LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP I
QUYỂN 13
Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Thi La Ba La Mật
(Trì Giới Ba La Mật)
KINH
Do quán tội và không tội đều bất khả đắc, mà Bồ Tát được đầy đủ Thi La Ba La Mật
LUẬN
A/- Nghĩa Giới Tướng
Thực hành chân chính các việc làm thiện, chẳng tự buông lung gọi là Thi La.
Có thọ giới mà hành thiện, hoặc không thọ giới mà hành thiện cũng đều gọi là Thi La.
Nếu chỉ lược nói thì hành Thi La là hành 8 luật nghi về thân về khẩu và về ý. Đó là:
- Không não hại chúng sinh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không vọng ngữ
- Không ỷ ngữ
- Không lưỡng thiệt
- Không ác khẩu
- Không uống rượu
Tóm lại “giữ chính mạng thanh tịnh” gọi là giữ giới; trái lại, nếu không hộ trì các luật nghi nêu trên đây, mà buông lung phóng túng thì gọi là phá giới.
B/- Tán thán nghĩa Giới Tướng
Người phá giới sẽ bị đọa vào 3 đường ác.
Người trì giới bậc hạ sẽ sinh làm người, người trì giới bậc trung sẽ sinh lên cõi Trời Lục Dục Thiên, người trì giới bậc thượng tu 4 Thiền, 4 Không sẽ sinh lên cõi Trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới.
Thường thanh tịnh trì giới dược chia ra làm 3 hạng. Đó là:
- Hạng thanh tịnh trì giới bậc hạ được quả A La Hán.
- Hạng thanh tịnh trì giới bậc trung được quả Bích Chi Phật.
- Hạng thanh tịnh trì giới bậc thượng được Phật Đạo.
Nếu vì thương xót chúng sinh mà cứu độ họ, lại vì rõ biết Thật Giới Tướng, thì tâm chẳng còn chấp. Trì giới như vậy thì đời sau sẽ vào được Phật Đạo, gọi là được “Vô Thượng Phật Đạo Giới”.
Muốn cầu phước đức lớn, thì phải nên kiên tâm trì giới, quý trọng giới như các vật báu, như quý người hộ thân mạng mình vậy. Vì sao ? Vì giới là nơi an trú của hết thảy các thiện pháp, ví như đất là nơi an trú của muôn loài sống trên quả đất này vậy.
Người mong cầu được nghiệp quả báo tốt mà chẳng muốn giữ giới, thì chẳng sao được như nguyện. Ví như người không có chân mà muốn đi, chim không có cánh mà muốn bay, người muốn vượt biển mà không có thuyền… đều không thể được vậy.
Người phá giới, tuy hãm mình tu khổ hạnh ở chốn núi non, rừng rậm, chỉ ăn trái cây, mặc áo lá… cũng như loài cầm thú không khác. Nếu tu khổ hạnh xa lìa các việc thế gian… mà chẳng có trì giới thì cũng chẳng được công đức gì.
Trái lại, người ở nhà cao vườn rộng, ăn ngon mặc đẹp mà thường trì giới thanh tịnh thì được tăng trưởng đạo tâm, được thành đạo quả.
Người sang kẻ hèn, người lớn kẻ nhỏ, người giàu kẻ nghèo, nếu thường trì giới đều được phước đức lớn, như được sinh lên cõi Trời, được vào Phật Đạo.
Người phá giới ví như nước trong mà có nhiễm độc, như hoa quả tốt tươi mà có côn trùng đục khoét.
Người tuy nghèo khổ mà thường trì giới, đáng quý trọng hơn người giàu sang mà phá giới.
Giới hương biến khắp 10 phương. Người trì giới được an lạc, được hàng Trời, Người đều tôn kính. Người trì giới thanh tịnh thường được thân tâm an lạc, tâm không sợ hãi, đến khi lâm chung vẫn được an nhiên tự tại. Như bài kệ thuyết:
Giới là thuốc hay trị các bệnh,
Giới là người bạn khi sợ hãi
Giới là đèn sáng lúc lâm chung
Giới là cầu băng qua đường ác,
Giới là thuyền vượt biển sinh từ
Trì giới được cung kính, cúng dường
Được sinh cõi Trời,, vào cõi Phật
Được tâm thường an lạc tự tại
Trong Kinh có chép mẩu chuyện sau đây:
Có 1 người cúng dường chư Thiên cầu được phú quý. Khi đã cúng dường đủ 12 năm, có 1 vị Trời đến hỏi : “Ngươi muốn cầu gì ?”. Người ấy đáp: “Tôi muốn cầu phú quý”.
Tức thì người ấy được như nguyện. Vị Trời trao cho ông 1 cái bình gọi là Đức Bình và bảo: “Đức Bình này sẽ vâng theo ý của ngươi mà hiện ra các vật, ngươi sẽ cỏ đủ nhà cửa, xe ngựa, đầy đủ 7 báu, đầy đủ tất cả các vật dụng cần thiết”.
Người ấy làm theo lời dặn của vị Trời, nên chẳng mấy chốc trở nên giàu có sang trọng.
Có người khách thấy vậy đến hỏi : “Trước kia ông nghèo sao nay tự nhiên trở nên giàu có sang trọng như thế này ?”
Người ấy đáp: “Tôi có Đức Bình thường cho tôi đủ mọi thứ theo ý muốn của tôi”.
Người khách bảo đem chiếc bình ra xem rồi đập vỡ bình, phá mất tác dụng nhiệm mầu của nó.
Trong mẩu chuyện này người trì giới ví như chiếc Đức Bình này, có đầy đủ các điều lạ, còn người phá giới ví như người khách kiêu mạn kia, đập vỡ chiếc bình phá mất các sự lợi lạc
—o0o—
Người trì giới thanh tịnh, dù thường hành bố thí tài vật của mình mà chẳng mảy may luyến tiếc, dù chẳng ham lợi dưỡng thế gian, nhưng vẫn chẳng có thiếu thốn gì, lại vào được 3 Thừa Đạo, sẽ được giải thoát. Người tuy không xuất gia, nhưng thường trì giới cũng sẽ dược sinh lên cõi Trời. Người trì giới thanh tịnh, có thiền định, có trí huệ, muốn được thoát khỏi “Sinh, Già, Bệnh, Chết” cũng sẽ được như nguyện. Người trì giới thanh tịnh không bị các bệnh thời khí, không bị các ác nạn. Nên trì giới với tâm không thối chuyển, đến chết cũng chẳng ly thì sẽ được 7 báu trang nghiêm.
