Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Vị Tằng Hữu Chánh Pháp

KINH VỊ TẰNG HỮU CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Thiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Bấy giờ vào giữa đêm, Bồ-tát Diệu Cát Tường giảng nói về pháp môn Bồ-tát tạng cho các Bồ-tát:

–Này các Đại sĩ! Cần phải hiểu rõ pháp môn của Bồ-tát tạng là không có một pháp nào nằm ngoài tạng của Bồ-tát. Tất cả pháp thế gian hay xuất thế gian, hữu vi vô vi, thiện hay bất thiện, hữu tướng hay vô tướng, hữu lậu, vô lậu đều là tạng của Bồ-tát.

Này Thiện nam! Ví như trong tam thiên đại thiên thế giới có trăm ức bốn đại châu, có trăm ức mặt trời, mặt trăng, có trăm ức núi Tu-di, có trăm ức biển lớn nhưng tất cả không nằm bên ngoài tam thiên đại thiên thế giới. Pháp tạng của Bồ-tát cũng vậy, tất cả pháp phàm phu, pháp Thanh văn, pháp Duyên giác cho đến pháp của chư Phật cũng không nằm ngoài tạng của Bồ-tát. Vì sao? Vì Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và chư Phật thừa đều đồng một thừa. Ví như cây đại thọ dù có thân nhánh cành lá sum suê tươi tốt nhưng cũng cùng chung một gốc. Tạng Bồ-tát vì vốn phát sinh ra pháp tam thừa nhưng không sai khác, nó rộng lớn không thể nào lường tính được. Ví như biển lớn rộng mênh mông không có bờ bến, giả sử A-tu-la vương, các Dạ-xoa… cho đến các đại lực sĩ muốn lường biển ấy nhưng không thể nào biết được. Các Thanh văn, Duyên giác, tất cả chúng trời, người muốn biết Pháp tạng của Bồ-tát cũng không thể cùng tận. Những vị có trí tuệ muốn biết pháp giới, định, tuệ của Bồtát còn không thể biết. Chỉ có người nhập vào tạng Bồ-tát mới tự mình biết được thôi.

Này Thiện nam! Ví như tất cả chúng sinh cư trú trong biển lớn chỉ uống nước biển, chứ không thể biết được mùi vị của sông. Người tu Bồ-tát thừa chỉ biết pháp tạng Bồ-tát, không thích đạo Thanh văn, Duyên giác.

Này Thiện nam! Trong tạng Bồ-tát miễn cưỡng gọi là ba, đó là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Chỉ nghe lý Tứ đế mà chứng Niếtbàn, đó gọi là tạng Thanh văn. Chỉ thích lý duyên sinh mà chứng Niết-bàn đó gọi là tạng Duyên giác. Còn tạng Bồ-tát là chứng đạt Nhất thiết trí.

Này Thiện nam! Nên biết rằng tạng Thanh văn, tạng Duyên giác và tạng Bồ-tát đều bình đẳng như nhau. Vì lòng ham muốn của chúng sinh nên có sự học về ba thừa. Sở dĩ người học cầu Thanh văn là vì trí tuệ họ cạn hẹp, không rộng lượng, sợ khổ nơi luân hồi nên rất ưa thích pháp Tứ đế để chứng Niết-bàn cầu an ổn. Người thích cầu Duyên giác thì tâm còn hạn ngại, không có tâm rộng rãi với chúng sinh, không có tâm đại Bi để hành hạnh lợi tha, chứng Niếtbàn cho đó là cứu cánh. Đại Bồ-tát học tạng Bồ-tát với tâm rộng lớn vô lượng, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể lường xét được. Chỉ có các Bồ-tát tu học pháp ấy mới có thể hiểu rõ.

