LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 12
Phẩm 8: HỌC XỨ VỀ THANH TỊNH 3
Cùng với vô lượng trăm ngàn vạn câu-chi chúng trụ nơi mười thiện nghiệp đạo, sau lại sinh trong các chủng tộc lớn như Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả, tiền của dồi dào, kho lẫm chất đầy, sắc tướng đẹp đẽ quyến thuộc đầy đủ.
Kinh ấy lại nói:
Nếu có người nữ được nghe danh hiệu và thụ trì Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai này sau được chuyển đổi nữ thân.
Lại nữa, Kinh Văn Thù Trang Nghiêm Phật Sát Công Đức nói:
Diệu Cát Tường nói: Ta cũng cung kính Bồ-tát Huệ Thượng, Bồ-tát Quang Tràng, Bồ-tát Như Ý Nguyện, Bồ-tát Tịch Căn. Nếu có người nữ trì niệm danh hiệu bốn Bồ-tát này sẽ được chuyển nữ thân sau không thụ trở lại.
Luận nói:
Hạnh đối trị sơ lược như trước đã nói. Nay sẽ nói về sức ngăn chận.
Như Kinh Địa Tạng nói:
Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát lìa sát sinh tức là cho tất cả chúng sinh được sự không lo không sợ và không sầu não kinh hoàng. Do quả báo thiện căn này mà đời trước ở trong vòng ngũ thú đắm chìm trong biển sinh tử do nhân sát sinh, tạo tất cả nghiệp chướng thân ngữ ý, hoặc tự mình làm, bảo người làm, hoặc tùy hỷ cho làm, do đây xa lìa vòng sát sinh nên tất cả tiêu diệt cho đến không bị thụ báo. Hiện thân được sống lâu, chư thiên và người đều yêu mến.
Lại nữa, thiện nam tử ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát cho đến suốt đời lìa bỏ hành vi không cho mà lấy, tức là cho tất cả chúng sinh được sự không lo không sợ và không sầu não, không sinh loạn động. Đối với tài lợi của mình vui vẻ biết vừa đủ, hoàn toàn không mong lấy lợi phi pháp. Do thiện căn này, cho đến do xa lìa hành vi không cho mà lấy, nên tất cả nghiệp chướng tiêu diệt, không sót không thụ quả báo. Nói tóm lại, cũng như vậy mười nghiệp đạo bất thiện cũng có thể làm sụp đổ tất cả chỗ tu thiện của mình.
Như Kinh Nguyệt Đăng nói:
Nghe sân diệt tội, là nói phàm ngu không thật, giận mắng phỉ báng thì an trụ nhẫn phục hết những tội nghiệp đã tạo xưa kia và đã khởi sân đối với Bồ-tát.
Luận nói:
Sức ngăn chận như trước đã nói. Nay sẽ nói về sức y chỉ.
Cho nên Chư Duyên Khởi Trung Thích nói:
Nếu có thể quy y Phật thì không đọa ác đạo, bỏ thân người rồi được sinh cõi trời. Cũng như vậy nếu với pháp với tăng.
Lại nữa, Kinh Từ Thị Giải Thoát nói:
Bồ-tát làm sạch các tội nghiệp. Các pháp bất thiện thì khắp tất cả như đại địa, nhưng khi kiếp hỏa nổi lên thì tất cả không gì không bị đốt cháy. Cho đến ví dụ như có người dùng một vài giọt Hạt-tra-ca ( thủy ngân ) thếp một ngàn lạng sắt làm thành vàng. Chẳng phải sắt nhiều mà làm cho thủy ngân ít thành ra sắt. Ở đây phát tâm nhất thiết trí cũng vậy. Dùng một thiện căn hồi hướng trí, có thể nhiếp thụ tất cả nghiệp phiền não chướng thành nhất thiết pháp trí. Chẳng phải các nghiệp phiền não chướng có thể làm cho tâm nhất thiết trí thành phiền não.
Thiện nam tử ! Lại nữa nếu có người bưng một ngọn đèn vào soi trong căn nhà tối, tức thì có thể phá diệt bóng tối ngàn năm. Đây phát tâm nhất thiết trí cũng vậy. Vào trong tâm một chúng sinh như một căn nhà vô minh tăm tối, phát trí sáng suốt có thể phá trừ nghiệp phiền não chướng, xa xưa trăm ngàn kiếp không thể nói.
