LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP I
QUYỂN 10
Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Thập Phương Bồ Tát Lai
(Bồ Tát Từ Mười Phương Đến)
KINH:
Đức Phật Bảo Tích bảo ngài Bồ Tát Phổ Minh rằng: Này Thiện Nam Tử! Cách đây hằng sa thế giới, về phương Tây, ở thế giới Ta Bà có đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì các Bồ Tát đang thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, nên hiện thần lực như vậy.
LUẬN:
Hỏi: Phật ví như núi Tu Di chẳng bị gió to sóng lớn làm lay động, nay vì sao lại hiện tướng động như vậy?
Đáp: Xét về mặt “nhiếp tâm”, thì không có tướng động. Nhưng xét về mặt “tín tâm”, thì hiện tướng động có tác động mạnh mẽ khiến chúng sanh khởi lòng tin vững chắc.
Thuyết pháp khởi từ “giác quan” mà giác quan nhiếp về tướng thô vậy. Phật thường hằng ở trong thiền định, không bị các tướng thô sự làm động tâm. Nay vì lòng đại từ đại bi, thương xót chúng sanh, mà Phật hiện tướng động thuyết pháp, nhằm đoạn nghi cho họ. Lại nữa, cũng vì lòng Đại Từ Đại Bi mà Phật hiện tâm động phân thân vô số, vào trong 5 đạo chúng sanh để giáo hóa họ.
Lại nữa, do phước đức nhân duyên của chúng sanh, mà Phật hiện thân ở khắp nơi, hiện ra tiếng nói, tùy tâm chúng sanh mà ứng hiện ra các sự vật, như tiếng vang, nhạc trời, hoa trời, chuỗi anh lạc v.v… Chúng sanh tùy sở thích, tự nhiên đều được đầy đủ theo chỗ nguyện cầu. Phật tùy tâm chúng sanh mà thuyết pháp, chẳng có ức tưởng, cũng chẳng có phân biệt.
Trong kinh Kim Cang Mật Tích có nói “Phật có ba điều mật” là:
- Thân mật.
- Ngữ mật.
- Ý mật.
Các hàng Trời, Người chẳng có thể nào biết rõ được ba điều mật của Phật.
– Thân mật: Tùy theo tâm của chúng sanh, mà Phật hiện ra các thân tướng. Như vậy gọi là “thân mật”. Ví như có người thấy có thân Phật màu vàng ròng, có người thấy thân Phật màu trắng sáng như bạc, có người thấy thân Phật đủ màu v.v… Ví như có người thấy thân Phật cao 1 trượng 6 thước; có người thấy thân Phật cao đến 1 dặm; lại có người thấy thân Phật trùm khắp cả hư không v.v…
– Ngữ mật: Tùy theo tâm chúng sanh, mà Phật hiện ra các tướng âm thanh khác nhau. Như vậy gọi là “ngữ mật”. Ví như có người nghe tiếng nói của Phật vang xa 10 dặm, có người nghe xa đến cả trăm, cả ngàn dặm; lại có người nghe xa đến trùm khắp hết cả hư không v.v…
– Ý mật: Trong cùng một Pháp hội, mỗi chúng sanh nghe Phật thuyết pháp theo đúng với tâm niệm của mình. Như vậy gọi là “ý mật”. Ví như cùng một thời pháp của Phật, có người nghe thuyết về bố thí, có người nghe thuyết về trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, dẫn đến nghe thuyết về 12 bộ kinh, về 5 vạn pháp môn v.v…
Như trong kinh có chép mẫu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên như sau:
Ngài Mục Kiền Liên tâm niệm muốn biết âm thanh của Phật truyền xa đến đâu, đã dùng thần thông đi khắp 10 phương thế giới. Đi đến đâu, Ngài cũng vẫn nghe Phật thuyết pháp. Ngài dừng chân ở một thế giới Phật xa xôi. Lúc bấy giờ Đức Phật ở đó cùng Đại Chúng đang dùng bữa, Ngài bèn cầm bình bát đứng bên cạnh vị Phật đấy.
Các đệ tử của vị Phật ấy hỏi: Bạch Thế Tôn! Người từ đâu đến, mà thân hình nhỏ như con sâu, lại còn đắp cà sa của Sa Môn vậy?
Vị Phật ấy đáp: Chớ nên xem thường vị khách lạ này. Ở hằng sa thế giới về phương Đông, có một vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Người này là đệ tử “Đệ nhất thần thông” của Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Rồi vị Phật ấy quay về phía ngài Mục Kiền Liên bảo rằng: Này ông Mục Kiền Liên! Do nhân duyên gì mà ông đến nơi đây?
Ngài Mục Kiền Liên đáp: Con muốn tìm hiểu âm thanh của Phật có thể truyền xa đến mức nào, nên con mới đến nơi đây.
Vị Phật ấy lại bảo: Này ông Mục Kiền Liên! Ông muốn biết âm thanh của Phật truyền xa đến đâu, thì dù ông trải qua vô lượng kiếp, dù đi khắp vô lượng thế giới ông cũng vẫn còn nghe vậy.
Tóm lại, Phật thị hiện sanh thân, hiện các tướng động, nói pháp v.v… nhằm đoạn nghi cho chúng sanh, đem ánh sáng trí huệ phá tan màn vô minh hắc ám; cũng như mặt trời tỏa ánh sáng phá trừ tối tắm vậy.
Hỏi: Các Đức Phật đều là những bậc Chánh Đẳng Chánh Giác cả. Vì sao Đức Phật này lại còn tán thán Thần Lực của Đức Phật kia?
Đáp: Các Đức Phật chẳng còn phân biệt TA với NGƯỜI. Vì chẳng còn có tật đố, kiêu mạn, nên thường tán thán các Đức Phật khác vậy. Còn các hàng Trời, do còn mong sự tôn kính, do còn kiêu mạn, nên thường tự cho mình sanh ra muôn vật, chẳng muốn tán thán những vị Trời khác.
Lời nói của Phật là Chân Ngữ, không loại trừ các pháp tướng nhân duyên, nên vị Phật này thường tán thán thần lực của vị Phật khác.
–oOo–
KINH:
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Phổ Minh bạch Phật Bảo tích rằng: Bạch Thế Tôn! Nay con xin đến diện kiến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để được cúng dường Ngài, và nhân thể thăm hỏi các vị Đại Bồ Tát đã được các Đà La ni, đã được các Tam Muội, đều đã được tự tại ở Thế Giới Ta Bà.
LUẬN
Hỏi: Chư Phật đều đầy đủ trì giới, thiền định, trí tuệ như nhau, đều cứu độ chúng sanh như nhau cả. Vì sao Bồ Tát Phổ Minh còn được xin diện kiến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm gì?
Đáp: Các Bồ Tát thường muốn được thấy Phật, được nghe pháp, chẳng bao giờ nhàm chán.
Trong kinh có ghi mẫu chuyện sau đây:
Thủ Cư Sĩ ở Tịnh Cư Thiên rất mong muốn được đến trước mặt Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ Phật. Nhưng vì thân ông quá vi diệu chẳng sao có thể xuống cõi mà chúng sanh đều có thân thô xấu.
Phật dạy Thủ Cư Sĩ rằng: “ Ông hãy tự hóa thành thân thô, mới có thể xuống được cõi này”.
Tức thì, Thủ Cư Sĩ làm theo lời Phật dạy, quán sắc tướng của quả đất, tự hóa thành thân thô, đến trước mặt Phật đảnh lễ, rồi đứng sang một bên.
Phật hỏi: “ Ông có bao nhiêu việc không nhàm chán, mà sanh lên cõi trời Tịnh Cư Thiên ?”
