LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 58

Phẩm thứ ba mươi bốn
Khuyến trì
(Khuyên Thọ Trì)

KINH:

Lúc bấy giờ, khắp cả 3000 đại thiên thế giới, chư Thiên ở các cõi trời, từ cõi Tứ Thiên Vương… dẫn đến cõi Sắc Cứu Cánh Thiên đồng nói lên rằng : Chúng ta phải thọ trì, đọc tụng, thân cận, thuyết giảng, ức chánh niệm, cúng dường, tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao ?

Vì có thọ trì, đọc tụng… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì mới được đầy đủ các thiện pháp, khiến hàng Thiên chúng được tăng ích, và hàng A Tu La bị giảm thiểu.

Vì có thọ trì, đọc tụng… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì Phật chúng mới chẳng đoạn diệt, Pháp chúng mới chẳng đoạn diệt, Tăng chủng mới chẳng đoạn diệt. Do vì Phật chủng, Pháp chủng và Tăng chủng chẳng đoạn diệt, nên 10 thiện đạo, 6 pháp Ba La Mật, 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp mới hiện ra ở đời; nên các quả Tu Đà Hoàn… dẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật đạo… dẫn đến Phật đạo mới hiện ra ở đời.

Phật bảo Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn : Này Kiều Thi Ca ! Ông nên thọ trì, đọc tụng, thân cận, chánh ức niệm, cúng dường, tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Vì khi A Tu La sanh tâm cùng với các ông cộng chiến, nếu các ông nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật, thì ác tâm của hàng A Tu La liền bị tiêu diệt, khiến việc đấu tranh phải chấm dứt.

Này Kiều Thi Ca ! Nếu có Thiên Tử hay Thiên Nữ nào có 5 tướng suy hiện ra, và sắp phải thọ sanh vào các loài bất như ý, thì ông nên vì họ đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, bảo họ nhất tâm đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật. Nhờ nghe và đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, mà các Thiên Tử hay Thiên Nữ ấy sẽ được tăng ích công đức, sẽ được sanh trở lại bổn xứ, và các điều bất như ý liền tự tiêu diệt cả.

Vì sao ?

Này Kiều Thi Ca ! Bát Nhã Ba La Mật có đại oai lực làm lợi ích cho chúng sanh, nên các Thiên Tử, Thiên Nữ, cùng các Thiện Nam, Thiện Nữ nào được nghe và thọ trì Bát Nhã Ba La Mật, liên được sanh công đức, và dần dần sẽ được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Này Kiều Thi Ca ! Chư Phật quá khứ cùng hàng đệ tử đã tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà được Vô Thượng Bồ Đề, vào Vô Dư Niết Bàn; chư Phật hiện tại cùng hàng đệ tử cũng tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà được Vô Thượng Bồ Đề, vào Vô Dư Niết Bàn; chư Phật vị lai cùng hàng đệ tử cũng sẽ tu tập Bát Nhã Ba La Mật, để được Vô Thượng Bồ Đề, vào Vô Dư Niết Bàn.

Này Kiều Thi Ca ! Bát Nhã Ba La Mật dung nhiếp hết thảy các pháp. Thanh Văn pháp, Bích Chi pháp, dẫn đến Phật pháp đều y chỉ nơi Bát Nhã Ba La Mật cả.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như vậy, Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng chú. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật trừ hết thảy các bất thiện pháp, và sanh hết thảy các thiện pháp.

Phật dạy : Này Kiều Thi Ca ! Đúng như vậy, đúng như vậy ! Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú. Vì sao ? Vì chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại đều do minh chú này mà được Vô Thượng Bồ Đề; chư Phật vị lai cũng sẽ do minh chú này mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Cũng do minh chú này, mà thế gian có 10 thiện đạo, có 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định; có 6 pháp Ba La Mật; có 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp; có pháp tánh, có pháp tướng, pháp như, pháp vị, thật tế; có 5 nhãn; có 4 quả Thanh Văn; có Bích Chi Phật đạo… dẫn đến có Phật đạo; có nhất thiết trí… dẫn đến có nhất thiết chủng trí.

Này Kiều Thi Ca !  Do nhân duyên có Bồ Tát Ma Ha Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà ở thế gian có 10 thiện đạo, có 4 thiền… dẫn đến có nhất thiết chủng trí, có Tu Đà Hoàn… dẫn đến có Phật.

Ví như có mặt trăng tròn, chiếu sáng, thì các tinh tú cũng cùng chiếu sáng vậy. Cũng như vậy, vào thời không có Phật, nếu chẳng có các Đại Bồ Tát xuất thế thì ở thế gian chẳng sao có được 10 thiện đạo… dẫn đến chẳng sao có được nhất thiết chủng trí. Nếu chẳng có chư đại Bồ Tát tu tập các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, thì ở thế gian chẳng có Đàn Ba La Mật… dẫn đến thiền Ba La Mật, chẳng có nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không, chẳng có 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp, chẳng có 4 quả Thanh Văn, chẳng có Bích Chi Phật đạo… dẫn đến chẳng có Phật đạo, chẳng có thành tựu chúng sanh, chẳng có thanh tịnh Phật độ. Hết thảy các thiện pháp như vậy, đều xuất sanh từ Bát Nhã Ba La Mật cả.

Này Kiều Thi Ca !  Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào nghe được Bát Nhã Ba La Mật, rồi thọ trì, thân cận,…, dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ được vô lượng công đức ở đời này và ở đời sau.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi : Bạch Thế Tôn !

Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật, được những công đức gì ở hiện đời ?

Phật dạy : Này Kiều Thi Ca !  Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì trọn đời chẳng có bị trúng độc mà phải chết, chẳng bị đao thương làm hại, chẳng bị các nạn nước lửa làm hại,…, dẫn đến chẳng bị 404 thứ bệnh làm hại. Chỉ trừ trường hợp do túc mạng nghiệp báo nhân duyên của đời trước, thì mới phải thọ lãnh mà thôi.

Nếu phải đến cửa quan, thì quan cũng chẳng có khiển trách. Vì sao ? Vì nhờ oai lực của Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Nếu phải đến trước vua chúa và các đại thần, thì chư vị này đều hoan hỷ đón tiếp, dùng lời lẽ nhu hòa thăm hỏi. Vì sao ?

Vì các Thiện Nam, Thiện Nữ này thường hành Bát Nhã Ba La Mật, thường trải rộng tâm “từ, bi, hỷ, xả” đối với chúng sanh, nên có được oai lực như vậy.

Này Kiều Thi Ca !  Do thọ trì, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm và tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà các Thiện Nam, Thiện Nữ này được công đức ở hiện đời như vậy.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi : Bạch Thế Tôn ! Còn ở đời vị lai, các Thiện Nam, Thiện Nữ này sẽ được những công đức gì ?

Phật dạy : Này Kiều Thi Ca !  Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì ở đời vị lai sẽ được đầy đủ 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định; đầy đủ 6 pháp Ba La Mật; đầy đủ 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp.

Các Thiện Nam, Thiện Nữ này chẳng bị đọa vào các đường ác, được thân đầy đủ và trang nghiêm, thường được 32 tướng tốt, chẳng sanh vào nhà hạ tiện, thường được hóa sanh vào các quốc độ có Phật. Các Thiện Nam, Thiện Nữ này có đầy đủ thần thông, đi từ Phật độ này đến Phật độ khác, để cúng dường chư Phật, nghe chư Phật thuyết pháp. Đến đâu, các Thiện Nam, Thiện Nữ này cunxg thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, mãi như vậy cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Kiều Thi Ca !  Do thọ trì, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm và tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà các Thiện Nam, Thiện Nữ này được công đức ở đời vị lai như vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ phải biên chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm, cung kính, cúng dường, tán thán Bát Nhã Ba La Mật, phải trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì mới có được công đức ở đời này và đời sau, dẫn đến được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Phật là đấng Pháp Vương mà còn tán thán người thọ trì Bát Nhã Ba La Mật, nên các vị Thiên Vương đều đồng thanh tán thán Bát Nhã Ba La Mật, và khuyến dụ hàng Thiên chúng cùng tán thán Bát Nhã Ba La Mật. Do vậy mà những chúng sanh đã có tín tâm lại càng thâm tín Bát Nhã Ba La Mật hơn nữa.

