PHẬT NÓI KINH SINH RA VÔ LƯỢNG MÔN TRÌ
Hán dịch: Đời Đông Tấn_ Thiên Trúc Tam Tạng PHẬT ĐÀ BẠT ĐÀ LA (Buddha-bhadra)
Việt dịch: Sa môn THÍCH QUẢNG TRÍ
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự ở giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm) tại Tỳ Xá Ly (Vaiśāli) cùng với Chúng Đại Tỳ Kheo gồm bốn vạn người đến dự.
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn buông xả Thọ Hành (tuổi thọ), sau ba tháng nữa sẽ vào Niết Bàn (Bát Niết Bàn: Parinirvāṇa), liền bảo Trưởng Lão Đại Mục Kiền Liên (Mahā-maudgalyāyana): “Ông đi báo khắp cho Thanh Văn Tỳ Kheo và Duyên Giác Đạo với các Bồ Tát ở trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, thảy đều tập hội tại giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm”
Mục Liên (Maudgalyāyana) vâng theo sự chỉ dạy, đến đỉnh Tu Di (Sumeru) nhập vào Định Như Ý, dùng âm thanh lớn báo khắp cả ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, không có ai chẳng nghe biết.
Trưởng Lão Xá Lợi Phất (Śāriputra) tác niệm này: “Nay Ta cũng nên nhập vào Định Như Ý, thỉnh khắp các Tỳ Kheo trong Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa) y theo sự yêu cầu, thảy đều đến tập hội tại giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm”
Tác niệm đó xong, liền y theo Tượng ấy, nhập vào Tam Muội (Samādhi) thỉnh khắp các Tỳ Kheo, người trong Diêm Phù Đề y theo sự yêu cầu đều đến tập hội.
_ Bấy giờ giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm có ba trăm vạn chúng Tỳ Kheo tập hội.
Lúc đó Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vô Si, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Ly Ác Thú, Bồ Tát Vô Ưu Minh, Bồ Tát Ly Ám Cái, Bồ Tát Tịch Chư Cảnh Giới, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Vô Lượng Biện, Bồ Tát Di Lặc rằng: “Thiện Nam Tử (Kula-putra) các ông đi đến cõi nước của hằng hà sa chư Phật, báo khắp cho các Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ, Bồ Tát Bất Thoái Chuyển, Bồ Tát Đắc Bất Khởi Pháp Nhẫn, Bồ Tát Tín Giải…thảy đều đến tập hội tại giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm”
Các vị Bồ Tát đó liền vâng theo sự chỉ dạy, đi báo khắp cho Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ với Bồ Tát Bất Thoái Chuyển được Bất Khởi Pháp Nhẫn, Tín Giải thảy đều đến tập hội tại giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm.
Khi ấy giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm có tám mươi ức trăm ngàn Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ, một ức trăm ngàn Bồ Tát Đắc Bất Thoái Chuyển, ba mươi sáu ức Bồ Tát được Bất Khởi Pháp Nhẫn, sáu mươi ức Bồ Tát được Tín Giải Thoát. Các vị Đại Sĩ đó mội lúc đi đến tập hội tại giảng đường Trọng Các trong tinh xá Đại Lâm”
_Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất thấy các Bồ Tát, Đại Chúng vân tập, liền tác niệm này: “Ta sẽ nương theo Uy Thần của Đức Phật, kính hỏi Đức Thế Tôn, khiến cho các Bồ Tát được lìa lưới nghi, mau thành Biện Tài thâm sâu không ngăn ngại, được nghe chư Phật trong hằng hà sa cõi ở mười phương, nói Pháp niệm trì chẳng quên, mau thành Đạo Vô Thượng Chính Chân, làm bậc Tối Chính Giác. Lại khiến cho Bồ Tát được bốn Pháp Môn trong sạch không cùng tận. Nhóm nào là bốn?
1_ Chúng sinh trong sạch
2_ Pháp trong sạch
3_ Biện Tài trong sạch
4_ Cõi Phật trang nghiêm trong sạch
_ Được bốn Pháp hòa duyệt tối thắng. Nhóm nào là bốn?
