LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 84

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 14

1. Thế nào là Không vô biên xứ?

Luận Phẩm Loại Túc nói: Không vô biên xứ gồm có hai thứ: Nghĩa là định và sinh. Nếu sinh vào xứ ấy thì các thứ thọ tưởng hành thức đều là vô phú vô ký. Như thế gọi chung là Không vô biên xứ v.v… cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ nêu bày cũng như thế.

Ở đây, định tức là định vô sắc. Sinh tức là sinh nơi cõi vô sắc. Nếu sinh vào xứ ấy thì các thứ thọ tưởng hành thức đều là vô phú vô ký. Đây là nói về dị thục của bốn uẩn ấy.

Như Khế kinh nói: “Vượt các tưởng sắc, diệt hết các tưởng có đối, không tư duy về các thứ tưởng, nhập vào không vô biên, trụ đầy đủ nơi Không vô biên xứ. Đó gọi là Không vô biên xứ”.

Ở đây, Vượt các tưởng sắc: Tức là vượt khỏi các tưởng tương ưng với nhãn thức.

Hỏi: Khi lìa các nhiễm của tĩnh lự thứ nhất thì đã vượt tưởng này, vì sao nay nói là vượt các tưởng sắc?

Đáp: Vượt quá đối tượng nương dựa. Vượt quá này có hai thứ: Một là vượt quá tự tánh. Hai là vượt quá đối tượng nương dựa. Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất là vượt quá tự tánh của các tưởng kia, gọi là vượt. Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư là vượt quá đối tượng nương dựa của nó, nên gọi là vượt khỏi các tưởng kia.

Lại nữa, vượt quá hiện hành. Vượt quá này có hai thứ: Một là vượt quá do đoạn trừ. Hai là vượt quá do không hiện hành. Lúc lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, đoạn dứt các tưởng sắc, gọi là vượt. Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, các tưởng không còn hiện hành, nên gọi là vượt khỏi chúng.

Lại nữa, vượt quá trụ xứ. Vượt quá này có hai thứ: Một là vượt quá dục tham. Hai là vượt quá trụ xứ. Khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất là vượt quá dục tham của tưởng kia, gọi là vượt. Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư là vượt quá trụ xứ đó, nên gọi là vượt khỏi các tưởng kia.

Lại nữa, nếu sinh lên tĩnh lự thứ tư, nhãn thức sẽ dẫn các sắc tham của tưởng kia hiện tiền. Khi lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ tư, cũng gọi là vượt khỏi các tưởng sắc, không còn dẫn khởi duyên với các sắc tham nữa.

Diệt hết các tưởng có đối: Nghĩa là diệt hết các tưởng tương ưng với thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân.

Hỏi: Khi lìa các nhiễm ở cõi dục thì đã diệt thức tỷ và thiệt tương ưng với tưởng. Lúc lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất là đã lìa thức nhĩ và thân tương ưng với tưởng. Vì sao nay mới nói là diệt các tưởng có đối?

Đáp: Trong các lời đáp trước tùy chỗ thích hợp nên cũng thông suốt với câu hỏi ấy.

Có Sư khác nói: Là tưởng tương ưng với sân giận gọi là tưởng có đối.

Hỏi: Khi lìa nhiễm ở cõi dục đã diệt hết các tưởng tương ưng với sân giận, vì sao nay mới nói là diệt hết các tưởng có đối?

Đáp: Vì vượt quá nơi chốn nương dựa của nó. Nghĩa là các nơi chốn nó nương dựa có thể khởi lên các tưởng sân giận, nay khi lìa các nhiễm ở tĩnh lự thứ tư thì đều vượt quá chúng, nên gọi là diệt hết. Hỏi: Vì sao không gọi diệt các tưởng sắc là vượt các tưởng có đối?

Đáp: Cũng nên cùng nói vì muốn hiện bày lối văn dị biệt để tạo nên sự ưa thích. Lại nữa, vì muốn hiện rõ hai môn, cho đến nói rộng.

Không tư duy về các thứ tưởng: Nghĩa là không hiện khởi các tưởng tạp loạn tương ưng với ý thức của tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Nghĩa của các thứ tưởng ấy là gì?

Đáp: Cái tưởng này duyên với tướng khác nhau với vô số thứ xứ. Tức là nhiễm ô duyên với tướng khác biệt của mười xứ, không nhiễm ô duyên với tướng khác biệt của mười hai xứ. Do đó, tưởng này gọi là vô số các thứ tưởng.

Hỏi: Vì sao nói là không tư duy về các thứ tưởng?

Đáp: Do khi lìa các nhiễm ở tĩnh lự thứ tư, các thứ tưởng này trở thành một thứ cản trở, trói buộc, gây chướng ngại, như tên cai ngục hung dữ, nên Đức Thế Tôn nói khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư thì không nên tư duy khởi vô số các thứ tưởng, như thế mới nhanh chóng lìa được các nhiễm ấy nhập vào vô biên không, trụ nơi Không vô biên xứ.

Hỏi: Ở đây, vì sao gọi là Không vô biên xứ? Là do tự tánh hay do đối tượng duyên? Nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu do tự tánh thì Không vô biên xứ lấy bốn uẩn làm tự tánh, như thế đâu gọi là không được. Còn nếu do đối tượng duyên thì Không vô biên xứ duyên nơi bốn Thánh đế và hư không phi trạch diệt, vì sao chỉ gọi là Không vô biên xứ.

Đáp: Nên nói như vầy: Cõi ấy không phải là do tự tánh, cũng không phải là do đối tượng duyên, chỉ là do gia hạnh, nên gọi là Không vô biên xứ. Như Luận Thi Thiết nói: Nên dùng gia hạnh nào để tu định Không vô biên xứ? Do gia hạnh nào để nhập vào định Không vô biên xứ? Nghĩa là người mới tu định, trước hết phải tư duy về tướng hư không của các thứ như vách tường, trên cây, trên ngọn núi, trên nhà cửa v.v… giữ lấy hình tướng đó, nhờ tưởng thắng giải quan sát, soi chiếu thấy rõ tướng Không vô biên xứ, do trước đã tư duy về tướng vô biên không mà tu gia hạnh, dần dần mở rộng tiến đến khởi định vô sắc thứ nhất v.v… nên gọi đó là Không vô biên xứ.

Lại nữa, pháp là như thế, đầu tiên là xa lìa địa sắc, nên gọi là Không vô biên xứ.

Lại nữa, pháp là như thế, đầu tiên là giải thoát khỏi địa sắc, nên gọi là Không vô biên xứ. Nghĩa là các Sư Du-già trước hết dựa vào địa sắc trên để lìa nhiễm của địa sắc dưới. Như khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ tư phải dựa vào bốn uẩn của Không vô biên xứ để lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ tư. Trước hết duyên vào địa trên tạo ra tưởng hư không, sau đó mới dẫn khởi đạo lìa nhiễm ở địa dưới. Như người muốn leo lên cây, trước phải dựa vào cành trên bỏ dần các cành dưới. Khi đã leo đến ngọn cây thì không còn dựa vào các cành cây nữa, bấy giờ chỉ khởi tưởng về không.