Bởi nhân duyên vậy, nên phải thường hộ trì giới luật như giữ gìn các vật quý vậy.
Hỏi: Thế nào gọi là “Người phá giới” ?
Đáp: Người phá giới là người làm tội lỗi, khiến mất hết các công đức. Người phá giới thường làm các điều ác, tâm thường nghi hối. Ví như cây khô chẳng đâm chồi nảy lộc, chẳng đơm hoa kết trái, bị người làm vườn vứt bỏ, người phá giới chẳng làm việc thiện, chẳng làm lợi lạc cho người, chẳng được người ưa mến, bị mọi người ruồng bỏ. Người phá giới ví như giặc cướp, như người mắc bệnh truyền nhiễm, như kẻ ác tặc, như loài hổ lang, như hầm lửa chẳng ai muốn gần gũi. Người phá giới, ở trong chúng tinh tấn thanh tịnh trì giới, cũng ví như con ngựa chứng giữa bầy ngựa thuần thọc, hiền hòa.
Người phá giới dù mặc y hậu Tỳ Kheo, cũng ví như một thây chết, như viên ngọc giả ở cạnh các viên ngọc thật, như cây y-lan mọc trong rừng Chiên Đàn, tuy cạo đầu đắp y, bên ngoài giống người thiện mà bên trong chẳng có thiện pháp, tuy ôm bình bát đi khất thực, cũng ví như đang nuốt hòn sắt nóng, tuy thọ sự cúng dường của tín đồ mà cũng ví như đang ở trong địa ngục.
Người phá giới thường hay sợ hãi, ví như người đang bị bệnh nặng sợ chết, như người phạm “5 tội nghịch”1 thường nghĩ mình là giặc trong Phật giáo, suốt năm tháng chẳng bao giờ được an lạc, tuy hưởng sự cúng dường mà vẫn nghĩ là mình thọ đồ bất tịnh.
Phá giới tạo bao nhiêu thứ tội lỗi, chẳng sao kể xiết được.
Bởi nhân duyên vậy, nên phải nhất tâm tinh tấn trì tịnh giới.
Hỏi: Thế nào gọi là giới tướng?
Đáp: Không làm các điều ác gọi là “Giới Tướng”. Diệt sạch các nghiệp ác ở thân, khẩu, ý gọi là “Giới Tướng”.
Hỏi: Thế nào là ác tướng?
Đáp: Biết hết thảy chúng sinh đều tham sống, sợ chết mà cứ muốn sát hại chúng sinh, muốn đoạt sinh mạng của kẻ khác gọi là ác tướng. Còn bao nhiêu nghiệp ác khác, như giam cầm, đánh đập, tra tấn, v.v. đều gọi là ác tướng cả.
Hỏi: Sát sinh là phạm tội, còn tự sát có phải là tội không?
Đáp: Sát kẻ khác là vì ác tâm. Còn tự sát là vì nhàm chán. Trường hợp “Ngộ sát” chưa hẳn là phạm tội sát, vì do sơ sẩy mà sát, chẳng phải là cố ý sát. Quyết tâm sát sinh mới thật là phạm tội sát.
Tuy nhiên dùng lời nói để xúi giục hay ra lệnh người khác sát,cũng là phạm tội sát. Vì sao? Vì tội ác phát xuất từ tâm cũng là ác tướng vậy.
Người thọ giới “không sát sinh” phải tâm niệm, miệng nói “Từ nay cho đến trọn đời tôi không sát”. Nếu miệng nói “Không sát” mà tâm vẫn còn khởi niệm sát là chưa giữ trọn lời thệ nguyện. Nếu trọn đời miệng nói “không sát” và tâm cũng chẳng sinh niệm sát, thì mới gọi là đầy đủ giới “Không sát sinh”.
Giới không sát sinh có thể hoặc thiện hoặc vô ký.
Hỏi: Trong A Tỳ Đàm có nói “hết thảy các luật nghi đều thiện”. Sao nay nói là vô ký?
Đáp: Giữ giới “Không sát sinh” được vô lượng thiện công đức. Cho nên, dù có làm phước hay không làm phước thì phước đức vẫn thường sinh.
Nay nói “Giới không sát sinh có thể là vô ký” là nói về trường hợp “Không thọ giới không sát sinh” mà tự nguyện hành giới ấy. Trường hợp này chỉ có phước đức hạn lượng, nên không có được vô lượng thiện công đức vì trường hợp “Không sát sinh” này không được rốt ráo, nên gọi là vô ký.
Hỏi: Giới không sát sinh nhiếp về cảnh giới nào trong 3 cõi?
Đáp: A Tỳ Đàm nói “Hết thảy các luật nghi đều nhiếp về cõi Dục”, thế nhưng thật sự nhiếp về cả 3 cõi : Dục, Sắc và Vô Sắc.
Sở dĩ A Tỳ Đàm nói như vậy vì ở cõi Dục mới có sát, còn ở các cõi Sắc và Vô Sắc không có giới “Không sát”, vì ở các cõi này là vô lậu, mà vô lậu là “chân đức pháp giới” rồi vậy.
Lại có người không thọ giới “không sát sinh”, mà tâm tự nguyện chẳng bao giờ sát sinh cả, nên mới nêu ra trường hợp “Giới không sát sinh vô ký” như đã nói trên đây.
Nên biết, các đệ tử của ngài Ma Ha Ca Chiên Diên có nêu trong bộ A Tỳ Đàm rằng: “Không sát sinh là tùy thân nghiệp và khẩu nghiệp, lại còn tùy tâm hành ở hiện tại, chẳng phải do nghiệp đời trước. Cho nên phải tu cả thân lẫn tâm mới chứng được Đạo. Ví như phải chứng Tu Duy Đạo, phải đoạn hết 5 dục phiền não rồi mới chứng Kiến Đạo Đoạn, hoặc phải quán pháp Hữu Báo, pháp Hữu Quả, pháp Hữu Lậu, pháp Hữu Vi v.v. Hết thảy các duyên pháp như vậy đều phân biệt rõ ràng, gọi chung là “Giới không sát”
Hỏi: Trong 8 Thánh Đạo cũng có nói đến giới không sát sinh, nhưng chẳng có nói đến Hữu Báo, Hữu Quả, Hữu Lậu, Hữu Vi. Nay vì sao lại nói đến các pháp ấy?
Đáp: Đây chỉ nói đến trường hợp “Thọ luật nghi giới” mà không nói đến “Vô lậu luật nghi”.
