LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 99

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ NĂM LOẠI, phần 3

Như Khế kinh nói: Đức Phật bảo Phạm chí: Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn bỏ các lĩnh vực kiến chấp ác không giữ lấy nữa, nên biết đó là loại ít nhất trong số ít.

Hỏi: Thế nào là loại ít nhất trong số ít?

Đáp: Hữu tình nơi thế gian, kẻ tánh ngu độn thì đông nhiều như đất khắp đại địa, còn người trí tuệ thông sáng thì như đất ở móng tay. Trong số tánh thông sáng ấy, tà kiến thì nhiều, chánh kiến lại ít. Dụ như trước nói, nên gọi là loại ít nhất trong số ít.

Hỏi: Như nơi phần Kiến Uẩn nói thì chấp thường, chấp đoạn lần lượt trái ngược nhau, vì sao ở đây nói có một loại khởi kiến chấp như vậy: Tôi chấp nhận một phần và phủ nhận một phần lại không trái nhau chăng?

Đáp: Trong đây nói có một loại Bổ-đặc-già-la, nếu chấp sắc uẩn là thường thì chấp bốn uẩn kia là đoạn, nếu chấp bốn uẩn kia là thường thì chấp sắc uẩn là đoạn, cho nên hai thứ kiến này không cùng trái nhau. Còn trong phần Kiến uẩn nói là có hai loại Bổ-đặcgià-la, một kẻ chấp sắc là thường, kẻ kia chấp sắc là đoạn, cho đến chấp thức cũng như vậy, nên hai thứ kiến ấy là lần lượt trái nhau.

Kinh kia lại nói: Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp nói về lĩnh vực kiến chấp thì Phạm chí Trường Trảo xa lìa được các thứ trần cấu, ở trong các pháp sinh pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử đã thọ giới cụ túc hơn nửa tháng, theo pháp quán này liền chứng quả A-la-hán.

Hỏi: Khi đó Tôn giả Xá-lợi-tử theo pháp quán nào?

Đáp: Tôn giả Hữu Thế nói: Tôn giả Xá-lợi-tử đã theo pháp quán về lĩnh vực kiến chấp, do Đức Thế Tôn đã giảng nói cho Phạm chí Trường Trảo, chứng quả A-la-hán.

Lại có thuyết cho: Tôn giả Xá-lợi-tử đã theo pháp quán do Phạm chí ấy đạt được đạo quả Dự lưu để chứng đắc A-la-hán.

Có thuyết nêu: Tôn giả Xá-lợi-tử theo pháp quán là khả năng chứng pháp hữu học do Phạm chí kia đã chứng quả Dự lưu để thành A-la-hán.

Đại đức nói: Tôn giả Xá-lợi-tử theo pháp quán về tính chất sai biệt của mười hai chi duyên khởi để thành A-la-hán.

Đó gọi là pháp tùy quán của Tôn giả Xá-lợi-tử đã thực hiện.

***

* Các người khởi kiến này, cho: Có bậc A-la-hán bị Thiên ma quấy nhiễu khiến lậu thất bất tịnh v.v… cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm phân biệt rõ sau khi Đức Phật diệt độ, có nhiều kẻ giả danh Bí-sô khởi lên các ác kiến, giúp cho người trí nhận biết sự việc để chế ngự, nên tạo ra phần Luận này.

Các người khởi kiến này, cho: Có bậc A-la-hán bị Thiên ma quấy nhiễu khiến lậu thất bất tịnh, thì kiến này trong năm kiến thuộc về kiến nào và do kiến đế nào đoạn trừ?

Đáp: Không phải nhân cho là nhân, thuộc về giới cấm thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

Ở đây: Không phải nhân cho là nhân: Tức là bất tịnh kia từ phiền não sinh ra, lại bảo là do Thiên ma quấy nhiễu mà có, nên giới cấm thủ dùng làm tự tánh.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ pháp đối trị, vì khi khổ trí sinh khởi thì có khả năng đoạn trừ. Như thế, sự suy tìm không thật, sự phân biệt không thật nơi ác kiến điên đảo đó phải khiến diệt trừ vĩnh viễn, nên nói là do kiến khổ đoạn trừ, nói rộng như trước.

Các người khởi kiến này, cho: Có bậc A-la-hán đối với sự giải thoát của mình cũng còn có vô tri (không hiểu biết), thì kiến này trong năm kiến thuộc về kiến nào và do kiến đế nào đoạn trừ?

Đáp: Hủy báng trí kiến vô lậu của A-la-hán là thuộc về tà kiến, do kiến đạo đoạn trừ.

Ở đây: Hủy báng tri kiến vô lậu của A-la-hán: Nghĩa là bậc A-la-hán đối với sự giải thoát của mình do trí kiến vô lậu đã lìa được vô tri mà nói cũng còn vô tri, tức bài bác cho bậc ấy không có trí kiến vô lậu, thế nên tà kiến dùng làm tự tánh.

Do kiến đạo đoạn trừ: Là chỉ rõ pháp đối trị, vì khi đạo trí sinh khởi thì có khả năng đoạn trừ. Như thế, sự suy tìm không thật, cho đến nói rộng như trước, nên biết.

Các người khởi kiến này, cho: Có bậc A-la-hán đối với sự giải thoát của mình cũng còn có nghi hoặc, thì kiến này trong năm kiến thuộc về kiến nào và do kiến đế nào đoạn trừ?

Đáp: Hủy báng sự vượt khỏi các nghi hoặc của A-la-hán thì thuộc về tà kiến và do kiến đạo đoạn trừ.

Ở đây: Hủy báng sự vượt khỏi các nghi hoặc của A-la-hán: Nghĩa là A-la-hán khi được giải thoát do đạo vô lậu đã dứt hết mọi nghi hoặc mà nói cũng còn có nghi hoặc, tức là bài bác cho là không có đạo ấy, thế nên tà kiến dùng làm tự tánh.

Do kiến đạo đoạn trừ: Là chỉ rõ pháp đối trị, vì khi đạo trí sinh khởi thì có khả năng đoạn trừ. Như thế, sự suy tìm không thật, cho đến nói rộng như trước, nên biết.

Các người khởi kiến này, cho: Có bậc A-la-hán chỉ do người khác độ thoát, thì kiến này trong năm kiến thuộc về kiến nào và do kiến đế nào đoạn trừ?

Đáp: Hủy báng bậc A-la-hán không còn chướng ngại, không trái với tuệ nhãn về hiện lượng và thân chứng tự tại là thuộc về tà kiến, do kiến đạo đoạn trừ.

Ở đây: Hủy báng bậc A-la-hán không còn chướng ngại, không trái với tuệ nhãn về hiện lượng và thân chứng tự tại: Nghĩa là bậc A-la-hán thật sự tự mình chứng đắc không còn chướng ngại, không trái với tuệ nhãn về hiện lượng và thân chứng tự tại, không phải do người khác mà được độ thoát, nhưng lại nói chỉ do người khác độ thoát, tức là hủy báng Thánh đạo, thế nên tà kiến dùng làm tự tánh.

Do kiến đạo đoạn trừ: Là chỉ rõ pháp đối trị, vì khi đạo trí sinh khởi thì có khả năng đoạn trừ. Như thế, sự suy tìm không thật, cho đến nói rộng như trước, nên biết.

