LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 192

Chương 8: KIẾN UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ NIỆM TRỤ, phần 6

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lời ấy rồi liền nhập tĩnh lự thứ nhất, lần lượt cho đến nhập định diệt tận. Tôn giả A-nan liền hỏi Tôn giả A-nê-luật-đà: Hiện giờ Đức Thế Tôn đã bát Niết-bàn chăng?

Đáp: Chưa. Chỉ là nhập định diệt tận.

Hỏi: Làm sao nhận biết?

Trả lời: Tôi chính từ Đức Phật mà nghe: Đức Thế Tôn nhập tĩnh lự thứ tư, dựa vào định bất động tịch tĩnh mà bát Niết-bàn, mắt sáng của thế gian đã diệt.

Hỏi: Tôn giả A-nan là do nhận biết rồi nên hỏi hay là không nhận biết? Nếu đã nhận biết vì sao còn hỏi? Nếu không nhận biết vì sao gọi là nhận biết tâm Phật?

Đáp: Có thuyết nói: Tôn giả ấy đã nhận biết mà hỏi.

Hỏi: Nếu như thế thì vì sao lại hỏi?

Đáp: Cũng có trường hợp nhận biết mà vẫn hỏi là để phát khởi ngôn luận. Như nói: Đức Thế Tôn nhận biết mà vẫn cố hỏi.

Lại nữa, Tôn giả A-nan muốn làm rõ Tôn giả A-nê-luật-đà có đức thù thắng nên tuy nhận biết mà vẫn hỏi. Nghĩa là Tôn giả A-nêluật-đà có đức thù thắng nhưng đại chúng không biết. Nay hỏi là muốn khiến cho đại chúng được biết.

Có thuyết nói: Tôn giả A-nan hỏi là vì không nhận biết.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao gọi Tôn giả là người luôn nhận biết tâm Phật?

Đáp: Đức Phật xuất định rồi, Tôn giả A-nan nhận biết về tâm trước đây của Phật, nhưng khi ấy không nhận biết là do Phật còn trụ trong định.

Lại nữa, nếu Tôn giả A-nan khi trụ nơi tâm thường tánh thì có thể nhận biết tâm Phật. Lúc đó, tâm của Tôn giả A-nan bị hai thứ sầu não che khuất, nên không nhận biết tâm Phật: Một là sầu não vì mất quyến thuộc. Hai là sầu não vì mất bậc Đại sư.

Hỏi: Tôn giả A-nê-luật-đà vì sao nhận biết?

Đáp: Có thuyết nói: Khi Đức Thế Tôn sắp bát Niết-bàn thì nhập đẳng chí cùng với hàng Thanh văn, nên Tôn giả ấy được biết.

Lời bình: Không nên nói như thế. Do khi ấy Đức Phật hiện nhập tĩnh lự, đẳng trì, đẳng chí, giải thoát không chung với tất cả hàng Thanh văn, Độc giác.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao Tôn giả A-nê-luật-đà nhận biết?

Đáp: Do bấy giờ Đức Thế Tôn khởi tâm nhập xuất định cùng với hàng Thanh văn, Độc giác, Tôn giả A-nê-luật-đà do đấy nên nhận biết cảnh giới kia. Cũng như khi voi chúa lội qua sông sâu, nếu vào lúc đang ở giữa sông thì người không nhận biết, chỉ nhìn xem dấu nước lên xuống tức nhận biết chỗ voi chúa đang bơi qua. Như vậy, Đức Thế Tôn nếu khi trụ nơi sông đẳng chí sâu thẳm thì tất cả hàng Thanh văn, Độc giác đều không thể hiện thấy, chỉ quán tâm nhập xuất định như dấu nước lên xuống nên nhận biết.

Nhập định như vậy thì cũng từ định như vậy mà xuất.

***

* Như nói: Khi ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp-ba suy nghĩ như vầy: Ta phải dùng thứ gì để dập tắt lửa đang cháy nơi thân Như Lai. Liền nghĩ ra: Ta nay nên dùng sữa thơm để dập tắt. Ngay khi khởi tâm ấy liền có bốn luồng sữa thơm từ trên không chảy xuống, do đấy cùng lúc dập tắt lửa đang cháy nơi thân Như Lai.

Hỏi: Vì sao phải dùng sữa thơm để dập tắt lửa đang cháy nơi thân Như Lai?

Đáp: Là muốn hiển bày: Cùng tương tợ với pháp của các Tiên nhân. Nghĩa là theo phong tục của nước ấy, nếu các Tiên nhân mạng chung thì dùng sữa để dập tắt lửa đang cháy nơi thân. Nếu là kẻ thọ dục mạng chung thì dùng rượu để dập tắt lửa đang cháy nơi thân. Phật đối với các Tiên nhân là hơn hết, tức là Tiên nhân bậc nhất, nên nay cũng dùng sữa thơm để dập tắt lửa.

Lại nữa, muốn khiến cho Xá-lợi của Đức Phật được hoàn toàn thanh tịnh nên dùng sữa mà rưới.

Lại nữa, sinh thân của Đức Phật được nuôi lớn bằng sữa, nên nay Xá-lợi cũng dùng sữa để tắm.

Lại nữa, tánh của sữa là béo nhưng có thể dập tắt lửa. Hoặc có vật tuy tánh là béo, nhưng không thể dập tắt lửa, lại làm cho ngọn lửa kia cháy bùng lên, như tô du v.v… Có vật tuy có thể dập tắt lửa nhưng tánh không béo, như rượu, nước. Chỉ có sữa là tánh béo lại có thể dập tắt lửa nên chỉ dùng sữa.

Do ý nghĩa ấy, nên Tôn giả Đại Ca-diếp-ba hiện ra bốn luồng sữa thơm để dập tắt lửa cháy nơi thân Như Lai.

***

* Như nói: Bấy giờ, Tôn giả A-nan, sau khi Đức Phật bát Niếtbàn, trải qua bảy ngày đêm, đi nhiễu theo phía bên phải quanh thân Như Lai đang cháy, nói kệ:

Ngàn y quấn thân Phật

Chỉ hai y không cháy

Y ngoài và sát thân

Đây là việc kỳ lạ.

