KINH ƯƠNG-QUẬT-MA-LA
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la, người nước Thiên trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Kinh Ương Quật Ma La

Bấy giờ, Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thế Tôn! Lạ thay Thế Tôn! Ngài thương xót tất cả thế gian là việc khó khăn đê nhất.

Đức Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Đây không phải là việc làm khó khăn đê nhất của Như Lai. Lại có việc khó khăn đê nhất khác, nghĩa là trong tương lai chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, nhằm khích lệ để thuyết kinh Ma-ha-diễn nói về Như Lai tạng thường hằng bất biến này, đây là rất khó. Có chúng sanh nào thọ trì các loại như vậy còn khó hơn. Chúng sanh nào nghe nói về Như Lai tạng thường hằng bất biến, tùy thuận như thật đây chính là khó.

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, thế nào là khó?

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Ví như địa cầu gánh bốn gánh nặng. Những gì là bốn? Một, thủy đại; hai, sơn đại; ba, cây cỏ; bốn, chúng sanh. Địa cầu gánh bốn gánh như thế.

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Đúng vậy! Thưa Thế Tôn.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Chẳng phải chỉ có địa cầu là gánh bốn gánh nặng. Vì sao?

Ngoài ra lại có người gánh gánh nặng khác.

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn là ai vậy?

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, Đại Bồ-tát vì tất cả chúng sanh diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, sẽ gánh bốn gánh nặng. Những gì là bốn? Những loại hung ác thường muốn làm hại, Bồ-tát vẫn xem thường sự tồn vong, vứt bỏ thân mạng, chỉ cần nói lên Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai; đây là gánh thứ nhất, nặng hơn tất cả các núi tụ lại. Những loại hung ác, như Nhất xiển đề hủy nhục mắng nhiếc, Bồ-tát nghe nhưng vẫn nhẫn nhục; đây là gánh thứ hai, nặng hơn tất cả thủy đại tụ lại. Không phải nhằm vào các hàng Quốc vương, đại thần, đại lực dũng tướng và quyến thuộc của họ mà thuyết Như Lai tạng, chỉ kham nhẫn vì hạng hạ liệt tàn tật mà diễn thuyết; đây là gánh thứ ba, nặng hơn sự tập hợp tất cả chúng sanh. Cố thủ tận nơi biên địa nhiều khổ não, y phục, thức ăn, vật dụng đều thô xấu, khổ cực trăm bề chẳng có gì vui, nam thì tà kiến báng bổ, nữ ít lòng tin, không được ở nơi thành phố phồn thịnh an vui tập trung; đây là gánh thứ tư, nặng hơn tất cả cây cỏ tụ lại. Ai gánh bốn gánh nặng này, gọi là Đại Bồ-tát gánh được gánh nặng. Đại Bồ-tát nào vào thời chánh pháp sắp diệt, đã hơn tám mươi năm, vứt bỏ thân mạng, diễn thuyết Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, chính là rất khó. Ai có thể duy trì các chúng sanh kia cũng rất là khó. Các chúng sanh ấy nghe nói Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai mà phát sanh tin ưa, đó chính là rất khó.

Lại nữa, này Ương-quật-ma-la, đây không phải là việc làm khó khăn đệ nhất của Như Lai, nay Ta sẽ nói về việc khó khăn khác. Như có người tuổi thọ vô lượng, trải qua vô lượng trăm ngàn ức năm, lấy một giọt nước biển lớn từ nơi sợi lông, trải qua số lượng năm đó lại cứ lấy một giọt nước biển nơi trên sợi lông, cho tới khi nước biển cạn như vết nước của chân trâu; việc này có khó lắm không? Ương-quật-ma-la thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất khó! Không thể nói được.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Đây chưa phải là khó, lại có điều khó hơn.

Ương-quật-ma-la thưa:

–Bạch Thế Tôn, đó là điều gì?

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, nếu có Đại Bồ-tát xả bỏ thân mạng, diễn thuyết Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, điều ấy mới thật là rất khó.

Lại nữa, này Ương-quật-ma-la, đây không phải là việc khó khăn đệ nhất của Như Lai, còn có việc khó nữa. Này Ương-quật-mala, ví như có người gánh núi chúa Tu-di, quả đất và biển lớn, trải qua trăm ức năm. Người này như thế là có sức mạnh lớn bậc nhất phải không?

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Đúng vậy, cảnh giới của Như Lai chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể sánh kịp.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Người kia chưa phải là có sức mạnh lớn và cũng không phải làm việc khó lắm. Như đem biển lớn chia thành trăm ngàn ức phần nhỏ như hạt bụi, trải qua trăm ngàn ức kiếp, cứ mang đi một hạt bụi như thế cho đến khi nước biển cạn còn như vết nước chân trâu; trong thời gian ấy lại có thể gánh núi chúa Tu-di, quả đất, sông biển, trải qua trăm ngàn ức kiếp, nhưng người đó không thể ở trong thời gian chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai. Chỉ có Bồ-tát là bậc hùng trong loài người, thường thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, tận lực hộ trì chánh pháp, Ta nói người ấy đã làm được việc khó bậc nhất.

Lại nữa, này Ương-quật-ma-la, như có người đem nước để diệt tắt lửa đang cháy rực rỡ khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới, hành động của người này có khó không?

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thế Tôn, diệt tắt lửa trong một thiên hạ đã rất khó rồi, huống chi là cả Tam thiên đại thiên thế giới. Việc này rất khó.

Phật đáp:

–Đúng vậy! Này Ương-quật-ma-la, trong đời vị lai, chúng trì giới giảm, chúng phá giới tăng, chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, Đại Bồ-tát xả bỏ thân mạng cùng những nô tỳ, trâu, dê, tài vật phi pháp, bằng vô số các sự thanh tịnh nhằm tuyên thuyết chánh pháp, diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai; thế thì đấy là hạng người nào?

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Chỉ có Phật mới biết được, còn hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết. Khi ấy, hộ trì tịnh pháp thế gian cũng đã khó rồi, huống chi đối với pháp xuất thế gian thượng thượng Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai. Như người đem nước diệt tắt lửa đang cháy rực khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới, việc đó là rất khó khăn. Người nào trong đời vị lai, chánh pháp trụ thế hơn tám mươi năm, các bậc Đại Bồ-tát xả bỏ thân mạng, diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, phải biết người này chính là Như Lai.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử, Ta cũng nói như vậy, tất cả Như Lai đều nói hành động của người kia thật là khó, là không bờ bến.

Lại nữa, này Thiện nam tử, như trăm sông khi chảy vào biển thì không còn dòng riêng nữa. Với người đã đạt được trí tuệ như vậy, thì tất cả những người khác đều đến hội nhập trong biển trí tuệ ấy, đều không còn hiện rõ được.

Lại nữa, Thiện nam tử, như biển lớn không phải là nơi thọ nhận mọi thứ thây chết. Người như vậy là không có các hành động du hí đến nhà ưa thích, đến nhà có hại, nơi tạp loạn phi pháp, không cùng ở với kẻ phỉ báng Như Lai tạng. Người như vậy thật khó có, duy trì đông đảo những người như vậy và cùng khiến họ nghe pháp, thật là rất khó.

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thế Tôn, bậc Đại Bồ-tát thành tựu bao nhiêu tướng được gọi là không phải hàng tân học?

