LINH ỨNG LĂNG NGHIÊM
Nhiều tác giả
Hạnh Đoan tuyển dịch

 

TRÌ CHÚ TRƯỚC TIÊN PHẢI
CHÁNH TÂM THÀNH Ý
(Vạn Phật Thành ngày 25 tháng 1 năm 1981)

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn,
Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.
Sở tác chư pháp tất cứu cánh,
Bất tăng bất giảm đáo Niết Bàn.”

Dịch là:

“Tụng trì, thầm niệm, ít nói năng,
Dạy dỗ, lợi vui, khắp nơi nơi.
Mọi việc làm ra đều cứu cánh,
Không tăng, không giảm, tới Niết Bàn.”

Học Chú thì trước tiên cần phải chánh tâm, thành ý; tâm không chánh thì học chú gì cũng thành tà. Tâm chánh, học Chú mới có cảm ứng. Chánh tâm cũng chưa đủ, cần phải thành ý. “Thành” tức là lúc nào mình cũng hết sức chuyên chú, chuyên tâm, không xao lãng, không làm những chuyện cẩu thả, tắc trách. Ðược vậy thì mới có cảm ứng.

Nếu không “chánh tâm, thành ý,” nếu trong lòng đầy dẫy tư tưởng sai lầm, làm hại kẻ khác, tức là mình làm chuyện của ma. Pháp của ma vương là hại người, không lợi ích cho ai cả.

Nếu thật sự muốn tu hành thì trong bất cứ trường hợp nào cũng không được làm hại kẻ khác. Phải nuôi tâm làm lợi chúng sinh; không được học Chú để hàng phục ma quỷ hoặc đi đấu với người khác.

Người theo Phật Giáo không có kẻ thù, không tìm người để trả thù. Ðối với kẻ cố ý hại mình, mình phải nhẫn nại, tu hạnh Nhẫn Nhục Ba-la-mật; không sinh tâm báo thù. Ðó là chỗ cao siêu, là ưu điểm của Phật Giáo mà các tôn giáo khác thiếu sót.

Tuy Cơ Ðốc Giáo có nói rằng “ái địch” (thương kẻ địch), nhưng đó chỉ là trên phương diện ngôn ngữ, thực sự họ có thể hiện được trong hành động không? Họ luôn luôn xem người Phật Giáo như kẻ địch, họ có thương yêu những người Phật Giáo không? Chắc chắn là không, vì họ gọi người Phật Giáo là nghịch đồ, là ma quỷ!

Tôn chỉ hết sức trọng yếu của Phật Giáo là: Nếu bạn là ma quỷ thì tôi tuyệt đối không làm tổn hại bạn, không sinh lòng đối kháng, mà ngược lại, sẽ tìm cách để nhiếp thọ bạn. Ðây là giáo nghĩa đặc biệt nhất của đạo Phật. Ðối với chúng sinh luôn phát tâm từ bi, không làm hại kẻ khác.

Chú Lăng Nghiêm là chú kinh thiên động địa, khiến quỷ thần phải run sợ, là linh văn hết sức hiệu nghiệm. Học Chú Lăng Nghiêm rồi thì phải luôn luôn phát tâm từ bi, cử tâm động niệm không được làm hại người khác. Nếu ai đối với mình không tốt cũng đừng khó chịu, đừng oán ghét. Tâm mình cần phải rộng lớn như ba ngàn thế giới vậy, vạn vật đều có thể chứa gọn trong tâm mình; đó chính là bản sắc của người Phật tử vậy!

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn.” Câu chú “Yin two na” (Nhân đa la) dịch nghĩa là tụng trì, hoặc là mặc niệm, hoặc thiểu ý ngôn; tức là mình không cần nói nhiều, cũng không vọng tưởng nhiều, chuyên tâm thì linh, tán loạn thì không cảm ứng.