Thủ Cư Sĩ đáp: “ Con có ba việc không nhàm chán : ngắm Phật không nhàm chán, muốn nghe pháp không nhàm chán, muốn cúng dường chư Phật và chư Tăng không nhàm chán”
Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát Phổ Minh muốn đến cõi Ta Bà diện kiến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được cúng dường Phật và các vị Bồ Tát ở cõi này vậy.
Hỏi: Phật mới đầy đủ Tam Muội, mới được Vô Ngại Tự Tại. Vì sao nói các Bồ Tát cũng được Tam Muội Tự Tại ?
Đáp: Nên phân biệt có hai thức Tam Muội : Tam Muội của Bồ Tát và Tam Muội của Phật. Hai Tam Muội này khác nhau. Bồ Tát cũng được Tam Muội Tự Tại nhưng chẳng phải là Tam Muội của Phật.
Trong kinh có chép mẫu chuyện của Bồ Tát Văn Thù như sau:
Ngài Văn Thù Sư Lợi đến gần nơi Phật tập hội, thấy có một người nữ đang ngồi nhập định vào Tam Muội.
Ngài đến đảnh lễ Phật xong, bèn hỏi Phật rằng : Bạch Thế Tôn ! Vì sao người nữ ấy lại được ngồi gần Phật, mà con chẳng được như vậy ? Phật dạy : Ông cứ đến đánh thức người nữ ấy dậy mà hỏi.
Ngài Văn Thù đến bên tai người ấy la lớn mà người ấy vẫn trơ trơ, lay mạnh tay chân mà người ấy vẫn ngồi yên. Dùng Thần chú làm cho Đại Địa chấn động mà người ấy vẫn không ra khỏi Tam Muội.
Ngài Văn Thù lại bạch Phật : Con chẳng có cách nào làm cho người nữ ấy ra khỏi Tam Muội được.
Phật bèn phóng quang minh chiếu đến thế giới bên dưới. Tức thì có một Bồ Tát hiệu là Khí Chư Cái, từ phương dưới hiện lên đến đảnh Phật.
Phật bảo : Ông hãy đánh thức người nữ này ra khỏi thiền định. Bồ Tát Khí Chư Cái khảy cái móng tay khiến người nữ ra khỏi Tam Muội. Ngài Văn Thù hỏi Phật : Như vậy là thế nào?
Phật dạy : Người nữ này khi sơ phát tâm đã do Bồ Tát này khai đạo. Ở nơi Phật Tam Muội, ông chưa thành tựu các công đức nên chưa có thể được như vậy. Bồ Tát Khí Chư Cái ở nơi Tam Muội của Bồ Tát đã được đầy đủ và ở nơi Tam Muội của Phật cũng có được một phần nên mới có thể làm được như vậy .
KINH:
Phật Bảo Tích bảo Bồ Tát Phổ Minh rằng : ông muốn đi đâu thì tùy ý, nhưng phải nên biết đúng thời mà đi.
Lúc bấy giờ, Phật Bảo Tích cầm một hoa sen màu vàng ròng, có ngàn cánh trao cho Bồ Tát Phổ Minh và bảo rằng: Này Thiện Nam Tử ! Ông hãy đem hoa sen này cúng dường cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông hãy nhất tâm và thận trọng khi đến cõi Ta Bà. Ở cõi ấy, chư vị Bồ Tát là những bậc khó có thể thắng , khó có thể bì được.
LUẬN
Hỏi: Vì sao Phật Bảo Tích lại bảo “ Ông muốn đi đâu thì tùy ý, nhưng phải biết đúng thời hạn mà đi ? “
Đáp: Vì Phật Bảo Tích muốn đoạn Ái nơi hàng đệ tử. Do vì Bồ Tát Phổ Minh chưa được Nhất Thiết Trí nên trong tâm vẫn còn nhiều nghi vấn, muốn được gặp Đức Phật Thích Ca Mâu ni xem ngài có nhiều công đức thù thắng hay không. Bởi vậy, nên Phật Bảo Tích mới dặn “ Ông muốn đi đâu, thì tùy ý”
Lại nữa, vì sợ Bồ Tát Phổ Minh thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thân hình nhỏ bé mà dấy tâm khinh mạn, nên dặn “Khi đến nơi, chớ nên quán thân Phật, chớ nên quán thế giới, mà chỉ nên nghe Phật thuyết pháp.”
Lại nữa, dù thế giới Tà Bà cách thế giới của Phật Bảo Tích rất xa, nhưng ở nơi đây Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thuyết về các pháp tướng như Đức Phật Bảo Tích thuyết. Bồ Tát Phổ Minh muốn cho tín tâm càng thêm kiên cố, nên muốn đến nghe thêm.
Lại nữa, do nhân duyên đời trước Bồ Tát Phổ Minh đã có ở cõi Ta Bà rồi, nên nay muốn trở về đó nghe pháp.
Lại nữa, vì muốn làm tăng thêm tín tâm nơi các vị Bồ Tát cõi Ta Bà nên Phật Bảo Tích để cho Bồ Tát Phổ Minh tùy ý đi đến cõi này. Các Bồ Tát cõi Ta Bà, khi thấy có các Bồ Tát ở phương xa đến nghe pháp sẽ hoan hỷ nhiều hơn, sẽ tin tưởng nhiều hơn.
Lại nữa, chư Phật cung kính pháp, nên thường cúng dường pháp. Chư Phật ba đời đều lấy Pháp làm thầy.
Hỏi: Vì sao Phật Bảo Tích chẳng cúng dường pháp ở nơi chính mình, mà lại cũng dường pháp của vị Phật khác?
Đáp: Vì chư Phật chẳng có chấp Ngã, nên không tự cúng dường pháp của mình, mà cúng dường pháp ở nơi đức Phật khác.
Hỏi Phật chẳng cầu phước. Vì sao cũng cúng dường pháp?
Đáp: Phật đã tu công đức từ vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp, thường làm các việc lành. Đây chẳng phải vì cầu báo, mà chỉ vì cung kính công đức mà cúng dường như vậy.
Trong kinh có chép mẫu chuyện như sau:
Khi Phật còn tại thế, có một vị Tỳ Kheo, mờ mắt, đang khâu áo thì kim bị tuột chỉ.
Vị Tỷ Kheo nói lớn : Ai làm phước lớn, xin vì tôi, xâu lại kim hộ.
Phật đi ngang qua nói : Ta muốn làm phước đức.
Vị Tỷ Kheo đảnh lễ Phật, và bạch rằng : Bạch Thế Tôn ! Phật đã viên mãn công đức rồi, nay vì sao còn muốn làm phước đức ?
Phật dạy : Ta biết rõ lực công đức của quả báo, nên ở nơi hết thảy chúng sanh Ta đều làm công đức.
Vị Tỳ Kheo nghe xong thời pháp, tội lỗi đời trước liền tiêu sạch và đôi mắt trở lại sáng như xưa.
Phải nên biết rằng “ Vì muốn giáo hóa hàng đệ tử mà Phật thị hiện làm tất cả các công đức”, ví như có ông vũ sư đã gần 100 tuổi mà vẫn còn múa, ví như dạy như con cháu vậy.
Hỏi: Vì sao lại đem tặng vật bảo, các pháp bảo mà lại đem tặng hoa sen?
Đáp: Phật không cần dùng đến các vật quý, các pháp quý của hàng Trời Người.
Lại nữa, chư Phật có vô lượng thần thông, thấu triệt tất cả các kinh pháp quý, nên Phật Bảo Tích không đem vật bảo hay pháp bảo tặng đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật Bảo Tích đem tặng hoa sen, vì hoa sen là món quà thanh dịu, nhẹ nhàng, dễ chịu, vừa có cả sắc lẫn hương.