Phật bảo Ương-quật-ma:

–Thiện nam tử, Đại Bồ-tát thành tựu tám tướng, không phải là hàng tân học. Thế nào là tám? Một, biết pháp. Hai, biết và nhớ ân. Ba, hiếu dưỡng cha mẹ. Bốn, biết ân thầy. Năm, nhàm chán các ác kiến. Sáu, xa lìa tất cả tướng khinh mạn, không điều phục, bất thiện, vật bất tịnh. Bảy, không nghĩ đến dục, cho đến trong mộng cũng không tưởng đến. Tám, kính trọng giới. Đại Bồ-tát thành tựu tám  tướng như vậy, thì không phải là hàng tân học.

Lại nữa, Đại Bồ-tát thành tựu tám tướng không phải là hàng tân học. Những gì là tám? Một, thuyết về Ma-ha-diễn. Hai, diễn thuyết phân minh về Như Lai tạng không chán bỏ. Ba, không tham tài vật. Bốn, từ, bi, hỷ, xả, nhẫn. Năm, xem tất cả chúng sanh cũng như con một. Sáu, thân cận thiện tri thức. Bảy, tránh xa ác tri thức. Tám, đầy đủ thuận lợi trong thế gian. Bồ-tát thành tựu tám tướng này, thì không phải là hàng tân học.

Lại nữa, Bồ-tát thành tựu tám tướng không phải là tân học. Những gì là tám? Một, khéo nói an ủi tùy thuận họ. Hai, không đùa giỡn. Ba, nhẫn chịu đối với các thứ phiền não vi tế. Bốn, chịu nghe tất cả các kinh. Năm, hàng phục thùy miên. Sáu, không biếng nhác. Bảy, tinh cần không phóng dật. Tám, thường ưa cầu giới. Bồ-tát thành tựu tám tướng này, thì không phải là hàng tân học.

Lại nữa, Bồ-tát thành tựu tám tướng không phải là tân học. Những gì là tám? Một, chân thật. Hai, thanh tịnh và ưa thích sự thanh tịnh. Ba, trong sáng tươi tắn. Bốn, đàng hoàng, đứng đắn. Năm, xa lìa người nữ. Sáu, viễn ly thân tộc. Bảy, nghe các việc ác những sự khủng bố não loạn, thân tâm đều sợ hãi lo lắng. Tám, nghĩ thương đến chúng sanh. Bồ-tát thành tựu tám tướng như vậy, không phải là hàng tân học.

Lại nữa Bồ-tát thành tựu tám tướng không phải là tân học. Thế nào là tám? Một, biết rõ sự khác nhau giữa Phật thuyết và ma thuyết. Hai, cung kính người biết kinh. Ba, biết rõ sự khác nhau về ẩn dụ giữa luật và phi luật. Bốn, biết rõ lời nói ẩn dụ của Như Lai. Năm, biết rõ nẻo sâu xa thâm diệu của Như Lai. Sáu, khéo biết tùy thuận theo việc thế gian. Bảy, biết rõ sự thường hằng bất biến của Như Lai. Tám, biết rõ việc ghét và chẳng phải ghét của Bồ-tát, khéo biết làm đúng thời. Bồ-tát thành tựu tám tướng như vậy, không phải là hàng tân học.

Bồ-tát thành tựu đủ bốn mươi tướng thân niệm pháp, thì không phải là hàng tân học. Nếu không có bốn mươi công đức, hay chỉ còn một nữa hoặc ít hơn một nữa, thì phải biết là thiện nam, thiện nữ này không trụ ở pháp Ma-ha-diễn, cũng không thuộc vào hàng Bồ-tát. Thế nên nẻo hành trì của Bồ-tát là rất khó khăn, vậy những công đức nào là thù thắng? Đó là không có dục tưởng cho đến trong mộng cũng không sanh dục tâm, nên biết người ấy có tất cả các giác chi với những công đức thù thắng.

Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi nói với Ương-quật-ma-la:

–Như Lai tạng có nghĩa là gì? Nếu tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, thì tất cả chúng sanh sẽ thành Phật. Vậy tất cả chúng sanh đều sẽ làm các nghiệp bất thiện như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nên sẽ có lúc đều được hóa độ. Như người có Phật tánh thì sẽ gây nghịch tội và Nhất xiển đề. Nếu người có ngã và cảnh giới ngã, sẽ được vượt qua tất cả hữu. Thế nên nơi thế gian không có ngã, không có giới. Tất cả pháp vô ngã là lời dạy của chư Phật.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Tất cả chúng sanh có Như Lai tạng bị vô lượng phiền não che đậy như đèn để trong bình. Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi, ví như có một người đã được điều phục, Như Lai Ca-diếp thọ ký cho ông ấy là bảy năm nữa sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, trị nước bằng chánh pháp, sau bảy ngày nữa Như Lai cũng nhập Niết-bàn. Người ấy nghe Phật thọ ký cho mình nên rất vui mừng, tự suy nghĩ: “Bậc Nhất Thiết Trí đã thọ ký cho ta sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, ta không nghi ngờ gì cả”. Ông ta liền thưa mẹ: “Hãy cho con cá, thịt, sữa, lạc, mè, đậu đủ thứ các món ăn ngon để con có sức”. Người ấy ăn tạp các thức ăn với thịt, không tiêu hóa được nên chết một cách đột ngột. Thế nào, Văn thù, Đức Phật kia có nói dối không? Có là Bậc Nhất Thiết Trí không? Vì người kia thật không có thiện căn quả báo của bậc Chuyển luân Thánh vương phải không?

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, kẻ ấy vốn do nghiệp ác nên bị chết.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Đừng nói như vậy, người ấy chết không đúng lúc, không phải là do quả báo của nghiệp ác. Này Văn-thù-sư-lợi, chẳng lẽ Đức Phật kia không biết về quả báo ác nghiệp ở đời trước, mà còn thọ ký cho ông ta hay sao? Ông ta không phải do ác nghiệp ở trước mà do tự làm lỗi trong hiện tại nên đưa đến cái chết. Vậy nên, Văn-thù-sư-lợi, nếu người nam hay nữ nào suy nghĩ: “Trong thân ta có Như Lai tạng, tự nhiên sẽ được độ, vậy ta cứ việc làm ác”. Nếu người làm ác như vậy, vì Phật tánh nên được độ hay không được độ? Như trên đã nói, người đã điều phục kia thật có vương tánh mà không được độ. Vì sao? Vì phóng dật quá độ. Có Phật tánh mà không độ được cũng lại như vậy, vì chúng sanh kia quá phóng dật. Tất cả chúng sanh như thế là không có Phật tánh phải chăng? Thật là có Phật tánh. Thế nhưng theo quả báo của Chuyển luân Thánh vương ở trên phải chăng là Phật nói dối? Chẳng phải thế, do chúng sanh nói dối, làm nhiều điều phóng dật, vì nghe theo pháp phóng dật, tự gây ra việc ác nên không thành Phật.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, thế thì tất cả chúng sanh không có nghiệp gốc hay sao?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Họ có nghiệp gốc, nhưng chỉ được nghe chút ít về kinh này thì vô lượng a-tăng-kỳ tội đều tiêu trừ hết. Vì sao? Là vì trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, Như Lai đã phát đại nguyện: Tất cả chúng sanh nào chưa được độ làm cho độ, chưa được giải thoát làm cho giải thoát. Với thiện căn, các thệ nguyện ấy chiếu soi bằng ánh sáng mặt trời trí tuệ của Như Lai thì vô lượng a-tăng-kỳ tội đều bị tiêu diệt. Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi, ví như khi mặt trời chưa mọc thì mây mù che khắp thế gian. Nhưng khi ánh mặt trời vừa hé sáng, thì tất cả tối tăm trong thế gian đều bị tiêu diệt. Như vậy, với a-tăng-kỳ tội lớn tích tụ, khi mặt trời kinh này chưa mọc, thì chúng sanh còn bị luân hồi trong sanh tử. Khi mặt trời kinh này mọc lên thì cả a-tăng-kỳ tội ác lớn được tích tụ, chỉ trong khoảng khắc khảy móng tay, đối với Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, hoặc nói đùa giỡn hay tùy thuận, người này và các hàng ngoại đạo, nếu phạm Ba-la-di hay tạo nghiệp ác vô gián và a-tăng-kỳ tội, chỉ trong chốc lát đều bị tiêu diệt hết. Vì sao? Là vì người nào nghe danh hiệu Như Lai Đức Thích-ca Mâu-ni, tuy chưa phát tâm đã là Bồ-tát. Vì sao vậy? Vì với hạnh nguyện thù thắng của Như Lai thì tất cả thế gian là của Ta, nên dốc độ thoát cho những người chưa được độ, dùng chánh pháp giáo hóa khiến họ đều được giác ngộ. Thế nên, này Văn-thù-sư-lợi, người nghe danh hiệu của Như Lai đều là Bồ-tát, chẳng những tự mình mau chóng diệt trừ phiền não lại còn được thân mà Ta đã được. Này Vănthù-sư-lợi, như Ta nói kệ:

