KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT NGHĨA SỚ

QUYỂN TRUNG

Ngài Tam tạng Cương-lương-da-xá, người Tây Vực đời Lưu Tống, dịch.
Thích Nguyên Chiếu – Chùa Sùng Phước ở Linh Chi thuộc Tây Hồ soạn.

Giải thích riêng văn kinh, có hai phần:

Thứ nhất: Giải thích đề kinh.

Thứ hai: Giải thích văn kinh.

I. Giải thích đề kinh:

Theo văn kinh ở dưới, ngài A-nan thưa hỏi Đức Phật và lập thành hai tên gọi: Ban đầu chép: Kinh này tên là Quán Cực lạc Cõi nước Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát và thêm một chữ kinh, cộng chung là mười hai chữ, đó là đặt tên theo tâm và cảnh. Cũng gọi là Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sinh Chư Phật trên. Lại thêm một chữ kinh, cộng có chín chữ, đó là đặt tên theo chỗ phá nghiệp chướng chiêu cảm được quả báo.

Theo tên gọi thứ nhất thì chữ Quán là Trí năng quán, và mười tám chữ ở dưới là cảnh Sở quán, cõi nước Cực lạc tức là y báo gom nhiếp sáu phép quán ở trước, và từ Vô Lượng Thọ trở xuống tức là chánh báo gom nhiếp mười phép quán ở sau.

Quán Phật là gom nhiếp chung ba phép quán ở trước và hai vị Bồtát ở dưới là gom nhiếp chung cả bảy phép quán. Vì cho nên một tựa đề này có đầy đủ mười sáu phép quán.

Theo tên gọi thứ hai thì Tịnh trừ nghiệp chướng là gom nhiếp chung lực dụng của mười sáu quán hạnh trước, quán thành tựu thì phá trừ nghiệp chướng, tức là thấy nhân. Sinh ở trước Chư Phật tức là quả báo của đời sau. Không chỉ Đức Phật A-di-đà mà nói “Chư Phật” tức như kinh chép: Thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ tức là thấy được vô lượng các Đức Phật trong mười phương v.v… Ở đây các nhà phiên dịch chỉ dùng phần tên gọi thứ nhất nhưng vẫn theo sự tĩnh lược, chỉ căn cứ theo các Đức Phật để phù hợp sâu xa với ý chỉ kinh.

Sớ của Đại sư Thiên Thai Trí Giả chép: Nêu chánh báo để gom nhiếp y báo, nói Đức Hóa chủ để bao gồm đồ chúng. Quán tuy có mười sáu pháp nhưng nói Phật thì đủ khắp. Đó là nêu lên sơ lược những chỗ thiết yếu, gom nhiếp trước sau để giải thích. Sớ của ngài Tuệ Viễn chép: Vì kinh lấy quán Phật làm chính nên nêu riêng, đó là y theo các tông quán của kinh để giải thích. Nay thấy rõ ý nghĩa của hai giải thích ở sau thì rất dài vì chính là quán Phật, nhưng trước phải có cõi nước dùng làm lý do, dần dần sau đó nhân quán Phật và đồ chúng để nói rộng khắp. Thế nên trong văn quán Phật gọi riêng là Tam-muội niệm Phật.

Trong đề, bảy chữ ở trước là đề riêng, riêng ở văn này, một chữ ở sau là đề chung, chung cho các kinh điển. Hai chữ ở trước là nêu Đức Giáo chủ năng thuyết và năm chữ ở sau là chỉ bày phương pháp tu hành sở thuyết.

1. Trong phần năng thuyết, Phật là một hiệu trong mười đức hiệu, thuyết là làm vui lòng chúng, Hóa chủ cõi này là Đức Phật Thích-ca, vì thế chỉ nêu đức hiệu chung. Còn cảnh sở quán ở dưới sợ lạm đến các Đức Thế tôn khác, vì thế chung và riêng đều nêu cả hai. Luận Trí Độ chép: Kinh do năm hạng người chép:

  1. Phật
  2. Thánh đệ tử
  3. Các vị tiên
  4. Các vị trời và quỷ thần
  5. Người biến hóa.

Đó là muốn nói kinh này do chính Đức Phật tự nói, phân biệt chẳng phải người khác để chúng sinh tin nhận.

Tuy nhiên giáo và luật trong một đời Đức Phật thì chỉ có Đức Phật nói đặc biệt cao siêu, rõ ràng, hoặc bí mật. Kinh được cả những hạng người khác nói nhưng phải được ấn chứng mới đáng tin. Theo trong kinh, pháp môn Tịnh độ chắc chắn là Đức Phật nói để nói lên chẳng phải là chỗ biết của các Tiểu thánh, hoặc các hạng phàm phu khác. Vì thế các kinh khác hoặc bao dung không chấp chặt, còn các kinh Tịnh độ đều phải nêu lên để phân biệt.

2. Trong phần pháp sở thuyết, một chữ ở trên là tâm năng quán và bốn chữ dưới là cảnh sở quán. Trong phần thứ nhất, các phép quán của Đại thừa và Tiểu thừa đều chỉ cho thức thứ sáu làm thể năng quán. Trong năm ấm thì thuộc về hành ấm thiện, thể của ba thứ tâm ở trước hành, chỉ là vô ký phải dùng hành tâm để thành tựu nghiệp mới cảm được quả báo, chiêu vời sự sinh khởi. Theo văn kinh ở dưới hoặc gọi là tưởng niệm, hoặc gọi là tư duy, cách gọi thì khác nhưng thể lại giống nhau, phải chăng đều chỉ ý tứ là năng quán.

Kế là, trong phần sở quán, tiếng Phạn là A-di-đà, Hán dịch là Vô Lượng Thọ, cũng dịch là Vô Lượng Quang, tức là trong bốn mươi tám lời nguyện có hai lời nguyện ánh sáng và tuổi thọ nếu có hạn lượng thì không thành Chánh Giác. Tuổi thọ biểu thị cho phước, là đức giải thoát, ánh sáng biểu thị cho trí, là đức Bát-nhã. Bát-nhã và giải thoát cùng trang nghiêm pháp thân, tức là Đức Giáo chủ gom nhiếp chúng sinh về Cõi Tịnh đồng cư. Bồ-tát Quan Thế Âm bổ xứ thật có hạn lượng tuổi thọ nhưng theo phàm phu và Tiểu thừa thì chẳng thể tính toán, vì thế nói là vô lượng. Phật, nói đủ là Phật-đà, Hán dịch là Giác. Giác có hai nghĩa:

Thứ nhất là nghĩa giác sát, tứ trụ như giặc và chỉ có bậc Thánh mới giác biết, không thể làm hại.

Thứ hai là nghĩa giác ngộ, vô minh như giấc ngủ, trí tuệ của bậc Thánh một khi khởi lên thì như giấc ngủ được thức giấc đối với người nhị thừa kia, nên gọi là Đại giác. Và vượt qua địa vị Đẳng giác kia, vì thế gọi là Diệu giác. Lại theo một tướng, còn lại nói riêng về thân tướng quang minh đầy đủ như quán Phật. Kinh, tiếng Phạn là Tu-đa-la, Hán dịch là Tuyến, là lý xuyên suốt. Gom nhiếp và giữ gìn chúng sinh, có khả năng xuyên qua, có khả năng gom nhiếp như sợi chỉ, tức là năng thuyên, giáo thành, danh, cú, văn. Do giáo mà biết được lý, y theo lý để khởi sự tu hành, nhờ sự tu hành mà cảm được quả. Lý, hạnh và quả đều sinh ra từ giáo, vì thế biết thời tượng pháp, mạt pháp, chỉ giáo là có công năng làm nhân duyên đắc đạo, là nền tảng sinh ra đạo, nên người xưa quở trách để dứt trừ thái độ trì trệ. Kẻ mạt học ngông cuồng ngu si, sinh ra sự khinh miệt, cắt đứt hạt giống Phật, hủy hoại pháp thân Phật, mãi mãi rơi xuống hố tà ma, mãi gặp ách nạn. Dù rằng chấp ngón tay là mặt trăng, cho bè là bờ cũng là nhân duyên giải thoát xa, không mất phước báo trời, người, huống chi là sự siêu phàm bạt tụy là chỗ lợi ích không thể cùng tận. Sớ xưa lại chép: Dạy pháp, dạy thường, từ miệng vàng của bậc Thánh, thế nên gọi là kinh.

II. Giải thích văn kinh.

Văn kinh chia làm ba, tức là ba phần: Phần tựa, phần chánh tông và phần lưu thông.

Từ đầu đến cõi nghiệp thanh tịnh là phần tựa.

Từ “Bấy giờ, Đức Phật phát ra ánh sáng từ giữa hai đầu chân mày

cho đến vô lượng các vị trời phát đạo tâm vô thượng” là phần chánh tông.

Từ “Khi ấy, ngài A-nan bạch Phật nên đặt tên kinh này là gì… trở xuống cho đến cuối văn là phần lưu thông.

Ba phần phán kinh hoặc đầy đủ, hoặc thiếu là tùy kinh mà khác nhau, không hẳn như nhau. 1. Thứ nhất là Phần tựa:

Từ đầu cho đến “Là bậc Thượng thủ” gọi là phần tựa chứng tín,

vì sáu việc cùng làm chứng giúp cho không còn sự nghi ngờ.

Bấy giờ ở Đại thành Vương-xá trở xuống gọi là phần tựa phát khởi, vì pháp không phát khởi một mình mà phải mượn nhân duyên để phát. Và cũng gọi là hai phần tựa chung và riêng.

Phần tựa chứng tín chung cho các kinh điển. Còn phần tựa phát khởi thì riêng ở kinh này. Lại, phần tựa chứng tín thì văn chung mà nghĩa riêng, “Các pháp như vậy” pháp hạn cục chỉ kinh này. Còn phần tựa phát khởi thì văn riêng mà nghĩa chung, đầu các kinh đều có nhân duyên. Lại, phần tựa chứng tín kết tập mới đặt, gọi là phần tựa sau kinh.

Phần tựa gồm hai phần:

a) Từ đầu cho đến “Là bậc Thượng thủ” gọi là phần tựa chứng tín, vì sáu việc cùng làm chứng giúp cho không còn sự nghi ngờ. Sáu việc đó là:

Thứ nhất, “Như vậy”, tức là chỉ cho pháp mà phần chánh tông nói.

Thứ hai, “Tôi nghe”, là ngài A-nan đích thân nghe từ Đức Phật, là nói về chẳng phải tự mình nói.

Thứ ba, “Một thời”, là bắt đầu từ khi chúng nhóm họp đến cuối cùng xong cuộc kết tập là một thời kỳ để phân biệt chẳng phải thời gian khác.

Thứ tư, “Phật”, là Đức Giáo chủ nói giáo, nói lên chẳng phải người khác.

Thứ năm, Từ thành Vương-xá trở xuống là chỗ nói kinh.

Thứ sáu, Chúng Đại Tỳ-kheo… cùng nghe.

Thứ nhất: Chỉ cho pháp sở thuyết của phần chánh tông. “Như thị” : Xứng với lý gọi là như, xa lìa chỗ không phải gọi là thị, chắc chắn đáng tin, vì thế gọi riêng là Như thị.

Thứ hai: “Tôi nghe”, tức là ngài A-nan đích thân nghe từ Đức Phật, là nói về chẳng phải tự mình nói. “Tôi nghe”: Các pháp vô ngã, vô ngã thì không nghe nhưng theo giả danh của thế tục nên nói là “tôi nghe”.

Thứ ba: “Một thời”, tức là bắt đầu từ khi chúng nhóm họp đến cuối cùng xong cuộc kiết tập là một thời kỳ, để phân biệt chẳng phải thời gian khác. “Một thời” : Các thời nói kinh của Đức Như lai nhiều vô lượng không thể chỉ cố định, nên nói là nhất thời. Lại, vì cõi nước phương Tây này năm, tháng, ngày, giờ khác nhau, nên khi truyền bá đến các phương khác thì mọi người khó hiểu. Lại, các kinh hoặc có một cuộc nói pháp chưa xong, sau đó kết tập mới soạn thành văn, trước sau bất nhất rất khó chỉ ra. Tức là như kinh này vua A-xà-thế gây ra tội nghịch, Đức Như lai nói kinh, ngài A-nan thuật lại thì đâu phải cùng thời, cho nên dùng “Một” để nói, tức là bao la sự cùng tận ấy.

Thứ tư: “Phật”, là Đức Giáo chủ nói giáo, nói lên chẳng phải người khác. “Đức Phật”: Phật, Hán dịch là Giác, tự mình giác ngộ nên khác với phàm phu, giác ngộ cho ng khác khác với Nhị thừa, hạnh giác ngộ đầy đủ nên khác với các Bồ-tát, vì thế gọi là Đại giác. Tức là chỉ cho vị Đại sư Thích-ca mở bày pháp môn Tịnh độ.

Thứ năm: từ thành Vương xá v.v… trở xuống là chỗ nói kinh, có hai:

Thứ nhất, Cảnh du hóa.

Thứ hai, Chỗ y chỉ.

Thứ nhất, Cảnh du hóa: Ở thành Vương-xá.

Tiếng Phạm là La-duyệt-kỳ-già-la, Hán dịch là Vương-xá. Theo sự giải thích của luận Trí Độ thì nói là vị trí khai sáng của vua ngày xưa, vì thế gọi theo gốc tức là chỗ ở của vua.

Thứ hai: Chỗ y chỉ : Trong núi Kỳ-xà-quật.

Kỳ-xà-quật, Hán dịch là Linh Thứu, vì các vị thần linh nương theo đó để ở.

Lại, núi này hình dạng giống như con chim thứu, hoặc là chỗ nghỉ ngơi của các loài chim thứu nên lấy đó làm tên gọi.

– Thứ sáu: “Đại Tỳ-kheo”, tức chúng cùng nghe, có hai chúng:

Thứ nhất: Chúng Thanh văn.

Thứ hai: Chúng Bồ-tát.

­ Thứ nhất: Chúng Thanh văn.

“Cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.”

Nếu nói theo chí nguyện thì chúng Bồ-tát là trước. Còn ở đây nói theo oai nghi, vì thế đặt chúng Thanh văn ở trước. Thanh văn lại có hai:

Đại Tỳ-kheo tức là các vị Đại đệ tử Thượng thủ như ngài Ca-diếp, ngài A-nan, ngài Mục-liên v.v…

Một chữ Đại, tức là khen ngợi đức hạnh, tiếng Phạm là Ma-ha, Hán dịch là Đại Đa Thắng, được trời, người tôn kính nên gọi là Đại, vì hiểu rõ khắp các kinh sách nên nói là Đa, vì vượt ra khỏi các đạo giáo khác nên gọi là Thắng. Gọi là Tỳ-kheo có ba nghĩa: Khất sĩ, Bố ma và Phá ác. Tên hiệu của quả là A-la-hán, cũng có ba nghĩa: Ứng cúng, Sát tặc và vô sinh. Tiếng Phạn là Tăng-già, Hán dịch là Chúng, gồm bốn vị trở lên hòa hợp không tranh cãi. Yết-ma nói giới có công năng phân biệt được tất cả những việc sinh thiện diệt ác, nên gọi là chúng.

Một ngàn hai trăm năm mươi vị tức là các đệ tử quyến thuộc: Ba anh em ngài Ca-diếp, có một ngàn vị đệ tử. Ngài Mục-liên có hai trăm năm mươi vị. Những vị này trước kia đều là ngoại đạo thờ lửa. Chịu gian khổ đã lâu nhưng đều không có chỗ chứng đắc. Vừa gặp Đức Như lai liền chứng được quả Thánh, và vì sự cảm kích đến ơn sâu của Phật nên thường theo hầu.

­ Thứ hai: Chúng Bồ-tát, có ba:

Thứ nhất: Chỉ bày địa vị.

Thứ hai: Nêu số lượng.

Thứ ba: Lược nêu các bậc Thượng thủ.

Thứ nhất: Chỉ bày địa vị. “Bồ-tát”: Tiếng Phạm là Ma-ha Bồ-đề-chất-đế-tát-đỏa. Hán dịch là Đại đạo tâm thành chúng sinh. Tuy tên gọi bao gồm hạnh Đại thừa và Tiểu thừa, sự tu hành thì có sâu có cạn, nhưng ở đây cùng nghe đều là các vị Bổ xứ.

Thứ hai: Nêu số lượng.“Có ba mươi hai ngàn”: Nêu chúng quyến thuộc Thượng thủ.

Thứ ba: Lược nêu các bậc Thượng thủ. “Ngài Văn-thù-sư-lợi con của Đấng Pháp Vương là bậc Thượng thủ.”: Văn-thù-sư-lợi, Hán dịch là Diệu Đức, đó là theo chỗ dùng chánh pháp giáo hóa chúng sinh để nối thịnh hạt giống Phật gọi là Pháp Vương Tử. Sự sắp xếp chúng tr kinh Vô Lượng Thọ và kinh A-di-đà rất rộng. Còn kinh này thì rất đơn giản và khi phiên dịch đều có chí hướng khác nhau. Tính ra nên xếp trời, người thành chúng xen lẫn. Trong phần lưu thông ở dưới chép: Vô lượng các vị trời, rồng, dạ-xoa v.v… tức là biết trong phần tựa cũng có sự lược bớt.

“Bấy giờ, ở đại thành Vương xá v.v…” v.v… trở xuống gọi là phần tựa phát khởi, vì pháp không phát khởi một mình mà phải mượn nhân duyên để phát.

b) Và cũng gọi là hai phần tựa chung và riêng.

Phần duyên khởi các kinh tùy theo việc mà khác nhau, kinh này thì dùng việc sát nghịch làm phần tựa phát khởi, sơ lược có hai ý:

Vì muốn nói về chúng sinh ở cõi này rất đáng ghét. Con do cha mẹ sinh ra mà còn dám giết hại cha mẹ, huống chi đối với người khác, ý muốn cho các chúng sinh trong đời mạt pháp ưa thích Tịnh độ.

Vì để nói lên cơ duyên của cõi này chẳng phải khi gặp cảnh cực khổ mà không nghĩ tới việc thoát ly là cầu vãng sinh. Vì cho nên trở xuống bà Vi-đề-hy chép: Nói rộng những cõi nào không có sự lo buồn sầu não cho con nghe để con được sinh về cõi đó, con không muốn ở cõi Diêm-phù-đề là cõi đời vẩn đục v.v… Trong đó, chia làm hai:

Từ đầu đến vẻ mặt hòa nhã tươi vui, chính là nói nhà vua bị giam nhốt.

Từ “Lúc đó, vua A-xà-thế hỏi người giữ cửa” v.v… trở xuống là phần thứ hai nói về muốn hại mẹ.

– Từ đầu đến vẻ mặt hòa nhã tươi vui, chính là nói về nhà vua bị giam nhốt. Có bốn phần:

  1. Vua Tần-bà-sa-la bị con giam trong ngục tối.
  2. Phu nhân Quốc Thái hòa mật và bột gạo rang thành tương dâng lên vua.
  3. Cầu thỉnh giới pháp để cứu giúp tâm thần.
  4. Nhờ nghe pháp và ăn uống mà lâu ngày vua không chết.

­ Vua Tần-bà-sa-la bị con giam trong ngục tối.

Bấy giờ, ở Đại thành Vương-xá có một vị Thái tử tên là A-xà-thế nghe theo lời xúi giục của bạn ác Điều-đạt, bắt giam nhà vua là Tầnbà-sa-la giam trong bảy lớp ngục tối, rồi ra lệnh cấm các quan không cho ai được lui tới.

A-xà-thế, Hán dịch là Vị sinh oán. Kinh Niết-bàn chép: Vì khi chưa sinh, có các vị đến xem tướng đều chép:

Đứa con này sau khi sinh rồi chắc chắn sẽ hại cha. Lại chép: A-xà dịch là Bất sinh; thế dịch là oán. Vì không sinh tánh Phật nên sẽ sinh sự oán giận phiền não v.v… Điều-đạt nói đủ là Đề-bà-đạt-đa, Hán dịch là Thiên Nhiệt. Khi sinh ông, tâm của các vị trời đều nóng bức vì biết ông Điều-đạt ra đời chắc chắn sẽ phá hoại Tam bảo, là con vua Hộc Phạn, em họ của Phật và anh ruột ngài A-nan. Có ba mươi tướng, khi xuất gia tụng sáu muôn pháp tụ, mười hai bộ Vi-đà. Vì thấy Đức Như lai được vua và các quan quy ngưỡng, lợi dưỡng đầy đủ nên sinh tâm ganh ghét, liền đến thưa với Đức Phật xin muốn nhiếp chúng và bị Đức Phật quở mắng, bèn âm mưu hại Phật. Ngài A-nan không biết, dạy cho phép thần thông, vào núi tu tập, chứng được năm thứ thần thông, mới tự mình suy nghĩ “Ai làm kẻ đàn-việt”. Thấy Thái tử A-xà-thế có tướng Đại vương, bèn dùng các thứ biến hiện để mê hoặc khiến Thái tử tin nhận, rồi nói với Thái tử rằng: Tôi làm Phật mới, còn Ngài làm vua mới, sao không sướng thích ư? Vì cho nên Điều-đạt xô đá đè Phật. Thần Kim Cương Mật Tích dùng chày đập, đá vụn bay tán loạn làm bị thương ngón tay và chân của Đức Phật, làm thân Phật chảy máu. Rồi ông tự xưng là Phật, dùng năm pháp để giáo hóa mọi người, dùng phép thần thông thứ ba để nghe suốt v.v… năm trăm vị mới tu học chịu sự giáo hóa tà ma của Điều-đạt, khất thực riêng chúng, tự mình bố tát, đó là phá hoại Pháp luân tăng.

Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc gặp giữa đường quát mắng; ông liền dùng thoi đắm lòi mắt, tức là giết A-la-hán, phạm ba tội nghịch đọa vào địa ngục. Cộng với vua A-xà-thế giết cha hại mẹ cả thảy năm tội nghịch đó đều là việc đại quyền giáo hóa, hoặc thuận hoặc nghịch chỉ là để lợi ích cho chúng sinh, để cắt đứt việc gây nghiệp tạo tội nghịch ở đời sau. Thế nên kinh chép: Việc thị hiện có ba độc, lại thị hiện các tướng tà kiến, các đệ tử của ta phương tiện như thế để cứu độ chúng sinh.

Lại, kinh Niết-bàn chép: Đề-bà-đạt-đa không hề gây tội nghịch đọa vào địa ngục v,v… thật chẳng phải cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, mà là chỗ thấy biết của các Đức Phật. Tần-bà-sa-la, Hán dịch là Mô Thật, cũng dịch là Ảnh Kiên, đều vì hình thể dồi dào chắc thật nên đặt tên theo thân và cũng có chỗ dịch là dung mạo khôi ngô. Ngục tối dày đến bảy lớp cửa không còn nghĩ đến việc qua lại, lại thêm sự ràng buộc là muốn cho chết đói.

Phu nhân Quốc Thái hòa mật và bột gạo rang thành tương dâng lên vua.

Phu nhân Quốc Thái tên là Vi-đề-hy, vì cung kính Đại vương nên bà tắm gội sạch sẽ, dùng sữa và mật hoa với bột bôi vào thân. Trong các chuỗi anh lạc đựng đầy nước nho rồi lén đem những thức ăn ấy dâng cho vua.

Vi-đề-hy, Hán dịch là Tư duy, trước được tên gọi ấy tức là biết trước ngày nay thưa hỏi phương pháp quán. Tắm gội thân thể cho sạch sẽ là để bôi mật và bột vào thân. Trong các hạt chuỗi anh lạc bộng ruột có thể đựng nước nho. Không cho người khác biết để vào trong cung sâu, vì thế nói là lén.

Vua thưa hỏi giới pháp, lại có ba:

Thứ nhất: Vua trình bày với ngài Mục-liên.

Thứ hai: Ngài Mục-liên ứng theo căn cơ.

Thứ ba: Đức Phật sai ngài Phú-lâu-na nói pháp.

Vua thỉnh ngài Mục-liên.

Bấy giờ, Đại vương ăn bột uống nước nho, xin nước súc miệng xong rồi, chắp tay cung kính hướng về núi Kỳ-xà-quật, từ xa đảnh lễ Đức Thế tôn rồi nói như vầy: Ngài Đại Mục-kiền-liên là bạn thân của tôi, xin khởi tâm từ bi truyền cho tôi tám điều trai giới.

Mục-kiền-liên, Hán dịch là Thái Thúc Thị, là vị tiên đời thượng cổ hái đậu để ăn. Nhân vì dòng dõi là môn sư của vua nên gọi là bạn thân.

Ngài Mục-liên ứng theo căn cơ.

Lúc đó, ngài Mục-kiền-liên liền bay nhanh như chim ưng, chim cắt đến chỗ nhà vua. Cứ mỗi ngày như thế truyền cho vua giới tám giới quan trai.

Khi ngài Mục-kiền-liên biết đã đúng căn cơ, đi đến như chim ưng, chim cắt bay để ví dụ thần túc nhanh chóng. Tiếng chim cắt như trong tự điểm nói là loài chim hung dữ nên gọi là mãnh điểu, tám giới quan trai chỉ hạn cục trong một ngày một đêm, vì thế phải thọ từng ngày, đó là theo cách tính nhiều tông, nếu theo Luận Thành Thật thì dài hoặc ngắn không câu nệ.

Đức Phật sai ngài Phú-lâu-na nói pháp.

Đức Thế tôn cũng sai Tôn giả Phú-lâu-na nói pháp cho vua nghe.

Phú-lâu-na, Hán dịch là Mãn Từ Tử, là đặt tên theo cha mẹ. Là người nói pháp giỏi nhất trong những người nói pháp, khéo léo mở bày nhất trong chúng nên đặc biệt d sai đi.

­ Nhờ nghe pháp và ăn uống mà lâu ngày không chết.

Thời gian như thế trải qua hai mươi mốt ngày, nhà vua nhờ ăn uống và được nghe pháp nên vẻ mặt hòa nhã tươi vui.

Ăn uống để giúp thân, nghe pháp để nuôi tâm, vốn có ý định muốn cho chết đói mà trái lại càng sung mãn hơn, do đó sinh tâm tức giận. Suy cứu lý do nếu theo kinh Niết-bàn thì ít có sự khác nhau với ở đây. Vì cho nên phải dẫn chứng rõ ràng mới biết trước sau.

Kinh chép: Ở thành La-duyệt có vua Tần-bà-sa-la, Thái tử của vua ấy tên là Thiện Kiến, vì nghiệp nhân duyên nên sinh tâm ác nghịch muốn hại nhà vua mà chưa có dịp. Bấy giờ, kẻ ác Đề-bà-đạt-đa cũng vì nghiệp nhân duyên trong quá khứ lại đối với ta sinh tâm bất thiện muốn hại ta. Vì cho nên liền tu học năm phép thần thông không lâu thì chứng được, liền kết làm bạn thân với Thái tử, hiện ra các việc thần thông. Thái tử thấy rồi sinh tâm kính tin, bày ra sự cúng dường trang nghiêm. Thái tử bảo rằng: “Nay ta muốn thấy hoa Mạn-đà-la.”

Đề-bà-đạt-đa liền đến cõi trời Ba mươi ba để cầu nhưng vì phước ấy đã hết nên các vị trời đều không cho. Khi không được cho hoa liền muốn tự mình lấy thì mất hết thần thông, và lại thấy thân mình ở thành Vương-xá, bèn sinh tâm hổ thẹn không thể nào trở lại nhìn mặt Thái tử, Đề-bà-đạt-đa liền đến chỗ Phật xin thống lãnh Đại chúng và thưa rằng: Cúi xin Đức Như lai phó chúc đại chúng này cho tôi. Đức Phật chép: “Ngươi là người ngu, như Xá-lợi-phất thông minh đại trí ta còn không phó chúc đại chúng huống chi ông là người ngu, là hạng người ăn nước bọt ư? (Khi hiện thần thông làm đứa trẻ ăn nước bọt của vua A-xà-thế). Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa sinh tâm độc ác gấp bội bèn chép: “Này Cù-đàm! Ông tuy có thế lực để điều phục đại chúng nhưng không lâu cũng sẽ tàn diệt.” Tức thời mặt đất phản đối, rung chuyển sáu cách. Đề-bà-đạt-đa liền ngã xuống đất, bên thân nổi lên gió lớn dữ dội thổi dậy bụi đất làm dơ bẩn.

Đề-bà-đạt-đa lại chép: “Nếu thân này của ta có vào A-tỳ thì ta cũng phải trả mối thù lớn này.” Đề-bà-đạt-đa liền đứng dậy đi đến chỗ Thái tử. Thái tử liền hỏi có chuyện gì lo buồn mà vẻ mặt hốc hác như vậy? Đề-bà-đạt-đa chép: “Nay tôi và ông rất thân thiết nhau, mọi người bên ngoài đều mắng chửi ông thì sao tôi không lo buồn?” Thái tử chép: “Vì sao mắng chửi tôi?”

Đề-bà-đạt-đa chép: “Mọi người trong nước đều mắng chửi ông là

Vị Sinh Oán.” Thái tử hỏi: “Vì sao?”

Đề-bà-đạt-đa chép: “Vì khi ông chưa sinh, thầy bói xem tướng đều chép: Đứa con này sau khi sinh rồi sẽ giết cha, và tất cả mọi người trong cung đều được lòng ông nên gọi là Thiện Kiến. Phu nhân Vi-đềhy nghe những lời như cho nên khi sinh ông, liền ở trên lầu cao vất ông xuống mặt đất làm nát một ngón tay của ông. Lại, ông còn được gọi là Bà-la-lưu-chi. Tôi nghe những lời ấy rồi sinh tâm lo buồn mà lại không thể nói với ông. Đề-bà-đạt-đa dùng những việc ác như thế… để xúi giục giết vua. Nếu cha ông chết thì tôi cũng có thể giết Sa-môn Cù-đàm.” Vì cho nên Thái tử bắt giam nhà vua rồi đóng cửa ngoài thành và cho bốn thứ binh coi giữ. Phu nhân Vi-đề-hy liền đến chỗ vua. Bấy giờ, những người coi giữ vua ngăn lại không cho phu nhân vào. Phu nhân quở mắng, người coi giữ liền bảo Thái tử: “Phu nhân của nhà vua muốn gặp chẳng hay có được phép hay không?” Thái tử nổi giận liền đến trước chỗ mẹ, kéo tóc mẹ rồi rút dao ra muốn giết mẹ.

Ông Kỳ-đà thưa rằng: “Từ khi lập nước tới nay những người gây ra tội tuy có nặng nhưng còn chẳng giết người nữ huống chi là mẹ sinh ra.” Thái tử nghe rồi liền thả ra, nhưng cấm không được cung cấp những thứ quần áo, đồ nằm, ăn uống, thuốc men cho vua, bảy ngày sau thì vua qua đời. Dẫn chứng việc ấy để so sánh hoặc khác, hoặc giống với ở đây, phương tiện tùy theo căn cơ không đáng lấy làm lạ.

– “Lúc đó vua A-xà-thế hỏi người giữ cửa” v.v… trở xuống là nói việc muốn hại mẹ, thứ hai. Nói về, muốn hại mẹ gồm có bốn phần:

Thứ nhất: Cho đến “Không cho ra ngoài “nữa là giam cầm phu nhân trong cung sâu.

Thứ hai: “Lúc bấy giờ, bà Vi-đề-hy…” v.v… trở xuống, là bà Viđề-hy ngẩng đầu lên thành tâm thỉnh Phật.

Thứ ba: Từ “Trong khi chưa ngẩng đầu lên” v.v… trở xuống là Đức Phật biết mà đi đến.

Thứ tư: Từ “Lúc đó bà Vi-đề-hy…” v.v… trở xuống là thấy Đức Phật cầu pháp.

­ Thứ nhất: cho đến “Không cho ra ngoài nữa” là giam cầm phu nhân trong cung sâu, có ba phần:

Thứ nhất: Cầm gươm muốn hại mẹ.

Thứ hai: Hai vị đại thần can ngăn Thái tử thôi không giết mẹ nữa.

Thứ ba: Ra lệnh giam cầm trong cung sâu.

1. Cầm gươm muốn hại mẹ, có bốn phần: Thứ nhất: Vua hỏi người giữ cửa.

Thứ hai: Người giữ cửa thành thật trả lời.

Thứ ba: Vua nghe rồi nổi giận mắng chửi.

Thường tư: Cầm gươm muốn hại mẹ.

Vua hỏi người giữ cửa để xét hỏi nhà vua còn sống không?

Lúc đó, A-xà-thế hỏi người giữ cửa rằng: “Nhà vua của ta nay còn sống hay không?

Người giữ cửa thành thật trả lời.

Người giữ cửa tâu vua rằng: “Tâu Đại vương, phu nhân Quốc Thái thoa bột và mật vào thân, đựng nước trái nho trong chuỗi anh lạc rồi đem dâng cho nhà vua, lại có Sa-môn Mục-liên và Phú-lâu-na từ trên hư không đến nói pháp cho nhà vua nghe, chúng tôi không thể ngăn cấm được.”

Vua ngăn cấm các quan nhưng không nói đến Hoàng hậu, còn các

vị Sa-môn từ trên hư không mà vào thì cửa chẳng thể ngăn cấm được, cho nên đặt ra những lời quở trách này là để tránh khỏi lỗi.

Vua nghe rồi nổi giận mắng chửi.

Lúc đó, A-xà-thế nghe những lời này, tức giận mẹ và nói: “Mẹ ta là giặc, làm bạn với giặc. Còn các ông Sa-môn kia là những hạng người ác dùng chú thuật huyễn hoặc khiến cho lão vua ác ấy nhiều ngày không chết.”

Gọi cha là giặc, mẹ là bạn của giặc, còn các ông Sa-môn dùng chú thuật để huyễn hoặc là nói chẳng phải những bậc Hiền triết.

Cầm gươm muốn hại.

Liền cầm gươm bén muốn giết chết mẹ mình.

Tức là dẫn chứng câu truyện trong kinh Niết-bàn như trên.

2. Hai vị Đại thần can ngăn và thôi không giết mẹ nữa, có ba:

Thứ nhất: Làm lễ để can ngăn.

Thứ hai: Nói những lời can ngăn.

Thứ ba: Can ngăn rồi muốn bỏ đi.

Làm lễ để can ngăn.

Lúc đó, có một vị Đại thần tên là Nguyệt Quang thông minh trí tuệ cùng với Kỳ-bà làm lễ vua.

Nguyệt Quang là tiếng Hán, Kỳ-bà là tiếng Phạm, Hán dịch là Cố Hoạt. Lúc còn sống một tay cầm túi thuốc, một tay cầm cây kim. Ngày xưa thề làm thầy thuốc chữa bệnh, nên khi còn sống theo đức để đặt tên, là con của nàg Am-la, cả hai vị Đại thần đều là bậc trí tuệ để nói lên đó là những vị Hiền thần.

Nói những lời can ngăn.

Tâu vua rằng: “Tâu Đại vương, thần nghe trong Tỳ-đà-la luận kinh chép: Từ kiếp sơ cho đến nay có các vị vua ác vì tham địa vị, đất nước nên giết hại nhà vua có một muôn tám ngàn người nhưng chưa hề nghe có người nào vô nhân đạo giết mẹ. Nay vua làm việc ác nghịch như thế thật là làm dơ bẩn dòng giống Sát-đế-lợi, thần không nỡ nghe cái tên Chiên-đà-la ấy, chúng tôi không thể ở lại nơi này nữa.”

Tỳ-đà kinh tức là kinh điển của thế tục, hoặc gọi là Vi-đà, tiếng Phạm là Thiểu dị, là những sách lịch sử, ghi chép những việc của nước ấy. Như tham ngôi vị mà giết cha, đó cũng còn có lý mà chẳng phải tội, hại mẹ chính thật là vô nhân đạo. Bốn đẳng cấp của nước Tây Trúc bao gồm tất cả nhân dân. Sát-đế-lợi và Bà-la-môn là hai đẳng cấp tôn quý. Đẳng cấp Tỳ-xá và Thủ-đà là hai đẳng cấp thấp hèn. Sát-đế-lợi là dòng họ của vua. Chiên-đà-la, Hán dịch là Sát giả, tức là loại giết mổ.

Vua đã vô nhân đạo thì các vị hiền thần không giúp. Vì thế không nên ở lại.

Can ngăn rồi bỏ đi.

Khi đó, hai vị đại thần nói những lời như thế xong, dùng tay đè chuôi gươm liền lui lại mà ra đi.

Đè chuôi gươm liền quay ra đi là ra oai để người phải sợ. c. Ra lệnh giam cầm trong cung sâu.

Bấy giờ, vua A-xà-thế nghe nói kinh hoàng sợ hãi, bảo ông Kỳbà rằng: “Các ông không vì ta sao?”

Kỳ-bà tâu vua rằng: “Đại vương cẩn thận chớ giết hại mẫu hoàng.” Nhà vua nghe những lời như vậy tỏ vẻ ăn năn cầu xin sám hối, liền bỏ gươm xuống thôi không giết hại mẹ, rồi ra lệnh cho các nội quan bắt giam phu nhân trong cung sâu không cho ra ngoài.

Vua A-xà-thế kinh sợ vì các Hiền thần bỏ đi thì nước nhà, xã tắc sẽ nguy cơ, “không vì ta” ấy là lời cầu cứu để vẫn được giúp đỡ vậy. Ông Kỳ-bà can ngăn lại, vua mới ăn năn sám hối và nghe theo ra lệnh giam vào cung sâu. Đây là gốc phát khởi

­ “Lúc bấy giờ bà Vi-đề-hy…” v.v… trở xuống là bà Vi-đề-hy ngẩng đầu lên chân thành thỉnh Phật, có ba phần:

Thứ nhất: Gặp khổ mới nghĩ đến pháp.

Thứ hai: Trình bày để thỉnh cầu.

Thứ ba: Buồn bã đảnh lễ để thỉnh cầu.

3. Gặp khổ mới nghĩ đến pháp từ xa kính lễ.

Lúc bấy giờ, bà Vy-đề bị giam trong ngục tối sầu lo gầy mòn, xa hướng về núi Kỳ-xà-quật đảnh lễ Đức Phật.

Trình bày để thỉnh cầu.

Mà nói như vầy: “Đức Như lai Thế tôn ở những lúc trước kia thường sai ngài A-nan đến an ủi và thăm hỏi con. Nay con đang có việc sầu lo, Đức Thế tôn oai nghi trang nghiêm không biết làm sao mà thấy được. Xin Đức Thế tôn sai ngài Mục-liên và Tôn giả A-nan cho con được trông thấy.”

Ngài A-nan là thị giả Phật thường đến an ủi và thăm hỏi. Truyền pháp lợi người chắc chắn là phải nhờ lực của vua, tuy là bậc Thượng thánh như Đức Phật nhưng cần phải uyển chuyển thuận theo thường tình để làm khuôn phép cho đời sau.

Bà Vi-đề-hy vì sự kính trọng Đức Phật nên không dám thỉnh ngay mà chỉ xin gặp được hai thầy vì muốn nghe pháp yếu.

A-nan, Hán dịch là Khánh Hỷ, cũng dịch là Vô Nhiễm, hoặc dịch là Hân Lạc.

4. Buồn bã đảnh lễ thỉnh cầu.

Bà nói như vậy rồi, than khóc nước mắt rơi như mưa và từ xa hướng về Đức Phật mà đảnh lễ.

­ Từ “Khi chưa ngẩng đầu lên…” v.v… trở xuống là Phật biết và đi đến, có hai:

– Thứ nhất: Chiêu cảm Đức Phật dũ lòng ứng hiện. – Thứ hai: Lễ rồi đứng dậy thấy Phật.

5. Chiêu cảm Phật rủ lòng ứng hiện.

Trong khi chưa ngẩng đầu lên. Bấy giờ, Đức Thế tôn ở núi Kỳ-xàquật biết được trong tâm niệm của bà Vi-đề-hy, nên liền bảo ngài Đại Mục-kiền-liên và ngài A-nan từ trên hư không mà đến, còn Đức Phật từ núi Kỳ-xà-quật ẩn mất rồi hiện thân ra ở cung vua.

Biết được tâm niệm của bà Vi-đề-hy tức là tha tâm trí, nương hư không để ẩn mất rồi hiện ra tức là như ý thông.

Lễ rồi đứng dậy thấy Phật.

Lúc đó, bà Vi-đề-hy đảnh lễ Đức Phật rồi ngẩng đầu lên, thì thấy Đức Thế tôn Thích-ca Mâu-ni thân màu vàng đỏ thắm, ngồi trên đài hoa sen đủ trăm thứ báu. Ngài Mục-kiền-liên đứng hầu bên trái. A-nan đứng đầu bên phải. Các vị Phạm vương, Đế-thích, các trời Hộ thế ở trong hư không, tung rải các thứ hoa trời như mưa để cúng dường Phật.

Thấy Phật có bốn sự tốt đẹp.

Thứ nhất: Sắc thân.

Thứ hai: Tòa sen.

Thứ ba: Theo hầu hai bên.

Thứ tư: Các vị trời cúng dường.

Thích-ca, Hán dịch là Năng nhân, tức là Ứng thân, Mâu-ni, Hán dịch là Tịch mặc, tức là Pháp thân. Ở trên thầm ứng với ở dưới, ứng thân và báo thân đều ở trong đó. Thích là Đế-thích, nói đủ là Thích-đề Hoàn-nhân, Hán dịch là Năng Thiên, tức vị trời đứng đầu tầng trời Ba mươi ba. Phạm là vua cõi Sắc, tức là Đại Phạm Thiên Vương, Hộ thế tức là bốn vị Đại thiên vương v.v…

Sớ xưa hỏi rằng: Vua Tần-bà-sa-la và bà Vi-đề-hy đều thỉnh các đệ tử, vì sao trước sai các đệ tử và sau đó Đức Phật mới tự đi là có ý gì?

Giải thích: có hai nghĩa:

Thứ nhất: Vua A-xà-thế giết cha. Nếu Đức Phật đích thân đi thì khởi sự ganh ghét, vì để bảo vệ tâm vua A-xà-thế.

Thứ hai: Muốn Phật pháp được hưng thịnh thì phải nhờ cậy vua, nếu vua Tần-bà-sa-la chắc chắn chết thì vua A-xà-thế lên ngôi. Nếu Đức Phật tự đi thì sẽ chướng ngại và Ngài không đi là để hộ pháp. Còn bà Vi-đề-hy không có những việc ấy nên ngài tự đi không trở ngại.

­ Thấy Đức Phật cầu pháp, có hai:

– Thứ nhất: Cung kính làm lễ. – Thứ hai: Thỉnh pháp.

6. Cung kính làm lễ.

Lúc đó, bà Vi-đề-hy thấy Đức Phật Thế tôn, liền tự mình dứt bỏ hết chuỗi anh lạc, gieo mình xuống sát đất, khóc lóc hướng về Đức Phật.

Bị giam cầm lâu ngày không mong gì gặp được Đức Phật, nhưng bây giờ trong lòng vừa buồn vừa vui, không rảnh rỗi chậm trễ, liền bứt đứt dây chuỗi ở cổ dâng lên Đức Phật, rồi gieo mình xuống sát đất để tỏ lòng thành kính ấy.

7. Thỉnh pháp, có hai:

Thứ nhất: Thưa hỏi chung về cõi vãng sinh.

Thứ hai: Chính là thưa hỏi nhân vãng sinh.

Thưa hỏi chung về cõi vãng sinh, có hai:

Thứ nhất: Thưa hỏi rộng về nhân đã gây ra từ trước.

Thứ hai: Chính là thưa hỏi về cõi vãng sinh.

8. Thưa hỏi rộng về nhân đã gây ra từ trước.

Bạch rằng: Bạch Đức Thế tôn, đời trước con có tội gì mà nay sinh ra đứa con ác này? Còn Đức Thế tôn vì sao lại làm quyến thuộc với ông Đề-bà-đạt-đa như thế?

Tình yêu thương mẹ con không ngoài thiên tánh, tình anh em của Phật cùng như thiên luân. Trái lại sinh việc nghịch hại chắc chắn phải có nhân từ trước. Vốn tự trách mình gồm cả việc thưa hỏi Đức Như lai, nhưng chỉ than thở nghiệp ác đã qua để trình bày thưa hỏi lý do.

Các kinh luật phần nhiều nói Đức Phật và ông Đề-bà-đạt-đa từ nhân đến quả thường não hại nhau, ấy là ảnh hưởng của đại quyền, chứ chẳng phải sự thật. Tức như kinh Pháp Hoa chép: Nhờ Thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa nên giúp ta đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật… cho đến vô lượng kiếp sau sẽ được thành Phật, hiệu là Thiên Vương Như lai v.v…

9. Chính là thưa hỏi cõi vãng sinh:

Thứ nhất: Nêu chỗ ưa thích và chán ghét.

Thứ hai: Nói đáng chán ghét.

Thứ ba: Lập thệ xa lìa.

Ba tiết này tức là chỉ bày phương pháp tu hành thiết yếu cho các chúng sinh trong đời mạt pháp. Nếu không như vậy thì sẽ phí công tu hành tịnh nghiệp và chắc chắn không được vãng sinh, có ba phần.

10. Nêu chỗ ưa thích và chán ghét.

Cúi xin Đức Thế tôn nói rộng cho con nghe những cõi nào không có sự lo buồn sầu não để con được sinh về cõi đó. Con không muốn ở cõi Diêm-phù-đề là cõi đời đầy năm thứ vẩn đục.

Những cõi nào không có sự lo buồn sầu não là chỗ thưa hỏi của bà Vi-đề-hy y theo chỗ trả lời của Đức Phật ở dưới tức là chỉ cho Tịnh độ. Còn trần gian năm thứ vẩn đục và cõi trời đều có sự lo buồn, sầu não. Chỉ có y báo và chánh báo ở cõi Tịnh độ của Phật đều tốt đẹp, đều thọ hưởng các điều vui thì đâu có sự lo buồn.

Diêm-phù-đề hoặc gọi là Diệm-phù-thiệm bộ, Hán dịch là Thắng Kim, tức là gọi theo tên cây. Vì một nủa thân cây ngâm dưới biển, đáy nước có ánh sáng vàng chiếu bóng cây nên dùng để gọi. Đề hoặc gọi là Đàn, Hán dịch là Châu, tức là chỉ riêng châu phía Nam. Đó là các chứng cứ khiến chỉ chung thế giới Ta-bà, lại theo các luận gần đây để cho dễ hiểu vậy. Hoặc có lẻ, trong bốn châu, cõi Diêm-phù là cõi vẩn đục nhất nên đặc biệt nêu ra.

11. Nói đáng chán ghét.

Ở cõi đời vẩn đục này dẫy đầy địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cùng chứa nhóm nhiều điều bất thiện.

Vẩn đục là năm thứ vẩn đục, tức là kiến trược, phiền não trược v.v…, vì năm thứ đều bất tịnh nên gọi chung là vẩn đục và cũng gọi là năm thứ cặn đục. Ác là mười nghiệp ác, tức là sát sinh, trộm cắp… Năm thứ vẩn đục thì bao gồm đủ cả y báo và chánh báo. Còn mười nghiệp ác thì chỉ riêng về hành nghiệp. Nếu theo trược và ác thì thật đủ sáu đường nhưng đặc biệt chỉ nêu khổ quả trong ba đường để nói về đáng chán ghét; khắp ở thế giới Đại thiên vì thế nói là đầy dẫy. Cùng chứa nhóm nhiều điều bất thiện tức là các đường ác ở trên cùng chứa nhóm ở cõi này, hoặc có thể chỉ riêng trong loài người ít có điều lương thiện như chỗ nguyện ở dưới không thấy người ác nữa, oán thân, nghịch thuận chẳng có gì là không phải bất thiện. Vua A-xà-thế và Điều-đạt đâu có chứa nhóm những điều thiện. Ở trên là tùy theo văn để giải thích và kế là bàn luận theo nghĩa: Cõi đời vẩn đục này tức là chỉ chỗ nhóm hợp thân tộc, dân cư trong các quận ấp của thế gian này. Trong tâm hành muôn ngàn khác nhau, dẫy đầy ba thứ tâm ác, đều chứa nhóm những điều bất thiện. Lại, cõi đời vẩn đục ác độc tức là chỉ cho tâm thức hiện tiền của chúng ta và chúng sinh. Từ vô thỉ đến nay ba nghiệp tạo tác vô số hạt giống nghiệp, sử dụng (ba nghiệp) hằng ngày sinh khởi những hành động (sẽ chiêu cảm) ba đường ác nhiều không thể cùng tận. Cho nên nói là dẫy đầy những điều bất thiện.

12. Lập thề xa lìa.

Con nguyện đời sau không còn nghe tiếng dữ, không còn thấy người ác.

Năm thứ vẩn đục, ba cõi, năm tội nghịch, mười nghiệp ác đều là những tiếng dữ. Trong đó chúng sinh gây ra đủ các nghiệp như thế gọi là người ác. “Thế giới Cực lạc còn không có danh từ đường ác”, tức là không có tiếng dữ. “Các bậc Thượng thiện đều nhóm họp ở một chỗ”, tức không có người ác.

Chính là thưa hỏi nhân vãng sinh.

Nay con hướng về Đức Thế tôn, năm vóc lạy sát đất tha thiết cầu xin sám hối. Cúi xin Đức Phật dùng ánh sáng mặt trời trí tuệ chỉ dạy cho con phép quán về cõi nghiệp thanh tịnh.

Đầu và bốn chi gọi là năm vóc. Năm chỗ đều tròn cũng gọi là năm luân, là sự kính trọng lạy sát đất.

Vì có tội đời trước nên chịu cảnh khổ này và vì cõi này nay nhàm chán muốn xa lìa nên phải cầu xin sám hối.

Tiếng Phạm là sám-ma, Hán dịch là hối vãng, ở đây nói sám hối tức là ghép chung Hoa và Phạm, nói sám tức là chấm dứt lỗi sau và hối là hổ thẹn lỗi trước. Đức Như lai nói pháp để phá trừ nghi ngờ chướng ngại như mặt trời chiếu soi thế gian, vì thế nói là Đức Phật dùng ánh sáng mặt trời trí tuệ. Y báo và chánh báo của thế giới Cực lạc chính là Tịnh nghiệp chủ và bạn hợp thành, vì thế gọi là cõi nghiệp thanh tịnh. Và y theo đây thì bà Vi-đề-hy chính là thỉnh cầu phép quán, vì thế nói là chỉ dạy cho con phép quán.

1. Chánh tông, có ba:

“Cho đến A-na-hàm…” Đức Phật phát ra ánh sáng hiện ra các cõi nước để xét định sự thích nghi của căn cơ.

Từ “Bấy giờ, Đức Thế tôn” v.v… trở xuống là phần hai, chính là nói về phép quán chánh nhân tịnh nghiệp.

Từ “Khi Đức Phật nói lời ấy rồi” v.v… trở xuống là phần ba, chỉ bày sự lợi ích, tổng kết và khuyên tu tập.

a) Đức Phật phát ra ánh sáng, hiện ra các cõi nước để xét định sự

thích nghi của căn cơ:

Thứ nhất: Đức Phật phát ra ánh sáng, hiện khắp các cõi nước.

Thứ hai: Bà Vi-đề-hy thưa với Đức Phật để chọn lựa một cõi nước nhất định.

Thứ ba: Vua Tần-bà-sa-la được ánh sáng che chở mà chứng được đạo quả.

Đức Phật sợ chúng sinh trong đời Mạt pháp cho rằng Tịnh độ trong mười phương tùy nguyện có thể vãng sinh đâu nhất định chỉ riêng một cõi của Đức Phật A-di-đà? Đặc biệt hiện ra cõi nước trang nghiêm đẹp đẽ đó là sự giải quyết ý nghi ngờ về sau. Nay phần nhiều thấy như thế chính là hiểu rõ ý chỉ của Phật, có ba phần:

– Đức Như lai phát ra ánh sáng, hiện khắp các cõi nước.

Bấy giờ, Đức Thế tôn phát ra ánh sáng từ giữa hai đầu chân mày, ánh sáng ấy màu vàng chiếu khắp vô lượng thế giới trong mười phương rồi trở vào trên đảnh Phật, hóa thành đài vàng lớn như núi Tu-di. Những cõi nước trong sạch nhiệm mầu của các Đức Phật trong mười phương đều hiện ra trong đó. Hoặc có cõi nước do bảy thứ báu hợp thành, lại có cõi nước thuần là hoa sen, lại có cõi nước rực rỡ như cung trời Đại Tự Tại, lại có cõi nước trong suốt như gương pha lê, các cõi nước trong mười phương đều hiện ra ở trong đó. Như thế, có vô lượng cõi nước của các Đức Phật trang nghiêm rực rỡ, khiến cho bà Vi-đề-hy đều thấy hết.

Giữa hai đầu chân mày của Đức Như lai có sợi lông trắng dài một trượng năm tấc, chu vi năm tấc, ngoài có tám cạnh, bên trong rỗng như ống tre, trắng ngần như ngọc kha, như tuyết, mềm mại xoay về bên phải. Đó là nói lên từ lý Trung đạo nói ra các pháp. Đầu tán ra sau tụ lại, cũng nói lên gom nhiếp nhiều trở về một, tức là nói về kinh này là pháp viên thuần rốt ráo nhất Phật thừa. Thế nên hiện ra các tướng ấy khác với lúc thường. Đài ánh sáng cao vót dụ như núi Tu-di, hiện ra vô lượng các cõi nước không thể nêu đủ mà lược chỉ bày bốn thứ Tịnh độ để nói lên việc có thể quán xét.

Do bảy thứ báu hợp thành tức là nói sự tôn quý của cõi nước ấy. Thuần là hoa sen tức là nói sự trong sạch tinh khiết của cõi nước ấy. Như cung trời Đại Tự Tại tức là nói sự sung sướng của cõi nước ấy. Trong suốt như gương pha lê tức là nói lên tướng sáng sủa của cõi nước ấy.

Nếu nói về sự trang nghiêm nhất của các cõi nước, thì theo sự phân biệt, mỗi văn kinh đều nêu một tướng; muốn nói về thế giới Cực lạc đầy đủ gồm các sự tốt đẹp, giúp cho bà Vi-đề-hy được thấy, tức là ý phát ra ánh sáng, hiện ra các cõi nước để chỉ bày.

– Chọn lựa một cõi nước nhất định, có ba:

Thứ nhất: Nói chung các cõi nước chẳng phải chỗ mong cầu.

Thứ hai: Chỉ riêng thế giới Cực lạc chính là phù hợp với cơ duyên.

Thứ ba: Cầu thỉnh phép tu quán vãng sinh.

Nói chung các cõi nước chẳng phải là chỗ mong cầu.

Bấy giờ, bà Vi-đề-hy bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế tôn! Các cõi Phật như thế tuy trang nghiêm thanh tịnh, đều có ánh sáng chiếu suốt.

Chỉ có thế giới Cực lạc chính là phù hợp với cơ duyên.

Nhưng nay con muốn sinh về thế giới Cực lạc chỗ Đức Phật Adi-đà.

Vì tâm phàm phu ở cõi này phần nhiều rong ruổi tán loạn. Nếu không chỉ đích xác một phương để chuyên tâm quán tưởng một Đức Phật thì sự tu hành phép quán khó thành tựu, sự vãng sinh có nhiều chướng ngại. Huống chi ánh sáng thường chiếu, thệ nguyện sâu rộng của Đức Phật A-di-đà. Vì thế, về một cõi nước thì các cõi nước đều thông, tưởng một Đức Phật thì các Đức Phật đều thấy. Chỗ trả lời rộng khắp của Đức Phật trong Luận Thập Nghi lý ấy hiểu rõ như thế, ý nghĩa chuyên tu của Đại sư Thiện Đạo cũng giống như ở đây.

Cầu thỉnh phép tu quán vãng sinh.

Cúi xin Đức Thế tôn chỉ dạy cho con phép tư duy, chỉ dạy cho con phép chánh thọ.

Ban đầu tu phương tiện dùng ý để quán duyên gọi là tư duy và khi quán tưởng đã thành tựu tùy theo sự vận dụng để khéo khế hợp gọi là chánh thọ. Như phép quán đất chép: người tưởng được như thế, gọi là một cách thô sơ thấy đất ở nước Cực lạc, tức là phép tư duy. Nếu chứng được phép tam-muội thì thấy đất của cõi nước kia rõ ràng không thể nói hết, tức là phép chánh thọ. Huyền nghĩa của Đại sư Thiện Đạo theo kinh Hoa Nghiêm thì phép tư duy và phép chánh thọ đều là phép tam-muội và phép quán đất phần chứng minh của các luận phần nhiều giống nhau.

Lại, kinh Quán Phật tam-muội chép: Đức Phật bảo ngài A-nan:

“Sau khi Đức Phật diệt độ, các đệ tử nghe pháp ấy, tư duy pháp ấy, quán tưởng pháp ấy, người này thường ở trong mộng thấy Phật.

Lại chép: Nghe lời nói ấy, tư duy pháp ấy, có chánh niệm, có chánh thọ…”. Từ đó thấy phép tư duy và phép chánh thọ đều thuộc về phép quán sâu hoặc cạn khác nhau.

Lại, ở trước chép: Chỉ dạy cho con phép quán ở cõi nghiệp thanh tịnh, tức là biết bà Vi-đề-hy chỉ thưa hỏi phép quán.

– Vua Tần-bà-sa-la được ánh sáng che chở mà chứng được đạo quả.

Khi ấy, Đức Thế tôn liền mỉm cười, có tia sáng năm màu từ trong miệng Phật phát ra. Mỗi tia sáng chiếu đến đảnh đầu vua Tần-bà-sala. Lúc đó, nhà vua tuy đã bị giam cầm trong ngục tối, nhưng mắt nhãn không chướng ngại, từ xa nhìn thấy Đức Thế tôn, liền cúi đầu đảnh lễ, đạo căn tự nhiên tăng tiến, chứng được quả A-na-hàm.

Mới đầu, Đức Như lai hiện ra các cõi nước ý là ở đây, căn cơ thầm cảm ứng, thông suốt. Thế nên Đức Phật mỉm cười.

Kinh Quán Phật Tướng Hải chép: Theo Phép thường của các Đức Phật là khi cười chắc chắn có tia sáng năm màu từ trong miệng phát ra. Ánh sáng chiếu đến đảnh đầu vua, nhờ lực Phật che chở nên khiến tăng tiến đạo quả. Nương ánh sáng thấy Phật, ngộ sâu lý vô thường, phát trí dứt hoặc, liền chứng được quả thứ ba.

A-na-hàm, Hán dịch là Bất Hoàn, vì các kiết hoặc sắp hết nên không còn trở lại cõi dưới. Y theo đây, vua Tần-bà-sa-la thấy Phật mà chứng được quả, ứng với phu nhân cùng nghe pháp quán. Và trong phần tổng kết lợi ích ở sau chỉ nói bà Vi-đề-hy và năm trăm thị nữ, đó là biết vua Tần-bà-sa-la chứng được quả liền trở về cõi diệt độ.

b) Chính là nói phép quán là chánh nhân tịnh nghiệp, có hai:

Thứ nhất: Đức Như lai chấp nhận.

Thứ hai: chính là chỉ bày điều đã nói.

– Thứ nhất: Đức Như lai chấp nhận.

Bấy giờ, Đức Thế tôn bảo bà Vi-đề-hy rằng: Nay bà có biết không, Đức Phật A-di-đà cách đây không xa, bà nên buộc niệm quán sát kỹ cõi nước kia thì tịnh nghiệp sẽ được thành tựu. Nay ta nói rộng các ví dụ cho bà nghe, cũng giúp cho tất cả phàm phu đời vị lai, những người muốn tu tịnh nghiệp được sinh về cõi nước Cực lạc ở phương Tây.

Trước là xét hỏi có biết không là muốn nói Tịnh độ chẳng phải Đức Phật tự nói thì người khác không biết. Kinh A-di-đà chép: Từ đây về phương Tây qua mười muôn ức cõi nước Phật. Nhưng nói không xa thì ở đây có ba sự giải thích:

Thứ nhất: Vì dùng Phật nhãn để xem, nên như kinh Lăng-nghiêm chép: Dùng thiên nhãn để nhìn thế giới Đại thiên thì như thấy quả trong lòng bàn tay, huống chi là dùng Phật nhãn ư? Thí như trên cao nhìn xuống mắt thấy muôn dặm, thường nói là lên núi cao nhìn thấy thiên hạ nhỏ.

Thứ hai: Vì tâm niệm nhanh chóng nên tâm thần không trở ngại, thì phương xa cõi khác khởi niệm là đến ngay, thường nói là tâm niệm nhanh hơn gió.

Thứ ba: Nhờ năng lực Phật gom nhiếp nên tuy chưa được thông suốt nhưng nhờ thần lực Phật, như Luận Thập Nghi chép: Như người yếu kém theo vua Chuyển luân một ngày đêm đi khắp bốn thiên hạ. Cái gọi là ruồi xanh bám đuôi ngựa.

Tịnh nghiệp thành tựu đó là tổng mục của Y báo và chánh báo của cõi nước kia. Chúng sinh chưa biết, dùng vật để so sánh, cho nên gọi là các thí dụ, như ở dưới chép: Như ngàn ức mặt trời, ánh sáng ấy như hoa v.v…

Hoặc tất cả mọi việc có thể dùng lời nói để chỉ bày thì gọi chung là thí dụ, cũng khiến cho những người ở đời vị lai, chính là nói bổn ý chẳng phải chỉ có đương cơ (căn cơ hiện tại). Cái gọi là cái nỏ có ngàn lưỡi móc thì đâu vì một con chuột nhắt mà bắn ư?

– Thứ hai: Chính là chỉ bày những điều đã nói, có hai:

Thứ nhất: Trước là chỉ bày phước nghiệp.

Thứ hai: Nói về chánh quán.

­ Trước tiên chỉ bày phước nghiệp.

Sở dĩ trước nói về ba thứ phước, là vì người tu hành phép quán phải phù hợp với sự nghiệp tu hành, chẳng nhờ tu hành phép quán thì không do đâu để dẫn đưa những thứ phước ấy và chẳng phải phước ấy thì không nhờ đâu để thành tựu phép quán ấy. Có quán mà không có phước thì thiếu sự trang nghiêm, có phước mà không có quán thì dắt đi ở những đường khác. Thiếu sự trang nghiêm thì sự giúp đỡ của quả báo không tốt đẹp, dẫn đi đường khác thì sự vãng sinh chẳng biết y cứ vào đâu. Hai pháp nương nhờ nhau cùng có lợi. Nhờ ở lời nói mà người học khắc phục ý chí để nghiên cứu tìm cầu thì không bị mê hoặc ở hai đường mà tự mình mê muội cất bước để đi. Nay giải thích ba thứ phước, có ba:

Thứ nhất: Nêu chung.

Thứ hai: Giải thích riêng.

Thứ ba: Tổng kết chỉ bảo.

Thứ nhất : Nêu chung.

Người muốn vãng sinh về cõi nước kia thì phải tu ba thứ phước.

“Muốn vãng sinh” là nói chí nguyện của người ấy, “phải tu” là chỉ dạy phải làm.

Thứ hai : Giải thích riêng.

Một là hiếu thảo nuôi nấng cha mẹ, kính thờ thầy tổ, giữ lòng từ

bi không giết hại, tu mười nghiệp lành.

Đã là chánh nhân của các Đức Phật trong ba đời thì mới biết rõ đại hạnh của các vị Bồ-tát.

Tịnh nghiệp thứ nhất là chung với nghiệp phàm phu.

Tịnh nghiệp thứ hai là chung với nghiệp Nhị thừa.

Tịnh nghiệp thứ ba chỉ cho Đại thừa không chung với Nhị thừa và phàm phu.

Bốn câu trong đó, hai câu trên là tu hành báo ân: Ân sinh thành nuôi nấng của cha mẹ và ân chỉ dạy của thầy tổ.

Hai câu dưới là dứt bỏ hành vi ác, không giết hại là giới đầu của mười điều lành, vì thế được nêu riêng. Thân dứt trừ ba thứ tà, miệng xa lìa bốn lỗi và ý dứt ba thứ ác.

Hai là thọ trì ba quy y, giữ gìn đầy đủ các giới, không phạm oai nghi.

Ba câu trong đó, một câu trên tức là bỏ tà ma, để thọ trì ba quy y. Phàm phu từ vô thỉ bị ma trói buộc. Vì thế tác pháp trở về nương tựa, mong cầu sự cứu giúp, che chở.

Nếu chỉ thọ trì ba quy y thì có điều lành mà không có giới và nếu thọ các giới sẽ gồm có ba quy y. Còn hai câu dưới tức là thọ trì giới pháp. Tại gia thì có năm giới, tám giới. Còn xuất gia có mười giới và giới cụ túc. Vì thế nói là các giới. Thọ trì không thiếu, vì thế nói là đầy đủ, oai nghi cũng là giới, vì khinh chúng nhỏ nhặt khó giữ gìn do đó mà có nhiều người trái phạm nên nêu riêng để phân biệt.

Ba là phát tâm Bồ-đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh sách Đại thừa, khuyến tiến người tu hành.

Bốn câu trong đó:

Thứ nhất: Là phát tâm Đại thừa. Bồ-đề, Hán dịch là Đạo, tức là Đạo vô thượng.

Thứ hai: Tức là khởi tâm Đại thừa. Thiện ác nhân quả đều ở tự tâm của ta, biết rõ, sợ hãi và cẩn trọng, thế nên nói là tin sâu.

Thứ ba: Tức là sinh sự hiểu biết Đại thừa. Giải thích giáo pháp tức là từ bổn trí, nhân đọc tụng mà phát sinh.

Thứ tư: Tức là tu hạnh Đại thừa, khuyến tiến dẫn dụ người tu hành không để lui sụt, đọa lạc.

Ba câu trên là tự mình tu hành và một câu sau là giáo hóa người. – Thứ ba : Tổng kết chỉ bảo.

Ba việc như trên gọi là Tịnh nghiệp. Đức Phật lại bảo bà Vi-đề-hy rằng: Nay bà có biết không, ba thứ tịnh nghiệp này chính là chánh nhân tịnh nghiệp của các Đức Phật trong ba đời quá khứ, vị lai và hiện tại.

Quả đức ba đời nhờ đó mà thành tựu, nên nói là chánh nhân.

­ Nói về chánh quán, có bốn:

Thứ nhất: Dạy bảo lắng nghe và chỉ bày để nói.

Thứ hai: Khen ngợi điều thưa hỏi.

Thứ ba: Khuyên nhủ và dặn bảo.

Thứ tư: Chỉ bày pháp.

Thứ nhất : Dạy bảo lắng nghe và chỉ bày để nói.

Đức Phật lại bảo ngài A-nan và bà Vi-đề-hy rằng: Các vị hãy lắng nghe, lắng nghe cho kỹ và khéo ghi nhớ việc đó. Hôm nay, Như lai sẽ nói ra nghiệp thanh tịnh cho tất cả chúng sinh ở đời vị lai bị các giặc phiền não bức hại được nghe.

Nghe cho kỹ và khéo ghi nhớ, tức là hai thứ tuệ: văn và tư. Vì tất cả chúng sinh ở đời vị lai, chính là đời Tượng pháp và Mạt pháp. Các giặc phiền não bức hại, tức là phàm phu còn bị sự trói buộc.

Thanh tịnh nghiệp tức là mười sáu phép quán.

Thứ hai : Khen ngợi điều thưa hỏi.

Lành thay! Vi-đề-hy, bà thưa hỏi việc đó thật hợp ý ta.

Có thể làm vui lòng Thánh, cho nên nói là bà thưa hỏi việc đó thật hợp ý ta.

Thứ ba : Khuyên nhủ và dặn bảo, có ba:

Thứ nhất: Nói đó là điều chỉ dạy của Đức Phật.

Thứ hai: Y theo giáo tu hành thành tựu.

Thứ ba: Nhờ tu hành mà được chứng quả.

+ Thứ nhất: Nói đó là điều chỉ dạy của Đức Phật.

Này A-nan! Ông nên thọ trì, vì nhiều chúng sinh mà giảng nói rộng những lời Phật dạy. Nay Như lai chỉ dạy cho bà Vi-đề-hy và tất cả chúng sinh ở đời vị lai phép quán thế giới Cực lạc ở phương Tây.

Ngài A-nan là người học rộng, Đức Phật khuyên Ngài thọ trì để giảng nói rộng rãi. Do ở trong cung sâu chúng cùng nghe còn ít nên sau khi trở về núi Kỳ-xà-quật, ý là khiến thuật lại, thế nên Đức Phật phải dặn bảo trước. Nay Như lai v.v… đều là những lời phó chúc cho ngài A-nan.

+ Thứ hai: Y theo giáo tu hành thành tựu.

Nhờ năng lực Phật nên thấy được cõi nước kia thanh tịnh như người cầm gương tự thấy mặt và hình dáng mình.

Giáo là do Phật nói ra, tức là năng lực Phật, đó là phương tiện khác của Đức Như lai.

+ Thứ ba: Nhờ tu hành mà được chứng quả.

Vì thấy được những việc vui rất mầu nhiệm ở cõi nước kia nên sinh tâm vui mừng, liền khi đó chứng được Vô sinh pháp nhẫn.

Địa vị Vô sinh pháp nhẫn chính là địa vị Sơ Trụ. Nếu y theo pháp quán thì do năng lực công đức mà gượng thấy có sinh để chứng. Còn theo phép quán Phật ở dưới, tức là chỉ ra tướng chứng được sinh về cõi nước kia. Ở dưới chép: Khi xả báo thân đời khác sinh về ở trước các Đức Phật, chứng được Vô sinh pháp nhẫn.

Thứ tư : Chỉ bày pháp, có ba:

Thứ nhất: Nói lý do bà Vi-đề-hy thấy được cõi nước.

Thứ hai: Vì chúng sinh đời vị lai mà thưa hỏi phương tiện ấy.

Thứ ba: Đức Như lai trả lời điều thưa hỏi ấy.

Thứ nhất: Nói lý do bà Vi-đề-hy thấy được cõi nước.

Đức Phật bảo bà Vi-đề-hy: người là phàm phu, tâm tưởng yếu kém, chưa được thiên nhãn nên không thể quán thấy xa. Các Đức Phật Như lai có phương tiện khác giúp cho bà thấy được cõi nước kia.

Vì dùng đại quyền để dẫn thật nên thị hiện giống như phàm phu. Thiên nhãn là một thứ thần thông trong sáu thứ thần thông, sự che lấp trong ngoài chẳng có gì là không thấy suốt. Các vị tiên, các bậc Thánh của Tiểu thừa tuy được thiên nhãn nhưng các cõi nước thanh tịnh ở phương xa cũng không thể quán thấy. Phương tiện khác là nếu đối với đương cơ, tức là ở trước đài ánh sáng hiện ra các cõi nước khiến cho bà Vi-đề-hy được thấy. Còn nếu căn cứ theo sự bàn luận để lập giáo pháp thì tức là mười sáu phép quán ở dưới chỉ bao gồm các chúng sinh ở đời vị lai và muốn nói về quyền trí đồng như nhau, thế nên nói là các Đức Phật.

Thứ hai: Vì những chúng sinh ở đời vị lai mà hỏi phương pháp ấy, có ba:

Thứ nhất: Nói mình được thấy.

Thứ hai: Thương kẻ khác không thấy.

Thứ ba: Chính là trình bày thưa hỏi.

+ Nói mình được thấy.

Lúc ấy, bà Vi-đề-hy bạch Phật rằng:

Bạch Đức Thế tôn! Như hôm nay con nhờ năng lực Phật nên được thấy cõi nước kia.

+ Thương kẻ khác không thấy.

Nếu sau khi Đức Phật nhập diệt, các chúng sinh ở cõi đời có năm thứ vẩn đục bất thiện bị năm thứ khổ ép ngặt.

Đó tức là vì lòng đại bi quyền xảo lợi ích chúng sanh mới thấy địa vị của bà Vi-đề-hy chẳng phải phàm phu, Tiểu thừa. Nghĩa của vẩn đục bất thiện giống như chỗ giải thích ở trước. Năm thứ khổ ấy như Sớ chép: Vì năm đường đều chẳng vui nên một đường A-tu-la mở thì thành sáu nhưng chỉ hợp lại có năm đường. Hoặc chọn chung năm điều ác, năm điều đau khổ, năm sự thiêu đốt, cho là năm thứ khổ. Tức là điều mà năm giới cấm ngăn thì năm thứ lỗi gọi là năm điều ác. Phạm năm việc này, gặp nạn phạm pháp gọi là năm điều đau khổ. Sau đó, đọa vào ba đường, gọi là năm sự thiêu đốt.

+ Chính là trình bày, thưa hỏi.

Làm thế nào để thấy được Đức Phật A-di-đà ở thế giới Cực lạc?

Chúng sinh ở đời vị lai:

Thứ nhất: Sinh ra đời không gặp Phật.

Thứ hai: Sự vẩn đục ác độc càng dữ dội.

Thứ ba: Bị các thứ khổ ép ngặt, càng sâu. Nghiệp chướng như vậy nghi rằng không có lý gì để thấy được cõi nước, vì thế có phương tiện gì để khiến được thấy?

Thứ ba: Đức Như lai trả lời điều thưa hỏi ấy, lại có hai:

Thứ nhất: Nêu bày chỗ buộc niệm.

Thứ hai: Xếp riêng mười sáu phép quán.

+ Nêu bày chỗ buộc niệm.

Phật bảo bà Vi-đề-hy: Bà và chúng sinh nên chuyên tâm buộc niệm ở một chỗ để quán tưởng cảnh giới Tây phương.

Vì pháp môn quán Tịnh độ thiết yếu là ở sự chuyên nhất nên phải chỉ định một phưong dùng làm chỗ cho tâm nương vào. Vì thế Đức Phật phát ra ánh sáng, hiện ra các cõi nước là quyết ý ở đây. Vì thế trong Luận Thập Nghi gọi là tam-muội Nhất tướng, kinh Văn Thù Bát-nhã cũng gọi là tam-muội Nhất hạnh, mà so với các phép quán thì có ba sự khác nhau.

Các phép quán khác thì không nhất định phương hướng góc cạnh. Còn ở đây thì phải nhất định là hướng Tây.

Các phép quán khác thì thu thần để trở về niệm. Còn ở đây thì đưa phép tưởng về phương kia.

Các phép quán khác thì trải qua khắp tự mình và kẻ khác. Còn ở đây thì nhất định duyên vào cảnh thánh, chọn lựa nghĩa môn đầy đủ, tâm và cảnh rõ ràng. Nếu trái với đây mà tu pháp khác thì gọi là tà quán.

+ Xếp riêng mười sáu phép quán.

Từ xưa Chương và Sớ phần nhiều nói dông dài, cho đến văn quán, các ví dụ phần nhiều sơ lược. Văn quán nói ở đây chính là yếu nghĩa của tâm, sự giải thích khoa tiết phải nhỏ nhiệm tinh tế. Và người nghe để tu tập cần thiết nên lưu tâm. Nay trước phân biệt chung rồi mới giải thích riêng. Mười sáu phép quán thường chia làm hai:

+ Thứ nhất: Một phép quán mặt trời lặn của cõi này trước tiên là chỉ định về phương hướng.

+ Thứ hai: Mười lăm thứ chánh quán về y báo và chánh báo của cõi nước kia ở sau.

Phép quán thứ nhất là gồm chung mười lăm phép quán ở dưới. Và ở dưới đều riêng khác, đều không gom nhiếp nhau. Mười lăm phép quán này lại chia làm hai:

Năm phép quán trước, đầu tiên là quán về y báo trang nghiêm ở cõi nước kia.

Mười phép quán sau là quán chánh báo tốt đẹp ở cõi nước kia.

Năm phép quán trước lại chia làm hai:

Hai phép quán trước là quán cảnh giới sở y của cõi nước kia. Tức là quán nước thành băng, thấy băng thành đất.

Ba phép quán sau là quán các tướng trang nghiêm của cõi nước kia, tức là cõi nước trang nghiêm không ngoài ba thứ:

Cây, tức là quán rừng cây bóng rợp ở cõi nước kia.

Ao, tức là quán suối nước chảy ở cõi nước kia.

Lầu, tức là quán đài các.

Phép quán đất gom nhiếp chung ba phép quán còn lại. Vì thế cây v.v…là riêng và đều nương trên đất. Vì thế mười phép quán sau lại chia làm bốn.

Ba phép quán trước là quán Phật, phép quán thứ bảy là quán chỗ ngồi của Đức Phật, phép quán thứ tám là quán hình tượng Phật để thay cho Phật thật.

Phép quán thứ chín (trong kinh ghi thứ tám) chính là quán tướng Phật.

Phép quán thứ mười và mười một là quán Phật và thị giả, chia ra phải trái khác nhau.

Phép quán thứ mười hai và mười ba là quán chung ba vị Thánh, xen lẫn cùng khắp khác nhau.

Phép quán thứ mười bốn, mười lăm và mười sáu là quán Phật và đồ chúng, ba bậc khác nhau trở xuống.

Như ở đây, sự phân biệt những điểm thiết yếu đại khái đối với một bộ kinh rất rõ ràng như chỉ tay trong lòng bàn tay. Và theo từng phép quán riêng lại chia như sau:

1. Quán mặt trời lặn, có ba: – Thứ nhất: Cảnh sở quán.

Thứ hai: Tưởng năng quán.

Thứ ba: Tổng kết chỉ bày.a. Thứ nhất: Cảnh sở quán.

Quán tưởng thế nào? Hễ khi thực hành phép quán tưởng thì nếu tất cả chúng sinh tự mình chẳng phải mù bẩm sinh thì những người có mắt sáng đều thấy mặt trời lặn.

Phương hướng góc cạnh mênh mang không có vật để biểu thị rõ ràng. Trong đó mặt trời lặn, những người có mắt đều thấy rõ ràng, dễ quán, có thể dùng làm chuẩn mực.

Sớ chép: Phương pháp quán tưởng mặt trời lặn hình dạng như chiếc trống treo, dùng để nêu tư tưởng, tức là ý này. Nói “tác tưởng”, tưởng chính là quán. Ở trong thai đã bị mất đôi mắt, gọi là mù bẩm sinh.

2. Thứ hai: Tưởng năng quán, có bốn:

Thứ nhất: Chỉ bày oai nghi tu quán.

Thứ hai: Chỉ bày quán tướng.

Thứ ba: Nói về tướng thành tựu.

Thứ tư: Khuyên thường quán.

Thứ nhất: Chỉ bày oai nghi tu quán.

Ngươi nên khởi tưởng nhớ, ngồi ngay thẳng hướng về về phía Tây.

Khởi tưởng nhớ tức là bắt đầu quán. Ngồi ngay thẳng là oai nghi của thân. Ngồi kết già hoặc bán già, thân ngay thẳng, hai tay chồng lên nhau như cách thức ngồi thiền. Cho nên trong Tăng truyện, các bậc cao tăng đời Tống ngày xưa ngồi không quay lưng về phía Tây là theo ý này.

Thứ hai: Chỉ bày quán tướng.

Quán sát kỹ chỗ mặt trời sắp lặn giúp cho tâm an trụ vững chắc, chuyên tâm quán tưởng không dời đổi.

Tâm và cảnh tương ứng, bất động, là thể của định.

Thứ ba: Nói về tướng thành tựu.

Thấy mặt trời sắp lặn hình dạng như chiếc trống treo.

Mặt trời gần xuống mặt đất, mây tan, ánh sáng gom nhiếp lại trong suốt hình như mặt trống treo giữa hư không.

Thứ tư là: Khuyên thường quán.

Đã thấy mặt trời lặn rồi, khi nhắm mắt mở mắt đều thấy được rõ ràng.

Khi tướng tưởng đã thành thì bắt đầu từng niệm nối nhau rõ ràng vận dụng không để mất.

3. Thứ ba : Tổng kết để chỉ bày.

– Đó gọi là phép quán tưởng mặt trời, gọi là phép thứ nhất.

Tổng kết để chỉ bày nêu biết.

Y theo mười lăm phép quán sau, thì phép quán tướng nước thứ hai trong năm phép quán về y báo ở trước muốn thành tựu thì nên quán nước đóng thành băng ở cõi này. Còn phép tưởng nước thứ năm chính là quán ao nước cõi kia, tên giống mà thể khác, người học nên biết.

– Quán nước đóng băng:

Thứ nhất: Cảnh sở quán.

Thứ hai: Tổng kết chỉ bày.

Phép quán tưởng nước đóng thành băng chính là quán đất.

Đất báu lưu ly là điều không có ở thế gian, nhưng mặt nước kết thành băng đó là việc mọi người đều biết. Do đây để thấy kia, dùng tướng gần giống để so sánh với đất thật. Vì thế, trước nên quán nước đóng thành băng, rồi sau mới thành tựu đất báu.

Sớ chép: Nước lớn kết thành băng thật sự biểu hiện cho đất lưu ly.

Có hai phần:

­ Thứ nhất: Cảnh sở quán, có hai:

Thứ nhất: Quán nước.

Thứ hai: Quán đất.

Quán nước, có ba:

Thứ nhất: Quán tưởng ngay nước.

Thứ hai: Biến nước thành băng.

Thứ ba: Biến băng thành lưu ly.

Thứ nhất: Quán tưởng ngay nước.

Kế lại quán tưởng nước, thấy nước đứng lặng trong suốt, cũng phải quán thấy rõ ràng, ý không tán loạn.

Thấy rõ nước đứng lặng trong suốt bất động. Vì thế gọi là ý không tán loạn.

Thứ hai: Biến nước đóng thành băng.

Khi đã thấy nước rồi thì nên khởi tưởng nước đóng thành băng.

Thứ ba: Biến băng thành lưu ly.

Thấy băng chiếu trong suốt, khởi tưởng đó là lưu ly.

Đến đây đã xong phần quán nước và phép quán tưởng từ đây trở xuống là thuộc về phép quán đất ở sau.

Quán đất, có ba:

Thứ nhất: Thể đất sáng suốt.

Thứ hai: Dưới đất có cột chống đỡ.

Thứ ba: Các cảnh trang nghiêm trên đất.

Thứ nhất: Thể đất sáng suốt.

Tưởng như thế thành rồi, kế là quán thấy đất lưu ly trong ngoài chiếu suốt.

Thứ hai: Dưới đất có cột chống đỡ, có hai:

Thứ nhất: Chỉ bày thể của cột.

Thứ hai: Ánh sáng của những hạt châu chiếu sáng lên.

Thứ nhất: Chỉ bày thể của cột.

Ở dưới có cột bằng vàng, kim cương, bảy báu chống đỡ đất lưu ly.

Cột ấy có đủ tám mặt, tám cạnh, mỗi mặt do trăm thứ báu hợp thành.

Tám mặt và tám cạnh, hình dáng giống như ngôi tháp.

Thứ hai: Ánh sáng của các hạt châu chiếu sáng lên.

Mỗi một hạt châu có ngàn tia sáng, mỗi tia sáng có tám mươi bốn ngàn màu, chiếu sáng đất lưu ly như ngàn ức mặt trời không thể thấy hết.

– Thứ ba: Các cảnh trang nghiêm trên đất, có bốn: Thứ nhất: Các bậc thềm hoa trên mặt đất.

Thứ hai: Màu sắc ánh sáng của các thứ báu.

Thứ ba: Các ánh sáng báu này hợp lại thành đài và lầu gác. Thứ tư: Cờ hoa và nhạc khí.

Thứ nhất: Các bậc thềm hoa trên mặt đất.

Trên đất lưu ly có dây vàng ròng xen lẫn nhau, dùng bảy thứ báu làm giới hạn, phân chia đều đặn rõ ràng.

Dây vàng và bảy thứ báu đắp đổi xen nhau như những viên gạch hoa của thế gian.

Thứ hai: Màu sắc ánh sáng của các thứ báu.

Trong mỗi thứ báu có năm trăm tia sáng màu sắc. Các ánh sáng ấy như hoa, lại giống như trăng sao, treo lơ lững giữa hư không.

Các màu sắc ánh sáng của các thứ báu, từ đất chiếu lên hư không, vì thế giống như hoa. Lại từ trên chiếu xuống dưới, vì thế giống như trăng sao.

Thứ ba: Các ánh sáng báu này hợp lại thành đài và lầu gác.

Thành đài và lầu gác sáng rỡ do trăm ngàn muôn thứ báu hợp thành.

Thứ tư: Cờ hoa và nhạc khí.

Ở hai bên đài đều có trăm ức cờ hoa, vô lượng nhạc khí để trang nghiêm. Tám thứ gió mát từ ánh sáng thổi ra, khua động các nhạc khí ấy, giảng nói các âm thanh Khổ, Không,Vô thường, Vô ngã.

Cờ hoa và nhạc khí bốn mặt đều vây quanh. Gió thổi thành âm thanh nói pháp để răn bảo mọi người: Gió sinh ra từ tám phương, vì thế gọi là tám thứ gió mát. Ở cõi nước kia không có thời tiết, lại vì đối với phương này, nên nói là tám.

Các pháp Khổ, Không v.v… tức là bốn pháp niệm xứ:

Quán thân bất tịnh.

Quán thọ là khổ.

Quán tâm vô thường.

Quán pháp vô ngã.

Dùng bốn pháp này để đối trị phá bỏ bốn thứ điên đảo. Chữ “Không” trong văn lại đối với quán thân mà biết là điên đảo chấp trước chẳng phải Không thì là gì?

­ Thứ hai : Tổng kết chỉ bày.

Đó là phép quán tưởng nước đóng thành băng, gọi là phép quán thứ hai. Đây là lời kết nên biết.

– Quán đất.

Cảnh sở quán đầy đủ như văn ở trước. Vì thế phép quán đất thứ ba chỉ y theo trước để tổng kết khuyên tu mà thôi.

Văn có bốn tiết:

Thứ nhất: Phép tư duy.

Thứ hai: Phép chánh thọ. Thứ ba: Nói về lợi ích.

Thứ tư: Nói về tà, chánh.

Phép tư duy:

Khi phép quán tưởng này đã thành thì mỗi chi tiết phải quán tưởng cho rõ ràng, nhắm mắt mở mắt không để cho tán mất, chỉ trừ giờ ăn, còn thường phải nhớ nghĩ việc ấy. Người quán tưởng được như thế gọi là được thấy thô đất ở cõi nước Cực lạc.

Mỗi chi tiết phải quán tưởng là chỉ các tướng chung và riêng ở trước. Trừ giờ ăn là thời gian khai cho tạm thời.

Có sách khác đổi thành giờ ngủ nhưng tìm các sách cũ thì đều nói giờ ăn. Hơn nữa, khi người ta ngủ, đều thả người theo hơi thở của chính mình, thì còn cần trừ ư? Có chỗ nói Đại thừa và Tiểu thừa đều có quán khi ăn, vì thế trừ giờ ngủ. Đó là hạn cục ở đạo chúng chứ chẳng phải lẽ chung. Ở đây nói các phép quán khác không phân biệt thời và xứ nhưng phép quán cảnh Thánh ấy lẽ ra nên cung kính, mà đối với khi ăn khởi phép tưởng thì đó là trái với sự tôn kính. Cho nên phép quán hình tượng Phật trong kinh Quán Phật tam-muội chép: Khi tưởng niệm đã thành rồi, thì chỉ trừ giờ ăn, trừ giờ đại tiểu tiện, còn trong tất cả thời gian đều thường quán thấy hình tượng Phật. Đó là những chứng cứ rõ ràng không cần phải thay đổi. Và những kẻ sơ tâm phải tưởng dần dần vì tướng định chưa thành tựu. Vì thế nói là lược thấy, tức là nói người ấy chưa quán thấy rõ ràng.

Phép chánh thọ.

Nếu chứng được phép tam-muội thấy đất của cõi nước kia rõ ràng không thể nói hết. Đó là phép quán tưởng tốt, gọi là phép quán thứ ba.

Tam-muội, chính âm là Tam-ma-địa, Hán dịch là Chánh định, hoặc dịch là Đẳng trì. Khi phép tưởng đã thành tựu thì việc thấy đất không cần dùng ý mà tự nhiên khế hợp thấy cảnh rõ ràng, như người học bắn, ban đầu bỡ ngỡ về sau thuần thục, hễ bắn ra là trúng, nói nghĩ không thể cùng, mà chỉ có chứng được mới biết. Vì thế gọi là “không thể nói hết”.

Nói về lợi ích, có hai:

Thứ nhất: Dặn bảo lại để chỉ giáo.

Thứ hai: Chính nói về lợi ích.

Thứ nhất: Là dặn bảo lại để chuyển giáo.

Phật bảo A-nan: Ông nên ghi nhớ vâng giữ lời dạy của ta, nói phép quán đất này cho tất cả đại chúng, những người muốn thoát khổ ở đời vị lai nghe.

Bảo ngài A-nan ấy là vì hai phép quán trước chỉ là dùng những vật ở cõi này để làm đầu mối sinh khởi đối với phép quán. Và đến phép quán đất báu thì tâm thông suốt được cõi kia, chắc chắn có thể thoát khổ, phá trừ nghi chướng, nên Đức Phật dặn bảo lại để chỉ giáo là ý này.

Thứ hai: Chính là nói về lợi ích, có hai:

Thứ nhất: Phá chướng.

Thứ hai: Dứt nghi.

Thứ nhất: Phá chướng.

Nếu người nào tu phép quán tưởng đất ấy thì trừ được các tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp.

Tám mươi ức kiếp có chỗ nói là vô lượng kiếp, có chỗ nói là năm muôn, có chỗ nói là năm mươi ức kiếp, tùy theo sự thích nghi không nhất định, chẳng phải chỗ so lường được.

Thứ hai: Là dứt nghi.

Khi xả báo thân để qua đời khác sẽ được sinh về cõi nước thanh tịnh, tâm được vô ngại.

Nếu phép quán này thành tựu thì việc vãng sinh chắc chắn như Cao tăng Đại Hạnh đời Đường ở núi Thái, kết am tu hành tịnh nghiệp, chưa đầy hai mươi mốt ngày đã thấy đất lưu ly, mắt tâm sáng suốt, sau khi mắc bệnh, đất ấy lại hiện ra, bèn chép:

Ta không quán tưởng mà đất báu lại hiện ra, thì đâu phải vô duyên đối với cõi An Dưỡng và ngay ngày hôm đó Sư qua đời tại chỗ ở.

­ Nói về tà, chánh, có hai:

Thứ nhất: Nói về chánh.

Thứ hai: Nói về tà.

Thứ nhất: Nói về chánh.

Người tu phép quán như vậy gọi là chánh quán.

Nói “Tu phép quán như vậy” là chỉ cho tướng quán ở trước, vì tâm và cảnh tương xứng, giáo và hạnh không trái nhau.

Thứ hai: Nói về tà.

Nếu tu phép quán khác, gọi là tà quán.

Trái với cảnh tượng ở trước gọi là quán khác, không chân chánh gọi là tà. Tuy là lời Phật dạy nhưng các phép quán của Đại thừa và Tiểu thừa chẳng phải phép quán vãng sinh Tịnh độ thì đều là thiên, là tà, chẳng phải như tà của tà kiến ngoại đạo và số còn lại đều lệ theo đây.

– Quán cây, có ba:

Thứ nhất: Tổng kết văn trước để phát sinh văn sau.

Thứ hai: Nói về hạnh tu quán.

Thứ ba: Tổng kết chỉ bày.

Tổng kết văn trước phát sinh văn sau.

Phật bảo A-nan và bà Vi đề hi: Phép quán tưởng đất đã thành rồi, kế là quán cây báu.

Chữ “Bảo”, là nêu hoặc không nêu là chỗ biến đổi của người dịch.

Trong phần chính nói cách tu hành phép quán, có hai:

Thứ nhất: Nêu sở quán.

Thứ hai: Chỉ bày năng quán.

Thứ nhất: nêu sở quán, có hai:

Thứ nhất: Chỉ bày về lượng.

Thứ hai: Nói về cảnh tượng trang nghiêm.

Thứ nhất: Chỉ bày về lượng, có ba:

Dạy quán khắp.

Chỉ bày số hàng cây.

Nói về chiều cao.

+ Dạy quán khắp.

“Những người quán tưởng cây báu, quán từng cây một. Vì tướng cây có nhiều loại nên nói là “mỗi cây”.

+ Chỉ bày số hàng cây.

“Phải quán bảy lớp hàng cây.”

Bảy lớp hàng cây xoay vòng khắp ở cõi nước kia, hoặc nói là chỗ nào cũng có bảy lớp hàng cây.

+ Nói về chiều cao.

“Mỗi cây cao đến tám ngàn do-tuần.”

Do-tuần còn gọi là do-diên, cũng gọi là du-thiện-na, là khoảng cách dừng nghỉ giữa các trạm ở Tây Trúc, các kinh luật nói xa hoặc gần không nhất định nhưng các nhà (u7) phần nhiều chọn lấy bốn mươi dặm làm chuẩn.

– Thứ hai: Nói về cảnh tượng trang nghiêm có hai:

Thứ nhất: Ánh sáng trang nghiêm.

Thứ hai: Hoa quả trang nghiêm.

+ Ánh sáng trang nghiêm, lại có ba:

Thứ nhất: Chỉ bày hoa lá đầy đủ.

Thứ hai: Nói về màu ánh sáng.

Thứ ba: Nói về lưới châu.

+ Hoa lá đầy đủ.

Những cây báu ấy, hoa lá bảy báu chẳng có cây nào không đầy đủ. Hoa lá đầy đủ là vì không có sự tàn rụng.

+ Nói về màu ánh sáng.

Mỗi hoa lá có các màu báu khác nhau. Trong mầu lưu ly chiếu ra ánh sáng màu vàng, trong màu pha lê chiếu ra ánh sáng màu hồng, trong màu mã não chiếu ra ánh sáng xa cừ, trong màu xa cừ chiếu ra ánh sáng lạc châu báu, các thứ san hô, hổ phách, tất cả các thứ báu tô điểm rực rỡ.

Các mầu báu xen lẫn với ánh sáng năm màu, màu xanh lưu ly chiếu ra ánh sáng vàng, trong màu xanh pha lê chiếu ra ánh sáng màu hồng, trong màu đỏ mã não chiếu ra ánh sáng trắng (xa cừ), trong màu trắng xa cừ chiếu ra ánh sáng lục. Còn theo kinh Vô Lượng Thọ thì có hổ phách, các cây bảy báu đầy khắp thế giới. Các cây vàng, bạc, lưu ly, pha lê, san hô, mã não, xà cừ v.v… hoặc có hai thứ báu, ba thứ báu, cho đến bảy thứ báu xen nhau chung hợp thành. Và như kinh nói rộng, tức là các thứ báu để tô điểm rực rỡ.

+ Lưới châu báu, có bốn:

Thứ nhất: Chỉ bày số lớp.

Thứ hai: Các cung điện giữa lưới.

Thứ ba: Các đồng tử trong cung điện.

Thứ tư: Ánh sáng của các chuỗi hạt châu.

Thứ nhất: Chỉ bày số lớp.

Có các lưới châu báu mầu nhiệm che phủ trên cây, trên mỗi cây có bảy lớp lưới.

Mỗi cây có bảy tầng, mỗi tầng có một lớp, hình dáng như ngôi tháp.

Thứ hai: Các cung điện giữa lưới.

Giữa mỗi lớp lưới có năm trăm ức cung điện hoa đẹp trang nghiêm như cung Phạm vương.

Các cung điện giữa lưới trang nghiêm đẹp đẽ như chỗ ở của trời Phạm Vương cõi Sắc.

Thứ ba: Các Đồng tử trong cung điện.

Các Đồng tử ở các cảnh trời tự nhiên đều ở trong đó, mỗi vị Đồng tử có năm trăm ức hạt Thích-ca Tỳ-lăng-già ma-ni dùng làm chuỗi anh lạc.

Từ: “Mỗi một” v.v… trở xuống là sự tô điểm trang nghiêm của các vị Đồng tử trong các cảnh trời. Thích-ca Tỳ-lăng-già ma-ni, Hán dịch là Năng Thánh, Ma-ni dịch là Ly cấu, cũng dịch là Như ý.

Thứ tư: Ánh sáng của những chuỗi hạt châu.

Ánh sáng của những hạt Ma-ni ấy chiếu xa đến trăm do-tuần, giống như ánh sáng của trăm ức mặt trời, mặt trăng hòa hợp không thể nào nói cho hết, giữa các thứ báu đan xen lẫn nhau, màu sắc đẹp nhất trong các màu.

“Giữa các thứ báu” là không chỉ có một hạt châu. Màu sắc đẹp nhất trong các màu là khác với bình thường.

+ Hoa quả trang nghiêm, lại có hai:

Nêu chung.

Chỉ bày riêng.

Nêu chung.

Những hàng cây báu ấy hàng hàng ngang nhau, lá lá thứ lớp nhau.

Giữa các lá sinh ra các hoa đẹp, trên hoa tự nhiên có trái bằng bảy chất báu.

Hàng hàng ngang nhau giống như xứng đôi nhau.

Lá lá thứ lớp nhau như vảy nối nhau. Hoa quả như ở dưới giải thích.

Chỉ bày riêng, có ba:

Thứ nhất: Nói về lá cây.

Thứ hai: Nói về hoa cây.

Thứ ba: Nói về quả cây.

+ Thứ nhất: Nói về lá cây.

“Mỗi lá cây dài, rộng, ngay thẳng đến hai mươi lăm do-tuần.”

Ba câu chỉ bày lượng, hai mươi lăm do-tuần tính ra là một ngàn dặm.

“Lá cây có ngàn màu, có trăm đường gân, giống như chuỗi anh lạc của các vị trời.”

Ba câu nói về màu, có trăm đường gân, tức là trên lá có những đường gân. Giống như chuỗi anh lạc của các vị trời là hình dáng những đường vân.

+ Thứ hai: Nói về hoa cây.

“Có các hoa đẹp màu vàng Diêm-phù-đàn như những vòng lửa xoay tròn, mềm mại giữa lá.

Diêm-phù-đàn đã giải thích ở trên. Ở ven bờ các châu đều có cây, đáy biển chiếu ra màu ánh sáng vàng không thể so sánh ví dụ. Nếu đặt ở trong bóng tối, thì bóng tối ấy liền tan biến, màu hoa cũng giống như thế. Hoa ấy xoay vòng giống như xe gió ở thế gian.

+ Thứ ba: Nói về quả cây, lại có hai:

Thứ nhất: thể tướng.

Thứ hai: Ánh sáng biến thành cờ phướn và lọng báu.

Thứ nhất: Thể tướng.

Vọt sinh ra các trái, hình dáng như cái bình của trời Đế-thích.

Bình của trời Đế-thích, là ở trước cung điện của trời Đế-thích có cái bình chẳng lường được sự rộng lớn của nó. Dùng lá để đo quả thì biết được sự rộng lớn của nó.

Thứ hai: Ánh sáng biến thành cờ lọng.

Có ánh sáng rực rỡ hóa thành cờ phướn và vô lượng lọng báu. Trong những lọng báu ấy chiếu sáng hiện ra tất cả Phật sự trong Tam thiên đại thiên thế giới, các cõi nước của các Đức Phật trong mười phương cũng đều hiện trong đó.

Chiếu sáng hiện ra, có hai:

Tất cả các Phật sự trong Tam thiên Đại thiên thế giới là một.

Các cõi nước của các Đức Phật trong mười phương là hai.

Chỉ bày vãng sinh, tuyên bố nhập Niết-bàn, nói pháp, độ sinh, đều gọi là Phật sự.

Thứ hai: Chỉ bày năng quán.

Khi đã quán thấy những hàng cây đó rồi, cũng nên theo thứ lớp mỗi cây để quán, quán thấy thân cây, cành, lá, hoa, quả đều rõ ràng.

Vì sợ tham quán rối loạn nên khiến quán theo thứ lớp. Năm thứ thân… tức là theo thứ lớp, thân nghĩa là rễ và gốc thì chắc chắn gồm cả cành.

­ Tổng kết chỉ bày.

Đó là phép quán tưởng cây, gọi là phép quán thứ tư.

Văn tổng kết dễ hiểu.

— Quán ao, có bốn:

Thứ nhất: Chỉ bày thể tướng.

Thứ hai: Nói về hoa sen trong ao.

Thứ ba: Nói về ánh sáng của ao.

Thứ tư: Tổng kết chỉ bày.

­ Thứ nhất: Chỉ bày thể tướng, có bốn:

Nêu số lượng.

Nói về màu nước.

Nói về rãnh nước.

Nói về đáy ao.

Nêu số lượng.

Kế nên quán tưởng nước, người muốn quán tưởng nước, thì ở cõi nước Cực lạc có tám ao nước.

Mỗi nước có tám ao, đường rãnh thông nhau.

Nói về màu nước.

Mỗi ao nước đều do bảy chất báu hợp thành, Các chất báu này tánh chất mềm mại, từ như ý châu vua các châu ngọc sinh ra.

Hai câu trên là nói về về sắc tướng. Ao, bậc cấp, bờ của ao đều do các chất báu hợp thành. Màu của các nguồn nước trong ao cũng vậy. Nên nói đều do bảy chất báu hợp thành. Hai câu dưới là chỉ bày nơi sinh ra. Mỗi giữa ao đều có ngọc như ý vua các châu ngọc. Các nguồn từ ngọc như ý vua các châu ngọc chảy trong ao, lúc nào cũng đầy tràn.

Nói về rãnh nước.

Chia thành mười bốn nhánh, mỗi nhánh có màu đẹp bảy báu, rãnh

bằng vàng ròng.

Mười bốn nhánh tức là mười bốn đường rãnh.

Nói về đáy ao.

Dưới ao đều có cát bằng ngọc kim cương nhiều màu. Ngọc kim cương nhiều màu, có năm màu và cứng.

­ Thứ hai: Hoa sen trong ao, có ba:

Thứ nhất: Chỉ bày số lượng.

Thứ hai: Nói về sự rộng lớn.

Thứ ba: Nói về nước chảy vào giữa hoa.

Chỉ bày số lượng.

Trong mỗi ao nước đều có sáu mươi ức hoa sen bảy báu.

Trong mỗi ao nước tức là trong tám ao nước ở trên, mỗi ao đều có sáu mươi ức. Trong kinh A-di-đà nói có bốn màu và bốn ánh sáng. Còn ở đây nói là bảy báu, vì thế biết là khác nhau nhiều.

Nói về sự rộng lớn.

Mỗi hoa sen hình tròn bằng phẳng đường kính rộng đến mười hai do-tuần.

Mười hai do-tuần tính ra thành bốn trăm tám mươi dặm.

Kinh A-di-đà chỉ nói lớn như bánh xe là nêu hoa ấy rất nhỏ.

Nói về nước chảy vào giữa hoa.

Nước Ma-ni ấy chảy lên xuống theo cọng sen, rồi rót vào giữa cánh hoa, tiếng nước chảy rất mầu nhiệm, giảng nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã và các pháp Ba-la-mật, lại có tiếng khen ngợi tướng tốt của các Đức Phật.

Từ như ý châu sinh ra, vì thế nói là nước Ma-ni, ghép chung Hoa và Phạn. Chảy lên xuống theo cọng sen giống như tuần hoàn. Cọng sen tức là thân cây. Nói nước tuần hoàn theo hoa và thân cây là chảy lên để rót vào giữa hoa, lần lượt phát ra âm thanh, rồi theo thân cây chảy xuống ngay, giảng nói các pháp có ba:

Bốn pháp niệm xứ.

Pháp sáu độ.

Khen ngợi tướng tốt của Phật.

­ Thứ ba: Ánh sáng của ao, có hai:

Thứ nhất: Từ châu phát ra ánh sáng.

Thứ hai: Ánh sáng biến thành các loài chim kỳ diệu.

Thứ nhất: Từ châu phát ra ánh sáng.

Từ ngọc như ý vua các châu ngọc phát ra ánh sáng màu vàng sáng rỡ mầu nhiệm.

Thứ hai: Ánh sáng biến thành các loài chim kỳ diệu.

Ánh sáng ấy biến thành các loài chim có màu trăm báu, tiếng chim kêu thanh tao êm tai thường khen ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Tức là các loài chim hạc trắng, chim công trong kinh A-di-đà.

Còn kinh này như lời văn ở dưới là các loài chim như Phù, Nhạn, Uyên ương… Tức là biết các loài chim báu chẳng phải chỉ có một loài và ở đây chỉ nêu sắc lông dùng để gom nhiếp chung. Khen ngợi Tam bảo vì để cho hướng về.

­ Thứ tư: Tổng kết chỉ bày.

Đó là phép quán tưởng nước có tám thứ công đức, gọi là phép quán thứ năm.

Tám thứ công tức là:

Một là: Nhẹ nhàng.

Hai là: Trong sạch.

Ba là: Mát lạnh.

Bốn là: Mềm mại.

Năm là: Đẹp đẽ.

Sáu là: Không hôi.

Bảy là: Khi uống điều hòa dễ chịu.

Tám là: Uống rồi không bị bệnh hoạn.

Không ngoài bốn trần: Sắc, hương, vị, xúc mà thôi.

 

Trang: 1 2 3