Thiện nam tử ! Như Đại long vương đầu đội mão có ngọc báu ma-ni thì không sợ oán địch nào khác, tâm Bồ-đề này cũng như vậy. Nếu Bồ-tát đầy đủ tâm đại bi thì không sợ oán địch ác đạo.
Kinh Ưu Ba Li Sở Vấn nói:
Bồ-tát Ma-ha-tát trụ Đại thừa này vào đầu ngày có tội hủy phạm mà giữa ngày không bỏ thực hành tâm nhất thiết trí, Bồ-tát này được giới uẩn đầy đủ. Nếu giữa ngày có tội hủy phạm mà cuối ngày không bỏ thực hành tâm nhất thiết trí thì giới uẩn của Bồ-tát cũng đầy đủ. Ta lại phải nói tuần tự như vậy.
Phật nói: Ưu-ba-li ! Đây là nói Bồ-tát trụ Đại thừa, có khi xả giới học xứ, nhưng Bồ-tát ấy chớ nên khởi ác tác, cũng chớ nên tùy chuyển. Còn nếu với Thanh Văn thừa mà nói thì có tội hủy phạm, và người Thanh Văn như vậy gọi là mất giới uẩn. Phải biết như vậy cho đến nói rộng.
Phẩm 9: HỌC XỨ VỀ NHẪN NHỤC
Luận nói:
Sự không xa lìa này có nhiều môn chuyển mà khéo giữ gìn cho giới được trưởng dưỡng. Như vậy lìa nghiệp chướng trói buộc, phá phiền não cố kết, cho đến nghe nhẫn không nhẫn giảm mất tinh tiến lười biếng nên hoặc không nghe không biết phương tiện đẳng trì. Do không có phương tiện làm sạch các phiền não, cho nên biếng nhác thoái lui. Chỉ nghe tu tập, hiểu hạnh tạp loạn là tụng tập cần khổ nương ở nơi núi rừng. Người tu hành ấy tạm dứt tạp loạn mà tâm không đẳng trì. Nhưng sự dừng nghỉ cũng có đẳng trì, còn không chút kết quả huống chi làm sạch các phiền não. Giả sử tu quán này cũng mất một ít thiện, cho đến nói làm sạch các phiền não.
Kinh Pháp Tập nói:
Nói nhẫn có ba thứ là nhẫn chịu sự khổ, kiên nhẫn quán sát pháp và nhẫn nại sự oán hại. Nhẫn chịu sự khổ thì cuối cùng đối trị được sự sợ khổ và trừ bỏ được tính đam mê ái lạc. Còn hai thứ phiền não nữa là gì ? Là giận dữ và lười biếng.
Kinh Nguyệt Đăng nói:
Người đắm trước cái vui cũng không bỏ khổ.
Lại nữa Kinh Bảo Vân nói:
Người trong lòng ôm sự lo buồn khổ não thì trụ nơi phương tiện điều phục mà nhẫn chịu.
Kinh Tối Thượng Thọ Sở vấn nói:
Lại nữa Trưởng giả ! Bồ-tát tại gia cần phải xa lìa các tổn hại không đúng. Chớ nên đắm trước vào tám pháp thế gian, có vợ con và thụ dụng của cải tiền bạc sung túc không lấy đó làm cao ngạo phóng đãng. Giả sử có suy vi cũng không hạ thấp mình hay sầu não. Phải quán sát rằng các tướng hữu vi đều do ảo hóa tạo ra thì sự cao ngạo sẽ dứt, tội báo tiêu diệt. Nghĩa là cha mẹ vợ con nô tì nô bộc bà con bạn bè, họ đã không phải là ta, ta cũng chẳng phải họ.
Như có kệ rằng:
Nếu có tập họp được,
Sao khởi lên sầu não ?
Nếu không tập họp được,
Sao cũng khởi sầu não ?
Vì tập họp là do si mê, giận dữ, muộn tuyệt, mệt mỏi, lười biếng nên nếu chấp trước mạnh mẽ thì khởi tội lỗi lớn. Si mê hối hận giây lát yểu thọ cần phải xa lìa. Đây là vô ích là khó.