Thế nào là chuyên nhất? Tức là luôn luôn đừng sinh tâm làm hại chúng sinh. Nếu có tâm làm hại kẻ khác thì tương lai sẽ gặp chuyện hết sức nguy hiểm; bởi vì: “Ða hành bất nghĩa tất tự tệ.” (Nếu luôn làm chuyện bất nghĩa, thì mình sẽ tự tiêu diệt mình.)

Mình hại kẻ khác tức là mình đã hại chính mình. Mình giết cha người, thì có kẻ chắc chắc sẽ giết cha mình; mình giết anh người thì sẽ có kẻ giết anh mình; đó là luật nhân quả. Là Phật tử thì cần phải làm lành lánh dữ. Nếu không tạo nhân ác, thì sẽ tránh được quả ác trong tương lai.

“Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.” Câu này nói rằng lấy Phật Pháp chỉ dẫn, giáo hóa chúng sinh, làm cho tất cả mọi người đạt được chỗ lợi ích, hoan hỷ. Khi thấy có chuyện gì lợi ích cho người khác thì mình làm ngay:

“Tài bồi tâm thượng địa,
Trưởng dưỡng tánh trung thiên.”

Dịch là:

“Vun bồi miếng đất tâm linh,
Nuôi lớn bầu trời bản tánh.”

Thường giúp kẻ khác thì lâu ngày tự nhiên sẽ có đức hạnh. Không phải chỉ kêu gọi người khác làm lợi ích cho mình, mà tự mình không làm lợi ích kẻ khác. Kẻ nuôi dưỡng tánh ỷ lại và chỉ muốn tận hưởng tiện nghi là kẻ không có khí phách.

Hãy xem trên đời này, những kẻ chuyên đi tìm tiện nghi cho mình kết quả đều thất bại; nếu các vị không tin thì hãy nghiên cứu cho kỹ lưỡng. Bất luận là ai, với lòng tham không đáy, chuyên đi tìm tiện nghi cho chính mình thì kết quả đều không tốt. Nếu mình đem lại lợi ích cho người khác, làm cho mọi người hoan hỷ, thì đi tới đâu ai ai cũng kính phục mình.

Khổng Tử nói rằng: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính, Tuy man mạch chi bang, hành hỹ.” (Lời nói chân thật, Hành động chắc thật, cung kính, thì dù ở nơi nguy hiểm cũng vẫn được an toàn.)

Một lời nói ra thì phải thành thật, không được gian trá, lừa dối kẻ khác. Hành vi thì phải hết sức thành thực, trung hậu, khiêm nhường, cung cẩn. Bất cứ làm việc gì cũng có lòng “khiêm cung hòa kiết”; không được cống cao ngã mạn, coi mình như ông trời, không ai sánh bằng. Như vậy thì không thể chấp nhận được!