1_ Thân hòa duyệt
2_ Miệng hòa duyệt
3_ Ý hòa duyệt
4_ Phương Tiện hòa duyệt
_ Mau thành bốn loại Môn Vi Diệu Trì. Nhóm nào là bốn?
1_ Xuất Sinh Vô Lượng Môn Trì
2_ Thậm Thâm Pháp Nhẫn Trì
3_ Thiện ư Chúng Sinh Chư Căn Trì
4_ Thiện ư Chúng Sinh Nhân Quả Trì
Tôn Giả Xá Lợi Phất suy nghĩ Bồ Tát Thanh Tịnh Vô Lượng Tuệ Địa đấy, muốn Đức Phật tuyên nói, liền đem nghĩa ấy thưa hỏi Đức Thế Tôn.
Lúc đó Đức Thế Tôn khen Xá Lợi Phất rằng: “Lành thay! Lành thay! Xá Lợi Phất mới hay vì các Bồ Tát, hỏi nghĩa như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Ông hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Nay Ta sẽ nói chỗ hành của Bồ Tát, mau thành Công Đức thâm sâu của Đạo Vô Thượng Chính Chân (Anuttara-samyaksambodhi)
Nếu Xá Lợi Phất muốn được Nhất Thiết Trí (Sarva-jñāna), biết tất cả Pháp thì nên học Môn Trì này, nên học Trì Cú này. Ấy là Vô Cú, Chính Cú, Phổ Cú thành tựu, ưa nói ánh sáng thuận Đạo, khéo phân biệt cứu cánh phân biệt, bền chắc điều đã nói, bền chắc Y La Y Lê, Y La Tất Đế Chiên Nhị, làm dấu vết trên hành vi, chẳng động, vắng lặng, lìa các oán địch, minh bạch diệt hẳn, sinh ra Tự Tính trong sạch không dơ, khéo nói các điều có (hữu) không có sở hữu, không có chỗ dính mắc, khéo hay giáng phục, ánh sáng lìa dơ bẩn, khéo tự mình nhiếp Quả mà đại dũng, được Đại Danh Xưng. Động, không có động, dùng Chính Động khó bền chắc, khéo trụ, an ổn dạo chơi không có trở ngại dính mắc, khai mở các Pháp Môn, tùy thuận chỗ đã ứng, kiên quyết mà có Thế. Tinh tiến dũng mãnh được sức Phương Tiện, ánh sáng lớn chiếu sáng khắp cả không có dơ bẩn, Ý hiểu bình đẳng khắp, không có chỗ nào không vào được, không có việc nào chẳng làm qua. Thiện Diệu Trì này là nơi mà chư Phật đã trụ.
Như vậy Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành Trì đối với số, không có số…chẳng dùng phân biệt, cũng không có chỗ đắc được. Đối với các Đoạn Pháp tăng tiến Công Đức mà không có chỗ làm, cũng không có chẳng làm. Chẳng thấy các Pháp có hợp có lìa, có khởi có diệt, cũng không có đi lại. Cái biết của hiện tại cũng chẳng biết Pháp có lực, không có lực. Tu hành niệm Phật chẳng nhớ đến tướng tốt, chẳng nhớ đến Chủng Tính cũng chẳng nhớ đến quyến thuộc. Chẳng phải Giới, chẳng phải Định, chẳng phải Tuệ, chẳng phải hiểu, cũng không có Giải Thoát Độ, Tri Kiến Niệm, không có trụ, không có đắc, chẳng hết phiền não. Chẳng dùng cái biết cũng không có điều gì chẳng biết, chẳng nói năng thuyết Pháp. Chúng sinh chẳng trong sạch chẳng phải là Ta cho nên chẳng phải là kẻ kia. Chẳng phải là Pháp, chẳng phải là Luật, chẳng phải là Uy Nghi, không có trong sạch. Chẳng nhớ đến Thân, chẳng nhớ đến Ý, không có Niết Bàn cứu cánh. Cũng chẳng nhớ đến quá khứ, tương lai, hiện tại, chẳng phải do mình, chẳng phải do người khác. Đối với tất cả Pháp Hành không có người thọ nhận.
