Lời tựa lưu thông bản thạch ấn Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh

Bản thể của Pháp Thân hoàn toàn rời khỏi danh tướng, chân cảnh Tịch Quang chẳng thuộc Căn – Trần, chẳng phải có, chẳng phải không, Ngũ Nhãn[1] chẳng thể thấy được, chẳng phải tâm, chẳng phải sắc, Tứ Trí[2] lấy gì để tuyên nói. Tịch – chiếu trống rỗng, thông suốt, Chân Như tịnh diệu; vạn đức trọn đủ, không pháp gì chẳng hiển hiện. Phật thường trụ nơi thanh tịnh còn chẳng thể diễn nói, chúng sanh luân hồi trong nhơ uế há lập được ư? Đây thật sự là lý thể sẵn có của chúng sanh và Phật, là nguồn pháp của Vô Thượng Bồ Đề vậy. Lý này chúng sanh và Phật bình đẳng, không có cao – thấp. Nhưng do chúng sanh đang mê, tuy sử dụng thường ngày nhưng chẳng biết, tuy có đủ Pháp Thân lại lầm lạc chịu sanh tử, tuy ở trong Tịch Quang, lại lầm thấy là uế ác. Do vậy, Như Lai rủ lòng Từ rộng nói các kinh, khiến cho khắp hết thảy chúng sanh phản vọng quy chân, khôi phục tâm tánh vốn có.

Nhưng tự lực đoạn Hoặc, chứng đạo trong đời này thì hàng trung hạ căn không cách gì thành tựu được. Do vậy, có bậc đại sĩ tên là A Xà Thế, vận lòng đại từ bi, muốn cho đức Phật khai thị đại pháp môn đặc biệt, lạ lùng chẳng thể nghĩ bàn là pháp “cậy vào Phật từ lực, bỏ uế lấy tịnh, khiến cho khắp những căn thượng trung hạ đều được lâm chung vãng sanh”; cho nên Ngài đặc biệt thị hiện hạnh xấu ác, làm chuyện đại ác nghịch: giam cha, nhốt mẹ để làm duyên phát khởi, ngõ hầu mẹ Ngài là bà Vi Đề Hy thỉnh Phật giáng lâm, nguyện lìa Sa Bà, nguyện sanh Tịnh Độ. Khi ấy, đức Thế Tôn phóng hào quang từ giữa chặn mày, hiện đủ mọi cõi Phật tịnh diệu. Bà mẹ chỉ nguyện sanh về cõi Cực Lạc, lại thỉnh cầu phương pháp để giúp chúng sanh được sanh về cõi ấy. Bởi thế, đức Như Lai nói ra mười sáu phép diệu quán y báo, chánh báo, những ai có thể y theo lời dạy tu hành, không một ai chẳng được mãn nguyện. Chẳng những thiện nhân được như thế, dù là kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, được tri thức dạy niệm danh hiệu Phật hoặc đủ mười tiếng hoặc chỉ một tiếng cũng được nhờ Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Thật có thể nói là ống thổi lò lớn (ống bễ trong lò rèn) để chuyển phàm thành thánh, là đại pháp môn phô bày bổn hoài của Phật, có lực dụng vượt trội mọi giáo pháp trong cả một đời đức Phật.

Nếu Như Lai chẳng mở ra pháp này thì bao nhiêu chúng sanh trong đời Mạt Pháp ai có thể thoát lìa được biển khổ? Do vậy, biết Thích Ca, Di Đà nương đại nguyện luân, khởi lòng Từ vận tâm Bi độ thoát chúng sanh. Một vị thị hiện sống trong cõi uế, dùng uế, dùng khổ để chiết phục, đưa đi; một vị thị hiện sống trong cõi tịnh, lấy tịnh, lấy vui để nhiếp thọ, un đúc; còn vua A Xà Thế giúp sức tán trợ, riêng hiện tướng ác nghịch hòng thành tựu lòng chán lìa; cùng với đức Thế Tôn hai cõi, đe và búa thành toàn cho nhau[3]. Một nghịch, một thuận, là hóa nghi (phương thức giáo hóa) rốt ráo để chúng sanh đời Mạt rốt ráo đắc độ. Lợi ích ấy khó thể tán dương trọn hết. Làm chuyện phi đạo nhưng thông đạt Phật pháp, nếu chẳng phải là bậc đã chứng Pháp Thân từ lâu, ai có thể làm được?

