KINH QUÁ KHỨ HIỆN TẠI NHÂN
(Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh)
Tống Thiên Trúc Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La Hán dịch
Tỳ Kheo Nhất Chân Việt dịch 

doahong

 

QUYỂN II

(2) Thái tử học bắn cung

Lúc ấy Thái tử đến năm lên mười, năm trăm đồng tử thuộc dòng họ Thích cũng đều cùng một tuổi. Em kế Thái tử là Đề Bà Đạt Đa, kế nữa là Nan Đà, kế nữa là Tôn Đà La Nan Đà v.v… Các vị này hoặc có ba mươi tướng, ba mươi mốt tướng, hoặc tuy có ba mươi hai tướng, song tướng không được rõ ràng. Vị nào cũng giỏi về mọi ngành, có sức mạnh không cùng.

Khi nhóm Đề Bà Đạt Đa gồm năm trăm đồng tử này nghe nói Thái tử tinh thông mọi ngành, danh thấu mười phương, mới bàn với nhau: “Thái tử tuy rằng thông minh trí huệ, giỏi về sách vở, thậm chí sức lực cũng thắng hết bọn ta, song vẫn muốn thi tài sức cùng với Thái tử.”

Khi ấy vua cha lại tìm hỏi trong nước ai người thiện xạ mà triệu về sai dạy Thái tử. Khi ấy mới ra vườn sau để bắn trống sắt. Nhóm Đề Bà Đạt Đa năm trăm đồng tử cũng đều theo sau. Lúc ấy vị thầy đưa cho Thái tử một chiếc cung nhỏ. Thái tử mỉm cười hỏi rằng:

– Đưa ta thứ ấy để làm gì vậy?

Xạ sư trả lời:

– Để Thái tử bắn thử trống sắt kia xem.

Thái tử lại nói:

– Cung này yếu quá, hãy mang bảy chiếc cung cỡ vầy lại đây.Thầy bèn đưa lại đủ. Thái tử liền cầm cả bảy cung, bắn một phát tên xuyên qua bảy trống sắt. Xạ sư liền đến bạch với vua:

– Đại vương! Thái tử tự biết cách bắn. Dùng một phát tên thôi mà sức bắn xuyên qua bảy trống. Trong cõi Diêm Phù Đề này không ai bằng nổi, thì sao bảo thần làm thầy dạy được?!

Khi vua Bạch Tịnh nghe lời ấy rồi, tâm rất vui mừng, lòng thầm nghĩ rằng: “Con ta thông minh, sách vở toán số bốn phương đều biết. Song tài bắn cung này thì bốn phương nhân dân chưa ai được hay.” Mới truyền lệnh cho Thái tử và nhóm Đề Bà Đạt Đa năm trăm đồng tử. Rồi lại đánh trống xướng lệnh khắp trong nước: “Thái tử Tát Bà Tất Đạt trong bẩy ngày tới sẽ ra nơi vườn sau để thử võ nghệ. Trong dân ai người có sức đều có thể đến đó.”

(3) Thái tử thi triển sức lực

Đến ngày thứ bảy, Đề Bà Đạt Đa cùng sáu vạn quyến thuộc xuất thành sớm nhất. Lúc ấy có một con voi lớn đứng chấn ngay cổng thành, nhóm quân chúng này không ai dám tiến lên. Đề Bà Đạt Đa hỏi mọi người rằng: “Sao lại đứng đây không đi tới nữa?” Mọi người đáp rằng: “Có con voi lớn đứng chặn cửa thành, chúng ai cũng sợ không dám tiến lên.” Đề Bà Đạt Đa nghe nói vậy, bèn một mình bước đến bên voi, dùng tay đánh vào đầu voi, voi ngã quay ra đất. Nhờ đó quân chúng lần lượt kéo qua.

Khi ấy Nan Đà cùng với quyến thuộc cũng đến để xuất thành. Các quân chúng chậm bước từ từ tiến lên, Nan Đà liền hỏi: “Sao đi chậm lại vậy?” Mọi người đáp rằng: “Đề Bà Đạt Đa dùng tay đánh một con voi ngã, nằm ngay cửa thành, làm trở ngại đường đi, nên mới đi chậm lại.” Nan Đà liền bước đến bên con voi, dùng ngón chân hất con voi ném vào bên đường. Vô số người tụ tập lại coi. Vào lúc ấy, Thái tử cùng với mười vạn quyến thuộc cũng hướng tiến về phía vườn sau, vừa ra đến cửa thành, thấy bên đường đông người xúm lại coi, mới hỏi rằng: “Mấy người ấy xem cái gì vậy?” Tùy tùng đáp rằng: “Đề Bà Đạt Đa dùng tay đánh một con voi nằm lăn nơi cửa thành, làm trở ngại đường người qua lại. Nan Đà đến sau dùng ngón chân hẩy quăng vào đây, nên người qua đường đều tụ lại xem.” Do đó Thái tử mới nghĩ thầm rằng: “Nay chính là lúc ta ra sức.” Thái tử bèn lấy tay nắm lấy con voi ném ra khỏi thành, rồi lại lấy tay đón lấy không để cho thương tổn, voi kia lại sống lại không chút đau đớn. Khi ấy nhân dân đều ca ngợi là chưa từng có.

Vua nghe chuyện ấy cho là việc vô cùng phi thường.

(4) Thái tử thi bắn tên

Sau đó, Thái tử và Đề Bà Đạt Đa cùng với Nan Đà, bốn phương nhân dân đều cùng tập họp về nơi khu vườn sau. Khi ấy khu vườn được trang nghiêm đủ loại, bày hàng loạt trống vàng, trống bạc, trống du thạch, trống đồng, trống sắt v.v… Mỗi loại có bảy trống. Khi ấy Đề Bà Đạt Đa bắn trước hết, xuyên qua ba trống vàng. Kế đến Nan Đà cũng xuyên qua ba trống. Mọi người đến xem đều hết lời ca ngợi. Bấy giờ, quần thần bạch Thái tử rằng: “Đề Bà Đạt Đa cùng với Nan Đà đều đã bắn rồi. Nay theo thứ tự chính đến phiên Thái tử. Xin Thái tử bắn các trống này.” Thỉnh ba lần như thế. Thái tử nói “Được!” Rồi lại nói tiếp: “Nếu muốn ta bắn các trống ấy, thì cung này sức yếu. Hãy tìm cung nào cứng hơn nữa.” Quần thần trả lời: “Tổ vương của Thái tử có cây cung tốt, hiện để trong kho của vua.” Thái tử nói rằng: “Hãy lấy đem lại đây.” Khi cung đem đến rồi, Thái tử liền kéo bắn ra một tên xuyên qua hết các trống, sau đó rơi vào ao nước làm nguồn suối tuôn ra. Rồi lại xuyên qua khỏi núi đại Thiết Vi.

Khi ấy Đề Bà Đạt Đa lại cùng Nan Đà cùng nhau đánh quyền. Hai người bằng sức không ai hơn ai. Thái tử bước đến, tay nắm hai em, xô ngã dưới đất. Do từ lực nên không ai tổn thương đau đớn chi cả.

Khi ấy tứ phương nhân dân thấy được Thái tử có năng lực như thế đều lớn tiếng xướng nói: “Thái tử của Bạch Tịnh Vương không phải chỉ trí huệ hơn hết mọi người, mà cả sức lực cũng không ai bằng được.” Không ai không thán phục và càng sinh cung kính nữa.

(5) Làm lễ quán đỉnh cho Thái tử

Sau đó, vua Bạch Tịnh hội họp quần thần lại bàn với nhau rằng: “Thái tử nay tuổi đã lớn khôn, trí huệ dũng lực đều có trọn đủ. Nay cần phải lấy nước của bốn biển lớn mà quán đỉnh cho Thái tử.” Lại hạ lệnh cho các tiểu quốc vương khác hay là ngày tám tháng hai tới đây sẽ quán đỉnh cho Thái tử, đều hãy về dự. Đến ngày tám tháng hai quốc vương các nước khác cùng các tiên nhân, bà la môn v.v… đều vân tập về, treo lụa, phan, lọng, đốt hương rải hoa, gióng chuông rền trống, tấu các âm nhạc, dùng bát bảy báu đựng nước bốn biển. Các chúng tiên nhân mỗi vị đội trên đầu, truyền đến bà la môn. Cứ thế cho đến truyền đi khắp hết các quần thần, ai cũng đội trên đầu, rồi mới truyền đến trao cho vua. Bấy giờ vua mới lấy đó mà rót trên đỉnh của Thái tử. Rồi đem ấn bảy báu ra mà trao cho Thái tử. Lại đánh trống lớn, xướng to tiếng nói rằng: “Nay lập Tát Bà Tất Đạt lên làm Thái tử.” Khi ấy trên không trời rồng, dạ xoa, người cùng phi nhân v.v… nổi âm nhạc trời, dị khẩu đồng âm tán thán rằng: “Lành thay!”

Đương ngay khi ở nước Ca Tỳ La Bái Đâu lập Thái tử, thì vua của tám nước khác cũng vào đúng ngày ấy đều lập thái tử.