Lại nữa, A Tỳ Đàm nói “Giới không sát là tùy theo tâm hành, chẳng phải do nghiệp thân, nghiệp khẩu đời trước, dù là hữu báo hoặc vô báo, hữu lậu hoặc vô lậu.”
Lại nữa, chư Phật và chư Hiền Thánh vì thấy chúng sinh chấp Ngã, nên dạy rằng : “Chẳng nên vì thân mạng mình mà sát thân mạng của chúng sinh”, việc thiết lập luật nghi nhằm răn dạy chúng sinh nên mới nói “Giới không sát sinh là hữu báo, hữu lậu”.
Hỏi: Ở thế gian, người này thường dùng sức mạnh để thắng người khác. Ví như nước này dấy binh đánh nước khác. Trường hợp thợ săn giết thú rừng, người dân chài đánh bắt cá… cũng lại là kẻ mạnh uy hiếp kẻ yếu. Như vậy, nếu không sát sinh thì những người này làm sao xây dựng được sự nghiệp?
Đáp: Người không sát sinh được vô úy an lạc, không sợ hãi. Vì sao? Vì không sát hại người, thì người cũng không sát hại ta, do vậy mà không sợ hãi. Người trì giới “Không sát sinh”, dù có đi đến những nơi hoang vắng tối tăm cũng không sợ hãi. Do thân tâm thường an lạc, nên người không sát sinh cũng không gieo sự sợ hãi cho những kẻ khác, dẫn đến súc vật cũng thường đến thân cận. Người không sát sinh ít bị các hoạn nạn, lại còn được rất nhiều lợi ích khác nữa.
Người gây nhiều tội sát, dù có được giàu sang phú quý, dù có làm vua, làm chúa… cũng chẳng được an ổn lương tâm thường cắn rứt. Người phạm tội sát thường bị nhiều điều đau khổ ở thân, thường bị người khác chê bai khinh bỉ, thường sợ hãi. Sau khi chết, nếu còn được tái sinh làm người cũng thường bị chết yểu.
Bởi nhân duyên vậy, nên người thiện chẳng nên sát sinh, chẳng nên cướp đoạt mạng sống của chúng sinh.
Nên biết “Sát sinh là trọng tội”, bị quả báo ngay ở đời này và cả ở đời sau. Vì sao ? Vì hết thảy chúng sinh đều quý mạng sống. Ví như người bị tai nạn hiểm nghèo chẳng tiếc gì của cải, chỉ mong được cứu sống, như người vào biển lượm ngọc quý, rủi bị tàu chìm sẵn sàng vứt bỏ hết để tìm đường thoát thân. Khi được thoát chết ,rất đỗi vui mừng, chẳng còn nghĩ đến mất của.
Trong tất cả các vật báu, thì mạng sống là quý hơn hết. Người tu muốn được phước đức, mà chẳng tu giới “Không sát” thì chẳng có ích gì cả. Vì sao ? Người ở thế gian thường vì tiền tài, danh vọng v.v. mà lao mình vào tội sát, lại vì muốn nuôi dưỡng thân mạng mình, mà giết hại chúng sinh. Bởi vậy nên người tu phải thường giữ giới “Không sát sinh”, quý mạng sống của hết thảy chúng sinh.
Phật dạy : “Có 5 giới quý. Đó là: Không sát sinh – không trộm cắp – không tà dâm – không vọng ngữ – không uống rượu”.
Giữ được 5 giới đó thì không bị nạn nước, nạn lửa, nạn đao binh, tránh được hết thảy các ác nạn.
***
Phật dạy ông Ưu Bà Tắc Nan Đề Ca rằng: Sát sinh có 10 tội là:
- Tâm thường ác độc.
- Bị chúng sinh oán ghét.
- Thường tư duy về các việc ác.
- Bị chúng sinh xem như loài rắn độc.
- Khi ngủ thường sinh tâm sợ hãi.
- Thường thấy điềm dữ trong mộng.
- Khi gần chết sợ chết ,và sẽ chết khổ đau.
- Thường bị chết yểu.
- Khi chết bị đọa vào địa ngục.
- Nếu được tái sinh làm người, thì cũng bị chết yểu
Người tu hành phải thường nghĩ, thường niệm rằng: “Côn trùng dù nhỏ bé cũng tiếc mạng sống. Cớ sao ta nỡ giết hại chúng sinh, ăn thịt chúng sinh ? Hết thảy người trí muốn thành tựu đầy đủ trí lực, phải thường nguyện độ sinh, phải thường hành từ bi, phải thường hành “Giới không sát sinh”. Người tu hạnh Bồ Tát chẳng bao giờ phạm tội sát.
Phật dạy: “Vì lòng từ bi đối với hết thảy chúng sinh, chẳng bao giờ sát hại chúng sinh cả”.
Hỏi: Nếu bị người đến bức bách mình, thì mình phải làm sao để tự vệ?
Đáp: Hãy suy nghĩ cân nhắc xem bên nào khinh, bên nào trọng. Hãy tự hỏi “Giữ trọn vẹn giới là trọng, hay bảo toàn thân mạng là trọng ?”. Sau khi tư duy như vậy rồi, nếu thấy “Giữ trọn vẹn giới là trọng, bảo toàn thân mạng là khinh”, thì hãy nghĩ rằng “thân này sẽ già, sẽ chết, nếu do trì giới mà mất thân này thì được lợi ích lớn”. Lại hãy suy nghĩ rằng : “Từ vô lượng kiếp đến nay, biết đâu ta đã giết bao nhiêu người và vật, ta đã làm bao nhiêu việc ác. Vậy nay ta phải trì tịnh giới, chẳng nên tiếc thân mạng. Xả thân mạng để giữ giới là tốt hơn hết”.
Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:
Có một vị đã chứng quả Tu Đà Hoàn. Sau khi chết, vị ấy tái sinh vào nhà một nhà đồ tể. Cha mẹ bảo làm nghề của gia đình, vị ấy từ chối vì sợ sát sinh. Người cha nổi giận vung dao quát : “Nếu con chẳng chịu giết con dê này thì con chẳng còn được sống nữa”.
Vị ấy suy nghĩ : “Nếu ta vâng lời cha mà giết con dê, ta sẽ mang tội sát”. Nghĩ như vậy rồi, vị ấy bèn cầm dao tự sát. Khi tự sát xong, vị ấy liền được sinh lên cõi Trời.
