KINH ƯƠNG-QUẬT-MA-LA
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la, người nước Thiên trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Bấy giờ Phạm Thiên vương chủ thế giới Ta-bà, phóng ánh sáng lớn chiếu đến nước Xá-vệ, nhất tâm chắp tay đảnh lễ dưới chân Phật.

Sau khi cúng dường Đức Như Lai và Ương-quật-ma-la, Phạm thiên nói kệ:

Lạ thay! Con đang gặp đại chiến
Như hai sư tử dũng mãnh tranh
Lạ thay! Điều Ngự Thiên Nhân Sư
Như Lai khéo điều Ương-quật-ma
Cũng như rắn độc thấy thầy rắn
Liền phun hơi độc dáng hung tợn
Thầy liền điều phục rắn nằm im
Bậc Thầy ba cõi cũng như vậy
Điều phục Ương-quật-ma hung ác
Con lạy Thầy thuốc của ba cõi
Đại thần thông lực, bất tư nghì
Con xin đảnh lễ Vua Tự Tại
Thiên vương tạo dựng thật lạ lùng
Dùng pháp tạo dựng Ương-quật-ma
Thật là tối thắng khó thí dụ
Thế nên Ngài hiệu Vô Thí Tôn
Nay, Ương-quật làm nghiệp thù thắng
Trụ giới điều phục rất thanh tịnh
Thân tâm an ổn, không sợ hãi
Cũng như bản chất của vàng ròng
Vàng Diêm phù, tinh chất cực đẹp
Cầu mong Như Lai thương nhận lấy
Cho Ương-quật-ma mặc y trời
Để con được chứng đại Bồ-đề
Ương-quật mặc y đắc phạm hạnh
Thanh tịnh cứu cánh tâm thanh tịnh.

Khi ấy Ương-quật-ma-la nói với Phạm Thiên:

–Ngươi là người nào mà nhiều lời lắm miệng vậy bảo Ương quật-ma-la dùng y của ngươi để tu tập phạm hạnh lâu dài. Ngươi đáng bị hủy nhục, ngươi là ác Phạm, phi Phạm, chẳng giống Phạm. Ngươi là muỗi ruồi đến đây nói là Phạm. Phạm nghĩa là gì? Thế nào là nghiệp Phạm thiên trong thế gian? Chả lẽ ta mặc y phục của muỗi ruồi mà tu tập Phạm hạnh hay sao? Ta không phải là người làm việc tầm thường. Ta cũng không thể tùy theo ý muốn của người khác. Ta cũng không làm người mắc nợ. Như người huyễn thuật (Giáp đầu la, người huyễn thuật ở ngoại quốc làm phi nhân để vui chơi, bay qua lại nhanh chóng trong không trung) bay đi bay lại nhanh chóng, ngươi là ruồi muỗi nhỏ nhoi cũng vậy, đi thọ vui cõi Phạm, rồi trở lại đọa vào đây, không biết Bồ-tát thọ sanh với công đức chân thật, phi pháp cho là pháp, nên các người không giác, mê hoặc luân chuyển trong sanh tử. Than ôi! Phạm thiên, ngươi thật biết lời nói thiện ác: “Ương-quật-ma-la gây nghiệp ác lớn”. Ngươi là ruồi muỗi, ác Phạm, nào biết gì? Cần phải tu học hành động của Bồ-tát.

Phạm vương đáp Ương-quật-ma-la:

–Hiện nay ngươi sát hại chín trăm chín mươi chín người, vẫn thấy ngươi cương cường, chim dữ như Điêu, Thứu không dám lại gần. Ngươi không phải là kẻ cương cường thì nơi nào lại thật có sự cương

cường? Ngươi không phải là ma ác thì nơi nào thật có ma ác? Này Ương-quật-ma-la, ngươi chớ phóng dật, hãy tạo phương tiện trừ diệt các nghiệp ác đã làm. Lành thay! Đức Như Lai thật đại bi, mới có thể độ những chúng sanh hung bạo như Ương-quật-ma-la này.

Ương-quật-ma-la nói với Phạm vương:

–Ác phạm ruồi muỗi, ngươi sẽ đi về đâu? Ngươi sẽ bị luân chuyển trong nơi mê muội nào mà không biết chúng sanh thiện ác chết đọa nơi cõi ác. Như có người đi đến rừng rậm, thấy trên cây có lửa đom đóm, nên sợ hãi lui về, bảo với người trong thành rừng kia bị cháy. Có những người đến đó xem, thấy là lửa đom đóm, không phải cháy rừng. Nay, ác Phạm, ngươi cũng như vậy, bảo ta ngu si thì chính tự dối mình và dối người khác. Ngươi và người khác sau này sẽ tự biết là tích tụ huyễn. Thí như có người ngu si đi đến rừng rậm, thấy hoa cây Vô ưu, vội la là lửa, sợ hãi trở về. Sau khi về thành, người ấy bảo với mọi người, rừng kia bị đốt cháy. Mọi người đến xem, biết không phải là lửa, ngươi ruồi muỗi thấp hèn cũng như vậy. Ngươi và người khác sau này sẽ tự biết thiện và bất thiện, cũng sẽ tự biết là tích tụ huyễn, đừng phát ra những lời không chân thật này nữa. Ngươi hãy im lặng, đừng học theo kiểu nói dối.

Lúc ấy Tứ thiên vương hộ thế đến gặp Đức Phật, cúng dường Đức Phật và Ương-quật-ma. Sau khi cúng dường, họ hướng về Như Lai và Ương-quật-ma-la, nói kệ:

Lạ thay, rất hy hữu
Thế hùng đang đại chiến
Hỏi đáp nghĩa đệ nhất
Tuệ quang trừ si ám
Lạ thay! Thiện Điều Ngự
Vô Thượng Thiên Nhân Sư
Ngài có Vô lượng lực
Nên hiệu là Như Lai
Hoa bát đàm đệ nhất
Thanh tịnh và nhu hòa
Nước bẩn không nhiễm ô
Thế nên con đảnh lễ
Nay con quy y Phật
Nhất tâm mong cầu thỉnh
Làm cho Ương-quật-ma
Nhận bát của chúng con
Nay Quật-ma tốt đẹp
Như trăng giữa không trung
Ương-quật-ma trang nghiêm
Tịnh giới sáng tròn đầy.

Ương-quật-ma-la nói với Tứ thiên vương:

–Ngươi là hạng ruồi muỗi tiểu trùng nào? Chỉ là hộ thế mà tự

cống cao, tuyên bố sẽ cúng cho ta bát trời, sẽ thấy hủy nhục, các ngươi hãy chờ xem việc khó làm của ta, chút nữa ta tự hiện ôm bình bát, cần gì phải dùng bát phóng dật này làm gì, mà lấy việc hộ thế để tự khen mình. Gọi là hộ thế, nghĩa là có thể điều phục các hiện tượng ác, chẳng phải hộ thế gian, hộ pháp chân thật, mà gọi là hộ thế. Như có người nghe tiếng Câu-kỳ-la, lại thấy hình nó, vừa thấy con quạ nên sanh mê hoặc, liền nói: “Câu-kỳ-la, Câu-kỳ-la”. Các ngươi cũng như vậy, phi pháp cho là pháp, thủ hộ phi pháp, như người kia thấy con quạ cho là Câu-kỳ-la. Các ngươi nên hộ pháp, đừng hộ thế gian. Này ruồi muỗi Tứ thiên vương hãy im lặng.

Bấy giờ ma ác Ba-tuần đến gặp Đức Phật, sau khi cúng dường, ngồi qua một bên, hướng đến Ương-quật-ma-la nói kệ:

Ngươi hãy mau xuất gia
Dối trá vào thành ta
Ta không nghĩ đến ngươi
Lại cho thoát địa ngục.

Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:

Ma tặc cẩu đi đi
Ruồi muỗi không sợ nói
Và chưa bị năm buộc
Ba-tuần hãy đi xa
Đừng để ta chút nữa
Đá vào ngươi, chó xấu
Ai khi không, vô ngã
Tùy ý chơi cung điện
Như vua Kim sí điểu
Ở trên đỉnh Tu-di
Hạ xuống xem biển lớn
Các rồng cùng đi dạo
Bồ-tát vua Kim sí
Dạo chơi trên địa ngục
Thích uống nước giải thoát
Cúi xem chúng sanh khổ
Ma tặc cẩu hãy im
Lắng nghe pháp cam lộ
Sau đó về cõi trời
Tùy ý hưởng dục lạc.

Lúc ấy thần Ma-hê-thủ-la hiển bày sự cúng dường to lớn đối với Như Lai và Ương-quật-ma-la, rồi đứng qua một bên, vui mừng cung kính, nói kệ:

Con lạy sát chân Ngài
Mừng cung kính nói kệ
Như Lai diệu sắc thân
Như hoa Ưu-bát-la
Răng như hoa sen trắng
Mắt sạch sen nghìn cánh
Trí tuệ không nhiễm ô
Sạch hơn Phân-đà-lợi
Lạ thay! Ương-quật-ma
Thù thắng rất hy hữu
Ở địa vị phàm phu
Mà hàng phục được ma
Sẽ mau thành chánh giác
Cứu độ khắp thế gian.
Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:
Ngươi, loài ti tiện nào
Dối xưng Ma-hê-la
Giả danh là Tự tại
Không đúng vua Tự tại
Nay làm sao ngươi biết
Ta ở hạng phàm phu
Quỷ Tỳ-xá nanh dài
Hãy mau đáp lời ta
Hình sắc ngươi xấu xí
Như người đang bệnh nặng
Lại vì khắp thế gian
Giảng rộng cách trị bệnh
Bệnh mình không cứu được
Làm sao trị cho người
Ngươi là ruồi muỗi nhỏ
Si mê cũng như vậy
Không biết tự tánh mình
Sao biết tâm người khác
Mà nói Ương-quật-ma
Ở địa vị phàm phu
Ngươi không được quán đảnh
Cho vua Tự tại khác
Không biết, hãy im đi
Chút nữa ngươi sẽ thấy.

Khi đó ngay nơi gốc cây Như Lai ngồi, có vị thần cây thấy Ương-quật-ma-la nên tâm sanh kính tín, nói kệ khen:

Ương-quật-ma mau đến
Bậc dũng trí kiên cố
Thỉnh mặc lấy pháp y
Cúng dường bữa ăn đầu
Cho Ương-quật, Như Lai
Sẽ chứng quả đệ nhất.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Phật chẳng ăn bao giờ
Thanh văn cũng như vậy
Nay ông cúng cho ai?
Mau giải quyết nghi này.
Thọ thần nói kệ hỏi:
Như Lai thường thọ trai
Thanh văn cũng như vậy
Kiên tâm muốn xuất gia
Không nên nói vọng ngữ
Phải bỏ hư ngụy đi
Gian trá chẳng thanh tịnh
Người nào vượt một pháp
Đó chính là vọng ngữ
Không thoát khỏi đời sau
Không ác nào không làm.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Ngươi dòng họ ti tiện
Nay còn muốn nói gì
Ngươi hãy tự quan sát
Người nữ bị Phật chê
Thế gian, ai nói dối?
Ai là nói chân thật
Ai tham ăn trong đời
Ai bệnh chết trong đời
Như Lai thảy đầy đủ
Đại ngã công đức thật
Chúng sanh không thể biết
Thế nên là nói dối
Không ăn mà nói ăn
Thế nên là nói dối
Hãy còn không xuất gia
Huống chi thọ cụ túc
Không biết lời ẩn dụ
Thế nên là nói dối
Đã không có xuất gia
Huống chi thọ cụ túc
Ta không vượt một pháp
Mà ngươi vượt vô lượng
Mau hướng đến Thế Tôn
Sám hối lời hư vọng.
Thọ thần nói kệ hỏi:
Ngươi vì lý do nào
Nói ta hạng ti tiện
Mang thân quỷ Tỳ-xá
Làm sao biết nam nữ.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Ví như vua Chuyển luân
Tòa trang sức châu báu
Chó hôi vừa nằm lên
Trở thành nơi bất tịnh
Ngươi với tính thấp hèn
Tạm dùng pháp phương tiện
Trở lại nơi thân nữ
Tâm đắm say năm dục
Nay ngươi nên tìm cách
Mau bỏ thân nữ cẩu
Đừng giữ tướng nam nữ
Cần tu pháp không tịch
Tu tập pháp không rồi
Chóng được tính nam tử.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, như ngỗng chúa dùng sức thần thông bay tới, đến nơi đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, tâm sanh tùy hỷ.

Đại Mục-kiền-liên nói kệ:

Bậc dũng tuệ siêu tuyệt
Khéo tu nghiệp thù thắng
Hãy mau đi theo Phật
Xuất gia tu tịnh giới
Cùng các vị phạm hạnh
Đằng vân đến Kỳ viên
Mong Phật cho phép ngay
Xuất gia thọ cụ túc
Làm cho khắp thế gian
Tất cả đều chiêm ngưỡng
Vượt không như ngỗng chúa
Trong sáng như trăng tròn.
Ương-quật-ma-la dùng kệ hỏi:
Thần thông đời là gì?
Gốc thần thông là gì?
Bậc thần lực đệ nhất
Mau giải nghi của con.

Đại Mục-kiền-liên nói kệ đáp:

Ai tu tập tịnh xả
Thường thí giày dép xe
Tỳ-kheo trì tịnh giới
Xa lìa không sử dụng
Với hai sự việc này
Mau chứng thần thông lực.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Than ôi! Đại Mục-liên
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không thể biết phân biệt
Chân thần thông đệ nhất
Ruồi muỗi đằng vân đến
Không biết nên im lặng
Thường lợi mình và người
Mong an ổn chúng sanh
Tu phương pháp như vậy
Mau đắc thượng thần thông
Thuyết pháp an ủi người
Hoặc lúc gặp khổ nạn
Xả thân để cứu hộ
Mau chứng thượng thần thông
Ta hãy mau thi hành
Rộng độ các chúng sanh
Đến nơi rừng Kỳ-đà
Sẽ đắc đại thần thông
Không hạn lượng như vậy
Gọi là chiếc xe lớn
Vô lượng và vô biên
Đó là các Như Lai.

Ương-quật-ma-la nói kệ này xong, liền nói kệ hỏi Xá-lợi-phất:

Xin hỏi Xá-lợi-phất
Đại trí tuệ của đời
Trí tuệ từ đâu sanh
Mau giải nghi ngờ này.
Xá-lợi-phất nói kệ đáp:
Khéo hộ trì năm giới
Thành tựu đại trí tuệ
Qua đời thọ thân sau
Trí tuệ thường cùng sanh
Tiếng khen vang khắp nơi
Trí tuệ không lay động.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Phật dạy thường, không diệt
Từ đó sanh đại trí
Phật dạy đại trí tuệ
Từ đó sanh thuyết pháp
Than ôi! Xá-lợi-phất
Tu tập hạnh muỗi ruồi
Không thể phân biệt biết
Nghĩa trí tuệ chân thật
Hèn thay, tuệ ruồi muỗi
Không biết hãy im lặng.

