LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 16

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ TRÍ, phần 8

* Như Đức Phật – Thế Tôn quở trách các đệ tử, bảo họ là người ngu si, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là Đức Thế Tôn đã hoàn toàn đoạn dứt mọi tham ái, giận dữ, trái thuận đều bình đẳng, đã nhổ sạch rễ tranh luận, diệt tận gốc kiêu mạn, xem các thứ ngọc ngà, châu báu như ngói gạch, nơi tất cả pháp đều nhận biết soi chiếu không sót, không còn cả những thứ tương tợ với ái, giận, mạn v.v… Các tập khí phiền não đã vĩnh viễn trừ bỏ, không như hàng Độc giác và các Thanh văn, tuy đã đoạn phiền não nhưng tập khí vẫn còn.

Tập khí tham ái: Như Tôn giả A-nan xót thương những người họ Thích.

Tập khí giận dữ: Như Tôn giả Tất-lăng-già-phiệt-tha nói với thần sông Hằng: Này tên đầy tớ nhỏ! Hãy ngăn dòng chảy, ta sắp qua sông.

Tập khí kiêu mạn: Như Tôn giả Xá-lợi-tử ném bỏ hết các thứ thuốc men.

Tập khí ngu si: Như Tôn giả Cấp-phòng-bát-để ho cả hồi lâu trước khi ăn, ăn chưa tiêu, không biết về sau sẽ khổ mà lại cứ ăn.

Những sự việc đại loại như thế là rất nhiều. Đức Thế Tôn tuy không còn chút tập khí phiền não nào, nhưng hoặc có lúc có những lời nói tương tợ như ái v.v…

Lời nói tương tợ như ái: Như Đức Thế Tôn nói: Thiện lai Bí-sô! Có thể khéo xuất gia cũng như đầy đủ giới cấm.

Lời nói tương tợ như giận: Như Đức Thế Tôn nói: Ông là kẻ tôi tớ của dòng họ Thích, họ là chủ của ông.

Lời nói tương tợ như kiêu mạn: Như Đức Thế Tôn nói: Ta là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thành tựu mười lực, đắc bốn pháp không sợ hãi.

Lời nói tương tợ như không biết: Như Đức Thế Tôn nói: Đại vương hôm nay từ nơi nào đến? Hoặc bảo Tôn giả A-nan: Ông xem trời có mưa không? Vì sao có tiếng nói to lớn trong vườn này?

Hoặc có người sinh nghi: Đức Thế Tôn đã dứt hết các thứ tập khí phiền não, sao còn có những loại như thế, giống như lời nói phiền não?

Vì muốn khiến cho nghi kia được quyết định, hiểu rõ, nên tạo ra phần Luận này.

Để giải thích về nhân duyên ấy, như ở đây nói không biết gì thì kia cũng như vậy.

Hỏi: Vì sao Đức Phật nói lời nói tương tợ như ái v.v…?

Đáp: Vì để che chở cho thửa ruộng mình đã giáo hóa, đem lại lợi ích cho Bí-sô kia. Nghĩa là Đức Thế Tôn nói lời tương tợ như ái: Là muốn cho các Bí-sô đã bị Thiên Thọ (Đề-bà-đạt-đa) lôi kéo trong việc phá hoại Tăng thân tâm được yên ổn và trừ bỏ nghi ngờ. Nghĩa là Đề-bà-đạt-đa vì tham danh lợi, nên phá hoại Tăng. Tôn giả Xá-lợi-tử và Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giáo hóa khiến các Bí-sô kia quay về trở lại. Các Bí-sô ấy theo Đề-bà-đạt-đa, bấy giờ cảm thấy rất xấu hổ, thân tâm dao động, lại sinh nghi hoặc: “Ta theo Thiên Thọ, vậy có mất giới chăng?”. Do đấy, họ nghe Đức Thế Tôn bảo: “Các Bí-sô khéo đến đây! Có thể khéo xuất gia cũng như giữ đủ giới cấm”, thì hai sự dao động nghi hoặc kia đều dứt. Lúc ấy, nếu Đức Phật không nói lời này, các Bí-sô kia sẽ sầu não, hổ thẹn, thổ huyết mà chết.

Lại, Đức Thế Tôn nói lời tương tợ như giận dữ: Là muốn xô ngã cây cột kiêu mạn của Phạm chí nọ. Tức Phạm chí Am-bà-sắt-trá không xét biết mẹ mình là hạng thấp kém, mà mang tâm kiêu ngạo, ngăn cản người khác xuất gia, sẽ bị đọa vào nẻo ác. Do đó, Đức Phật quở mắng, phá bỏ tâm kiêu mạn ấy của Phạm chí. Theo thứ lớp hai thân được sinh lên cõi trời, thấy bốn Thánh đế. Lại, do Phật quở mắng Phạm chí Bổ-sắc-yết-la-bà-lợi kia, khiến ông ta được nhập nơi pháp Phật, đạt được quả thù thắng.

Lại, Đức Thế Tôn nói lời tương tợ như kiêu mạn: Là muốn khiến cho những kẻ không biết công đức của Phật sẽ nhận biết và quy y, tu tập thắng hạnh.

Lại, Đức Thế Tôn nói lời tương tợ như si ám: Là để mở ra cho vua kia việc đàm luận về đạo, cũng nhằm giải tỏa tâm sầu muộn của Tôn giả A-nan.

Lại, vì muốn khiến sinh khởi tâm ưa thích yên tĩnh của Tôn giả A-nan.

Đức Phật nói những lời tương tợ như phiền não ấy, tất cả đều nhằm đem lại lợi ích cho hữu tình. Nay Đức Phật quở mắng đệ tử là người ngu si, cũng chỉ vì lợi sinh, như phần sau sẽ nói.

Hỏi: Vì duyên gì Độc giác và các Thanh văn tuy đã đoạn trừ phiền não, nhưng tập khí vẫn còn? Đức Phật thì không như thế.

Đáp: Tuệ giác của hàng Thanh văn, Độc giác không mạnh mẽ, thông lợi, nên tuy đã đoạn trừ phiền não, nhưng tập khí vẫn còn. Như ở đời thường dùng lửa, lửa cháy xong vẫn còn tro nóng. Tuệ Phật rất dũng mãnh, thông lợi, đoạn dứt các phiền não khiến tập khí cũng hoàn toàn diệt hẳn. Như kiếp tận, lửa sẽ theo vật bị thiêu đốt cháy rụi không còn chút tro tàn nào.

Do vô số nhân duyên đã nêu ở trước, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Như khi quở trách các đệ tử, Đức Thế Tôn bảo họ là người ngu si, sự việc này có nghĩa gì?

Đáp: Là lời nói quở trách. Nghĩa là Đức Phật – Thế Tôn quở trách đệ tử gọi họ là người ngu si, như nay các Thân giáo sư (Hòa thượng), Quỹ phạm sư (A-xà-lê), nếu có các đệ tử y chỉ, cận trụ khởi những lỗi lầm liền quở mắng, bảo: Ông là người ngu si, không sáng suốt, là người không tốt. Đức Thế Tôn cũng như thế, quở trách các đệ tử, gọi họ là những người ngu si

Ở đây văn của luận gồm có hai phần:

  1. Giải thích về ý nghĩa Đức Phật quở trách đệ tử.
  2. Giải thích về nhân duyên Đức Phật quở trách đệ tử.

Phần văn đã nêu trước, tức là phần đầu. Như nay Thân giáo sư, Quỹ phạm sư vì ngăn chận lỗi lầm đã khởi của các đệ tử, hoặc như cha mẹ ngăn chận lỗi lầm của con, có những quở trách cũng đều vì tạo lợi ích, không có tâm ác. Đức Phật cũng như thế. Nghĩa là cách thức giáo hóa của Đức Phật lược có bốn thứ: 1. Nên khen ngợi. 2. Nên quở trách. 3. Nên để qua một bên. 4. Nên làm nhân cho cái khác.