Lại nữa, dựa vào đẳng lưu nên nói định này tên là Không vô biên xứ. Nghĩa là các Sư Du-già khi từ định này xuất tất khởi tưởng không tương tợ hiện tiền.

Từng nghe: Một vị Bí-sô khi xuất định này rồi cứ đưa hai tay lên hư không để nắm bắt. Có người hỏi: “Thầy tìm bắt cái gì vậy?”. Bí-sô trả lời: “Tôi tìm kiếm thân tôi”. Người kia nói: “Thân của thầy đang ngồi trên giường sao tìm kiếm ở chỗ khác?”. Cho nên từ định này xuất tất khởi tưởng hư không. Tưởng ấy tức là đẳng lưu của định trước.

Trụ đầy đủ: Nghĩa là đã thành tựu được bốn uẩn thiện của Không vô biên xứ. Đã được thành tựu gọi là trụ đầy đủ. Đó gọi là Không vô biên xứ.

2. Thế nào là Thức vô biên xứ?

Như Khế kinh nói: Vượt quá tất cả Không vô biên xứ, nhập vào thức vô biên, trụ đầy đủ nơi Thức vô biên xứ. Đó gọi là Thức vô biên xứ.

Hỏi: Ở đây vì sao gọi là Thức vô biên xứ? Là do tự tánh hay là do đối tượng duyên? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu do tự tánh thì Thức vô biên xứ lấy bốn uẩn làm tự tánh tức không nên chỉ gọi là Thức vô biên xứ. Còn nếu do đối tượng duyên thì Thức vô biên xứ duyên với bốn Thánh đế và hư không phi trạch triệt nên cũng không thể chỉ gọi là Thức vô biên xứ.

Đáp: Nên nói như vầy: Định ấy không phải do tự tánh, cũng không phải do đối tượng duyên, chỉ là do gia hạnh, nên gọi là Thức vô biên xứ. Như Luận Thi Thiết nói: Nên dùng gia hạnh nào để tu định Thức vô biên xứ? Do gia hạnh nào để nhập vào định Thức vô biên xứ? Nghĩa là người mới tu định, trước hết phải tư duy về tướng thanh tịnh của sáu thứ thức như nhãn v.v… giữ lấy tướng đó, nhờ tưởng thắng giải người ấy quan sát, soi chiếu thấy rõ tướng thức vô biên, do trước đã tư duy về tướng thức vô biên mà tu các gia hạnh, dần dần mở rộng dẫn khởi định vô sắc thứ hai v.v… nên gọi đó là Thức vô biên xứ.

Lại nữa, dựa vào đẳng lưu nên nói định này tên là Thức vô biên xứ. Nghĩa là các Sư Du-già khi từ định này xuất tất khởi tướng thức tương tợ hiện tiền, tức là đối với tướng thức vui vẻ an trụ.

Trụ đầy đủ: Nghĩa là đã thành tựu được bốn uẩn thiện của Thức vô biên xứ. Đã được thành tựu gọi là trụ đầy đủ. Đó gọi là Thức vô biên xứ.

3. Thế nào là Vô sở hữu xứ?

Như Khế kinh nói: Vượt quá tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào vô sở hữu, trụ đầy đủ nơi Vô sở hữu xứ. Đó gọi là Vô sở hữu xứ.

Hỏi: Ở đây, vì sao gọi là Vô sở hữu xứ?

Đáp: Là do không có ngã và không có ngã sở.

Hỏi: Trong tất cả các địa đều không có ngã và ngã sở, vì sao riêng ở đây gọi là Vô sở hữu xứ?

Đáp: Vì không có các địa khác có thể khiến có ngã chấp và ngã sở chấp. Lực dụng của chúng rất yếu ớt, mỏng manh, giảm bớt rất nhiều như ở địa này, nên ở đây riêng gọi là Vô sở hữu xứ.

Lại nữa, địa này không có pháp nào là chân thật, thường hằng, không biến đổi cả, lại chế ngự, tổn hại thường kiến (chấp thường) mạnh hơn các địa khác, nên ở đây riêng gọi là Vô sở hữu xứ.

Lại nữa, địa này không có chỗ hướng tới, quay về, như các thứ nhà cửa, nơi chốn để có thể cứu giúp cho mình, lại chế phục phá bỏ được các thứ kiêu mạn, lười biếng, phóng dật v.v… mạnh hơn các địa khác, nên ở đây riêng gọi là Vô sở hữu xứ.

Lại nữa, trong địa này không có các hành tướng vô biên, đầu tiên đã buông bỏ các tướng ấy, nên ở đây riêng gọi là Vô sở hữu xứ.

Tôn giả Thế Hữu nói: Ở trong định này không có chủ thể thâu giữ, đối tượng được thâu giữ các hành tướng hoạt động, như nói vô ngã có nơi chốn, có thời gian, có vật lệ thuộc, cũng không có nơi chốn, thời gian, vật lệ thuộc của nơi ngã, nên ở đây riêng gọi là Vô sở hữu xứ.

Trụ đầy đủ: Nghĩa là đã thành tựu được bốn uẩn thiện của Vô sở hữu xứ. Đã thành tựu được gọi là trụ đầy đủ. Đó gọi là Vô sở hữu xứ.

Hỏi: Vì sao Đức Phật lại riêng gọi Vô sở hữu xứ là Xả?

Đáp: Xả nghĩa là Thánh đạo có thể buông bỏ hết. Nếu có địa Thánh đạo thì đây là địa sau cùng, nên riêng lập tên Xả.

Tôn giả Thế Hữu nói: Địa này gần với xả, nhờ tưởng thắng giải về hành tướng vô biên và quán giải thô, nên riêng lập tên Xả.

Đại đức nói: Địa này buông bỏ các tác ý về hành tướng vô biên có công dụng nơi các tâm và tâm sở pháp trụ vào chỗ không công dụng, nên riêng lập tên Xả.

4. Thế nào là Phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Như Khế kinh nói: Vượt quá tất cả Vô sở hữu xứ, nhập nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ trụ đầy đủ. Đó gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Ở đây vì sao gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Đáp: Trong địa này không có tướng của tưởng sáng rõ, cũng không có tướng vô tưởng, nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Không có tướng của tưởng sáng rõ: Tức không phải như định của bảy địa có tưởng.

Cũng không có tướng vô tưởng: Tức không phải như định vô tưởng và định diệt, do tưởng của địa này rất mờ tối, yếu ớt, không sáng rõ, không quyết định, nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Trụ đầy đủ: Nghĩa là đã thành tựu được bốn uẩn thiện của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đã được thành tựu gọi là trụ đầy đủ. Đó gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Cõi dục và Phi tưởng phi phi tưởng xứ do đâu không có đạo vô lậu?