Ta đã giảng thuyết đạo
Nhổ gai độc ưu, bi
Các ngươi hãy thực hành
Lời dạy của Như Lai.

Ta đã giảng thuyết đạo là thuyết những đạo gì? Đạo có hai: đạo Thanh văn và đạo Bồ-tát.

Đạo Thanh văn là tám Thánh đạo. Đạo Bồ-tát là tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng. Ta tuần tự đoạn trừ các thứ phiền não, đạt được Phật tánh, an lạc bất động, rất đáng ưa thích. Nếu ai không đoạn trừ phiền não thì luôn bị luân chuyển trong sanh tử. Ta đã giảng thuyết đạo nhằm nhổ sạch gai độc ưu, bi. Ưu, bi nghĩa là phiền não. Người nhổ gai chính là Như Lai. Ta đã đoạn trừ vô lượng phiền não, là Bậc Đại Y Vương. Các ông phải theo Ta học, Ta sẽ chỉ cho các ông về Như Lai tạng. Các ngươi cần phải thực hành. Từ những ẩn dụ theo lời Như Lai giảng nói, từ đây sanh ra dối gạt các ông. Phật xuất hiện trong thế gian như hoa Ưu đàm bát, người có tín tâm cũng quý như hằng-hà-sa số lúa bằng vàng, cũng như rùa mù gặp bông cây nổi. Như vậy gặp được Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, kinh Như Lai tạng thì không còn bị quả sanh tử dối trá. Các ngươi phải tự mình vượt qua tất cả Hữu và tất cả bệnh phiền não. Thế nên Như Lai có nói kệ:

Tinh cần các thiện pháp
Hàng phục các tâm ác
Người chậm trễ tu phước
Ý chắc ưa việc ác.

Kệ này Ta vì hàng Thanh văn nói. Lại nữa, Như Lai tạng rất khó gặp, trong thế gian không có gì khó gặp bằng, biết được Như Lai tạng thì cần phải nhanh chóng quan sát. Câu: “Ý chắc ưa việc ác” là tự tánh của Tỳ-kheo vốn thanh tịnh, nhưng tâm niệm do huân tập lỗi của ác tri thức với năm cấu dẫn đầu, có nhiều phiền não vây quanh trước sau. Năm cấu là gốc có nhiều phiền não vây quanh là gì? Đó là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi. Năm cấu này phá hoại tâm. Muốn tịnh trừ năm cấu gốc và các phiền não, thì phải siêng năng dùng phương tiện từ tự tánh làm thanh tịnh tâm lực; siêng dùng các phương tiện đưa đến việc không hề phỉ báng kinh, không thành Nhất xiển đề; siêng dùng phương tiện tu tập tự độ. Vì ý nghĩa này, nên nói tâm kia có vô lượng khách trần phiền não, cần phải mau mau nhổ sạch gốc rễ của nó.

Ý dẫn đầu pháp
Ý chủ sanh pháp
Tâm ý tịnh tín
Nếu nói hay làm
An lạc đi theo
Như bóng tùy hình.

Ta vì Thanh văn thừa nói bài lệ về Ý này, cũng chính là nghĩa của Như Lai tạng. Nếu tự tánh là thanh tịnh, ý là Như Lai tạng dẫn đầu tất cả pháp, thì tất cả pháp là Như Lai tạng. Hành động với tâm ý tịnh tín thì đoạn trừ tất cả phiền não, thấy được ngã giới. Ai tự tịnh tín có Như Lai tạng thì sau đó mới nói hay làm. Khi được thành Phật thì hoặc nói hay làm, là nhằm độ tất cả thế gian. Như người thấy bóng mình, thấy Như Lai tạng cũng như vậy. Thế nên nói như bóng theo hình.

Ý dẫn đầu pháp
Ý chủ sanh pháp
Tâm ý vì ác
Nếu nói hay làm
Các khổ đi theo
Như xe theo vết.

Kệ này nói về ý nghĩa phiền não. Ý theo pháp ác, là chỉ cho người bị vô số các thứ phiền não che phủ, tạo ra các việc ác, nên gọi là ác. Không biết tự tánh của Như Lai tạng tâm, nên cứ đi sâu vào vô lượng phiền não. Như vậy nói hay làm theo dấu chân uế trược không ngừng thì các khổ luôn luôn đi theo mãi không bao giờ hết. Như bánh xe theo dấu chân nghĩa là do các dấu ác trong sanh tử luân hồi, tất cả chúng sanh mãi bị lưu chuyển trong ba đường ác, như bánh xe lăn theo chân thú kéo. Thế nên nói người chậm trễ làm phước thì tâm ưa thích việc ác.

Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi, như biết trong sữa có bơ nên nấu sữa để lấy bơ mà không nấu nước, vì trong nước không có bơ. Vậy nên, này Văn-thù-sư-lợi, chúng sanh biết có Như Lai tạng nên tinh cần trì giới, tịnh tu phạm hạnh. Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi, như biết núi có vàng nên đục núi tìm vàng mà không đục cây, vì trong cây không có vàng. Như vậy, này Văn-thù-sư-lợi, chúng sanh biết có Như Lai tạng nên tinh cần trì giới tịnh tu phạm hạnh, nói là mình chắc chắn sẽ thành Phật đạo. Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi, nếu không có Như Lai tạng thì sự tu tập phạm hạnh sẽ không đạt được thành tựu. Như suốt kiếp nấu nước vẫn không thể có được bơ.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, phạm hạnh có nghĩa gì? Vì sao Như Lai lìa bỏ năm thứ dục lạc?

Ương-quật-ma-la nói với Văn-thù-sư-lợi:

–Vô lượng trời, người luôn nhận biết thường biết về những pháp bị đọa nên viễn ly các tưởng niệm về dục.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Đừng nói như vậy, vì tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, tất cả nam tử đều là anh em, tất cả nữ nhân đều là chị em.

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thế Tôn, vậy sao Tịnh Phạn vương, Ma-da phu nhân là anh em chị em mà làm cha mẹ?