Khi đó Tôn giả A-nan đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, đứng qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, sanh tâm hoan hỷ, nói kệ:

Lành thay! Ương-quật-ma
Đã tu nghiệp thù thắng
Ta tùy hỷ với ông
Mau thông chín bộ kinh.
Ương-quật-ma-la nói kệ hỏi:
Như Lai xưng tán thầy
Bậc đa văn đệ nhất
Thế nào là đa văn
Đa văn từ đâu khởi?
Tôn giả A-nan nói kệ đáp:
Tụng tập chín bộ kinh
Dạy cho người tất cả
Từ đó đắc đa văn
Giữ hết, khó nghĩ bàn.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Khen ngợi chư Như Lai
Rốt ráo thường bất diệt
Đây gọi là đệ nhất
Đa văn trong thế gian
Than ôi! A Nan-đà
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không thể biết phân biệt
Cửa đi vào đa văn
Tệ thay! Trí ruồi muỗi
Không biết nên lặng im.

Lúc ấy Tôn giả La-hầu-la đến gặp Đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, đứng qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, tâm sanh tùy hỷ, nói kệ đáp:

Lành thay! Ương-quật-ma
Đã tu thắng công đức
Nay tôi xin tùy hỷ
Kính giới, mau thọ trì.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Như Lai khen ngợi thầy
Người kính giới đệ nhất
Thế nào là thế gian
Cung kính giới thanh tịnh
Thầy là con của Phật
Mau giải nghi cho tôi.
La-hầu-la nói kệ:
Tất cả lời Phật dạy
Nhất tâm kính thọ trì
Đó chính là thế gian
Cung kính giới đệ nhất.
Ương-quật-ma-la lại nói kệ:
Nếu nói chư Như Lai
Thế gian đệ nhất thường
Đây gọi là thế gian
Cung kính giới tối thượng
Than ôi! La-hầu-la
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không biết được đệ nhất
Chân thật cung kính giới
Tệ thay! Kính theo ruồi
Không biết nên im lặng.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, sanh tâm tùy hỷ, nói kệ:

Lạ thay! Ương-quật-ma
Khéo tu nghiệp thù thắng
Nay tôi xin tùy hỷ
Mau chóng đắc thiên nhãn.

Ương-quật-ma nói kệ hỏi:

Như Lai khen ngợi thầy
Là đệ nhất thiên nhãn
Thế nào là thiên nhãn
Thiên nhãn từ đâu sanh
Ngài hãy mau giải đáp
Đoạn trừ nghi của tôi?

Khi ấy A-na-luật nói kệ đáp:

Thường ưa cho đèn sáng
Thuyết pháp dạy mọi người
Do đó được thiên nhãn
Nhìn suốt không chướng ngại.

Ương-quật-ma-lại nói kệ:

Pháp tạng sâu của Phật
Tinh cần phương tiện dạy
Chỉ rõ không che đậy
Mắt cứu cánh tối thắng
Than ôi! A-na-luật
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không thể biết phương tiện
Thù thắng sanh thiên nhãn
Tệ thay! Mắt ruồi muỗi
Không biết hãy lặng im.

Lúc ấy Tôn giả Sa-môn Đà-sa đến gặp Đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, sanh tâm tùy hỷ,
nói kệ khen:

Lạ thay! Ương-quật-ma
Khéo tu nghiệp thù thắng
Nay tôi xin tùy hỷ
Cần phải tu nhẫn nhục.
Ương-quật-ma nói kệ hỏi:
Thế nào là thế gian
Thành tựu đệ nhất nhẫn
Làm sao sanh nhẫn nhục
Hãy giải đáp nghi này?

Sa-môn Đà-sa nói kệ đáp:

Tay phải thoa chiên-đàn
Tay trái bị chặt đứt
Tâm bình đẳng không động
Thì sanh nhẫn tối thượng
Đây gọi là thế gian
Nhẫn, điều phục tối thượng.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Ai nói Như Lai tạng
Hiển thị khắp thế gian
Vô tri, ác, tà kiến
Xả ngã, tu vô ngã
Nói là chánh pháp Phật
Nghe họ nói không sợ
Lìa mạn, bỏ thân mạng
Rộng nói Như Lai tạng
Đây gọi là thế gian
Nhẫn, điều phục tối thượng
Than ôi! Sa-môn Đà
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không thể biết phương pháp
Phát sanh nhẫn tối thượng
Ruồi muỗi cũng chịu đựng
Khổ đói khát, nóng lạnh
Tệ thay! Nhẫn ruồi muỗi
Không biết nên lặng im.

Lại có Tôn giả Mãn Nguyện Tử đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân Phật, đứng qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, tâm rất hoan hỷ, nói kệ:

Lành thay! Tu thắng nghiệp
Tôi phát tâm tùy hỷ
Vì tất cả chúng sanh
An ủi diễn thuyết pháp.
Ương-quật-ma-la nói kệ hỏi:
Như Lai tán dương thầy
Bậc thuyết pháp đệ nhất
Thế nào là thuyết pháp
Thế nào là biết nghĩa
Xin bậc giỏi thuyết pháp
Hãy giải đáp chỗ nghi?
Mãn Nguyện Tử nói kệ đáp:
Chư Phật và Thanh văn
Pháp bất đắc của Thánh
Chánh giác khéo thông đạt
Rộng vì chúng sanh nói.

Nói như vậy có nghĩa gì? Nghĩa là tất cả chư Phật trong quá khứ đã dùng hết các phương tiện cầu trong tất cả các pháp, không có tưởng chấp về chúng sanh, ngã, nhân, thọ mạng. Hiện tại, vị lai, tất cả chư Phật và tất cả Thanh văn, Duyên giác trong ba đời, cũng dùng hết các phương tiện dốc cầu trong tất cả các pháp nhưng đều không có tưởng chấp về ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng. Ta cũng như vậy, vì chúng sanh giảng nói nhưng luôn xa lìa tưởng chấp về chúng sanh, ngã, nhân, thọ mạng, nói pháp vô ngã, nói pháp không; như vậy là thuyết pháp.

Ương-quật-ma-la nói với Mãn Nguyện Tử:

–Than ôi! Mãn Nguyện Tử, tu tập hạnh ruồi muỗi, không biết thuyết pháp. Thương thay ruồi muỗi không biết thì im đi. Không biết Như Lai nói ẩn dụ là pháp vô ngã, rơi vào đèn ngu si như thiêu thân lao vào lửa. Chỗ bất đắc của chư Phật Như Lai, nghĩa là tất cả chư Phật Thế Tôn trong quá khứ đối với tất cả chúng sanh dùng hết phương tiện cầu Như Lai tạng không, bất khả đắc. Tất cả chư Phật Thế Tôn trong hiện tại, đối với tất cả chúng sanh dùng hết phương tiện cầu Ngã tính là không, bất khả đắc. Tất cả chư Phật Thế Tôn trong vị lai, đối với tất cả chúng sanh dùng hết phương tiện cầu Tự tánh là không, bất khả đắc. Tất cả Thanh văn, Duyên giác trong ba đời, đối với tất cả chúng sanh dùng hết phương tiện cầu Như Lai tạng không, cũng là bất khả đắc. Đây là chân nghĩa nơi câu kệ của Như Lai.