Đáp: Vì chúng không phải là ruộng đất, là vật chứa đựng (nơi chốn sinh sản và thâu nhận). Nghĩa là hai địa này không phải là chỗ nương dựa của đạo vô lậu, do sự lãnh nhận, nên trong hai địa này đều không có đạo vô lậu.

Lại nữa, vì đoạn dứt gốc của hữu. Nghĩa là hai địa này là căn bản của hữu, còn các đạo vô lậu thì đoạn dứt căn bản của hữu, nên trong hai địa này đều không có đạo vô lậu.

Lại nữa, vì đoạn trừ hai biên. Nghĩa là hai địa này là hai biên của trên dưới, còn các đạo vô lậu thì có thể đoạn dứt cả hai biên, trụ vào trung đạo, nên trong hai địa này đều không có đạo vô lậu.

Lại nữa, cõi dục là địa không an định, cũng không phải là địa tu tập, hay địa lìa nhiễm, còn xứ Hữu đảnh thì mờ tối, không quyết định, giống như ngờ vực. Các đạo vô lậu tất phải nương vào cõi an định, địa tu tập lìa nhiễm, sáng rõ, quyết định nhanh nhẹn, nên trong hai địa ấy đều không có đạo vô lậu.

Lại nữa, ở địa cõi dục thì trạo cử tăng thượng, còn ở địa Hữu đảnh thì sự vắng lặng yên dứt tăng thượng, nên không phải là chỗ nương của đạo vô lậu.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn đối với định vô sắc đều nói là vượt, còn đối với tĩnh lự thì không nói như thế?

Đáp: Đối với tĩnh lự Đức Phật cũng nói là vượt. Như Đức Thế Tôn bảo Ô-đà-di: Các Bí-sô nên lìa bỏ các pháp dục ác bất thiện, có tầm có tứ, ly sinh hỷ lạc, nhập vào tĩnh lự thứ nhất, an trụ đầy đủ, Ta nói đó là lửa, cũng là chỗ đoạn trừ, cũng là chỗ nên vượt qua, cho đến tĩnh lự thứ tư cũng như thế.

Hỏi: Chỉ có một kinh nói tĩnh lự là nên vượt qua, còn các kinh khác đều nói định vô sắc là vượt qua. Việc này có ý gì?

Đáp: Vì trong tĩnh lự có nhiều thứ pháp khác biệt không giống nhau, nên không nói là vượt. Còn định vô sắc thì không như thế, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, trong tĩnh lự có các căn tướng khác, các thọ tướng khác, có các tâm tâm sở pháp tướng khác, nên không nói là vượt. Còn định vô sắc thì không như thế, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, trong tĩnh lự có nhiều thứ công đức, nhiều thứ lợi ích thù thắng, nên không nói là vượt. Còn định vô sắc thì không như thế, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, các tĩnh lự thì thô, hiển bày rõ, dễ nhận, nên không nói là vượt. Còn định vô sắc thì vi tế, ẩn kín, không rõ, khó thấy, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, các tĩnh lự thì duyên khắp từ địa trên xuống dưới, nên không nói là vượt. Còn định vô sắc thì chỉ có thể duyên từ địa trên, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, vì các tĩnh lự cùng với các địa trên dưới tuy không sống chết nhưng có qua lại. Nghĩa là nhờ sức thần thông nên từ địa dưới lên địa trên, từ địa trên xuống địa dưới, nên không nói là vượt. Còn trong các địa vô sắc không có nghĩa như thế, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, vì các tĩnh lự cùng với các địa trên dưới trong đó có giao tiếp xen tạp: ở địa dưới có thì địa trên hiện tiền, trong địa trên có thì địa dưới hiện tiền. Vì đã có giao tiếp xen tạp, nên không nói là vượt. Còn trong các địa vô sắc không có nghĩa như thế, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, khi sinh trên tĩnh lự thì khởi pháp của địa dưới, như tâm biến hóa của các thức thân v.v… nên không nói là vượt. Còn sinh trên vô sắc thì không khởi được các pháp hữu lậu ở bậc dưới, nên nói riêng là vượt.

Lại nữa, khi sinh trên tĩnh lự thì có pháp của địa dưới luôn được tùy chuyển, như tâm biến hóa v.v… nên không nói là vượt. Còn sinh trên vô sắc thì các pháp hữu lậu ở địa dưới không được nghĩa tùy chuyển, nên nói riêng là vượt.

Do các nhân duyên như thế, nên đối với định vô sắc Đức Phật nói là vượt, còn đối với các tĩnh lự thì không nói.

Như Khế kinh nói: Không vô biên xứ có thọ lượng hai vạn kiếp, thọ lượng của Thức vô biên xứ là bốn vạn kiếp, thọ lượng của Vô sở hữu xứ là sáu vạn kiếp và thọ lượng của Phi tưởng phi phi xứ là tám vạn kiếp.

Hỏi: Vì sao thọ lượng của cõi vô sắc có xứ tăng gấp đôi, có xứ tăng phân nửa và tăng một phần ít?

Đáp: Như nhân dị dục có từng ấy sức thì sẽ nhận được từng ấy quả dị thục.

Lại nữa, hai xứ Không vô biên và Thức vô biên có hành tướng vô biên, cũng có hành tướng khác. Nghĩa là hành tướng vô biên của Không vô biên xứ chiêu cảm được thọ lượng một vạn kiếp, hành tướng khác cũng chiêu cảm được thọ lượng một vạn kiếp. Còn hành tướng vô biên của Thức vô biên xứ chiêu cảm được thọ lượng hai vạn kiếp, hành tướng khác cũng chiêu cảm được thọ lượng hai vạn kiếp. Các xứ trên lại không có hành tướng vô biên, chỉ có hành tướng khác, nên thọ lượng của chúng không thể tăng gấp đôi như xứ dưới. Nhưng ở xứ Vô sở hữu riêng có sức hàng phục loại trừ ngã và ngã sở v.v… hơn cả các hành quán thiện khác nơi các địa khác. Do thiện kia chiêu cảm được thọ lượng hai vạn kiếp, nên hành tướng khác cũng chiêu cảm được thọ lượng tăng gấp đôi.

Lại nữa, Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ có Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na. Nghĩa là Xa-ma-tha của Không vô biên xứ chiêu cảm được thọ lượng một vạn kiếp, Tỳ-bát-xá-na cũng chiêu cảm được thọ lượng một vạn kiếp. Còn Xa-ma-tha của Thức vô biên xứ chiêu cảm được thọ lượng hai vạn kiếp, Tỳ-bát-xá-na cũng chiêu cảm được thọ lượng hai vạn kiếp. Các xứ trên không có Tỳ-bát-xá-na thù thắng, chỉ có Xa-ma-tha, nên thọ lượng kia không tăng gấp đôi như xứ dưới. Phần còn lại như trước đã nói.

