KINH VỊ TẰNG HỮU CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Thiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 6
Sau khi thấy người tạo nghiệp sát sinh kia theo Phật xuất gia, chứng đắc quả Thánh với việc hy hữu như vậy, Tôn giả Xá-lợi Tử thưa Phật:
–Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Như Lai có lòng đại Từ bi dùng phương tiện thiện xảo, giảng nói chánh pháp. Người đã tạo nghiệp sát kia gốc tội rất nặng mà chỉ trong chốc lát Như Lai đã cứu độ, khiến người ấy được giải thoát. Đây chính là do diệu lực từ phương tiện của chư Phật, Như Lai. Pháp mà Ngài đã nói đều là cảnh giới của chư Phật. Chỉ có Đại sĩ Diệu Cát Tường và các Bồtát mặc giáp tinh tấn mới hiểu rõ, thông suốt. Đó chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác chúng con. Vì sao? Vì các hàng Thanh văn trí tuệ cạn hẹp, căn cơ của chúng sinh còn không thể phân biệt được, thì sao có thể hiểu rõ về pháp của phương tiện.
Phật nói:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Cảnh giới của chư Phật chỉ có các Bồ-tát đạt đầy đủ pháp Nhẫn mới có thể hội nhập. Hàng Thanh văn các ông mặc dầu lìa kiến chấp về Bổ-đặcgià-la, nhưng chỉ cầu Niết-bàn tự lợi. Mặc dầu tu tập công đức hạnh Đầu-đà nhưng cũng chỉ thích cầu đầy đủ về giới, định, tuệ, không thích tu học pháp của chư Phật, làm việc gì cũng có tướng, có ngại, cho nên đối với cảnh giới của Phật đều có thể nghĩ bàn.
Này Xá-lợi Tử! Ông nên biết người tạo nghiệp sát được hóa độ vừa rồi đã từng cung kính, cúng dường, trồng căn lành với năm trăm Đức Phật và cũng từng được nghe pháp như vậy. Cho nên người này nay ở trước ta được nghe giảng chánh pháp, nhờ sức từ căn lành xưa kia mà được thấy lý chân thật của các pháp, như pháp mà giải thoát.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu người nào được nghe chánh pháp này dù chỉ nghe một bài kệ bốn câu thì người ấy không bị đọa vào các cõi ác, dứt khổ não, được giải thoát và nhất định thành tựu Nhất thiết trí của Phật, huống gì còn thọ trì đọc tụng như pháp mà tu hành. Công đức người ấy đạt được là vô lượng, vô biên.
Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng chúng Đại Bồ-tát, các đại Thanh văn Ca-diếp… và vua nước Ma-già-đà với quyến thuộc đồng thời trở về pháp hội của Phật Thích-ca Mâu-ni nơi núi Thứu phong. Sau khi đến chỗ Phật, tất cả đều lễ lạy sát chân Đức Thế Tôn và lui đứng qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi Tử nói với vua Ma-già-đà:
–Pháp hy hữu Đại thừa mà vua ưa thích, Bồ-tát Diệu Cát Tường đã khai thị giảng nói, như vậy với pháp ấy vua thật sự đã hiểu rõ rồi chăng?
Vua trả lời:
–Thưa Tôn giả! Tôi đã hiểu rõ về pháp hy hữu.
Tôn giả Xá-lợi Tử hỏi:
–Vua hiểu rõ như thế nào?
Vua trả lời:
–Theo ý của tôi thì đối với tất cả pháp lìa các nhiễm chấp, không được không mất, chẳng nắm bắt, chẳng xả bỏ, chẳng phải cảnh giới của tâm, tướng không thể nắm bắt tức là pháp chân thật, hiểu rõ như vậy nên dứt hẳn các nghi ngờ, tất cả các chướng lụy không do đâu mà sinh.
Tôn giả Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Căn lành của vua Ma-già-đà đã thành thục, ưa thích mùi hương pháp sâu xa của Đại thừa, thấy được pháp vô sinh, tận trừ các nghiệp chướng. Như vậy là thật sự đã diệt tận hay là còn? Việc này như thế nào cúi xin Phật hãy giảng nói cho con!