Hỏi: Vì sao nơi Đức Thế Tôn chỉ có hai y không cháy?

Đáp: Do uy lực của các thiên thần có tâm tin kính Phật đã giữ lấy khiến không cháy.

Có thuyết nói: Là do nguyện lực của Đức Phật đã giữ lấy khiến trong ngoài thanh tịnh. Nghĩa là một y ở trong giữ lấy Xá-lợi của Như Lai khiến không phân tán nhiễm ô. Một y ở bên ngoài giữ lấy phần tro hiện có khiến không bị gió cuốn theo bụi.

Có thuyết cho: Đây là biểu thị chánh pháp của Đức Như Lai có hai thứ che chở trong ngoài. Che chở bên trong là các Bí-sô, Bí-sô-ni thanh tịnh. Che chở bên ngoài là các hàng quốc vương, đại thần tịnh tín. Đó tức là do uy lực của chánh pháp khiến hai y kia không cháy.

Có thuyết nêu: Đó là biểu thị cho nội tâm và ngoại thân của Đức Như Lai đều thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nghĩa là đã lìa dứt vĩnh viễn tất cả phiền não và tập khí. Thân thanh tịnh là từ tướng tối thắng nơi nghiệp dị thục dẫn sinh.

***

* Như nói: Bốn hữu là Bản hữu, Trung hữu, Sinh hữu, Tử hữu. Tiếng Hữu nêu bày nhiều nghĩa, như trước đã nói rộng. Ở đây nói tiếng Hữu là năm uẩn thuộc về chúng đồng phần số hữu tình gọi là hữu.

Hỏi: Thế nào là Bản hữu?

Đáp: Trừ phần sinh, phần tử ra, là các hữu trung gian của các uẩn. Đây tức là một đời, năm uẩn, bốn uẩn làm tánh.

Hỏi: Vì sao hữu này gọi là bản hữu?

Đáp: Đây là do nghiệp của đời trước đã tạo sinh ra nên gọi là bản hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì các hữu khác cũng là bản hữu vì đều từ nghiệp của đời trước đã tạo sinh ra?

Đáp: Nếu là nghiệp của đời trước đã tạo sinh ra thô hiển, dễ nhận biết, sáng rõ hiện thấy thì gọi là bản hữu. Những thứ khác tuy do nghiệp của đời trước đã tạo sinh ra, nhưng vi tế, ẩn khuất, khó nhận biết, không rõ ràng hiện thấy, thế nên không nói.

Hỏi: Thế nào là Tử hữu?

Đáp: Là các uẩn của phần chết. Tức khi mạng chung, năm uẩn, bốn uẩn làm tánh.

Hỏi: Thế nào là Trung hữu?

Đáp: Trừ phần tử, phần sinh ra, là các hữu trung gian của các uẩn. Tức là trung gian của hai hữu (sinh, tử), năm uẩn làm tánh.

Hỏi: Vì sao hữu này gọi là trung hữu?

Đáp: Do hữu này ở nơi trung gian của hai hữu sinh khởi, nên gọi là trung hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì các hữu khác cũng là trung hữu vì đều ở nơi trung gian của hai hữu sinh ra?

Đáp: Nếu ở nơi trung gian của hai hữu sinh ra, không thuộc về nẻo nào thì gọi là trung hữu. Những thứ khác tuy ở nơi trung gian của hai hữu sinh ra, nhưng là thuộc về nẻo, nên không gọi là trung hữu.

Hỏi: Thế nào là Sinh hữu?

Đáp: Là các uẩn của phần sinh. Tức khi kiết sinh, năm uẩn bốn uẩn làm tánh.

Hỏi: Bốn hữu này có bao nhiêu là sát-na, bao nhiêu là tương tục?

Đáp: Hai sát-na là tử hữu, sinh hữu. Hai tương tục là hai hữu còn lại.

Hỏi: Bốn hữu này có bao nhiêu là nhiễm ô, bao nhiêu là không nhiễm ô?

Đáp: Đều chung cho hai thứ.

Hỏi: Tâm của bốn hữu này, bao nhiêu là nhiễm ô, bao nhiêu là không nhiễm ô?

Đáp: Tâm của sinh hữu chỉ là nhiễm ô. Tâm của các hữu khác hoặc nhiễm ô, hoặc không nhiễm ô.

Hỏi: Bốn hữu này có bao nhiêu là hữu lậu, bao nhiêu là vô lậu?

Đáp: Đều chỉ là hữu lậu.

Hỏi: Tâm thời của bốn hữu này có bao nhiêu là hữu lậu, bao nhiêu là vô lậu?

Đáp: Hai hữu chỉ là hữu lậu, là tâm thời của tử hữu, sinh hữu. Hai hữu chung cho hữu lậu vô lậu, là tâm thời của hai hữu còn lại.

Hỏi: Thời của bốn hữu này có bao nhiêu khởi tâm đồng phần, bao nhiêu khởi tâm không đồng phần?

Đáp: Hai hữu chỉ khởi tâm đồng phần, là thời của tử hữu, sinh hữu. Hai hữu khởi tâm đồng phần không đồng phần, là thời của hai hữu còn lại.

***

* Các dục hữu, tất cả chúng là có năm hành chăng? Cho đến nói rộng.

Trong đây các uẩn dùng tiếng hành để nói. Do chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ nói uẩn là hành. Nay Thích Ca Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nói hành là uẩn. Do Phật trước nói năm hành, Phật nay nói là năm thủ uẩn. Trong A-tỳ-đạt-ma này nói năm hành: Là muốn hiển bày Phật nay nói năm uẩn, tức là Phật trước nói năm hành.

Hỏi: Vì sao Phật trước nói uẩn là hành, Phật nay nói hành là uẩn?