Lại nữa, ở bốn địa vô sắc đều không có nhiều thứ pháp công đức, nên mỗi mỗi bậc cùng có hai vạn kiếp thọ lượng. Ba vô sắc trên có lìa ít nhiều nhiễm của bậc dưới, nên số thọ lượng được tăng gấp đôi. Nghĩa là Thức vô biên xứ đã lìa nhiễm của một địa vô sắc ở dưới, nên chiêu cảm được thọ lượng hai vạn kiếp, cộng với hai vạn gốc thành bốn vạn kiếp. Xứ Vô sở hữu đã lìa nhiễm của hai địa vô sắc dưới, nên chiêu cảm được thọ lượng bốn vạn kiếp, cộng với hai vạn gốc thành sáu vạn kiếp. Xứ Phi tưởng phi phi tưởng đã lìa nhiễm của ba xứ vô sắc dưới, nên chiêu cảm được thọ lượng sáu vạn kiếp, cộng với hai vạn kiếp gốc thành tám vạn kiếp.

***

* Có tám giải thoát: Đó là:

1. Bên trong có tưởng sắc quán các sắc đạt giải thoát.

2. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, đạt giải thoát.

3. Tịnh giải thoát, thân tác chứng an trụ đầy đủ, đạt giải thoát.

4. Vượt các tưởng sắc, diệt hết tưởng có đối, không tư duy về các thứ tưởng, nhập vào không vô biên, trụ đầy đủ nơi Không vô biên xứ, đạt giải thoát.

5. Vượt tất cả Không vô biên xứ, nhập vào thức vô biên, trụ đầy đủ nơi Thức vô biên xứ, đạt giải thoát.

6. Vượt tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào vô sở hữu, trụ đầy đủ vào Vô sở hữu xứ, đạt giải thoát.

7. Vượt tất cả Vô sở hữu xứ, nhập nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ trụ đầy đủ, đạt giải thoát.

8. Vượt tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt, thân tác chứng, trụ đầy đủ, đạt giải thoát.

Hỏi: Tự tánh của tám giải thoát này là gì?

Đáp: Ba thứ giải thoát đầu lấy căn thiện không tham làm tự tánh, nên đều đối trị với tham, nếu gồm lấy các thứ tương ưng tùy chuyển thì ở cõi dục lấy bốn uẩn làm tự tánh, ở cõi sắc lấy năm uẩn làm tự tánh. Còn bốn giải thoát của xứ vô sắc đều lấy bốn uẩn làm tự tánh. Giải thoát tưởng thọ diệt lấy hành uẩn không tương ưng làm tự tánh. Như thế gọi là tự tánh, là bản tánh của tướng phần, tự thể ngã vật của giải thoát.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là giải thoát? Giải thoát là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa buông bỏ là nghĩa của giải thoát.

Hỏi: Nếu vì buông bỏ nên gọi là giải thoát thì giải thoát những gì và buông bỏ tâm nào?

Đáp: Hai giải thoát đầu thì buông bỏ tâm tham sắc. Giải thoát thứ ba thì buông bỏ tâm quán bất tịnh. Bốn giải thoát của xứ vô sắc thì mỗi thứ buông bỏ tâm của địa dưới mình. Giải thoát tưởng thọ diệt thì buông bỏ tất cả tâm có đối tượng duyên. Thế nên nghĩa buông bỏ là nghĩa giải thoát.

Tôn giả Thế Hữu nói: Tâm đối với các phiền não được giải thoát thanh tịnh nên gọi là giải thoát.

Đại đức nói: Do sức thắng giải mà được giải thoát, nên gọi là giải thoát.

Hiếp Tôn giả nói: Hết thảy đều buông bỏ, nên gọi là giải thoát.

Tám giải thoát này: Về cõi: Ba giải thoát đầu là cõi sắc. Ba giải thoát của xứ vô sắc trước, nếu hữu lậu là cõi vô sắc, nếu vô lậu là không thuộc cõi nào. Hai thứ giải thoát sau là cõi vô sắc.

Về địa: Hai giải thoát đầu thuộc về hai tĩnh lự đầu và định vị chí cùng tĩnh lự trung gian, các địa khác cũng có căn thiện giống nhau nhưng không lập làm hai thứ giải thoát đầu. Vì sao? Vì ở cõi dục tán loạn, sức buông bỏ rất yếu, nên không kiến lập hai thứ giải thoát đầu. Còn sự buông bỏ nơi cõi dục và ở tĩnh lự thứ nhất với các thức thân dẫn đến duyên với tâm tham sắc, nên hai tĩnh lự đầu lập ra hai giải thoát bất tịnh đầu. Tĩnh lự thứ hai và thứ ba không có các thức thân dẫn đến duyên với tâm tham sắc, nên tĩnh lự thứ ba và thứ tư không lập hai thứ giải thoát bất tịnh đầu.

Giải thoát thứ ba thuộc về tĩnh lự thứ tư, các địa dưới cũng có căn thiện giống nhau, nhưng không lập làm giải thoát thứ ba. Vì sao? Vì khi lập giải thoát tịnh là muốn buông bỏ tâm quán bất tịnh. Nếu ở địa dưới, vì sức điều phục của quán bất tịnh không rộng, không sáng, nên không kiến lập. Còn tĩnh lự thứ ba tuy không có hai thứ giải thoát bất tịnh đầu kia, nhưng vì bị lạc thù thắng khiến mê loạn, nên cũng không rộng, không sáng, nên không kiến lập.

Giải thoát thứ tư thuộc về Không vô biên xứ.

Hỏi: Ở trong địa này, pháp nào là giải thoát, pháp nào là không giải thoát?

Đáp: Các đạo gia hạnh lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát và thiện do sinh đắc đều không phải là giải thoát. Các pháp hữu vi thiện còn lại là giải thoát.

Giải thoát thứ năm thuộc về Thức vô biên xứ.

Hỏi: Ở trong địa này, pháp nào là giải thoát, pháp nào là không giải thoát?

Đáp: Các đạo gia hạnh lìa nhiễm nơi Không vô biên xứ, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát và thiện do sinh đắc đều không phải là giải thoát. Các pháp hữu vi thiện còn lại là giải thoát.

Giải thoát thứ sáu thuộc về Vô sở hữu xứ.

Hỏi: Ở trong địa này, pháp nào là giải thoát, pháp nào là không giải thoát?

Đáp: Các đạo gia hạnh lìa nhiễm nơi Thức vô biên xứ, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát và pháp thiện do sinh đắc đều không phải là giải thoát. Các pháp hữu vi thiện còn lại là giải thoát.

Giải thoát thứ bảy thuộc về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Ở trong địa này, pháp nào là giải thoát, pháp nào là không giải thoát?

