiết Trí.

Phật biết rõ hết thảy các pháp hữu vi và vô vi, quá khứ cùng hiện tại và vị lai, biết rõ hết cả ba cõi v.v… Chẳng có pháp gì mà Phật chẳng biết, nên Phật được gọi là đấng Nhất Thiết Trí.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề sợ các Bồ Tát sơ phát tâm sanh tâm chấp pháp, cho là chỉ Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên trí pháp, nhất thiết trí pháp mới là bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng, nên ngài bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên trí pháp, nhất thiết trí pháp là bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng chăng?

Phật dạy: Hết thảy các pháp đều là bất khả tư nghì … dẫn đến đều là vô đẳng đẳng cả.

Phật pháp bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng là như hư không bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng. Do Phật pháp bất khả tư nghì … dẫn đến vô đẳng đẳng như vậy, nên hết thảy thế gian, Trời, Người, A Tu La chẳng có thể nghĩ bàn được vậy.

Hỏi: Vì sao số Tỷ Kheo Ni được lậu tận A La Hán quá ít như vậy?

Đáp: Ở pháp hội này, Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật là pháp thậm thâm, vi diệu, bất khả tư nghì, bất khả xứng, bất khả lượng, vô đẳng đẳng.

Phải là những vị lợi căn, thượng trí, đã từ lâu gieo trồng thiện căn mới thâm tín giải được pháp này. Bởi vậy nên tùy theo căn trí mà sự chứng đạo có nhiều sai khác.

– Hàng Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, vì còn phải vướng bận việc đời, nên chỉ xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh mà thôi. Chẳng có vị nào được lậu tận cả.

– Trong hàng Tỷ Kheo Tăng có rất nhiều vị lợi căn, thượng trí, nên cũng có rất nhiều vị chứng quả vị lậu tận A la Hán. So với các Tỷ Kheo Tăng thì số Tỷ Kheo Ni được lậu tận A La Hán rất ít. Vì sao? Vì tuy có thâm tín Bát Nhã Ba La Mật, nhưng đa số Tỷ Kheo Ni chưa có được huệ căn lanh lợi vậy. Trong kinh nói, sau thời pháp có năm trăm vị Tỷ Kheo Tăng được lậu tận A La Hán, mà chỉ có hai mươi vị Tỷ Kheo Ni được quả vị này thôi.

– Riêng trong hàng Bồ Tát, có 20 vị, do trong vô lượng kiếp đã gieo trồng thiện căn, đã tu tập sáu pháp Ba La Mật, nên vừa nghe xong thời pháp là liền được vô sanh pháp nhẫn. Chư vị đại Bồ Tát này sẽ được Phật thọ ký ngay trong Hiền Kiếp.

–oOo–

Có thuyết nói: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ thọ ký cho chư vị đại Bồ Tát này ngay trong Hiền Kiếp, nhưng ở các thế giới của các đức Phật khác.

(Hết quyển 70)