Nên khen ngợi: Như Đức Phật khen ngợi Câu-chi-nhĩ v.v…

Nên quở trách: Như Đức Phật quở trách Ô-đà-di v.v…

Nên để qua một bên: Như để qua việc Ca-diếp-ba không có y phục. Như Đức Phật bảo Bà-la-môn kia: Nay không phải là đúng lúc, nên chưa thể trả lời ông.

Nên làm nhân cho cái khác: Như Đức Phật chuyển Chánh pháp luân cho năm vị Bí-sô, bấy giờ có tám vạn chư Thiên đều được Thánh đạo. Đức Phật giảng nói pháp cho vua Tần-tỳ-sa-la, lúc ấy cũng có tám vạn chư Thiên và chín vạn hai ngàn người ở nước Ma-kiệt-đà đều được Thánh đạo. Đức Phật giảng nói pháp cho Đế Thích, khi đó cũng có tám vạn chư Thiên đều được nhập Thánh đạo. Đức Phật giảng nói pháp cho La-hỗ-la, bấy giờ cũng có sáu vạn chư Thiên cùng một lúc đắc đạo. Các trường hợp như thế v.v… là rất nhiều, vì vậy nên Đức Thế Tôn mới dùng sự quở trách, mà người nhập đạo tất phải quở trách.

Có thuyết nói: Vì sự thúc giục của tâm đại bi, nên Đức Phật – Thế Tôn luôn tìm kiếm phương tiện đem lại lợi ích cho mọi người. Nếu không quở mắng Đề-bà-đạt-đa: Ông là kẻ ngu si, là kẻ ăn đờm dãi, tức ông ta sẽ dẫn theo vô lượng chúng sinh ngu si tạo các việc ác. Lại nữa, ông ta luôn xúc não Đức Thế Tôn.

Nếu không chê trách người nữ Vô tỷ, thân của ngươi nhơ nhớp, xấu xa, đầy dẫy bất tịnh, thì lòng ham muốn của người kia không do đâu mà ngừng dứt, do đó, Ngài mới quở mắng đệ tử của mình là người ngu si.

Có thuyết cho: Sở dĩ Đức Thế Tôn quở trách các đệ tử, vì Ngài muốn khiến cho kẻ chưa gieo trồng căn thiện có thể gieo trồng. Người đã gieo trồng căn thiện nhưng chưa thành thục, có thể nhanh chóng thành thục. Người đã thành tựu căn thiện, nhưng chưa được giải thoát, sớm được giải thoát. Nếu không quở trách, tất các đệ tử kia sẽ mất hết lợi ích thù thắng.

Thế nên, Đức Phật quở mắng các đệ tử gọi họ là kẻ ngu si.

Hỏi: Gọi là người ngu si là có nghĩa gì? Vì từ si sinh nên nói là người ngu si, hay là do hiện hành si nên nói là người ngu si? Giả sử nếu như vậy thì có lỗi gì?

Nếu từ si sinh nên gọi là người ngu si, thì cũng từ tham, giận, mạn, kiến chấp v.v… sinh, vậy vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói là người ngu si?

Nếu do hiện hành si, nên gọi là người ngu si, thì Khế kinh không nên nói A-la-hán cũng gọi là người si. Như Khế kinh nói: “Kẻ ngu si hãy lánh xa, đừng đứng trước mặt ta”.

Lại, Đức Thế Tôn trách quở mắng Ô-đà-di: Ông là người ngu si, không có mắt, sao lại tranh luận về nghĩa sâu xa với Bí-sô Thượng tọa?

Lại, các phiền não khác cũng có hiện hành, vì sao Đức Phật chỉ nói các người ngu si, không phải là thứ khác?

Đáp: Có thuyết nêu: Vì từ si sinh nên gọi là người ngu si.

Hỏi: Nếu thế thì cũng có từ tham, giận, mạn, kiến v.v… sinh, vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói có người ngu si?

Đáp: Do si hành khắp. Nếu Phật biết quở trách A-la-hán, cho là người ngu si, thì đối với vật có ích tức cũng quở trách được, vì thân của A-la-hán kia cũng từ si sinh. Như Khế kinh nói: Vô minh đã che phủ, ái kiết buộc trói, kẻ phàm ngu chiêu cảm được nên có thân của thức, kẻ trí cũng vậy. A-la-hán v.v… được gọi là trí giả.

Có Sư khác nói: Do si hiện hành nên gọi là người ngu si.

Hỏi: Nếu vậy thì Khế kinh không nên nói A-la-hán cũng gọi là người ngu si?

Đáp: Như Khế kinh đã nói: “Kẻ ngu si hãy tránh xa, đừng đứng trước mặt ta”, là người tụng đọc đã đọc tụng nhầm lẫn. Nên nói như thế này: “Bí-sô hãy đứng cách xa, chớ nên đứng trước mặt ta”. Ấy là lúc Đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả Bạch Tịnh đang đứng phía trước Đức Phật cầm quạt quạt cho Phật. Bấy giờ có vô lượng chư Thiên cõi Trường Thọ đến chỗ Phật, họ sẽ ngờ cho là Tôn giả kia đang đứng trước Phật, che khuất khiến họ không nhìn thấy Đức Thế Tôn, khiến họ mất đi lợi ích sau cùng. Đức Phật nhận biết rõ ý nghĩ của chư Thiên, nên mới nói lời ấy: “Bí-sô hãy đứng cách xa, chớ nên đứng trước mặt ta”.

Lại như Đức Thế Tôn đã quở mắng Ô-đà-di, bảo: “Ông là người ngu si, không có mắt, sao lại đi tranh cãi với Bí-sô Thượng tọa về nghĩa sâu xa”, thì cũng không có mâu thuẫn, vì bấy giờ Ô-đà-di chưa đắc quả A-la-hán, nên hoặc nói là phàm phu, hay nói là hàng hữu học.

Có Sư khác cho: A-la-hán v.v… cũng hiện hành si mê, không nhiễm, không biết, cũng chưa đoạn.

Hỏi: Các phiền não khác cũng có hiện hành, vì sao Đức Phật chỉ nói là người ngu si, không phải là thứ khác?

Đáp: Trước đã nói, vì si hiện hành cùng khắp, tùy thuộc vào sự khởi hiện ở địa nào, thì vô minh hiện tiền ở đó, tức gọi người ngu si là căn cứ vào vô minh mà lập. Do nghĩa ấy nên Đức Phật quở mắng các đệ tử, bảo họ là người ngu si.

Hỏi: Do đâu Đức Thế Tôn quở mắng các đệ tử, bảo họ là người ngu si?

Đáp: Vì đối với lời răn dạy truyền trao của Đức Thế Tôn, các đệ tử kia không theo nghĩa mà làm, không tùy thuận, không nối tiếp nhau.