Đây là trường hợp không tiếc thân mạng để hộ trì tịnh giới.
—o0o—
Hỏi: Vật của người không cho mình, mà mình lấy gọi là “đạo”. Còn biết vật của người, mà sinh tâm muốn lấy thì sao?
Đáp: Lấy vật của người đem làm của mình là “đạo” tức là lấy trộm.
Biết vật của người mà sinh tâm muốn lấy, hoặc đã đưa tay lấy mà chưa lấy được, tuy chưa phải là “đạo” nhưng cũng đã là “tựa đạo” tuy chưa hẳn là trộm mà cũng phạm tội như trộm vậy.
Tài vật được chia ra làm 2 loại. Đó là:
– Tài vật có chủ, nghĩa là thuộc quyền sở hữu của người khác, của đoàn thể, của xóm làng, của quốc gia…
– Tài vật chẳng thuộc về ai cả, ví như ở giữa đồng hoang vắng.
Thấy vật giữa đồng hoang vắng cũng phải tìm hiểu vật ấy có chủ hay không cỏ chủ, chớ nên lấy mà phạm tội “tựa đạo” như nói trên.
Bởi nhân duyên vậy, nên trong bộ Tỳ Ni có dạy : “Vật chẳng phải của ta, chẳng bao giờ nên lấy. Như vậy mới chẳng có tội trộm”.
Hỏi: Vì nhân duyên gì mà “không nên lấy trộm” ?
Đáp: Nên phân biệt rõ thân mạng gồm có 2 phần. Đó là:
- Nội thân
- Ngoại thân
Cướp đoạt tài vật của một người là cướp đoạt “ngoại thân” của họ. Vì sao? Mạng sống của một người tùy thuộc vào các thức ăn uống, áo quần, nhà cửa cùng tất cả các vật dụng khác, cần thiết trong sinh hoạt vật chất và tinh thần. Nếu cướp đoạt các tài vật của một người là cướp đoạt “ngoại thân” gián tiếp cướp đoạt sự sống của người ấy vậy. Như bài kệ thuyết:
Người sống nhờ cơm ăn áo mặc,
Đoạt áo cơm là đoạt mạng người.
Là người trí chẳng nên cướp đoạt,
Cướp của người để tự nuôi thân,
Tuy hiện đời đầy đủ sung sướng,
Nhưng chết đi đọa vào địa ngục.
Toàn gia hưởng, riêng mình thọ tộì,
Hãy tự lo thân đừng trộm cướp.
Tài vật của người khác không cho mà mình lấy, dù lấy lén, dù uy hiếp để cướp đoạt cũng đều là “đạo”, đều là tội nặng cả. Vì sao? Như đã nói ở trên đây, hết thảy mọi người đều dùng của cải để tự nuôi sống. Nay lấy tài vật của họ là đoạt mất một phần mạng sống của họ, như vậy là bất tịnh.
Vì sao? Vì do ta chẳng có ý chí để tự thắng mình, do ta sợ bị thiếu thốn, do ta sợ chết… mới đi lấy trộm của người khác. Cho nên trộm cướp là tội nặng. Như bài kệ thuyết:
Dù gầy còm đói khát,
Dù chịu bao nỗi khổ,
Của người, nguyện chẳng lấy.
Như lửa, chẳng nên sờ,
Nếu như lấy vật không cho,
Người chủ sẽ buồn khổ.
Dù sang giàu như vua,
Mất của cũng ưu sầu.
Hỏi: Sát hại mạng người là trọng tội. Nói như vậy là hợp lý. Nhưng vì sao “Lấy của người” cũng gọi là trọng tội?
Người đời thường tán thán “mạnh được, yếu thua”. Như vậy vì sao lại nói cướp đoạt của người gọi là trọng tội?
Đáp: Không cho mà lấy gọi là lấy trộm, là tướng bất thiện vậy.
Vật chiếm đoạt của người, dù đẹp đẽ cao sang, cũng chỉ ví như thức ăn ngon bị nhiễm độc.
Người ngu, do không biết tội phước trong 3 đời, lại vì không có lòng nhân từ, nên mới dùng sức mạnh cưỡng đoạt tài sản của người khác, cho là “mạnh được, yếu thua” là lẽ sống ở đời.
Chư Phật và chư Hiền Thánh, vì thương xót hết thảy chủng sinh, lại rõ biết tội phước trong 3 đời, nên dạy rằng “cướp đoạt là bất thiện, là tội lỗi”.
Như Phật dạy “Của người nếu không cho mà lấy” có 10 tội, là:
- Khiến cho người mất của nổi sân hận
- Gieo sự nghi kỵ nơi mọi người
- Không kiểm soát được hành động của mình, khiến có thể dẫn đến những hậu quả tai hại, thảm khốc chẳng lường được.
- Khiến bạn bè phải xa lìa
- Phá mất thiện căn
- Bị pháp luật trừng trị
- Tài vật không vào thêm nữa
- Trồng nhân duyên bần cùng
- Khi chết sẽ đọa vào địa ngục
- Dù chết đi được tái sinh làm người, thì cũng chẳng giữ được tài sản. Dù cần khổ cầu tài lợi, mà tài sản vẫn tiêu tan, như : bị vua quan tịch biên, bị giặc cướp lấy sạch, bị nạn nước cuốn đi, bị nạn lửa thiêu rụi, bị con cháu phá tán.
—o0o—
Hỏi: Thế nào gọi là tà dâm?
Đáp: Thông dâm với người nam, người nữ chẳng phải là chồng, là vợ của mình thì gọi là tà dâm.
Người nữ đã xuất gia, hoặc thọ giới 1 ngày 1 đêm, phải không được làm các tà hạnh dù đối với chồng cùa mình.
Đối với người vợ đã thọ giới, thì người chồng cũng không được làm các tà hạnh. Trường hợp người vợ đang có thai hoặc đang cho con bú, cũng như vậy.
Lại nữa, người đã có chồng, đã có vợ rồi mà còn khởi ý dục đối với người nam hay người nữ khác, thì cũng gọi là tà dâm.
Phải luôn luôn nghĩ rằng “tà dâm là hoạn nạn, như rắn độc, như lửa dữ, phải nên lánh xa”.
Phật dạy “tà dâm có 10 tội”. Đó là:
- Thường bị người khác làm hại
- Vợ chồng không hòa thuận nhau, thường hay cãi nhau.
- Các pháp bất thiện mỗi ngày mỗi tăng trưởng.
