Lời tựa cho Phật Quang Nguyệt Báo

Phật Quang là Trí Thể sẵn có ngay trong tự tâm của phàm – thánh, chúng sanh và Phật trong mười pháp giới. Thể ấy linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, bất sanh, bất diệt, vô thủy, vô chung, dọc thì suốt khắp ba đời nhưng ba đời do đây dứt bặt, ngang thì trọn khắp mười phương nhưng mười phương do đây tiêu mất. Được gọi là Không nhưng vạn đức trọn bày. Gọi là Có nhưng mảy trần chẳng lập. Chính là hết thảy pháp, nhưng lìa hết thảy tướng, tại phàm chẳng giảm, nơi thánh chẳng tăng. Tuy Ngũ Nhãn chẳng thể thấy được, Tứ Biện[1] chẳng thể tuyên thuyết, nhưng pháp gì cũng phải nhờ vào sức nó, đâu đâu cũng gặp gỡ. Chỉ vì chúng sanh chưa ngộ nên chẳng những không thể thọ dụng được, trái lại còn nương theo sức chẳng thể nghĩ bàn này để khởi Hoặc tạo nghiệp. Do nghiệp chuốc khổ, khiến phải sanh tử luân hồi trọn chẳng khi nào hết. Đem chân tâm thường trụ thọ lấy huyễn báo sanh diệt, ví như người say thấy nhà xoay, nhà thật sự chẳng xoay. Kẻ mê cho là phương hướng chuyển dời, phương hướng quả thật chẳng động. Hoàn toàn do vọng nghiệp biến hiện, trọn chẳng có thật pháp nào để đạt được!

Do vậy, khi đức Thích Ca Thế Tôn ta thị hiện thành Phật đạo, triệt chứng Phật quang, bèn than: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng, chấp trước thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Ngại Trí đều được hiện tiền”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Diệu tánh viên minh lìa các danh tướng, vốn chẳng có thế giới, chúng sanh. Do vọng nên có sanh, do sanh nên có diệt. “Sanh – diệt” gọi là Vọng. Diệt vọng gọi là Chân. Đấy gọi là Vô Thượng Bồ Đề và Đại Niết Bàn của Như Lai”. Hai thứ danh hiệu này được dùng thay cho nhau. Ngài Bàn Sơn[2] nói: “Tâm nguyệt riêng tròn, ánh sáng phủ trùm muôn hình tượng. Ánh sáng không chiếu cảnh, cảnh cũng chẳng còn. Tâm – cảnh đều mất, nào còn có vật gì?” Ngài Quy Sơn nói: “Linh quang riêng chiếu, thoát khỏi Căn Trần. Thể lộ chân thường, chẳng chấp vào văn tự. Tâm tánh vô nhiễm, vốn tự viên thành. Chỉ lìa vọng niệm chính là Như Như Phật”.

Do vậy, biết: Mọi thứ ngôn giáo của Phật, Tổ, không gì chẳng nhằm chỉ bày tâm tánh sẵn có của chúng sanh, khiến cho họ bỏ mê về ngộ, khôi phục cái nguồn, hoàn lại cái cội mà thôi! Nhưng chúng sanh căn cơ có cạn – sâu, mê có dầy – mỏng, chẳng nhờ vào đủ mọi ngôn giáo chỉ dạy, đủ mọi pháp môn đối trị thì mây mê ngăn chướng tánh không, biết nhờ vào đâu để mỗi người đều thấy thấu suốt vầng tâm nguyệt cho được? Do vậy, lúc đức Như Lai mới thành đạo diễn giảng kinh Đại Hoa Nghiêm, liền bàn thẳng vào đại pháp vượt ngoài pháp giới, chẳng phải là pháp mà hàng Quyền – Tiểu có thể dự phần được, ngõ hầu những hàng đại căn cơ túc căn đã chín muồi cùng được chứng chân thường, sanh lên ngay bờ giác. Lại vì hàng độn căn chúng sanh chưa được lợi ích, Phật bèn dần dần khéo léo khuyên dụ, tùy thuận căn cơ diễn thuyết: Hoặc dùng Ngũ Giới, Thập Thiện đưa họ vào hai thừa Nhân – Thiên khiến cho họ gieo nhân thù thắng tiến vào Phật đạo, hoặc dùng Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ vạn hạnh đưa vào ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát khiến cho họ có được cận duyên chứng Phật đạo. Bắt đầu từ thời A Hàm cho đến thời Bát Nhã, không thời nào chẳng thuận theo căn tánh để tuyên nói khiến cho chúng sanh dần dần tiến lên, theo đường về nhà, nhưng bản hoài của Phật vẫn còn ẩn kín chưa nói. Đến hội Pháp Hoa, khai Quyền hiển Thật, khai Tích hiển Bổn, Nhân – Thiên – Quyền – Tiểu đều là Nhất Thừa. Người khách coi mình là kẻ hèn, thật sự là con ông trưởng giả. Thọ ký cho khắp ba căn, phô bày thông suốt lớn lao bổn hoài, cùng với hội Hoa Nghiêm ban đầu, đầu và cuối soi rọi lẫn nhau. Có thể nói là “một đại sự nhân duyên đã được giao phó toàn thể, trọn chẳng còn giấu diếm điều gì!” Lại do chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn, việc đoạn Hoặc chứng Chân thật hiếm có người. Do vậy, đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ, để thượng – trung – hạ căn dù thánh hay phàm đều cùng trong một đời này thoát khỏi Sa Bà sanh sang Cực Lạc, dần dần chứng được quang minh thọ mạng vô lượng. Lòng từ bi sâu xa lớn lao ấy thật là cùng cực không còn gì hơn được nữa!

Đến khi đại giáo truyền sang Đông, bậc đại sĩ hoằng pháp ai nấy chuyên chú một môn, hoặc Thiền, hoặc Giảng, hoặc Luật, hoặc Mật, như bốn cửa thành gần cửa nào bèn vào cửa nấy. Như vạn món thuốc, thuốc nào trị đúng bệnh bèn uống. Như những chức vụ trong các ty thuộc các bộ, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc hành chánh. Như sáu căn hỗ trợ nhau, phụ trợ cho một thân. Tuy mỗi người đề cao một pháp, nhưng thật ra pháp nào cũng đều thông, pháp nào cũng đều trọn vẹn; chẳng qua từ chỗ thực hành mà nói thì mới có những tên gọi như vậy. Còn như một pháp Tịnh Độ thì giống như thuốc A Già Đà trị chung vạn bệnh, như Ma Ni bảo châu tùy ý tuôn các thứ báu. Nếu có thể thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, sẽ đắc Tam Ma Địa, tự chứng Viên Thông, hết thảy công đức, hà sa diệu nghĩa, chẳng nhọc lòng cầu bên ngoài, đều hiện nơi tự tâm. Đó là vì dùng Quả Địa Giác (sự giác ngộ nơi chứng quả) làm Nhân Địa Tâm (cái tâm khi tu nhân); đến mức cùng cực thì Nhân trùm biển Quả, Quả thấu tột nguồn Nhân. Sự mầu nhiệm của pháp môn này dù hết cả kiếp vẫn khó tuyên thuyết, ai gặp được thì còn may mắn nào hơn?

Hòa thượng Khả Đoan chùa Trường Sanh ở Duy Dương xưa đã trồng cội đức, tham cứu Thiền – Giảng đã lâu. Năm Dân Quốc thứ tám (1919), do sư Tánh Liên thoái ẩn, giao cho hòa thượng làm Trụ Trì. Nhân đó, nghĩ kinh Hoa Nghiêm chính là căn bản pháp luân của Như Lai, bèn tận lực diễn giảng, ngõ hầu hết thảy chúng sanh dù u hay hiển[3], đều cùng phát khởi thiện căn Nhất Thừa. Phải mất cả ba năm mới giảng hết bộ kinh, nhưng hàng cư sĩ hộ pháp cảm lòng chí thành của Sư, lại xin tiếp tục giảng hòng bồi dưỡng nhân tài. Nhân đấy, Sư mở Hoa Nghiêm đại học viện, hạn định số học sinh là bốn mươi tám người. Lại nghĩ đoạn quang minh chẳng thể nghĩ bàn này chiếu khắp pháp giới, cố nhiên là do sức thần thông đạo lực, là phước huệ trang nghiêm của Như Lai, nhưng quang minh này ai nấy đều có, chẳng ai là không. Tuy vậy, [giống như] hạt châu trong chéo áo, tượng trong khuôn, người hiểu được Bổn tuy có, nhưng kẻ chấp vào Tích thật nhiều. Nỡ nào để cho những người cùng có quang minh này phần nhiều ở mãi trong nhà tối, chẳng thụ dụng được; trái lại, còn biến ánh sáng chân thường viên mãn chiếu khắp pháp giới chẳng thể nghĩ bàn này thành cội gốc để kết nghiệp sanh tử ư?

Do vậy, Sư tính mỗi tháng ra một lần báo, đặt tên là Phật Quang. Do nhất niệm tâm tánh, Phật như, chúng sanh như, nhất như, vô nhị như[4], nên phàm là nhân duyên ban bố giáo hóa của Như Lai, thật tế của tâm tánh chân thường, nhân quả, Ngũ Giới, Thập Thiện, sự cảm ứng của việc kiêng giết, phóng sanh, thiện hạnh thế gian, Tịnh nghiệp xuất thế, nỗi khổ luân hồi sanh tử, báo ứng nhân quả nhỏ nhiệm, cũng như lời hay hạnh đẹp, trước thuật, bài giảng của bậc cao nhân triết sĩ đều được tùy duyên ghi chép để giúp cho [người đọc] quán cảm. Tuy là Chân – Tục cùng diễn nói, nhưng sâu – cạn đều đầy đủ, lời thô lẽ tế đều quy về Đệ Nhất Nghĩa. Do vậy, người nhân trông thấy cho là Nhân, người trí trông thấy cho là Trí, lấy đó làm hướng dẫn ban đầu để bước vào cảnh giới Phật, là duyên thù thắng để mở rộng tâm quang.

Nếu người đọc biết được tự tâm vốn là Phật tâm, liền biết Phật quang chính là tâm quang. Nhưng tâm quang này tịch – chiếu viên dung, tịch nhưng thường chiếu, nên là vô lượng quang; chiếu nhưng thường tịch nên là vô lượng thọ. Lý thể của vô lượng quang thọ hết thảy mọi người đều có. Muốn thật sự chứng vô lượng quang thọ thì phải đợi đến khi vãng sanh Tây Phương gặp mặt Di Đà, được Phật thọ ký, viên mãn Bồ Đề xong rồi mới đạt được triệt để. Đây chính là ý chỉ sâu xa của chỗ quy tông kinh Hoa Nghiêm “dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”. Phàm những ai cùng hàng với tôi, đã được may mắn hãy nên tin tưởng chắc thật.

***

[1] Biện Tài là biện luận khéo léo, tức tài năng thuyết pháp khéo léo. Tứ Biện tức Tứ Biện Tài, còn gọi là Tứ Vô Ngại Biện Tài, tức Pháp Vô Ngại Biện Tài, Nghĩa Vô Ngại Biện Tài, Từ Vô Ngại Biện Tài, Biện Vô Ngại Biện Tài. Bốn thứ này còn được gọi là Tứ Vô Ngại Giải, Tứ Vô Ngại Trí.

[2] Bàn Sơn Bảo Tích là đệ tử nối pháp của Mã Tổ Đạo Nhất, sanh vào thời Đường, sống tại Bàn Sơn thuộc U Châu (Hà Bắc), tuyên dương Tông phong, nên có hiệu là Bàn Sơn Bảo Tích. Không rõ năm sanh và năm mất, thụy hiệu là Ngưng Tịch Đại Sư.

[3] U là quỷ thần, hoặc những người đang đọa lạc trong ác đạo. Hiển là người đang sống trong thế gian.

[4] Như có nghĩa là thường hằng, không biến đổi. Câu này không thể dịch cho gọn nên giữ nguyên tiếng Hán. Ý nói: Nhất niệm tâm tánh nơi Phật thường hằng, nơi chúng sanh cũng thường hằng, tâm tánh của chúng sanh và Phật giống hệt nhau, bình đẳng, không sai khác. Giống hệt nhau không sai khác nên gọi là “nhất như vô nhị như”.