Luận nói:
Làm sao xả bỏ sầu não này ? Là phát tâm nhẹ nhàng nhu nhuyến.
Như Kinh Tối Thượng Vấn nói:
Xa lìa đây thì làm cho tâm mềm mại như bông vải.
Lại nữa, Kinh Hoa Nghiêm nói:
Phải như đồng nữ của vua Thắng Tài phát tâm như vậy diệt các phiền não. Dùng cái tâm không gì có thể thắng nổi, phá các sự giận dữ. Dùng cái tâm bất động ở trong biển chúng sinh mà không thoái đọa cảnh giới của thâm tâm.
Luận nói:
Tu tập đây không lấy gì làm khó. Ngay cả như người ngu dốt cũng vậy thậm chí như phu khuân vác, người cày ruộng, người săn bắt khắc khổ tu tập gánh vác những công việc thấp hèn mong cầu một kết quả nhỏ nhoi, bụi bặm bất tịnh mà tâm không phiền muộn hối hận, huống chi lại được các hạnh diệu lạc này. Cái vui của các Bồ-tát là việc tối thắng đến quả vô thượng.
Lại như những kẻ ti tiện chẳng được chút lợi ích gì, đối với thân khó làm còn không phế bỏ, chỉ giữ một niệm cang cường lãnh nạp như quyết hơn thua, huống chi những kẻ này thời gian dài chịu các khổ não một cách vô ích, do đâu mà đối với của cải thiện pháp chẳng chút mong cầu ? Địa ngục trị phạt thế gian giặc hại, ngục tốt chấp giữ trị tội không sót, tùy chỗ gặp gỡ rất là khổ não chớ chẳng kêu oan.
Trong thời gian lâu xa không các trói buộc, cực nhọc chịu khổ phá giặc phiền não làm sạch hết không sót. Trong ba cõi mặc áo giáp đội mũ trụ cầm binh khí đánh bại các ma oán cởi trói cho chúng sinh, do trước tu tập nhờ một ít khắc khổ mà được thành tựu.
Đối với các chúng sinh tu tưởng khổ vui. Nghĩa là khi khổ sinh, tu tập ý tưởng như vui. Trụ nơi ý tưởng vui tức có thể làm thành quả này, được Tam-ma-địa, gọi là siêu vượt các pháp lạc.
Như Kinh Phụ Tử Tập Hội nói:
Phật nói: Có Tam-ma-địa gọi là vượt qua các pháp lạc. Nếu Bồtát được Tam-ma-địa này thì đối với các sự duyên cảm thụ như vậy là vui là không khổ không vui. Chẳng phải một nhân duyên như nơi đó mà cảm được tưởng vui. Ví như có người vì nhân duyên nên chặt tay chân và cắt tai mũi v.v… tai mũi cắt rồi như ở nơi đó mà cảm được tưởng vui. Cho đến roi gậy đánh đập lại có tưởng vui. Hoặc bị giam nhốt trong lao ngục tra khảo, cắt xẻ, đốt thui bằng đèn dầu, ép như ép mía cũng trụ trong ý tưởng vui. Bị chim cú mổ vào mặt, bị ném vào hàm sư tử, bị xoắn vặn phơi nắng, bị nấu đúc tiền, bị làm thức ăn, bị cho voi say dày xéo, cũng như tưởng vui. Hoặc bị móc mắt, phá nát thân thể, làm rơi đầu, lại như tưởng vui, chứ không phải vô cảm.
