LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 25

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
4 Vô Sở Uý – 4 Vô Ngại Trí

I. 4 Vô Sở Uý

Phật nói ra 4 Vô Sở Uý là 4 đức không sợ hãi. Đó là:

  1. Nhất thiết trí vô sở úy

Phật nói: “Ta là bậc Nhất Thiết Trí. Cho nên ta được an ổn, được vô sở úy”.

  1. Lậu tận vô sở uý

Phật nói: “Ta đã tận hết thảy các lậu, cho nên ta được an ổn, được vô sở úy”.

  1. Thuyết chướng đạo vô sở úy

Phật nói: “Ta đã được như thật pháp, khiến các chướng pháp chẳng thể làm chướng ngại đạo của Ta, cho nên Ta được an ổn, được vô sở úy”.

  1. Thuyết Thánh đạo vô sở úy

Phật nói: “Ta có thánh đạo, vượt ra khỏi thế gian khiến những người hành đạo của Ta được thoát khỏi các khổ, cho nên Ta được an ổn, được vô sở úy”

Hỏi: Vì sao Phật nói ra 4 Vô Sở Úy?

Đáp: Vì Phật đã tự xưng là vô sở úy, nên nói ra 4 Vô Sở Úy, để đoạn nghi cho chúng sanh.

Phật đã tu khổ hạnh cùng với các Ngoại Đạo trong suốt 6 năm dài, mà vẫn chẳng thấy được trí huệ, nên đã rời bỏ rừng già, tự đi tìm lý giải thoát. Sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, Phật có được đại trí huệ, quang minh, chế phục được các tà giáo Ngoại Đạo. Hàng ngoại đạo uất hận, phỉ báng Phật, tìm mọi cách để triệt hạ oai đức của Phật. Họ còn vu oan giá họa Phật, khi như Ôn Đà Lợi tự sát, họ đã đem xác người con gái ấy, chôn cạnh tịnh xá của Phật, rồi phao tin đồn xấu về Phật. Bởi các nhân duyên ấy, nên Phật nói ra 4 Vô Sở Uý để xóa tan sự phỉ báng của hàng Ngoại Đạo, và cũng để đoạn nghi cho chúng sanh.

Phật dạy: “Chẳng ai biết đến Ta, Ta cũng chẳng sợ, vì Ta đã tận diệt các lậu tập. Nếu có ai nói Ta chưa được lậu tận, chưa chứng Niết Bàn, Ta cũng chẳng sợ”

Chỉ có Phật mới tận được hết các lậu, diệt hết các khổ, được Nhất Thiết Trí, mới nói ra được 4 Vô Sở Úy, như đã nêu trên đây, chẳng có ai có thể được như vậy cả.

– Do đã đầy đủ công đức mà có được các Vô sở úy thứ 1 và thứ 2.

– Do đã đầy đủ lợi ích cho chúng sanh mà được các Vô sở úy thứ 3 và thứ 4.

Hỏi: 10 lực là trí, 4 Vô sở úy cũng là trí. Như vậy có khác gì nhau không?

Đáp: Phật có vô lượng công đức.

Khi diễn bày nghĩa rộng, bao quát, thì nói đến Lực; còn khi nói tóm yếu, thì nói đến Vô Úy. Khi nói về sự phá hủy vô minh, hiển bày các thiện pháp, thì nói về lực; khi nói về sự chứa nhóm trí huệ thì nói về Vô Úy.

Lại nữa, trí vô úy mới được gọi là huệ. Vô Úy phát sanh lực để đối trị các tà pháp Ngoại Đạo. Vô Úy như vị lương y có đầy đủ các phương thuốc hay, đấy đủ các phương tiện để trị bệnh, các phương thuốc hay đó, các phương tiện khác để chữa trị bệnh đó đều là lực. Nói tóm lại, các phương tiện trí và lực, còn tiềm năng phát khởi các phương tiện trí và Vô Úy.

II. 4  Vô Ngại Trí
4 Vô Ngại Trí là đức trí không bị ngăn ngại. Đó là:
  1. Pháp vô ngại trí:
Đây là trí biết rõ các pháp chẳng có gì ngăn ngại.
  1. Nghĩa vô ngại trí:
Đây là trí biết rõ nghĩa của các pháp, giảng giải rõ nghĩa lý của các pháp, chẳng có gì ngăn ngại.
  1. Từ vô ngại trí:
Đây là trí biết rõ các danh tự, ngôn ngữ, chẳng có gì ngăn ngại.
  1. Lạc thuyết vô ngại trí:

Đây là trí biết rõ căn tánh chúng sanh, nên vui thuyết pháp, chẳng hề thối chuyển, chẳng có gì ngăn ngại.

