LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP I
QUYỂN 6
Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
NÓI VỀ:
Thập Dụ
(Mười thí dụ)
KINH:
Giải rõ các pháp là như huyễn, như diệm, như trăng dưới nước, như hư không, như tiếng vang, như thành Càn Thát Bà, như mộng, như ảnh, như bóng trong gương, như hóa.
LUẬN:
Trên đây là 10 thí dụ nhằm giải rõ pháp Không.
1/-Như huyễn:
Hỏi: Nếu nói hết thảy các pháp đều là không, đều là Như Huyễn, thì làm sao có thể thấy, có thể nghe, có thể ngửi, có thể nếm, có thể sờ mó, có thể biết được các pháp?.
Nếu nói hết thảy các pháp đều là Không, mà mắt ta lầm thấy, thì vì sao lại chẳng thấy được tiếng, chẳng nghe được sắc?
Lại nữa, nếu nói hết thảy các pháp đều là Không, là vô sở hữu là chẳng thật có, thì làm sao có thể nghe, có thể thấy được các pháp ? Ví như 1 ngón tay có 1 móng tay, thì móng tay ấy là thật có, còn móng tay thứ hai chẳng thật có, nên chẳng có thể thấy được vậy.
Đáp: Nói các pháp đều là Không, có nghĩa là nói Tự Tướng các pháp là Không. Tuy là Không, nhưng đều có thể phân biệt thấy được, nghe được, ngửi được, nếm được, sờ mó được.
Ví như nhà huyễn sư có thể hóa tác ra đủ các sự vật ở trên sân khấu, như voi, ngựa, bàn ghế.v.v. Tất cả các sự, các vật đó đều chẳng có thật. Thế nhưng, người xem vẫn có thể thấy, có thể nghe .v.v. Nói tóm lại, vẫn có thể dùng 6 Thức để phân biệt, chẳng có lẫn lộn.
Các pháp cũng như vậy. Tuy đều Tự Tướng Không, nhưng đều có thể nhận biết, phân biệt không lẫn lộn bởi 6 Thức.
Trong kinh có nêu thời pháp do Phật thuyết cho Đức Nữ, như sau:
Đức Nữ bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Vô Minh ở bên trong chăng ?
Phật dạy: Chẳng phải vậy.
Đức Nữ lại hỏi: Vô Minh ở bên ngoài chăng ?
Phật dạy: Chẳng phải vậy.
Đức Nữ lại hỏi: Vô Minh ở bên trong lẫn bên ngoài chăng?
Phật dạy: Chẳng phải vậy.
Đức Nữ lại hỏi: Vô Minh có sinh, có diệt chăng ?
Phật dạy: Chẳng phải vậy.
Đức Nữ lại hỏi: Vô Minh có từ đời trước, rồi truyền đến đời này và đời sau chăng ?
Phật dạy: Chẳng phải vậy.
Đức Nữ lại hỏi: Có một pháp nào nhất định, mà tính của nó là Vô Minh chăng?
Phật dạy: Chẳng phải vậy.
Đức Nữ lại hỏi: Nếu Vô Minh chẳng có ở trong, chẳng có ở ngoài, cũng chẳng có ở trong lẫn ngoài, chẳng có sinh diệt, chẳng có từ đời trước chuyển đến đời nay và đời sau, cũng chẳng có một pháp nào nhất định mà tính là Vô Minh cả, thì từ đâu có sự việc Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức,…dẫn đến có Khổ, có Tập ?
Bạch Thế Tôn ! Cây phải có cội gốc, mới có cành, nhánh, lá, hoa, quả được. Nếu cây mà chẳng có cội gốc thì làm sao sinh ra được các thứ ấy ?
Phật dạy: Này Đức Nữ ! Các pháp đều là Tự Tướng Không. Tướng của các pháp tuy là Không, mà phàm phu, do vô trí, nên ở nơi đó đã sinh ra đủ thứ phiền não. Do nhân duyên phiền não, mà sinh ra các nghiệp ở thân, khẩu, ý. Do nhân duyên nghiệp, mà sinh ra có thân ở đời sau. Do nhân duyên có thân, mà sinh ra có các thọ khổ, thọ lạc.
Thế nhưng, chẳng có phiền não thật sự được tạo tác, chẳng có các nghiệp thân, khẩu, ý; chẳng có các thọ khổ, thọ lạc, cũng chẳng có người thọ khổ, thọ lạc. Tất cả đều là như huyễn, giống như các huyễn sự, huyễn vật do nhà huyễn sư tạo tác ra mà thôi.
Này Đức Nữ! Ý ngươi nghĩ sao? Huyễn sự có ở bên trong, có ở bên ngoài, có ở bên trong lẫn bên ngoài chăng? Huyễn sự có sinh có diệt chăng? Huyễn có từ đời này đến đời khác chăng? Huyễn có thật chăng?
Đức Nữ đáp: Bạch Thế Tôn! Chẳng như vậy được.
Phật dạy: Ngươi có nghe được kỹ nhạc do nhà huyễn sư huyễn tác ra chăng?
Đức Nữ đáp: Bạch Thế Tôn ! Con có nghe được.
Phật dạy: Nếu đã là huyễn, thì là hư dối, chẳng có thật. Làm sao ngươi có thể nghe được huyễn nhạc?
Đức Nữ đáp: Huyễn nhạc, tướng của nó vốn là như vậy. Tuy chẳng có cội gốc, mà cũng có thể nghe được.
Phật dạy: Vô Minh cũng lại như vậy. Vô Minh chẳng có ở bên trong, chẳng có ở bên ngoài, chẳng có ở bên trong lẫn bên ngoài, chẳng có sinh diệt, chẳng có từ đời trước chuyển đến đời nay và đời sau, chẳng có thật tính, thế nhưng, do Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức,… mà dẫn đến có ưu bi, khổ não.
Nếu dứt được huyễn, thì các huyễn sự cũng dứt theo. Vô Minh cũng lại như vậy. Nếu Vô Minh dứt, thì Hành dứt, Hành dứt, thì Thức dứt…dẫn đến các ưu bi, khổ não cũng đều dứt theo.
Thí dụ như Huyễn nhằm khai thị cho chúng sinh biết rằng “Hết thảy các pháp hữu vi đều chẳng thật có, chẳng kiên cố, lâu bền,
Bồ Tát biết rõ các pháp đều do duyên hòa hợp sinh, chẳng thật có, chẳng tự tại, chẳng kiên cố lâu bền. Bởi vậy nên nói chư Bồ Tát biết rõ các pháp đều là Như Huyễn.
2/- Như Diệm (Diệm còn được gọi là Sóng Nắng)
Vào những ngày trời nóng bức, gió tung bụi trần, lại có ánh nắng phản chiếu qua các tầng lớp không khí, tạo ở đàng xa ảo ảnh của những vũng nước đang chao động. Người vô trí tưởng là những vũng nước thật.
