LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP I
QUYỂN 7

Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)

Phật Thế Giới Nguyện
(Tiếp theo)

KINH:

Nguyện lãnh thụ vô lượng thế giới Phật

LUẬN:

Các Bồ Tát thấy được vô lượng thế giới trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật, có thế giới chẳng có các khổ. Bồ Tát thấy như vậy rồi, nguyện sinh về các thế giới ấy; ở nơi đây thường có vô lượng quang minh, trang nghiêm, thanh tịnh.

Lại thấy có thế giới, mà nơi đó hết thảy chúng sinh đều tu hành 10 Thiện Đạo, có trí huệ sáng suốt. Lại có thế giới chỉ thuần có các vị Bồ Tát, sắc thân như Phật; nơi đây chẳng có hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật; hết thảy các Bồ Tát nơi đây đều hành thâm diệu pháp, giáo hóa hết thảy chúng sinh, Bồ Tát thấy như vậy rồi, phát nguyện:

“Khi tôi được thành Phật rồi, thì các chúng sinh ở quốc độ của tôi cũng sẽ được như vậy”.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Bồ Tát nguyện thụ vô lượng thế giới của chư Phật”.

Hỏi: Bồ Tát đã có hạnh nghiệp thanh tịnh, tự được nghiệp báo thanh tịnh rồi. Như vậy cần gì phải phát nguyện mới có?

Đáp: Nếu làm phước mà chẳng có phát nguyện thì chẳng có mục tiêu. Lập nguyện là để dẫn đường; có như vậy mới thành tựu được mục tiêu. Ví như người thợ vàng, trước khi nấu vàng, phải lập ý nên làm loại nữ trang gì, để theo đó mà thực hiện vậy.

Phật dạy: “Có người ít tu giới, ít tu phước, chẳng thường làm việc thiện, nhưng thấy người giàu có nguyện sẽ được như vậy. Do thường nghĩ, thường niệm phước báo như vậy, mà ở một kiếp sau, người ấy sẽ sinh làm người giàu có. Lại có người nghe nói đến các cõi trời Tứ Thiên Vướng Thiên, Tam Thập Tam Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, thường nhớ nghĩ đến các cảnh vui ấy, mà ở một kiếp sau, sẽ sinh về các cõi ấy. Đây là do nguyện lực mà được vậy”.

Bồ Tát cũng vậy, do phát đại nguyện tịnh các thế giới Phật, nên khi được thành đạo, Bồ Tát cũng sẽ do nơi nguyện lực mà thụ được thắng quả.

Lại nữa, việc trang nghiêm các thế giới Phật là việc lớn, nên cần phải có nguyện lực lớn. Ví như trâu mạnh có đủ sức kéo luôn cả cỗ xe, nhưng cần phải biết chế ngự nó mới mong đưa xe đến nơi chốn được. Cũng như vậy, nguyện lực mạnh có thể kéo luôn cả nghiệp báo, dẫn sinh vào nơi chốn đã nguyện vậy. Cho nên trong kinh ví phước đức như trâu kéo, nguyện lực như người đánh xe vậy.

Hỏi: Nếu không phát nguyện thì chẳng được phước hay sao?

Đáp: Cũng có được phước báo, nhưng chẳng bằng được trường hợp có phát nguyện. Nguyện làm trợ duyên cho phước. Do thường niệm chỗ tu hành, nên phước đức càng tăng trưởng mãi.

Hỏi: Nếu do có nguyện mà được hưởng phước báo, thì người làm các điều ác, nhưng chẳng nguyện về địa ngục, thì cũng chẳng bị đọa địa ngục hay sao?

Đáp: Tội phước khác nhau. Người đã có tu ít phước, nhờ phát nguyện mà sẽ được phước báo lớn. Chúng sinh chẳng ai nguyện về cõi địa ngục cả, nhưng nếu phạm trọng tội, thì tội của họ sẽ dẫn họ vào địa ngục vậy.

Bồ Tát phát nguyện tịnh các thế giới Phật, nhưng còn phải tu vô lượng kiếp nữa mới được vào Niết Bàn.

Hỏi: Trong phẩm Địa Ngục có nói: “Do tội phỉ báng Bát Nhã mà bị đọa địa ngục; khi thế giới này tận kiếp lại chuyển sang thế giới khác để tiếp tục thụ khổ. Vì sao kẻ phạm trọng tội chỉ đọa địa ngục A Tỳ trong một kiếp mà thôi?

Đáp: Vì căn trí của chúng sinh có nhiều sai khác, nên Phật phương tiện lập ra 2 Thừa Đạo để giáo hóa họ.

Trong Thanh Văn Đạo, Phật dạy: “Người phạm tội Ngũ NghịcH1 phải thụ khổ địa ngục trong một kiếp”. Trong Bồ Tát Đạo, Phật lại nói: “Người phá Phật Pháp phải thụ tội trong vô lượng kiếp, khi thế giới này tận lại chuyển sang thế giới phương khác để tiếp tục thụ khổ”.

Trong Thanh Văn Đạo nói: “Phước đức lớn nhất cũng chỉ hưởng thụ quả báo tối đa là 8 vạn kiếp”. Trong Bồ Tát Đạo nói: “Người tạo phước lớn được hưởng thụ quả báo trong vô lượng kiếp”.

Phải lập nguyện mới thành tựu được phước đức lớn. Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Bồ Tát nguyện lãnh thụ vô lượng thế giới Phật”.