Từ đây trở xuống, văn của Luận là phần thứ hai, giải thích nhân duyên Đức Phật đã quở trách các đệ tử kia là những kẻ ngu si. Những lời răn dạy truyền trao là hiển bày chung về lời Phật nói.

Có thể chánh hành: Là theo nghĩa mà làm. Vì các đệ tử kia không thể chánh hành, nên gọi là không theo nghĩa mà làm.

Có thuyết nói: Như hành tác thích hợp gọi là theo nghĩa mà làm. Vì các đệ tử kia không hành tác thích hợp, nên gọi là không theo nghĩa mà làm.

Không tùy thuận: Là đối với Thánh giáo của Phật, không thể tùy thuận tu tập công đức.

Không nối tiếp nhau: Là không thể trong thời gian dài chú tâm dốc sức cho việc tu tập công đức.

Hỏi: Lời răn dạy và lời truyền trao có gì khác nhau?

Đáp: Ngăn chận việc làm không có lợi ích gọi là răn dạy. Đem lại lợi ích gọi là truyền trao. Lại nữa, chỉ dạy khiến an trụ trong chánh niệm gọi là răn dạy. Giáo huấn khiến an trụ trong chánh tri gọi là truyền trao. Lại nữa, vì khiến tu tập có biểu hiện gọi là răn dạy. Vì khiến tu tập không biểu hiện gọi là truyền trao. Lại nữa, vì khiến tu tập Xa-ma-tha (Chỉ) gọi là răn dạy. Vì khiến tu tập Tỳ-bát-xá-na (Quán) gọi là truyền trao. Lại nữa, vì khiến tu Thánh đạo gọi là răn dạy. Vì khiến chứng đắc Thánh quả gọi là truyền trao. Lại nữa, vì khiến tu pháp thiện thế gian gọi là răn dạy. Vì khiến tu pháp thiện xuất thế gian gọi là truyền trao. Đó là sự khác nhau giữa răn dạy và truyền trao.

Lại nữa, đệ tử kia ở trong Thánh giáo đã tạo thành sự việc ngu si, trống rỗng, không có quả, không có xuất, không có vị, không có thắng lợi, làm chuyện trái vượt giáo pháp Phật, đối với các Học xứ không thể thọ nhận học, vậy nên Đức Phật quở trách bảo họ là người ngu si.

Trong đây, ý của Thánh giáo là làm sáng rõ Thánh đạo.

Hỏi: Thế nào là các đệ tử kia đối với Thánh đạo đã hành tác sự việc ngu si?

Đáp: Vì họ không thể khiến cho Thánh đạo trở thành sự việc ngu si, mà chỉ tạo sự nối tiếp, tăng trưởng ngu si, làm trở ngại Thánh đạo.

Có thuyết nói: Họ cũng khiến cho Thánh đạo trở thành sự việc ngu si, nghĩa là khiến trở nên xa cách, không được tự tại, vì không được hiện hành.

Có thuyết cho: Vì nhằm trừ bỏ ngu si nên Phật giảng nói Thánh giáo, đệ tử đã nghe Thánh giáo, không những không đoạn dứt ngu si mà còn khiến chúng càng tăng trưởng. Vì thế nên nói các đệ tử đối với Thánh giáo của Đức Phật đã hành tác sự việc ngu si.

Trống không: Là làm rõ các đệ tử kia không có thai Thánh đạo, như thân người nữ kia không mang thai, không sinh con, nên gọi là thạch nữ. Đây cũng như vậy, tuy nghe Phật dạy, nhưng không thể nhận lấy thai Thánh đạo. Đức Phật nói thân của họ không có quả Sĩ dụng, vì bỏ phí công dụng, nên gọi là trống không.

Không có quả: Là không có quả Đẳng lưu và Giải thoát.

Không có xuất: Là không có quả Sĩ dụng.

Lại nữa, xuất nghĩa là được, những đệ tử kia đối với pháp Phật không đạt được gì cả, nên gọi là không có xuất.

Không có vị: Là các đệ tử kia đối với Phật pháp, không có vị xuất gia, không có vị tịch tĩnh, không có vị Thánh đạo, không có vị tịch diệt, nên gọi là không có vị.

Không có thắng lợi: Quả gọi là thắng lợi. Vì các đệ tử kia không chứng được quả, nên gọi là không có thắng lợi.

Lại nữa, có hai điều lỗi lầm, nên gọi là không có thắng lợi. Vì như lương y xót thương những người có bệnh, nên tìm cầu thuốc khắp bốn phương, được thuốc rồi đem cho bệnh nhân. Bệnh nhân khinh thường thuốc, cho như là phân mục, nên vứt bỏ không uống. Bệnh nhân kia phạm hai điều lỗi lầm: 1. Bệnh của mình không được lành. 2. Công của lương y trở nên vô ích. Đức Thế Tôn cũng như vậy, trải qua ba vô số kiếp tu tập hàng trăm ngàn hạnh khổ khó làm, chỉ vì các hữu tình nên tìm kiếm pháp thuốc Thánh, được rồi lại vì chúng giảng nói pháp diệu, nghe xong họ lại xem thường không tự uống lấy, mà lạm dụng thuốc để mưu cầu danh lợi. Người bệnh kia phạm hai điều sai lầm: 1. Không nhổ bỏ bệnh phiền não của mình. 2. Khiến công ơn của Đức Phật trở nên vô ích.

Làm trái vượt giáo pháp Phật: Là hành tác trái vượt lý sâu xa trong Thánh giáo của Đức Thế Tôn.

Đối với Học xứ không thể thọ nhận học: Là không thể tu học pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, các đệ tử kia đối với Thánh giáo đã gây tạo sự việc ngu si: Là họ đã đoạn dứt Thánh giáo, không khiến nối tiếp. Nghĩa là Đức Phật đã vì các đệ tử kia giảng nói pháp vô thượng, nếu nghe chánh hành vận chuyển, vì người khác giảng nói cho người khác cùng nghe. Lại chánh hành đó còn vì những kẻ còn lại giảng nói. Lần lượt như thế, đem lại lợi ích không cùng tận, mới gọi là Thánh giáo của Đức Như Lai không dứt.

Các đệ tử kia, sau khi nghe Thánh giáo, không thể chánh hành, cũng lại không thể vận chuyển vì người khác giảng nói v.v… Tự mình đã không có lợi ích, cũng không đem lại lợi ích cho người khác, nên gọi là đoạn dứt Thánh giáo, không khiến nối tiếp. Do đó, gọi là hành tác ngu si.

Trống không: Là tự thân không phải là pháp khí.

Không có quả: Là khiến tâm kỳ vọng của Đức Phật không có hiệu quả. Nghĩa là Đức Phật muốn khiến cho chúng sinh được nghe pháp, thoát khỏi khổ của sinh tử, các đệ tử kia nghe pháp rồi, không thể tu hành theo phương tiện lìa khổ, thế nên khiến cho tâm kỳ vọng của Đức Phật không có hiệu quả.

Không xuất: Là các đệ tử kia không thể đạt được điều căn bản lúc xuất gia, mong cầu sự việc thù thắng là giữ giới thanh tịnh.

Không có vị: Là không có vị tĩnh lự.

Không có thắng lợi: Là không có tuệ thuận hợp.