Các tướng Nam, tướng Nữ cũng là như vậy, do các kiết sử phiền não thiêu đốt, lại do gió tà kiến cuồn cuộn thổi lên trong đồng hoang Sinh Tử, mà kẻ vô trí tưởng chừng như có các tướng Nam, tướng Nữ.
Lại nữa, người đi đường xa, mệt mỏi, thấy Sóng Nắng ở đằng xa tưởng như gần đến được nơi có nước, nơi dừng chân, mát mẻ. Nhưng khi đã đến gần rồi, thì chẳng còn thấy gì nữa cả. Kẻ vô trí cũng như vậy. Vì chẳng được gần Thánh Pháp, nên chẳng biết rõ hết thảy các pháp đều là Vô Ngã, đều là Tự Tướng Không. Do chẳng biết rõ như vậy, nên từ Tự Tướng Không của 5 Ấm, 12 Nhập, 18 Giới, mà vọng chấp có tướng Nam, tướng Nữ v.v. Nếu được gần Thánh Pháp, được biết Thật Tướng các pháp là Vô Tướng, thì tư duy sẽ được mở rộng, các vọng tưởng sẽ được tiêu trừ, các ưu bi khổ não sẽ được tận đoạn.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói chư Bồ Tát biết rõ các pháp đều là Như Diệm.
3/- Như trăng dưới nước :
Trăng ở trên không trung là trăng thật. Bóng trăng in mặt nước chẳng phải là trăng thật.
Thật Tướng pháp là chân thật, mà ở nơi tâm niệm của chúng sinh khởi hiện ra các tướng sai khác của các pháp, ví như tướng Ngã, tướng Ngã Sở v.v…Tất cả các tướng sai khác đó đều là hư vọng, đều là chẳng thật có, như bóng trăng in mặt nước vậy.
Lại nữa trẻ con thấy bóng trăng in mặt nước, tưởng là trăng thật, vui mừng, muốn nắm bắt lấy bóng trăng. Người vô trí cũng lại như vậy, do chấp thân kiến, mà thấy có Ngã và Ngã Sở; thấy có TA, có đủ các pháp ở quanh TA, rồi sinh tâm nhiễm trước, muốn nắm bắt các tướng đó.
Như bài kệ thuyết:
Như huyễn, như diệm
Như trăng dưới nước
Như mộng thấy tiền
Như chết sống lại
Hư vọng là vậy
Mê chấp là thật
Ấy kẻ ngu si
Đáng bị chê cười.
Lại nữa, bóng trăng in trên mặt hồ, chỉ hiện rõ khi mặt nước hồ yên lặng; nhưng chỉ một gợn sóng lăn tăn cũng đủ để làm cho bóng trăng tan biến. Phàm phu cũng như vậy, do bị Vô Minh che tâm trí, mà tưởng thấy có Ngã, có Ngã Sở, có đủ thứ các kiết sử, phiền não. Trái lại, người trí thấy rõ Ngã chỉ là ảnh tượng của kiết sử. Khi các kiết sử đã hết, thì chẳng còn có Ngã nữa.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói chư Bồ Tát biết rõ các pháp đều là như “bóng trăng dưới nước”.
4/-Như hư không:
Hư Không chỉ có danh, mà chẳng phải là Thật Pháp.
Các pháp cũng đều là như vậy; đều là Không, đều là Vô Sở Hữu. Do xa lìa Trí Huệ Vô Lậu, chẳng vào được nơi Thật Tướng Pháp, phàm phu mới đắm chấp cái TA, chấp có Ngã, có Ngã Sở, có các pháp tướng sai khác, như tướng nhà, tướng vườn, tướng ruộng, tướng nam, tướng nữ v.v…
Ví như phàm phu nhìn lên trời, tưởng có thật một vòm trời xanh biếc, nhưng người bay được lên cao chẳng thấy có vòm trời xanh biếc nữa. Cũng như vậy, pháp tính thường thanh tịnh như Hư Không, nhưng phàm phu, do bị 5 ấm che tâm, do bị tham sân, si cùng các phiền não kiết sử khác mê hoặc, mà biến pháp tính thành bất tịnh.
Như bài kệ thuyết:
Mây đen bao phủ ngăn che sáng
Phàm phu vô trí cũng như vậy
Bị các phiền não thương che tâm
Mặt trời mùa đông, khi xuất hiện
Thường bị sương mù và mây che
Vẫn còn Dục nhiễm mãi che tâm
Mặt trời mùa xuân khi sắp mọc
Cũng bị mây mờ thường che phủ
Người ly dục, vào đệ tam quả
Vẫn còn tàn si mạn lưu dư
Bầu trời thu không mây che khuất
Tợ nước biển cả thường trong xanh
La Hán làm xong việc phải làm
Thâm Vô Lậu thường hằng thanh tịnh.
Hỏi: Vì sao nói “Hư Không chẳng phải là Thật Pháp ?”
Đáp: Nếu Hư Không là Thật Pháp, thì Hư Không phải có chỗ trú. Vì sao? Vì chẳng có chỗ trú, thì chẳng có tướng Hư Không. Nếu nói “Hư Không trú trong các hang, các lỗ”, thì như vậy là Hư Không trú trong Hư Không rồi vậy. Nếu nói “Hư Không trú trong các vật đặc”, thì lại càng vô lý hơn nữa, vì vật đặc làm sao có thể chứa đựng được Hư Không? Vì lý do Hư Không chẳng có chỗ trú, cho nên nói “chẳng có Hư Không”.
Lại nữa, nếu nói sắc là “pháp vô thường”, thì Hư Không phải là “pháp thường”, thì trước khi có sắc đã phải có Hư Không rồi vậy. Nhưng nếu chưa có sắc thì căn cứ vào đâu để tìm được “chỗ không có sắc”? Nếu chẳng có “chỗ không có sắc”, thì làm gì có tướng của Hư Không? Cho nên, tướng Hư Không là vô tướng, pháp Hư Không là vô pháp. Hư Không chỉ có danh, mà chẳng phải là Thật Pháp.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói chư Bồ Tát biết rõ các pháp là như Hư Không.
5/- Như tiếng vang
Trong một căn nhà trống rỗng, ở các vùng rừng núi, ở nơi các hang động, nếu có tiếng động, tiếng kêu la, tiếng nói… thì những thứ tiếng ấy dội vào các vách cản, rồi vang dội trở lại. Người vô trí tưởng có người hay vật gì ở cạnh mình phát ra những tiếng ấy.
Tiếng vang chẳng có thật, chỉ lừa dối tai người nghe mà thôi. Ví như khi người sắp nói, thì gió từ miệng dẫn vào dồn xuống tận rốn, dội trở lên, chạm vào 7 chỗ, mà phát ra tiếng nói.
Như bài kệ thuyết:
Dồn xuống đến tận rốn
Dội lên, chạm 7 chỗ
Vòm miệng, răng, lưỡi, môi
Ngực, cuống họng, thanh quản.