Lại nữa, chỗ bất đắc của chư Phật Như Lai, nghĩa là tất cả chư Phật Thế Tôn trong quá khứ đối với tất cả các pháp, dùng hết phương tiện để cầu ngã của thế gian, như ngón tay cái, gạo mè, hạt cải, xanh vàng đỏ trắng, dài ngắn vuông tròn, so sánh như vậy với các loại tướng trạng, hoặc nói là tại tâm, hoặc trên dưới rốn, hoặc nói nơi đầu mắt, hoặc các phần trên thân, hoặc nói khắp thân, cũng như nước miếng, như vậy với vô lượng các loại vọng tưởng. Như thế tục tu tập ngã, cũng nói thường trú an lạc yên nghỉ. Như vậy dùng ngã để so sánh, tất cả chư Phật và Thanh văn, Duyên giác đều không nhận biết đúng về pháp ấy để thuyết cho chúng sanh. Đây là ý nghĩa chân chính nơi câu kệ của Như Lai, chẳng phải lời nói theo vọng tưởng của ông.

Lại nữa, chỗ bất đắc của chư Phật Như Lai là tất cả chư Phật Thế Tôn trong quá khứ, hiện tại và vị lai dùng hết phương tiện cầu Như Lai tạng vô tác, tánh Như Lai là vô tác, có vô lượng tướng hảo thanh tịnh trang nghiêm đối với tất cả chúng sanh. Tất cả Thanh văn, Duyên giác trong ba đời có Như Lai tạng, mà mắt không thấy, nên giảng nói về nhân duyên, như La-hầu-la kính trọng giới nên nhìn kỹ nước sạch thấy trùng không rõ là trùng hay không phải trùng hay vi trần; nhìn kỹ thật lâu mới thấy là trùng vi tế. Thập địa Bồ-tát cũng như vậy, quán sát tự tánh ngay trong thân phát sanh như vậy về vô lượng các tánh, các loại dị kiến. Tạng của Như Lai cũng vậy, thật khó vào, khuyên giải nói cho người thật khó hơn, nghĩa là trong thời thế ác độc thịnh hành, không tiếc thân mạng mà vì chúng sanh thuyết giảng Như Lai tạng. Thế nên ta nói chư vị Bồ-tát Ma-ha-tát là bậc hùng trong loài người tức là Như Lai, như A-na-luật thiên nhãn đệ nhất thấy rõ thật dấu chân chim trong hư không; cùng đi với người mắt thịt, nhưng người mắt thịt không thể thấy, chỉ tin vào A-na-luật nên biết có dấu chân chim. Phàm phu Thanh văn, Duyên giác cắt thịt tin kinh Phật thuyết có Như Lai tạng, thì làm sao thấy được thật tính cảnh giới của Phật. Thanh văn, Duyên giác còn tin vào người khác, huống chi phàm phu mù bẩm sanh làm sao tự biết được nếu không nhờ người khác.

Trước đây ta nghe Đức Phật giảng về cõi đất này, vào thời kiếp sơ có bốn mùi vị. Khi ấy chúng sanh ăn bốn mùi vị như ngày nay ăn từ đất, vì huân tập đã lâu nên đến nay vẫn không bỏ được. Người từng tu tập Như Lai tạng của các Đức Như Lai trong quá khứ cũng như vậy, do tu tập đã lâu, nên nay vẫn còn tin và ưa thích tu tập lâu dài để báo ân Như Lai. Lại nữa trong đời vị lai, người được nghe thuyết về Như Lai tạng, nghe rồi tin thích, như người ăn đất ngày xưa. Người tin thích là con của Đức Như Lai, báo ân Như Lai. Chẳng phải như chúng sanh khác thì như chim Kiêu từ xưa đến nay không có hổ thẹn, không báo ân nuôi dưỡng, theo thói quen nên nay vẫn như vậy. Các chúng sanh kia cũng thế, trong thời quá khứ không có hổ thẹn, nên ngày nay không có hổ thẹn và vị lai không có hổ thẹn, nghe Như Lai tạng không sanh tin thích, trước đây không tin ưa thì hiện nay và vị lai không tin ưa. Ví như con vượn hình dáng rất xấu xí, thường có nhiều sợ hãi, tâm chúng xao động như sóng cuộn, do thói quen từ xưa nên nay vẫn không ổn định. Các chúng sanh kia cũng như vậy, quá khứ, hiện tại, vị

lai, tâm thường hèn mọn nóng nảy, nghe Như Lai tạng không tin ưa. Như chim cú mèo ngày mù đêm thấy, ưa tối ghét sáng, các chúng sanh kia cũng như thế, ưa tà ghét chánh, không thích thấy Phật và Như Lai tạng, cả trong quá khứ, vị lai, hiện tại cũng không tin ưa, như chim cú mèo ưa tối ghét sáng. Như người từ lâu tu tập tà kiến, thâm nhiễm giáo thuyết bất chính của ngoại đạo, vì huân tập đã lâu nên nay không bỏ được. Các chúng sanh kia cũng như thế, từ lâu đã huân tập về lời dạy ẩn dụ vô ngã, như kẻ phàm ngu kia nhiễm các tà thuyết, cả trong ba đời không hiểu mật giáo, nghe Như Lai tạng không tin ưa, chẳng phải như chúng sanh khác. Người nào quá khứ đã từng gặp chư Phật cúng dường phụng sự, vừa được nghe Như Lai tạng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, duyên với nghiệp thiện này, các căn thuần thục, phú quý, tự tại thù thắng phát sanh. Nay các chúng sanh này vẫn còn thuần thục, phú quý, tự tại thù thắng có được là do quá khứ từng được gặp chư Phật và được nghe qua Như Lai tạng. Vào đời vị lai, họ nghe Như Lai tạng cũng sẽ tin ưa, như thuyết tu hành, các căn thuần thục, phú quý, tự tại, sắc lực đầy đủ, trí tuệ sáng suốt, phạm âm thanh tịnh, ai cũng ưa thích, hoặc làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm vương tử, đại thần, đầy đủ hiền đức, xa rời các kiêu mạn, chế ngự ngủ nghỉ, tinh cần tu học, không có các phóng dật, và các công đức khác đều được thành tựu; hoặc làm Thích, Phạm, Hộ thế Tứ thiên vương đều do từng nghe Như Lai tạng, nên đạt đến công đức như vậy, thân thường an ổn không có bệnh, khổ, được sống lâu, mọi người yêu kính, được nghe đầy đủ pháp thường trụ Cam lộ Đại Bát-niết-bàn của Như Lai, kiên cố an ổn trụ lâu dài trong thế gian, tùy thuận thế gian cùng nhau hỷ lạc, biết các Như Lai không từ dục sanh, rộng vì thế gian khai thị diễn thuyết, nhờ công đức lợi ích của trí tuệ này, sanh ra nơi nào con cháu cũng đông đủ, cha mẹ sống lâu, thường thụ hưởng tất cả an lạc của Trời, Người, đều đầy đủ tộc tánh thù thắng. Đây là nhờ nghe biết tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng thường trụ. Trong ba đời ở cõi Trời, Người thường được đầy đủ tất cả an lạc, do nghe Như Lai tạng thường trụ vậy. Chúng sanh nào trong ba đời, sanh trong năm đường thọ thân không đầy đủ, luân chuyển sanh tử thọ tất cả khổ, đều do khinh mạn Như Lai tạng. Chúng sanh nào đã phụng sự, thân cận cúng dường qua nhiều đời Đức Phật mới có thể được nghe Như Lai tạng mà tin ưa thọ trì không phỉ báng. Người nào có thể như thật khuyên giải, giảng thuyết, phải biết người ấy chính là Như Lai. Những chúng sanh nào quay lưng lại chư Phật, nghe Như Lai tạng liền sanh hủy báng, những chúng sanh ấy tự thiêu đốt hạt giống của mình. Than ôi! Khổ thay, khổ thay! Kẻ bất tín thật đáng thương cả trong ba đời, Những người thuyết pháp nên thuyết như vầy, xưng tán Như Lai thường trụ chân thật. Nếu người thuyết pháp mà không thuyết như vậy, chính là vứt bỏ Như Lai tạng. Người này không được ngồi tòa sư tử, như kẻ Chiên-đà-la không được đi xe voi của nhà vua. Tất cả chư Phật bằng hết các phương tiện cầu Như Lai tạng bất sanh. Bất sanh là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh, trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật bằng hết các phương tiện cầu tự tánh chân thật. Chân thật tánh là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh, trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật dùng hết phương tiện cầu tự tánh thường. Thường tánh là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh, trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật dùng hết phương tiện cầu Như Lai tạng hằng. Hằng tánh là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh, trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật dùng hết phương tiện cầu Như Lai tạng không thay đổi. Tánh không thay đổi là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật dùng hết phương tiện cầu Như Lai tạng tịch tĩnh. Tánh tịch tĩnh là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh, trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật với hết phương tiện cầu Như Lai tạng bất hoại, tánh bất hoại là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật với hết phương tiện cầu Như Lai tạng không thể phá. Tánh không bị phá là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật với hết phương tiện cầu Như Lai tạng không bệnh. Tánh không bệnh là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật với hết phương tiện cầu Như Lai tạng không già chết. Tánh không già chết là Phật tánh, đối với tất cả chúng sanh trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Tất cả chư Phật với hết phương tiện cầu Như Lai tạng vô cấu. Tánh vô cấu là Phật tánh, đối với vô lượng chúng sanh trang nghiêm bằng vô lượng tướng hảo thanh tịnh. Như dầu và nước không lẫn vào nhau, cũng vậy, vô lượng phiền não che đậy Như Lai tánh nhưng không có sự việc Phật tánh lẫn với phiền não. Nhưng Phật tánh ở trong phiền não như đèn để trong bình, bình vỡ thì đèn hiện. Bình là phiền não, đèn là Như Lai tạng. Người thuyết Như Lai tạng hoặc là Như Lai hoặc là Bồ-tát hoặc là Thanh văn đều có thể diễn thuyết tùy theo khả năng người nghe, hoặc có phiền não, hoặc không phiền não.