Hỏi: Vì sao nói Phật có đầy đủ 4 Vô Sở Uý và 4 Vô Ngại Trí?

Đáp:Vì Phật có vô lượng trí huệ công đức, nên thường được vô ngại, tự tại, thường được vô sở úy.

Không có ai dám điều ngự cả đại chúng đông đảo, gồm đủ cả thành phần giai cấp trong xã hội loài người, gồm cả chư Thiên, Long, quỷ thần… Phật ở giữa đại chúng chẳng hề có sợ hãi, nên được tự tại, vô ngại làm công việc ấy.

Các luận sư Ngoại Đạo, do tâm kiêu mạn, khinh miệt thiên hạ, phỉ báng pháp của người khác, nên chẳng có thể điều ngự được đại chúng đông đảo, chẳng có thể thu phục được nhân tâm. Thế nhưng, có rất nhiều vị đại luận sư Ngoại Đạo, khi đã được gặp Phật, nghe được pháp, đều chuyển tâm, xin quy y theo Phật, và đều được Phật độ. Ví như 5 vị Đạo Sĩ nhóm ngài Kiều Trần Như, ngài Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp với 1000 Đạo Sĩ quấn tóc, ngài Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất v.v…

Hàng đệ tử của Phật, trong cõi Diêm Phù Đề, gồm đủ hạng người, từ các bậc vua chúa như vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La,… các Bà La Môn, dẫn đến cả những người thuộc giai cấp Thủ Đà La… Tất cả đều được Phật độ.

Hỏi: 10 Phật lực và 4 vô sở úy liên hệ với nhau như thế nào?

Đáp: Thị xứ phi xứ trí lực (Lực thứ 1) nhiếp về Nhất Thiết trí vô sở úy (Vô sở úy thứ 1)

Lậu tận trí lực (Trí lực thứ 10) nhiếp về Lậu tận vô sở úy (Vô sở úy thứ 2)

Còn 8 lực khác (Từ lực thứ 2 đến lực thứ 9) nhiếp về 2 vô sở úy thứ 3 và thứ 4.

Như Phật dạy ngài A Nan: “Hết thảy chỗ thế gian không biết đến, Phật đều biết khắp cả. Cho nên, Phật được gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà”.

Hỏi: Trước đây có nói hàng Ngoại Đạo nêu lên 14 lời vấn nạn mà Phật không đáp. Ngoài ra có vô số các pháp như pháp sắc, pháp vô sắc, pháp thấy được (hữu kiến), pháp không thấy được (vô kiến), pháp hữu lậu, pháp vô lậu v.v… Vì sao Phật chỉ nói một thứ đạo mà thôi? Phải chăng còn có rất nhiều pháp khác mà Phật không biết?

Đáp: Phật nói: “Ở nơi các pháp, Ta đã lậu tận. Nếu có ai đó nói Ta chưa lậu tận, thì Ta cũng chẳng có gì sợ hãi cả.”

Hỏi: Thế nào gọi là “lậu tận”?

Đáp: Lậu tức là phiền não. Thân tâm uế trược; đầy phiền não, đắm chấp 6 tình gọi là lậu.

Có 3 thứ lậu đó là:

  1. Dục lậu
  2. Hữu lậu
  3. Vô minh lậu

Trong kinh có phân biệt 7 lậu chướng Đạo pháp, gồm các nghiệp hữu lậu và hết thảy các phiền não chướng. Nếu trì giới, tu các thiện đạo, thọ các thiền vị, thì không chướng Niết Bàn. Nếu hành các pháp bất thiện và các pháp vô ký thì  gọi là chướng Niết Bàn.

Lại có thuyết nói Giới, Định, Huệ là 3 thắng pháp dẫn đến Niết Bàn.

Lại có thuyết nói 4 Thánh Đế là 4 thắng pháp dẫn đến Niết Bàn.

Lại có thuyết nói 5 căn xuất thế gian, 6 tánh xuất ly, 7 giác chi, 8 thánh đạo đều dẫn đến Niết Bàn.

