LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
Biên soạn: Pháp Xứng – Hán dịch: Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 22

Phẩm 17: CUNG KÍNH TÁC LỄ
Phần 1

Người nào sau khi Phật diệt độ
Thường hay sửa, xây tháp miếu Phật
Trăm ngàn ức kiếp na-do-tha
Thân tướng uy nghiêm đều đẹp tốt
Dùng hương chiên đàn vừa ý nhất
Làm nên cung điện và kiệu xe,
Tuy được thắng báo không hề đắm
Phước nầy do tu sửa tháp Phật.
Ở thời chánh pháp Phật sắp hết
Không sanh các cõi nước Diêm phù
Tùy theo ý thích ở thiên cung
Phước nầy do tu sửa tháp Phật
Chán ghét ngũ dục các nhiễm cấu
An trụ trong giới tịnh thanh lương
Rộng theo phạm hạnh không hề sót
Phước nầy do tu sửa tháp Phật
Sau khi chết rồi được sanh thiên
Khoái lạc, đầy đủ không kể xiết
Lại còn giáo hóa các Trời, người
Phước nầy do xoa hương tháp Phật.
Diện mạo đầy đặn thường tươi sáng
Ngữ âm điều thiện được dâng trào
Ai thấy đều khởi tâm kính mến
Phước nầy do xoa hương tháp Phật
Xa lìa ác đạo khổ vô biên
Thường được thân cận các Như Lai
Rộng tu nghiệp thiện, lợi quần sanh
Phước nầy do xoa hương tháp Phật
Nếu người ở trong khoảng sát-na
Thường hay quét bụi, dọn tháp Phật
Quả báo người nầy khó tính được
Xa lìa tám nạn ở trong đời
Mạnh khoẻ, thông tuệ đều sáng suốt
Ngũ dục cảnh trần không đeo đuổi
Luân hồi mãi mãi được lìa xa
Đây do tịnh tâm quét tháp Phật.
Đầy đủ giới cấm, không khuyết phạm
Nghe pháp vi diệu sanh hoan hỷ
Mãi không thoái chuyển tâm Bồ-đề
Đây do tịnh tâm quét tháp Phật
Người nầy thường ở trong đường ác
Được lìa chê, khen các lỗi lầm…
Phước tuệ càng tăng tích chứa nhiều
Đây do tịnh tâm quét tháp Phật.
Lại được các vị ngon quý hiếm
Y phục sạch sẽ lại trang nghiêm
Các căn tiếp xúc thường vừa ý
Đây do tịnh tâm quét tháp Phật
Ở trong tháp Phật sanh hoan hỷ
Hoa héo phải thay nơi tháp Phật
Do nương mười lực bậc đạo sư
Ngũ dục, oán hận được xa lìa.
Hình nghi đỉnh đạc thật hiếm có
Mọi người thích nhìn không chán mắt
Vương giả thường sanh tâm ái kính
Do thay hoa héo nơi tháp Phật
Đầy đủ giới phẩm, hạnh Bồ-tát
Diệt trừ tất cả mọi đường ác
Ý luôn sáng suốt, lìa si mê
Do thay hoa héo nơi tháp Phật.
Vứt bỏ phiền não các chướng nhiễm
Không còn bệnh khổ, trói buộc nhau
Nhẹ nhàng an lạc ở mọi nơi
Do thay hoa héo nơi tháp Phật
Được thọ đệ nhất thí cõi người
Lại được các cúng dường tối thượng
Phước tuệ thanh tịnh trang nghiêm thân
Do thay hoa héo nơi tháp Phật
Nên thay vào tháp bông hoa mới
Hoặc Mạn-đa-la, Bát-tất-sa.
Do thay hoa mới nơi tháp Phật
Người ấy phước báo thật thù thắng.
Hoặc người thường ở trong tháp Phật
Siêng năng cung kính đảnh lễ Phật
Người ấy xưng dương ân Đức Phật
Mọi người nhìn thấy phải cúi đầu
Các thiên, long, thần, Ma-hầu-la
Vua và thần dân đều tin trọng
Ví như hoa đẹp giữa trần gian
Có thể khéo nói các pháp yếu.
Do người kia khéo nói chánh pháp
An trú trí Phật, không khuyết giảm
Làm cho chúng sanh xa đường ác,
Tăng trưởng thắng nghĩa trong nhân thiên
Phước lực, niệm tuệ đều đầy đủ
Quyến thuộc rất nhiều luôn thuận thảo
Ta nói người nầy ở thế gian
Tùy ý được vui, tâm an ổn
Phát âm nhu hòa và tịch tĩnh
Dạy dỗ chúng sanh khiến xuất ly
Người ấy giàu vui, sống không nghèo
Phước nầy do lễ nơi tháp Phật
Thường hành bố thí và ái ngữ
Lợi hành, bình đẳng cũng vậy thôi
Bị người hủy báng, không sân hận
Phước nầy do lễ nơi tháp Phật
Hoặc ở trên trời làm Đế Thích
Hoặc làm vị vua trong nhân gian.
Thảy đều tùy tâm, rất tự tại
Phước nầy do lễ nơi tháp Phật.
Đối với cảnh dục không đắm nhiễm
Xử thế giàu sang, thường biết đủ
Mãi mãi không còn đọa cõi ác
Phước nầy do lễ nơi tháp Phật.
Nói lời thắm đượm nghĩa sâu đầy
Đều cùng kinh điển khéo tương ưng
Ở người thường trong hạng thượng lưu
Phước nầy do lễ nơi tháp Phật
Nếu dùng tâm thanh tịnh tối thượng
Hai tay cầm hoa dâng lên Phật
Nên có quả báo được làm vua
An trụ lợi ích trong pháp thiện
Người nầy ngũ dục thường tỏ rõ
Thì bức bách ưu não không còn
Thân tướng đoan nghiêm, người thích xem
Tự tánh vắng yên không sợ hãi.

