LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 26

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Thập Bát Bất Cộng Pháp
(Mười Tám Pháp Bất Cộng)

Đây là 18 công đức mà chỉ riêng Phật thừa mới có. Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa chẳng có được.

18 Bất Cộng Pháp bao gồm:

  1. Thân không lỗi
  2. Miệng không lỗi
  3. Niệm không lỗi
  4. Không có khác tưởng
  5. Tâm thường trong định
  6. Xả bỏ tất cả
  7. Tâm lợi sanh không thối chuyển
  8. Tinh tấn không thối chuyển
  9. Niệm không thối chuyển
  10.  Huệ không thối chuyển
  11.  Giải thoát không thối chuyển
  12. Giải thoát tri kiến không thối chuyển
  13. Thân nghiệp tùy huệ hành
  14. Khẩu nghiệp tùy huệ hành
  15. Trí huệ biết quá khứ vô ngại
  16. Trí huệ biết hiện tại vô ngại
  17. Trí huệ biết vị lai vô ngại.

Các bậc A La Hán có trí huệ, cũng có được lạc thuyết vô ngại.

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Tôi biết nói một nghĩa trong suốt 7 ngày, 7 đêm, mà vẫn chẳng có cùng tận”.

Thế nhưng, chư vị A La Hán chẳng có được 18 Bất Cộng Pháp này.

Hỏi: Thế nào là “Thân không lỗi”?

Đáp: Phật đã từ vô lượng kiếp trì giới thanh tịnh, nên thân tâm chẳng có lầm lỗi. Chư vị A La Hán trì giới không quá 60 kiếp, nên vẫn còn có ít lầm lỗi.

Phật trong vô lượng kiếp thường hành thiền định, nên được vi diệu trí huệ, lại khéo tu Đại Bi, nên thân tâm chẳng có lầm lỗi.

Lại nữa, Phật dùng huệ căn, tận trừ hết thảy bốn tội căn. Bốn tội căn là tham dục căn, sân nhuế căn, ngu si căn và bố úy căn.

Chư vị A La Hán cũng đã dứt trừ các tội căn, nhưng vẫn còn chút ít tàn dư chưa được dứt sạch, nên còn vi tế lỗi lầm.

Trong kinh có chép các mẩu chuyện sau đây:

– Khi Ngài Xá Lợi Phất nhận lời mời của thí chủ đến nhà thọ thực, Phật dạy: “Như vậy là thân nghiệp còn bất tịnh”.

– Khi Ngài Xá Lợi Phất cùng 3000 Tỷ kheo về đến tịnh thất mà nói năng ồn ào, Phật đã bảo ra khỏi giới.

– Khi Ngài Xá Lợi Phất vào một ngôi chùa trống nhằm vào ngày thuyết giáo mà chẳng biết rõ nội ngoại giới ra sao. Sau đó Ngài bạch Phật về sự việc, và được Phật dạy rằng: “Ở trong một trú xứ qua đêm mà chẳng kiết giới, là thân còn có lỗi.”

Hỏi: Thế nào là “Miệng không lỗi”?

Đáp: Phật thường ở trong định, nên tâm được an định, chẳng có đắm trước, chẳng có tán loạn, chẳng có đắc thất (được mất), nên những lời Phật nói ra đều chẳng có lầm lỗi.

Hỏi: Thế nào gọi là “Niệm không lỗi”?

Đáp: Phật có đầy đủ Tam Minh, Lục Thông trang nghiêm, nên thành tựu niệm không lỗi. Phật có niệm căn, niệm lực vô lượng vô biên, nên thành tựu niệm không lỗi.

Lại nữa, nếu hết thảy ý nghiệp đều tùy trí huệ thì niệm không lỗi.

Hỏi: Thế nào là “Không có khát tưởng”?

Đáp: Ở nơi hết thảy chúng sanh, Phật thường giữ tâm bình đẳng, chẳng có phân biệt quen lạ, giàu nghèo, sang hèn. Ví như mặt trời soi sáng cả vạn vật, sưởi ấm cả muôn loài, Phật thương xót hết thảy chúng sanh, độ thoát tất cả, từ người đến cung kính cúng dường đến người phỉ báng lăng nhục; từ người hạ tiện đến người sang giàu, từ người hốt phân đến hạng quyền quý vương giả; từ người hiền lương đến người độc ác, gian tà v.v… Đối với tất cả các hạng người, Phật đều không có khát tưởng. Ví như đối với ông Đề Bà Đạt Đa độc ác, và Ngài Phú Lâu Na đoan nghiêm, Phật cũng không có khát tưởng.

Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu hành, nên tâm đã nhu nhuyến như vàng ròng, chẳng còn có thay đổi nữa.

Phật dùng Phật nhãn quán hết thảy chúng sanh, xem những ai có thể độ được, nên không có khát tưởng.

Phật thường quán chúng sanh, từ vô thỉ đến nay, đều là tự tánh bất sanh, bất diệt, mà chính chúng sanh lại chẳng biết rằng nơi mình thường có tự tánh thanh tịnh Niết Bàn, nên Phật không có khát tưởng.

Lại nữa, đối với các pháp thiện cũng như đối với các pháp bất thiện, tâm Phật thường như như, bất động, chẳng có tăng, chẳng có giảm, nên không có khát tưởng.

Hỏi: Thế nào gọi là “Tâm thường trong định”?

Đáp: Phật thường ở trong định nên tâm thường thanh tịnh chẳng có não loạn, chẳng khởi các nghiệp ở thân, khẩu và ý.

Hỏi: Nếu Phật thường ở trong định, chẳng có khởi các nghiệp ở thân, khẩu và ý, thì vì sao Phật lại đi thuyết pháp?

Đáp: Phật thường ở nơi thật tướng định, chẳng khi nào mà tâm chẳng định, nên dù đi thuyết pháp mà Phật vẫn thường ở trong định. Do vì Phật là bậc Nhất Thiết Trí, thường ở trong định, nên chẳng bao giờ lầm pháp.

Tuy ở trong các pháp sanh diệt, thường đoạn mà Phật vẫn biết rõ hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, đều như huyễn, như hóa, đều chẳng thật có, nên chẳng có bao giờ lầm pháp.

Phật có vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn, lại có 18 Bất Cộng Pháp rất thậm thâm, nên chẳng bao giờ lầm pháp.

Lại nữa, pháp tạng của Phật mênh mông, chẳng có thể nghĩ bàn, nên Phật chẳng bao giờ lầm pháp.

Hàng chư Thiên còn có được phước đức vô lậu, huống nữa là Phật thường ở trong định.

Hỏi: Thế nào gọi là “Biết xả bỏ tất cả”?

Đáp: Chúng sanh có 3 thứ thọ là thọ khổ, thọ lạc và thọ vô ký. Khi gặp khổ, thì khởi sân nhuế; khi gặp lạc thì mừng rỡ, không khổ cũng không lạc, thì ngu si.