(6) Thái tử thăm ruộng, quán chúng sinh tương tàn

Bấy giờ Thái tử tâu vua muốn ra ngoài dạo chơi, vua liền cho phép. Khi ấy vua cùng Thái tử với chư quần thần, tùy tùng trước sau, đi thăm quanh nước. Kế lại tiến bước đến chỗ ruộng đất của vua, thì ngưng nghỉ tại đó dưới gốc cây diêm phù, xem các người cày ruộng. Lúc ấy trời Tịnh Cư hóa thành trùng trong đất, chim theo đó mà mổ ăn. Thái tử trông thấy khởi tâm từ bi: “Chúng sinh thật đáng thương, ăn nuốt lẫn nhau!” Rồi liền tư duy như thế mà lìa ái cõi dục. Cứ thế cho đến tứ thiền. Ánh mặt trời chiếu đến, cây tự rũ cành xuống che mát cho Thái tử. Khi ấy vua Bạch Tịnh bốn bề tìm kiếm, hỏi Thái tử đâu. Tùy tùng đáp rằng: “Thái tử hiện ở dưới gốc cây diêm phù.” Thời vua lập tức cùng chư quần thần đi đến cây kia. Đi chưa đến nơi, từ xa đã thấy Thái tử ngồi yên ngay ngắn tư duy, lại thấy cây kia ngả xuống che mát Thái tử, vua cảm nhận thấy hết sức là phi thường. Lúc ấy vua tiến đến nắm tay Thái tử hỏi rằng:

– Con nay cớ gì lại ngồi ở đây?

Thái tử trả lời:

– Con thấy các chúng sinh nuốt sống lẫn nhau, thật đáng thương hại!

Vua nghe lời ấy tâm sinh ưu não, sợ con mình xuất gia, cần phải mau tìm chỗ cưới hỏi để cho con được thích ý. Thế là liền kêu Thái tử cùng quay về nước. Thái tử trả lời: “Con muốn ở lại đây!” Vua nghe Thái tử nói, tâm liền nghĩ rằng: “Những gì trước kia A Tư Đà nói, nay thấy Thái tử giống như lời ấy!” Vua tuôn trào lệ, lại kêu trở về. Thái tử thấy vua cha như thế nên phải đi theo quay trở về cung. Vua sợ Thái tử ưu sầu không thích đời sống tại gia, nên tăng thêm cung nữ để mua vui cho Thái tử.

(7) Nạp Da Thâu Đà La làm phi cho Thái tử

Bấy giờ Thái tử tuổi đã mười bảy, vua tập họp quần thần bàn rằng: “Thái tử ngày nay tuổi đã lớn khôn, cần phải tìm chỗ cưới hỏi cho Thái tử.” Quần thần đáp rằng: “Có một bà la môn họ Thích tên là Ma Ha Na Ma, người này có cô con gái tên Da Thâu Đà La nhan sắc tuyệt vời, thông minh trí huệ, hiền tài hơn người, lễ nghi đầy đủ. Có các đức hạnh như thế xứng đáng làm vợ của Thái tử.” Vua liền đáp rằng: “Nếu đúng như khanh nói, thì hãy sính nạp liền đi.”

Vua trở về cung liền sai một người nữ thông minh có trí sống lâu trong cung: “Ngươi hãy đi đến nhà của trưởng giả Ma Ha Na Ma để nhận xét xem con gái ông ta dung nghi lễ hạnh ra sao? Hãy ở đấy trọn bảy ngày.” Nhận lệnh vua rồi, cô kia lập tức đến nhà vị trưởng giả kia, trong vòng bảy ngày xem xét kỹ càng tiểu thư nọ. Rồi quay về báo với vua rằng: “Thần thấy cô gái ấy dung mạo xinh đẹp, đi đứng nói năng không ai sánh bằng.”

Vua nghe nói thế hết sức vui mừng, liền sai người đến nói với Ma Ha Na Ma: “Thái tử trưởng thành muốn nạp phi. Quần thần đều nói con gái ông là bậc thục nữ, rất xứng đáng được tiến cử. Nay muốn xin cùng.” Thời Ma Ha Na Ma đáp với sứ của vua rằng: “Xin tuân theo sắc chỉ!” Vua liền sai quần thần chọn ngày lành tháng tốt, cho một vạn cỗ xe đến để nghinh đón. Về đến cung rồi thì cho làm đủ mọi nghi thức hôn lễ, lại cho thêm các cung nữ, ngày đêm hoan lạc.

Bấy giờ Thái tử luôn cùng với hoàng phi, đi đứng nằm ngồi, không lúc nào không có nhau. Song ngay từ đầu đã không hề có tâm tưởng của thế tục. Đêm khuya thanh vắng cũng chỉ tu thiền quán. Còn vua thì ngày ngày đều hỏi cung nữ theo hầu: “Thái tử và phi có gần gũi với nhau không?” Hầu nữ trả lời: “Không thấy Thái tử có gì là lẽ chồng vợ cả!” Vua nghe nói thế ưu sầu không vui, lại tăng thêm cung nữ để làm vui cho Thái tử. Song cứ thế qua ngày mà vẫn không tiếp cận. Vua mới sinh nghi sợ rằng Thái tử không có khả năng người nam!

Bấy giờ, Thái tử nghe các cung nữ ca vịnh vườn rừng hoa quả tốt tươi, suối ao trong mát. Thái tử bỗng muốn ra ngoài dạo chơi ngắm cảnh, mới sai cung nữ đến bạch cùng vua: “Ở trong cung lâu ngày, muốn ra ngoài vườn rừng dạo chơi đôi chút.” Vua nghe nói thế tâm rất vui mừng, thầm nghĩ rằng: “Thái tử chắc là không thích trong cung theo lẽ chồng vợ, cho nên xin ra vườn rừng dạo chơi vậy.” Nên bèn cho phép, hạ lệnh quần thần sửa sang lại vườn tược, đường xá đi qua đều dọn sạch sẽ. Thái tử mới tới gặp vua, đầu mặt lễ chân, chào rồi ra đi. Thời vua sắc một cựu thần thông minh trí huệ, khéo ăn khéo nói, sai đi theo cùng Thái tử. 6. Thái tử ra bốn cửa thành

(1) ra cửa đông gặp người già

Bấy giờ, Thái tử và các quan thuộc, tiền hô hậu ủng, ra nơi cửa đông thành. Dân trong nước, nghe Thái tử xuất thành, nam nữ đầy đường, người xem như mây. Lúc ấy, trời Tịnh Cư hóa làm người già, đầu bạc lưng còng, chống gậy run rẩy bước đi. Thái tử liền hỏi người tùy tùng rằng:

– Đó là người gì vậy?

Tùy tùng đáp:

– Đó là người già.

Thái tử lại hỏi:

– Già nghĩa là gì?

Đáp rằng:

– Người ấy ngày xưa cũng từng trải qua tuổi bé thơ, tuổi trẻ con, tuổi thiếu niên, cứ trôi qua không dừng, cho đến khi các căn chín mùi, hình biến sắc suy, ăn uống không tiêu, khí lực không còn, ngồi đứng khó khăn, mạng sống không còn bao lăm, nên gọi là già.

Thái tử lại hỏi:

– Duy người ấy già hay tất cả đều vậy?

Tùy tùng đáp rằng:

– Tất cả đều trọn phải chịu như vậy!

Khi Thái tử nghe nói như vậy thì đau khổ vô cùng, thầm tự nghĩ rằng: “Ngày tháng trôi qua, thời biến năm dời, già đến như chớp, thân này đâu nương cậy được. Ta tuy phú quý, nhưng riêng mình miễn được sao! Vì sao người đời lại không thấy sợ hãi kìa?!” Thái tử từ xưa đến giờ không thích hưởng đời, lại nghe câu chuyện này càng thêm chán lìa. Bèn quay xe trở về, sầu buồn chẳng vui. Khi vua nghe chuyện, tâm đã lo sẵn, sợ Thái tử bỏ đi học Đạo, lại cho thêm cung nữ để giải khuây cho Thái tử.

(2) ra cửa nam gặp người bệnh

Bấy giờ Thái tử lại không lâu sau, tâu vua ra ngoài du ngoạn. Vua nghe lời xin, tâm rất lo lắng, thầm nghĩ rằng: “Kỳ trước Thái tử ra ngoài gặp phải người già, ưu sầu không vui. Nay lẽ gì lại xin ra nữa?” Song vua thương Thái tử, không nỡ chối từ, miễn cưỡng chấp thuận. Lập tức triệu tập quần thần bàn bạc rằng: “Thái tử lần trước ra cửa đông thành gặp phải người già, về liền chẳng vui. Nay lại xin ra ngoài dạo chơi ngắm cảnh, ta không từ chối được nên đã chấp thuận.” Quần thần tâu rằng: “Xin hãy nghiêm lệnh các quan thuộc bên ngoài sửa sang đường xá, treo lụa cờ lọng, rải hoa đốt hương, đều cho thật đẹp, không để các thứ xấu xí dơ bẩn cùng các người già bệnh ở ngay bên đường.”

Bấy giờ bên ngoài bốn cửa thành Ca Tỳ La Bái Đâu, mỗi cửa có một vườn cây, hoa quả, ao hồ, lầu gác, đủ thứ trang điểm, không khác gì nhau. Vua hỏi các quan: “Các vườn cảnh bên ngoài, chỗ nào đẹp nhất?” Các quan đáp rằng: “Các cảnh vườn bên ngoài đều đẹp như nhau, như vườn Hoan Hỉ trên trời Đao Lợi.” Vua lại hạ lệnh: “Trước kia Thái tử đi ra là theo cửa đông. Nay hãy theo cửa nam mà ra.”

Bấy giờ Thái tử với trăm quan tùy tùng ra cửa nam thành. Khi ấy trời Tịnh Cư hóa làm người bệnh, thân gầy bụng to, khò khè rên rỉ, xương thịt tiêu hao, nhan mạo vàng vọt, toàn thân run rẩy, không thể đứng vững được, phải hai người kèm bên, ở nơi bên đường.

Thái tử liền hỏi:

– Đó là người gì vậy?

Tùy tùng đáp rằng:

– Đó là người bệnh.

Thái tử lại hỏi:

– Thế nào là bệnh.