Này Mãn Nguyện nên biết, ta nói người này chính là Chánh giác phá tan vô số bình phiền não của người thọ, sau đó có thể làm cho thấy tự tánh của mình, như thấy trái xoài trong bàn tay. Như mặt trời mặt trăng bị mây che nên ánh sáng không hiện. Sau khi thoát khỏi mây che thì ánh sáng của chúng hiển lộ. Như Lai tạng cũng như vậy, bị phiền não che nên tánh Không hiển hiện. Khi thoát khỏi phiền não thì ánh sáng rực rỡ chiếu khắp. Phật tánh sáng sạch cũng như nhật nguyệt. Thương thay! Mãn Nguyện, tu hạnh ruồi muỗi không biết thuyết pháp, hãy im lặng đi đi.

Bấy giờ Tôn-đà-la Nan-đà đến gặp Đức Phật, lạy sát chân Ngài đứng qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la tâm sanh hoan hỷ, nói kệ khen:

Lành thay Ương-quật-ma
Đã tu nghiệp thù thắng
Nên tìm phương tiện cầu
Thân sắc vàng của Phật.

Ương-quật-ma nói kệ hỏi:

Thế Tôn khen ngợi thầy
Đệ nhất về dung mạo
Thế nào là thế gian
Sắc đẹp đặc biệt nhất
Nhờ đâu được sắc đẹp
Xin giảng giải nghi này?

Tôn-đà-la Nan-đà nói kệ:

Rửa tay chắp mười ngón
Đảnh lễ xá-lợi Phật
Thường cúng dường người bệnh
Nhờ đó được sắc đẹp.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Thân Phật không gân cốt
Làm sao có xá-lợi
Như Lai không xá-lợi
Pháp thân thắng phương tiện
Như Lai, không nghĩ bàn
Chưa tin làm tin ưa
Nên dùng phương tiện khéo
Thị hiện có xá-lợi
Phương tiện lưu xá-lợi
Đây là các pháp Phật
Thế gian từ xưa nay
Cúng dường Phạm tự tại
Thiên tử và Thiên nữ
Với các loại hình tượng
Vì họ không quy y
Xây dựng tháp xá-lợi
Nếu có những chúng sanh
Hiểu biết phương tiện này
Nhân phương tiện trí này
Được sắc đẹp đoan chính
Không như thầy đã nói
Vọng tưởng về nhân đẹp
Than ôi! Tôn-đà-la
Không biết về diệu sắc
Chỉ đủ sắc ruồi muỗi
Không biết nên im lặng.

Lại có Tôn giả Ưu-ba-ly đến chỗ Đức Phật, lạy sát chân Phật, đứng qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, sanh tâm hoan hỷ, nói kệ khen:

Lạ thay! Ương-quật-ma
Đã tu nghiệp thù thắng
Tôi phát tâm tùy hỷ
Người nên tu tịnh luật.

Ương-quật-ma-la nói kệ hỏi:

Như Lai khen ngợi thầy
Bậc trì luật đệ nhất
Thế nào giỏi trì luật
Mau giải quyết nghi này?
Ưu ba ly nói kệ:
Không làm tất cả ác
Thực hành tất cả thiện
Tinh tấn tu tịnh tâm
Đây là giỏi trì luật.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Phá pháp, hủy giới cấm
Tỳ-kheo ác phạm luật
Cần phải thu sáu vật
Và tất cả tư cụ
Cấm chế và xử trị
Phương tiện điều phục họ.
Vật dùng tu phạm hạnh
Chẳng cho phá giới dùng
Ví như đại quốc vương
Có đao quý hộ thân
Nếu hàng thịt sử dụng
Theo pháp phải lấy lại
Vật quý giá của vua
Không được thuộc người ác
Vật cần phải nhận giữ
Của người tu phạm hạnh
Không thuộc người phá pháp
Thế nên phải thu lại.
Đây gọi là thế gian
Khéo trì luật đệ nhất
Không phạm Đột-kiết-la
Cũng chẳng trái uy nghi
Người trì luật như vậy
Đầy đủ lời Phật dạy
Như Lai xem tất cả
Đều như La-hầu-la
Than ôi! Ưu-ba-ly
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không hiểu khéo giữ luật
Không biết hãy im lặng.

Bấy giờ Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, đứng qua một bên, thấy Ương-quật-ma-la, sanh tâm tùy hỷ, nói kệ khen:

Lành thay! Ương-quật-ma
Đã tu nghiệp thù thắng
Nay nên tu đại không
Các pháp vô sở hữu.

Ương-quật-ma nói kệ hỏi:

Pháp vương tử Văn-thù
Ông thấy không đệ nhất
Vì sao trong thế gian
Khéo thấy pháp không tịch.
Không không có nghĩa gì
Xin giải quyết nghi ấy?