Kinh này lấy “tâm này làm Phật, tâm này là Phật, chúng sanh và Phật rốt ráo chẳng hai” làm Thể. Nếu ai có thể tin tưởng ngay nơi đây thì người ấy tuy chưa ra khỏi Sa Bà nhưng đã không còn là khách trọ lâu ngày trong Sa Bà nữa, chưa sanh về Cực Lạc mà đã là khách quý của Cực Lạc. Cư sĩ Trí Hải Lưu Triều Thị xưa có linh căn, dốc sức tu Tịnh nghiệp, nhân đọc kinh này, động lòng hiếu thuận, nghĩ mẹ mình là bà phu nhân họ Trương thủ tiết nuôi con côi, thờ bố mẹ chồng trọn hiếu, đức sáng nữ giới, làm gương cho hàng khuê các. Bà cụ dốc lòng tin nhân quả, giữ Thập Trai lâu ngày, chánh nhân Tịnh nghiệp đã khá đầy đủ, tiếc là sanh lòng tin phát nguyện chuyên trì Phật hiệu để cầu vãng sanh chưa đến mức dốc hết sức lực. Do vậy, ông Lưu bèn phát tâm lưu truyền kinh này.

Cư sĩ Đào Ngọc Canh bút pháp siêu diệu, có thể bén gót họ Chung, họ Vương[4]; nhân đó, bèn nhờ ông ta cung kính viết kinh để in thạch ấn thí tặng, khiến cho khắp mọi người thấy nghe cùng gieo tịnh nhân. Do công đức này khiến cho thần thức của mẹ được siêu tịnh vực, nghiệp từ tạ trần lao, sen chín phẩm nở hoa, Phật thọ ký ngay trong một đời. Phải biết kinh này và hai kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ chính là pháp môn được đặc biệt lập ngoài những giáo lý thông thường trong cả một đời giáo hóa của Như Lai, như thuốc A Già Đà trị đủ vạn bệnh. Vì thế, bất luận nghiệp nặng hay nhẹ, Hoặc (phiền não) dầy hay mỏng, chỉ cần tín nguyện niệm Phật thì không một ai chẳng được vãng sanh, như châu Ma Ni tùy ý tuôn các báu. Do vậy, chỉ cần nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đợi đến khi nghiệp tận tình không, tâm lẫn Phật cùng mất thì hết thảy pháp môn, hà sa diệu nghĩa không gì chẳng dung hội, quán thông nơi tự tâm. Pháp môn Tịnh Độ mầu nhiệm như thế đó! Những ai trên muốn siêu độ những bậc trưởng thượng đã mất, dưới tế độ mọi phẩm, khiến cho hết thảy mọi người chẳng phế bổn phận, chức nghiệp, ai nấy được thoát ly sanh tử luân hồi ngay trong đời này thì sao không gấp gáp theo đuổi pháp môn này?

***

[1] Ngũ Nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn và Phật nhãn.

[2] Tứ Trí: Diệu Quán Sát Trí, Thành Sở Tác Trí, Bình Đẳng Tánh Trí và Đại Viên Kính Trí.

[3] Ở đây, Tổ dùng hình ảnh lò rèn để ví cho pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn Tịnh Độ như cái ống bễ lớn thổi cho phiền não tan chảy. Rồi tâm tánh ấy lại được rèn cặp, như sắt nóng được đặt trên đe, dùng búa đập để rèn thành vật dụng. Hoặc cũng có thể hiểu là vua A Xà Thế và hai đức Thế Tôn kẻ tung người hứng để pháp này có dịp triển khai.

[4] Chung là Chung Dao, Vương là Vương Hy Chi, đều là những nhà đại thư pháp thời Tấn.