- Không giữ gìn được con cái
- Tài sản càng ngày càng hao mòn
- Thường bị người nghi kỵ
- Các bậc thiện trí thức chẳng muốn gần
- Thường gặp điều oan trái
- Khi chết sẽ vào địa ngục
- Dù chết đi được tái sinh làm người, thì người nữ phải chịu cảnh chồng chung, người nam phải gặp vợ không trinh tiết.
—o0o—
Hỏi: Thế nào gọi là vọng ngữ?
Đáp: Biết mà nói là không biết, nghe mà nói là không nghe đều gọi là vọng ngữ.
Người vọng ngữ trước tự dối mình, sau dối người, lấy không làm có, lấy có làm không, điên đảo, chẳng có thiện tâm, chẳng chút Tàm quý, tự đóng kín cửa thiện, tự bít đường dẫn đến Niết Bàn.
Trái lại thật ngữ được nhiều lợi ích. Hết thảy người xuất gia và tại gia, đều nhờ nơi thật ngữ mà vun trồng được thêm công đức. Người thật ngữ được tâm đoan chính, tránh được các khổ nạn.
Hỏi: Do nhân duyên gì mà sinh vọng ngữ?
Đáp: Người ngu, khi gặp các ách nạn thường nói dối để mong được thoát nạn, mà chẳng biết rằng “nói dối khiến đời này bị khổ, đời sau cũng khổ”.
Người tu hành, không bị tham sân chi phối, nên không nói dối để mong cầu chạy tội.
Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:
Cư Gia Ly là đệ tử của Đề Bà Đạt Đa, thường hay nói xấu các ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
Sau mùa an cư kiết hạ, hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi dạo chơi các nước. Gặp trời mưa lớn, hai ngài phải xin tạm trú nhà một người thợ làm đồ gốm qua 1 đêm.
Trong lò gốm có một người con gái đang ngủ trong tối, mà 2 vị đều chẳng hay biết. Trong đêm, người con gái bị bất tịnh, nên sáng hôm sau phải ra giếng giặt rửa thật sớm.
Cư Gia Ly thấy vậy, đến gặp người con gái và hỏi: “Khi đêm cô ngủ ở đâu?”.
Người con gái trả lời : “Tôi ngủ trong lò gốm”
Vừa lúc ấy hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng vừa đi ra. Cư Gia Ly thấy hai vị từ lò gốm đi ra, nghĩ hai vị đã phạm tà hạnh. Rồi Cư Gia Ly bèn trở về tịnh xá Kỳ Hoàn phao tin đồn xấu về hai vị. Phạm Thiên vương nghe vậy liền đến hầu Phật, thưa rằng:
Vô lượng pháp môn khắp bốn phương
Chớ nên thấy tướng liền chấp tướng
Vô lượng pháp môn khắp bốn phương
Người ngu mê ám sao rõ được
Lúc bấy giờ, Cư Gia Ly đến bạch Phật sự việc như trên.
Phật dạy : “Này Cư Gia Ly ! Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tâm đã thanh tịnh, nhu nhuyến. Ngươi chớ báng bổ mà rước khổ vào thân”.
Phật đã truyền dạy đến 3 phen, mà Cư Gia Ly vẫn chẳng nghe theo. Bởi vậy nên khi vừa về đến nhà, Cư Gia Ly bị mụt nhọt lở loét khắp cả thân mình, rên la thảm thiết; rồì ít lâu sau đã chết, đọa vào địa ngục.
Phật thuyết kệ rằng:
Nếu dùng các lời ác,
Như ngậm búa trong miệng,
Tự chém lấy thân mình
Đáng chê mà lại khen,
Đáng khen mà lại chê,
Miệng nói những lời ác
Trọn đời chẳng an vui.
Nghiệp ác từ miệng sinh,
Sẽ đọa vào địa ngục.
Sinh ở cõi Diêm Phù,
Thân ba sáu vật dơ, 2
Trải qua bao nhiêu kiếp,
Trong cảnh khổ triền miên,
Nếu còn theo tà kiến,
Hủy báng lời Thánh Hiền,
Sẽ thọ quả báo độc,
Tự hủy lấy thân mình.
Hỏi: Vọng ngữ dẫn sinh ra bao nhiêu tội?
Đáp: Vọng ngữ dẫn sinh ra 10 tội. Đó là:
- Miệng hôi
- Bị thiện thần lánh xa
- Dù có nói thật cũng chẳng ai tin
- Bị người trí không cho tham dự các buổi họp bàn.
- Thường bị người chê cười.
- Bị người khinh khi không kính nể
- Thường gặp oán sầu
- Thường gây duyên đấu tranh
- Sau khi chết sẽ đọa địa ngục
- Thường bị người phỉ báng, không tin cậy.
—o0o—
Hỏi: Có bao nhiêu loại rượu?
Đáp: Có 3 loại rượu. Đó là:
- Loại rượu từ ngũ cốc làm ra
- Loại rượu từ trái cây làm ra.
- Loại rượu từ rễ cây, lá cây, vỏ cây, thân cây làm ra…
Hỏi: Uống rượu vào khiến thân thể được ấm áp chống được cảm lạnh, khiến người được hoan hỷ, khoan khoái. Như vậy vì sao lại cấm uống rượu?
Đáp: Rượu lợi ích ít, mà độc hại nhiều, do vậy chẳng nên uống .
Như lời Phật dạy ông Ưu Bà Tắc Nan Đề Ca, thì rượu gây ra 35 tội. Đó là:
- Tài vật bị hao mòn
- Mang nhiều bệnh tật
- Thích cãi cọ
- Tiếng xấu đồn xa
- Không biết xấu hổ
- Trí huệ bị mê ám
- Vật đã được cũng đánh mất
- Khi say rất sầu muộn
- Việc kín cũng nói với người
- Sự nghiệp không thành
- Thần lực bị hao mòn
- Thần sắc bị hoại dần
- Không kính cha
- Không kính mạ
- Không kính Sa Môn
- Không kính Bà La Môn
- Không kính bậc tôn trưởng
- Không kính Phật
- Không kính Pháp
- Không kính Tăng
- Làm bạn với người ác
- Xa dần người thiện
- Không tự kiểm soát hành động
- Không giữ được 6 căn
- Buông lung phóng dật
- Thường phá giới
- Chẳng ai muốn thấy
- Người hiền thiện lánh xa
- Hành các pháp bất thiện
- Xa các pháp thiện
- Người trí không tin dùng
- Xa lìa Niết Bàn
- Gieo nhân duyên cuồng si
- Chết sẽ đọa địa ngục
- Dù tái sinh được làm người cũng làm người cuồng si, các căn ám độn.
