LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 9

Phẩm thứ nhất
(tiếp theo)
Hiện Phổ Thân
(Thân Hiện cùng khắp)

KINH:

Đức Thế Tôn ngồi trên tòa Sư Tử, quang minh sắc tướng, oai đức nguy nguy, tôn nghiêm bậc nhất hơn hết thảy, ví như núi Tu Di nguy nga, đồ sộ hơn hết thảy hòn núi khác.

LUẬN:

Hỏi: vì sao Phật lại dùng đến oai lực tối tôn như vậy?

Đáp: Từ vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp, Phật đã có vô lượng công đức, nên mới có được phước quả oai lực lớn như vậy.

Hỏi: Nếu Phật có thần lực nguy nguy như vậy, thì vì sao còn phải thọ 9 tội báo, là:

  1. Bị nữ Phạm Chí Tôn Đà phỉ báng.
  2. Bị nữ Bà La Môn Chiên Già độn  bụng vu oan.
  3. Bị Đề Bà Đạt Đa liệng đá, gây thương tích ở chân.
  4. Bị mảnh gỗ đâm vào chân, khiến gót chân bị đau nhức.
  5. Bị vua Tỳ Lưu Ly xua quân sang thành Ca Tỳ La Vệ tàn sát rất nhiều người trong họ Thích, làm Phật phải đau đầu.
  6. Bị ăn lúa của ngựa.
  7. Bị gió đông lạnh, khiến phải đau lưng.
  8. Phải chịu 6 năm khổ hạnh trong rừng.
  9. Có lần đi khất thực chẳng được ai cúng dường, phải mang bát không trở về.

Nếu nói “Phật có thần lực, oai đức nguy nguy, thì vì sao còn phải thọ các tội báo như vậy?”

Đáp:  Phật thị hiện sanh trong loài người, thọ thân người, có cha mẹ và thân thuộc, có đủ các tướng Sanh, Già, Bệnh, Chết, rồi từ đó mới thị hiện xuất gia, thành đạo để hóa độ chúng sanh.

Vì làm người, nên Phật cũng thị hiện có quả báo của loài người. Phật có 2 thân, là: Pháp Tánh Thân và Sắc Thân do cha mẹ sanh. Pháp Tánh Thân có tướng hảo, có quang minh vô lượng, đoan chánh, thường thị hiện nơi nhiều thân khác nhau, để làm phương tiện độ sanh. Pháp Tánh Thân mới có thể độ hết thảy chúng sanh khắp 10 phương được.

Nay Phật dùng Sanh Thân để thuyết pháp cho người, nên thị hiện thọ các tội báo như vậy. Lại vì thương xót chúng sanh ở đời này và ở những đời sau, phước đức cạn mỏng, nên Phật phương tiện thị hiện thân người, thị hiện thọ các tội, nhằm hộ niệm cho họ và độ họ thoát khỏi vậy.

Ví như Phật muốn thị hiện vào thành Bà La Môn khất thực mà chẳng được cúng dường, đến nỗi phải cầm bình bát không, để dạy cho các Tỳ Kheo rằng “Trong bất cứ mọi tình huống, Tỳ Kheo phải luôn luôn giữ thân tâm an lạc, tinh tấn hành Đạo.”

Trong kinh Duy Ma Cật có ghi mẩu chuyện sau đây:

Một hôm, Phật bảo Ngài A Nan rằng “Ta bị phong khí, phải dùng sữa trâu. Ngươi hãy mang bình bát của Ta đi khất.”

Ngài A Nan mang bình bát vào thành Tỳ Xá Ly, tìm đến nhà một vị Cư Sĩ. Ngài Duy Ma Cật vừa trông thấy ngài A Nan, liền hỏi: Đại Đức đi đâu vậy?

Ngài A Nan đáp: Phật thân có chút bệnh phải dùng đến sữa trâu.

Ngài Duy Ma Cật nói: Đại Đức chớ nên phỉ báng Như Lai. Đức Thế Tôn đã chẳng còn các pháp bất thiện, làm sao còn có bệnh nữa? Đại Đức chớ nên làm như vậy, khiến Ngoại Đạo nghe lời mà dấy tâm khinh khi Phật là “Tự mình có bệnh mà còn chẳng tự cứu được, như vậy làm sao có thể trị bệnh cho người khác.”

Ngài A Nan đáp: Chính tôi vâng lời Phật đi lấy sữa trâu.

Ngài Duy Ma Cật nói: Phật phương tiện bảo Đại Đức đi lấy sữa trâu về uống cho lành bệnh, nhằm dạy cho các Tỳ Kheo rằng: “Trong đời vị lai, có khi bệnh, các Tỳ Kheo nên đến nhà cư sĩ cầu thuốc men. Nếu người cư sỹ bảo có bệnh mà chẳng tự cứu chữa được mong gì cứu chữa được người khác, thì các Tỳ Kheo sẽ nói là Phật còn có bệnh, huống nữa là hàng Tỳ Kheo chúng tôi!… Hàng cư sĩ nghe vậy sẽ đem thuốc men cúng dường, khiến các Tỳ Kheo được an ổn”.