KINH:

Niệm vô lượng thế giới Phật, niệm Phật tam muội, thấy chư Phật thường hiện ra trước mắt.

LUẬN:

Vô lượng thế giới Phật gồm các thế giới của các đức Phật ở khắp 10 phương. Niệm Phật Tam Muội là thường niệm các đức Phật trong cả 3 đời và khắp cả 10 phương. Do tâm nhẫn mà khi niệm Phật Tam Muội thấy được chư Phật hiện ra trước mắt.

Hỏi: Thế nào là niệm Phật Tam Muội?

Đáp: Trong Thanh Văn Đạo chỉ thấy được 1 Phật thân khắp 10 phương thế giới. Trong Bồ Tát Đạo thấy được vô lượng Phật thân ở trong vô lượng thế giới Phật, và dung thông cả 3 đời.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Niệm vô lượng thế giới Phật, niệm Phật Tam Muội, thấy chư Phật thường hiện ra trước mắt”.

Hỏi: Có Vô Lượng Tam Muội. Sao Bồ Tát chỉ niệm Phật Tam Muội mà thấy được chư Phật thường hiện ra trước mắt?

Đáp: Niệm Phật Tam Muội hay trừ được các phiền não và các nghiệp tội, lại có được vô lượng phước đức. Do niệm Phật Tam Muội mà nhanh chóng trừ được các tội, nên nhanh chóng vào được Phật Đạo, thấy được chư Phật hiện ra trước mắt vậy.

Trong kinh có chép câu chuyện như sau:

Có 500 người lái buôn mạo hiểm vào vùng biển lạ tìm châu báu. Giữa đường gặp con cá Ma Già La Vương há miệng chực nuốt thuyền. Cá há miệng, mắt sáng như mặt trời, răng như những hòn đá trắng. Khi thuyền sắp trôi vào miệng cá, thì có một vị Thiền Sư nói với mọi người trong thuyền rằng: “Mọi người hãy cầu nguyện, mới mong được thoát nạn”. Trong thuyền có một người thụ 5 giới Ưu Bà Tắc khuyên mọi người nên niệm danh hiệu Phật; chỉ có Phật mới có thể độ thoát nạn được. Mọi người nhất tâm niệm “Nam Mô Phật”. Con cá ấy, trước đây là một vị Tỳ Kheo phá giới, nay nghe tiếng niệm Phật liền tỉnh ngộ, tự hối và ngậm miệng lại quay đi nơi khác. Niệm danh hiệu Phật mà còn thoát khỏi ách nạn, huống nữa là niệm Phật Tam Muội.

Lại nữa, Phật là vị Pháp Vương, chư Bồ Tát là những vị Pháp Tướng. Bồ Tát tôn trọng pháp Phật, thường niệm Phật, được vô lượng công đức. Cũng như các vị đại thần thụ ơn vua thường sùng kính, nhớ tưởng nhà vua vậy.

Lại nữa, Bồ Tát thường hành các Tam Muội Không, Vô Tướng và Vô Tác, đem tâm ấy niệm Phật nên gọi là “Niệm Phật Tam Muội”.

–o0o–

KINH:

Khuyến thỉnh vô lượng các Đức Phật Chuyển Pháp Luân.

LUẬN:

Khuyến thỉnh chư Phật có hai cách:

– Đêm ngày 6 thời lễ bái, chắp tay thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân.

– Khi các Đức Phật muốn xả thụ mạng vào Niết Bàn, thì khuyến thỉnh Phật trụ thế, Chuyển Pháp Luân, làm lợi lạc quần sinh.

Hỏi: Chư Phật thuyết pháp là để độ chúng sinh. Vì sao còn phải khuyến thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân nữa?

Đáp: Chư Phật thuyết pháp chẳng phải đợi người khuyến thỉnh. Thế nhưng sự khuyến thỉnh đem lại nhiều phước lợi. Người thỉnh Phật thuyết pháp là người có tâm tu, thường niệm chúng sinh, mong chúng sinh được lợi lạc nên được phước đức rất lớn vậy.

Lại nữa, có những Đức Phật, nếu chẳng ai khuyến thỉnh, thì liền nhập Niết Bàn mà chẳng có thuyết pháp. Như kinh Pháp Hoa có nói “ Đức Phật Đa Bảo nhập Niết Bàn, mà không thuyết pháp. Mãi về sau, trong Hội Pháp Hoa, Phật Đa Bảo hóa thân ngồi cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni trong tháp “Bảy Báu”.

Lại như, Phật Tu Phiến Đa, vì thấy hàng đệ tử chưa thuần thục nên đã nhập Niết Bàn, chỉ lưu lại các Hóa Phật trong một kiếp để độ chúng sinh.

Lại nữa, như Phật Thích Ca Mâu Ni, sau khi đắc đạo 21 ngày, vì quán thấy chúng sinh phước đức mỏng, chẳng sao hiểu nổi pháp Phật thậm thâm, nên đã không vội thuyết pháp mà muốn nhập Niết Bàn. Do các chư Thiên kính lễ, chắp tay khuyến thỉnh. Phật mới ở lại thế gian chuyển pháp luân.

Hỏi: Đã biết khuyến thỉnh Phật có rất nhiều phước lợi, sao chỉ nói có 2 cách khuyến thỉnh mà thôi?

