LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 171
Chương 7: ĐỊNH UẨN
Phẩm 3: BÀN VỀ GỒM THÂU, phần 6
Hỏi: Từng có được cùng lúc vị tương ưng nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là ái cõi sắc hết, khi khởi triền ở cõi dục, xứ Phạm thế thoái chuyển. Hoặc khi ở cõi vô sắc mất, sinh nơi cõi dục, xứ Phạm thế.
Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?
Đáp: Trước tuy đã nói rõ về được, bỏ, nhưng chưa phân biệt về tiệm, đốn, nay nhằm hiển bày về tiệm, đốn có sai biệt. Lại nữa, trước đã đem ba thứ như vị v.v… cùng đối để phân biệt, nay muốn ở đây chỉ nêu rõ về tự loại, nên tạo ra phần Luận này.
Đốn nghĩa là cùng lúc. Tiệm nghĩa là trước sau. Trong đây nêu rõ vị tương ưng nơi bốn tĩnh lự đối với hai thời cùng lúc được là khi thoái và khi sinh. Khi thoái là từ ái cõi sắc hết. Khi sinh là từ nơi vô sắc mất. Người kia khi khởi triền nơi cõi dục, xứ Phạm thế, thoái chuyển và khi sinh nơi cõi dục, xứ Phạm thế, đối với bốn vị tương ưng cùng lúc được.
Hỏi: Từng có bỏ cùng lúc vị tương ưng nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Không. Do không cùng lúc có thể lìa nhiễm nơi bốn địa.
Hỏi: Từng có được trước sau (Tiệm đắc) vị tương ưng nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đây cũng là hai thời được trước sau là thoái và sinh. Thoái là từ ái cõi sắc hết, thứ lớp khởi triền của địa dưới nơi mỗi mỗi tĩnh lự khi thoái chuyển. Sinh là khi từ nơi vô sắc mất, thứ lớp sinh xuống địa dưới nơi mỗi mỗi tĩnh lự, người kia đối với bốn vị tương ưng lần lượt được.
Hỏi: Từng có bỏ trước sau (Tiệm xả) vị tương ưng nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Do trước tất lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, cho đến sau lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư.
Hỏi: Từng có được cùng lúc (Đốn đắc) tịnh nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Không. Do trước không có vì không thành tựu tịnh nơi bốn tĩnh lự để nay cùng lúc được.
Hỏi: Từng có bỏ cùng lúc (Đốn xả) tịnh nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là ái nơi xứ Biến tịnh hết, khi khởi triền nơi cõi dục thoái chuyển. Hoặc khi ở cõi dục, xứ Phạm thế mất, sinh nơi cõi vô sắc. Trong đây, nêu rõ tịnh nơi bốn tĩnh lự đối với hai thời cùng lúc bỏ là khi thoái chuyển và khi vượt cõi, địa, nên căn cứ theo đó phối hợp để giải thích.
Hỏi: Từng có được trước sau tịnh nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là trước, lúc lìa nhiễm nơi cõi dục được tĩnh lự thứ nhất, cho đến sau, lúc lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ ba được tĩnh lự thứ tư. Từ cõi vô sắc mất, khi thứ lớp sinh vào bốn tĩnh lự của địa dưới, tuy cũng nói là được trước sau, nhưng là được một, bỏ một, không phải như ở đây đã nói.
Hỏi: Từng có bỏ trước sau tịnh nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đây cũng là hai thời bỏ trước sau là khi thoái chuyển và khi vượt cõi, địa. Thoái chuyển là dần dần khởi triền nơi địa dưới thoái chuyển. Vượt cõi, địa là khi từ địa dưới dần dần sinh lên địa trên, khi từ tĩnh lự trên thứ lớp sinh xuống địa tĩnh lự dưới, tuy cũng gọi là bỏ trước sau nhưng là bỏ một, được một, nên không phải như đây đã nói.
Hỏi: Từng có được cùng lúc vô lậu nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là dựa nơi tĩnh lự thứ tư, nhập chánh tánh ly sinh, hoặc được quả A-la-hán. Ngoài ra ở đây không nói đắc quả A-la-hán do ở vị hữu học trước đã được vô lậu nơi bốn tĩnh lự. Nhưng ở đây nên nói là đắc quả A-la-hán, do vị hữu học đã được đều bỏ, nay được cùng lúc quả vô học.
Hỏi: Từng có bỏ cùng lúc vô lậu nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là bậc Thánh, ái nơi xứ Biến tịnh hết, khi khởi triền nơi cõi dục thoái chuyển, tuy được quả luyện căn và ngay khi ấy vị kia không khởi triền nơi cõi dục, nhưng khi thoái chuyển cũng có bỏ cùng lúc vô lậu nơi bốn tĩnh lự tức thời trở lại được cho nên không nói.
Hỏi: Từng có được trước sau vô lậu nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là bậc Thánh do đã lìa nhiễm địa dưới và khi có khởi đạo thắng quả dần dần được.
Hỏi: Từng có bỏ trước sau vô lậu nơi bốn tĩnh lự chăng?
Đáp: Có. Đó là bậc Thánh, ái nơi xứ Biến tịnh hết, dần dần khởi triền nơi địa dưới, khi thoái chuyển thì bỏ trước sau vô lậu nơi bốn tĩnh lự.
