LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 14
Phẩm 11: HỌC XỨ VỀ A-LAN-NHÃ 2
Kinh Bảo Tích nói:
Lại nữa về hạnh A-lan-nhã, nếu các phàm phu dị sinh chưa đắc quả thấy cọp sói đến chớ sinh sợ hãi, phải phát tâm như thế này: Ta vốn đến A-lan-nhã này là đã coi như xả bỏ thân mạng không còn sợ hãi. Vì khởi tâm từ xa lìa tội lỗi nên không còn sợ hãi. Nếu cọp sói giết chết ăn thịt ta, thì nên khởi tâm như thế này: Ta sẽ được thiện lợi, vì cái thân không bền chắc sẽ được kiên cố. Lại nữa, nếu không ăn thịt ta được, liệu chúng có vui chăng ?
Nói tóm lại, khi thực hành hạnh A-lan-nhã có phi nhân đến, dù đẹp dù xấu không nên yêu thích, cũng không nên làm tổn hại.
Nếu có các chư thiên xưa đã từng gặp Phật, nay đến A-lan-nhã này vấn nạn Tì-kheo, Tì-kheo nên tùy theo năng lực, tùy theo pháp đã học mà vì chư thiên giải đáp.
Nếu khi có những câu vấn nạn khó hoặc nghĩa lý sâu, Tìkheo A-lan-nhã chưa giải đáp được mà làm cho kia không sinh cung kính, thì nên nói với họ rằng: Tôi nay chưa đạt đến bậc vô học. Tôi sẽ siêng năng theo Phật dạy học hỏi nghe pháp rồi sẽ có thể giải đáp tất cả câu hỏi. Hỉện tại tôi chỉ mới nghe được pháp như thế v.v…
Nếu ở A-lan-nhã cỏ thuốc cây rừng còn không lấy thì làm sao có sinh có diệt ? Nên quán sát như thế này: Thân này là vô ngã, không có chủ tể, không có người tạo ra nó, không có người nhận chịu. Ai sinh ai diệt ? Rốt cuộc không có ai sinh diệt. Thân này cũng như vậy. Ví như cỏ cây tường ngói gạch đá là vô ngã, vô chủ tể, vô tác giả, vô thụ giả, chỉ do nhân duyên hòa hợp mà sinh, nhân duyên chia tan thì diệt. Lại nữa, theo thắng nghĩa thì không có một pháp nào là sinh là diệt.
Kinh ấy lại nói:
Tu hành hạnh A-lan-nhã nên phát tâm như thế này: Ta đến A-lan-nhã này độc một thân một mình không bè không bạn. Ta có làm thiện làm ác, bấy giờ thiên long Dược-xoa Phật Thế Tôn chứng biết cho thâm tâm ta. Còn như ở trong A-lan-nhã này mà với tâm bất thiện, tự tại phóng túng, nếu đến nơi xa xôi như thế này không bạn bè không người thân cận, phải giác quán như thật vô ngã vô thủ, phải giác quán như thật những dục, sân, hại và các pháp bất thiện khác, nếu ta ở đây mà chẳng khác nào những đám đông ham vui, những loại hữu tình ồn ào náo nhiệt, tức là khinh dối thiên long Dược-xoa và chư Phật Thế Tôn. Nếu làm những điều gì không bị thiên long Dược-xoa giận trách thì chư Phật Thế Tôn đều hoan hỷ.
Phẩm 12: HỌC XỨ VỀ TRỊ TÂM 1
( Phụ thêm: Thiền định Ba-la-mật-đa )
Luận nói:
Tu ở A-lan-nhã là tu tập thiền định.
Kinh Bát Nhã nói:
Người tu thiền định Ba-la-mật-đa được tâm không tán loạn, lợi ích chúng sinh. Sở dĩ vì sao ? Tu định theo thế gian còn được tâm không tán loạn huống chi là tu định A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồđề. Cho nên đã được tâm không tán loạn cho đến chứng quả A-nậuđa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Kinh ấy lại nói:
Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Bồ-tát Ma-ha-tát sơ phát tâm, khi thực hành tu tập thiền định Ba-la-mật-đa, tác ý tương ưng với tất cả tướng trí, thì khéo nhập tốt vào thiền định.