Lại như, kinh Đại Bi nói: “A-nan! Nếu có chúng sanh trong hiện tại thường cúng dường cho ta thì sau khi ta diệt độ cũng cúng dường xálợi của ta dù nhỏ bằng hạt cải, vì ta mà đắp tượng, vẽ hình, làm tháp cho ta. A-nan! Cho đến những việc như vậy, giả sử có người trong một chốc lát phát khởi nhân duyên tín tâm niệm Phật, cầm lấy một bông hoa rơi trong không trung mà đem cúng dường Phật, người ấy được làm vua Chuyển luân, làm chủ trời Đế Thích, làm vua Đại Phạm thiên, liền có thể vượt qua sự vô tri của thời kiếp trước và sự lưu chuyển sanh tử của kiếp vị lai. A-nan! Lại gác việc ấy lại, giả sử có người trong giấc mộng dùng một bông hoa tung lên không trung cúng dường ta thì ta nói người nầy có được thiện căn và phước báu không bờ bến”.

Kinh Ma Già La Long Vương Sở Thuyết nói: “Nếu Bồ-tát gần gũi chư Phật thì có được tám pháp tăng thượng. Những gì là tám?

Một là giáo hóa chúng sanh thấy được tướng tốt của chư Phật.

Hai là đối với Như Lai mà thừa sự cúng dường

Ba là trong hội chúng đều tán thán thắng đức của Phật.

Bốn là nhớ nghĩ Như Lai mà đắp tượng vẽ hình.

Năm là khuyến hóa chúng sanh không nên xa lìa chân lý nhiệm mầu của chư Phật.

Sáu là mọi lúc mọi nơi đều nghe danh hiệu của Phật.

Bảy là luôn nguyện vãng sanh qua quốc độ của Phật.

Tám là chí không khiếp nhược, vui cầu trí Phật.

Đó là tám pháp tăng thượng.

Luận nói: Tăng trưởng thù thắng nghĩa lợi như thế nào? Đó là đối với Phật phát khởi sự nhận lãnh gần với. Kinh Hoa Nghiêm có kệ:

Trong vô lượng ức kiếp
Danh Phật thật khó nghe
Huống gì được gần gũi!
Mãi đoạn các nghi hoặc
Như Lai trong thế gian
Thông đạt tất cả pháp
Khắp sanh phước ba đời
Khiến người đều thanh tịnh
Như Lai hiện thế gian
Là phước lớn trong đời
Dẫn dắt khắp hàm thức
Khiến tu tập hạnh phước
Nếu cúng dường chư Phật
Mãi trừ sợ đường ác.
Tiêu diệt tất cả khổ
Thành tựu thân trí tuệ
Nếu thấy bậc Lưỡng túc
Phát khởi tâm rộng lớn
Người nầy thường gặp Phật
Tăng trưởng sức trí tuệ.
Kinh nầy lại nói thêm:
Như Lai từ bi lớn
Xuất hiện trong thế gian
Độ khắp các chúng sanh
Chuyển xe pháp tối thượng
Như Lai vô số kiếp
Cần khổ vì chúng sanh
Làm sao các thế gian
Có thể báo đại ân
Thà trong vô số kiếp
Thọ các khổ đường ác
Quyết không bỏ Như Lai.
Mà cầu pháp xuất ly
Thà ở trong đường ác
Thường nghe danh hiệu Phật
Không muốn sanh đường thiện
Một chốc không nghe Phật
Nguyện ở lâu, cớ gì?
Tất cả trong đường ác
Nếu thấy được Như Lai
Tăng trưởng sức trí tuệ
Nếu thấy được chư Phật
Diệt trừ tất cả khổ
Hội nhập vào Như Lai
Trí tuệ lớn vô cùng
Nếu thấy được chư Phật
Xả ly tất cả chướng
Trưởng dưỡng phước vô tận
Thành tựu đạo Bồ-đề.

Luận nói: Thấy hình tướng của Phật trong chốc lát mà có được phước báu như vậy, huống nữa là đích thân nhìn thấy sắc tướng của Như Lai, tin và thọ trì giáo huấn của Như Lai, phước đức rất nhiều.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn nói: “Nầy Văn-thù-sư-lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào có thể đối với số Phật-bích-chi nhiều như các vi trần của tất cả thế giới, mỗi ngày cúng hàng trăm món ăn ngon, cùng những y phục tốt đẹp, cúng dường như vậy cho đến hằng sa số kiếp và nầy Văn-thù-sư-lợi! Nếu có một người trong chốc lát chiêm ngưỡng, phụng thờ một hình vẽ tượng Phật và kinh điển, thì phước nầy còn hơn phước ở trên vô lượng, vô số, huống gì chấp tay, cầm một bông hoa, một nén hương cho đến những bột hương hoặc một ngọn đèn mà cúng dường lên chư Phật, phước nầy còn hơn phước trước vô lượng vô số.

Luận nói: Nói rõ phương tiện để tăng trưởng công đức.

Kinh Bồ Tát Tạng nói: “Nếu tu sửa những tháp Phật lâu cũ sẽ được bốn nguyện lớn thanh tịnh:

Một là có sắc tướng tối thượng không ai sánh bằng.

Hai là thọ trì kinh điển tinh tấn không lười biếng.

Ba là những nơi đã sanh ra luôn thấy được Như Lai.

Bốn là đời sau thân tướng đầy đủ tốt đẹp”.

Kinh nầy lại nói: “Nếu có người đối với tháp của Như Lai đem những bông hoa thơm, những hương bột quý đến cung kính cúng dường thì được tám thứ không giảm:

Một là sắc tướng không giảm.

Hai là thọ dụng không giảm.

Ba là quyến thuộc không giảm.

Bốn là giới phẩm không giảm.

Năm là định lực không giảm.

Sáu là đa văn không giảm.

Bảy là trí tuệ không giảm.

Tám là thắng nguyện không giảm”.

Kinh Bảo Tích nói: “Giả sử chúng sanh trong ba cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc rất nhiều, ai nấy đều làm tháp miếu Như Lai, số lượng cao rộng như núi Tu-di-lô, trong hằng ha sa số kiếp, dùng đủ các loại thượng diệu mà cúng dường, và có Bồ-tát dùng tất cả tâm trí mang đến cúng dường ở tháp Phật một bông hoa thì có được lượng phước cũng như vậy”. Kinh nầy lại nói: “Giả sử có chúng sanh ở thế giới tam thiên đai thiên nầy, mỗi mỗi đều là Chuyển luân Thánh vương và an trụ trong Đại thừa, và mỗi vị Luân vương lấy nước trong biển lớn làm dầu, lấy núi Di-lô làm tim đèn để cúng dường nơi tháp Phật, và nếu có Bồ-tát xuất gia nào lấy dầu và bột hương se làm đuốc, cầm đến cúng dường tháp miếu của Như Lai thì có được công đức hơn công đức cúng dường đèn trước, trăm phần Ca-la cho đến phần Ô-ba-na-sát-đàm cũng không bằng một phần bố thí ấy. Lại Chuyển luân Thánh vương kia có thể đối với chúng Tỳ-kheo của Phật hiện tại, làm các nhạc cụ dùng để bố thí. Nếu Bồ-tát xuất gia thường đi khất thực được thức ăn, mà tùy theo vị ấy thấy được vị khác mà chia ra cho ăn, thì công đức còn hơn cả công đức ở trên. Lại có, Chuyển luân vương kia chất áo ca-sa nhiều như núi Tu-di có thể đem bố thí cho chúng Tỳ-kheo của Phật hiện tại, và nếu có Bồ-tát xuất gia ngoài ba y còn có những vật lớn khác mà tùy nghi dâng cúng, bố thí chư Phật hiện tiền, các Tỳ-kheo Tăng an trụ ở pháp Đại thừa và tháp của Như Lai, thì phước người ấy gấp bội lần phước bố thí trước. Lại có Chuyển luân Thánh vương, nhất nhất đều dùng các hoa thượng hạng đầy cõi Diêm-phù-đề cúng dường tháp Phật hoặc Bồ-tát xuất gia có thể dùng một bông hoa cúng dường tháp Phật, thì phước nầy thù thắng hơn sự cúng dường trước. Trăm phần Ca-la cho đến phần Ôba-ni-sát-đàm cũng không bằng một phần bố thí ấy”.

Luận nói: Nói rộng về hành tướng. Như phẩm Siêu Việt nói: “Bồtát xuất gia như thế đã biết. Nếu có thể hiện tại cúng dường Như Lai tức liền có được bốn loại công đức hiền thiện.

Một là sự cung kính cúng dường tối thượng.

Hai là thấy hiểu rồi tùy thuận mà theo học.

Ba là kiên cố tâm Bồ-đề rộng lớn.

Bốn là tăng trưởng thiện căn trong hiện tại và thấy được ba mươi hai tướng đại trượng phu”.

Kinh Hải Ý Bồ Tát Sở Vấn nói: “Nầy Hải Ý! Có ba pháp gọi là cúng dường và thừa sự Như Lai. Thế nào là ba?

Một là phát tâm Bồ-đề không thoái chuyển.

Hai là có thể nhiếp trì tất cả các chánh pháp.

Ba là đối với chúng sanh mà phát khởi đại bi”.

Kinh Bảo Vân nói: Người thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp, mặc dầu ở trong bào thai cấu uế mà không bị ô nhiễm. Thế nào là mười?

Một là dùng tín tâm thanh tịnh mà tạo tượng Như Lai.

Hai là sửa sang các tháp cũ của chư Phật.

Ba là dùng các hương thơm làm đồ trang sức tháp, tượng.

Bốn là dùng các hương thơm, tắm rửa tượng, tháp Phật.

Năm là trong tháp Phật nên quét lau sạch sẽ.

Sáu là đích thân làm việc hầu hạ cha mẹ sanh ra mình.

Bảy là tự thân thường cúng dường Hòa thượng, A-xà-lê.

Tám là cúng dường những người cùng phạm hạnh.

Chín là thi ân tuệ bố thí mà không mong cầu quả báo.

Mười là lấy thiện căn nầy làm cho chúng hữu tình không ô nhiễm khi sanh ra trong bầu thai cấu uế. Người thiện nam! Nếu có đầy đủ mười pháp nầy thì mới có thể phát khởi tâm tùy hỷ sâu xa”.

Kinh Bát Nhã nói: “Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát an trụ trong Đại thừa, thì trước cần phải phát tâm tùy hỷ. Bồ-tát có thể thực hành hạnh nầy thì mới an trụ trong Đại thừa không bị thoái chuyển. Phật nói: Kiều-thi-ca! Giả sử có người có thể tính biết số thế giới trong tam thiên đại thiên thế giới nầy, nhưng công đức có được của Bồ-tát phát khởi tâm tùy hỷ nầy thì không thể tính được. Bấy giờ, vua trời Đế Thích bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến chứng được Chánh đẳng Chánh giác mà trong thời gian đó Bồ-tát làm vô lượng thiện căn tùy hỷ, nhưng các Bồ-tát không nghe, không biết, cũng không nhiếp thủ, thì nên biết người nầy bị ma nắm giữ.

Phật nói: Kiều-thi-ca! Nếu người thiện nam người thiện nữ nào muốn nhanh chóng chứng được Chánh đẳng Chánh giác như Như Lai đã chứng đây thì phải phát khởi tâm tùy hỷ Đại thừa, tuy nhiên đối với Thanh-văn và Phật-bích-chi thừa cũng chẳng yêu thích, cũng chẳng xả ly mà có thể cùng với thừa ấy, phát khởi tâm tùy hỷ, nên biết người nầy ngay đời sống hiện tại, thường gặp mười điều thiện, có được sự cúng dường, cung kính, tôn trọng và tán thán, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã gặp, không có gì không vừa ý, người nầy vĩnh viễn xa lìa đường ác, sau khi chết sanh lên cõi trời. Vì sao như vậy? Vì người nầy đã làm những điều lợi ích như thế khiến cho các chúng sanh đều được an vui. Và đem thiện căn nầy làm cho vô lượng vô số người phát khởi tâm tùy hỷ, sẽ được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề”.

Kinh nầy lại nói: “Tu-bồ-đề! Giả sử có hằng ha sa số chúng sanh trong thế giới tam thiên đại thiên nầy đều phát tâm A-nậu-đa-la-tammiệu-tam-Bồ-đề và mỗi một chúng sanh trong hằng hà sa số kiếp tu tập bốn thiền định, an trụ tịch tĩnh, xa vọng tưởng loạn động, và Bồ-tát Maha-tát tu tập Bát-nhã Ba-la-mật-đa, có thể dùng phương tiện thiện xảo nhiếp lấy sự tu tập định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Phật và giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của thừa Thanh văn, Duyên giác ở ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, các loại thiện căn như vậy đem dồn lại cân nhắc rồi dùng tâm tối thượng, tối cực, tối thắng, tối diệu, vô lượng vô đẳng đẳng đều tùy hỷ. Lại dùng thiện căn tùy hỷ như vậy để hồi hướng A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề, thì nầy Tu-bồ-đề! Phước báo của người nầy có được còn hơn cả công đức của Bồ-tát tu định nói trên, không thể sánh ví không bằng một phần trăm của Ca-la-phần, cho đến một phần trăm của Ô-ba-la-ni-sát-đàm phần”.

Luận nói: Đây nói về hạnh hồi hướng đã xong phần công đức khuyên thỉnh, như Kinh Tối Thượng Sở Vấn nói: “Nếu người có thể nhiếp thọ chánh pháp tức là đã hộ trì thọ mệnh của Phật ở vô lượng vô số cõi các Đức Phật”.

Phẩm 18: NIỆM TAM BẢO

Phần 1

Luận nói: Nói rõ hạnh hiền thiện, tiếp nói tăng trưởng phước đức. Đây không phải là nhân riêng biệt mà có thể thu hoạch quả. Nghĩa là đối với tín tâm thường nên tu tập.

Kinh Bí Mật Đại Thừa nói: “Phật nói: Đại vương! Ông nay biết rằng có bốn pháp mà nếu thực hành như lý thì an trụ trong Đại thừa, hướng đến đạo thù thắng có các pháp thiện không bị hoại mất. Những gì là bốn?

Một là tin có thể hướng đến đạo tối thắng. Lại sao gọi là tin? Vì có lòng tin nên luôn thuận theo những điều gì mà Thánh không làm thì mình thảy đều không làm.

Hai là tôn trọng có thể hướng đến đạo tối thắng. Vì tôn trọng nên

các bậc Thánh đã nói ra diệu pháp thì phải lắng nghe và thọ trì một cách chắc thật.

Ba là không kiêu mạn có thể hướng đến đạo tối thắng. Vì không kiêu mạn nên đối với tất cả các Thánh chúng đều cung kính, tin tưởng và đảnh lễ.

Bốn là tinh tấn có thể hướng đến đạo tối thắng. Vì tinh tấn nên thân tâm đều được nhẹ nhàng, làm tất cả các pháp thiện đều được thành tựu”.

Luận nói: Nói rõ tin thường được tu tập như thế. Đây nói rõ về năm căn như Tín v.v…

Kinh Vô Tận Ý nói: “Thế nào là ngũ căn? Ngũ căn là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn.

Thế nào là Tín căn? Tín căn là đối với bốn pháp phải tin sâu và nhận rõ dục lạc: Một là cuộc sống hằng ngày phải thực hành chánh hạnh tin vào nghiệp báo. Do tạo nghiệp mà có kết quả như vậy, phải giữ gìn đến lúc mạng chung không nên tạo ra các tội ác. Hai là tin ưa các hạnh của Bồ-tát đã thực hành, không mong cầu thừa khác không theo những kiến chấp. Ba là đối với thắng nghĩa hiểu rõ không có ngã, chúng sanh, thọ giả, Bổ-đặc-già-la…, đối với các pháp không, vô tướng, vô nguyện tin hiểu sâu xa. Bốn là đối với các công đức của Phật như lực, vô úy v.v…. nảy thì quyết định tin trừ bỏ lưới nghi. Đó gọi là tín căn.

Thế nào gọi là Tấn căn? Nếu pháp là pháp thuộc tín căn nhưng siêng năng dũng mãnh không bị gián đoạn, thì đó gọi là Tấn căn.

Thế nào gọi là Niệm căn? Nếu pháp là pháp do Tấn căn tu tập quyết không thể quên mất, thì đó gọi là Niệm căn.

Thế nào gọi là Định căn? Nếu pháp là pháp thuộc Niệm căn nhất tâm bất loạn, thì đó gọi là Định căn.

Thế nào gọi là Tuệ căn? Nếu pháp là pháp thuộc Định căn, phải tự nơi mình quán chiếu, không theo lý giải của người khác, thì đó gọi là Tuệ căn.

Ngũ căn ấy liên tục phát khởi thì có được tất cả pháp Phật viên mãn”.

Luận nói: Lại nói về pháp tín lực thì phải luôn luôn tu tập.

Kinh Bảo Kế nói: “Người thiện nam! Thế nào là lực hành thanh tịnh của Bồ-tát? Đó là các căn không có khiếp nhược. Tất cả ác ma không thể làm loạn động. Thanh-văn, Duyên-giác không thể làm thoái chuyển, tất cả phiền não không thể phá hoại, mà kiên cố an trụ trong Đại thừa, bổn nguyện trọn đủ, tâm tịnh dũng mãnh nghiêm mật giữ gìn thân căn được thanh tịnh thù thắng”.

Luận nói: Căn, lực như tín v.v… như thế, thường luôn tu tập và tu tập hạnh từ tăng trưởng công đức.

Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ:

Trong na-do-tha ức cõi Phật
Có đủ các loại để cúng Phật
Đều đem cúng dường các Như Lai
Chẳng bằng tu một ít tâm Từ.