Hỏi : Vì sao tặng hoa sen mà không tặng các thứ hoa khác?
Đáp : Hoa sen có hương có sắc hơn hết thảy các thứ hoa khác.
Lại nữa, có ba loại hoa sen. Đó là hoa sen cõi người, hoa sen cõi trời và hoa sen của Bồ Tát
Hoa sen cói người có 10 cánh, hoa sen cõi trời có 100 cánh, hoa sen cõi Bồ Tát có 1000 cánh. Bởi vậy Phật Bảo Tích dặn đem hoa sen 1000 cánh màu vàng cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni ,
Hỏi : Vì sao Phật Bảo Tích dặn Bồ Tát Phổ Minh tán hoa sen cúng Phật Thích Ca Mâu Ni ?
Đáp : Theo pháp cúng dường, thì cúng dường hoa sen phải nên tán. Tự tay cúng dường nhiếp về thân nghiệp, dùng lời thưa hỏi về khẩu nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp đều do ý nghiệp chỉ đạo. Phải có đầy đủ 3 nghiệp kiên cố, mới có thể thành tựu đầy đủ được các công đức nhân duyên làm Phật Đạo.
Hỏi : Vì sao Phật Bảo Tích dặn Bồ Tát Phổ Minh “ Phải nhất tâm, thận trọng, khi đến cõi Ta Bà?”
Đáp : Người nhất tâm, thận trọng không bị các kiết sử chi phối cũng không sanh tâm kiêu mạn.
Lại nữa, tâm người phần nhiều tán loạn, cuồng say, nên người tu hành phải nhất tâm, thận trọng, mới sanh được công đức thiền định, trí tuệ, giải thoát.
Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:
Sau khi Phật nhập diệt 100 năm , có Tỳ Kheo Ưu Bá Cúc đắc thần thông, chứng quả vị A La Hán. Có một vị Tỳ Kheo Ni, nhập chúng vào thời Phật còn tại thế, lúc bấy giờ đã được 120 tuổi.
Ngài Ưu Bá Cúc muốn xin được gặp vì Tỳ Kheo Ni, để thưa hỏi về các oai nghi của Phật. Ngài Ưu Bá Cúc phái người đến báo trước với vị Tỳ Kheo Ni.
Vị Tỳ Kheo Ni lấy một bát đựng đầy dầu mè, đặt ngay ở cửa ra vào, để thử nghiệm về oai nghiêm của vị A La Hán.
Ngài Ưu Bá Cúc bước qua cửa, làm đổ một ít dầu mè ra nền mà vẫn không để ý.
Khi đã ngồi yên chỗ, ngài bèn hỏi về oai nghi của đức Phật.
Vị Tỳ Kheo đáp : Khi tôi còn nhỏ, thấy Phật vào tụ lạc và dân chúng ra đảnh lễ, tôi bèn chạy ra theo. Thấy quang minh của Phật chiếu sáng rực rỡ, tôi vội cúi đầu đảnh lễ. Ngay khi vừa cúi thì chiếc xuyến vàng của tôi rơi xuống đấy, lăn vào dưới sàng của Phật ngồi. Phật liền quay ánh quang minh về phía chỗ tối, nhờ vậy tôi trông thấy chiếc xuyến vàng và lượm lên. Do vậy mà tôi xuất gia theo Phật, thọ giới Tỳ Kheo Ni.
Ngài Ưu Bá Cúc lại hỏi : Khi Phật còn tại thế, oai nghi và phép tắc của các Tỳ Kheo ra sao?
Vị Tỷ Kheo Ni đáp : Lúc bấy giờ cũng có bọn Lục Quần Tỳ Kheo, vô liêm, vô sĩ, rất là tệ ác, nhưng oai nghi và phép tắc của họ vẫn còn hơn ngài nhiều.
Ngài Ưu Bá Cúc lại hỏi : Bà y vào đâu để nói như vậy?
Vị Tỷ Kheo Ni đáp : Tuy tệ ác như vậy, nhưng trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, Lục Quần Tỳ Kheo chẳng bao giờ mất phép tắc. Mỗi khi họ xin gặp tôi, tôi đều để bát dầu mè ở cửa mà dầu chẳng bao giờ rơi vãi ra mặt nền nhà. Ngài tuy được 6 thần thông nhưng chẳng bằng được họ như vậy.
Ngài Ưu Bá Cúc nghe xong lời ấy, rất xấu hổ. Từ đó về sau Ngài luôn luôn nhất tâm thận trọng.
Bởi nhân duyên vậy, nên “Nhất tâm, thận trọng là tướng của bậc Thiền Nhân vậy.
Hỏi : Vì sao lại nói “ Các vị Bồ Tát ở Ta Bà khó thắng, khó bì ?”
Đáp : Vì các vị Bồ Tát này có đại phước đức trí huệ, nên có muốn thắng, có muốn phá cũng chẳng thể được.
Hỏi : Hết thảy các Bồ Tát đều có Đại công đức trí huệ, đều lợi căn thượng trí cả. Vì sao chỉ riêng chỉ có ở Thế Giới Ta Bà mới có những Bồ Tát như vậy?
Đáp : Các vị Bồ Tát từ phương xa đến, thấy thế giới Ta Bà toàn đất cát dơ uế, thấy các vị Bồ Tát ở nơi đây thân hình nhỏ bé, thấy hết thảy mọi việc đều chẳng bằng được thế giới của mình, ắt sẽ sanh tâm khinh mạn. Bởi vậy nên Phật Bảo Tích phải căn dặn Bồ Tát Phổ Minh như vậy.
Lại nữa, ở những thế giới quá sung sướng, người phần nhiều không dũng mãnh, ít thông minh, ít trí huệ. Ví như chúng sanh ở Châu Uất Đan Việt, vì quá sung sướng, quá đầy đủ, nên chẳng muốn xuất gia thọ giới. Ở trên cõi trời cũng như vậy. Còn ở cõi Ta Bà rất ít nhân duyên vui, lại có nhiều chuyện khổ, có 3 đường ác, có các khổ Sanh, Già, Bệnh, Chết, phải tự đào đất kiếm miếng ăn, lại có rất nhiều pháp nạn v.v… Do vậy mà chúng sanh ở cõi Ta Bà có nhiều nhân duyên nhàm chán thế gian, và cũng nhờ vậy có được nhiều duyên tu học, được trí tuệ sanh lợi.
Ở nơi quá sung sướng, chúng sanh chẳng có được trí tuệ nhạy bén. Ví như dao phải được mài dũa mới được sắc bén, ví như ngựa phải được tập dượt mới có thể chạy xa ngàn dặm. Bồ Tát cũng như vậy. Ở thế giới uế tạp này, Bồ Tát phải vận dụng nhiều phương tiện thiện xảo để lợi sanh, có hết thảy các công đức, có đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, làm đầy đủ các Phật sự.
Bồ Tát ở cõi Ta Bà tuy chưa làm Phật, mà đã dùng đủ phương tiện độ thoát chúng sanh khỏi các khổ, nên nói “Khó thắng, khó bì” vậy.
KINH:
Bồ Tát Phổ Minh sau khi nhận hoa sen sắc vàng ngàn cánh, tạ từ Phật Bảo Tích rồi ra đi. Tháp tùng theo Bồ Tát có vô số Bồ Tát xuất gia và tại gia, có vô số đồng nam, đồng nữ.
LUẬN:
Hỏi: Bồ Tát Phổ Minh dẫn đoàn tháp tùng theo mình, là do sức thần thông của Ngài hay do sức thần thông của Phật Bảo Tích?