***

Trì chú Lăng Nghiêm điều quan trọng nhất là phải nghiêm trì giới luật

Chú Lăng Nghiêm là chú dài nhất, lại gọi là “linh văn” vì nó rất linh nghiệm, rất diệu mầu không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Ai niệm thì người đó có cảm ứng, ai trì tụng thì người đó được sự hộ trì của Bồ tát Kim Cang tạng. Cho nên quý vị trì chú này cần phải thành ý chánh tâm, tu thân, cách vật. Thế nào là cách vật ? Tức là cách trừ tất cả vật dục (lòng tham vật chất), cũng tức là không có lòng tham, thì sự nhận thức mới chính xác, mới có thể thành ý chánh tâm, tu thân, thì trì chú này sẽ có đại cảm ứng. Có người không hiểu rõ ý nghĩa của chú, nói bừa rằng : Chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú nhỏ hợp lại mà thành mới dài như thế. Người nói câu này thật không bằng đứa con nít, đứa con nít nói chuyện cũng nghe người lớn nói rồi mới theo người lớn nói, không nói sai lầm một cách trầm trọng như thế. Nếu nói chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú ngắn nối liền với nhau, vậy thì những chú ngắn này là những chú gì ? Nếu nói không biết thì tại sao lại cho rằng chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú ngắn hợp thành ? Ðây thật là lời nói không có căn cứ. Những chú ngắn này có tên không ? Nếu không có thì chú này ai nói? Ngay cả tên cũng không có, thì còn được gọi là chú gì. Cho nên lời nói ra phải chịu trách nhiệm, không thể nói một cách tùy tiện, nhất là học giả, bản thân mình nói một cách tùy tiện, thì học sinh của mình cũng sẽ nói một cách tùy tiện, một chút căn cứ cũng không có. Cho nên chú Lăng Nghiêm từ lúc bắt đầu tức là quy y mười phương tận hư không biến pháp giới nhất thiết chư Phật, sau đó lại quy y mười phương tận hư không biến pháp giới nhất thiết chư Bồ tát, sau đó lại quy y các bậc thánh Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả A la hán, sau đó lại quy y thiên, quy y thiên này không phải là theo (follow) chư thiên, chỉ là cung kính chư thiên. Người xuất gia vốn không nên lễ bái bất cứ ai, người xuất gia là bậc đáng thọ nhận sự cúng dường của chư thiên, tại sao lại phải cung kính chư thiên ? Chư thiên lễ bái quý thầy, vì quý thầy có đạo đức, có tu hành, nhưng quý thầy không thể sanh tâm cống cao ngã mạn, nói : “Quý vị biết không ! Tất cả chư thiên hộ pháp đều khấu đầu đảnh lễ tôi”. Không thể sanh tâm cống cao ngã mạn như thế, cảm thấy mình là người giỏi hơn hết. Dù đạo đức của mình có viên mãn đi chăng nữa thì cũng làm như không có, bản thân mình có đạo đức mà không chấp trước, có học vấn chân thực mà không tự mãn, như thế mới là người tu đạo chân chánh. Cho nên người tu hành tụng trì chú này cũng nên cung kính chư thiên, các vị thiện thần. Không những thiện thần cần phải cung kính, mà ác thần cũng nên cung kính. Nên thu thúc những tập khí cống cao ngã mạn của mình. Cho nên sự lợi ích của việc thọ trì chú Lăng Nghiêm nói hoài không hết. Tôi cũng không muốn nói chú Lăng Nghiêm rốt cuộc có lợi ích gì, vì nếu tôi nói ra quý vị trì tụng lại sanh ra lòng tham muốn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm vì mong muốn có lợi ích, thì không phải là chân chánh muốn trì tụng chú Lăng Nghiêm.

Nếu quý vị thật muốn trì tụng chú Lăng Nghiêm, thì nên xem chú Lăng Nghiêm quan trọng như là cơm ăn, áo mặc, ngủ nghĩ. Chúng ta nên làm như thế, còn được cảm ứng gì, linh nghiệm gì thì không nên nghĩ đến, vì quý vị vừa nghĩ đến cũng tức là vọng tưởng, chưa thành công, làm sao mà khởi lên vọng tưởng này ? Giống như một đứa trẻ mới sanh ra, ngay ngồi còn không biết, thì nghĩ chi đến việc chạy, ngay cả việc đi còn không biết, làm sao mà có thể chạy được ! Tại sao người ấy lại nghĩ đến việc như thế ? Chính là vì không hiểu biết, đến khi biết chạy rồi thì lại muốn bay, quý vị nói có thể thực hiện được chăng ? Vốn là việc không thể thực hiện được, sao lại mong muốn đến điều đó. Ðã không phải là chim, lại không có mọc cánh thì làm sao có thể bay được ? Vọng tưởng đó thật là quá lớn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, tu hành thì lo tu hành, không nên chấp giữ cái tâm có sở đắc, nói “tôi phải nhất định có chỗ đắc”. Như quý vị nói: “tôi nhất định không chết”, nhưng đến lúc phải chết thì không có cách nào thoát khỏi cái chết. Cho nên sự mong muốn này chỉ là vọng tưởng. Nếu có thể siêng năng tinh tấn tu hành, khi chứng quả liễu thoát sanh tử thì lúc đó mới muốn không chết thì không chết. Không phải chỉ nghĩ: “tôi không muốn chết, tôi không muốn chết”, rồi sẽ được không chết, mà cuối cùng rồi cũng sẽ chết như mọi người. Tôi chắc rằng sẽ có người nghĩ rằng : “Tôi thật sự không muốn chết, tôi muốn giữ gìn cái túi da thúi này”, giữ gìn tới giữ gìn lui, đến lúc đó túi da thúi nói câu “tạm biệt ” rồi chạy luôn.