Người chẳng biết khổ lạc là người độn căn. Người nhiều giác quán là người nhiều khổ lạc. Người vô trí là người chẳng biết khổ, chẳng biết lạc.

Trái lại, Phật ở nơi chỗ không khổ, không lạc mà vẫn hay biết. Khi sanh biết sanh, khi trú biết trú, khi diệt biết diệt. Bởi vậy nên nói thường biết xả bỏ tất cả.

Hỏi: Nghĩa của “xả” như thế nào?

Đáp: Chẳng thọ khổ, chẳng thọ lạc gọi là xả. Đây là nghĩa nêu trong 7 Giác Chi.

Lại nữa, chẳng hôn trầm, chẳng trạo cử, hành tịnh tưởng, thì mới gọi là bình đẳng xả.

Hết thảy các pháp, dù cạn, dù sâu, dù thô, dù tế, Phật đều biết rõ. Nhưng biết rồi, Phật liền xả, chẳng có đắm chấp.

Hỏi: Vì sao Phật hỏi ngài Nan Đà: “Thế nào là biết thọ sanh, thọ trú, thọ diệt?”

Đáp: Biết có 2 cách. Đó là:

1. Tâm biết khổ thọ sanh, biết khổ thọ trú, biết khổ thọ diệt.

2. Khi biết khổ thọ diệt, thì biết lạc thọ sanh. Biết lạc thọ sanh rồi, thì biết lạc thọ trú, biết lạc thọ diệt.

Như vậy nên chẳng có khổ, chẳng có lạc, là biết được biệt tướng và tổng tướng của khổ lạc.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật chẳng có gì mà chẳng biết, nhưng chẳng có gì mà chẳng xả.

Hỏi: Thế nào gọi là “bất động, không thối chuyển”?

Đáp: (Góp chung các Bất Cộng Pháp số 7, 8, 9, 10, 11 và 12) Tâm Phật bất động, không thối chuyển.

Tâm lợi sanh không thối chuyển, tâm tinh tấn không thối chuyển, niệm không thối chuyển, huệ không thối chuyển, giải thoát không thối chuyển, giải thoát tri kiến không thối chuyển.

Như trong kinh nói: “Tất cả những gì Phật làm đều lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Dẫn đến hơi thở ra vào đều đặn của Phật cũng là như vậy. Chúng sanh nghe hơi thở ra vào đều đặn của Phật cũng sanh được tín tâm thanh tịnh, ái lạc Phật. Chư Thiên nghe hơi thở của Phật xả bỏ được 5 dục, phát tâm tu thiện”.

Hỏi: Thế nào gọi là “các nghiệp ở thân, khẩu, ý đều tùy trí huệ hành”?

Đáp: (Góp chung các Bất Cộng Pháp số 13, 14 và 15).

Do các công đức như đã nêu trên đây, nên các nghiệp thân, khẩu, ý của Phật tùy trí huệ hành, nghĩa là đều được trí huệ dẫn đạo.

Hàng Thanh Văn chẳng được như vậy. Ví như trường hợp Ngài A La Hán Tất Lăng Già Bà Sa mắng vị thần sông là con tiểu tỳ khi ngài muốn sang sông, chứng tỏ thân khẩu nghiệp chưa tùy trí huệ hành vậy.

Hỏi: Vì sao hàng Ngoại Đạo chẳng có tin Phật, mà Phật vẫn cứ đến với họ, vẫn nói pháp cho họ nghe? Vì sao Phật lại mắng một số đệ tử là đồ ngu si, mắng ông Đề Bà Đạt Đa là người chết rồi chưa chôn? Vì sao Phật chế giới cho hàng Tỷ Kheo dùng bát thiếc, mà Phật lại dùng bát ngọc? Trái lại, vì sao Phật chế giới cho hàng Tỷ Kheo được đắp y giống Phật?

Tất cả các hành động như vậy của Phật có phải là tùy trí huệ hành hay không?

Đáp: Tất cả các hành động của Phật nêu trên đây đều có lý do, đều tùy trí huệ hành cả.

Phật biết rõ có rất nhiều luận sư Ngoại Đạo chẳng có tin Phật, thậm chí còn hủy báng Phật, nhưng Phật vẫn đến với họ. Vì sao? Vì Phật muốn gieo giống Phật nơi họ. Tuy nay họ chưa tin, nhưng chắc chắn sẽ đem lại cho họ lòng tin trong tương lai. Lại nữa, Phật muốn làm cho người hủy báng Phật đừng sanh tâm kiêu mạn. Bởi vậy nên Phật vào trong chúng Ngoại Đạo nói pháp, để họ thấy rõ lòng đại bi của Phật mênh mông, rộng lớn.

Trong kinh có chép các mẩu chuyện sau đây:

– Khi Phật thấy chúng sanh Ngoại Đạo lớn tiếng luận nghị với nhau, Phật muốn lánh đi nơi khác, nhưng lại có một vị luận sư mời Phật vào nói pháp cho hội chúng nghe. Khi Phật mới bước vào cả hội chúng im lặng. Phật thuyết xong, đứng dậy ra đi. Tuy Phật chẳng phải là vị thầy của họ, thế nhưng nghe xong thời pháp, có nhiều người đã sanh tín tâm kiên cố.

– Có trường hợp Ni Kiền Liên Tử, một luận sư Ngoại Đạo, lấy lá cây ngô đồng bọc mình, đến thách Phật tranh luận. Sau một thời gian đuối lý, mồ hôi toát ra đầm đìa, chảy cả xuống đất.

Phật hỏi: “Ông toát mồ hôi chăng?”

Ni Kiền Liên Tử đáp: “Ông cũng toát mồ hôi như tôi, có hơn gì tôi đâu”.

Phật phải cởi y ra để cho thấy rõ Phật chẳng có toát mồ hôi, nhằm tạo lòng tin nơi ông luận sư này.

– Có người chẳng tin Phật có lưỡi rộng dài, nên Phật phải thè lưỡi chấm đến chân tóc để cho người ấy tin.

–oOo–

Phật mắng một số đệ tử của Phật là đồ ngu si, vì các vị ấy sanh cấu tâm, sân nhuế. Đây là vì thương xót hàng đệ tử mà Phật đã làm như vậy, khiến các vị đệ tử ấy ly được cấu tâm, xả được sân nhuế.

Các việc làm tương tự như vậy đều nhằm mục đích giáo hóa. Vì sao? Vì có người chỉ cần dùng lời nhẹ nhàng, nhu nhuyến cũng đã có thể dạy dỗ họ, có người phải dùng đến những lời khắt khe, dẫn đến phải mắng nhiếc thậm tệ, mới cải hóa họ được, mới làm cho họ xa lìa việc cũ. Ví như con ngựa tốt chỉ cần thấy bóng roi đã chạy đúng đường, với con lừa đần độn thì phải dùng roi đánh vào thân nó mới chịu đi vậy. Cũng ví như mụn nhọt nhẹ, chỉ cần rịt thuốc là lành, còn các ung bướu nặng thì phải dùng đến dao mổ xẻ mới trị lành được vậy.