Đáp: Đây là do sức thần thông của cả 4 hạng Bồ Tát nói trên. Đời trước, các vị này đã từng theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nên nay họ dùng tự lực của mình xin tháp tùng Bồ Tát Phổ Minh. Vì sao vậy? Vì lực của họ còn yếu, nên họ nương theo Bồ Tát Phổ Minh mới có thể đi đến nơi chốn được. Ngoài ra, họ cũng còn nương thần lực của Phật Bảo Tích, và cũng nương theo ánh quang minh của Phật Thích Ca Mâu Ni trợ giúp thêm.
Hỏi: Vì sao Bồ Tát Phổ Minh cùng đi với các Bồ Tát xuất gia và tại gia?
Đáp: Phật có 7 chúng, gồm 5 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia, nên Bồ Tát Phổ Minh phải đem cả 7 chúng đi theo.
Hỏi: Người lớn nên dẫn đi theo. Sao còn dẫn người nhỏ theo làm gì nữa?
Đáp: Công đức tu hành chẳng tùy thuộc vào tuổi tác. Nếu hành các pháp bất thiện, thì dù lớn tuổi cũng chẳng được công đức. Trái lại người nhỏ mà có tâm từ, hành các pháp thiện, thì dù tuổi còn ít vẫn có được công đức lớn vậy.
Lại nữa, nếu thấy người nhỏ tuổi mà đã tinh tấn tu hành, chẳng ngại đường sá xa xôi, đến tận cõi Ta Bà nghe pháp, thì ai cũng phải khen ngợi kính phục cả.
Trong Phật Pháp chẳng phân biệt lớn nhỏ, sang hèn, trong ngoài…. Hết thảy mọi người nếu tinh tấn tu hành thì dù lớn hay nhỏ đều được Đạo. Cũng như thuốc dùng để trị bệnh, chẳng có phân biệt lớn nhỏ, sang hèn.
–oOo–
KINH:
Tất cả đều nhất tâm cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán các Đức Phật ở phương Đông.
LUẬN:
Hỏi: Ở phương Đông đã có rất nhiều Phật, vậy còn đến cõi Ta Bà làm gì nữa?
Đáp: Cách cúng dường của Bồ Tát cũng khác với cách cúng dường của hàng Trời Người. Khi cúng dường, Pháp Thân của Bồ Tát vẫn thường ở trong thiền định, bên thân xuất ra vô số hóa vật để cúng dường. Cũng như Long Vương, khi đi có nước phun ra ở hai bên vậy.
KINH:
Bồ Tát Phổ Minh cùng Đại Chúng tùy tùng, đem hương hoa, tràng phan, bảo cái, chuỗi anh lạc, đến cõi Ta Bà cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi đảnh lễ dưới chân Phật rồi, bèn đứng sang một bên.
LUẬN:
Hỏi: Vì sao lại cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật?
Đáp: Trong thân người thì đầu là quý nhất, và chân là thấp hèn nhất. Vì quý trọng Phật, nên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật. Đây là pháp cúng dường tôn kính nhất.
Trong luật của Phật, vì Hạ Tọa phải nâng hai chân vị Thượng Tọa để lên đầu mình, gọi là “đầu diện tiếp túc lễ”, tức là đem đầu mặt để dưới chân để làm lễ.
Hỏi: Thân có 4 oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi. Vì sao các Bồ Tát này đảnh lễ xong lại đứng sang một bên?
Đáp: Đứng sang một bên biểu hiện cho sự cung kính cúng dường Pháp.
Đến nơi chỗ Phật thuyết pháp, hàng bạch y Ngoại Đạo đều ngồi. Thế nhưng hàng xuất gia theo Phật phải đứng hầu bên Phật. Chỉ có các bậc Thượng Túc, như Ngài Xá Lợi Phật, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Tu Bồ Đề v.v… mới ngồi hầu Phật. Các vị khác nếu chưa được phép đều chẳng dám ngồi.
Các vị Bồ Tát tháp tùng Bồ Tát Phổ Minh, vì có đem theo các bạch y cư sĩ, lại vừa ở phương xa mới đến, nên đều đứng hầu bên Phật.
KINH :
Bồ Tát Phổ Minh bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng : Bạch Thế Tôn ! Bảo Tích Như Lai kính gửi lời thăm hỏi đến Thế Tôn có được ít bệnh, ít hoạn và khí lực có được an lạc chăng ? Lại xin gửi hoa sen ngàn sắc vàng ngàn cánh này cúng dường Thế Tôn.
LUẬN:
Hỏi : Vì sao Phật Bảo Tích lại hỏi Phật Thích Ca như vậy ?
Đáp : Phật Pháp là như vậy, biết mà vẫn hỏi. Phật tuy là bậc Nhất Thiết Trí, nhưng tùy thuận pháp thế gian mà thăm hỏi như vậy. Lại nữa, vì thế giới Bảo Tích thì Phật và chúng sanh đều có thân to lớn, cảnh vật trang nghiêm thanh tịnh. Nếu không thăm hỏi Phật Thích Ca, thì chúng sanh ở cõi Ta Bà sẽ cho là khinh miệt.
Hỏi : Vì sao lại hỏi “ có ít bệnh, ít hoạn chăng” ?
Đáp : Bệnh do 2 nhân duyên, nội nhân duyên và ngoại nhân duyên.
Nội nhân duyên là bệnh do 4 đại của thân không được điều hòa gây ra. Ngoại nhân duyên là các hoạn nan, khổ đau từ ngoài gây ra, như giặc giã, cướp bóc, mưa gió , nóng lạnh v.v…
Hỏi : Vì sao chẳng hỏi “không bệnh hoạn”, mà lại hỏi “ít bệnh hoạn” ?
Đáp : Vì các bậc Thánh Nhân đều rõ biết thân là nguồn gốc của khổ đau, do 4 đại nhóm họp tạo thành. Cho nên người mạnh giỏi chỉ là người ít bệnh, ít hoạn, chẳngphải là không có bệnh hoạn.
Hỏi : Vì sao lại hỏi “ khí lực có được an lạc chăng” ?
Đáp : Vì có người lành bệnh mà vẫn chẳng được an lạc. Ví như người ưu sầu chẳng thể an lạc được.
Hỏi một bên về thân, một bên về tâm là hỏi bao gồm cả 2 thứ bệnh.
Hỏi : Đã là Phật rồi sao còn hỏi “thân tâm có an lạc chăng” ?
Đáp : Phật có 3 thân. Đó là: – Pháp thân, – Hóa thân, – Báo thân
Báo thân là cái thân thị hiện trên trần gian, do cha mẹ sanh ra. Thân này chịu đủ các nỗi khổ Sanh Già Bệnh Chết. Thân này được gọi là Hiện thân, hay Phụ mẫu sanh thân.
Hỏi : Hết thảy các bậc Hiền Thánh đều chẳng chấp tâm, đều chẳng tiếc thọ mạng. Như vậy cần gì phải hỏi thăm ?
Đáp : Đây là tùy pháp thế gian. Đã sanh về thế giới loài người thì phải thăm hỏi mọi người như vậy.
–oOo–
KINH:
Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cầm hoa sen sắc ngàn vàng ngàn cánh tán về phía thế giới Phật phương Đông.
LUẬN:
Hỏi : Chẳng ai hơn Phật, như vậy vì sao Phật Thích Ca Mâu Ni lại tán hoa sen cúng dường hướng về các cõi Phật phương Đông ?
Đáp : Phật ngồi tọa Kim Cang, dưới gốc Bồ Đề được thành Đạo rồi, thì cư Thiên liền đến cúng dường và tán thán là “Đấng Vô Thượng”.