Phật bảo:
–Này Xá-lợi Tử! Nghiệp chướng hiện có của nhà vua này đều tiêu hết, không còn. Này Xá-lợi Tử! Ví như hạt cải lượng của nó rất nhỏ, núi chúa Tu-di có thể nghiền nát nó được không? Ông nên biết, nghiệp chướng của vua giống như hạt cải, còn pháp thâm diệu mà ta đã giảng nói giống như núi chúa kia. Cho nên vua ấy được nghe pháp thâm diệu thì đâu còn chướng lụy nào mà không diệt tận.
Tôn giả Xá-lợi Tử thưa:
–Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vua này thật là lợi căn sáng suốt, có thể nghe pháp, hiểu rõ và diệt sạch các chướng. Như những gì Phật nói là chân thật không hư dối.
Phật nói:
–Này Xá-lợi Tử! Vua này đã từng cung kính, cúng dường, trồng các căn lành với bảy mươi hai câu-chi Đức Phật ở thời quá khứ. Sau khi nghe chánh pháp từ nơi chư Phật ấy, nhờ căn lành đó nên về đời vị lai vua nhất định chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồđề.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Ông có thấy Bồ-tát Diệu Cát Tường này không?
Tôn giả Xá-lợi Tử trả lời:
–Thưa đã thấy.
Phật nói:
–Nay vua nước Ma-già-đà này có nhân duyên lớn với Bồ-tát Diệu Cát Tường. Này Xá-lợi Tử! Về quá khứ có kiếp tên Vô cấu, có Phật ra đời hiệu là Diệu Tý. Trong kiếp ấy lại có ba câu-chi Đức Phật hiện ra đời. Chư Phật kia đều do Bồ-tát Diệu Cát Tường khai mở tâm đạo. Chư Phật Như Lai ấy sống rất lâu, chuyển đại pháp luân làm lợi ích cho chúng sinh. Trong kiếp đó, vua nước Ma-già-đà đã được gặp Bồ-tát Diệu Cát Tường giáo hóa mà phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Sau khi phát tâm, vua đã trồng các căn lành nơi chư Phật Thế Tôn ấy mà nghe, thọ pháp hy hữu của Đại thừa.
Này Xá-lợi Tử! Ông nay nên biết, nhờ nhân duyên căn lành sâu dày đó mà sau khi vua Ma-già-đà qua đời, vượt qua bốn trăm cõi Phật ở phương trên có cõi Phật tên Trang nghiêm, Đức Phật nơi cõi đó hiệu là Bảo Tụ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, nhà vua sẽ sinh vào cõi Phật ấy, cũng gặp Bồ-tát Diệu Cát Tường, nghe thọ pháp thâm diệu. Nghe rồi vua hiểu rõ ràng và chứng pháp Nhẫn vô sinh. Cho đến đời vị lai, Bồ-tát Từ Thị nơi cõi Ta-bà này sau khi thành tựu đạo quả Vô thượng chánh giác, thì vua Ma-già-đà ấy từ cõi Phật Trang nghiêm kia sẽ sinh đến, ở trong pháp của Như Lai Từ Thị, được làm Bồ-tát tên là Vô Động, lúc ấy vua cũng gặp Bồ-tát Diệu Cát Tường. Bấy giờ, Như Lai Từ Thị sau khi giảng nói lại pháp cho Bồ-tát Vô Động đã được nghe từ thuở quá khứ, bèn nói với đại chúng:
–Các ông có thấy Bồ-tát Vô Động kia không? Bồ-tát này đâu phải người nào xa lạ, chính là vua nước Ma-già-đà trong pháp hội của Phật Thích-ca Mâu-ni ở quá khứ. Vị này được nghe thọ chánh pháp nơi Bồ-tát Diệu Cát Tường và được đắc pháp Nhẫn vô sinh.
Phật bảo:
–Này Xá-lợi Tử! Khi Như Lai Từ Thị giảng nói pháp vi diệu cho Bồ-tát Vô Động, trong chúng hội có tám ngàn Bồ-tát chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, hai vạn bốn ngàn các tiểu Bồ-tát tiến lên Sơ địa.
Này Xá-lợi Tử! Từ đó về sau, Bồ-tát Vô Động ấy tu hành trong tám trăm a-tăng-kỳ kiếp, làm thanh tịnh cõi Phật giáo hóa chúng sinh hướng vào địa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, khiến cho các chúng sinh diệt trừ tất cả nghiệp chướng, hiểu rõ chánh pháp, dứt hết nghi ngờ.