Các người khởi kiến này, cho: Có được đạo và đạo chi do nói về khổ, thì kiến này trong năm kiến thuộc về kiến nào và do kiến đế nào đoạn trừ?

Đáp: Không phải nhân cho là nhân, thuộc về giới cấm thủ và do kiến khổ đoạn trừ.

Ở đây: Không phải nhân cho là nhân: Nghĩa là các Thánh đạo cần phải tu tập mới được, lại nói chỉ do nói về khổ là có thể khiến khởi, nên giới cấm thủ dùng làm tự tánh.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ pháp đối trị, vì khi khổ trí sinh khởi thì có khả năng đoạn trừ. Như thế, sự suy tìm không thật, cho đến nói rộng như trước, nên biết. Đây là đối với quả của khổ cho là nhân của đạo, nên khi kiến khổ thì đoạn dứt vĩnh viễn kiến này.

Đã nói về tự tánh của năm thứ ác kiến và pháp đối trị chúng. Vậy cùng khởi là gì? Nghĩa là do nhân duyên của Đại Thiên nên có sự cùng khởi này.

Ngày xưa, ở nước Mạt-độ-la có một thương chủ cưới được người vợ trẻ xinh đẹp sinh ra một bé trai rất kháu khỉnh đặt tên là Đại Thiên. Không bao lâu, ông chủ buôn mang của báu đem sang nước khác để buôn bán, nhưng lâu quá không trở về. Ở nhà, đứa con trai lớn lên và làm “bậy” với mẹ nó. Khi nghe tin người cha trở về, người con vô cùng sợ hãi, cùng mẹ bày mưu giết cha. Thế là ông ấy đã tạo nên một nghiệp vô gián. Sự việc dần lộ rõ, bèn dắt mẹ lần lượt trốn vào thành Ba-trá-lê. Sau đó, ông ta gặp một vị Bí-sô là bậc A-la-hán, vốn người cùng nước, được người trong nước cúng dường. Lại sợ sự việc bại lộ nên lập kế giết chết Bí-sô ấy. Thế là ông ta lại gây nên một nghiệp vô gián thứ hai, nên tâm luôn thấp thỏm lo sợ. Về sau, lại bắt gặp mẹ tư thông nơi kẻ khác, nên đùng đùng nổi giận, nói: Tôi vì chuyện xằng bậy này mà gây ra hai trọng tội, phải lưu lạc nước người, trôi nổi mãi không yên, nay lại bỏ tôi mà thương yêu kẻ khác v.v… thật là xấu xa, nhơ nhớp, không sao dung thứ được. Thế rồi tìm cách giết chết mẹ. Như vậy là ông ấy lại gây thêm nghiệp vô gián thứ ba. Nhưng do sức mạnh của căn thiện chưa dứt hết, nên ông ta càng lo sợ hối tiếc, ăn ngủ không yên, luôn suy nghĩ về tội ác này làm sao dứt được. Thời gian tiếp theo, nghe đồn Sa-môn Thích tử có pháp đoạn trừ tội ác, bèn tìm đến Tăng-già-lam Kê Viên, đứng ở ngoài cửa thấy một vị Bí-sô đang thong thả kinh hành vừa đi vừa đọc kệ:

Nếu người tạo trọng tội

Nên tu thiện diệt trừ

Kẻ ấy chiếu thế gian

Như trăng khỏi mây che.

Nghe xong kệ, Đại Thiên hết sức vui mừng, biết khi quy y Phật giáo thì có thể diệt hết các tội ác. Nhân đấy, ông liền đến chỗ một vị Bí-sô ân cần cầu xin được xuất gia. Lúc này, vị Bí-sô thấy sự khẩn cầu như vậy nên không cần xét hỏi, bèn độ cho xuất gia, lại gọi là Đại Thiên, hết lòng trao truyền chỉ dạy. Đại Thiên vốn rất thông tuệ, xuất gia không bao lâu đã trì tụng văn nghĩa của ba Tạng, nói năng hoạt bát, văn từ thanh nhã, có thể khéo giáo hóa mọi người, cả thành Batrá-lê không ai là không quy ngưỡng. Nhà vua hay tin, nhiều lần mời vào nội cung, cung kính cúng dường, thỉnh cầu thuyết pháp. Về sau trở về Tăng-già-lam, không còn chánh tư duy, đêm nằm mơ thường thấy mộng tinh. Nhưng từ trước Đại Thiên luôn tự xưng là A-la-hán. Khi sai đệ tử giặt áo dơ (bị xuất tinh), đệ tử thưa: Người chứng A-lahán thì các lậu đã hết, sao bây giờ thầy vẫn còn có sự việc này? Đại Thiên bảo: Ta bị Thiên ma quấy nhiễu, các con chớ lấy làm lạ.

Nhưng lậu thất tóm lược có hai thứ: 1. Là phiền não. 2. Là bất tịnh. Về lậu thất do phiền não thì bậc A-la-hán không có, nhưng chưa thoát khỏi lậu thất do bất tịnh (xuất tinh). Vì sao? Vì các A-la-hán tuy đã dứt sạch phiền não, nhưng há lại không còn các sinh hoạt về bài tiết?

Các Thiên ma thì rất ganh ghét pháp Phật, thấy người tu thiện liền tới phá hoại. Đến như bậc A-la-hán cũng bị chúng phá quấy, cho nên ta bị lậu thất là do chúng tạo ra, nay các con chớ nên nghi ngờ cho là lạ. Đó gọi là cùng khởi (Đẳng khởi) ác kiến thứ nhất.

Lại, sư Đại Thiên này muốn các đệ tử vui mừng, để luôn gần gũi cung phụng mình, nên giả bày lần lượt thọ ký riêng cho họ bốn quả Sa-môn. Khi ấy, đám đệ tử cung kính, đảnh lễ bạch: Nếu là bậc A-la-hán thì phải có chứng trí, vì sao chúng con hiện chẳng tự biết gì cả? Sư liền bảo: Các bậc A-la-hán cũng có chỗ vô tri, các con chớ nên không tin mình. Nghĩa là các thứ vô tri tóm tắt có hai loại: 1. Loại nhiễm ô thì A-la-hán không có. 2. Loại không nhiễm ô thì bậc A-la-hán cũng còn có vô tri. Do đó các con không có khả năng tự biết. Đó gọi là cùng khởi ác kiến thứ hai.

Bấy giờ, chúng đệ tử bạch thầy: Chúng con từng được nghe bậc Thánh thì dứt hết mọi nghi hoặc. Nay vì sao đối với thật đế chúng con hãy còn nghi hoặc? Thầy nói: A-la-hán cũng còn có nghi hoặc. Vì nghi hoặc có hai thứ: 1. Là nghi hoặc do tánh của tùy miên, thứ này A-la-hán đã đoạn dứt. 2. Là nghi hoặc của xứ phi xứ (Nghi đúng chỗ và không đúng chỗ), thứ này A-la-hán chưa đoạn được. Bậc Độc giác cũng còn huống chi là hàng Thanh văn. Các con đối với thật đế có thể không còn nghi hoặc nhưng lại tự khinh mình. Đó gọi là cùng khởi ác kiến thứ ba.

