LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 33

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)

Đáo Bỉ Ngạn
(Qua bờ bên kia)

KINH:

Muốn qua bờ bên kia của các pháp hữu vi và vô vi, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

– Qua bờ bên kia là qua bờ giải thoát, giác ngộ. Qua bờ bên kia là rõ biết tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp hữu vi và vô vi, là vào nơi thật tướng của các pháp.

– Từ khi sơ phát tâm đến khi được quả vị Phật, Bồ Tát thường tu tập Bát Nhã Ba La Mật nên qua được bờ bên kia của các pháp hữu vi và vô vi.

KINH:

Muốn biết rõ pháp như, pháp tướng và thật tế vô sanh của các pháp trong 3 đời, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Thế nào gọi là như? Thế nào gọi là 3 đời đều như?

Đáp: Nói Vô Sanh là nói Thật Tế. Nói 3 đời đều Như là nói hết thảy pháp tướng đều như, chẳng có sai khác.

Như có 2 nghĩa. Đó là:

-Thế gian như.

 -Xuất thế gian như.

Các pháp trong 3 đời đều chỉ là một tướng (nhất tướng). Do các nhân duyên quả báo, nên phân biệt có các tướng sai khác: có biệt tướng, có tổng tướng. Do sự phân biệt các tướng như vậy mà hình thành pháp tướng thế gian.

Nếu lấy trí tuệ Bát Nhã quán chiếu, thì sẽ thấy rõ các pháp tướng trong cả ba đời đều là như, là vô sanh, là thật tế vô sanh vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói các pháp thế gian và xuất thế gian ở cả 3 đời đều như.

Hỏi: Như pháp tướng cũng là vô sanh tướng, phá hết thảy các tướng, chẳng còn có phân biệt nữa. Như vậy vì sao còn nói đến thật tế vô sanh của các pháp trong 3 đời?

Đáp: Nhằm phá tướng sanh của các pháp, phá chấp có 3 đời mà nói các pháp trong 3 đời chỉ là một tướng (nhất tướng), là chẳng có tướng (vô tướng). các pháp chẳng có sanh nên là vô sanh. Tướng vô sanh là tướng Niết Bàn, là bất sanh bất diệt vậy.

Tướng của hết thảy các pháp cũng là tướng Niết Bàn, nên Phật thường dạy: “Hết thảy các pháp đều là thật tế vô sanh”.

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn cúng dường chư Phật, muốn làm quyến thuộc của chư Phật, có chư Bồ Tát trong hàng quyển thuộc của mình, muốn được tịnh báo đại thí hơn cả các hàng Thanh Văn, Duyên Giác, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Bồ Tát chưa được lậu tận làm sao có thể bằng được các vị Thánh đã được lậu tận?

Đáp: Bồ Tát sơ phát tâm đã hơn các người chưa phát tâm, huống nữa là đã nhiều đời tu tập đạo Bồ Đề, thường làm lợi ích cho chúng sanh. Bởi vậy nên Bồ Tát hơn các Thanh Văn, Duyên Giác.

Bồ Tát dù thị hiện làm thân người, làm thân súc sanh… đều được chúng sanh tôn kính.

Ví như tiền thân đức Phật Thích Ca Mưu Ni có thời thị hiện làm nai chúa, đã tinh tấn hộ trì Phật pháp hơn cả loài người, hoặc có thời thị hiện làm người xuất gia, đem pháp mầu hóa độ chúng sanh, hoặc có thời thị hiện làm thân người ngoại đạo, vào thời không có Phật, mà tu tập tứ vô lượng tâm, hoặc có thời thị hiện làm thân Bích Chi Phật vv…

Trong kinh Lăng Nghiêm có nói “Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trong 72 kiếp đã thị hiện làm thân Bích Chi Phật, vì các chúng sanh tu đạo Bích Chi Phật để vì họ nói pháp.

Hỏi: Vì sao lại muốn được làm quyến thuộc của chư Phật, cũng như muốn có chư Bồ Tát trong hàng quyến thuộc của mình?

Đáp: Những chúng sanh có thiện duyên với Phật và Bồ Tát, muốn được làm quyến thuộc, để được thân cận hầu hạ, cúng dường hoặc được nghe pháp, được dẫn dắt vào Đạo.