Đáp: Có nhiều lý do khiến Phật chỉ chuyển pháp luân khi đã được khuyến thỉnh.

Nếu không ai khuyến thỉnh mà Phật thuyết pháp, thì hàng Ngoại Đạo sẽ xem thường, cho là Phật nhiều lời, hoặc cho là Phật tham sống lâu mà chẳng muốn nhập Niết Bàn. Phật muốn có sự khuyến thỉnh mới trụ thế và thuyết pháp, để cho hàng Ngoại Đạo thấy rõ “Phật chẳng có ái trước pháp như họ, Phật chỉ vì thương xót chúng sinh, vì muốn độ thoát chúng sinh mà chuyển pháp luân”.

Bởi vậy nên “có thỉnh, có thuyết”, “không thỉnh, không thuyết” .Như bài kệ sau đây:

Phật thuyết những gì THẬT,
Và những gì KHÔNG THẬT.
THẬT cùng với KHÔNG THẬT,
Đôi bên “Bất Khả Đắc”.
Chân Thật Tướng như vậy,
Chẳng nên sinh hý luận.
Vì thương xót chúng sinh
Mà phương tiện chuyển pháp.

Lại nữa, nếu không có thỉnh mà thuyết, ắt phải trả lời 14 điều vấn nạn của hàng Ngoại Đạo. Nay chư Thiên khuyến thỉnh Phật, xin Phật Chuyển Pháp Luân chỉ nhằm đoạn “Sinh, Già, Bệnh, Chết”, chẳng phải vì hý luận, nên Phật không trả lời 14 điều vấn nạn của hàng Ngoại Đạo mà chẳng vướng mắc gì cả.

Lại nữa, vì hàng Ngoại Đạo tôn thờ Phạm Thiên. Nay chính Phạm Thiên khuyến thỉnh Phật khiến họ sinh tâm cung kính Phật.

–o0o–

KINH:

Đoạn dứt các kiến chấp và các phiền não.

LUẬN:

Kiến chấp có 2 thứ. Đó là: Thường Kiến và Đoạn Kiến,

Thường Kiến là kiến chấp cho rằng thân tâm là thường trụ, cho rằng 5 ấm là thường, nên sinh tâm chấp đắm sắc thân.

Đoạn Kiến là Kiến chấp cho rằng thân tâm là đoạn diệt. Do thấy 5 ấm đoạn diệt, nên cố bám víu lấy sắc thân, sống phóng túng, đắm mình trong dục vọng.

Chúng sinh phần nhiều đọa vào 2 kiến chấp ấy. Phật muốn trừ các kiến chấp ấy cho hết thảy chúng sinh, nên thuyết lý Trung Đạo.

Lại nữa, có các chấp Hữu Biên, Vô Biên, vừa Hữu Biên vừa Vô Biên, chẳng Hữu Biên chẳng Vô Biên, Thân Kiến, Biên Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ v.v. Như vậy đủ thứ các kiến chấp, lên đến 62 thứ kiến chấp. Các kiến chấp như vậy làm nhân cho các kiết sử, dẫn sinh ra các khổ.

Lại có 10 Triền. Các phiền não, kiết sử trói buộc tâm, nên gọi là Triền, hay làm cho tâm phiền muộn, não loạn.

Lại nữa, Kiết Sử có 2 loại. Đó là:

-Kiết sử thuộc về Ái.
-Kiết sử thuộc về Kiến, do dâm, nộ, si gây ra.

Nói hẹp có 9 Kiết Sử. Nói rộng có 98 Kiết Sử.

Trong A Tỳ Đàm nói đến 10 Triền, 108 Phiền Não. Có kinh lại nói có đến 500 Phiền Não.

Các phiền não gây tác hại như vậy, nên các Bồ Tát dùng đủ phương tiện để tự đoạn cho riêng mình, và đoạn cho người.

Trong kinh có nêu mẩu chuyện:

Ở Tỳ Xá Ly có dâm nữ Yêm La Bà, ở Xá Bà Dề có dâm nữ Tu Mạn Na, ở Vương Xá có dâm nữ Ưu Bát La. Có 3 anh em nghe tán thán 3 nàng liền sinh tâm mê mẩn, thương trộm, nhớ thầm, chẳng hề rời niệm. Đêm nằm mộng, thấy mình gặp các dâm nữ, thỏa mãn tình dục. Nhưng sáng ra chợt tỉnh, thấy rõ cảnh mộng là giả tạo. Liền sau đó, cả 3 anh em tìm đến Bồ Tát Bát Đà Bà La thưa hỏi về sự việc. Được Bồ Tát giác tỉnh, cả 3 anh em đều ngộ được rằng “hết thảy các pháp đều từ niệm tưởng sinh ra” và nhờ vậy cả 3 anh em đều chứng được “Bất Thối Chuyển”.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “các Bồ Tát đoạn dứt kiến chấp và phiền não cho chúng sinh”.

–o0o–

Tam Muội

KINH:

Du hý xuất sinh trăm ngàn tam muội.

LUẬN:

Các Bồ Tát đầy đủ Thiền Định, Trí Huệ thường dùng các phương tiện xuất sinh các Tam Muội, du hý, ra vào các Tam Muội.

Hỏi: Thế nào là Tam Muội?

Đáp: Đó là “Thiền Tâm Bất Động”.