Này Xá Lợi Phất! Đấy gọi là chấp nhận tất cả các Pháp tùy thuận Niệm Phật, gọi là nghĩa câu vi diệu của tất cả Pháp đã nhập vào Môn Vô Úy Trì. Tất cả điều ước muốn đều biết rõ ràng nên gọi là tùy thuận Nhất Đạo Tam Muội cũng gọi là tất cả gốc tốt lành (thiện bản). Chẳng do nơi khác mà được Chủng Tính, tướng tốt. Nhân từ Pháp sinh, gọi là Chính Giác hóa độ các việc Ma
Xá Lợi Phất! Đấy là Bồ Tát Xuất Sinh Vô Lượng Môn Trì. Ai có nghe được Trì ấy đều đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) được chẳng lùi chuyển. Tại sao thế? Vì từ Trì này mà rốt ráo tất cả Công Đức của chư Phật đều hay phân biệt nơi mà tất cả chúng sinh đã hành. Do được không có chỗ được (vô sở đắc) cho nên gọi là Xuất Sinh Vô Lượng Môn Trì” Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Kệ là:
“Pháp rỗng (Śūnya: Không) không nghi hoặc
Vì Đạo, chẳng phóng dật
Pháp Tính (Dharmatā) không quên tưởng
Hành mỏi mệt được Trì
Kinh đấy như đã nói
Trì ấy không có hết
Từ đấy sinh Diệu Trí
Mau thành Đạo vô thượng
_ Nếu người được Trì này
Bồ Tát không chỗ sợ (vô sở úy)
Mười phương Phật nói Pháp
Đều đầy đủ Nghĩa Vị (mùi vị của nghĩa)
Nhật sinh vô lượng quang (mặt trời sinh ra vô lượng ánh sáng)
Trì sinh Trí như vậy
Cho đến Pháp vô thượng
Các Trì Môn vi diệu
Tất cả từ câu đấy
Nên khéo giữ (hộ) Kinh này
Liền khiến tất cả người
Cùng kiếp, nghĩ khó hỏi
Đều hay quyết định Nghi
Trí ấy chẳng thể hết
Ngồi gần Đạo vô thượng
Là Chân Pháp Vương Tử
_ Người trì Pháp gần gũi
Thường nhớ nghĩ Kinh, nên
Được chúng sinh kính trọng
Mười phương Phật hộ niệm
Tiếng vang khắp mười phương
Do cầm giữ Kinh này
Sắp chết đều hay thấy
Tám mươi ức chư Phật
Tất cả đều trao tay
Tiếp nhận người trì Kinh
_ Nếu ở ức ngàn Kiếp
Gây các nghiệp chẳng lành
Một tháng có thể trừ
Nên nhận tụng Kinh này
_ Nơi Bồ Tát hưng Phước
Ức kiếp đến gom chứa
Khéo tụng Trì Kinh này
Một tháng bằng vị ấy
Sức niệm, sức tinh tiến
Tam Muội, Thắng Diệu Trì
Thảy đều hiện trước mặt
Mau thành Tối Chính Giác
_ Chúng sinh trong ba cõi
Tất cả đều là Ma (Māra)
Chẳng thể khiến Trung Đoạn (chặt đứt khoảng trung gian)
Người tu tập Kinh đấy
Từ ấy thành Đế Thuyết (thuyết chân thật)
Từ ấy Pháp cứu cánh
Từ ấy được thành Đạo
Đắc được Nhất Thiết Trí
Xưa kia, nghe Trì này
Định Quang (Dīpaṃkara: Nhiên Đăng Phật) trao Ta quyết
Hằng sa đẳng chư Phật
Tức thời đều hay hiện
_ Muốn nghe mười phương Phật
đã nói, đều hay hiểu
Nên chuyên tập Trì này
Tất cả mau được thành
Cõi nước Phật trang nghiêm
Chúng thanh tịnh, thành tựu
Tướng ánh sáng, Chủng Tính
Sẽ từ Kinh này được
_ Được trừ Tâm phóng dật
Bảy ngày chuyên nghĩ nhớ
Tám mươi ức chư Phật
Đều đến trao Kinh này
Chẳng nghĩ, nghĩ chỗ nghĩ
Cũng chẳng nghĩ không nghĩ (vô tư)
Nghĩ này cũng không nghĩ
Từ đấy mau được thành