Ví như Xa Nặc, trong nhiều kiếp thường ở bên Phật, ví như có nhiều thế nữ, và nhất là bà Da Du Đà La, trong nhiều kiếp đã là nội thân thuộc của Phật.

Khi Phật vừa xuất gia, tu khổ hạnh, có 5 Đạo sĩ nhóm ngài Kiều Trần Như cùng tu tập với Phật. Các vị này về sau trở thành những vị đệ tử đầu tiên của Phật, xuất gia theo Phật và đều được Phật độ.

Sau khi thành Đạo rồi, Phật lại có rất nhiều vị đại quyến thuộc như các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma ha Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, Ma ha ca Diếp, Phú Lâu Na, A Nậu Lâu Đậu vv…

Lại nữa, các vị Đại Bồ Tát như các ngài Di Lặc, Văn Thù Sư Lợi…cùng vô số các vị Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát khác đều là đại quyến thuộc của Phật.

Kinh Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát nói “Ngay khi Phật giáng trần thì đồng thời cũng có vô số các vị Bồ Tát giáng trần làm quyến thuộc của Phật.

Kinh Pháp Hoa có nói đến vô số Bồ Tát từ đất hiện lên, tất cả đều là đại chúng quyến thuộc của Phật trong nhiều đời.

–o0o–

Phải nên biết rằng Phật có 2 thân là Pháp thân và Sanh thân. Bởi vậy nên quyến thuộc của Phật cũng có hai hạng. Đó là:

 -Quyến thuộc của Sanh thân.

-Quyến thuộc của Pháp thân.

Hỏi: Thế nào gọi là tịnh báo đại thí?

Đáp: Có thuyết nói Bồ tát có nhiều phước đức mà chưa trừ hết phiền não, lại thọ sự cũng dường của chúng sanh mà chưa tịnh báo các ân đức. Nếu Bồ Tát tu tập đầy đủ Ba La Mật, vào được thật tướng pháp thì sẽ đền đáp được tất cả các ân đức đó. Vì sao? Vì lấy việc lợi sanh làm đầu nên Bồ Tát được tịnh báo vậy.

Lại có thuyết nói Bồ Tát trú ở thế gian chỉ vì lợi ích chúng sanh, cũng như cha mẹ thương con mà muốn sống lâu ở đời, nên dù Bồ Tát có thọ sự cúng dường của chúng sanh, thì đó cũng chỉ vì lợi ích chúng sanh, chẳng phải là lợi riêng của chính mình. Như vậy là đã tịnh báo đại thí rồi vậy.

Đáp: Vì bi nguyện độ sanh mà Bồ Tát lưu kiết sử, thị hiện thọ sanh thân. Do công đức như vậy mà được tịnh báo thân.

*

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn tận trừ các tâm tham, sân, si, mạn, nghỉ, giải đãi, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Tất cả 6 ác tâm đó làm ngăn ngại công việc tu tập 6 pháp Ba La Mật. Phải tận trừ 6 ác tâm đó mới được tự tại tiến tu 6 pháp Ba La Mật. Để đạt đến mục tiêu đó thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma ha Tát muốn khiến chúng sanh tu bố thí, tu trì giới, tu nhẫn nhục, tu tinh tấn, tu thiền định, tu trí huệ để được đầy đủ phước đức, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Thế nào gọi là được phước đức?

Đáp: A Tỳ Đàm nói: “Phước đức là hữu lậu thiện, nên ở nơi cả 3 nghiệp thân, khẩu, và ý nói đầy đủ nhân duyên quả báo phước đức.

Hỏi: Thế nào gọi là bố thí được phước đức?

Đáp: Do xả tâm xan tham, làm lợi ích cho người khác mà được phước đức hữu lậu hay vô lậu, lại được quả báo, trí huệ, xả được tâm tương ưng pháp, lại được tâm tư duy đạo, dẫn đến được viên thành đạo nghiệp.

Nên biết bố thí phân biệt có hai thứ. Đó là:

-Tịnh thí

-Bất tịnh thí

Nếu do tâm từ bi, hoặc do muốn đối trị xan tham mà sanh tâm thanh tịnh, hành bố thí, thì đó là tịnh thí. Tịnh thí được vô lượng phước báo, đời đời chẳng bao giờ mất.