Trên đây, nói về các nhân duyên tu tập Bát Nhã Ba La Mật, tu tập các thiện pháp công đức làm cho hàng Thiên chúng được tăng ích, và hàng A Tu La bị giảm thiểu, khiến Tam Bảo chẳng bị đoạn diệt, khiến 6 pháp Ba La Mật cùng các thiện pháp công đức được hiện ra ở đời.

Bởi vậy, nên Phật đã tán thán lời giải bày của vị Đế Thích, và nói với vị Thiên Chủ này rằng : Khi A Tu La sanh tâm cùng với các ông cộng chiến, thì các ông phải nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật. Có như vậy, thì ác tâm của hàng A Tu La liền bị tiêu diệt, và việc đấu tranh phải chấm dứt.

Hỏi : Vì sao Phật chẳng dạy chư Thiên phải thường tụng Bát Nhã Ba La Mật, khiến hàng A Tu La chẳng dám sanh ác tâm ? Vì sao Phật chỉ dạy chư Thiên, khi gặp A Tu La đến gây chiến, phải nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Vì hàng chư Thiên phần nhiều đắm nhiễm trong phước lạc. Mặc dù biết rõ Bát Nhã Ba La Mật có đại công đức, nhưng chư Thiên cũng ít muốn thường xuyên trì tụng Bát Nhã Ba La Mật.

Chỉ những lúc gặp A Tu La gây chiến, hoặc trường hợp có 5 tướng suy hiện ra, thì chư Thiên mới sinh tâm lo buồn, phiền muộn. Những lúc đó chư Thiên mới nhớ nghĩ đến lời Phật dạy, mới nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật vậy.

—oOo—

Cũng nên biết, 5 tướng suy là:

  1. Hoa trên đầu khô héo.
  2. Mồ hôi nách chảy ra.
  3. Thấy chỗ ngồi ở Thiên Giới có ai khác ngồi.
  4. Thấy nơi thân có rận.
  5. Thấy chẳng ưa thích chỗ ngồi của mình nữa.

Khi hàng chư Thiên thấy 5 tướng suy hiện ra, thì biết rõ mình sắp đọa vào đường ác.

Trong tình huống này, nếu được nghe Bát Nhã Ba La Mật, thì liền biết rõ được thật tướng pháp, biết rõ pháp hữu vi là hư dối, là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, nên sanh lòng tin nơi Phật pháp, khiến tâm được tịch tịnh. Do vậy, mà giữ vững được bổn xứ, hoặc vãng sanh về một Thiên xứ khác thù thắng hơn, thọ hưởng các phước lạc, mà vẫn tu hành đạo Vô thượng.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy !

Này Kiều Thi Ca ! Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú, là vô thượng chứ, là vô đẳng đẳng chú.

Hỏi : Vì sao vị Đế Thích lại nói Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú ?

Đáp : Vì hàng ngoại đạo cũng có nhiều chú thuật. Có loại chú thuật sai khiến được các quỷ thần, có loại chú thuật sai khiến được các tiên nhân, có loại chú thuật làm cho người được danh vọng v.v… Bởi vậy, rất nhiều người quy thuận và cúng dường.

—oOo—

Nay vị Đế Thích bạch Phật rằng : Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú.

Vì sao ? Hàng ngoại đạo, do đức mỏng, nên thường khởi sân nhuế, tham dục, khởi các bất thiện pháp, nên chú thuật của ngoại đạo thường tác hành các việc ác, khiến phải đọa vào các đường ác.

Hàng chư Thiên được thọ mạng lâu dài, cũng có chú thuật, cũng biết được tâm niệm của chúng sanh. Thế nhưng, chú thuật của hàng chư Thiên chẳng sao có thể sánh được với Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao ?

Vì Bát Nhã Ba La Mật có đại oai lực tiêu sạch các phiền não, cùng các bất thiện nghiệp.

Vì Bát Nhã Ba La Mật khiến hành giả ly được các khổ “sanh, già, bệnh và chết”, lại khiến hành giả được nhiều lợi ích, được trở thành bậc tối tôn trọng trong hàng chúng sanh.

Vì Bát Nhã Ba La Mật đưa hành giả vào “pháp thân vô lượng thọ”, và cũng là “chánh nhân” dẫn đến thành Phật.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bát Nhã Ba La Mật được gọi là đại minh chú, cũng gọi là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú.

—oOo—

Đoạn kinh trên đây tán thán Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, do 2 nguyên nhân sau đây :

– Bát Nhã Ba La Mật phá trừ hết thảy bất thiện pháp.

– Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh hết thảy bất thiện pháp.

Bởi nhân duyên vậy, nên sau khi tán thán Bát Nhã Ba La Mật, Phật đã nói rằng Bát Nhã Ba La Mật là đại nhân duyên xuất sanh 10 thiện đạo… dẫn đến Phật đạo.

Phật ví Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật đại phá vô minh như mặt trăng tròn sáng đại phá màn đêm đen tối; vì chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh nay được duyên lành gặp được Phật và Bồ Tát như người lữ hành đi trong đêm mà gặp được lúc trăng tròn sáng vậy.

—oOo—

Phật xuất thế dùng các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để cứu độ chúng sanh. Cũng nhờ lực Bát Nhã Ba La Mật mà chư Bồ Tát được quả báo an lạc, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ… dẫn đến được đạo Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát tu 37 phẩm trợ đạo … dẫn đến tu 18 bất cộng pháp, liễu đạt pháp “không”, mà chẳng chấp “không”, chẳng chứng quả Thanh Văn, và quả Bích Chi Phật. Bồ Tát thường pháp Bồ Đề tâm, giáo hóa chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được vô lượng công đức ở đời này và cả đời sau. Tất cả đều từ Bát Nhã Ba La Mật xuất sanh ra cả.

Hỏi: Trước đây đã nói người thọ trì Bát Nhã Ba La Mật chẳng còn bị các bệnh não hại. Nay vì sao còn nói nữa?

Đáp: Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải ở 1 hội, mà thuyết ở rất nhiều hội.

Có hội Phật nói về các nạn nước, nạn lửa; có hội Phật thuyết về nạn đao binh; có hội Phật thuyết về nạn độc trùng, độc dược; có hội Phật thuyết về 404 thứ bệnh. Phật nói rằng: Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có các bệnh tật, tai ương đó làm tổn hại.

Có hội Phật thuyết về các kẻ ác tâm muốn phá hoại các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì Bát Nhã Ba La Mật. Phật dạy : Do thọ trì Bát Nhã Ba La Mật mà các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy chẳng bị những kẻ ác tâm phá hoại, mà còn hoán cải được họ, khiến họ khởi tín tâm nơi Bát Nhã Ba La Mật, cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật.

—oOo—

404 thứ bệnh, nêu trên đây, do 4 đại gây ra; mỗi đại gây ra 101 thứ bệnh. Đó là :

– Bệnh lạnh, gồm 202 thứ, do phong đại và thủy đại gây ra.

– Bệnh nóng, gồm 202 thứ, do hỏa đại và địa đại gây ra.

Hỏa có tướng nóng, địa có tướng cứng. Cả 2 đại này đều khó tiêu hóa. Do khó tiêu hóa, nên khỏi ra bệnh nóng trong thân, như trong máu, trong thịt, gân, trong xương tủy v.v…

Phật dạy : các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng,…, tu tập Bát Nhã Ba La Mật chẳng bị 404 thứ bệnh làm hại. Chỉ trừ trường hợp do túc mạng nghiệp báo nhân duyên đời trước, thì mới phải thọ lãnh mà thôi.

Những chúng sanh mắc bệnh do nghiệp báo từ đời quá khứ, nay phải chịu thọ báo, thì đến Phật cũng chẳng cứu được.