Này Thiện nam! Thanh văn, Duyên giác chỉ ưa thích thừa của mình, tu các căn lành để cầu quả Nhị thừa, còn đối với pháp của Bồtát thì không thể nào biết được. Các Bồ-tát quán pháp Thanh văn thì đối với đạo Tứ đế đều chứng biết hết tất cả, phân biệt rất rõ nhưng không chứng quả ấy; quán pháp của Duyên giác đối với mười hai nhân duyên Bồ-tát đều chứng biết tất cả, phân biệt rõ nhưng không chứng quả ấy. Bồ-tát làm viên mãn các hành và thông đạt tất cả. Ví như tô báu bằng lưu ly đựng các vật thì những vật ấy đều cùng một màu trong suốt như nhau. Pháp của Thanh văn và Duyên giác khi nhập vào trong tạng Bồ-tát vốn không khác. Cho nên các Đại Bồ-tát đã nhập vào tạng Bồ-tát rồi thì thấy các pháp bình đẳng không khác nhau, không có tướng pháp của chư Phật, không có tướng pháp của Bồ-tát, không có tướng pháp của Nhị thừa. Với tất cả pháp không có sự nhớ nghĩ vì lìa các ngôn ngữ văn tự, không nêu ra, không biểu thị. Vì sao? Vì vô tướng nên không thể quán. Vì vô nghĩa nên không thể nhớ nghĩ. Người học như vậy là thâu nhiếp Nhất thiết trí.

Này Thiện nam! Đó gọi là tạng Bồ-tát, thông đạt tự tại vô ngại như vậy.

Vào cuối đêm, Bồ-tát Diệu Cát Tường lại giảng nói câu Kim cang về pháp luân không thoái chuyển cho các Đại Bồ-tát.

Bồ-tát nói:

–Này Thiện nam! Nếu Đại Bồ-tát nào khéo giảng pháp để người nghe hiểu rõ ràng, người nói người nghe tất cả đều là pháp bất thoái chuyển, nó không động chuyển không bị hư hoại.

Này Thiện nam! Pháp không thoái chuyển, dù là thừa hay cảnh giới của thừa, dù Phật, Pháp, Tăng cũng đều là bất thoái chuyển luân. Vì sao? Bất thoái chuyển luân là pháp giới. Nếu lìa pháp giới thì không do đâu sinh, luân ấy không có tướng chuyển nên gọi đó là chuyển pháp luân. Không khác không hai tức là tự tánh của pháp giới.

Này Thiện nam! Cho nên người nào tu các hạnh Bồ-tát mà biết như vậy thì được giải thoát, được bất thoái chuyển luân. Đại Bồ-tát biết rõ như vậy là đã giải thoát sẽ được chứng quả Như Lai, làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh, đối với môn giải thoát không có hai pháp để đắc. Tướng giải thoát của Như Lai và tướng giải thoát của tất cả pháp đều như nhau. Tất cả pháp không có tướng giải thoát cũng không có hai tướng. Vì sao? Vì thân chẳng giải thoát, tâm cũng chẳng giải thoát. Vì tự tánh của hai pháp là tướng giải thoát. Tất cả pháp cũng như vậy. Các Bồ-tát biết rõ như vậy tức là Bất thoái chuyển luân.

Thiện nam! Nên biết rằng, bất thoái chuyển luân không có chỗ chuyển. Vì sao? Vì sắc và tự tánh của sắc vốn không có chỗ chuyển, Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, tự tánh của thức cũng không có chỗ chuyển. Tự tánh của các pháp đều không có chỗ chuyển, đó tức là bánh xe không thoái chuyển. Pháp luân ấy vốn xưa nay không hư hoại, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải có sở đắc, chẳng phải không sở đắc, chẳng nói chẳng phải không nói, không danh tự, không chấp trước.

Lại nữa, tướng Không, Vô tướng, Vô nguyện giải thoát môn là pháp phân biệt không thể đắc, do đâu mà đắc? Tất cả tướng ấy giống như hư không, không có chỗ nương tựa. Tự tánh của các pháp không có chỗ để trụ, đó gọi là câu Kim cang về pháp luân không thoái chuyển.

Này Thiện nam! Tánh không của các pháp không thể hủy hoại. Câu Kim cang ấy lìa tất cả kiến nên trụ như vậy, đó là Không giải thoát môn. Câu Kim cang ấy lìa các phân biệt, nên trụ như vậy, đó là Vô tướng giải thoát môn. Câu Kim cang ấy xa lìa các nghi hoặc, nên trụ như vậy, đó là Vô nguyện giải thoát môn. Câu Kim cang ấy xa lìa các hữu chấp, nên trụ như vậy, đó là pháp giới. Câu Kim cang xa lìa tất cả pháp, không có ngã, không tạo tác, không tham, không chấp trước, tự tánh an trụ vào Niết-bàn thanh tịnh. Đó gọi là câu Kim cang.