Trái lại, nếu hành bố thí với tạp tâm thì đó là bất tịnh thí.

Trong 8 niệm thì niệm Xả nhiếp về bố thí. Như vậy chỉ có Bồ Tát mới hành đầy đủ niệm xả, mới thật sự dùng tâm thanh tịnh bố thí.

Trong kinh có chép chuyện Bồ Tát Ma La suốt 12 năm bố thí sữa trâu, đựng trong bát bảy báu, và bố thí 8 vạn 4 ngàn vật khác nữa.

Lại như Bồ Tát Tu Dại Noa bố thí 2 con và luôn cả vợ cho một vị hóa Bà La Môn.

Các việc bố thí của Bồ Tát vô lượng vô biên chẳng sao kể xiết được.

Hỏi: Thế nào gọi là tội sát?

Đáp: Sát sanh là giết người hay giết vật. Nói chung là cắt đứt mạng sống của chúng sanh.

Hỏi: Nếu chẳng dụng tâm (vô tâm) mà ngộ sát thì có phạm tội sát không?

Đáp: Tội tùy tâm khởi. Ngộ sát chẳng phải do tâm khởi nên chỉ là tội nhẹ.

Hỏi: Còn các giới khác trong 5 giới thì sao?

Đáp: Cũng đều như vậy cả. Phải xét sự phạm tội có do tâm hay không do tâm khởi, để tùy theo đó mà luận tội. Như trong mục nói về Thi La Va La Mật (phẩm thứ nhất, Quyển 13) đã có nói rõ.

Hỏi: Tu từ và tu định có gì giống nhau không?

Đáp: Thiền định hữu lậu hay sanh quả báo từ, đem lại sự an vui cho chúng sanh, và cũng làm duyên khởi danh quả báo phước đức.

Chân từ tâm có các phương tiện từ lực, nên tùy tâm sanh phước đức. Do chân từ tâm mà khởi sanh chân ái, hay duyên vô lượng chúng sanh để làm lợi ích cho họ. Lại nữa, do chân từ tâm mà tâm ly dục dễ phát sanh, dẫn đến được phạm hạnh, được đầy đủ Tứ vô lượng tâm.

Hỏi: Vì sao Phật chỉ nói đến tu từ tâm là tu phước, mà chẳng nói đến 3 tâm bi, hỷ và xả?

Đáp: Trong 4 tâm thì tâm sanh đại phước đức. Còn như xả tâm do hành xả, nên chẳng còn nói đến phước đức nữa.

Từ tâm có 5 lực, đó là:

-Không làm tổn hại chúng sanh.

-Không độc ác với chúng sanh.

-Không bị lửa đốt cháy.

-Không bị nước cuốn trôi.

-Không bị những kẻ độc ác, những kẻ sân nhuế, dẫn đến những kẻ âm mưu ám hại bức bách. Tất cả những kẻ ấy đều bỏ ác, chuyển tâm hoan hỷ,

Hỏi: Trước đây nói bố thí sanh phước đức. Nay vì sao lại nói từ tâm lực sanh phước đức?

Đáp: Trước đây nói bố thí sanh phước đức là nói về tổng thí, bao gồm cả tài thí và pháp thí. Nay phân biệt nói tài thí và pháp thí có phước đức khác nhau.

 Ví như Phật và các đệ tử của Phật tiếp theo nhau nói pháp là pháp thí. Dẫn đến tọa thiền, an cư, trì kinh, tụng giới…đều nhằm duy trì Phật pháp, nên đều gọi là pháp thí cả.