Có 3 trường hợp:

-Có Giác, có Quán.
-Không Giác, có Quán.
-Không Quán, có Giác.

Hỏi: Vì sao nói “Bồ Tát du hý xuất sinh Tam Muội”?

Đáp: Vô lượng chúng sinh có vô lượng tâm hạnh khác nhau. Có người lợi, có kẻ độn. Bồ Tát muốn độ hết thảy chúng sinh, và trị dứt hết thảy tâm bệnh của họ, nên thường du hý, ra vào các Tam Muội một cách tự tại, vô ngại. chẳng có gì trói buộc cả.

–o0o–

KINH:

Hàng đại Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức như vậy.

LUẬN:

Nói “Hàng đại Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức” là ý nói rằng “Hàng đại Bồ Tát thành tựu các công đức như Phật”.

Nếu muốn tán thán công đức của Phật, Pháp, Tăng thì dù cho trải qua vô lượng kiếp cũng chẳng sao tán thán hết được.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói “Hàng đại Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức”.

–o0o–

KINH:

Danh hiệu các vị Đại Bồ Tát ấy là:

Bát Đà Bà La, Kế Na Na Dà La, Đạo Sư, Na La Đạt, Tinh Đắc, Thủy Thiên, Chủ Thiên, Đại Ý, Ích Ý, Tăng Ý, Bất Hư Kiến, Thiện Tấn, Thế Thắng, Thường Cần, Bất Xả Tinh Tấn, Nhật Tạng, Bất Khuyết Ý, Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Chấp Bửu Ấn, Thường Cử Thủ, Từ Thị…

Như vậy có trăm ngàn muôn ức Đại Bồ Tát, đều là các bậc Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ làm Phật.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao có nhiều vị Đại Bồ Tát như vậy, mà chỉ nêu danh có một số ít vị thôi?

Đáp: Các vị Đại Bồ Tát, nêu trên đây, là những vị có nhiều trí huệ, thường ở bên Phật nơi thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật. Trong số các vị Đại Bồ Tát này, có vị là Bồ Tát tại gia, có vị là Bồ Tát xuất gia.

Những Bồ Tát tại gia như: Bồ Tát Bát Đà Bà La (Thiện Thủ) là Cư Sĩ ở thành Vương Xá, Bồ Tát Kê Na La Dà La (Bảo Tích Vương Tử) là Cư Sĩ thành Tỳ Xá Ly, Bồ Tát Tịnh Đắc là con của Trưởng giả Đàm Bá Quốc và là Cư Sĩ thành Chiêm Bà, Bồ Tát Na La Đạt là người Bà La Môn ở nước Di Giê La… Ngoài ra có những vị Bồ Tát xuất gia như Bồ Tát Từ Thị (Di Lặc)… Bồ Tát QUán Thế Âm là vị Bồ Tát ở phương khác đến dự Hội Bát Nhã.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát Thiện Thủ lại được nêu danh lên trước nhất?

Đáp: Việc nêu danh trước sau như trên đây chẳng phải là theo thứ tự lớn nhỏ. Vì ngài Bồ Tát Thiện Thủ là vị Cư Sĩ ở thành Vương Xá, lại là vị Bồ Tát thâm hiểu Bát Nhã, nên được nêu danh trước. Lại nữa, Bồ Tát Thiện Thủ có vô lượng vô biên công đức, đã được Ban Châu Tam Muội, được Phật nhiều phen tán thán công đức, nên được nêu danh trước.

Hỏi: Chỉ có Bồ Tát Di Lặc mới là vị Bồ Tát Bổ Xứ. Vì sao nói các vị Bồ Tát khác cũng đều là những vị Bồ Tát Bổ Xứ cả?

Đáp: Các vị Bồ Tát, nói trên đây, đều là những vị Bồ Tát Bổ Xứ, ở các cõi Phật trong khắp 10 phương.

–o0o–

KINH:

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn tự trải tòa Sư Tử, ngồi kiết già, nhiếp niệm, nhập vào Tam Muội Vương Tam Muội. Hết thảy các Tam Muội khác đều vào trong Tam Muội này.

LUẬN:

Hỏi: Phật có thị giả và nhiều vị đệ tử trong Chúng Hội. Vì sao Phật lại phải tự trải tòa Sư Tử?

Đáp: Vì lợi ích cho Chúng Hội, mà Phật làm như vậy. Trong Hội Bát Nhã này, ngài A Nan không biết ý, nên không trải được.

Hỏi: Vì sao gọi là tòa Sư Tử?

Đáp: Gọi là tòa Sư Tử, mà chẳng phải thật là tòa Sư Tử. Phật trên hết tất cả mọi loài chúng sinh, cũng như Sư Tử trên hết trong tất cả các loài thú, nên chỗ nào Phật ngồi cũng đều gọi là tòa Sư Tử cả.

Lại nữa, ví như Sử Tử đi đến đâu, thì các loài thú đều nép phục, Phật thị hiện thuyết pháp ở đâu, thì các bộ phái Ngoại Đạo đều hàng phục. Bởi vậy nên trong kinh ví Phật thuyết pháp như “Sư Tử hống”.

Hỏi: Có nhiều cách ngồi để thuyết pháp. Vì sao Phật chỉ chọn cách ngồi kiết già?