Đáp: Các đạo gia hạnh lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát và pháp thiện do sinh đắc đều không phải là giải thoát. Các pháp hữu vi thiện còn lại là giải thoát.

Giải thoát tưởng thọ diệt thuộc về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Về chỗ nương dựa: Ba giải thoát đầu đều nương vào thân ở cõi dục để khởi. Giải thoát tưởng thọ diệt nương vào thân ở cõi dục và cõi sắc để khởi. Riêng bốn giải thoát còn lại nương vào thân của ba cõi để khởi.

Về hành tướng: Hai giải thoát đầu tạo hành tướng bất tịnh. Giải thoát thứ ba tạo hành tướng tịnh. Giải thoát của bốn xứ vô sắc tạo mười sáu hành tướng, hoặc có hành tướng khác. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt không tạo hành tướng.

Về đối tượng duyên: Ba giải thoát đầu duyên với sắc xứ của cõi dục.

Giải thoát thứ tư duyên với bốn vô sắc và tất cả phẩm loại trí của nhân đó, diệt đó. Hoặc bốn vô sắc cùng phẩm loại trí, phi trạch diệt cùng với hư không, hoặc cho là một vật, hoặc cho là nhiều vật, tất cả đều duyên.

Giải thoát thứ năm duyên với ba vô sắc sau và tất cả phẩm loại trí của nhân đó, diệt đó. Hoặc ba vô sắc sau và phẩm loại trí, phi trạch diệt cùng với hư không, hoặc cho là một vật, hoặc cho là nhiều vật, tất cả đều duyên.

Giải thoát thứ sáu duyên với hai vô sắc sau và tất cả phẩm loại trí của nhân đó, diệt đó. Hoặc hai vô sắc sau và phẩm loại trí, phi trạch diệt cùng với hư không, hoặc cho là một vật, hoặc cho là nhiều vật, tất cả đều duyên.

Giải thoát thứ bảy duyên nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ và tất cả phẩm loại trí của nhân đó, diệt đó. Hoặc Phi tưởng phi phi tưởng xứ và phẩm loại trí, phi trạch diệt cùng với hư không, hoặc cho là một vật, hoặc cho là nhiều vật, tất cả đều duyên.

Giải thoát tưởng thọ diệt không có đối tượng duyên.

Có thuyết nói: Giải thoát của Không vô biên xứ cũng duyên với tĩnh lự thứ tư và phi trạch diệt, còn các đối tượng duyên khác như trước đã nói. Cho đến giải thoát của Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng duyên với Vô sở hữu xứ và phi trạch diệt, các đối tượng duyên khác như trước đã nói.

Về niệm trụ: Ba giải thoát đầu cùng kết hợp với thân niệm trụ. Bốn giải thoát của xứ vô sắc cùng kết hợp với bốn niệm trụ. Giải thoát tưởng thọ diệt, nếu nương vào tự tánh cùng xen tạp nơi niệm trụ, nên nói là không cùng kết hợp với niệm trụ, còn nếu nương vào đối tượng duyên nơi niệm trụ nên nói là pháp niệm trụ.

Về trí: Ba giải thoát đầu cùng với thế tục trí hiện hành. Ba giải thoát của xứ vô sắc trước cùng với sáu trí kết hợp, tức là khổ tập diệt đạo trí, loại trí và thế tục trí. Giải thoát của Phi tưởng phi phi tưởng xứ kết hợp với thế tục trí. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt không kết hợp với trí nào.

Về Tam-ma-địa: Ba giải thoát đầu và hai giải thoát sau không kết hợp với Tam-ma-địa. Ba giải thoát của xứ vô sắc trước kết hợp với ba Tam-ma-địa, hoặc không kết hợp với Tam-ma-địa.

Về căn tương ưng: Hai giải thoát đầu cùng tương ưng với hỷ căn và xả căn. Giải thoát tưởng thọ diệt không có căn tương ưng. Năm giải thoát còn lại đều tương ưng với xả căn.

Về ba đời: Đều duyên chung với ba đời.

Duyên với ba đời: Ba giải thoát đầu ở quá khứ duyên với quá khứ, ở hiện tại duyên với hiện tại, còn ở vị lai nếu pháp sinh thì duyên với vị lai, nếu pháp không sinh thì duyên với cả ba đời. Bốn giải thoát của xứ vô sắc duyên với cả ba đời cùng lìa bỏ đời. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt không có đối tượng duyên.

Về thiện, bất thiện và vô ký: Đều chỉ là thiện.

Duyên với thiện, bất thiện và vô ký: Ba giải thoát đầu duyên với cả ba thứ. Bốn giải thoát của xứ vô sắc chỉ duyên với thiện và vô ký. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt không có đối tượng duyên.

Thuộc về ba cõi và không thuộc cõi nào: Ba giải thoát đầu chỉ thuộc về cõi sắc. Hai giải thoát sau chỉ thuộc về cõi vô sắc. Ba giải thoát của xứ vô sắc trước, nếu là hữu lậu thì thuộc về cõi vô sắc, nếu là vô lậu thì không thuộc cõi nào.

Về duyên thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào: Ba giải thoát đầu chỉ duyên thuộc cõi dục. Bốn giải thoát của xứ vô sắc duyên thuộc cõi vô sắc và không thuộc cõi nào. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt thì không có đối tượng duyên.

Về học, vô học và phi học phi vô học: Ba giải thoát đầu và hai giải thoát sau chỉ thuộc về phi học phi vô học. Ba giải thoát của xứ vô sắc trước thì chung cho cả ba thứ.

Về duyên nơi học, vô học và phi học phi vô học: Ba giải thoát đầu chỉ duyên với phi học phi vô học. Bốn giải thoát của xứ vô sắc thì duyên chung cho cả ba thứ. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt thì không có đối tượng duyên.

Về do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, không phải đoạn trừ: Ba giải thoát đầu và hai giải thoát sau chỉ do tu đạo đoạn trừ. Ba giải thoát của xứ vô sắc trước, nếu là hữu lậu thì do tu đạo đoạn, nếu là vô lậu thì không phải đoạn trừ.

Về duyên với kiến đạo, tu đạo đoạn, không phải đoạn trừ: Ba giải thoát đầu chỉ duyên với do tu đạo đoạn. Bốn giải thoát của xứ vô sắc thì duyên với cả ba thứ. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt thì không có đối tượng duyên.

Về duyên với danh, duyên với nghĩa: Ba giải thoát đầu chỉ duyên với nghĩa. Bốn giải thoát của xứ vô sắc, nếu cho là cõi vô sắc cũng có danh, nên nói chúng duyên chung với cả danh và nghĩa. Nếu cho là cõi vô sắc không có danh, nên nói chúng chỉ duyên với nghĩa. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt thì không có đối tượng duyên.