Bởi nhân duyên vậy, nên kinh nói Bồ Tát muốn khiến chúng sanh tu 6 độ, tu bố thí…dẫn đến tu trí huệ, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật

KINH:

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma Ha Tát muốn có đầy đủ năm nhãn, gòm nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Năm nhãn tức 5 loại mắt, gồm:

-Nhục nhãn.
-Thiên nhãn
-Huệ nhãn
-Pháp nhãn
-Phật nhãn

Nhục nhãn chỉ thấy được gần. Thiên nhãn do nhân duyên 4 Đại thanh tịn hòa hợp, nên gần xa đều thấy cả. Huệ nhãn thấy rõ thật tướng của hết thảy pháp đều là KHÔNG, là vô tướng, là vô tác. Pháp nhãn phân biệt các phương tiện lợi sanh. Phật nhãn mới thấy được khắp tất cả. Ở nơi hết thảy pháp, Phật nhãn thường chiếu, vô ngại. (Ở phẩm sau sẽ nói đầy đủ hơn)

KINH:

Muốn dùng thiên nhãn thấy chư Phật ở hằng sa thế giới khắp 10 phương, dùng thiên nhĩ nghe chư Phật trong 10 phương thuyết pháp, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Thiên nhãn tuy thấy xa, nhưng chỉ thấy trong giới hạn 3000 thế giới. Nếu tu tập đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật thì sẽ thấy được các thế giới, Phật trong khắp cả 10 phương. Vì sao? Vì Bát Nhã Ba La Mật là vô quái ngại.

Hỏi: Người tu Ban Châu Tam Muội, tuy chưa có thiên nhãn vẫn thấy được 10 phương thế giới. Như vậy có gì khác với Bồ Tát đâu?

Đáp: Người tu Ban Châu Tam Muội là người đã ly dục. Do thường tu luyện để thấy khắp 10 phương, nên rất dễ được thiên nhãn.

Hỏi: Người độn căn ở chốn hạ địa chẳng có thể thấy được tâm của người lợi căn ở thượng địa. Như vậy làm sao Bồ Tát có thể biết được tâm của chư Phật ở trong khắp 10 phương?

Đáp: Bồ Tát nương theo phần lực của Phật mà thấy được như vậy. Trong kinh có nói: “Nương theo thần lực của Phật thì có thể thấy rõ được khắp các thế giới Phật trong 10 phương”.

Ngoài ra Bát Nhã Ba La Mật là nhất như. Tâm Phật và tâm Bồ Tát cũng ở thể nhất như, nên Bồ Tát biết rõ được tâm của chư Phật trong khắp cả 10 phương.

*

KINH:

Muốn dùng thiên nhĩ nghe chư Phật ở hằng sa thế giới khắp 10 phương, mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề mà chẳng hề quên lãng, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

 LUẬN:

Hỏi: Nghe một vị Phật thuyết pháp mà còn chưa nhớ hết được. Làm sao có thể nghe vô lượng chư Phật thuyết pháp mà nhớ mãi được?

 Đáp: Do tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà Bồ Tát được Văn Trì Dà La Ni. Nhờ lực Đà La Ni mà Bồ Tát ghi nhớ được các lời thuyết pháp chẳng hề quên lãng

Ví như biển lớn mênh mông có sức dung chứa được tất cả các nguồn nước từ khắp nơi chảy đến. Các nguồn nước ấy khi đã hòa vào biển rồi, đều có cùng một vị mặn của nước biển. Bát Nhã Ba La Mật mênh mông, dung chứa được vô lượng Phật pháp. Vì sao? Vì chư Phật ở khắp 10 phương thế giới thuyết pháp cùng một vị Bát Nhã Ba La Mật.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát tu tập Bát Nhã Ba La Mật mà rõ được nghĩa thuyết của chư Phật ở khắp 10 phương thế giới.

*

KINH:

Muốn thấy chư Phật ở cả ba đời, trong khắp 10 phương thế giới, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Trước nói đến thế giới Phật khắp 10 phương, sao nay lại nói đến chư Phật trong các thế giới ở khắp 10 phương?

Đáp: Trước đây nói Bồ Tát thấy các thế giới Phật khắp trong 10 phương, nhưng chưa thấy được các đức Phật. Nay nói phải vào thâm thiền định mới thấy được các đức Phật ở các thế giới khắp 10 phương.

Hỏi: Nói thấy các đức Phật khắp 10 phương còn hiểu được. Nhưng làm sao có thể thấy được các đức Phật ở cả ba đời?

Đáp: Bồ Tát vào Tam Thế Tam Muội nên thấy rõ suốt cả ba đời như thấy cảnh trong mộng.