Đáp: Cách ngồi kiết già rất an ổn, không có mệt mỏi. Thế ngồi kiết già là thế tọa thiền tốt nhất, không gây tán loạn, nên được gọi là “Thủ Đạo Pháp Tọa”. Ma Vương thấy vậy đều sợ hãi. Người đệ tử Phật xuất gia, ngồi kiết già dưới gốc cây khiến mọi người trông thấy đều sinh hoan hỷ.

Như bài kệ thuyết:

Ngồi tư thế kiết già
An trú trong Tam Muội
Oai đức tỏa cùng khắp
Tựa mặt trời chiếu sáng
Trừ giải dãi thùy miên
Nhẹ nhàng, không mệt mỏi
Giác ngộ cũng dễ dàng
Vững như rồng cuộn khúc
Chỉ ngồi thế kiết già
Ma Vương đã sợ hãi
Huống nữa là nhập Đạo
Tâm an trú bất động.

Phật dạy đệ tử nên ngồi thế kiết già. Vì sao? Vì thân thẳng, thì tâm dễ đoan chính, thân thẳng, thì tâm mới không giải dãi.

Lại nữa, tâm ý đoan chính thì mới giữ được niệm hiện tại; nếu tâm ý bị tán loạn thì phải nhiếp tâm trở về trú trong hiện tại.

Hỏi: Thế nào là Tam Muội Vương Tam Muội?

Đáp: Trong tất cả các Tam Muội, thì Tam Muội Vương tự tại vào bậc nhất, duyên vô lượng pháp. Ví như đối với người trong một nước, thì vua là bậc nhất; đối với hết thảy các Tam Muội, thì Tam Muội này là bậc nhất, là vua của các Tam Muội, nên được gọi là Tam Muội Vương Tam Muội.

Hỏi: Nếu dùng Phật lực, thì hết thảy các Tam Muội đều là bậc nhất cả. Như vậy, vì sao lại riêng nói Tam Muội này là bậc nhất?

Đáp: Tam Muội Vương Tam Muội còn gọi là Tự Tại Thiền Tướng, nhiếp nơi Đệ Tứ Thiền. Phật thường ở trong Tứ Thiền; khi xả thụ mạng cũng ở trong Từ Thiền mà vào Niết Bàn.

Vào Sơ Thiền, do Giác Quán nên tâm còn động, vào Đệ Nhị Thiền, do Đại Hỷ, nên tâm còn động; vào Đệ Tam Thiền, do Đại Lạc, nên tâm cũng còn động; vào Đệ Tứ Thiền do Xả Niệm Thanh Tịnh, nên được tâm bất động.

Bởi vậy nên phải ở trong Đệ Tứ Thiền mới vào được Tam Muội Vương Tam Muội.

Lại nữa, Tam Muội Vương Tam Muội là bậc nhất, vì hết thảy các Tam Muội khác đều vào trong Tam Muội này. Ví như hết thảy nguồn nước từ các sông đều chảy về biển cả.

Hỏi: Vì sao Phật vào Tam Muội Vương Tam Muội, rồi sau đó mới thuyết pháp?

Đáp: Phật muốn nêu rõ “Trí Huệ cũng do duyên sinh”, nhằm ngăn các Luận Sư Ngoại Đạo chắp rằng “Ta thường có hết thảy Trí Huệ”. Phật vào Tam Muội Vương Tam Muội rồi mới thuyết pháp, để chỉ rõ rằng “Không vào Tam Muội Vương Tam Muội. thì không rõ được Thật Tướng của pháp”.

Lại nữa, nhập vào Tam Muội Vương Tam Muội rồi, Phật hiện 6 thần thông, hiện đại thần lực, thấu triệt cả 10 phương thế giới. Nếu không nhập vào Tam Muội Vương Tam Muội mà hiện đại thần lực, thì sẽ có người nghĩ rằng “Phật dùng huyễn lực và chú thuật mới có thể từ nơi thân hiện ra vô lượng quang minh”. Do muốn đoạn nghi ấy, mà Phật vào Tam Muội Vương Tam Muội vậy.

Lại nữa, nếu Phật nhập vào các Tam Muội khác, thì Chư Thiên, các bậc Thánh còn có thể biết được. Trái lại, nếu Phật nhập vào Tam Muội Vương Tam Muội, thì chư Thiên, các bậc Thánh, dẫn đến các Bồ Tát chẳng có thể lượng được, chẳng có thể biết “Phật Y vào đâu, duyên vào đâu”, khiến tất cả đều cung kính tin theo.

Lại nữa, đã đến lúc Phật thị hiện các điều hy hữu, phóng đại quang minh, khiến hết thảy hàng Trời Người đều có thể thấy cả 10 phương thế giới.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật mới vào Tam Muội Vương Tam Muội.

Hỏi: Mỗi Tam Muội đều có tướng riêng. Như vậy vì sao lại nói “Hết thảy các Tam Muội khác đều vào trong Tam Muội Vương”?

Đáp: Được Tam Muội Vương là được hết thảy các Tam Muội; vào Tam Muội Vương là quán được hết thảy các tướng. Ví như đứng trên đỉnh núi cao trông xuống có thể thấy khắp 10 phương; cũng như vậy, vào Tam Muội Vương có thể thấy hết thảy tâm niệm của hết thảy chúng sinh.

–o0o–

KINH:

Sau đó, đức Phật từ trong Tam Muội an lành, xuất định, dùng Thiên Nhãn quán xem các Thế giới; toàn thân Phật mỉm cười.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao khi còn trong Tam Muội đức Thế Tôn chẳng làm gì cả, mà khi xuất định rồi mới quán xem các thế giới?