—oOo—

Trong kinh có viện dẫn trường hợp phải đến cửa quan. Đó là nói về trường hợp bị thưa kiện. Người có thọ trì, đọc thọ trì, đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, thì dù có phải bị thưa kiện, phải đến cửa quan, quan cũng chẳng có khiển trách, chẳng có hạch tội.

Hỏi : Trước đây đã có nói về việc ma chẳng tìm được chỗ tiện để phá hoại, quấy nhiễu các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát Nhã Ba La Mật rồi. Vì sao ? Nay còn đề cập đến nữa?

Đáp : Trước đã nói về sự việc các ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại cho các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

Nay nói rộng thêm về sự việc các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì dù có phải bị thưa kiện, phải đến cửa quan, cũng chẳng bị quan hạch tội, mà còn được hoan hỷ đón tiếp. Vì sao ? Vì các Thiện Nam, Thiện Nữ này thường trải rộng “từ, bi, hỷ, xả” đối với hết thảy chúng sanh, nên thường có được oai đức, khiếp nhục được người khác vậy.

Lại nữa, do thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà các Thiện Nam, Thiện Nữ này, ở đời vị lai, sẽ được đầy đủ 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định; đầy đủ 6 pháp Ba La Mật; đầy đủ 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp; chẳng bị đọa vào các đường ác; chẳng có sanh vào các nhà hạ tiện, thường được sanh vào các đại gia, đại tộc.

Cũng do thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà ở đời vị lai, các Thiện Nam, Thiện Nữ này được thân đầy đủ trang nghiêm, thường được 32 tướng tốt, lại có đủ thần thông đi đến các nước Phật, cúng dường chư Phật, nghe chư Phật thuyết pháp. Nhờ vậy mà thành tựu được chúng sanh, thanh tịnh được Phật độ, mãi như vậy cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ phải biên chép, thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, cung kính, cúng dường, tán thán Bát Nhã Ba La Mật, phải trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì mới có được vô lượng công đức ở đời này và ở đời sau, dến đến mới được đạo Vô Thượng Bồ Đề.

***

Phẩm thứ 35
Phạm Chí

KINH:

Lúc bấy giờ, có các ngoại đạo Phạm Chí đi đến chỗ Phật, với ý muốn gây phiền nhiễu nơi pháp hội.

Vị Đế Thích cùng chư Thiên có mặt trong pháp hội biết rõ tâm niệm của các Phạm Chí, lại vừa nghe Phật dạy về đại thần lực của Bát Nhã Ba La Mật, nên đã nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật. Các ngoại đạo Phạm Chí nghe như vậy, liền từ bỏ ngay ý muốn gây phiền nhiễu, và họ chỉ dừng ở xa mà diễu quanh Phật, rồi lui bước quay trở về.

Ngài Xá Lợi Phất tự niệm : Vì nhân duyên gì mà các Phạm Chí đến với ý muốn quấy nhiễu pháp hội, lại chỉ ở xa, diễu quanh Phật, rồi lui về ?

Phật biết tâm niệm của Ngài Xá Lợi Phất, nên dạy rằng : Này Xá Lợi Phất ! Do vị Đế Thích và chư Thiên nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật, nên các ngoại đạo Phạm Chí đã bỏ ý muốn quấy nhiễu pháp hội, mà chỉ diễu quanh Phật rồi lui về. Đây là Bát Nhã Ba La Mật lực khiến các ác tâm của họ bị tiêu trừ.

Này Xá Lợi Phất ! Chẳng có kẻ nào có thể đem ác tâm phá hoại Bát Nhã Ba La Mật được.

Vì sao ?

Vì trong hằng sa thế giới khắp 10 phương, chư Thiên, chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật, chư Bồ Tát, chư Phật, đều thủ hộ Bát Nhã Ba La Mật. Vì chư Thiên, chư Hiền Thánh… dẫn đến chư Phật đều xuất sanh từ Bát Nhã Ba La Mật.

Lúc bấy giờ các ác ma nghĩ rằng : Nay Phật vì 4 bộ chúng, thuyết Bát Nhã Ba La Mật, có đủ các hàng Trời, Người trong cả 3 cõi vân tập về pháp hội. Như vậy ắt là có các đại Bồ Tát sẽ được thọ ký Vô Thượng Bồ Đề, chúng ta phải mau đến để phá hoại đạo tâm của họ.

Nghĩ như vậy rồi, các ác ma liền hóa tác ra 4 đạo binh kéo đến chỗ Phật.

Vị Đế Thích cùng chư Thiên biết rõ đây chẳng phải là các đạo binh của vua Tân Bà Sa La, cũng chẳng phải các đạo binh của vua Ba Tư Nặc, lại cũng chẳng phải các đạo binh của dòng họ Thích và dòng họ Lê Xa, mà là các đạo binh do các ác ma hóa tác ra để phá quấy pháp hội, và để làm não hại chúng sanh.

Nghĩ như vậy rồi, vị Đế Thích cùng chư Thiên liền nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật.

Các ác ma nghe chư Thiên trì tụng Bát Nhã Ba La Mật, liền từ bỏ ý muốn phá hoại và đồng loại rút lui.

Lúc bấy giờ chư Thiên ở trong hằng sa quốc độ khắp 10 phương đồng hóa tác thiên hoa đầy khắp hư không, để tán đức Phật cùng đại chúng, và phát lời nguyện rằng : Bạch Thế Tôn ! Chúng con xin được làm cho Bát Nhã Ba La Mật ở lâu trong cõi Diêm Phù Đề này. Vì sao ? Vì nếu chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề chịu thọ trì Bát Nhã Ba La Mật, thì tại trú xứ này, Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo được an trú chẳng có đoạn diệt.

Bát Nhã Ba La Mật trụ thế lâu bao nhiêu thì Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo trụ thế lâu bấy nhiêu, Bồ Tát đạo an trú ở nơi nào, thì ở nơi đó có các Thiện Nam, Thiện Nữ biên chép kinh Bát Nhã Ba La Mật, ở nơi đó có ánh sáng chiếu minh, khiến màn vô minh phải tan biến.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Kiều Thi Ca và chư Thiên Tử ! Trong cõi Diêm Phù Đề nếu còn chúng sanh biết thọ trì Bát Nhã Ba La Mật lâu bao nhiêu, thì  Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo còn tồn tại ở nơi đây lâu bấy nhiêu. Ở đâu có Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, thì ở đó có các Thiện Nam, Thiện Nữ biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật. Ở tại trú xứ đó có ánh sáng chiếu minh, khiến màn vô minh tan biến.

Chư Thiên lại hóa tác thiên hoa tán Phật, và bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn ! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì Ma Vương, ma Dân chẳng sao tìm được chỗ tiện để quấy phá họ được.

Bạch Thế Tôn ! Chúng con xin nguyện hộ trì những Thiện Nam, Thiện Nữ này, và nguyện xem họ như đức Phật, hoặc như người kế thừa đức Phật.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì phải biết những Thiện Nam, Thiện Nữ ấy ở đời trước đã làm các công đức, đã thân cận, cúng dường chư Phật và Bát Nhã Ba La Mật, đã được các bậc thiện tri thức hộ trì.

Bạch Thế Tôn ! Nhất thiết chủng trí cùng chư Phật đều xuất sanh từ Bát Nhã Ba La Mật. Bởi vậy nên cầu Bát Nhã Ba La Mật là cầu nhất thiết chủng trí. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác nhất thiết chủng trí, nhất thiết chủng trí chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật tức là nhất thiết chủng trí, nhất thiết chủng trí tức là Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật và nhất thiết chủng trí là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Bởi nhân duyên vậy, nên hàng chư Thiên chúng con xem các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy như đức Phật, hoặc như người kế thừa Phật vậy.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Kiều Thi Ca ! Nhất thiết chủng trí tức là Bát Nhã Ba La Mật, và Bát Nhã Ba La Mật tức là nhất thiết chủng trí.