Hỏi: Từng có được cùng lúc vị tương ưng nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Có. Đó là A-la-hán khởi triền nơi cõi dục, cõi sắc, Không vô biên xứ, khi thoái chuyển. Trong đây không bao hàm việc có được khi sinh.
Hỏi: Từng có bỏ cùng lúc vị tương ưng nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Không. Như trước đã giải thích.
Hỏi: Từng có được trước sau vị tương ưng nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Có. Trong đây, khi thoái chuyển đối với bốn vị tương ưng có được trước sau, khi sinh đối với ba vị tương ưng có được trước sau.
Hỏi: Từng có bỏ trước sau vị tương ưng nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Có. Như trước đã giải thích.
Hỏi: Từng có được cùng lúc tịnh nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Không. Do trước không có vì không thành tựu tịnh nơi bốn vô sắc để nay cùng lúc được.
Hỏi: Khi được quả luyện căn, đối với tịnh nơi bốn tĩnh lự, nơi bốn vô sắc, đều có tu cùng lúc. Vì sao trong phần tĩnh lự trước và vô sắc ở đây đều đáp là không?
Đáp: Người kia trước đều đã có không bỏ, nay chỉ lại được phần ít, nên không phải như ở đây đã nói về nghĩa được.
Hỏi: Từng có bỏ cùng lúc tịnh nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Có. Đó là ái nơi Vô sở hữu xứ hết, khởi triền nơi cõi dục, cõi sắc khi thoái chuyển. Ở đây không bao hàm việc vượt cõi địa bỏ.
Hỏi: Từng có được trước sau tịnh nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Có. Như trước đã giải thích.
Hỏi: Từng có bỏ trước sau tịnh nơi bốn vô sắc chăng?
Đáp: Có. Trong đây, khi thoái chuyển đối với bốn tịnh có bỏ trước sau, khi vượt địa đối với ba tịnh có bỏ trước sau.
Hỏi: Từng có được cùng lúc vô lậu nơi ba vô sắc chăng?
Đáp: Có. Đó là khi được quả A-la-hán. Khi vô học luyện căn, tuy cũng được cùng lúc, nhưng không phải là loại riêng, cho nên không nói. Lại, người kia khi ấy cũng gọi là được quả A-la-hán, nên không nói riêng.
Hỏi: Từng có bỏ cùng lúc vô lậu nơi ba vô sắc chăng?
Đáp: Có. Đó là bậc Thánh, ái nơi Thức vô biên xứ hết, khi khởi triền nơi cõi dục, cõi sắc thoái chuyển, như đã giải thích ở trước.
Hỏi: Từng có được trước sau vô lậu nơi ba vô sắc chăng?
Đáp: Có. Do lìa nhiễm của địa dưới và khi có khởi đạo thắng quả, nên dần dần được.
Hỏi: Từng có bỏ trước sau vô lậu nơi ba vô sắc chăng?
Đáp: Có. Đó là bậc Thánh ái nơi Thức vô biên xứ hết, dần dần khởi triền nơi địa dưới thoái chuyển, nên bỏ trước sau vô lậu nơi ba vô sắc.
***
* Thân ngữ biểu, vô biểu dựa vào định nào diệt?
Đáp: Thân ngữ biểu dựa vào thứ nhất hoặc vị chí. Thân ngữ vô biểu dựa vào bốn hoặc vị chí.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Là nhằm ngăn chận ý tưởng cho nghiệp biểu và vô biểu là không thật có, làm sáng tỏ nghiệp biểu và vô biểu đều là thật có. Lại, còn để ngăn chận thuyết cho: Nghiệp thân ngữ biểu có đến tĩnh lự thứ tư, nghiệp vô biểu có đến xứ Hữu đảnh. Nay muốn hiển bày nghiệp thân ngữ biểu chỉ có đến xứ Phạm thế, nghiệp vô biểu chỉ có đến tĩnh lự thứ tư, nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Vì sao ba tĩnh lự trên không có nghiệp thân ngữ biểu?
Đáp: Nghiệp thân ngữ biểu cùng khởi nơi tầm tứ. Nếu địa tầm tứ có thể đạt được, tức có nghiệp thân ngữ biểu. Khế kinh nói: Tầm tứ đã nêu bày không phải là không tầm tứ. Thân biểu cũng nên cho là tầm tứ đã tạo, không phải là không tầm tứ. Ba tĩnh lự trên do tầm tứ đã diệt nên không có thân ngữ biểu.
Hỏi: Vì sao địa trên không có tầm tứ?
Đáp: Tầm tứ thô động, không tịch tĩnh. Địa trên là vắng lặng vi tế.
Hỏi: Vì sao thân ngữ vô biểu chỉ đến tĩnh lự thứ tư, không ở địa trên?
Đáp: Nghiệp vô biểu thiện đối trị vô biểu bất thiện. Vô biểu bất thiện chỉ có ở cõi dục. Cõi vô sắc đối với cõi dục, bốn xứ đều là xa, cho nên cõi vô sắc không có.
Có thuyết nói: Cõi sắc cho đến tĩnh lự thứ tư đều có thể chán ghét nghiệp ác của cõi dục. Địa trên thì không như vậy.
Có thuyết cho: Vô biểu dựa nơi đại chủng của sắc thân, còn cõi vô sắc không có sắc thân và đại chủng nên cũng không có vô biểu.