Nếu mắt thấy sắc không lấy tướng của nó, cũng không chấp lấy hình dáng đẹp đẽ, nếu đối với nhãn căn không biết ngăn chận thì sẽ dựa vào tà vọng làm tổn não, các tâm ác bất thiện theo đó mà lưu chuyển.
Người biết thủ hộ nhãn căn ngăn chận hết các thứ này. Cũng giống như vậy, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, ý nhận biết pháp, đều không lấy cái tướng bên ngoài, cũng không chấp lấy hình dáng tốt đẹp thơm tho ngọt ngào dịu êm hay ho.
Nếu đối với ý căn không biết ngăn chận, thì các tâm ác bất thiện phi pháp theo đó mà lưu chuyển. Người biết thủ hộ ý căn ngăn chận hết các thứ này, thì đi đứng ngồi nằm, nói nín, lúc nào, nơi đâu đều không xa lìa Tam-ma-hứ-đa, chân tay không dao động, miệng không nói loạn xạ xen tạp, cũng không cười đùa, các căn không rối loạn.
Thân cũng như tâm không quên mất sự vắng lặng ba nghiệp. Như trong luật nghi, hiển lộ cũng như kín đáo, cho đến hỷ lạc tri túc, dễ trưởng dưỡng dễ viên mãn, khéo nhập vào hành xứ, xa lìa ồn ào, đối với được không được không sinh tâm cao thấp, bình đẳng không phân biệt.
Cũng như vậy đối với khổ vui, chê khen, ca ngợi không ca ngợi, chết yểu sống thọ, cũng không sinh tâm cao thấp, bình đẳng không phân biệt. Tâm thường bình lặng trong trẻo, đối với sự oán thù hay thân thiết. Là thánh hay chẳng phải thánh, giữa hai tiếng đó chẳng có gì lẫn lộn. Đối với vui chẳng vui cũng như một tướng không cao không thấp, bình đẳng không sai biệt, vượt qua tất cả những gì là thuận hay nghịch.
Sở dĩ vì sao ? Nếu thấy tự tướng là không như, là chẳng chân thật, tức thấy được các pháp không sinh không diệt. Cho đến nói rộng ra cũng vậy.
Luận nói: Người ưa thích tu tập, thì xa các sự biếng nhác thoái lui, mà lại thường tác ý dứt trừ sự đề cao. Hai thứ này là pháp đối trị.
Kinh Hộ Quốc có bài kệ rằng:
Vô lượng vô số kiếp,
Có chư Phật ra đời.
Do đó bậc Đại Tiên
Sát-na làm lợi ích.
Xa lìa các phóng túng,
Giải thoát các dục nhiễm,
Cái có là hư vọng,
Như thấy trong ảo mộng.
Sai trái chẳng trụ lâu,
Các ái cũng không thường.
Nếu ra sức mong cầu
Các bậc Ba-la-mật
Cho đến ngộ Bồ-đề
Tinh tiến không nghi hoặc.
Kinh Đại Hý Lạc có nói rộng bằng một bài kệ rằng:
Khổ già bệnh chết,
Như lửa đốt thiêu ,
Ba cõi bừng cháy,
Không định không lường.
Chưa lìa luân chuyển
Thường ở ngu tối.
Như con ong điên
Bị nhốt trong lọ.
Ba cõi vô thường
Như trò hý kịch,
Như mây trời thu,
Sinh đó diệt đó.
Đời người qua mau
Còn hơn sơn thủy.
Mau chóng lẹ làng
Ngang trời sét đánh.
Trong cõi hư không
Khắp ba đường dữ.
Vô minh thoạt khởi
Có ái hữu sinh.
Luân chuyển ngũ thú.
Bàn xoay thợ gốm.
Thường ưa sắc đẹp
Với âm thanh hay,
Hương vị thơm ngon,
Xúc chạm trơn láng.