Phật tự dùng Thiên Nhãn quán khắp mười phương thế giới và tự nghĩ rằng: “ Ta nhờ tu Bát Nhã Ba La Mật mà nay mới được thành Phật. Ta phải cúng dường, tôn kính Bát Nhã Ba La Mật. Các Đức Phật trong cả 3 đời và khắp 10 phương cũng nhờ tu Bát Nhã Ba La Mật mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cúng dường chư Phật ba đời mười phương là cúng dường Bát Nhã Ba La Mật vậy.”
Lại nữa, sự cúng dường là do lòng ái mộ Đạo. Như trong kinh có chép lại mẫu chuyện như sau:
Tỷ Kheo Ni Đại Ái Đạo và 500 vị Tỷ Kheo Ni A La Hán một thời đều vào Niết Bàn. Các Ưu Bà Tắc khiêng 500 cái giường cho 500 vị Tỷ Kheo Ni A La Hán, còn Tứ Thiên Vương thì khiêng cái giường cho 500 vị Tỷ Kheo Ni A La Hán, còn Tứ Thiên Vương thì khiêng cái giường của Tỷ Kheo Ni Đại Ái Đạo.
Đức Phật đi trước bưng lư đốt hương cúng dường, dạy các Tỷ Kheo rằng: “Các ngươi hãy giúp ta cúng dường mẹ nuôi của Ta”.
Tức thì các Tỷ Kheo A La Hán dùng sức Thần Túc bay lên núi Ma Lê lấy hương Ngưu Chiên Đàn cùng các thứ trầm hương khác đem về đốt lên. Giúp Phật cúng dường mẹ nuôi.
Như vậy là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đem tâm bình đẳng cúng dường, chẳng phải vì mong cầu quả báo. Như bài kệ thuyết:
Người trí thường kỉnh trí
Luận trí vui với trí
Người trí biết rõ trí
Như rắn biết chân rắn.
Chư Phật là những bậc Nhất Thiết Trí mới cúng dường Nhất Thiết Trí.
Lại nữa, chư Phật hằng khuyến trợ các vị Bồ Tát trú ở Thất Địa phải quán “các pháp đều là tự tướng KHÔNG, chẳng sanh, chẳng diệt”. Bồ Tát quán như vậy rồi chẳng còn sanh tâm chìm đắm, xem thế giới như cảnh trong mộng, xem 6 pháp Ba La Mật như đò đưa qua sông, xả hết 6 pháp Ba La Mật vào Vô Dư Niết Bàn. Các vị Bồ Tát đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn, khi muốn vào Niết Bàn, được chư Phật phóng quang minh, xoa đầu cùng dạy rằng: “Các ngươi chớ vội vào Niết Bàn, phải niệm bổn nguyện độ chúng sanh. Các ngươi chỉ mới được Vô Sanh Pháp Nhẫn mà chưa được thân sắc vàng, chưa được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, chưa tròn đầy hạnh nguyện, cho nên phải hành thâm 6 pháp Ba La Mật để cứu độ chúng sanh.
Cũng như vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi vừa đắc Đạo, muốn nhập NIết Bàn, đã được Chư Phật hiện quang minh khuyến trợ. Đức Thích Ca quán xét “Pháp Phật quá thậm thâm, chúng sanh lại quá mê ám, phước mỏng căn độn, vậy ta phải phương tiện chia chẻ thành 3 pháp”. Quán như vậy rồi, Phật dùng 3 Thừa Giáo để cứu vớt chúng sanh, và được chư Phật khắp 10 phương tán thán “Lành thay! Lành thay!”
Như vậy là chư Phật thường hằng khuyến trợ các Bồ Tát làm các việc lợi ích cho chúng sanh.
Bởi nhân duyên vậy, nên Đức Thích Ca Mâu Ni đem hoa sen tán về thế giới chư Phật ở phương Đông để cúng dường. Sự cúng dường này được vô lượng phước đức. Vì sao? Vì hoa sen ấy do công đức của Phật Bảo Tích hóa ra, chẳng phải là loại hoa sen ở các hồ vậy.
Lại nữa, Bồ Tát Phổ Minh là một vị Pháp Thân Bồ Tát hàng Thập Địa, từ phương xa mang hoa sen đến cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật Thích Ca rõ biết 10 phương chư Phật là ruộng phước vào bậc nhất, nên đã tán hoa về các thế giới Phật, khiến chúng sanh được nhiều lợi ích:
Phải nên biết, có 4 trường hợp bố thí, đó là
1. Người thí thanh tịnh, mà người thọ không thanh tịnh.
2. Người thí không thanh tịnh, mà người thọ thanh tịnh.
3. Người thí và người thọ đều thanh tịnh.
4.Người thí và người thọ đều không thanh tịnh.
Nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cúng dường chư Phật ở phương Đông thuộc về trường hợp “người thí và người thọ đều thanh tịnh cả”.
Lại cũng nên biết “các pháp hữu vì đều là vô thường” nên khi chư Phật xả báo thân vào Niết Bàn, thì phước cũng xả luôn, “thân là bệnh” nên khi xả thân là xả bệnh, chẳng còn có thọ báo. Bởi vậy nên dù có đại phước đức, mà chẳng thọ quả của phước đức.
KINH:
Khi Đức Phật Thích Ca tán đóa hoa sen về phương Đông, thì đóa hoa này hóa thành hằng sa đóa hoa sen khác, đến khắp cả các thế giới Phật ở phương Đông.
LUẬN:
Hỏi: Hoa ít mà các thế giới Phật nhiều. Như vậy làm sao các thế giới Phật đều nhận đầy đủ cả?
Đáp: Vì Phật có đại thần lực, biến hóa các pháp, khiến ít thành nhiều, vô ngại tự tại.
Lại nữa, Phật muốn chúng sanh thấy rõ “do bố thí thanh tịnh, nên hoa sen ít mà cúng dường được khắp các thế giới Phật, gieo nhân nhỏ mà được quả báo nhiều vậy.”
Các vị Bồ Tát từ phương xa đến, thấy như vậy, đều sanh tâm hoan hỷ, được cúng dường phước điền vô thượng, được quả báo vô lượng.
KINH:
Trên mỗi đóa hoa sen đều có một vị Hóa Bồ Tát ngồi kiết già, thuyết 6 pháp Ba La Mật. Chúng sanh nào nghe được pháp này thì quyết định sẽ được Đạo Vô Thượng Bồ Đề.
LUẬN:
Hỏi: Trên đây đã nói về “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng tướng lưỡi rộng dài phóng quang minh, hóa tác vô lượng hoa sen, và trên mỗi đóa hoa sen đều có một vị Hóa Phật ngồi”. Nay vì sao lại nói “Trên mỗi đóa hoa sen đều có một vị Hóa Bồ Tát ngồi?”
Đáp: Trước đây hoa sen là do Phật ho hiện ra nên có Hóa Phật ngồi. Nay Hoa sen do Bồ Tát Phổ Minh cúng dường, nên trên mỗi hoa sen có Hóa Bồ Tát ngồi.
Lại nữa, trước đây nói chúng sanh có duyên với Phật, thấy Phật ngồi trên hoa sen mà được độ. Nay nói chúng sanh có duyên với Bồ Tát, thấy Bồ Tát ngồi trên hoa sen mà được độ
–oOo–
KINH:
Các Bồ Tát xuất gia và tại gia, các đồng nam và đồng nữ trong Chúng của Bồ Tát Phổ Minh đều cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật Thích Ca Mâu Ni, cung kính tán thán Phật.
LUẬN:
Các vị Bồ Tát xuất gia và tại gia, các đồng nam và đồng nữ trong Chúng của Bồ Tát Phổ Minh tán thán Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như bài kệ sau đây:
Dẫn đến Thật Tướng Pháp.
