LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 83
Chương 2: KIẾT UẨN
Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 13
Như Khế kinh nói: Người trụ vào định Từ thì đao gậy, chất độc, lửa, nước đều không thể hại được, tất không bị tai họa đến phải mất mạng.
Hỏi: Vì sao như thế?
Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Vì Tam-ma-địa Từ là pháp không hại.
Lại có thuyết nói: Do Tam-ma-địa Từ có uy lực rất lớn.
Lại có thuyết cho: Do Tam-ma-địa Từ tạo lợi ích cho người khác nên được chư Thiên và các Thiện thần ủng hộ, che chở.
Lại có thuyết nói: Cảnh giới tĩnh lự của người tu tĩnh lự như cảnh giới thần thông của người có đủ thần thông, các oai đức hiện có đều không thể nghĩ bàn.
Lại có thuyết nêu: Người trụ vào định Từ khởi phần tâm thù thắng, không phải là phần tâm thù thắng có sinh tử.
Đại đức nói: Nếu trụ vào định Từ, các đại chủng của cõi sắc hiện bày khắp phần thân sinh ra, khiến chỗ dựa của thân trở nên rất cứng dày như đá, nên không thể bị hại.
Hỏi: Các định Bi, Hỷ, Xả là có thể bị hại chăng? Nếu có thể bị hại thì vì sao định Từ cùng với Bi, Hỷ, Xả đều thuộc về vô lượng mà chỉ riêng định Từ là không thể bị hại? Còn nếu không thể bị hại thì vì sao kinh không nói?
Đáp: Nên nói như vầy: Các định Bi, Hỷ, Xả cũng không thể bị hại.
Hỏi: Nếu như thế vì sao Kinh này không nói?
Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.
Lại nữa, đã nói định Từ nên biết cũng đã nói các định Bi, Hỷ, Xả, vì chủng loại của chúng là đồng.
Lại nữa, định Từ đứng đầu, nếu nói định Từ nên biết là đã nói về các định Bi, Hỷ, Xả.
Lại nữa, khi trụ nơi các định như Bi v.v… tuy không thể bị hại, nhưng khi xuất định thì thân có chút ít khổ, còn định Từ thì không như thế, nên nói riêng.
Lại nữa, trụ vào các định như Bi v.v… tuy không thể bị hại, nhưng da có chút ít thương tổn, còn định Từ thì không như thế, nên nói riêng.
Lại nữa, định Bi v.v… theo căn bản là không thể bị hại, nhưng khi tu gia hạnh thì có thể bị tổn hại, còn định Từ thì không như thế, nên nói riêng.
Từng nghe có người tuy đã được gia hạnh của định Từ ở cõi dục, nhưng phạm phải luật vua, khi đó các pháp quan bắt đưa lên gặp vua, tâu: “Người này phạm tội đáng chết”. Bấy giờ, vua đang ngồi trên lưng voi, định ra ngoài thành dạo chơi, thấy việc như vậy bảo tra lại vương pháp, biết người này phạm tội phải do chính vua xử trị. Vua quá giận cầm cây giáo phóng thẳng vào kẻ tử tội, người này thấy thế liền khởi tâm Từ khiến cây giáo bật ngược lại rơi xuống đất cách vua không xa. Vua kinh hãi hỏi: “Nhà ngươi có pháp thuật gì mà làm được như thế?”. Người ấy tâu: “Tôi nào có pháp thuật lạ gì đâu, khi thấy vua nổi giận tôi khởi tâm Từ nên khiến tâm ác không thể hại được”. Nhà vua liền sám hối tạ lỗi và tha cho. Do đó nên biết tu gia hạnh Từ cũng không thể bị hại. Các thứ Bi v.v… cũng như thế.
Như Khế kinh nói: Tu Từ thì đoạn dứt sân giận, tu Bi thì đoạn dứt giết hại, tu Hỷ thì đoạn dứt không vui, tu Xả thì đoạn dứt tham sân.
Hỏi: Đã nói Từ và Xả đều đối trị với sân giận, vậy các đối trị sân giận đó có gì khác nhau?
Đáp: Từ đối trị sân giận giết hại người, còn Xả đối trị sân giận đánh đập.
Lại nữa, Từ đối trị với giận đúng chỗ, còn Xả đối trị với giận không đúng chỗ.
Hỏi: Các vô lượng có thể đoạn dứt phiền não chăng? Nếu có thể đoạn dứt thì điều nơi Chương Định Uẩn nói làm sao thông? Như nói: Các thứ Từ Bi Hỷ Xả đều không thể đoạn dứt các kiết. Còn không thể đoạn dứt thì như Kinh này nói làm sao thông?
Đáp: Nên nói là các vô lượng không thể đoạn dứt được các phiền não.
Hỏi: Nếu như thế thì khéo thông suốt về chỗ nói của Chương Định Uẩn, nhưng đối với Kinh này làm sao thông?
Đáp: Đoạn dứt có hai loại: 1. Đoạn dứt tạm thời. 2. Đoạn dứt rốt ráo. Căn cứ vào đoạn dứt tạm thời nên Kinh này nói có khả năng đoạn dứt. Còn căn cứ vào đoạn dứt rốt ráo thì nơi Chương Định Uẩn nói là không thể đoạn dứt. Như thế thì hai chỗ trình bày của Kinh và Luận đều khéo thông hợp.
Như đoạn dứt tạm thời và đoạn dứt rốt ráo, thì các thứ như đoạn dứt từng mảnh và không đoạn dứt từng mảnh, đoạn dứt có hình bóng và đoạn dứt không có hình bóng, đoạn dứt chưa trọn vẹn và đoạn dứt trọn vẹn, đoạn dứt theo trói buộc và đoạn dứt không theo trói buộc, đoạn dứt có phần và đoạn dứt không có phần, đoạn dứt còn điều phục và đoạn dứt nhổ bật gốc rễ, đoạn dứt hàng phục các triền và đoạn dứt trừ bỏ tùy miên v.v… nên biết cũng như thế.
Hỏi: Nếu bốn vô lượng này không đoạn dứt các phiền não thì nơi các kinh khác nói làm sao thông? Như nói: Này các Bí-sô! Nếu tu định tâm từ không thắng tấn trụ vào quả Bất hoàn, nói rộng cho đến tu định tâm xả, nên biết cũng như thế.
Đáp: Vì kinh ấy nói về Thánh đạo, gọi là định tâm từ v.v… Như trong các kinh nói: Phật đối với Thánh đạo hoặc nói là tưởng, hoặc nói là thọ, hoặc nói là tư, hoặc nói là ý, hoặc nói là đèn, hoặc nói là tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ, hoặc nói là thuyền bè, hoặc nói là núi, đá, hoặc nói là bong bóng nước v.v… mỗi mỗi nêu dẫn kinh như nơi chỗ khác nói, kinh ấy cũng thế. Tức đối với đạo vô lậu gọi là Từ v.v… cũng không trái lý.
Lại nữa, những kẻ vì cầu bốn thứ phạm trụ như là Từ v.v… để được lìa các dục nhiễm, hoặc đó là phàm phu, hoặc là bậc Thánh. Nếu là phàm phu, trước phải lìa bỏ dục nhiễm và được định như Từ v.v… sau đó được nhập chánh tánh ly sinh, chứng quả Bất hoàn. Nếu như trước đây, đối với các nhiễm nơi cõi dục, người ấy chưa hoàn toàn lìa bỏ, sau này khi nhập chánh tánh ly sinh, chỉ chứng được quả Dự lưu hoặc quả Nhất lai, tiếp đến người ấy mới chứng được quả Bất hoàn, đó là nhờ sức của Từ v.v… Còn nếu là bậc Thánh, khi lìa dục nhiễm sẽ được định Từ v.v… và quả Bất hoàn ngay. Căn cứ vào đấy nên nói tu các định như Từ v.v… chứng được quả Bất hoàn cũng không trái lý.