Trái vượt giáo pháp Phật: Là không chứng đắc Niết-bàn. Đức Phật vì muốn cho chúng sinh chứng được Niết-bàn an vui, nên giảng nói giáo pháp chân chánh. Các đệ tử kia không thể chứng đắc, nên gọi là trái vượt.

Đối với các Học xứ không thể thọ học: Là Đức Phật đã nêu đặt vô số Học xứ, nhưng các đệ tử kia không thể thọ nhận tu học. Có người tuy thọ nhận, nhưng không có khả năng thường xuyên tu tập, như Bà-đà-lê, phải qua bốn tháng mưa mới có thể thọ học. Pháp thọ thực một lần, có người tuy luôn tu nhưng không viên mãn, đều gọi là không thể thọ học Học xứ.

Do những nhân duyên ấy nên Đức Phật quở mắng đệ tử, gọi họ là người ngu si.

***

* Có sáu nhân: Đó là nhân tương ưng cho đến nhân năng tác.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận các thứ luận cho là không có nhân và nhân ác. Tức các ngoại đạo, hoặc chấp các pháp không có nhân mà sinh, hoặc lại chấp có nhân không bình đẳng. Vì để ngăn chận ý của họ, nhằm làm sáng tỏ các pháp sinh ra quyết định là có nhân, không phải là không bình đẳng.

Hoặc có người nói: Có lối chấp cho nhân duyên không phải là vật thật có, như phái Thí dụ. Vì nhằm ngăn chận ý của họ và để chỉ rõ về nhân duyên, hoặc tánh hoặc tướng đều là thật có.

Lại có thuyết nói: Vì muốn đem sáu nhân để hiển bày bốn quả, khiến quả kia được sáng rõ, như xem A-ma-lạc-ca trong bàn tay. Nghĩa là dùng hai nhân là tương ưng, câu hữu để làm rõ quả Sĩ dụng. Dùng hai nhân đồng loại, biến hành, nhằm làm sáng tỏ quả Đẳng lưu. Dùng nhân dị thục để hiển bày quả Dị thục. Và dùng nhân năng tác để biểu thị quả Tăng thượng.

Do những nhân duyên đó nên tạo ra phần Luận này.

Tuy nhiên sáu nhân này không phải là Khế kinh nói. Khế kinh chỉ nói bốn duyên. Tánh là tánh của Nhân duyên, nói rộng cho đến tánh của Tăng thượng duyên. Nay muốn dùng nhân để phân biệt duyên, nên nói sáu nhân này.

Hỏi: Là Nhân gồm thâu Duyên hay Duyên gồm thâu Nhân?

Đáp: Chúng gồm thâu lẫn nhau, tùy thuộc vào sự việc. Nghĩa là năm nhân trước là Nhân duyên, nhân năng tác là ba duyên còn lại.

Có người nói như vầy: Duyên gồm thâu nhân, không phải nhân gồm thâu duyên. Nghĩa là năm nhân trước là Nhân duyên, nhân năng tác là Tăng thượng duyên. Đẳng vô gián duyên và Sở duyên duyên không thuộc về nhân.

Lại có thuyết cho: Sáu nhân cũng là do Khế kinh đã nói, nghĩa là nói trong Tăng Nhất A Cấp Ma tăng sáu: Bấy giờ, kinh đã trải qua thời gian lâu xa, nên văn kinh ẩn mất, Tôn giả Ca Đa diễn ni tử v.v… dùng diệu lực của trí nguyện xem xét chỗ sáu nhân được nói đến trong Khế kinh, rồi soạn tập để tạo ra A-tỳ-đạt-ma, vì thế nên ở đây phân biệt sáu nhân.

Đã từng nghe nói trong kinh Tăng Nhất A Cấp Ma (Tăng Nhất A Hàm), từ một pháp thêm lên cho đến trăm pháp, nay chỉ có một cho đến mười là còn, ngoài ra đều mai một.

Lại, ở trong phần tăng nhất cho đến mười ấy, cũng phần nhiều bị mất mát, phần còn lại rất ít.

Từng nghe, Tôn giả Thương Nặc Ca Y là Đại A-la-hán, là đệ tử của Tôn giả A-nan-đà, cùng ở chung với đệ tử là Thân giáo thọ sư Đại Đức Thời Phược Ca. Lúc vị A-la-hán kia nhập Niết-bàn, tức ngay hôm đó có bảy vạn bảy ngàn kinh Bản Sinh, một vạn luận A-tỳđạt-ma ẩn mất không xuất hiện.

Một Luận sư nhập diệt hãy còn có từng ấy Kinh, Luận ẩn mất, huống chi từ sau vị Luận sư đó cho đến hôm nay, hoặc có đến hàng trăm hàng ngàn các Luận sư nhập diệt, số Kinh, Luận cùng mất theo há có thể nhận biết? Nên sáu nhân này là do Khế kinh nói.

Có Sư khác nêu: Sáu nhân như thế tuy không có một kinh nào nói đủ theo thứ lớp, tuy nhiên rải rác trong các kinh đều có nói đến. Nghĩa là như Khế kinh nói là danh, là kiến, là căn, tín tương ưng với trí chứng. Những kinh như thế là đã nói về nhân Tương ưng.

Lại, Khế kinh nói: Mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, vì ba hòa hợp nên có xúc, cùng khởi thọ, tưởng, tư. Các kinh như thế là đã nói về nhân Câu hữu.

Lại, Khế kinh nói: Bổ-đặc-già-la như thế là đã thành tựu pháp thiện và pháp bất thiện. Pháp thiện ẩn mất, pháp bất thiện xuất hiện. Có người tùy thuận cùng hành, căn thiện chưa đoạn, do chưa đoạn nên từ căn thiện này vẫn có thể khởi phát nghĩa căn thiện khác. Người kia vào đời vị lai sẽ có pháp thanh tịnh. Các kinh như thế là đã nói đến nhân Đồng loại.

Lại, Khế kinh nói: Các tà kiến đều là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp hiện có. Những hữu tình nguyện cầu đều như mình mong mà thấy, các hành hiện có đều là loại đó. Các pháp như thế thảy đều có thể chiêu cảm quả không vui vẻ, không đáng yêu thích, không vừa ý. Các kinh như thế là đã nói đến nhân Biến hành.

Lại, Khế kinh nói: Không nơi chốn, không dung nạp hành ác của thân, ngữ, ý, nên thọ nhận dị thục (quả báo) đáng yêu thích. Có nơi chốn, có dung nạp hành ác của thân, ngữ, ý, nên thọ nhận dị thục không đáng yêu thích. Các kinh như thế là đã nói về nhân Dị thục.

Lại, Khế kinh nói: Hai nhân, hai duyên có thể sinh chánh kiến. Nghĩa là âm thanh của người khác và bên trong tác ý như lý. Các kinh như thế là đã nói về nhân Năng tác.

Như vậy, sáu nhân này là do Đức Phật đã nói, nên Tôn giả dựa vào kinh để tạo ra phần Luận này.