Từ đó phát ra tiếng nói
Người ngu chẳng hay biết
Chấp đắm, khởi sân si
Còn người có trí tuệ
Chẳng sân cũng chẳng chấp
Tiếng phát ra từ miệng
Tùy thuộc nơi các tướng
Như lên xuống, thẳng, cong
Trên đường đi của gió
Hư vọng và huyễn hóa
Phàm phu chẳng thể biết
Lấy không làm có vậy.
6/- Như Thành Càn Thát Bà
Khi mặt trời vừa mới mọc, các đám mây trên trời hiện ra đủ thứ hình, nào thành trì, nào cung điện nguy nga. Mặt trời càng lên cao thì các thành trì cung điện ấy càng bị mờ dần đi và sau cùng biến mất hẳn.
Thành trì cung điện ấy chẳng thật có, gọi là thành Càn Thát Bà, phàm phu suốt ngày khởi tâm tham sân si, rong ruổi khắp nơi, tìm các thú vui vật chất, nhằm thỏa mãn ý điên đảo của mình. Mãi đến khi gặp phải sự đau khổ cùng cực, mới tự mình ngộ được lý Vô Thường, mới rõ biết các tướng hiện quanh mình chẳng phải là thật có. Lúc bấy giờ mới dứt được tâm thèm khát của mình. Trái lại, nếu dùng trí huệ rõ biết cái TA chẳng phải là Thật Pháp, thì mọi ước muốn điên đảo liền dứt hẳn.
Hỏi: Một thí dụ cũng đủ rồi, vì sao phải dùng đến 10 dụ?
Đáp: Trước đây đã nói “Ma Ha Diễn như nước trong biển lớn, nhiếp tất cả các pháp”. Vậy nên, mặc dù có dùng đủ mọi nhân duyên, đủ mọi thí dụ, vẫn chẳng có lầm lẫn.
Lại nữa, Bồ Tát trí huệ thâm sâu, dùng đủ các pháp môn, dùng đủ các nhân duyên thí dụ, nhằm phá tâm chấp của chúng sinh. Bởi vậy Bồ Tát phải dẫn nhiều thí dụ để chúng sinh được rõ.
Lại nữa, hàng Thanh Văn thường chấp các duyên tạo pháp là thật có, và dùng các duyên ấy để làm thí dụ. Ví như lấy bọt nước để dụ cho “Sắc Vô Thường”, lấy bè để dụ cho “Thọ”, lấy ngựa chạy giữa đồng hoang để dụ cho “Tưởng”, lấy bẹ chuối để dụ cho “Hành” v.v. Nay dùng thành Càn Thát Bà làm dụ, nhằm nói lên ý nghĩa là “các duyên tạo pháp cũng chẳng thật có”. Ví như một chấm lửa quay tròn tạo ảo ảnh của một vành lửa, vành lửa chẳng thật có, chỉ là lầm mắt người xem mà thôi.
Bởi nhân duyên vậy, nên lấy “thành Càn Thát Bà” làm dụ, để chúng sinh thấy rõ “các duyên tạo pháp cũng chẳng thật có” vậy.
7/- Như mộng
Cảnh thấy trong mộng chẳng thật có, mà người nằm mộng tưởng như là thật có. Khi tỉnh dậy rồi thì mới biết rõ cảnh mộng chẳng phải là thật có.
Phàm phu cũng như vậy, do chìn đắm trong đêm dài vô minh u ám, ôm ấp các kiết sử, phiền não nên trước các vật chẳng thật có mà vẫn chắp đắm, cho là có thật… Chỉ khi nào được giác ngộ rồi, mới rõ biết các pháp tướng đều là như mộng.
Lại nữa, mộng bắt nguồn từ Vô Minh, khiến sự việc “chẳng thật có” mà chấp là “có”; cảnh “chẳng vui mà cho là vui”, điều “chẳng đáng sân” mà lại khởi “sân”, điều “chẳng đáng sợ”, mà lại sợ. Chúng sinh trong 3 cõi đều như vậy cả.
Lại nữa có 5 thứ mộng. Đó là:
Khi trong thân có nhiều khí nóng, thì thường nằm mộng thấy lửa, thấy các màu vàng, màu đỏ.
– Khi trong thân có nhiều khí lạnh, thì thường nằm mộng thấy nước, thấy màu trắng.
– Khi trong thân có nhiều hơi, thì thường nằm mộng thấy mình bay bổng lên, và cũng thường thấy màu đen.
– Khi tư duy nhiều về những điều thấy nghe thường ngày, thì thường nằm mộng thấy lại các cảnh tượng đó.
– Lại cũng có khi thấy các vị Trời, các vị Thần báo mộng cho thấy các việc sắp xảy ra trong tương lai.
Tất cả 5 thứ mộng ấy đều chẳng thật có.
Chúng sinh cũng lại như vậy. Do chấp Thân Kiến, mà thấy có cái TA theo 4 ý niệm sai khác. Đó là: -Sắc ấm là TA; -Sắc là của TA; -TA ở trong sắc; -Sắc ở trong TA.
Dẫn đến Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy cả.
Bởi vậy nên có đến 4 x 5 = 20 thứ chấp Ngã.
Người đã được Đạo là người đã có Thật Trí Huệ, đã vào được nơi Thật Tướng của các pháp, nên rõ biết tất cả các sự việc nêu trên đây đều chẳng thật có.
Hỏi: Thức Tâm phải hội đầy đủ các nhân duyên rồi mới có thể sinh ra mộng. Như vậy sao lại nói mộng là không thật có?
Đáp: Chẳng thể nói như vậy được. Ví như khi nằm mộng thấy người có sừng, thấy mình bay bổng lên không trung v.v… Những cảnh mộng ấy đều không thật có. Chỉ do mê lầm mà thấy như vậy mà thôi.
Hỏi: Thế giới bao la ; thời gian vô tận. Biết đâu do các nhân duyên huân tập những chủng tử trong nhiều đời nhiều kiếp, mà nay nằm ngủ đột nhiên thấy các chủng tử ấy phục hoạt, hiện ra trong mộng. Nếu trước đó chẳng có duyên 5 trần, thì nay làm sao có thể sinh ra thức được? Làm sao có thể nhận biết được cảnh mộng?
Đáp: Đây chẳng phải do duyên 5 trần, mà do sức tư duy chuyển thành duyên sinh pháp. Do trước đã có nghe người nói, mà nay sinh tưởng tượng, khiến nằm mộng thấy như vậy đó thôi. Nên biết rằng dùng giác quan, ta có thể thấy, có thể nghe, có thể biết được các pháp, nhưng thật sự các pháp vốn là KHÔNG, chẳng thật có vậy. Bởi nhân duyên vậy, nên nói: “Các pháp đều như huyễn, như mộng”.