Như bài kệ thuyết:
Tâm trí động và loạn.
Không tàm cũng không quí,
Thất niệm lại sân si.
Không đáng sân mà sân,
Không đáng cười mà cười,
Không đáng khóc mà khóc,
Không nên đánh cũng đánh,
Không nên nói cũng nói,
Như người cuồng không khác.
Mất hết thiện công đức,
Làm buồn phiền dòng họ.
Mà là uống thuốc độc.
Nên người biết tàm quí,
Tự chế không uống rượu.
C/- Trì Giới:
Phật dạy: “người cư sĩ tại gia nên thọ trì 5 giới. Nếu không thọ đủ cả 5 giới thì cũng nên thọ từng phần, cho đến khi đầy đủ cả 5 giới”
Ngoài ra, nếu ly dục, không dâm với vợ hay với chồng thì được đầy đủ hạnh thanh tịnh Ưu Bà Tắc, thanh tịnh Ưu Bà Di.
Như bài kệ thuyết:
Không Vọng Ngữ, Uống Rượu,
Lại thường tu Chính Mạng,
Tinh tấn không giải đãi.
Người tu được như vậy,
Hai đời trừ ưu khổ.
Giới phước hằng tùy tâm,
Được sinh làm Trời, Người.
Đủ sáu thời đèn hoa,
Như muôn đèn thắp sáng,
Như hoa giăng khắp nơi,
Thiên phước tự nhiên sinh,
Như một ngày trên trời:
Đầy hoa Mạn Đà La,
Xen nhau đua sắc đẹp.
Hoa trời vô số kể,
Với muôn ngàn màu sắc,
Sáng chói như mặt trời
Nhẹ nhàng và trơn mịn
Như mây trời giăng bủa,
Từ trên cao rơi xuống,
Bao loại áo thượng diệu,
Ngọc minh châu đeo tai,
Cùng châu báu đeo tay,
Lóe sáng đủ các màu.
Do từ thiên phước báo,
Tất cả đều tùy tâm:
Kim hoa cẩn lưu ly,
Nhụy hoa bằng kim cương,
Nhu nhuyến, hương thơm ngát.
Từ hồ báu vọng ra:
Tiếng đàn Không Hầu Cầm3
Dây bảy báu xen tạp,
Tạo đủ diệu âm thanh.
Cũng do thiên phước báo:
Tâm hoan hỷ dạo chơi,
Giữa hàng Ba Dư Chất 4
Cây lớn đẹp cõi trời,
Chẳng còn ai sánh kịp.
Trì giới là ruộng phước,
Hưởng cam lồ thiên giới,
Đầy đủ, không đói khát,
Hưởng thiên phước vô ngại,
Không có nạn mang thai,
Luôn vui vẻ chơi đùa,
Không có đại, tiểu tiện.
Thường nhiếp tâm trì giới,
Được sinh Tự Tại Địa,
Không bị các hoạn nạn,
Thân tâm thường an lạc.
Tự tại như Chư Thiên.
Ưu khổ chẳng còn sinh,
Muốn gì đều như nguyện,
Từ thân chiếu quang minh.
Như vậy các thứ sinh,
Do Bố Thí, Trì Giới.
Ai muốn hưởng quả này,
Phải siêng năng tu tập.
Hỏi: Vì sao nói về Thi La Ba La Mật mà Phật lại tán thán về phước báo ở cõi Trời?
Đáp: Phật dạy : “Có 3 hạnh được hưởng quả báo lớn. Đó là:
– Bố thí và trì giới được sinh lên cõi Trời.
– Tu Định được giải thoát.
– Từ Bi và Trí Huệ hòa hợp được 3 Thừa Đạo”
Nay Phật tán thán phước báo ở cõi Trời nhằm tán thán Bố Thí. Từ đó nêu tinh thần Trì Giới, phát Đại Thệ nguyện thì sẽ vào được Phật Đạo. Như vậy là “bố thí dẫn sinh Thi La Ba La Mật”.
Người đời nghe nói đến cõi Trời sung sướng, đầy khoái lạc, muốn được sinh lên Trời, do vậy mà phát tâm Trì Giới. Rồi lại nghe nói “cõi Trời cũng chịu luật Vô Thường, hết phước báo cũng sẽ bị sa đọa”, lại nghe nói “Phật Đạo có vô lượng công đức”, do vậy mà khởi tâm Từ Bi vào được Phật Đạo. Như vậy là “bố thí dẫn sinh Thi La Ba La Mật”.
Hỏi: Hàng bạch y Cư Sĩ chỉ cần thọ 5 giới hay còn thọ giới nào nữa?
Đáp: Nếu có 1 ngày thọ giới xuất gia, hoặc nếu mỗi tháng có 6 ngày ăn chay, thì được vô lượng phước đức.
Hỏi: Thế nào gọi là “1 ngày thọ giới xuất gia”?
Đáp: Là đến chùa xin thọ “Bát Quan Trai”5, xuất gia trong 1 ngày và 1 đêm”. Nếu trì Trai giới như vậy, thì đời đời không bị đọa vào đường ác, lại thọ được các phước báo Trời, Người. Ngoài ra do thệ nguyện tiêu trừ các phiền não mà thành tựu được Phật Đạo. Người Cư Sĩ tại gia, dù thọ 5 giới, dù thọ giới Bát Quan Trai, đều phải thành tín tác bạch rõ ràng ba phen trước Tam Bảo.
Hỏi: Vì sao thọ 6 ngày chay mỗi tháng được phước đức lớn?
Đáp: Vì vào 6 ngày ấy, các ác quỷ thường phá hoại nhân gian. Người thọ trai, tu phước xa lánh được các ác quỷ. Nếu vào các ngày trai, mà không ăn sau giờ Ngọ, thì công đức ấy sẽ dẫn đến Niết Bàn. Trong kinh Tứ Thiên Vương, Phật dạy rằng : “Vào 6 ngày trai, đích thân Tứ Thiên Vương đi xem xét chúng sinh trì giới, hiếu thảo với cha mẹ.
Nếu người có trì giới, có bố thí, hiếu thuận với cha mẹ là tăng ích chư Thiên, là giảm tổn A Tu La, nên chư Thiên rất hoan hỷ. Như bài kệ thuyết:
Tháng thọ sáu ngày trai,
Hành trì thanh tịnh giới,
Người ấy khi mạng chung,
Hưởng phước sinh cõi Trời.