Đáp rằng:

– Thường mà gọi bệnh là đều do ham dục, ăn uống không điều độ, tứ đại không điều hòa, chuyển biến thành bệnh. Trăm tiết đớn đau, khí lực suy vi, ăn uống không được, ngủ nghỉ chẳng an. Tuy có tay chân mà cũng chẳng dụng được, phải mượn sức người mới ngồi đứng được.

Khi ấy Thái tử dùng tâm từ bi nhìn người bệnh ấy, lòng sinh sầu ưu. Lại hỏi nữa rằng:

– Chỉ người này bị vậy hay các người khác cũng đều như vậy?

Đáp rằng:

– Tất cả nhân dân bất kể giàu nghèo đều có bệnh ấy.

Thái tử nghe xong, tâm tự nghĩ rằng: “Bệnh khổ như thế ai cũng phải chịu, tại sao thế nhân lại mải ham vui mà không sợ kìa?!” Nghĩ như thế xong, sợ hãi vô cùng, thân tâm chấn động, ví như bóng trăng hiện trong sóng nước. Bèn nói với tùy tùng:

– Thân này như thế là đống khổ lớn, thế nhân trong ấy lại sinh hoan lạc. Ngu si chẳng hiểu, không biết mà giác ngộ. Nay ta tại sao lại muốn đi đến vườn kia dạo cảnh vui chơi được?

Lập tức Thái tử hồi xe trở lại quay về vương cung, ngồi xuống tự tư duy, sầu ưu không vui. Vua hỏi tùy tùng: “Thái tử hôm nay ra ngoài có vui hay không?” Tùy tùng đáp: “Vừa ra khỏi cửa nam gặp ngay người bệnh, do đó nên không vui, hồi xe trở về ngay!” Vua nghe nói thế, tâm rất ưu sầu, lo Thái tử đi xuất gia. Nên vua mới hỏi các quan rằng: “Thái tử trước kia xuất thành cửa đông gặp ngay người già ưu sầu không vui. Do sự việc ấy nên ta ban lệnh các khanh dọn sạch đường xá, không để người già bệnh bên hẻm bên đường. Tại sao giờ đây ra cửa nam thành mà lại để cho kẻ có tật bệnh làm cho Thái tử nhìn thấy như vậy?” Các quan đáp rằng: “Vừa rồi chúng thần thọ lệnh vua ban, hạ lệnh nghiêm ngặt cho ngoại ty không để cho mọi thứ xấu xa hôi hám, già bệnh, ở ngay bên đường. Cùng nhau coi xét cẩn mật không dám lơ là. Không rõ cớ gì bỗng có người bệnh như vậy. Thực không phải tội của chúng thần!”  Bấy giờ vua hỏi tùy tùng rằng: “Các ngươi đều thấy người bệnh ở bên đường, họ từ đâu tới vậy?” Tùy tùng trả lời: “Không rõ tung tích, chẳng biết từ đâu tới hết!” Thời vua ngầm lo Thái tử sinh tâm hoang mang, e sợ Thái tử sẽ xuất gia, nên lại tăng thêm cung nữ để vui lòng Thái tử, lại cũng hy vọng Thái tử sẽ sinh tâm ái luyến ở trong ngũ dục.

Bấy giờ có một người con bà la môn tên là Ưu Đà Di, thông minh trí huệ, biện tài vô cùng. Khi ấy vua liền cho mời vào cung và nói rằng: “Thái tử hiện giờ không thích ở đời hưởng thụ ngũ dục. E rằng không lâu Thái tử sẽ xuất gia học đạo. Ngươi hãy cùng với Thái tử làm bằng hữu thân thuộc, nói đủ các chuyện hưởng lạc ngũ dục thế gian, sao cho Thái tử tâm động không thích xuất gia nữa.” Thời Ưu Đà Di đáp rằng: “Thái tử thông minh không ai sánh bằng. Sách vở người biết đều rất uyên bác, đều là những gì mà thần đến nay chưa từng được nghe, thì làm sao mà sai thần thuyết dụ người được?! Chẳng khác gì cọng sen mà đòi treo núi Tu Di. Thần cũng y vậy, không cách gì có thể hồi tâm của Thái tử được! Song đại vương đã hạ lệnh làm bằng hữu, thì phải tận hết khả năng hiểu biết của mình mà làm.” Ưu Đà Di thọ lệnh vua rồi, thì tháp tùng theo Thái tử, đi đứng nằm ngồi gì cũng không dám lìa xa. Còn vua thì lại tuyển thêm cung nữ thông minh trí huệ, nhan mạo xinh tươi, giỏi nghề ca múa, khéo mê hoặc người. Rồi trang điểm đủ cách, rực rỡ đẹp mắt, trọn đều cho đem lại hầu hạ Thái tử. (3) ra cửa tây gặp người chết

Bấy giờ, Thái tử lại ít lâu sau tâu với vua xin ra ngoài dạo chơi. Vua nghe nói thế, tâm thầm nghĩ rằng: “Đã có Ưu Đà Di kia cùng với Thái tử làm bạn hữu. Nay có thể ra ngoài dạo chơi sẽ vui hơn các lần trước, không còn có tâm chán tục thích xuất gia nữa.” Nghĩ như thế rồi liền cho phép ngay. Sau đó vua lại triệu tập các đại thần, nói với tất cả rằng: “Thái tử giờ đây lại xin ra ngoài. Ta không nỡ chối từ, nên đã cho phép. Thái tử lần trước ra hai cửa đông và nam, trông thấy già và bệnh, bỏ về là sầu buồn luôn. Lần này phải hạ lệnh theo cửa tây mà ra. Tâm ta lo Thái tử về lại không vui. Song Ưu Đà Di là bạn tốt của Thái tử, hy vọng là lần này đi về không giống như trước nữa. Các khanh mau hạ lệnh sửa sang đường xá, vườn rừng, đình quán, khiến cho đều sạch sẽ, hương hoa, cờ lọng, cho nhiều gấp mấy lần trước, không để cho người già bệnh xấu xí dơ bẩn có mặt bên đường nữa.” Các quan nhận lệnh rồi liền sai ngoại ty sửa sang đường xá đâu đó cùng các vườn rừng đẹp đẽ bội thường. Vua lại đưa các cung nữ tuyệt đẹp ra trước ở sẵn trong vườn. Lại ban lệnh cho Ưu Đà Di rằng: “Nếu đang đi mà bên đường có sự gì bất tường thì hãy phương tiện mà dụ cho vui lòng Thái tử.” Cùng ra lệnh các quan tùy tùng Thái tử đều phải để ý quan sát, hễ có gì không hay thì phải đuổi đi xa.

Bấy giờ Thái tử cùng Ưu Đà Di, trăm quan tùy tùng, đốt hương rải hoa, nổi các âm nhạc, xuất cửa tây thành. Lúc ấy trời Tịnh Cư tâm tự nghĩ rằng: “Trước ta hiện già và bệnh nơi hai cửa thành, mọi người đều thấy, khiến vua Bạch Tịnh giận trách tùy tùng cùng với ngoại ty. Nay Thái tử xuất thành, vua ban lệnh nghiêm ngặt. Giờ ta hiện chết, nếu ai cũng thấy sẽ làm vua thêm phẫn nộ, ắt sẽ ra tay trừng phạt thì oan uổng cho kẻ bất hạnh. Việc ta hiện hôm nay vì thế chỉ cho hai người Thái tử và Ưu Đà Di thấy mà thôi, như vậy các quan thuộc kia sẽ không bị khiển trách.” Nghĩ thế rồi liền xuống đến nơi, hóa làm người chết, có bốn người vác đi, dùng các hương hoa rải trên thây chết. Trọn nhà lớn nhỏ kêu khóc tiễn đưa. Khi ấy chỉ riêng Thái tử và Ưu Đà Di hai người trông thấy. Thái tử hỏi rằng:

– Đó là cái gì mà người ta dùng hoa hương trang sức bên trên? Lại có nhiều người gào khóc đưa tiễn?

Thời Ưu Đà Di do lệnh vua nên im lặng không trả lời. Thái tử hỏi như thế ba lần, do oai lực của vua trời Tịnh Cư, Ưu Đà Di bất giác trả lời:

– Đó là người chết.

Thái tử lại hỏi:

– Chết là thế nào?

Ưu Đà Di nói:

– Phàm là người chết thì gió đao làm rã thân thể ra, và thần thức thì bỏ đi mất. Tứ thể các căn không còn biết gì nữa. Người ấy khi còn tại thế tham đắm ngũ dục, tiếc giữ tiền tài, khổ nhọc kinh doanh, chỉ biết tích góp, không hay vô thường. Đến nay một sớm xả hết mà chết. Lại nào cha mẹ thân thích quyến thuộc thương yêu, nhưng sau khi mạng chung thì y như cây cỏ, ân tình thương ghét, chẳng còn quan hệ chi nữa! Cái chết như thế, quả là đáng buồn!

Thái tử nghe xong, tâm hoảng sợ vô cùng, lại hỏi Ưu Đà Di rằng:

– Chỉ có người ấy chết thôi hay ai cũng phải chịu như vậy?

Tức thời đáp rằng:

– Tất cả thế nhân đều phải như thế. Không ai giàu nghèo mà được miễn khỏi!

Thái tử tính tình chân chất, điềm tĩnh khó động. Nay nghe lời ấy không sao tự an được, mới nhỏ giọng nói cùng Ưu Đà Di rằng: – Thế gian có cái khổ chết chóc như vậy, tại sao trong ấy lại cứ phóng dật, tâm như gỗ đá chẳng biết hãi sợ?!