Vào đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm, Bồ-tát Diệu Cát Tường đã giảng nói tất cả pháp cho các Bồ-tát. Các Bồ-tát ấy đều đắc pháp môn Tam-ma-địa Quang minh hoa Tam-ma-địa. Từ trong lỗ chân lông trên thân của các Bồ-tát ấy phóng ra trăm ngàn ánh sáng. Nơi mỗi ánh sáng hiện ra trăm ngàn chư Phật. Mỗi Đức Phật ở mười phương thế giới vì các chúng sinh mà thi hành Phật sự.

Sau khi đã chuẩn bị những thức ăn uống xong, vua nước Magià-đà vào sáng sớm, đến chỗ Bồ-tát Diệu Cát Tường, thưa với Bồtát:

–Nay đã đến giờ, xin Bồ-tát hãy đến nhận sự cúng dường của con.

Bồ-tát nhận lời thỉnh, vua liền trở về cung.

Bấy giờ vào buổi sáng, Tôn giả Đại Ca-diếp đắp y ôm bát cùng năm trăm Bí-sô vào đại thành Vương xá theo thứ lớp mà khất thực. Đi nửa đường Tôn giả suy nghĩ: “Bây giờ ta không vào thành này mà hãy đến chỗ của Bồ-tát Diệu Cát Tường để nghe chánh pháp.” Suy nghĩ vậy xong, Tôn giả cùng chúng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát Diệu Cát Tường. Đến đó, Tôn giả vui mừng kính lễ thăm hỏi Bồ-tát rồi đứng lui qua một bên.

Bồ-tát Diệu Cát Tường hỏi Tôn giả Đại Ca-diếp:

–Vì sao đến giờ ăn mà Tôn giả Ca-diếp lại ôm bát đến đây?

Tôn giả Ca-diếp thưa:

–Tôi định vào thành Vương xá để khất thực nhưng tôi đến đây trước.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Tôi sẽ cúng dường thức ăn uống cho Tôn giả và chúng Bí-sô!

Tôn giả Ca-diếp trả lời:

–Thưa Bồ-tát! Không được đâu! Tôi đến đây là vì nghe pháp chứ chẳng phải xin thức ăn uống.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Tôn giả nên biết, người cầu đạo có hai loại để nuôi dưỡng, một là thức ăn uống và hai là diệu pháp.

Tôn giả Ca-diếp thưa:

–Thưa Đại sĩ! Hữu tình trên thế gian nếu lìa ăn uống thì không phù hợp được, không thể nuôi dưỡng sắc thân thì làm sao có thể nghe thọ chánh pháp?

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Tôn giả hãy nhận thức ăn uống. Tôi sẽ cúng dường cho Tôn giả. Sau khi được nhận sự cúng dường thì không lìa luân hồi, không chứng Niết-bàn, chẳng lìa pháp dị sinh, không lìa pháp Thánh đạo. Vì sao? Vì người được cúng dường và người cúng dường không tăng, không giảm, không có pháp để sinh, không có pháp để diệt, không có pháp để học cũng không có pháp để đắc cho nên tôi sẽ cúng dường thức ăn uống cho Tôn giả.

Ca-diếp thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Lành thay! Bồ-tát là đại thí chủ. Người bố thí như vậy chính là chân bố thí.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường suy nghĩ: “Ta hãy vào đại thành Vương xá vì vua nước Ma-già-đà mà làm Phật sự lớn.” Nghĩ vậy xong, Bồ-tát liền nhập vào Tam-ma-địa Nhất thiết thần thông biến hóa. Ở trong Tam-ma-địa ấy phóng ra ánh sáng lớn, chiếu khắp thế giới Ta-bà, thấy tam thiên đại thiên thế giới rõ như lòng bàn tay. Tất cả loài hữu tình nơi địa ngục, bàng sinh nhờ ánh sáng ấy chiếu đến đều được lìa các khổ, không có một chúng sinh nào sinh tâm ba độc, cũng không còn oán ghét thù nhau, yêu thương nhau như con như mẹ, tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách. Khi ấy, các Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc đều đến cúng dường Bồ-tát Diệu Cát Tường. Họ tấu lên trăm ngàn điệu nhạc, mưa hoa đẹp của trời đầy ngập khắp đường để tạo sự trang nghiêm. Bồ-tát Diệu Cát Tường dùng thần lực khiến cho con đường ấy đều bằng phẳng giống như bàn tay, trang hoàng với vô số châu báu, rải hoa đẹp lớn như bánh xe. Đó là những loại hoa Ưu-bát-la, Câu-mẫu-đà, Bôn-noa-lợica… lại dùng tràng lưới báu che phía trên, dựng các cờ phướn, lọng báu đầy khắp hư không. Lại hiện đài bảy báu và các cây báu. Trên cây báu ấy, hoa quả bằng lưu ly báu, dùng các dây báu nối kết lại với nhau. Mỗi cây hoa báu đều tỏa ra mùi thơm vi diệu bay khắp cả do-tuần. Giữa rặng cây ấy có ao đáy bằng cát vàng ròng chứa đầy nước gồm đủ tám công đức và mọc nhiều hoa đẹp. Đó là hoa Ưubát-la, Bát-nạp-ma, Câu-mẫu-đà, Bôn-noa-lợi-ca…

