KINH QUÁ KHỨ HIỆN TẠI NHÂN
(Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh)
Tống Thiên Trúc Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La Hán dịch
Tỳ Kheo Nhất Chân Việt dịch 

doahong

 

QUYỂN IV

15. Thế Tôn độ Da Xá và các thân quyến thành năm mươi Tỳ khưu

Bấy giờ, có vị con nhà trưởng giả tên là Da Xá, thông minh lợi căn, giàu có vô cùng, thuộc hàng đệ nhất trong cõi Diêm Phù Đề này. Mặc thì mũ trời, anh lạc, đi thì hia hài châu báu. Da Xá giữa đêm cùng các kỹ nữ hoan lạc với nhau rồi, ai nấy yên ngủ, bỗng sực tỉnh giấc, thấy các kỹ nữ người thì nằm xấp, kẻ thì nằm ngửa, đầu bù tóc rối, bọt dãi tèm lem, nhạc khí, phục sức ngổn ngang bừa bãi. Trông thấy thế rồi sinh tâm nhàm chán, mới thầm nghĩ rằng: “Ta nay đúng là ở trong tai họa: Ở trong bất tịnh mà lại vọng cho đó là tịnh!”

Ngay lúc vừa nghĩ như thế, do nơi lực trời mà trong không bỗng có ánh sáng, cửa tự nhiên mở. Mới bèn theo ánh sáng mà đi, đến vườn Lộc Dã. Đường đi ngang qua sông Hằng, lớn tiếng la lên rằng: “Khổ thay! Họa thay!” Phật nói với Da Xá: “Người hãy lại đi! Ta nay tại đây có pháp lìa khổ.” Da Xá nghe tiếng Phật nói, liền cởi hết hài báu giá trị của Diêm Phù Đề, băng qua sông Hằng đi đến chỗ Phật, thấy Phật ba mươi hai tướng, tám mươi nét đẹp, tướng mạo siêu việt, oai đức vẹn toàn, thì hết lòng vui mừng, nôn nao vô lượng, toàn thân năm phần sụp xuống đất, đỉnh đầu lễ dưới chân Phật, nói rằng:

– Duy nguyện Thế Tôn cứu vớt con với!

Phật nói:

– Thiện tai! Thiện nam tử. Hãy nghe cho kỹ rồi khéo suy xét! Như Lai mới liền tùy theo căn tính mà thuyết pháp cho nghe: – Sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ, không, vô ngã, ngươi có biết vậy chăng?

Khi Da Xá nghe câu nói ấy, tức thì đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh. Theo đó Như Lai thuyết lại Tứ Đế lần nữa, khiến cho lậu tận ý tỏ, tâm được tự tại, thành quả A La Hán, lập tức đáp lời Phật rằng:

– Thế Tôn! Sắc thọ tưởng hành thức đúng thật là vô thường, khổ, không, vô ngã!

Bấy giờ Như Lai thấy Da Xá vẫn còn đeo đồ trang sức, nên nói kệ rằng:

Tuy là ở tại gia đeo ngọc, đồ trang sức, song khéo nhiếp các căn, nhàm chán lìa năm dục. Nếu mà được như thế mới là chân xuất gia. Tuy thân nơi hoang dã, y phục, ăn thô sáp, ý vẫn tham ngũ dục, thì chưa phải xuất gia. Tất cả tạo thiện ác đều từ tâm tưởng sinh. Thế nên chân xuất gia đều lấy tâm làm gốc.

Bấy giờ, Da Xá nghe Như Lai nói bài kệ ấy xong, tâm tự nghĩ rằng: “Thế Tôn sở dĩ nói bài kệ ấy là bởi ta vẫn còn đeo thất bảo. Ta nay phải cởi các đồ y phục ấy ra.” Rồi lập tức lạy Phật mà bạch Phật rằng:

– Duy nguyện Thế Tôn, cho con xuất gia.

Phật nói:

– Thiện lai, Tỳ Khưu!

Thời râu tóc tự rụng, cà sa khoác thân, tức thành sa môn.

(1) Thế Tôn độ cha của Da Xá thành ưu bà tắc đầu tiên

Bấy giờ cha của Da Xá đến sáng ngày ra, tìm kiếm Da Xá chẳng biết đâu mất, tâm rất áo não, kêu gào khóc lóc, lần theo đường đi tìm, đến bên bờ sông Hằng, thấy đôi hài của con, tâm thầm nghĩ rằng: “Con ta đúng là theo đường này mà đi.” Liền theo dấu vết đến nơi chỗ Phật. Khi ấy Thế Tôn biết ông ta vì tìm con mà đến tận đây, nếu để cho gặp Da Xá ngay thì ắt sẽ khổ sở vô cùng hoặc có thể sẽ mệnh chung, nên Phật dùng thần lực ẩn dấu Da Xá đi. Người cha mới tiến đến trước Phật, đầu diện lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi xuống một bên. Khi ấy Như Lai mới tùy theo căn tính của ông mà thuyết pháp cho:Thiện nam tử! Sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ, không, vô ngã, ông có biết vậy chăng?

Thời cha của Da Xá nghe lời nói ấy, liền đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh, nên đáp Phật rằng:

– Sắc thọ tưởng hành thức quả thật là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Bấy giờ Như Lai biết là ông ta đã thấy ra dấu tích của Đạo, ân ái mỏng dần đi, nên mới hỏi rằng:

– Ông nhân duyên gì mà đến nơi đây?

Ông ta liền đáp rằng:

– Con có đứa con tên là Da Xá, trong đêm qua bỗng nhiên mất tích. Sáng nay con đi tìm, thấy đôi hài báu bỏ bên sông Hằng. Con theo vết chân tìm đến tận đây.

Bấy giờ Thế Tôn mới thu thần lực lại, người cha lập tức nhìn thấy Da Xá, tâm rất vui mừng, nói với Da Xá rằng: “Thiện tai, thiện tai! Té ra con vì chuyện này, thật là hạnh phúc vậy! Đã độ được chính mình, còn độ luôn người khác nữa. Do con hiện ở đây, mới khiến ta tìm lại mà được thấy dấu tích của Đạo.” Thế rồi ở trước Phật thọ tam tự quy. Thế là trong Diêm Phù Đề, lúc đó, chỉ có vị trưởng giả này là ưu bà tắc đầu tiên được cúng dường Tam Bảo. (2) Thế Tôn độ năm mươi con trưởng giả tổng cộng thành năm mươi sáu vị La Hán

Bấy giờ, lại có năm mươi người con trưởng giả bạn bè của Da Xá, nghe Phật xuất thế, lại nghe Da Xá ở trong Phật Pháp xuất gia tu đạo, ai cũng nghĩ rằng: “Thế gian hiện nay có đấng Vô Thượng Tôn, con trưởng giả Da Xá thông huệ sáng suốt, tài nghệ hơn người mà còn bỏ hết hào tộc, xả lạc ngũ dục, không màng phục sức đẹp, giữ vững chí nguyện mà làm sa môn, thì chúng ta giờ đây còn mê luyến gì mà không xuất gia kìa?” Nghĩ rồi cùng nhau tìm đến Phật. Khi chưa đến nơi, xa thấy Như Lai tướng hảo khác thường, quang minh rực rỡ, ai nấy tâm rất vui mừng, toàn thân mát rượi, tâm tràn ngập cung kính. Vội tiến đến trước Phật chắp tay bao quanh, đầu mặt lễ dưới chân Phật. Các vị con trưởng giả này đời trước có gieo trồng gốc đức, nên thông hiểu dễ ngộ. Như Lai mới tùy theo họ cần nghe những gì mà nói pháp cho nghe:

– Thiện nam tử! Sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ, không, vô ngã, các ông có biết vậy chăng?

Nói lời đó xong, thời các vị con trưởng giả đối với chư pháp xa trần lìa cấu đắc mắt pháp tịnh, liền đáp lời Phật rằng:

– Sắc thọ tưởng hành thức quả thật là vô thường, khổ, không, vô ngã. Duy nguyện Thế Tôn nhận cho chúng con được xuất gia.

Phật nói:

– Thiện lai, Tỳ Khưu!

Tức thì râu tóc tự rụng, cà sa đắp thân, biến thành sa môn. Bấy giờ, Thế Tôn lại tường tận nói về Tứ Đế cho nghe, thời năm mươi vị Tỳ khưu lậu tận ý tỏ, đắc quả A La Hán. Thế là có được năm mươi sáu vị A la hán.

(3) Thế Tôn phân phái các thánh đệ tử đi độ sinh

Bấy giờ, Thế Tôn bảo chư Tỳ khưu rằng:

– Các ông những gì phải làm đã làm xong, xứng đáng làm phúc điền cao cả cho thế gian, nên mỗi vị hãy đi các nơi giáo hóa, dùng tâm từ bi độ các chúng sinh. Ta nay cũng phải một mình đến Vương Xá thành nước Ma Kiệt Đề để độ các dân chúng tại đó.

Chư Tỳ khưu đáp:

– Thiện tai, Thế Tôn!

Rồi thì các Tỳ khưu đầu mặt lễ chân Phật, mỗi vị đem theo y bát từ biệt ra đi.

16. Thế Tôn độ ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp thành một ngàn năm mươi Tỳ khưu

(1) phương tiện hàng phục ác long

Bấy giờ, Thế Tôn mới tư duy rằng: “Ta nay phải độ những chúng sinh nào để mà lợi khắp cho tất cả trời người? Duy có ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đang ở tại nước Ma Kiệt Đề, học tập tiên đạo. Quốc vương thần dân đều rất quy tín. Lại họ thông minh lợi căn dễ ngộ. Song ngã mạn của họ cũng khó điều phục. Ta nay phải đến để độ thoát họ.” Tư duy thế rồi, liền rời Ba La Nại tiến về nước Ma Kiệt Đề. Trời sắp xế chiều thì đến chỗ trụ của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp. Lúc ấy Ca Diếp bỗng thấy Như Lai tướng hảo trang nghiêm, tâm rất hoan hỉ, mới hỏi thăm rằng:

– Niên thiếu sa môn, từ đâu đến vậy?

Phật liền đáp rằng:

– Ta từ nước Ba La Nại đang trên đường đi đến nước Ma Kiệt Đề.

Trời đã về chiều muốn trọ lại một đêm.

Ca Diếp lại nói:

– Ở lại ngủ trọ không có gì trở ngại hết, song các phòng xá đều dành cho các đệ tử của ta ở, duy có căn nhà đá rất là trong sạch, mọi đồ thờ lửa của ta đều để trong đó. Chỗ đó tịch tĩnh có thể chứa ông, song có rồng ác ở ngay trong ấy, sợ nó hại ông.

Phật lại đáp rằng:

– Chỉ cần cho tá túc là quý hóa lắm rồi.

Ca Diếp lại nói:

– Nếu mà ở được thì tùy tiện mà ở.

Phật đáp:

– Thiện tai!

Tức ngay đêm đó, Phật vào nhà đá ngồi kết già phu, nhập vào tam muội. Khi ấy rồng dữ tâm độc hừng thịnh, toàn thân xịt khói. Thế Tôn liền nhập vào hỏa quang tam muội. Rồng dữ thấy vậy phát lửa bừng ngút trời thiêu rụi nhà đá. Đệ tử của Ca Diếp thấy ngọn lửa ấy trước, chạy về bạch với thầy: “Vị sa môn niên thiếu kia, thông minh đẹp tướng, nay bị lửa của rồng thiêu rụi!” Ca Diếp kinh hãi thức dậy, thấy ngọn lửa của rồng kia, ôm lòng bi thương, mới sai đệ tử dùng nước tưới lửa. Nước không dập tắt nổi, mà lửa càng dữ dội hơn, chảy tan nhà đá. Bấy giờ Thế Tôn thân tâm bất động, sắc diện điềm nhiên, hàng phục rồng dữ, làm hết thành độc, truyền Tam Quy cho, rồi để trong bình bát.

Đến khi trời sáng, thầy trò Ca Diếp cùng nhau kéo đến gặp Phật hỏi thăm:

– Niên thiếu sa môn! Lửa của rồng mãnh liệt mà không vì thế bị tổn thương gì sao? Sa môn mượn phòng, sở dĩ đêm qua ta không cho ngay, chính là vì thế vậy.

Phật nói:

– Ta bên trong thanh tịnh, không sao có thể bị các tai họa bên ngoài làm hại được. Còn rồng dữ kia hiện nay ở trong bát.

Nói rồi đưa bát cho Ca Diếp thấy. Thầy trò Ca Diếp thấy sa môn kia ở trong lửa mà không bị thiêu, còn hàng phục rồng dữ mà đặt vào trong bát, nên tán thán là chưa từng có. Song Ca Diếp vẫn nói với đệ tử rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần thông, song vẫn không thể so được với Đạo của ta mới là chân chính!” Bấy giờ Thế Tôn nói với Ca Diếp rằng:

– Ta nay muốn ở lại nơi này.

Ca Diếp trả lời:

– Thiện tai! Tùy ý.

(2) phương tiện thuyết pháp chư thiên

Khi ấy Như Lai vào đêm thứ hai, ngồi dưới một gốc cây, thời Tứ Thiên Vương đêm đến chỗ Phật cùng nhau nghe Pháp, mỗi vị phóng ánh sáng chiếu vượt cả mặt trăng mặt trời. Ca Diếp đêm dậy, xa thấy hào quang trời ở ngay bên Như Lai, nói với đệ tử rằng: “Niên thiếu sa môn cũng thờ lửa vậy!” Hôm sau trời sáng, đi đến gặp Phật hỏi rằng:

– Sa môn! Ông cũng thờ lửa hay sao?

Phật nói:

– Không phải. Có Tứ Thiên Vương đêm lại nghe pháp, đó là hào quang của họ vậy.

Song Ca Diếp vẫn nói với đệ tử rằng: “Niên thiếu sa môn có thần đức lớn, song vẫn không bằng Đạo của ta mới là chân thật!” Đến đêm thứ ba, Thích Đề Hoàn Nhân hạ xuống nghe Pháp, phóng đại quang minh như mặt trời mới mọc. Đệ tử của Ca Diếp xa thấy thiên quang kế bên Như Lai, bạch cùng thầy rằng: “Niên thiếu sa môn quả thật là thờ lửa!”

Đến sáng hôm sau đến gặp Phật hỏi:

– Ông đúng thật là thờ lửa phải không?

Phật nói:

– Không phải. Thích Đề Hoàn Nhân hạ xuống nghe pháp, đó là ánh sáng của ông ta vậy.

Khi ấy Ca Diếp lại nói với đệ tử rằng: “Niên thiếu sa môn thần đức tuy nhiều, song vẫn không bằng Đạo ta mới là chân thật!”

Đến đêm thứ tư, Đại Phạm Thiên Vương giáng xuống nghe Pháp, phóng đại quang minh như mặt trời ngay trên đỉnh. Ca Diếp đêm dậy thấy có quang minh ngay bên Như Lai, cho rằng: “Sa môn chắc chắn là đang thờ lửa!” Ngày mai hỏi Phật. Phật nói: – Không phải. Đại Phạm Thiên Vương đêm xuống nghe pháp, đó là ánh sáng của Phạm Thiên vậy.

Khi ấy Ca Diếp tâm thầm nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn, tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!”

(3) phương tiện nhiếp lửa

Bấy giờ, năm trăm vị đệ tử của Ca Diếp, mỗi vị thờ ba lửa. Vào lúc sáng sớm cùng nhau đốt lửa, song lửa không chịu cháy, ai nấy đều thưa với Ca Diếp trình bày mọi sự. Ca Diếp nghe xong, tâm thầm nghĩ: “Chuyện này chắc chắn là do sa môn kia làm ra!” Nên cùng đệ tử tìm đến gặp Phật, bạch với Phật rằng:

– Các đệ tử của ta mỗi người đều thờ ba lửa. Song khi thắp lửa, thì lửa không chịu cháy.

Phật mới trả lời:

– Ông hãy về đi, lửa tự nhiên sẽ cháy.

Ca Diếp quay về thấy lửa cháy rồi, tâm tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Chư đệ tử chúng cúng dường lửa xong, định tắt lửa đi, song không sao tắt được, lại thưa với Ca Diếp trình bày mọi sự. Ca Diếp nghe xong tâm tự nghĩ rằng: “Đây cũng là do sa môn kia làm ra!” Liền cùng đệ tử đi đến chỗ Phật, bạch với Phật rằng:

– Các đệ tử của ta, sáng muốn tắt lửa mà lửa không tắt.

Phật đáp ngay rằng:

– Ông hãy về đi, lửa tự nhiên sẽ tắt.

Ca Diếp quay về thấy lửa đã diệt, tâm tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!”

Bấy giờ, đến lượt Ca Diếp tự thờ ba lửa. Sáng sớm muốn thắp, song lửa không chịu cháy, liền nghĩ ngay rằng: “Chuyện này lại là sa môn kia làm!” Nên đến gặp Phật, bạch với Phật rằng:

– Ta sáng ra thắp lửa, song không chịu cháy.

Phật mới trả lời:

– Ông hãy về đi, lửa tự nhiên sẽ cháy.

Ca Diếp quay về thấy lửa cháy rồi, tâm tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Đến lúc Ca Diếp cúng dường lửa xong, định tắt lửa đi, song không sao tắt được, tâm tự nghĩ rằng: “Đây chắc chắn là do sa môn kia làm ra!” Liền đi đến chỗ Phật, bạch với Phật rằng:

– Ta sáng ra thắp lửa, nay muốn tắt đi mà lửa không chịu tắt.

Phật đáp ngay rằng:

– Ông hãy về đi, lửa tự nhiên sẽ tắt.

Ca Diếp quay về thấy lửa đã tắt, tâm tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” (4) phương tiện bửa củi

Bấy giờ, các chúng đệ tử của Ca Diếp sáng ra bửa củi, búa nhấc không lên, mới thưa với Ca Diếp trình bày mọi sự. Ca Diếp nghe xong, tâm thầm nghĩ rằng: “Chuyện này chắc chắn lại do sa môn kia làm ra!” Nên cùng đệ tử tìm đến gặp Phật, bạch với Phật rằng:

– Các đệ tử của ta sáng ra muốn bửa củi, song búa nhấc không lên.

Phật mới trả lời:

– Ông hãy về đi, búa tự nhiên sẽ nhấc lên.

Ca Diếp liền quay về thấy các đệ tử, búa đều nhấc lên được, song tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Đệ tử của Ca Diếp tuy nhấc búa lên được, song búa không chịu bửa xuống, lại thưa với Ca Diếp trình bày mọi sự. Ca Diếp nghe xong, tâm thầm nghĩ rằng: “Chuyện này cũng là sa môn kia làm ra!” Nên cùng đệ tử tìm đến gặp Phật, bạch với Phật rằng:

– Các đệ tử của ta sáng ra muốn bửa củi, song búa nhấc lên được, mà không chịu bửa xuống.

Phật liền trả lời:

– Ông hãy về đi, Ta sẽ khiến búa bửa xuống.

Ca Diếp quay về thấy các đệ tử, búa đều bửa xuống được, song tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!”

Bấy giờ, Ca Diếp vào lúc sáng sớm tự đi bửa củi, búa nhấc không lên, tâm thầm nghĩ rằng: “Chuyện này cũng là sa môn kia làm!” Liền đến gặp Phật, bạch với Phật rằng:

– Ta sáng ra bửa củi, song búa nhấc không lên.

Phật liền trả lời:

– Ông hãy về đi, búa tự nhiên sẽ nhấc lên.

Ca Diếp quay về, búa liền nhấc lên được, song tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Ca Diếp tuy nhấc búa lên rồi, song búa không chịu bửa xuống, tâm thầm nghĩ rằng: “Chuyện này cũng là sa môn kia làm ra!” Nên đến gặp Phật, bạch với Phật rằng:

– Búa ta đã nhấc lên, song không chịu bửa xuống.

Phật liền trả lời:

– Ông hãy về đi, búa sẽ tự bửa xuống.

Ca Diếp quay về, búa liền bửa xuống được, song tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy là thần diệu, song vẫn không bằng

Đạo ta chân thật!”

(5) phương tiện đi khắp bốn châu lấy đồ ăn

Bấy giờ, Ca Diếp bạch với Phật rằng:

– Niên thiếu sa môn! Ông có thể ở lại đây để cùng tu phạm hành.

Phòng xá y thực, ta sẽ cung cấp cho.

Thế là Thế Tôn im lặng hứa khả. Ca Diếp biết Phật chịu rồi, quay về chỗ mình ra lệnh mỗi ngày chuẩn bị đầy đủ ẩm thực cùng cung cấp giường tòa. Đến giờ ăn hôm sau, tự đến thỉnh Phật. Phật nói: “Ông đi trước, ta sẽ theo sau.” Ca Diếp vừa đi, thì trong thoáng chốc, Thế Tôn đã đến châu Diêm Phù, hái quả diêm phù đầy bát đem trở về. Ca Diếp chưa đến mà Phật đã đến trước. Ca Diếp đến sau, thấy Phật đã ngồi, nên mới hỏi rằng:

– Niên thiếu sa môn đi đường nào vậy mà đến đây trước ta?Phật lấy quả diêm phù trong bát ra đưa cho Ca Diếp xem vừa hỏi rằng:

– Ông nay có biết loại quả trong bát này không?

Ca Diếp trả lời:

– Ta không biết quả này.

Phật nói:

– Từ đây đi về phía nam mấy vạn du xà na, nơi đó có một châu, trên đó có loại cây gọi là diêm phù. Do có loại cây này nên châu ấy gọi là Diêm Phù Đề. Ở trong bát Ta chính là quả ấy vậy. Ta trong khoảng một niệm lấy quả ấy về, rất là thơm ngon, ông hãy ăn thử. Lúc ấy Ca Diếp, tâm thầm nghĩ rằng: “Con đường ấy cách đây xa thật là xa, mà sa môn này có thể trong vòng chốc lát đến lấy mang về, thì thần thông biến hóa thật mau lẹ phi thường. Song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Ca Diếp nghĩ rồi liền bầy đủ thứ thức ăn ra. Phật tức thời chú nguyện: Trong pháp bà la môn phụng thờ lửa trên hết. Trong tất cả dòng nước biển cả là trên hết. Trong các vì tinh tú ánh trăng là trên hết. Trong tất cả ánh sáng mặt trời chiếu trên hết. Trong tất cả phúc điền Phật phúc điền trên hết. Nếu muốn cầu đại quả hãy cúng Phật phúc điền.

(Bà la môn pháp trung, phụng sự hỏa vi tối. Nhất thiết chúng lưu trung, đại hải vi kỳ tối. Ư chư tinh tú trung, nguyệt quang vi kỳ tối. Nhất thiết quang minh trung, nhật chiếu vi kỳ tối. Ư chư phúc điền trung, Phật phúc điền vi tối. Nhược dục cầu đại quả, đương cúng Phật phúc điền.)

Phật ăn xong rồi, quay về chỗ mình, rửa bát súc miệng, rồi ngồi dưới gốc cây.

Hôm sau vào giờ ăn, Ca Diếp lại đến thỉnh Phật. Phật nói: “Ông đi trước, Ta sẽ theo sau.” Ca Diếp vừa đi, thì trong thoáng chốc, Thế Tôn đã đến Phất Bà Đề, hái quả am ma la đầy bát đem trở về. Ca Diếp chưa đến mà Phật đã đến trước. Ca Diếp đến sau, thấy Phật đã ngồi, nên mới hỏi rằng:

– Niên thiếu sa môn đi đường nào vậy mà đến đây trước ta?Phật lấy quả am ma la trong bát ra đưa cho Ca Diếp xem vừa hỏi rằng:-

– Ông có biết loại quả trong bát này không?

Ca Diếp trả lời:

– Ta không biết quả này.

Phật nói:

– Từ đây đi về phía đông mấy vạn du xà na, đến Phất Bà Đề lấy quả ấy về, gọi là am ma la, rất là thơm ngon, ông hãy ăn thử.

Lúc ấy Ca Diếp, tâm thầm nghĩ rằng: “Con đường ấy cách đây xa thật là xa, mà sa môn này có thể trong vòng chốc lát đến lấy mang về, thấy rõ thần lực của sa môn quả chưa từng có. Song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Ca Diếp nghĩ rồi liền bầy đủ thứ thức ăn ra. Phật tức thời chú nguyện: Trong pháp bà la môn phụng thờ lửa trên hết. Trong tất cả dòng nước biển cả là trên hết. Trong các vì tinh tú ánh trăng là trên hết. Trong tất cả ánh sáng mặt trời chiếu trên hết. Trong tất cả phúc điền Phật phúc điền trên hết. Nếu muốn cầu đại quả hãy cúng Phật phúc điền.

Phật ăn xong rồi, quay về chỗ mình, rửa bát súc miệng, rồi ngồi dưới gốc cây.

Hôm sau vào giờ ăn, Ca Diếp lại đến thỉnh Phật. Phật nói: “Ông đi trước, Ta sẽ theo sau.” Ca Diếp vừa đi, thì trong thoáng chốc, Thế Tôn đã đến Cù Đà Ni, hái quả ha lê lặc đầy bát đem trở về. Ca Diếp chưa đến mà Phật đã đến trước. Ca Diếp đến sau, thấy Phật đã ngồi, nên mới hỏi rằng:

– Niên thiếu sa môn đi đường nào vậy mà đến đây trước ta?Phật lấy quả ha lê lặc trong bát ra đưa cho Ca Diếp xem vừa hỏi rằng:

– Ông có biết loại quả trong bát này không?

Ca Diếp trả lời:

– Ta không biết quả này.

Phật nói:

– Từ đây đi về phía tây mấy vạn du xà na, đến Cù Đà Ni lấy quả ấy về, gọi là ha lê lặc, rất là thơm ngon, ông hãy ăn thử.

Lúc ấy Ca Diếp, tâm thầm nghĩ rằng: “Con đường ấy cách đây xa thật là xa, mà sa môn này có thể trong vòng chốc lát đến lấy mang về, thấy rõ thần lực của sa môn quả chưa từng có. Song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Ca Diếp nghĩ rồi liền bầy đủ thứ thức ăn ra. Phật tức thời chú nguyện: Trong pháp bà la môn phụng thờ lửa trên hết. Trong tất cả dòng nước biển cả là trên hết. Trong các vì tinh tú ánh trăng là trên hết. Trong tất cả ánh sáng mặt trời chiếu trên hết.

Trong tất cả phúc điền Phật phúc điền trên hết. Nếu muốn cầu đại quả hãy cúng Phật phúc điền.

Phật ăn xong rồi, quay về chỗ mình, rửa bát súc miệng, rồi ngồi dưới gốc cây.

Hôm sau vào giờ ăn, Ca Diếp lại đến thỉnh Phật. Phật nói: “Ông đi trước, Ta sẽ theo sau.” Ca Diếp vừa đi, thì trong thoáng chốc, Thế Tôn đã đến Uất Đơn Việt, lấy cơm tự nhiên từ gạo mới chín đầy bát đem trở về. Ca Diếp chưa đến mà Phật đã đến trước. Ca Diếp đến sau, thấy Phật đã ngồi, nên mới hỏi rằng:

– Niên thiếu sa môn đi đường nào vậy mà đến đây trước ta?Phật lấy cơm từ gạo mới chín trong bát ra đưa cho Ca Diếp xem vừa hỏi rằng:

– Ông có biết loại cơm trong bát này không?

Ca Diếp trả lời:

– Ta không biết cơm này.

Phật nói:

– Từ đây đi về phía bắc mấy vạn du xà na, đến Uất Đơn Việt lấy cơm tự nhiên từ gạo mới chín này về, rất là thơm ngon, ông hãy ăn thử.

Lúc ấy Ca Diếp, tâm thầm nghĩ rằng: “Con đường ấy cách đây xa thật là xa, mà sa môn này có thể trong vòng chốc lát đến lấy mang về, tuy là thần thông khó mà lường nổi, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Ca Diếp nghĩ rồi liền bầy đủ thứ thức ăn ra. Phật lập tức chú nguyện: Trong pháp bà la môn phụng thờ lửa trên hết. Trong tất cả dòng nước biển cả là trên hết. Trong các vì tinh tú ánh trăng là trên hết. Trong tất cả ánh sáng mặt trời chiếu trên hết.

Trong tất cả phúc điền Phật phúc điền trên hết. Nếu muốn cầu đại quả hãy cúng Phật phúc điền.

Phật ăn xong rồi, quay về chỗ mình, rửa bát súc miệng, rồi ngồi dưới gốc cây.

(6) phương tiện khiến Đế Thích biến đất thành hồ

Hôm sau vào giờ ăn, Ca Diếp lại đến thỉnh Phật. Phật nói: “Thiện tai!” Rồi đi cùng với nhau. Khi đến chỗ nhà của Ca Diếp, liền bầy đủ thứ đồ ăn ra. Phật lập tức chú nguyện: Trong pháp bà la môn phụng thờ lửa trên hết. Trong tất cả dòng nước biển cả là trên hết. Trong các vì tinh tú

ánh trăng là trên hết. Trong tất cả ánh sáng mặt trời chiếu trên hết.

Trong tất cả phúc điền Phật phúc điền trên hết. Nếu muốn cầu đại quả hãy cúng Phật phúc điền.

Bấy giờ, Thế Tôn chú nguyện xong rồi, liền lấy đồ ăn, một mình quay về dưới gốc cây. Ăn xong, ý muốn dùng nước. Thích Đề Hoàn Nhân biết ngay ý Phật, chỉ trong khoảnh khắc như đại tráng sĩ co duỗi cánh tay, từ trời hạ xuống, đến trước Phật, đầu mặt lễ dưới chân Phật, rồi liền đưa tay chỉ xuống đất biến thành hồ nước, nước ấy thanh tịnh, đủ tám công đức. Như Lai tức thì có nước dùng liền. Rửa súc xong xuôi, nói giảng về Pháp cho Thích Đề Hoàn Nhân nghe. Nghe Pháp xong rồi, Thích Đề Hoàn Nhân hân hoan thích thú, bỗng nhiên biến mất trở về thiên cung.

Khi ấy Ca Diếp sau khi ăn bữa trưa xong, đi kinh hành trong rừng, tâm tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn hôm nay thọ thực, quay về dưới cây. Ta thử đến đó thăm dò xem sao.” Nghĩ rồi liền tới chỗ Phật, bỗng thấy bên cây có một hồ lớn, nước tuôn thanh tịnh đủ tám công đức, lấy làm lạ nên hỏi Phật rằng:

– Ở đây bỗng nhiên sao có hồ này?

Phật đáp ngay rằng:

– Sáng nhận đồ ăn ông cúng, Ta quay về đây, ăn xong cần nước súc miệng rửa bát. Thích Đề Hoàn Nhân biết ý của Ta, từ trời đi xuống, lấy tay chỉ đất nên thành hồ này.

Khi ấy Ca Diếp trông thấy nước hồ, lại nghe Phật nói, tâm tự tư duy: “Niên thiếu sa môn có đại oai đức nên mới có thể cảm được trời hiện điềm lành, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!”

(7) phương tiện khiến Đế Thích lấy đá giặt lụa

Bấy giờ, Thế Tôn vào một hôm nọ đi kinh hành ở trong rừng, thấy có tấm lụa rách trong đống phân dơ, liền nhặt lấy định giặt cho sạch, tâm nghĩ cần có phiến đá. Thích Đề Hoàn Nhân biết ngay ý Phật, chỉ trong khoảnh khắc như đại tráng sĩ co duỗi cánh tay bay đến Hương Sơn lấy về phiến đá bốn mặt vuông vức đặt giữa các cây, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn cứ việc giặt y trên đá ấy!” Phật tâm lại nghĩ: “Nay cần phải có nước.” Thích Đề Hoàn Nhân lại bay về Hương Sơn lấy các máng đá, đựng đầy nước sạch đặt trên phiến đá vuông. Việc làm xong xuôi, bỗng nhiên biến mất trở về thiên cung.

Bấy giờ Thế Tôn giặt giũ xong xuôi về ngồi dưới cây. Khi ấy Ca Diếp đi đến chỗ Phật, bỗng thấy giữa các cây có phiến đá bốn mặt vuông vức cùng một ống máng đá lớn, liền tự nghĩ rằng: “Ủa sao ở đây lại có hai vật này?” Tâm rất quái lạ, đến hỏi Phật rằng: – Niên thiếu sa môn, chốn rừng cây này của ông có phiến đá vuông bốn bề và máng đá lớn ấy là từ đâu lại vậy?

Thế Tôn nghe hỏi mới trả lời rằng:

– Nãy Ta kinh hành thấy tấm lụa dơ dưới đất, nhặt lấy định giặt, tâm nghĩ cần các thứ ấy. Thích Đề Hoàn Nhân biết ý ta muốn vậy, nên đến Hương Sơn lấy về đem lại.

Ca Diếp nghe xong, ca ngợi chưa từng có, nhưng vẫn nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy có đại oai thần lực như thế, có thể chiêu cảm chư thiên. Song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!”

(8) phương tiện khiến thần cây uốn cong cành

Bấy giờ, Thế Tôn lại một bữa khác bước vào trong hồ “chỉ đất mà thành” ấy để tắm. Tắm rửa xong xuôi, tâm nghĩ muốn ra khỏi hồ song không có gì để vin vào. Trên hồ có cây tên ca la ca, cành lá tươi tốt, mọc ngay trên hồ. Thần cây lập tức đè cành cây xuống cho Phật vin vào mà ra, về ngồi dưới gốc cây. Vừa lúc Ca Diếp đi đến chỗ Phật, bỗng thấy cây uốn cong cành xuống che bóng, ngạc nhiên hỏi Phật:

– Cây nay cớ gì lại uốn cong cành xuống che bóng như vậy?

Phật liền trả lời:

– Khi nãy Ta bước vào hồ tắm rửa, khi ra không có chỗ vịn. Thần cây thật cảm ứng, uốn cành xuống cho Ta.

Ca Diếp thấy cây uốn cành, lại nghe lời Phật nói, ca ngợi chưa từng có, song lòng vẫn nghĩ: “Niên thiếu sa môn quả có đại oai thần lực cảm ứng thần cây như thế, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!”

(9) phương tiện biết tâm của Ca Diếp

Bấy giờ, Ca Diếp tâm tự nghĩ rằng: “Ngày mai vua Ma Kiệt Đề cùng với thần dân, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ sẽ đến nơi ta làm pháp hội bảy ngày. Nếu niên thiếu sa môn mà có mặt ở đây, thì quốc vương, thần dân, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ thấy sa môn tướng đẹp cùng thần thông, oai đức lực, thì sẽ bỏ ta mà phụng sự sa môn. Mong sa môn này trong vòng bảy ngày không đến chỗ ta!” Phật biết ý ông ta, thế nên đi đến bắc Uất Đơn Việt bảy ngày bảy đêm lưu lại ở đó không xuất hiện. Qua khỏi bảy ngày, tập hội xong xuôi, quốc vương về rồi, Ca Diếp tâm nghĩ: “Niên thiếu sa môn bảy ngày vừa qua không thấy đến ta. Lành thay! Sung sướng thay! Ta nay có được đồ ăn sót lại của tập hội, muốn cúng sa môn. Ông ta nếu lại thì thật là đúng lúc.” Lúc ấy Thế Tôn biết được tâm ông, liền từ Uất Đơn Việt, trong khoảng như tráng sĩ co duỗi cánh tay, hiện đến ngay trước ông ta. Ca Diếp bỗng thấy Như Lai, tâm vừa hoảng vừa vui, hỏi Phật rằng:

– Bảy ngày vừa qua ông đi du hành ở đâu mà không thấy đâu hết?

Phật liền trả lời:

– Vua Ma Kiệt Đề cùng với thần dân, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ trong vòng bảy ngày đến ông tập hội. Ông khởi tâm niệm không muốn gặp Ta, thế nên Ta đến bắc Uất Đơn Việt để tránh ông vậy! Nay ông tâm niệm muốn khiến Ta lại, thế nên nay Ta lại gặp ông. Ca Diếp nghe Phật nói lời ấy xong, hết hồn khiếp vía, lông thân dựng đứng, song vẫn nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn quả biết tâm ta, thật là phi thường. Song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” (10) phương tiện qua sông, độ Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp

Bấy giờ, Thế Tôn lại vào một bữa nọ, tâm tự tư duy: “Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp căn duyên đã chín dần. Nay chính là lúc điều phục ông ta.” Tư duy xong rồi, liền đi đến sông Ni Liên Thiền. Khi đến bên sông, lúc ấy Ma vương vừa đến bên Phật bạch Phật rằng:

– Thế Tôn, giờ đây là lúc nên nhập niết bàn! Thiện Thệ, giờ đây là lúc nên nhập niết bàn! Tại sao vậy? Những người đáng được độ đều đã giải thoát rồi. Giờ đây chính là lúc để mà nhập niết bàn! Cứ thế thỉnh luôn ba lần. Thế Tôn khi ấy trả lời Ma vương rằng: – Nay chưa phải là lúc Ta nhập niết bàn. Tại sao vậy? Bởi vì bốn bộ chúng của Ta: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, đều chưa có đủ. Những người đáng được độ đều chưa cứu cánh. Chư ngoại đạo chúng trọn chưa hàng phục.

Bấy giờ Như Lai cũng đáp lại ba lần như vậy. Ma vương nghe xong, lòng ôm sầu não trở về thiên cung.

Thế Tôn tức thời bước vào sông Ni Liên Thiền, dụng thần thông lực làm nước phân hai ra, chỗ Phật đi qua, mỗi bước bụi dấy lên, khiến hai bên nước đều bắn vọt lên trời. Ca Diếp từ xa trông thấy, cho là Phật bị đắm chìm, lập tức cùng đệ tử đem thuyền ra vớt. Song khi đến bên sông thì thấy chỗ Phật đi qua đều dấy bụi lên, ca ngợi thật hi hữu! Mới tự nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn tuy có năng lực thần thông như thế, song vẫn không bằng Đạo ta chân thật!” Lúc ấy Ca Diếp hỏi Phật rằng:

– Niên thiếu sa môn có muốn lên thuyền hay không?

Phật đáp:

– Tốt lắm!

Nói rồi, Thế Tôn liền dùng thần lực xuyên thấu từ đáy thuyền lên, ngồi kết già phu. Ca Diếp thấy Phật từ đáy thuyền xuyên vào mà không hề có chỗ lủng, ca ngợi thật hi hữu, song tâm tự nghĩ: “Niên thiếu sa môn tuy có thần lực tự tại như thế, song vẫn không bằng ta đắc chân A la hán vậy!” Phật lập tức nói rằng:

– Ca Diếp, ông không phải là A la hán! Mà cũng chẳng phải là A la hán hướng! Ông nay cớ gì lại khởi đại ngã mạn như thế?

Khi Ca Diếp nghe lời nói ấy bỗng thấy tàm quý, lông trên thân dựng đứng, mới thầm nghĩ rằng: “Niên thiếu sa môn biết hết tâm ta!” Mới bạch Phật rằng:

– Đúng vậy, Sa môn! Đúng vậy, Đại tiên! Ngài biết rõ hết tâm tôi, duy nguyện Đại tiên nhiếp thọ cho tôi!

Phật đáp ngay rằng:

– Ông tuổi cao niên, đã trăm hai mươi niên kỷ, lại có nhiều đệ tử quyến thuộc, lại được quốc vương thần dân tôn kính, nếu muốn quyết định nhập vào pháp của Ta, thì trước hết hãy cùng với đệ tử thảo luận cho kỹ càng.

Ca Diếp đáp rằng:

– Thiện tai, thiện tai! Như Đại tiên dạy bảo, song trong tâm con không phải là không quyết định. Nay sẽ về bàn luận cùng với đệ tử.

Nói lời ấy xong liền về chỗ mình, tập chư đệ tử lại mà nói rằng: “Niên thiếu sa môn từ lúc đến trụ nơi đây, ta thấy người ấy thần thông biến hóa đủ cách thật là hết sức phi phàm, trí huệ thâm sâu mà tính tình an hòa. Ta nay muốn quy y về Pháp của người, còn các ông thì sao?” Đệ tử đáp rằng: “Những gì chúng con được hiểu biết đều là ân của Tôn giả. Niên thiếu sa môn đã là chỗ quy tín về của Tôn giả, thì lẽ nào lại là hư dối được! Chúng con cũng thấy người ấy có rất nhiều điều dị thường. Tôn giả nếu đã dứt khoát thọ nhận Pháp của người ấy, thì chúng con cũng nguyện đi theo cùng quy y.” Khi ấy Ca Diếp nghe các đệ tử nói như thế xong, liền cùng với tất cả đến gặp Phật, bạch Phật rằng:

– Con và các đệ tử ngày nay quyết định quy y. Duy nguyện Đại tiên nhiếp thọ chúng con!

Phật nói:

– Thiện lai, Tỳ khưu!

Ca Diếp râu tóc tự rụng, cà sa đắp thân, tức thành sa môn. Bấy giờ Thế Tôn mới tùy theo họ cần phải nghe gì mà tuyên thuyết tường tận về Tứ Đế. Lúc ấy, Ca Diếp nghe thuyết pháp xong xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh, cho đến từ từ thành A la hán.

(11) Thế Tôn độ năm trăm đệ tử của Ca Diếp

Bấy giờ, năm trăm vị đệ tử của Ca Diếp thấy thầy của mình đã thành sa môn, tâm rất mong muốn, cũng cầu xuất gia, nên bạch Phật rằng:

– Đại sư của chúng con đã được Đại tiên nhiếp thọ, nay thành sa môn. Chúng con cũng mong thích được theo Đại sư học. Duy nguyện Đại tiên cho chúng con được xuất gia.

Phật nói:

– Thiện lai, Tỳ khưu!

Tất cả râu tóc tự rụng, cà sa đắp thân, liền thành sa môn. Sau đó Thế Tôn mới vì tất cả mà chuyển Pháp luân Tứ Đế. Thời năm trăm đệ tử xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh, thành quả Tu đà hoàn, rồi từ từ tu hành cho đến đắc A la hán quả.

Bấy giờ, Ca Diếp cùng năm trăm đệ tử đem hết các dụng cụ thờ lửa ra vứt bỏ vào sông Ni Liên Thiền, rồi thầy trò cùng nhau theo Phật ra đi.

(12) Thế Tôn độ hai ngài Ca Diếp em

Bấy giờ, hai người em của ngài Ca diếp, một tên là Na Đề Ca Diếp, một tên là Già Da Ca Diếp, mỗi vị có hai trăm năm mươi đệ tử, ở bên sông Ni Liên Thiền, thuộc vùng hạ lưu so với anh mình, bỗng thấy bao đồ cúng lửa của anh mình cùng với đệ tử đều theo dòng trôi đến, tâm rất kinh ngạc, thầm tự nghĩ rằng: “Anh ta hiện có điều gì chẳng lành mà các dụng cụ thờ lửa lại trôi theo dòng như vậy? Chắc là có kẻ ác nào hãm hại hay chăng?” Thế là hai em vội chạy tìm nhau, cùng bàn luận rằng: “Anh mình hiện giờ nếu không do kẻ ác nào đó hãm hại, thì sao các đồ vật ấy lại theo dòng trôi dạt lại đây? Khổ thay, nguy thay! Chúng ta phải mau cùng đến chỗ anh.” Bàn rồi lập tức cùng nhau ngược dòng đi lên. Đến chỗ anh trụ thì trống vắng không người, tâm rất sầu thảm, không biết anh mình và các đệ tử đâu mất hết rồi, bốn phía tìm cầu, gặp người quen cũ mới hỏi rằng: “Bậc huynh tiên thánh của chúng ta và các đệ tử chẳng biết đâu hết, ngươi có thấy chăng?” Người quen trả lời: “Bậc huynh tiên thánh của hai ngài và các đệ tử bỏ hết các đồ thờ lửa và đều đi theo đến chỗ Cù Đàm xuất gia học Đạo hết rồi!” Thời hai người em nghe câu nói ấy tâm rất áo não, thật là điều quái lạ chưa từng có! Lại tự nghĩ rằng: “Tại sao anh lại bỏ A la hán đạo mà đi cầu pháp nào đó của người khác?” Bèn lập tức đuổi theo tìm gặp anh mình. Đến nơi thấy anh cùng với quyến thuộc cạo bỏ râu tóc, thân đắp cà sa, liền quỳ xuống bái anh rồi hỏi rằng: “Huynh vốn là bậc đại A la hán, thông minh trí huệ, không ai sánh bằng, danh vang mười phương, không ai không quy ngưỡng. Mà nay cớ gì xả bỏ Đạo ấy, theo học với người khác? Đây không phải là chuyện nhỏ!” Bấy giờ Ca Diếp trả lời hai em rằng: “Ta thấy Thế Tôn thành tựu đại từ đại bi và có ba sự việc rất phi thường: Một là thần thông biến hóa. Hai là huệ tâm trong suốt, chắc chắn là thành tựu Nhất thiết chủng trí. Ba là biết rõ căn tính của người, tùy thuận mà nhiếp thọ. Do vì lẽ đó nên ta ở trong Phật Pháp xuất gia tu đạo. Ta nay tuy được quốc vương thần dân tôn sùng kính trọng, thế luận tài năng biện bác không ai bẻ nổi, song không phải là pháp dứt tuyệt sinh tử vĩnh viễn. Duy có Như Lai mới có thể diễn thuyết để mà tận trừ sinh tử. Đã gặp bậc tôn quý Đại Thánh như thế mà không biết khích lệ mình, tôn ngài lên là bực thầy hơn hết, thì rõ là mình vô tâm, và cũng là không có mắt!” Hai em bạch rằng: “Nếu như anh nói người ấy chắc chắn thành tựu Nhất thiết chủng trí. Mọi điều hai em biết và có được đều do lực của huynh. Huynh nay đã bỏ theo Phật xuất gia, thì hai em cũng nguyện tùy học theo huynh.”

Thế rồi mỗi vị đều nói với đệ tử của mình rằng: “Ta nay cũng muốn giống như đại huynh, ở trong Phật Pháp, xuất gia học Đạo, ý của các ông thế nào?”  Thời các đệ tử trả lời thầy mình rằng: “Chúng con sở dĩ đắc được tri kiến đều là ân của Đại sư. Đại sư nếu định ở trong Phật Pháp mà xuất gia, thì chúng con nguyện cũng tùy tùng.” Do đó Na Đề Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, mỗi vị cùng hai trăm năm mươi đệ tử, đi đến nơi Phật, đầu mặt lễ dưới chân Phật, bạch với Phật rằng:

– Thế Tôn! Duy nguyện thương xót tế độ cho chúng con.

Phật nói:

– Thiện lai, Tỳ khưu!

Hai vị râu tóc tự rụng, cà sa đắp thân, tức thành sa môn. Thời Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp lại bạch Phật rằng:

– Các đệ tử của chúng con nay cũng muốn xuất gia trong Phật Pháp. Duy nguyện Thế Tôn thùy từ hứa khả.

Phật tức đáp rằng:

– Thiện lai, Tỳ khưu!

Tất cả râu tóc tự rụng, cà sa đắp thân, tức thành sa môn.

Bấy giờ, Thế Tôn mới vì Na Đề Ca Diếp, Già Da Ca Diếp và các đệ tử mà hiện đại thần biến, lại tùy theo tâm mà thuyết pháp cho họ, nói rằng:

– Tỳ khưu! Phải biết thế gian đều bị ngọn lửa tham dục, sân khuể, ngu si mãnh liệt thiêu đốt. Các ông xưa nay phụng thờ ba lửa, nay đã bỏ dứt hết được, trừ các thứ hoặc bên ngoài ấy rồi. Song nay lửa của ba Độc vẫn còn nơi thân, hãy mau diệt đi!

Thời chư Tỳ khưu nghe Phật nói thế, đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh. Thế Tôn lại vì họ mà thuyết đủ hết về Tứ Đế, khiến tất cả đều đắc quả A la hán.

17. Thế Tôn độ vua Tần Tỳ Sa La

(1) Trở về Vương Xá Thành

Bấy giờ, Thế Tôn tâm thầm nghĩ rằng: “Tần Tỳ Sa La vương hồi trước có thệ ước với Ta rằng: Đạo mà thành rồi thì xin độ cho trước. Nay đã đến lúc cần phải đến gặp để cho nhà vua được mãn bổn nguyện.” Nghĩ như thế rồi, liền cùng anh em ngài Ca Diếp và một ngàn Tỳ khưu quyến thuộc vây quanh, đồng đến thành Vương Xá, đến nơi chốn của vua Tần Tỳ Sa La. Bấy giờ, vua Tần Tỳ Sa La xưa nay là người ban cấp thôn ấp cho Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, khi các người thấy Ca Diếp cùng các đệ tử của ông đều trở thành sa môn, lập tức quay về tâu với vua, nói rõ các sự việc như vậy. Vua cùng chư thần nghe kể như thế, tâm rất quái lạ, lặng im chẳng ai nói gì. Còn dân chúng bên ngoài nghe chuyện ấy rồi thì bàn tán với nhau rằng: “Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp trí huệ sâu xa không ai sánh bằng, niên kỷ lại cao, đã đắc A la hán, thì tại sao lại đi làm đệ tử của Cù Đàm được?! Không thể có chuyện như thế! Chỉ có thể nói rằng sa môn Cù Đàm là đệ tử của Ca Diếp mà thôi.”

Bấy giờ, Thế Tôn đến gần dần thành Vương Xá, trụ nơi Trượng Lâm. Thời Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp mới sai phái một người sứ thường sai đến bạch với vua Tần Tỳ Sa La rằng: “Tôi nay ở trong Phật Pháp xuất gia tu đạo. Nay tùy tùng theo Phật đã đến Trượng Lâm, đại vương nên trước đến lễ bái cúng dường.” Vua nghe người đưa tin nói lời ấy rồi mới biết chắc rằng Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã thành đệ tử của Phật, lập tức hạ lệnh thắng đóng xe ngựa cùng các đại thần, bà la môn và dân chúng kéo đến chỗ Phật. Đến ngoài Trượng Lâm, vua liền xuống xe, cởi bỏ hết mọi thứ nghi sức, đi bộ đến trước Phật. Bấy giờ trong không có vị trời nói với vua rằng: “Như Lai hiện nay đang ở trong rừng này, là phúc điền tối thượng của trời với người. Đại vương phải nên cung kính cúng dường, lại phải tuyên cáo với nhân dân toàn nước khiến họ đều phải cúng dường Như Lai.” Khi vua nghe được vị trời ấy nói, tâm rất hoan hỉ, càng thêm nôn nao, tiến ngay vào trong rừng, xa thấy Như Lai tướng hảo trang nghiêm, lại thấy Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cả ba huynh đệ cùng các đệ tử trước sau vây quanh, như mặt trăng tròn đầy ở giữa quần sao. Khi ấy nhà vua bước bước chao động hoan lạc, không sao kềm lại được. Khi đến nơi Phật, đầu mặt lễ dưới chân Phật, bạch cùng Phật rằng:

– Con là dòng tộc Mặt Trăng, vua nước Ma Kiệt Đề, tên Tần Tỳ Sa La. Thế Tôn có biết chăng?

Phật liền trả lời:

– Thiện tai, đại vương!

Thế là Tần Tỳ Sa La vương liền ngồi xuống một bên, thời các bà la môn cùng các đại thần, dân chúng, mọi người, đều ngồi vào chỗ. Bấy giờ Thế Tôn thấy các người đến đều ngồi yên đâu đó rồi, mới cất tiếng phạm âm vỗ về hỏi thăm vua Tần Tỳ Sa La rằng: – Đại vương tứ đại thường an ổn chăng? Trị vì nhân dân có mệt mỏi hay chăng?

Vua trả lời rằng:

– Nhờ ân Thế Tôn, con được an ổn!

Bấy giờ Tần Tỳ Sa La vương cùng các bà la môn học rộng, trưởng giả, cư sĩ, đại thần, nhân dân, trông thấy Ca Diếp thành đệ tử Phật thì nói cùng nhau rằng: “Chao ôi, Như Lai, có đại thần lực, trí huệ sâu xa, không thể nghĩ lường! Nên mới có thể hàng phục được bậc người như thế trở thành đệ tử.” Đồng thời cũng có các người khác thì lại nghĩ rằng: “Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp có đại trí huệ, được khắp mọi người quy ngưỡng tín phục, tại sao lại đi làm đệ tử của sa môn Cù Đàm như vậy?” Tâm thầm hồ nghi như thế. Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của họ, mới nói với Ca Diếp rằng:

– Nay ông hãy nên hiện các thần biến!

Khi ấy Ca Diếp liền bay lên hư không, thân trên phóng lửa, thân dưới tuôn nước. Hoặc hiện thành thân lớn tràn đầy hư không, hoặc hiện thành nhỏ xíu, hoặc phân một thân thành vô lượng thân, hoặc hiện nhập vào đất rồi lại vọt xuất trở ra, ở trên hư không đi đứng nằm ngồi. Toàn chúng chứng kiến, ca ngợi là chưa từng có và đều ca ngợi là đệ nhất đại tiên. Khi ấy, Ca Diếp hiện thần biến ấy rồi, tức từ trên không hạ xuống, đến trước nơi Phật đầu mặt lễ dưới chân, bạch Phật rằng:

– Thế Tôn thật là bậc thầy của trời người, và con nay thật là đệ tử của Thế Tôn!

Nói như thế ba lần. Phật mới đáp rằng:

– Đúng vậy, đúng vậy! Ca Diếp, ông nơi Pháp của Ta thấy có lợi ích gì mà bỏ các hỏa cụ để xuất gia vậy?

Theo đó Ca Diếp dùng kệ đáp rằng: Con vào những ngày xưa với công đức thờ lửa để sinh trong trời người mà hưởng lạc ngũ dục. Cứ như thế luân chuyển chìm trong biển sinh tử, con thấy nguy hại ấy, nên mới xả bỏ đi. Lại nữa phúc thờ lửa được sinh trong trời người, chỉ tăng tham khuể si, thế nên con xa lìa. Lại nữa phúc thờ lửa là cầu tương lai sinh, mà đã có sinh đó ắt có lão bệnh tử, thấy ra các điều ấy thế nên bỏ pháp lửa. Hội thí, tu khổ hành cùng với phúc thờ lửa, tuy được sinh Phạm thiên, nhưng chẳng phải cứu cánh, do vì nhân duyên ấy cho nên bỏ thờ lửa.

Con thấy Pháp Như Lai lìa sinh lão bệnh tử, nơi giải thoát cứu cánh, thế nên nay xuất gia. Như Lai, chân giải thoát, là bậc thầy trời người, do vì nhân duyên ấy, quy y đại thánh Tôn. Như Lai đại từ bi, hiện đủ hết phương tiện và các thần thông lực để mà dẫn đạo con, thì vì sao lại còn phụng sự pháp thờ lửa?

Bấy giờ, Tần Tỳ Sa La vương cùng chư đại chúng nghe Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp nói bài kệ ấy rồi, tâm rất vui mừng, đối với Như Lai sinh lòng tin kính thâm sâu, biết chắc chắn rằng Như Lai đã thành tựu Nhất thiết chủng trí, và biết rõ rằng Ca Diếp quả là đệ tử của Phật. Khi ấy chư thiên ở trong hư không mưa các hoa trời, trổi các âm nhạc tuyệt diệu, miệng khác mà cùng lời tuyên xướng rằng: “Thiện tai! Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp thuyết lên bài kệ ấy, thật là tuyệt vời!”

(2) Thế Tôn thuyết pháp độ Tần Tỳ Sa La vương

Bấy giờ, Thế tôn biết chư đại chúng tâm ý đã chắc chắn không còn gì hoài nghi nữa, lại quán thấy căn tính của họ đều đã thành thục, nên mới nói pháp cho rằng:

– Đại vương, phải biết: Thân ngũ ấm này lấy thức làm gốc. Nhân nơi Thức mà sinh Ý căn. Do nơi Ý căn mà sinh ra Sắc. Mà Sắc pháp này sinh diệt không ngừng. Đại vương nếu mà quán được như thế, thì sẽ nơi thân thấy rõ vô thường. Quán thân như thế sẽ không thủ giữ lấy thân tướng, ắt sẽ lìa được Ngã và Ngã sở. Nếu quán được Sắc và lìa Ngã và Ngã sở, thời biết Sắc sinh chính là Khổ sinh. Nếu biết Sắc diệt chính là Khổ diệt. Ai mà có thể quán được như thế, thì mới xứng gọi là Cởi (Giải). Nếu ai không thể quán được như thế thì đó chính là Trói (Phược). Pháp vốn không có Ngã cùng Ngã sở, do vì Điên đảo tưởng chấp ngang là có Ngã cùng với Ngã sở, mà vốn không hề có thực pháp. Nếu mà đoạn được cái Hoặc tưởng điên đảo ấy ắt là Giải thoát.

Bấy giờ, Tần Tỳ Sa La vương tâm tự nghĩ rằng: “Nếu bảo một khi chúng sinh nói có Ngã tức có nghĩa là Trói, song nếu tất cả chúng sinh mà đều không có Ngã hết, thì đã không có Ngã rồi, lấy ai ra để thọ quả báo đây?” Bấy giờ Thế Tôn biết tâm niệm của vua, nên mới nói rằng:

– Tất cả chúng sinh làm thiện hay ác, và việc thọ quả báo, đều không phải là do Ngã tạo, cũng chẳng phải là có Ngã thọ. Song nay mà hiện thấy có tạo tác thiện ác và có thọ quả báo đó, thì xin đại vương hãy nghe cho kỹ, Ta sẽ nói cho đại vương rõ. Đại vương, chỉ do Tình, Trần, Thức hợp, đối với Cảnh sinh nhiễm trước, trói Tưởng vào đó làm cho càng sinh trưởng thêm nhiều. Do nhân duyên ấy mà trôi lăn theo sinh tử, chịu đủ mọi khổ báo. Nếu nơi Cảnh không nhiễm trước, ngưng hết các tâm Tưởng trói buộc, thì đắc giải thoát. Do nhân duyên nơi ba thứ Tình, Trần và Thức, cùng nhau khởi lên thiện ác và thọ quả báo, chứ không có Ngã nào đâu ra hết. Ví như dùi lửa, nhân nơi tay chuyển cây dùi mà thành có lửa sinh ra. Song bản tính của lửa kia không từ tay sinh hay do cây dùi mà ra, cũng không phải lìa ngoài tay dùi hay cây dùi mà có. Ba thứ Tình, Trần và Thức kia cũng giống như vậy.

Thời Tần Tỳ Sa La vương lại nghĩ như sau: “Nếu do Tình, Trần, Thức hòa hợp nên có thiện ác, quả báo, thì phải là Thường hợp, không được lìa nhau. Nếu không Thường hợp thì thành Đoạn mất rồi!” Bấy giờ Thế Tôn biết tâm của vua, nên mới đáp rằng:

– Tình, Trần, Thức này không Thường cũng không Đoạn. Tại sao vậy? Vì hợp với nhau cho nên không phải là Đoạn, vì lìa nhau cho nên không phải là Thường. Ví như duyên nơi đất nước, nhân nơi hạt giống (chủng tử) kia, nên sinh mầm sinh lá. Hạt giống tiêu mất rồi, nên không thể là Thường, song do sinh ra mầm và lá, nên không thể nói là Đoạn. Lìa khỏi Đoạn và Thường nên gọi là Trung Đạo. Ba thứ kia làm nhân duyên cũng y như vậy.

Khi ấy Tần Tỳ Sa La vương nghe pháp ấy rồi, tâm khai ý giải, đối với mọi pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh. Tám vạn na do tha bà la môn, đại thần, nhân dân, cũng đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh. Chín mươi sáu vạn na do tha chư thiên cũng đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh. (3) Tần Tỳ Sa La vương thí cúng Trúc Viên

Thời Tần Tỳ Sa La vương lập tức đứng dậy khỏi tòa, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay bạch Phật rằng:

– Sung sướng thay, Thế Tôn! Có thể xả bỏ ngôi vị chuyển luân vương, xuất gia học đạo, thành Nhất thiết chủng trí. Xưa con ngu si định giữ Thế Tôn lại để trị vì nước nhỏ. Nay thấy được từ nhan, lại được nghe chính Pháp, mới thấy thật hổ thẹn, hối hận lỗi lầm xưa. Duy nguyện Thế Tôn, rũ đại từ bi mà cho con được sám hối! Con vào thuở ấy, có bạch Thế Tôn rằng: Nếu khi nào đắc Đạo xin độ con trước. Ngày nay mới được ơn, nguyện xưa thành toại. Đội ân Thế Tôn mà con được bước theo dấu Đạo. Con từ ngày nay cúng dường Thế Tôn cùng Tỳ khưu tăng khiến không để cho bốn sự thiếu sót. Duy nguyện Thế Tôn trụ nơi Trúc Viên, khiến nước Ma Kiệt Đề đêm dài được an.

Phật trả lời rằng:

– Thiện tai, đại vương! Đã có thể xả bỏ ba pháp không kiên cố, để cầu lấy ba báo kiên cố. Ta sẽ làm cho tâm nguyện của đại vương được mãn túc.

Thời Tần Tỳ Sa La vương biết Phật đã nhận lời thỉnh cầu trụ tại Trúc Viên rồi, bèn lễ dưới chân Phật, từ biệt lui đi. Vua về đến thành, lập tức hạ lệnh quần thần xây dựng các nhà xá trong Trúc Viên, đủ thứ trang điểm hết mức tráng lệ, treo lụa, cờ, lọng, rải hoa xông hương. Chuẩn bị đầy đủ hết rồi, mới thắng xe đi đến nơi Phật, đầu mặt lễ chân Phật, bạch Phật rằng:

– Trúc Viên tăng già lam sửa sang đã hoàn tất. Duy nguyện Thế Tôn cùng Tỳ khưu tăng thương xót chúng con mà đến đó trụ.

Bấy giờ Thế tôn cùng chư Tỳ khưu và vô lượng chư thiên bao quanh trước sau, đi vào thành Vương Xá. Ngay khi Như Lai đặt bước vào cửa thành, các nhạc khí trong thành không tấu mà tự trổi, cửa hẹp thành rộng ra, cửa thấp bỗng cao thêm, tất cả gò u đều bằng phẳng xuống, bụi đất hôi hám tự nhiên thơm lừng, kẻ điếc nghe ra, kẻ câm nói được, kẻ mù thấy lại, điên cuồng thành tỉnh, què thọt tật bệnh đều được khỏi bệnh, cây khô trổ hoa, cỏ mục tươi nhuận, ao khô tràn nước, gió thơm mát rượi, phụng, sẻ, công, thúy, cưu, nhạn, uyên ương, đủ loại chim chóc dập dìu bay lượn, hót tiếng hòa nhã, đủ mọi điềm lành hiện ra như thế. Vào đến thành rồi, cùng Tần Tỳ Sa La vương đồng đến Trúc Viên. Bấy giờ chư thiên đầy khắp hư không, thời vua tay cầm bình báu đựng đầy nước thơm, ở trước Như Lai mà thưa rằng:

– Con nay đem khu Trúc Viên này dâng lên cho Như Lai cùng Tỳ khưu tăng. Duy nguyện xót thương mà nạp thọ cho con.

Nói lời ấy rồi, thì đổ nước ra. Bấy giờ Thế Tôn lặng yên mà thọ nhận, nói kệ chú nguyện rằng: Nếu ai chịu bố thí đoạn trừ lòng san tham, nếu ai chịu nhẫn nhục lìa dứt tâm sân khuể, nếu ai chịu tạo thiện ắt xa hẳn ngu si. Có đủ ba hành ấy mau đến bát niết bàn. Nếu có kẻ bần cùng không tiền để bố thí, thấy người tu bố thí mà sinh tâm tùy hỉ, phúc báo của tùy hỉ ngang với thí không khác.

Bấy giờ, bà la môn, đại thần cùng với dân chúng thấy vua phụng thí cho Như Lai tăng già lam, ai cũng đều phấn khởi, sinh tâm tùy hỉ. Khi ấy, Tần Tỳ Sa La vương thí tăng già lam xong rồi, tâm rất hoan hỉ, đầu mặt lễ chân Phật, rồi lui trở về cung. Trong Diêm Phù Đề các vị vua gặp Phật, thì Tần Tỳ Sa La vương là người đầu tiên hơn hết, các tăng già lam, thì Trúc Viên là tăng già lam đầu tiên trước nhất.

18. Thế Tôn độ hai ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền liên

(1) A Xả Bà Kỳ nói kệ pháp cho Xá Lợi Phất

Bấy giờ, Thế Tôn và chư Tỳ khưu trụ tại tăng già lam Trúc Viên. Vào lúc ấy trong thành Vương Xá có hai bà la môn thông minh lợi căn, có đại trí huệ, tất cả mọi sách vở thư luận không gì không thông hiểu, biện tài luận nghị không ai khuất phục nổi: Một vị họ Câu Lật, tên là Ưu Ba Thất Sa, mẹ tên là Xá Lợi nên người đời gọi là Xá Lợi Phất. Vị thứ hai họ Mục Kiền Liên, tên là Mục Kiền La Dạ Na. Mỗi vị có một trăm đệ tử, được người khắp trong nước ngưỡng kính. Hai người là bạn thân của nhau, hết lòng kính ái nhau, cùng ước thệ với nhau rằng: “Nếu ai được nghe chư diệu pháp trước, thì sẽ khai ngộ cho nhau, chứ không lẫn tiếc.”

Bấy giờ, A Xả Bà Kỳ tỳ khưu đắp y ôm bát vào thôn khất thực, khéo nhiếp các căn, oai nghi ngay ngắn đường hoàng. Người đi đường thấy đều sinh cung kính. Gặp lúc Xá Lợi Phất đang đi trên đường, trông thấy A Xả Bà Kỳ khéo nhiếp các căn, oai nghi đĩnh đạc, tâm rất hoan hỉ, xao động toàn thân, mới dừng lại chiêm ngưỡng theo dõi không ngừng. Rồi lập tức hỏi rằng:

– Tôi trông thấy ông giống như mới xuất gia mà đã có thể nhiếp các tình căn như thế, nên có điều muốn hỏi, chỉ mong trả lời cho: Nay đại sư của ông danh hiệu là gì, có những gì răn dạy, diễn nói những pháp gì?

Thời A Xả Bà Kỳ hết sức đường hoàng đáp lời rằng:

– Đại sư của tôi đắc Nhất thiết chủng trí, thuộc chủng tộc Cam Giá, là bậc Thầy của trời người, tướng hảo trí huệ cùng thần thông lực không ai sánh bằng. Tôi tuổi vốn trẻ, học Đạo chẳng bao ngày, đâu mà có thể tuyên thuyết được diệu Pháp của Như Lai, song cũng đem những gì mình biết được ra để nói cho ngài nghe.

Liền nói kệ rằng: Gốc của tất cả pháp nhân duyên sinh vô chủ, nếu hiểu rõ như thế ắt đắc chân thực Đạo.

(Nhất thiết chư pháp bổn, nhân duyên sinh vô chủ, nhược năng giải thử giả, tắc đắc chân thực đạo.)

Thời Xá Lợi Phất nghe A Xả Bà Kỳ nói bài kệ ấy xong, liền với chư pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh. Thấy dấu tích của Đạo (đạo tích) rồi, tâm rất phấn chấn, các tình căn trên thân trọn đều sảng khoái, mới tự nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh trọn đều chấp Ngã, cho nên mới luân hồi trong sinh tử. Nếu trừ bỏ Ngã tưởng, thì mọi thứ Ngã sở cũng đều lìa được. Ví như ánh sáng mặt trời phá được bóng tối, không có Ngã tưởng cũng y như vậy, trọn phá được hết Ngã kiến ám chướng. Ta hồi nào giờ bao điều tu học đều là tà kiến, chỉ ngày nay đắc mới đúng là Đạo chân chính!” Nghĩ như thế rồi, lễ dưới chân A Xả Bà Kỳ, quay về chỗ ở của mình. Còn A Xả Bà Kỳ thì tiếp tục lên đường khất thực, ăn xong trở về Trúc Viên.

(2) Xá Lợi Phất nói kệ pháp lại cho Mục Kiền Liên 

Thời Xá Lợi Phất về đến chỗ trụ của mình, Mục Kiền La Dạ Na do thiện căn đã chín mùi, thấy Xá Lợi Phất các căn đều tịch định, oai nghi đĩnh đạc, sắc mạo hoan lạc, khác hẳn thường ngày, lập tức hỏi rằng:

– Tôi nay thấy huynh các căn, sắc mạo không giống với thường ngày, ắt là đã đắc cam lồ diệu Pháp. Xưa tôi với huynh cùng ước thệ rằng: Nếu nghe được diệu Pháp thì sẽ khải ngộ cho nhau. Nay huynh có chỗ sở đắc thì xin nói cho tôi nghe cùng.

Thời Xá Lợi Phất mới trả lời rằng:

– Tôi nay quả thực đã đắc Pháp cam lồ!

Mục Kiền La Dạ Na nghe nói như thế, hoan hỉ vô lượng, tán thán rằng:

– Thiện tai! Giờ hãy nói cho tôi nghe đi!

Xá Lợi Phất nói:

– Hôm nay tôi xuất hành gặp một Tỳ khưu, chấp trì y bát, vào thôn khất thực, chư căn tịch tĩnh, oai nghi đĩnh đạc. Khi tôi thấy rồi, sinh tâm cung kính không cùng. Khi đến bên ngài tôi mới hỏi rằng: “Tôi trông thấy ông, giống như mới xuất gia, mà đã có thể nhiếp các tình căn như thế, nên có điều muốn hỏi, xin vui lòng đáp cho: Nay đại sư ông danh hiệu là gì, giáo giới những gì, diễn thuyết pháp gì?” Thời A Xả Bà Kỳ mới chững chạc tử tế trả lời rằng: “Đại sư của tôi đắc Nhất thiết chủng trí, thuộc chủng tộc Cam Giá, là bậc Thầy của trời người, tướng hảo trí huệ và thần thông lực không ai so bằng. Tôi tuổi vừa nhỏ, học Đạo lại chẳng bao lâu, lẽ nào tuyên thuyết nổi diệu Pháp của Như Lai. Song biết được gì sẽ vì ông mà nói.” Rồi nói kệ rằng: Gốc của tất cả pháp, nhân duyên sinh vô chủ, nếu hiểu rõ như thế, ắt đắc chân thực Đạo.

Bấy giờ Mục Kiền La Dạ Na nghe Xá Lợi Phất nói các lời ấy xong, đối với mọi pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh.

 (3) Xá Lợi Phất. Mục Kiền Liên theo Phật xuất gia

Khi ấy Xá Lợi Phất và Mục Kiền La Dạ Na mỗi ngài đều đắc cam lồ đối với Phật Pháp, cùng nói với nhau rằng: “Chúng ta đã nơi Phật Pháp đạt được lợi ích, thì nay nên phải cùng đến chỗ Phật cầu xin xuất gia.” Nói với nhau thế rồi, mỗi ngài cho gọi đệ tử lại mà nói rằng:

– Hai ta hôm nay đã đắc được vị cam lồ trong Phật Pháp. Duy có Pháp này mới là Đạo xuất thế. Nay chúng ta muốn đi xin Phật xuất gia, còn các ngươi thì sao? Các vị đệ tử trả lời thầy mình rằng:

– Chúng con ngày nay có được tri kiến gì cũng do nơi lực của đại sư. Nay nếu sư xuất gia thì chúng con cũng trọn đều tùy theo.

Thế là hai người mang theo hai trăm đệ tử đi đến Trúc Viên. Khi vào qua cổng, xa thấy Như Lai tướng hảo trang nghiêm, chư Tỳ khưu chúng vây quanh trước sau, tâm rất hoan hỉ, chao động toàn thân. Bấy giờ Thế Tôn thấy Xá Lợi Phất và Mục Kiền La Dạ Na cùng các đệ tử cùng theo nhau lại, bèn bảo với chư Tỳ khưu:

– Các ông phải biết, hai người hôm nay mang đệ tử lại đến gặp ta muốn cầu xuất gia, một tên Xá Lợi Phất, một tên Mục Kiền La Dạ Na, sẽ là các đệ tử hàng đầu ở trong Pháp của Ta. Xá Lợi Phất trong hàng trí huệ là người đệ nhất trên hết. Còn Mục Kiền La Dạ Na trong hàng thần thông là bậc vô thượng.

Khi đến trước Phật rồi, đầu mặt lễ chân Phật, rồi bạch Phật rằng: – Chúng con nơi Phật Pháp đã đắc được dấu tích của Đạo, rất muốn xuất gia. Nguyện hãy chấp thuận ngay giờ.

Bấy giờ Thế Tôn lập tức gọi lên:

– Thiện lai, Tỳ khưu!

Cả hai râu tóc tự rụng, cà sa đắp thân, trở thành sa môn.

(4) Phật độ các đệ tử của hai ngài thành một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ khưu

Thời hai trăm vị đệ tử trông thấy thầy mình đã thành sa môn, đều bạch Phật rằng:

– Chúng con cũng muốn theo thầy mình xuất gia. Duy nguyện Thế Tôn thương đến mà chấp nhận. Thế là Thế Tôn lại hô lên rằng:

– Thiện lai, Tỳ khưu!

Tất cả râu tóc tự rụng, cà sa khoác thân, trở thành sa môn. Bấy giờ Thế Tôn mới vì Xá Lợi Phất và Mục Kiền La Dạ Na nói rõ về Tứ Đế, hai người liền đắc A la hán quả. Lại cũng vì hai trăm vị đệ tử kia nói rõ về Tứ Đế, các vị ấy lập tức đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp tịnh, cho đến cũng thành quả A la hán. Bấy giờ, Thế Tôn mới cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ khưu, đều là đại A la hán, ở nước Ma Kiệt Đề lợi lạc cho khắp chúng sinh. Trong chư Tỳ khưu có nhiều người cũng tên là Mục Kiền La Dạ Na, thế nên Thế Tôn mới gọi ngài Mục Kiền La Dạ Na này là Đại Mục Kiền La Dạ Na.

19. Thế Tôn độ ngài Đại Ca Diếp

Bấy giờ, ở nước Du La Quyết Xoa có một bà la môn tên gọi là Ca Diếp, có ba mươi hai tướng, thông minh trí huệ, tụng bốn kinh Tì Đà, tất cả mọi sách vở không gì không thông đạt, giàu có không cùng, rất hay bố thí, người vợ đoan chính khắp nước không ai bằng. Hai vợ chồng tự nhiên không có tâm tưởng ái dục, đến mức cũng không ngủ chung một phòng. Do bao thuở trước đã lâu lắm rồi, gieo trồng thiện căn, nên không thích tại gia hưởng lạc ngũ dục, đêm ngày tư duy, chán lìa thế gian, tinh cần thăm hỏi tìm pháp xuất gia. Cứ thế tìm kiếm mà không tìm được, mới bèn bỏ hết nhà cửa vào trong rừng núi, lòng nghĩ miệng nói: “Chư Phật Như Lai xuất gia tu đạo, con nay cũng sẽ theo Phật xuất gia!” Rồi liền cởi bỏ chiếc y quý giá dệt bằng sợi vàng, giá trị trăm ngàn lượng vàng, để mặc y vá sờn mầu, tự cạo râu tóc. Khi ấy chư thiên ở trong hư không trông thấy Ca Diếp tự xuất gia rồi, mới báo cho biết rằng: “Thiện nam tử! Chủng tộc Cam Giá, con vua Bạch Tịnh, tên người là Tát Bà Tất Đạt, xuất gia học đạo, thành Nhất thiết chủng trí, toàn thế gọi Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật. Hiện giờ đang cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ khưu ở tại Trúc Viên nơi thành Vương Xá.”

Khi Ca Diếp nghe chư thiên nói xong, hân hoan xao động, lông thân sởn dậy, lập tức đi đến Trúc Viên tăng già lam. Bấy giờ Thế Tôn biết là ngài ta đang tới, mới tự tư duy quán xét thiện căn của ngài ta, thấy nên phải đến mà độ. Xét như thế rồi, mới đi ngược hướng lại, đến Tử Đâu Bà thì gặp Ca Diếp. Khi ấy Ca Diếp thấy Phật, tướng hảo oai nghi đặc biệt tôn quý, liền chắp tay thốt lên lời rằng:

Thế Tôn đúng thật là Nhất thiết chủng trí, đúng thật là bậc từ bi tế độ chúng sinh, đúng thật là nơi cho tất cả quy y về (Thế Tôn thực thị Nhất thiết chủng trí, thực thị từ bi tế chúng sinh giả, thực thị nhất thiết sở quy y xứ.)

Nói xong lập tức toàn thân trọn năm chi phần sụp sát xuống đất, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch cùng Phật rằng:

– Thế Tôn giờ đây là Đại Sư của con! Con là đệ tử!

Nói như thế ba lần. Phật tức thì trả lời:

– Đúng vậy, Ca Diếp. Ta là thầy của ông, ông là đệ tử của Ta.

Phật lại nói rằng:

– Ca Diếp, phải biết nếu ai không thực sự là bậc Nhất thiết chủng trí mà muốn nhận ông làm đệ tử, thì đầu người ấy sẽ bể nát thành bảy phần!

Rồi lại dạy bảo rằng:

– Thiện tai, Ca Diếp! Hạnh phúc thay, Ca Diếp! Phải biết rằng năm thọ ấm thân là khối khổ lớn.

Ngay khi Ca Diếp nghe lời nói ấy, lập tức thấy ra chân lý của Tứ Đế (kiến Đế) cho đến đắc quả A la hán. Bấy giờ, Thế Tôn cùng với Ca Diếp đồng quay về Trúc Viên. Do ngài Ca Diếp này có đại oai đức, trí huệ thông minh, thế nên được gọi là Đại Ca Diếp.

CHƯƠNG III
Kết thúc khích lệ

Bấy giờ, Thế Tôn mới bảo chư Tỳ khưu rằng:

– Vào lúc Phổ Quang Như Lai xuất hiện trong đời, Thiện Huệ tiên nhân nào phải ai khác, chính là Ta vậy. Năm trăm ngoại đạo gặp gỡ trên đường, luận nghị cùng nhau và tùy hỉ theo, nay trong hội này chính là anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng với quyến thuộc một  ngàn Tỳ khưu. Cô gái bán hoa lúc ấy nay chính là Da Du Đà La. Khi tiên nhân Thiện Huệ trải tóc, ở bên có hai người quét đất trước Phật, cùng hai trăm người tùy hỉ trợ giúp, nay trong hội này chính là Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền La Dạ Na, cùng hai trăm đệ tử Tỳ khưu. Chư thiên trong không thấy tiên nhân Thiện Huệ lấy tóc trải đất mà đều tùy hỉ tán thán, thì vào lúc Ta vừa đắc đạo, tại vườn Lộc Dã chuyển Pháp luân lần đầu, chính là tám vạn thiên tử, cùng Tần Tỳ Sa La vương với tám vạn na do tha quyến thuộc, và chín mươi sáu vạn na do tha chư thiên đi theo. Các ông phải biết nhân gieo trồng trong quá khứ, trải qua vô lượng kiếp, rốt cuộc vẫn không hề tiêu mất. Ta từ xa xưa tinh cần tu tập đủ mọi nghiệp thiện, cùng phát đại nguyện Tâm không hề thối chuyển, nên đến ngày nay mới được thành tựu Nhất thiết chủng trí. Các ông nên phải cần tu đạo hành, không được giải đãi.

Thời chư Tỳ khưu nghe Phật nói rồi, hoan hỉ vâng đội trên đỉnh đầu, lễ lạy lui đi.

Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả

Hết

Trang: 1 2 3 4