Văn-thù-sư-lợi nói kệ đáp:

Chư Phật như hư không
Tướng hư không chẳng có
Chư Phật như hư không
Tướng hư không không sanh
Chư Phật như hư không
Tướng hư không không sắc
Pháp cũng như hư không
Pháp thân Phật vi diệu
Trí tuệ như hư không
Trí thân Phật vĩ đại
Trí Như Lai vô ngại
Không thể giữ và xúc
Giải thoát như hư không
Hư không không có tướng
Như Lai là giải thoát
Vắng lặng, không hề có
Này Ương-quật-ma-la,
Làm sao thấu tỏ được.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Như có kẻ ngu si
Thấy mưa đá vọng tưởng
Cho là ngọc lưu ly
Nhặt lấy để mang về
Đặt vào trong bình kín
Giữ gìn như ngọc thật
Không lâu chúng tan hết
Thầm tưởng ngọc không thật
Gặp lưu ly thật khác
Vẫn tưởng là không thật.
Này Văn-thù, cũng vậy
Cực lực tu không tịch
Thường tư duy về không
Phá hủy tất cả pháp
Giải thoát thật, bất không
Mà lại tưởng cực không
Như thấy mưa đá tiêu
Lầm tưởng ngọc cũng tan
Nay ông cũng như vậy
Tưởng về không quá sâu
Đã thấy pháp Không rồi
Cho bất không là không
Có pháp đúng là không
Có pháp là bất không
Tất cả các phiền não
Cũng như hạt mưa đá
Phá tất cả bất thiện
Như mưa đá tan rã
Như lưu ly báu, thật
Là Như Lai thường trụ
Như lưu ly báu, thật
Là giác ngộ giải thoát
Sắc hư không là Phật
Phi sắc là nhị thừa
Sắc giải thoát là Phật
Phi sắc là nhị thừa
Sao nói tướng cực không
Lại là chân giải thoát
Văn-thù hãy nghĩ kỹ!
Hãy tư duy phân biệt!
Như làng xóm trống rỗng
Sông cạn bình hết nước
Có tất cả vật dụng
Trống rỗng nên gọi không
Như Lai chân giải thoát
Bất không cũng như vậy
Vượt qua tất cả lỗi
Nên nói giải thoát không
Như Lai thật bất không
Lìa tất cả phiền não
Và các ấm Trời, Người
Thế nên gọi là không
Ô hô! Hạnh ruồi muỗi
Chẳng biết nghĩa Chân không
Ngoại đạo cũng tu không
Ni-càn hãy im lặng.
Văn-thù-sư-lợi nói kệ hỏi:
Này Ương-quật-ma-la
Ngươi vì lý do nào
Khủng bố chúng Thanh văn
Khinh miệt các Phật tử
Ý hung bạo lẫy lừng
Dữ tợn như mãnh hổ
Ai là hạnh ruồi muỗi
Sao nói ác như thế?

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Như kẻ nghèo khiếp nhược
Đi lại trong đồng vắng
Bỗng nghe hơi mãnh hổ
Sợ hãi vội chạy nhanh
Thanh văn và Duyên giác
Không biết Ma-ha-diễn
Vừa nghe hương Bồ-tát
Sợ hãi cũng như vậy.
Ví như vua sư tử
Ở sâu trong hang núi
Bước đi thì rống lớn
Các thú khác đều sợ
Bậc hùng trong loài người
Bồ-tát sư tử rống
Tất cả chúng Thanh văn
Và các thú Duyên giác
Học vô ngã đã lâu
Mê nơi pháp ẩn dụ
Nói ngã như chó sủa
Chẳng ai đáp ứng lại
Huống chi lại lắng nghe
Không bằng tiếng sư tử.

Văn-thù-sư-lợi nói kệ hỏi:

Ngươi là ruồi muỗi nhỏ
Gây ra hành động ác
Nếu ngươi thật Bồ-tát
Thì ma ở nơi nào!
Than ôi! Người thế gian
Không thể tự giác tri
Không tự tỉnh lỗi mình
Chỉ thấy ác của người
Này Ương-quật-ma-la
Ngươi gây biết bao tội.

Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:

Than ôi! Nay người đời
Hai hạng phá chánh pháp
Kẻ thuyết không cực đoan
Kẻ lại thuyết có ngã
Hai hạng người này làm
Nghiêng, che chánh pháp Phật
Ô hô! Này Văn-thù
Không biết ác, phi ác
Không biết hạnh Bồ-tát
Sư tử khác ruồi muỗi
Lạ thay! Ta biết được
Các Bồ-tát vô úy
Văn-thù hãy lắng nghe
Phật khen hạnh Bồ-tát
Như ảo thuật sư giỏi
Làm những pha ảo thuật
Chặt, cắt, ăn chúng sanh
Biểu diễn cho mọi người
Chư Phật và Bồ-tát
Hành động cũng như huyễn
Thị hiện thay đổi thân
Khi sanh, khi Niết-bàn
Hoặc vào kiếp đau bệnh
Xả thân làm thức ăn
Hoặc ở vào kiếp lửa
Mặt đất chảy ra nước
Chúng sanh chấp vào thường
Làm họ biết vô thường
Hoặc ở kiếp đao binh
Thị hiện thêm binh lính
Giết giặc, đoạn mạng chúng
Số lượng thật vô cùng
Mà thật không não hại
Cũng như làm huyễn thuật
Cả thế giới ba ngàn
Đưa vào trong hạt cải
Không một chúng sanh nào
Bị chèn ép bất an
Bốn biển, núi Tu-di
Vào một lỗ chân lông
Đều không bị chèn ép
Hiện trở lại chỗ cũ
Hoặc dùng một ngón chân
Lay thế giới mười phương
Chúng sanh vẫn an ổn
Thế nên các Phật pháp
Hoặc làm Phạm thiên chủ
Tứ thiên vương hộ thế
Vô lượng tướng khác nhau
Làm an ổn chúng sanh
Vương tử hay đại thần
Chủ làng hay thương gia
Trưởng giả hay cư sĩ
Hòa hợp an chúng sanh
Hoặc làm các Thiên nhân
Chuyển hóa tà kiến họ
Đời này, tất cả đời
Nên gọi là bổn sanh
Ví như ảo thuật sư
Thấy ảo thuật giết người
Chẳng khi nào buồn rầu
Than thở là đại ác
Vì người ảo thuật gia
Hiểu rõ tính ảo thuật
Ta nay cũng như vậy
Thị hiện giết chúng sanh
Vì điều kẻ hủy pháp
Thật không người bị hại
Như Đức Phật Thế Tôn
Hóa hiện kiếp đao binh
Nay ta cũng như vậy
Khéo tu hạnh Bồ-tát
Than ôi! Này Văn-thù
Tu tập hạnh ruồi muỗi
Không có chí long tượng
Đại trí tuệ hơn đời.

Thế Tôn với nhất thiết trí, nhất thiết kiến, hướng đến Văn-thù-sư-lợi nói kệ:

Như Ương-quật-ma nói
Hạnh Bồ-tát như vậy
Hãy biết kẻ phàm kia
Mà cứu độ chúng sanh
Họ là Đại Bồ-tát
Dũng mãnh như các ông
Lành thay, này Văn-thù
Phải biết công đức họ.

Phật lại nói kệ khen:

Lành thay! phương tiện khéo
Thù thắng hùng trong đời
An ổn cho chúng sanh
Hiện sức tinh tấn lớn
Nay Ta sẽ diễn thuyết
Để thành A-la-hán
Các công đức như vậy
Nghiệp thiện và tinh tấn
Dựa tất cả chúng sanh
Đến an lạc vĩnh viễn.

Khi ấy Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Thế Tôn, cầu xin Ngài thương xót cho tất cả chúng sanh, chỉ dạy cho con, những người muốn mau chứng quả A-la-hán, dùng công đức gì, hạnh nghiệp gì, tinh tấn gì, để tạo lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sanh?