Lại có những giống chim như chim uyên ương, chim nhạn, vịt trời qua lại trong đó. Dưới mỗi gốc cây có hai mươi hai Thiên nữ cầm hương chiên-đàn để cúng dường. Ở trong định, Bồ-tát Diệu Cát Tường hiện ra những sự việc thù thắng như vậy. Sau khi xuất định, Bồ-tát nói với Tôn giả Ca-diếp:

–Bây giờ tôi với Tôn giả cùng đến đại thành Vương xá vào cung vua nước Ma-già-đà để thọ sự cúng dường thức ăn. Đại đức là bâc kỳ túc nên đi trước. Còn tôi phải đi sau.

Tôn giả Ca-diếp thưa:

–Thưa Bồ-tát! Như vậy không được. Đại sĩ có đại trí tuệ, thần thông vô lượng, đa văn biện tài, nói thông suốt về pháp giải thoát, được Phật Thế Tôn của tôi khen ngợi. Chúng sinh thấy đều phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát. Trong chúng Thanh văn, tuy tôi gọi là bậc kỳ túc nhưng không làm được, sao dám đi trước, tôi xin đi sau Bồ-tát. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh mới phát tâm Bồ-đề, tất cả Thanh văn, Duyên giác và cả bản thân tôi còn không sánh kịp, huống chi bằng người hành lâu đạo Bồ-tát. Ví như sư tử con mới sinh liền có sức mạnh lớn, mạnh mẽ xông xáo không sợ sệt gì cả, mùi trên thân nó lan tỏa theo gió, bầy thú nào nghe được cũng đều kinh hãi, cho đến voi lớn tuy có nhiều sức mạnh, tất cả thế gian không ai điều phục được vậy mà nó nghe mùi của Sư tử con mới sinh cũng phải kinh sợ. Chúng sinh nào phát tâm Bồ-đề dũng mãnh kiên cố thì tất cả chúng ma đều lo sợ, Thanh văn, Duyên giác không sao sánh kịp. Nghe Phật nói pháp Đại thừa, các Đại Bồ-tát tâm bất động, rất hoan hỷ và gầm lên tiếng sư tử điều phục được tất cả. Cho nên Bồ-tát Diệu Cát Tường ở trong chân pháp không có ba thừa, chỉ lấy tâm Bồ-đề làm trên hết. Vì tất cả các pháp lành đều do tâm Bồ-đề sinh ra. Nay Bồtát đi trước giống như tâm Bồ-đề sinh ra vô lượng pháp lành.

Thế rồi, Bồ-tát Diệu Cát Tường đi trước, chúng Đại Bồ-tát đi hai bên, chúng Thanh văn đi phía sau, rời khỏi trụ xứ vào thành Vương xá. Khi ấy trời mưa nhiều loại hoa, trên hư không trổi lên trăm ngàn âm nhạc, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp đại chúng, trong ánh sáng ấy lại mưa nhiều hoa sen. Dân chúng trong thành Vương xá được thấy Bồ-tát, lòng họ rất vui mừng, đem các hương hoa để tung rải cúng dường.