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Đó là phương tiện thị hiện để độ thoát chúng sanh, nếu không như vậy thì không thể độ. Như vị Đại vương có hai ngàn lực sĩ. Trong ấy có hai người dùng phương tiện hiện tướng phục tùng để vừa lòng vua và làm vui vẻ mọi người; chỉ có người ấy biết, ngoài ra không ai hiểu được. Đức Phật cũng như vậy, thị hiện có cha mẹ để đồng với mọi người, sau đó độ được vô lượng chúng sanh, đưa họ ra khỏi biển sanh tử rộng lớn vô biên, nhưng chúng sanh ấy vẫn không biết. Như người nhảy múa biến hiện nhiều cách giữa mọi người để làm vui lòng họ. Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy, biến hiện ra nhiều cách để độ chúng sanh, mà chúng sanh ấy không thể biết được. Như nhà ảo thuật ở giữa mọi người tự cắt thân thể làm cho mọi người vui vẻ, nhưng thân thể ấy thật không có thương tổn. Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy, tức như nhà ảo thuật biến hóa nhiều cách để độ chúng sanh. Này Văn-thù-sư-lợi, Như Lai với Nhất Thiết Trí nhận biết tất cả, quan sát tất cả chúng sanh trong thế gian, từ vô thỉ đến nay ai cũng là cha mẹ, anh em, chị em với nhau, lên xuống vô thường, thay đổi tôn ty, như người nhảy múa chuyển biến nhiều cách, thế nên Như Lai tịnh tu phạm hạnh.

Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi, cõi của người đã phân chia đây-kia khác nhau và cùng nhau tạo sự hoan lạc. Vậy thế nào là cảm thọ lạc tự mình với thân phần khác? Thế nào là không đạt được, không thành quả báo? Nên biết rằng hoan lạc ấy là một tích tụ của bao nổi khổ lớn. Nữ có Phật tạng, nam cũng như vậy. Vì sao cùng một tánh mà bị cấu nhiễm tham đắm? Chỉ vì cùng một tánh, nên Như Lai đã tịnh tu phạm hạnh, trụ nơi tự địa, bất thoái chuyển địa, đạt được Như Lai địa.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, vì sao Như Lai không đem tất cả phạm hạnh ấy để xây dựng cho tất cả hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di? Vì sao Thế Tôn lại nói cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di làm nhân cho chánh pháp, như bốn trụ của ngôi nhà. Hiện nay Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có người làm điều xấu ác, thế làm sao xây dựng họ ở trong giới luật của chánh pháp?

Đức Phật nói với Văn-thù-sư-lợi:

–Đấy là tưởng sai biệt, gọi là thế tục tưởng. Như Lai luôn xem tất cả chúng sanh như La-hầu-la, thường muốn dẫn dắt đưa họ an trụ vào chỗ Phật, không có thứ bậc đó. Phật tưởng khác với thế tục tưởng ấy. Đây gọi là phi vấn luận.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, vì cõi của tất cả chúng sanh đều là một cõi, nên chư Phật xa lìa sát sanh phải không?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Thế gian sát sanh như người tự giết mình, giết cả cõi của mình.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, vì sao xem tất cả chúng sanh như La-hầu-la, lại dạy về sự điều phục, sát phạt đối với những loại ác độc có trong cõi của chính mình?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Thiện nam tử, đừng nói như vầy, Như Lai xem tất cả chúng sanh đều như La-hầu-la. Ví như con người hằng ngày thường ăn uống vì ưa thích, nhưng xem trong một bữa ăn đã giết đến tám vạn con trùng, việc đấy lẽ ra gọi là sát sanh, nhưng không phải là sát sanh bất tịnh. Này Văn-thù-sư-lợi, nẻo lìa bỏ dứt trừ của bậc Thánh có vô số các thứ dục lạc. Thánh nhân vì bị cái hại của dục nên chính là tự hại. Nếu như vậy thì Thánh nhân có lỗi lầm là tự hại. Nghĩa là vì tâm dục ái mạnh lên, nên đến gặp người khác nêu bày: “Tôi dấy tâm ái dục, xin được chỉ dạy dẫn dắt, để tôi sanh hổ thẹn, tôi còn hay mất không cần nữa”, chính là tìm những phương tiện để bày tỏ sự tự hại. Người như vậy là hại cõi của mình chăng?

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, không! Người ấy do nhân đó nên công đức tăng trưởng.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Đúng vậy, Văn-thù-sư-lợi, vì sao các vị Thánh lại tự hại thân? Vì do cái nhân rắn độc phiền não, Thánh nhân còn vậy huống chi thân người khác. Phật từng thuyết giảng về các loại ác độc phá hoại chính pháp, như biết được phiền não của mình có lúc dấy khởi mạnh mà chỉ dạy kẻ khác làm được những việc khó khăn, thì đó chính là cúng dường cho cõi của mình. Như tự mình tìm cầu sự an vui rốt ráo, nên vứt bỏ cái vui của thân mạng gồm bao thứ dục lạc về ăn, mặc. Tự hại thân như vậy vì sự điều phục đó gọi là khéo biết Như Lai tạng.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, vì do từ Như Lai tạng nên chư Phật không ăn thịt phải không?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Tất cả chúng sanh luân chuyển trong cõi sanh tử nhiều đời từ vô thủy, cùng là cha mẹ, anh chị em với nhau, cũng như người múa thay đổi liên tục, thịt của ta và thịt của người là một loại, thế nên chư Phật đều không ăn thịt. Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi, tất cả cõi của chúng sanh giới và cõi của Ta là một cõi, chỗ thịt bị ăn chỉ cùng một loại, thế nên chư Phật thảy đều không ăn thịt.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, vỏ sò quý, sáp, mật ong, da, tơ lụa có phải là thịt trong cõi của chính mình không?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Đừng nói như vậy. Như Lai đã xa lìa tất cả thế gian, Như Lai không ăn, nếu nói Như Lai còn tập khí thân cận vật thế gian, thì không có sự việc này. Nếu thân cận là pháp phương tiện, nếu vật do triển chuyển mà đến thì có thể thân cận, nếu là nơi phát sanh ra vật thì không thể thân cận. Nếu do triển chuyển đến, nhưng xa lìa sát sanh thì tay có thể thân cận.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Nay trong thành này có một thợ da chuyên làm giầy da. Như người mua đem bố thí, đó là vật triển chuyển đến, Phật có thọ không? Lại nữa, Thế Tôn, nếu bò, bò chúa tự chết, bị hàng Chiên-đà-la lấy da, đem đến cho thợ làm da để làm giầy, rồi bố thí cho người trì giới. Đây là vật triển chuyển đến, có thể thân cận không?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu dùng da bò, bò chúa tự chết làm giầy da, đem bố thí thì người trì giới có được nhận không! Nếu không thọ nhận là pháp Tỳ-kheo, nếu thọ thì trái với từ bi, nhưng không phá giới.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, không thể dùng nước bất tịnh nấu ăn, Tỳ-kheo không được thọ nhận, nếu như vậy, hiện tại phải làm sao?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Đây gọi là thế gian tưởng. Nếu có vị Ưu-bà-tắc thì dùng nước sạch làm thức ăn, mà không được làm hại trùng. Nếu không có Ưu-bà-tắc thì chư Phật đối với việc ấy phải làm thế nào! Trên bờ, dưới nước, trong hư không đều có trùng, như vậy đối với việc làm sạch là ác, thế gian làm sao có được việc tu tịnh. Đây gọi là chẳng phải vấn luận.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, thế gian từ lâu cũng đã tự đặt ra sự việc không ăn thịt.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu lời nói ở thế gian tùy thuận theo Phật, nên biết đều là lời Phật.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, thế gian cũng có nói tới giải thoát, nhưng giải thoát của họ không phải là giải thoát, chỉ có Phật pháp mới chính là giải thoát. Họ cũng có nói tới xuất gia nhưng không phải là xuất gia, chỉ có Phật pháp mới chính là xuất gia. Thế Tôn, thế gian cũng nói là ta không ăn thịt, nhưng họ không có cái ta thực và lại ăn thịt. Chỉ trong giáo pháp của Thế Tôn thì có ngã đích thực và không ăn thịt.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Ngươi muốn nghe thế gian tạo lập nhân của ngoại đạo không?

