Lời tựa khắc lại cuốn Quán Hà Tập

Tâm chính là gốc của các pháp thế gian và xuất thế gian. Nếu triệt ngộ tự tâm thì thấy hết thảy pháp đều lưu lộ từ tự tâm, thấy hết thảy những cảnh giới biến diệt, đổi dời đều là Thật Tướng Chân Như tịch diệt thường trụ. Kinh Lăng Nghiêm có nói đến chuyện thấy con sông chẳng phân biệt trẻ – già[1], ngài Tăng Triệu nói “gió lốc xoáy núi nhưng núi bất động, sông rạch chen nhau rót vào nhưng [núi] chẳng bị cuốn đi”, đều nhằm chỉ bày ý chỉ nhỏ nhiệm “từ ngay nơi sanh diệt thấy được chân thường” vậy! Nếu hiểu được điều này thì có thể gọi là hạng phàm phu đã liễu sự, là người tu đạt được cái gốc. Dẫu cho cười chê, hay nóng giận, chửi bới đều có thể tháo niêm cởi trói cho người, khiến người ta khởi tử hồi sanh; cần gì phải lên tòa giảng nghĩa mới là thuyết pháp ư? Khổng Tử nói: “Hai ba người các anh cho là ta có giấu diếm gì chăng? Ta không giấu gì cả! Ta không làm chuyện gì mà chẳng chỉ dạy hai ba anh cả, đấy chính là bản tánh của Khâu này!”[2]

Đạo của thánh nhân ví như ánh dương xuân. Ánh dương xuân chiếu xuống thì cây to, cỏ nhỏ không gì chẳng sum suê, tốt tươi. Dẫu cho mầm cháy, hạt hư chẳng thể sanh thành, nhưng cũng chưa từng không được hưởng sự ấm áp để được nhuận trạch vậy! Người căn tánh thiên bẩm sâu xa thấy những điều cao dày trước sau chẳng thể mô phỏng, rộng lớn tinh vi, chẳng thể nghĩ lường, thật ra chẳng có gì lạ lùng, đặc biệt, chẳng qua chỉ là những chuyện nói năng, xử sự hằng ngày mà thôi. Tâm này mầu nhiệm, phàm – thánh giống nhau, Như Lai viên mãn Bồ Đề, chúng sanh vĩnh viễn luân hồi trong lục đạo, đều chẳng lìa khỏi tâm này. Chỉ do nhân duyên mê – ngộ, nghịch – thuận mà đến nỗi khổ – vui, thăng – trầm khác nhau như trời với vực.

Cư sĩ Bành Tế Thanh ở Trường Châu[3] túc căn sâu dầy, học vấn uyên bác, vừa đậu Tiến Sĩ bèn ngộ khổ, không, thấy phú quý như mây nổi, chẳng thích làm quan, thấu hiểu thật tế của tâm tánh bèn tận lực tu Tịnh nghiệp, hết sức muốn phổ độ kẻ mê bèn hòa quang đồng sự, cho nên có những trước tác tự thuật bổn hoài, kỷ sự[4], xướng họa, tuy thuộc văn tự, nhưng quả thực chứa đựng nỗi lòng sâu xa. Ý niệm yên đời, làm cho dân chúng lương thiện, hướng dẫn kẻ mê, tuyên nói lẽ chân được lộ rõ trong những lúc ngâm vịnh tùy dịp, tùy cảnh. Có thể nói: “Chẳng có địa vị mà thực hiện việc cai trị, chẳng lên tòa mà thuyết pháp” vậy! Thâu thập những trước tác, chia thành bốn quyển, đặt tên là Quán Hà Tập. Ấy chính là lấy từ ý nghĩa “từ việc nhìn con sông, nghiệm ra cái Thấy chẳng thay đổi” của kinh Lăng Nghiêm vậy. Lại mong những ai xem tập sách này chớ suy lường nơi nghĩa lý văn tự, chỉ nên nhìn vào sự quán. Quán đã thấu tỏ thì sông chẳng thay đổi! Đấy chính là ý nghĩa tổng quát của cái tên ông Bành đã đặt.

Ông Lưu Triều Thị thấy sách này có ích cho đời, bèn khắc in lưu thông, thật là nghĩa cử thù thắng tạo phương tiện dẫn dạy vậy. Ông nhờ tôi viết lời tựa. Tôi mong những ai xem đến thơ ông Bành thì trước hết sẽ học theo đạo của ông Bành, đạo ấy ra sao? Là diệu ngộ tự tâm, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương mà thôi! Nếu lãnh ngộ được điều này thì mười phương thế giới sâm la vạn tượng đều hiện thành bài thơ mới. Nếu không, dẫu cho thanh vận véo von, câu chữ đối nhau khít khao, vẫn chẳng có mảy may nguyên khí nào. Như gương vẽ trên vách, như hoa cắt từ lụa, hình tạm cho là giống, nhưng muốn cho nó hiện tướng sáng, tỏa mùi thơm thì nhất quyết chẳng thể được!

***

[1] Kinh Lăng Nghiêm có chỗ giảng về cái thấy: Đức Phật hỏi vua Ba Tư Nặc: “Khi còn là đứa trẻ vua thấy sông Hằng và nay đã già nhìn lại sông Hằng thì hai cái thấy ấy có khác nhau hay không?” Nhân đó, Phật giảng thân tuy biến đổi, nhưng cái thấy không khác. Cái Thấy ấy chính là tác dụng của chân tâm.

[2] Nguyên văn: “Nhị tam tử dĩ ngã vi ẩn hồ? Ngô vô ẩn hồ nhĩ! Ngô vô hành nhi bất dữ nhị tam tử giả, thị Khâu dã!” Chúng tôi dịch câu này theo sự giải thích của bộ Tứ Thư Bạch Thoại Chú Giải, thiên Thuật Nhi, sách Luận Ngữ, trang 185.

[3] Nay là Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô.

[4] Kỷ sự: Thể loại văn chương ghi chép những sự việc.