Tháng thọ sáu ngày trai,
Quả ác không não hại.
Thọ trai và trì giới,
Khiến quả ác lánh xa.
Hỏi: Vì sao vào 6 ngày trai ác quỷ lại thường quấy nhiễu nhân gian?
Đáp: Trong kinh Thiên Địa Bổn Khởi có nói rằng “vào thời kỳ tối sơ, khi thế gỉới vừa mới được thành lập, có các quỷ thần tu khổ hạnh. Vào 6 ngày ấy thường cắt thịt lấy huyết bỏ vào lửa, nên các ác quỷ, ác thần vào 6 ngày ấy có thế lực rất hùng mạnh”.
Hỏi: Vì sao có thuyết nói “Phạm Thiên là cha của hàng quỷ thần”? Vì sao trong 6 ngày ấy, các quỷ thần lại cắt thịt lấy huyết bỏ vào lửa?
Đáp: Vì thần Ma Hê Thủ La rất có thế lực. Trong một tháng có phân công các vị thần làm chủ trì vào các ngày 14 và 23,15 và 18, 30 và mồng 1. Thần Ma Hê Thủ La mỗi tháng cũng tuần tự chủ trì vào 2 trong số 6 ngày ấy.
Như vậy trong 6 ngày nói trên đây, thế lực quỷ thần mạnh nhất vào 2 ngày có thần Ma Hê Thủ La.
Vì các quỷ thần tu khổ hạnh với hy vọng được sinh lên cõi Trời nên nhận Phạm Thiên Vương làm cha.
Phải nên biết rằng “trong Phật pháp chẳng có phân chia ngày tốt, ngày xấu. Thế nhưng vì các ác sự gây ra bởi các quỷ thần tu khổ hạnh, mà Phật khuyên trì trai trong 6 ngày ấy để tránh tai ách”.
Hỏi: Thọ trì Ngũ Giới (tức 5 giới) và Bát Quan Trai Giới (tức 8 giới) có gì khác nhau không?
Đáp: Thọ Ngũ Giới phải thường trì, còn thọ Bát Quan Trai Giới thì chỉ giữ giới 1 ngày và 1 đêm mà thôi. Đây là 2 trường hợp giữ giới của Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.
Trì giới tại gia được phân thành 3 bậc : Thượng, Trung và Hạ.
Người trì giới bậc Thượng chỉ cầu Niết Bàn, cầu ly khổ, cầu thường lạc vô vi.
Do ly dục mà được giải thoát cho nên nói “Trì giới là thiện pháp đem lại sự an ổn mà cũng là cửa ban đầu dẫn đến Niết Bàn”
Hỏi: Vì sao nói “Trì giới nhiếp về 8 Thánh Đạo”?
Vì sao gọi “người xuất gia trì giới là Sa Môn”?
Đáp: Thánh Đạo đầu tiên trong 8 Thánh Đạo là Chính Kiến. Người trì giới trước tiên phải tu Chính Kiến, rồi thứ lớp tu các Thánh Đạo kia.
Người xuất gia trì giới được gọi là Sa Môn, vì nguyện trọn đời thương xót chúng sinh, cầu Phật Đạo, cầu biết rõ Thật Tướng của các Pháp, do vậy mà không sợ các đường ác cũng không tham đắm dục lạc. Sa Môn phải là người xuất gia trì giới bậc thượng.
Có 5 chúng xuất gia. Đó là:
- Chúng Tỳ Kheo
- Chúng Tỳ Kheo Ni
- Chúng Sa Di
- Chúng Sa Di Ni
- Chúng Thức Xoa Ma Na
Hỏi: Tu tại gia cũng được Bồ Tát Đạo, được Niết Bàn. Như vậy cần gì phảỉ xuất gia ?
Đáp: Tuy tu tại gia cũng được như vậy, nhưng có rất nhiều sự ràng buộc, khó hơn tu xuất gia rất nhiều. Vì sao ? Người tu tại gia bận bịu gia đình, lo công danh sự nghiệp nên rất khó chuyên tâm hành đạo. Còn người xuất gia đã ly dục, đã cắt đứt sự ràng buộc với việc đời, rảnh rang rất dễ được nhất tâm, lại không phải tư lự nên rất dễ hành xả.
Như bài kệ thuyết:
An nhàn chốn núi rừng,
Lặng lẽ diệt điều ác,
Chẳng cầu vui cõi Trời,
Đạm bạc được nhất tâm.
Mãi chạy theo lợi dưỡng,
Giàu sang, nhiều của cải,
Uy quyền cùng danh vọng,
Tâm động, chẳng được an.
Y bát đi khất thực,
Tâm nhất như bình thản,
Tự dùng mắt trí huệ,
Quán rõ Thật Tướng Pháp.
Nơi hết thảy pháp môn,
Tâm bình đẳng nhất quán,
Giới, Định, Huệ đầy đủ,
Ba cõi chẳng ai bằng.
Vậy nên hàng xuất gia,
Dễ hành đạo, trì giới,
Dù luật nghi vô lượng,
vẫn hành trì đầy đủ.
Bởi nhân duyên vậy, nên người bạch y Cư sĩ đến thọ giới với người xuất gia.Trong Phật pháp, xuất gia là việc khó làm bậc nhất.
Khi ông Phạm Chí Khư Đề hỏi ngài Xá Lợi Phất “Trong Phật pháp, việc gì khó làm hơn hết ?”. Ngài Xá Lợi Phất đã trả lời rằng : “Xuất gia là việc khó làm vào bậc nhất”.
Hỏi: Vì sao nói “Xuất gia là việc khó làm hơn hết”?
Đáp: Tu các thiện pháp là khó, nên phải xuất gia mới được thuần thiện.
Lại nữa, các Ma Vương đều sợ hãi các người xuất gia đều nghĩ rằng “những người xuất gia rồi đây, sẽ đoạn hết các kiết sử, sẽ được Niết Bàn, sẽ vào trong Tam Bảo”.
Lại nữa, trong Phật pháp, người xuất gia nếu phá giới sẽ bị đọa, nhưng khi đã thọ tội rồi cũng sẽ được giải thoát.
Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây:
Có một vị Tỳ Kheo Ni được 6 thần thông, vào nhà các nhà quyền quý, tán thán pháp xuất gia nói rằng : “Chị em nên xuất gia theo Phật”. Các phụ nữ nói : “Chúng tôi còn trẻ đẹp, trì giới rất khó, nên chúng tôi sợ mang tội phá giới”.