Lại nữa, khẩu huyết có 5 thứ là:

  1. Ỷ ngữ (lời nói bóng bảy, lời nói vô ích)
  2. Ác khẩu (lời mắng nhiếc)
  3. Vừa ác khẩu vừa ỷ ngữ
  4. Vừa ác khẩu vừa vọng ngữ
  5. Lưỡng thiệt (nói 2 lưỡi, nói đâm móc).

Phật chẳng còn phiền não, nhưng chỉ vì muốn giáo hóa chúng sanh, vì tha thiết muốn đưa chúng sanh ra khỏi các khổ nạn mà Phật phải phương tiện dùng các thứ khẩu thuyết. Đối với người phạm trọng tội, Phật dùng đủ cả 5 thứ, đối với người phạm tội nhẹ hơn, Phật tùy đối tượng, dùng 1, 2, 3 hoặc 4 thứ; còn đối với các đệ tử của Phật thường chỉ dùng 2 thứ là ỷ ngữ và ác khẩu mà thôi.

Các vị A La Hán chẳng còn ác khẩu huống nữa là Phật. Phật đã diệt ác khẩu từ lâu đời rồi, nhưng vì thương xót chúng sanh như cha mẹ thương con, nên Phật phải phương tiện dùng các khẩu thuyết để răn dạy đệ tử, như cha mẹ răn dạy con vậy.

Khi còn là Bồ Tát, Phật thị hiện làm một vị tiên nhân tu nhẫn nhục, bị vua Ca Lợi cắt tay chân mà vẫn chẳng sanh ác tâm, chẳng nói lời ác, huống nữa là nay đã thành Vô Thượng Chánh Giác rồi thì làm sao có khởi ác tâm, ác khẩu được. Tuy nhiên, đối với người cuồng ngu si, Phật phải dùng lời nặng, vì lời nói nhẹ nhàng nhu hòa chẳng có thể đem lại lợi ích cho họ được. Đối với người chẳng chịu nghe theo lời Phật dạy, Phật còn phải mắng thậm tệ mới có thể làm cho họ tỉnh ngộ được.

Phật thường hành trí huệ, thường quán Pháp KHÔNG, thì làm sao có thể dùng lời ác độc được. Đây chỉ vì chúng sanh chẳng thấu được tâm Phật, mà nghĩ là Phật còn ác khẩu vậy thôi. Nếu chúng sanh rõ được lòng thương vô tận của Phật đối với chúng sanh thì dù cho phải vào lửa cũng vào, huống nữa là nghe theo lời giáo huấn của Phật mà chẳng sanh tâm tín thọ hay sao?

Cho nên phải biết rằng Phật vì thâm niệm chúng sanh mà phải dùng đến những lời khắt khe nặng nề như vậy.

–oOo–

Vì sao Phật lại mắng ông Đề Bà Đạt Đa là người chết chưa chôn?

Ông Đề Bà Đạt Đa phạm trọng tội, phải đọa địa ngục, vậy mà chẳng chịu tu các thiện pháp. Ông bề ngoài tợ như một bậc thánh, mà bên trong chẳng có trí huệ, nên Phật gọi là người chết chưa chôn.

Ông Đề Bà Đạt Đa càng ngày càng sanh ác tâm, dẫn đến phạm 3 tội cực ác, nên Phật gọi ông là người chết chưa chôn, đáng phỉ nhổ.

Lại nữa, ông Đề Bà Đạt Đa là người tham lợi dưỡng. Nhờ có thần thông nên ông đã tự biến hóa thành thân một đứa bé, đến gần vua A Xà Thế. Được nhà vua yêu mến ôm vào lòng, ông bèn nuốt nước bọt (nước miếng) của nhà vua nhổ xuống đất. Bởi vậy nên ông là người đáng phỉ nhổ vậy.

Ông Đề Bà Đạt Đa mặc dù đã được thần thông biến hóa nhưng ông có rất nhiều tham vọng.

Trong kinh có chép mẩu chuyện về tham vọng của ông Đề Bà Đạt Đa như sau:

Ông nói với Phật rằng: “Thế Tôn đã già rồi, nên ngồi tọa thiền ở một nơi yên tĩnh trong rừng, hãy giao Tăng Đoàn cho tôi lãnh đạo”.

Phật dạy: “Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai người đã đắc trí huệ thanh tịnh rồi, mà Như Lai còn chưa giao lãnh đạo Tăng Đoàn, huống nữa là người cuồng si như ông làm sao Như Lai giao phó trọng trách đó được”.

Xem như vậy thì biết rằng, sở dĩ Phật phải dùng lời nói nặng nề, nghiêm khắc như vậy đối với hàng đệ tử, vì muốn giáo hóa họ, chẳng phải là do ác tâm.

–oOo–

Vì sao Phật chế giới cho hàng Tỳ Kheo dùng bát bằng thiếc mà Phật lại dùng bát bằng ngọc?

Phật chế giới không cho hàng Tỷ Kheo dùng bát làm bằng vàng, bằng ngà, bằng ngọc cũng như không cho họ cất giữ các vật quý, vì sợ họ sanh tâm đắm chấp. Do vậy, Phật chỉ cho hàng Tỷ Kheo dùng bát làm bằng vật liệu rẻ tiền như đất nung, sành thiếc v.v… Nếu dùng bát bằng thiếc thì ở mặt trong phải thật trơn láng, không thấm dầu.

Các Tỷ Kheo không được dùng bát bằng ngọc vì các lý do sau đây:

– Bát bằng ngọc quá nặng, sức người chẳng có thể mang được. Phật từ khi mới sanh, được nuôi dưỡng bằng sữa của 100 con voi trắng nên có thể lực rất tốt, cầm bát ngọc rất nặng mà chẳng thấy ngọc.

– Bát ngọc của Phật do Tứ Thiên Vương dâng cúng. Bát này tự nhiên sanh trên đỉnh núi, nên chỉ có Phật mới dùng được, chẳng ai có thể dùng được.

– Vào lúc Tứ Thiên Vương dâng cúng bát ngọc chưa có chúng tăng. Nếu Phật cho phép các Tỷ Kheo dùng bát ngọc thì loài người làm sao có đủ bát ngọc để cũng dường. Bởi vậy Phật chế giới không cho phép các Tỷ Kheo dùng bát ngọc để cho tín thí cúng dường loại bát khác, được sanh phước đức.

– Phật dạy: “Các Tỷ Kheo phải nên khiêm tốn, che giấu công đức của mình. Nếu thọ sự cúng dường bát ngọc, thì người đời tưởng rằng bát ngọc ấy do Thiên Vương cúng, tưởng rằng công đức các Tỷ Kheo đã ngang với Phật, khiến Tỷ Kheo sanh tâm kiêu mạn. Bởi vậy, Phật chế giới không cho phép Tỷ Kheo dùng bát ngọc.