Vì sao ?

Này Kiều Thi Ca ! Nhất thiết chủng trí xuất sanh từ Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác nhất thiết chủng trí, và nhất thiết chủng trí chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật, nhất thiết chủng trí và Bát Nhã Ba La Mật là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

LUẬN :

Phẩm trước đề cập đến trường hợp người nghe, thọ trì…, dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chẳng bị các ác ma và các hàng ngoại đạo quấy nhiễu, phá hoại được.

Phẩm này nêu lên chỗ chứng nghiệm Bát Nhã Ba La Mật. Do oai thần của Bát Nhã Ba La Mật chiêu cảm được các ác ma và các hàng ngoại đạo, khiến họ chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại vậy.

—oOo—

Các ngoại đạo Phạm Chí tự nghĩ rằng : Phật, ở tại núi Kỳ Xà Quật, đang thuyết pháp Bát Nhã Ba La Mật, nói rõ các pháp đều rốt ráo không, đều là vô sở hữu. Chúng ta hãy đến nơi đó nạn vấn. Nếu chúng ta phá được pháp của Phật, thì Phật đạo sẽ lui, và đạo chúng ta sẽ lại được tôn trọng như trước.

Hàng ngoại đạo có nhiều tà kiến, lại ác tâm và kiêu mạn. Họ muốn vạch ra các lỗi lầm của Bát Nhã Ba La Mật nhằm phá hoại Bát Nhã Ba La Mật. Họ cho rằng Bát Nhã Ba La Mật phạm sai lầm lớn, khi nói đến các pháp rốt ráo là không, là vô sở hữu, nên muốn đến nạn vấn Phật.

Đây chỉ là hành động điên rồ, giống như người cuồng si bắn mũi tên thẳng lên không trung, rồi ngửa mặt lên trời chờ tên rớt xuống. Hành động như vậy chỉ tự mình chuốc lấy khổ cho mình, chẳng có lợi ích gì cả.

—oOo—

Lúc bấy giờ chư Thiên muốn thực nghiệm lời Phật dạy, và cũng muốn chúng sanh thâm tín Bát Nhã Ba La Mật hơn nữa, nên đã nhất tâm trì tụng Bát Nhã Ba La Mật.

Do vị Đế Thích cùng chư Thiên đã thành tựu được nhiều phước đức, lại có lợi căn và thâm tín Bát Nhã Ba La Mật, nên khi các ngài trì tụng Bát Nhã Ba La Mật, thì liền có linh nghiệm, khiến các ngoại đạo Phạm Chí từ bỏ ngay ý muốn quấy nhiễu pháp hội, mà chỉ ở đàng xa, diễu quanh Phật, rồi lui về.

Hỏi : Vì sao các ngoại đạo Phạm Chí chẳng dám quấy nhiễu Phật, mà chỉ diễu quanh Phật, rồi lui về?

Đáp: Đây là do thần lực của Bát Nhã Ba La Mật đã nhiếp phục được tâm của các ngoại đạo Phạm Chí ấy, khiến họ tự nghĩ rằng oai đức của Phật bao trùm khắp tất cả, nên sợ chẳng dám thực hiện ý đồ của họ. Họ tự nghĩ, nếu hỏi, ắt phải thua, mà còn chuốc thêm nhục; còn nếu mới đến mà phải rút lui, thì người đời sẽ cho là quá khiếp nhược. Do vậy mà họ giả vờ diễu quanh Phật, để dọn đường rút lui vậy.

—oOo—

Ngài Xá Lợi Phất, nguyên trước kia cũng là Phạm Chí, nên khi thấy chúng Phạm Chí đến, ngài tự nghĩ rằng: Vì nhân duyên gì mà chúng Phạm Chí chỉ đến diễu quanh Phật, rồi lui về ? Vì nhân duyên gì mà họ chẳng cầu Phật độ?

Phật dạy : Chúng Phạm Chí đến đây với ý muốn quấy phá, nhưng oai lực của Bát Nhã Ba La Mật đã làm cho chúng khiếp sợ, khiến chẳng còn dám thực hiện ý muốn, mà chỉ ở xa, diễu quanh Phật, rồi lui về.

Ngài Xá Lợi Phất lại nghĩ rằng : Bát Nhã Ba La Mật có oai đức cứu độ chúng sanh. Như vậy, vì sao chúng Phạm Chí nghe Bát Nhã Ba La Mật mà lại chẳng được độ?

Phật biết rõ tâm niệm của ngài Xá Lợi Phất, nên dạy rằng : các Phạm Chí ấy đến đây chẳng phải do thiện niệm, lại đắm chấp tà kiến và ái kiến, nên chẳng được độ vậy. Ví như người mà thọ mạng đã sắp hết, thì dù gặp được thầy hay, thuốc tốt, hoặc dù có thần lực, cũng chẳng có thể được thoát chết vậy.

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn ! Như vậy, chẳng những các Phạm Chí ấy, mà cho đến hết thảy chúng sanh nào mống ác tâm muốn phá hoại Bát Nhã Ba La Mật cũng chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại. Vì sao ? Vì chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền, chư Thiên đều xuất sanh từ Bát Nhã Ba La Mật. Bởi vậy nên các ác ma, các ngoại đạo muốn đến vấn nạn để phá hoại Bát Nhã Ba La Mật, chẳng sao thực hiện được ý đồ của họ.

Hỏi : Vì sao chư Thiên sanh tâm đại hoan hỷ, muốn cho Bát Nhã Ba La Mật trụ thế lâu dài ở cõi Diêm Phù Đề?

Đáp : Do vì trước đã nghe nói về các công đức của Bát Nhã Ba La Mật, nay lại được chứng nghiệm, nên sanh tâm đại hoan hỷ, muốn cho Bát Nhã Ba La Mật trụ thế lâu dài ở cõi Diêm Phù Đề.

Nếu ở cõi Diêm Phù Đề còn chúng sanh biết thọ trì, tu tập Bát Nhã Ba La Mật lâu bao nhiêu, thì ở cõi này Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo còn tồn tại lâu bấy nhiêu. Lại nữa, nếu Bát Nhã Ba La Mật còn trụ thế ở cõi Diêm Phù Đề, thì ở trú xứ này còn có ánh sáng chiếu minh của Bát Nhã Ba La Mật, khiến màn vô minh hắc ám phải tan biến.

Hỏi : Vì sao chư Thiên nguyện hộ trì người biên chép, thọ trì thân cận, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm tu tập Bát Nhã Ba La Mật, và xem người đó như vị Phật tương lai ?

Đáp : Chư Thiên thệ nguyện : Chư Phật trong 10 phương thường ủng hộ người biên chép, thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì chúng ta cũng phải thường ủng hộ người đó, và xem người đó như là Phật, hoặc như người kế thừa Phật trong đời vị lai.

Vì sao ? Vì do tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà người đó sẽ có được nhất thiết chủng trí, sẽ được vô sanh pháp nhẫn, sẽ có lực trí huệ Bát Nhã Ba La Mật, thường nói lên chánh giáo nghĩa vậy.

Hỏi : Vì sao cầu Bát Nhã Ba La Mật là cầu Phật đạo, là cầu nhất thiết chủng trí ?

Đáp : Vị Đế Thích và chư Thiên, do đời trước đã có thiện duyên tu tập các công đức, đã thường tán thán Bồ Tát đạo, nên nay mới tán thán Bát Nhã Ba La Mật, và nói “cầu Bát Nhã Ba La Mật là cầu Phật đạo, là cầu nhất thiết chủng trí”.

Vì sao ? Vì Bồ Tát có hành đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật mới có thể thành Phật, mới được đầy đủ nhất thiết chủng trí. Bởi vậy nên nói “phải ở nơi Bát Nhã Ba La Mật, mà cầu nhất thiết chủng trí”.