Các thánh đều noi theo
Phật theo Như Tánh đến,
Như Pháp Tướng diễn nói.
Bởi vậy nên gọi Phật,
Là đấng hiệu “Như lai”.
Giáp nhẫn nhục kiên cố,
Tinh tấn cùng dũng mãnh,
Trí huệ như tên bén
Phá sạch giặc kiêu mạn,
Đáng được sự cúng dường.
Của hết thảy Trời Người.
Bởi vậy nên gọi Phật.
Là đấng hiệu “Ứng cúng”.
Biết rõ Thật Tướng Khổ,
Biết rõ Tập của Khổ,
Cũng biết tướng Khổ Diệt,
Lẫn cả Đạo diệt Khổ.
Giải rõ bốn Thánh Đế.
Chắc thật chẳng thay đổi.
Bởi vậy nên gọi Phật,
Là đấng “Chánh Biến Tri”
Đủ Tam Minh vi diệu,
Viên thành Thanh Tịnh Hạnh
Bởi vậy nên gọi Phật
Là đấng “Minh Hạnh Túc”
Giải biết hết thảy Pháp,
Tự chứng Chân Diệu Đạo.
Vì thương xót chúng sanh
Diệt trừ Sanh, Già, Chết.
Dẫn đến nơi an ổn.
Bởi vậy nên gọi Phật
Là đấng hiệu “Thiện Thệ”
Biết đời từ đâu đến
Cũng biết cả Diệt Đạo
Bởi vậy nên gọi Phật
Là đấng “Thế Gian Giải”
Thiền, Giới, Trí, Đẳng Nhẫn,
Chẳng một ai sánh được.
Bởi vậy nên gọi Phật
Là đấng “Vô Thượng Sĩ”
Đại Bi độ chúng sanh.
Khéo dạy và điều phục.
Bởi vậy nên gọi Phật
Là đấng “Điều Ngự Sư”
Trí Huệ, không phiền não
Lời giải thoát vô thượng
Bởi vậy nên gọi Phật
Là đấng “Thiên Nhân Sư”
Dưới cội Bồ Đề biết,
Ba đời động, bất động,
Pháp tận cùng bất tận,
Nên gọi “Phật, Thế Tôn”,
–oOo–
KINH:
Phương Nam, cách vô số cõi Phật, có thế giới gọi là Ly Nhất Thiết Ưu. Nơi đây có Đức Phật hiệu là Vô Ưu Đức, có vị Bồ Tát Hiệu là Ly Ưu.
Phương Tây, cách vô số cõi Phật, có thế giới gọi là Diệt Ác. Nơi đây có Đức Phật hiệu là Bảo Sơn, có vị Bồ Tát hiệu là Nghĩa Ý.
Phương Bắc, cách vô số cõi Phật có thế giới gọi là Thắng Quốc. Nơi đây có Đức Phật hiệu là Thắng Vương, có vị Bồ Tát hiệu là Đức Thắng.
Phương dưới, cách vô số cõi Phật, có thế giới gọi là Thiện Quốc. Nơi đây có Đức Phật hiệu là Thiện Đức, có vị Bồ tát hiệu là Hoa Thượng.
Phương trên, cách vô số cõi Phật, có thế giới gọi là Hỷ Quốc. Nới đây có Đức Phật hiệu là Hỷ Đức, có vị Bồ Tát hiệu là Đức Hỷ.
Như vậy ở hết thảy các phương đều như phương Đông.
LUẬN:
Hỏi: Trong Phật Pháp không thấy nói đến tên của các phương, vì phương không được xếp vào 5 ấm, 12 nhập, 18 giới. Trong các Phật Pháp cũng không nói các phương pháp có thật, vì tìm khắp các nhân duyên cũng đều là bất khả đắc.Nay vì sao lại nói trong 10 phương có các Đức Phật và các vị Bồ Tát.
Đáp: Đây là tùy thuận pháp thế gian mà nói có phương, thật ra thì phương là bất khả đắc vậy.
Hỏi: (Nhóm Thắng Luận Nghĩa hỏi)
Vì sao nói “không có phương”? Trong 4 Pháp Tạng của các ông đều không nói đến, nhưng trong 6 Cú Nghĩa của chúng tôi đều nói đến. Phương cũng không được nêu lên trong các uẩn, các xứ, các giới của các ông, nhưng ở Thật Cú Nghĩa của chúng tôi có nói đên.
Lại nữa, phương là pháp thường tướng. Ví như trong kinh có nói mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây, lại cũng có nói đến Đông, Tây, Nam, Bắc…như vậy là có phương tướng. Sao lại nói chẳng có Phương tướng?
Đáp: Không thể nói như vậy được. Ví như núi Tu Di ở Tây Vức, đứng giữa 4 Châu Thiên Hạ. Khi mặt trời giờ Ngọ ở cõi Uất Đan Việt, thì ở cõi Phất Bà Đề mặt trời vừa mới mọc lên, Khi mặt trời đúng giờ ngọ ở cõi Phất Bà Đề, thì ở cõi Diêm Phù Đề, mặt trời vừa mới mọc lên. Nếu như người ở cõi nào cũng chọn phương mặt trời mọc là phương Đông, thì Phương Đông có ở 4 Châu Thiên Hạ khác nhau. Như vậy phương tướng chẳng thật có. Vì sao? Vì chẳng có phương nào thật sự được gọi là phương Đông, phương Tây,phương Nam và phương Bắc…cả. Đây chỉ là một quy ước. Thế gian có thói quen gọi là phương mặt trời mọc là phương Đông, phương mặt trời lặn là phương Tây vậy thôi.
Nếu ở mỗi cõi đều có phương mặt trời mọc là phương Đông, thì rõ ràng phương Đông của cõi này chẳng phải là phương Đông của cõi khác. Như vậy phương tướng có biến đổi, mà đã biến đổi thì là vô thường, đã là vô thường thì không phổ cập.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói “ phương chỉ có danh mà chẳng có thật”.
KINH:
Lúc bấy giờ có 3000 Đại Thiên Thế Giới đều biến thành trân bảo. Khắp nơi đều có che bảo cái, có treo tràng phan, có hương hoa…tất cả đều trang nghiêm vi diệu.
LUẬN:
Hỏi: Do nhân duyên gì mà có được như vậy?
Đáp: Đây là do Thần Lực của Phật biến hóa ra.Cũng ví như người dùng chú thuật, có thể biến hóa ra các hiễn sự, huyễn vật. Phật nào trong Đệ Tứ Thiền có 14 phép biến hóa Tâm, có thể biến 3000 Đại Thiên Thế Giới thành trân bảo, làm cho hết thảy các đất đai, cây cối, hoa hương đều trở thành trang nghiêm, làm cho hết thảy chúng sanh đều chuyển ác thành thiện.
Vì sao, Phật muốn trang nghiêm thế giới để nói Bát Nhã Ba La Mật, và cũng để đón tiếp các khách quý từ phương xa đến nghe pháp. Ví như chủ nhà trang nghiêm nhà mình để đón khách, Phật trang nghiêm 3000 Đại Thiên Thế Giới để đón tiếp các Bồ Tát từ các nước Phật khác, cũng các chư Thiên bà các vị khách quý, đến nghe Phật nói pháp. Khách đến thấy sự trang nghiêm như vậy, sẽ hoan hỷ phấn khởi, sẽ phát đại tâm thanh tịnh, từ đại tâm sẽ phạt đại nguyện, từ đại nguyện sẽ tạo đại thiện nghiệp, từ đại thiện nghiệp sẽ thành đại quả báo.