Tham đắm thứ này
Như bị nhốt tù,
Như nai sa lưới,
Như khỉ bị trói,
Thường ôm lo sợ
Tưởng như oan gia.
Thứ dục lạc này
Gây nhiều ưu não
Như lưỡi đao nhọn,
Cũng như thuốc độc.
Người trí xa lìa
Như bỏ bình phân.
Ngu nên tham đắm,
Là nhân lo sợ,
Và là gốc khổ.
Bị ái ràng buộc
Chóng đến lão suy.
Người thường tham dục
Sợ không nương về.
Xưa có thánh nhân
Biết rõ dục này,
Sợ như lửa dữ.
Như bãi bùn lớn,
Mật trên lưỡi dao,
Tránh kiếm trên không.
Lại các người trí
Biết rõ dục này
Như bình phân nhơ,
Như đầu rắn độc,
Như con lừa gỗ,
Như máu vấy người,
Như đầu chó chết,
Như ác oan gia.
Lại các thánh trí
Biết rõ dục này
Như trăng trong nước,
Tiếng vang hang núi,
Như ảnh trong gương,
Như người diễn tuồng,
Như thấy chiêm bao.
Lại dục lạc này,
Người trí hiểu rõ:
Ảo hóa, sóng nắng,
Như là bóng nước,
Phút chốc rồi tan,
Do chấp khởi lên
Hư vọng không thật.
Chỉ có tuổi trẻ
Là có sắc tướng.
Yêu thích cái này
Là chỉ người ngu.
Khi già bệnh đến
Ôm sầu nuốt khổ
Mất hết sắc tươi
Như sông cạn nước.
Tài lực dồi dào,
Kho lẫm đầy ắp,
Yêu thích cái này
Là chỉ người ngu.
Đến khi hết của,
Bệnh tật rồi chết,
Lìa bỏ mọi người
Như khu vườn trống.
Ví như cây hoa quả,
Người ưa thích muốn hái.
Khi nghèo khổ lão suy
Ghét bỏ như cú mèo.
Tuổi trẻ nhiều tiền của
Yêu đời và sống vui,
Khi nghèo khổ lão suy
Chán bỏ như thây chết.
Lại tướng lão suy này
Theo thời gian tàn lụi,
Ví như lửa điện chớp
Đốt cháy các cây khô.
Lão suy này đáng sợ,
Như ngôi nhà hủ mục.
Cho nên Đức Mâu-ni
Bảo mau cầu ra khỏi.
Lại như rừng Sa-la
Bị dây mây leo quấn.
Như nam nữ quyến thuộc
Khô cằn chóng suy hủ.
Lại như chìm vũng bùn
Khốn đốn không đủ sức.
Tướng già nua cũng vậy
Không nhanh nhẩu lẹ làng,
Già rồi hình hài xấu
Sức oai hùng còn đâu.
Bao lâu tìm diệu lạc
Đến chết thật tiêu điều.
Đây trăm thứ bệnh não
Nào phải yên ổn vui.
Tướng đó trong thế gian
Mãnh liệt như thú dữ.
Quán như lão khổ bệnh
Là khổ não thế gian,
Thôi không tìm lạc thú
Khuyên mau cầu ra khỏi.
Lại như sương như tuyết
Hại sắc tươi cỏ cây,
Bệnh khổ với thế gian
Hoại mạng căn sắc lực.
Kho lẫm chất chứa đầy
Tìm cầu không giới hạn.
Thường như người bị bệnh
Hay cáu gắt giận hờn.
Và oan gia thù nghịch
Nóng nảy như nắng trời,
Đến khi nhắm mắt rồi
Tiền của, mạng sống mất.
Nước chảy không trở về
Quả trên cành đã rụng.
Như cành cây trôi sông
Nổi lên rồi chìm xuống.
Theo nghiệp quả khó dừng
Độc hành không bè bạn.
Về pháp tử diệt này
Giống như cá Ma-kiệt
Ăn nuốt vô lượng chúng,
Như Kim súy ăn rồng,
Và sư tử đánh voi,
Như lửa dữ thiêu đốt
Cháy rụi mọi cỏ cây.