Đáp: Khi Phật vào Tam Muội Vương thì hết thảy các Bảo Tạng đều khai mở. Từ trong Tam Muội ra, Phật dùng Thiên Nhãn quán thấy chúng sinh bần khổ, si mê nên chẳng cầu sự tu hành. Phật nghĩ rằng: “Nếu hội đủ cơ duyên tu hành, thì chúng sinh cũng sẽ được như Phật”. Bởi vậy nên sau khi xuất định, Phật mỉm cười.

Hỏi: Phật có đầy đủ cả 5 Nhãn. Vì sao lại dùng Thiên Nhãn?

Đáp: Nhục Nhãn thấy không khắp; Thiên Nhãn thấy xa rộng hơn và chẳng bị chướng ngại; Huệ Nhãn thấy được các Thật Tướng; Pháp Nhãn thấy rõ các căn tính của chúng sinh và các phương tiện để giáo hóa họ; Phật Nhãn rõ hết thảy các pháp hiện tiền.

Quán chúng sinh có thể dùng Nhục Nhãn hoặc Thiên Nhãn, nhưng vì Nhục Nhãn bị chướng ngại, nên Phật dùng Thiên Nhãn vậy.

Dùng Thiên Nhãn có thể thấy được các chúng sinh cùng các cảnh vật mà chẳng bị ngăn ngại.

Hỏi: Ở nơi đức Phật mà cũng gọi là Thiên Nhãn hay sao?

Đáp: Người tu hành, tinh tấn, trì giới, thiền định, mới có được Thiên Nhãn. Con mắt này chẳng phải sinh ra là đã có, mà phải do sức tu hành mới có được. Phật là đấng Giác Ngộ có đầy đủ 5 Nhãn, trong đó có Thiên Nhãn.

Lại nữa, vì loài người phần nhiều tôn quý hàng Trời, nên Phật tùy nhân tâm mà dùng Thiên Nhãn vậy.

Lại nữa, như trước đây đã nói “Trời có 3 hạng là Giả Hiệu Thiên, Sinh Thiên và Thanh Tịnh Thiên” (xem quyển 5). Phật là bậc tối tôn, tối trọng trong hàng Thanh Tịnh Thiên, gồm có Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật và A La Hán. Nay nói Phật dùng Thiên Nhãn cũng chẳng có lỗi gì cả.

Hỏi: Phật là đấng tối tôn, tối trọng. Vì sao Phật quán chúng sinh mà mỉm cười?

Đáp: Chẳng phải không nhân duyên mà Phật mỉm cười. Nay vì đại nhân duyên thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật mà Phật mỉm cười, vì Bát Nhã Ba La Mật là pháp thậm thâm vi diệu vậy.

Lại nữa, vì Phật thấy chúng sinh do tâm chấp ngã, thường sợ khổ, mà lại thường làm việc khổ, thế nhưng lành thay chỉ cần có một thiện duyên nhỏ cũng có thể được giải thoát. Nhân nhỏ mà quả lớn, duyên ít mà quả báo nhiều, như nhất tâm đọc một câu kệ, xưng tán danh hiệu của một đức Phật, thắp một nén hương cúng dường Phật v.v… cũng đã có thể vào được Phật Đạo, huống nữa là nghe được các tướng bất sinh, bất diệt, hiểu được thâm Bát Nhã Ba La Mật, khiến các hạnh nghiệp nhân duyên chẳng bao giờ mất được. Bởi nhân duyên vậy, nên Phật mỉm cười.

Lại nữa, tướng của Bát Nhã Ba La Mật thanh tịnh như hư không, nên Phật phải dùng thần thông biến hóa để giáo hóa chúng sinh, khiến tâm họ được nhu nhuyến,  sau đó mới tín thụ được Bát Nhã Ba La Mật. Đó là việc khó làm. Các pháp tướng là bất sinh, bất diệt, chẳng có tướng như hư không mà lập ra có tướng mạo, chẳng có danh mà lập ra có danh tự, để vì chúng sinh thuyết pháp, nhằm đưa họ đến giác  ngộ giải thoát. Đó là việc khó làm. Dùng danh tướng để dẫn vào Thật Tướng, mà chẳng chấp đắm. Đó là việc khó làm. Bởi nhân duyên vậy, nên Phật mỉm cười.

Phóng Quang
(Chiếu Hào Quang)

KINH:

Từ tướng “Thiên Bức luân” dưới lòng bàn chân phóng ra 600 vạn ức quang minh.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao, trước hết, Phật phóng quang ở thân?

Đáp: Phóng đại quang minh ở thân nhằm khiến người sinh tâm thanh tịnh, tin kính mà chẳng khinh mạn. Do nơi Phật thân phóng quang minh, mà chúng sinh biết Phật thân có trí huệ.

Lại nữa, chúng sinh đắm dục lạc, phần nhiều là đắm sắc, nên khi thấy diệu sắc quang minh, thì tâm họ được ly dục. Sau đó, Phật mới có thể khai mở trí huệ cho họ.

Hỏi: Chư Thiên cũng phóng quang minh. Như vậy so với Phật thì đâu có gì khác?