Lại có thuyết phủ nhận tất cả những điều nêu trên đây. Phật đã lậu tận, chẳng có trụ chấp vào bất cứ pháp nào trên đây, nên chẳng có gì sợ hãi.

Hỏi: Vì sao nói “Phật chí thành an lập trú xứ A Lê Da?”

Đáp: Lấy đức độ để làm lợi lạc cho chúng sanh là an lập trú xứ A Lê Da. Đây là bản nguyện của bậc Thánh. Bởi vậy nên Phật chí thành an lập trú xứ A Lê Da.

Lại nữa, Phật tự diệt ác nơi mình, và cũng diệt ác nơi chúng sanh nên gọi là an lập trú xứ A Lê Da. Ví như Phật nói pháp 4 Thánh Đế, 3 phen chuyển 12 hạnh luân khiến hết thảy nghi hối, hết thảy ta kiến đều tiêu trừ, hết thảy các vấn nạn khúc mắc đều được giải tỏa, nên gọi là an lập trú xứ A Lê Da.

Bởi nhân duyên như vậy, nên trong đại chúng, Phật nói: “Ta có 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí. Nay ta chí thành, vì hết thảy thế gian, không phân biệt người trí, người vô trí, người tin, người không tin … nói pháp. Tất cả hãy đến với Ta, Ta sẽ giảng giải cho nghe”.

Phật, ở trong đại chúng, chẳng có sợ hãi. Ví như sư tử chúa đi đâu, các loài thú đều im lặng, ẩn trốn, như vậy gọi là vô sở úy. Vì Phật đã được vô ngại giải thoát, đã đầy đủ 4 chánh cần, 37 phẩm trợ đạo, 18 bất cộng pháp, 3 giải thoát môn, 4 như ý túc, 5 vô lậu căn, 10 lực … Nên lời Phật nói ra được chúng sanh tín thọ.

Lại nữa, vì Phật có Tam Muội Vương Tam Muội là nơi xuất sanh 4 vô ngại trí, vô ngại giải thoát, nên lời nói từ kim khẩu của Phật có oai lực hàng phục Ma Vương, chiêu cảm Ngoại Đạo, diệt hết tà kiến chấp. Ví như Phật thuyết pháp 4 Thánh Đế, thuyết 5 ấm vô ngã… khiến chúng sanh dứt được tà chấp, khởi được chánh tín, hành chánh Đạo.

Phật thuyết pháp như sư tử hống, có uy lực nhưng lại nhu nhuyến, thanh tịnh, khiến người nghe chẳng có nhàm chán, dứt được ác, hành thiện, được phước báo sanh lên cõi Trời, vào Niết Bàn an lạc.

Trong kinh nói: “Khi Phật thuyết về 4 Thánh Đế, hàng chư Thiên cũng sợ hãi, nghĩ rằng vạn pháp đều là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, thì rồi đây, phước lạc ở cõi Trời cũng sẽ phải dứt. Hàng chư Thiên lại nghĩ rằng trừ người đã ly dục ra, tất cả hạng người khác đều chẳng sao thoát khỏi được vô thường, nên đều sợ hãi, phải tu ly dục mới thoát khỏi vô thường, mới thoát khỏi sợ hãi vậy.

Phật y chỉ nơi 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí dẫn dắt chúng sanh thoát ra khỏi lưới của ác ma. Các hàng Trời nghe Phật nói sanh tín tâm, hoan hỷ, tinh tấn tu hành, vượt ra khỏi 3 cõi. Các bậc Thánh Hiền nghe Phật nói pháp liền vào được 3 Thừa Đạo.

Như vậy, do khát ái, đắm chấp dục lạc thế gian, mới sanh sợ hãi khi nghe Phật nói pháp. Còn nếu nghe Phật thuyết pháp mà sanh tín tâm thanh tịnh, tinh tấn tu hành, thì sẽ được đến Niết Bàn an lạc.

Hỏi: Vì sao nói Phật thuyết pháp như sư tử hống?

Đáp: Sư tử là chúa tể của các loài thú; tiếng gầm của sư tử oai hùng, vang dội cả khu rừng, khiến các loài thú đều sợ hãi, ẩn trốn. Phật là vị Pháp Vương; lời nói từ kim khẩu của Phật phát ra oai hùng, rõ ràng, quyết định. Bởi vậy nên nói Phật thuyết pháp như sư tử hống.