Lại nữa Kinh Giáo Thị Thắng Quân Đại Vương nói:
Phật nói: Đại vương ! Ví như bốn phương có bốn núi chuyển động đến, kiên cố vây bọc chung quanh hợp lại thành một tổng thể khép kín không khuyết hở, tất cả động thực vật trên không trên đất ở trong đó đều bị nghiền nát, không một ai một vật gì có thể đào thoát được và không có sức thần chú phép thuật dược thuật tài vật có thể làm chuyển đổi được.
Phật nói: Đại vương ! Trên đời cũng có bốn thứ sợ hãi lớn giống như vậy, không một ai một vật gì có thể đào thoát được và không có sức thần chú phép thuật dược thuật tài vật có thể làm chuyển đổi được. Những gì là bốn ? Đó là suy, già, bệnh chết.
Phật nói: Đại vương ! Một là khi thế lực của sự suy yếu đến thôi thúc bức bách phá hoại sự hưng thịnh. Hai là khi tướng già hiện ra thôi thúc bức bách phá hoại tuổi thiếu niên cường tráng. Ba là khi bệnh khổ họp nhau đến thôi thúc bức bách phá hoại sự điều thích của thân thể. Bốn là khi sự tử diệt xâm phạm thôi thúc bức bách phá hoại tuổi thọ. Đây là thế nào ?
Phật nói: Đại vương ! Cũng như sư tử là vua trong các loài thú, sắc tướng, sức mạnh đều đầy đủ, móng vuốt bén nhọn vào trong bầy nai muốn bắt con nào cũng được. Còn nai thì dù chạy nhảy cũng không thể thoát khỏi miệng mãnh thú.
Phật nói: Đại vương ! Người bị mũi tên độc bắn cũng như vậy, dẫu có sức mạnh cũng không chạy thoát, không nơi về, không ai cứu, không chỗ gửi nhờ, khắp châu thân máu thịt khô kiệt, đói khát nóng bức, há to miệng mà thở, tay chân run rẩy, không cầu cứu được gì cả, nước miếng nước dãi, đại tiểu tiện bất tịnh tuôn ra bôi đầy thân thể mạng sống giảm dần. Bấy giờ thân trung hữu hiện lên, theo nghiệp duyên mà khởi, thấy sứ giả Diêm-ma trước mặt, chỉ một hơi thở cuối cùng là hết, đi trong đêm đen, một mình độc hành không bè không bạn, quay lưng cuộc đời thoạt sang đời khác, chạy trên con đường hiểm, vào trong một vùng rất tối tăm, băng qua đồng hoang, đến khu rừng rậm, gió nghiệp thổi rơi xuống, nổi trôi trên biển lớn, hướng đến một nơi tối tăm hoang vắng, không có mốc giới, không nơi quay về, không nơi cầu cứu, không nơi nương nhờ.
Phật nói: Đại vương ! Chỉ có pháp với pháp là chỗ quy về, là nơi cứu giúp, là chỗ gởi gắm.
Phật nói: Đại vương ! Thiện pháp này như lạnh gặp lửa, như nóng gặp gió mát, như người khát uống nước trong mát, người đói gặp bữa cơm ngon, người bệnh được thuốc hay, người sợ hãi gặp được người bạn có sức mạnh. Đó là chỗ quy về nơi cứu giúp.
Phật nói: Đại vương ! Các thiện pháp này có thế lực lớn cũng giống như vậy, làm chỗ quy về làm nơi cứu giúp cho người không chỗ quy về không nơi cứu giúp, làm chỗ trú ẩn cho người không nơi ẩn núp.
Đại vương ! Cho nên phải biết có hiện vô thường, có hiện diệt tận, pháp là như vậy. Chỉ có chết là vì sợ hãi.
Phật nói: Đại vương ! Đại vương trông cậy vào những điều mình làm, nhưng những điều đó đều chẳng phải thiện pháp.