Đáp: Do Phật quán xét các hữu tình được giáo hóa, theo chỗ ứng hợp mà nói. Nghĩa là Phật trước giáo hóa, nên nghe nói hành mà được hiểu đúng. Phật nay hóa độ, nên nghe nói uẩn mà được hiểu đúng.

Hỏi: Vì sao gọi là hành?

Đáp: Lưu chuyển nên gọi là hành. Nghĩa là các uẩn của đời trước do các uẩn của đời sau nên lưu chuyển. Hoặc là các uẩn của đời sau do các uẩn của đời trước nên lưu chuyển.

Nếu sinh nơi cõi dục, lấy tâm của cõi dục làm tâm đồng phần và cùng với chúng đồng phần của mạng căn kia làm đồng phần, lấy tâm của cõi sắc, vô sắc và tâm vô lậu làm tâm không đồng phần, không cùng với chúng đồng phần của mạng căn kia làm đồng phần.

Nếu sinh nơi cõi sắc, lấy tâm của cõi sắc làm tâm đồng phần, lấy tâm của cõi dục, cõi vô sắc và tâm vô lậu làm tâm không đồng phần.

Nếu sinh nơi cõi vô sắc, lấy tâm của cõi vô sắc làm tâm đồng phần, lấy tâm vô lậu làm tâm không đồng phần.

Hỏi: Các dục hữu, tất cả chúng là có năm hành chăng? Nếu như có năm hành thì tất cả chúng là dục hữu chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là dục hữu không phải là năm hành: Nghĩa là hữu tình nơi cõi dục trụ nơi tâm không đồng phần và trụ nơi định vô tưởng diệt tận, khi ấy dục hữu chỉ có hai hành.

2. Có trường hợp là năm hành không phải là dục hữu: Nghĩa là trời Hữu tưởng của cõi sắc trụ nơi tâm đồng phần. Hoặc trời Vô tưởng không được vô tưởng, khi ấy đều đủ năm hành. Trời Vô tưởng kia có tâm vị tất không khởi tâm không đồng phần, nhưng hành kia không phải là dục hữu.

3. Có trường hợp là dục hữu cũng là năm hành: Nghĩa là hữu tình nơi cõi dục trụ nơi tâm đồng phần, khi ấy dục hữu có đủ năm hành.

4. Có trường hợp không phải là dục hữu cũng không phải là năm hành: Nghĩa là trời Hữu tưởng của cõi sắc trụ nơi tâm không đồng phần và trụ nơi định vô tưởng diệt tận. Hoặc trời Vô tưởng được vô tưởng. Nếu sinh nơi cõi vô sắc, lúc đó chỉ có hai hành, hoặc bốn hành, hoặc một hành, nhưng hành kia lại không phải là dục hữu.

Hỏi: Các sắc hữu, trời Hữu tưởng, tất cả chúng là có năm hành chăng? Nếu như có năm hành thì tất cả chúng là sắc hữu, trời Hữu tưởng chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là sắc hữu, trời Hữu tưởng không phải là năm hành: Nghĩa là trời Hữu tưởng của cõi sắc trụ nơi tâm không đồng phần và trụ nơi định vô tưởng diệt tận. Khi ấy, sắc hữu, trời Hữu tưởng đều chỉ có hai hành.

2. Có trường hợp là năm hành không phải là sắc hữu, trời Hữu tưởng: Nghĩa là hữu tình nơi cõi dục trụ nơi tâm đồng phần. Nếu trời Vô tưởng không được vô tưởng, khi ấy tuy có năm hành nhưng hành kia không phải là sắc hữu, trời Hữu tưởng.

3. Có trường hợp là sắc hữu, trời Hữu tưởng cũng là năm hành: Nghĩa là trời Hữu tưởng của cõi sắc trụ nơi tâm đồng phần, lúc đó sắc hữu, trời Hữu tưởng có đủ năm hành.

4. Có trường hợp không phải là sắc hữu, trời Hữu tưởng cũng không phải là năm hành: Nghĩa là hữu tình nơi cõi dục trụ nơi tâm không đồng phần và trụ nơi định vô tưởng diệt tận. Nếu trời Vô tưởng được vô tưởng, hoặc sinh nơi cõi vô sắc, lúc ấy chỉ có hai hành, hoặc bốn hành, hoặc một hành, nhưng hành đó lại không phải là sắc hữu, trời Hữu tưởng.

Hỏi: Các sắc hữu, trời Vô tưởng, tất cả chúng là có hai hành chăng? Nếu như có hai hành thì tất cả chúng là sắc hữu, trời Vô tưởng chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là sắc hữu, trời Vô tưởng không phải là hai hành: Nghĩa là trời Vô tưởng không được vô tưởng, lúc đó sắc hữu, trời Vô tưởng có đủ năm hành. Như trước đã nói.

2. Có trường hợp là hai hành không phải là sắc hữu, trời Vô tưởng: Nghĩa là hữu tình nơi cõi dục trụ nơi tâm không đồng phần và trụ nơi định vô tưởng diệt tận, hoặc trời Hữu tưởng của cõi sắc trụ nơi tâm không đồng phần cùng trụ nơi định vô tưởng diệt tận, khi ấy tuy đều có hai hành, nhưng hành ấy không phải là sắc hữu, trời Vô tưởng.

3. Có trường hợp là sắc hữu, trời Vô tưởng cũng là hai hành: Nghĩa là trời Vô tưởng được vô tưởng, bấy giờ sắc hữu, trời Vô tưởng kia chỉ có hai hành.

4. Có trường hợp không phải là sắc hữu, trời Vô tưởng cũng không phải là hai hành: Nghĩa là hữu tình nơi cõi dục và trời Hữu tưởng của cõi sắc trụ nơi tâm đồng phần. Nếu sinh nơi cõi vô sắc, khi ấy tức có năm hành, hoặc bốn hành, hoặc một hành, nhưng hành đó lại không phải là sắc hữu, trời Vô tưởng.

Hỏi: Các vô sắc hữu, tất cả chúng là có bốn hành chăng? Nếu như có bốn hành thì tất cả chúng là vô sắc hữu chăng?