Thế Tôn nói kệ đáp:

Khi cha mẹ hòa hợp
Con nhập vào thai mẹ
Tâm cha mẹ hoan hỷ
Được công đức tùy thuận
Tinh tấn rất sáng lạ
Thế gian rất phong phú
Vua hoan hỷ vô cùng
Mẹ mộng thấy đẹp lạ
Con sanh nhà giàu có
Oán địch sanh lòng từ
Bảy tuổi đi đến trường
Thầy bạn không tranh cãi
Người phục vụ hoan hỷ
Cùng siêng làm việc nhà
Đến năm hai mươi tuổi
Lục súc đều không tranh
Xem nhau như cha mẹ
Có rất nhiều sữa thơm
Lớn thay, con hiền minh
Không tham, sân, ghét, mạn
Gian dối và hư ngụy
Nói sai và gây hại
Trẻ con, không uy nghi
Nghiệp ác, ác bất thiện
Từ hiếu với cha mẹ
Tôn trưởng và thầy dạy
Gặp các bậc Trưởng thượng
Cung kính chắp tay chào
Thân cận trung, thanh niên
Vui chơi cùng trẻ nhỏ
Cung kính khéo chu cấp
Thương mến kẻ đau khổ
Bỏ ác, biết hổ thẹn
Thường tu tập chính pháp
Không tập huyễn thuật chơi
Thường ưa gặp chư Phật
Chú trọng học kinh luật
Học tập giỏi các minh
Tránh xa rượu, cờ bạc
Cung kính Bậc Tối Thắng
Biết đủ trong ăn ngủ
Không thích việc bất tịnh
Được trời, người mến yêu
Tất cả đều cung kính
Công đức lớn như thế
Nhiều không thể ví dụ
Công đức nghiệp tinh tấn
Vậy sẽ thành Chánh giác.
Xá-lợi-phất nên biết
Ương-quật-ma-la này
Có những pháp như vậy
Sẽ mau thành chính giác
Làm sao người như vậy
Lại có những điều ác
Ương-quật có rất nhiều
Các công đức đặc biệt
Uy hùng như Văn-thù
Siêu tuyệt chẳng tầm thường
Xem tất cả chúng sanh
Tưởng như là con một
Nên biết Ương-quật-ma
Là bậc Đại Bồ-tát
Nguyện độ người chưa độ
Thế gian là của ta
Nếu muốn phát thắng nguyện
Cứu độ khắp thế gian
Mà làm hạnh bất thiện
Là việc không thể có.

Thế Tôn nói kệ tiếp:

Hiện làm trời Nhật nguyệt
Phạm vương chủ chúng sanh
Địa, thủy, hỏa, phong, không
Vô lượng đức như thế
Bồ-tát bậc uy hùng
Như vậy độ chúng sanh.
Đại Mục-kiền-liên nói kệ khen:
Lạ thay! Ương-quật-ma
Công đức lớn như vậy
Vừa gặp Phật Thế Tôn
Vượt lên tất cả hữu.

Ương-quật-ma-la nói kệ hỏi:

Đại Mục-liên, vì sao
Có các hạng chúng sanh
Không gặp Phật Thế Tôn
Có thể biết chánh pháp?

Đại Mục-kiền-liên nói kệ đáp:

Như Phật Thế Tôn thuyết
Có ba hạng người bệnh
Ba hạng là tà định
Chánh định và bất định
Thế nào là tà định?
Là Phật không giáo hóa
Thế nào là Chánh định?
Như là Đại Ca-diếp…
Bất định, Phật chưa có
Giác ngộ được thật pháp.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Người chớ nói như thế
Thượng tọa Đại Ca-diếp
Khi Phật chưa xuất hiện
Đã nhập chân thật pháp
Tại vì sao như vậy?
Như Lai thường trụ đời
Người nào hành chánh pháp
Trong nhà luôn có Phật
Nhờ mưa sông có nước
Không mưa sông cạn khô
Người trí giỏi phương tiện
Cần phải khéo quan sát
Không mưa, sông có nước
Thật không có việc này
Phải biết trên mưa xuống
Nên sông chảy không ngừng
Vì vậy, này Mục-liên
Thế và xuất thế gian
Tất cả các thắng pháp
Đều do Phật giảng dạy
Thế nên Đại Ca-diếp
Nhờ Phật được xuất gia.

Đại Mục-kiền-liên nói kệ hỏi:

Nếu các vị Như Lai
Thường trụ trong thế gian
Ta và các chúng sanh
Sao không thấy ở đây?

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Chỉ cho Ca-diếp biết
Cũng như mưa nơi khác
Vậy nên đời không Phật
Chúng sanh không tự độ
Trực tiếp gặp chư Phật
Thì mới được giải thoát
Ví như có người nào
Vào thiền trong phòng kín
Trời trăng chiếu sáng đến
Nhưng họ vẫn không thấy
Cũng vậy này Mục-liên
Đừng nói đời không Phật
Tất cả các Như Lai
Thường trụ ở thế gian
Tế độ hết quần sanh
Xuất gia thọ cụ túc
Thế nên tà hay chánh
Không xen lẫn bất định.

Đại Mục-kiền-liên nói kệ:

Thế gian có năm giới
Phật ra đời cũng vậy

Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:

Cho đến thế gian có
Giới, uy nghi tùy thuận
Thế gian, xuất thế gian
Nên biết do Phật dạy.

Đại Mục-kiền-liên nói kệ hỏi:

Vì sao bệnh thế gian
Nói chia làm ba loại
Có bệnh uống thuốc hết
Có bệnh không thuốc trị
Và có người bị bệnh
Uống thuốc nhưng không hết
Thế nên những người bệnh
Phân biệt thành ba loại.
Ương-quật-ma-la nói kệ:
Ý nghĩa này không đúng
Không nên nói ba loại
Trị được, không trị được
Chỉ có hai, không ba
Ai phân biệt thành ba
Cũng là Thanh văn thừa
Nếu các Thanh văn thừa
Phật nói thừa ruồi muỗi
Bởi vì họ không biết
Nên phân thành ba loại
Gọi là kẻ tà định
Là hạng Nhất xiển đề
Chánh định là Như Lai
Bồ-tát và nhị thừa
Mục-liên cần phải biết
Hai hạng rất ít có
Là Đức Phật Thế Tôn
Cùng với Nhất xiển đề
Như Lai, Bậc Tối Thượng
Không còn gì trên nữa
Hạng thấp hèn cùng cực
Chính là Nhất xiển đề
Ví như Đại Bồ-tát
Mãn mười Ba-la-mật
Xiển đề cũng như vậy
Đầy đủ mười hạnh ác
Bồ-tát xả thân cho
Đầu, mắt, máu, tủy, não
Xương chất hơn Tu-di
Rất nhiều, không thể tính
Xiển đề cũng như vậy
Cho đầy đủ hạnh ác
Sanh vào đường ngạ quỷ
Tham dục rất mãnh liệt
Tâm luôn luôn tham dục
Nhiều phụ nữ đáp ứng
Và sanh rất nhiều con
Ngày đêm không được vui
Quá khổ vì đói khát
Nên phải ăn con mình
Có loài ngạ quỷ khác
Hóa thành Bà-la-môn
Do nghiệp ác đời trước
Theo bắt trẻ con ăn
Phóng túng tùy ý muốn
Có loại tự ăn mình
Đây là Nhất xiển đề
Đầy đủ các hạnh ác
Thế nên Phật Thế Tôn
Bậc Vô Thượng Hy Hữu
Hạng cực hạ hy hữu
Đó là Nhất xiển đề
Tà định là xiển đề
Chánh định là Như Lai
Trụ địa các Bồ-tát
Và Thanh văn, Duyên giác.

Khi ấy, Thế Tôn hướng về Ương-quật-ma-la nói kệ:

Ương-quật-ma đến đây
Xuất gia thọ tam quy.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Xe này là xe lớn
Gọi là trí vô ngại
Một xe một quy y
Phật đệ nhất nghĩa y
Phật pháp là một nghĩa
Như Lai diệu pháp thân
Tăng số về Như Lai
Như Lai tức là Tăng
Pháp và Tỳ-kheo Tăng
Cả hai phương tiện y
Như Lai phi phương tiện
Là đệ nhất nghĩa y
Thế nên, hôm nay con
Quy y nơi Như Lai
Trong các chỗ quy y
Phật là chân thật y
Như muốn ăn ngó sen
Cần phải giữ chân thật
Bỏ chân ăn hư ngụy
Tự tha không lợi ích
Người ngu si như thế
Ngàn thầy không cứu được
Bỏ một chân thật y
Tu theo phương tiện y
Chúng ngu si như vậy
Ngàn Phật không cứu được.