***

* Thế nào là nhân Tương ưng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ của người khác, đồng thời làm sáng tỏ chánh lý. Nghĩa là hoặc có người chấp cho tâm tâm sở pháp đều sinh trước sau, không phải khởi hiện cùng lúc. Như phái Thí dụ, họ cho tâm tâm sở pháp đều nương dựa vào các nhân duyên trước sau mà sinh. Ví như thương khách khi băng qua con đường đầy hiểm trở, phải len lỏi đi qua từng người một, không có hai người đều cùng đi. Tâm tâm sở pháp cũng lại như thế. Mọi duyên đều mỗi mỗi hòa hợp sinh khởi. Mọi sự chờ đợi các duyên đều có khác nhau.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Tâm tâm sở pháp đều có nhân riêng, nên có thể nói các duyên hòa hợp có khác, là do có nhân riêng nên có thể nói các duyên hòa hợp không khác. Nghĩa là mỗi mỗi tâm tâm sở đều có sinh, trụ, dị, diệt riêng biệt hòa hợp mà sinh. Do vậy có thể nói sự hòa hợp có khác. Đồng nương dựa một căn, đồng duyên nơi một cảnh mà sinh, nên có thể nói tất cả đều hòa hợp không khác.

Thế nên tất cả tâm tâm sở pháp đều tùy chỗ thích hợp với chúng mà cùng thời khởi hiện.

Hoặc lại có người chấp: Các pháp đều cùng với tự tánh tương ưng, không phải với tánh khác. Họ bảo nghĩa của tướng mừng vui là nghĩa tương ưng. Không có pháp này với pháp kia cùng mừng vui với nhau, cũng như tự tánh cùng với tự tánh.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Hai sự hòa hợp mới có thể nói là tương ưng, không phải đối với một vật mà có nghĩa tương ưng, cũng không có tự Thể mừng vui cùng với tự Thể. Có sự khác nhau giữa chủ thể duyên và đối tượng duyên.

Hoặc lại có lối chấp: Tự tánh đối với tự tánh không phải là tương ưng, không phải là không tương ưng. Họ bảo: Phải hợp với người khác mới gọi là sự tương ưng. Mình và tự tánh không có nghĩa là khác, nên không gọi là tương ưng. Sự mừng vui lẫn nhau là nghĩa tương ưng, vì mình đối với tự tánh mừng vui sâu xa nên là tương ưng.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Không có nghĩa tự tánh mừng vui với tự tánh như thuyết trước đã nói.

Hoặc lại có lối chấp: Nghĩa của sức nhận giữ là nghĩa tương ưng. Họ bảo: Nếu pháp do lực nhận giữ của pháp kia sinh, thì pháp này cùng với pháp kia tương ưng. Thế nên, tâm cùng với tâm tương ưng, vì lực nhận giữ của tâm khiến tâm được sinh. Tâm sở pháp cùng với tâm tương ưng, vì lực nhận giữ của tâm khiến tâm được sinh. Tâm không cùng với tâm sở pháp tương ưng, vì không có lực nhận giữ kia để được sinh. Tâm sở pháp không cùng với tâm sở pháp tương ưng, vì không hỗ tương gìn giữ để được sinh.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Tâm với tâm sở, tâm sở với tâm tâm sở, đều lần lượt có lực gìn giữ mà được sinh. Lại cùng tương ưng với một thân, hai tâm, không cùng khởi hiện, nên không có nghĩa tương ưng.

Vì nhằm ngăn chận các lối chấp dị biệt ấy và cũng để hiển bày lý đúng đắn, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là nhân tương ưng?

Đáp: Thọ cùng pháp tương ưng với thọ làm nhân tương ưng. Pháp tương ưng với thọ cùng với thọ làm nhân tương ưng. Tưởng, tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, niệm, Tam-ma-địa (Định), tuệ cùng pháp tương ưng với tuệ làm nhân tương ưng. Pháp tương ưng với tuệ cùng với tuệ làm nhân tương ưng. Đó gọi là nhân tương ưng.

Hỏi: Ở đây vì sao không nói đến tâm?

Đáp: Vì ý của người tạo luận muốn thế, cho đến nói rộng.

Hoặc có thuyết cho: Cũng nên nói tâm nhưng không nói, nên biết trong đó là nêu bày chưa đầy đủ.

Nói nghĩa của sáu nhân đều không cùng tận. Nếu nói cho hết lý tức nêu giảng trọn vẹn thì nên nói như vầy:

Thế nào là nhân tương ưng? Nghĩa là hết thảy tâm tâm sở pháp.

Thế nào là nhân câu hữu? Nghĩa là tất cả pháp hữu vi.

Thế nào là nhân đồng loại? Nghĩa là tất cả pháp quá khứ, hiện tại.

Thế nào là nhân biến hành? Nghĩa là tất cả tùy miên biến hành trong quá khứ, hiện tại, và chúng tương ưng với pháp câu hữu.

Thế nào là nhân dị thục? Nghĩa là tất cả pháp hữu lậu bất thiện, thiện.

Thế nào là nhân năng tác? Nghĩa là hết thảy pháp.

Có thuyết nêu: Nếu nói như vậy cũng không tận lý, vì không biết ở phần vị nào, cái gì cùng với cái gì làm nhân? Nếu nói ở đây là nêu giảng chưa trọn vẹn, nên đối với lý là đúng. Các nhà tạo luận chỉ lược nêu một ít pháp dùng làm căn bản.

Có Sư khác cho: Tâm đã nói ở đây thì trong ấy đã nói. Nghĩa là pháp tương ưng với tuệ, tương ưng với thọ, cũng gồm cả tâm.

Hỏi: Vì sao không nói tự tướng của tâm?

Đáp: Vì bình đẳng, tương tợ là nghĩa của tương ưng.

Tâm thù thắng như vua nên không nói đến. Như kệ nói:

Vua thứ sáu tăng thượng

Lúc nhiễm, nhiễm tự nhận

Không nhiễm mà có nhiễm

Người nhiễm là người ngu.

Lại có thuyết nói: Do Tam-ma-địa có nói tức tâm. Nói Tam-mađịa là đã nói tâm, nên không nói riêng.

Hỏi: Vì sao chỉ nói mười pháp đại địa là nhân tương ưng, không phải là pháp khác?

Đáp: Vì đây là ý của người tạo luận muốn thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Nên nói nhưng không nói, phải biết là ở đây nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nêu: Nếu pháp là tất cả giới, tất cả địa, tất cả nẻo, tất cả sinh, tất cả chủng loại, tất cả tâm, đều có thể đạt được, nên ở đây nói đến. Vì các pháp khác không như thế, nên ở đây không nói.

Hỏi: Pháp Đại địa có nghĩa là gì?

Đáp: Đại nghĩa là tâm. Mười pháp như thế là xứ của tâm khởi hiện nơi địa lớn, nên gọi là đại địa. Đại địa tức là pháp, nên gọi là pháp Đại địa.

Có thuyết nói: Tâm gọi là đại, vì Thể dụng thù thắng. Tức đại là địa, nên gọi là đại địa, là nơi chốn nương dựa của các tâm sở. Mười pháp như thọ v.v… đối với các đại địa có thể hoạt động được khắp, nên gọi là pháp Đại địa.

Có thuyết cho: Vì mười pháp như thọ v.v… hoạt động khắp nơi các phẩm tâm, nên gọi là đại. Tâm là địa của chúng, nên gọi là đại địa. Thọ v.v… là sở hữu của đại địa, nên gọi là pháp Đại địa.

Hỏi: Vì sao gọi là tâm sở?

Đáp: Vì là sở hữu của tâm.

Hỏi: Vì sao tâm tâm sở pháp lần lượt làm nhân tương ưng?