Đáp: Hàng Chư Thiên cũng có phóng quang minh, nhưng có hạn lượng. Phật phóng quang minh, chẳng có hạn lượng, chiếu suốt đến vô lượng thế giới, khiến hết thảy hàng Trời Người đều được hoan hỷ.

Hỏi: Vì sao Phật lại phóng quang minh khởi đầu từ dưới chân?

Đáp: Dù rằng theo quan niệm của chúng sinh, thì “đầu là quý, chân là tiện”, nhưng Phật muốn dạy chúng sinh nên giữ tâm bình đẳng, chẳng nên phân biệt quý tiện, sang hèn, nên đã thị hiện phóng quang từ dưới chân trước.

–o0o–

KINH:

Từ 10 ngón chân lên đến bụng, từ khắp cả tay chân lên đến chòm lông trắng giữa chặng mày, đến nhục kế ở đỉnh đầu, đều phóng ra 600 vạn ức quang minh.

LUẬN:

Quang minh từ dưới chân phóng ra chỉ chiếu suốt phương dưới mà thôi, còn các phương khác chưa được chiếu khắp, cho nên Phật phóng quang minh khắp toàn thân. Hết thảy các phần ở nơi thân Phật đều có thần lực, nên ở đâu cũng có quang minh cả.

Hỏi: Phật Y vào Tam Muội nào mà phóng quang minh?

Đáp: Ở nơi Đệ Tứ Thiền, Phật Y vào Tam Muội Vương Tam Muội mà phóng quang minh. Vì sao? Vì Đệ Tứ Thiền là chỗ thù thắng hơn hết.

Lại nữa, từ lúc sơ sinh cho đến khi thành Đạo Phật đã phóng ra vô lượng quang minh. Khi bắt đầu Chuyển Pháp Luân, Phật đã phóng quang minh. Nay trước khi thuyết kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phật lại cũng phóng ra vô lượng quang minh đầy khắp cả 3000 Đại Thiên Thế Giới.

–o0o–

KINH:

Các quang minh này khắp chiếu cả 3000 Đại Thiên Thế Giới, rồi chiếu đến các thế giới Phật khác, nhiều như số cát của sông Hằng ở phương Đông và ở các phương khác trong khắp cả 10 phương. Nếu có chúng sinh nào nhận được ánh quang minh này, thì quyết định được Đạo Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao lại chiếu về phương Đông trước, sau đó mới chiếu đến các phương khác?

Đáp: Vì mặt trời mọc ở phương Đông, nên Phật đã tùy theo tâm của chúng sinh mà chiếu quang minh về phương Đông trước.

Hỏi: Quang minh chiếu sáng trong bao nhiêu lâu mới tắt?

Đáp: Phật dùng thần lực “trú, xả” tự tại. Nếu Phật không có xả thần lực, thì quang minh tồn tại mãi, chẳng bao giờ tắt cả.

–o0o–

KINH :

Quang minh chiếu ra lại vượt khỏi các thế giới Phật nhiều như số cát của sông Hằng ở về phương Đông và ở về các phương khác trong khắp cả 10 phương.

LUẬN:

Hỏi: Thế nào gọi là 1 hệ “3000 Đại Thiên Thế Giới”?

Đáp: Trong bộ kinh “Tạp A Hàm” có phân biệt thuyết rằng:

*1 thế giới gồm:

-1 mặt trời
-1 mặt trăng
-1 núi Tu Di

-1 bộ “4 Châu Thiên Hạ” gồm:

+ Bắc Cu Lô Châu, cũng gọi là Uất Đan Việt.
+ Nam Thiện Bộ Châu, cũng gọi là Diêm Phù Đề.
+ Tây Ngưu Hóa Châu, cũng gọi là Cồ Đà Ni.
+ Đông Thắng Thần Châu, cũng gọi là Phất Bà Đề.

-1 bộ “4 Châu Thiên Vương” gồm:

+ Trị Quốc Thiên
+ Quảng Mục Thiên
+ Tăng Trưởng Thiên
+ Đa Văn Thiên

 

-1 Đạo Lợi Thiên
-1 Đâu Suất Đà Thiên
-1 Hóa Lạc Thiên
-1 Tha Hóa Thiên

-1 Sơ Thiền Thiên gồm:

+ Phạm Thiên
+ Phạm Chúng Thiên
+ Phạm Thụ Thiên
+ Đại Phạm Thiên

*1 Tiểu Thiên Thế Giới gồm:

-1000 Thế Giới

Và 1 Đệ Nhị Thiền Thiên gồm:

+ Thiểu Quang Thiên
+ Vô Lượng Quang Thiên
+ Quang Âm Thiên

*1 Trung Thiên Thế Giới gồm:

– 1000 Tiểu Thiên Thế Giới

Và 1 Đệ Tam Thiền Thiên gồm:

+ Thiểu Tịnh Thiên
+ Vô Lượng Tịnh Thiên
+ Biến Tịnh Thiên

*1 Đại Thiên Thế Giới gồm:

1000 Trung Thiên Thế Giới
Và 1 Đệ Tứ Thiền Thiên gồm:
+ Vô Vân Thiên
+ Phước Sinh Thiên
+ Quảng Quả Thiên

–o0o–

“Đại Thiên Thế Giới” thường được gọi là “3000 Đại Thiên Thế Giới” hoặc là “Thế Giới Ba Ngàn”.