Liền ra lệnh người đánh xe hồi xe quay về. Người đánh xe đáp rằng: “Hai lần trước ra hai cửa, chưa đến nơi vườn, giữa đường Thái tử đã quay về, đến nỗi khiến cho đại vương phát giận trách mắng. Thế nên hôm nay thần không dám làm vậy nữa!” Khi ấy Ưu Đà Di nói: “Đúng như ngươi nói, không nên quay về.” Nên lại đi tiếp, đến khu vườn kia, hương hoa cờ lọng, tấu các loại nhạc, cung nữ đẹp đẽ y như tiên nữ cõi trời không khác. Ở trước Thái tử ai nấy tranh tài ca múa, mong đem sắc đẹp ra làm vui lòng Thái tử. Song Thái tử tâm an không sao chuyển động, và nghỉ lại nơi vườn giữa các bóng cây, đuổi hết thị vệ đi, ngồi ngay ngắn tư duy. Nhớ xưa từng ở dưới cây Diêm Phù lìa khỏi cõi Dục, cho đến đắc vào đệ tứ thiền định. Khi ấy Ưu Đà Di đến nơi Thái tử nói rằng:

– Đại vương ban lệnh khiến tôi cùng với Thái tử kết làm bằng hữu, nếu có gì hay dở, thì xin chỉ bảo cho nhau. Cái lẽ bạn bè gồm ba điều chính như sau: Một là thấy có lỗi lầm liền can gián cho hay. Hai là thấy có điều tốt đẹp thì phát sinh tùy hỉ. Ba là trong lúc khổ ách, không hề bỏ nhau. Nay xin lấy lời chân thành mà thưa cùng, mong đừng trách giận: Xưa giờ các vua cho đến hiện tại trọn đều thọ hưởng các vui ngũ dục, rồi sau đó mới xuất gia. Thái tử vì sao mà tuyệt luôn chẳng màng. Lại người ta sinh ra đời, thì phải thuận theo lẽ làm người, không ai bỏ nước mà đi học Đạo. Ngưỡng mong Thái tử hưởng thọ ngũ dục cho có con cái, không tuyệt tự vua.

Lúc ấy Thái tử trả lời rằng:

– Đúng như ngươi nói. Song ta không phải vì muốn bỏ nước mà làm như vậy. Ta cũng không bảo là ngũ dục không vui. Chỉ vì sợ cái khổ già bệnh sinh tử nên nơi ngũ dục không dám ái đắm. Khi nãy ngươi có nói xưa nay các vua trước trải ngũ dục sau mới xuất gia. Song các vị vua ấy hiện giờ ở đâu? Do vì ái dục, nên hoặc tại địa ngục, hoặc ở ngạ quỷ, hoặc nơi súc sinh, hoặc nơi trời người. Do có cái khổ luân chuyển như thế, nên ta muốn lìa khỏi các pháp già bệnh sinh tử khổ vậy. Nay ngươi vì sao lại khuyên ta thọ nhận? Ưu Đà Di lúc ấy tuy rốc hết biện tài ra khuyến dụ Thái tử, song không sao hồi chuyển được tâm Thái tử, bèn lui gót quay trở về chỗ. Thái tử hạ lệnh thắng xe trở về cung. Các cung nữ cùng Ưu Đà Di ưu sầu thiểu não, mặt mày tiu nghỉu, như người mới có người thân yêu mất.

Thái tử về cung bi thương bội thường. Thời vua Bạch Tịnh kêu Ưu Đà Di hỏi thăm rằng: “Thái tử hôm nay ra ngoài có được vui không?” Ưu Đà Di nói: “Ra khỏi thành không xa gặp phải người chết, cũng không rõ từ đâu lại. Thái tử và thần cùng thấy với nhau. Thái tử hỏi rằng: Đó là người gì vậy? Thần cũng bất giác đáp rằng: Đó là người chết!” Vua lại hỏi các người tùy tùng: “Các người có thấy ngoài cửa tây thành có người chết hay không?” Các tùy tùng đáp: “Chúng thần đều không thấy!” Vua nghe nói thế tâm thần tỉnh ngộ, thầm nghĩ rằng: “Chỉ riêng Thái tử và Ưu Đà Di hai người thấy thôi, thì đó chính là lực trời, chứ không phải là lỗi nơi quần thần. Vậy thì chắc hẳn là như lời A Tư Đà tiên đoán rồi!” Suy nghĩ thế rồi, tâm rất khổ não, lại tăng thêm cung nữ để làm vui Thái tử. Ngày ngày sai người an ủi khuyến dụ Thái tử, nói rằng: “Nước là của ngài, cớ gì phải ưu sầu không vui vậy?” Vua lại ban lệnh nghiêm ngặt cho các cung nữ phải làm vui lòng Thái tử không kể ngày đêm.

Thời vua Bạch Tịnh tuy biết đó là lực trời không phải chuyện người, song quá thương Thái tử nên không thể không nói. Tâm tự nghĩ rằng: “Thái tử trước đã ra ba cửa thành. Nay chỉ còn có cửa bắc là chưa ra. Chắc chắn không lâu nữa là lại xin ra ngoài dạo chơi. Nay cần phải trang điểm các vườn rừng ngoài ấy cho đẹp đẽ hơn nữa, không để cho có các điều không đẹp ý.” Rồi đúng như tâm nghĩ, ban lệnh xuống các quan làm đủ như vậy. Thời vua lại thầm nguyện trong tâm: “Nếu khi Thái tử xuất thành qua cửa bắc, thì cầu xin chư thiên đừng có hiện nên các việc không lành nữa để cho con tôi tâm sinh ưu não.” Cầu nguyện xong rồi, bèn hạ lệnh các quan: “Thái tử nếu xuất thành thì hãy cho cưỡi ngựa, sao cho nhìn thấy trọn bốn phương nhân dân đều sáng sủa đẹp đẽ.”

(4) ra cửa bắc gặp Tỳ khưu

Bấy giờ Thái tử tâu vua xin xuất du, vua không nỡ chối từ, bèn cùng Ưu Đà Di và các quan thuộc, trước sau tháp tùng, ra cửa bắc thành đến nơi chỗ vườn. Thái tử xuống ngựa nghỉ ngơi dưới cây, truyền thị vệ đi khỏi, ngồi ngay ngắn tư duy, niệm đến các khổ già, bệnh, chết của thế gian. Thời trời Tịnh Cư hóa thành tỳ khưu, pháp phục, trì bát, tay cầm tích trượng, nhìn mặt đất bước đi, ngang qua trước mặt Thái tử. Thái tử thấy rồi liền hỏi rằng:

– Ông là người gì vậy?

Tỳ khưu đáp rằng:

– Tôi là tỳ khưu.

Thái tử lại hỏi:

– Tỳ khưu là gì?

Đáp rằng:

– Phá tan giặc “kết”, không thọ thân sau, nên gọi là tỳ khưu. Thế gian trọn đều vô thường mong manh. Còn ta tu học thánh đạo vô lậu, không dính vào sắc thanh hương vị xúc pháp, vĩnh viễn đắc vô vi, đến bờ giải thoát.

Nói xong lời ấy, ở ngay trước Thái tử hiện lực thần thông, bay lên hư không mà đi. Đương ngay lúc ấy, các quan thuộc, tùy tùng đều trông thấy rõ. Thái tử thấy được vị tỳ khưu ấy, lại nghe nói rõ về công đức xuất gia, sẵn đời trước luôn có lòng chán dục, tự thốt lên lời:

– Lành thay, lành thay! Trong chốn trời người này chỉ có đó là hơn hết! Ta sẽ quyết định tu học Đạo ấy!

Nói lời ấy xong liền kéo ngựa quay về cung thành. Khi ấy Thái tử tâm rất hân hoan, tự nghĩ rằng: “Trước ta trông thấy các khổ già bệnh chết, ngày đêm thường sợ bị các thứ ấy áp bức. Nay thấy tỳ khưu khai ngộ cõi lòng ta, chỉ bày nẻo giải thoát.” Nghĩ như thế rồi, thời tự tư duy nghĩ cách tìm cầu nhân duyên xuất gia.

Bấy giờ, vua Bạch Tịnh hỏi Ưu Đà Di rằng: “Thái tử xuất thành kỳ này có được vui không?” Ưu Đà Di liền trả lời vua: “Khi Thái tử vừa ra, trên đường đi qua không có gì bất tường hết. Khi đến trong vườn, Thái tử ở một mình dưới gốc cây, xa thấy một người, cạo bỏ râu tóc, đắp y nhiễm sắc, đến trước Thái tử đối đáp với nhau. Nói xong rồi bay lên hư không mà đi. Rốt cuộc không rõ là bàn nói chuyện gì. Thái tử nhân đó thắng ngựa quay về. Nhưng ngay lúc ấy sắc mặt vui tươi. Về đến trong cung mới sinh ưu sầu.” Vua Bạch Tịnh nghe nói vậy, tâm sinh hồ nghi, mà cũng chẳng biết là điềm gì vậy, nên rất là sầu muộn, tự nghĩ rằng: “Thái tử chắc chắn bỏ nhà đi học đạo! Lại, phi nạp đã lâu mà không có con cái. Nay ta phải hạ lệnh cho Da Thâu Đà La nghĩ ra cách nào không để cho đất nước này bị tuyệt tự. Lại phải coi chừng cảnh giác, không để cho Thái tử bỏ đi mà không ai hay biết!” Nghĩ thế rồi, thì đúng như dự tính ban lệnh tới Da Thâu Đà La. Da Thâu Đà La nghe lệnh vua rồi, tâm sinh hổ thẹn, cứ vậy im lặng, chỉ đi đứng nằm ngồi chẳng lìa Thái tử. Thời vua lại tăng thêm các cung nữ đẹp để cho Thái tử vui lòng.