Trong đây: Nghiệp thân ngữ biểu có thiện, bất thiện và vô ký:
Bất thiện là thuộc cõi dục dựa vào định vị chí diệt.
Thiện, vô ký là thuộc cõi dục, tĩnh lự thứ nhất. Thuộc cõi dục là dựa vào định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa nơi định vị chí, tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Nói vị chí là chung cho tám cận phần và tĩnh lự trung gian, do đều không phải đến định căn bản.
Nhưng trong đây đã nói về định: Có thuyết nêu: “Dựa nơi định vô lậu để nói”. Có thuyết nói: “Dựa nơi định hữu lậu, vô lậu để nói”. Nếu cho là dựa nơi định vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian. Nếu cho là dựa vào định hữu lậu, vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian và cận phần của tĩnh lự thứ hai.
Lại trong đây đã nói về diệt: Có thuyết nêu: “Chung là dựa vào chủng loại diệt để nói”. Có thuyết nói: “Chỉ dựa vào cứu cánh diệt để nói”. Nếu nói chung là dựa vào chủng loại diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu ba địa. Ở trong định vị chí là gồm thâu hữu lậu, vô lậu, do đấy có thể diệt thân ngữ biểu thuộc cõi dục, tĩnh lự thứ nhất. Nếu nói chỉ dựa vào cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là cũng gồm thâu ba địa. Ở trong định vị chí chỉ gồm thâu vô lậu, do đấy có thể diệt thân ngữ biểu thuộc tĩnh lự thứ nhất. Vì thế nên nói thân ngữ biểu dựa vào thứ nhất hoặc vị chí diệt.
Nghiệp thân ngữ vô biểu có thiện, bất thiện:
Bất thiện là thuộc cõi dục, dựa vào định vị chí diệt.
Thiện là thuộc cõi dục, bốn tĩnh lự và không hệ thuộc. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí mà diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa nơi tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư là dựa vào bốn tĩnh lự, định vị chí, tĩnh lự trung gian và cận phần của Không vô biên xứ diệt.
Nhưng trong đây đã nói về định: Nếu cho là dựa vào định vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian. Nếu cho là dựa vào định hữu lậu, vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian và cận phần của bốn địa trên.
Lại trong đây đã nói về diệt: Nếu cho là dựa vào chủng loại diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bốn địa trên. Ở trong định vị chí gồm thâu hữu lậu, vô lậu, dựa vào đó có thể diệt thân ngữ vô biểu thuộc cõi dục cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư. Nếu cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là chỉ gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ. Ở trong định vị chí chỉ gồm thâu vô lậu, dựa vào đó có thể diệt thân ngữ vô biểu thuộc tĩnh lự thứ tư. Do vậy nên nói thân ngữ vô biểu dựa vào bốn hoặc vị chí diệt.
Nghiệp biểu, vô biểu như đã nói rộng nơi Chương Nghiệp Uẩn.
***
* Ba hành ác, ba hành diệu, ba căn bất thiện, ba căn thiện dựa vào định nào diệt?
Đáp: Dựa vào vị chí diệt.
Trong đây: Ba hành ác thuộc cõi dục là dựa vào định vị chí diệt. Hai hành diệu thân, ngữ thuộc cõi dục, bốn tĩnh lự và không hệ thuộc. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa nơi tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư là dựa nơi bốn tĩnh lự, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ diệt.
Hành diệu ý thuộc chín địa và không hệ thuộc. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa vào tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Cho đến thuộc Vô sở hữu xứ là dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Phi tưởng phi phi tưởng xứ diệt. Thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ là dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt. Trong đây dựa vào việc đối trị gần ba hành ác để nói ba hành diệu, nên chỉ nói là dựa vào vị chí diệt.
Ba căn bất thiện thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Ba căn thiện thuộc chín địa và không hệ thuộc là dựa vào định diệt, như nói về hành diệu ý. Trong đây cũng dựa vào việc đối trị gần ba căn bất thiện để nói ba căn thiện, nên cũng chỉ nói là dựa vào vị chí diệt.
Ba hành ác cho đến ba căn thiện như đã nói rộng nơi Chương Nghiệp Uẩn.
***
* Bốn phi Thánh ngữ, bốn Thánh ngữ, bốn loài, bốn thứ nhập thai, bốn thức trụ dựa vào định nào diệt?
Đáp: Bốn phi Thánh ngữ, bốn Thánh ngữ, các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, bốn thứ nhập thai dựa vào vị chí diệt. Loài hóa sinh, ba thức trụ sau dựa vào bảy hoặc vị chí diệt. Sắc thức trụ dựa vào bốn hoặc vị chí diệt.
Bốn phi Thánh ngữ: Nghĩa là không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không biết nói biết, không hiểu nói hiểu.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Là để phân biệt rõ nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Bốn phi Thánh ngữ nghĩa là không thấy nói thấy, cho đến nói rộng. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không phân biệt rộng. Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này. Những điều kinh kia không nói nay nên phân biệt, vì thế nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Thế nào là phi Thánh ngữ không thấy nói thấy?
Đáp: Không phải là đối tượng đạt được của mắt, không phải là đối tượng nhận biết rõ của nhãn thức gọi là không phải đối tượng thấy. Ở đây không phải đối tượng thấy gọi là không thấy. Nếu có người đối với chỗ không thấy khởi tưởng không thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc này từng thấy chăng? Người kia hoặc tự mình làm, hoặc vì người khác, hoặc vì danh lợi, nên che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp là tôi thấy. Đó gọi là phi Thánh ngữ không thấy nói thấy.