Bấy giờ, nghe Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng tám vạn Đại Bồ-tát và năm trăm chúng Thanh văn đến hội, vua nước Ma-già-đà suy nghĩ: “Ta đã chuẩn bị xong năm trăm phần thức ăn uống, nay chúng Bồ-tát này rất đông, thức ăn thì ít bây giờ làm sao cho đủ, lại ngồi đâu cho đủ.” Trong lúc vua đang nghĩ vậy, Bồ-tát Diệu Cát Tường liền sai Thiên vương Đa Văn và Cung-tỳ-la, chủ Đại Dạ-xoa trong chốc lát biến thành đồng tử đến trước vua, thưa:

–Đại vương đừng lo lắng suy nghĩ, Bồ-tát Diệu Cát Tường có đại phương tiện, phước đức trí tuệ không thể nghĩ bàn, có thể đem một phần thức ăn cung cấp cho tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều no đủ mà thức ăn vẫn còn dư. Nay tám vạn Bồ-tát và năm trăm chúng Thanh văn này, số ấy không nhiều vua có gì phải lo. Vì sao? Vì Bồ-tát Diệu Cát Tường có phước đức trí tuệ vốn vô cùng tận, thức ăn cũng vô tận.

Nghe họ nói vậy, vua nước Ma-già-đà rất vui mừng, sung sướng, đối với Bồ-tát Diệu Cát Tường càng cung kính tôn trọng, hết sức thán phục, cùng quyến thuộc đem hương hoa, hương bột, hương xoa… trổi các âm nhạc ra đón Bồ-tát. Thấy Bồ-tát, vua quỳ lạy, thăm hỏi, rải hoa hương và đi trước đưa Bồ-tát vào cung.

Sau khi đến cung vua, Bồ-tát Diệu Cát Tường nói với Bồ-tát Phổ Chiếu:

–Này Thiện nam! Ông hãy sửa soạn đạo tràng, đã đến giờ rồi.

Nhận lệnh, Bồ-tát Phổ Chiếu liền dùng sức thần thông làm cho

cung điện của vua bỗng nhiên rộng lớn, sạch đẹp, trang hoàng đủ cách không gì bị trở ngại, treo các loại hoa, dựng cờ phướn, lọng báu, linh báu, anh lạc, trang hoàng thành đạo tràng vĩ đại nhất. Bồtát Diệu Cát Tường lại bảo Bồ-tát Pháp Thượng:

–Này Thiện nam! Ông hãy vì tôi mà sắp đặt tòa thượng diệu cho các đại chúng.

Khi ấy trong khoảnh khắc khảy móng tay, Bồ-tát Pháp Thượng liền triệu tập tám vạn ba ngàn tòa tốt đẹp hiện ra nơi đạo tràng được trang nghiêm đủ loại châu báu. Những tòa ấy đầy khắp trong đạo tràng mà không hề chật chội.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường liền đến tòa ngồi, bảo các chúng Thanh văn, Bồ-tát đều đến chỗ ngồi của mình.

Lúc này, vua nước Ma-già-đà thưa với Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Cúi xin Bồ-tát và đại chúng thương xót con, đợi một chút nữa thức ăn uống sẽ mang đến.

Bấy giờ, Tứ đại Thiên vương cùng các quyến thuộc đến nơi đạo tràng, lễ lạy cúng dường Bồ-tát Diệu Cát Tường và đại chúng. Lại có Thiên chủ Đế Thích và các quyến thuộc cùng quyến thuộc Atu-la đều đem hương bột chiên-đàn đến đạo tràng cúng dường đại chúng. Lại có Đại phạm Thiên vương chủ cõi Ta-bà biến thành đồng tử cùng các Phạm chúng đứng làm thị giả hai bên, ai cũng cầm phất báu đến đạo tràng. Sau khi lễ lạy Bồ-tát Diệu Cát Tường tất cả đều lui ra đứng qua một bên. Các Phạm chúng đến cũng cầm phất báu và đứng qua một bên nơi các Bồ-tát và chúng Thanh văn. Lại có Long vương Vô Nhiệt Não đến đạo tràng trụ giữa hư không, ẩn thân, rũ xuống vô số những anh lạc. Trong anh lạc tuông ra nước đủ tám thứ công đức, tất cả đại chúng dùng không hết.

Khi ấy, vua nước Ma-già-đà suy nghĩ: “Các Bồ-tát này đều không có bình bát làm sao mà ăn?” Biết tâm niệm của vua, Bồ-tát Diệu Cát Tường nói với vua:

–Vua đừng nghĩ như vậy, các Bồ-tát này không mang bình bát. Khi nào cần thì sẽ có tất cả bình bát ở cõi Phật của họ tự nhiên đưa đến.