Rồi ngài nói với Ngài A Nan rằng: Đại Đức hãy cầm theo bình bát đi khất sữa trong im lặng, đừng để cho hàng Ngoại Đạo hay biết. Đại Đức nên biết rằng “vì phương tiện lợi ích cho chúng sanh, mà Phật thị hiện có bệnh, chẳng phải Phật thật sự có bệnh vây.”

KINH:

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn thị hiện dùng thân thường, khai hóa hết thảy chúng sanh. Các hàng Trời Người đều đem thiên hoa, thiên hương, thiên anh lạc, cùng đủ thứ các loại hoa sen quý xanh vàng, đỏ, trắng, cúng dường Phật.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao Phật lại dùng thân thường để khai hóa hết thảy chúng sanh?

Đáp: Như trước đây đã nói “do nhân duyên thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, mà Phật phóng quang minh, khiến chúng sanh trong khắp 3000 Đại Thiên Thế Giới đều có duyên lành thấy Phật”. Nay chúng sanh đã khởi tín tâm thanh tịnh, hoan hỷ đến nghe Pháp nên Phật dùng thân thường thuyết pháp, mà chúng sanh ở xa gần khắp nơi vẫn nghe được, chẳng có gì ngăn ngại cả,

Hỏi: Trong các cõi Trời có cõi Trời “Tịnh Cư Thiên”, Tên của cõi Trời ấy mang ý nghĩa gì?

Đáp: Cảnh giới này do sự tu hành thanh tịnh, do đắc quả vị trong 2 Thừa Thanh Văn và Duyên Giác, mà có được. Nơi đây Thánh, Phàm đồng cư, và cũng là nơi hàng Bồ Tát Bát Địa vẫn thường trú.

Hỏi: Nếu là ly dục, thì đồng đều với nhau cả. Sao còn phân biệt có Thượng, có Trung, có Hạ?

Đáp: Vì tu Thiền Định có 3 hạng Thượng, Trung, Hạ, nên sanh vào Tịnh Cư Thiên cũng có 3 hạng. Đó là: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.

Hỏi: Vì sao trong 4 Thiền đường chỉ đề cập đến Sơ Thiền và Đệ Tứ Thiền; còn 2 Thiền kia ít khi nói đến?

Đáp: vì lúc ban đầu, vào Sơ Thiền, thì ly dục rất khó; sau cùng, vào Đệ Tứ Thiền, được tánh vi diệu cũng rất khó.

Chặng giữa dễ hơn, nên ít được nói đến.

Phạm Thiên, ở gần cõi Tịnh Cư Thiên, thương xót chúng sanh, thường thỉnh Phật thuyết pháp. Cõi Trời Phạm Thiên ở gần cõi Dục, và Phạm Thiên lại là chủ cõi Sắc. Do Tịnh Cư Thiên ở gần cõi Phạm Thiên, nên chư Thiên ở cõi Trời này thường được nghe pháp, được thấy Phật, được tâm thanh tịnh, thường cúng dường Phật.

Hỏi: Chư Thiên cúng dường Phật, sao người cũng được nghe các nhạc trời?

Đáp: Phật dùng Thần Túc Thông phóng Đại Quang Minh, nên các loài chúng sanh đều có thể thấy các hoa trời, có thể nghe nhạc trời vậy.

Hỏi: Hàng Trời mới dâng hoa trời cúng dường Phật. Sao lại nói “Các hàng Trời Người đều đem hoa trời cúng dường Phật”?

Đáp: Hàng Trời và hàng Người đều đem hoa cúng dường Phật cả. Vì loài người cũng chọn các thứ hoa đẹp để cúng dường Phật, nên ví các hoa ấy như các hoa trời, cũng chẳng có lỗi gì cả.

–oOo–

KINH:

Chư Thiên dùng thiên hoa, thiên hương tán lên thân Phật

LUẬN:

Hỏi: Vì sao lại đem hoa tán lên thân Phật?

Đáp: Vì do cúng Phật, nên mới làm như vậy. Lại nữa, vì thấy Phật sanh tâm hoan hỷ, nên mới tán hoa để cúng dường Phật.

–oOo–

KINH:

Những loài hoa quý này trụ giữa hư không, kết thành các đài hoa lớn.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao các hoa lại kết thành đài hoa lớn giữa hư không?

Đáp: Chỉ tán có một số ít hoa, mà kết thành một đài hoa lớn, nhằm khai thị cho chúng sanh thấy rõ “gieo nhân ít có thể gặt được quả nhiều” vậy.

Hỏi: Vì sao đài hoa lại trụ giữa hư không, mà chẳng rơi xuống đất?

Đáp: Để làm dụ cho chúng sanh biết rõ “thần lực của Phật khiến quả báo chẳng bao giờ mất.”

KINH:

Nơi các đài hoa, cả bốn bên đều có treo chuỗi anh lạc đủ màu sắc, xen với các bảo cái rực rỡ, trùm khắp cả 3000 Đại Thiên Thế Giới.

LUẬN:

Hỏi: Do nhân duyên gì mà tán hoa lại biến thành đài hoa lớn, có chuỗi anh lạc, có bảo cái trang nghiêm?

Đáp: Vì muốn cho chúng sanh có được tâm trí thanh tịnh, và muốn khai thị cho chúng sanh biết rõ rằng “Sự cúng dường thanh tịnh sẽ biến thành đài tâm quý báu, khiến họ rất vui mừng, như mừng được phước báo lớn” vậy.

KINH:

Các chuỗi và bảo cái anh lạc dùng để trang nghiêm đài. Các Thế Giới của Chư Phật trong khắp 10 phương cũng đều như vậy.

LUẬN:

Chuyển Luân Thánh Vương làm chủ 4 thế giới, Phạm Thiên làm chủ 1000 thế giới, Phật làm chủ 3000 Đại Thiên Thế Giới.

Vì nhiều chúng sanh chẳng có tin như vậy, nên Phật dùng thần lực biến hóa đến hết thảy các thế giới của chư Phật khắp 10 phương, để cho chúng sanh thấy rõ.

Hỏi: Phật chỉ dùng có 1 thân để thuyết pháp. Vì sao mỗi chúng sanh đều tự cảm thấy như “Phật đang ở ngay trước mắt mình, và nói pháp cho riêng mình nghe”?

Đáp: Phật có 2 thần lực:

1. Phật ngồi tại 1 nơi nói pháp, mà chúng sanh ở đâu xa cũng đều thấy, đều nghe được cả.

2. Phật ngồi tại 1 nơi nói pháp, mà mỗi chúng sanh, ở khắp nơi, đều tự cảm thấy như “Phật đang ở ngay trước mắt mình, và đang nói pháp cho riêng mình nghe”. Ví như mặt trời, mặt trăng ở tại chỗ, mà chúng sanh ở bất cứ đâu, cũng đều cảm thấy như mặt trời, mặt trăng hiện ra trước mắt mình vậy.

Do căn tính chúng sanh không đồng đều nhau, có chúng sanh thấy Phật biến khắp 3000 Đại Thiên Thế Giới mới có được tín tâm thanh tịnh, lại có chúng sanh muốn được thấy Phật ở ngay trước mắt và chỉ nói pháp cho riêng mình mới khởi tín tâm thanh tịnh, mới được hoan hỷ. Đối với hạng chúng sanh như vậy, Phật phải thị hiện, ở ngay trước mắt họ, nói pháp cho họ nghe vậy.

KINH:

Tại tòa Sư Tử, đức Thế Tôn vui vẻ, mỉm cười, phóng vô lượng quang minh chiếu suốt 10 phương thế giới. Nương theo ánh quang minh ấy, mà chúng sanh đều thấy được chư Phật và Tăng Chúng ở hằng sa thế giới khắp 10 phương; chúng sanh ở hằng sa thế giới khắp 10 phương cũng đều thấy được đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tăng Chúng ở cõi Ta Bà này.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây, Phật đã phóng quang nhiều rồi. Nay vì sao còn phóng quang nữa?

Đáp: Vì chúng sanh ở các thế giới chẳng có thể thấy nhau, nên Phật dùng quang minh chiếu sáng, khiến hết thảy chúng sanh        ở các thế giới đều thấy được nhau. Có như vậy. Phật ở trong Chúng Hội ở cõi Ta Bà, mới có thể, vì hết thảy chúng sanh, thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật được.

Hỏi: Trong kinh nói “Các Đại A La Hán, như ngài trưởng lão A Nậu Lâu Đậu, thấy được 1000 thế giới; các Bích Chi Phật thấy được 2000 thế giới”. Nay vì sao lại nói hết thảy chúng sanh đều thấy được chư Phật và Tăng Chúng ở khắp 10 phương thế giới”?

Đáp: Đây là nương theo thần lực của Phật mà thấy được, chẳng phải tự chúng sanh có thể thấy được như vậy. Nhờ ánh quang minh của Phật chiếu rọi, mà các chúng sanh ở khắp các thế giới có thể thấy nhau. Ví như người được Ban Châu Tam Muội, dù chưa có được Thiên Nhãn, cũng có thể thấy được các cõi Phật trong 10 phương. Bởi nhân duyên vậy, nên đức Thế Tôn, ngồi trên Tòa Sư Tử, vui vẻ mỉm cười.

Hỏi: Chúng sanh ở cõi Ta Bà, nhờ thần lực của Phật, mà thấy được như vậy, còn chúng sanh ở các thế giới khác thì sao?

Đáp: Nhờ thần lực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà hết thảy chúng sanh ở các thế giới khắp 10 phương thấy được nhau.

–oOo–

KINH:

Lúc bấy giờ, vượt hằng sa thế giới về phương Đông, có thế giới gọi là Đa Bảo, đức Phật ở đây hiệu là Bảo Tích hiện đang vì các Bồ Tát thuyết giảng kinh Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Phật dạy “thế giới vô lượng, vô biên”. Nay vì sao lại nói “có thế giới bên này, có thế giới bên kia”. Như vậy là có tướng Hữu Lượng, Hữu Biên rồi vậy. Nếu thế giới là Hữu Lượng, Hữu Biên, thì chúng sanh cũng như vậy, vì sao nói “có vô lượng chúng sanh, và mỗi đức Phật độ vô lượng chúng sanh vào cõi Vô Dư Niết Bàn”?

Đáp: Nói vô lượng, vô biên thế giới cũng chỉ là phương thiện chẳng phải là Thật Pháp. Ví như thật chẳng có thân, mà phương tiện nói có thân.

Trong 14 điều vấn nạn, có 1 điều hỏi về Hữu Biên, Vô Biên; nói như vậy; là tà kiến. Nếu nói Hữu Biên, thì Phật không phải là bậc Nhất Thiết Trí. Vì sao vậy? Vì trí huệ của Phật rõ biết cùng khắp, nên chẳng có sự việc gì mà chẳng biết.

Nói thế giới là “vô biên” thì chẳng có chỗ cùng tận; còn nói thế giới là “hữu biên” thì cũng là tà kiến. Vì sao vậy? Vì dùng “vô biên” là nhằm phá “hữu biên” vậy.

Khi nói có thế giới Đa Bảo, chẳng phải là nói hết thảy thế giới là hữu biên. Đây chỉ nói đến thế giới có nhân duyên với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể độ được chúng sanh ở thế giới này, nên lấy làm dụ cho “Hữu Biên”, vậy. Ví như khi nói về 1 nước, thì phải phân định có ở giữa, có bên này, có bên kia, chẳng phải nói cõi Diêm Phù Đề là hữu biên hay là vô biên được.

Trí huệ Phật vô lượng, nên lấy đài hoa trụ giữa hư không, chẳng phải có cũng chẳng phải không, để làm dụ.

Hỏi: Thế giới Đa Bảo là pháp Bảo hay là Thế Bảo?

Đáp: Cả 2 đều đúng. Ở thế giới này có đức Phật hiệu là Bảo Tích, tượng trưng cho sự chứa nhóm các vật báu, nên là Pháp Bảo lại có các Bồ Tát chứng được Bảo Tánh, nên là Thế Bảo.

Hỏi: Nếu như vậy. thì Đức Phật nào cũng có hiệu là Bảo Tích hay sao?

Đáp: Đức Phật nào cũng như vậy cả; nhưng chỉ có một đức Phật lấy hiệu là Bảo Tích. Ví như đức Phật Di Lặc, ở đời vị lai, còn có hiệu là Từ Thị, tượng trưng cho lòng Đại Từ của Ngài. Các đức Phật khác cũng đều có lòng Đại Từ, mà chẳng lấy hiệu là Từ Thị. Lại như, đức Phật Bảo Hoa, khi sanh, bên hông có hoa quý; Đức Phật Nhiên Đăng, khi sanh, bên thân có đèn sáng. Phật Bảo Tích cũng như vậy, khi sanh, có các báu vật, hoặc trên trời, hoặc dưới đất hiện ra, nên được gọi là Bảo Tích.

Hỏi: Một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể độ hết thảy chúng sanh rồi. Như vậy cần gì đến các Đức Phật khác?

Đáp: Như có một thời Ngài A Nan suy nghĩ  “Các Đức Phật quá khứ ra đời nhằm thời thọ mang lâu dài mới có thể độ được vô số chúng sanh; còn Đức Phật Thích Ca ra đời vào thời thọ mạng ngắn ngủi làm sao có thể độ được hết thảy chúng sanh?”

Phật quán biết tâm niệm của Ngài A Nan có chỗ nghi, nên liền vào Tam Muội. Lúc bấy giờ ở nơi thân Phật, hết thảy các lỗ chân lông đều phóng quang minh. Quang minh ấy chiếu khắp cả cõi Diêm Phù Đề, rồi chiếu khắp cả 4 Châu Thiên Hạ, lại chiếu suốt đến cả 3000 Đại Thiên Thế Giới, chiếu đến tận hằng sa thế giới khắp 10 phương.

Từ nơi rốn của Phật hiện ra các hoa sen báu, rồi Phật thuyết kệ:

Gương sen xanh lưu ly,
Hoa sen vàng ngàn cánh
Đài sen như kim cương,
Cánh sen như hổ phách,
Cọng sen mềm vươn thẳng,
Cao đến mười trượng dư.
Gương sen xanh lưu ly,
Hiện trên rốn của Phật,
Lá sen rộng và dài,
Hoa sen đủ ngàn cánh,
Óng ánh bao màu sắc,
Trang nghiêm và rực rỡ.
Bốn hoa đẹp như vậy
Từ rốn Phật hiện ra,
Trở thành bốn “bảo tòa”
Sáng rực tợ mặt trời.
Trên bốn bảo tòa ấy,
Có bốn Đức Phật ngồi,
Có bốn núi “Kim Sơn”
Chiếu hào quang rực rỡ.
Từ rốn Đức Phật ấy,
Hiện bốn hoa sen quý,
Trên hoa có “bảo tòa”,
Mỗi tòa có một Phật.
Từ rốn các Phật ấy,
Lần lửa hiện hoa quý,
Mỗi hoa đều có tòa,
Các tòa đều có Phật.
Như vậy lần lượt hóa
Dẫn đến Tịnh Cư Thiên.
Muốn biết rõ bao nhiêu,
Nên dùng thí dụ nói:
Hãy lấy một tảng đá,
To lớn tợ núi cao,
Tán nát thành vi trần,
Đem dùng để tính tuổi,
Từ thời tám vạn tuổi,
Xuống đến thời ba tuổi
Tổng cộng số tuổi đó,
Từ trên xuống tận dưới,
Gồm luôn khoẳng chặng giữa,
Chưa bằng số Hóa Phật.
Có Phật đang phóng quang.
Sáng chói tợ mặt trời.
Có Phật hiện phun nước.
Có Phật hiện phun lửa.
Có Phật đi kinh hành,
Có Phật ngồi yên tịnh.
Có Phật đi khất thực.
Làm các việc lợi sanh,
Hoặc thuyết giảng kinh pháp,
Hoặc phóng đại quang minh,
Hoặc vào ba đường ác,
Đến tận chốn Địa Ngục,
Hóa hiện đủ phương tiện,
Tùy sự cứu các khổ
Chỗ tối chiếu quang minh,
Chỗ nóng hiện gió mát,,
An ủi các người bệnh,
Dùng pháp lạc độ sanh.

Như vậy, trong một thời, Phật dùng đủ các phương tiện độ được vô lượng chúng sanh trong hằng sa thế giới khắp 10 phương.

Lúc bấy giờ, Phật từ Tam Muội ra, hỏi Ngài A Nan rằng: A Nan đã thấy thần lực của Tam Muội chưa?

Ngài A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có thấy.

Do thần thông lực, mà chỉ trong một ngày Phật đã cứu độ được vô số chúng sanh đầy khắp cả hư không, huống nữa là suốt thời gian 80 năm, cho nên nói “Thần Lực công đức của Phật thật là vô lượng hóa hiện khắp 10 phương thế giới, chẳng có gì ngăn ngại cả”.

Như lời Phật dạy “Một thời không có hai Đức Phật xuất thế”. Trong Trang Nghiêm Kiếp có ba Đức Phật xuất thế, đó là Phật Tỳ Ba Khi, Phật Thi Khí và Phật Tỳ Xá Phù. Qua Hiền Kiếp có 4 Đức Phật xuất thế: đó là Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp và Phật Thích Ca. Ngoài Trang Nghiêm Kiếp và Hiền Kiếp, các kiếp khác không có Phật xuất thế. Chúng sanh thật đáng thương xót, vì rất khó được sanh vào thời có Phật xuất thế. Cũng như lời Phật dạy: “người nữ có 5 việc không làm được”, và bao nhiêu lời Phật dạy khác đều không sai.

Hỏi: Nếu nói đến “Chư Phật khắp 10 phương”, thì vì sao lại nói “một thời không có hai Đức Phật xuất thế”?

Đáp: Hỏi như vậy là chẳng có hiểu rõ nghĩa kinh vậy.

Nên biết, kinh có hai loại, đó là:

  1. Kinh Liễu Nghĩa.
  2. Kinh Bất Liễu Nghĩa.

Kinh Liễu Nghĩa là loại kinh giải được nghĩa thậm thâm, rất khó giải, rất khó hiểu.

Bởi nhân duyên vậy, nên trước khi nhập Niết Bàn, Phật dạy các đệ tử rằng: “Từ nay về sau phải Y Pháp, không Y người, phải Y nghĩa, không Y ngữ, phải Y trí không Y thức, phải Y Kinh Liễu Nghĩa, không Y Kinh Bất Liễu Nghĩa.

Y Pháp không Y người: Đó là y theo các pháp đã được dạy trong 12 bộ kinh, đó cũng là y theo Như Pháp Tánh, mà không y theo người thuyết giảng.

Y nghĩa, không y ngữ: Đó là y theo nghĩa của lời kinh, chớ nên y theo lời nói hay văn tự.

Hãy lấy thí dụ “người dùng ngón tay để chỉ mặt trăng”. Nếu chỉ nhìn ngón tay của người ấy, thì chẳng sao thấy được mặt trăng. Lời nói và văn tự cũng chỉ là “ngón tay chỉ mặt trăng”, nếu y theo lời nói, y theo văn tự, mà chẳng tìm hiểu nghĩa của lời kinh, thì chẳng sao vào được biển Phật Pháp vậy.

Y Trí, không Y Thức: Thức thường hay cầu vui, không theo chánh lý. Trí mới phân biệt được thiện ác. Vậy nên người hành Đạo chỉ y theo Trí mà không để cho Thức chi phối vậy…

Y theo Kinh Liễu Nghĩa, không y theo Kinh Bất Liễu Nghĩa: người học Phật phải y theo “Đệ Nhất Nghĩa”. Ví như Phật dạy: “bố thí được đại phước, trì giới được sanh cõi Trời”, như vậy là Liễu Nghĩa.

Ví như nói “thuyết pháp có 5 điều lợi là được giàu sang, được người ái kính, được đoan chánh, được thanh tịnh, được Niết Bàn”. Như vậy là chưa được liễu nghĩa vậy.

Hỏi: Thế nào là Liễu Nghĩa, và thế nào là chưa Liễu Nghĩa?

Đáp: “Bố thí không trụ tướng” mới được đại phước đức, đời đời được giàu sang. Như vậy là “Liễu Nghĩa”.

Còn nói “thuyết pháp được giàu sang” là chưa liễu nghĩa. Vì sao? Phải hiểu rằng người thuyết pháp, do tán thán bố thí mà phá được xan tham nơi người khác, và cũng tự trừ được xan tham nơi chính mình. Bởi vậy nên cũng được hưởng phước báo giàu sang. Lời nói “thuyết pháp được giàu sang” chưa được đầy đủ nghĩa, nên gọi là chưa liễu nghĩa. Đây chỉ là phương tiện mà nói, chưa phải là thật nghĩa trong kinh vậy.

Sau đây nêu vài thí dụ về những lời kinh “chưa liễu nghĩa”. Ví như nói “một thời không có hai Đức Phật xuất thế”, chẳng phải nói “một thời ở trong 10 phương thế giới không có các Đức Phật xuất thế”.

Lại như nói “trong 91 kiếp chỉ có 3 kiếp có Phật xuất thế, các kiếp khác không có Phật, chúng sanh thật đáng thương xót” là nói “những người phạm trọng tội, những người không trồng thiện căn, thì chẳng có thể thấy được Phật.” Vì hạng người này nên kinh nói “Phật rất khó gặp”. Vì sao? Vì dù Phật có ra đời đi nữa, thì những người trọng tội, bị luân chuyển trong 3 đường ác, vẫn chẳng sao thấy được Phật.

Vì không trồng thiện căn, nên dù được sanh làm người, làm Trời vào thời có Phật, cũng chẳng có thể thấy được Phật.

Trong kinh có chép các mẫu chuyện sau đây:

– Ở thành Xá Vệ có 9 ức người, mà trong đó chỉ có 3 ức người được thấy Phật, có 3 ức người tai nghe nói có Phật mà mắt chẳng trông thấy Phật, lại có 3 ức người tai chẳng nghe, mắt chẳng thấy có Phật, dù Phật đã sống trong thành Xá Vệ suốt 25 năm dài.

– Khi Phật và Ngài A Nan vào thành Xá Vệ khất thực, có một bà lão đứng ở đầu đường.

Phật dạy: Này A Nan! Người này không có nhân duyên với TA.

Ngài A Nan liền đứng lại để tạo duyên cho bà ấy. Vừa lúc đó Phật đi đến, bà liền quay lưng về phía Phật. Phật đi cả 4 bên, đi qua bên nào bà ấy cũng xây lưng về phía Phật. Phật bay lên đầu bà thì bà liền cúi mặt xuống đất, Phật hiện ra dưới đất, bà liền lấy tay che mắt, không chịu nhìn Phật.

Phật dạy: Này A Nan! Người chẳng có nhân duyên với Phật thì chẳng sao thấy được Phật. Phật rất khó gặp, như hoa Ưu Đàm rất khó thấy vậy. Lại nữa, ví như nước rất nhiều mà loài Ngạ Quỷ chẳng có nhân duyên được uống nước, nên đành phải chịu khát, chẳng sao uống được nước.

Phật dạy “suốt 91 kiếp chỉ có 3 kiếp có Phật xuất thế” là nói ở một Phật Thế Giới mà thôi, chẳng phải nói chung ở hết thảy các thế giới trong khắp 10 phương vậy.

Hỏi: Do nhân duyên gì mà Phật xuất thế?

Đáp: Do chúng sanh bị các khổ “Sanh, Già, Bệnh, Chết” mà Phật ra đời để cứu độ họ.

Phật dạy: “Vì chúng sanh bị các khổ Sanh, Già, Bệnh, Chết mà TA phát đại nguyện làm Phật cứu độ hết thảy chúng sanh thoát ra khỏi các khổ ở đời nay và ở đời sau.”

Hỏi: Khắp 10 phương thế giới đều có Phật. Như vậy sao lại nói nơi này có Phật, nơi kia không có Phật?

Đáp: Nơi đâu có khổ thì nơi đó có Phật xuất thế. Trong hết thảy các thế giới đều có khổ nên đều có Phật cả.

Trong kinh A Hàm nêu bài kệ của các Quỷ Thần tán thán Phật, khi họ đến đảnh lễ Phật như sau:

Xin quy mạng Phật, đấng tối thượng
Bậc đại tinh tấn, lưỡng túc tôn.
Dùng huệ nhãn, Phật khắp thấy biết,
Phật huệ, chư Thiên còn chẳng rõ.
Chúng con cúi đầu xin đảnh lễ,
Quá khứ, hiện tại, vị lai Phật.
Chúng con xin nhất tâm quy mạng,
Cung kính chư Phật khắp mười phương.

Như vậy, kinh Thanh Văn cũng nói đến chư Phật ba đời khắp 10 phương, cho thấy rõ có vô lượng chư Phật vậy.

Kinh nói “Phật rất khó gặp” nhằm răn dạy chúng sanh. Chúng sanh bị các khổ “Sanh, Già, Bệnh, Chết” đe dọa, khi nghe nói như vậy liền sanh sợ hãi. Nhờ vậy mà trở nên siêng năng, tinh tấn tu hành, mong cầu được thoát khổ.

Hỏi: Nếu thật có chư Phật khắp 10 phương, thì vì sao vẫn có vô lượng chúng sanh đọa vào ba đường ác mà chư Phật chẳng cứu họ?

Đáp: Như trên đây đã nói “đối với chúng sanh phạm trọng tội, hoặc không có nhân duyên thấy Phật, thì dù có Phật ra đời, họ vẫn không thể thấy được Phật.” Ví như người mù chẳng thấy được ánh sáng mặt trời; người điếc chẳng nghe được các tiếng động.

Chư Phật vẫn thường phóng quang minh, vẫn thường thuyết pháp. Thế nhưng, chúng sanh do bị tội cấu che tâm, nên chẳng có thể thấy, chẳng có thể nghe được.

Tội cấu ví như bụi bám vào gương. Bụi bám vào gương che không cho bóng hiện trong gương. Cũng như vậy, tâm cấu ngăn che không cho thấy được Phật. Phải giữ tâm thanh tịnh, mới có thể thấy được Phật.

Ví như Đức Thích Ca Mâu Ni đản sanh ở thành Ca Tỳ La Vệ, đi thuyết pháp khắp nước Thiên Trúc, khi đi về phương Bắc, khi đi về phương Nam, khi đi về phương Đông, khi đi về phương Tây… Có khi lại ứng hiện trên núi, có khi ứng hiện đứng giữa hư không, mà chẳng có nhiều chúng sanh ở những nơi ấy vẫn chẳng thấy được Phật. Trong kinh có chép trường hợp Phật chỉ ở lại trong hang có một đêm, mà hình ảnh của Phật vẫn còn in mãi trên vách đá. Có người nghe nói, vào hang tìm xem mà chẳng thấy gì, trong lúc đó thì có người chỉ nhìn qua khe đá đã có thể thấy hào quang của Phật.

Cũng như Phật Di Lặc ở cung Trời Đâu Suất, chưa giáng trần nên chúng sanh ở cõi trần không thấy được, chẳng phải không có Phật Di Lặc vậy.

Nên biết, chúng sanh nào có thiện căn đầy đủ, mới được Phật độ.

Như bài kệ thuyết:

Chư Phật quán biết trong chúng sanh:
Có kẻ chẳng thể nào độ được,
Có kẻ dễ độ, kẻ khó độ,
Có kẻ lợi căn, kẻ độn căn.
Phật phóng quang hoặc hiện thần túc,
Dùng mọi nhân duyên độ chúng sanh:
Dù đối nghịch, Phật vẫn thương xót,
Làm trái ý, Phật vẫn chẳng chấp,
Khó hóa độ, Phật dùng lời thô,
Nhu nhuyến dễ độ, dùng lời dịu.
Tâm Phật, tuy từ bi bình đẳng,
Đúng thời, mới phương tiện độ sanh.

Lực phương tiện của Phật chẳng có thể nghĩ bàn được. Đến các bậc Đại A La Hán như ngài Xá Lợi Phất, các bậc Đại Bồ Tát như ngài Di Lặc cũng chưa thể biết được, huống nữa là người phàm.

Trong kinh có chép những mẩu chuyện về chúng sanh được độ, trong nhiều trường hợp khác nhau:

Ở nước Đại Nguyệt Thị, có một người bị bệnh phong cùi, đã đến trước tượng của Ngài Phổ HIền, nhất tâm quy mạng, niệm danh hiệu của Ngài xin cho được lành bệnh.

Ngài Phổ Hiền liền phóng quang, dùng tay xoa lên đầu và thân người bệnh, tức thì người ấy được lành bệnh.

– Ở một nước nọ, có một vị Tỳ Kheo tinh tấn trì tụng kinh Pháp Hoa. Vị này được nhà vua cung kính thỉnh vào cung thuyết giảng. Thấy nhà vua trải tóc để vị Tỳ Kheo đi qua, tất cả triều đình lấy làm lạ. Có một người tâu vua cho biết lý do.

Nhà vua đáp: Có một đêm, ta tìm đến vị Tỳ Kheo, nghe vị ấy đang trì tụng kinh Pháp Hoa. Ngay  lúc bấy giờ, ta thấy có một đấng hào quang sắc vàng cỡi voi trắng đang chắp tay cung kính. Ta vừa đến gần, thì đấng ấy biến mất. Ta hỏi vị Tỳ Kheo “Vì sao thấy tôi đến mà đấng ấy lại biến mất.

Vị Tỳ Kheo đáp: Bồ Tát Phổ Hiền có phát nguyện “Người nào nhất tâm trì tụng kinh Pháp Hoa, thì sẽ đến hộ trì.”

– Ở một nước nọ, có một vị Tỳ Kheo trì tụng kinh A Di Đà, khi sắp chết, vị ấy dặn các đệ tử rằng: “Đức Phật A Di Đà cùng Đại Chúng đã đến”. Nói xong liền viên tịch. Sau lễ Trà Tì, các đệ tử thấy trong đống tro còn nguyên vẹn cái lưỡi của vị Tỳ Kheo.

Như vây, có vô số trường hợp chư Phật và chư Bồ Tát thị hiện độ chúng sanh.

Những người tội cấu nhẹ nhàng, lại nhất tâm niệm Phật, có tín tâm thanh tịnh, chẳng có nghi hối, ắt sẽ được thành đạo.

Bởi nhân duyên vậy, nên phải tin có Phật ba đời trong khắp 10 phương thế giới.

KINH:

Ở thế giới đó, có một vị Đại Bồ Tát  hiệu là Phổ Minh.

LUẬN:

Hỏi: Hiệu “Phổ Minh” mang ý nghĩa gì?

Đáp: Có nghĩa là ánh sáng thường chiếu.

KINH:

Thấy Đại Quang Minh và đại địa chấn động. Lại thấy thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài liền đến bạch với Phật Bảo Tích rằng: nay vì nhân duyên gì mà có quang minh chiếu sáng, có Đại Địa Chấn Động lại có Phật thân hiển bày như vậy?

LUẬN:

Hỏi: Vì sao Bồ Tát Phổ Minh hỏi Phật Bảo Tích về nhân duyên các điềm lành ấy?

Đáp: Vì Bồ Tát Phổ Minh chưa có thể biết được trí huệ và thần lực của Chư Phật nên mới thưa hỏi Phật Bảo Tích, để được thông rõ.

Ví như mặt trăng đang sáng, mà có mặt trời hiện ra, thì ánh sáng của mặt trăng liền bị lu mờ. Cũng như vậy, khi có một Đức Phật phóng quang minh, thì quang minh của chư vị Bồ Tát, quang minh của chư Thiên… đều bị lu mờ cả.

Giữa ánh quang minh rực rỡ ấy hiển bày Phật thân thân sắc vàng, uy nghi đẹp đẽ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khiến Bồ Tát Phổ Minh nhìn mãi mà chẳng thấy nhàm chán.

Chỉ nhìn Phật thân cũng đã được lợi ích lớn rồi. Nay Bồ Tát Phổ Minh lại được thấy vô số thế giới khắp 10 phương. Được thấy các chúng sanh trong các thế giới đều được trông thấy nhau nên sanh tâm đại hoan hỷ. Bồ Tát biết rằng “Đại sự Nhân duyên” nên phải hỏi vậy.

Các Đại Bồ Tát mới hay thưa hỏi các Đức Phật, còn các Tiểu Bồ Tát chẳng dám thưa hỏi như vậy.

Bồ Tát Phổ Minh là một vị Đại Bồ Tát. Ngài thưa hỏi Phật Bảo Tích về các nhân duyên có quang minh, có Đại Địa Chấn Động, có hiển bày Phật thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có Phật Bảo Tích giải đáp, khiến cho tất cả đều được rõ. Ví như voi chúa thường tìm đến các gốc cây lớn để nghỉ ngơi, để cho các voi con có dịp tốt ăn các cành lá vậy.

(Hết quyển 9)