Ta sẽ nói cho ngươi rõ.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn! Thưa vâng, xin được nghe.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Thời quá khứ cách đây vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có vị Phật hiệu Câu-tôn-đà Bạt-đà-la, xuất hiện ở đời, chính trong thành này. Bấy giờ, ở thế giới ấy, không có các thứ đá gạch, không có tên gọi ngoại đạo, chỉ có một pháp Đại thừa. Chúng sanh thời đó sống hoàn toàn an lạc. Khi ấy Như Lai sống lâu ở thế gian cho đến lúc nhập Niết-bàn. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, chánh pháp trụ thế được lâu dài, đến lúc chánh pháp sắp diệt, thì bậc trì giới giảm, kẻ phi pháp tăng. Một Tỳ-kheo sống ở chốn a-lan-nhã tên là Phật Tuệ, được một thiện nhân cúng dường tấm y vô giá. Tỳ-kheo vì lòng từ mẫn họ nên thọ nhận y, sau đó bày ra cho các thợ săn cùng xem. Các thợ săn thấy y quý giá này nên sanh tâm trộm cắp, ngay đêm đó bèn bắt Tỳ-kheo này đưa vào núi sâu làm hại, lột hết quần áo trói tay vào cây to.

Cũng vào đêm ấy, có người Bà-la-môn đi hái hoa, đến nơi A-lan-nhã, gặp phải cọp nên sợ hãi chạy biến vào rừng, thấy vị Tỳ-kheo thân hình chẳng có gì che phủ, tay lại bị trói vào gốc cây. Trông thấy vậy, ông ta kinh sợ than: “Ôi! Sa-môn trước đây thân mặc ca-sa, mà nay lõa thể như thế này, vậy biết chắc ca-sa không phải là nhân giải thoát; tự trói và đường khổ hạnh mới việc là học đạo chân chính. Người kia lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy biết rõ đây chính là nhân của đạo giải thoát”. Không hiểu chánh pháp, nên họ vất y phục, bỏ râu tóc, làm Sa-môn lõa hình. Từ đó phát sanh loại Sa-môn lõa hình.

Bấy giờ, Tỳ-kheo bị đám thợ săn mưu hại tự mở trói được, dùng vỏ cây nhuộm đá đỏ để mặc, kết cỏ làm phất để đuổi ruồi muỗi. Lại có Bà-la-môn đi hái hoa, thấy vậy nên suy nghĩ: “Tỳ-kheo ấy bỏ y phục trước đây, mặc y phục như thế, cầm phất như vầy; người ấy lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy nên biết rõ đấy là đạo giải thoát”. Họ liền học theo pháp ấy. Sa-môn xuất gia từ đó phát sanh.

Buổi chiều, Tỳ-kheo ấy xuống nước tắm rửa, nhân vì rửa vết thương trên đầu, nên dùng y ướt che trên vết thương. Có tiều phu trông thấy vậy, suy nghĩ: “Tỳ-kheo ấy trước đây mặc ca-sa mà nay bỏ hết, vậy biết ca-sa chẳng phải là nhân giải thoát, thế nên che tóc bỏ y phục, ngày đêm tắm ba lần, tu tập khổ hạnh, người ấy lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy biết rõ đây chính là đạo giải thoát”. Họ liền học theo pháp ấy, Bà-la-môn khổ hạnh phát sanh từ đó.

Tỳ-kheo tắm xong, thân thể có nhiều vết thương nên bị đám ruồi ong bu theo, phải dùng tro trắng bôi lên khắp các vết thương, lấy y ướt che thân. Khi đó có người thấy vậy, cho như thế là đạo, nên học theo pháp ấy, Bà-la-môn bôi tro từ đó phát sanh.

Khi Tỳ-kheo ấy đốt lửa hơ vết thương, vết thương quá đau đớn không thể chịu nổi, nên nhảy xuống vực tự sát. Có người thấy vậy, suy nghĩ: “Tỳ-kheo ấy trước đây mặc y tốt mà nay làm thế này, người đó lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy nên biết nhào xuống vực là đạo giải thoát”. Các pháp tu nhào xuống vực, thờ lửa từ đó phát sanh.

Như vậy, chín mươi sáu thứ đều do các biểu hiện của Tỳ-kheo mà phát sanh ra các vọng tưởng, tự nhận thức không giống nhau. Ví như có nước, tất cả nhìn nhau liền phát sanh ý tưởng xấu. Ý tưởng xấu đã sanh ra thì gây nên việc sát hại nhau. Chín mươi sáu loại đạo đều sanh ra những tư tưởng khác nhau cũng như vậy. Như con nai đang khát tưởng bóng nắng là nước nên chạy theo cho đến chết. Khi chánh pháp đã diệt, nhân vì Tỳ-kheo kia mà phi pháp tưởng là pháp, cũng như vậy. Như thế, này Văn-thù-sư-lợi, tất cả những việc làm trên thế gian, về các hành động giới luật uy nghi, tất cả đều là Như Lai hóa hiện. Khi pháp diệt tận, việc như vậy phát sanh, như thế là chánh pháp bị diệt. Này Văn-thù-sư-lợi, đối với ngã chân thật thế gian cho là như vậy, do tà kiến nên sanh ra những vọng tưởng khác nhau, tức là cho rằng giải thoát như vậy, ngã như vậy chính là xuất thế gian. Họ cũng không biết tới lời dạy ẩn dụ của Như Lai, nói vô ngã là lời Phật dạy, theo lời nói mà suy nghĩ, như nhân của ngoại đạo. Những kẻ ở thế gian tùy thuận theo nẻo ngu hoặc còn kẻ xuất thế gian cũng mê muội về lời nói trí tuệ ẩn dụ. Thế nên Như Lai nói về Nhất thừa trung đạo xa lìa cả hai bên, nói về ngã chân thật, Phật chân thật, Pháp chân thật, Tăng chân thật. Do đó, nói trung đạo là Ma-ha-diễn.

Lúc ấy Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Thế Tôn, chúng sanh do không biết trung đạo, nên vọng tưởng nói cái khác là trung đạo.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Có ít chúng sanh tin tưởng khi nghe kinh này, trong vị lai chúng sanh phần nhiều bài báng kinh này.