Lại nữa, khi vào Vô Diệt Tam Muội thì Bồ Tát thấy các đức Phật chẳng có diệt độ.

Hỏi: Nếu chẳng dùng mắt thì vào 2 Tam Muội ấy làm sao mà thấy được?

Đáp: Đây là dùng huệ nhãn mà thấy, chẳng phải dùng nhục nhãn vậy. Ví như Phật có Nhãn Trí Minh Giác, nên đã chuyển Tứ Đế Pháp Luân. Bồ Tát thấy được các đức Phật khắp 10 phương thế giới, và cũng thấy được các đức Phật ở cả ba đời. Vì sao? Vì 3 đời chẳng khác nhau, đều là như như pháp tánh vậy.

*

KINH:

Muốn nghe chư Phật thuyết 12 bộ kinh, đọc tụng và thọ trì trọn vẹn cả 12 bộ kinh, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Pháp từ kim khẩu của Phật thuyết được kết tập trong 12 bộ kinh, tức là 12 cách thế thuyết pháp của Phật.

Trước khi thuyết, Phật mỉm cười, và từ kim khẩu của Phật iện ra các hào quang chiếu sáng. Các hàng trời, người, nếu có thiện duyên, gặp được quang minh của Phật đều được hết khổ.

Có kinh dài, có kinh ngắn, chẳng có phân định số câu nhiều hay ít. Có kinh do ngài A Nan cùng các đệ tử dương thời của Phật thưa thỉnh. Có kinh Phật tự thuyết, chẳng do người khác thưa thỉnh. Có kinh nêu lại tiền thân của Phật vv…

12 bộ kinh nêu trên đây gồm có:

 -Tu Đa La (Suftra) dịch là Khế kinh, Pháp bổn, tức là kinh trường hàng.
-Kỳ Dạ (Geya) dịch là Trùng tụng. Ứng dụng.
-Hòa Ca La Ni (Vyakarana) dịch là thọ ký.
-Già Đà (Gàthà) dịch là Phúng tụng, Khởi tụng.
-Ưu Đà Na (Udana) dịch là Tự thuyết.
-Ni Đà Na (Nidàna) dịch là Nhân duyên.
-A Ba Đà Na (Avadàna) dịch là Thí dụ.
-Y Đế Mục Đa Già (Itivrtaka) dịch là Bổn sự.
-Xà Đà Già (Jàtaka) dịch là Bổn sanh.
-Tỳ Phật Lược (Vaipulya) dịch là Phương quảng.
-A Phù Đà Đạt Ma (Adbhutadarma) dịch là Vị Tằng hữu.
– Ưu Bà Đề Xá (Upadêsa) dịch là Luận nghị.

–o0o–

Tu Đa La, tức là Khế Kinh, gồm có 4 bộ A Hàm (Agama). Đó là:

-Trường A Hàm (Dirghagama)
-Trung A Hàm (Madhyamagama)
-Tạp A Hàm (Ekottaragama)
-Tăng Nhất A Hàm (Samyuktagama)

–o0o–

Kỳ Dạ còn được gọi là Tu Đa La Kệ, tức là Kinh Trùng Tụng, hay Ứng Tụng. Đây là một thể thuyết pháp của Phật viết theo lối văn vần, dưới hình thức bài kệ.

Sau khi giảng kinh theo lối văn xuôi, Phật thấy có nhiều người không thể nhớ nổi, nên Phật bèn lặp lại theo lối văn vần, dưới hình thức kệ, để người nghe dễ hiểu hơn.

–o0o–

Hòa Ca La Na, tức là kinh Thọ Ký. Trong khi thuyết pháp, có rất nhiều lần Phật thọ ký cho một số vị trong 3 thừa đạo, ở đời vị lai sẽ thành Phật.

–o0o–

 Già Đà, tức là Kinh Phúng Tụng, hay Khởi Tụng. Già Đà là một bài kệ gồm 4 câu (tứ cú kệ) mà Phật thường đọc khi thuyết pháp để biểu dương thâm nghĩa của bài pháp.

Như bài kệ sau đây:

Chớ làm việc ác
Nên làm việc lành
Tự tịnh ý mình,
Đó lời Phật dạy.