Lời nói từ kim khẩu của Phật có đầy đủ 20 đặc tính nêu sau đây:

  1. Lời nói y chỉ nơi 10 lực.
  2. Giọng nói rõ ràng, dễ nghe.
  3. Lời nói quyết định, không sợ hãi.
  4. Âm hưởng êm dịu.
  5. Nói các pháp vi diệu, chưa từng có.
  6. Khuyên đại chúng tinh tấn tu tập.
  7. Khiến các ác ma sợ hãi.
  8. Khiến tâm trí ác ma bị tán loạn.
  9. Khiến chư Thiên hoan hỷ.
  10. Đoạn hết lưới ma.
  11. Phá hết các câu móc của ma.
  12. Hiển bày cảnh giới thanh tịnh, xa lìa cảnh giới ma.
  13. Khiến thiện căn tăng trưởng.
  14. Khiến ác pháp suy giảm.
  15. Khai thị rõ ràng về nghiệp quả báo.
  16. Thuyết các pháp thanh tịnh.
  17. Dẫn dắt phàm phu vào Thánh Đạo.
  18. Khiến chúng sanh vào được 3 Thừa Đạo.
  19. Khiến chúng sanh được lậu tận.
  20. Khiến chúng sanh được viên thành Đạo nghiệp.

Do các đặc tính nêu trên đây nên nói Phật thuyết pháp như sư tử hống vậy.

Lại nữa, Phật còn được gọi là vị Phạm Luân, vì Phật chuyển được hạnh luân thanh tịnh, đầy đủ 4 niệm xứ, 5 căn, 5 lực, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 3 giải thoát môn, thiền định, trí huệ; lại dùng như tánh vô lậu giới làm xe, dùng 7 giác làm chi làm chuỗi anh lạc để tự trang nghiêm đầy đủ vô tránh kiến đạo, chuyển tà tâm của chúng sanh thành tín tâm thanh tịnh, dần dần vào được chánh Đạo.

Phật dùng diệu pháp sư tử hống phá được ma luân, tức là phá được 12 mắt xích duyên khởi, khiến cỗ xe sanh tử phải tự tán hoại; lại tiêu trừ phiền não, đoạn tận các nghiệp chướng, dứt sạch các khổ, khiến người tu hành sanh tâm hoan hỷ.

Pháp luân của Phật chẳng có ai lay chuyển được nên nói “Phật chuyển thanh tịnh hạnh luân”.

Hỏi: Phật và Chuyển Luân Thánh Vương có những điểm đồng và khác nhau như thế nào?

Đáp: Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua tại gia, thành tựu gia nghiệp, thọ danh các tướng của một vị đại vương, có đầy đủ 7 báu trang nghiêm, dùng 4 nhiếp pháp để trị nước an dân.

Phật là vị Chuyển Luân Thánh Vương xuất gia, đầy đủ các oai nghi, đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thường ở nơi thanh tịnh tự tại vô ngại. Phật là đấng có trí huệ vô thượng, đầy đủ cam lồ vị, được chúng sanh khắp 3 cõi tôn kính, cúng dường. Phạt phá sạch các óan tặc phiền não, đem lại sự hoan hỷ cho hàng Hữu Học và Vô Học. Phật có đầy đủ 7 giác chi, có vô lượng Pháp bảo, có 8 vạn 4 nghìn pháp môn siêu xuất thế gian, có 4 nhiếp pháp để điều phục chúng sanh, dạy cho chúng sanh hành các thiện pháp.

Chuyển Luân Thánh Vương chưa ly ái dục.

Phật đã ly hết thảy các phiền não, vĩnh viễn xa lìa ái dục. Chuyển Luân Thánh Vương trị vì trong 1 lãnh thổ có hạn lượng.

Phật chuyển pháp trong vô lượng vô biên thế giới.

Chuyển Luân Thánh Vương còn cầu vui ở ngoại pháp.

Phật có tự lạc đầy đủ. Người gặp Phật nghe pháp được tiêu trừ hết các khổ, dứt được các lậu nghiệp. Phật dạy: “Ta lấy hết thảy các pháp có công năng tiêu trừ các khổ của thế gian làm bảo luân”.

Chuyển Luân Thánh Vương còn bị 3 độc làm não loạn.

Phật đã tận đoạn 3 độc.

Chuyển Luân Thánh Vương chết rồi, chẳng có ai tiếp tục thế nghiệp.

