LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Phẩm 2: GIỚI HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP Phần 2

Luận nói: Đối với kinh điển nầy, không xa lìa thiện tri thức tức là thủ hộ bản thân mình. Đối với kinh điển nầy trong khoảnh khắc một sát na phải học theo hạnh Bồ-tát. Đối với kinh điển nầy nói thì phải tu tập theo hạnh của Bồ-tát. Đối với sự học của Bồ-tát thì nên chọn lấy lời nói kia, do vậy quán chiếu theo mà không rơi vào tội, đối với chỗ vô trí cũng không ưa thích. Thấy kinh điển nầy phải thường xuyên ưa thích tôn trọng. Thấy kinh điển nầy thì không xa lìa thiện tri thức, vì để hộ trì tất cả các chánh pháp. Như kinh Hải Ý nói: “Nhưng nầy thiện nam tử! Không thể nói là dùng văn tự ngôn ngữ không thể nói lên được pháp vô sanh. Nếu dùng ngôn tự mà nói pháp môn tổng trì thì có điều nầy, đây gọi là hộ trì chánh pháp. Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có vị Pháp sư giảng thuyết kinh điển sâu xa rồi theo như thuyết mà tu hành và có người đối với Pháp sư ấy gần gũi tôn trọng thừa sự cung kính, bí mật hộ trì, cúng dường các thức ăn, nước uống, y phục, ngọa cụ và các loại thuốc trị bệnh, hộ trì các phẩm pháp thiện và hộ trì ngôn ngữ. Giả sử có bị hủy báng thì cũng được che chở. Điều nầy gọi là hộ trì chánh pháp. Nầy thiện nam tử! Đối với Bồ-tát không có gì tranh cãi có thể thắng không có pháp thể nói được. Người nầy cùng pháp đều không có chấp thủ. Đây gọi là hộ trì chánh pháp. Lại nữa, thiện nam tử! Đối với tất cả chúng sanh ở trong tuệ giải thoát không thể sanh tổn giảm, không dùng tâm nghĩ về tài lợi mà bố thí pháp cho người khác thì đây gọi là hộ trì chánh pháp. Lại nữa, nầy thiện nam tử! Hoặc nhân nghe pháp, hoặc nhân thuyết pháp cho đến mỗi bước đi mỗi hơi thở ra vào đều đem tâm chuyên trụ thì gọi là hộ trì chánh pháp. Nầy thiện nam tử! Nói tóm lại, nếu đối với cảnh giới sắc tâm không có các duyên bám víu và chỉ dùng ở một tánh cảnh điều phục hơi thở thì đây gọi là hộ trì chánh pháp. Lại nữa, nầy thiện nam tử! Nếu nói pháp nầy đối với pháp kia có thể chuyển biến thì pháp nầy không có chấp trước, thì đây gọi là hộ trì chánh pháp”.

Luận nói: Kinh kia nói về Pháp sư tuy gần gũi thiện tri thức và không xa lìa tướng của thiện tri thức mà nếu không thọ trì chánh pháp thì không phải là thủ hộ, không phải thanh tịnh cũng không tăng trưởng, tức là chẳng phải Bồ-tát quyết định đối với sự hộ trì chánh pháp như vậy. Kinh Sư Tử Hống Thắng Man nói: “Phật bảo Bồ-tát có vô lượng hằng hà sa số vô lượng hạnh nguyện đều nhập vào trong một đại nguyện, đây gọi là hộ trì chánh pháp. Hộ trì chánh pháp là đi vào đại cảnh giới”. Kinh kia lại nói: “Thí như đại lực sĩ chỉ cần động thân là có thể làm cho người khác bị tổn hại. Phật bảo Thắng Man: Hộ trì chánh pháp cũng lại như vậy, khiến cho ma Ba Tuần bị sầu não lớn. Ta không thấy một thứ pháp thiện khác có khả năng khiến ác ma phát khởi sự ưu não nầy. Như vậy, chỉ có cách là hộ trì chánh pháp”. Lại nói, ví như núi chúa Tu di đẹp đẽ tuyệt vời, so với núi Hắc sơn thì nó rất cao lớn. Phật bảo Thắng Man: “Như vậy đối với Đại thừa xả bỏ thân mạng, tài lợi để nhiếp thủ tâm hộ trì chánh pháp hơn hẳn người trụ trong pháp Đại thừa không xả thân mạng để thu nhiếp tất cả pháp thiện”. Như kinh Hải Ý nói: “Hộ trì chánh pháp của Như Lai tức là sự nhiếp thọ trên hết, phước đức trí tuệ của chư Thiên, Long vương, Khẩn-na-la đều có thể thâu nhiếp, cho đến hộ trì chánh pháp của Như Lai thì ngay nơi cõi nước hiện sanh không trải qua sự trống rỗng vô ích, trong tất cả đời sống đều gặp được bậc tôn thắng và gặp rồi liền được tâm thanh tịnh. Do hộ trì chánh pháp của Như Lai mà nhớ được đời trước rồi xuất gia, trong đại pháp của ta khéo làm lợi ích có thể thành tựu các hạnh thanh tịnh chân thật đã tu. Lại nói, hộ trì chánh pháp của Như Lai thì được pháp môn tổng trì và các việc thiện lợi dù trải qua trăm kiếp cũng chẳng thoái thất. Do đầy đủ các biện tài nên thường vô ngại. Hộ trì chánh pháp của Như Lai thì sẽ trở thành Thích phạm hộ đời v.v… hoặc lại đắc địa vị Chuyển luân Thánh vương liền giác ngộ sự yên ổn an vui của Bồ-đề. Người hộ trì chánh pháp của Như Lai thì sẽ đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, đại trí trang nghiêm thân an vui, tùy theo chỗ thấy mà không hề nhàm chán. Người hộ trì chánh pháp của Như Lai thì không xả bỏ tâm Bồ-đề, thường hành Ba-la-mật không có tổn giảm và có khả năng nhiếp thọ nhiều pháp thiện.

Phẩm 3: HỘ PHÁP SƯ

Luận nói: Nói về phương tiện thủ hộ thì có ba loại. Nghĩa là hộ trì thân và lời nói để tránh xa các tai nạn. Hành giả hộ trì chánh pháp nghĩa là phải hộ trì tư duy không khiến cho người khác gây tổn hại để xa lìa tai hại nầy. Như trong kinh Hư Không Tạng bàn về việc hộ trì chánh pháp các Bồ-tát đồng nói kệ:

Bậc Lưỡng Túc tối thượng
Sau khi diệt độ rồi
Thường sanh tâm dõng mãnh
Không tiếc thân mạng mình
Hộ trì chánh pháp Phật
Xả bỏ các lợi dưỡng
Và xa lìa quyến thuộc
Vì để chứng Phật trí
Không bỏ chánh pháp nầy
Nếu như bị mắng nhiếc
Thậm chí bị chửi rủa
Vì hộ trì chánh pháp
Chúng con đều nhẫn nhịn
Hoặc có người khinh miệt
Phỉ báng không khen ngợi
Vì hộ trì chánh pháp
Chúng con đều phải nhẫn.
Lại nữa, tổng tóm lược nói:
Vì chúng sanh mạt pháp
Con phải giữ chánh pháp
Như Tỳ-kheo đời ác
Có lực tăng thượng lớn
Đối với kinh điển hay
Không nghe cũng không đọc
Chỉ trọng ý kiến mình
Cho kẻ khác là sai.
Đối với giáo pháp sâu
Thuận với quả giải thoát
Trong chánh pháp như vậy
Tâm không ưa phân biệt
Cho đến thương chúng sanh
Hoặc không trụ pháp nầy
Vì khởi tâm thương xót
Nên được trì kinh nầy
Nếu thấy người phá giới
Tham trước các lợi dưỡng
Con đem tâm thương xót
Phương tiện khiến xả bỏ
Nếu thấy người ác tâm
Luôn hủy báng chánh pháp
Con đem tâm từ nhẫn
Chánh kiến khiến hoan hỷ
Như sức hộ người kia
Khéo thành tựu ngữ nghiệp
Hoặc có lúc không nói
Người kia tự an trụ
Sau lấy bốn nhiếp sự
Thành thục người như vậy
Với người hành tội ác
Chỉ dạy khiến hiểu rõ
Hoặc bỏ nơi huyên náo
An trụ cảnh giới thiện
Như nai chúa tự tại
Ít muốn và biết đủ.
Lai nữa, kệ cũng nói:
Nếu vào trong hàng xóm
Tâm điều hòa chánh trực
Nhiều người cầu nghe pháp
Nên thuyết pháp thâm diệu
Khiến ở xa nhàn hạ
Ưa thích pháp tịch tĩnh
Do trong thiện lợi nầy
Mà thường được pháp lạc
Nếu các thứ mê lầm
Luôn hiện ra trước mắt
An trụ trong pháp lạc
Nên phải tự quán sát
Ta làm thầy thế gian
Không nhiễm pháp thế gian
Trong các sự khen, chê
Như Tu-di chẳng động
Các Tỳ-kheo phá giới
Nếu đến để hủy báng
Nên tự nhẫn việc nầy
Chớ giận với người kia
Lại trong các pháp nầy
Ta nói không sở hữu
Đối việc hành chánh pháp
Không sanh tưởng báo oán
Giả làm tướng Sa-môn
Thật không đức Sa-môn
Khi nghe pháp cú nầy
Đối kinh cũng hủy báng
Hoặc chặt đứt mũi tai
Và cảm thấy không vui
Khi nghe pháp cú nầy
Tất phỉ báng chánh pháp
Các Tỳ-kheo vị lai
Người hộ trì chánh pháp
Bị họ làm trở ngại
Khiến không nghe pháp nầy
Hoặc bị vua bắt giữ
Chỉ trích trong đại chúng
Con nguyện nương oai Phật
Rộng đều nghe pháp nầy
Ở đời ác tương lai
Thà mất đi thân mạng
Cũng hộ trì chánh pháp
Làm lợi ích quần sanh.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng nói như vầy:

Nên nhập vào hành xứ
Cùng với thân cận xứ
Thường xa lìa quốc vương
Và các con của vua
Đại thần quan Trưởng giả
Người hung dữ, đùa giỡn
Và bọn Chiên-đà-la
Với Phạm chí ngoại đạo
Cũng không nên gần gũi
Những kẻ tăng thượng mạng
Tham chấp nơi Tiểu thừa
Các học giả Tam tạng
Các Tỳ-kheo phá giới
Giả danh A-la-hán
Và các Tỳ-kheo ni
Những kẻ hay cười giỡn
Cùng các Ưu-bà-di
Đều chớ có gần gũi
Nếu có một số người
Đem tâm tốt mà đến
Ở chỗ của Bồ-tát
Vì lắng nghe Phật đạo
Bồ-tát nên phải biết
Dùng tâm không sợ hãi
Không có mong muốn gì
Mà vì họ nói pháp
Hoặc gái hóa gái trinh
Và hạng người hai căn
Chớ có nên gần gũi
Để lấy làm thân quen
Cho đến người bán thịt
Kẻ tự khoe khoang mình
Hay người bán nữ sắc
Những hạng người như thế
Đều chớ có gần gũi
Người xem tướng tốt xấu
Những kẻ ưa đùa cợt
Tất cả dâm nữ thảy
Tuyệt đối chớ gần gũi
Chớ một mình chỗ vắng
Vì người nữ thuyết pháp
Nếu như có thuyết pháp
Thì không nên cười giỡn.

Luận nói: Hơn nữa, nói về nạn nầy tức chính là sự việc ma. Kinh Bát Nhã nói: “Đối với ma Ba tuần, những người trụ Bồ-tát thừa chưa lâu thì tu tập Bát nhã Ba-la-mật-đa, thường khởi thế lực lớn”. Lại nói: “Nầy A-nan-đà! Nếu Bồ-tát khi tu pháp Bát nhã Ba-la-mật thì có ác ma đến chỗ của Bồ-tát gây nhiễu loạn ý và hiện ra sự sợ hãi. Ma hóa ra sấm sét, lửa đốt cả mười phương cõi khiến cho Bồ-tát sợ hãi khiếp nhược, trong một niệm thối thất tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Lại nữa, sai người sao chép cho đến đọc tụng khiến người không thích xả bỏ lợi dưỡng đứng dạy mà đi ra khỏi chỗ ngồi. Tạo sự cuồng loạn đùa giỡn lớn như thế chế nhiễu cực lớn. Hơn nữa, sao chép kinh sách cho đến đọc tụng khởi lên các việc ma nghĩa là tìm cầu trong thành ấp, xóm làng có chỗ ở của Hòa thượng, A-xà-lê, cha mẹ, thiện tri thức và những người thân thuộc để tác ý như vậy. Lại khởi tư duy làm giặc cướp các thứ y phục và tài vật. Lại nói Pháp sư thích nói Bát nhã Ba-la-mậtđa sâu rộng liền chép sách cho đến đọc tụng khiến người kia nghe pháp hoặc sanh nhàm chán biếng nhác, đối với Pháp sư khởi điên đảo như vậy rồi thích qua lại chỗ khác nghe kinh pháp của người khác. Lại nói Pháp sư ưa thích người nghe có đại căn khiến người kia nghe pháp mà chỉ có phần ít hy vọng, hoặc nói Pháp sư chỉ thích nói sơ sài khiến người kia nghe pháp liền sanh tâm trách cứ. Tất cả những lời nói như vậy đều là việc ma. Lại nữa, trong kinh Hư Không Tạng nói: “Cho đến thích làm mười nghiệp bất thiện, xả bỏ pháp thiện đều là việc ma”. Kinh Hải Ý nói: “Bạch Thế Tôn! Bồ-tát an trú ở chỗ thanh vắng để tu tập, tuy bỏ tục xuất gia sống đời thiểu dục tri túc nhưng hành diệu lạc, không cần đa văn cũng không hóa độ chúng sanh, đối với chỗ giảng pháp lại không thích lắng nghe, trong đó tùy thích nghi các nghĩa quyết định để nói tuy gần gũi mà không hỏi han, đối với chút ít thiện cũng không mong cầu, trụ trong chỗ thanh vắng mà tích tập nhiều hành phiền não, như trong khoảnh khắc, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà không tự hiểu biết cũng không tu sửa việc sai trái phá hoại đạo, không hành tự lợi, lợi tha. Thưa Thế Tôn! Đó gọi là việc ma thứ bảy của Bồ-tát trụ trong chỗ thanh vắng. Bạch Thế Tôn! Lại nữa, Bồ-tát có ác tri thức gần gũi thừa sự, về hình thức thì cũng giống như thiện tri thức không khác, cho đến đoạn Bốn nhiếp sự, đoạn tu nghiệp phước, đoạn sự hộ trì chánh pháp, chỉ tu trí tuệ hẹp hòi ít ham muốn biết đủ và dạy người khác trụ ở chỗ Thanh văn, Duyên giác thì lúc ấy Bồ-tát xa lìa hạnh Đại thừa, Bồ-tát nầy có thể làm trí sự nên ưa cân nhắc suy lường, chỉ tu trí tuệ hẹp hòi”. Như có chỗ nói: “Bồ-tát đối với đạo Bồ-đề phải dõng mãnh tinh tấn không chốc lát biếng nhác thoái lui. Hoặc phải trải qua tám chín kiếp sẽ đắc được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề nhưng không thể đắc quả Bồ-đề nầy. Bạch Thế Tôn! Bồ-tát ấy dõng mãnh tinh tấn thì đối với sự chấp trước quyết định không có, chỉ trụ chỗ thanh vắng mà chứng được quả nầy. Thế Tôn! Đây gọi là việc ma thứ mười của Bồ-tát đối với thiện tri thức. Nếu người đối với thừa Bồ-tát nầy bị ma chế phục thì duyên pháp khác mà vui thích tu tập. Như tùy vào chỗ gần gũi để tu tập mọi hạnh hạ liệt như vậy nên sanh ra hôn mê, hoàn toàn không biết cũng như dê câm. Điều nầy chính là việc ma thứ mười một.

Luận nói: Nếu không học theo Bồ-tát dõng mãnh tinh tấn thì đối với tất cả thời, nơi chốn tu tập cũng như không tu tập v.v… Kinh Bảo Vân nói: “Nghĩa là các Bồ-tát đối oai nghi tấn chỉ phải nên phát khởi hành tinh tấn. Nếu thân và tâm không lườI mỏi thì gọi là Bồ-tát tinh tấn rốt ráo. Vì sao ở trong sự tinh tấn nầy mà sanh nhàm chán mỏi mệt? Vì chẳng phải thời tu rốt ráo sự việc lớn nên sanh khiếp nhược, không thành tựu tín giải và khó hành khổ hạnh. Nói bố thí cả thịt của thân mình sao lại phi thời nắm giữ sự thọ dụng nầy để bố thí cho chúng sanh? Do Bồ-tát nầy đối với các chúng sanh, sanh tâm lười biếng mệt mỏi liền gây tổn hoại và bỏ đi sự tích tập chủng tử của tâm Bồ-đề rộng lớn”. Lại như kinh Hư Không Tạng nói: “Phi thời mà cố cầu mong là sự việc của ma. Nghĩa là không phải thời mà đối với thân hốt nhiên khởi tâm xả bỏ như vậy. Như trước không tu tập cũng không bố thí chỉ trụ vào niệm nầy mê mờ mà hại thân mình trái với tâm Bồ-đề thuần thục. Do đó xả bỏ các sự việc của tự thân như thịt v.v… nên khéo giữ gìn như khéo hiện ra cây thuốc thọ dụng các loại rễ ở phi thời mà bố thí và nên khéo giữ gìn loại cây thuốc chánh giác cũng như thế”.

Luận nói: Đối việc ma mà bình đẳng là khó. Như kinh Bảo Vân nói: “Phật bảo: Thiện nam tử! Sao gọi là lìa các ma sự được thiện không hoại? Nghĩa là Bồ-tát nầy trong tất cả thời, xứ trước tiên nên xa lìa các tri thức ác, cũng không có hạng ngang hàng để đến chỗ họ bàn luận chuyện thế tục, gần gũi lợi dưỡng và muốn được cung kính tôn trọng. Như vậy tất cả các thời, xứ phải xa lìa”. Lại nữa, nếu phiền não vi tế có thể chướng đạo Bồ-đề, trong tất cả xứ, thời đều phải xa lìa, khéo biết chỗ đối trị như thế. Trong kinh kia nói: “Tướng của ác tri thức là hủy hoại chánh giới. Đối với ác tri thức nầy phải nên xa lánh. Như vậy, mọi điều gây hủy hoại chánh kiến, chánh hạnh, chánh mạng đều phải nên xa lánh. Đối với những người ưa thích ồn náo, người nhiều biếng nhác, người đắm trước sanh tử, người trái với cửa Bồ-đề, người thích ở nhà với quyến thuộc v.v… đó là những ác tri thức cần phải xa lìa. Nầy thiện nam tử! Tuy thích xa lìa ác tri thức, nhưng không nên khởi tâm ác và gây tổn hại đối với họ. Phải trụ tâm như thế”. Lại nữa, Đức Phật nói: “Ở nơi cõi chúng sanh là phá bỏ sự tích tập hòa hợp nên ta phải xa lánh”.

Luận nói: Mất tâm Bồ-đề là nạn. Trong kinh Bảo Tích nói: “Lại nữa, nầy Ca-diếp! Bồ-tát có bốn pháp đánh mất tâm Bồ-đề.

1. Đối với A-xà-lê và các sư trưởng khác không sanh tâm tôn trọng mà lại nói lời khi dối.

2. Đối với chỗ không nghi hối lại khiến người khác nghi hối

3. Đối với người trụ Đại thừa không tán thán mà lại chê trách.

4. Cùng người hành sự mà tâm xảo trá không chánh trực.

Lại nữa Ca-diếp! Bồ-tát có bốn pháp mà sanh ra chỗ nào cũng không xa lìa tâm Bồ-đề cho đến ngồi đạo tràng Bồ-đề liên tục hiện tiền. Những gì là bốn?

1. Dù gặp nhân duyên mất mạng cũng không vọng ngữ và gần gũi sự đùa giỡn bất chánh.

2. Cùng người hành sự mà tâm luôn chánh trực, xa lìa lời nói xảo trá.

3. Đối với các Bồ-tát khởi tưởng nghị luận tùy vào bốn phương mà xưng tán công hạnh của họ.

4. Chỉ với mục đích hóa độ chúng sanh chứ không mong cầu gì khác khiến cho tất cả đều trụ vào A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Đức Phật bảo Ca-diếp: “Đây gọi là bốn phép của Bồ-tát”. Trong kinh Sư Tử Hống Sở Vấn nói kệ:

Nếu người hành pháp thí
Cũng không bị đoạt mất
Người ấy nhanh đến được
Trong hội của chư Phật
Như thái tử Tinh Hạ
Đời đời nghĩ pháp thí
Lại đời đời kiếp kiếp
Cho đến trong giấc mộng
Không xả tâm Bồ-đề
Huống hồ khi tỉnh thức.

Trong kinh kia lại nói: “Đối với hành xứ nầy, dù ở tại xóm làng, thành ấp, cũng không xả tâm Bồ-đề mà thường giáo hóa khiến cho chúng sanh giác ngộ”. Trong kinh Văn Thù Trang Nghiên Phật Sát Công Đức nói: “Nếu Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì không mất bản nguyện, cho đến xa lìa kiêu căng, ngạo mạn, xan tham và ganh ghét, hoặc thấy người khác sống an ổn giàu sang thì sanh tâm vui vẻ vô tận”.

Luận nói: Như vậy đối với tâm Bồ-đề mà khai phát khiến tâm không mất. Như kinh Bảo tích nói: “Tất cả oai nghi tấn chỉ đều là sự nghiệp của tâm Bồ-đề. Tâm nầy do tâm Bồ-đề quá khứ tương tục mà hình thành. Lại như trong kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói kệ:

Nếu người nhiều nghi hoặc
Nên nhận giáo pháp ta
Do được tâm sâu nầy
Mà lìa nghi hoặc kia.

Luận nói: Nếu không thanh lọc rõ ràng thì khó mà xa lìa điều nầy. Kinh Bảo Vân nói: “Bồ-tát phát tâm như vậy dùng sự tinh tấn mà đối trị tâm khiếp nhược thấp kém và biếng nhác. Nếu không như vậy thì việc tu tập khó đạt được Bồ-đề. Như thế phải tích tập trong vô lượng trăm ngàn kiếp như cứu đầu bị cháy mới chứng Bồ-đề, Ta nay nên xả bỏ gánh nặng như vậy. Tại sao Bồ-tát phát khởi lời nói như vậy? Vì ba đời chư Phật đã tinh tấn tu hành trường kỳ mới chứng được quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, ta nay cũng phải trải qua nhiều kiếp hộ trì chánh pháp, tinh tấn tu tập vì chúng sanh mà làm lợi ích mới đạt được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Luận nói: Lại nói là nạn, Kinh Bảo Tích nói: “Nếu chưa thành thục chúng sanh mà đồng thiện xảo thì đó là sự lầm lẫn của Bồ-tát. Đối với chúng sanh chẳng phải pháp khí mà chỉ bày, dùng giáo pháp rộng sâu của Phật, thì đó là sự sai lầm của Bồ-tát, hoặc đối với chúng sanh có lòng tin hiểu sâu rộng lại chỉ dạy thừa thấp kém, thì đó đều là sai lầm của của Bồ-tát.

Luận nói: Không tin hiểu là mạn. Kinh Hộ Quốc nói: “Đối với

Phật Pháp Tăng mà không tin hiểu cũng không tin hiểu thực hành hạnh Đầu đà, cũng không hiểu việc tội phước v.v… thì chỉ trụ trong tội lỗi. Do vậy, sau khi chết nếu sanh trong loài người thì nhận chịu báo si ám. Sau đó sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ vô cùng”.

Luận nói: Vì xa lìa điều nầy, trong kinh Bảo Tích nói: “Nếu người đối pháp sâu xa không chút hiểu biết, không sanh hủy báng, thì Như Lai đã chứng tri như vậy. Lại nói: Nhưng ta không có khả năng hiểu biết mà chỉ tin hiểu tôn trọng vô lượng chư Phật, thì Như Lai sẽ vì chúng sanh nầy mà thuyết chánh giáo”.

Luận nói: Nên biết việc xả bỏ thiện mà làm trị sự là nạn. Do vậy trong kinh Bồ Tát Biệt Giải Thoát nói: Việc làm của Tỳ-kheo hành pháp là cúng dường Phật, lắng nghe diệu pháp, gần gũi tri sự”.

Luận nói: Hành trì sự kia như trong kinh Bảo Tích nói: “Phật bảo Tỳ-kheo tri sự đối với các chúng Tỳ-kheo nên phải hộ trì tâm ấy, nếu Tỳ-kheo ở chốn thanh vắng thích sống chỗ không tịch thì Tỳ-kheo tri sự kia đối với tất cả thời, xứ không được sai khiến. Lúc ấy, Tỳ-kheo ở chốn thanh vắng nhập chúng tu học mới được phép chỉ bảo, Tỳ-kheo tri sự phải thay thế người ấy làm, hoặc thỉnh riêng Tỳ-kheo thay thế cho Tỳ-kheo sống chốn thanh vắng kia làm. Nếu có Tỳ-kheo đi khất thực thì Tỳ-kheo tri sự phải cung cấp thức ăn ngon. Lại nữa Ca-diếp! Nếu có Tỳ-kheo xa lìa ách nạn, thì Tỳ-kheo tri sự kia phải tùy nhu cầu của Tỳ-kheo ấy mà cung cấp vật thực như ăn uống, y phục, ngọa cụ thuốc men v.v… Nếu Tỳ-kheo xa lìa ách nạn trụ vào một xứ nào đó thì không nên lớn tiếng làm ồn. Tỳ-kheo tri sự kia đối với Tỳ-kheo xa lìa ách nạn phải gần gũi để phòng hộ và tùy vào nhu cầu của vị ấy mà cung cấp các món ăn ngon. Lại nói nếu có Tỳ-kheo đa văn thì phải nên dõng mãnh tinh tấn theo học và thủ hộ. Nếu có Tỳ-kheo thuyết pháp thì nên phải vì pháp trải tòa ngồi lắng nghe ở trong pháp hội hoặc nghị luận chốn đạo tràng thanh tịnh, cho đến phải xướng lên ba lần: “Lành thay!” Chớ không nên vì ỷ lại chỗ vật chất của mình sẵn có mà sanh tưởng tùy tiện. Giả sử có các biện sự cúng dường đợi chúng chấp nhận rồi mới được sử dụng chớ tự ý mình. Cho đến vật của Tăng hiện tiền, vật của Tăng bốn phương cũng không để lẫn lộn với vật của tháp Phật. Phải nên khéo đề phòng các sự lẫn lộn như vậy. Nếu vật của Tăng bốn phương cùng vật của Tăng hiện tiền mà có sự nghi ngờ lạm dụng thì Tỳ-kheo tri sự kia phải thưa trước với chúng rằng vật nầy là sự lợi dưỡng của Tăng nên đem để sửa tháp Phật. Nên xin trước rồi mới làm. Đó là lời Phật dạy. Lại nữa, nầy Ca-diếp! Nếu vật của tháp Phật nhiều thì Tỳ-kheo tri sự không nên đem phân chia cho Tăng bốn phương và Tăng hiện tiền. Vì sao vậy? Vì vật của tháp Phật thì dù là một trong mười phần cũng là của tịnh tín, đâu được lấy nhiều. Vì đó là vật chư Thiên và người đời thường phát khởi tưởng tháp Phật huống hồ là vật báu, đều là châu báu. Nếu lấy y tháp Phật để sửa sang tháp Như Lai thì thà để cho gió mưa làm mục nát, chứ không đổi y nầy để đổi lấy báu vật. Y tháp của Như Lai không ai có thể định giá tốt được, vả lại Phật không hề cần đến! Phật bảo Ca-diếp: Nếu Tỳ-kheo tri sự lấy ác tâm sai bảo Tỳ-kheo giữ giới vì mình mà cung cấp vật dụng thì do tạo ra nghiệp bất thiện mà bị đọa vào địa ngục. Giả sử có được làm người thì cũng chỉ sanh vào dòng mọi rợ nô bộc khổ sở vì tìm cầu tài lợi bị người khác sai khiến, chưởi mắng và đánh đập. Nói tóm lại, hoặc đối với Tỳ-kheo mà chế ra các quy định mới không hợp lý, trách cứ la mắng hay sai khiến phi thời thì Tỳ-kheo tri sự ấy đã tạo căn bất thiện và phải đọa vào địa ngục gọi là Đa đinh, thân chịu trăm ngàn cây đinh găm vào, đồng thời bị lửa thiêu đốt với trăm ngàn đau khổ. Lại nữa, tổng lược nói, lưỡi người kia rộng dài trăm ngàn do tuần và bị trăm ngàn mũi nhọn nóng bức đâm vào khiến cho khó có thể chịu đựng được. Phật bảo: Ca-diếp! Tỳ-kheo tri sự hoặc đến hoặc đi đối với lợi dưỡng của Tăng lại sanh tham luyến chất chứa, hoặc cho đúng thời, phi thời, hoặc cho những người khốn khổ cho đến không cho thì Tỳ-kheo tri sự ấy vì tạo căn bất thiện, nên sau khi chết đọa vào ngạ quỷ ăn toàn phân dơ, bị quỷ lớn cai