Sở dĩ vì sao ? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát này đã nguyện tu tập từ lâu như vậy. Nếu tôi làm các loài thú chạy thì xin được gần sự diệu lạc. Nếu tôi là kẻ tội phạm thì cũng nguyện phụng sự tôn trọng cúng dường, tất cả mọi lúc mọi nơi đều được gần sự diệu lạc. Nếu gặp lời nói ác mắng nhiếc, đâm đánh bằng đao gậy, hoặc cắt xẻ đến hại mạng, tất cả những thứ đó đều được cái vui Bồ-đề, chứng thành quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đầy đủ tác ý như vậy, sự nghiệp như vậy, nguyện lực như vậy. Và cũng đầy đủ tất cả chúng sinh tùy biết tưởng vui, gần gũi tu tập, đối với nghiệp báo kia phần nhiều tu tập được siêu vượt các pháp lạc Tam-ma-địa. Nếu khi Bồ-tát được đạt đến tất cả pháp lạc Tam-ma-địa, thì được đại bất học động, hoại các ma sự. Do phương tiện này viên mãn tất cả xả thí, thành tựu tất cả khổ hạnh khó làm, vững chắc tất cả nhẫn nhục, thúc đẩy tất cả sự tinh tiến, trợ giúp tất cả thiền định trí tuệ cho nên thường vui hoan hỷ.
Như Kinh Nguyệt Đăng nói:
Thường hoan hỷ tôn trọng, thường an trụ trong chính kiến.
Lại nữa, Kinh Vô Tận Ý nói:
Những gì là niềm vui ?
Là niềm vui nghĩ đến pháp thanh tịnh tin vui, phát tâm phấn khởi không sinh biếng nhác, không nóng nảy sầu não, không cầu thú vui ngũ dục, không lìa tất cả pháp lạc. Do tâm tạo nên sự hoan lạc của thân thể, cái hỷ lạc của sự tỉnh giác, sinh khởi ý lạc.
Là thân Như Lai tướng hảo trang nghiêm, mong cầu thiện xảo, nghe pháp không chán, y theo thật pháp tu hành. Do pháp sinh niềm vui yêu thích tịnh tín. Nhưng đối với chúng sinh giác liễu không ngại, đem lòng mong muốn ưu việt nhất cần cầu Phật pháp, không bỏ lòng mong cầu đối với pháp.
Là niềm vui tin hiểu rộng lớn các Phật pháp, chỉ bày cỗ xe giải thoát.
Là niềm vui phát tâm cao tột trừ tâm keo kiệt. Nếu mới phát tâm thì thanh tịnh hoàn toàn ba bước: thí, sẽ thí, thí rồi, mà hoan hỷ bố thí.
Đối với Thi-la cũng thường thanh tịnh. Do trì tịnh giới, nhiếp giữ không hủy phạm cấm giới mà thường siêu vượt sự sợ hãi các ác đạo, hướng đến cấm giới của Phật kiên cố không hủy phạm.
Giả sử có người ác đến mạ nhục cũng không đáp trả, tâm không nghĩ báo, vui vẻ nhẫn nhịn mà còn tôn trọng không kiêu mạn, vẻ mặt bình thản ôn hòa lễ độ không cau có. Trước tiên dùng lời nói năng khả ái, không dèm pha nịnh bợ, tâm ý thanh tịnh không tà vạy, không thô lỗ.
Thấy người hơn mình cũng không uốn cong không đè nén, không dòm ngó dò xét chỗ sai lầm nêu lỗi của người, tu pháp hòa kính.
Đối với chúng Bồ-tát, tôn kính như Phật.
Đối với Phật pháp tiếc hơn cả thân mạng mình.
Đối với các sư trưởng, coi như cha mẹ mình. Bảo hộ chúng sinh như săn sóc con mình.
Đối với Hòa thượng, A-xà-lê, kính tưởng như Phật.
Đối với các chính hạnh coi như cái đầu của mình, các Ba-lamật thì giữ gìn như tay chân.
Đối với thuyết pháp sư, coi như cái gì quý báu vi diệu. Các sự dạy bảo coi như năm thứ ước muốn cần thiết nhất.
Đối với hạnh hoan hỷ, biết vừa đủ, coi như không bệnh, không phiền não. Mong cầu diệu pháp như cầu thuốc hay.
Đối với sự phát lồ sám hối co như được gặp thầy thuốc giỏi. Như vậy mà điều phục ngự trị các căn không để cho biếng nhác. Những điều nói trên đó là niềm vui.
Luận nói:
Nói về an trụ khổ nhẫn, như Kinh Hải Ý nói:
Có ba thứ nhẫn.