Đây là một danh từ ghép, cho biết rằng:

1 Đại Thiên Thế Giới = 1 Thế Giới x 1000 x 1000 x 1000

3 lần
= 1000.000.000 Thế Giới

–o0o–

Đại Thiên Thế Giới có 1 thời sinh, 1 thời diệt.

Có thuyết nói “Thời Trú 1 kiếp, Thời Diệt 1 kiếp, rồi trở lại Thời Sinh 1 kiếp, lập thành 1 Đại Kiếp”.

Đại Kiếp bị 3 thứ phá hoại. Đó là đao binh, bệnh tật và đói khát.

Đại Thiên Thế Giới trụ giữa hư không; gió ở trên, nước ở dưới, trên nước là đất, trên đất có các loại chúng sinh sinh sống. Núi Tu Di có 2 cõi Trời. Đó là Tứ Thiên Vương, và Tam Nhập Tam Thiên. Lại có Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Đà Thiên. Do nhân duyên phước đức, mà đất ở các cõi ấy có 7 báu.

Quang minh của Phật chiếu khắp 3000 Đại Thiên Thế Giới, cũng chiếu đến các thế giới Phật khác trong khắp 10 phương, nhiều như số cát của sông Hằng.

Hỏi: Quang minh chiếu xa như vậy mà sao chẳng bị tắt?

Đáp: Quang minh được chiếu đi xa như vậy là do thần lực của Phật, nên không bị tắt. Cũng ví như suối rồng do rồng phun nước, nên chẳng bao giờ khô cạn.

Lại nữa, các quang minh ấy chiếu đi là do tâm lực của Phật, nên không bị tắt.

Hỏi: Trong cõi Diêm Phù Đề có nhiều sông lớn chảy ra biển cả. Như vậy thì sao chỉ lấy cát của sông Hằng để làm dụ?

Đáp: Sông Hằng lớn nhất, cát của sông Hằng nhiều nhất. Lại nữa, sông Hằng ở tại nước Phật đản sinh, các đệ tử của Phật thường được trông thấy, nên Phật lấy cát sông Hằng làm dụ.

Hỏi: Số cát của sông Hằng nhiều đến mức độ nào?

Đáp: Chẳng có toán số thí dụ nào bằng được. Chỉ có Phật và chư vị Bồ Tát mới có thể biết được số cát ấy. Phật rõ biết đến số vi trần trong cõi Diêm Phù Đề, huống nữa là số cát sông Hằng. Ví như khi Phật ngồi ở rừng Kỳ Hoàn, dưới gốc cây, có một vị Bà La Môn đến hỏi: “Cây trong rừng này có bao nhiêu lá?”

Phật bèn cho người Bà La Môn biết ngay tổng số lá trong rừng.

Người Bà La Môn khởi tâm nghi, bèn lấy một số lá ở một cây nhỏ đem giấu đi, rồi đến hỏi Phật: “Hiện tại cây ấy còn bao nhiêu lá?”. Phật cho biết ngay số lá trước đây của cây và số lá hiện còn lại trên cây ấy. Người Bà La Môn kiểm tra số lá đã giấu trước đó, và thấy đúng như lời Phật dạy, sinh tâm tín kính Phật, xin xuất gia theo Phật. Ít lâu sau, người Bà La Môn này chứng được A La Hán.

Hỏi: Có bao nhiêu người gặp được quang minh của Phật mà liền được Vô Thượng Bồ Đề?

Đáp: Nhân duyên được độ của chúng sinh không đồng đều nhau. Có người do tu thiền mà được độ; có người do trì giới mà được độ; có người thuyết pháp mà được độ; có người do được nghe pháp mà được độ; có người do quang minh chiếu thân mà được độ v.v… Lại có người vừa thấy ánh quang minh liền được độ; có người thấy ánh quang minh vẫn chưa được độ, mà khi được quang minh chiếu thân mới được độ.

Ví như thành có nhiều cửa dẫn vào nội cung. Dùng cửa nào cũng có thể vào đến nơi đến chốn cả, chẳng có sai khác.

–o0o–

KINH:

Hết thảy các lỗ chân lông trên thân thể của Thế Tôn đều mỉm cười, và phóng quang minh chiếu khắp 3000 Đại Thiên Thế Giới, cùng chiếu đến hằng sa Thế Giới Phật khác trong khắp 10 phương. Nếu có chúng sinh nào nhận được ánh quang minh này, thì quyết định được Đạo Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN:

Hỏi: Đã nói “toàn thân Phật phóng quang minh” rồi. Vì sao còn nói “hết thảy các lỗ chân lông trên thân của Phật đều phóng quang minh”?

Đáp: Trước nói “toàn thân” là nói phần thô; nay nói “hết thảy các lỗ chân lông” là nói phần tế. Nói “hết thảy các lỗ chân lông trên thân của Phật đều phóng quang minh” là mật ý nói “Phật độ vô lượng chúng sinh” vậy.

Lại nữa, trước nói “số người được độ còn có giới hạn”. Nay nói “số người được độ là vô lượng vô biên”.

Ví như khi rung cây để hái quả, thì các quả đã chín mùi rớt xuống trước; phải rung thật mạnh nhiều lần, thì các quả vừa chín tới mới rụng được. Cũng như khi bắt cá, bủa lưới một lần chỉ bắt được ít thôi; phải bủa lưới nhiều lần, mới bắt được nhiều cá vậy.

(Hết quyển 7)