Mặc khác, chư Phật và chư đại Bồ Tát được nhất thiết chủng trí rồi, thường thuyết Bát Nhã Ba La Mật, thường dùng các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để hóa độ chúng sanh, nên cũng nói “phải ở nơi nhất thiết chủng trí mà cầu Bát Nhã Ba La Mật”.

Bát Nhã Ba La Mật biến thành nhất thiết chủng trí. Bát Nhã Ba La Mật là nhân sanh ra nhất thiết chủng trí. Bát Nhã Ba La Mật là nhân, và nhất thiết chủng trí là quả; nhân quả chẳng rời nhau, nên nói Bát Nhã Ba La Mật và nhất thiết chủng trí là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

***

Phẩm thứ bai mươi sáu
A Nan Xứng Dự
(A Nan Xưng Tán)

Kinh:

Lúc bấy giờ, ngài A Nan bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Vì nguyên nhân gì chẳng xưng tán 5 Ba La Mật kia mà chỉ xưng tán Bát Nhã Ba La Mật mà thôi?

Phật dạy : Này A Nan ! Tất cả 5 Ba La Mật kia, từ Đàn Ba La Mật… dẫn đến Thiền Ba La Mật, đều do Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo. Này A Nan ! Ý ông nghĩ sao? Nếu bố thí mà chẳng có hồi hướng về nhất thiết chủng trí, thì bố thí như vậy có được xem là Đàn Ba La Mật chăng ?

Ngài A Nan đáp : Bạch Thế Tôn ! Chẳng được vậy.

Phật dạy : Này A Nan ! Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, mà chẳng hồi hướng về nhất thiết chủng trí, thì có được xem là Thi Ba La Mật, sẵn Đề Ba La Mật, Tỳ Lê Gia Ba La Mật, Thiền Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật chăng?

Ngài A Nan đáp : Bạch Thế Tôn ! Chẳng được vậy.

Phật dạy : Này A Nan ! Bởi nhân duyên vậy, nên nói Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo cả 5 Ba La Mật kia.

Ngài A Nan hỏi : Bạch Thế Tôn ! Vì sao nói bố thí có hồi hướng về nhất thiết chủng trí, thì mới được xem là Đàn Ba La Mật… dẫn đến trí huệ có hồi hướng về nhất thiết chủng trí, thì mới được xem là Bát Nhã Ba La Mật ?

Phật dạy : Này A Nan ! Phải ở nơi “bất nhị pháp bố thí”, mà hồi hướng về nhất thiết chủng trí, mới được xem là Đàn Ba La Mật… dẫn đến phải ở nơi “bất nhị pháp trí huệ” mà hồi hướng về nhất thiết chủng trí mới được xem là Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Pháp bố thí… dẫn đến pháp trí huệ đều là bất sanh, đều là bất khả đắc.

Ngài A Nan  hỏi : Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là dùng “bất nhị pháp bố thí”, mà hồi hướng về nhất thiết chủng trí, mới gọi là Đàn Ba La Mật… dẫn đến dùng “bất nhị pháp trí huệ”, mà hồi hướng về nhất thiết chủng trí, mới gọi là Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy : Này A Nan ! Sắc là bất nhị pháp; thọ, tưởng, hành, thức là bất nhị pháp;… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng là bất nhị pháp. Vì sao ? Vì sắc là sắc tướng không. Vì Đàn Ba La Mật và sắc chẳng phải hai, chẳng phải khác. Vì Đàn Ba La Mật, sắc và Vô Thượng Bồ Đề là chẳng phải hai, chẳng phải khác. 5 Ba La Mật kia cũng đều là như vậy.

Này A Nan ! Bát Nhã Ba La Mật là dẫn đạo của 5 Ba La Mật kia… dẫn đến của nhất thiết chủng trí. Bởi nhân duyên vậy, nên này chỉ tán thán Bát Nhã Ba La Mật mà thôi.

Này A Nan ! Ví như đem hạt giống vãi lên đất. Khi đã hội đủ các nhân duyên hòa hợp, thì hạt giống mới nảy mầm, thành cây, rồi cây mới nương vào đất mà mọc lên được. Cũng như vậy, 5 Ba La Mật kia đều từ Bát Nhã Ba La Mật sanh, và được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo.

Hết thảy các thiện pháp khác… dẫn đến nhất thiết chủng trí cũng đều là như vậy cả.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Đến đây vẫn chưa nói hết công đức của người thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì thọ trì thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật là thọ “Vô Thượng đạo” của 3 đời chư Phật. Nếu muốn được nhất thiết chủng trí, thì phải ở trong Bát Nhã Ba La Mật mà cầu, muốn được Bát Nhã Ba La Mật, thì phải ở trong nhất thiết chủng trí mà cầu vậy.

Bạch Thế Tôn ! Do thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà ở thế gian xuất hiện 10 thiện đạo, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định… dẫn đến 18 bất cộng pháp.

Do thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mà ở thế gian xuất hiện các đại gia, đại tộc, xuất hiện các cõi trời, từ cõi trời Tứ Thiên Vương… dẫn đến cõi trời Sắc Cứu Cánh Thiên; xuất hiện các quả Thanh Văn, Bích Chi Phật đạo, Bồ Tát đạo.

Do thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mới có Phật thị hiện ở thế gian này.

Phật dạy : Này Kiều Thi Ca ! Các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chẳng phải chỉ thành tựu bấy nhiêu công đức mà thôi. Vì sao ? Này Kiều Thi Ca ! Do thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, nên các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy thành tựu được vô lượng giới chúng, vô lượng định chúng, huệ chúng,…, dẫn đến thành tựu được vô lượng giải thoát chúng và giải thoát tri kiến chúng.

Phải biết các người ấy là như Phật rồi vậy.

Này Kiều Thi Ca ! Giới chúng, định chúng, huệ chúng, giải thoát chúng và giải thoát tri kiến chúng của hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng sao bằng được giới chúng… dẫn đến giải thoát tri kiến chúng của các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy được. Trong trăm ngàn, muôn, ức phần, chẳng bằng được một, dẫn đến chẳng có toán số thí dụ nào có thể dùng để so sánh được. Vì sao ? Vì hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng cầu đạo giải thoát vậy.

Này Kiều Thi Ca ! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào biên chép, thọ trì, cung kính, cúng dường kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, thì cũng có được vô lượng công đức ở đời này và đời sau.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào biên chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng, cung kính cúng dường, chánh ức niệm, dẫn đến chẳng ly tbnb mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì chúng con nguyện thường thủ hộ người ấy.

LUẬN :

Ngài A Nan là bậc đa văn, thường hay phân biệt các pháp, nhưng vì chưa ly dục, nên chưa thâm nhập vào pháp “không”. Dù ngài thường ở bên cạnh Phật, nhưng chẳng mấy khi thưa hỏi Phật về pháp “không”. Nay nghe Phật tán thán Bát Nhã Ba La Mật, tán thán người tu tập Bát Nhã Ba La Mật nên ngài A Nan đã hỏi Phật rằng : Vì sao chỉ xưng tán Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng có xưng tán 5 Ba La Mật kia?

Hỏi : Từ trước đến nay, Phật thường thuyết về 6 pháp Ba La Mật. Như vậy, vì sao ngài A Nan lại nói chẳng có xưng tán 5 Ba La Mật kia ?

Đáp : Phật đã thường thuyết về 6 pháp Ba La Mật. Này chỉ đặc biệt xưng tán Bát Nhã Ba La Mật mà thôi. Vì trong hết thảy thiện pháp, hữu vi, thì trí huệ là đệ nhất; trong hết thảy trí huệ, thì Bát Nhã Ba La Mật tức “trí huệ đáo bí ngạn” là đệ nhất.

Ví như người đi đường xa, đêm tối, dù có bạn lành cùng đi theo, nhưng vẫn phải nhờ ngọn đuốc soi đường của người hướng dẫn. Cũng như vậy, người tu hành tu tập các thiện pháp phải nương theo ánh sáng của Bát Nhã Ba La Mật, mới có thể thoát ra khỏi 3 cõi vậy.