Ương-quật-ma-la bạch Phật:

–Xin Thế Tôn cho biết ở đâu và có bao nhiêu chúng sanh hủy báng kinh này, có bao nhiêu Nhất xiển đề? Theo cách nào có thể rộng vì chúng sanh mà an ủi giảng nói, cầu mong Như Lai thương xót giảng cho.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Trong đời vị lai, chính nơi trung tâm nước sẽ có chín mươi tám trăm ngàn ức chúng sanh phỉ báng kinh này, bảy mươi ức chúng sanh làm Nhất xiển đề. Phương Đông có chín mươi tám ngàn ức chúng sanh hủy báng kinh ấy, sáu mươi ức chúng sanh làm Nhất xiển đề. Phương Tây có chín mươi tám trăm ức chúng sanh phỉ báng kinh này, năm mươi ức chúng sanh làm Nhất xiển đề. Phương Nam có chín mươi tám ức chúng sanh hủy báng kinh này, bốn mươi ức chúng sanh làm Nhất xiển đề. Trong nước Kế tân còn lại giáo pháp của Ta, nước Bà-lâu-caxa còn tên không bị diệt, nước Tần-đà-sơn cũng như vậy. Tỳ-kheo ở nước Kế tân một phần tư thực hành pháp Ma-ha-diễn, một phần tư thích pháp Ma-ha-diễn, giảng thuyết Ma-ha-diễn. Phương Nam sẽ có người hành đạo kiên cố, hành trì hạnh Như Lai, thoát ly tám việc lớn, thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai. Đại Bồ-tát Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều hành trì đạo một cách kiên cố, gánh vác chánh pháp của Ta.

Khi ấy Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Thế Tôn, lạ thay Phật pháp sẽ trụ ở phương Nam!

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Pháp của Ta sẽ trụ ở phương Nam một thời gian ngắn. Như hàng Đại Bồ-tát khổ hạnh các ông không tiếc thân mạng dốc cứu giúp cho tất cả chúng sanh, thuyết giảng về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai. Như tất cả chư Phật đều không ưa thích sanh ra ở thế giới này để gánh vác việc hóa độ vô lượng chúng sanh trong ba ngàn thế giới, chỉ riêng Ta là dốc ở đây để độ thoát họ. Đại Bồ-tát của Ta, khi chánh pháp sắp diệt ngoài tám mươi năm, bấy giờ tỏ ra không thích việc giữ gìn chánh pháp cũng như vậy. Này Văn-thù-sư-lợi, các ông, khi chánh pháp sắp diệt ngoài tám mươi năm, vào lúc đó phải dốc gánh vác chánh pháp trong tất cả cõi Diêm-phù-đề và tất cả các châu, không hề tiếc thân mạng để diễn thuyết về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai. Chúng sanh có kẻ tin người không tin nên các Bồ-tát ấy suy nghĩ: “Nếu cắt chia thân thể ta làm thành nhiều phần, do đó ta sẽ được thân tướng thường trú”. Này Văn-thù-sư-lợi, các ông,… vô lượng Đại Bồ-tát ở nơi phương Nam ấy sẽ gánh vác chánh pháp là công việc khó khăn bậc nhất. Thế nên, Ta thường tán thán sự thuyết pháp cuối cùng ở phương Nam là do diệu lực của uy đức nơi các Bồ-tát ấy. Tất cả cõi Diêm-phù-đề và tất cả các châu, chúng sanh kia nghe tên nên hướng về, hoặc nhân đó mà sanh hổ thẹn, hoặc nhân đó sanh ra sợ hãi. Như có vị vua được nghe pháp của vua khác mà tự xử trị nước mình. Nước Kế tân và thành Già-lâu-ca-xa vì biết hổ thẹn, sợ hãi nên thuyết giảng tạng bí mật của Ma-ha-diễn, cũng như vậy, nhưng lại không thuyết Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai. Này Văn-thù-sư-lợi, ví như đốt lửa vào cỏ ở giữa, chỉ cháy bên trong không cháy bên ngoài. Đạo kiên cố bị diệt ở nơi Ta sanh, nhưng pháp còn trú ở biên giới phương Nam. Các Bồ-tát ở đó sẽ dốc gánh vác chánh pháp cũng như vậy, nên biết trong đó luôn có Như Lai.

Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân cùng các quyến thuộc ở cõi trời Tam thập tam, đến lạy sát chân Phật, cúng dường lớn, bạch Phật:

–Thế Tôn, chúng con sẽ cùng nhau hộ trì kinh này, mong được giao phó. Cầu mong Ngài thương xót tất cả chúng sanh mà nói tên kinh này.

Phật bảo trời Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca, kinh này tên là Ương-quật-ma-la, hãy thọ trì như vậy. Này Kiều-thi-ca, kinh này khó gặp như hoa Ưu-đàm-bát.

Khi ấy vị trưởng tử của Đế Thích tên A-tỳ-mạn-nhuyễn, đảnh lễ sát chân Phật bạch:

–Như khi phụ vương của con chiến đấu cùng A-tu-la, bảo người đánh xe: “Ngươi hãy nghiêm chỉnh hàng phục quân A-tu-la”. Người đánh xe thưa: “Xin ngài chớ lo buồn, con phải chết trước, sau đó mới đến vua, nay phải hy sinh thân mạng kiên chí quyết chiến, người khác cũng phải xả thân tận lực”. Cũng vậy, thưa Thế Tôn, trong đời vị lai khi chánh pháp sắp diệt còn tám mươi năm, Đại Bồ-tát thuyết Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, lại suy nghĩ: “Khi ta thuyết pháp có nhiều chúng sanh không thể tiếp thu, vậy ta nên không nói. Lúc đó, đừng để cho các hàng thiện nam tử nghe các khó khăn như thế mà sanh tâm thoái chuyển. Nên biết, phải nghiêm chỉnh điều khiển chiếc xe pháp như là nói rộng trong thế gian về Như Lai tạng tịch tịnh thường hằng bất biến của Như Lai. Lúc các Thiện nam tử kia thuyết giảng về Như Lai tạng thường hằng bất biến của Như Lai, thì vào lúc ấy, ta sẽ làm Tỳ-kheo xả bỏ thân mạng để hộ trì”.

Bấy giờ có nhiều chúng nam nữ Đế Thích tử và các chư Thiên khác, cùng đảnh lễ dưới chân Phật, phát thệ nguyện: “Con sẽ làm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, xả bỏ thân mạng để hộ trì đạo pháp”.

Đức Phật tán thán:

–Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử, các người đều là người cầu chánh pháp. Ta cũng vì những người ưa thích chánh pháp mà luôn che chở ủng hộ. Ta cũng thường đi trước họ như người ngự xe khéo. Các ngươi cần phải kiên quyết biết ân, phải giảng giải rộng về sự thường hằng, sự tịch tịnh, sự không thay đổi, nơi Như Lai tạng của Như Lai.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc tập hợp bốn loại binh, bảo các đại thần:

–Nay có kẻ như La-sát giết hại đến chín trăm chín mươi chín người, dùng ngón tay làm vòng đeo, lấy máu bôi trên thân, hùng mạnh nhanh nhẹn, tung hoành bạo ác ở xứ này. Hiện, hắn cách thành chừng bốn mươi khoảng tiếng bò rống, có thể hại ta và quần thần để bổ sung cho đủ số lượng người bị giết. Vậy phải cùng đi diệt trừ tên quỷ sát hại. Tất cả nam nữ trong thành muốn bảo toàn, đều không nên ra ngoài. Tất cả cầm thú nghe ác danh của nó đều không đi đâu được. Các ngươi cần phải tuyên lệnh này khắp nơi: Vua Ba-tư-nặc đang dẫn bốn loại binh dốc trừ diệt La-sát Ương-quật-ma-la kia. Tất cả đều phải mang binh khí đến. Người nào cùng nó tận lực chiến đấu, bị thương hay không, theo công đều được ban thưởng voi, ngựa, trân bảo, thành ấp, đất ruộng, tùy theo nhu cầu đều được ban cho.