Lại có loại ấy đối với tưởng thấy – không thấy chuyển nhưng nói thấy thành phi Thánh ngữ.
Hỏi: Vì sao lại nói điều ấy?
Đáp: Vì để hiển bày sự việc hy hữu nên nói như vậy.
Hỏi: Từng có người đối với thấy nói thấy, cũng như đối với không thấy nói thấy, thành phi Thánh ngữ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là như có một người đối với sự việc đã thấy khởi tưởng không thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc ấy từng thấy chăng? Người kia hoặc tự mình làm, hoặc vì người khác, hoặc vì danh lợi, nên che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói tôi thấy. Người kia vào bấy giờ như đối với không thấy nói thấy thành phi Thánh ngữ. Đó cũng gọi là phi Thánh ngữ không thấy nói thấy.
Như nói rộng về phi Thánh ngữ không thấy nói thấy, thì phi Thánh ngữ không nghe nói nghe, không biết nói biết, không hiểu nói hiểu, nói rộng cũng như vậy.
Lại có bốn phi Thánh ngữ: Nghĩa là thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, biết nói không biết, hiểu nói không hiểu.
Hỏi: Thế nào là phi Thánh ngữ thấy nói không thấy?
Đáp: Nếu là đối tượng đạt được của mắt, đối tượng nhận biết rõ của nhãn thức thì gọi là đối tượng thấy. Ở đây, đối tượng thấy gọi là thấy. Nếu có người ở nơi đối tượng thấy khởi tưởng thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc này từng thấy chăng? Người kia hoặc tự mình làm, hoặc vì người khác, hoặc vì danh lợi, nên che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói là không thấy. Đó gọi là phi Thánh ngữ thấy nói không thấy.
Lại có loại này đối với tưởng không thấy – thấy chuyển nhưng nói không thấy thành phi Thánh ngữ.
Hỏi: Vì sao lại nói việc này?
Đáp: Vì muốn làm rõ sự việc hy hữu nên nói như vậy.
Hỏi: Từng có người đối với không thấy nói không thấy, cũng như đối với thấy nói không thấy, thành phi Thánh ngữ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là như có một người đối với sự việc đã không thấy khởi tưởng thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc này từng thấy chăng? Người kia hoặc tự mình làm, hoặc vì người khác, hoặc vì danh lợi, nên che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói là không thấy. Người kia vào bấy giờ như đối với thấy nói không thấy thành phi Thánh ngữ. Đó cũng gọi là phi Thánh ngữ thấy nói không thấy.
Như nói rộng phi Thánh ngữ thấy nói không thấy, thì phi Thánh ngữ nghe nói không nghe, biết nói không biết, hiểu nói không hiểu, nói rộng cũng như vậy.
Hỏi: Những gì đã nói như thế tức có tám thứ phi Thánh ngữ, hoặc mười sáu thứ. Vì sao chỉ nói có bốn?
Đáp: Do sự việc của chỗ dựa chỉ có bốn. Nghĩa là tất cả phi Thánh ngữ đều dựa vào sự việc thấy, nghe, biết, hiểu để khởi nên chỉ nói bốn.
Lại nữa, lược nên nói bốn, rộng tức có tám hoặc mười sáu.
Lại nữa, nêu chung nên nói bốn, nêu riêng tức có tám hoặc mười sáu.
Như chung – riêng, không phân biệt – phân biệt, nói không khắp – nói khắp, nói không khác – nói có khác, nói tức thời – nói dần dần, nên biết cũng như vậy.
Hỏi: Phi Thánh ngữ dùng gì làm tự tánh?
Đáp: Dùng ngữ hư dối làm tự tánh.
Hỏi: Vì sao ngữ ấy gọi là phi Thánh?
Đáp: Do bất thiện nên gọi là phi Thánh. Lại nữa, ở trong sự nối tiếp của phi Thánh đã hiện tiền nên gọi là phi Thánh. Lại nữa, đã tạo thành không phải là Thánh nên gọi là phi Thánh. Lại nữa, đã nói về không phải là Thánh nên gọi là phi Thánh. Lại nữa, phi Thánh do đấy được mang tên là phi Thánh nên gọi là phi Thánh.
Luận Tập Dị Môn nói: Vì sao gọi là phi Thánh? Do các thứ ấy có thể dẫn đến những quả không đáng yêu mến, không đáng mừng, không đáng vui, không vừa ý, không như ý, nên gọi là phi Thánh. Đây là hiển bày về quả đẳng lưu.
Lại nữa, do các thứ ấy có thể chiêu cảm những dị thục không đáng yêu mến, không vui mừng, không vừa ý, không hợp ý, nên gọi là phi Thánh. Đây là hiển bày về quả dị thục.
Phi Thánh ngữ ấy hoặc thuộc về không luật nghi, hoặc thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi, là nghiệp đạo, chỉ là bất thiện.
Hỏi: Từng có phi Thánh ngữ không phải là nghiệp đạo, là vô ký, thuộc cõi sắc chăng?
Đáp: Có. Như những lời của đại phạm vương đã nói đối trước Bí-sô Mã Thắng. Lời ấy cũng gọi là phi Thánh ngữ, nhưng không phải thuộc về phi Thánh ngữ ở đây. Do những sự việc đã nói trong đây hoặc điên đảo, hoặc không điên đảo, nhưng tưởng tất là điên đảo.
A-la-hán, Độc giác cũng có trường hợp là sự việc không thấy nói thấy v.v… nhưng cũng không phải thuộc về phi Thánh ngữ ở đây, do không che giấu tưởng để nói. Như người tưởng thấy cây trụi cành lá nói là thấy người. Lại như Tôn giả Mục Kiền Liên đã ghi nhận là sinh con trai, nhưng sau thì sinh con gái. Lại nói: Khi ta trụ nơi định Vô sở hữu xứ, nghe tiếng gầm rống của nhiều voi quý, bên trong ao Mạn-đà-chỉ-ni. Nên biết vị ấy nói đều không phải là vọng ngữ, do sự việc tuy đảo lộn nhưng tưởng thì không đảo lộn. Chỉ có Đức Phật, Thế Tôn là không có những lẫn lộn như vậy khi nói, vì Ngài đã vĩnh viễn nhổ bật tất cả tập khí vô tri hiện tiền thấu đạt cảnh của ba đời.
Bốn Thánh ngữ: Nghĩa là không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không biết nói không biết, không hiểu nói không hiểu.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Là nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Bốn Thánh ngữ nghĩa là không thấy nói không thấy, cho đến nói rộng. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt rộng. Nay muốn phân biệt nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Thế nào là Thánh ngữ không thấy nói không thấy?
Đáp: Nghĩa không thấy như trước đã giải thích. Nếu có người ở nơi chỗ không thấy khởi tưởng không thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc này từng thấy chăng? Người kia không tự mình làm, không vì người khác, không vì danh lợi, tức thời như thật không che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói không thấy. Đó gọi là Thánh ngữ không thấy nói không thấy.
Lại có loại ấy ở nơi tưởng thấy – không thấy chuyển nhưng nói không thấy thành Thánh ngữ.
Hỏi: Vì sao lại nói điều ấy?
Đáp: Là để làm rõ sự việc hoan hỷ hữu nên nói như vậy.
Hỏi: Từng có người đối với thấy nói không thấy, cũng như đối với không thấy nói không thấy, thành Thánh ngữ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là như có một người ở nơi sự việc đã thấy khởi tưởng không thấy. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc ấy từng thấy chăng? Người kia không tự mình làm, không vì người khác, không vì danh lợi, tức thời như thật không che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói không thấy. Người kia vào bấy giờ như đối với không thấy nói không thấy thành Thánh ngữ. Đó cũng gọi là Thánh ngữ không thấy nói không thấy.
Như nói rộng về Thánh ngữ không thấy nói không thấy, thì Thánh ngữ không nghe nói không nghe, không biết nói không biết, không hiểu nói không hiểu, nói rộng cũng như vậy.
Lại có bốn Thánh ngữ: Nghĩa là thấy nói thấy, nghe nói nghe, biết nói biết, hiểu nói hiểu.
Hỏi: Thế nào là Thánh ngữ thấy nói thấy?
Đáp: Nghĩa của thấy như trước đã giải thích. Nếu có người đối với sự việc đã thấy khởi tưởng thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc ấy từng thấy chăng? Người kia không tự mình làm, không vì người khác, không vì danh lợi, tức thời như thật không che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói là tôi thấy. Đó gọi là Thánh ngữ thấy nói thấy.
Lại có loại này ở nơi tưởng không thấy – thấy chuyển nhưng nói thấy thành Thánh ngữ.
Hỏi: Vì sao lại nói việc ấy?
Đáp: Là để hiển bày sự việc hy hữu nên nói như vậy.
Hỏi: Từng có người đối với không thấy nói thấy, cũng như đối với thấy nói thấy thành Thánh ngữ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là như có một người đối với sự việc đã không thấy khởi tưởng thấy chuyển. Kẻ khác hỏi: Ông đối với sự việc ấy từng thấy chăng? Người kia không tự mình làm, không vì người khác, không vì danh lợi, tức thời như thật không che giấu tưởng ấy, nhẫn ấy, dục ấy, đáp nói là tôi thấy. Người kia vào bấy giờ như đối với thấy nói thấy thành Thánh ngữ. Đó cũng gọi là Thánh ngữ thấy nói thấy.
Như nói rộng về Thánh ngữ thấy nói thấy, thì Thánh ngữ nghe nói nghe, biết nói biết, hiểu nói hiểu, nói rộng cũng như vậy.
Hỏi: Những gì đã nói như thế tức có tám thứ Thánh ngữ hoặc mười sáu thứ. Vì sao chỉ nói có bốn?
Đáp: Do sự việc của chỗ dựa chỉ có bốn. Nghĩa là tất cả Thánh ngữ đều dựa vào sự việc thấy, nghe, biết, hiểu để khởi nên chỉ nói bốn.
Lại nữa, lược nên nói bốn, rộng tức có tám hoặc mười sáu.
Lại nữa, nêu chung nên nói bốn, nêu riêng tức có tám hoặc mười sáu.
Như chung – riêng, không phân biệt – phân biệt, nói không khắp – nói khắp, nói không khác – nói có khác, nói tức thời – nói dần dần, nên biết cũng như vậy.
Hỏi: Thánh ngữ dùng gì làm tự tánh?
Đáp: Dùng thật ngữ làm tự tánh.
Hỏi: Vì sao ngữ ấy gọi là Thánh?
Đáp: Do thiện nên gọi là Thánh. Lại nữa, ở trong sự nối tiếp của Thánh giả đã hiện tiền nên gọi là Thánh. Lại nữa, đã thành tựu bậc Thánh nên gọi là Thánh. Lại nữa, đã do bậc Thánh giảng nói nên gọi là Thánh. Lại nữa, bậc Thánh do đấy được mang tên Thánh nên gọi là Thánh.
Luận Tập Dị Môn nói: Do đâu gọi là Thánh? Đáp: Do các thứ ấy có thể dẫn tới những quả đáng yêu mến, đáng vui mừng, vừa ý, như ý, nên gọi là Thánh. Đây là làm rõ về quả đẳng lưu.
Lại nữa, do các thứ ấy có thể chiêu cảm những dị thục đáng yêu mến, đáng vui mừng, vừa ý, hợp ý, nên gọi là Thánh. Đây là làm rõ về quả dị thục.
Thánh ngữ này hoặc thuộc về luật nghi, hoặc thuộc về không phải luật nghi, không phải không luật nghi, là nghiệp đạo, chỉ là thiện. Bốn phi Thánh ngữ chỉ thuộc cõi dục, dựa vào định vị chí diệt.
Bốn Thánh ngữ thuộc cõi dục, tĩnh lự thứ nhất. Thuộc cõi dục là dựa vào định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa vào tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Nhưng ở đây dựa vào sự đối trị gần bốn phi Thánh ngữ để nói bốn Thánh ngữ, nên chỉ nói dựa vào vị chí diệt.
Trong bốn loài: Noãn, thai, thấp sinh chỉ thuộc cõi dục, nên dựa nơi định vị chí diệt.
Hóa sinh là dựa nơi bảy, hoặc vị chí diệt, nghĩa là hóa sinh thuộc chín địa. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa nơi tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ là dựa nơi bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt.
Nhưng ở đây đã nói về định: Nếu cho là dựa nơi định vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian. Nếu cho là dựa vào định hữu lậu, vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bảy địa trên.
Lại ở đây đã nói về diệt: Nếu cho là dựa vào chủng loại diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bảy địa trên. Ở trong định vị chí gồm thâu hữu lậu vô lậu, dựa vào đó có thể diệt hóa sinh thuộc cõi dục cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là chỉ gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian. Ở trong định vị chí chỉ gồm thâu vô lậu, dựa vào đó có thể diệt hóa sinh thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Do đấy nên nói hóa sinh dựa vào bảy, hoặc vị chí diệt.
Bốn loài như nơi Chương Đại Chủng Uẩn đã nói rộng.
Bốn thứ nhập thai: 1. Nhập thai mẹ không chánh tri, trụ – xuất cũng như vậy. 2. Nhập thai mẹ chánh tri, trụ không chánh tri, xuất không chánh tri. 3. Nhập thai mẹ chánh tri, trụ chánh tri, xuất không chánh tri. 4. Nhập thai mẹ chánh tri, trụ – xuất cũng như vậy.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Vì để phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có bốn thứ nhập thai mẹ, cho đến nói rộng. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không phân biệt rộng. Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này. Những gì Khế kinh chưa nói nay muốn nêu bày nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Thế nào là nhập thai mẹ không chánh tri, trụ – xuất cũng như vậy?
Đáp: Đây có hai loại: Nếu là kẻ phước mỏng, khi nhập thai khởi tưởng điên đảo, khởi thắng giải điên đảo: Thấy trời tối sầm, lạnh buốt, gió mưa, nhiều người náo loạn, đám đông tụ tập, liền nghĩ: Ta nay vừa vào trong chốn bụi cây gai um tùm hoặc chốn rừng rậm có những hang động đầy cỏ lá. Hoặc đi tới chỗ vách tường bên gốc cây để tránh gió mưa và tiếng ồn. Nghĩ rồi tức thấy thân mình đã tới nơi ấy. Kẻ kia khi trụ nơi thai cũng khởi tưởng điên đảo, thắng giải điên đảo như vậy, cho là: Ta đang ở trong khoảng hang động đầy cỏ cây nơi chốn rừng rậm, hay bên vách tường cạnh gốc cây, giây lát liền dứt. Kẻ kia khi xuất thai cũng có tưởng điên đảo, thắng giải điên đảo như vậy, cho là: Ta nay ra khỏi hang động đầy cỏ lá của chốn rừng rậm, hoặc bỏ nơi vách tường gốc cây mà đi.
Nếu là người có phước đức, khi nhập thai cũng khởi tưởng điên đảo, khởi thắng giải điên đảo: Thấy trời tối sầm, lạnh buốt, gió mưa, nhiều người náo loạn, đám đông tụ tập, liền nghĩ: Ta nên đi vào vườn cảnh này, hoặc chốn rừng hoa, hoặc lên điện đường, hoặc leo lên lầu gác để tránh gió mưa và các thứ tiếng ồn. Nghĩ rồi tức thấy ngay thân đã vào vườn cây hoa, cho đến lên gác lầu. Khi trụ nơi thai cũng khởi tưởng điên đảo, thắng giải điên đảo như vậy, cho là: Ta nay đang trụ trong vườn hoa nơi rừng cây, ngồi kiết già trên điện đường, lầu gác. Khi xuất thai cũng có những tưởng điên đảo, thắng giải điên đảo như vậy, cho là: Ta nay ra khỏi vườn hoa nơi rừng cây như thế cho đến ta đang từ nơi lầu gác đi xuống.