Phật nhập Niết Bàn rồi vẫn có vô lượng các vị thánh kế tục thánh nghiệp. Bảo luân thế gian là hữu lậu. Phật luân là vô lậu.

Bảo luân thế gian còn kiết sử, Phật luân phá sạch các kiết sử.

Bảo luân thế gian là hữu lượng, Phật luân là vô lượng. Nếu nhất tâm thanh tịnh y theo pháp của Phật mà tu hành thì trong vô lượng kiếp sẽ được đầy đủ thiện pháp, đầy đủ trí huệ.

–oOo–

Khi Phật mới thành đạo có Phạm Thiên Vương đến cung thỉnh Phật chuyển pháp luân. Bởi vậy nên pháp luân của Phật còn được gọi là Phạm luân.

Khi Phật ở thành Ba Na Nại chuyển pháp luân, tiếng của Phật vang xa đến tận cõi trời Phạm Thiên, nên tiếng nói của Phật còn được gọi là Phạm Thiên âm.

Hỏi: Nghĩa của pháp luân và Phạm luân có gì sai khác nhau không?

Đáp: Nghĩa của pháp luân và của Phạm luân chẳng có gì sai khác. Sở dĩ có tên khác nhau vì thính chúng có sai khác vậy Khi Phật thuyết cho hàng ngàn người nghe, thì gọi là pháp luân. Khi Phật thuyết cho hàng Trời Phạm Thiên nghe, thì gọi là Phạm luân.

Hỏi: Pháp như thế nào mới gọi là pháp vô úy?

Đáp: Ví như 10 Phật lực và pháp vô úy. Vì sao? Vì ở nơi đây có tương ưng với trí. Nhưng nếu còn tương ưng với ý pháp thì trong tâm vẫn còn sợ hãi là chưa được vô úy. Ví như hành bố thì mà không chấp người cho, vì tương ưng với xả tâm, tương ưng với trí huệ vậy.

Hỏi: T ướng của 4 hạnh vô úy như thế nào?

Đáp: Tướng của 4 hạnh vô úy có thể nhận biết thông qua các dụ sau đây:

– Hạnh vô úy thứ nhất ví như thầy thuốc và các thuốc trị bệnh.

– Hạnh vô úy thứ hai ví như sự chẩn bệnh cho thuốc.

– Hạnh vô úy thứ ba ví như sự kiêng cữ khi dùng thuốc.

– Hạnh vô úy thứ tư ví như trạng thái an ổn khi lành bệnh.

Lại nữa, 4 hạnh vô úy nói lên các ý nghĩa sau đây:

– Hạnh vô úy thứ nhất nói về hết thảy trí.

– Hạnh vô úy thứ hai nói về hết thảy các phiền não đều đã tận.

– Hạnh vô úy thứ ba nói về các pháp chẳng có nhầm lẫn.

– Hạnh vô úy thứ tư nói về sự  lạc ở Niết Bàn.

Hỏi: Đã là Thật Pháp rồi, vì sao còn phân biệt các tướng.

Đáp: Phật pháp là bất khả đắc, vì như hư không. Vì là bất khả đắc nên tuy có phân biệt nói ra các tướng, mà chẳng có trụ chấp. Ví như vạn pháp đều nương vào hư không à dựng lập, nhưng hư không vẫn chẳng có tăng, chẳng có giảm vậy.

Trường hợp 4 vô sở úy cũng là như vậy. Phật nhằm độ thoát chúng sanh mà nói có đoạn trừ hết thảy phiền não kiết sử, nói có chứng đắc giải thoát Niết Bàn; nhưng tất cả đều là bất khả đắc.

Như bài kệ sau đây:

Tin các pháp đều KHÔNG
Là tùy thuận chánh lý
Chẳng tin nơi pháp KHÔNG
Là tà vạy, lỗi lầm.
Nếu chấp là không trơn
Thì chẳng có tạo nghiệp
Chưa tạo, nghiệp đã có;
Chẳng tạo, nghiệp vẫn sanh.
Như vậy, các pháp tướng
Chẳng sao suy lường được
Các pháp tuy sai khác
Nhưng đều tự tướng KHÔNG
Nếu đoạn dứt tâm hành
Không y chỉ nói năng
Lìa hai chấp CÓ, KHÔNG
Tâm tự nhiên thanh tịnh.

Hỏi: Trong pháp Thanh Văn có nói đến 10 lực và 4 vô sở úy không?