(5) Thái tử xin vua cha xuất gia

Bấy giờ, Thái tử tuổi đã mười chín, tâm tự tư duy: “Nay chính là lúc ta phải xuất gia.” Rồi tự đến gặp vua cha, oai nghi đàng hoàng y như Đế Thích đến gặp Phạm Thiên. Quần thần ở bên trông thấy, bạch với vua rằng: “Thái tử hôm nay đến gặp đại vương.” Vua nghe báo vậy, mừng lo lẫn lộn. Thái tử đến nơi, đầu mặt lễ lạy. Lúc ấy vua cha ôm lấy Thái tử rồi khiến bảo ngồi. Thái tử ngồi rồi, bạch vua cha rằng:

– Ân ái tập hội ắt có biệt ly. Xin cho phép con được xuất gia học đạo, sao cho tất cả mọi khổ ái biệt ly của chúng sinh đều được giải thoát. Xin hãy chấp thuận cho con, đừng có ngăn trở.

Thời vua Bạch Tịnh nghe Thái tử nói, tâm đau khổ không cùng, giống như kim cương đánh sập ngọn núi, toàn thân run rẩy, ngồi không yên chỗ nữa, nắm lấy tay Thái tử mà không nói được gì hết, bật khóc tuôn lệ, nức nở sụt sùi. Một hồi như thế mới nhỏ tiếng bảo rằng:

– Con nay phải nên ngưng ngay cái tâm ý xuất gia ấy đi! Tại sao vậy? Tuổi đang khỏe mạnh, nước chưa có người tiếp nối, mà đã bỏ ta chẳng chút ngó ngàng!

Khi ấy Thái tử trông thấy vua cha tuôn lệ không cho, bèn quay trở về ôm lòng xuất gia, ưu sầu không vui.

Bấy giờ, trong nước Ca Tỳ La Bái Đâu, các bậc tướng sư hạng nhất bói biết Thái tử, nếu không xuất gia thì sau bảy ngày sẽ đắc ngôi vị chuyển luân vương, làm vua bốn thiên hạ, bảy báu tự hiện đến. Mỗi vị ấy đem điều mình thấy đến bạch vua rằng: “Chủng tính Thích Ca nhờ đó mà hưng thịnh.” Vua nghe tâu thế, tâm rất vui mừng. Mới ban lệnh cho các quần thần và các con cháu họ Thích: “Các ngươi có nghe tướng sư nói đó chăng? Nên đều phải ngày đêm canh phòng Thái tử.” Ở bốn cửa thành, mỗi cửa ngàn người. Bao quanh ngoài thành trọn một du xà na đặt để nhân chúng khắp hết để mà phòng giữ. Lại hạ lệnh cho Da Thâu Đà La và các nội quan phải cảnh giác hơn nữa để qua khỏi bảy ngày không cho Thái tử xuất gia.

Rồi vua lại đến gặp Thái tử. Thái tử xa thấy liền bước đến nghinh đón, đầu mặt lễ chân, hỏi thăm khỏe mạnh. Vua bảo Thái tử:

– Xưa cha có nghe A Tư Đà nói cùng các tướng sư và các điềm lành, nên biết chắc rằng con không thích sống đời này. Song việc có người nối dõi đất nước là điều trọng đại, cần phải tiếp tục không đoạn. Nay xin con hãy vì cha mà sinh một người con, rồi sau đó hãy dứt tục, cha sẽ không trái ý con nữa!

Khi ấy thái tử nghe vua cha nói tâm thầm nghĩ rằng: “Đại vương sở dĩ phải khổ sở mà lưu giữ ta, chính chỉ vì nước không có người nối tiếp mà thôi.” Nghĩ như thế rồi, trả lời vua rằng:

– Lành thay, xin tuân lệnh!

Liền lấy tay trái chỉ vào bụng hoàng phi, thời Da Thâu Đà La liền cảm thấy thân thể khác lạ, tự biết là mình có mang. Riêng vua nghe lời nói tuân lệnh của Thái tử thì rất là vui mừng, cho rằng Thái tử trong vòng bảy ngày sẽ không sao có con được. Nếu quá kỳ hạn ấy, thì địa vị chuyển luân vương sẽ tự nhiên mà đến, không còn chuyện xuất gia nữa.

7. Thái tử vượt thành xuất gia

 (1) chuẩn bị xuất thành

Bấy giờ, Thái tử tâm tự nghĩ rằng: “Ta đã đến năm mười chín tuổi. Nay là tháng hai, vào ngày mùng bảy, ta phải nghĩ cách tìm đường xuất gia! Bởi sao vậy? Vì nay chính là lúc ấy. Lại đã hoàn mãn sự mong ước của phụ vương.” Nghĩ thế xong, thân phóng quang minh chiếu đến cung của Tứ Thiên Vương, rồi chiếu đến tận cung của Tịnh Cư thiên, không cho nhân gian thấy quang minh ấy. Bấy giờ chư thiên thấy quang minh này, đều biết đã đến lúc xuất gia của Thái tử, nên đều giáng xuống đến nơi Thái tử, đầu mặt lễ chân, chắp tay bạch rằng:

– Vô lượng kiếp nay bao nhiêu tu hành tâm nguyện, nay chính là lúc để thành quả chín mùi. Theo đó Thái tử đáp lời chư thiên:

– Đúng như lời các vị nói, nay chính đã đến lúc. Song phụ vương hạ lệnh cho quan thuộc nội ngoại nghiêm phòng cẩn mật. Ta muốn đi mà không bị theo đuổi.

Chư thiên bạch rằng:

– Chúng tôi tự đã chuẩn bị phương cách rồi, khiến Thái tử xuất thành mà không ai hay biết.

Chư thiên lập tức vận dụng thần lực khiến các quan thuộc trọn đều ngủ mê mệt. Bấy giờ, Da Thâu Đà La trong cơn mê ngủ, thấy ba điều mộng: Một là mộng thấy trăng rớt xuống đất. Hai là mộng thấy răng bị rụng. Ba là mộng thấy mất cánh tay phải. Mộng thấy thế rồi, trong mơ kinh hoàng tỉnh dậy, tâm rất hãi sợ, bạch Thái tử rằng:

– Thiếp trong giấc ngủ thấy ba ác mộng.

Thái tử hỏi rằng:

– Nàng mộng những gì?

Da Thâu Đà La liền kể hết những gì mộng thấy. Thái tử nói rằng:

– Trăng còn trên trời, răng vẫn chưa rụng, tay vẫn còn đó. Đủ rõ các mộng chỉ hư giả không thực. Nay nàng không nên vì thế mà sinh sợ hãi.

Da Thâu Đà La lại nói với Thái tử:

– Như thiếp suy gẫm các điều mộng này, thì đó là điềm Thái tử sẽ xuất gia. Thái tử lại đáp:

– Nàng cứ yên ngủ đi, đừng có lo âu như thế, nàng sẽ không có điều bất lành nào đâu.

Da Thâu Đà La nghe lời ấy xong thì lại ngủ tiếp. Thái tử mới khởi thân dậy, quán hết các cung nữ cùng Da Thâu Đà La đều như người gỗ, ví như thân cây chuối, bên trong không gì chắc thực. Có cung nữ nằm gục trên nhạc khí, tay chân thõng xuống đất. Lại nằm gối lên nhau, nước mũi nước mắt, miệng chảy nước dãi. Thái tử lại quán sát vợ mình cùng các cung nữ, thấy hình thể họ: Tóc, móng tay, tủy não, xương, răng, đầu lâu, da dẻ, bắp thịt, gân mạch, mỡ máu, tim, phổi, lá lách, thận, gan, mật, ruột, bao tử, phân, nước tiểu, nước mũi, đờm dãi. Ngoài là bao da, trong đầy hôi bẩn, không chút gì đáng thưởng thức. Cưỡng dùng hương xoa, sức dùng hoa mầu, ví như vay mượn rồi cũng phải trả lại và cũng chẳng được lâu dài. Mạng sống trăm năm, ngủ mất một nửa, lại bao ưu não, sướng không bao nhiêu. Tại sao người đời thấy mãi việc ấy mà không giác ngộ, đã vậy còn bám vào đó tham đắm dâm dục. Ta nay phải học chỗ tu hành của chư Phật xa xưa, mau mau lìa xa cái khối lửa lớn này.

(2) Thái tử xuất thành

Bấy giờ, Thái tử tư duy như thế rồi, đến phần cuối đêm, vua trời Tịnh Cư và chư thiên cõi dục tràn đầy hư không, cùng nhau đồng nói, bạch Thái tử rằng: “Quan thuộc trong ngoài đều đã mê ngủ, nay chính là lúc xuất gia.” Tức thời Thái tử tự đi đến chỗ Xa Nặc.

Do lực cõi trời, Xa Nặc tự tỉnh giấc, Thái tử nói rằng:

– Ngươi hãy vì ta thắng yên Kiền Trắc đem lại đây.

Xa Nặc nghe lời dạy ấy, toàn thân run bắn lên, lòng rất do dự: một là không muốn làm trái lệnh Thái tử, hai là sợ sắc chỉ của vua nghiêm khắc. Suy nghĩ một hồi rơi lệ bạch rằng:

– Đại vương ban lệnh nghiêm khắc như thế. Lại nữa giờ đây đâu phải lúc đi dạo ngắm cảnh, cũng chẳng phải là ngày ra quân hàng phục quân địch. Cớ gì vào lúc cuối đêm như vầy mà Thái tử bỗng đòi đến ngựa? Muốn đi đâu vậy?

Thái tử lại nói cùng Xa Nặc:

– Ta nay do muốn vì tất cả chúng sinh hàng phục quân giặc kết sử phiền não. Ngươi không nên làm trái ý ta.