8/- Như ảnh
Ảnh chỉ có thể thấy, mà chẳng có thể nắm bắt được. Các pháp có thể thấy được, có thể nghe được, có thể biết được; nhưng thật sự đều là Bất Khả Đắc, chẳng phải thật, có vậy.
Lại nữa, khi ánh sáng bị một vật gì ngăn chặn thì mới có ảnh hiện ra. Cũng như vậy, khi ánh sáng Chính Kiến bị các phiền não kiết sử ngăn che thì tướng “Pháp” và tướng “Ngã” mới hiện ra.
Lại nữa, khi vật dời thì ảnh cũng dời theo, khi vật động thì ảnh động. Ảnh nghiệp thiện ác cũng như vậy. Nếu chẳng đoạn được quả báo trong 3 đời, thì các nghiệp nhân tội phước, khi đến thời chín muồi cũng sẽ hiện ra thành các nghiệp quả tương ứng. Như bài kệ thuyết:
Đâu đâu cũng bám sát,
Nghiệp báo chẳng rời nhau.
Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Các pháp đều như ảnh, chẳng thật có”.
9/- Như bóng trong gương :
Người cầm gương soi mặt thấy bóng mình hiện ra trong gương. Bóng trong gương chẳng phải do gương làm ra, chẳng phải do mặt làm ra, chẳng phải tự nhiên mà có, chẳng phải không có nhân duyên mà có.
Vì sao như vậy?
Vì nếu không có người cầm gương soi mặt, thì chẳng có bóng hiện ra trong gương; nếu không có gương, thì cũng chẳng sao có bóng được. Do gương đối mặt, mặt đối gương, mà người soi gương mới thấy được bóng của mình hiện ra trong gương được. Như vậy bóng chẳng phải tự nhiên mà có được. Lại nữa, nếu không có nhân duyên mà có bóng, thì bóng phải là “thường có”. Mà đã là thường có, thì khi không có gương, không có người, thì bóng cũng vẫn có vậy. Hội đủ các duyên nêu trên đây, thì bóng mới có thể hiện ra trong gương được.
Các pháp cũng là như vậy. Chẳng phải tự làm ra, chẳng phải do ai làm ra, chẳng phải tự nhiên mà có, chẳng phải không có nhân duyên mà có được.
Vì sao như vậy?
Vì Ngã là bất khả đắc, cho nên các pháp chẳng có thể tự làm ra được, mà phải do duyên hòa hợp mới được tạo thành.
Vì “tự” đã không, thì “tha” cũng không. Nếu là “tha tác”, tức là do ai khác làm ra, thì chẳng có tội phước nữa.
Lại nữa, “tha tác” có thể là thiện, có thể là bất thiện. Nếu đấng tạo tác ra các pháp là thiện, thì chỉ ban phát toàn sự an vui; nếu đấng tạo tác ra các pháp là bất thiện, thì chỉ gây ra sự đau buồn, khổ não. Cho nên biết các pháp chẳng phải do ai làm ra cả.
Lại nữa, nếu chẳng có duyên khởi, thì chẳng cầu thọ lạc, chẳng cần diệt khổ làm gì nữa. Cho nên biết các pháp đều do duyên khởi tác thành; chỉ vì ngu muội mà không biết vậy thôi.
Hãy nhìn người cưa cây để tìm lửa, người đào đất để tìm nước, người phẩy quạt để tìm gió. Tất cả những sự việc như vậy đều ở trong phạm trù của “duyên khởi”. Cho nên biết “khổ lạc đều do duyên hòa hợp sinh, do nghiệp cảm nhân duyên nối tiếp từ đời này sang đời khác, mà có vậy”.
Khổ lạc, tuy vô lượng, nhưng chẳng có người làm ra, cũng chẳng có người thọ lĩnh; chẳng phải do 5 uẩn làm ra, cũng chẳng phải 5 uẩn thọ lĩnh. Kẻ vô trí, khi gặp cảnh vui, thì sinh ái trước; khi gặp cảnh khổ, thì sinh buồn nản, khổ đau. Người ở đời cứ mải miết hụp lặn trong dục lạc, hết thú vui này lại chạy đi tìm thú vui khác, chẳng khác gì trẻ thơ mải mê tìm bóng trong gương.
Lại nữa, bóng trong gương chẳng có sinh, chẳng có diệt, chỉ có thể lừa dối kẻ phàm phu. Hết thảy các pháp cũng như vậy, cũng chẳng có sinh, chẳng có diệt; nhưng phàm phu, do mê lầm mà sinh tâm chấp đắm, từ đó khởi ra các nỗi khổ vui.
Hỏi: Bóng trong gương theo nhân duyên sinh. Do có thấy bóng mới sinh ra có vui buồn. Như vậy vì sao lại nói “bóng chẳng thật có”, nói “bóng chẳng có sinh, chẳng có diệt”?
Đáp: Các pháp theo duyên sinh, nên không tự tại, không thật có. Vì sao như vậy?
Vì ở trong duyên này đã có sẵn duyên trước; trùng trùng duyên khởi, chẳng có một nhân nào nhất định sinh ra một quả nhất định cả. Ví như trong sữa đã có sẵn chất kem, nên sữa chẳng phải là nhân của chất kem. Nhưng nếu trong sữa không có chất kem, thì sữa cũng không thể dùng để làm ra kem được. Dù cho sữa là nhân của kem đi nữa, thì nhân ấy cũng không tự tại. Vì sữa cũng lại do rất nhiều nhân duyên sinh, như có bò mới có sữa, bò phải ăn cỏ tốt, phải uống nước trong v.v. mới có được sữa tốt để làm kem. Như vậy có vô lượng nhân duyên sinh pháp.
Bởi vậy nên nói: “trong nhân có quả”, hay nói: “trong nhân không có quả” cũng đều không đúng vậy. Vì sao? Vì chẳng phải có, cũng chẳng phải không vậy. Các pháp theo nhân duyên sinh, đều chẳng có tự tính, chỉ ví như bóng trong gương.
Như bài kệ thuyết:
Pháp ấy chẳng thật có.
Pháp nào chẳng phải KHÔNG,
Chẳng theo duyên CÓ được.
Ví như bóng trong gương,
Chẳng do người cầm gương,
Chẳng phải tự nhiên sinh,
Chẳng phải không nhân duyên,
Chẳng CÓ, cũng chẳng KHÔNG.
Xả bỏ các chấp ấy,
Mới vào nơi Trung Đạo.
10/- Như Hóa:
Có 14 Biến Hóa Tâm. Đó là:
– Ở Sơ Thiền có 2 (Dục Giới tâm và Sơ Thiền tâm).
– Ở Nhị Thiền có 3 (Dục Giới tâm, Sơ Thiền tâm và Nhị Thiền tâm).
– Ở Tam Thiền có 4 (Dục Giới tâm, Sơ Thiền tâm, Nhị Thiền tâm và Tam Thiền tâm).