Chú Lăng Nghiêm là linh văn, mỗi câu đều có hiệu lực, quý vị không nên nghĩ “tôi trì chú Lăng Nghiêm đã lâu như thế tại sao không có hiệu nghiệm”, ăn cơm không đói thì được rồi, còn muốn ăn bữa cơm này vĩnh viễn không đói, làm sao có thể được ! Ngày mai quý vị phải ăn nữa mới không đói, tụng chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, ngày ngày trì tụng, công đức không luống mất, lâu ngày thì có công dụng của trì tụng.

Tụng trì chú Lăng Nghiêm thì có tám vạn bốn ngàn Bồ tát Kim Cang tạng thường theo bên mình hộ trì, đó là điều chân thật, nhưng khi tụng chú không nên khởi lên vọng tưởng, nếu không Bồ tát Kim Cang tạng sẽ cho rằng : “Người này thật là thấp kém, không có lòng dõng mãnh. Ta muốn đi theo để bảo hộ, nhưng ta thấy người này không có tiền đồ gì cả, làm lãng phí thời gian của ta”, Bồ tát hộ pháp sẽ sanh lòng nóng giận.

Cho nên phải chú ý, trì chú Lăng Nghiêm điều quan trọng nhất là phải nghiêm trì giới luật, nếu không giữ gìn giới luật, trì tụng như thế nào cũng không có linh nghiệm. Nếu có thể giữ gìn giới luật, không có lòng tật đố chướng ngại, không có tham sân si, thì tụng trì chú Lăng Nghiêm càng có cảm ứng lớn, lợi ích lớn. Tôi bảo với quý vị tụng trì chú Lăng Nghiêm còn kiếm được nhiều tiền hơn buôn bán vàng nữa, tụng trì một biến chú Lăng Nghiêm thì có giá trị muôn vạn ounce vàng ròng, nhưng không nên dùng lòng tham để trì tụng.

Chú Lăng Nghiêm theo cách giảng của tôi như thế, cũng không thể nói không hay, nhưng từ xưa đến nay không có ai giảng như thế. Khi giảng chú Ðại Bi, mỗi câu chú tôi làm bốn câu kệ tụng để hình dung sức mạnh và công dụng của chú. Ðương nhiên bốn câu kệ tụng giải thích một câu chú thì khó mà giải thích cho hết, vì ý nghĩa mầu nhiệm của chú thì vô cùng vô tận. Bốn câu kệ tụng thì làm sao có thể nói hết, chỉ là nói một phần nhỏ mà thôi, được một mất mười, do phần nhỏ này hiểu được ý nghĩa của một câu chú. Vì bốn câu kệ tụng rất dễ nhớ, từ cạn đến sâu, từ ít đến nhiều, từ gần đến xa, thì có thể thâm nhập nghĩa lý của chú.