Nghe tên kẻ ác ấy, mọi người đều kinh sợ, cho nên dù tuyên lệnh như vậy, nhưng không ai dám hưởng ứng theo. Chỉ có tả hữu của vua, không được tự do nên phải chịu phục tùng tuân theo lệnh vua, còn các phi hậu thì kêu khóc, can gián, thà chịu mất ngôi vua, xin nhà vua đừng thân chinh.

Nhà vua liền triệu bốc sư đến để hỏi việc lành dữ thế nào, nay có nên chế ngự Ương-quật-ma-la không?

Thầy xem quẻ đều nói, hắn sẽ bị diệt.

Tuy nghe nói như vậy, nhưng vua vẫn không tin, dẫn bốn loại binh, đến gặp Đức Phật, lạy sát dưới chân Ngài, có dáng sợ hãi, trán đổ mồ hôi, ngồi qua một bên.

Với Nhất thiết trí, Đức Thế Tôn biết tất cả, nhưng vẫn hỏi:

–Hôm nay, vì sao Đại vương ra vẻ mệt nhọc đổ mồ hôi như thế?

Nhà vua bạch Phật:

–Hiện nay, có La-sát tên Ương-quật-ma-La-sát hại nhân dân thiếu một người nữa là đủ ngàn người, lấy ngón tay làm vòng đeo, dùng máu thoa thân, sợ nó vẫn ngoan cố chiến đấu với con, nhân dân cả nước đều sợ hãi, đóng cửa không dám ra ngoài, bỏ phế các công việc, tất cả cầm thú đều không dám đến gần; nên con đem bốn loại binh để trừ diệt nó.

Đức Phật bảo nhà vua:

–Nay đại vương muốn trừ diệt kẻ ấy phải không?

–Hiện nay con chỉ hoàn toàn tin theo Phật.

Đức Phật bảo nhà vua:

–Nếu Ương-quật-ma-la đến đây, Đại vương phải làm thế nào?

Khi ấy bốn bộ binh đều kinh sợ, riêng vua không sợ vì nhờ vào sức uy đức của Phật.

Nhà vua bạch Phật:

–Nếu nó đến đây thật không gì bằng.

Đức Thế Tôn chỉ cho vua:

–Đây là thường thắng Ương-quật-ma-la!

Nhà vua vừa trông thấy Ương-quật-ma-la, liền trố mắt nhìn không chớp, xem kỹ hình dáng Ương-quật mắt đỏ uy hùng, nên tâm vua kinh hãi dựng tóc gáy, như bị phi nhân bắt giữ, ý chí dũng mãnh hầu như tan mất, rớt cả đao kiếm, từ từ nép vào sát tòa sư tử của Như Lai, nhất tâm chí thành quy y Như Lai, xin Ngài xem chúng con như La-hầu-la.

Bốn bộ binh thấy vậy càng thêm sợ hãi, mê loạn nghiêng ngã, chen lấn bỏ chạy.

Đức Thế Tôn bèn phóng hào quang vô úy an ủi chúng sanh, chiếu đến chỗ các chúng sanh ấy làm cho họ được an lạc.

Bấy giờ quyến thuộc trong ngoài của vua Ba-tư-nặc và nhân dân trong thành, đều suy nghĩ: “Nay Ương-quật-ma-la đã bị Đức Thế Tôn hàng phục”.

Vua Ba-tư-nặc tán thán:

–Lạ thay Thế Tôn! Ngài thật là Bậc Điều Ngự đệ nhất, thật là Bậc Thầy vô thượng của Trời, Người. Kẻ hung bạo gây nghiệp ác to lớn như vậy, mà Ngài vẫn có cách đưa họ vào trong chánh pháp.

Thế Tôn nói kệ tán thán:

Ai trước đây phóng dật
Sau từ bỏ không làm
Người ấy chiếu sáng đời
Như trăng thoát mây che.

Như Đại Bồ-tát nào trước biểu hiện phóng dật, sau biểu hiện công đức, vị ấy chiếu sáng thế gian như trăng thoát mây che, độ vô lượng chúng sanh, biểu hiện công đức của Như Lai. Này Đại vương, nên biết người ấy không phải là kẻ ác, chính là Bồ-tát với phương tiện thiện xảo vậy.

Nhà vua bạch Phật:

–Vì ý nghĩa gì mà nói không phải là người ác, trước làm nhục vợ của thầy, vâng lệnh thầy ác, hành theo loài Tỳ-xá-già.

Đức Phật bảo vua:

–Vị ấy không hề làm nhục vợ thầy, ông kia cũng không phải là thầy. Thị hiện làm thầy và vợ có sắc là để thay đổi tâm tính của vị ấy, vì thích học tập theo pháp của thầy, cho là thường thanh tịnh. Đại vương nên biết, đây thật là đặc biệt, ví như rồng voi xung kích, thì đám ngựa, lừa không thể chống đỡ được. Như vậy, này Đại vương, Như Lai là Bậc Đại Long Tượng Vương trong loài người, lời nói ẩn dụ bí mật nói ra, hàng Thanh văn, Duyên giác đều không thể nhận được, chỉ có Phật và Phật mới có thể nhận ra. Này Đại vương, về phương Nam cách đây sáu mươi hằng-hà-sa cõi, có nước tên Nhất Thiết Bảo Trang Nghiêm, Phật hiệu là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Thượng Đại Tinh Tấn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác đang giáo hóa ở đời, không có Thanh văn, Duyên giác thừa, chỉ thuần nhất Đại thừa, không có tên thừa nào khác. Chúng sanh ở cõi đó không có già, bệnh, khổ không vừa ý, hoàn toàn an lạc, sống lâu vô lượng, ánh sáng vô lượng thuần một sắc đẹp, tất cả thế gian không thể ví dụ, thế nên nước tên là Nhất Thiết Bảo Trang Nghiêm; Phật hiệu là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Thượng Đại Tinh Tấn. Đại vương hãy tùy hỉ, chắp tay cung kính, Đức Như Lai đó nào phải là ai khác; Ương-quật-ma-la chính là vị Phật ấy. Cảnh giới của chư Phật là bất khả tư nghị.

Lúc ấy vua Ba-tư-nặc bảo các thầy chiêm tinh:

–Các ngươi đều nói dối, hãy mau mau đi thật xa, không được nói dối nữa.

Bấy giờ chư Thiên, người, các Rồng, Thần, Thanh văn, Bồ-tát, vua Ba-tư-nặc, tất cả nhân dân trong thành phố xóm làng, nương theo uy thần của Phật, đều tập hợp lại, cung kính lạy sát chân Ương-quậtma-la, nhất tâm đồng thanh nói kệ khen:

Nam-mô Như Lai vô biên thân
Nam-mô phương tiện Ương-quật-ma
Con đang đảnh lễ dưới chân Ngài
Sám hối dưới chân Ngài mềm mại
Con xin sám hối Đức Như Lai
Ương-quật-ma-la thân nhị sanh
Vì chúng con nên đến nơi này
Hiện sắc tướng Phật sáng rực rỡ
Chiếu các chúng sanh chịu nghe nói
Ta thường sám tạ vô lượng thân
Phật làm chỗ nương kẻ bơ vơ
Làm thân thuộc kẻ không thân quyến
Lạ thay! Hai Phật hiện trong đời
Chưa từng có pháp này trong đời
Như hoa sen nở trong lửa cháy
Thế gian ít khi thấy hai Phật.