Như Khế kinh nói: Tu quán bất tịnh có thể đoạn trừ dục tham, tu xả vô lượng cũng có thể đoạn trừ dục tham. Vậy hai thứ này có khác nhau gì?
Đáp: Tu quán bất tịnh là đối trị dục tham về dâm, còn tu xả vô lượng là đối trị dục tham về cảnh giới.
Lại nữa, tu quán bất tịnh là đối trị tham về hiển sắc, còn tu xả vô lượng là đối trị tham về hình sắc.
Lại nữa, tu quán bất tịnh là đối trị tham về các xúc chạm vi tế, còn tu xả vô lượng là đối trị tham về dáng vẻ.
Lại nữa, tu quán bất tịnh là đối trị tham về hình dung diện mạo, còn tu xả vô lượng là đối trị tham của hữu tình.
Đó là sự khác nhau.
Như Khế kinh nói: Cùng với Từ đều tu các giác chi như niệm v.v… và nương vào lìa bỏ, nương vào không dục, nương vào diệt, hồi hướng nơi xả. Ba thứ Bi, Hỷ, Xả cũng nói như thế.
Hỏi: Vô lượng là hữu lậu, còn giác chi là vô lậu, làm sao hữu lậu và vô lậu cùng kết hợp?
Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Do bốn vô lượng này điều phục tâm khiến tâm ngay thẳng có thể đủ sức chịu đựng được, từ đấy không gián đoạn dẫn khởi các giác chi và giác chi không gián đoạn dẫn khởi các vô lượng. Vô lượng cùng giác chi xen lẫn nhau và khởi lên nên nói là cùng kết hợp, nhưng thật sự là không cùng.
Hỏi: Trong bốn vô lượng, thứ nào là hơn hết?
Đáp: Có thuyết nói: Từ là hơn hết. Vì sao? Vì không thể bị hại.
Có Sư khác cho: Bi là hơn hết. Vì sao? Vì Phật giảng nói chánh pháp là do Đại Bi.
Hoặc có thuyết nói: Hỷ là hơn hết. Vì sao? Vì đoạn dứt các sự không vui.
Lại có thuyết nêu: Xả là hơn hết. Vì sao? Vì đoạn trừ tham sân.
Đại đức nói: Do hai nhân duyên nên Xả là hơn hết: Một là do việc đã làm. Nghĩa là do tu Xả nên có thể đoạn dứt các tham sân. Hai là do tịch tĩnh. Nghĩa là đối với hữu tình, hoạt động không phân biệt, nên Xả là hơn hết.
Hỏi: Đức Thế Tôn vì sao chỉ nói là Đại Bi, không nói là Đại Từ, Đại Hỷ, Đại Xả?
Đáp: Đều nên nói là đại cả, vì ở nơi thân Đức Phật, tất cả công đức đều là đại. Vì muốn giúp ích cho vô lượng hữu tình nên khởi tâm ấy. Vì muốn cứu độ vô lượng hữu tình nên khởi tâm ấy. Vì thương xót vô số các loài hữu tình nên khởi tâm ấy. Đối với các hữu tình, tâm thiện luôn bình đẳng nối tiếp chuyển biến. Nhưng ở đây không nên hỏi. Vì sao? Vì nếu tự tánh của Bi tức là Đại Bi thì nên hỏi như thế, song Bi và Đại Bi tự tánh của mỗi thứ đều khác, vậy không nên hỏi. Nhưng trong các kinh cũng có chỗ nói Đại Từ, Đại Hỷ và Đại Xả.
Hỏi: Bi cùng với Đại Bi có gì khác nhau?
Đáp: Có tên gọi khác nhau, tức đây gọi là Bi, còn kia gọi là Đại Bi.
Lại nữa, Bi lấy căn thiện không giận làm tự tánh, còn Đại Bi lấy căn thiện không si làm tự tánh.
Lại nữa, Bi đối trị căn bất thiện giận dữ, còn Đại Bi đối trị căn bất thiện si.
Lại nữa, Bi có cả trong bốn tĩnh lự, còn Đại Bi chỉ có trong tĩnh lự thứ tư.
Lại nữa, Bi do vô lượng gồm thâu, còn Đại Bi không do vô lượng gồm thâu.
Lại nữa, Bi thì cả nơi thân phàm phu và Thánh nhân đều thành tựu, còn Đại Bi thì chỉ nơi thân Thánh nhân thành tựu.
Lại nữa, Bi ở nơi thân Thanh văn, Độc giác và Phật đều thành tựu, còn Đại Bi chỉ ở nơi thân Phật thành tựu.
Lại nữa, Bi chỉ có thể thương xót, không thể cứu độ, còn Đại Bi có thể thương xót, cũng có thể cứu độ. Như có hai người cùng đứng bên bờ một con sông lớn, thấy có một người bị nước cuốn trôi. Người thứ nhất chỉ quơ tay buồn bã, than vãn mà không thể cứu. Bi cũng như thế. Còn người thứ hai thương xót, nghĩ rồi liền nhảy xuống nước cứu nguy. Đại Bi cũng như thế.
Tôn giả Thế Hữu nói: Bi chỉ duyên với khổ nơi cõi dục của hữu tình đang khổ, còn Đại Bi duyên với khổ nơi cả ba cõi của hữu tình đang khổ.
Lại có thuyết nói: Bi chỉ duyên với khổ thô của hữu tình khổ, còn Đại Bi duyên với cả khổ thô, tế của hữu tình khổ.
Lại có thuyết nêu: Bi chỉ duyên với khổ khổ của hữu tình khổ, còn Đại Bi duyên với cả ba thứ khổ của hữu tình khổ.
Lại có thuyết cho: Bi chỉ duyên với khổ nơi thân của hữu tình khổ, còn Đại Bi duyên với khổ cả nơi thân và tâm của hữu tình khổ.
Lại có thuyết nói: Bi chỉ duyên với hiện pháp khổ của hữu tình khổ, còn Đại Bi duyên với khổ nơi hiện pháp và hậu pháp của hữu tình khổ.
Có thuyết nêu: Bi chỉ duyên với khổ gần của hữu tình khổ, còn Đại Bi duyên với khổ gần và xa của hữu tình khổ.
Lại có thuyết cho: Bi chỉ duyên với khổ hiện tại của hữu tình khổ, còn Đại Bi duyên với khổ cả ba đời của hữu tình khổ khổ.
Đại đức nói: Đại Bi là pháp bất cộng trụ trong tĩnh lự thứ tư của Đức Phật, có thể tùy hành theo chốn xa xôi, có thể tùy hành theo chỗ vi tế và có thể tùy hành hiện hữu khắp nơi, đến khắp tất cả kẻ oán người thân hay kẻ không thân không oán, với đủ các loài hữu tình đều bình đẳng chuyển. Còn Bi thì cùng với phàm phu, Thanh văn, Độc giác v.v… thảy đều thành tựu, nhất định không thể duyên với cõi sắc, vô sắc. Đó là sự khác nhau của Bi và Đại Bi.
Hỏi: Do ý nghĩa nào mà gọi là Đại Bi?
Đáp: Cứu độ khổ lớn cho loài hữu tình nên gọi là Đại Bi. Khổ lớn là các khổ trong chốn địa ngục, bàng sinh và nẻo quỷ.