Chú vốn không thể giảng và cũng không thể giải thích, nhưng miễn cưỡng giảng, giống như “quăng ngói dẫn ngọc”. Vì thế nay giảng chú Lăng Nghiêm, dù tôi nói đúng hay không, có ý nghĩa hay không, nhưng nó thì từ trong tâm của tôi tuôn ra, cũng có thể nói là máu của tôi, mồ hôi của tôi. Tôi dùng chân tâm của tôi để giảng giải, hy vọng quý vị nghe xong hiểu được ý nghĩa chân chánh của chú, hiểu sâu sắc hơn tôi, hiểu rộng hơn tôi. Ðó là lòng mong muốn của tôi, cho nên tôi nói : “quăng ngói dẫn ngọc”, hy vọng phô bày ra trí huệ của quý vị, có thể thâm nhập kinh tạng trí huệ như biển. Người học Phật pháp cần phải hướng đến mục đích cao thượng tốt đẹp, đã tốt còn muốn tốt hơn, đã hiểu rồi còn muốn hiểu hơn. Không nên nói “tôi hiểu rồi nhưng không biết tu hành như thế nào”, nên thực thực tại tại tu hành, dù quý vị có hiểu biết mà không tu hành thì cũng không có ích dụng gì. Cho nên tu hành cần phải chân đạp chắc chắn trên đất, nỗ lực tu hành, không nên bịt tai trộm chuông, tự lừa dối mình, không lừa được người. Tôi viết lên bốn câu kệ tụng cũng có thể nói là giới thiệu trí lực của tôi, giới thiệu tâm của tôi, dùng chân tâm của tôi giảng chú Lăng Nghiêm, hy vọng quý vị có thể hiểu rõ một chút.

***

LĂNG NGHIÊM ÐẠI ÐỊNH

Vì sao Chú Lăng Nghiêm có nhiều điều tốt đẹp như vậy? Bởi vì niệm Chú Lăng Nghiêm thì có thể nhập Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh. Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh này không phải là định mà cũng chẳng phải là không định, song không lúc nào là chẳng định (vô định, vô bất định, vô hữu bất định thời). Cho nên nói rằng: “Na-già thường tại Ðịnh, Vô hữu bất định thời.” (Na-già, tức là rồng, lúc nào cũng ở trong Ðịnh, không bao giờ chẳng định.)

Lăng Nghiêm Ðịnh là định hết sức kiên cố, phát sinh ra vô lượng trí huệ, các thứ thiên ma, ngoại đạo không thể nào phá hoại nổi.

Nhưng nhập Ðịnh để làm gì? Ví như tới Disneyland vậy, nơi đó có đủ trò vui, đồng thời cũng có đủ trò kinh dị, mình sẽ thấy những điều chưa từng thấy, nghe những điều chưa từng nghe. Cũng vậy, khi nhập Ðịnh, mình sẽ trải qua những cảnh giới chưa từng thấy hay nghe qua. Nếu như trong Ðịnh mà “như như bất động, liễu liễu thường minh,” không bị cảnh giới làm cho dao động, thì mình có thể xoay chuyển tất cả cảnh giới. Ðó chính là sự kỳ diệu khi nhập Lăng Nghiêm Ðịnh.

Không có Lăng Nghiêm Ðịnh thì mình sẽ tùy theo cảnh giới mà xoay chuyển, cái gì lại thì mình chạy theo cái đó, luôn luôn bị cảnh giới dắt dẫn. Khi mình có Lăng Nghiêm Ðịnh này thì mình không còn bị cảnh giới xoay chuyển nữa. Mắt mình nhìn hình sắc mà bên trong tâm không có rung động; tai mình nghe tiếng nhưng lòng không bị lôi cuốn theo. Khi thấy việc gì xảy ra mà mình tỉnh giác thì sẽ ra khỏi vòng phiền trược; nhưng nếu gặp việc mà mê muội, không tỉnh giác, thì mình sẽ rớt vào vòng luân hồi.

Ở trong Ðịnh mình có thể phát sinh vô lượng trí huệ, cho nên nói rằng Ðịnh sinh Huệ. Nếu không nhập Ðịnh thì không thể khai được trí huệ, cũng giống như chưa tới Disneyland thì không biết trong đó có gì. Cho nên có một vị cư sĩ mời tôi đi Disneyland chơi, muốn tôi coi đây coi đó; họ cho rằng tôi chưa từng thấy qua những chuyện đó bao giờ. Thật ra những hình sắc hay tất cả những đồ vật đều không có gì đặc biệt cả. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đã thấy qua không biết bao nhiêu thứ, không biết bao nhiêu chuyện nữa, bất quá mình đã nhìn qua rồi quên mất đi. Nếu như mình nhớ được một cách rõ ràng thì không cần phải coi lại làm gì nữa.