Sở dĩ vì sao ? Đại vương ! Thân này từ xưa đến nay, cho dẫu giữ gìn bảo vệ đến mấy, trau chuốt trang sức đến mấy, ăn uống thịnh soạn thỏa mãn đến mấy, khi mạng chung không khỏi đói khát bức bách mà chết. Cũng như vậy thân này tuy dùng bao nhiêu thứ y phục lộng lẫy đẹp đẽ xa hoa, đi đứng ngồi nằm tùy ý trang sức, khi mạng chung bao nhiêu là ô uế bất tịnh lưu xuất ra.
Đại vương ! Thân này tắm gội với bao nhiêu là hương xoa, hương bột, hương xông, trang sức với bao nhiêu hoa đẹp hương thơm, khi mạng chung không lâu sẽ bốc lên mùi xú uế. Lại nữa thân này vây quanh bao nhiêu hậu phi thể nữ quyến thuộc, nào ca múa hát xứớng tấu nhạc mua vui, với kẻ hầu người hạ thích ý hưởng lạc, đến khi mạng chung không khỏi sợ hãi và các khổ não.
Phật nói: Đại vương ! Đến như thân này tuy ở trong cung điện đền đài lầu gác, gấm thêu trang sức, hoa thơm đèn sáng, màn trướng bình phong, tòa ngồi đệm lót, đốt các danh hương, rải các hoa đẹp, bình báu xông hương bày la liệt khắp nơi, và châu ngọc đá quý gấm vóc các đồ trân ngoạn, đến khi mạng chung nằm trong mộ địa xương thịt tóc lông máu mủ hôi hám, tử thi nằm đó nào có biết chi.
Phật nói: Đại vương ! Lại nữa thân này thường đi xe ngựa xe voi, đánh trống thổi tù và, tấu âm nhạc lớn, trương cờ che lọng, cầm quạt phất trần, có binh tướng hùng mạnh như tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh tiền hô hậu ủng, trăm ngàn quan chức nhân dân trong thành thị làng xóm chắp tay cung kính, nhưng tử thi nằm trên xe thì không lâu phải được người mang ra khỏi cửa thành, cha mẹ vợ con anh em chị em nô tỳ người giúp việc đau lòng sầu não, đầu bù tóc rối lấy tay đập đầu kêu khóc thảm thiết, với ta không còn ai cứu giúp, không ai thân không ai là chủ, người trong thành thị làng xóm luyến tiếc sầu thương tiễn đưa đến mộ địa, rồi hoặc bị quạ diều kênh kênh chồn sói dã can ăn thịt, cho đến xương chất như củi để đốt, hoặc chôn xuống đất, gió mưa dãi dầu, nát như tro bụi, phát tán khắp nơi.
Phật nói: Đại vương ! Thân này ảo hóa chung quy hoại diệt, tất cả các hành đều vô thường. Cho đến nói rộng ra đều như vậy.
Luận nói:
Tất cả khối phiền não là tham sân si v.v…, nếu đối trị tu tập phải lấy sự xa lìa làm nhân.
Cho nên Kinh Bảo Vân nói:
Đối trị tham là phải xa lìa nguyên nhân khởi tham.
Sao gọi là đối trị tham và đối trị nguyên nhân khởi tham ? Tham là nếu biết rõ. Đối với nguyên nhân khởi tham thì tu quán bất tịnh.
Sao gọi là quán bất tịnh ? Nghĩa là nếu đối với thân thể tóc lông móng răng da máu thịt gân mạch xương tủy mỡ não màng mồ hôi nước mắt đờm dãi họng tim phổi gan mật lá lách thận ruột non ruột già phân nước tiểu mủ, Bồ-tát đối với những vật ấy mà khởi quán sát thì biết đối với đứa trẻ con ngu si chẳng biết gì còn không khởi tâm yêu thích những vật ấy huống chi người trí. Đó là Bồ-tát tu quán bất tịnh.
Lại như Kinh Bát Nhã nói:
Lại nữa, Thiện Hiện ! Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hạnh Bát-nhã Bala-mật-đa, biết rõ như thật thân này.
Thiện Hiện ! Ví như thợ mổ bò và học trò người thợ mổ bò, sau khi giết bò xong lại dùng dao bén xẻ làm bốn phần, rồi hoặc ngồi hoặc đứng mà quan sát như thật.