Thế Tôn bảo Ương-quật-ma-la:

–Ông hãy thọ trì đồng chân tịnh giới.

Ương-quật-ma-la nói kệ hỏi:

Đồng chân nghĩa là gì
Cụ túc giới là gì
Chân Sa-môn là gì
Thế nào là phước điền?
Đức Thế Tôn im lặng không đáp.

Ương-quật-ma-la lại nói kệ:

Ai không biết một y
Là đệ nhất nghĩa y
Không thể biết hai y
Là phương tiện kiến lập
Nên biết người như vậy
Là thế gian đồng chân
Chưa thọ giới cụ túc
Sao gọi là Sa-môn
Không biết một quy y
Làm sao tịnh quy y?
Ai không biết Như Lai
Là đệ nhất nghĩa y
Quy y không thanh tịnh
Sao gọi là Sa-môn
Không biết chân thật y
Sao gọi là phước điền
Với hai quy y này
Chân thật và phương tiện
Không biết rõ sai biệt
Là thế gian đồng chân.

Khi ấy Thế Tôn bảo Ương-quật-ma-la:

–Ông hãy thọ trì giới không sát sanh.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Con quyết định không thể
Thọ trì giới không giết
Con sẽ thường thọ trì
Đoạn tuyệt mạng chúng sanh
Nói chúng sanh ở đây
Là vô lượng phiền não
Ai thường giết phiền não
Gọi là giữ giới sát.

Thế Tôn lại bảo Ương-quật:

–Như vậy thì thọ trì giới không nói dối.

Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:

Con quyết định không thể
Thọ trì không nói dối
Đối với tất cả pháp
Thọ trì lời nói dối
Thọ trì lời hư vọng
Chính là chư Phật pháp
Lời hư vọng ở đây
Là tất cả pháp Không
Lại có pháp hư vọng
Thanh văn cùng Duyên giác
Hành động của Bồ-tát
Tùy thuận theo chúng sanh
Lại có pháp hư vọng
Ta vượt khỏi thế gian
Thọ trì giới cụ túc
Đắc thành A-la-hán
Ta nhận những ăn uống
Tạo cho họ bố thí
Hoặc qua lại kinh hành
Chín lỗ chảy bất tịnh
Ta thọ dụng giày dép
Tăm, y phục, thuốc thang
Đói khát và ngủ nghỉ
Cắt móng tay, cạo tóc
Các bệnh khổ trong thân
Tùy bệnh mà uống thuốc
Ta sẽ nhập Niết-bàn
Như củi hết lửa tắt
Như vậy với tất cả
Các pháp hư ngụy khác
Là do ta phương tiện
Truyền cho khắp thế gian
Thường ngay trong lúc ấy
Vọng ngữ là bất tịnh
Nay thuyết thật và chân
Mục-liên hãy lắng nghe
Pháp thật và chân ấy
Chính là Như Lai tạng
Thân đệ nhất nghĩa thường
Thân Phật bất tư nghị
Đệ nhất không thay đổi
Thân thường hằng cũng vậy
Thân đệ nhất nghĩa tịnh
Diệu pháp thân chân thật
Bất tư nghị như thế
Thân ấy làm sao hiện
Vì vậy pháp ngụy sanh
Thế nên chư Phật dạy
Viễn ly các hư ngụy
Nên gọi Bậc Toàn Giác
Cũng như người chăn bò
Khi bò nghé bị chết
Lột da che nghé khác
Làm bò mẹ hoan hỷ
Như Lai cũng như vậy
Luôn tùy thuận thế gian
Ai với những người điếc
Làm dấu theo người điếc
Mà thuyết pháp cho họ
Như người chăn bò kia
Chúng sanh có suy nghĩ
Như Lai đồng thế gian
Như kẻ chăn bò kia
Dùng vô lượng cách thức
Nhiều phương pháp khéo léo
Hướng dẫn chúng quần sanh
Nếu người chăn bò kia
Không thay bằng nghé khác
Sữa bò mẹ không chảy
Vậy nên lập phương tiện
Như Lai cũng như vậy
Nếu hiện thân tự tánh
Thì khắp cả thế gian
Ai có thể thấy được
Nên dùng phương tiện khéo
Thị hiện tùy thế gian
Làm giải thoát khắp cả
Đó là các Phật pháp
Vậy nên con từ nay
Thường làm việc hư ngụy
Cho đến giết chúng sanh
Tất cả trong hư vọng
Không thọ rời hư vọng
Là giới tịnh của con.

Thế Tôn bảo Ương-quật-ma-la:

–Ông nên thọ giới không uống rượu.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Con cũng không có thể
Giữ giới không uống rượu
Thường giữ giới uống rượu
Ngày đêm luôn phóng dật
Vì vậy kêu gào lớn
Luân hồi trong năm đường
Nhất hướng rất vui thích
Thế nên gọi là rượu.
Từ xe lớn kia sanh
Rượu vô thượng Phật tạng
Nay con uống rượu này
Đủ tự khuyên chúng sanh
Thường trụ không thay đổi
Lành thay! Hoan hỷ uống
Nói lớn tám loại tiếng
Say sưa không cùng tận.

Thế Tôn bảo Ương-quật-ma-la:

–Ông hãy thọ tịnh giới không dâm dục.

Ương-quật-ma-la nói kệ:

Con cũng không có thể
Thọ trì giới không dâm
Con sẽ thường thọ trì
Tham luyến yêu người khác
Thường đến nhà dâm nữ
Hoan lạc cùng với họ
Thiền lạc chính là vợ
Pháp chân đế là con
Tâm từ bi là gái
Pháp Không làm nhà cửa
Vô lượng Ba-la-mật
Lấy làm tòa cao rộng
Phiền não làm lính canh
Thức ăn, lời ẩn dụ
Tổng trì là vườn hoa
Trang trí hoa giác chi
Pháp ngữ là rừng cây
Trí giải thoát là quả
Những cái gọi thế gian
Là thắng lạc đệ nhất
Tuệ là pháp tự tánh
Chẳng phải cảnh người ngu.

Thế Tôn bảo Ương-quật-ma-la:

–Ông nên thọ trì giới không trộm cắp.

Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:

Con cũng không có thể
Thọ trì giới không trộm
Thường lấy của không cho
Cướp tài vật người khác
Không cho là giác ngộ
Không có người trao cho
Không cho mà tự lấy
Con lấy của không cho
Phật dưới gốc Bồ-đề
Không đắc cũng không mất
Đây là pháp tự tánh
Tối thắng không gì hơn.

Phật bảo Ương-quật-ma-la:

–Ông hãy thọ giới không ca múa.

Ương-quật-ma-la nói kệ đáp:

Con thường tập múa nhạc
Hát kệ Càn-thát-bà
Nêu bày Như Lai tạng
Tán dương khen lành thay
Đối với chư Phật kia
Nghe Như Lai thường trụ
Bằng diệu âm thường tụng
Kinh điển của xe lớn
Cũng như là kỹ nhạc
Khẩn-na, Càn-thát-bà
Vô lượng âm thanh hay
Cúng dường các quyển kinh
Nếu các chúng sanh ấy
Thường cúng dường như vậy
Tất cả Phật thọ ký
Vị lai đồng một hiệu.

Pages: 1 2 3 4