Đáp: Kinh Thanh Văn không có nói đến 10 Lực và 4 Vô Sở Uý.  Phật, vì hàng Thanh Văn, nói 4 Thánh Đế và 12 nhân duyên. Tu pháp Thanh Văn sẽ dẫn đến Niết Bàn. Trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn mới có nói đến 10 Lực và 4 Vô Sở Uý, hợp với Đại Từ, Đại Bi và Thật Tướng Pháp bất sanh bất diệt.

Hỏi: Tu hạnh Bồ Tát có 10 lực và 4 Vô Sở Uý không?

Đáp: Bồ Tát có tu 10 lực và 4 Vô Sở Uý.

10 Lực của Bồ Tát gồm:

  1. Phát tâm kiên cố
  2. Đầy đủ đại từ
  3. Không xả bỏ chúng sanh
  4. Cúng dường và cung kính chư Phật và chư Đại Bồ Tát
  5. Tinh tấn tu hết thảy các thiện pháp
  6. Nhất tâm thiền định
  7. Đoạn trừ hết thảy tà kiến
  8. Thọ sanh tử không nhàm chán, nhắm cứu độ chúng sanh
  9. Được đầy đủ 3 giải thoát môn KHÔNG, Vô Tướng và Vô Tác
  10. Rõ biết thật tướng pháp, được Vô Sanh Pháp Nhẫn
  11. Bồ Tát tu đẩy đủ 10 lực được tự tại, vô ngại.
  12. Được vô ngại giải thoát, chẳng còn bị các pháp trói buộc, nên trong đại chúng thuyết pháp chẳng có sợ hại.
  13. Được tự tại, vô ngại, nên trước sự nạn hởi của chúng sanh chẳng có sợ hãi.
  14. Giải được lưới nghi cho mọi chúng sanh, mà chẳng có sợ hãi.

–oOo–

Ngoài ra, Bồ Tát còn có 4 Vô Ngại Trí. Đó là:

  1. Pháp thí vô ngại trí
  2. Nghĩa vô ngại trí
  3. Từ vô ngại trí
  4. Lạc thuyết vô ngại trí

Bồ Tát có dầy đủ vô ngại trí, nên phân biệt vô ngại về tổng tướng và biệt tướng của hết thảy các pháp.

Hỏi: Nghĩa và danh có hợp có ly chăng?

Đáp: Cũng có hợp và cũng có ly.

Người đời xưa dùng giả danh để chỉ các pháp; người đời nay, nhân đó đặt thêm nhiều danh tự nữa, để rộng phân biệt các pháp.

Mỗi pháp đều có danh, tức là đều có tên. Có danh mới có nghĩa. Bồ Tát dùng lời nói phân biệt rõ các nghĩa nên mới có được lạc thuyết vô ngại.

Hỏi: 10 lực và 4 Vô Sở Úy cũng đã là Vô Ngại Trí rồi. Như vậy cần gì phải có thêm 4 Vô Ngại Trí  nữa?

Đáp: Ở trong đại chúng, nếu đã có đủ lực, đủ vô úy rồi, là đã có thể thuyết pháp vô ngại, chẳng còn sợ hãi.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bị ngăn ngại nên Bồ Tát phải trang bị thêm 4 Vô Ngại Trí. Có 4 Vô Ngại Trí mới trang nghiêm 4 Vô Sở Úy, mới kiện toàn 10 Lực.

Có người trong đại chúng được vô úy, nhưng không có lực đầy đủ, nên vẫn bị ngăn ngại khi thuyết pháo. Bởi vậy, phải trang bị thêm 4 Vô Ngại Trí, mới lạc thuyết được vô ngại vậy.

Hỏi: Bồ Tát dùng 4 Vô Ngại Trí như thế nào để độ chúng sanh?

Đáp : Bồ Tát dùng 4 Vô Ngại Trí như thế nào để độ chúng sanh như sau:

* Pháp vô ngại trí

Ở nơi pháp vô ngại trí, Bồ Tát chẳng y nơi người mà thường y nơi diệu pháp, khi làm hế thảy các Phật sự. Vì sao? Vì Bồ Tát biết rõ thật tướng các pháp, biết rõ hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, đều như huyễn, như hóa, đều chẳng thật có. Bồ Tát dùng Tát dùng Vô Ngại Trí phân biệt 3 Thừa Đạo, mà vẫn chẳng phá hoại pháp tánh. Bồ Tát biết rõ pháp tánh là vô tướng, nên ở nơi hết thảy các pháp, thường thông đạt vô ngại.

