So sánh sự tổn hại và lợi ích giữa được và không được trợ niệm

Cư sĩ Lưu Hiểu Ngu tên là Cảnh Liệt, người huyện Cám tỉnh Giang Tây, thuở trẻ du học Đông Doanh (Nhật Bản), là bạn học với ông Thái Tùng Pha v.v… Sau khi quang phục, từng làm Nghị Viên Quốc Hội khóa đầu tiên. Năm Dân Quốc thứ sáu, thứ bảy (1917-1918), đảm nhiệm chức Ty Trưởng ty Chức Phương[1]. Do người anh họ là cư sĩ Hảo Ngu, tên [ngoài đời là] Cảnh Hy, vốn là một thân sĩ tiếng tăm ở Cám Châu rất tôn sùng Phật học; cho nên từ thuở bé, đối với pháp môn cư sĩ cũng chịu hộ trì. Ngôi chùa cổ Thọ Lượng trong thành bị bỏ hoang, sụp nát từ lâu. Đầu thời Dân Quốc, người dân trong vùng tính mượn danh nghĩa lập trường tiểu học cho quốc dân để che đậy ý đồ chiếm hết [cả chùa], chiếm đóng nơi ấy. Về sau, do cư sĩ phát khởi, thỉnh hòa thượng Đại Xuân kiêm nhiệm Trụ Trì, giúp sức bảo vệ. Đến năm Dân Quốc thứ tám, thứ chín (1919-1920), nhà chùa cùng trường học dính vào chuyện thưa kiện, đều do cư sĩ đức cao trọng vọng mà một người xướng, trăm người hòa, ngả rạp theo gió, phàm những vị chánh sĩ thuộc các giới thân sĩ, thương nhân, giáo dục ở địa phương đều nhất trí chủ trương công đạo, dời nhà trường khỏi chùa, bảo toàn được cơ sở nhà chùa và chuộc lại chừng đó ruộng cho cấy rẽ.

Đến năm Dân Quốc 22 (1933), [chánh quyền địa phương] phóng đường cái, nhà chùa nằm ngay trên tuyến đường được quy định thiết lập đại lộ, hai bên đều biến thành trang trại nhỏ, [họ tính] phá sạch cả chùa, muôn phần không còn cách gì bảo tồn được nữa! Hàng Tăng – tục đã đến chỗ sơn cùng thủy tận rồi, biết Sâm khi xưa đã từng phụ giúp hòa thượng Đại Xuân, có mối nhân duyên với chùa ấy; khi đó, Sâm đang hầu hạ cụ Ấn tại đất Tô, ắt sẽ quen biết vị hộ pháp có thế lực, họ bèn gởi thư xin lập phương cách cứu vãn.

Khéo sao, cư sĩ cũng do tỵ nạn mà đến đất Tô, đã quy y với Ấn lão pháp sư, ăn chay theo kỳ, tu Tịnh nghiệp, pháp danh là Đức Thành. Sâm vì tạo dựng tượng Đại Sĩ bằng sắt cao hai mươi thước mà bôn tẩu hô hào, [nhà chùa] được giữ nguyên vẹn; tiến hơn một mức nữa là lại được trùng hưng cũng nhờ công sức cư sĩ giúp đỡ không ít. Đến năm Dân Quốc 25 (1936), cư sĩ trở về quê, chuyện duy trì nhà chùa càng nhờ cậy cư sĩ nhiều hơn, nhưng do việc công chuyện tư bề bộn, tuy đã phát tín tâm, nhưng khó chuyên thực hành được. Mỗi ngày bất quá thực hiện công khóa chốc lát, tùy duyên tu tập mà thôi!

Đến cuối Thu năm Dân Quốc 27 (1938), do sát nghiệp trong đời trước đời này chiêu cảm, lại bị bệnh nặng (khi chưa quy y Phật, cư sĩ thích bẫy chim lưới cá, sát hại rất nhiều sanh mạng. Năm Dân Quốc mười mấy, từng bị chứng Đối Khẩu Sang[2], bệnh tình rất nguy hiểm, đau khổ cùng cực, bèn phát nguyện đoạn trừ thói quen xấu ác ấy. Do niệm Quán Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, chợt nghe trên hư không tỏa hương, bệnh tình dần dần được bình phục), dây dưa lâu ngày, đau khổ khó kham, sai con là Phát Trang đem món tiền mấy trăm đồng, cậy Sâm cúng dường cho cụ Ấn và làm công đức thay cho mình. Sâm lo liệu xong, viết thư phúc đáp khuyên cư sĩ nên ăn chay trường; nghe nói đến cuối năm [cư sĩ] mới thực hành chuyện thôi ăn mặn. Cho đến tháng Ba năm Dân Quốc 28 (1939), bệnh tình ngày càng thêm nặng. May nhờ thê thiếp, dâu, con đều là đệ tử quy y với cụ Ấn, đều biết trợ niệm lúc lâm chung là chuyện khẩn yếu, bèn trong ngày Mười Bảy thỉnh hai vị Tăng ở chùa Thọ Lượng đến trợ niệm.