Tôn sùng Kinh Giáo đấy
Nơi Đạo, đừng nghi hoặc
Ví như trong biển lớn
Chẳng nên nghi không báu (không có vật báu)
Muốn an các Trời, Người
Tất cả Nguyện chẳng khó
Đây là Đạo sinh Tâm
Chỉ nên Chính Ý hành”
_ Lại nữa Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu bốn Pháp mau được Trì này. Nhóm nào là bốn? Chán lìa Ái Dục. Chẳng sinh Tâm ganh ghét. Đối với tất cả chúng sinh ban cho tất cả điều có được (hữu). Ngày đêm cầu Pháp, Tâm chẳng mệt mỏi”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Kệ là:
“Chán lìa nơi Sắc Dục
Duyên cõi Ma, Địa Ngục
Phóng dật tạo mọi ác
Ác khiến rơi đường ác
Với người, chẳng ganh ghét
Chẳng vướng vào danh tiếng
Thương yêu chúng sinh đó
Tôn quý, sắc đoan nghiêmn
_Chúng sinh khởi oán tranh
Đều do Tham (Rāga) làm gốc
Thế nên phải buông Ái (yêu thương)
Ái buông, thành Diệu Trì
Ngày đêm thường ưa Pháp
Trút Dị (điều khác lạ) trút Đạo Cầu
Người chuyên tinh cầu Đạo
Mau được thành Diệu Trì”
_ Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát lại có bốn Pháp mau được Trì này. Nhóm nào là bốn? Ở nơi nhàn hạ, chí vắng lặng (nhàn cư tịch chí). Được Pháp Nhẫn sâu. Chẳng cầu lợi dưỡng. Tất cả bên trong bên ngoài, ban bố hết không có dư sót. Đấy là bốn Pháp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Kệ là:
“An nhàn lặng Chí, Phật khen ngợi
Tự giữ Không Tĩnh chẳng khinh bỉ
Thường vui tu tập Pháp Nhẫn sâu
Như cứu đầu cháy (cái đầu bị cháy) chẳng phóng dật
Chẳng cầu danh dự với lợi dưỡng
Nhân đây, tạo các hành Siểm Khúc (Vaṅka, kuhana: khinh khi lừa dối người khác)
Nơi nơi biết đủ như chim bay
Tiết Thân Tổn Kỷ (kềm chế thân, hạn chế sự ích kỷ) tu Nhân Hạnh (thực hành điều Nhân Nghĩa Đạo Đức)
Thích thay! Được Phật dạy
Xuất Gia, nhận đủ Giới
Buông nhà, lìa mọi khổ
Tuân tu nơi Phật Giáo
_ Nếu chẳng được Phật dạy
Xuất Gia là Giới lợi
Tín (Śraddhā), Giới (Śīla), Thí (Dāna), Văn Tuệ (Śrutimayo Prajñā)
Thảy đều chẳng thành tựu
Lỗi này, lìa xa Phật
Thế nên, buông Tham Lợi”
_ Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát lại có bốn Pháp, thành tựu mau được Trì đấy. Nhóm nào là bốn?
1_ Nghĩa của tám chữ, tùy theo nghĩa đều nhập vào trong điều ấy.
Tám chữ là Ba (PA) La (LA) Bà (BA) Ca (KA) Xà (JA) Đà (DHA) Xa (ŚA) Xoa (KṢA)
Ba (PA): là Đệ Nhất Nghĩa. Tất cả các Pháp Vô Ngã đều đến nhập vào Môn này
La ( LA): là tướng tốt, không có tướng. Như thân của Như Lai nhập vào Pháp Tính
Bà (BA): là Pháp ngu si với Pháp Trí Tuệ, tùy thuận nhập vào nghĩa
Ca (KA): là Nghiệp Hành Quả Báo với Phi Nghiệp Hành Báo thảy đều rốt ráo, tùy thuận nhập vào nghĩa
Xà (JA): Sinh, Duyên, già, chết thảy đều tùy nhập vào chẳng sinh chẳng diệt
Đà (DHA): là tất cả các Trì đều tùy nhập vào Không, Vô Tướng, Vô Nguyện
Xa (ŚA): là tất cả các Trì đều tùy nhập.
Xoa (KṢA): là tất cả các Pháp đều nhập vào Như Thị
Nghĩa của tám chữ như vậy, đều nhập vào trong điều ấy
2_ Khéo viết Kinh này, cầm giữ chẳng buông bỏ
3_ Mỗi nửa tháng tụng tập Kinh này
4_ Kỹ lưỡng, nên cung cấp cúng dường người trì Kinh này
Khi ấy Đức Thế Tôn nói Kệ rằng:
“Nên nghĩ nghĩa tám chữ
Khéo viết giữ Kinh này
Nửa tháng, tiếp theo Tụng
Khuyến phát người hành trì
Được ngồi Đạo Trường, đủ Diệu Tướng
Nên siêng tu tập Trì Hành này”
_ Lại nữa Xá Lợi Phất! Bồ Tát học Trì này được bốn Công Đức Lợi. Nhóm nào là bốn?
1_ Được chư Phật mười phương nhớ đến
2_ lìa các việc Ma
3_ Tội ác, nghiệp chướng mau được thanh tịnh
4_ Vô Ngại Đoạn, Biện Tài thảy đều thành tựu
Đấy là bốn Pháp
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Kệ rằng:
“Chư Phật thường hộ niệm
Chúng Ma chẳng được tiện
Tội, Nghiệp Chướng đều trừ
Được Diệu Vô Lượng Trì”
_ Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Xưa kia, vào thời quá khứ cách nay vô số kiếp, có Đức Phật Thế Tôn, hiệu là Bảo Thủ Diệm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn
Này Xá Lợi Phất! Khi Đức Như Lai Bảo Thủ Diệm Vương kia sắp diệt độ thời có vị Chuyển Luân Vương tên là Trì Quang Minh là vua của bốn Thiên Hạ, vui thích được tự tại. Nhà vua có vị Thái Tử tên là Vô Niệm Đức Đạo, khi mới sinh ra thời hình thể như Đồng Tử mười sáu tuổi, theo Đức Thế Tôn ấy được nghe Trì này. Nghe Trì này xong, chuyên tinh cầu học, trải qua bảy ngàn năm chẳng bị sự mê ngủ chất chồng ngăn che. Trong bảy ngàn năm chưa từng dấy lên sự yêu thích cái Thân, chưa từng nhớ đến việc của vua chúa. Lại trong bảy ngàn năm, thân chẳng dựa nằm, ngồi ngay thẳng Chính Thọ (Samāpatti: tên riêng của Thiền Định). Lúc đó liền thấy chín mươi ức na do tha chư Phật, theo các vị ấy nghe Pháp đều hay thọ trì, rộng vì người nói, ở trong một đời thành tựu tám mươi ức na do tha người, dựng lập Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), khuyến tiến, dạy bảo khiến cho chẳng chuyển lùi
Thời đó, trong Chúng có vị Trưởng Giả Tử tên là Nguyệt Tràng được nghe Trì này, chí Tâm tùy vui. Do nhân duyên mà vị ấy đã tùy vui căn lành, cho nên thường được gần gũi chín mươi ức Đức Phật, được Tối Thượng Trì, được Tối Thượng Xứ, vô lượng Biện Tài. Lại ở ba Kiếp gần gũi chư Phật, khi đến thời cuối cùng của ba kiếp thì Nguyệt Tràng được thành Đức Phật hiệu là Đăng Quang Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác. Còn vị vương tử Vô Niệm Đức Đạo trong thời đó, nay là Đức Phật Vô Lượng Thọ (Amitāyus) ở phương Tây
Này Xá Lợi Phất! Ta cùng với các vị Bồ Tát đời Hiền Kiếp, từng nghe Trì này, nghe xong tùy vui. Dùng nhân duyên căn lành của sự tùy vui này, trừ khử được tội sinh tử trong bốn mươi vạn kiếp, lại được gần gũi chín mươi ức Đức Phật.