Đáp: Các thứ bốn hành tất cả chúng là vô sắc hữu, không phải là hữu tình nơi cõi dục, cõi sắc có bốn hành. Có vô sắc hữu không phải là bốn hành: Nghĩa là hữu tình nơi cõi vô sắc trụ nơi tâm không đồng phần, bấy giờ vô sắc hữu kia chỉ có một hành.

***

* Từng có hữu có năm hành chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Văn trước tuy đã thành lập hữu có hai hành nhưng chưa ngăn dứt hữu có ba hành, cũng chưa thành lập hữu có một hành. Nay để ngăn dứt hữu có ba hành và muốn thành lập hữu có một hành, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Từng có hữu có năm hành chăng?

Đáp: Có. Là hữu tình nơi cõi dục và trời Hữu tưởng nơi cõi sắc trụ nơi tâm đồng phần. Nếu trời Vô tưởng không được vô tưởng thì ở đấy tất có năm hành của tự địa hiện tại.

Hỏi: Từng có hữu có bốn hành chăng?

Đáp: Có. Là hữu tình nơi cõi vô sắc trụ nơi tâm đồng phần.

Hỏi: Từng có hữu có ba hành chăng?

Đáp: Không. Do không có hữu do ba uẩn thành. Vì sao? Vì tâm tâm sở pháp nhất định không lìa nhau, luôn tương ưng với thọ tưởng tư.

Hỏi: Từng có hữu có hai hành chăng?

Đáp: Có. Là hữu tình nơi cõi dục và trời Hữu tưởng nơi cõi sắc trụ nơi tâm không đồng phần. Nếu trụ nơi định vô tưởng diệt tận, hoặc trời Vô tưởng được vô tưởng thì khi ấy chỉ có hai hành.

Hỏi: Từng có hữu có một hành chăng?

Đáp: Có. Là hữu tình nơi cõi vô sắc trụ nơi tâm không đồng phần, khi đó chỉ có một hành.

Hỏi: Từng có hữu không hành chăng?

Đáp: Không. Do không có hữu tình không phải uẩn tạo thành. Tất cả hữu tình tất có mạng căn của tự địa.

***

Chương 8: KIẾN UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ BA HỮU, phần 1

* Những hữu tình xả bỏ dục hữu, dục hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi dục diệt, pháp cõi dục hiện tiền chăng? Những chương như vậy cùng giải thích nghĩa của chương, đã lãnh hội rồi nên phân biệt rộng.

Nhưng tiếng Hữu nêu bày nhiều nghĩa. Trong đây nói là năm uẩn thuộc về chúng đồng phần số hữu tình gọi là hữu.

Như nói: Nơi cõi dục mất, sinh nơi cõi dục thì tất cả dục hữu kia nối tiếp chăng? Cho đến nói rộng. Tức đấy cũng nói năm uẩn thuộc về chúng đồng phần số hữu tình gọi là hữu.

Như nói: Các triền đã trói buộc, địa ngục hữu nối tiếp. Xứ ấy ban đầu có được đại chủng của các căn cùng với tâm tâm sở pháp này làm một tăng thượng, cho đến nói rộng.

Lại như nói: Khi dục hữu nối tiếp, đầu tiên được bao nhiêu căn do nghiệp sinh? Cho đến nói rộng.

Lại như nói: Bốn hữu là bản hữu, tử hữu, trung hữu, sinh hữu, nên biết văn ấy đều là nói năm uẩn thuộc chúng đồng phần số hữu tình gọi là hữu.

Như nói: Phả-lặc-lũ-na thức thực dẫn dắt có thể chiêu cảm hậu hữu khiến nó hiện tiền, tức đấy là nói về quyến thuộc của tâm khi nối tiếp sinh gọi là hữu.

Như nói: A-nan-đà nghiệp như vậy có thể dẫn đến hậu hữu, tức đấy là nói tư dẫn đến hậu hữu gọi là hữu.

Như nói: Thủ duyên hữu, tức đấy là nói phần vị năm uẩn gọi là hữu.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đấy là nói nghiệp dẫn đến hậu hữu gọi là hữu.

Như nói: Thế nào là pháp hữu? Là tất cả hữu lậu, thì đấy là nói các pháp hữu lậu gọi là hữu.

Như nói: Bảy hữu, là địa ngục hữu, bàng sinh hữu, quỷ giới hữu, nhân hữu, thiên hữu, nghiệp hữu, trung hữu, tức đấy là nói năm nẻo (thú), nhân của năm nẻo, phương tiện của năm nẻo gọi là hữu.

Như nói: Thế nào là dục hữu? Là nghiệp có thể chiêu cảm hậu hữu của cõi dục, cho đến nói rộng, tức đấy là nói nghiệp và dị thục gọi là hữu, không nói hữu là đối tượng duyên của thủ.

Hỏi: Nếu như vậy thì điều đã nói ở sau làm sao thông? Như nói: Dục hữu nơi cõi dục thì tất cả tùy miên tùy tăng, cho đến nói rộng. Năm bộ nghiệp của dục hữu đều có thể chiêu cảm dị thục nên có thể nói cõi dục là tất cả tùy miên tùy tăng. Sắc, vô sắc hữu chỉ có nghiệp do tu đạo đoạn là có thể chiêu cảm dị thục, vì sao có thể nói cõi sắc, vô sắc tất cả tùy miên tùy tăng?

Đáp: Văn sau nên nói như vầy: Dục hữu nơi cõi dục thì tất cả tùy miên tùy tăng. Sắc, vô sắc hữu nơi cõi sắc, vô sắc thì tùy miên biến hành và tùy miên do tu đạo đoạn là tùy tăng. Nên nói như thế nhưng không nói, nên biết đấy là nói hữu và quyến thuộc đều gọi là hữu. Pháp hòa hợp hữu cũng gọi là hữu.

Có Sư khác nói: Trước nói nghiệp và dị thục gọi là hữu, không nói hữu là đối tượng duyên của thủ. Sau nói nghiệp và dị thục gọi là hữu, cũng nói hữu là đối tượng duyên của thủ.

Sư kia không nên nói như vậy. Các vị tạo luận thì dựa nơi chương lập môn, không thể chương nói khác môn nói khác. Thế nên như trước đã nói là đúng.

Hỏi: Vì sao gọi là hữu?

Đáp: Có thể có, có thể không phải có, nên gọi là hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì Thánh đạo nên gọi là hữu, vì Thánh đạo cũng là có thể có, có thể không phải có?

Đáp: Nếu có thể có, có thể không phải có, có thể nuôi lớn gồm thâu, nhận giữ các hữu thì gọi là hữu. Thánh đạo tuy có thể có, có thể không phải có, nhưng đối với các hữu thì trừ bỏ khiến chúng lìa tan, nên không gọi là hữu.

Lại nữa, nếu có thể có, có thể không phải có, có thể khiến các hữu nối tiếp lưu chuyển, khiến đường sinh tử không đoạn dứt thì gọi là hữu. Thánh đạo tuy có thể có, có thể không phải có, nhưng khiến cho các hữu không nối tiếp, không lưu chuyển đoạn dứt đường sinh tử, nên không gọi là hữu.

Lại nữa, nếu có thể có, có thể không phải có, là hướng đến hành khổ tập, hướng đến có thế gian hành tập lão tử, sinh tử lưu chuyển thì gọi là hữu. Thánh đạo tuy có thể có, có thể không phải có, nhưng là hướng đến hành khổ diệt, hướng đến có thế gian hành diệt lão tử, sinh tử lưu chuyển, nên không gọi là hữu.

Lại nữa, nếu có thể có, có thể không phải có, là sự việc của hữu thân kiến, sự việc điên đảo, sự việc của tùy miên, của ái, là nơi chốn an ổn đầy đủ của tham sân si, có cấu có độc, thuộc về các hữu, gắn liền với khổ tập đế thì gọi là hữu. Thánh đạo tuy có thể có, có thể không phải có, nhưng không phải là sự việc của hữu thân kiến, cho đến không phải là sự việc của ái, không phải là nơi chốn an ổn đầy đủ của tham sân si, không cấu uế, không đục, không độc, không thuộc về các hữu, không gắn với khổ tập đế, nên không gọi là hữu.

Có Sư khác nói: Là vật chứa đựng khổ nên gọi là hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì đấy cũng gọi là vật chứa đựng vui. Như nói: Này Đại Danh! Nếu sắc hoàn toàn là khổ, không phải là vui, không tùy thuận vui, không tăng trưởng mừng vui, chỉ là nhân lìa bỏ vui, thì các hữu tình không nên đối với sắc khởi tham khởi nhiễm. Này Đại Danh! Do sắc không phải là hoàn toàn khổ, cũng là vui, cũng tùy thuận vui, cũng tăng trưởng mừng vui, không phải chỉ là nhân lìa vui, nên hữu tình đối với sắc khởi tham khởi nhiễm. Lại, Đức Phật quyết định kiến lập ba thọ không cùng lẫn lộn là lạc thọ, khổ thọ và thọ không khổ không lạc. Như vậy pháp hữu lậu cũng là vật chứa vui, vì sao chỉ nói là vật chứa đựng khổ nên gọi là hữu?

Đáp: Do khổ nhiều. Nghĩa là trong sinh tử khổ nhiều vui ít, pháp thuận khổ nhiều, pháp thuận vui ít. Do vui ít nên đặt nó vào phẩm khổ. Như một giọt mật nhỏ vào bình chứa độc thì không gọi là bình mật mà vẫn gọi là bình chất độc do chất độc nhiều. Ở đây cũng như vậy.

Có thuyết nói: Đáng sợ hãi nên gọi là hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì Niết bàn cũng nên gọi là hữu. Như nói: Này các Bí-sô! Những kẻ phàm phu ngu tối không hiểu biết đối với Niết bàn sinh khởi sợ hãi lớn, cho là ngã không có, ngã sở không có, ngã sẽ không có, ngã sở sẽ không có. Hạng người ấy đối với Niết bàn đã sinh sợ hãi, thế thì Niết bàn cũng nên gọi là hữu?

Đáp: Đối với hữu sinh sợ hãi là đúng. Đối với Niết bàn sinh sợ hãi tức là sai lầm, do Niết bàn không phải là đáng sợ. Do đấy không gọi là hữu.

Lại nữa, nếu khiến cho hàng phàm phu và bậc Thánh đều sinh sợ hãi mới gọi là hữu. Niết bàn chỉ khiến cho phàm phu sợ nên không gọi là hữu.

Tương tục có năm: 1. Trung hữu tương tục. 2. Sinh hữu tương tục. 3. Phần vị tương tục. 4. Pháp tương tục. 5. Sát-na tương tục.

Trung hữu tương tục: Nghĩa là uẩn của tử hữu diệt, uẩn của trung hữu sinh. Các uẩn của tử hữu do các uẩn của trung hữu gọi là nối tiếp, nên gọi là trung hữu tương tục.

Sinh hữu tương tục: Nghĩa là uẩn của trung hữu diệt, uẩn của sinh hữu sinh. Các uẩn của trung hữu do các uẩn của sinh hữu gọi là nối tiếp, nên gọi là sinh hữu tương tục.

Phần vị tương tục: Nghĩa là phần vị Yết-la-lam diệt, phần vị Át-bộ-đàm sinh. Phần vị Yết-la-lam do phần vị Át-bộ-đàm gọi là nối tiếp. Cho đến phần vị tráng niêm diệt, phần vị lão niên sinh. Phần vị tráng niên do phần vị lão niên gọi là nối tiếp, nên gọi là phần vị tương tục.

Pháp tương tục: Nghĩa là pháp thiện không gián đoạn, pháp nhiễm hoặc pháp vô ký hiện tiền. Pháp thiện do pháp nhiễm và pháp vô ký gọi là nối tiếp. Pháp nhiễm, pháp vô ký không gián đoạn, hai thứ đều hiện tiền, nói rộng cũng như vậy, nên gọi là pháp tương tục.