Vua rất vui mừng, liền thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Các Bồ-tát này ở cõi Phật nào và từ đâu đến? Con muốn nghe danh hiệu Phật và quốc độ của các Bồ-tát đã đến đây.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Đại vương nên biết! Phương Đông có cõi tên là Thường thanh, Phật hiệu Cát Tường Thanh Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện đang thuyết pháp. Các Bồ-tát này từ cõi đó đến, thọ nhận sự cúng dường của vua, để cho đại vương thấy được việc hy hữu.

Ngay lúc đó, thế giới Thường thanh đem đến tám vạn ba ngàn bát báu. Nhờ sức oai thần của Đức Phật ấy và diệu lực từ hạnh nguyện của các Bồ-tát mà bát báu từ hư không tới thế giới Ta-bà này. Đến ao Vô nhiệt não thì có tám vạn ba ngàn Long nữ lấy nước tám công đức để rửa sạch rồi tất cả đem tới trước các Bồ-tát. Thấy sự việc như vậy, vua nước Ma-già-đà khen ngợi thật là không thể nghĩ bàn, chưa từng có, lòng vua rất vui mừng.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói với vua:

–Bình bát của các Bồ-tát đã đến rồi, vua hãy phân các thức ăn uống cúng dường đại chúng.

Vua liền đem tất cả thức ăn uống đã chuẩn bị xong dâng lên cúng dường Bồ-tát và các đại chúng.

Bấy giờ đại chúng trong đạo tràng, ai nấy đều no đủ, không một vị nào thiếu thốn. Thấy thức ăn uống vẫn còn dư, vua thưa Bồtát Diệu Cát Tường:

–Thật là hy hữu, thưa Đại sĩ! Con đem ít thức ăn cúng dường khắp đại chúng mà vẫn còn dư.

Bồ-tát nói:

–Này đại vương! Pháp chân thật không cùng tận nên thức ăn từ nơi ấy sinh cũng không cùng tận.

Sau khi ăn xong, các đại chúng Bồ-tát đều ném bát lên hư không, không hề bị lay động.

Vua thưa Bồ-tát:

–Bát ấy trụ ở đâu?

Bồ-tát nói:

–Này đại vương! Pháp chân thật có chỗ trụ chăng?

Vua trả lời:

–Pháp chân thật không có chỗ trụ.

Bồ-tát nói:

–Đại vương nên biết! Pháp chân thật không có chỗ trụ, bát ấy cũng không có chỗ trụ. Nếu bát có chỗ trụ thì các pháp cũng thế.

Đại vương nên biết! Vì tánh của các pháp là không, nên phải trụ như vậy.

Sau khi cúng dường Bồ-tát Diệu Cát Tường và các đại chúng xong, vua nước Ma-già-đà đứng trước Bồ-tát nói với lòng khao khát được nghe pháp, vua liền thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Bồ-tát có lòng đại Từ bi vì con mà nói pháp hy hữu!

Bồ-tát nói:

–Này đại vương! Pháp hy hữu nghĩa là, giả sử hằng hà sa số chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác trải qua trăm ngàn kiếp cũng nói không hết.

Nghe nói vậy, vua kinh hãi, mê muội, không vui. Khi ấy, Tôn giả Đại Ca-diếp nói với vua:

–Vua đừng cho rằng hằng hà sa số chư Phật không thể giảng nói pháp hy hữu, hay Bồ-tát Diệu Cát Tường cũng không thể nói. Nhưng vì pháp của chư Phật là không cùng tận, chẳng phải dùng lời nói mà có thể nêu bày hết được. Đại vương hãy theo sự ưa thích của mình mà hỏi Bồ-tát Diệu Cát Tường. Đại sĩ này có vô lượng sức phương tiện thiện xảo, chắc chắn có thể nói pháp hy hữu cho vua.

Nghe nói vậy, vua liền tỉnh ngộ và thưa:

–Vừa nghe Bồ-tát nói, tôi có nghi ngờ, nhờ Tôn giả nói rõ khiến tôi tỉnh ngộ.

Vua liền thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Bồ-tát cũng như hằng hà sa số chư Phật đều không thể giảng nói pháp hy hữu, con nghe như vậy, lòng con trở nên mờ mịt, cúi xin Bồ-tát quyết nghi cho con.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Này đại vương! Hằng hà sa số chư Phật đều chẳng phải là không thể giảng nói pháp hy hữu. Pháp không có đối tượng giảng nói đó là pháp hy hữu.