Trong cả 3 thừa giáo, nếu hành bố thí cùng các thiện pháp khác, nếu chẳng được Bát Nhã Ba La Mật dẫn đạo, thì quả phước cũng chỉ là hữu hạn, vì còn phải tùy thuộc vào các nghiệp báo nhân duyên.

Do quả báo hữu hạn, nên chẳng sao vào được Vô Dư Niết Bàn, chẳng sao chứng được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Trái lại, nếu bố thí với tâm bình đẳng, thường quán thật tướng của các pháp là bất nhị, bất sanh, bất diệt, là rốt ráo tịch tịnh, rồi hồi hướng hết thảy công đức bố thí về nhất thiết chủng trí, thì mới tương ưng với Bát Nhã Ba La Mật. Bố thí thanh tịnh như vậy mới được gọi là Đàn Ba La Mật, mới đời đời được phước đức, gọi là được thọ thiện phước báo bất tận vậy.

Hỏi : Thế nào gọi là bố thí có hồi hướng về nhất thiết chủng trí ?

Đáp : Đó là hành bố thí như tướng, và cũng là hành hết thảy các pháp như tướng.

Hỏi : Phật đã nói về “bất nhị nhân duyên” rồi. Sao nay còn trở lại giải nghĩa về “bất nhị” ?

Đáp : Ở đây, ngài A Nan chưa hỏi về “bất nhị nhân duyên”, mà chỉ hỏi về nghĩa “bất nhị pháp”.

Phật dạy : Sắc là bất nhị… dẫn đến hết thảy pháp cũng đều là bất nhị.

Do ngài A Nan muốn hỏi về nghĩa này, nên Phật lấy thí dụ hạt giống nương theo đất mà nảy mầm, rồi tăng trưởng thành cây. Cũng như vậy 5 Ba La Mật kia đều nương theo Bát Nhã Ba La Mật mà được thành tựu; hết thảy các hạt giống thiện pháp đều được Bát Nhã Ba La Mật giữ gìn, và đều nương theo Bát Nhã Ba La Mật, mà hiện hành và tăng trưởng.

Bát Nhã Ba La Mật làm tác nhân hòa hợp hết thảy thiện pháp, nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật thương được nhất tâm, thâm tín, nhẫn nhục, tinh tấn, chẳng bao giờ thối chuyển.

Nếu Bồ Tát muốn thông đạt hết thảy các pháp, thì từ khi sơ phát tâm dẫn đến khi vào Thập Địa, phải như vậy mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, mới có thể thành tựu và tăng trưởng đạo tâm.

Hỏi : Vì sao vị Đế Thích nói rằng : Phật chưa nói hết các đức của Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì,… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Bát Nhã Ba La Mật có vô lượng, vô biên công đức. Khi Phật đang thuyết về công đức tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì các ngoại đạo Phạm Chí và các loài ma đến quấy phá.

Sự việc này làm cho vị Đế Thích cũng chư Thiên được duyên pháp để minh chứng cụ thể về Bát Nhã Ba La Mật lực. Chư Thiên đã trì tụng Bát Nhã Ba La Mật, khiến hàng ngoại đạo cũng như các ác ma phải từ bỏ ý muốn quấy phá Bát Nhã Ba La Mật, và phải tự rút lui.

Nay các ác ma đã rút lui, tâm của chúng đã được chuyển hóa, nên vị Đế Thích tiếp tục xin được nói thêm về các công đức của người thọ trì, thân cận… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Đó chính là thọ “Vô Thượng Đạo” của 3 đời chư Phật. Vì sao ? Vì phải ở nơi Bát Nhã Ba La Mật mà cầu nhất thiết chủng trí; phải ở nơi nhất thiết chủng trí mà cầu Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, ở phẩm trước đã nói : Người tu hành phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, cầu Bát Nhã Ba La Mật, phải nguyện độ hết thảy chúng sanh.

Như vậy là Bát Nhã Ba La Mật chứa nhóm hết thảy công đức, từ 10 thiện đạo…, dẫn đến 18 bất cộng pháp, lại dung nghiếp hết thảy thiện pháp nhân duyên. Do có Bát Nhã Ba La Mật, mà ở thế gian xuất hiện các đại gia, đại tộc,…, dẫn đến có Phật thị hiện ở thế gian vậy.

Phật nói với vị Đế Thích rằng : các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chẳng phải chỉ có được các công đức nói trên, mà còn được vô lượng giới chúng, định chúng, huệ chúng… dẫn đến giải thoát chúng và giải thoát tri kiến chúng.

—oOo—

Giới chúng của Bồ Tát chính là Bát Nhã Ba La Mật. Bởi vậy nên, ở nơi hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường tu vô úy thí.

Vì sao ? Vì ở trong cả 3 đời và khắp 10 phương, số chúng sanh ở trong 6 đạo là vô lượng, vô biên. Hết thảy chúng sanh đều tham sống, sợ chết, nên Bồ Tát thường tu vô úy thí pháp, khiến chúng sanh được an lạc. Bởi vậy nên được vô lượng giới chúng quả báo.

Ví như phàm phu chỉ nguyện giữ giới không sát sanh, hoặc trong 1 ngày đêm, hoặc trong 1 tháng, hoặc trong 1 năm… dẫn đến hoặc trong 1 đời mà thôi. Còn Bồ Tát nguyện đời đời giữ giới không sát sanh, đời đời chẳng khởi tâm sát sanh; trái lại nguyện đời đời hành pháp vô úy thí, mãi cho đến khi vào Vô Dư Niết Bàn. Bởi vậy nên Bồ Tát thành tựu được vô lượng, vô biên giới chúng.

—oOo—

Cũng như vậy, Bồ Tát thành tựu được vô lượng, vô biên định chúng, huệ chúng… dẫn đến vô lượng, vô biên giải thoát chúng và giải thoát tri kiến chúng.

Bởi nhân duyên vậy, nên người biên chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tu tập Bát Nhã Ba La Mật được vô lượng, vô biên công đức ở đời này và cả ở đời sau.

Hỏi : Được công đức ở đời này và cả ở đời sau quá thâm trọng, còn biên chép, cúng dường… tu tập Bát Nhã Ba La Mật chỉ là việc nhỏ. Vì sao lại nói người biên chép, cúng dường… dẫn đến tu tập Bát Nhã Ba La Mật có được nhiều công đức như vậy ?

Đáp : Cúng dường có 2 nghĩa:

– Do thấy người khác cúng dường mà cúng dường theo.

– Do biết rõ công đức, nên từ thâm tâm phát khởi cúng dường.

Cúng dường theo nghĩa thứ 2, mới được công đức ở đời này và đời sau.

—oOo—

Lại nữa, có rất nhiều phương tiện để thâm nhập vào Bát Nhã Ba La Mật. Ví như :

– Có người vừa nghe thuyết Bát Nhã Ba La Mật, là liền thâm nhập, thọ trì… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

– Có người lợi căn, thượng trí, tinh tấn biên chép Bát Nhã Ba La Mật mà được nhất tâm thâm tín Bát Nhã Ba La Mật.

—oOo—

Ví như có người có như ý bảo châu, từ lâu chẳng biết dùng, nay phát lòng từ bi, đem viên ngọc ấy ra bố thí cho chúng sanh, thì người ấy ắt được nhiều phước đức.

Cũng như vậy, Bát Nhã Ba La Mật là trí huệ vô thượng, là mẹ của chư Phật là đệ nhất trong tất cả các pháp bảo. Nếu người nghe Bát Nhã Ba La Mật mà nhất tâm tín thọ, cúng dường, thì tất yếu sẽ được vô lượng công đức ở đời này và cả ở đời sau. Trái lại, nếu chẳng nhất tâm cúng dường, hoặc nếu nhất tâm cúng dường, nhưng đời trước có phạm trọng tội, thì chẳng sao có được đầy đủ công đức như trên được.

KINH :

Phật dạy : Này Kiều Thi Ca ! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, thì liền có vô lượng chư Thiên đến nghe pháp.

Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào đang thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, thì liền có chư Thiên giúp thêm thắng lực, để vị pháp sư ấy thành tựu viên mãn thời pháp.

Nếu vị pháp sư ấy mệt mỏi, thì chư Thiên liền giúp thêm thắng lực, để tiếp tục thời thuyết pháp.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, được vô lượng công đức ở đời này và đời sau.

Này Kiều Thi Ca ! Thiện Nam, Thiện Nữ nào thuyết Bát Nhã Ba La Mật giữa đại chúng, mà tâm chẳng khiếp sợ, thì dù bị vấn nạn vẫn giữ được tâm an định, chẳng có sợ hãi. Vì sao ? Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này đã được sự hộ trì của Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, nên phân biệt rõ ràng hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, hữu lậu và vô lậu, hữu vi và vô vi, thiện và bất thiện,… dẫn đến phân biệt rõ ràng pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát và pháp Phật.

Vị Thiện Nam, Thiện Nữ này an trú trong nội không… dẫn đến an trú trong vô pháp hữu pháp không, nên chẳng thấy có ai vấn nạn, chẳng thấy có ai bị vấn nạn, chẳng thấy có pháp vấn nạn… dẫn đến chẳng thấy có pháp Bát Nhã Ba La Mật.

Thiện Nam, Thiện Nữ này, do được lực Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, nên chẳng có ách gì hại được. Lúc thọ trì, thân cận, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, Thiện Nam, Thiện Nữ này chẳng có kinh, chẳng có hãi, chẳng có sợ. Vì sao ? Vì chẳng thấy có pháp gì phải kinh, phải hãi, phải sợ cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, được vô lượng công đức ở đời này và đời sau.

Này Kiều Thi Ca ! Thiện Nam, Thiện Nữ nào biên chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật được thân bằng quyến thuộc thương mến, được Sa Môn và Bà La Môn kính nể, được chư vị A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật thường hộ niệm. Các hàng A Tu La và Thiên Ma cũng ái kính người này. Do vậy mà Bát Nhã Ba La Mật chẳng đoạn diệt.

Vì sao ? Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này tu tập nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không chẳng dứt; tu tập 4 niệm xứ… dẫn đến 18 Bích Chi Phật chẳng dứt; tu tập các đà la ni, các tam muội chẳng dứt; tu tập các thần thông, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ chẳng dứt; tu tập nhất thiết trí… dẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng dứt vậy. Do tu tập như vậy, mà hàng phục được các kẻ đến hủy báng, phá hoại.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ nào thọ trì, thân cận… dẫn đến chánh ức niệm, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, được vô lượng công đức ở đời này và đời sau.

Này Kiều Thi Ca ! Thiện Nam, Thiện Nữ nào biên chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng… dẫn đến chánh ức niệm, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, thì chỗ ở của người này được chư Thiên trong cõi đại thiên thế giới này, và trong các thế giới khác khắp 10 phương, dẫn đến những vị đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đều đến ra mắt, để được thọ trì, đọc tụng, nghe thuyết giảng, cúng dường, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật, rồi lui trở về.

Này Kiều Thi Ca ! Chư Thiên trong khắp 10 phương thế giới, từ cõi trời Tứ Thiên Vương… dẫn đến cõi trời Sắc Cứu Cánh, và chư vị đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề đều hộ trì Thiện Nam, Thiện Nữ này, khiến những kẻ ác, những việc làm ác chẳng thể nào não hại được; ngoại trừ trường hợp, ở đời trước người này đã phạm trọng tội.

Này Kiều Thi Ca ! Chư Thiên nguyện hộ trì Thiện Nam, Thiện Nữ này. Vì sao ? Vì chư vị Thiên Tử đó đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đã nguyện cứu độ chúng sanh, đã nguyện an lạc chúng sanh.

Ngài Thích Đề Hoàn Nhơn bạc Phật : Bạch Thế Tôn ! Thiện Nam, Thiện Nữ này làm sao biết được có chư Thiên trong Đại thiên thế giới này cùng chư Thiên ở các thế giới khác trong khắp cả 10 phương đến ra mắt, thọ trì, đọc tụng, nghe thuyết giảng, cúng dường, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật ?

Phật dạy : Này Kiều Thi Ca ! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ thấy có quang minh thanh tịnh chiếu rọi, thì biết có hàng chư Thiên đến ra mắt, để thọ trì, đọc tụng, nghe thuyết giảng, cúng dường, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, nếu Thiện Nam, Thiện Nữ này ngửi mùi hương thơm, lạ, vi diệu tỏa ra, thì biết có hàng chư Thiên đến ra mắt, để thọ trì, đọc tụng, nghe thuyết giảng, cúng dường, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật.

Này Kiều Thi Ca ! Thiện Nam, Thiện Nữ này có công hạnh thanh tịnh, nên hàng chư Thiên đến ra mắt để thọ trì, đọc tụng, nghe thuyết giảng, cúng dường, đảnh lễ Bát Nhã Ba La Mật. Nơi trú xứ của người này, các ma quỷ còn ẩn trốn đều lánh xa đi nơi khác, vì chúng sợ oai lực của chư Thiên.

Này Kiều Thi Ca ! Do Thiện Nam, Thiện Nữ này phát đại tâm, nên được oai lực của Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, nên ở cả 4 bên quanh trú xứ của người này thường sạch sẽ, chẳng có các vật bất tịnh. Bởi vậy nên ở nơi nào có Bát Nhã Ba La Mật, thì phải đốt hương, thắp đèn, dùng dầu thơm, hoa đẹp, tràng phan, bảo cái để trang nghiêm.

Này Kiều Thi Ca ! Thiện Nam, Thiện Nữ này, khi thuyết pháp chẳng có mệt mỏi, tự cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, tâm thần thư thái, an lạc, như pháp mà thuyết giảng. Khi nằm nghỉ cũng được an ổn, chẳng có ác mộng. Trái lại, thường thấy thân Phật trang nghiêm với đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; thấy chúng Tỷ Kheo cung kính vây quanh Phật; lại thấy Phật, vì đại chúng thuyết pháp.

Thiện Nam, Thiện Nữ này nghe và lãnh hội đầy đủ các giáo pháp, từ 6 pháp Ba La Mật… dẫn đến 18 bất cộng pháp, lại cũng phân biệt rõ nghĩa của 6 pháp Ba La Mật… dẫn đến nghĩa của 18 bất cộng pháp, nên trong tâm thường thấy “cội Bồ Đề” trang nghiêm, thấy chư Bồ Tát đến “cội Bồ Đề” tu tập mà thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân vô thượng; cũng thấy trăm, ngàn, muôn, ức Bồ Tát đồng kiết tập chánh pháp, và đồng luận nghị rằng : Phải cầu nhất thiết chủng trí như vậy, phải thành tựu chúng sanh như vậy, phải thanh tịnh Phật độ như vậy.

Thiện Nam, Thiện Nữ này cũng thấy được vô số các đức Phật trong khắp 10 phương, ở cõi nước nào, có đức Phật danh hiệu gì, có bao nhiêu Bồ Tát, có bao nhiêu Thanh Văn cung kính vây quanh đức Phật ấy; lại thấy đức Phật ấy, vì đại chúng, đang thuyết pháp.

Thiện Nam, Thiện Nữ này cũng thấy vô số các đức Phật trong khắp 10 phương nhập Niết Bàn; thấy vô số bảo tháp của các đức Phật ấy được chúng sanh cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán.

Này Kiều Thi Ca ! Do thường tâm tưởng thấy các cảnh lành như vậy, nên lúc ngủ cũng như lúc thức, Thiện Nam, Thiện Nữ này thường được thân tâm an lạc. Lại nữa, do được chư Thiên giúp thêm khí lực, nên Thiện Nam, Thiện Nữ này tự cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, chẳng sanh tâm tham đắm các vật dụng, các thức ăn uống, y áo, giường nằm, thuốc men v.v…; dù nhẫn sự cúng dường, tâm vẫn thường an định, ví như vị Tỷ Kheo mới xả thiền vậy.

Vì sao ? Vì Thiện Nam, Thiện Nữ này, do thường hành thiện pháp, nên được chư Thiên thường hộ trì, giúp thêm khí lực; lại cũng được chư Phật khắp trong 10 phương thường hộ niệm.

Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ nào muốn được công đức ở đời này, thì phải thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng… dẫn đến chánh ức niệm, trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát Nhã Ba La Mật, nếu chẳng thể thọ trì… dẫn đến chánh ức niệm thì Thiện Nam, Thiện Nữ phải biên chép kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, rồi cung kính, tôn trọng, dùng hương hoa, anh lạc, tràng phan, bảo cái mà cúng dường, thì cũng được công đức ở đời này vậy.

Này Kiều Thi Ca ! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào nghe Bát Nhã Ba La Mật rồi, mà liền thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, chánh ức niệm, biên chép, cung kính, tôn trọng, tán thán, dùng hương hoa, anh lạc, tràng phan, bảo cái cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ được công đức thù thắng hơn rất nhiều so với công đức của người đem “tứ sự” cúng dường 10 phương chư Phật và hàng đệ tử Phật, thù thắng hơn rất nhiều so với công đức của người xây bảo tháp để cúng dường xá lợi của các đức Phật và hàng đệ tử Phật, sau khi các ngày nhập Niết Bàn.

LUẬN :

Hỏi : Trên Thiên giới cũng có thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy, vì sao chư Thiên còn phải xuống trần gian để nghe ?

Đáp : Trên Thiên giới có thuyết Bát Nhã Ba La Mật nhưng chư Thiên muốn tăng ích Bát Nhã Ba La Mật ở trần gian, nên xuống đây để nghe vậy. Chư Thiên cũng muốn hộ trì các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, thân cận, đọc tụng, thuyết giảng, cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật ở trần gian, khiến cho chúng sanh ở nơi đây thâm kính Bát Nhã Ba La Mật hơn nữa. Lại nữa, khi thấy có Thiện Nam, Thiện Nữ nào đang thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật, thì chư Thiên thường rưới nước Cam Lồ làm cho vị pháp sư ấy chẳng còn cảm thấy mệt mỏi, được tăng thêm thắng lực, dẫn đến thành tựu viên mãn thời thuyết pháp.

Hỏi : Hết thảy các Thiện Nam, Thiện Nữ nào thuyết Bát Nhã Ba La Mật cũng được chư Thiên rưới nước Cam Lồ, để giúp thêm khí lực hay sao ?

Đáp : Chẳng phải quyết là như vậy. Chỉ Thiện Nam, Thiện Nữ tu hành, tinh tấn, nhất tâm cầu Phật đạo, nhất tâm tẩy trừ các kiết sử, lại thuyết giảng nơi đạo tràng thanh tịnh, thì chư Thiên mới hoan hỷ đến nghe pháp, hoan hỷ hộ trì vậy.

Dù Thiện Nam, Thiện Nữ này ít học, nhưng đã thâm nhập vào được nghĩa lý thâm diệu của Bát Nhã Ba La Mật thì ở pháp tòa vẫn được tâm an định, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, khiến được đầy đủ khí lực để thuyết pháp. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng phải là định pháp, chẳng vướng chấp thế gian hay xuất thế gian, vô thường hay thường, thiện hay bất thiện, nên chẳng có gì phải kinh, phải hãi, phải sợ cả.

Lại nữa, Thiện Nam, Thiện Nữ tu Bồ Tát hạnh, thường hành Bát Nhã Ba La Mật, nên phiền não mỏng, phước đức sâu dày, thường làm việc lợi ích cho chúng sanh, nên có được oai đức khả kính, làm cho chư Thiên ái kính và hoan hỷ hộ trì vậy.

Hỏi : Người xuất gia thường được người đời ái kính, tôn trọng. Vì sao vẫn có nhiều vị xuất gia chẳng được cha mẹ ái kính ?

Đáp : Có thể là những trường hợp cha mẹ chẳng có thuận ý khí con xuất gia, nên xảy ra như vậy.

Thế nhưng, các Thiện Nam, Thiện Nữ hành Bồ Tát đạo, tu tập Bát Nhã Ba La Mật luôn được cha mẹ cùng hết thảy chúng sanh ái kính. Vì sao ? Vì do tu tập đầy đủ các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, mà các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy chẳng hề sanh cao tâm, chẳng hề ái chấp sự cúng dường, chẳng hề dua nịnh người, chẳng muốn người dua nịnh, chẳng sanh tâm tật đố, ích kỷ vì lợi ích riêng của mình, mà thường trải tâm đại từ bị, thương xót chúng sanh, làm những việc rất khó làm nhằm đem lại lợi ích cho chúng sanh. Các Thiện Nam, Thiện Nữ này được các hàng Trời Người ái kính, được chư Phật cùng chư đại Bồ Tát trong khắp 10 phương thường hộ niệm.

—oOo—

Các Thiện Nam, Thiện Nữ phát tâm hành Bồ Tát đạo, tu tập Bát Nhã Ba La Mật, khiến 6 pháp Ba La Mật chẳng đoạn dứt, nên có oai lực hàng phục được các chúng ma và các kể đến vấn nạn, hủy báng.

Chư Thiên, vì muốn cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, nên thường lui tới nơi nào có kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, có thuyết giảng Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, ở thế gian này, từ sông núi… dẫn đến cây cối đều do Tứ Thiên Vương cai quản, nên chỗ nào có biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, thì chư Thiên thường đến đó để nghe… dẫn đến để lễ bái, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật, làm cho Thiện Nam, Thiện Nữ biên chép, thọ trì… cung kính, cúng dường Bát Nhã Ba La Mật được tăng ích đạo tâm.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói các Thiện Nam, Thiện Nữ này được công đức ở đời này vậy.

Hỏi : Làm sao biết được có chư Thiên đến nghe, đến cúng dường Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Khi thấy có ánh quang minh chiếu rọi, hoặc ngửi mùi hương lạ, vi diệu, thì biết được có chư Thiên đến.

Hỏi : Thân người bất tịnh cả trong lẫn ngoài. Như vậy làm sao có được trú xứ thanh tịnh ?

Đáp : Khi các ác quỉ lánh xa, thì tâm người được nhẹ nhàng, thanh tịnh. Tâm tịnh, thì trú xứ tịnh vậy.

Lại nữa, chư Thiên chỉ đến khi đạo tràng được thanh tịnh. Như vậy, người tu hành phải an định trong tất cả các oai nghi “đi, đứng, nằm, ngồi”, lại phải xa lìa các ác sự, mới mời được chư Thiên đến đạo tràng được. Do thường an định, nên chẳng bao giờ có ác mộng, mà chỉ thấy những thiện mộng mà thôi.

Hỏi : Cúng dường Phật là cúng dường Bát Nhã Ba La Mật rồi. Như vậy vì sao nói cúng dường 10 phương chư Phật chẳng bằng cúng dường Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Cúng dường Phật mà còn thủ chấp tướng cúng dường, thì dù cúng dường phước điền tối thượng như vậy, mà công đức chẳng được bao nhiêu cả. Trái lại, vào được Bát Nhã Ba La Mật là vào được nơi thật tướng pháp, nên chẳng còn chấp pháp tướng. Bởi vậy nên cúng dường Bát Nhã Ba La Mật được vô lượng công đức.

Lại nữa, Bát Nhã Ba La Mật là mẹ, là thầy của chư Phật. Do Bát Nhã Ba La Mật lực, mà chư Phật thành tựu được 32 tướng tốt, cùng vô lượng quang minh, thần thông, biến hóa v.v…

Bởi nhân duyên vậy, nên nói cúng dường Bát Nhã Ba La Mật thù thắng hơn cúng dường chư Phật. Thế nhưng, chẳng nên vin vào nghĩa này để mà khởi niệm bất kính chứ Phật.

(Hết quyển 58)