Phật nói: Hải Ý ! Bồ-tát Ma-ha-tát này nếu phát tâm nhất thiết trí quý báu mà hoặc bị phi nhân hủy phạm tịnh giới, nghĩa là các ma, dân ma, ma trên trời, hậu phi của ma vương khiến sứ giả của ma đến xâm hại chấn động đả kích. Trong lúc ấy Đại Bồ-đề này phát tâm sâu xa kiên cố khiến không bị hoại.
Cũng không phá hoại được sức đại bi tinh tiến giải thoát tất cả chúng sinh.
Cũng không phá hoại được việc làm cho dòng giống Tam Bảo hưng thịnh không dứt.
Cũng không phá hoại được việc tương ưng tích tập gốc lành trong các pháp Phật.
Cũng không phá hoại được việc hoàn thành tướng hảo tu tập phúc hạnh.
Cũng không phá hoại được sức dũng mãnh tinh tiến làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật.
Cũng không phá hoại được việc cầu tất cả pháp không tiếc thân mạng.
Cũng không phá hoại được việc độ các chúng sinh không đam mê cái vui riêng mình. Trong đó thâm tâm có đầy đủ các ý như vậy.
Nếu bị tất cả chúng sinh ghét bỏ khinh chê, hoặc gặp trường hợp giận dữ mắng nhiếc đánh đập đều có thể nhẫn chịu. Cho đến nếu tất cả chúng sinh với ác tâm đến bức bách đè ép cũng đều chịu đựng tất cả không mệt mỏi không thoái lui, không mất đức nhẫn nhục. Mạnh mẽ tinh tiến, cứng cỏi tiếp nhận chịu lao khổ.
Lại nữa nếu có người với ác tâm đến, hoặc giận dữ hoặc mắng nhiếc đánh đập bách hại, đều không đem tâm đáp lại. Cho đến giả sử có người từ mười phía đến cầm binh khí đuổi theo sau. Ở đâu có người hoặc đi hoặc đứng hoặc ngồi hoặc nằm, trong đó nếu gặp có một người phát tâm Bồ-đề, tâm tu bố thí, cho đến tâm tu trí tuệ nghe có phát khởi một thiện căn, ta sẽ đến đó cho dẫu thân thể bị chặt cắt băm vằm như lá táo ta cũng kham nhẫn chịu.
Lại nữa, tất cả chúng sinh trên thế gian đều nổi giận dữ, phát ngôn mắng nhiếc khinh chê, lại thêm hại mạng băm vằm như lá táo, trong lúc đó tâm ta đối với các chúng sinh này hoàn toàn không khởi một chút nào dao động. Sở dĩ vì sao ? Thân ta trong quá khứ vô lượng vô số sinh tử lưu chuyển lẽ nào không tạo nghiệp hoặc ở địa ngục, súc sinh hay thế giới Diêm-ma. Cho đến ngày nay ở trong loài người tham đắm ăn uống, thụ dụng các dục nghe thụ phi pháp, gian khổ truy cầu mưu sinh bằng tà mạng, bị nhiều bức bách, nhưng đối với thân mạng chưa từng được lợi lạc. Tuy tạo tác nhiều do đó không thể tự lợi lợi tha. Giả sử đến cuối cùng sinh tử, khiến các chúng sinh cắt xẻ thân ta thành từng mảnh, ta thà chịu khổ nhất định không bỏ tâm nhất thiết trí. Cũng không bỏ tất cả chúng sinh và lòng mong cầu thiện pháp.
Sở dĩ vì sao ? Thân ta có chịu nhiều thứ bức bách khổ não đến hủy hoại, so với nỗi khổ địa ngục cũng không bằng một phần trăm phần ngàn cho đến một phần ưu-ba-ni-sát-đàm. Lại nữa, trong Phật pháp không bỏ tâm đại bi sở duyên tất cả chúng sinh.
Nói tóm lại, nếu có nhân duyên khởi giận dữ, ta sẽ dùng pháp đoạn trừ.
Pháp ấy như thế nào ? Đó là sự yêu thích đối với thân, sự lệ thuộc nơi thân, sự chấp thủ đắm trước nơi thân. Xả bỏ thân này tức xả bỏ giận dữ.