Lại nữa, ví như vua dùng bát khác với quần thần, Phật dùng bát khác với Tỷ Kheo để cho người nhìn thấy Phật cầm bát ngọc sanh tâm cung kính Phật.

–o0o–

Vì sao Phật chế giới cho hang Tỷ Kheo được phép đắp y giống như y của Phật?

Chiếc y của Phật đắp trong đêm thành đạo, sau này được trao truyền lại cho Ngài Ma Ha Ca Diếp. Chiếc y đó giá trị muôn vàn, ngoại trừ Ngài Ma Ha Ca Diếp chẳng có ai có được.

Về sau, có một tín thí cúng dường một chiếc y rất quý giá, Phật bảo phá chiếc y ấy ra, cắt lại để may thành y Tăng Già Lê 1. May xong, Phật mới thọ mặc.

Phật cũng có cho phép các vị Tỷ Kheo giữ giới thanh tịnh được đắp y tốt, được thọ các thức ăn ngon. Sở dĩ Phật cho phép như vậy là vì các lý do sau đây:

– Chư vị đại Tỷ Kheo này đã giữ giới thanh tịnh, thiểu dục, tri túc, đã được tự tại, vô ngại, chẳng còn sanh tâm đắm trước.

– Chư vị đại Tỷ Kheo này là ruộng phước lớn của chúng sanh. Tín thí dâng y cho các vị ấy được thêm phước đức.

Lại nữa, vì số y mà tín thí cúng dường Phật quá nhiều, nên Phật chia lại cho các Tỷ Kheo để tín thí có thêm phước đức.

Vì muốn đoạn nghi cho chúng sanh mà Phật chế ra các nghi giới nêu trên đây.

Hỏi: Trong kinh có nói “Thân Phật là thân Kim Cang, chẳng cần ăn uống cũng sống được”. Như vậy Phật còn mang bát đi khất thực làm gì nữa?

Đáp: Pháp Phật chia ra làm 2 đạo: Thanh Văn Đạo và Phật Đạo. Trong Thanh Văn Đạo tùy thuận chúng sanh mà phương tiện thị hiện có đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống … như mọi chúng sanh.

Hỏi: Thế nào gọi là Phật dùng phương tiện?

Đáp: Vì muốn độ chúng sanh nên Phật dùng nhiều phương tiện thiện xảo thích hợp với căn trí của từng đối tượng chúng sanh.

Nếu sống trong loài người mà Phật khác với họ thì họ sẽ nghĩ rằng Phật là phi nhân (chẳng phải là người), nghĩ rằng họ sẽ chẳng học hỏi được gì nơi Phật cả.

Phật thị hiện có ăn, uống như loài người, để họ có nhân duyên cúng dường, nghĩ rằng thức ăn, thức uống của họ đem cúng dường Phật cần thiết để nuôi dưỡng thân Phật. Do vậy mà họ sanh tâm hoan hỷ, rồi từ đó họ rất dễ tín thọ lời Phật dạy hơn. Bởi nhân duyên như vậy, nên Phật thọ dụng các thức ăn uống của tín thí cúng dường, như các vị Tỷ Kheo

Phật độ chung sanh bằng rất nhiều phương tiện. Có người do nghe theo lời Phật dạy mà được độ, có người do thấy sắc tướng oai nghiêm của Phật mà được độ, có người do xúc chạm thân Phật mà được độ, có người do ngửi được hương thơm của Phật mà được độ. Có người do ăn đồ ăn dư của Phật mà được độ v.v…

Lại nữa, Phật ở trong chúng Tăng nên thường niệm Tăng, ăn uống như chúng Tăng để chúng Tăng nhờ nơi ruộng phước của Phậ t mà được chúng sanh cúng dường.

Trong kinh có ghi mẩu chuyện sau đây:

Có một thời gian ngắn, vua Tần Bà Sa La quên cúng dường, khiến Phật và chúng Tăng phải ăn lúa mạch. Phật thọ trước rồi trao cho lại cho Ngài A Nan và cá Tỷ Kheo khác. Tất cả đều ăn lúa mạch, mà lại tưởng như được hưởng vị cam lồ.

Khi vua Tần Bà Sa La sực nhớ lại, đến trước Phật xin sám hối tội lỗi về sự thiếu sót của mình. Phật lấy phần lúa mạch dành cho ngựa mà Phật đã ăn còn dư lại, trao cho nhà vua. Vua Tần Bà Sa La nhận phần lúa từ tay Phật bỏ vào miệng ăn. Lạ thay, nhà vua cũng thấy hương vị thơm ngon.

Như vậy, nên biết rằng, những thức ăn khó tiêu như lúa mạch dùng cho ngựa ăn mà Phật đã thọ rồi và cho phép ăn, thì ăn vào mới tiêu được. cũng vậy, người cúng dường phải đợi Phật thọ rồi thi lăn mới tiêu. Nếu Phật chưa thọ thì ăn vào không tiêu được.

Phật tuy chẳng cần ăn nhưng vì muốn độ chúng sanh mà phương tiên thị hiện có thọ thực, có ôm bình bát đi khát thực vậy.

Hỏi: Vì sao hàng Ngoại Đạo nêu lên 14 điều vấn nạn mà Phật làm thinh chẳng có trả lời? Hành động này của Phật có phải là tùy trí huệ hành không?

Đáp: Phật có 4 lối giải đáp. Đó là:

  1. Quyết định đáp
  2. Phân biệt nghĩa đáp
  3. Phản vấn đáp
  4. In lặng đáp.

Về 14 điều vấn nạn của hàng Ngoại Đạo, Phật đã dùng lối “im lặng đáp” tức là làm thinh, chẳng trả lời.

Hàng Ngoại Đạo vì nghi hoặc, đố kị, chẳng phải vì Niết Bàn mà nêu lên 14 điều vấn nạn. Càng giải thích thì càng làm tăng trưởng thêm sự nghi hoặc đố kỵ của họ, nên Phật đã dùng lối “im lặng đáp”. Làm như vậy họ được nhiều lợi ích hơn, còn dùng lối “phân biệt nghĩa đáp” thì chẳng đem lại lợi ích gì cho họ cả.

Lại nữa, Phật thuyết đủ 3 pháp, gồm:

  1. Hữu vi pháp
  2. Vô vi pháp
  3. Bất khả thuyết pháp

Hàng Ngoại Đạo chỉ chấp thường kiến và đoạn kiến, nên mới nên lên 14 điều vấn nạn. Thế nhưng thường và đoạn ở nơi Thật Tướng pháp đều là KHÔNG, nên Phật không đáp. Hàng Ngoại Đạo chỉ biết thường tướng và vô thường tướng mà chẳng có thể thấu rõ được tịch diệt tướng. Vì sao? Vì hàng Ngoại Đạo thủ chấp nơi thường tướng hoặc nơi vô thường tướng. Trái lại, Phật tuy nói có thường, nói có vô thường nhưng đó chỉ là vì đối trị mà nói vậy thôi.