Về duyên với sự nối tiếp của mình, với sự nối tiếp của người khác và không phải nối tiếp: Giải thoát thứ nhất duyên với sự nối tiếp của mình và của người khác. Giải thoát thứ hai và thứ ba, có thuyết nói chỉ duyên với sự nối tiếp của người khác, có thuyết nói là duyên chung với sự nối tiếp của mình và của người khác. Bốn giải thoát của xứ vô sắc thì duyên chung cho cả ba thứ. Riêng giải thoát tưởng thọ diệt thì không có đối tượng duyên.

Về do gia hạnh đắc, do lìa nhiễm đắc: Giải thoát tưởng thọ diệt chỉ do gia hạnh đắc. Bảy giải thoát còn lại do gia hạnh đắc cũng do lìa nhiễm đắc.

Do lìa nhiễm đắc: Là địa của tĩnh lự thứ nhất giải thoát, khi lìa nhiễm cõi dục đắc v.v… cho đến giải thoát của Phi tưởng phi phi tưởng, khi lìa nhiễm ở Vô sở hữu xứ đắc, sau này do gia hạnh nên hiện tiền.

Do gia hạnh đắc: Tức do gia hạnh nên đắc, cũng do gia hạnh nên hiện tiền. Quả Thanh văn hoặc do gia hạnh bậc trung, hoặc do gia hạnh bậc thượng. Quả Độc giác do gia hạnh bậc dưới. Riêng đối với Đức Phật thì không do gia hạnh đắc và hiện tiền.

Về từng được, chưa từng được: Giải thoát tưởng thọ diệt chỉ là chưa từng được. Bảy giải thoát còn lại chung cho cả từng được và chưa từng được. Nghĩa là các bậc Thánh và phàm phu nội pháp thì chung cho cả từng được và chưa từng được, riêng phàm phu ngoại pháp chỉ là từng được.

Như thế là đã nói về tướng chung của giải thoát. Còn các tướng riêng của mỗi mỗi thứ nay nên nói rộng.

Có sắc, quán các sắc, là giải thoát thứ nhất.

Có sắc: Nghĩa là bên trong đều có các tưởng sắc riêng biệt nhưng chưa lìa bỏ, chưa đoạn trừ.

Quán các sắc: Nghĩa là đã lìa bỏ, dẹp trừ các tưởng sắc riêng biệt ở bên trong, do tác ý thắng giải quán các sắc bên ngoài, như màu xanh bầm đọng của xác chết, máu mủ dầm dề, sình trướng cùng xương xẩu vụn nát.

Là giải thoát thứ nhất: Thứ nhất nghĩa là danh số, theo thứ tự thì nó đứng thứ nhất, hoặc khi nhập vào định này thì theo thứ tự là ở giải thoát thứ nhất. Nghĩa là khi nhập vào định này có bao nhiêu thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện gọi chung là giải thoát.

Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài, là giải thoát thứ hai.

Bên trong không có tưởng sắc: Nghĩa là các thứ tưởng sắc riêng biệt bên trong đã lìa bỏ, dẹp trừ.

Quán các sắc bên ngoài: Nghĩa là không phải do lìa bỏ các tưởng sắc riêng biệt bên trong mà do tác ý thắng giải quán các sắc bên ngoài, như các màu xanh bần ứ đọng v.v… nói rộng như trước.

Là giải thoát thứ hai: Như trước đã nói.

Hỏi: Khi quán các sắc bên ngoài, bên trong có tưởng không sắc, hay khi quán các sắc bên ngoài, bên trong không có tưởng không sắc? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu khi quán các sắc bên ngoài, bên trong có tưởng không sắc, thì vì sao một tâm lại không có hai hiểu biết? Nếu có hai hiểu biết, nên có hai thể. Một tâm lại có hai thể là trái với lý. Còn nếu khi quán các sắc bên ngoài, bên trong không có tưởng không sắc, thì ở đây như đã nói làm sao thông? Nghĩa là bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài là giải thoát thứ hai.

Đáp: Nên nói như vầy: Nếu khi quán các sắc bên ngoài, bên trong không tưởng không sắc.

Hỏi: Nếu như thế thì khéo thông suốt vấn nạn nêu trước, nhưng ở đây như đã làm sao thông?

Đáp: Dựa vào Hành giả tu quán có tâm kỳ vọng mà nói. Nghĩa là người hành quán trước hết phải có tâm mong ước: Khi bên trong tôi không có tưởng sắc thì mới quán các sắc bên ngoài. Đức Thế Tôn nương vào đó nên nói: Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài.

Lại nữa, dựa vào Hành giả tu quán trước phải khởi tu hạnh phân biệt mà nói. Nghĩa là kẻ hành quán trước phải tu hạnh phân biệt: Khi tôi bên trong không có tưởng sắc mới quán các sắc bên ngoài, nên nói như thế.

Lại nữa, ở đây câu văn dựa theo nghĩa chuẩn mà nói. Nghĩa là khi bên trong không có tưởng sắc thì theo đúng nghĩa là nên quán các sắc bên ngoài. Nếu khi quán các sắc bên ngoài thì theo đúng nghĩa tất bên trong không có tưởng sắc.

Lại nữa, ở đây câu văn là gồm cả căn thiện của gia hạnh mà nói. Bên trong không có tưởng sắc, tức là nói căn thiện của gia hạnh. Quán các sắc bên ngoài, tức là nói căn thiện rốt ráo.

Lại nữa, bên trong không có tưởng sắc, tức là căn cứ ở chỗ nương dựa để nói. Còn quán các sắc bên ngoài, tức là căn cứ nơi đối tượng duyên để nói.

Tịnh giải thoát, thân tác chứng an trụ đầy đủ, là giải thoát thứ ba.

Hỏi: Tịnh giải thoát này tức là có sắc mà quán các sắc, hay bên trong không có tưởng sắc mà quán các sắc bên ngoài? Nếu tức có sắc nên quán các sắc, thì cái này so với giải thoát thứ nhất có sai khác gì? Còn nếu tức bên trong không có tưởng sắc nên quán các sắc bên ngoài, thì cái này so với giải thoát thứ hai có sai khác gì?

Đáp: Nên nói như vầy: Tịnh giải thoát này tức bên trong không có tưởng sắc mà quán các sắc bên ngoài.

Hỏi: Nếu như vậy thì đây so với giải thoát thứ hai có sai khác gì?

Đáp: Có sai khác về tên gọi. Tức kia gọi là thứ hai, đây gọi là thứ ba.

Lại nữa, địa cũng có sai khác. Tức cái này ở bậc ĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ hai, cái kia ở tĩnh lự thứ tư.

Lại nữa, về sự nối tiếp cũng có sai khác. Tức giải thoát thứ hai nương dựa chung vào sự nối tiếp của nội và ngoại đạo, còn tịnh giải thoát chỉ nương vào sự nối tiếp của nội đạo.

Lại nữa, giải thoát thứ hai tạo hành tướng bất tịnh, còn tịnh giải thoát tạo hành tướng tịnh.