Lại nữa, cứu độ các loài hữu tình đang chìm đắm trong bãi bùn lầy của ba độc, đem đặt chúng vào Thánh đạo và quả của Thánh đạo nên gọi là Đại Bi.
Lại nữa, lấy các lợi ích lớn, các sự an vui lớn gồm thâu các loài hữu tình nên gọi là Đại Bi. Nghĩa là khiến các loài hữu tình tu tập theo hành diệu nơi ba nghiệp thân ngữ ý, chiêu cảm các quả báo thiện làm người tôn quý, có nhiều tiền của, hình dạng đẹp đẽ, ai thấy cũng đều yêu kính, hoặc làm Luân vương, Đế thích, Ma vương v.v… và gieo trồng hạt giống Bồ-đề của ba thừa. Các sự việc như thế đều do Đại Bi mà thành tựu.
Lại nữa, do có được giá trị rất lớn nên gọi là Đại Bi, không phải như quả Bồ-đề của Độc giác, Thanh văn v.v… trong một ngày trai giới, đem một nắm cơm thí cho một người phát ý nguyện thù thắng được gọi là gây trồng từ hạt giống Bồ-đề kia, do đấy lần lượt chứng được quả Bồ-đề ấy.
Đại Bi chính yếu là phải trải qua rất nhiều thời gian lâu dài ở khắp mọi nơi, dùng tất cả mọi thứ tạo an vui thượng diệu đầy đủ thí khắp cho các hữu tình v.v… cho đến thân mạng cũng không luyến tiếc, phát ý nguyện thù thắng mới được gọi là gây trồng từ hạt giống Đại Bi ấy, do đấy lần lượt mới được Đại Bi.
Lại nữa, gia hạnh đạt được lớn nên gọi là Đại Bi, không phải như quả Bồ-đề của Thanh văn, chỉ tu gia hạnh sáu mươi kiếp chứng đắc, hay quả Bồ-đề của Độc giác chỉ trải qua trăm kiếp tu gia hạnh chứng đắc. Đại Bi của Như Lai phải trải qua ba vô số kiếp tu tập trăm ngàn hạnh khổ khó hành, sau đấy mới chứng đắc nên gọi là Đại Bi.
Lại nữa, nương vào đại thân trụ nên gọi là Đại Bi, không phải như quả Bồ-đề của hàng Thanh văn, Độc giác nương vào thân thấp kém cũng được hiện khởi. Đại Bi cần phải nương vào thân được trang nghiêm đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại trượng phu, cùng với tám mươi vẻ đẹp trên thân tướng rực sắc vàng ròng, ánh sáng tỏa ra một tầm, chiêm ngưỡng không chán, phải nương vào thân tướng như thế mới hiện khởi nên gọi là Đại Bi.
Lại nữa, vì đã buông bỏ pháp lạc lớn nên gọi là Đại Bi. Nghĩa là Đức Phật đã từ bỏ pháp vui không chung rất thanh tịnh, toàn vẹn, mầu nhiệm tối thắng, đã bao lần vượt hàng trăm ngàn vô số núi Luân vi v.v… vì người khác diễn nói pháp mầu, không hề từ nan mệt nhọc, nên gọi là Đại Bi.
Lại nữa, do uy lực đó nên có thể khiến cho bậc Đại sĩ làm được những việc rất khó thực hiện, nên gọi là Đại Bi. Nghĩa là Đức Phật – Thế Tôn vì tất cả chúng sinh nên từ bỏ ngôi vị quyền quý, hoặc làm người thợ gốm, một lực sĩ, một nhạc sư, một người thợ săn, một dâm nữ, hay một người ăn xin v.v… Hoặc dẫn Tôn giả Nan-đà đi dạo khắp năm nẻo. Hoặc hiện ra gần xa để hóa độ Chỉ Man (Ươngquật-ma-la). Tuy có đủ hổ thẹn, nhưng khi hóa độ người nữ thì hiện tướng âm tàng. Tuy lìa mọi trạo cử nhưng hóa độ chúng sinh thì hiện ra tướng lưỡi dài rộng. Làm được các việc hết sức khó làm như thế nên gọi là Đại Bi.
Lại nữa, do uy lực này làm rung chuyển cả vùng núi Đại Xả khiến các loài không an trụ nên gọi là Đại Bi. Nghĩa là Phật có hai thứ pháp bất cộng trụ: Một là Đại Xả. Hai là Đại Bi. Nếu khi Đại Xả của Phật hiện tiền, giả sử tất cả thế giới hữu hình đều bị đốt cháy như một đống củi khô, tuy Đức Phật có đứng trước đó, nhưng cũng không ai nhìn thấy. Còn khi Ngài khởi Đại Bi, cho đến chỉ thấy một chúng sinh đang chịu khổ, thân Na-la-diên tuy rất bền vững khó có thể lay động, nhưng cũng bị lay động như gió mạnh thổi tàu lá chuối. Do các nghĩa như thế nên gọi là Đại Bi.
Tỳ-nại-da nói: Đức Phật dùng bóng mát Từ che khắp cho các loài hữu tình, vì họ giảng nói pháp.
Hỏi: Các loài hữu tình khi được Đức Phật đem bóng Từ che khắp thì có được an vui không? Nếu được an vui vì sao ở địa ngục, bàng sinh, nẻo quỷ và các nơi khác vẫn còn các hữu tình chịu nhiều khổ nạn? Còn do Phật đem bóng Từ che mát mà không lìa được khổ, không hưởng được an vui, như tụng này đã nói làm sao thông? Như nói:
Quỷ thần do ý ác
Lại muốn đến gần người
Tuy chưa chạm, hại thân
Nhưng đã sinh khổ sợ.
Ý ác hướng người
Tức khiến khổ, sợ
Bóng Từ tâm Phật
Há không được vui?
Có thuyết nói: Phật dùng bóng mát Từ che khắp cho các loài hữu tình cũng khiến họ được vui.
Hỏi: Nếu như thế thì lời tụng nói thông suốt được, nhưng các vấn nạn nêu trước làm sao thông?
Đáp: Nếu Đức Phật nhìn thấy nghiệp của loài hữu tình nào có thể chuyển đổi, nên Ngài dùng tâm Từ che chở, duyên với họ khiến họ được an vui. Còn Phật thấy loài hữu tình nào nghiệp của họ không thể chuyển được thì Phật không duyên với họ, chỉ khởi tâm Từ che khắp.
Lại có thuyết cho: Phật tuy dùng tâm Từ che mát khắp hữu tình, nhưng các loài hữu tình không được an vui liền.
Hỏi: Nếu như vậy thì có thể khéo thông suốt về điều vấn nạn trước, nhưng tụng đã nói làm sao thông?
Đáp: Đức Phật dùng bóng Từ che mát khắp người khác, nên hóa hiện ra vô số sự việc khiến họ được an vui. Các loài quỷ thần cũng hóa hiện các sự việc đáng sợ khiến họ phải kinh hãi, không phải chỉ có tâm ác. Đức Thế Tôn có thể hiện ra vô số sự việc tức là hoặc hiện thần thông, hoặc hiện sự việc thương yêu, hoặc hiện ra các loại thuốc thần, hoặc hiện ra các sự xúc chạm vi diệu, hoặc hiện ra các hình bóng an lạc. Các sự việc hiện ra như thế rất là nhiều.
Hiện thần thông: Như đã từng được nghe: Khi Đức Phật ở tại Tinh xá Trúc Lâm, cạnh ao Thu Lộ trong đại thành Vương-xá, bấy giờ có một vị Cư sĩ muốn thỉnh Phật và Tăng chúng đến nhà mình để dự hội bố thí lớn. Sáng hôm ấy, Đức Phật đắp y mang bát cùng chúng Bí-sô vào thành Vương-xá. Vua Vị Sinh Oán (A-xà-thế) do bạn ác là Thiên Thọ (Đề-bà-đạt-đa) giáo hóa, nên đã dùng voi lớn tên Hộ Tài, cho uống rượu say mèm nhằm hại Như Lai. Khi ấy, Đức Như Lai liền đưa cánh tay phải lên, nơi đầu năm ngón tay hóa ra năm con sư tử. Voi thấy sư tử nên rất kinh sợ, liền quay đầu chạy trốn. Đức Phật liền hóa ra một hầm rất sâu rộng, mỗi bề ước khoảng trăm ngàn thước chặn ở phía sau. Voi thấy hầm sâu sợ quá bèn quay đầu chạy sang hai bên. Phật liền hóa ra hai bức tường cao ở hai bên sắp đổ sụp xuống. Voi thấy vậy càng hồn phi phách tán, ngước nhìn lên hư không. Phật liền hóa hiện nơi không trung có một tảng đá thật to lửa cháy đỏ rực sắp rơi xuống. Voi thấy vậy càng khiếp vía, tháo chạy lung tung. Phật liền hóa lửa dữ bao vây khắp chốn, chỉ chỗ Phật đang đứng là yên tĩnh mát mẻ. Voi thấy mọi việc, tâm say chợt tỉnh. Phật biết là đã hàng phục được voi dữ, bèn cho năm sư tử biến mất, chú voi ngoan ngoãn lần đến trước Đức Phật, lấy vòi sờ vào chân Phật. Đức Phật cũng đưa cánh tay trăm phước trang nghiêm xoa nhẹ vào đầu voi, rồi dùng tiếng voi truyền pháp cho voi nghe về các hành là vô thường, các pháp là vô ngã, Niết-bàn là tịch tĩnh, con nên khởi tâm tin tưởng, kính trọng Ta, không bao lâu sẽ thoát kiếp bàng sinh. Voi nghe pháp xong, liền phát tâm kính tin, chán lìa thân voi, không chịu ăn uống, sau đó chết liền sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba, nhân nhớ nghĩ công ơn Phật, liền đến chỗ Phật nghe pháp, thấy rõ bốn Thánh đế, nghe xong kính lễ Phật rồi trở về thiên cung. Bấy giờ, thế gian đều nói: “Nhờ bóng Từ của Đức Phật mà voi dữ Hộ Tài hết cơn say điên, được sinh lên cõi trời”. Bóng mát Từ ở đây là hiện thần thông.
Ở chỗ khác cũng có kể việc Phật hiện thần thông: Từng nghe, khi Phật sắp nhập Niết-bàn, Ngài đến ở bên thôn Ba ba trong ấp Lực sĩ thuộc khu rừng Xích hoạch. Các lực sĩ nghe tin, liền hợp nhau bàn bạc: “Chúng ta đều phải đến chỗ Đức Phật, nếu ai không đến sẽ bị phạt năm trăm đồng tiền vàng lớn xưa để sung vào công quỹ của ấp”. Bấy giờ, có lực sĩ tên là Lư-già, nhà rất giàu có, nhiều tiền của, nhưng không tin phục Phật, trộm nghĩ: “Ta không hề tiếc tiền, nhưng cũng không thể đi ngược lại các quy ước của các bạn thân”, bèn cùng các người trong ấp đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân Phật xong, lui ra ngồi qua một bên. Khi ấy, Tôn giả A-nan bảo Lư-già: “Anh đến gặp Phật thật là quý hóa, vì đấng phước điền vô thượng không bao lâu nữa sẽ đến khu rừng Sa la nhập đại diệt”. Lư-già tánh thẳng thắn nên thưa với Tôn giả A-nan: “Hôm nay tôi đến gặp Phật không phải do ý nguyện mà vì tôi không muốn trái với quy ước của bạn bè”. Tôn giả A-nan liền nắm tay Lư-già dẫn đến trước Phật, thưa: “Anh lực sĩ Lư-già này không tin Tam bảo, cúi mong Đức Thế Tôn giảng bày pháp yếu cho anh ấy”. Đức Phật nghĩ: “Anh chàng này thuộc ái hành, luôn ham mê năm dục, nếu giảng nói pháp ngay thì rốt cuộc chẳng hiểu được gì”. Phập thương xót anh ta nên hiện phép thần thông, hóa ra một hầm lớn chứa đầy phân thối, hôi hám nồng nặc, lửa bùng cháy dữ dội, trong đó phát ra tiếng nói lớn: “Lực sĩ Lư-già, nếu không tin Phật, lắng nghe chánh pháp, khi chết nhất định sẽ sinh nơi hầm này”. Lư-già nghe thấy thế, thân tâm đều run sợ, liền quy phục Phật, nghe Phật giảng nói pháp, sinh tâm kính tin, liền thọ Tam quy. Thời đó, trong dân gian bảo: “Anh chàng lực sĩ Lư-già được bóng mát Từ của Phật che chở, khiến kính tin Tam bảo”. Bóng Từ ở đây là sự hóa hiện thần thông.
Hiện sự việc yêu thương: Từng nghe: Khi Đức Phật ngụ tại ấp Di-hy-la, trong khu rừng Đại tự tại thiên Am la, có người vợ của một Phạm chí tên Bà-tư-đề vừa chết mất sáu đứa con, tâm thần điên loạn, chỉ nghĩ nhớ thương con nên lõa hình chạy khắp mọi nơi, đi vào rừng Am-la, từ xa thấy Đức Thế Tôn cùng với đại chúng trăm ngàn người vây quanh nghe Đức Phật giảng nói pháp. Người điên thấy Phật theo như pháp liền tỉnh. Bà xấu hổ nên cúi gập mình và ngồi yên. Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: “Thầy hãy lấy quần áo đem cho bà ấy mặc, Ta sẽ giảng nói pháp yếu cho bà ấy”. Tôn giả A-nan liền đem y phục cho người đàn bà này mặc xong, bà ta tiến đến lễ Phật rồi ngồi xuống. Đức Phật nghĩ như vầy: “Cả tâm hồn của bà Bà-tư-đề đang chìm đắm trong bể sầu muộn, giả sử có cả Hằng hà sa số chư Phật giảng nói pháp thì bà cũng chẳng hiểu được gì”. Phật thương xót liền hiện thần thông hóa ra sáu người con cùng ở trước bà ấy. Bà mẹ thấy con nên hết sức vui mừng, do đó sầu lo dứt hết. Phật liền nhân đấy giảng nói pháp khiến thấy được bốn Thánh đế. Khi ấy, người đời đều bảo: “Nhờ bóng Từ của Đức Phật che mát mà chị Bà-tư-đề đang điên hóa tỉnh rồi lại thấy Đế”. Bóng mát Từ ở đây là hiện sự việc yêu thương.
Có câu chuyện khác cũng kể việc Phật hiện sự việc yêu thương: Bấy giờ, Phật đi đến nước Thất-la-phiệt, ngụ tại vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc. Lúc này, một Phạm chí có đám ruộng lúa chín nay đang gặt hái, liền bảo đứa con trai ra trông coi, bỗng gặp phải nạn mưa đá nên lúa hư hoại, con bị chết, ông Phạm chí phát cuồng, cởi bỏ áo quần chạy khắp, khi đến khu rừng Thệ đa thì gặp Đức Phật cùng với đại chúng hàng trăm ngàn người đang vây quanh nghe pháp. Người điên thấy Phật theo như pháp liền chợt tỉnh, bèn đến lễ Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Phật nghĩ: “Người Bà-la-môn này đang đắm chìm trong biển phiền muộn lo sầu, giả sử có Hằng sa Phật giảng nói pháp cho nghe ông ta cũng không hiểu gì”. Phật thương xót người ấy nên hiện thần thông hóa ra ruộng lúa và đứa con thân yêu, người này thấy rồi rất đỗi vui mừng, các sầu muộn liền dứt. Đức Phật nhân đấy giảng nói pháp, người ấy liền được thấy Đế. Người đương thời đều cho: “Nhờ bóng Từ của Phật che mát nên ông Bà-la-môn ấy hết điên và thấy Đế”. Bóng Từ ở đây là hiện sự việc yêu thương.
Về việc hiện ra các loại thuốc thần: Từng nghe: Đức Thế Tôn du hóa đến ấp Ca-thi lần lượt đến Ba-la-nại, ngụ tại rừng Thi lộc chỗ trú của các Tiên nhân xưa. Bấy giờ, có một Cư sĩ tên là Đại Quân, người vợ cũng tên là Đại Quân, cả hai vợ chồng đều kính tin Tam bảo, luôn đem các vật thường dùng đến dâng cúng Phật và chư Tăng. Khi ấy, có vị Bí-sô uống thuốc xổ nhưng quá liều, dẫn đến phong hư rất nặng, thầy thuốc cho đơn bảo phải uống nước thịt ép. Người nuôi bệnh liền tới nhà ông cư sĩ kể lại mọi việc cho bà cư sĩ nghe. Bà này liền sai người giúp việc cầm tiền ra chợ mua thịt. Lúc đó, nhà vua tên là Phạm Thọ, vừa sinh hoàng tử nên rất vui mừng, bèn ra lệnh khắp thành ngưng một ngày giết súc vật. Người nhà kia đi tìm khắp thành nhưng không có thịt. Bà cư sĩ biết chuyện, thầm nghĩ: “Xưa nay ta luôn cúng dường Phật và chư Tăng đủ mọi vật cần thiết, nay thầy Bí-sô ấy bệnh nặng đang cần nước thịt, nếu không có thì e sẽ mất mạng”. Lại nghĩ: “Thuở xưa, khi Đức Thế Tôn còn làm Bồ-tát, vì cứu người mà đã nhiều phen lóc thịt mình. Nay ta cũng nên học hạnh của Bồ-tát”. Nghĩ xong, liền vào nhà vắng, tay cầm dao bén tự cắt lấy thịt đùi, trao cho kẻ hầu bảo làm nước thịt đem cho Bí-sô bệnh uống. Người bệnh được thuốc uống liền không nghĩ gì cả và bệnh liền hết. Bấy giờ, bà cư sĩ bị vết thương hành hạ, đau nhức khôn cùng, nằm trong nhà rên rỉ không yên. Người chồng hỏi nguyên do v.v… đám người nhà thưa rõ mọi việc. Ông chồng liền chạy vào, thấy vợ như thế liền giận dữ quát: “Sa-môn Thích tử thật không biết xấu hổ! Vì sao nhận của cho mà không biết lúc nên nhận, dù kẻ cho không chán, nhưng người nhận cũng phải biết chừng mực chứ?”. Liền vội đến chỗ Phật, muốn thưa cùng Đức Thế Tôn, gặp lúc Đức Như Lai đang giảng nói pháp, ông cư sĩ nhìn thấy dung mạo Đức Thế Tôn thì tâm giận liền hạ xuống bèn nghĩ thầm: “Chưa nên bạch Phật, trước phải mời Phật và Tăng chúng đến nhà, nhân đấy mới thưa bày mọi việc”, liền lễ Phật rồi ngồi qua một bên. Khi Đức Phật giảng nói pháp xong, liền đứng dậy thỉnh Phật cùng chúng Tăng ngày mai đến nhà mình thọ trai. Phật biết ý liền yên lặng nhận lời. Ông cư sĩ trở về nhà, suốt đêm cho người sửa soạn đồ cúng thật đầy đủ, sáng sớm đã sắp đặt xong, sai người đến bạch Phật: “Thức cúng dường đã bày biện xong, mong Thế Tôn đến đúng giờ”. Bấy giờ, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát, cùng chúng Bí-sô đến nhà cư sĩ theo thứ lớp an tọa. Tuy đã biết nhưng Phật vẫn hỏi: “Bà nhà đang ở đâu?”. Ông cư sĩ thưa: “Đang bị bệnh nằm trong phòng”. Phật bảo ông cư sĩ: “Ông nên nói với bà ấy là Đức Thế Tôn Đại Bi cho gọi bà ấy”. Đức Phật không những chỉ biết các pháp duyên khởi ở nội tâm mà cũng biết rất rõ các việc duyên khởi ở bên ngoài, nên Ngài liền dùng thần lực lấy thuốc từ trong núi Hương chữa trị vết thương bị dao chém của bà cư sĩ khiến dứt hết đau nhức và lành lặn như xưa. Lúc ông cư sĩ vào phòng nói với vợ là Đức Thế Tôn Đại Bi muốn gặp bà đấy. Người vợ nói: “Ôi! Oai lực của Phật thật không thể nghĩ bàn! Vừa nghe Đức Thế Tôn bảo chàng gọi thiếp thì vết thương không còn đau nhức nữa mà lành lặn như xưa”. Cả hai vợ chồng đều hết sức vui mừng, càng thêm kính tin gấp bội, cùng dắt nhau đến trước Phật đảnh lễ, nghe Phật thấy pháp và đều thấy Đế. Người thời ấy truyền nhau: “Nhờ bóng Từ của Phật che mát mà cả hai vợ chồng Đại Quân được hết bệnh và thấy Đế”. Bóng Từ ở đây là hiện ra các loại thuốc thần.
Phật ở những nơi khác cũng hóa hiện các loại thuốc thần: Ngày ấy, vua Thắng Quân sai chặt cả tay chân của giặc cướp rồi đem bỏ xuống hào sâu. Khi đó, Đức Thế Tôn đắp y mang bát định vào thành khất thực, kẻ giặc cướp kia nhìn thấy Đức Phật liền cất tiếng kêu lớn: “Kính mong Đức Thế Tôn rủ lòng thương cứu vớt khổ nạn”. Đức Phật không những chỉ biết pháp duyên khởi ở nội tâm mà cũng biết rất rõ các việc duyên khởi ở bên ngoài, nên liền dùng thần lực đem thuốc từ núi Hương để chữa trị vết thương bị dao chém khiến hết đau nhức, nhân đấy giảng nói pháp cho nghe. Kẻ giặc cướp nghe xong liền thấy bốn Thánh đế. Người thời ấy bảo: “Cho đến kẻ giặc cướp xấu ác vẫn được bóng Từ của Phật che mát khiến hết khổ, lại được thấy Đế”. Bóng Từ ở đây là hóa hiện các loại thuốc thần.
Về việc hiện ra các sự xúc chạm vi diệu: Từng nghe: Khi đó, Đức Phật ở phía Nam trên đỉnh núi Thứu, còn Đề-bà-đạt-đa thì ở phía Bắc. Ông này suốt ngày đêm bị nhức đầu bỏ cả ăn ngủ, Tôn giả A-nan thương xót bạch rõ cùng Phật. Đức Phật liền duỗi cánh tay phải như vòi của một voi chúa, xuyên qua ngọn núi Thứu chạm nơi đầu của Thiên Thọ, hiện pháp xúc chạm vi diệu và nói lời thành thực: “Ta đối với Thiên Thọ tâm từ thương xót cũng như La-hầu-la không khác, sẽ khiến đầu của Thiên Thọ hết đau nhức”. Đầu Thiên Thọ đang đau nhức, khi nghe tiếng nói trên liền hết đau. Ông này cố nhớ lại tự hỏi “Thấy có tay ai chạm vào?”. Biết đó là tay Phật, nhưng ông ta lại bảo: “Ta khéo biết thuốc hay nên đã tự trị lấy”. Người thời ấy bảo nhau: “Cho đến Thiên Thọ Đức Phật cũng dùng bóng Từ che mát, nên đầu đau liền hết nhức”. Bóng Từ ở đây là hiện ra các sự xúc chạm vi diệu.
Phật ở những chốn khác cũng hóa hiện các sự xúc chạm vi diệu: Từng nghe: Khi đó, Đức Thế Tôn nhân đi xem xét các phòng xá, lúc đến một phòng thấy trong ấy có một Bí-sô bị bệnh đang nằm, người dính đầy phân thối, lại không thể xoay trở được. Người này thấy Phật liền buồn bã thưa Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Con nay không nơi quy hướng, không ai cứu giúp”. Đức Thế Tôn bảo: “Thầy vốn đã xuất gia há chẳng đã quy y với Đấng Từ Phụ trong ba cõi sao?”. Bí-sô ấy thưa: “Đúng thế”. Phật lại bảo: “Vậy vì sao thầy lại nói con nay không nơi quy hướng, không ai cứu giúp? Thầy có từng giúp đỡ chăm sóc cho các Bí-sô bị bệnh chưa?”. Người ấy đáp: “Chưa từng làm việc đó”. Đức Phật nói: “Vì thế nên người khác không đến giúp đỡ thầy”. Đức Phật liền đích thân giúp Bí-sô bệnh cởi quần áo để một nơi rồi dùng thanh tre mỏng gạt hết phân thối dính đầy người, lại lấy đất sét chà rửa khắp thân thể, có trời Đế thích cùng dội nước tắm rửa, xong xuôi lại dùng phân trâu thoa trét khắp phòng, trải cỏ rơm khô và đỡ Bí-sô bệnh vào nằm, lại giặt sạch áo dơ, phơi khô đem vào cho mặc. Phật còn chia nửa phần ăn của mình cho vị ấy, rồi dùng bàn tay đầy phước trang nghiêm tạo xúc chạm vi diệu xoa lên đỉnh đầu người bệnh, khiến các bệnh khổ tức thời tiêu tan. Đức Phật lại giảng nói pháp cho Bí-sô ấy nghe nên chứng được quả A-la-hán. Người thời ấy bảo: “Cho đến người bệnh khi được Phật che bóng Từ thì bệnh lành và chứng quả”. Bóng Từ ở đây là hóa hiện các sự xúc chạm vi diệu.
Về việc hiện ra hình bóng an lạc: Từng nghe: Lúc này, Đức Thế Tôn và Tôn giả Xá-lợi-tử cùng đi kinh hành một nơi, khi ấy có một con chim nhỏ bị chim ưng to đuổi bắt ăn thịt. Chú chim nhỏ bay sà vào núp bóng Tôn giả Xá-lợi-tử nhưng vẫn còn run rẩy chưa hết sợ. Chim liền bay đến núp bóng Đức Phật, thân tâm yên tĩnh, thản nhiên. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử chấp tay bạch Phật: “Vì sao chim ấy núp vào bóng con thì vẫn còn sợ sệt, nhưng khi vừa bay sang núp bóng của Phật thì thân hết run và tâm hết sợ?”. Đức Thế Tôn bảo: “Thầy chỉ mới sáu mươi kiếp tu ý không hại, còn Ta thì đã trải qua ba đại vô số kiếp tu ý không hại. Thầy hãy còn thói quen tàn hại, còn Ta thì đã đoạn dứt hẳn, cho nên khiến như thế”. Người thời ấy đều nói: “Cho đến một chú chim nhỏ được bóng Từ của Phật che mát thì cũng hết cả sợ hãi”. Bóng Từ ở` đây là hiện ra hình bóng an lạc.
Cũng có câu chuyện khác kể Phật hiện ra hình bóng an lạc: Từng nghe: Vua ngu si bạo ác là Tỳ-lư-trạch-ca (vua Lưu Ly) hủy hoại nước Kiếp-tỷ-la như thiên cung, tru diệt cả giòng họ Thích, cướp đoạt châu báu, tiền của, dắt theo năm trăm cô gái giòng họ Thích đem về nước Thất-la-phiệt, cùng lên lầu đài cao tự khoe: “Giòng họ Thích giàu sang khinh mạn, ta đã giết hết cả”. Một cô gái họ Thích bảo: “Giòng họ Thích chúng tôi vì giữ giới nên phải bị nhà vua giết hại đấy thôi”. Tỳ-lư-trạch-ca nghe xong đùng đùng nổi giận bảo: “Cả đám nữ nhân họ Thích này vẫn còn ngạo mạn”. Thế là tất cả đều bị chặt cả tay chân đem quăng xuống hào ở chân thành. Bấy giờ, bị đau đớn hành hạ, các cô gái đều chuyên tâm nghĩ đến Phật mong Ngài rủ lòng thương xót. Phật biết rõ ý nghĩ của họ, nên chỉ trong khoảnh khắc cùng với tâm Đại Bi, Ngài duỗi cánh tay tìm đến nơi chốn kia, khiến trời Đế thích đem áo tới che cho các nàng, rồi từ thân Phật phóng ra ánh sáng chiếu soi đến khắp các cô gái. Khi các cô gái giòng họ Thích được ánh sáng che phủ thì những đau đớn đều dứt hết, thân tâm trở nên yên ổn, lại được Phật giảng nói pháp nên đều được thấy Đế, sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba thượng diệu. Người thời ấy bảo nhau: “Nhờ bóng Từ của Phật che chở, cho đến cả các cô gái giòng họ Thích cũng đều được lợi lạc”. Bóng Từ ở đây là hiện ra hình bóng an lạc.
Do vô số các nhân duyên như thế, nên không phải bóng Từ khiến được yên vui tức thời.
Như Khế kinh nói: Tu Từ rốt ráo đến cùng sẽ sinh lên trời Biến tịnh. Tu Bi rốt ráo đến cùng sẽ sinh lên Không vô biên xứ. Tu Hỷ rốt ráo đến cùng sẽ sinh lên Thức vô biên xứ. Tu Xả rốt ráo đến cùng sẽ sinh lên Vô sở hữu xứ.
Hỏi: Tu Từ rốt ráo đến cùng sẽ sinh lên trời Biến tịnh, việc ấy có thể như thế, vì đạt được là thuận hợp. Còn tu ba thứ vô lượng kia rốt ráo đến cùng, chứng được ba cõi vô sắc ở dưới, vì sao lại như thế? Há có việc thiện ở cõi sắc mà chiêu cảm quả ở cõi vô sắc chăng?
Đáp: Có thuyết nói: Lời nói này rất là sâu xa. Đức Di-lặc khi hạ sinh sẽ giải thích rõ nghĩa này.
Lại có thuyết nêu: Tôn giả Tịch Thọ có thể giải thích rõ ý nghĩa ấy. Luận sư của Bản Luận này đang khi tạo luận đã được gặp Tôn giả trong định, nhưng không thỉnh hỏi gì.
Có Sư khác nói: Phật quán thấy rõ các người được hóa độ cần phải dùng tiếng vô lượng chỉ cho các định vô sắc thì họ mới hiểu nên phải nói như thế. Cũng như đối với các giải thoát, phải dùng tiếng tám phương mà nói.
Hoặc có thuyết cho: Trong đây Đức Phật đối với các giác chi của tĩnh lự thứ ba đối trị về ba xứ vô sắc dưới mà nói là Từ v.v… nên không trái lý.
Có thuyết khác nói: Vì giống với các thứ kia nên nói như thế. Nghĩa là Từ vô lượng có hành tướng an vui hoạt động và lạc thọ cùng cực thì đến bậc tĩnh lự thứ ba. Bi vô lượng có hành tướng khổ hoạt động, những thứ có sắc phải chịu mọi thứ khổ như bị chặt tay chân v.v… chẳng hạn. Còn Không vô biên xứ có chê trách các sắc giống như các hành tướng của Bi. Hỷ vô lượng có hành tướng vui mừng hoạt động, vì ở Thức vô biên xứ đối các thức vui vẻ giống như hành tướng của Hỷ. Về Xả vô lượng đều có hành tướng buông bỏ hoạt động, vì ở Vô sở hữu xứ có nhiều thứ buông bỏ, giống như hành tướng của Xả. Cho nên dựa vào các sự việc giống nhau mà nói là vô lượng.
Lại nữa, vì đạt đến lạc trụ đó nên nói như thế. Nghĩa là người thích tu hạnh Từ, lìa bỏ các nhiễm ở cõi dục, khởi tâm tĩnh lự thứ nhất, không có lạc trụ, nên lại càng mong cầu tiến hơn lên để lìa các nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất, khởi bậc tĩnh lự thứ hai cũng lại như thế. Lìa các nhiễm ở tĩnh lự thứ hai, khi khởi bậc tĩnh lự thứ ba thì tâm liền có lạc trụ.
Người thích tu hạnh Bi, lìa bỏ các nhiễm ở cõi dục v.v… cho đến các nhiễm ở bậc tĩnh lự thứ ba, khởi bậc tĩnh lự thứ tư, tâm không có lạc trụ, nên lại càng cầu mong tiến hơn để lìa các nhiễm ở tĩnh lự thứ tư và khi khởi định Không vô biên xứ thì tâm liền có lạc trụ.
Người thích tu hạnh Hỷ, lìa bỏ các nhiễm ở cõi dục v.v… cho đến ở bậc tĩnh lự thứ tư, khởi định Không vô biên xứ, tâm không có lạc trụ, nên lại càng cầu mong tiến hơn để lìa các nhiễm ở Không vô biên xứ và khi khởi định Thức vô biên xứ thì tâm liền có lạc trụ.
Người thích tu hạnh Xả, lìa bỏ các nhiễm ở cõi dục v.v… cho đến các nhiễm ở Không vô biên xứ, khởi định Thức vô biên xứ, tâm không có lạc trụ, nên lại càng cầu mong tiến hơn để lìa các nhiễm ở Thức vô biên xứ và khi khởi định Vô sở hữu xứ thì tâm liền có lạc trụ, cho nên dựa vào lạc trụ mà nói tiếng vô lượng.
Lại nữa, căn cứ vào sự cùng tùy thuận mà nói như thế. Nghĩa là Từ khởi đẳng lưu ở cõi dục thuận với tĩnh lự thứ ba. Tĩnh lự thứ ba khởi đẳng lưu ở cõi dục thuận với Từ. Nói rộng cho đến Xả khởi đẳng lưu ở cõi dục thuận với Vô sở hữu xứ. Vô sở hữu xứ khởi đẳng lưu ở cõi dục thuận với Xả. Nên dựa vào sự cùng thuận mà nói tiếng vô lượng.
Lại nữa, vì nhằm đối trị ngoại đạo, đối với cõi vô sắc khởi tưởng cho là giải thoát, nên dùng tiếng vô lượng để nói về vô sắc, làm sáng tỏ cõi vô sắc đều giống như vô lượng, không phải là giải thoát chân thật. Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói: Các ngoại đạo ngu tối chấp cho cõi vô sắc là giải thoát, nên Đức Phật đối với họ dùng tiếng vô lượng để chỉ rõ nó giống với vô lượng mà không phải là giải thoát chân thật.
***
* Có bốn vô sắc: 1. Không vô biên xứ. 2. Thức vô biên xứ. 3. Vô sở hữu xứ. 4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Tạo luận là để ngăn chận các thuyết khác và làm sáng tỏ nghĩa đúng đắn. Tức có kẻ nói: Cõi vô sắc có sắc, như Phái Luận Phân Biệt. Hoặc có kẻ cho: Cõi vô sắc không có sắc, như Phái Luận Ứng Lý.
Hỏi: Phái Luận Phân Biệt dựa vào giáo lý nào để nói là cõi vô sắc cũng có sắc?
Đáp: Dựa vào Khế kinh. Nghĩa là Khế kinh nói: Danh sắc duyên nơi thức, thức duyên với danh sắc. Ở cõi vô sắc đã có thức, vậy cũng có danh sắc.
Kinh khác lại nói: Thọ mạng, noãn, thức, ba thứ đó luôn hòa hợp, không lìa nhau, nên không thể nêu đặt có việc sai khác, lìa riêng. Trong cõi vô sắc đã có thức và thọ mạng, vậy thì cũng có noãn.
Kinh khác lại nói: Nếu lìa sắc thọ tưởng hành không nên nói thức có tới, lui, đứng, có sống có chết. Nhưng trong cõi vô sắc đã có thức, nên cũng có đủ bốn thức trụ.
Lại có vấn nạn về lỗi: Nếu cõi vô sắc hoàn toàn không có sắc, thì khi ở cõi dục, cõi sắc mạng chung sinh vào cõi vô sắc, ở đó hoặc hai vạn kiếp, bốn vạn kiếp, sáu vạn kiếp, tám vạn kiếp, các sắc đã đoạn hết, sau đó mạng chung sinh trở lại cõi dục, cõi sắc, bấy giờ sắc do đâu mà khởi? Nếu sắc đã đoạn hết mà lại khởi lên được thì khi nhập Niết-bàn các hành đã đoạn hết, sau đấy các hành cũng khởi lên được. Để không có lỗi này, nên nói cõi vô sắc nhất định là có sắc.
Hỏi: Còn Phái Luận Ứng Lý dựa vào giáo lý nào để cho cõi vô sắc hoàn toàn không có sắc?
Đáp: Cũng dựa vào Khế kinh. Nghĩa là Khế kinh nói: Ở cõi sắc thì xuất ly dục, ở cõi vô sắc thì xuất ly sắc, còn Niết-bàn tịch diệt thì xuất ly các hữu vi. Đã nói cõi vô sắc xuất ly sắc, nên cõi vô sắc nhất định là không có sắc.
Kinh khác cũng nói: Khi nhập tĩnh lự thì quán thấy tất cả các sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như các thứ bệnh, ung nhọt, cho đến nói rộng. Lúc nhập định vô sắc thì quán thấy tất cả các thọ, tưởng, hành, thức đều như các thứ bệnh, ung nhọt, cho đến nói rộng. Do đó nên biết trong cõi vô sắc nhất định là không có sắc.
Kinh khác lại nêu: Các định ở cõi vô sắc thì tịch tĩnh giải thoát, vượt ngoài các sắc. Do đó nên biết trong cõi vô sắc nhất định không có sắc.
Kinh khác cũng lại nói: Vượt ngoài các tưởng sắc, diệt hết các tưởng có đối, không còn suy tư về các thứ tưởng, nhập vào vô biên không, trụ đầy đủ vào Không vô biên xứ, cho nên cõi vô sắc nhất định là không có sắc.
Lại có vấn nạn về lỗi: Nếu cõi vô sắc cũng có sắc thì cũng không có pháp diệt hết dần theo thứ lớp. Nếu không có pháp diệt hết dần theo thứ lớp thì cũng không có pháp diệt hết rốt ráo. Nếu không có pháp diệt hết rốt ráo thì cũng không có Niết-bàn giải thoát xuất ly. Để không phạm lỗi này nên cõi vô sắc nhất định là không có sắc.
Hỏi: Trong hai phái này thì phái nào nói đúng?
Đáp: Điều trình bày của các Luận sư Phái Luận Ứng Lý là đúng.
Hỏi: Phái Luận Ứng Lý làm thế nào để giải thích thông suốt các điều nói trong các kinh của Phái Luận Phân Biệt đã dẫn chứng?
Đáp: Vì các kinh do Phái kia dẫn ra thuộc loại không liễu nghĩa, tức đó là những điều nêu đặt có ý nghĩa riêng. Vì sao? Vì khi Đức Như Lai giảng nói pháp, hoặc dựa vào cõi dục, hoặc dựa vào cõi sắc, hoặc dựa vào cõi vô sắc, hoặc dựa vào cõi dục và cõi sắc, hoặc dựa vào cõi sắc và cõi vô sắc, hoặc dựa vào cả ba cõi, hoặc dựa vào sự lìa bỏ cả ba cõi.
Dựa vào cõi dục: Như nói về ba tầm, ba tưởng của ba cõi, tức là tầm dục, sân và hại.
Dựa vào cõi sắc: Như nói về bốn tĩnh lự.
Dựa vào cõi vô sắc: Như nói về bốn vô sắc.
Dựa vào cõi dục và cõi sắc: Như kinh của Phái kia đã dẫn.
Dựa vào cõi sắc và cõi vô sắc: Như nói về tu định ý được thành tựu v.v…
Dựa vào ba cõi: Như nói về ba cõi và ba hữu v.v…
Dựa vào sự lìa cả ba cõi: Như nói về Niết-bàn và Thánh đạo v.v…
Lại kinh thứ nhất do Phái Luận Phân Biệt đã dẫn nói về danh sắc và thức cùng làm duyên lẫn nhau là dựa vào cõi dục và cõi sắc mà nói. Nếu ở cõi vô sắc chỉ có danh và thức cùng làm duyên cho nhau. Còn nếu theo như văn giữ lấy nghĩa tức kinh ấy có nói về sáu xứ duyên với xúc, thì ở cõi vô sắc há có đủ sáu xứ?
Lại kinh thứ hai do Phái ấy dẫn chứng nói là thọ mạng, noãn, thức, cả ba thứ ấy không lìa nhau, cũng là dựa vào cõi dục và cõi sắc mà nói. Nếu ở cõi vô sắc thì chỉ có thọ mạng và thức là cùng không lìa nhau. Còn nếu theo như văn giữ lấy nghĩa tức kinh ấy nói ba thứ thọ mạng, sức ấm (noãn), thức không thể nêu bày việc rời bỏ khác biệt, chứ ba thứ môn uẩn giới xứ này há không thể nêu bày chúng riêng rẽ khác biệt nhau sao?
Còn kinh thứ ba do Phái ấy dẫn chứng nói về lìa sắc thọ tưởng hành thì không thể nói thức có đi, có lại v.v… là cũng dựa vào cõi dục và cõi sắc mà nói. Nếu ở cõi vô sắc nên nói là nếu lìa thọ tưởng hành thì không nên nói là thức có đi, lại v.v… Còn nếu theo như văn giữ lấy nghĩa thì như có kinh khác nói: Tất cả các loài hữu tình đều nương vào sự ăn uống mà sống. Há hai cõi trên (Sắc và Vô sắc) lại cũng nhờ vào ăn uống sao?
Hỏi: Nơi điều vấn nạn về lỗi kia làm sao thông?
Đáp: Đây không cần phải thông suốt các thứ không phải ba Tạng giáo điển. Nhưng nếu cần phải thông suốt thì nên chỉ rõ về nghĩa lý. Tức đối với các sự việc đi lại, chết sống trong ba cõi, hoặc là sắc nối tiếp sắc, hoặc sắc nối tiếp không sắc, hoặc không sắc nối tiếp không sắc, hoặc không sắc nối tiếp sắc, do đó không nên nói các sắc đã đoạn dứt làm sao lại khởi dấy nghĩa không đoạn dứt.
Hỏi: Nếu đã lìa sắc rồi lại sinh ra sắc trở lại thì khi nhập Niếtbàn rồi các hành nên khởi trở lại chăng?
Đáp: Lìa có hai thứ: 1. Lìa tạm thời. 2. Lìa rốt ráo. Lìa tạm thời còn có thể sinh trở lại. Lìa rốt ráo tất không còn sinh trở lại nữa, nên không nên nêu vấn nạn.
Hỏi: Phái Luận Phân Biệt giải thích thế nào cho thông về các kinh của Phái Luận Ứng Lý đã nêu dẫn?
Đáp: Họ bảo các kinh ấy thuộc loại không liễu nghĩa, là những điều giả nêu đặt có ý nghĩa sâu xa riêng. Vì sao? Nghĩa là Khế kinh kia nói về cõi vô sắc xuất ly sắc là xuất ly các thứ sắc thô, không phải là không có sắc vi tế. Như nói cõi sắc xuất ly các dục nhưng trong cõi sắc cũng còn nhận cho là có sắc. Nói cõi vô sắc xuất ly sắc thì trong cõi vô sắc cũng nên nhận cho là có sắc. Điều đó không nên nói như thế. Vì không nói cõi sắc xuất ly sắc, nên có thể cũng còn có sắc. Phải nói là cõi vô sắc xuất ly sắc, nên nhất định là không có sắc.
Lại như cõi sắc nói xuất ly các dục, nhưng cả dục vi tế cũng không có, tức khi nói cõi vô sắc xuất ly sắc, nên cũng không còn sắc vi tế. Lại, ở cõi vô sắc không có một thứ thọ thô nào, thì cũng nên nói là không có cõi như thọ v.v…
Lại như các sắc vi tế ở cõi sắc đối với cõi dục nên nói cõi sắc cũng gọi là vô sắc. Còn ba xứ vô sắc dưới là thô đối với xứ Hữu đảnh, nên nói ba xứ dưới ấy gọi là cõi có sắc.
Do đó, các điều Phái ấy nêu bày nhất định là không đúng lý. Việc ấy đối với các kinh khác và các vấn nạn về lỗi đều không thể thông suốt. Thế nên cần biết: Luận Phân Biệt chính là quả vô tri, là quả đen tối, là quả vô minh, là quả không siêng tu gia hạnh.
Nói cõi vô sắc cũng còn có sắc vi tế, nhưng thật ra ở cõi vô sắc các sắc đều không, là nhằm ngăn chận các chủ thuyết khác, hiển bày chủ thuyết của mình hiện có là chính nghĩa. Nhưng không phải chỉ như thế mà chính cũng là làm sáng tỏ lý chánh của các pháp, khiến cho mọi người cùng hiểu rõ, nên tạo ra phần Luận này.
HẾT – QUYỂN 83