Bấy giờ Xa Nặc cất tiếng gào khóc, mong cho Da Thâu Đà La cùng các quyến thuộc trọn đều hay biết là Thái tử sẽ đi. Song do lực của thiên thần nên họ vẫn cứ ngủ mê mệt như vậy. Xa Nặc đành phải đi tìm ngựa đem lại. Thái tử từ từ tiến bước, và nói với Xa Nặc cùng Kiền Trắc:

– Tất cả ân ái rồi sẽ biệt ly. Mọi chuyện thế gian đều dễ thành toại, nhân duyên xuất gia rất khó thành tựu.

Xa Nặc nghe vậy, lặng im không nói. Theo đó Kiền Trắc cũng không kêu không hí. Bấy giờ, Thái tử thấy ánh sáng ló dạng, thân phóng quang minh chiếu thấu mười phương. Hống tiếng sư tử nói rằng:

– Quá khứ chư Phật với pháp xuất gia, nay ta cũng vậy.

Theo đó chư thiên nâng bốn chân ngựa cùng đón Xa Nặc. Thích Đề Hoàn Nhân cầm lọng tùy tùng. Chư thiên lập tức khiến cửa bắc thành tự nhiên mở toát mà không phát tiếng. Thái tử nhờ đó theo cửa mà ra, chư thiên trên không tán thán tháp tùng. Lúc ấy Thái tử lại sư tử hống:

– Ta nếu không đoạn được sinh lão bệnh tử ưu bi khổ não, quyết không quay trở về hoàng cung! Ta nếu không đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề và không chuyển được bánh xe pháp, thì quyết không về tương kiến cùng phụ vương! Và nếu lại không tận hết tình ân ái thì quyết không về gặp lại Ma Ha Bà Xà Bà Đề cùng với Da Thâu Đà La.

Đương khi Thái tử nói lên lời thệ ấy, chư thiên trong không tán thán ca ngợi: “Lành thay! Lời nói ấy chắc chắn thành quả.” Đến lúc trời sáng thời đường đi qua đã được ba thâu xà na. Khi ấy thiên chúng tháp tùng Thái tử đến nơi đây rồi, nhiệm vụ đã xong, bỗng nhiên biến mất không còn.

(3) Thái tử dặn dò Xa Nặc trở về

Bấy giờ, Thái tử tiếp tục đi đến khu rừng khổ hành của tiên nhân Bạt Già. Thái tử thấy khu vườn ấy tịch tĩnh, không có các ồn náo, thời tâm sinh hoan hỉ, các căn khoan khoái, mới bèn xuống ngựa, vỗ lưng ngựa nói:

– Công việc khó làm, ngươi đã làm xong.

Lại nói với Xa Nặc:

– Ngựa đi mau lẹ như vua kim xí điểu, mà ngươi luôn theo bên, không lìa khỏi ta. Người trong thế gian hoặc có tâm thiện, song thân không theo cùng. Hoặc vận thân lực, song tâm không tương xứng. Nay ngươi tâm và thân đều không sai trái. Lại người thế gian khi còn phú quý thì tranh nhau phụng sự. Ta nay bỏ nước đến khu vườn này, thì chỉ mình ngươi, riêng còn theo ta. Thật là hiếm có! Nay ta đã đến nơi chốn nhàn tĩnh, thì ngươi có thể cùng với Kiền Trắc quay trở về cung.

Khi ấy Xa Nặc nghe lời ấy rồi bi thương khóc lóc, mê sầu ngã ra đất, không thể kềm chế được. Cũng thế, Kiền Trắc nghe mình bị đuổi lui, quỳ gối liếm chân, nước mắt tuôn như mưa. Xa Nặc đáp rằng:

– Nay tôi làm sao chấp nhận được những lời lẽ ấy của Thái tử. Tôi ở trong cung trái lệnh của đại vương thắng yên Kiền Trắc đưa lại cho Thái tử, khiến cho giờ đây mới đến chốn này. Vua cha cùng Ma Ha Ba Xà Ba Đề do mất Thái tử nên ắt sẽ sầu não. Nơi cung trong ngoài cũng đều xao động. Lại nữa nơi này có nhiều hiểm nạn, mãnh thú độc trùng dọc ngang lối đi. Thì nay tôi làm sao đành bỏ Thái tử, riêng về cung được! Thái tử liền trả lời Xa Nặc rằng:

– Theo lẽ thế gian, thì một mình mình sinh một mình mình tử, đâu nào có bạn. Lại có các khổ sinh lão bệnh tử thì ta làm sao làm bạn với các thứ ấy được. Ta nay vì muốn đoạn các khổ ấy nên mới đến đây. Nếu khi nào khổ đoạn, thì sau đó mới cùng với tất cả chúng sinh kết làm bạn lữ. Trong tức thời đây, các khổ chưa lìa, thì làm sao làm bạn cùng ngươi được!

Xa Nặc lại nói:

– Thái tử sinh ra, lớn lên trong thâm cung, thì làm sao một sớm thôi mà đã đi lại nơi rừng rậm gai góc, sỏi đá, đất bùn, nghỉ dưới gốc cây như thế được?

Thái tử trả lời:

– Đúng như ngươi nói, giả như ta ở nơi cung thì sẽ tránh được cái nạn gai góc này. Song cái khổ lão bệnh tử sẽ tự tìm đến làm khổ ta. Xa Nặc nghe Thái tử nói lời ấy rồi, sầu khóc tuôn lệ, đứng yên không nói. Khi ấy Thái tử bước đến Xa Nặc lấy kiếm thất bảo, rồi sư tử hống rằng:

– Quá khứ chư Phật vì thành A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề nên xả bỏ các đồ diện đẹp, cạo trừ râu tóc. Ta nay cũng phải y theo pháp ấy của chư Phật.

Nói lời ấy xong liền lấy bảo quan cùng hạt minh châu trong búi tóc xuống đưa cho Xa Nặc mà nói rằng:

– Đem bảo quan này cùng với minh châu đặt dưới chân vua. Ngươi hãy vì ta mà bạch trên đại vương rằng: “Ta nay chẳng phải vì muốn sinh lên cõi trời sung sướng, cũng không phải vì không hiếu thuận mẹ cha, cũng không phải vì tâm sân khuể phẫn hận chi hết. Chỉ vì sợ hãi sinh lão bệnh tử kia, vì để đoạn trừ các thứ ấy nên mới đến nơi đây. Xin vua hãy giúp ta mà tùy hỉ hân hoan, đừng vì sự cát tường mà lại đi sinh bi sầu não.” Nếu phụ vương nói ta nay xuất gia chưa phải lúc, thì ngươi hãy đem lời ta đây mà khải bạch đại vương: “Lão bệnh tử đến chả lẽ có định thời? Người đời tuy trai trẻ khỏe mạnh, nhưng sao tránh khỏi các điều ấy.” Phụ vương nếu lại trách ta rằng vốn phải có con rồi sẽ cho xuất gia, nay chưa có con sao lại bỏ đi. Lại khi xuất gia không thưa không thỉnh. Thì ngươi hãy vì ta mà khải bạch phụ vương đầy đủ rằng: “Da Thâu Đà La đã có thai rồi, vua cứ hỏi thời biết. Trước vua đã có lệnh như thế, ta không phải là tự chuyên chẳng màng. Xưa nay có các vua Chuyển luân thánh vương chán ngán quốc vị, bỏ vào rừng núi, xuất gia cầu đạo. Không có vị nào giữa đường lại quay về hưởng ngũ dục. Ta nay xuất gia cũng y như vậy, chưa thành Bồ Đề quyết không hoàn cung.” Nội ngoại quyến thuộc đều đối với ta có ân ái tình, cũng nhờ nơi ngươi giải thích cho hiểu, đừng khiến vì ta mà sinh ưu não.

Thái tử lại cởi xâu anh lạc trên thân trao cho Xa Nặc, rồi nói rằng:

– Ngươi hãy vì ta mang anh lạc này dâng lên cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề, thưa rằng ta nay vì đoạn gốc rễ các khổ nên xuất cung thành, cầu mãn nguyện ấy. Đừng có vì ta mà lại ngược lại phản sinh khổ não.

Lại cởi hết các đồ trang sức khác trên thân dặn đưa cho Da Thâu Đà La và nói thêm rằng:

– Nhân sinh ở đời, ái biệt ly khổ. Ta nay vì muốn đoạn các khổ ấy nên xuất gia học đạo. Đừng vì nơi ta mà luôn sinh ưu sầu. Với các thân thuộc khác cũng nói như vậy.

Xa Nặc nghe lời nói ấy xong càng thêm bi thương đến muốn chết được, không nỡ làm trái sắc lệnh của Thái tử, nên mới quỳ xuống nhận lấy bảo quan, minh châu, anh lạc và các đồ trang sức, tuôn lệ thưa rằng:

– Tôi nghe các tâm nguyện của Thái tử mà toàn thân chao động. Cho dù có ai tâm như gỗ đá mà nghe những lời ấy thì cũng phải bi cảm, huống gì tôi sinh ra đến nay luôn phụng hầu Thái tử, thì nghe những lời ấy sao không cảm thương đến muốn chết được! Chỉ xin Thái tử xả tâm chí ấy đi, đừng để phụ vương, Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Da Thâu Đà La cùng các thân thuộc quá mức khổ đau. Nếu như quyết định không hồi ý ấy lại, thì cũng đừng ở nơi đây mà xả bỏ tôi! Tôi nay quy y dưới chân Thái tử, trọn không thấy có lý lẽ gì để lìa xa Thái tử mà đi. Nếu tôi hoàn cung, vua sẽ trách tôi: “Tại sao lại bỏ mặc Thái tử một mình nơi đó mà về!” Thì tôi phải có lời gì để trên đáp đại vương?