Sau khi trải qua tám trăm a-tăng-kỳ kiếp, Bồ-tát Vô Động ở thế giới Vô nhiễm sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề, hiệu là Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười tôn hiệu. Đức Phật ấy sống bốn trung kiếp, chánh pháp trụ ở đời một câu-chi năm, có bảy mươi vạn chúng Thanh văn đều đầy đủ ba Minh, sáu Thông, đắc tám Giải thoát. Có mười hai câu-chi chúng Đại Bồ-tát, tất cả đều đầy đủ phương tiện trí tuệ. Tất cả chúng sinh nơi cõi đó đều ưa thích pháp sâu xa. Đức Phật Như Lai ấy giảng nói rộng rãi khắp nơi, chúng sinh nghe pháp đều giác ngộ, lìa các phiền não, thân tâm thanh tịnh và không còn tưởng về tướng ngã.
Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói việc vua Ma-giàđà sẽ thành Phật cho Tôn giả Xá-lợi Tử nghe, trong pháp hội có ba vạn hai ngàn Thiên tử phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, họ cùng phát nguyện:
–Con nguyện sẽ được sinh vào thế giới Vô nhiễm để thấy Đức Như Lai Thanh Tịnh Cảnh Giới thành đạo Chánh giác.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền thọ ký cho họ:
–Các vị sẽ được sinh vào thế giới đó, để thấy Như Lai ấy thành tựu đạo quả Chánh giác.
Thuở đó, vua nước Ma-già-đà có một thái tử tên Nguyệt Cát Tường vừa mới tám tuổi, trước đây có theo phụ vương đến pháp hội của Phật. Sau khi nghe pháp của Phật, thái tử tự cởi các thứ châu báu, anh lạc đeo nơi cổ, dâng lên cúng dường Đức Phật và nguyện như vầy:
–Nay con xin dâng cúng Phật để được căn lành mà hồi hướng đến đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Con nguyện vào đời sau được sinh trong cõi Đức Như Lai Thanh Tịnh Cảnh Giới làm Kim luân vương trọn đời, con đem tứ sự cúng dường Đức Phật ấy và chúng Bí-sô. Sau khi Phật ấy diệt độ, con sẽ thâu lấy xá-lợi của Phật mà cung kính cúng dường. Con nguyện tiếp tục ở cõi Phật đó chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Thái tử Nguyệt Cát Tường phát nguyện xong, nhờ diệu lực từ oai thần của Phật nên anh lạc được cúng dường đã trụ trong hư không, phía trên Đức Phật biến thành lầu bảy báu, bên trong có tòa bảy báu, trên tòa có Phật ngồi kiết già, trang nghiêm, đầy đủ tướng tốt.
Bấy giờ, từ giữa chặng mày của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng nhiều màu xanh vàng, đỏ, trắng, hồng, lục, tỏa chiếu khắp vô biên thế giới, lên đến cõi Phạm thế che lấp cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ánh sáng ấy tỏa chiếu xong thì trở lại bao quanh Phật ba vòng rồi nhập nơi vào đỉnh đầu của Đức Thế Tôn.
Tôn giả A-nan đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay thưa trước Phật, nói kệ:
Đại Mâu-ni đã đến bờ kia
Đầy đủ các công đức thù thắng
Được trời, người, thế gian tôn quý
Bậc Nhất thiết trí lìa các chấp.
Căn tánh, tâm hành của chúng sinh
Như Lai đều biết rõ tận tường
Giảng pháp diệu làm lợi quần sinh
Bậc tối thắng hơn cả thế gian.
Ánh sáng lớn hy hữu phóng ra
Chiếu khắp tất cả cõi mười phương
Câu-chi na-do-tha chúng sinh
Nhờ ánh sáng chiếu được an ổn.
Bậc Thiện Thệ đã đủ mười Lực
Niệm tuệ viên mãn xuất thế gian
Biết rõ tâm, việc làm chúng sinh
Giảng pháp đoạn nghi không ai bằng.
Tất cả Phạm vương và Đế Thích
Mặt trời, trăng, sao các cõi trời
Nghe Phật giảng nói môn pháp diệu
Xa lìa phiền não được an ổn.
Như Lai tối thắng trong tất cả
Chúng sinh nào nghi được giải bày
Duyên gì nay phóng ánh sáng ấy
Xin Phật Từ bi nói cho con.
Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Ông có thấy thái tử Nguyệt Cát Tường chăng?
Tôn giả A-nan thưa:
–Dạ thưa, con đã thấy.
Phật nói:
–Trong quá khứ, thái tử này đã tu hạnh Bồ-tát, cúng dường Như Lai để trồng sâu căn lành. Do cơ duyên ấy đã thành thục, nay ở trước ta phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nêu bày đại thệ nguyện, vì thế mà Như Lai phóng ra ánh sáng này.
Này A-nan! Vào đời vị lai trong pháp của Đức Như Lai Thanh Tịnh Cảnh Giới ở cõi Vô nhiễm, thái tử này làm Kim luân vương cúng dường Đức Phật ấy và chúng Bí-sô. Sau khi Đức Phật ấy diệt độ, vương lại thâu lấy xá-lợi để cung kính cúng dường. Vị Kim luân vương ấy qua đời thì sinh vào cõi trời Đâu-suất. Sống trong thế giới Vô nhiễm mãn một kiếp, Kim luân vương chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề, tên là Nhật Tràng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười tôn hiệu. Đức Phật Thế Tôn ấy và tất cả chúng Bồ-tát Thanh văn đều có tuổi thọ như nhau.
Được nghe Đức Phật thọ ký cho thái tử Nguyệt Cát Tường, các chúng Bồ-tát từ phương khác đến pháp hội đều bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và Bồ-tát Diệu Cát Tường ở nơi nào cũng làm đại Phật sự, đem lại lợi ích cho chúng sinh không uổng phí. Vì sao? Vì Đức Phật và Bồ-tát với tâm đại Bi làm các phương tiện, ở nơi thành ấp, đô thị cho đến khắp cả xóm làng đều vì các chúng sinh mà giảng pháp giáo hóa, để các chúng sinh nghe pháp được giải thoát, lìa các sợ hãi, đoạn trừ tất cả phiền não, chướng nặng. Hôm nay chúng con được ở đây nghe Đức Phật và Bồtát Diệu Cát Tường giảng nói pháp diệu và thấy việc hy hữu phóng ánh sáng, làm lợi ích chúng sinh thật không uổng phí.
Đức Thế Tôn bảo các Bồ-tát:
–Này các Thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Phật và Bồ-tát ở nơi nào cũng vì các chúng sinh giảng nói chánh pháp, hành hóa Phật sự, nên quán nơi ấy như tháp của Phật. Vì sao? Vì trong đời quá khứ ta gặp Đức Như Lai Nhiên Đăng, vì ta có lòng tin sâu sắc nên đã trải tóc trên đất để nâng chân Đức Phật. Ta liền chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh.
Biết ta đã đắc pháp Nhẫn vô sinh, Đức Như Lai Nhiên Đăng liền thọ ký đạo quả Vô thượng Bồ-đề cho ta và nói:
–Qua a-tăng-kỳ kiếp về đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười tôn hiệu.
Sau khi thọ ký cho ta, Đức Phật Nhiên Đăng nói với chúng Bísô:
–Ở đất này các ông nên có ý tưởng tôn trọng đừng khinh khi. Vì sao? Vì ở đất này có thiện nam trải tóc trên đất để nâng chân Thế Tôn. Do diệu lực thù thắng ấy mà đạt được đầy đủ pháp Nhẫn, làm cho tất cả hàng trời, người ở vùng đất này chiêm ngưỡng, cung kính, giống như tháp của Phật không khác.
Lúc Đức Phật Nhiên Đăng giảng nói như vậy, có tám mươi câu-chi trời, người đồng thanh thưa Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con ở đất này có lòng tôn trọng cung kính như tháp của Phật.
Khi ấy, trong pháp hội có một trưởng giả tên Hiền Thiên, bạch Phật Nhiên Đăng:
–Nay con xây tháp bảy báu ở đây để các chúng sinh chiêm ngưỡng lễ lạy đạt được phước đức.
Theo lời nói, trưởng giả sinh tâm hy hữu, tập trung tất cả châu báu xây một ngọn tháp cao rộng đẹp đẽ, trang hoàng đủ loại. Công trình ấy rất nguy nga, chẳng phải làm một ngày mà hoàn thành. Sau khi xây tháp xong, trưởng giả liền đến thưa Phật Nhiên Đăng:
–Bạch Thế Tôn! Con đã xây xong ngọn tháp bảy báu rất đẹp, vậy đời sau con được bao nhiêu phước?