–o0o–

Ưu Đà Na tức là kinh Tự Thuyết. Phật tự thuyết mà chẳng có người thưa thỉnh.

Ví như khi Phật vào thành Xá Bà Đề (thành Xá Vệ), tại nhà bà lão Tỳ Xá Khư, vào một buổi tối, trong lúc đi kinh hành cùng với cúng Tỷ Kheo, Phật dạy: “Này các Tỷ Kheo! Phàm phu do chẳng được đạo vô lậu, nên khi nghe nói đến vô ngã và vô ngã sở liền sinh tâm sợ hãi. Còn đệ tử của Phật, khi nghe như vậy rất vui mừng”.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Phật sưu tập các bài thuyết của Phật về Vô Thường về Bà La Môn vv…lập thành các phẩm kinh Vô Thường… phẩm kinh Bà La Môn vv… cũng thuộc về bộ Ưu Đà Na.

–o0o–

 Ni Đà Na tức Kinh Nhân Duyên.

Ví như Phật nói về các nhân duyên Phật thuyết Tu Đa La vv…

Lại nữa, do nhân duyên có một số Tăng Ni phạm luật nên Phật chế ra các giới cấm làm thành bộ Tỳ Nại Da Tạng, cũng gọi là bộ Tỳ Ni Tạng, tức là Luật Tạng, thuộc về bộ Ni Đà Na.

–o0o–

A Bà Đà Na, tức là Kinh Thí Dụ.

Ví như các kinh giải thích rõ các thí dụ về các trường hợp phạm giới, dẫn đến việc thành lập 250 giới cấm.

–o0o–

Có nhiều kinh thuộc về cả hai bộ Ni Đà Na và A Bà Đà Na.

Ví như Kinh Nhất Thiết Phật Ngữ, kinh Duyên Khởi sự.

Lại ví như kinh về chuyện Phật thưa với vua cha rằng, trong số các người xuất gia ở thành Xá Bà Đề, có người phá giới, nên Phật đã bảo các ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên giáo hóa họ, khuyên họ tinh tấn tu hành, dẫn đến được đạo quả.

Lại như mẫu chuyện trích trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn, kể về thời gian Phật cùng với đại chúng trở về nước, ở tại khu rừng cách thành Ca Tỳ La Vệ 50 dặm như sau:

Các Tỷ Kheo chuyên tâm tu hành không có ngủ nghỉ nên thấy đêm quá dài. Rồi sáng hôm sau đi vào thành khất thực, cũng lại thấy đường quá dài . Lúc bấy giờ có một con sư tử đứng ngay giữa đường nghênh đón Phật. Phật nhân đó thuyết bài kệ:

Không ngủ thấy đêm dài.
Mệt mỏi thấy đường xa.
Mải mê trong sanh tử,
Chẳng biết được chánh pháp.

Rồi Phật dạy các Tỷ Kheo rằng: “Này các Tỷ Kheo! Người chưa xuất gia, tâm buông lung, ngủ nghỉ, nên chẳng thấy đêm dài. Nay các ngươi tinh tấn suốt đêm từ đầu đến cuối, chuyên tinh cầu đạo, nên thấy đêm dài. Lại nữa, tại rừng ở thành Ca Tỳ La Vệ này, trước kia các người đến vui chơi thỏa thích nên chẳng thấy đường dài. Nay các ngươi đắp y, trì bát đi khất thực mà cất bước mệt mỏi, nên thấy đường dài.

Con sư tử thấy Phật liền đến chỗ Phật để được nghe thuyết pháp. Có một số Bà La Môn cũng tìm đến nghe. Tất cả đều im lặng nghe Phật thuyết pháp, nên chẳng có ai tiếp chuyện các Bà La Môn.

Lúc bấy giờ có một Bà La Môn sanh ác tâm quát rằng: “Các người đầu trọc kia cùng với súc sanh chẳng có gì khác nhau cả, các ngươi chẳng biết tiếp chuyện hay sao?”

Phật không trả lời trực tiếp, mà dạy rằng: “Này các Tỷ Kheo! Trước đây vào thời Phật Tỳ Bà Thi, con sư tử này cũng là một vị Bà La Môn. Do phạm tội mắng nhiếc các Tỷ Kheo mà trong suốt 91 kiếp thường phải đọa làm súc sanh. Nay sư tử đã ăn năn hối cãi, biết mình trước kia do ngu si mà phạm tội bất kính chúng Tăng, khiến phải bị chìm đắm trong đêm dài vô minh, nên nay đã tự tìm đến Phật, nghe pháp. Nhờ vậy mà được tín tâm thanh tịnh, sẽ được giải thoát”.

–o0o–

Y Đế Mục Đa Già, tức là kinh Bổn Sự, nói lên những việc làm, những kiến văn của Phật trong các đời trước, do chính Phật thuật lại.

–o0o–

Xà Đà Già tức là kinh Bổn Sanh, ghi chép lại những mẫu chuyện về tiền thân của Phật, do chính Phật thuật lại. Như các mẫu chuyện sau đây:

*Vào một đời trong quá khứ, Bồ Tát làm thân con sư tử ở trong rừng và kết bạn tâm giao với một con khỉ. Con khỉ đi vắng, gởi 2 con nhờ sư tử trông nom. Thừa lúc sư tử ngủ mê, có một con chim thứu đang đói bụng, từ trên cao sà xuống cắp một con khỉ con mang lên cây. Sư tử tỉnh giấc, thấy chim thứu bắt khỉ con liền cất tiếng nói với chim thứu rằng: “Khỉ mẹ đi vắng, gởi 2 con cho ta trông nom hộ, vì ta bất cẩn nên ngươi mới bắt khỉ con. Người hãy mang trả lại cho ta đi. Ta chẳng có thể phụ lòng khỉ mẹ được. Ta là chúa sơn lâm. Người là chủ tế trong các loài chim quý. Ngươi hãy tin ta, ta sẽ tìm mối khác đền cho ngươi”.

Chim thứu nói: “Ta đang đói bụng, chẳng thể chờ đợi lâu được”

Sư tử biết chẳng thể dùng lời nói thuyết phục được chim thứu, bèn tự lấy móng chân nhọn móc thịt mình đưa cho chim thứu để đổi mạng khỉ con.

*Có thời Bồ Tát làm  thân con cá đỏ. Gặp lúc trong nước, dân chúng bị một thứ bệnh mà chỉ có thịt cá đỏ mới chữa được. Bồ Tát bèn tự lấy thịt mình bố thí cho các người bệnh làm thuốc trị bệnh.

*Có thời Bồ Tát làm thân con gà trống sống trong rừng. Thấy có một người bị dìm sâu dưới nước để làm vật tế thần, gà động lòng thương, bèn bay đến tận núi Hương Sơn để tìm một thứ cỏ thuốc đem về buộc vào thây người ấy. Nhờ vậy mà người ấy được sống lại và được giải thoát.

–o0o–

Tỳ Phật Lược tức là kinh Phương Quảng. Đây là các kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn. Các kinh này chứa đựng nghĩa lý thâm sâu, rộng lớn, bao quát như hư không.

 Ví như các kinh Hoa Thủ, kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Vân, kinh Đại Vân, kinh Hoa Nghiêm, kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật…cùng nhiều kinh đại thừa khác.

–o0o–

A Phù Đà Đạt Ma, tức là kinh Vị Tằng Hữu, nêu những trường hợp Phật hiện thần lực, làm những việc chưa từng thấy ở thế gian.

Ví như khi vừa mới sanh, Phật phóng đại quang minh chiếu khắp 3000 đại thiên thế giới, lại chiếu suốt đến vô lượng cõi Phật trong cả 10 phương. Phật mẫu đến ồ Thanh Tịnh Bảo Trì tắm cho Phật. Lại có Phạm Thiên Vương cầm lọng che, có Đế Thích rửa chân Phật bằng 2 vòi nước do 2 con rồng phun ra.

Rồi Phật thị hiện 7 bước trên 7 đóa hoa sen và thuyết kệ. Sau đó trở lại thân hài nhi bình thường. Lúc bấy giờ từ trên trời mưa hoa rơi xuống, các cây trong vườn phát ra tiếng nhạc huyền diệu, đại địa chấn động.

–o0o–

Ưu Bà Đề Xá tức là kinh Luận Nghị, ghi lại những lời giải đáp của Phật để trả lời trực tiếp cho những người đến thưa hỏi, nhằm giải rộng thêm nghĩa kinh.

Ví như Phật dạy “Biết khỏ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo là 4 Thánh Đế”. Phần luận nghị có giải rộng thêm, như nói về Khổ Đế, thì có phân biệt giải rộng về 8 thứ khổ vv…

Lại ví như trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn, khi dạy về 6 Ba La Mật, Phật nói “ Đàn Ba La Mật…dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật đều phân biệt có:

-Đầy đủ (cụ túc)

-Chưa đầy đủ (chưa cụ túc)

Hỏi: Thế nào gọi là đầy đủ Ba La Mật?

Đáp: Khi Ba La Mật đã cùng với Bát Nhã Ba La Mật hòa hợp thì gọi là đầy đủ Ba La Mật.

Hỏi: Thế nào gọi là chưa đầy đủ Ba La Mật?

Đáp: Bồ Tát hành Ba La Mật, khi mới phát tâm, chưa vào được Vô Sanh Pháp Nhẫn, chưa cùng Bát Nhã Ba La Mật hòa hợp thì gọi là chưa được đầy đủ Ba La Mật.

Hỏi: Vì sao nói “Ba La Mật cùng với Bát Nhã Ba La Mật hòa hợp mới được đầy đủ?”

Đáp: Vì Bát Nhã Ba La Mật là đại phương tiện lực, nên người chưa có được trí huệ Bát Nhã Ba La Mật thì chưa có được các phương tiện lực.

–o0o–

Cũng nên biết Khế Kinh (Tu Đa La) do Phật thuyết ra, về sau được Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên rộng giải nghĩa trong các bộ Luận Nghị, cũng được gọi là Kinh Luận Nghị (Ưu Bà Đề Xá)

Lại nữa, vào thời Tượng Pháp, các luận nghị của các vị Pháp sư, y theo Phật pháp mà thuyết giảng, cũng gọi là Kinh Luận Nghị (Ưu Bà Đề Xá).

–o0o–

Có khi Phật thuyết pháp riêng cho hàng Bồ Tát nghe, thì hàng Thanh Văn chẳng thể nghe được.

Có khi Phật dùng thần lực biến vô số thân, ở khắp 10 phương để thuyết pháp.

Có khi Phật lên các cõi Trời để thuyết pháp, mà các đệ  tử của Phật chẳng thể nghe được.

Hỏi: Các bậc Thánh đã có đầy đủ 6 thần thông, có thể dùng thiên nhãn để thấy Phật ở cõi xa, dùng thiên nhĩ để nghe Phật ở các cõi ấy thuyết pháp, cũng như dùng Túc Mạng Thông để thấy biết các việc xảy ra trong quá khứ. Vì sao nay lại nói “Khi Phật thuyết pháp ở các cõi trời, các đệ tử của Phật chẳng thể nghe được?”.

Đáp: Hàng Thanh Văn do lực thần thông chưa được đầy đủ, chưa tỏa khắp rộng rãi nên phạm vi nghe và thấy còn có hạn lượng, do vậy mà chẳng có nghe được.

Ví như khi Phật vì các Đại Bồ Tát, thuyết kinh Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát, thì các ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng không nghe được. Vì sao? Vì hàng Thanh Văn chưa trồng giống đại thừa, nên chưa nghe được pháp Đại Thừa.

Lại ví như người tọa thiền, vào định Nhất Thiết Nhập, biến nước thành lửa, biến lửa thành nước v.v…mà người bên ngoài chẳng có thể thấy được vậy.

Kinh Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát nói rộng về các dục, chỉ các Đại Bồ Tát mới phụng hành và thọ trì được. Hàng đại Bồ Tát đã đầy đủ trí huệ Bát Nhã Ba La Mật, mới nghe được kinh này.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Bồ Tát muốn nghe chư Phật thuyết 12 bộ kinh, đọc tụng và thọ trì trọn vẹn 12 bộ kinh, phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật”.

(Hết quyển 33)