Lại nữa, có Ngoại Đạo tuy chẳng rõ Thật Tướng mà lại nói KHÔNG cũng như CÓ, nói CÓ cũng như KHÔNG. Nói như vậy là quá lầm lỗi nên Phật làm thinh, chẳng có đáp lại vậy.

Ví như mặt trời khắp chiếu sáng vạn vật. Phật muốn hiển bày Thật Tướng pháp, mà rộng nói các pháp có tác giả hoặc không có tác giả làm ra, nói CÓ hoặc nói KHÔNG, nói các nhân duyên sanh già bệnh chết, nói có vô minh duyên hành, có hành duyên thức v.v… Phật cũng lại nói “dù có Phật hay dù không có Phật, thì ở trong thế gian này, các pháp nhân duyên vẫn thường tương sinh, tương lập. Các Đức Phật ra đời, chỉ vì muốn chúng sanh rõ biết Thật Tướng Pháp, mà nói ra như vậy thôi”.

Bởi nhân duyên như vậy, nên hàng ngoại  đạo nêu lên 14 điều vấn nạn, mà Phật làm thinh, chẳng có đáp lại. Ví như hỏi người đàn bà đá (thạch nữ) có sanh con không, thì chẳng cần giải đáp làm gì cả. Vì sao? Vì tất cả các lời vấn nạn của hang Ngoại Đạo đều lấy thường kiến hoặc lấy đoạn kiến làm gốc, nên chẳng cần phải giải đáp vậy. Ví như khi nghe Phật nói về ngã, về vô ngã, thì người có học Phật Pháp biết rõ đó chỉ là giả danh; còn người chưa học Phật pháp thì chẳng sao biết như vậy được. Sở dĩ Phật nói vô ngã là nhằm phá chấp về thường kiến, cho là có thật ngã; còn nói về ngã là nhằm phá chấp về đoạn kiến, cho rằng chết rồi là hết, chẳng biết rằng còn có thọ thân sau, còn có các nghiệp tội phước dẫn sanh thân sau vậy.

Hỏi: Nếu đã nói năm ấm chỉ là giả danh, nói chẳng pháp nào tự tại thì vì sao lại nói thật có “vô ngã”?

Đáp: Phật, vì hạng người chấp về thường kiến, mà nói chẳng có ngã (vô ngã) , chẳng có ai tạo tác (vô tác giả), chẳng có ai thọ (vô thọ giả).

Lại nữa, nói vô ngã là thật, là như pháp ấn, là nói hết thảy các pháp đều là vô thường, là vô ngã, là tịch diệt, là tướng Niết Bàn vậy. Như vậy là nhằm dẫn vào thật tướng pháp.

Đối với hạng người mà thiện căn chưa được thuần thục, thì chẳng nên vì họ nói vô ngã, khiến có thể rơi vào tà chấp đoạn diệt.

Hỏi: Vì sao Phật lại bảo ngài Ca Diếp rằng: “Nói ngã là chấp một bên, nói vô ngã cũng là chấp một bên. Phải ly cả hai bên, mới vào được Trung Đạo”. Sao nay lại nói vô ngã là thật, nói ngã là phương tiện?

Đáp: Vì hai hạng người sau đây mà nói “ vô ngã”. Đó là:

  1. Hạng người chấp tướng vô ngã.
  2. Hạng người phá ngã.

Người không chấp “vô ngã” mới là người xả ly, nên Phật dạy: “Trước nói “vô ngã” nhằm phá chấp một bên, sau cũng nói “vô ngã” nhưng đó là nghĩa Trung Đạo, là pháp ấn vậy.

Lại nữa, có hai nhân duyên mà Phật nói về ngã và về vô ngã. Đó là:

– “Ngã” chỉ là tùy thuận thế gian mà nói.

– “ Vô ngã” là y theo Đệ Nhất thật Tướng mà nói.

Như vậy, tùy theo trường hợp, mà Phật nói “ngã”, hoặc nói “ vô ngã” cũng chẳng có lỗi lầm gì cả.

Hỏi: Nói “có ngã” (hữu ngã) tức là CÓ, nói vô ngã tức là KHÔNG. Làm sao có thể là vừa CÓ vừa KHÔNG được?

Đáp: Chẳng phải như vậy. Phật dạy: “KHÔNG phải được hiểu theo hai nghĩa. Đó là chúng sanh không và pháp không”.

Phật nói “vô ngã” nhằm khai thị “chúng sanh không” và đồng thời cũng khai thị “pháp không”. Phật nói “ngã”, khai thị ngã là giả lập, chỉ có giả danh, giả tướng, chẳng thật có, để không còn chấp nữa. Vì sao? Vì chúng sanh chap 5 ấm đều có tướng ngã, rồi cho đó là thật ngã. Bởi vậy nên, nhằm phá trừ chấp ngã, mà Phât nói 5 ấm là vô thường, là khổ, là không, là tướng tịch diệt Niết Bàn, chỉ có nơi danh tự mà thôi.

Như trên đây đã nói rằng đối với hạng người chấp đoạn diệt, thì chẳng nên vì họ nói vô ngã.

Chấp về đoạn kiến có hai trường hợp. Đó là:

– Chấp chẳng có đời sau, chẳng có tội phước, chẳng có thọ quả báo khổ lạc. Đối với hạng người này phải nói có ngã ( hữu ngã),phải nói có đời này, đời sau, có tội phước, có thọ quả bác khổ lạc.

Chấp hết thảy các pháp đều là KHÔNG trơn. Đây là tà kiến về đoạn diệt, đối với hạng người này, phải nói về hết thảy pháp hữu vi và pháp vô vi, thì họ mới rõ được nghĩa của pháp KHÔNG.

Lại nữa, đối với người độn căn, lụt trí thì phải vì họ nói vô ngã, nhằm phá trừ chấp ngã nơi họ. Đối với người lợi căn, thông trí, thì phải vì họ nói các pháp, trước sau đều rốt ráo KHÔNG, giúp họ thấy rõ về “ngã không” và “pháp không”.

Như bài kệ sau đây:

Người rõ biết vô ngã
Là người chẳng còn chấp
Nghe “hữu pháp” chẳng vui
Nghe “vô pháp” chẳng sợ.

Nên biết nói “hữu pháp” là nói các pháp có chỗ y chỉ; nói vô pháp là nói các pháp chẳng có chỗ y chỉ.

–oOo–

Lại nữa, Phật có hai cách thuyết:

– Nếu rốt ráo, thì nói hết thảy pháp đều KHÔNG

– Nếu phương tiện, thì nói vô ngã.

Cả hai cách thuyết đều dẫn vào Bát Nhã Ba La Mật. Trong kinh có nói “đi đến Niết Bàn chỉ có một hướng, chẳng sai khác”

Lại nữa, đối với người tại gia, thì phần nhiều nói có ngã, có pháp, có cha mẹ, có tội phước, có nghiệp báo nhiều hay ít v.v… Vì sao?