Về sau, các đệ tử tìm đọc các kinh thấy nói bậc A-la-hán có tuệ nhãn của bậc Thánh, có khả năng tự chứng biết về sự giải thoát của mình, nhân đấy bạch thầy: Nếu chúng con là bậc A-la-hán thì phải tự chứng biết, vì sao chỉ do thầy dạy mà nhận được, hoàn toàn không có hiện trí để có thể tự chứng biết? Thầy đáp: Có loại A-la-hán chỉ do người khác giảng nói mà nhận biết được, không tự mình chứng biết. Như Tôn giả Xá-lợi-tử là trí tuệ bậc nhất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên là thần thông bậc nhất, khi Phật chưa thọ ký thì họ đâu tự biết, huống chi là do người khác đưa vào mà có thể tự thấu rõ được. Vậy các con đối với điều này không nên thưa hỏi đến cùng. Đó gọi là cùng khởi ác kiến thứ tư.

Nhưng sư Đại Thiên ấy tuy đã tạo ra bao nhiêu nghiệp ác nhưng chưa phải là đoạn dứt hết căn thiện, nên sau đó trong đêm khuya sư luôn suy nghĩ về các trọng tội, không biết rồi phải đến chốn nào để thọ khổ. Càng nghĩ càng kinh hoàng, bất giác kêu lên mấy tiếng: Khổ thay! Khổ thay! Người đệ tử ở gần bên nghe được lấy làm lạ. Đợi đến sáng vào thăm, hỏi: Thầy có được yên khỏe không? Đại Thiên đáp:

Ta rất an vui. Đệ tử liền hỏi: Nếu thế sao đêm rồi con nghe thầy nói to: Khổ thay! Khổ thay! Thầy liền đáp: Ta gọi Thánh đạo đấy. Các con chớ lấy làm lạ. Vì Thánh đạo nếu không chí thành kêu khổ để mời gọi thì đến chết cũng không hiện khởi được. Cho nên đêm qua ta đã nhiều lần kêu Khổ thay! Khổ thay! Đó gọi là cùng khởi ác kiến thứ năm.

Sau đấy, Đại Thiên tập hợp những điều mình đã nói ở trước, tức sự việc của năm ác kiến làm thành tụng:

Kẻ khác dụ không biết

Do dự nhờ người nhập

Đạo nhân tiếng nên khởi

Là Phật giáo chân thật.

Thời gian sau, ở chùa Kê Viên, phần lớn các vị Bí-sô Thượng tọa lần lượt viên tịch. Vào ngày rằm, khi làm lễ Bố-sái-tha (Bố-tát), tiếp đó Đại Thiên thăng tòa thuyết giới, sư bèn đọc các bài tụng do mình tạo ra. Lúc ấy, trong chúng có nhiều vị hữu học, vô học, đa văn, giữ giới, tu tĩnh lự, nghe sư nói, thảy đều kinh sợ trách cứ: Ôi thôi kẻ ngu! Sao dám nói những điều như thế! Cả ba Tạng kinh điển chưa từng được nghe điều đó bao giờ. Rồi cùng đọc tụng ngược lại thế này:

Kẻ khác dụ không biết

Do dự nhờ người nhập

Đạo nhân tiếng nên khởi

Lời thầy phi Phật giáo.

Rồi suốt đêm tranh cãi, biện luận đến trọn sáng hôm sau, hai phe càng thêm đông đảo. Cả thành, từ kẻ dân thường, người có học, cho đến các đại thần cùng đến hòa giải khuyên can, nhưng cũng không chấm dứt được. Khi được tin, nhà vua đích thân đến Tăng-già-lam, nhưng cả hai phe đều giữ chặt các tụng của mình.

Nghe trình bày xong, nhà vua cũng đâm ra hoang mang, liền hỏi sư Đại Thiên: Ai quấy ai phải, chúng tôi đây phải nghe theo bên nào? Đại Thiên tâu vua: Theo trong Giới kinh nói: Nếu muốn dẹp bỏ cuộc tranh cãi cần phải theo phía có nhiều người nói. Vua bèn khiến hai nhóm chư Tăng đứng riêng ra. Trong nhóm Hiền Thánh có nhiều vị tuổi cao nhưng số Tăng theo lại ít, còn nhóm của Đại Thiên thì số vị lớn tuổi ít nhưng số chúng lại đông. Vua phải chọn phe có đông người là nhóm của Đại Thiên và quở trách nhóm kia. Việc xong, vua trở về cung. Lúc này, tại Kê Viên cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp tục. Về sau, theo nhận thức khác biệt nên chia thành hai bộ là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Khi ấy, nhóm Hiền Thánh thấy trong chúng có nhiều sai trái nên bỏ Kê Viên đi đến ở nơi khác. Các quan nghe biết liền tâu lên vua. Nhà vua nghe tâu, nổi giận bèn ra lệnh các quan phải dẫn hết các tu sĩ kia đến bên bờ sông Hằng, dùng thuyền đáy thủng đưa ra giữa dòng tất sẽ bị chìm, bấy giờ sẽ nghiệm thấy đám này ai là Thánh, ai là phàm! Các quan thi hành đúng theo lệnh vua. Khi ấy, các vị Hiền Thánh đều dùng thần thông phóng vút lên không trung, như nhạn chúa lướt nhẹ qua trời mà đi. Các vị này lại dùng thần lực gồm thâu các người còn ở nơi thuyền cùng bỏ Kê Viên. Những ai chưa được thần thông thì chư vị kia hiện các thần biến, tạo ra mọi thứ hành tướng kỳ lạ rồi nương nơi hư không hướng về phía Tây bắc mà đi. Vua nghe thấy sự việc như thế thì hết sức hối tiếc, buồn khổ, té xuống đất, phải dùng nước rảy lên người hồi lâu mới tỉnh lại, liền tức tốc sai người tìm kiếm nơi đến của quý vị kia, sứ giả trở về tâu là chư vị đang ở tại Ca-thấp-di-la. Vua cho người tới xin cung thỉnh trở về, nhưng chư Tăng đều từ chối. Vua bèn hợp sức với nước Ca-thấp-di-la, cho xây dựng Tăng-già-lam, mời các vị Hiền Thánh về ở đấy, rồi sai làm đủ mọi thứ để cúng dường. Từ đó trở đi, nước này có nhiều chúng Hiền Thánh đảm nhiệm việc truyền bá Phật pháp. Tương truyền các thứ chế tạo, xây dựng ấy đến nay vẫn còn thịnh. Còn vua thành Ba-trá-lê đã mất đi chúng Tăng ấy nên cũng lĩnh phần cúng dường chư Tăng ở Kê Viên.