Sát-na tương tục: Nghĩa là sát-na trước không gián đoạn sát-na sau hiện tiền. Sát-na trước do sát-na sau gọi là nối tiếp, nên gọi là sát-na tương tục.

Năm tương tục này đều gồm thâu trong hai tương tục là pháp tương tục và sát-na tương tục. Do trung hữu, sinh hữu phần vị tương tục đều gọi là pháp và sát-na.

Cõi dục có đủ năm tương tục. Cõi sắc có bốn tương tục trừ phần vị. Cõi vô sắc có ba tương tục trừ trung hữu và phần vị. Trời, Na-lạc-ca và hóa sinh có bốn tương tục trừ phần vị. Các nẻo khác đều đủ năm.

Có thuyết nói: Trời và hóa sinh cũng có đủ năm tương tục.

Trong đây, đối với năm tương tục dựa vào hai thứ để tạo luận là trung hữu, sinh hữu.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ dục hữu, dục hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi dục diệt, pháp cõi dục hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ dục hữu, dục hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi dục diệt, pháp cõi dục hiện tiền: Nghĩa là ở cõi dục mạng chung sinh trở lại nơi cõi dục, khi từ tử hữu đến trung hữu.

Xả bỏ dục hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi dục.

Dục hữu tương tục: Nghĩa là trung hữu của cõi dục.

Pháp cõi dục diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi dục.

Pháp cõi dục hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi dục.

Khi từ trung hữu đến sinh hữu, xả bỏ dục hữu: Nghĩa là trung hữu của cõi dục.

Dục hữu tương tục: Nghĩa là sinh hữu của cõi dục.

Pháp cõi dục diệt: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi dục.

Pháp cõi dục hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi sinh hữu của cõi dục.

Hỏi: Nếu trụ nơi cõi dục tâm vô phú vô ký mà mạng chung, khi trụ nơi trung hữu không thành tựu tử hữu, khi trụ nơi sinh hữu không thành tựu trung hữu, có thể gọi là xả. Nếu trụ nơi tâm thiện hoặc tâm nhiễm mà mạng chung, khi trụ nơi trung hữu thành tựu tử hữu, khi trụ nơi sinh hữu thành tựu trung hữu. Thế nào gọi là xả?

Đáp: Có thuyết nói: Trong đây chỉ dựa vào trụ nơi tâm vô phú vô ký mạng chung để nói, thế nên không có lỗi.

Có thuyết cho: Trong đây dựa nơi hiện hành xả để nói. Tuy trụ nơi trung hữu thành tựu tử hữu, trụ nơi sinh hữu thành tựu trung hữu, nhưng không hiện hành, nên nói là xả.

Có thuyết nêu: Trong đây từ bỏ uẩn trước gọi là xả, không nói nghĩa thành tựu không thành tựu.

Có khi pháp cõi dục diệt, pháp cõi dục hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ dục hữu, dục hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi dục diệt, pháp cõi dục hiện tiền, sự việc này như thế nào? Nghĩa là vị Yết-la-lam không gián đoạn, vị Át-bộ-đàm hiện tiền, cho đến vị tráng niên không gián đoạn, vị lão niên hiện tiền. Pháp thiện không gián đoạn, pháp nhiễm hoặc pháp vô ký hiện tiền. Pháp nhiễm không gián đoạn, pháp thiện hoặc pháp vô ký hiện tiền. Pháp vô ký không gián đoạn, pháp thiện và pháp nhiễm hiện tiền. Sát-na trước không gián đoạn, sát-na sau hiện tiền.

Hỏi: Nhưng hữu tình xả bỏ dục hữu, sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi dục diệt, pháp cõi sắc hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ dục hữu, sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi dục diệt, pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là ở cõi dục mạng chung sinh nơi cõi sắc, khi từ tử hữu đến trung hữu.

Xả bỏ dục hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi dục.

Sắc hữu tương tục: Nghĩa là trung hữu của cõi sắc.

Pháp cõi dục diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi dục.

Pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi sắc.

Có khi pháp cõi dục diệt, pháp cõi sắc hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ dục hữu, sắc hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi dục diệt, pháp cõi sắc hiện tiền, sự việc ấy như thế nào?

Trong đây, có thuyết nói: Tâm thiện của cõi dục không gián đoạn, định vị chí hiện tiền.

Có thuyết cho: Tâm thiện của cõi dục không gián đoạn, định vị chí, tĩnh lự thứ nhất hiện tiền.

Có thuyết nêu: Tâm thiện của cõi dục không gián đoạn, định vị chí, tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian hiện tiền.

Tôn giả Diệu Âm nói: Tâm thiện của cõi dục không gián đoạn, định vị chí, tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ hai hiện tiền. Vì sao? Như lúc vượt định, tĩnh lự thứ nhất không gián đoạn, tĩnh lự thứ ba hiện tiền. Đây cũng như vậy. Lại, cõi dục có bốn thứ tâm biến hóa, nghĩa là quả của tĩnh lự thứ nhất cho đến quả của tĩnh lự thứ tư. Tâm biến hóa nơi quả của tĩnh lự thứ nhất thuộc cõi dục không gián đoạn thì tịnh nơi tĩnh lự thứ nhất hiện tiền. Cho đến tâm biến hóa nơi quả của tĩnh lự thứ tư không gián đoạn thì tịnh nơi tĩnh lự thứ tư thuộc cõi dục hiện tiền.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ dục hữu, vô sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi dục diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như pháp cõi dục diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền, thì tất cả chúng là xả bỏ dục hữu, vô sắc hữu tương tục chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Trong đây vì sao không nói không mạng chung, pháp cõi dục diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền?

Đáp: Lý tất không có ở cõi vô sắc không mạng chung nhưng có pháp cõi dục diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền.

Hỏi: Há không chấp nhận là có ở cõi dục không mạng chung mà cõi dục được diệt, cõi vô sắc được hiện tiền chăng?