Vì người tại gia, phần đông, chẳng cầu Niết Bàn mà chỉ cầu phước báo ở đời sau. Đối với người xuất gia, thì phần nhiều nói vô ngã và vô pháp. Vì sao? Vì người xuất gia, phần đông hướng về Niết Bàn, và do cầu Niết Bàn mà chẳn g có tham đắm các pháp thế gian.

Lại nữa, đối với người tín căn chưa thuần thục thì trước phải nói về cầu hữu sở đắc, rồi sau đó mới dạy họ xả được. Vì hạng người này Phật dạy tu thiện pháp để xả ác pháp. Còn đối với người tín căn đã thuần thục, ở nơi các pháp chẳng còn cầu hữu sở đắc nữa, mà chỉ cầu xa lìa sanh tử, thì Phật vì họ nói về pháp KHÔNG.

Cả hai cách thuyết pháp đều là chân pháp cả.Vì sao? Vì hết thảy các pháp chỉ là giả danh, chẳng có lớn nhỏ, chẳng có ngắn dài, chẳng có gần xa, chẳng có tốt xấu … Bởi vậy nên dù thuyết CÓ (hữu), dù thuyết KHÔNG (vô), cũng đều như nhau cả. Có thời Phật thuyết theo nghĩa thế tục, có thời Phật thuyết theo Đệ Nhất Nghĩa, nên nói thuyết có ngã (hữu ngã) hay thuyết vô ngã cũng đều là thật pháp cả.

Hỏi: CÓ và KHÔNG (hữu và vô) đều là thật pháp cả. Như vậy vì sao Phật thường tán than KHÔNG mà lại bỏ HỮU.

Đáp: KHÔNG nghĩa là Vô sở hữu, là Như Pháp Tạng của chư Phật và chư Hiền Thánh trong khắp 10 phương, là Bát Nhã Ba La  Mật vậy. Trong phẩm Chúc Lụy Phật nói: “Bát Nhã Ba La Mật là Pháp Tạng của chư Phật ba đời khắp 10 phương. Bát Nhã Ba La Mật là KHÔNG, là Vô sở hữu”.

Khởi đầu Phật nói về Hữu pháp để giáo hóa chúng sanh rồi dần dần chúng sanh vào trong Vô Sở Hữu Tạng.

Hỏi: Kinh Bát Nhã Ba La Mật dạy: “Quán 5 ấm đều là KHÔNG, là Vô sở hữu”. Quán như vậy là vào được Đạo chăng?

Đáp: Theo Bát Nhã Ba La Mật, thì Hữu và Vô đều là KHÔNG, tức là đều tự tánh KHÔNG cả.

Trong Kinh Phạm Chí có nói đến ba thứ tà kiến, đó là:

– Chấp Nhất Thiết Hữu (chấp hết thảy đều có)

– Chấp Nhất Thiết Vô (chấp hết thảy đều không)

– Chấp bán Hữu bán Vô (chấp nửa có nửa không)

CÓ (hữu) là có trói buộc (hữu phược), KHÔNG (vô) mà chẳng chấp KHÔNG là chẳng có trói buộc (vô phược).

Các Thánh dệ tử của Phật thường niệm rằng: “Nếu ta thọ một trong ba chấp, thì ta sẽ cùng hai chấp kia đấu tranh). Bởi vậy nên nói “Đạo Phật là Vô tránh (chẳng có đấu tranh) tức là xả, là vô kiến, tức chẳng thọ các kiến chấp”. Phải chẳng thọ các kiến chấp mới vào được đạo. Vì sao? Vì nếu chẳng chấp hết thảy pháp thì tâm mới được thanh tịnh, chẳng còn khởi đấu tranh, chỉ còn trừ các kiết sử nơi chính mình, dẫn đến được Thật trí huệ. Trái lại, nếu còn có chấp tướng CÓ (hữu), tướng KHÔNG (vô), thì còn khởi đấu tranh, do vậy mà chẳng sao có thể diệt được kiết sử nơi mình. Người y nơi kiết sử mà tư duy, tưởng mình có trí huệ thì trí huệ ấy chẳng phải là thật trí vậy.

Tóm lai, chỉ vì muốn độ chúng sanh, mà Phật diễn bày các pháp. Hết thảy lời Phật nói ra chẳng có gì là chẳng thật. Thế nhưng chúng sanh, do tâm chấp CÓ, chấp KHÔNG mà thấy pháp có thật hay không có thật vậy thôi.

Trên đây đã trình bày đầy đủ các nhân duyên cho thấy Phật ở nơi thân, nơi khẩu, nơi ý đều chẳng có lầm lỗi, vì trước sau Phật đều theo trí huệ hành cả.

Hỏi: Trước nói “Phật ở nơi thân, nơi khẩu, nơi ý đều chẳng có lỗi lầm”. Nay vì sao lại nói “Các nghiệp thân, khẩu, ý của Phật đều theo trí huệ hành?” Nghĩa của hai câu ấy có gì khác nhau không?

Đáp: Trước nói “Thân, khẩu, ý của Phật chẳng có lỗi lầm”, mà chẳng nói đến nhân duyên. Nay nói rõ thêm là do trí huệ hành nên chẳng có lỗi lầm.

–oOo–

Phật do nơi trí huệ  mà khởi các nghiệp thân, khẩu, ý, nên chẳng có lỗi lầm.

Lại nữa, Phật đã thành tựu 3 tịnh nghiệp, nên chẳng cần hộ 3 nghiệp thân, khẩu, ý nữa.

Có người khởi tâm nghi, hỏi Phật: “Vì nhân duyên gì mà Phật thành tựu được 3 tịnh nghiệp như vậy?” Phật dạy: “Ta ở nơi trí huệ, khởi 3 nghiệp thân khẩu ý, và tùy trí huệ hành, nên thành tựu được 3 tịnh nghiệp”.

Hỏi: Thế nào gọi là “trí huệ thông đạt cả 3 đời vô ngại”?

Đáp: (Góp chung cả 3 Bất Cộng Pháp số 16, 17, 18)

Trí huệ của Phật mênh mông, chẳng thể suy đường, chẳng thể nghĩ bàn, thông suốt cả 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai vô ngại, nên  tất cả các nghiệp thân, khẩu , ý của Phật đều theo trí huệ hành, đều chẳng có lỗi lầm.

Hỏi: Các pháp quá khứ đã diệt, các pháp vị lai chưa sanh, còn ở hiện tại thì một niệm cũng chẳng trú. Như vậy, làm sao có thể thông đạt cả 3 đời vô ngại được?

Đáp: Phật dã thông đạt 10 trí, 10 lực. Bởi vậy nên Phật biết rõ cả 3 đời vô ngại.

Hỏi: Nói như vậy thì cả 3 đời đều có. Sao lại nói là KHÔNG?