Phật nói: Hải Ý ! Nhập vào các pháp tụ họp ấy tức có thể chịu đựng được sự bức bách não hại của tất cả chúng sinh. Cho đến không tiếc thân mạng mới có thể xả bỏ, cũng không yêu thích tức có thể tu Bố thí Ba-la-mật-đa.
Lại nữa, nếu gặp khi thân sắp hoại mà lòng đại từ không bỏ tất cả chúng sinh, tức có thể tu trì giới Ba-la-mật-đa. Nếu gặp lúc thân sắp hoại mà chịu nhẫn thụ như nghĩa giải thoát, phát hiện nhẫn lực tâm cũng không dao động, tức có thể tu nhẫn nhục Ba-la-mật-đa. Đem sức siêng năng dũng mãnh không bỏ, nhiếp thụ tâm nhất thiết trí, trong sinh tử phát các thiện hạnh, tức có thể tu tinh tiến Ba-lamật-đa.
Lại nữa, nếu khi thân hoại, trong tâm phát hiện tất cả trí bảo, không bỏ Bồ-đề, như thật quán sát thắng tịch, tịch tĩnh, tức có thể tu tĩnh lự Ba-la-mật-đa. Nếu khi thân sắp hoại, quán thân là pháp như huyễn giống như cỏ cây tường vách gạch ngói, hiểu thân là vô thường là khổ là vô ngã là tịch diệt, quán sát kỹ thân như vậy tức có thể tu thắng tuệ Ba-la-mật-đa. Cho đến giả sử lại có người đem ác tâm đến giận dữ mạ nhục, thì liền tâm niệm như thế này: Người này do biếng nhác mà xa lìa thiện pháp, ta nay phát khởi tinh tiến cần cầu tu tập, trồng các gốc lành, chớ nên sinh chán cho là đủ. Rồi nguyện cho người này trước ngồi nơi đạo tràng còn ta sẽ sau cùng thành chính giác.
Nói tóm lại, những chúng sinh này là những kẻ chưa điều phục, kẻ chưa tịch tĩnh, kẻ chưa bảo vệ cẩn mật, kẻ chưa đến gần trạng thái tịch tĩnh. Để làm nghĩa lợi phải trang bị bằng áo giáp, cho đến ta dựa vào pháp này.
Thế nào là giận, thế nào là chẳng phải giận ? Trong hai cái đó quan sát kỹ đều không thể được. Lại nữa, nếu là giận chẳng phải giận nếu là mình nếu là người giận với người giận đều không thể được. Đây còn lìa cái kiến chấp không thể được, đó tức gọi là nhẫn.
Lại nữa Bát Nhã nói:
Nếu có các chúng sinh cạnh tranh, ta sẽ khuyên họ hãy cố gắng. Ta nay đối với sự cạnh tranh này sẽ không gặp khó khăn. Nếu người cạnh tranh và vấn đề cạnh tranh, ta sẽ vì các chúng sinh làm cây cầu nối. Nếu ta bị họ mắng nhiếc chê bai nói rằng ông chỉ là người ngu, sao người ta nói vậy mà không đáp trả ? Và nói như con dê câm không biết đấu tranh. Hoặc họ ác tâm dùng lời xấu xa đến mạ nhục, ngôn ngữ đạo tâm cũng không tổn hại, gần gũi họ ta nên nói khéo léo chứ không nổi sai lầm tội lỗi như chúng. Cho đến ta nghe biết sai lầm tội lỗi của chúng, ta cũng không giống như chúng.
Sở dĩ vì sao ? Tâm ý ta không giận. Lại nữa, nếu tất cả chúng sinh cần sự diệu lạc, ta sẽ diệu lạc cùng chúng sinh kia, cho đến Niết-bàn thành chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nhưng ta đối với họ hoàn toàn không sinh giận và không khởi hạnh ngu si phân biệt tự tha, chỉ tu tinh tiến vững chắc. Do tinh tiến cho nên hủy hoại thân mạng mà không giận dữ không sầu não, không sinh cau có khó chịu.
Lại nữa, Kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói:
Nếu đối với chúng sinh giận dữ, thì an ủi vỗ về, an ủi thật khéo, nếu trụ vào nhẫn này sẽ được tùy thuận pháp hỷ.
HẾT QUYỂN 12