Thế nên Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát muốn mau được thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì đối với Diệu Trì này, nên siêng năng tùy vui. Công Đức tùy vui cho đến Bồ Tát Bất Thoái Chuyển Địa làm nhân duyên lớn, huống chi là viết giữ, nhận tụng, như Thuyết tu hành. Tất cả người dân không thể nghĩ lường xưng nói Phước ấy được” Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Kệ rằng:
“Nghe Kinh, Tâm tùy vui
Viết, giữ, kính, phúng tụng
Trời, Người không thể tính
Hạn lượng của Phước Báo
Đời đời thường thấy Phật
Tin, hướng, chẳng lay động
Thể Giải (thông đạt hiểu biết) Pháp yếu sâu
Mau hiểu Đạo vô thượng
Tam Muội (Samādhi) chẳng lui giảm
Ba Minh, Môn Tổng Trì
Tài sắc thường thấy Phật
Cho đến Đạo vô thượng
Nghĩ nhớ đời quá khứ
Trưởng Giả Tử nghe Trì
Liền thấy chín mươi ức
Na do tha chư Phật
Mong cầu như Nguyện ấy
Được thành Đạo vô thượng
_ Nếu muốn mau thành Phật
Sức Đạo giáng (giáng phục) chúng Ma
Muốn đủ trăm tướng Phước
Hành đây, chẳng có khó
Như đầy hằng sa cõi
Gom báu đem bố thí
So viết, giữ Kinh này
Cuối cùng chẳng sánh được”
_ Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành Trì này, có tám vị Đại Quỷ là Thần của núi Tuyết cùng nhau trông nom bảo vệ. Các vị ấy tên là: Dũng Kiện Thần, Cưỡng Lực Thần, Tự Tại Thần, Hùng Mãnh Thần, Tri Hành Thần, Nan Thắng Thần, Cưu Ma La Thần, Thiện Tý Thần. Đấy là tám vị.
Người kia muốn khiến chư Thần đi đến, thì nên tắm gội thân mình sạch sẽ. Quần áo ấy là màu sắc chính đúng, Kinh Hành, nhớ yêu thương giúp đỡ (từ niệm) chúng sinh, nghĩ điều cần thiết của Pháp đấy như nghĩ nhớ ấy, thời các hàng Thần kia tìm đến, hiện ra trước mặt.
_ Lại có tám vị Bồ Tát sinh ở cõi Trời Dục Hành cũng thường hộ niệm. Nhóm nào là tám? Chiếu Minh Thập Phương Thiên Tử, Ly Dục Hành Thiên Tử, Tuệ Quang Thiên Tử, Như Nhật Thiên Tử, Chân Đế Thiên Tử, Nguyện Mãn Thiên Tử, Tinh Vương Thiên Tử, Tri Hành Thiên Tử. Đấy là tám vị. Nhóm Bồ Tát này thường đến hộ niệm, khiến cho người kia chuyên tinh, mau được Diệu Trì.
Người thực hành Trì này, lấy sự chân thật làm gốc mà thường cúng kính, nên nhớ biết ân, học Pháp quán không sinh không diệt của nhóm Pháp Nhẫn sâu, bình đẳng giữ Giới, tự bảo vệ mình với người khác”
_ Khi nói Pháp đấy thời ba mươi hai (32) hằng hà sa đẳng Bồ Tát tìm được Trì này, chẳng thoái lùi nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Sáu mươi (60) vạn người được Bất Khởi Pháp Nhẫn. Ba vạn hai ngàn vị
Trời và Người đều phát Vô Thượng Chính Chân Đạo Ý
Lúc đó ba ngàn Đại Thiên Thế Giới chấn động theo sáu cách, Trời tuôn mưa mọi loài hoa tràn khắp cả Thế Giới, Trời phát ra kỹ nhạc chẳng đánh tự kêu.
_ Bấy giờ, Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nên dùng tên gì cho Kinh này?”
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Tên gọi chủ yếu của Kinh này là Vô Lượng Môn Trì, cũng gọi là Nhất Sinh Bổ Xứ Đạo Hạnh, cũng gọi là Thành Đạo Giáng Ma Nhất Thiết Trí. Nên phụng trì như thế”
Khi nói Pháp đấy thời Tôn Giả Xá Lợi Phất với các Bồ Tát ở mười phương đến dự hội kèm với các Chúng Hội, Trời, Người, Càn Thát Bà, A Tu La…nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ.
PHẬT NÓI KINH XUẤT SINH VÔ LƯỢNG MÔN TRÌ
_Hết_
24/08/2012