Đáp: Khi thuyết về Tứ Thánh đế, Phật dạy “Khổ là vô thường. Nếu đã là vô thường, thì là sanh diệt, là hủy hoại, là bất khả đắc vậy. Trái lại, nếu quá khứ là thật có, thì chẳng thể biết là vô thường, là hủy hoại được; nếu cả 3 đời đều thật có cả, thì rơi về chấp thường. Vì sao? Vì pháp của đời quá khứ nhất định có chuyển đến hiện tại, pháp của đời hiện tại nhất định sẽ chuyển đến vị lai. Ví như một người di chuyển từ phòng này sang phòng khác, thì làm sao nói người ấy mất được?

Hỏi: Vậy thì nói: “Chẳng có mất” mới là không có lỗi chăng?

Đáp: Nói  “chẳng có mất” cũng chẳng có lỗi gì cả, vì đây chỉ là sự chuyển dời, chẳng thể gọi là mất được vậy.

Tuy nhiên, nếu chấp KHÔNG, rồi nghĩ rằng vì KHÔNG nên chẳng có tội phước chẳng có sanh tử thì đó là tà kiến chấp. Vì sao? Vì sẽ chẳng có 10 thiện nghiệp, chẳng có 10 bất thiện nghiệp, dẫn đến chẳng có các nghiệp ở thân, ở khẩu và ở ý. Do lầm chấp như vậy mà tạo nên bao nhiêu tội lỗi.

Hỏi: Nếu nói “Các pháp trong 3 đời đều có tướng” thì sao?

Đáp: Nếu nói như vậy thì chẳng làm sao giải thích được các trường hợp đời trước làm việc ác mà đời này thọ Tỷ Kheo tu phước; đời trước thọ Tỷ Kheo, tu phước mà đời nay làm việc ác v.v… Vì sao? Vì nếu tướng của các pháp ở hai đời quá khứ và hiện tại đều thật có thì hai đời ấy chẳng có liên hệ gì với nhau. Còn nếu có liên hệ với nhau thì cả hai đời đều chẳng thật có, vì có thể biến chuyển vậy. Ví như vị Tỷ Kheo, ở đời hiện tại, do tu hành mà biến chuyển được ác tâm ở đời quá khứ. Đây chỉ là duyên sanh, là như huyễn, do sự biến chuyển tương tục mà có. Nếu có biến chuyển thì cũng chẳng thật có vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên chấp tướng của các pháp trong 3 đời đều có thật là phạm lỗi lầm.

Hỏi: Người đời nay làm 5 tội bội phản (ngũ nghịch), nếu cứ y theo luật nhân quả thì phải đọa vào địa ngục. Như vậy làm sao có thể biến chuyển thành vô tội được?

Đáp: Người làm 5 tội bội phản sẽ phải đọa vào địa ngục. Nhưng nếu khi làm tội tự biết mình có tội, ăn năn hối cải, thì cũng có thể tiêu được một phần tội lỗi. Ví như vua A Xà Thế phạm tội giết cha, nhưng khi được nghe Phật dạy cho ông các pháp đại sám hối, thì trong tự tâm ông đã chuyển ác thành thiện niệm, nên ông liền được tiêu bớt một phần tội lỗi.

Phải nên biết rằng “lý nhân quả nhiếp trong lý duyên khởi, nhưng duyên thì lại trùng trùng vô tận tương tục chuyển biến. Ví như hạt lúa ở mùa này là nhân sanh ra cây lúa ở mùa sau. Tuy hạt lúa giống rất tốt, nhưng nếu thiếu các nhân duyên bên ngoài như phân, nước, thời tiết v.v…thì hạt lúa kia cũng chẳng cho được kết quả tốt, cây lúa mọc lên sẽ èo uột, yếu ớt vậy. Trái lại, hạt lúa giống tuy xấu nhưng nếu có đủ các trợ duyên tốt, thì cây lúa mọc lên cũng mập mạnh như ý muốn vậy.

Cũng như vậy, nếu thân khẩu ý đều theo trí huệ hành mà chẳng bị các nghiệp dẫn thì đương nhiên các chủng tử xấu của đời trước sẽ bị lép dần, chẳng còn hội đủ các duyên để khởi thành hiện hạnh nữa. Bởi vậy nên nói 3 đời nhân quả có thể chuyển tốt thành xấu, hoặc chuyển xấu thành tốt. Đây là do các duyên nghiệp huân tập đời trước mà đời sau thọ quả báo vậy.

Hãy lấy một thí dụ khác. Ví như trước đây ta đã từng thấy lửa đốt củi cháy. Do đã thấy cảnh tượng ấy nhiều lần rồi, mà niệm tưởng ở nơi ta càng lâu, càng tăng trưởng. Các niệm quá khứ đã diệt rồi, thế nhưng nếu hôm nay, ta thấy lửa đốt củi cháy, thì ta liền biết nay đó là lửa để đốt củi, đó là củi để chụm lửa vậy. Vì sao? Vì các niệm tương tục sanh ra, tương tục huân vào, lại nhờ đã có ức tưởng nhiều lần rồi nên nay vừa thấy một pháp đã từng thấy, đã từng biết trong quá khứ là ta liền nhận diện ra được.

Lại nữa, do 3 đời nhân quả mà đời nay mới có người thông minh, có người dốt nát, có người giàu sang, có người nghèo túng, có người hiền đức, có người ác độc v.v… dùng tâm thức quán sát các nhân sanh ở trong nội tâm và các pháp trợ duyên ở bên ngoài, ta có thể biết sơ lược về 3 đời duyên nghiệp tương tục, nhưng ở nơi hiện tại ta chẳng có thể rõ được các tâm sở pháp tương tục sanh diệt vậy.

Hỏi: Trong kinh Bát Nhã Ba La Mật, ở phẩm Như Tướng có nói 3 đời cũng chỉ là một tướng (nhất tướng). Lời ấy có ý nghĩa gì? Vì sao nói “trí huệ thông đạt vô ngại cả 3 đời”?

Đáp: Phật có 2 lối thuyết pháp. Đó là:

– Thuyết phân biệt các pháp tướng.

– Thuyết các pháp tướng đều là rốt ráo KHÔNG, đều là vô tướng. Dùng trí huệ thông đạt vô ngại các pháp trong 3 đời, biết rõ các pháp đều là vô tướng, là bất khả đắc, là bất khả đắc KHÔNG.

Lại nữa, Phật thuyết pháp có phân biệt rõ 2 đạo. Đó là:

– Đạo phước đức

– Đạo trí huệ

Đạo phước đức hay sanh các phước báo công đức. Đạo trí huệ khiến rõ các pháp đều duyên sanh, đều là tự tánh KHÔNG. Nhờ vậy mà xả được sự trói buộc của cảnh giới, tâm chẳng còn chấp đắm nữa. Cả hai đạo này ví như mặt trăng, mặt trời cùng nhau nuôi dưỡng vạn vật, hỗ trợ cho nhau vậy.