* Nghĩa vô ngại trí

Ở nơi nghĩa vô ngại trí, Bồ Tát biết rõ Thật Tướng các pháp, chẳng y nơi danh tự, ngữ ngôn; ly danh tự, ngữ ngôn ra thì mới rõ được nghĩa của Thật Tướng pháp. Bồ Tát, ở nơi hết thảy nghĩa thường được vô ngại.

* Từ vô ngại trí

Ở nơi từ vô ngại trí, Bồ Tát dùng danh tự ngôn ngữ mà thuyết pháp, nhưng vẫn biết rõ danh tự, ngôn ngữ chỉ là âm hưởng dùng để khai thị chúng sanh, khiến chúng sanh khởi được tim tâm thanh tịnh nơi chánh pháp.

Bồ Tát tùy theo nghĩa lý, mà dùng danh tự, ngữ ngôn để nói cho chúng sanh rõ. Bồ Tát hoặc dùng 1 ngữ, hoặc dùng 2 ngữ, hoặc dùng nhiều ngữ, hoặc nói rộng, hoặc nói hẹp khiến người nghe được rõ thông các nghĩa.

Lời Bồ Tát nói ra không nhằm mục đích khen chê, vì Bồ Tát rõ biết danh tự, ngữ ngôn chẳng có thật nghĩa. Mặc dù Bồ Tát biết rõ danh tự, ngữ ngôn chẳng có thât nghĩa nhưng vẫn dùng danh tự, ngữ ngôn để dạy chúng sanh tu các thiện pháp, xa lìa các ác pháp, nhằm dẫn dắt chúng sanh đến Niết Bàn.

Như vậy, lời của Bồ Tát là chân thật ngữ, nhằm giải rõ nghĩa của các pháp, khiến chúng sanh nương theo pháp nghĩa mà vào được nơi Thật Tướng Pháp.

* Lạc thuyết vô ngại trí

Ở nơi lạc thuyết vô ngại trí, Bồ Tát dùng 1 chữ nói lên hết thảy các pháp mà vẫn chẳng có gì trái nhau. Vì lợi ích chúng sanh mà Bồ Tát nói ra 12 bộ kinh, tùy chúng sanh muốn nghe cách nào, thì nói theoc cách ấy vậy. vì có người có tín căn, có người có tấn căn, có người có niệm căn, có người có định căn, có người có huệ căn, nên Bồ Tát phải tùy duyên mà phương tiện nói pháp.

Phật tùy 8 vạn 4 ngàn căn của chúng sanh mà nói ra 4 vạn 8 ngàn pháp môn để đối trị 3 độc cùng các phiền não kiết sử khác của chúng sanh. Phật, tùy theo chúng sanh muốn nghe gì thì nói nấy.

Như vậy gọi là lạc thuyết vô ngại trí.

Trí huệ của Bồ Tát vô lượng, vô biên, chẳng có ai bì kịp. Bồ Tát biết hết thảy các kinh thơ của Ngoại Đạo, mà vẫn chẳng có tự cao, chẳng làm phiền nhiễu người. Tuy làm việc thế gian mà Bồ Tát vẫn thường hướng về Niết Bàn.

Bồ Tát thành tựu 4 Vô Ngại Trí, nên sắc lực mỗi ngày mỗi tăng thêm quang minh, hơn hẳn hàng chư Thiên. Vì sao? Vì chư Thiên còn ái lạc, còn thích được tôn kính, cúng dường. Trái lại, Bồ Tát chẳng còn đắm trước, chỉ vì thương xót chúng sanh mà ra vào nơi các nẻo đường sanh tử. Bồ Tát, vì chúng sanh, dùng các phương tiện trí để dẫn dắt chúng sanh, khiến chúng sanh ưa thích rồi mới vì họ nói pháp, dần dần đưa họ vào chánh đạo.

Bồ Tát nói pháp vô tận, mà chẳng có hoại pháp, khiến chúng sanh đoạn trừ được tham ái và an trú trong Vô Thượng Bồ Đề

Bồ Tát Ma Ha Tát dùng 4Vô Ngại Trí như vậy để độ chúng sanh đến bờ giải thoát.

(Hết quyển 25)