Đáp: Trong đây là nói pháp đồng loại diệt, pháp đồng loại hiện tiền. Không có ở cõi dục không mạng chung mà pháp đồng loại của cõi dục được diệt, pháp đồng loại của cõi vô sắc được hiện tiền, cho nên không nói.

Có thuyết nói: Trong đây là nói tâm tâm sở pháp diệt, tâm tâm sở pháp hiện tiền, không có ở cõi dục không mạng chung mà tâm tâm sở pháp của cõi dục diệt, tâm tâm sở pháp của cõi vô sắc hiện tiền, cho nên không nói.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ sắc hữu, sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ sắc hữu, sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là ở cõi sắc mạng chung sinh trở lại nơi cõi sắc, khi từ tử hữu đến trung hữu.

Xả bỏ sắc hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi sắc.

Sắc hữu tương tục: Nghĩa là trung hữu của cõi sắc.

Pháp cõi sắc diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi sắc.

Pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi sắc.

Khi từ trung hữu đến sinh hữu, xả bỏ sắc hữu: Nghĩa là trung hữu của cõi sắc.

Sắc hữu tương tục: Nghĩa là sinh hữu của cõi sắc.

Pháp cõi sắc diệt: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi sắc.

Pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi sinh hữu của cõi sắc.

Trong đây, nếu trụ nơi tâm vô phú vô ký mà mạng chung và trụ nơi tâm thiện, hoặc tâm nhiễm mà mạng chung đều gọi là xả bỏ sắc hữu. Hỏi – Đáp phân biệt như trước nên biết.

Có khi pháp cõi sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ sắc hữu, sắc hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền, sự việc này như thế nào? Nghĩa là tĩnh lự thứ nhất không gián đoạn, tĩnh lự thứ hai, thứ ba hiện tiền. Tĩnh lự thứ hai không gián đoạn, tĩnh lự thứ nhất, thứ ba, thứ tư hiện tiền. Tĩnh lự thứ ba không gián đoạn, tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, thứ tư hiện tiền. Tĩnh lự thứ tư không gián đoạn, tĩnh lự thứ hai, thứ ba hiện tiền. Pháp thiện không gián đoạn, pháp nhiễm hoặc pháp vô ký hiện tiền. Pháp nhiễm, pháp vô ký nói cũng như vậy. Sát-na trước không gián đoạn sát-na sau hiện tiền.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ sắc hữu, dục hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ sắc hữu, dục hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền: Nghĩa là ở cõi sắc mạng chung sinh nơi cõi dục, khi từ tử hữu đến trung hữu.

Xả bỏ sắc hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi sắc.

Dục hữu tương tục: Nghĩa là trung hữu của cõi dục.

Pháp cõi sắc diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi sắc.

Pháp cõi dục hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi dục.

Có khi pháp cõi sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ sắc hữu, dục hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền, sự việc ấy như thế nào?

Trong đây, có thuyết nói: Định vị chí không gián đoạn tâm thiện của cõi dục hiện tiền.

Có thuyết cho: Định vị chí, tĩnh lự thứ nhất không gián đoạn, tâm thiện của cõi dục hiện tiền.

Có thuyết nêu: Định vị chí, tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian không gián đoạn, tâm thiện của cõi dục hiện tiền.

Tôn giả Diệu Âm nói: Định vị chí, tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ hai không gián đoạn, tâm thiện của cõi dục hiện tiền. Vì sao? Vì như khi vượt định, tĩnh lự thứ ba không gián đoạn, tĩnh lự thứ nhất hiện tiền. Đây cũng như vậy. Lại, cõi dục có bốn thứ tâm biến hóa, nghĩa là quả của tĩnh lự thứ nhất cho đến quả của tĩnh lự thứ tư. Tịnh nơi tĩnh lự thứ nhất không gián đoạn tâm biến hóa nơi quả của tĩnh lự thứ nhất thuộc cõi dục hiện tiền. Cho đến tịnh nơi tĩnh lự thứ tư không gián đoạn tâm biến hóa nơi quả của tĩnh lự thứ tư thuộc cõi dục hiện tiền.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ sắc hữu, vô sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ sắc hữu, vô sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền: Nghĩa là ở cõi sắc mạng chung sinh nơi cõi vô sắc, khi từ tử hữu đến sinh hữu.

Xả bỏ sắc hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi sắc.

Vô sắc hữu tương tục: Nghĩa là sinh hữu của cõi vô sắc.

Pháp cõi sắc diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi sắc.

Pháp cõi vô sắc hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi sinh hữu của cõi vô sắc.

Có khi pháp cõi sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ sắc hữu, vô sắc hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền, sự việc này như thế nào? Nghĩa là tĩnh lự thứ ba không gián đoạn Không vô biên xứ hiện tiền. Tĩnh lự thứ tư không gián đoạn Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ hiện tiền.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ vô sắc hữu, vô sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ vô sắc hữu, vô sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền: Nghĩa là ở Vô sắc mạng chung sinh trở lại nơi cõi vô sắc, khi từ tử hữu đến sinh hữu.

Xả bỏ vô sắc hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi vô sắc.

Vô sắc hữu tương tục: Nghĩa là sinh hữu của cõi vô sắc.

Pháp cõi vô sắc diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi vô sắc.

Pháp cõi vô sắc hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi sinh hữu của cõi vô sắc.

Có khi pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ vô sắc hữu, vô sắc hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi vô sắc hiện tiền, sự việc ấy như thế nào? Nghĩa là Không vô biên xứ không gián đoạn Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ hiện tiền. Thức vô biên xứ không gián đoạn Không vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ hiện tiền. Vô sở hữu xứ không gián đoạn Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ hiện tiền. Phi tưởng phi phi tưởng xứ không gián đoạn Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ hiện tiền. Pháp thiện không gián đoạn pháp nhiễm hoặc pháp vô ký hiện tiền. Pháp nhiễm và pháp vô ký nói cũng như vậy. Sát-na trước không gián đoạn sát-na sau hiện tiền.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ vô sắc hữu, dục hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền, thì tất cả chúng là xả bỏ vô sắc hữu, dục hữu tương tục chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Trong đây vì sao không nói không mạng chung, pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền?