Vị Tỳ Kheo Ni đáp : “Đã phát tâm xuất gia rồi, thì dù có phá giới, cũng vẫn còn hơn người không xuất gia. Vì sao ? Vì nếu có phải đọa địa ngục, thì khi thọ hết tội rồi cũng trở lại xuất gia. Tôi có Túc Mạng Thông, biết rõ vào một kiếp trước tôi làm người Kỹ Nữ. Có một hôm tôi mặc y của Tỳ Kheo Ni để đùa chơi. Thế mà vào thời Đức Phật Ca Diếp, tôi lại xuất gia thọ giới Tỳ Kheo Ni. Vì tự cho mình đoan chính nên tôi sinh kiêu mạn. Do phá giới mà tôi phải đọa địa ngục. Đời nay tôi lại gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được xuất gia, chứng 6 thần thông, đắc quả vị A La Hán. Bởi vậy nên biết rằng người xuất gia, tuy phá giới bị đọa, nhưng lần nguyện thọ giới xuất gia đó về sau cũng có thể làm duyên khởi cho sự thành tựu đạo quả. Nếu tôi là 1 người ác, để rồi lại đọa địa ngục nữa, chẳng được gì hết.”
Mẩu chuyện trên đây cho thấy rằng “người đã thọ giới xuất gia rồi, nếu vì phá giới bị đọa, thì nhờ nhân duyên đã có thọ giới nên về sau cũng có thể thành đạo quả.
Trong Kinh cũng có chép mẩu chuyện nữa như sau:
Khi Phật ở tịnh xá Kỳ Hoàn, có một người Bà La Môn say rượu đến xin cạo đầu, thọ giới xuất gia. Phật bảo Ngài A Nan cạo đầu, khoác y cho người ấy. Khi tỉnh rượu, người Bà La Môn ấy liền bỏ chạy mất dạng. Có một Tỳ Kheo hỏi : “Bạch Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì mà Thế Tôn lại cho một người say rượu thọ giới xuất gia ?”
Phật dạy: “Người này trong vô lượng kiếp không gặp duyên xuất gia. Nay nhờ say rượu mà phát tâm xin xuất gia. Nhờ nhân duyên này mà về sau sẽ xuất gia và được thành Đạo”.
Như vậy có rất nhiều nhân duyên cho thấy “xuất gia được vô lượng công đức”. Hàng bạch y Cư sĩ dù có thọ 5 giới cũng không bằng được người xuất gia.
Như trước đây đã nói : có 5 chúng xuất gia là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni và Thức Xoa Ma Na. Người bạch y Cư sĩ muốn xuất gia phải cầu một vị Hòa Thượng và một vị A Xà Lê truyền giới, xem vị Hòa Thượng như cha, vị A Xà Lê như mẹ. Bạch y xuất gia phải rời bỏ cha mẹ, thân thích, cầu xuất gia cạo bỏ râu tóc, đắp cà sa xin thọ giới pháp. Nếu xin thọ các giới Sa Di và Sa Di Ni, thì phải được một vị Hòa Thượng và một vị A Tỳ Kheo Xà Lê truyền 10 giới. Còn nếu xin thọ Thức Xoa Ma Na, thì phải được một vị Ni làm Hoà Thượng truyền giới pháp.
Thức Xoa Ma Na phải tập 296 hạnh pháp của Tỳ Kheo Ni, và giữ 6 pháp tịnh tâm, 2 năm tịnh thân, mới được thọ Đại Giới.
Hỏi: Sa Di chỉ thọ 10 giới. Vì sao Thức Xoa Ma Na lại phải thọ thêm 6 pháp tịnh tâm nữa ?
Đáp: Khi Phật còn tại thế, có bà vợ một ông trưởng giả, vì không biết mình đang thọ thai, đã xin xuất gia và thọ Đại Giới Cụ Túc. Ít lâu sau bà sinh con, khiến các Cư Sĩ chỉ trích bàn tán. Các vị Tỳ Kheo Ni nhân đó đã bạch Phật sự việc. Phật mới chế ra giới Thức Xoa Ma Na. Khi người Nữ xin xuất gia phải thọ giới Thức Xoa Ma Na, giữ 6 pháp tịnh tâm 2 năm tịnh thân, rồi mới được thọ Đại Giới Tỳ Kheo Ni.
Trong thời gian 2 năm, vị Thức Xoa Ma Na có thể chấp tác làm thị giả cho một vị Tỳ Kheo Ni, nếu có phạm lỗi lầm thì cũng ít bị người đời chỉ trích, ít làm hại đến Phật pháp.
Có 2 hạng người nữ thọ giới Thức Xoa Ma Na. Đó là:
– Đồng nữ thọ Sa Di Ni, đủ 18 tuổi, chưa thọ giới Cụ Túc thì thọ Thức Xoa Ma Na. Học giới và tu tập cho đến 20 tuổi mới được thọ giới Cụ Túc.
– Người nữ đã có chồng, nhưng không còn ăn ở với chồng, hoặc chồng đã chết… xin xuất gia, thì sau khi thọ thân giới rồi, cũng thọ Thức Xoa Ma Na. Đủ 2 năm học giới và tu tập mới được thọ giới Cụ Túc.
Như vậy, vị Thức Xoa Ma Na phải theo vị Tỳ Kheo Ni để học giới và học pháp.
Hỏi: Giới Tỳ Kheo và giới Tỳ Kheo Ni gồm có bao nhiêu giới?
Đáp: Giới Tỳ Kheo Tăng lược nói có 250 giới, rộng có 8000 giới. Giới Tỳ Kheo Ni lược nói có 500 giới, rộng có 8000 giới. Mỗi Tỳ Kheo Tăng cũng như Tỳ Kheo Ni phải có đủ 3 y và một bình bát. Giới đàn truyền giới Tỳ kheo có:
– 3 vị sư chủ trì (Tam Sư) gồm 1 vị Hòa Thượng, 1 vị Giáo Thọ và 1 vị Yết Ma.
– 7 vị Tỳ Kheo làm chứng sự truyền giới (thất chứng)
Riêng đối với Tỳ Kheo Ni phải có đủ cả 2 Bộ chúng Tăng và Ni. Như vậy, Tỳ Kheo khi thọ giới phải đủ 3 phen làm pháp Yết Ma. Xong mới được vô lượng luật nghi, nên gọi là Thi La Ba La Mật.
(Hết quyển 13)