Niệm đến sáng ngày Mười Chín, cư sĩ tự biết sắp từ biệt trần thế, sai khiêng ra trước sân để đổi không khí, gọi anh em dặn dò hậu sự, bảo người con cả là Phát Trang quỳ nghe di chúc. Nói xong, mọi người thấy sắc mặt [cư sĩ] rất lạ, bèn khiêng trở vào phòng ngủ. Hai vị Tăng và người nhà đồng thanh niệm Phật hiệu để trợ niệm. Phát Trang kính cẩn nâng tượng A Di Đà Phật tiếp dẫn, thỉnh [cư sĩ] hãy nhìn xem. Do lúc mới phát bệnh ngặt thì vẫn là chứng bệnh ở phía ngoài cổ (tức chứng Đối Khẩu Sang tái phát) khiến cho tay trái rũ xuống mấy tháng không thể giở lên được; chính đang lúc hấp hối vừa thấy tượng Phật, tay trái chợt hoạt động như thường, giơ lên chắp tay, liền tỏ vẻ hoan hỷ hớn hở, niệm gấp A Di Đà Phật. Lúc ấy, chẳng có mảy may đau khổ nào, an tường qua đời giữa tiếng niệm Phật của mọi người, thọ được sáu mươi mốt tuổi, nhằm ngày Mười Chín tháng Ba năm Kỷ Mão (1939) Âm lịch.

Cư sĩ bệnh nặng mấy tháng, đau khổ khó kham, quả thật là báo nặng trong đời sau do não hại chúng sanh đã chuyển thành báo nhẹ trong hiện đời, đến khi lâm chung có được tướng lành ấy, có thể nói là các căn tươi vui, chánh niệm phân minh, xả báo an tường như nhập Thiền Định, chắc chắn sanh về Tây Phương không còn ngờ gì nữa! Việc ma chay, đãi khách nhất nhất đều tuân theo lời cụ Ấn đã dạy trong thư: Nhất loạt dùng cỗ chay, mở ra đầu mối đầu tiên theo đường lối Phật hóa ở miền Nam Cám Châu. Thiện lợi như vậy tuy do chính thiện căn của chính cư sĩ chín muồi, nhưng quyến thuộc giúp sức đúng pháp khéo trợ niệm vào lúc lâm chung cho nên cũng thật sự là một trợ duyên rất lớn. Vì thế, cuối cùng, tôi mong tứ chúng Phật tử hãy sớm chú ý [điều này].

Bà Đinh nhà họ Lý, pháp danh Đức Hoằng, từng làm vợ cả ông Lý X… ở Dương Châu. Do chồng đã cưới vợ lẽ mà bà lại chưa từng sanh nở, khó sống yên trong nhà [chồng] được, bèn đến sống nhờ nơi mẹ kế là cư sĩ Đinh Đức Nguyên. Bà mẹ kế cũng coi bà Đinh như con ruột, nâng đỡ lẫn nhau, quây quần bên nhau gần suốt hai mươi năm mà giống hệt như một ngày. Năm Dân Quốc 17 (1928) ở tại đất Thân (Thượng Hải), do thân hữu dẫn đến gặp Ấn lão pháp sư, bèn cùng nhau cầu khẩn xin được nhiếp thọ, quy y, xin ban pháp danh. Lão nhân cũng nghĩ tới lòng họ thành khẩn bèn từ bi chấp thuận, và ghi cho pháp danh là Đức Nguyên, Đức Hoằng.

Từ đấy, ăn chay trường, thờ Phật, tu trì nghiêm cẩn, mẹ con nương tựa nhau, chuyển thành pháp lữ. Đau đáu nghĩ tục duyên bạc phước, quyến thuộc thưa thớt, nay gặp Tịnh tông là cha mẹ tốt lành hướng dẫn xuất thế, được nương tựa nơi thầy, cũng là may mắn muôn vàn. Do vậy, đối với lão nhân tâm hiếu kính mười phần chân thật, thiết tha.

Luận về sự tin tưởng, tu trì thường ngày thì hết thảy mọi mặt [cư sĩ Lý Đinh Đức Hoằng] đều trội hơn Lưu cư sĩ, chỉ hận túc nghiệp ngăn chướng, nhân duyên khiếm khuyết! Mùa Hạ năm Dân Quốc 27 (1938), thấy Vũ Hán sắp lâm vào cảnh vây hãm, nguy ngập, bèn từ Hương Cảng đến tỵ nạn tạm thời tại đất Hỗ (Thượng Hải). Do giá nhà quá cao, thuê mướn chẳng dễ dàng, bèn ở tại khách sạn, vừa quá tốn kém vừa quá bất tiện. Cụ Chân Đạt chùa Thái Bình biết mẹ con bà tin Phật chân thật, thiết tha, trong lúc đại kiếp này lênh đênh không nơi nương tựa, quyến thuộc đìu hiu, thật đáng thương xót, nên trong chùa có lập một tịnh thất cho năm người già trẻ cùng sống.