Đó gọi là loại thứ nhất, nhập thai mẹ không chánh tri, trụ – xuất cũng như vậy.
Hỏi: Thế nào là nhập thai mẹ chánh tri, trụ không chánh tri, xuất không chánh tri?
Đáp: Là người có nhiều phước, khi nhập thai mẹ đều không khởi tưởng điên đảo, không khởi thắng giải điên đảo, có thể tự nhận biết rõ: Ta nay nhập thai mẹ. Người kia khi trụ và xuất thai thì không chánh tri, như đã nói rộng ở trước. Đó gọi là loại thứ hai, nhập thai mẹ chánh tri, trụ không chánh tri, xuất chánh tri.
Hỏi: Thế nào là nhập thai mẹ chánh tri, trụ chánh tri, xuất không chánh tri?
Đáp: Là người có nhiều phước, đối với việc nhập thai mẹ và khi trụ nơi thai mẹ đều không khởi tưởng điên đảo, không khởi thắng giải điên đảo, có thể tự nhận biết rõ: Ta nay nhập thai mẹ. Ta nay đang trụ nơi thai mẹ. Nhưng đối với lúc xuất thì lại không chánh tri, nói rộng như ở trước. Đó gọi là loại thứ ba, nhập thai mẹ chánh tri, trụ chánh tri, xuất không chánh tri.
Hỏi: Thế nào là nhập thai mẹ chánh tri, trụ – xuất cũng như vậy?
Đáp: Là người có nhiều phước, khi vào thai mẹ, khi trụ và khi xuất thai mẹ đều không khởi tưởng điên đảo, không khởi thắng giải điên đảo, có thể tự nhận biết rõ: Ta nay nhập thai mẹ. Ta nay trụ nơi thai mẹ. Ta nay ra khỏi thai mẹ. Đó gọi là loại thứ tư, nhập thai mẹ chánh tri, trụ – xuất cũng như vậy.
Hỏi: Khi nhập thai là những ai nhập?
Đáp: Có thuyết nói: Nhập thai loại thứ tư là Bồ-tát. Nhập thai loại thứ ba là Độc giác. Nhập thai loại thứ hai là Luân vương. Nhập thai loại thứ nhất là các hữu tình khác.
Có thuyết nêu: Nhập thai loại thứ tư là Bồ-tát. Nhập thai loại thứ ba là Độc giác. Nhập thai loại thứ hai là Thanh văn Ba-la-mật-đa.
Nhập thai loại thứ nhất là các hữu tình khác.
Có thuyết cho: Nhập thai loại thứ tư là Bồ-tát. Nhập thai loại thứ ba là Độc giác. Nhập thai loại thứ hai là Dự lưu, Nhất lai. Nhập thai loại thứ nhất là các hữu tình khác.
Có thuyết nói: Trong các hữu tình, có loại cầu diệu trí nghiệp cũng thanh tịnh. Có loại cầu diệu trí nhưng nghiệp không thanh tịnh. Có loại nghiệp thanh tịnh nhưng không cầu diệu trí. Có loại không cầu diệu trí nghiệp cũng không thanh tịnh. Loại hữu tình thứ nhất thì nhập thai sau cùng. Loại hữu tình thứ hai thì nhập thai thứ ba. Loại hữu tình thứ ba thì nhập thai thứ hai. Loại hữu tình sau cùng thì nhập thai thứ nhất.
Loại hữu tình thứ nhất, khi nhập thai mẹ, bụng mẹ an tĩnh, lìa các xúc nhiễu. Khi trụ nơi thai, thai tạng rộng lớn thanh tịnh, không tổn não. Khi xuất thai, sản môn mở thư thái, không gặp bức bách. Nên khi nhập, trụ, xuất đều không mất niệm.
Loại hữu tình thứ hai, khi nhập thai, trụ nơi thai cũng như trước, là an ổn, không mất niệm. Chỉ khi xuất thai, sản môn hẹp nhỏ, bị bức bách, tức mất niệm.
Loại hữu tình thứ ba, khi nhập thai cũng không gây xúc nhiễu, an ổn như trước, không mất niệm. Nhưng khi trụ nơi thai, thai tạng chật chội, lẫn uế tạp, gây tổn não. Và khi xuất thai, sản môn quá nhỏ hẹp, bị bức bách. Nên cả khi trụ và xuất thai đều mất niệm.
Loại hữu tình thứ tư, khi nhập thai mẹ, làm bụng mẹ tạp động, kinh sợ không an. Khi trụ và xuất thai, đều bức bách, khổ sở, như nói ở trước. Do vậy nên cả ba thời kỳ đều mất niệm.
Lại nữa, nơi bốn thứ nhập thai này đều có Bồ-tát, trong đó, có thuyết nói: Nhập thai loại thứ tư là Bồ-tát của A-tăng-kỳ thứ ba. Nhập thai loại thứ ba là Bồ-tát của A-tăng-kỳ thứ hai. Nhập thai loại thứ hai là Bồ-tát của A-tăng-kỳ đầu. Nhập thai loại thứ nhất là Bồ-tát của trước thời ấy.