Lại nữa, giải thoát thứ hai đối trị sắc tham, còn tịnh giải thoát đối trị quán bất tịnh.

Lại nữa, giải thoát thứ hai ít gia hạnh, ít công dụng mới được, còn tịnh giải thoát phải nhiều gia hạnh, nhiều công dụng mới được.

Lại nữa, giải thoát thứ hai có tự tánh sáng sạch, đối tượng duyên không sáng sạch, có tự tánh thắng diệu, đối tượng duyên không thắng diệu. Còn tịnh giải thoát có tự tánh và đối tượng duyên đều sáng sạch, đều thắng diệu.

Đó là chỗ khác nhau của giải thoát thứ hai và thứ ba.

Hỏi: Hành giả tu quán vì sao phải tu tịnh giải thoát này?

Đáp: Vì muốn thử nghiệm căn thiện đã đầy đủ hay chưa đầy đủ. Nghĩa là Hành giả tu quán suy nghĩ: Tuy quán các tướng bất tịnh không khởi các phiền não nhưng chưa biết là các căn thiện đã được đầy đủ hay chưa nên quán các tướng tịnh tu tịnh giải thoát.

Lại nữa, Hành giả tu quán khi quán các tướng bất tịnh thì tâm chìm đắm trong lo sầu nên phẩm thiện không tăng thêm. Vì muốn khiến các phẩm thiện càng thêm tăng tiến, nên phải quán các tướng tịnh tu tịnh giải thoát. Như đi vào chỗ gò mả, luôn quán các thây chết dơ bẩn, tâm chìm đắm trong lo lắng, nên phẩm thiện không tăng thêm. Vì muốn khiến phẩm thiện thêm tăng tiến, cần phải nhìn xem các cảnh đẹp của hoa viên, núi rừng, suối khe, ao hồ, hoặc dạo xem các cảnh đẹp ở phố thị, khiến tâm vui vẻ mới có thể tu các pháp thiện thù thắng. Đây cũng như thế, nên phải quán các tướng tịnh.

Lại nữa, Hành giả tu quán quán bất tịnh đã lâu, tâm ưa mê đắm phẩm thiện không tăng. Vì nhằm khiến phẩm thiện thêm tăng tiến, nên bỏ quán bất tịnh tu tịnh giải thoát.

Lại nữa, Hành giả tu quán muốn làm sáng tỏ tâm mình rất vững bền không thoái chuyển. Nghĩa là duyên nơi cảnh sạch đẹp không sinh phiền não, huống chi là duyên với các cảnh khác, nên tu tịnh giải thoát quán các tướng tịnh.

Lại nữa, Hành giả tu quán muốn hiển bày căn thiện của mình có sức lớn mạnh. Nghĩa là duyên với các cảnh tịnh phiền não không sinh, huống chi là duyên với cảnh khác, nên tu tịnh giải thoát quán các cảnh tịnh.

Lại nữa, muốn làm sáng tỏ đối với tịnh giải thoát không phải các hữu tình đều có thể khởi tu, chỉ có những người từ cõi trời Diệu thắng giải lạc tịnh, qua đời rồi sinh xuống làm người mới có thể khởi tu, nên những người tu hành đều nên tu tịnh giải thoát.

Từng nghe: Vào buổi xế trưa, có một vị Bí-sô đến chỗ Đức Phật xin cấp cho mình căn phòng sạch đẹp. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan nên cho người ấy căn phòng sạch đẹp. Tôn giả A-nan tuân lệnh nhưng Bí-sô ấy lại bảo phải quét dọn sạch sẽ, treo lọng phướn, xông hương, rải hoa, trải giường nệm êm và gối chăn đẹp v.v… mới nhận, nếu không đúng như vậy thì không dùng. Tôn giả A-nan đem mọi việc nêu bày với Phật. Đức Phật bảo cứ nên làm đúng theo yêu cầu. Tôn giả A-nan bày biện đầy đủ cho vị Bí-sô ấy nhận xong, vào đầu hôm khởi tu tịnh giải thoát, nhân đấy theo thứ lớp khởi các giải thoát khác, nên các lậu dứt hết, chứng đắc A-la-hán. Lại tu các gia hạnh dẫn khởi thần thông, đến lúc sáng tinh sương thì dùng thần thông bay đi. Sau đó, Tôn giả A-nan đến phòng tìm không thấy vị Bí-sô kia đâu cả, chỉ thấy giường nệm, liền đến bạch Phật. Phật bảo Tôn giả A-nan: Ông đừng coi thường vị ấy, vì đêm qua vị ấy khởi tu tịnh giải thoát và các giải thoát khác, nên đã chứng quả A-la-hán và dùng thần thông ra đi từ sáng sớm. Vì Bí-sô ấy từ cõi trời Diệu thắng giải lạc tịnh qua đời rồi sinh làm người ở đây, nên vị ấy nếu không có được phòng nhà sạch sẽ thì không thể tu giải thoát thứ ba, cho đến không thể chứng được thần thông của quả tột cùng.

Do đó nên biết, không phải các hữu tình đều có thể khởi tu môn tịnh giải thoát này, chỉ có bậc lạc tịnh mới có thể khởi tu được.

Là giải thoát thứ ba: Như trước đã nói.

Bốn giải thoát vô sắc cũng nói như bốn định vô sắc.

Giải thoát tưởng thọ diệt như nơi phần Căn Uẩn sau sẽ phân biệt rộng.

Về số thứ lớp và giải thoát căn cứ theo như trước nên biết.

Hỏi: Vì sao phần ít căn thiện của tĩnh lự được lập làm giải thoát, còn ở địa vô sắc thì tất cả đều được lập làm giải thoát?

Đáp: Vì tĩnh lự thô, hiển bày rõ, hiện thấy, nên phần ít căn thiện được lập làm giải thoát. Còn vô sắc vi tế, ẩn kín, không sáng rõ, không hiện thấy, nên ở địa căn bản đều lập làm giải thoát.

Lại nữa, trong tĩnh lự có nhiều thứ tướng khác biệt, các pháp không giống nhau, nên căn thiện ít được lập làm giải thoát. Còn vô sắc thì không như thế, nên được lập chung.

Lại nữa, trong tĩnh lự có tướng dị biệt nơi căn thọ tâm tâm sở pháp, nên căn thiện ít được lập làm giải thoát. Còn vô sắc thì không như thế, nên được lập chung.

Lại nữa, tĩnh lự có nhiều công đức lợi ích thù thắng, nên căn thiện ít được lập làm giải thoát. Còn vô sắc thì không như thế, nên được lập chung.

Lại nữa, tĩnh lự duyên khắp với các địa trên dưới của mình, nên căn thiện ít được lập làm giải thoát. Còn vô sắc chỉ duyên với địa trên, không duyên với địa dưới của mình, nên được lập chung.