Đến đầu tháng Ba năm Dân Quốc 28 (1939), [Lý cư sĩ] đột nhiên mắc bệnh thương hàn, dây dưa tới tháng Tư thuốc men không công hiệu, bệnh tình ngày càng nặng thêm, trong chùa Phật sự bề bộn, phòng ốc lại ít, nếu chết tại chùa không cách chi xếp đặt ổn thỏa được, bất đắc dĩ phải đưa vào bệnh viện. Quy định của bệnh viện là phải theo quy cách Tây Phương, việc trợ niệm lúc lâm chung muôn phần khó thể thực hiện được. Nhập viện hai ba ngày, những người biết Phật pháp chẳng thể đến thăm được, cư sĩ bèn chết hồ đồ tại bệnh viện vào sáng ngày Mười Tám tháng Tư, thọ năm mươi tuổi.

Người có tín tâm tu trì như thế nếu lâm chung được trợ niệm đúng pháp, sẽ hiện tướng lành vãng sanh chẳng kém cư sĩ Lưu [Hiểu Ngu]; nhưng vì cơ duyên bị trở ngại, hoàn toàn chẳng được hưởng lợi ích do trợ niệm, đến nỗi tín tâm hằng ngày chẳng thể thọ dụng được trong đời này, chỉ thành nhân duyên đắc độ trong vị lai, thật đáng tiếc quá! So sánh những chuyện này, biết đích xác trợ niệm lâm chung có quan hệ rất trọng yếu! Tuy nhiên, công chẳng luống uổng, quả không bỏ phí!

Cõi đời chẳng có quả nào không có nhân, cũng như không có nhân nào chẳng kết thành quả. Lưu cư sĩ hưởng thiện lợi như thế là do nhân gieo trong đời trước nay đã chín muồi, vì thế có được thiện duyên quyến thuộc giúp cho thành tựu.

Lý cư sĩ chịu cảnh ngang trái như thế chắc là vì đời trước phá hoại chuyện thù thắng của người khác đến nỗi cảm lấy đủ mọi thời tiết nhân duyên chẳng đúng pháp gây nên chướng nạn. Hết thảy thiện hạnh do tín phụng Tam Bảo trong hiện tại chắc chắc sẽ tạo thành cái nhân đắc độ trong vị lai, chẳng thể nghi ngờ, bàn bạc mảy may nào nữa, nhưng rốt cuộc chẳng thẳng chóng bằng liễu thoát ngay trong đời này.

Do vậy, lão nhân thường nói: “Lợi người tức là lợi mình, hại người còn quá hại mình”. Nguyện những vị Tăng – tục cùng hàng có chí sanh Tây trong nhất cử nhất động hãy chú ý nhân quả khiến cho mỗi bước mỗi chuyện đều tạo thành duyên thù thắng để thành tựu vãng sanh, [đấy là điều] thiết yếu vậy!

***

[1] Đây là một trong sáu ty trực thuộc Bộ Nội Vụ của Trung Hoa Dân Quốc được thành lập vào năm 1912 tại Nam Kinh. Thoạt đầu sáu ty này có tên gọi là Dân Trị (coi về hành chính trị an), Cảnh Vụ (công an, cảnh sát), Lễ Giáo (trông coi giáo dục và thuần phong mỹ tục), Thổ Mộc (trông coi về xây dựng, thiết kế những công trình công cộng) và Biên Lý (quản trị biên cương, quy hoạch bản đồ lãnh thổ quốc gia). Khi chính quyền Dân Quốc chiếm được Bắc Kinh, dời kinh đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh, ty Biên Lý được đổi tên thành ty Chức Phương (dựa theo ý nghĩa xưa của chữ Chức Phương là bản đồ).

[2] Đối Khẩu Sang, còn gọi là Não Thư, Khẩu Thư, Khẩu Đinh, Lạc Đầu Thư, hay Đại Thư, là một chứng bệnh lở loét ở phía trên phần cổ, giáp ót. Sang và Thư đều có nghĩa là lở loét. Bệnh nhân mọc một cái nhọt độc lớn ở phần sau cổ, lở loét mãi không lành miệng, thường có mủ, khiến bệnh nhân hay bị sốt cao, rất đau đớn. Nếu không chữa trị đúng lúc, bệnh nhân bị hôn mê rồi chết.