Này đại vương! Đối với tất cả pháp, tâm không chỗ trụ, pháp ấy không thể giảng nói. Chư Phật Như Lai cũng không thể nói. Đối với chư Phật, Thế Tôn, đại vương có thấy tướng chăng?

Vua trả lời:

–Không!

Bồ-tát lại hỏi:

–Tâm sinh có thể thấy không? Tâm diệt có thể thấy chăng? Vua trả lời:

–Không!

Bồ-tát hỏi:

–Pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp chân thật, pháp hư vọng đều có thể thấy chăng?

Vua trả lời:

–Không thể thấy.

Bồ-tát hỏi:

–Với tất cả pháp có tướng để thấy, với tất cả pháp có gì để nói chăng?

Vua trả lời:

–Không!

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Này đại vương! Do nghĩa như vậy nên ta nói: Pháp hy hữu, hằng hà sa số chư Phật không thể giảng nói.

Lại nữa, này đại vương! Hư không không có tướng cũng không chuyển động, khói, mây, bụi, sương không thể dính vào. Tánh của hư không vốn là thanh tịnh, không pháp nào có thể làm nhiễm cũng không pháp nào có thể làm tịnh. Chư Phật Như Lai hiểu rõ tất cả pháp giống như hư không. Vì nghĩa đó mà hằng hà sa số chư Phật giảng nói không thể hết.

Lại nữa, này đại vương! Trong tướng vô trụ, chư Phật Như Lai an nhiên, bất động, hoạt dụng mà thường tịch. Vì sao? Vì pháp không thay đổi, vì lìa xứ chẳng phải xứ. Pháp không thể đắc vì lìa các tướng chấp thủ. Đại vương nên biết! Các pháp chẳng phải sinh cũng chẳng phải không sinh, chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng chân thật chẳng phải không chân thật, chẳng phải hữu tưởng chẳng phải vô tưởng, không tạo tác chẳng phải không tạo tác, không trí tuệ không ngu si, không giữ lấy tướng, chẳng phải không giữ lấy tướng, chẳng tập chẳng tan, không đến không đi, chẳng điên đảo chẳng lìa điên đảo, chẳng phải là phiền não chẳng phải lìa phiền não, chẳng phải tự nhiên sinh, chẳng phải do vật khác sinh.

Này đại vương! Các pháp như hư không, không chuyển động, các pháp không gì bằng vì không bạn bè; các pháp không có hai tướng vì không phân biệt; các pháp không có biên giới vì không thể thấy, các pháp không có lường xét vì chẳng có lớn nhỏ, các pháp không cùng tận vì thường chuyển, các pháp rộng lớn vì hiển bày khắp pháp giới, các pháp không có chỗ trụ vì không có trong, ngoài, chặng giữa, các pháp không phân biệt vì lìa vọng tưởng.

Các pháp là thường vì không biến đổi, các pháp là lạc vì không khổ não.

Các pháp có chủ tể vì lìa vọng chấp.

Các pháp là thanh tịnh vì không có cấu nhiễm.

Các pháp tịch tĩnh vì luôn lắng trong.

Các pháp không chỗ thủ đắc vì lìa tướng ngã.

Các pháp không chỗ lạc vì tướng giải thoát.

Các pháp không bỉ thử vì lìa chấp ngã.

Các pháp không hủy hoại vì lìa các tướng.

Các pháp một vị vì đồng tánh giải thoát.

Các pháp một tướng vì lìa các dị tưởng.

Các pháp đều Không vì lìa các kiến.

Các pháp Vô tướng vì tướng thanh tịnh.

Các pháp Vô nguyện vì lìa ba đời.

Các pháp không ngoài ba đời vì quá khứ, hiện tại, vị lai không thể nắm bắt được. Sinh tử, Niết-bàn vốn bình đẳng nên các pháp đều bình đẳng.

Này đại vương! Các pháp đã như vậy thì phiền não nghi ngờ còn sinh chăng?

Vua trả lời:

–Không! Vì các pháp đều không, nên phiền não nghi ngờ làm sao còn.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Nếu phiền não không sinh thì pháp không giảng nói. Tánh của phiền não là không nên các pháp bình đẳng. Sinh tử, Niết-bàn vốn bình đẳng. Phiền não, Bồ-đề cũng bình đẳng.

 

Trang 1 2 3 4 5 6

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến