Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 25

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 25
1636

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 25

Phẩm 18: NIỆM TAM BẢO
Phần 4

Luận nói: Các Bồ-tát do nhân duyên mà gặp các việc khó khăn, hãy giữ chánh niệm mà đối trị chớ kinh sợ. Như trong kinh Bát Nhã nói: “Nầy Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát giả sử ở trong nạn gặp thú dữ chớ có lo âu buồn phiền và cũng chớ có sợ hãi. Vì sao như vậy? Bồ-tát ấy nên suy nghĩ như thế nầy: Ta nên xả bỏ tất cả để đem lại lợi ích cho chúng sanh, nếu các thú ác muốn ăn nuốt ta, ta nên cho chúng để sớm được viên mãn thí Ba-la-mật. Ta nên nguyện thành tựu quả A-nậuđa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, cả nước thanh tịnh không nghe tên các thứ trùng độc thú ác”. Lại nữa, Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong nạn gặp oán tặc chớ có sanh tâm kinh hoảng sợ hãi. Vì sao như thế? Bồtát ấy nên biết, cái gì mình có thì đều bị hư tổn, liền nghĩ thế nầy: “Nếu các oán tặc đến và muốn thứ gì ta nên cho nó, cho đến muốn cướp lấy mạng sống của ta thì ba nghiệp thân, khẩu, ý cũng chớ sân hận, vậy sớm thành tựu giới Ba-la-mật viên mãn, và cũng được đầy đủ nhẫn Ba-lamật, mong cho ta được thành tựu A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề ở cõi nước thanh tịnh, không nghe tên oán tặc như thế”. Lại nữa, nếu Bồtát Ma-ha-tát ở trong nạn thiếu khát chớ có khiếp sợ. Vì sao như thế? Bồ-tát ấy được pháp lợi ích mà không ưu não. Nên nghĩ thế nầy: “Ta nên vì tất cả chúng sanh tuyên thuyết pháp yếu để dứt trừ khát ái, giả như thân nầy của ta, bị cái khát bức ngặt cho nên chết, thì ở đời sau nên khởi tâm đại bi thương cho những chúng sanh ít phước đức được sanh trở lại ở những nơi không bị cái nạn không có nước, mong cho chúng tu cái hạnh chân chánh để chứng được thắng tuệ. Thành tựu được tinh tấn Ba-la-mật viên mãn, ở trong cảnh giới thanh tịnh không nghe tên thiếu khát như thế trong cõi ấy chúng sanh đầy đủ phước và đức, tự nhiên có nước tám công đức”.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong nạn mất mùa và đói kém, chớ có sanh lòng sợ sệt. Vì sao thế? Vì các Bồ-tát kia được khoác áo giáp tinh tấn kiên cố không lười biếng. Nên nghĩ thế nầy: “Nay các chúng sanh nầy bị các khổ đói kém thật đáng thương xót. Ta nguyện khi thành tựu A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, cõi nước không có cái tên đói khát, việc giáo hóa chúng sanh vui vẻ an ổn, giống như những niềm khoái lạc tự nhiên ở trời Đao lợi, tất cả những ước muốn đều tùy tâm mà ứng hiện ra, thọ mạng kiên cố (lâu dài), an trụ tịch tĩnh.

Luận nói: Sự tạo tác như thế có thể làm tăng trưởng các nhân phước đức rộng lớn và đạt được cảnh giới tối thượng. Cũng như trong kinh Thanh tịnh nói: Nếu lấy pháp mà bố thí không sanh lòng muốn đền đáp thì sẽ đạt được phước báo thù thắng.

Có thể lấy pháp mà bố thí thì đạt được hai mươi loại công đức nơi từ tâm, một là an trụ chánh niệm, hai là được giác ngộ, ba là được phát tâm hướng đến đạo tối thượng, bốn là nhậm trì các điều lành, năm là tăng trưởng tuệ mạng, sáu là được trí tuệ xuất thế gian, bảy là diệt trừ tội lỗi ở lòng tham, tám là diệt trừ tội lỗi nơi sân hận, chín là diệt trừ tội lỗi nơi sự si mê, mười là yêu ma không quấy nhiễu, mười một được chư Phật gia trì, mười hai chư Thiên thủ hộ cho dung nhan sáng đẹp, mười ba không bị phi nhân, bạn ác quấy nhiễu, mười bốn được thiện hữu tri thức thương mến kính trọng, mười lăm nói lời chân thật, mười sáu tâm không sợ sệt, mười bảy ý tưởng vui vẻ, mười tám tiếng tốt đồn xa, mười chín nhớ kỹ không quên, hai mươi thường an lạc nơi pháp thí. Đây gọi là công đức của từ bi.

Lại trong Kinh Bát-Nhã nói: “Lại nữa, nầy A-nan! Nếu có hàng Thanh-văn đem pháp Thanh-văn mà khắp vì tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, theo sở chứng của mình mà tuyên thuyết thì sẽ khiến cho chúng sanh đắc quả A-la-hán. A-nan! Nếu Bồ-tát Ma-hatát có thể lấy cú nghĩa tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa khai diễn nơi cho một chúng sanh thì công đức có được sẽ vượt qua công đức của tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới được chứng A-lahán ở trước. Lại nữa, các vị A-la-hán kia cũng tích tập các công đức bố thí và trì giới. Ý ông thế nào? Công đức của các A-la-hán ấy có nhiều chăng? A-nan bạch Phật: Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Rất nhiều, thưa Thiện Thệ! Phật nói: A-nan! Phước đức ấy tuy nhiều, nhưng Bồ-tát lấy pháp môn tương ưng với Bát nhã Ba-la-mật-đa nầy mà vì người tuyên thuyết thì công đức ấy còn hơn công đức kia. Lại nữa, Bồ-tát Ma-ha-tát đối với pháp môn thậm thâm Bát nhã Ba-la-mật-đa nầy, có thể trong một ngày vì người khác mà phân biệt giải nói, cho đến trong một thời, một khắc hay chỉ trong chốc lát mà khéo tuyên thuyết thì nầy A-nan! Việc bố thí pháp của Bồ-tát như thế không thể lấy các công đức thiện căn của Thanh-văn, Duyên giác mà so sánh được. Vì sao thế? Bồ-tát Ma-ha-tát nầy đối với A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề được bất thoái chuyển vậy, lại dùng pháp mà bố thí”. Như kinh Diệu Pháp Liên Hoa có kệ:

Bồ-tát đến lúc
Đi vào tịnh thất
Giữ chánh ức niệm
Theo nghĩa quán pháp
Bồ-tát thường vui
An ổn thuyết pháp
Ở nơi đất sạch
Bố thí giường nằm
Dùng dầu thoa thân
Tắm gội bụi nhơ
Mang áo mới sạch
Trong ngoài đều nghiêm
An ngồi pháp tòa
Tùy hỏi mà nói
Nếu có Tỳ-kheo
Và Tỳ-kheo ni
Trừ lòng mệt mỏi
Cùng tâm biếng nhác
Lìa các ưu não
Tâm từ nói pháp
Thường nói ngày đêm
Giảng đạo vô thượng
Dùng các nhân duyên
Vô lượng thí dụ
Khai thị chúng sanh
Hàm linh hoan hỷ
Y phục ngọa cụ
Ăn uống thuốc men
Mà ở trong đó
Không cần cầu mong
Chỉ trong một niệm
Thuyết pháp nhân duyên
Nguyện ta thành Phật
Chúng sanh cũng thế
Liền được lợi lớn
An lạc cúng dường.

Kinh nầy lại nói: “Vì thuận theo các pháp cho nên không nói nhiều, cũng không nên nói ít, cho đến có người mến pháp nầy cũng không vì người mà nói quá nhiều”. Kinh Nguyệt Đăng có kệ:

Nếu có trưởng lão hỏi
Muốn ta bố thí pháp
Trước nói người ấy rằng
Ta học tập không rộng
Lại nói lời thế nầy
Thế Tôn bậc thông tuệ
Có thể trước Đại đức
Vui vẻ khéo tuyên thuyết
Khi nói chớ vội vả
Nên nghĩ đúng và sai
Đã nắm điểm then chốt
Không thỉnh cũng tự nói
Nếu ở trong đại chúng
Thấy những người phá giới
Chớ có khen trì giới
Nên khen các hạnh thí
Nếu có người thiểu dục
Cùng trì giới tương ưng
Nên khởi lòng đại bi
Khen thiểu dục trì giới.

Luận nói: Như vị Pháp sư kia nên tắm gội sạch sẽ, mang y phục đẹp, dùng lòng từ mà trang nghiêm thân và vì đại chúng mà thuyết các pháp thí, các yêu ma không thể nhiễu hại được vị Pháp sư ấy. Xem chú Đà-la-ni trong Kinh Hải Ý.

Đát ninh tha thiết di thiết ma phược để thiết di la thiết đốt lổ án cô ly ma la nhĩ đề cát la rị chúc du lý ô, phựơc đề ô hô cát dã đề vĩ thâu đạ, lý a lê ma la bát na duệ ô khác lý khát lỗ nga la tế bát al tát, hệ mục khế a mục khế thiết duệ đa, tát lý phược đát la nga la hạ mãn đa na ngật lý hệ đa tát lý phược bỉ la bát la phược nễ na vĩ mục ngật đa ma la cá xá tắc tha tất đa một đạ mẫu nại la tam mẫu nại da đề đa tát lý phược ma la a đô lê đa bát nại bát lý tuất, vĩ nga tha đề tát lý phượcma la cát lý ma ni.

Vị Pháp sư trì tụng chân ngôn nầy ở trên pháp tòa xem trong chúng hội rồi vận lòng từ bi rộng lớn xem mình là Y vương, xem giáo pháp là thuốc quý, còn xem thính chúng nghe pháp trong bốn hội là những bịnh nhân, đối với các Như Lai, khởi tưởng ta là Chánh sĩ, còn đối với chánh pháp nhãn tạng, phải khởi tưởng trụ thế lâu dài. Bấy giờ, trong chu vi khoảng một trăm do tuần, các ma vương thiên chúng đều chẳng thể đến để mà gây nên các việc quấy nhiễu được, giả như các ma vương có đến được nơi pháp hội, thì cũng chẳng gây nên được các chướng nạn

Luận viết: Bình đẳng mà bố thí pháp như thế thì có thể tăng trưởng tâm đại Bồ-đề. Như Kinh Bão nói: “Văn-thù-sư-lợi giống như rừng, cây cành lá xanh tươi um tùm, đều do nơi bốn đại mà tăng trưởng. Nầy Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát cũng như thế, dùng các pháp môn để tu tập các thiện căn, tất cả đều quy nhiếp ở nơi tâm Bồ-đề vậy, nơi Nhất thiết trí hồi hướng về đạo Bồ-đề để được tăng trưởng”.

Luận viết: Nếu các Bồ-tát đều muốn hiển thị rộng lớn các cảnh giới tu học Phật, thì trước hết phải an trụ vào chánh niệm chánh tri. Như thế mới thành tựu được chánh đoạn và bất phóng dật. Do vì khởi sự ưa thích tinh tấn nên đối với việc ác bất thiện chưa sanh thì giữ không cho sanh, điều ác bất thiện đã sanh rồi thì có thể đoạn tuyệt vĩnh viễn, khiến cho tâm được thanh tịnh, còn pháp thiện chưa sanh thì khiến cho nó được sanh, pháp thiện đã sanh khiến được tăng trưởng, phải thường an trụ vào bất phóng dật, trong các pháp thiện, pháp nầy là pháp căn bản, như kệ trong Kinh Nguyệt Đăng nói:

Như các pháp thiện ta đã nói
Gồm giới, văn, xả, và nhẫn nhục
Lấy bất phóng dật làm căn bản
Là tài sản tối thắng của Phật.

Sao gọi là phóng dật? Phóng dật được phát sanh do sự hư vọng mong cầu của các bọn tà giáo và ác bằng hữu. Cũng giống như người bưng thuốc uống cho nhà vua. Người ấy bưng đầy chén thuốc đi trên con đường trơn trợt, nguy hiểm, nên biết người ấy luôn sợ hãi và ưu não, sao lại có sự phóng dật! Lại như kinh Như Lai Bí Mật nói: “Sao gọi là bất phóng dật? Có nghĩa là ban đầu khéo điều nhiếp các căn. Như mắt thấy sắc v.v… không thủ tướng mạo, không mê sắc đẹp, như thế cho đến ý pháp cũng như vậy. Biết như thế rồi đều không đắm trước, không sanh ái nhiễm, thường cầu sự xuất ly, khéo tự điều phục tâm của mình, rồi có thể tùy thuận mà nhiếp hộ tâm người khác. Có thể đoạn trừ phiền não nhiễm ái cho người khác. Đây gọi là bất phóng dật. Nếu có người tin và hiểu pháp bất phóng dật, do giữ lòng tin thanh tịnh và tu tập một cách tinh tấn về pháp bất phóng dật thì có thể giữ được chánh niệm chánh tín, và có chánh niệm chánh tri cho nên đối với tất cả các pháp phần Bồ-đề không bị hoại mất. Nếu người nào có đủ lòng tin thanh tịnh, tinh tấn bất phóng dật, tâm giữ chánh niệm, chánh tri thì có thể khuyên người ấy tu tập pháp thậm thâm kiên cố, nếu Bồ-tát khéo liễu tri về pháp thậm thâm kiên cố ấy thì có thể giác ngộ như thật về có, không. Đến như trong thế tục đế cho rằng mắt v.v… đều là “có” (hữu). Kinh kia có kệ nói:

Pháp cam lộ thường không phóng dật
Lợi chúng sanh phát tâm Bồ-đề
Tâm tịch tĩnh kiên cố cũng thế
Căn bản các lạc không chỗ cầu.

Luận viết: Nếu có người tu tập các công hạnh tương ưng, thì có thể ở nơi bản thân mình cũng như ở nơi người được tăng trưởng phước đức thù thắng. Tụng nêu:

Học bình đẳng ta người
Tâm Bồ-đề kiên cố
Đối ta thành có người
Triển chuyển không thật có
Cũng như đứng bờ kia
Do đây mà đối đãi
Kia vốn đã là không
Tánh ta sao lại có
Nếu khổ không phòng hộ
Thì bị khổ trói buộc
Người hành pháp như thế
Sao lại không phòng hộ
Dấy phân biệt tà vọng
Chấp ngã cho là thường
Nếu ngã vốn như thế
Sao hiện có sanh diệt
Kia phân biệt có sanh
Thì ai tu phước nghiệp
Mưu cầu nơi tài lợi
Và thọ các khoái lạc
Hiện thấy thân già yếu
Không lâu thì hủy hoại
Sau sanh làm hài nhi
Trẻ thơ đến niên thiếu
Trong khoảng một sát na
Mau mục nát biến hoại
Chỗ nào gọi là tham
Móng, tóc đều tan rã
Xưa biết nương thai mẹ
Sau sanh làm hài nhi
Lớn tuổi thân già yếu
Rốt cuộc thành tro tàn
Tự tánh của thân nầy
Do nhân duyên hợp thành
Chung quy chẳng mảy trần
Hình tượng há dài lâu?
Lại đối với thân nầy
Không nói nên tự bíêt
Luôn thay đổi tướng mạo
Xét kĩ gì là ta?
Do nhân duyên hòa hợp
Mà ứng hiện ở đời
Ở trong chánh pháp Phật
Tùy tương ưng sở đoạn
Nếu kia không có thức
Thì không thể kiến lập
Cũng không tham, sân, si
Làm sao có công đức?
Ngoài chín cõi thế gian
Còn gọi có ba cõi
Vô thức và sở y
Sao hay sanh lạc kia
Sở y bất sanh lạc
Nên biết từ nhân sanh
Nếu lạc sanh nơi y
Tướng kia sao lại có
Cho nên chánh pháp lý
Nói chư hành vô thường
Suy xét và tư duy
Do nhân duyên hòa hợp
Thấy được thân quyến mình
Sao gọi là thiện hữu
Ở nơi cho tìm cầu
Không một hữu vi trần
Như đèn cháy hầu hết
Dầu kia biết về đâu?
Như thế và quán sát
Chẳng trụ trong sát na
Tụ tập các quyến thuộc
Xếp hàng và trang điểm
Vọng chấp sanh ngã hữu
Vui nơi người khéo biết
Đã biết chúng sanh kia
Không một sự huân tập
Mình, người đã thù diệu
Nơi khỗ cũng chẳng được
Như thế chẳng tương ưng
Ở đâu có ngã kia
Hoặc khó dùng sức mình
Ở mọi lúc khai thị
Chúng sanh trong thế gian
Các khổ thường bức bách
Nên khởi lòng đại bi
Mà thương xót chúng kia
Khởi lòng từ quán sát
Bình đẳng mà cứu độ
Giả sử vào A-tỳ
Như vịt bơi hồ sen
Vì khiến các hữu tình
Thường ở biển hoan hỷ
Mình chẳng đắm giải thoát
Cứu kia không hề chán
Làm lợi ích thế rồi
Mà chẳng nên ỷ lại
Cũng chẳng sanh mệt nhọc
Không mong ở quả báo
Nếu mười phương phước tụ
Ngã kia hẳn đắc được
Chỗ sanh lòng đố kỵ
Người vui như mình vui
Nếu lại nơi mình, người
Cùng tu tập sám hối
Khuyên thỉnh Phật Thế Tôn
Cùng phước nghiệp tùy hỷ
Như thế mà hồi hướng
Bình đẳng không sai biệt
Theo phước ấy mà thí
Vô tận cõi chúng sanh
Bồ-tát hành hạnh ấy
Hẳn có nhiều lợi ích
Tăng trưởng lòng đại từ
Được an ổn tối thượng
Được tay kim cương kia
Cùng chư Phật Thế Tôn
Thường làm việc hộ trì
Chúng ma đều kinh sợ
Là con đấng pháp vương
Chư Thiên đều tán dương
Tục và tâm Bồ-đề
Vui chơi nơi thắng đạo
Chúng sanh khéo tu tập
Tiêu trừ khổ mình người
Nên ta không chấp trước
Hết thảy đều nên xả
Nếu người bị ái buộc
Thì khổ vô cùng cực
Phiền não nương đó sanh
Tồn hoại sau hối cãi
Nên lửa đốt chúng sanh
Hực cháy khắp tất cả
Đến như đầu ngón tay
Với mình cũng chẳng vui
Gợi hết thảy ngã ái
Là gốc khổ thứ nhất
Nếu không trừ lửa dữ
Vì lợi các hàm thức
Vui vợ con quyến thuộc
Chung cùng đều tổn hại
Nghĩ kỹ do duyên sanh
Nơi thân cũng chẳng mến
Chúng sanh kẻ trí ngu
Cả hai ấy đều xả
Biết tõ thân cùng tâm
Sát na khởi sai biệt
Gọi thường không có thường
Lìa cấu vốn vô cấu
Tự mình chứng Bồ-đề
Kia cũng thành chánh giác
Chẳng nghĩ vì pháp thế
Mà lợi ích chúng sanh
Thuốc pháp cùng tượng Phật
Như thế ta nên thí
Dùng tuệ để tuyển trạch
Việc làm được tương ưng
Giữ gìn tài sản mình
Tích tụ rồi tan rã
Hoặc thân mình thân người
Hoặc khổ ít khổ nhiều
Như thế đều khiến đắc
Các khoái lạc thượng diệu
Chúng sanh trong cảnh dục
Phòng hộ sanh phiền não
Như rắn ở trong hang
Rốt cùng khiến thanh tịnh
Giống như ruộng lúa tốt
Cho vụ mùa bội thu
Khéo trừ các nhiệt não
Đầy đủ các phước đức
Nếu người không viễn ly
Danh lợi và năm dục
Lời nói chẳng thành thật
Với họ chớ nên giận
Họ đã mất tự lợi
Không chịu được tức giận
Khi ấy đừng sanh giận
Lợi người thường không dứt
Khéo hành nhẫn chân thật
Như xem xạ có hương
Vật mình bị người đọat
Lại gặp thợ săn hại
Dùng phương tiện tư duy
Không chủ tể khoái lạc
Mình đã chẳng thọ dụng
Kia sao không dạy bảo
Phật tử kia phải luôn
Nhớ nghĩ trừ phiền não
Biết các căn cảnh giới
Giống như ung nhọt lớn
Thương kẻ kia sân giận
Vì lợi ích chỉ bày
Tự tánh lìa nhu nhuyến
Ở đâu được khổ vui
Lại ngũ đại chủng kia
Chỉ đó tạm gọi tên
Cho đến trong hữu tình
Đều thành nơi nghĩa lợi
Nếu lợi sanh không chán
Thì chẳng tạo nghiệp ác
Nên ta cần tu tập
Sáu cõi không suy não
Đến hư không cứu cánh
Và tận cõi thế gian
Ta làm lợi chúng sanh
Khiến trí tâm thuần thục
Thân là A-xà-lê
Khéo học lìa các khổ
Không xét năng lực mình
Nơi nào chẳng phòng hộ
Nếu tự gây khổ não
Nhân nào sanh sợ hãi
Theo sở học mà biết
Ngã mạn các lỗi lầm
Tục cảnh giới đại bi
Không tham ưa quả báo
Thường phụng sự tu tập
Bình đẳng đâu có ngã
Kẻ kiến, nghi, cuồng manh
Bước đi nhìêu lầm lỗi
Hoặc đọa trong đường hiểm
Mình, người thường ưa não
Vì tìm cầu kẻ kia
Cùng nạn mà cứu hộ
Hành tương ưng như thế
Hẳn được công đức lớn
Lỗi lầm ta chẳng ít
Sâu rộng như biển lớn
Nếu mình người tạo tội
Làm sao được giải thoát
Nếu kia khéo khuyên bảo
Hổ thẹn các lỗi lầm
Thường nhận lãnh lời người
Hết thảy đều nên học
Nghe thù oán sanh lo
Cẩn thận chớ khác lời
Ta người tâm, mạng đồng
Nếu vui thì không thẹn
Các phiền não oán địch
Ta có thể chiến đấu
Nếu nó ở trong tâm
Tổn hại không an ổn
Quy mạng Quán Tự Tại
Đại từ không ai hơn
Búi tóc xoắn xanh biếc
Như tóc mượt rủ xuống
Ở mười phương quốc độ
Ngón tay chảy dòng sữa
Cứu địa ngục quỷ súc
Luân hồi nhiều đau khổ
Đối với chúng sanh lành
Cùng nghe tiếng cứu độ
Bà trĩ, A-tu-la
Được thoát oán hại kia
Rất tối thắng trang nghiêm
Ở đời chưa từng thấy
Ngu trí, các hữu tình
Chiêm phụng đồng hân hoan
Lại kính cẩn, tín lễ
Đại sĩ Diệu Cát Từong
Tập hợp chánh pháp tạng
Khéo lợi lạc thế gian
Đại Y vương hơn hết
Tiêu trừ các độc nạn
Ban vui cùng thọ mạng
Nên ta nay cúi đầu
Vô biên khổ, nhiệt não
Hiện dòng suối xanh trong
Khiến lòng người vui vẻ
Nên trừ các khát ái
Thập phương các thế giới
Đều hiện kiếp la ba
Chúng sanh đủ chỗ cầu
Phổ hiện mắt sen xanh
Vô lượng chư Bồ-tát
Tán thán thân cao lớn
Quy mạng ngài Văn-thù
Tối thắng vượt hơn hết
Hạnh Bồ-tát hy hữu
Kết tập có công đức
Mình, người phước vô cùng
Chân Phật từ Văn-thù
Ghi lại chánh pháp nầy
Chút phước thiện ta có
Vì thương chúng hữu tình
Khiến tăng trưởng thắng tuệ
Các pháp từ duyên sanh
Duyên hết pháp liền diệt
Thầy ta Đại Sa-môn
Thường nói lời như thế.

Bài Viết Liên Quan

1636

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 16

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC Biên soạn: Pháp Xứng - Hán dịch: Pháp Hộ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 16 Phẩm 12: TRỊ TÂM Phần 3 Lại...
1636

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 15

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC Biên soạn: Pháp Xứng - Hán dịch: Pháp Hộ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 15 Phẩm 12: TRỊ TÂM Phần 2 Lại...
1636

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 11

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC Biên soạn: Pháp Xứng - Hán dịch: Pháp Hộ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 11 Phẩm 8: THANH TỊNH Phần 2 Luận...
1636

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 12

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC Biên soạn: Pháp Xứng - Hán dịch: Pháp Hộ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 12 Phẩm 8: THANH TỊNH Phần 3 Như...
1636

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 10

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC Biên soạn: Pháp Xứng - Hán dịch: Pháp Hộ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 10 Phẩm 7: HỘ THỌ DỤNG PHƯỚC Phần...
1636

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Quyển 03

LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC Biên soạn: Pháp Xứng - Hán dịch: Pháp Hộ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 3 Phẩm 1: TẬP BỐ THÍ HỌC Phần...