– Ở Từ Thiền có 5 (Dục Giới tâm, Sơ Thiền tâm, Nhị Thiền tâm, Tam Thiền tâm và Tứ Thiền tâm).
Số 14 Biến Hóa Tâm này được chia thành 8 loại. Đó là:
– Hóa thành nhỏ như vi trần.
– Hóa thành lớn, đầy khắp hư không.
– Hóa thành nhẹ như lông hồng.
– Hóa lớn thành nhỏ, nhỏ thành lớn, dài thành ngắn, ngắn thành dài.
– Hóa xa thành gần, gần thành xa.
– Hóa thành có sức lực hùng mạnh.
– Làm cho mặt đất rung chuyển.
– Hóa 1 thân thành nhiều thân, hiện thần thông như đi xuyên qua vách đá, đi trên mặt nước, đi giữa hư không v.v…
Lại nữa, nên biết có 4 hạng chúng sinh sau đây có thể biến hóa ra các vật như biến hóa ra các loại cây cỏ thuốc, các loại đá quí v.v…
Đó là:
– Người ở cõi Dục có luyện khoa Huyễn Thuật.
– Người ở cõi Dục, do sức tu Định, mà có Thần Thông.
– Thiên Long, Quỷ Thần, do sinh báo, mà có Thần Thông.
– Chư Thiên ở cõi Sắc, do sinh báo và do sức tu Định mà có Thần Thông.
Nên biết hết thảy các pháp cũng chỉ là Hóa vật, chẳng có sinh, chẳng có diệt. Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Các pháp là như hóa”. Lại nữa, vật hóa sinh trong định là do tâm sinh, chẳng thật có.
Thân người cũng vậy. Do dục nhiễm mà sinh tâm tương tục, dẫn đến có thân ở đời nay. Nhưng thân vốn là KHÔNG, chẳng thật có, là như hóa vậy.
Khi Hóa Tâm diệt, thì các pháp duyên khởi cũng diệt, các quả cũng diệt, chẳng có tự tại. Như vậy các hóa vật, hóa sự, tuy chẳng thật có, mà thường khiến chúng sinh khởi các phiền não.
Lại nữa, tướng của các Biến Hóa thanh tịnh như Hư Không, chẳng có nhiễm trước. chẳng có tội phước. Hết thảy các pháp cũng đều như vậy cả, vì pháp tính là như như, bất động. Ví như ở cõi Diêm Phù Đề có 4 con sông lớn; mỗi sông lớn dung chứa cả trăm, ngàn, muôn, ức… nguồn nước từ khắp nơi chảy về biển cả, tất cả các nguồn nước ấy đều trở thành thanh tịnh.
Hỏi: Biến Hóa là do tâm người và do pháp. Như vậy là có nhân. Sao lại nói là không?
Đáp: Biến Hóa là hư đối. Có duyên khởi “biến hóa”, nhưng chẳng có quả. Ví như có tâm sinh, có miệng nói, nhưng chẳng phải vì vậy mà những gì nói ra đều có thật cả.
Như Phật nói: “Từ Hữu Sinh, quán Vô Sinh mà được Giải Thoát. Từ Hữu Vi, quán Vô Vi mà được Giải Thoát”. Như vậy, tuy pháp là Vô Sinh, mà người quán Vô Sinh có thể dùng pháp Hữu Sinh làm duyên khởi để quán Vô Sinh vậy. Quán Vô Vi cũng là như vậy; người quán Vô Vi có thể dùng pháp Hữu Vi làm duyên khởi để quán Vô Vi. Bởi vậy cho nên “Hóa” tuy là Không, mà có thể làm duyên khởi để cho tâm sinh khởi. Cũng như 9 dụ trước đây (như Huyễn, như Diệm, như Trăng dưới nước…) tuy là Không, mà có thể làm duyên khởi để cho tâm sinh khởi dậy.
Hỏi: 10 dụ nêu trên đây cùng với Không chẳng có gì khác. Vì sao chỉ lấy 10 sự việc này làm dụ mà thôi?
Đáp: Các pháp tuy đều là KHÔNG, mà có sai khác. Có cái KHÔNG dễ giải thích, có cái KHÔNG khó giải thích. Nay lấy cái KHÔNG dễ hiểu để làm dụ giải thích cái KHÔNG khó hiểu. Lại nữa, ở nơi các pháp, có chỗ tâm chấp, có chỗ tâm không chấp. Nay lấy chỗ tâm không chấp để làm dụ phá chỗ tâm chấp.
Hỏi: Vì sao nói 10 dụ nêu trên đây, đều là chỗ tâm không chấp?
Đáp: Vì 10 sự việc này đều là những pháp chẳng có kiên cố lâu bền, liền sinh liền diệt, cho nên đều là chỗ tâm không chấp. Tuy nhiên, có người biết các pháp này lừa dối tai mắt, nhưng cũng có người nghe hết 10 dụ này rồi mà vẫn chẳng rõ được pháp KHÔNG. Đối với hạng người sau cần phải dùng những pháp môn khác để dạy cho họ.
Hỏi: Nếu các pháp đều là KHÔNG, chẳng có sinh, chẳng có diệt thì 10 dụ này dùng làm duyên khởi cho các luận nghị cũng đều là KHÔNG cả. Lại nữa, nếu các pháp đều là KHÔNG, thì chẳng có thể thuyết các dụ được; ngược lại, nếu thuyết các dụ, thì chẳng phải là KHÔNG. Như vậy thì dùng 10 dụ đâu có lợi ích gì?
Đáp: Thuyết pháp KHÔNG là nhằm phá pháp HỮU.
Nếu dùng 10 dụ để thuyết pháp HỮU, thì mới nên vấn nạn, còn nếu dùng 10 dụ để thuyết pháp KHÔNG, thì chẳng nên thắc mắc làm gì.
Ví như vị Tỷ Kheo, do chấp sự, mà đưa tay lên xuống, nói với Đại Chúng rằng: “Xin Đại Chúng hãy giữ im lặng”.
Đây là lấy “tiếng nói” để ngăn “tiếng nói”, nhưng chẳng phải là “tiếng nói” thật có vậy.
Bởi vậy nên, tuy thuyết các pháp là KHÔNG, chẳng có sinh, chẳng có diệt, nhưng vì Chư Phật, Chư Bồ Tát thương xót chúng sinh độn căn, độn trí, mà phải nói các pháp là “phi hữu”, là chẳng phải thật có, là “như hóa” vậy.
Phật Thế Giới Nguyện
(Mong Được Cảnh Giới Phật)
***
KINH:
Đã được vô ngại, vô úy.
LUẬN:
Ở nơi 5 Ấm, 12 Nhập, 18 Giới mà chẳng có Tập, chẳng có Diệt, mới gọi là được Vô Ngại, Vô Úy.
Hỏi: Trước đây đã nói “Bồ Tát ở giữa vô số, vô lượng chúng sinh, đã được Vô Sở Úy. Nay còn nhắc lại làm gì nữa?