Đáp: Lý tất không có ở cõi vô sắc không mạng chung, nhưng có pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi dục hiện tiền. Phần còn lại hỏi – đáp như trước.

Hỏi: Những hữu tình xả bỏ vô sắc hữu, sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền chăng?

Đáp: Những hữu tình xả bỏ vô sắc hữu, sắc hữu tương tục, thì tất cả chúng là pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là ở cõi vô sắc mạng chung sinh nơi cõi sắc, khi từ tử hữu đến trung hữu.

Xả bỏ vô sắc hữu: Nghĩa là tử hữu của cõi vô sắc.

Sắc hữu tương tục: Nghĩa là trung hữu của cõi sắc.

Pháp cõi vô sắc diệt: Nghĩa là các uẩn nơi tử hữu của cõi vô sắc. Pháp cõi sắc hiện tiền: Nghĩa là các uẩn nơi trung hữu của cõi sắc.

Có khi pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền, nhưng không phải là xả bỏ vô sắc hữu, sắc hữu tương tục: Nghĩa là không mạng chung. Nhưng pháp cõi vô sắc diệt, pháp cõi sắc hiện tiền, sự việc ấy như thế nào? Nghĩa là Thức vô biên xứ không gián đoạn tĩnh lự thứ tư hiện tiền. Không vô biên xứ không gián đoạn tĩnh lự thứ ba, thứ tư hiện tiền.

Lại theo văn gốc phân biệt về nghĩa rồi sẽ theo nghĩa lại phân biệt rộng.

Hỏi: Nếu ở cõi dục mạng chung sinh trở lại nơi cõi dục thì người kia xả những gì, được những gì? Pháp nào diệt, pháp nào hiện tiền? Cho đến: Nếu ở cõi vô sắc mạng chung sinh nơi cõi sắc thì người kia xả những gì, được những gì? Pháp nào diệt, pháp nào hiện tiền?

Đáp: Các hữu tình ở cõi dục mạng chung sinh trở lại nơi cõi dục, nếu vốn trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, không có thân ngữ biểu bất thiện, nếu như có rồi mất, nếu trụ nơi tâm thiện mà mạng chung, người kia xả hai uẩn thiện, hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức nơi khi ấy, năm uẩn thiện, một uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm nhiễm mà mạng chung, người kia xả hai uẩn thiện, hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào bấy giờ, hai uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm vô phú vô ký mà mạng chung, người kia xả hai uẩn thiện, năm uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức nơi lúc ấy, hai uẩn thiện, một uẩn nhiễm, năm uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Người kia nếu có thân ngữ biểu bất thiện không mất, nếu trụ nơi tâm thiện mà mạng chung, người kia xả hai uẩn thiện, hai uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc này, năm uẩn thiện, hai uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm nhiễm mà mạng chung, người kia xả hai uẩn thiện, hai uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc ấy, hai uẩn thiện, năm uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm vô ký mà mạng chung, người kia xả hai uẩn thiện, hai uẩn nhiễm, năm uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc đó, hai uẩn thiện, hai uẩn nhiễm, năm uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu vốn trụ nơi không luật nghi, không có thân ngữ biểu thiện, nếu như có thì đã mất.

Nếu trụ nơi tâm thiện mà mạng chung, người kia xả hai uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào khi ấy, bốn uẩn thiện, hai uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm nhiễm mà mạng chung, người kia xả hai uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc ấy, một uẩn thiện, năm uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm vô ký mà mạng chung, người kia xả hai uẩn nhiễm, năm uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc này, một uẩn thiện, năm uẩn nhiễm, năm uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Người kia nếu có thân ngữ biểu thiện không mất, nếu trụ nơi tâm thiện mà mạng chung, nói rộng như nói ở phần trụ nơi luật nghi biệt giải thoát.

Có khi thân ngữ biểu bất thiện, nếu vốn trụ nơi phi luật nghi phi bất luật nghi, không có thân ngữ biểu thiện bất thiện, nếu như có thì đã mất.

Nếu trụ nơi tâm thiện mà mạng chung, người kia xả hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức nơi khi ấy, bốn uẩn thiện, một uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm nhiễm mà mạng chung, người kia xả hai uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc đó, một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Nếu trụ nơi tâm vô ký mà mạng chung, người kia xả năm uẩn vô ký, được hai uẩn vô ký. Tức vào lúc ấy, một uẩn thiện, một uẩn nhiễm, năm uẩn vô ký diệt. Một uẩn thiện, bốn uẩn nhiễm, hai uẩn vô ký hiện tiền.

Người kia nếu có thân ngữ biểu thiện không mất, không có thân ngữ biểu bất thiện, nếu như có thì đã mất.

Nếu trụ nơi tâm thiện, tâm nhiễm, tâm vô ký mà mạng chung, như trụ nơi luật nghi biệt giải thoát. Không có thân ngữ biểu bất thiện, nếu như có thì đã mất, như nói trụ nơi ba thứ tâm mà mạng chung. Tức người kia nếu có thân ngữ biểu bất thiện không mất, không có thân ngữ biểu thiện, nếu như có thì đã mất.

Nếu trụ nơi tâm thiện, tâm nhiễm, tâm vô ký mà mạng chung, thì như trụ nơi không luật nghi.

Không có thân ngữ biểu thiện, nếu như có đã mất, thì như nói trụ nơi ba thứ tâm mà mạng chung. Tức người kia nếu có thân ngữ biểu thiện, bất thiện không mất, nếu trụ nơi tâm thiện, tâm nhiễm, tâm vô ký mà mạng chung thì như trụ nơi luật nghi biệt giải thoát.

Có khi thân ngữ biểu bất thiện không mất cùng trụ nơi không luật nghi.

Có khi thân ngữ biểu thiện không mất trụ nơi ba thứ tâm mà mạng chung như vừa nói.

HẾT – QUYỂN 192