Phật nói:
–Này trưởng giả! Nếu có thiện nam nào ở nơi vùng đất của Đại Bồ-tát đã chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh chọn đào lấy đất ấy xuống tới đụng nước, rồi lấy đất này cung kính cúng dường thì phước đạt được hãy còn như là cúng dường tháp miếu của Phật, huống chi là nay ông với lòng tin thanh tịnh, xây tháp bảy báu nên phước đức đạt được nhiều gấp bội người kia, vô lượng, vô biên không thể lường tính.
Phật Nhiên Đăng lại nói với trưởng giả Hiền Thiên:
–Hôm nay ở đây, ông trồng sâu căn lành thì vào đời vị lai sẽ được Phật Thích-ca Mâu-ni thọ ký đạo quả Vô thượng chánh giác.
Vì các Bồ-tát từ phương khác đến pháp hội, Đức Phật Thích-ca đã nói về nhân duyên thọ ký thuở xưa và bảo các Bồ-tát:
–Các ông nên biết! Khi xưa ta đã trồng căn lành nơi Phật Nhiên Đăng, nên nay ta được thành Phật. Lúc ấy, ta đã đạt được địa của pháp Nhẫn, được trời người ở đó cung kính như tháp Phật. Hôm nay các ông ở nơi vùng đất này cũng nên có lòng tôn kính.
Lại nữa, này các Bồ-tát! Các ông nên biết! Trưởng giả Hiền Thiên thuở ấy không phải người nào lạ nay chính là trưởng giả Hiền Thiên này đây, vì trong pháp thuở ấy cũng tên là Hiền Thiên. Đời sau, vị này sẽ được thành Phật, hiệu là Thiện Kiến Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ mười tôn hiệu.
Lại nữa, này các Bồ-tát! Pháp thâm diệu ta đã giảng nói, nếu có Bí-sô, Bí-sô-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì tụng đọc, giảng nói cho người khác, thì nơi vị ấy ở được trời người cung kính, tôn trọng như tháp Phật không khác.
Lại nữa, này các Bồ-tát! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào tu hạnh bố thí, tập trung bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, ngày đêm sáu thời cúng dường chư Phật và chúng Bí-sô, như vậy cho đến kiếp tận cũng không bằng đối với chánh pháp vị tằng hữu này mà nghe, thọ trì, đọc tụng dù chỉ mỗi một bài kệ bốn câu thì công đức của vị này nhiều hơn gấp bội vị trước.
Lại nữa, nếu người nào tu hạnh trì giới, trong một kiếp giữ giới pháp của Phật không hủy phạm, viên mãn tất cả công đức của tịnh giới, cũng không bằng đọc tụng thọ trì chánh pháp này. Công đức này nhiều hơn trước cả ngàn phần.
Lại nữa, nếu người nào tu hạnh nhẫn nhục, trong một kiếp luôn tu nhẫn nhục đối với tất cả chúng sinh không sân giận, làm hại, đạt được hạnh nhẫn viên mãn như vậy, nhưng cũng không bằng đọc tụng thọ trì chánh pháp này rồi như pháp mà tu hành, đạt được pháp nhẫn, đầy đủ công đức, như vậy là tối thượng.
Lại nữa, nếu người nào tu tinh tấn, trong một kiếp siêng năng giáo hóa tất cả chúng sinh, tâm không chút biếng trễ, đạt được tinh tấn viên mãn nhưng không bằng thọ trì đọc tụng chánh pháp này, công đức đạt được nhiều gấp bội ở trước.
Lại nữa, nếu có người nào tu thiền định, trong một kiếp trụ trong định, nhất tâm chuyên chú, xa lìa các tán loạn, đạt được hạnh định viên mãn như vậy cũng không bằng thọ trì đọc tụng chánh pháp này, công đức đạt được nhiều gấp bội ở trước.
Lại nữa, nếu người nào tu trí tuệ, trong một kiếp tu các phương tiện trí tuệ, đạt được trí tuệ viên mãn như vậy, nhưng không bằng nghe, thọ trì, đọc tụng chánh pháp này, công đức đạt được là lớn lao vô lượng, sớm viên mãn quả Nhất thiết trí.
Nghe Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói về công đức sâu xa của pháp này, các Bồ-tát từ phương khác đến pháp hội, đều thưa Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con nghe, thọ pháp này, khi trở về trú xứ sẽ giảng nói rộng khắp cho mọi người để các chúng sinh đều được lợi ích.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói:
–Lành thay! Lành thay! Này các Thiện nam! Các ông nên làm cho pháp này được truyền bá khắp, hãy vì các chúng sinh mà thi hành Phật sự.