Thái tử trả lời:

– Nay ngươi không nên nói những lời như thế nữa. Đời này đều phải biệt ly, đâu có tụ tập mãi được. Ta sinh ra bảy ngày thì mẹ ta mạng chung. Mẹ con mà còn phải chịu cái chia lìa sinh tử ấy, thì huống gì là ai khác? Ngươi đừng có sinh luyến mộ quá với ta. Hãy cùng với Kiền Trắc cùng trở về cung đi.

Cứ thế truyền lệnh rồi mà Xa Nặc vẫn còn chưa chịu đi.

(4) Thái tử xuống tóc và đổi y cà sa

Bấy giờ, Thái tử liền dùng kiếm sắc tự cắt râu tóc và phát nguyện rằng:

– Nay xả râu tóc, nguyện vì tất cả, đoạn trừ phiền não, cùng với tập chướng (Kim lạc tu pháp, nguyện dữ nhất thiết, đoạn trừ phiền não, cập dĩ tập chướng)

Thích Đề Hoàn Nhân đón lấy tóc mang đi, chư thiên trên không xông hương rải hoa, khác miệng mà cùng âm tán thán “Lành thay! Lành thay!” Khi ấy Thái tử cắt râu tóc rồi, tự thấy tấm y mình mặc trên người vẫn là loại thất bảo, tâm liền nghĩ rằng: “Theo pháp xuất gia của quá khứ chư Phật thì y phục để đắp không được như vậy.” Thời trời Tịnh Cư ngay trước Thái tử hóa làm thợ săn, thân mặc cà sa. Thái tử trông thấy tâm rất vui mừng, mới nói cùng rằng:

– Y mà ngươi đắp là y tịch tĩnh, là biểu hiện của chư Phật xa xưa.

Tại sao đã đắp y ấy mà lại làm việc tội lỗi?

Thợ săn đáp rằng:

– Tôi mặc cà sa để dụ bầy nai. Nai thấy cà sa đều lại gần tôi, tôi mới giết được!

Thái tử lại nói:

– Cứ như ngươi nói, đắp cà sa này chỉ do là vì muốn giết bầy nai mà thôi, chứ không phải vì cầu giải thoát mà mặc như thế. Ta nay đem y thất bảo này để đổi với ngươi. Ta mặc y ấy vì muốn nhiếp cứu tất cả chúng sinh, đoạn phiền não cho họ.

Thợ săn trả lời:

– Lành thay, xin cứ làm như ngài đề nghị.

Thái tử liền thoát bảo y ra đưa cho thợ săn, tự đắp cà sa đúng theo pháp thức ăn mặc của chư Phật quá khứ. Thời trời Tịnh Cư hiện lại thân phạm, bay lên hư không quay trở về trời. Khi ấy trong không có ánh sáng lạ. Xa Nặc trông thấy, tâm sinh lạ thường, ca ngợi chưa từng có: “Điềm lành này không phải là duyên nhỏ!”

Xa Nặc chứng kiến Thái tử cạo trừ râu tóc, thân đắp pháp phục, thì biết chắc là Thái tử không chịu về nữa, liền ngã xỉu ra đất, ảo não chất chồng. Bấy giờ Thái tử mới nói cùng rằng:

– Nay ngươi phải nên xả bi luyến ấy mà về cung thành, nói lại hết tâm ý của ta.

Thái tử nói rồi từ từ tiến bước. Xa Nặc sụt sùi, đầu mặt lễ lạy, cho đến khi thật xa, không còn nhìn thấy bóng dáng của Thái tử nữa, lúc đó mới đứng dậy, toàn thân run rẩy không sao kềm được, quay ngó Kiền Trắc cùng các món trang sức, tức tưởi nghẹn ngào, nước mắt nước mũi đầm đìa, rồi kéo Kiền Trắc, cầm lấy bảo quan, các món trang sức. Xa Nặc òa khóc, Kiền Trắc hí sầu, men theo đường cái mà quay về.

8. Thái tử trên đường tìm đạo

(1) Thái tử luận đạo với các nhà tu khổ hành

Bấy giờ, Thái tử liền đến thẳng chỗ ở của tiên nhân Bạt Già. Trong khu rừng ấy có các chim chóc thú rừng, khi thấy Thái tử chúng đều chú mục, đứng yên không nháy mắt. Bạt Già tiên nhân xa thấy Thái tử thì tự hỏi rằng: “Thần nào kia vậy? Là trời Nhật Nguyệt hay là Đế Thích?” Liền cùng quyến thuộc đến đón Thái tử, hết sức kính trọng cất tiếng nói rằng:

– Thiện lai, nhân giả!

Thái tử trông thấy chúng tiên nhân, tâm ý mềm mại, oai nghi đàng hoàng, Thái tử liền đi thẳng đến chỗ họ trụ, thời chư tiên nhân không còn oai quang chi nữa, tất cả đồng đến mời Thái tử ngồi. Thái tử ngồi rồi, nhận xét sự tu hành của các tiên nhân: hoặc có vị lấy cỏ làm y, có vị lấy vỏ cây, lá cây làm đồ mặc. Hoặc có vị chỉ ăn cỏ cây hoa quả, có vị ăn một ngày một bữa, có vị hai ngày một bữa, có vị ba ngày một bữa, thực hành các pháp nhịn đói như vậy. Hoặc có vị thờ nước thờ lửa, có vị thờ mặt trời mặt trăng. Có vị đứng co một chân, có vị nằm trong tro đất, có vị nằm trên gai nhọn, có vị nằm trong nước hay bên đống lửa. Thái tử thấy các khổ hành như thế, mới hỏi tiên nhân Bạt Già rằng:

– Nay các vị tu khổ hành như thế thật là khác thường, vốn là muốn cầu quả báo gì vậy?

Tiên nhân đáp rằng:

– Tu khổ hành ấy là để sinh cõi trời.

Thái tử lại hỏi:

– Cõi trời tuy sướng, song phúc hết ắt cùng, luân hồi sáu nẻo, rốt cuộc vẫn là khối khổ. Các vị vì sao lại đi tu các khổ nhân để cầu khổ báo như vậy?

Thái tử trong tâm lại thầm tự than rằng: “Thương nhân vì báu mà vào biển lớn, vua vì đất nước mà hưng binh chinh phạt lẫn nhau. Nay các tiên nhân vì sinh cõi trời mà tu các hành khổ này!” Than thầm thế rồi, thì im lặng chẳng nói. Bạt Già tiên nhân mới hỏi Thái tử:

– Nhân giả nghĩ gì mà im lặng chẳng nói? Sự tu hành của chúng tôi không được chân chính hay sao?

Thái tử đáp rằng:

– Sự tu hành của các vị không hành nào không hết sức khổ, song cầu quả báo thì rồi ra cũng không lìa khỏi khổ.

Thái tử cùng các tiên nhân luận bàn, lời lẽ qua lại với nhau như thế cho đến trời chiều. Thái tử mới nghỉ lại đó một đêm. Đến sáng hôm sau, Thái tử lại tư duy: “Các tiên nhân này tuy tu khổ hành, song đều không phải là con đường chân chính giải thoát. Ta nay không nên ở lại nơi đây.” Liền từ biệt các tiên nhân để đi. Thời các tiên nhân bạch Thái tử rằng:

– Nhân giả đến đây, chúng tôi đều hoan hỉ, làm bọn chúng tôi đều tăng thêm oai đức. Nay vì cớ gì bỗng muốn bỏ đi? Bởi tại chúng tôi có thất oai nghi hay vì trong chúng có xúc phạm điều chi chăng? Do nhân duyên gì mà không ở lại đây?

Thái tử đáp rằng:

– Không phải là các vị có thất lễ gì trong việc chủ khách, cũng không có gì đối xử thiếu sót. Song các vị tu hành tăng trưởng khổ nhân. Tôi nay học Đạo là để đoạn gốc khổ. Do vì nhân duyên ấy nên mới ra đi.

Các tiên nhân chúng bàn nói với nhau: “Đạo người ấy tu rộng lớn cùng cực, thì làm sao chúng ta có thể lưu giữ lại được.” Khi ấy có một tiên nhân giỏi về tướng pháp, nói với toàn chúng rằng: “Bậc nhân giả này có đủ các tướng chắc chắn sẽ đắc được Nhất thiết chủng trí, làm thầy trời người.” Rồi họ cùng kéo đến gặp Thái tử mà nói rằng: “Chỗ tu Đạo khác nhau nên chúng tôi không dám lưu giữ. Nhưng nếu muốn đi, thì cứ đi theo hướng bắc. Nơi ấy có hai vị đại tiên tên là A La La và Ca Lan. Nhân giả có thể đến đó mà luận đạo với các ngài ta. Chúng tôi thấy nhân giả cũng không cần phải trụ nơi các ngài ấy.”

Theo đó Thái tử liền đi về hướng bắc. Các chúng tiên nhân thấy Thái tử đi tâm mang sầu buồn, chắp tay theo tiễn, nhìn theo cho đến khi mất hút mới chịu quay về.