Đáp: Sở dĩ chúng lần lượt làm nhân tương ưng là vì sức lần lượt sinh khởi, lần lượt dẫn dắt nhau, lần lượt nuôi nấng nhau, lần lượt thêm lên cho nhau, lần lượt nương dựa vào nhau. Như hai bó lau nương dựa vào nhau mà đứng. Nhiều sợi dây hợp lại có thể kéo khúc gỗ lớn. Nhiều người nắm tay kéo nhau có thể vượt qua sông lớn. Vì tánh của các pháp hữu vi rất yếu kém, chúng phải lần lượt nương dựa lẫn nhau mới làm xong nghĩa sự nghiệp.

Hỏi: Thọ theo ông nói nếu lìa tưởng thì có thể nhận lấy được cảnh không?

Đáp: Không thể. Các tâm tâm sở còn lại nếu ông hỏi cũng như thế.

Hỏi: Nhân tương ưng lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Tất cả tâm tâm sở pháp. Tức gồm thâu ba uẩn cùng phần ít của một uẩn, một xứ cùng phần ít của một xứ, bảy giới cùng phần ít của một giới.

Đã nói tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Tương ưng có nghĩa là gì?

Đáp: Nghĩa đẳng (như nhau) là nghĩa của tương ưng.

Các tâm sở pháp hoặc nhiều, hoặc ít. Nghĩa là tâm thiện nhiều, tâm bất thiện ít. Tâm bất thiện nhiều, tâm hữu phú vô ký ít. Tâm hữu phú vô ký nhiều, tâm vô phú vô ký ít. Tâm cõi dục nhiều, tâm cõi sắc ít. Tâm cõi sắc nhiều, tâm cõi vô sắc ít. Tâm hữu lậu nhiều, tâm vô lậu ít.

Hỏi: Vì sao nghĩa như nhau (Đẳng) là nghĩa của tương ưng?

Đáp: Căn cứ vào nghĩa bình đẳng của Thể nên gọi là như nhau. Nếu hai thọ, một tưởng có thể ở trong một tâm, thì không gọi là như nhau. Nhưng trong một tâm có một thọ, một tưởng, các thứ khác cũng như thế, nên nói nghĩa như nhau là nghĩa của tương ưng.

Lại nữa, như nhau là không lìa nhau, là nghĩa của tương ưng.

Lại nữa, như nhau là không riêng khác, là nghĩa của tương ưng.

Lại nữa, như nhau có nghĩa vận chuyển, là nghĩa của tương ưng. Như lúc xe chuyển bánh, các bộ phận đều chuyển động, cùng làm một việc. Xe tâm như thế lúc đối với cảnh vận chuyển, tâm sở cũng chuyển biến theo để cùng thành một sự việc, nên gọi là tương ưng.

Lại nữa, như nhau là nghĩa đã tạo tác, là nghĩa của tương ưng. Như về mùa thu, cả đàn chim bồ câu cùng đáp xuống sân một lúc, cùng ăn một lúc rồi cùng bay đi, không phải trước không phải sau. Tâm tâm sở pháp cũng lại như thế. Một lúc hướng đến cảnh, một lúc nhận lấy cảnh, một lúc buông bỏ cảnh, nên gọi là tương ưng.

Lại nữa, như nhau có nghĩa cùng thuận, là nghĩa của tương ưng. Như người cùng thuận tức gọi là tương ưng. Tâm tâm sở pháp cùng thuận cũng như thế.

Lại nữa, như nhau là nghĩa hòa hợp, là nghĩa của tương ưng. Như nước với sữa hợp chung lại, gọi là tương ưng. Tâm tâm sở pháp hòa hợp cũng như thế.

Vụ Tôn giả nói: Vì bốn sự việc như nhau nên gọi là tương ưng: 1. Như nhau của thời phần: Nghĩa là tâm tâm sở đồng một sát-na mà hiện hành. 2. Như nhau của chỗ nương dựa: Nghĩa là tâm tâm sở đồng nương dựa vào một căn mà hiện hành. 3. Như nhau của đối tượng duyên: Nghĩa là tâm tâm sở đồng duyên nơi một cảnh mà hiện hành. 4. Như nhau của hành tướng: Nghĩa là tâm tâm sở đồng một hành tướng mà hiện hành.

Lại nữa, năm sự việc như nhau nên gọi là tương ưng. Tức là bốn việc trước và như nhau nơi Thể của vật. Nghĩa là tâm tâm sở đều chỉ là một vật, Thể hòa hợp mà khởi, nên gọi là tương ưng.

Lại nữa, như nghĩa bó lau là nghĩa của tương ưng. Vì như từng mỗi mỗi cộng lau thì không thể đứng riêng, phải cần nhiều cộng cùng bó chung một bó mới có thể đứng vững. Tâm tâm sở pháp cũng lại như thế, cần có nhiều sự nương dựa vào nhau mới có thể hoạt động ở đời để nhận quả cho quả và nhận lấy đối tượng duyên.

Lại nữa, như nghĩa hợp chung nhiều sợi dây là nghĩa của tương ưng. Vì mỗi một sợi dây không thể kéo nổi khúc gỗ, nhưng nhiều sợi dây hợp lại thì có công dụng kéo được. Tâm tâm sở pháp cũng lại như thế, nói rộng như trước.

Lại nữa, như nghĩa nắm lấy tay liên kết nhau là nghĩa của tương ưng. Như sông chảy xiết một mình không thể lội qua, nếu nhiều người nắm tay liền nhau mới có thể vượt qua sông. Tâm tâm sở pháp cũng lại như thế, nói rộng như trước.

Lại nữa, như nghĩa thương khách là nghĩa của tương ưng. Như nhiều thương nhân cùng kết nhau làm bạn đường, tất có thể vượt qua những nơi chốn hiểm trở. Tâm tâm sở pháp cũng lại như thế, nói rộng như trước.

Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Nghĩa cùng dẫn sinh là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì nhãn thức, ý thức cũng cùng dẫn khởi sự tương ưng kia chăng?

Đáp: Vì đối tượng nương dựa của nhãn thức, ý thức kia là khác nhau. Nếu đồng một đối tượng nương dựa thì việc cùng nhau dẫn khởi mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa không lìa nhau là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì bốn đại chủng cũng không lìa nhau, chúng có tương ưng không?

Đáp: Vì đại chủng kia không có đối tượng nương dựa. Nếu có đối tượng nương dựa, lại không lìa nhau, mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa có đối tượng duyên là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì sáu thức đều có đối tượng duyên, chúng cũng tương ưng chăng?

Đáp: Vì đối tượng nương dựa của sáu thức kia đều khác nhau. Nếu đồng một đối tượng nương dựa và cùng có đối tượng duyên mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa đồng đối tượng duyên là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì năm thức, mỗi thức đều cùng với ý thức đồng một đối tượng duyên, nên nói là tương ưng chăng? Lại, nhiều nhãn thức nên nói là tương ưng. Như nhiều hữu tình cùng xem chung trăng đầu tháng v.v…

Đáp: Vì đối tượng nương dựa của các thức kia là khác nhau. Nếu đồng đối tượng nương dựa, đồng đối tượng duyên, mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa thường hòa hợp là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì ba thứ thọ mạng, hơi ấm và thức cũng thường hòa hợp, chúng tương ưng với nhau chăng?

Đáp: Không thể. Vì hai pháp thọ mạng, hơi ấm không có đối tượng nương dựa. Nếu có đối tượng nương dựa, cũng thường hòa hợp, mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa luôn câu sinh là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì bốn đại chủng luôn câu sinh, vậy chúng tương ưng chăng?

Đáp: Vì bốn đại chủng kia không có đối tượng nương dựa, nếu có đối tượng nương dựa và luôn câu sinh mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa cùng sinh, trụ, diệt là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì sắc tùy tâm chuyển, tâm tùy tâm chuyển, hành bất tương ưng, cũng cùng sinh, trụ, diệt, các pháp đó tương ưng chăng?

Đáp: Vì các pháp đó không có đối tượng nương dựa. Nếu có đối tượng nương dựa và cùng sinh, trụ, diệt, mới là tương ưng.

Lại nữa, nghĩa đồng một đối tượng nương dựa, đồng một đối tượng duyên và đồng một hành tướng chuyển là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Làm sao nhận biết được?

Đáp: Đâu thể nhận biết là không như thế.

Lại nữa, nghĩa đồng tạo một sự việc là nghĩa của tương ưng.

Hỏi: Nếu thế thì các nhẫn cùng với trí đồng tạo một sự việc, vậy chúng tương ưng chăng?

Đáp: Nhẫn, trí đó không cùng sinh khởi. Nếu đồng thời sinh khởi, đồng tạo một sự việc, mới là tương ưng.

Đại đức nói: Nghĩa đồng là bạn lữ là nghĩa của tương ưng. Tức thức với tâm sở hỗ tương dung nạp, thọ nhận đồng thời sinh, đồng nhận lấy một cảnh, mới là tương ưng.

Tôn giả Diệu Âm nói: Nghĩa đối tượng nương dựa, đối tượng duyên, hành tướng đã làm, tất cả đồng, là nghĩa của tương ưng. Vì sao? Vì tánh của các pháp hữu vi rất yếu kém, phải do sức lần lượt duy trì mới có thể khởi tác dụng. Từng không thấy có một pháp đại địa, riêng khởi tác dụng. Nhân tương ưng này quyết định chung nơi cả ba đời, có quả Sĩ dụng.

***

* Thế nào là nhân Câu hữu? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Tương ưng và Câu hữu, hai nhân có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Không khác. Trong một sát-na các pháp như thọ và tưởng v.v… làm hai nhân. Thế nên ở đây nên nói: Nếu nhân tương ưng tức là nhân câu hữu. Có khi nhân câu hữu không phải là nhân tương ưng. Nghĩa là không tương ưng với chính nhân câu hữu.

Nên nói như vầy: Hai nhân ấy có dị biệt, tuy nương dựa vào một pháp mà nghĩa khác biệt.

Hỏi: Nếu thế thì hai nhân có gì khác nhau?

Đáp: Tên gọi tức khác nhau. Nghĩa là đây gọi nhân tương ưng, kia gọi nhân câu hữu.

Lại nữa, nghĩa bạn lữ là nhân tương ưng, nghĩa đồng một quả là nhân câu hữu.

Lại nữa, nghĩa đồng một đối tượng nương dựa, một hành tướng, một đối tượng duyên, là nhân tương ưng. Nghĩa đồng một sinh, một lão, một trụ, một diệt, một quả, một đẳng lưu, một dị thục, là nhân câu hữu.

Lại nữa, như nghĩa cầm gậy là nhân tương ưng. Như nghĩa cầm gậy rồi có hành tác là nhân câu hữu.

Lại nữa, như nghĩa nối liền tay là nhân tương ưng. Như nghĩa liền tay rồi cùng vượt qua sông chảy xiết là nhân câu hữu.

Lại nữa, nghĩa tùy thuận nhau là nhân tương ưng. Nghĩa không lìa nhau là nhân câu hữu.

Hỏi: Thế nào là nhân câu hữu?

Đáp: Tâm cùng tâm sở pháp làm nhân câu hữu. Tâm sở pháp cùng tâm làm nhân câu hữu.

Hỏi: Vì sao trong nhân tương ưng ở trước không nói tâm, nay trong nhân câu hữu thì nói tâm?

Đáp: Nghĩa bình đẳng là nghĩa của nhân tương ưng. Tâm vương là hơn hết so với tâm sở pháp, vì nghĩa như nhau không hiển bày nên không nói tâm.

Nghĩa đã làm xong một sự việc là nghĩa của nhân câu hữu. Vì đồng với nghĩa hoàn thành sự việc của tâm tâm sở pháp, nên nay nói tâm. Ở đây, tâm tức là tất cả tâm. Tâm sở pháp cũng là tất cả tâm sở pháp. Như đối tượng ứng hợp của chúng tức lần lượt làm nhân câu hữu.

Tâm cùng với thân nghiệp, ngữ nghiệp tùy tâm chuyển làm nhân câu hữu. Thân nghiệp, ngữ nghiệp tùy tâm chuyển, nghĩa là luật nghi vô lậu của luật nghi tĩnh lự.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói thân nghiệp, ngữ nghiệp tùy tâm chuyển cùng với tâm làm nhân câu hữu?

Hỏi: Đây là ý của người tạo luận muốn như thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Nên nói nhưng không nói, phải biết nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Thuyết trước, trong đó đã nói về nghĩa của nhân đều không hết.

Có thuyết cho: Ở đây, trước sau đều nói rộng, giữa lại nói giản lược, nghĩa căn cứ theo đấy có thể nhận biết, nên không nói.

Có Sư khác nêu: Tâm đối với thân nghiệp, ngữ nghiệp tùy tâm chuyển có thể làm nhân, không tùy thuộc vào sự việc chuyển, do đó là thù thắng.

Còn thân nghiệp, ngữ nghiệp tùy tâm chuyển đối với tâm tùy thuộc vào sự việc chuyển biến, không thể làm nhân, do đấy là yếu kém. Như vua đối với quan có thể ban cho chức tước, bỗng lộc, không tùy thuộc vào sự việc chuyển biến. Quan đối với vua tùy thuộc vào sự việc chuyển biến, không thể ban cho chức tước bỗng lộc. Đây cũng như thế.

Lời bình: Tâm cùng với thân nghiệp, ngữ nghiệp tùy tâm chuyển lần lượt làm nhân câu hữu. Vì sao? Vì đồng một quả, vì cùng làm xong một công việc.

Hỏi: Nếu thế trong đây vì sao không nói đến?

Đáp: Do trước đã nói ba nhân.

Tâm cùng với hành bất tương ưng tùy tâm chuyển làm nhân câu hữu. Hành bất tương ưng tùy tâm chuyển cùng với tâm làm nhân câu hữu.

Hỏi: Những gì là hành bất tương ưng tùy tâm chuyển cùng với tâm lần lượt làm nhân?

Đáp: Tâm tâm sở pháp và thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh, lão, trụ, vô thường tùy tâm chuyển cùng với tâm lần lượt làm nhân. Trong đây, có thuyết nói: Tâm cùng với tự sinh, lão, trụ, vô thường làm nhân câu hữu. Chỉ tự sinh, trụ cùng với tâm làm nhân câu hữu, không phải lão, vô thường, do có thể tăng thêm, nên nói là nhân. Lão cùng với vô thường là pháp suy diệt, nên không gọi là nhân.

Có thuyết nói: Tâm cùng với tự sinh, lão, trụ, vô thường làm nhân câu hữu. Tự sinh, lão, trụ, vô thường cùng với tâm làm nhân câu hữu, đều hỗ trợ nhau để cùng làm xong một sự việc.

Có thuyết cho: Tâm cùng với tâm tâm sở pháp và thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh, lão, trụ, vô thường tùy tâm chuyển làm nhân câu hữu. Chỉ có tâm, sinh, lão, trụ, vô thường cùng với tâm làm nhân câu hữu, không phải các pháp còn lại như sinh v.v…

Lời bình: Nên nói như vầy: Tâm cùng với tâm tâm sở pháp và thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh, lão, trụ, vô thường tùy tâm chuyển lần lượt làm nhân câu hữu. Làm sao nhận biết? Vì Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là tâm là pháp của nhân câu hữu? Nghĩa là đạo của tất cả tâm sở pháp cùng có giới định, cùng có giới và tâm nơi các pháp sinh, lão, trụ, vô thường kia.

Hỏi: Nếu thế thì Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông suốt? Như nói: Hoặc có khổ đế, do hữu thân kiến làm nhân, không phải cùng với hữu thân kiến làm nhân. Nghĩa là trừ tùy miên của quá khứ, hiện tại do kiến khổ đoạn trừ và hữu thân kiến kia tương ưng với khổ đế. Trừ tùy miên biến hành trong quá khứ, hiện tại do kiến tập đoạn trừ và hữu thân kiến kia tương ưng với khổ đế. Trừ hữu thân kiến vị lai tương ưng với khổ đế. Trừ hữu thân kiến sinh, lão, trụ, vô thường ở vị lai, còn lại là các thứ nhiễm ô nơi khổ đế?

Đáp: Luận Phẩm Loại Túc nên nêu bày như vầy: Trừ tùy miên của quá khứ hiện tại do kiến khổ đoạn trừ và tùy miên kia tương ưng, câu hữu nơi khổ đế. Trừ tùy miên biến hành trong quá khứ, hiện tại do kiến tập đoạn trừ và tùy miên kia tương ưng, câu hữu nơi khổ đế. Trừ hữu thân kiến vị lai tương ưng với khổ đế. Trừ hữu thân kiến vị lai và pháp tương ưng kia, là sinh, lão, trụ, vô thường. Còn lại là các thứ nhiễm ô nơi khổ đế. Nên nói như thế nhưng không nói, phải biết điều nêu bày kia là chưa đầy đủ.

Lại nữa, bốn đại chủng cùng sinh lần lượt làm nhân câu hữu. Đó gọi là nhân câu hữu.

Trong đây có người muốn khiến Thể của bốn đại chủng không tăng thêm riêng. Họ nói như thế này: Địa đại chủng cùng với ba đại chủng làm nhân câu hữu. Ba đại chủng cùng với địa đại chủng làm nhân câu hữu. Cho đến phong đại chủng cũng như thế.

Có thuyết cho: Khiến Thể của bốn đại chủng có tăng thêm riêng. Họ bảo: Địa đại chủng cùng với bốn đại chủng làm nhân câu hữu. Bốn đại chủng cùng với địa đại chủng làm nhân câu hữu. Vì sao? Vì địa đại chủng có nhiều Thể, trong đó, một cùng với nhiều làm nhân câu hữu. Nhiều cùng với một làm nhân câu hữu. Cho đến phong đại chủng cũng như thế.

Lời bình: Nên nói như vầy: Thể của bốn đại chủng hoặc có tăng thêm riêng, hoặc không tăng thêm riêng. Địa là nhân câu hữu của ba đại chủng kia, ba đại chủng kia là nhân câu hữu của địa. Vì sao? Vì địa không quán địa sinh sắc được tạo. Do hết thảy pháp không quán tự tánh và Thể của đồng loại làm nhân khác. Cho đến phong đại chủng cũng như thế.

Hỏi: Bốn đại chủng chưa sinh cũng là nhân câu hữu chăng?

Đáp: Cũng là nhân câu hữu, do nghĩa gắn liền với nhân nên có tướng của nhân.

Có thuyết nêu: Bốn đại chủng không phải là nhân câu hữu, vì ở đây chỉ nói bốn đại chủng câu sinh lần lượt làm nhân câu hữu.

Lời bình: Nên nói như thế này: Bốn đại chủng sinh, chưa sinh đều lần lượt làm nhân câu hữu, trong đó nói sinh là nói nghĩa có thể sinh, hoặc sinh cùng hợp, như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp do nhân sinh? Đó là tất cả pháp hữu vi. Như sinh kia là nói sinh mà chưa sinh. Đây cũng như thế.

Hỏi: Sắc được tạo có làm nhân câu hữu không?

Đáp: Có. Vì tất cả pháp hữu vi đều có các tướng như sinh v.v… làm nhân câu hữu.

Hỏi: Sắc được tạo cùng với sắc được tạo làm nhân câu hữu chăng?

Đáp: Có làm nhân câu hữu, như sắc được tạo tùy tâm chuyển.

Hỏi: Sắc được tạo có đối cùng với sắc được tạo có đối làm nhân câu hữu chăng?

Đáp: Không.

Có thuyết nói: Cũng có, như nhãn căn v.v… có nhiều cực vi cùng sinh, lần lượt làm nhân câu hữu.

Lời bình: Người kia không nên nói như vậy. Như thuyết trước là đúng. Vì sao? Vì nghĩa đồng một quả là nghĩa của nhân câu hữu. Vì sắc được tạo kia không phải đồng một quả. Nhưng tất cả tâm đều có tùy chuyển. Các tâm sở pháp và các tướng như sinh v.v… không phải là tất cả tâm, đều có tùy chuyển nơi nghiệp thân, ngữ.

Nghĩa của sắc tùy tâm chuyển tổng cộng có mười thứ: Tức là một khởi, một trụ, một diệt, một quả, một đẳng lưu, một dị thục, thiện tức thiện, bất thiện tức bất thiện, vô ký tức vô ký, gắn liền trong một đời.

Một quả là quả Ly hệ. Một đẳng lưu là quả Đẳng lưu. Một dị thục là quả Dị thục, theo pháp mà nói riêng. Mười thứ này nhiều, ít nơi chương Căn Uẩn sẽ nói.

Hỏi: Tự tánh của tùy chuyển là gì?

Đáp: Là bốn uẩn, năm uẩn. Bốn uẩn nơi cõi dục, cõi vô sắc không có sắc tùy chuyển. Năm uẩn nơi cõi sắc có sắc tùy chuyển.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Do đâu gọi là tùy chuyển?

Đáp: Nghĩa cùng tùy thuận là nghĩa của tùy chuyển. Nghĩa cùng gồm thâu lợi ích là nghĩa của tùy chuyển. Nghĩa làm xong một công việc là nghĩa của tùy chuyển.

Nghĩa của pháp tùy tâm chuyển nói với tâm: Sự việc ông đã làm, tôi cũng làm. Tâm tâm sở pháp lần lượt trông cậy vào nhau.

Do năm sự việc nên gọi là tùy chuyển. Đó là đối tượng nương dựa, đối tượng duyên, hành tướng, quả và dị thục. Tâm cùng với sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển lần lượt trông cậy vào nhau, do hai sự việc nên gọi là tùy chuyển, nghĩa là quả và dị thục.

HẾT – QUYỂN 16