Đáp: 5 Ấm, 12 Nhập, 18 Giới mà chẳng có Tập, chẳng có Diệt, mới gọi là được Vô Ngại, Vô Úy.
Hỏi: Trước đây đã nói “Bồ Tát ở giữa vô số, vô lượng chúng sinh, đã được Vô Sở Úy. Nay còn nhắc lại làm gì nữa?
Đáp: Trước đây nói về Nhân, nay nói về Quả.
Ở giữa Đại Chúng, Bồ Tát thuyết pháp vô tận, luận nghị vô tận, giải các nghi vấn của chúng sinh vô tận, như vậy nên Bồ Tát được Vô Ngại, Vô Úy.
Khi đã được lực Vô Ngại rồi, thì ở nơi hết thảy các sự việc đã từng hay biết, chưa từng hay biết cũng đều được vô ngại cả.
Ví như khi đã hiểu rốt ráo một loại kinh thơ, thì đối với trăm ngàn loại kinh thơ khác cũng đều được vô ngại. Do vậy mà Bồ Tát dù ở trong một Chúng, hoặc ở trong trăm ngàn Chúng cũng đều được vô ngại cả. Trí Vô Ngại là như vậy.
Tuy nhiên, trí Vô Ngại của Bồ Tát chưa phải là Phật Trí.
Ví như, trong kinh có chép “Khi Phật phóng chiếc bình bát, mà Bồ Tát Di Lặc cùng chư vị Bồ Tát khác đều chẳng nắm bắt được”.
Vì sao như vậy? Đó là vì trí Vô Ngại của chư vị Bồ Tát chưa được rốt ráo, chưa bằng được trí Vô Ngại của Phật vậy.
–o0o–
KINH:
Rõ biết tâm hạnh của hết thảy chúng sinh, để từ đó dùng vi diệu trí huệ mà cứu độ họ.
LUẬN:
Hỏi: Làm sao có thể biết được tâm hạnh của hết thảy chúng sinh?
Đáp: Trí Huệ của Bồ Tát như ánh sáng mặt trời, soi chiếu Tâm hạnh của hết thảy chúng sinh, biết rõ chúng sinh muốn hướng về đâu, rồi từ đó dùng các phương tiện thiện xảo để giáo hóa họ. Vì sao như vậy?
Vì chúng sinh có 2 hạng. Đó là:
- Hạng thường chỉ cầu vui.
- Hạng thường mong cầu Trí Huệ.
Đối với hạng chúng sinh chỉ thường cầu vui, Bồ Tát dạy họ rằng:
Các ngươi nên tự trách mình, từ vô số kiếp đến nay, đã chứa nhóm vô lượng tạp nghiệp. Nếu các ngươi cứ mải miết chạy theo các thú vui ở đời, mà chẳng biết rằng mình như người đang say, thì các ngươi chẳng sao có thể xa lìa được các khổ. Khi còn trong thai mẹ đã khổ, sinh ra ở đời lại phải chịu khổ Già, Bệnh, Chết cùng vô lượng các khổ khác nữa. Dù được sinh lên cõi Trời, cũng vẫn còn bị đọa lạc trong 3 lõi, vẫn còn chưa được an lạc.
Bồ Tát, vì biết rõ Tâm Hạnh của chúng sinh, nên dùng các phương tiện Trí Huệ dạy cho họ đoạn các khổ, dẫn họ ra khỏi nhà lửa của 3 cõi.
Hỏi: Thế nào là dùng Vi Diệu Huệ để độ thoát chúng sinh?
Đáp: Bố thí Ba La Mật, Trì Giới Ba La Mật, Thiền Định Ba La Mật gọi là Vi Diệu Huệ.
Lại nữa, nếu chỉ dùng Thiền Định Trí là Thô Huệ. Còn nếu dùng Vô Úy Thiền Định Trí là Vi Diệu Huệ.
Lại nữa, nếu thủ tướng mà thuyết pháp là Thô Huệ. Còn nếu ở nơi các tướng mà chẳng có thủ, chẳng có xả là Vi Diệu Huệ.
Lại nữa, nếu thuyết rằng các tướng là vô thường, thì chỉ là Thô Huệ. Còn nếu thuyết rằng các tướng chẳng thể hoại như kim cang, chẳng thể nhiễm trước như hư không là Vi Diệu Huệ.
Như vậy là vô lượng phương tiện Vi Diệu Huệ. Vì Bồ Tát đã biết rõ Tâm Hạnh của hết thảy chúng sinh, nên mới có thể dùng Vi Diệu Huệ để độ thoát chúng sinh ra khỏi nhà lửa của 3 cõi.
–o0o–
KINH:
Các ngài đã được vô quái ngại.
LUẬN:
Hỏi: Thế nào là “Vô Quái Ngại”?
Đáp: Ở nơi kẻ oán cũng như người thân, Bồ Tát luôn luôn giữ tâm bình đẳng. Như vậy gọi là được tâm Vô Quái Ngại.
Dù được chúng sinh cung kính, cúng dường Bồ Tát vẫn chẳng hãnh diện, chẳng vui mừng. Dù bị chúng sinh đến mắng nhiếc, đánh đập hay ám hại, Bồ Tát cũng vẫn chẳng hề oán hận.
Tâm thanh tịnh như vậy mới gọi là “Tâm Vô Quái Ngại”.
Lại nữa, ở nơi hết thảy các pháp , Bồ Tát cũng vẫn giữ tâm bình đẳng, vô quái ngại.
Hỏi: Các Bồ Tát chưa được Phật Đạo, thì làm sao có thể được tâm Vô Quái Ngại?
Đáp: Các Bồ Tát đều đã được Vô Lượng Trí thanh tịnh, nên ở nơi hết thảy pháp được Tâm Vô Quái Ngại.
Hỏi: Các Bồ Tát chưa được Phật Đạo, thì làm sao có thể được Trí Thanh Tịnh?
Đáp: Các Bồ Tát đều đã được thân tự tại, chẳng phải do kết nghiệp mà sinh thân. Chỉ vì thương xót chúng sinh, vì trang nghiêm Phật Độ, vì giáo hóa chúng sinh, mà Bồ Tát thị hiện sinh thân. Bồ Tát đã được Pháp Thân tự tại, đã qua khỏi “Sinh, Già, Bệnh, Chết”.
Hỏi: Các Bồ Tát đã được Pháp Thân rồi. Như vậy, so với Phật đâu còn có gì sai khác? Vì sao Bồ Tát còn đến bên Phật, lễ Phật, nghe Phật thuyết pháp?
Đáp: Các Bồ Tát, tuy đã được Pháp Thân, nhưng vẫn chưa được bằng Phật. Bồ Tát chỉ ví như trăng đêm 14, Phật ví như trăm đêm rằm tỏa ánh sáng trong thanh.