Thiện Hiện ! Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hạnh Bát-nhã Ba-la-mậtđa cũng như vậy. Quan sát như thật yếu tố đất, nước, lửa, gió của thân này.
Lại nữa, Thiện Hiện ! Cho đến như người nông phu hoặc Trưởng giả có đủ tất cả các thứ hạt giống ngũ cốc như đậu, lúa mì, lúa gạo, hạt mè, hạt cải v.v… Có người tỏ rõ, có thể xem phân biệt đúng các thứ ngũ cốc, như đây là đậu đây là lúa mạch, đây là lúa gạo đây là đây là hạt cao lương, đây là hạt mè đây là hạt cải v.v…
Thiện Hiện ! Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hạnh Bát-nhã Ba-la-mậtđa cũng như vậy, xem thân này từ đầu đến chân nào tóc lông răng móng các thứ đầy những bất tịnh. Bồ-tát quán sát như thật thân này chỉ có những thứ bất tịnh như tóc lông răng móng đầu mắt mỡ tủy gan mật lá lách thận ruột non ruột già ghèn v.v…
Cho đến nếu đến bãi tha ma quan sát các tướng, như các tử thi đã bỏ qua một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày thân thể trương phình xanh bầm hôi thối, da rách thịt rữa máu mủ chảy ra, thấy như vậy rồi thì ta với thân này cũng thế thôi. Thân này, pháp là như thế, bản tính là như thế. Như vậy pháp tính chưa từng giải thoát. Nói tóm lại, nếu quán tử thi bỏ ở bãi tha ma, thấy giòi trùng lúc nhúc, bất tịnh hôi thối thì ta và thân này cũng thế thôi, ngoài ra như trên đã nói.
Cho đến bi thảm mà quán sát những tử thi vất bỏ, thấy thịt tiêu mất xương lòi ra, gân quấn dính máu bẩn, thì ta với thân này cũng thế thôi, ngoài ra như trên đã nói.
Lại nữa nói đến chỗ bi thảm mà quán sát tử thi bị vất bỏ, thấy máu thịt hết sạch, hiện ra bộ xương người còn buộc bởi những dây gân, thì ta với thân này cũng thế thôi, ngoài ra như trước đã nói.
Lại nữa nói đến chỗ bi thảm mà quan sát những tử thi bị vất bỏ, thấy chỉ còn xương mỗi nơi một thứ, như xương đầu xương chân xương sống xương cổ xương cánh tay v.v… thì ta với thân này cũng thế thôi, ngoài ra như trước đã nói.
Lại nữa, Thiện Hiện ! Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hạnh Bát-nhã Bala-mật-đa, đến chỗ bi thảm mà quán sát tử thi bị vất bỏ, thấy chỉ còn xương phơi, mưa sa gió táp, trắng bạch như vỏ ốc, thì ta với thân này cũng thế thôi, ngoài ra như trên đã nói.
Lại nữa, Thiện Hiện ! Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đến chỗ bi thảm mà quán sát tử thi bị vất bỏ, thấy chỉ trơ xương trải qua nhiều năm biến màu thành xanh đen như bùn, nát vụn thành bụi, thì ta với thân này cũng thế thôi. Thân này, pháp là như vậy, bản tính là như vậy. Như vậy pháp tính chưa từng giải thoát.
Luận nói:
Lấy quán bất tịnh đối trị tham, thì quán tu từ đối trị giận dữ. Đây là bình đẳng. Nếu không thích quán chúng sinh thì hoặc vì một sự ăn uống mà phát sinh yêu thích, thì đối với những thứ diệu lạc người ta mong cầu ngợi khen, thứ nào mà chẳng yêu thích ?
Từ là độ tham dục, là nhân duyên không nhiễm trước tham ái. Nghĩa này có ba thứ .
Kinh Vô Tận Ý nói: Nghĩa là Bồ-tát sơ phát tâm, thì tu chúng sinh duyên từ. Bồ-tát đã tập hạnh, thì tu pháp duyên từ. Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn, thì tu vô duyên từ.
HẾT QUYỂN 14