Hỏi: Nhưng gì được gọi là trân bảo?
Đáp: Có 4 thứ trân bảo. Đó là : vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Lại có thêm ba thứ nữa là : xà cừ, mã não, xích châu, cộng chung là 7, và được gọi chung là Thất Bảo, tức là 7 báu vậy.
Phải nên phân biệt có 3 loại báu. Đó là: báu của loài Người và của loài Trời, khiến cho chũng sanh biết chỗ được sanh, chỗ chết, biết các nhân duyên tường tận từ gốc đến ngọn, ví như tấm gương sáng thường hiện rõ các ảnh vậy.
Lại nữa, loại báu của Bồ Tát có thể biến hóa ra đủ các thứ để cúng dường chư Phật, để bố thì các chúng sanh, làm cho chúng sanh có duyên lành thoát khỏi cảnh bần cùng, đau khổ.
Hỏi: Trân bảo từ đâu mà có?
Đáp: Vàng có ở trong các núi đá, núi cát, đồng hoang. Bạc được lấy từ các quặn nấu ra.Trân châu được lấy từ trong bụng cá, trong não rắn, não rồng. San hô lấy từ các loại cây hóa đá ở dưới biển sâu. Lưu ly, phê lê cũng lấy từ các hang núi.v.v…
Chỉ có Như Ý Bảo Châu là từ Xá Lợi của Phật. Khi Chánh Pháp diệt, thì các Xá Lợi biến thành Như Ý Bảo Châu.
Trên đây chỉ nói đến các loại báu của người mà thôi.
Phật trang nghiêm thế giới bằng các loại báu đẹp đẽ thù thắng hơn nhiều; đến cả các chư Thiện cũng chẳng sao có được. Vì sao? Vì báu này do vô lượng công đức mà thành tựu.
KINH
Có các thế giới trang nghiêm, như Thế Giới Hoa Tích như Thế Giới Phổ Hoa. Lại cũng có các Bồ Tát oai thần lớn như Bồ Tát Diệu Đức, như Bồ Tát Thiện Tác Ý.
Luận:
Hỏi: Vì sao gọi là Thế Giới Hoa Tích, là Thế giới Phổ Hoa?
Đáp: Ở các thế giới này thường có biến hóa các loại hoa thanh tịnh. Bởi vậy nên lấy các thế giới này làm dụ
Hỏi: Trong 10 phương có nhiều thế giới thanh tịnh, an lạc như Thế Giới Phật A Di Đà. Vì sao chỉ lấy các thế giới Hoa Tích,và Phổ Hoa để làm dụ?
Đáp: Dù các Tỷ Kheo Bồ Tát nương theo Thần Lực của Phật Thích Ca Mưu Ni quán được 10 phương, nhưng vì lực công đức còn mỏng, nên chưa thể thấy được thế giới thanh tịnh,vi diệu của Phật A Di Đà.
Hỏi: Có rất nhiều vị Đại Bồ Tát, nhưng vì sao trong kinh chỉ thường nói đến một số các vị Đại Bồ Tát, như các ngài Duy Ma Cật, Quán Thế Âm, Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi v.v…?
Đáp: Bồ Tát Phổ Hiền từ mỗi lỗ chân lông thường biến hóa ra các Thế Giới Phật đầy khắp cả 10 phương để hóa độ chúng sanh. Ngài không có trú xứ nhất định; chẳng ai có thể lường được trú xứ của Ngài, vì Ngài trú trong hết thảy thế giới.
Ngài Văn Thù Sư Lợi phân thân trong 5 đạo chúng sanh, khi thì làm Thanh Văn, khi thì làm Duyên Giác, khi thì làm Phật để hóa độ chúng sanh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội có nói “ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đời trước là Đức Phật Long Chưởng Thượng Tôn Vương; Ngài đã 52 đời làm Bích Chi Phật. Do vậy trú xứ của Ngài cũng chẳng có thể lường được.
Thật ra.Nếu chỉ nói đến hai vị Bồ Tát Phổ Hiền và Văn Thù Sư Lợi, thì cũng đã tổng nhiếp được tất cả các Đại Bồ Tát rồi vậy
KINH:
Đức Như Lai biết từ hết thảy các thế giới, chư Thiên Ma, Phạm Thiên, Sa môn, Bà La Môn, càn Thát Bà, A Tu La, cùng chư Đại Bồ Tát Bổ Xứ đều đã vân tập đầy đủ.
LUÂN:
Hỏi: Nếu nói: “ Thần Lưc của Phật vô lượng, khiến chúng sanh ở khắp 10 phương đều đến tập hội”, thì hết thảy các thế giới đều trống rỗng hay sao?
Đáp: Khắp 10 phương có vô lượng vô số các Đức Phật thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, nên chúng sanh trong 10 phương thế giới không đến hết nơi Pháp hội của Thích Ca Mưu Ni.
Hỏi: Nếu ở khắp 10 phương đều có thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật thì chúng sanh ở các cõi khác còn đến cõi này làm gì nữa?
Đáp: Trước đây đã có nói “ Bồ Tát Phổ Minh cũng như một số các vị Bồ Tát khác, vì đời trước đã có nhân duyên với Phật Thích Ca Mưu Ni, nên từ phương xa đến nghe pháp. Lại nữa, chư vị Bồ Tát ấy muốn hiện thần lực công đức như vậy để khuyến khích người tại chỗ; nếu họ thấy khách ở phương xa đến nghe pháp, đến cúng dường Phật, thì họ sẽ phấn khởi, sẽ phát tín tâm thanh tịnh.
Hỏi: Phật chẳng còn chấp pháp, như vậy vì sao còn hiền thần lực khiến chúng sanh khắp nơi đến tập hội?
Đáp: Bát Nhã Ba La Mật là pháp thậm thâm, khó biết, khó giải, chẳng thể nghĩ bàn được, nên Phật rộng tập các Bồ Tát, khiến những người sơ phát tâm được tín tâm thanh tịnh, được duyên nghe pháp.
Hỏi: Vì sao cũng nói đến Thế Giới Thiên Ma, Phạm Thiên?
Đáp: Vì chư Thiên có Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, lại được lợi căn, nên tự biết chỗ nói pháp mà đến nghe vậy.
Hỏi: Nếu Thiên Giới nhiếp cả thế giới Thiên Ma và Thế Giới Phạm Thiên thì cần gì phải phân biệt nói riêng nữa?
Đáp: Thiên Giới có 3 vị Thiên Chủ. Đó là:
- Thích Đề Hoàn Nhơn, Tức là Đế Thích, làm chủ hai cõi Trời gồm: Tứ Thiên Vương và Tam Thập Tam Thiên.
- Ma Vương là chủ của cõi Trời Lục Dục Thiên.
- Phạm Thiên Vương làm chủ của Phạm Thế Giới.
Hỏi: Các cõi Trời Đâu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Dạ Mạ Thiên Đều có chủ. Như vậy sao chỉ nói đến ba vị Thiên Chủ nêu Trên đây mà thôi?
Đáp: Thích Đề Hoàn Nhơn ở trên cõi đất nên thường đến nghe pháp, hơn nữa, vị Trời này được nhiều người biết đến.
Các Thiên Ma ở cõi Lục Dục Thiên thường hay đến quấy nhiễu Phật. Đâu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Dạ Ma Thiên cũng đều thuộc về cõi trời Lục Dục Thiên cả. Khi nói đến Thế Giới chư Thiên là bao gồm ba cõi Trời này rồi vậy. Ma Vương làm chủ cõi trời Lục Dục Thiên, thường hay đến quấy nhiễu Phật, nay đến nghe Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật khiến chúng sanh càng tăng thêm tín tâm.
Hỏi: Ở sắc Giới cũng có hàng chư Thiên. Vì sao chỉ nói đến Phạm Thế Giới mà thôi?
Đáp: Chư Thiên ở các cõi Trời cao hơn không có giác quan, không có tín tâm, nên khó nghe pháp.
Chư Thiên ở Phạm Thế Giới có 4 thức, nghe được tiếng nói, lại ở gần, nên mới đến nghe pháp được.
Vào thời kiếp sơ, Phạm Thiên Vương ở tại Phạm Cung, vắng vẻ không người, buồn lòng dấy niệm rằng “vì sao nơi đây chẳng có người sanh đến?”. Lúc bấy giờ, ở cõi Trời Quang Âm Thiên, có người vừa mạng chung sanh về cõi Phạm Thiên. Phạm Thiên Vương lại dấy niệm nghĩ “ người ấy tùy niệm của ta mà sanh đến đây, nên chúng ta là cha”. Rồi từ đó Phạm Thiên Vương làm chủ của cõi Trời Phạm Thế Giới vậy.
Các cõi Trời Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền cũng đều ở trong Phạm Thế giới cả.
Hỏi: Vì sao chỉ nói đến Sa Môn, Bà La Môn, mà không nói đến các Quốc Vương, các Trưởng Giả và nhân dân?
Đáp: Người có trí huệ thuộc trong hai hạng là: Sa Môn và Bà La Môn. Xuất gia thì gọi là Sa Môn, tại gia thì gọi là Bà La Môn.
Các hạng người khác, vì còn chấp đắm dục lạc thế gian, nên khó nghe được pháp thanh tịnh.
Hỏi: Trước đây đã có nói về các thế giới của Chư Thiên rồi; sao nay còn nói thêm nữa?
Đáp: trước đây có nói về thế giới Chư Thiên rồi, nhưng chỉ mới nói đến các cõi Trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, cùng cõi trời Phạm Thiên ở Sắc Giới.
Nay nói thêm về các cõi trời Dạ Ma Thiên, Đấu Suất Đà Thiên, Hóa lạc Thiên, Ái Thiên Thiên ở Lục Dục Thiên. Cõi trời nêu sau cùng có hình sắc tuyệt diệu nên được gọi là Ái Thiên Thiên.
Hỏi: Vì sao chỉ nói đến Càn Thát Bà, mà không nói đến các Quỷ Thần và Long Vương?
Đáp: Vì Càn Thát Bà là thần kỹ nhạc của Chư Thiên, tâm rất nhu nhuyến, lại có phước đức. Còn quỷ Thần thì thuộc về đạo Quỷ Thần; Long Vương thì thuộc về đạo Súc Sanh. Chúng sanh ở hai đạo này ít đến nghe pháp.
Còn A Tu La, mặc dù có ác tâm, ưu đấu tranh, nhưng lại không phá giới, thường tu phước. Sanh tại biển lớn, có thành quách, cung điện, các A Tu La sống chung với nhau, có vua cai trị.
Trong kinh có nêu một số vị vua A Tu La như La Hầu, Tỳ Chất Đa, Bà Lê v.v…
Một thời vua A Tu la La Hầu muốn nuốt mặt trăng. Vị Thiên Tử ở mặt trăng quá sợ hãi, đến cầu cứu Phật, dùng kệ bạch Phật rằng:
Bạch Phật, đấng đại bi đại trí!
Con nay cúi đầu xin quy mạng.
La Hầu Vương đến não hại con.
Cúi xin Phật, vì con, cứu độ.
Phật dùng kệ bảo A Tu La Vương La Hầu rằng:
Trăng soi sáng trong thanh mát mẻ,
Làm đèn rọi chiếu giữa hư không
Tỏa quang minh sắc thái trắng dịu hiền,
Ngươi chớ nuốt hãy mau buông thả.
Lúc bấy giờ, A Tu La Vương La Hầu quá sợ hãi, mồ hôi ướt dầm, chẳng dám nuốt trăng nữa. A Tu La Vương Bà Lê thấy vậy dùng kệ hỏi:
Sợ hãi, run rẩy buông mặt trăng,
Mồ hôi ướt mình như ngươi bệnh,
A Ta La Vương La Hầu dùng kệ đáp lại rằng:
Thế Tôn dùng kệ răn dạy tôi.
Nếu chẳng vâng theo, đầu chẻ bảy
Dù cho sống sót, chẳng an thân.
Tôi phải buông trăng ngay là vậy!
A Tu La Vương Bà Lê dùng kệ tán than, Phật rằng:
Chư Phật rất khó gặp,
Lâu lắm mới ra đời.
Chỉ thuyết kệ thanh tịnh,
La hầu liền buông trăng.
Hỏi: Vì sao chẳng nói đến Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh?
Đáp: Vì Địa Ngục là chốn toàn khổ, tâm phát loạn, chẳng có thể nghe được pháp; Súc Sanh ngu si cũng chẳng có thể nghe được pháp; Ngạ Quỷ đói khát, lửa bốc cháy đầy mình cũng chẳng có thể nghe được pháp.
Hỏi: Nếu vậy thì cũng chẳng nên nói đến Càn Thát Bà, A Tu La?
Đáp: Trong kinh A Hàm có nói trường hợp sau đây:
Khi Phật đi du hành, thuyết diệu pháp Cam Lồ, có hai A Tu A Tu La, một trai, một gái vùng lên khóc. Mẹ của A Tu La này liền dùng kệ dỗ dành con rằng:
Các Bột Đác La đừng khóc nữa
Phú Na Bà Tẩu cũng nín đi!
Ta nay nghe pháp, được chứng Đạo.
Mong hai con sẽ chứng như ta.
Bởi vậy, nên biết là trong các đạo A Tu La cũng có kẻ chứng được Đạo. Lại nữa, các Càn Thác Bà và Khẩn Na la thường hay đến chỗ Phật thuyết pháp gảy đàn tán than Phật, khiến cả 3000 Đại Thiên Thế Giới đều chấn động, đến ngài Ma Ha Ca Diếp cũng chẳng ngồi yên được. Như vậy sao nói là họ không được Đạo?
Lại nữa, khi các A Tu La Vương, các Long Vương đến chỗ Phật thưa hỏi về thậm thâm pháp, Phật cũng đã tùy nghi giải đáp. Như vậy sao nói là họ không được Đạo?
Hỏi: Vì sao có năm đạo chúng sanh, mà chỉ có Phật là bậc thầy của loài trời và loài Người? Nói như vậy là mặc nhiên xác nhận chúng sanh có ba ác đạo kia chẳng có thể được Đạo. Nay sao lại nói A Tu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La cũng có thể được Đạo?
Đáp: Phật chẳng có phân chúng sanh ra làm năm đạo.
Nói “ Năm đạo chúng sanh” là nói theo các Sa Môn thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ. Còn nói “ Sáu đạo chúng sanh”, thuyết thứ hai có phần hợp lý hơn.
Vì sao? Ngoài hai đạo Trời và Người, thì ba ác đạo Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh là đạo thuần khổ, tội lỗi sâu dày. Các chúng sanh phước nhiều, tội ít nếu chẳng sanh vào hai đạo Trời và Người, sẽ được sanh vào đạo thứ sáu gồm A Tu La, Càn Thát Bà…
Do chỗ thác sanh có nhiều sai khác, nên nói có “ sáu đạo chúng sanh” mới có thể giải thích được các trường hợp nêu trên đây.
Trên đây không để cập đến các chúng sanh ở ba ác đạo, vì dù họ có thọ được đạo pháp đi nữa, thì do quá ít phước báo, nên sự thọ pháp cũng không được bền chắc vậy.