Về sau, Đại Thiên nhân đi dạo nơi các thành ấp, có một thầy tướng số thấy nhà sư liền nói riêng với nhiều người: Vị Thích tử này sau bảy ngày nữa quyết định sẽ mạng chung? Đám đệ tử nghe được, hết sức lo sợ, trình lên, Đại Thiên bảo: Ta đã biết việc này từ lâu. Khi trở về Kê Viên, bảo các đệ tử đi khắp mọi nơi, báo cho vua cùng các quan, trưởng giả, cư sĩ v.v… trong thành Ba-trá-lê biết sau bảy ngày sư sẽ nhập Niết-bàn. Vua cùng mọi người nghe xong hết sức thương tiếc. Đến ngày thứ bảy thì sư mất. Vua cùng quần thần và các sĩ phu, dân chúng trong thành đều buồn thương mến tiếc, tất cả sắm sửa nhang đèn, củi đuốc cùng các thứ dầu, sữa, hoa, hương để dồn vào một nơi và làm lễ hỏa táng. Nhưng khi mang lửa đến thiêu thì cứ châm vào là tắt ngay, dùng đủ mọi phương cách nhưng rốt cuộc vẫn không cháy. Có thầy tướng bảo: Ông ấy không thể thiêu được bằng những thứ vật dụng hỏa táng thù thắng, nên lấy phân chó rưới vào làm cho nhơ nhớp đi đã. Quả nhiên, đúng như lời nói, ngọn lửa bén cháy rồi bùng phát dữ dội, chỉ thoáng chốc đã cháy thành tro. Bỗng một cơn gió nổi lên thổi tan tất cả không còn sót lại chút gì. Cho nên chính ông ấy là một thứ ác kiến cùng khởi trước đây. Các bậc có trí nên biết mà tránh.

***

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ THA TÂM TRÍ, phần 1

* Thế nào là tha tâm trí? Thế nào là túc trụ tùy niệm trí? Các chương như thế và những giảng giải về nghĩa của chương đã lãnh hội rồi, tiếp theo là giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao Tôn giả (Luận chủ) nương vào hai trí đó để tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì ý muốn của Tôn giả như thế. Nghĩa là Luận sư của Bản luận này muốn tạo luận không đi ngược với pháp tướng, vậy đừng nên nêu vấn nạn.

Như ở đây, Tôn giả nơi phần Căn Uẩn đã dựa vào hai trí là pháp và loại để tạo luận. Trong phần Định Uẩn đã dựa vào hai trí là tận và vô sinh để tạo luận. Lại nơi phần Căn Uẩn đã dựa vào bốn trí là khổ, tập, diệt, đạo để tạo luận. Đối với Kiết Uẩn, Định Uẩn và Uẩn này, phần sau, dựa vào tám trí để tạo luận. Nơi các xứ tu trí v.v… dựa vào mười trí để tạo luận. Như thế là Tôn giả nơi Uẩn này đầu tiên đã dựa vào hai trí là tha tâm và túc trụ để tạo luận. Như một người thợ gốm khéo léo, trước hết phải nhào nặn kỹ đất sét, đặt từng khối lên bàn quay, rồi theo ý thích mà nắn tạo thành những đồ vật hữu dụng. Tôn giả cũng thế, dùng các tuệ văn tư tu để quán sát pháp tướng, đoạn trừ các thứ ngu tối nơi tự tánh và đối tượng duyên, tùy theo ý muốn để nêu bày luận, do đó không nên nêu ra vấn nạn.

Lại nữa, do hai trí trước đều chung cho cả gia hạnh và lìa nhiễm mà được, đều do tu tạo thành, đều có chung tự tánh, đều là quả của bốn chi và năm chi tĩnh lự v.v… nên phải dựa riêng vào đó tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, do hai trí trước đều dùng trí và kiến làm tự tánh, đều ở nơi đối tượng duyên có sai biệt mà chọn lấy. Nghĩa là tha tâm trí chỉ duyên nơi hiện tại, túc trụ tùy niệm trí chỉ duyên nơi quá khứ, nên phải dựa riêng vào đấy để tạo ra phần Luận này.

Có thuyết nói: Do hai trí này cùng chung cho cả hai phẩm hữu lậu và vô lậu, nên phải dựa riêng vào đó để tạo ra phần Luận này.

Lời bình: Vị kia không nên nói như thế, vì túc trụ tùy niệm trí chỉ là hữu lậu.

Hỏi: Thế nào là Tha tâm trí?

Đáp: Nếu là trí do tu tạo thành, là quả của sự tu tập, dựa vào đấy để tu, đã được không mất, có khả năng nhận biết rõ sự nối tiếp nơi các tâm, tâm sở pháp thuộc cõi dục và cõi sắc trong hiện tại của người khác, hoặc nhận biết rõ tâm, tâm sở pháp vô lậu. Đó gọi là tha tâm trí. Ở đây nói về: Trí do tu tạo thành: Là do tu tạo thành tuệ là tự tánh.

Là quả của sự tu tập: Tức là quả của bốn chi năm chi tĩnh lự.

Dựa vào đấy để tu: Tức dựa vào sự tu tập, luyện mãi nên thành tựu.

Đã được không mất: Tức là đã chứng đắc, không buông bỏ.

Hỏi: Vì sao không nói chưa được đã mất?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, nếu do trí này gọi là thành tựu được tha tâm thông thì trong đây nói đến. Còn chưa được đã mất, đối với các tha tâm trí không có nghĩa như thế nên ở đây không nói.

Có khả năng nhận biết rõ sự nối tiếp nơi các tâm, tâm sở pháp thuộc cõi dục và cõi sắc trong hiện tại của người khác, hoặc nhận biết rõ tâm, tâm sở pháp vô lậu: Tức có khả năng nhận biết đúng như thật về thân trong đời hiện tại ở cõi dục, cõi sắc của hữu tình khác, hoặc tâm, tâm sở pháp vô lậu.

Trong đây, nói về cảnh tướng nơi đối tượng duyên của tha tâm trí có tụng nói riêng: Nếu trí hiện khởi, biết đúng như thật về hữu tình khác, có chỗ tìm cầu, có chỗ xem xét, có chỗ thâu nhận, các duyên khởi lên, ý và các sở hữu của ý, đó là tha tâm trí.

Ở đây nói: Nếu trí hiện khởi: Là nói về sự hiện hành của tha tâm trí.

Biết đúng như thật: Là phân biệt rõ xét tướng về trí.

Về hữu tình khác: Là phân biệt sự nhận biết về tâm, tâm sở pháp của mình.

Có chỗ tìm cầu: Là tâm, tâm sở pháp của tĩnh lự thứ nhất ở cõi dục.

Có chỗ xem xét: Là tâm, tâm sở pháp của tĩnh lự trung gian.

Có chỗ thâu nhận: Là tâm, tâm sở pháp của ba tĩnh lự sau.

Lại có thuyết nói: Có chỗ tìm cầu: Là chỉ rõ về cõi dục và tĩnh lự thứ nhất.

Có chỗ xem xét: Là nêu rõ từ cõi dục cho đến tĩnh lự trung gian.

Có chỗ thâu nhận: Là nêu rõ từ cõi dục cho đến tĩnh lự thứ tư.

Ở đây, hiển bày về khả năng tìm cầu v.v…, nên các pháp như sắc v.v… không phải là cảnh duyên của trí này.

Các duyên khởi lên: Là trí của chủ thể nhận biết do bốn duyên sinh ra, đối tượng nhận biết cũng do bốn duyên sinh ra.

Ý và các sở hữu của ý: Ý tức là tâm, còn các tâm sở pháp gọi là sở hữu của ý. Như thế đều là cảnh duyên của tha tâm trí.