Lúc này, các vị Bồ-tát ấy bèn tung rải hoa đẹp đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và Bồ-tát Diệu Cát Tường, rồi nói:
–Nguyện cho chánh pháp này tồn tại lâu dài trong cõi Diêmphù-đề để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nguyện Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và Bồ-tát Diệu Cát Tường sống lâu nơi thế gian, phóng ra ánh sáng pháp để chiếu soi khắp chúng sinh. Hôm nay, chúng con được dự vào pháp hội này, được thấy Phật Thế Tôn, được nghe nói pháp diệu là đều nhờ Bồ-tát Diệu Cát Tường khuyên dạy. Giả sử chúng con xả bỏ đầu mắt tay chân của mình để cúng dường cũng còn không thể báo trọn ân của Bồ-tát. Nay tung rải hoa này chưa gọi là báo ân cúng dường. Cho nên nếu có thiện nam, thiện nữ nào được thấy chư Phật, được nghe chánh pháp, giả sử xả bỏ đầu mắt tay chân của mình cũng không bao giờ báo ân hết cho chư Phật. Cho nên đối với Phật, Bồ-tát và các kinh pháp cần phải có lòng tin thanh tịnh, tôn kính, cúng dường, đừng xem thường và có ý tưởng nghi ngờ. Ai có ý tưởng như vậy sẽ mắc trọng tội.
Nói xong, các Đại Bồ-tát từ phương khác đến pháp hội đều cung kính lạy sát chân Đức Thế Tôn, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi biến mất khỏi pháp hội trở về nơi cõi Phật của mình. Mỗi vị ở trước mỗi Đức Phật thưa:
–Ở cõi Ta-bà, con được nghe Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường giảng nói chánh pháp. Sau khi thọ trì, con sẽ giảng nói rộng rãi cho chúng sinh ở đây, để tất cả các chúng sinh nhất định chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-diếp thưa Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chánh pháp này rất là hy hữu, con đã thấy Bồ-tát Diệu Cát Tường thọ nhận thức ăn cúng dường trong cung của vua nước Ma-già-đà, Bồ-tát giảng nói pháp ấy cho vua và nhà vua đã chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, con cũng tùy hỷ nghe, thọ pháp ấy, tự thầm trách mình, nên rất vui mừng.
Bạch Thế Tôn! Về đời sau cùng, nếu có chúng sinh nào nghe chánh pháp này, hiểu một cách đúng đắn thì người ấy mới có thể biết được tự tánh của pháp, đoạn trừ các nghi ngờ, đương lai nhất định thành tựu đạo quả Đẳng chánh giác.
Phật nói:
–Này Ca-diếp! Lành thay! Lành thay! Ông nói lời ấy thật rất hoàn hảo. Nếu các chúng sinh nào sau khi nghe pháp này vào đời vị lai chắc chắn sẽ chứng quả Bồ-đề của Phật.
Đức Phật bảo Bồ-tát Từ Thị:
–Ông nay nên thọ trì pháp này vào đời rốt sau hãy giảng nói rộng khắp, lưu truyền để cho các chúng sinh được lợi ích, được an lạc lớn.
Bồ-tát Từ Thị thưa:
–Theo lời Thế Tôn chỉ dạy, con xin sẽ thọ trì. Bạch Thế Tôn! Ở nơi Phật thời quá khứ con cũng đã từng nghe, thọ pháp này. Nay ở trước Phật, con lại được nghe, thật là hân hạnh sung sướng. Vào đời sau, con sẽ hộ trì, giảng nói, truyền bá để pháp này tồn tại lâu dài, đến khi qua đời, con sinh lên cõi trời Đâu-suất, ở đấy, nếu có chúng sinh nào căn tánh thành thục, ưa thích pháp Đại thừa thì con cũng khai thị giảng nói để người ấy phát tâm đạo, còn ở cõi Diêm-phù-đề thì không khiến bị đứt đoạn. Lại trong đời mạt pháp, có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng chánh pháp này, nếu bị các ma làm nhiễu loạn thì khi đó con bí mật đến các nơi ấy hết lòng bảo vệ, không để các ma làm hại.
Bạch Thế Tôn! Trong đời mạt pháp, nếu ai được nghe pháp này, rồi đọc tụng, y như pháp tu hành, thì nên biết đó là do oai thần của Phật kiến lập.
Bấy giờ Đức Phật bảo Thiên chủ Đế Thích:
–Này Kiều-thi-ca! Ông hãy thọ trì, ghi nhớ chánh pháp này để ủng hộ cho đời sau cùng. Vì sao? Vì pháp này có thể đoạn trừ các nghi ngờ, có thể làm sạch các nghiệp chướng, bình đẳng với các pháp, lại có oai lực lớn.
Đế Thích nên biết! Nếu gặp lúc đánh nhau với chúng A-tu-la ông nên ghi nhớ pháp này, sẽ được chiến thắng, còn A-tu-la sẽ rút lui.
Lại nữa, nếu ai ở trong các nạn như nạn vua, nạn giặc cướp, nạn hổ lang, trùng, thú, kẻ ác mà tư duy, ghi nhớ pháp này thì người ấy sẽ tránh xa được các nạn.
Thiên chủ Đế Thích thưa:
–Theo Thế Tôn chỉ dạy, con sẽ hộ trì pháp ấy vào đời sau cùng. Nếu thành ấp, đô thị, xóm làng, chỗ nào có pháp ấy, con sẽ đến đó cung kính, cúng dường. Có ai trì giữ pháp này thì con sẽ đến bảo vệ, giúp đỡ.
Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Tôn giả hãy thọ trì chánh pháp này của ta vào đời sau cùng dốc sức giảng nói lưu truyền rộng khắp nơi các chúng sinh. Vì sao? Vì pháp này thâm diệu xưa chưa từng có. Nếu người nam, người nữ nào thọ trì pháp ấy thì chấm dứt được các nghi ngờ, diệt trừ tất cả phiền não, cấu uế cho nên Tôn giả phải ghi nhớ, thọ trì.
Tôn giả A-nan thưa:
–Bạch Thế Tôn! Con nhờ nơi oai thần của Phật gia hộ vào đời sau cùng, sẽ giảng nói rộng pháp này, để các chúng sinh đều được lợi ích.
Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì? Chúng con phụng hành như thế nào?
Phật nói:
–Này A-nan! Kinh này tên là Vị Tằng Hữu Chánh Pháp, nên thọ trì như vậy.
Sau khi Đức Thế Tôn phó chúc lại cho các Bồ-tát, Thanh văn và Đế Thích, thì Đức Thế Tôn ngay trong pháp hội từ hai bên thân phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả thế giới nơi mười phương. Trong ánh sáng ấy phát ra âm thanh vi diệu bảo đại chúng:
–Chánh pháp mà Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã giảng nói dù cho kiếp hoại, biển lớn có khô cạn đi nữa, nhưng chánh pháp này không hề bị hủy hoại, có thể đem lại lợi ích lớn cho chúng sinh.
Sau khi từ nơi ánh sáng phát ra âm thanh như vậy rồi thì ánh sáng ấy lại quay tròn quanh thân Phật.
Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Ông hãy giữ gìn lời nói của ta, đừng quên mất vào đời sau sẽ giảng rõ pháp ấy, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói Vị Tằng Hữu Chánh Pháp, có chín vạn sáu ngàn hàng trời, người xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn thanh tịnh, bảy trăm tám mươi vạn người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, ba vạn hai ngàn Bồ-tát đắc pháp Nhẫn vô sinh, tám mươi vạn Bí-sô không chấp giữ nơi các pháp, được lậu dứt sạch ý thông tỏ. Lúc này tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách, cõi trời, cõi Dục, cõi Sắc ở trong hư không trổi lên trăm ngàn âm nhạc để cúng dường Thế Tôn và pháp đã giảng nói. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói chánh pháp này xong, tất cả các ma, ngoại đạo nghe được thảy kinh hãi nên đều quy y Đức Phật giống như Phật ban đầu chuyển pháp luân, chiến thắng Thiên ma. Pháp này là dấu ấn của chư Phật, là dấu ấn của đại pháp, là dấu ấn của giải thoát. Người nào có trí nên học như vậy, tu hành như vậy.
Sau khi Phật nói kinh này xong, vua nước Ma-già-đà cùng quyến thuộc, các Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường…, các đại Thanh văn: Đại Ca-diếp, A-nan, Xá-lợi Tử, Mục-kiền-liên… cho đến trời, người nơi thế gian, các chúng A-tu-la, Càn-thát-bà… Nghe Phật giảng nói, thảy đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.