Lại nữa, vô lượng trí thanh tịnh nói trên đây chẳng phải có nghĩa hoàn toàn tuyệt đối. Vì sao? Vì thật sự trí của Bồ Tát vẫn còn có thể lượng được, nhưng do chúng sinh chẳng sao lượng được, nên gọi là “vô lượng” đó thôi vậy. Ví như nước trong biển cả, nước của sông Hằng thật sự có thể lượng được, nhưng do chúng sinh chẳng sao lượng được, nên đành nói là vô lượng vậy.
Hàng Chư Thiên, Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cũng chẳng có thể lượng được trí thanh tịnh của Bồ Tát, nên gọi là “vô lượng trí thanh tịnh”. Chư vị Bồ Tát do đã đoạn sạch kiết sử, đã vào được Vô Sinh Pháp Nhẫn, mà được “vô lượng trí thanh tịnh” vậy.
Hỏi: Bồ Tát đã đoạn sạch kiết sử rồi, đã được trí thanh tịnh tịnh rồi, thì so với Phật đâu có khác gì?
Đáp: Thanh tịnh có 2 nghĩa. Đó là:
Ví như 1 ngọn đèn cũng phá được bóng tối, nhưng nếu có thêm ngọn đèn lớn hơn, thì càng được sáng tỏ hơn. Cũng như vậy, tuy đã được trí thanh tịnh, nhưng vẫn chưa được thanh tịnh bằng Phật. Do được trí thanh tịnh, nên Bồ Tát được Vô Ngại ở nơi hết thảy pháp.
–o0o–
KINH:
Đã thành tựu được đại nhẫn.
LUẬN:
Hỏi: Trước đây đã có nói về Đẳng Nhẫn và Pháp Nhẫn rồi. Sao nay lại nói “thành tựu Đại Nhẫn” nữa?
Đáp: Khi cả 2 Nhẫn nói trên đã được tăng trưởng, thì gọi là “thành tựu Đại Nhẫn”.
Lại nữa, khi đã được Vô Sinh Pháp Nhẫn rồi là đã được thân cuối cùng, thấy được chư Phật khắp 10 phương hiện ra trước mắt như vậy là đã thành tựu Đại Nhẫn.
Lại nữa có 2 thứ Nhẫn. Đó là Sinh Nhẫn và Pháp Nhẫn.
1. Trải qua hàng hà sa kiếp, nếu có chúng sinh đến mắng nhiếc, đánh đập, sát hại mà chẳng sinh tâm sân nhuế; được cung kính cúng dường mà chẳng có vui mừng… thì gọi là Sinh Nhẫn.
2. Quán các pháp chẳng có khởi đầu, chẳng có chặng cuối, chẳng có chặng giữa, là chẳng rơi về Nhị Biên, nghĩa là chẳng rơi về Thường Kiến cũng chẳng rơi về Đoạn Kiến, được an ổn, không quái ngại. Như vậy là được Pháp Nhẫn.
Hỏi: Thế nào là Thậm Thâm Pháp?
Đáp: Như nói trong 12 Nhân Duyên, Nhân và Quả tương tục xoay vần, trong Nhân chẳng có Quả cũng chẳng phải chẳng có Quả…gọi là Thậm Thâm Pháp.
Lại nữa, được 3 Giải Thoát Môn là được Niết Bàn thường lạc gọi là Thậm Thâm Pháp.
Lại nữa, quán các pháp chẳng phải Không, chẳng phải chẳng Không, chẳng có tướng, chẳng phải chẳng có tướng, chẳng có tác giả làm ra, chẳng phải chẳng có tác giả làm ra. Bồ Tát quán như vậy mà chăng sinh tâm chấp đắm, nên gọi là thậm thâm. Như bài kệ thuyết:
Pháp do nhân duyên sinh,
Nhưng tự tướng vốn KHÔNG,
Chỉ giả danh là CÓ.
Gọi theo nghĩa Trung Đạo,
Nếu pháp là Thật Có,
Chẳng thể nào là KHÔNG.
Nếu trước CÓ, nay KHÔNG,
Thì đó là Đoạn Diệt.
Pháp chẳng Thường, chẳng Đoạn,
Chẳng Có, cũng chẳng Không,
Tâm thức đầu tận diệt,
Nói năng đệu bặt dứt.
Bồ Tát được trí tâm như vậy, nên được Vô Ngại, gọi là thành tựu Đại Nhẫn.
–o0o–
KINH:
Như thật độ chúng sinh.
LUẬN:
Các pháp của Ngoại Đạo, tuy cũng có độ được chúng sinh, nhưng chẳng phải Như Thật Độ, vì hãy còn các tà kiến và kiết sử.
Các pháp của hàng Nhị Thừa, tuy cũng có độ chúng sinh, nhưng cũng chưa phải Như Thật Độ, vì chẳng có Nhất Thiết Trí, chẳng có đầy đủ các sức phương tiện.
Chỉ có Bồ Tát mới Như Thật Độ chúng sinh.
Ví như, giữa 2 phương tiện để vượt qua sông Hằng, một bên là bè kết bằng thân cây, một bên là thuyền đóng bằng gỗ tốt, chắc chắn, thì thuyền là phương tiện tốt nhất để độ người sang sông. Bồ Tát khéo độ chúng sinh cũng là như vậy đó.
Lại nữa, có bệnh nhân phải dùng đến các thuốc đắng mới mong lành bệnh, có bệnh nhân chỉ lấy mắt nhìn vị thuốc Tô Đà Phiến là tức thì được lành bệnh. Thanh Văn và Bồ Tát giáo hóa chúng sinh cũng là như vậy. Thanh Văn dạy người phải tu hạnh Đầu Đà, phải tọa Thiền, phải quán khổ…mới được Đạo…Còn Bồ Tát chỉ dạy người quán các Pháp Tướng chẳng có “buộc”, chẳng có “mở” là được tâm thanh tịnh, là được Đạo.
Như trong kinh Văn Thù Sư Lợi Bản Tuyên có ghi mẩu chuyện sau đây:
Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Trong vô số kiếp về trước, Phật Sư Tử Âm Vương dùng 3 Thừa Giáo để độ chúng sinh. Quốc Độ của Phật ấy gọi là Thiện Quang Minh. Ở nơi đây có nhưng cây thọ mạng lâu dài, cây đều toàn bằng 7 thứ báu, phát ra vô lượng âm thanh thanh tịnh, như thuyết về các pháp Không, Vô Tướng, Vô Tác, Bất Sinh, Bất Diệt… Chúng sinh vừa nghe là liền được giải thoát.
Lúc bấy giờ Phật Sư Tử Âm Vương, ở trong chúng hội, nói pháp. Hội thứ nhất có 99 ức người được đạo A La Hán; có vô số Bồ Tát được Vô Sinh Pháp Nhẫn, vào được trong các pháp môn, thấy được vô lượng các Đức Phật, độ được vô lượng chúng sinh, được vô lượng các Đà La Ni và Tam Muội; lại có các vị Bồ Tát sơ phát tâm, nhiều chẳng sao kể xiết được. Phật giáo hóa xong liền vào Vô Dư Niết Bàn. Lúc bấy giờ có 2 vị Bồ Tát Tỳ Kheo là Hỷ Căn và Thắng Ý.