Đức Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc:

–Về phương Bắc, cách đây bốn mươi hai hằng-hà-sa cõi, có nước tên Thường Hỷ, Phật hiệu Hoan Hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, đang giáo hóa ở thế gian. Nước ấy không có Thanh văn, Duyên giác, chỉ thuần nhất Đại thừa, không có thừa khác, cũng không có các tên về già, bệnh, đau khổ; hoàn toàn an lạc, sống lâu vô cùng, ánh sáng vô lượng, không thể ví dụ, thế nên nước có tên là Thường Hỷ, Phật hiệu Hoan Hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác. Nhà vua nên tùy hỷ chắp tay cung kính. Đức Như Lai ấy nào phải là ai khác, chính là Văn-thù-sư-lợi vậy. Chúng sanh nào hướng đến Ương-quật-ma-la, Văn-thù-sư-lợi làm lễ, hay nghe danh hiệu hai vị này, thấy nước Hoan hỷ như thấy nhà mình; nhờ nghe tên các vị ấy nên thường ngăn chặn nơi bốn đường ác, hoặc vì vui thích hoặc vì tùy thuận người khác, hoặc vì danh lợi ở đây hay ngoại đạo, hoặc phạm trọng cấm năm tội vô gián, cũng ngăn được bốn đường ác. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào được danh hiệu của hai vị kia hộ trì, ngay trong đời này hay qua đời sau, đều được hộ trì. Khi gặp phải nơi hoang vắng với các hiểm nạn đe dọa, khắp hết mọi nơi chốn có sự khủng bố đều bị tiêu diệt. Chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Tỳ xá xà, đều không xâm phạm được.
Đức Thế Tôn nói tiếp với vua Ba-tư-nặc:

–Lời dạy của Như Lai có uy đức lớn như vậy, hành động của Bồ- tát có uy đức lớn như vậy, Văn-thù-sư-lợi và Ương-quật-ma-la có uy đức lớn như vậy. Đối với hai bậc rồng này nên phát tâm tùy hỷ, từ đấy có thể phát sanh vô lượng hạnh Bồ-tát. Này Đại vương, ngài nên cấp dưỡng cho mẹ của Ương-quật-ma-la, chớ nên quên. Ương-quật-ma-la mẫu này là người giữ gìn các phương tiện của Ta.

Khi ấy mẹ của Ương-quật-ma-la bay lên hư không, cách đất bảy cây đa la, nói kệ:

Sự biến hóa của Phật
Chúng sanh không thể biết
Ảo thuật của Như Lai
Vua các loại ảo thuật
Đại thân, phương tiện thân
Thế nên là Như Lai.

Bà nói kệ xong, liền biến mất.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

–Thế Tôn, đây là sự huyễn hóa chăng?

Phật bảo:

–Này Đại vương, đây là người mẹ được hóa hiện, như lời người mẹ ấy đã nêu, Bồ-tát hạnh cũng như vậy.

Lúc ấy thầy của Ương-quật-ma-la là Ma-ni-bạt-đà-la bay lên hư không cao bảy cây đa-la, nói kệ:

Ví như thú dã can
Thường đi cùng sư tử
Thân cận, tập lâu ngày
Nhưng tiếng vẫn không giống
Nghe tiếng sợ muốn chết
Huống rống tiếng sư tử.
Ta như thú nhỏ kia
Làm thầy họ đã lâu
Nhưng không thể phát ra
Tiếng bậc Hùng vô úy
Nếu họ chẳng phương tiện
Ta chắc chắn sẽ chết
Ta như thú dã can
Sao đáng nhận họ cúng
Ta hành pháp ngu si
Viễn ly pháp Bồ-tát
Với tất cả chúng sanh
Xem đồng như con một.
Phật hóa vô số ảo
Chúng sanh không thể biết
Biến hóa trăm ngàn ức
Sư trưởng Bà-la-môn
Chúng sanh đều không biết
Chỉ Phật biết huyễn Phật
Nên biết Phật Thế Tôn
Vua trong tất cả huyễn.

Khi ấy, vợ vị thầy Ma-ni-bạt-đà-la nói kệ:

Than ôi! Các chúng sanh
Không biết công Đức Phật
Nói có chiên-già nữ
Không biết do Phật hóa
Thị hiện làm thân Ta
Ảo hóa cũng như vậy
Đại vương, cần nên biết
Thân Phật bất tư nghị
Các Chiên-đà-la kia
Còn không thể gần vua
Sợ hãi thường đến chết
Huống chi trực tiếp nói
Người này cũng như vậy
Không dám cùng gần gũi
Huống chi các Thiên nhân
Thân cận chuyển tâm Phật
Vô lượng Trời, Rồng, Thần
Thường cúng dường Như Lai
Kẻ ác tâm hướng Phật
Họ giết kẻ ấy ngay
Phật dùng phương tiện khéo
Hiện các loại ảo thuật
Ngăn vô lượng phi pháp
Cho chúng sanh vị lai
Phật huyễn làm huyễn lớn
Như Lai thân phương tiện.
Vị ấy nói xong cũng liền biến mất.

Vua Ba-tư-nặc khi thấy nghe những sự việc hy hữu như vậy, bèn hoan hỷ vui mừng, bạch Phật:

–Thế Tôn, Ngài làm huyễn thuật phải không?

Phật dạy:

–Này Đại vương, vị thầy và vợ, cùng mẹ của Ương-quật-ma-la, cả ba người ấy đều là huyễn hóa của Ta. Ta thị hiện huyễn hóa bất khả tư nghị. Nhân việc Ta giáo hóa Ương-quật-ma-la mà độ vô lượng chúng sanh.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

–Thế Tôn, con sẽ tổ chức hội bố thí lớn trong bảy ngày. Đức Như Lai Ương-quật-ma-la sẽ là phước điền của hội bố thí ấy vì chính Ngài hiện là phước điền lớn.

Phật bảo nhà vua:

–Đúng vậy! Đúng vậy!

Bấy giờ, các Trời, Rồng, Thần, cùng nhau nói kệ:

Nam-mô Huyễn Hóa Vương
Đầy đủ đại tinh tấn
Như Lai phương tiện thân
Đầy đủ tướng phương tiện
Phương tiện Bát-niết-bàn
Thị hiện xả xá-lợi.
Như Lai vô biên thân
Trí tuệ cũng vô biên
Tiếng khen thiện vô biên
Sự bí mật vô biên
Lời nói cũng vô biên
Ẩn dụ cũng vô biên
Chiếu thế gian vô biên
Sáng chói cũng vô biên
Công đức vô số lượng
Không thể nào kể, đếm
Trí hư không vô ngại
Như Lai hư không thân
Việc Văn-thù khích lệ
Cùng với ta không khác
Vì Ương-quật-ma-la
Nên Phật, Thế Tôn đến
Ai đến và không đến
Chúng ta chẳng cần biết
Như Lai xem tất cả
Cũng như La-hầu-la.

Khi Thế Tôn nói kinh này xong, các vị Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Thanh văn, Bồ-tát, vua Ba-tư-nặc cùng tất cả chúng hội đều ngưỡng mộ hạnh của Ương-quật-ma-la và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, nguyện được sanh đến nước ấy, cùng nhau phát tâm cầu đạo quả vô thượng chánh Đẳng chánh giác, nên vô cùng hoan hỷ vui mừng.

Trang: 1 2 3 4