Tha tâm trí này hoặc nên nói có một thứ: Tức là tha tâm trí chung với sự chỉ bày dẫn dắt. Hoặc nên nói có hai thứ: Tức là hữu lậu và vô lậu, trói buộc và giải thoát, có hệ thuộc và không hệ thuộc.

Hoặc nên nói có ba thứ: Tức ba phẩm thấp, vừa, cao. Hoặc nên nói có bốn thứ: Tức bốn quả tĩnh lự.

Hoặc nên nói có sáu thứ: Tức hữu lậu và vô lậu, mỗi thứ có ba phẩm. Hoặc nên nói có tám thứ: Tức bốn quả tĩnh lự, mỗi thứ có hữu lậu, vô lậu.

Hoặc nên nói có chín thứ: Tức bậc hạ hạ cho đến bậc thượng thượng. Hoặc nên nói có mười hai thứ: Tức bốn quả tĩnh lự, mỗi thứ có ba phẩm.

Hoặc nên nói có mười tám thứ: Tức hữu lậu và vô lậu, mỗi thứ có chín bậc. Hoặc nên nói có hai mươi bốn thứ: Tức bốn quả tĩnh lự, mỗi quả có hữu lậu và vô lậu, mỗi thứ lại có ba bậc.

Hoặc nên nói có ba mươi sáu thứ: Tức bốn quả tĩnh lự, mỗi thứ có chín phẩm (bậc). Hoặc nên nói có bảy mươi hai thứ: Tức bốn quả tĩnh lự, mỗi quả có hữu lậu và vô lậu, mỗi thứ lại có chín bậc.

Nếu lấy từng sát-na nơi thân để phân biệt thì nên nói có vô lượng vô biên thứ. Ở đây là nói chung về một tha tâm trí.

Hỏi: Tha tâm trí này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy tuệ làm tự tánh. Đó gọi là tự tánh, là bản tánh, tướng phần, tự thể ngã vật của tha tâm trí.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là tha tâm trí? Tha tâm trí là nghĩa gì?

Đáp: Biết rõ về tâm của người khác, nên gọi là tha tâm trí.

Hỏi: Trí này cũng nhận biết các tâm sở của người khác, sao chỉ gọi là tha tâm trí?

Đáp: Các Sư Du-già ý vui thích về gia hạnh, muốn biết về tâm người của khác, không phải là tâm sở của người khác, nên chỉ đặt tên là tha tâm trí. Do tâm là trước nên cũng nhận biết được các tâm sở. Ví như có người ý vui thích gia hạnh, chỉ muốn được thấy vua, nhưng khi thấy vua thì cũng nhìn thấy các quan.

Lại nữa, các pháp được đặt tên là dựa vào chỗ có nhiều duyên. Tức là dựa vào tự tánh, hoặc dựa vào đối trị, hoặc dựa vào gia hạnh, hoặc dựa vào sự tương ưng, hoặc dựa vào chỗ nương dựa, hoặc dựa vào đối tượng duyên, hoặc dựa vào hành tướng, hoặc dựa vào đối tượng duyên và hành tướng v.v…

Dựa vào tự tánh để đặt tên: Tức dựa vào nơi năm uẩn, bốn đế, thế tục trí v.v…

Dựa vào đối trị để đặt tên: Tức dựa vào pháp trí, loại trí để đối trị với cõi dục và hai cõi trên.

Dựa vào gia hạnh để đặt tên: Tức dựa vào Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, năm định hiện kiến, tha tâm trí v.v…

Dựa vào sự tương ưng để đặt tên: Như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp thuận với lạc thọ v.v…? Đó là tất cả pháp tương ưng với lạc thọ như thế.

Dựa vào chỗ nương dựa để đặt tên: Tức dựa vào nhãn thức v.v…

Dựa vào đối tượng duyên để đặt tên: Tức dựa vào bốn niệm trụ, định vô tướng v.v…

Dựa vào hành tướng để đặt tên: Tức dựa vào khổ khí, tập trí. Hai trí này về hành tướng thì không xen tạp, đối tượng duyên thì có xen tạp.

Dựa vào đối tượng duyên và hành tướng để đặt tên: Tức dựa vào diệt trí, đạo trí. Hai trí này về hành tướng và đối tượng duyên đều không xen tạp.

Các nguyên do để đặt tên như thế là có vô số. Nay tha tâm trí này chỉ dựa vào gia hạnh để đặt tên, không phải là các thứ khác.

Lại nữa, trong phẩm tương ưng thì tâm là tối thắng, nên căn cứ vào chỗ hiểu biết pháp thù thắng để đặt tên cho trí này. Như khi nói vua đến, không phải là không có các quan đến.

Lại nữa, vì dựa vào tâm nên gọi là tâm sở pháp. Tâm là đại địa nên các tâm sở pháp cũng gọi là sở hữu của đại địa, do đó chỉ nói có tâm.

Lại nữa, khi tu tha tâm thông, ở vị trí đạo vô gián chỉ duyên với tâm, nên chỉ nói là biết tâm.

Tha tâm trí này: Về cõi: Tha tâm trí hữu lậu là thuộc cõi sắc. Tha tâm trí vô lậu là không thuộc về cõi nào.

Hỏi: Vì sao ở cõi vô sắc không có tha tâm trí?

Đáp: Vì không phải là nơi chốn thích hợp, cho đến nói rộng. Lại nữa, khi tu tha tâm trí thì dựa vào sắc để khởi.

Về địa: Chỉ ở nơi bốn tĩnh lự căn bản, không phải là cận phần. Ở vô sắc thì địa đó không có khả năng phát sinh năm thứ thông.

Hỏi: Tâm và tâm sở pháp của tĩnh lự trung gian thì trí của địa nào có thể nhận biết được?

Đáp: Có thuyết nói: Là trí nơi phẩm trên của tĩnh lự thứ nhất có khả năng nhận biết.

Lại có thuyết cho: Là trí nơi phẩm hạ của tĩnh lự thứ hai có khả năng nhận biết.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trí nơi ba phẩm của tĩnh lự thứ nhất đều có khả năng nhận biết. Vì sao? Vì cùng thuộc một địa.

Về chỗ nương dựa: Chỉ dựa vào thân ở cõi dục và cõi sắc để khởi.

Về hành tướng: Nếu tha tâm trí vô lậu thì duyên nơi bốn hành tướng của đạo đế để chuyển. Nếu tha tâm trí hữu lậu thì hành tướng chuyển biến không rõ ràng.

Về đối tượng duyên: Tha tâm trí ở tĩnh lự thứ nhất duyên nơi tâm, tâm sở pháp của cõi dục và địa của tĩnh lự thứ nhất. Tha tâm trí ở tĩnh lự thứ hai duyên nơi tâm, tâm sở pháp của cõi dục và địa của tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai. Tha tâm trí ở tĩnh lự thứ ba duyên nơi tâm, tâm sở pháp nơi cõi dục và địa của ba tĩnh lự trước. Tha tâm trí ở tĩnh lự thứ tư duyên nơi tâm, tâm sở pháp nơi cõi dục và địa của bốn tĩnh lự. Không có tha tâm trí có khả năng nhận biết về các tâm, tâm sở pháp ở cõi vô sắc, vì địa này là vượt hơn. Cũng như ở tĩnh lự thứ nhất v.v…, tha tâm trí không nhận biết các tâm, tâm sở pháp của tĩnh lự thứ hai.