Pháp sư Hỷ Căn, dung mạo chính trực, chẳng bỏ pháp Thế Gian, chẳng có phân biệt Thiện Ác. Đệ tử của Hỷ Căn đều thông minh, ưa nghe thâm nghĩa của các pháp. Pháp sư Hỷ Căn chẳng tán thán Thiểu Dục, Trí Túc, chẳng tán thán hạnh Đầu Đà, chỉ nói về Thật Tướng thanh tịnh của các pháp. Ngài nói với các đệ tử rằng “Tướng của Dâm, Nộ, Si, cũng là Thật Tướng pháp”; ngài lại dùng đủ các phương tiện giáo hóa các đệ tử, dẫn họ vào Nhất Thiết sinh, chẳng hối, tâm thường bất động như núi Tu Di, nên đều được Vô Sinh Pháp Nhẫn.
Trong khi đó thì pháp sư Thắng Ý trì giới thanh tịnh, tu hạnh Đầu Đà, được 4 Thiền, 4 Vô Sắc Định. Các đệ tử của pháp sư Thắng Ý phần nhiều độn căn, thường phân biệt Tịnh với Uế, nên tâm thường lay động. Pháp sư Thắng Ý, khi vào các tụ lạc thướng thuyết về các hạnh Trì Túc, Thiểu Dục, khuyến tu hạnh Đầu Đà, tu các Thiền Định, lại chê trách pháp sư Hỷ Căn dẫn người theo tà kiến, nên mới nói các tướng của Dâm, Nộ, Si đều Vô Quái Ngại.
Có vị đệ tử của pháp sư Hỷ Căn, lợi căn, lợi trí, đã được Vô Sinh Pháp Nhẫn, đến thưa pháp sư Thắng Ý rằng: “Thưa Đại Đức! Tướng của pháp Dâm Dục là gì?
Pháp sư Thắng Ý đáp: Đó là tướng của phiền não.
Đệ tử ngài Hỷ Căn lại hỏi: Dâm Dục, Phiền Não ở bên trong hay ở bên ngoài?
Ngài Thắng Ý đáp: Chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài.
Đệ tử ngài Hỷ Căn lại nói: Nếu Dâm Dục, Phiền Não chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở phương Đông, Tây, Nam, Bắc, thì dù có cầu khắp cả 4 Châu Thiên hạ, cũng chẳng sao tìm được Thật Tướng. Như vậy là pháp ấy chẳng có sinh, chẳng có diệt. Mà nếu đã chẳng có sinh, chẳng có diệt, thì làm sao có thể não loạn tà đạo.
Pháp sư Thắng Ý nghe xong, tâm chẳng được vui, nhưng ngài chẳng có thể trả lời được. Ngài từ tòa đứng dậy, nói: Pháp sư Hỷ Căn đã lầm lạc, và đã dẫn đệ tử vào tà đạo.
Pháp sư Thắng Ý, vì chưa được Âm Thanh Đà La Ni, nên nghe Phật dạy thì liền sinh tâm hoan hỷ, nghe Ngoại Đạo nói thì liền khởi sân nhuế, nghe nói đến 3 đường Ác thì liền chẳng được vui, nghe nói đến 3 đường Thiện thì liền thấy an ổn, nghe nói đến Sinh Tử thì liền ưu phiền, nghe nói đến Niết Bàn thì liền cảm thấy an lạc.
Sau cuộc đối thoại, pháp sư Thắng Ý trở về tịnh xá nói với đệ tử của mình rằng: “Pháp sư Hỷ Căn lầm lạc, dẫn dắt người vào tà đạo. Vì sao? Vì pháp sư Hỷ Căn đã khẳng định rằng tướng của Dâm, Nộ, Si cùng tướng của hết thảy các pháp đều là vô ngại cả”.
Pháp sư Hỷ Căn nghe nói như vậy, tự nghĩ rằng: “Bồ Tát Thắng Ý bị các ác nghiệp che lấp tâm trí, ắt phải bị đọa vào Ác Đạo. Ta phải nên vì ngài, nói lên Pháp Thậm Thâm. Tuy đời này chẳng có được gì, nhưng đời sau sẽ làm nhân duyên dẫn vào Phật Đạo”. Nghĩ như vậy rồi, pháp sư Hỷ Căn nói kệ rằng:
Si nhuế cũng như vậy,
Vô lượng các Phật Đạo,
Chẳng khác ba pháp ấy.
Nếu có người phân biệt
Dâm Nộ Si khác Đạo,
Người ấy xa các Phật,
Ví như Trời và Đất.
Đạo cùng Dâm Nộ Si,
Là một pháp bình đẳng.
Nếu nghe mà sợ hãi,
Cách Phật Đạo rất xa.
Pháp Dâm chẳng sinh diệt,
Chẳng thể nào loạn tâm.
Dâm dẫn vào ác đạo.
Chấp CÓ khác với KHÔNG,
Bị CÓ KHÔNG trói buộc.
Nếu biết CÓ tức KHÔNG,
Siêu thăng thành Phật Đạo.
Ngài Hỷ Căn vừa nói xong bài kệ. có 3 vạn Thiên Tử liền được Vô Sinh Pháp Nhẫn, 1 vạn 8 ngàn Thanh Văn chẳng còn chấp hết thảy các pháp, đều được giải thoát.
Trong lúc đó, Bồ Tát Thắng Ý bị sa vào địa ngục, thọ khổ. Khi trở lại làm người, trong 74 vạn đời, thường bị phỉ báng, và thường chẳng được nghe danh Phật. Rồi tội mỏng lần lần, lại trở lại nghe được Phật Pháp, xuất gia hành Đạo, nhưng lại bị xả giới, trong vô lượng đời làm Sa Môn mà căn vẫn ám độn. Còn Bồ Tát Tỳ Kheo Hỷ Căn nay thành Phật ở phương Đông, hiệu là Bửu Nghiêm. Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: “Thắng Ý Tỳ Kheo là tiền thân của con vậy. Nếu có người cầu 3 Thừa Đạo, thì chẳng nên phá các tướng của các pháp, mà ôm lòng sân nhuế”.
Phật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi: “Ông nghe bài kệ ấy thấy có được lợi ích gì?”
Ngài Văn Thù đáp: “Con nghe xong bài kệ liền vơi các khổ, được trí huệ lanh lợi, giải và nói được thâm nghĩa của Phật Pháp. Nhờ vậy mà nay ở trong chúng Bồ Tát con trở thành vị Thượng Thủ”.
Như vậy gọi là khéo thuyết các pháp tướng, cũng gọi là Như Thật Khéo Độ.
(Hết quyển 6)