Lại nữa, giải thoát của tĩnh lự chỉ là hữu lậu, nên kiến lập riêng. Còn giải thoát của vô sắc cũng chung cho cả vô lậu, nên được lập chung.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, vì sao giải thoát của tĩnh lự chỉ là hữu lậu, còn giải thoát của vô sắc thì chung cho cả hữu lậu và vô lậu?

Đáp: Năm môn nói ở trước cũng đáp chung cho ở đây, trong đó lại có một thứ không đáp chung. Nghĩa là trong tĩnh lự, hết thảy giải thoát hiện có chỉ tương ưng với tác ý thắng giải. Còn trong các vô sắc, hết thảy giải thoát hiện có phần nhiều đều tương ưng với tác ý chân thật, nên không giống nhau.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn lại dùng tiếng phương để nói về tám giải thoát?

Đáp: Vì quán sát người được hóa độ, cũng như đã dùng tiếng bốn phương để nói về bốn đế.

Hỏi: Giải thoát cùng với phương có gì giống nhau?

Đáp: Giải thoát cùng với phương đều có tám thứ.

Hỏi: Về phương hướng thì có tới mười phương, như thế sao lại giống nhau?

Đáp: Như cách điều phục voi tức chỉ dựa vào tám phương, không có hai phương trên dưới, do đó nên giống nhau.

Lại nữa, như người theo mặt bằng chỉ thấy có tám phương, như thế chính tâm tu tám giải thoát.

Lại nữa, như dựa vào tám phương để có thể điều phục voi quý. Giải thoát cũng như vậy, dựa vào tám thứ gia hạnh để hiện tiền, dứt trừ hết các chướng ngại của giải thoát.

Tôn giả Diệu Âm nói: Phương cùng với giải thoát có ba thứ giống nhau và ba thứ khác nhau.

Nói ba thứ giống nhau là: 1. Như cách điều phục voi, cần hướng về các phương mới có thể huấn luyện được voi. Đức Thế Tôn cũng như vậy, cần hướng tới các giải thoát mới có thể giáo hóa được các hữu tình. 2. Như cách điều phục voi, trong một thời gian chỉ hướng về một phương để huấn luyện một con voi. Đức Thế Tôn cũng như vậy, trong một thời gian chỉ dựa vào một thứ giải thoát để giáo hóa một hữu tình. 3. Như cách điều phục voi, là khiến voi đang được huấn luyện khi hướng về một phương thì cách xa các phương khác. Đức Thế Tôn cũng như vậy, khiến các hữu tình được hóa độ khi khởi một thứ giải thoát hiện tiền thì các giải thoát khác cách xa không hiện hành.

Nói ba thứ khác nhau là: 1. Như cách điều phục voi, cần hướng tới nơi phương mới có thể huấn luyện voi được. Đức Thế Tôn thì không như thế, Ngài chỉ ngồi yên một nơi cũng khiến cho người được hóa độ có thể khởi giải thoát. 2. Như cách điều phục voi, nơi một thời gian chỉ hướng về một phương để huấn luyện một con voi. Đức Thế Tôn thì không như thế, nơi một thời gian khiến nhiều người được hóa độ cùng khởi nhiều giải thoát. 3. Như cách điều phục voi, khiến voi đang được huấn luyện khi hướng về một phương thì cách xa các phương khác. Đức Thế Tôn thì không như thế, vì có thể khiến các người được hóa độ khi khởi hiện tiền một giải thoát, các thứ giải thoát khác do gần cũng được thành tựu.

Lại nữa, Đức Phật muốn tự hiển bày mình là một bậc Điều ngự thù thắng, nên đối với giải thoát đã dùng tiếng phương để nói. Từng nghe chuyện kể: Vua chủ nước Kiều-tát-la là đại vương Thắng Quân ra lệnh cho người chuyên bắt voi bắt được một con voi hoang lớn, lại giao cho nhà chuyên điều phục voi theo đúng phương pháp khéo huấn luyện voi.

Khi voi đã được điều phục xong, nhà vua và người huấn luyện voi cùng cỡi đi săn. Lúc ấy, chú voi đang đi bỗng gặp một bầy voi cái, tâm dục nổi lên, thế là chú voi này tung chạy rượt theo. Người điều phục voi dùng đủ mọi cách nhưng không thể nào bắt voi quay lại được. Vậy là nhà vua cùng người chuyên dạy voi bị nhiều thương tích, may vua vớ được cành cây nên sống sót trở về cung. Vua trách người điều phục voi và theo pháp trị tội. Người huấn luyện voi tâu: “Con voi ấy thật sự đã thuần, xin đại vương cho chứng nghiệm”. Lúc này, chú voi hết cơn “tham dục”, liền nhanh chóng trở về cung, người huấn luyện voi thấy liền dắt đến trước vua. Ông ta gắp một viên sắt cháy đỏ bỏ trên đầu voi rồi bảo: “Đây là biện pháp sau cùng để điều phục ngươi, phải gắng sức chịu đựng, nếu không gắng chịu ta tất phải dùng mọi cực hình dẫn dạy từ đầu để lần lượt dạy lại ngươi”. Chú voi như nghe hiểu nên cố gắng đứng yên chịu đựng như một ngọn núi. Lúc này, viên sắt nóng đỏ đốt đỉnh đầu voi cháy như cây đuốc nhỏ. Vua thấy vậy cho là lạ và bảo ném viên sắt nóng rồi nói với người huấn luyện voi: “Chú voi này trước đây đã được thuần thục, cớ sao lại làm như thế?”. Người huấn luyện voi quỳ tâu: “Thần chỉ có thể điều phục thân nhưng không thể điều phục tâm”. Vua hỏi: “Người nào có thể điều phục được tâm?”. Người huấn luyện voi tâu: “Thưa có, đó là Đức Phật – Thế Tôn có thể điều phục được các bệnh về thân và tâm của chúng sinh”. Nhà vua rất vui mừng, bèn cùng người huấn luyện voi cỡi voi đã được điều phục đi đến chỗ Đức Phật, tới nơi thấy Đức Phật – Thế Tôn đang giảng nói pháp cho hàng trăm ngàn người vây quanh. Vua đến lễ Phật rồi ngồi sang một bên. Phật liền giảng nói cho vua nghe giáo pháp thâm diệu không phải là đối tượng nhận biết của hàng Độc giác, Thanh văn. Nhân đấy Đức Phật bảo các Bí-sô: “Như pháp huấn luyện voi, ngay khi điều phục thì trong cả tám phương chỉ nên hướng về một phương để dạy. Dẫn dạy ngựa, bò cũng như thế”. Đấng Điều ngự vô thượng khi giáo hóa các người đang được hóa độ đã nhanh chóng nương vào tám phương để chỉ dạy đệ tử.

Nói tám phương là dụ cho tám thứ giải thoát, nên hiển bày Đức Thế Tôn là bậc Điều ngự thù thắng tức dùng tiếng phương để nói về tám thứ giải thoát.

HẾT – QUYỂN 84