Hỏi: Khi sinh ở cõi dục và cõi sắc khởi lên tâm, tâm sở pháp ở địa vô sắc thì nó có phải là cảnh nơi đối tượng duyên của tha tâm trí không?

Đáp: Nó không phải là cảnh nơi đối tượng duyên. Như không biết về quả thì nhân cũng như thế.

Về niệm trụ: Là ba niệm trụ kia, trừ thân niệm trụ.

Về trí: Là bốn trí tức pháp, loại, đạo và thế tục. Tức nói chung chúng là tha tâm trí.

Về chỗ kết hợp với Tam-ma-địa: Tha tâm trí vô lậu thì kết hợp với Tam-ma-địa vô nguyện. Tha tâm trí hữu lậu thì không có Tamma-địa đi cùng.

Về căn tương ưng: Nói chung là tương ưng với ba căn tức lạc, hỷ, xả.

Về ba đời: Là ba đời.

Về duyên nơi ba đời: Tức duyên nơi cả ba đời. Là ở quá khứ duyên nơi quá khứ, ở hiện tại duyên nơi hiện tại, ở vị lai nếu sinh pháp thì duyên nơi vị lai, nếu không có sinh pháp thì duyên nơi ba đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Chỉ là thiện.

Về duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký: Là duyên nơi ba thứ.

Về hệ thuộc và không hệ thuộc: Tha tâm trí hữu lậu chỉ thuộc về cõi sắc. Tha tâm trí vô lậu thì không hệ thuộc cõi nào.

Về duyên nơi hệ thuộc và không hệ thuộc: Tha tâm trí duyên hệ thuộc về cõi dục, cõi sắc và không thuộc cõi nào.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Tha tâm trí chung cho ba thứ.

Về duyên nơi học, vô học, phi học phi vô học: Tha tâm trí duyên cả ba thứ.

Về do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ và không đoạn trừ: Tha tâm trí hữu lậu chỉ do tu đạo đoạn trừ. Tha tâm trí vô lậu thì không đoạn trừ.

Về duyên nơi do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ và không đoạn trừ: Duyên cả ba thứ.

Về duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa: Chỉ duyên nơi nghĩa.

Về duyên nơi sự nối tiếp của mình và của người khác: Tha tâm trí chỉ duyên nơi sự nối tiếp của người khác.

Về do gia hạnh, lìa nhiễm được: Chung cho cả do gia hạnh và lìa nhiễm được.

Do lìa nhiễm được: Tức ở tĩnh lự thứ nhất, khi lìa nhiễm cõi dục mà được v.v… Cho đến nơi tĩnh lự thứ tư, khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ ba mà được. Hoặc khi lìa nhiễm ở địa mình hay ở địa trên thì cũng do tu mà được.

Do gia hạnh được: Nghĩa là khi tu các gia hạnh thắng tấn nên được, cùng khởi các gia hạnh khiến được hiện tiền. Tức các bậc Thanh văn thì do các gia hạnh bậc trung và bậc thượng. Độc giác thì do gia hạnh bậc hạ. Riêng Phật thì không cần gia hạnh vẫn có thể hiện tiền.

Về từng được và chưa từng được: Tất cả bậc Thánh và các phàm phu nội pháp đều chung cho cả từng được và chưa từng được. Còn phàm phu ngoại pháp chỉ là từng được.

Hỏi: Thế nào là tu gia hạnh của tha tâm trí?

Đáp: Luận Thi Thiết nói: Nếu người mới tu đã được tự tại nơi định thế tục, nhiều lần hiện tiền tức khiến chuyển sáng rõ, nhanh nhạy. Trước hết là tự quán xét kỹ theo dõi các tướng của thân tâm mình. Như khi thân có tướng như thế hiện bày thì hành tướng nơi tâm lúc ấy ra sao? Nếu lúc tự khởi tướng nơi tâm như thế thì khi ấy thân có tướng hiện thế nào? v.v… Khi đã quán xét kỹ, theo dõi các dáng điệu của thân và tình trạng nơi tâm mình thuần thục rồi, tiếp đến quán sát theo dõi các dáng điệu, tình trạng nơi thân tâm của người khác.

Như dáng điệu của thân lúc đó như thế thì tâm trạng của người ấy lúc đó ra sao? Ngược lại, tâm trạng của người ấy lúc đó như thế thì có dáng điệu thế nào? Quán xét theo dõi về dáng điệu và tâm trạng nơi thân tâm của người khác rồi thì mới quán sát thuần về tâm và tâm sở pháp. Nên suy nghĩ: Ta quán sát tâm, tâm sở pháp là đang tầm cầu được gì, đang xét suy điều gì, đang thâu nhận sự việc gì? v.v… Đã tư duy rồi, quán sát thuần tâm ấy nối tiếp trước sau thế nào, hành tướng sai khác ra sao? Khi đã quán sát các tướng của tâm được thuần thục như thế, gọi là tu gia hạnh của tha tâm trí được thành tựu đầy đủ.

Luận Tập Dị Môn nói: Tu gia hạnh của tha tâm trí như thế nào? Đó là quán xét kỹ các duyên của năm thủ uẩn là khổ, vô thường, không, vô ngã. Quán sát hành tướng khác nhau của trí v.v… dần dần có thể dẫn đến việc trí vô lậu phát sinh, khéo biết rõ tâm người khác gọi là tha tâm trí.

Hỏi: Tha tâm trí vô lậu có khả năng duyên nơi trí của bốn đế, vì sao chỉ nói duyên nơi khổ trí?

Đáp: Cũng nên nói là duyên nơi trí của ba đế kia, nhưng không nói nên biết ở đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, trong đây chỉ nói mới nhập gia hạnh thì chỉ duyên nơi khổ trí, không nói duyên nơi các thứ khác. Thời gian nối tiếp sau này cũng duyên nơi các trí khác.

Hỏi: Hai thứ gia hạnh mà Luận Thi Thiết trước và Luận Tập Dị Môn sau nêu bày có gì khác nhau?

Đáp: Trước là nói gia hạnh của tha tâm trí hữu lậu. Sau là nói gia hạnh của tha tâm trí vô lậu.

Lại nữa, trước là nói gia hạnh của tha tâm trí chưa được sáng sạch, thắng diệu. Sau là nói gia hạnh của tha tâm trí đã được sáng sạch, thắng diệu. Lại, tuy tha tâm trí lúc tu gia hạnh cũng duyên nơi sắc khởi, nhưng khi đã thành tựu trọn vẹn thì không duyên nơi sắc nữa. Vì sao? Vì trước phải quan sát các pháp thô, sau mới đi lần vào phần vi tế.