trị, lúc đầu không được đến gần, đối với phân dơ chỉ đưa mắt nhìn, thọ khổ đói khát trải qua trăm ngàn năm, đối với việc ăn uống không bao giờ có được. Giả sử có được chút ít thì cũng do ác nghiệp ấy mà thức ăn biến thành phẩn dơ. Lại nữa, trong Duyên Khởi Tăng Hộ cũng nói: “Phật bảo Tăng Hộ: Như chỗ ông thấy chẳng phải là tường vách nầy Người ở địa ngục ấy, vào thời Phật Ca-diếp làm người xuất gia nhưng đã phi lý nhổ nước bọt dơ uế vào tường phòng Tăng nên do nghiệp ấy mà thọ khổ lấy thịt làm tường vách bị lửa thiêu đốt cho đến nay vẫn không ngừng. Lại như chỗ ông thấy, thật chẳng phải là cái cột trụ. Người địa ngục ấy trước đây ngang ngược hỷ nước mũi ô uế vào cái cột của , thực ra chẳng phải cây lá hoa quả trong Tăng phòng mà là người địa ngục ấy trước đây ngang ngược đối với cây lá hoa quả của phòng Tăng, một mình ăn trước hoặc đem cho Cư sĩ nên mới thọ nhận quả báo lấy thịt mình làm cây lá v.v. chịu khổ vô cùng cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Như chỗ ông thấy, thật ra chẳng phải là dây tơ. Người địa ngục nầy trước đây tự ý lấy dây tơ của Tăng phòng hoặc đem cho Cư sĩ nên phải thọ nhân quả báo lấy thịt làm thân dây cho đến nay vẫn chưa dứt. Như chỗ ông thấy, thật ra chẳng phải là cái cán chổi. Người địa ngục nầy vào thời Phật Ca-diếp xuất gia làm Sa-di đã dùng tâm bỏn xẻn xua đuổi người khác. Khi có Tỳ-kheo khách đến, Sa-di kia thấy liền quay lưng lại, Tỳ-kheo khách nói: “Trong chúng đây có gì uống không?”. Sa-di kia đáp: “Ông không thấy tôi đang quét dọn đây sao, muốn uống nước cũng không được”. Lúc ấy Tỳ-kheo khách điềm nhiên không hề trách cứ mà ra đi. Do nghiệp báo nầy nên phải thọ khổ với thân làm cây cán chổi chịu đựng trải qua bao kiếp cho đến giờ vẫn chưa dứt. Như chỗ ông thấy, thật ra đây chẳng phải là chày cối. Người địa ngục nầy vào thời Phật Ca-diếp, chỗ để chứa vật có chủ của Tỳ-kheo có một Sa-di giữ việc ghi nhận, vị ấy chính là bậc A-lahán. Có Tỳ-kheo đến nói với Sa-di là mình cần cái chày. Vị Sa-di kia nói: Thượng tọa đứng đợi một lát, tôi có chút việc bận, sẽ đưa cho Ngài sau. Tỳ-kheo kia nổi cơn giận dữ nói Sa-di: Nếu tôi được cái chày, tôi sẽ ném ông vào cối mà giã, huống gì chỉ là cái chày? Lúc ấy vị Sa-di biết Tỳ-kheo kia vì tâm độc ác phát ra lời hủy mạ như thế, nếu trả lời ngay, chỉ làm tăng thêm lòng giận dữ kia, nên im lặng. Đợi cơn giận của Tỳ kheo kia lắng xuống, bèn đến nói lời sám hối: Đại đức, Thượng tọa vì việc ấy mà phiền não. Tỳ-kheo kia nói: “Ông biết trong giới luật Phật Ca-diếp nầy, ông mới xuất gia làm Sa-di còn ta là Thượng tọa, Tỳ-kheo”. Sa-di nói: Nếu như vậy chúng ta đều bình đẳng xuất gia, nói thế nào là đoạn trừ tất cả phiền não, giải thoát tất cả kiết sử ? Nói lời ác độc tại sao không đối trước mọi người sám hối! Bấy giờ Thượng tọa Tỳ-kheo không thể đối đáp, sân hận vẫn còn, không thể sám hối. Do nghiệp báo nầy mà bị đọa lấy thịt làm chày cối chịu khổ vô cùng cho đến nay vẫn không dứt. Như chỗ ông thấy, thật ra chẳng phải là cái nồi, có Tỳ-kheo đến hỏi: Nồi nầy không dùng chăng? Vì Sa-di đáp: Ngài đợi một lát vì đang nấu thuốc cho Tỳ-kheo bệnh kia. Tỳ-kheo kia không nghe lời nói nầy nên đem tâm sân hận đập nồi bỏ đi. Do nghiệp nầy nên thọ khổ với thân làm nồi thịt cho đến nay vẫn không dứt. Như chỗ ông thấy trung gian hoặc đứt đoạn, chỉ còn dính chút ít. Người địa ngục nầy ngày xưa do làm Tỳ-kheo chủ trì việc lợi dưỡng, vì tâm keo kiệt nên đổi lấy các vật. Vật mùa đông, mùa mưa lẫn lộn nhau mà phân phối. Do nghiệp nầy nên thường chịu khổ đến nay vẫn chưa dứt.