Hỏi: Vô tướng là hữu biên hay là vô biên?

Đáp: Vô tướng là vô biên vì là bất khả đắc.

Hỏi:Vì sao các đệ tử của Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên cũng nói đến 18 Bất Cộng Pháp?

Đáp: Biển Pháp vô lượng vô biên. Những pháp môn tu như 5 Căn, 5 Lực, 7 Giác Chi, 8 Thánh Đạo v.v… chỉ là những giọt nước nhỏ trong biển lớn mênh mông.

18 Bất Cộng Pháp do các đệ tử của Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên nên ra chẳng phải là 18 Bất Cộng Pháp của Phật.

Nên biết chư Bồ Tát, chư A La Hán cũng biết về thị xứ phi xứ, cũng biết về ba đời nghiệp báo, nhưng đó chỉ là pháp của hàng Bồ Tát và hàng Thanh Văn, chẳng phải là Bất Cộng Pháp của Phật.

Hỏi: Có phải hàng Bồ Tát và hàng Thanh Văn, vì không có được tận trí biến trí, nên không có được 10 lực như Phật chăng?

Đáp: Phật nói 10 lực, mà không nói đến tận trí biến trí, chỉ nói đến thị xứ phi xứ. Về sau các luận sư, giải pháp Phật mới nói đến tận trí biến trí.

Hỏi: Vì sao trong kinh Đại Thừa Ma Ha Diễn cũng có nói đến tận trí biến trí?

Đáp: Chẳng phải như vậy. Chỉ có kinh Thanh Văn nói đến tận trí biến tri. Trong kinh Thanh Văn nói “Phật có tận trí biến trí, còn hàng Thanh Văn chỉ có 1 phần mà thôi”.

Còn 18 Bất Cộng Pháp của Phật, thì hàng Thanh Văn chẳng có được phần nào cả. Vậy mới gọi là Bất Cộng Pháp.

Hỏi: Trong 18 Bất Cộng Pháp, hàng Thanh Văn cũng có được 1 phần. Có khác chăng là hàng Thanh Văn chưa có được “thân, khẩu, ý không có lỗi như Phật”. Như vậy, vì sao nói hàng Thanh Văn không có phần nào trong18 Bất Cộng Pháp cả?

Đáp: Không thể nói như vậy được. Vì sao? Vì thân, khẩu, ý của Phật thường không có lỗi lầm, nên chỉ Phật mới có 18 Bất Cộng Pháp, chẳng có ai có được vậy.

Chư vị A La Hán, khi thuyết pháp, chẳng có được oai lực như Phật.

Hỏi: Vì sao có thuyết nói kinh Thanh Văn cũng có nói đến 18 Bất Cộng Pháp, như sau đây:

  1. Rõ biết hết thảy các pháp nên gọi là Nhất Thiết Trí.
  2. Công đức chẳng thể nghĩ bàn nên được gọi là công đức vô lượng.
  3. Tâm thâm niệm chúng sanh nên gọi là tâm đại bi.
  4. Được vô tỷ trí, nên gọi là trí huệ tự tại.
  5. Thường ở trong định nên gọi là định tự tại.
  6. Phương tiện hóa độ chúng sanh.
  7. Biết các pháp nhân duyên, nên thọ kí vô lượng chúng sanh.
  8. Biết Thật Tướng các pháp, nên thọ kí chẳng có hư dối.
  9. Trú tướng phân biệt nên lời nói không có lỗi.
  10. Đầy đủ 10 lực nên thành tựu trí huệ.
  11. Ở nơi các pháp hữu vi mà quán các pháp ấy là vô ngã, nên thành tựu được hạnh xả.
  12. Khéo biết thời và phi thời nên an lập 3 thừa đạo.
  13. Thường nhất tâm nên không mất niệm.
  14. Trong vô lượng a tăng kì kiếp khéo tu thiện căn, nên không có huân tập phiền não.
  15.  Được chân tịnh trí.
  16. Đời đời được kính trọng, tôn thờ, được vô biên đảnh tướng2Tướng trên đỉnh đầu của Phật mà người phàm chẳng có thể thấy được.3
  17.  Do tu đại bi, nên chỗ nào Phật bước đến thì chúng sanh đều cảm thấy mát mẻ.
  18. Được thần thông Ba La Mật.

Đáp: 18 công đức vừa nêu trên đây chẳng phải là 18 Bất Cộng Pháp của Phật. Trong 3 Pháp Tạng đều chẳng có nói đến.

Đây là do hàng Thanh Văn, đệ tử của ngài Ma Ha Ca Chiên Diên, luận bàn nhằm tán dương công đức Phật.

Trên đây không có nói đến “trí huệ tự tại, định tự tại, không mất niệm, không có lỗi…”. Tất cả những điều ấy đều lấy từ trong kinh Đại Thừa Ma Ha Ca Diễn, rồi luận bàn rộng thêm ra.

Tuy trong kinh Đại Thừa Ma Ha Ca Diễn cũng nói đến vô đảnh tướng, có nói đến tướng lòng bàn chân mềm mại… nhưng các tướng ấy chỉ là tướng hữu lậu nơi thân Phật, chẳng có thể xếp vào trong 18 Bất Cộng Pháp của Phật được. Vì sao? Vì hết thẩy 18 Bất Cộng Pháp của Phật đều dẫn nghĩa từ nơi trí huệ.

Do trí huệ mà thân Phật có đại lực như voi chúa, có vô lượng vô biên thần thông lực… Thế nhưng các công đức ấy đều chẳng nên nói.

Ở nơi 18 Bất Cộng Pháp của Phật, chỉ nên nói đến các công đức trí huệ của Phật mà thôi, không nên nói các quả báo khác.

Trong A Tỳ Đàm phân biệt nói 18 Bất Cộng Pháp nhiếp 5 chúng, nên thân, khẩu, ý không có lỗi lầm, vì tùy trí huệ hành. Như vậy là vì nhiếp sắc chúng, không khác tưởng mà nói. Ví như nói tâm chẳng có bất định, thường ở trong định, là nhiếp được thức chúng rồi vậy.

Lại có thuyết nói ở địa thứ chín (Cửu Địa) thì 4 sắc đều nhiếp về vô lậu.

Lại có thuyết nói sắc pháp do 2 duyên sanh là nhân duyên và tăng thượng duyên.

Lại có thuyết nói sắc pháp là dư tàng của 4 duyên sanh, hoặc của 4 duyên vô sanh.

Lại có thuyết nói có 14 thứ hữu duyên, mà chỉ riêng có 4 là tùy tâm hành, mà chẳng có tùy tâm tương ưng.

Như vậy trong A Tỳ Đàm phân biệt nói có các hạnh. Còn vào trong Bát Nhã Ba La Mật , thì Thật Tướng của tất cả các pháp đều là vô tướng. Ở nơi nhất tâm chỉ có 1 tướng duy nhất, là tịch diệt tướng mà thôi.

(Hết quyển 26)