Lại nữa, tuy tha tâm trí lúc tu gia hạnh cũng duyên nơi sự nối tiếp của mình, nhưng khi đã thành tựu trọn vẹn thì chỉ duyên nơi sự nối tiếp của người khác. Vì sao? Vì duyên nơi mình thì không gọi là tha tâm trí. Lại, tha tâm trí chỉ duyên nơi tâm người khác, không duyên nơi hành tướng của đối tượng duyên nơi tâm kẻ khác. Nếu nó duyên như thế thì phải duyên nơi tâm mình không phải là tha tâm trí. Vì tâm mình là hành tướng của chủ thể duyên và đối tượng duyên nơi tha tâm trí.

Hỏi: Nếu mắt không thấy sắc thì có thể nhận biết được tâm của người khác không?

Đáp: Có thể nhận biết được, vì tai nghe tiếng.

Hỏi: Nếu mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, thì có thể nhận biết được tâm của người khác không?

Đáp: Có thể nhận biết được, vì mũi ngửi mùi hương.

Hỏi: Nếu mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi mùi hương thì có thể nhận biết được tâm của người khác không?

Đáp: Có thể nhận biết được, vì lưỡi nếm vị.

Hỏi: Nếu mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi mùi hương, lưỡi không nếm vị thì có thể nhận biết được tâm của người khác không?

Đáp: Có thể nhận biết được, vì thân nhận biết khi chạm xúc.

Hỏi: Nếu mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi mùi hương, lưỡi không nếm vị, thân không chạm xúc thì có thể nhận biết được tâm của người khác không?

Đáp: Có thuyết nói: Không thể nhận biết được. Vì sao? Vì tha tâm trí khởi nhờ duyên nơi sắc.

Lời bình: Nên nói là lúc đầu, khi mới dẫn khởi thì không thể nhận biết được, nhưng khi đã thành tựu trọn vẹn thì tuy không duyên với sắc cũng có thể nhận biết được.

Từng được tâm, tâm sở pháp hữu lậu có mười lăm thứ, đều là cảnh nên giữ lấy của tha tâm trí. Nghĩa là cõi dục và bốn tĩnh lự đều có các tâm, tâm sở gồm ba phẩm hạ trung thượng. Từng được tha tâm trí hữu lậu có mười hai thứ, tức là bốn tĩnh lự, mỗi thứ đều có tha tâm trí với ba phẩm hạ trung thượng.

Ở đây, tĩnh lự thứ nhất từng được tha tâm trí hữu lậu thuộc phẩm hạ, thì có thể nhận biết được cả ba phẩm của cõi dục và phẩm hạ của tĩnh lự thứ nhất.

Nếu đã từng được tâm, tâm sở pháp hữu lậu thuộc phẩm trung, thì có thể nhận biết được ba phẩm ở cõi dục và hai phẩm hạ trung của tĩnh lự thứ nhất.

Nếu đã từng được tâm, tâm sở pháp hữu lậu thuộc phẩm thượng, thì có thể nhận biết được cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, mỗi chốn đều có ba phẩm.

Nếu đã từng được tâm, tâm sở pháp hữu lậu v.v… như thế lần lượt cho đến tĩnh lự thứ tư. Từng được tha tâm tâm trí hữu lậu phẩm thượng, thì có thể nhận biết được cõi dục và bốn tĩnh lự, mỗi chốn đều có ba phẩm.

Nếu đã từng được tâm, tâm pháp sở pháp hữu lậu, như đã từng được mười hai thứ tha tâm trí hữu lậu, thì nhận biết rõ mười lăm thứ tâm, tâm sở pháp hữu lậu đã từng được.

Nếu chưa từng được mười hai thứ tha tâm trí hữu lậu thì nhận biết rõ mười lăm thứ tâm, tâm sở pháp hữu lậu chưa từng được cũng như thế.

Từng được tâm, tâm sở pháp vô lậu có mười hai thứ, đều là cảnh nên giữ lấy của tha tâm trí. Từng được tha tâm trí vô lậu cũng có mười hai thứ, tức là bốn tĩnh lự, mỗi thứ đều có ba phẩm.

Ở đây, tha tâm trí vô lậu phẩm hạ ở tĩnh lự thứ hai có thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp vô lậu thuộc phẩm hạ của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ hai.

Nếu là phẩm trung thì có thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp vô lậu thuộc phẩm hạ, phẩm trung của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ hai.

Nếu là phẩm thượng thì có thể nhận biết được tâm, tâm sở pháp nơi ba phẩm của tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ hai.

Như thế, lần lượt cho đến tha tâm trí vô lậu phẩm thượng ở tĩnh lự thứ tư có thể nhận biết rõ các tâm, tâm sở pháp vô lậu nơi ba phẩm của bốn tĩnh lự.

Hỏi: Vì sao ở địa trên tha tâm trí hữu lậu ở phẩm hạ, trung đều có thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp hữu lậu nơi ba phẩm của địa dưới. Còn tha tâm trí vô lậu ở phẩm hạ trung của địa trên lại không thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp vô lậu ở phẩm thượng và trung của địa dưới?

Đáp: Vì tâm, tâm sở pháp hữu lậu và vô lậu được kiến lập mỗi thứ có khác nhau. Nghĩa là tâm, tâm sở pháp hữu lậu dựa vào sự nối tiếp để kiến lập, có trong một thân nối tiếp thành tựu được ba phẩm tâm, tâm sở pháp hữu lậu. Còn tâm, tâm sở pháp vô lậu dựa vào căn phẩm để kiến lập, không có trong một thân nối tiếp thành tựu được hai phẩm tâm, tâm sở pháp vô lậu, huống chi là thành tựu được ba? Vì kiến lập đã riêng nên nhận biết có khác.

Có mười bốn thứ tâm, tâm sở pháp của thông quả, đều là cảnh nên giữ lấy của tha tâm trí. Nghĩa là cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, mỗi chốn đều có quả của bốn tĩnh lự. Tĩnh lự thứ hai có quả của ba tĩnh lự sau. Tĩnh lự thứ ba có quả của hai tĩnh lự sau. Tĩnh lự thứ tư chỉ có quả của tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Tha tâm trí của tĩnh lự thứ nhất đối với thông quả nơi tâm, tâm sở pháp của cõi dục và bốn tĩnh lự thì có thể nhận biết được bao nhiêu thứ?

Đáp: Có thuyết nói: Có thể nhận biết được bốn thứ. Vì sao? Vì tất cả đều thuộc về cõi dục.

Lại có thuyết cho: Chỉ có thể nhận biết được quả của tĩnh lự thứ nhất, không nhận biết được ba thứ kia. Vì sao? Vì như không nhận biết về nhân thì quả cũng thế.

Các tha tâm trí đối với các tâm, tâm sở pháp thuộc Địa độ, Căn độ, Bổ-đặc-già-la độ đều không thể nhận biết được.

Đối với tâm, tâm sở pháp thuộc Địa độ không thể nhận biết được: Nghĩa là tha tâm trí ở tĩnh lự thứ nhất không thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp của tĩnh lự thứ hai trở lên v.v…, cho đến tha tâm trí của tĩnh lự thứ ba không thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp của tĩnh lự thứ tư trở lên.

Đối với tâm, tâm sở pháp thuộc Căn độ không thể nhận biết được: Nghĩa là tha tâm trí của kẻ độn căn không thể nhận biết được các tâm, tâm sở pháp của người lợi căn.