Có thuyết cho: Nhập thai loại thứ tư là Bồ-tát của thân sau cùng. Nghĩa là khi từ trời Đổ-sử-đa mạng chung sinh vào cung vua Tịnh Phạn. Nhập thai loại thứ ba là Bồ-tát Nhất sinh sở hệ (Nhất sinh bổ xứ). Nghĩa là khi từ châu Thiệm Bộ mạng chung sinh lên trời Đổ-sử đa. Nhập thai loại thứ hai là Bồ-tát của đời kế tiếp đời trước. Nghĩa là khi từ nơi chốn mạng chung sinh vào châu Thiệm bộ, tu hành phạm hạnh trong giáo pháp của Phật Ca-diếp-ba. Nhập thai loại thứ nhất là Bồ-tát trước thời ấy.
Lời bình: Không nên nói như thế. Vì Bồ-tát từ chín mươi mốt kiếp trở lại đây luôn nhớ nghĩ về túc mạng, đối với Tử hữu, Trung hữu, Sinh hữu, Bản hữu thường không có tưởng điên đảo, không mất chánh niệm. Do nhân duyên này nên thuyết trước là đúng.
Hỏi: Các phần vị kiết sinh tất khởi tâm nhiễm. Tất cả tâm nhiễm đều cùng với không chánh tri tương ưng. Vì sao nói được là nhập thai mẹ chánh tri?
Đáp: Nói chánh tri nghĩa là không có tưởng điên đảo, không có thắng giải điên đảo, không phải chủ yếu là không tương ưng với vô minh, nên gọi là chánh tri. (coi lại)
Nhưng Bồ-tát đối với kiết khi sinh cũng khởi sự yêu mến tự thể, yêu mến cha mẹ, nên cũng có tâm nhiễm.
Hỏi: Nếu như thế thì cùng với hữu tình khác có gì dị biệt?
Đáp: Như hữu tình khác, khi sắp nhập thai, cha khởi tưởng không phải là cha, mẹ khởi tưởng không phải là mẹ. Do như thế nên con trai đối với cha sinh giận dữ, đối với mẹ sinh yêu mến, khởi tưởng điên đảo như vậy, nên cùng kết hợp với mẹ. Con gái đối với mẹ sinh giận, đối với cha sinh yêu mến, khởi tưởng điên đảo như vậy, nên cùng kết hợp cha. Do tưởng điên đảo ấy nên liền có kiết sinh. Bồ-tát thì không như vậy. Khi sắp nhập thai mẹ, đối với cha tưởng là cha, đối với mẹ tưởng là mẹ. Ta nương nơi họ nên tăng trưởng uẩn sau, sẽ ở trong châu Thiệm bộ thọ nhận quả báo tôn thắng, dựa vào đấy chứng đắc quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, tạo lợi ích cho các hữu tình. Nghĩ như vậy rồi, liền đối với cha mẹ cùng sinh thân ái, do vậy kiết sinh. Đó là chánh tri. Nghĩa là không có tưởng điên đảo, chẳng phải chủ yếu là không nhiễm.
Bốn thứ nhập thai này chỉ thuộc cõi dục, cho nên chỉ nói dựa nơi định vị chí diệt.
Trong bốn thức trụ: Ba thức trụ sau dựa vào bảy, hoặc vị chí diệt. Nghĩa là ba thức trụ sau thuộc về chín địa. Thuộc cõi dục là dựa vào định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa vào tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ là dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt.
Nhưng trong đây đã nói về định: Nếu cho là dựa vào định vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian. Nếu cho là dựa vào định hữu lậu, vô lậu để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là làm rõ định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bảy địa trên.
Lại trong đây đã nói về diệt: Nếu cho là dựa vào chủng loại diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bảy địa trên. Ở trong định vị chí gồm thâu hữu lậu, vô lậu, dựa vào đó có thể diệt ba thức trụ sau thuộc cõi dục cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian. Ở trong định vị chí chỉ gồm thâu vô lậu, dựa vào đó có thể diệt ba thức trụ sau thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Do đó nên nói dựa vào bảy, hoặc vị chí diệt.
Sắc thức trụ dựa vào bốn, hoặc vị chí diệt. Nghĩa là sắc thức trụ thuộc năm địa. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư là dựa vào tĩnh lự thứ tư, định vị chí, tĩnh lự trung gian và cận phần của Không vô biên xứ diệt.
Nhưng trong đây đã nói về định: Có thuyết nói: Dựa nơi định vô lậu để nói. Có thuyết cho: Dựa nơi định hữu lậu, vô lậu để nói. Tùy chỗ ứng hợp như trước đã phân biệt.
Lại, trong đây đã nói về diệt: Nếu cho là dựa vào chủng loại diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bốn địa trên. Ở trong định vị chí gồm thâu hữu lậu vô lậu, dựa vào đấy có thể diệt sắc thức trụ thuộc cõi dục cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư. Nếu cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ, dựa vào đấy có thể diệt sắc thức trụ thuộc tĩnh lự thứ tư.
Do vậy nên nói dựa vào bốn, hoặc vị chí diệt.
Bốn thức trụ nói rộng như trong Chương Đại Chủng Uẩn.
HẾT – QUYỂN 171