 

Phẩm 4: KHÔNG 

Phần 1

Luận nói: Lại nữa, kinh nói nghĩa lớn. Như kinh Hư Không Tạng nói: Phật bảo Bồ-tát Di lặc: Vua Quán Đảnh Sát-đế-lợi có năm thứ tội căn bản. Nếu người phạm vào điều nầy thì sẽ hủy hoại tất cả các thiện căn đời trước, hướng đến đường ác và đọa vào chỗ ác, xa lìa niềm vui của trời người v.v… Những gì là năm?

1. Vua Quán đảnh Sát-đế-lợi cố ý lấy vật trong tháp Phật và vật của bốn phương Tăng, hoặc tự mình lấy hoặc bảo người khác lấy, là tội căn bản thứ nhất.

2. Vua Quán đảnh hoặc phỉ báng pháp của Thanh văn, Duyên giác và pháp Đại thừa khiến ẩn mất, gặp trở ngại là tội căn bản thứ hai.

3. Vua Quán đảnh đối với những người nương theo pháp của ta mà xuất gia mặc áo cà sa, cạo bỏ râu tóc, lại đối với bậc hữu học, vô học trì giới hay phá giới mà bức não họ phải bỏ áo cà sa để hoàn tục, hoặc đánh đập giam vào ngục tối, hoặc đoạt mạng căn là tội căn bản thứ ba.

4. Vua Quán đảnh hoặc giết cha mẹ, hoặc giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, đem tâm ác làm thân Phật chảy máu, làm một tội trong năm tội vô gián là tội căn bản thứ tư.

5. Hoặc phỉ báng không có nhân quả, không sợ đời sau, tự mình làm mười nghiệp bất thiện dạy người khác làm mười nghiệp bất thiện và bảo thủ, tức tội căn bản thứ năm.

Cho đến nói tổng lược, nếu ưa thích phá hoại đất nước, thành ấp, xóm làng dân chúng thì gọi là tội căn bản. Lại nữa, thiện nam, thiện nữ! Người mới hành trụ Đại thừa có tám thứ tội căn bản. Người mới hành trụ Đại thừa đối với tội căn bản có sai lầm, thiêu hủy các căn lành đời trước, sanh vào ác đạo, đọa vào chỗ ác, xa lìa niềm vui Đại thừa trong cõi trời người v.v… sống sâu trong luân hồi mà xa lánh thiện tri thức. Những gì là tám?

1. Các chúng sanh nầy nhân vì trước kia làm ác mà sanh vào trong đời ác năm hiểm nạn, nhưng do cũng có một ít thiện căn nên gần gũi thiện tri thức được nghe kinh điển sâu xa của Đại thừa. Người kia lấy trí thấp kém phát tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề nên ban đầu hành đạo Bồ-tát nghe nói kinh điển pháp không sâu xa rồi theo như chỗ nghe được mà thọ trì đọc tụng. Do trí nông cạn nên khi được khai thị về văn nghĩa xảo diệu và cảnh giới rộng lớn, người ngu kia thường sanh tâm sợ hãi. Do tâm sợ hãi nên liền thối thất tâm A-nậu-đa-la-tam-miệutam-bồ-đề, lại phát tâm hành Thanh văn thừa. Đây là tội căn bản thứ nhất khi mới thực hành đạo Bồ-tát.

2. Do phạm tội nên hủy diệt tất cả các thiện căn đã gieo trồng trước kia, hướng đến đường ác, đọa vào chỗ ác, xa lìa sự an vui Đại thừa trong cõi trời, người, hủy hoại tâm Bồ-đề. Do vậy Bồ-tát đối với chí nguyện sâu xa của hữu tình Bổ-đặc-già-la kia trước phải biết tâm sở hành của họ, rồi từ từ vì họ mà thuyết pháp, ví như từ từ đi vào trong biển lớn. Nói tóm lại, Bồ-tát mới tu hành phát ra lời nói như vầy: “ Ông không thể tu tập sáu hạnh Ba-la-mật cũng không thể đắc A-nậu-đa-latam-miệu-tam-bồ-đề. Ông nên nhanh chóng phát tâm Thanh văn và Phật-bích-chi thì có thể nhanh chóng xa lìa sanh tử”. Đây là tội căn bản thứ hai khi mới thực hành đạo Bồ-tát.