Đối với tâm, tâm sở pháp thuộc Bổ-đặc-già-la độ không thể nhận biết được: Nghĩa là tha tâm trí của hàng hữu học không thể nhận biết được tâm, tâm sở pháp của bậc vô học.

Hỏi: Tất cả tha tâm trí của bậc vô học đều có thể nhận biết rõ tâm, tâm sở pháp của hàng hữu học chăng?

Đáp: Không thể. Nghĩa là tha tâm trí của bậc thời giải thoát không thể nhận biết được tâm, tâm sở pháp của bậc kiến chí, tha tâm trí của bậc kiến chí cũng không thể nhận biết được tâm, tâm sở pháp của bậc thời giải thoát. Vì sao? Vì tha tâm trí của bậc thời giải thoát đối với tâm, tâm sở pháp của bậc kiến chí là Căn độ nên không thể nhận biết được. Tha tâm trí của bậc kiến chí đối với tâm, tâm sở pháp của bậc thời giải thoát là Bổ-đặc-già-la độ nên cũng không thể nhận biết được.

Hỏi: Tha tâm trí của địa trên hữu học và tha tâm trí của địa dưới vô học, hai thứ này có thể nhận biết được lẫn nhau chăng?

Đáp: Không được. Vì sao? Vì tha tâm trí ở địa trên hữu học đối với tha tâm trí ở địa dưới vô học là Bổ-đặc-già-la độ, nên không thể nhận biết được. Tha tâm trí ở địa dưới vô học đối với tha tâm trí ở địa trên hữu học là Địa độ nên không thể nhận biết được.

Hỏi: Tha tâm trí của địa trên Thanh văn đối với tha tâm trí của địa dưới Như Lai, hai thứ này có thể nhận biết được lẫn nhau chăng?

Đáp: Không được. Vì sao? Vì tha tâm trí của địa trên Thanh văn đối với tha tâm trí của địa dưới Như Lai là Căn độ, nên không thể nhận biết được. Tha tâm trí của địa dưới Như Lai đối với tha tâm trí của địa trên Thanh văn là Địa độ, nên không thể nhận biết được.

Về Độc giác đối chiếu với thừa khác, nên căn cứ theo các nghĩa đã nói ở trước, nên biết.

Các tâm, tâm sở pháp vô lậu của Đức Như Lai và các tâm, tâm sở pháp hữu lậu chưa từng được, đều không phải là cảnh nơi đối tượng hiện giữ lấy của tha tâm tríđã từng được các tâm, tâm sở pháp hữu lậu.

Đức Phật muốn khiến người khác nhận biết được tức nhận biết. Nghĩa là Đức Phật nếu muốn khiến kẻ độn căn biết rõ tâm mình, không phải là kẻ lợi căn, thì hàng tôi tớ thấp kém cũng nhận biết được tâm Phật, nhưng Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… đều không thể nhận biết.

Nếu muốn khiến cho nẻo bàng sinh nhận biết rõ tâm mình, không phải là nẻo người, trời, thì nẻo bàng sinh cũng nhận biết được tâm Phật, nhưng nẻo người, trời đều không thể nhận biết. Làm sao biết được điều đó? Là do Khế kinh nói. Nghĩa là như Khế kinh nói: Một thời, Đức Phật ngụ tại Tinh xá Trùng Các, bên ao Di Hầu, thuộc thành Quảng Nghiêm. Khi ấy, các Bí-sô đem bát của mình và bát của Phật bày ra nơi chỗ trống. Có một chú khỉ từ trên cây Sa-la chạy xuống, đi đến chỗ để bát. Các Bí-sô sợ khỉ làm bể bát nên tranh nhau đuổi đi. Đức Phật bảo các Bí-sô đừng nên đuổi, nó có ý riêng, phút chốc sẽ thấy. Lúc này, khỉ ôm bát của Đức Thế Tôn trở lại từ từ leo lên cây, hứng đầy mật ong rồi thong thả leo xuống, đem bát mật dâng lên Đức Thế Tôn, vì có ấu trùng ong lẫn vào nên Đức Phật không nhận. Phật liền khởi phẩm tâm hữu lậu đã từng được, khiến khỉ lựa bỏ ấu trùng. Khỉ biết ý, liền lui ra đứng một chỗ, lựa bỏ ấu trùng xong, đem bát mật đến dâng lên Phật. Do chưa tác tịnh nên Đức Phật lại không nhận. Ngài lại khởi tâm hữu lậu đã từng được, khiến khỉ dùng nước rảy khắp để tác tịnh. Khỉ biết ý, liền lui ra một chỗ, dùng nước tác tịnh, rồi trở lại dâng lên Phật. Khi đó, Đức Thế Tôn vì thương xót nên nhận lấy. Khỉ hết sức vui mừng, múa nhảy liên hồi, bị rơi xuống hố sâu mà chết. Nhờ phước nghiệp ấy, nên được sinh làm người. Lớn lên xuất gia, siêng tu phạm hạnh, không bao lâu chứng được quả A-la-hán, đời cùng gọi là “Thượng tọa dâng mật”. Tôn giả Luận Lực, nhân việc đó đã dùng tụng để tán thán Đức Phật:

Điều ngự vô thượng của người, trời

Khiến nẻo ác cũng biết tâm mình

Nếu trụ sâu nơi định vi diệu

Cho đến người, trời khôngthể biết.

Tha tâm trí của Phật có thể nhận biết rõ cả ba đạo, tha tâm trí của Độc giác có thể nhận biết rõ hai đạo, còn tha tâm trí của Thanh văn có thể nhận biết rõ một đạo.

Hỏi: Đức Phật có thể duyên nơi tha tâm trí của Phật chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không được. Vì sao? Vì không có hai Như Lai cùng ra đời trong một lúc.

Lại có thuyết cho: Được. Vì sao? Vì ở đây nói là có thể duyên, không nói là hiện khởi.

Hỏi: Độc giác có thể duyên nơi tha tâm trí của Độc giác chăng?

Đáp: Nếu là bậc Lân giác dụ thì dựa nơi Đức Phật nên biết. Còn Độc giác chúng xuất (Độc giác bộ hành) thì nhất định là có thể duyên nơi tha tâm trí của Độc giác. Đây là nói về khả năng duyên, cũng nói về hiện khởi.

Còn Thanh văn cũng duyên được tha tâm trí của Thanh văn. Đây cũng là nói về khả năng duyên, cũng nói về hiện khởi.

Phàm phu quyết định cũng duyên được tha tâm trí của phàm phu, như nói về bậc Độc giác chúng xuất và các Thanh văn.

Có thuyết nói: Độc giác Lân giác dụ quyết định cũng duyên được tha tâm trí của Độc giác Lân giác dụ. Đây là nói về khả năng duyên, cũng nói về hiện khởi, vì trong các thế giới khác có Độc giác Lân giác dụ ra đời, không lý lại ngăn chận?

Chỉ có tâm, tâm sở pháp vô lậu của Đức Phật và tâm, tâm sở pháp hữu lậu chưa từng được nhất định là không có tha tâm trí có khả năng duyên và hiện khởi: Tức là tất cả tâm, tâm sở pháp ở cõi vô sắc nhất định không phải là đối tượng duyên, cũng không phải là cảnh của tha tâm trí.

HẾT – QUYỂN 99