(2) Xa Nặc hoàn cung

Bấy giờ, khi Thái tử ra khỏi cung rồi, đến khi trời sáng, Da Thâu Đà La cùng các thể nữ thức dậy, không thấy Thái tử, kêu gào khóc lóc. Vội vã đến thưa với Ma Ha Ba Xà Ba Đề: “Sáng nay bỗng mất Thái tử không biết đi đâu nữa!” Ma Ha Ba Xà Ba Đề nghe câu nói ấy ngã xỉu ra đất. Rồi cứ thế truyền đi cho đến tận vua. Vua nghe lời ấy chết sững không lời, như người mất hồn hay mất cả cơ thể. Trọn cung trong ngoài đều một tình trạng. Thời các đại thần liền vào kiểm lại chỗ ở của Thái tử, xét hết cung thành, thấy cửa bắc thành tự nhiên bị mở. Lại không thấy Xa Nặc và Kiền Trắc đâu hết. Mới tra hỏi quan giữ cửa: “Ai người mở cửa?” Hỏi hết người này người kia, đều nói không biết. Hỏi đến các người canh phòng cũng đều không hiểu tại sao cửa thành lại mở được! Lúc ấy đại thần tâm thầm nghĩ rằng: “Cửa bắc mở, tức Thái tử theo đó mà ra. Giờ phải mau tìm kiếm xem Thái tử đã đến đâu rồi.” Liền hạ lệnh cho ngàn cỗ xe vạn kỵ binh, nườm nượp tuôn ra bốn hướng tìm kiếm Thái tử. Do lực cõi trời nên quân binh lạc lối, không biết đâu đường hướng nữa, nên đành quay về, bạch đại vương rằng: “Truy tầm Thái tử song không biết về đâu nữa!”

Bấy giờ Xa Nặc dắt Kiền Trắc cùng các đồ trang sức, vừa bước đi vừa thương khóc nghẹn ngào, theo đường trở về. Nhân dân thành ấp trông thấy đều kinh ngạc, không ai không mủi lòng, tranh nhau ào đến hỏi Xa Nặc rằng: “Ngươi đưa Thái tử đem đến chỗ nào vậy? Mà nay quay về một mình với Kiền Trắc thôi?!” Xa Nặc nghe mọi người hỏi thế càng thêm đau xót, không trả lời được. Dân chúng ở đó, tuy thấy Kiền Trắc yên cương thắng đóng thất bảo đẹp đẽ song không thấy Thái tử, thì giống như người chết mà trang điểm loè loẹt! Cứ thế Xa Nặc tiến bước vào cung thành, Kiền Trắc hí tiếng bi thương, đàn ngựa trong tàu đồng loạt hí vang thở than.

Các quan thuộc bên ngoài bạch Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng Da Thâu Đà La rằng: “Chỉ có Xa Nặc và Kiền Trắc trở về!” Nghe tâu thế cả hai xay xẩm dưới đất, thầm nghĩ rằng: “Nay chỉ nghe Xa Nặc Kiền Trắc theo nhau trở về, mà không nghe một tiếng Thái tử trở về!” Ma Ha Ba Xà Ba Đề thốt lời nói rằng: “Ta nuôi Thái tử cho đến lớn khôn, một sớm bỏ ta không biết ở đâu nữa! Ví như cây trái, kết hoa thành quả, chín rồi quả rụng. Lại như người đói gặp bữa ăn trăm vị, đến khi vừa ăn bỗng ngã lăn ra.” Da Thâu Đà La lại thầm nói rằng: “Ta cùng Thái tử đi đứng nằm ngồi không chút xa lìa. Nay bỏ ta chẳng biết về đâu. Các vua thời cổ vào núi học đạo đều mang theo vợ con, không hề bỏ nhau. Người trong thế gian gặp mặt một lần mà quen, thì khi chia tay còn chẳng quên nhau. Nay tình chồng vợ, ân ái thâm sâu, mà nỡ nào lại bạc bẽo như vậy!” Mới vặn hỏi Xa Nặc rằng:

– Thà cùng người trí mà tạo oán thù, chứ không cùng kẻ ngu kết làm thân thuộc (Ninh dữ trí giả nhi tác oán thù, bất cộng ngu nhân dĩ vi thân thuộc). Ngươi, tên ngu đần kia! trộm đưa Thái tử dấu ở nơi nào, khiến cho Thích tộc này không còn gì là rạng rỡ nữa?

Rồi lại trách Kiền Trắc rằng:

– Ngươi đưa Thái tử ra khỏi vương cung, lúc sắp sửa đi, im hơi lặng tiếng. Nay trở về không, thì còn kêu hí bi thương là nghĩa gì vậy?

Bấy giờ Xa Nặc mới trả lời rằng:

– Xin đừng bắt tội tôi cùng với Kiền Trắc. Tại sao vậy? Đó là lực trời, không phải người phàm mà có thể làm nổi! Vào lúc đêm ấy, phu nhân cùng thể nữ đều ngủ mê mệt. Thái tử dạy tôi thức dậy thắng ngựa. Tôi ngay lúc ấy nói lớn hết tiếng để can gián Thái tử, mong rằng phu nhân cùng các thể nữ nghe tiếng ấy mà giật mình tỉnh giấc, mà rồi cả khi đóng yên Kiền Trắc cũng chẳng ai tỉnh. Cửa thành mỗi khi mở, tiếng vang bốn mươi dặm. Vậy mà ngay lúc ấy tự nhiên mở ra lại không kêu một tiếng! Các sự việc ấy không phải là lực trời đó hay sao?! Vào lúc xuất thành, trời khiến các thần tay bưng chân ngựa và đón lấy tôi, chư thiên trong không tùy tùng vô số. Thì tôi làm sao mà chặn lại được? Khi trời đã sáng, đi được ba thâu xà na, đến chỗ trụ của tiên nhân Bạt Già, lại có các sự việc kỳ lạ phi thường, xin nghe tôi nói: Thái tử khi đến khu rừng khổ hành của Bạt Già tiên nhân, thì liền xuống ngựa, tay vỗ lưng ngựa cùng hạ lệnh cho tôi quay về cung thành. Tôi vào lúc ấy cứ theo Thái tử, quyết không có ý quay về. Song Thái tử cứ xua đi, nhất định không cho ở lại. Lại còn lấy kiếm thất bảo nơi tôi rồi tuyên nói lời rằng: “Quá khứ chư Phật vì để thành tựu A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề nên bỏ hết đồ trang sức, cạo trừ râu tóc. Nay ta cũng sẽ y đúng theo pháp của chư Phật như vậy!” Xướng lời ấy rồi liền cởi bỏ bảo quan cùng với minh châu trao hết cho tôi đem về để dưới chân vua. Lại lấy anh lạc trao cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề, và các thứ trang điểm khác để trao cho Da Thâu Đà La. Tôi vào lúc ấy tuy nghe lời dặn dò, mà vẫn cứ đứng hầu bên cạnh, chẳng có lòng nào bỏ về. Rồi thì Thái tử liền dùng kiếm sắc tự cắt râu tóc. Chư thiên trong không đón lấy mang đi. Thái tử tiếp tục tiến bước thì gặp người thợ săn, mới đem diệu y thất bảo đang mặc trao cho thợ săn đổi lấy cà sa. Do đó mà trên không chiếu ánh sáng lớn. Tôi thấy Thái tử hình phục đổi hẳn, biết rõ tâm người quyết không quay về, nên tôi mê sầu, tâm tràn áo não. Thái tử tiến thẳng về phía cư trụ của Bạt Già tiên nhân, còn tôi đến đó đành phải từ biệt mà về. Các điều phi thường ấy đều là lực trời, không còn là việc người nữa. Xin đừng bắt tội tôi cùng với Kiền Trắc.

Khi ấy Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng với Da Thâu Đà La nghe Xa Nặc nói các sự việc ấy rồi, tâm tỉnh ngộ phần nào, lặng lẽ không nói gì. Lúc ấy vua Bạch Tịnh ngẩn ngơ mất hồn mới tỉnh lại, hạ lệnh kêu Xa Nặc vào bảo rằng:

– Tại sao ngươi lại làm cho cả dòng họ Thích này phải chịu khổ não như vậy? Ta đã nghiêm lệnh, truyền nội ngoại quan thuộc thủ hộ Thái tử, sợ người xuất gia. Ngươi vì lẽ gì thắng yên Kiền Trắc cùng với Thái tử lén đi như vậy?

Xa Nặc nghe nói sợ hãi không cùng, vội tâu cùng vua rằng: – Thái tử xuất thành thực không phải lỗi thần! Cầu xin đại vương nghe thần tâu rõ mọi việc.

Mới đem bảo quan cùng viên minh châu trong búi tóc ra đặt dưới chân vua:

– Thái tử sai thần đem bảo châu này đặt dưới chân đại vương. Còn anh lạc thất bảo thì trao cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề, các đồ trang sức khác thì đưa cho Da Thâu Đà La.

Vua thấy các vật càng thêm xót xa. Tuy là gỗ đá cũng phải cảm thương, chứ nói gì là thâm tình ân ái phụ tử! Xa Nặc đem hết mọi chuyện tâu với vua rằng:

– Thái tử truyền lệnh cho thần: “Nếu phụ vương nói vốn phải có con rồi sẽ cho xuất gia. Nay chưa có con sao lại bỏ đi? Mà lúc ra đi lại chẳng thưa thỉnh gì hết! Thì ngươi hãy vì ta mà tâu với phụ vương rằng: Da Thâu Đà La đã có mang lâu rồi. Vua cứ đi hỏi. Xưa vua truyền lệnh như thế, ta không phải là tự chuyên chẳng màng.”

Vua nghe nói thế liền sai người đi hỏi Da Thâu Đà La: “Thái tử nói khanh có mang đã lâu rồi, có đúng thế không?” Da Thâu Đà La mới cho hay rằng: “Khi mà đại vương đến nơi cung này. Thái tử chỉ vào người thần thiếp, thì bỗng nhận ra là có mang rồi.” Vua nghe nói thế thấy quả là phi thường, ưu não tạm ngưng, thầm nghĩ rằng: “Trước đó sở dĩ ta hứa có con đi rồi sẽ cho xuất gia là vì trong vòng bảy ngày không lẽ nào có con được, thì ngôi vị chuyển luân vương sẽ tự nhiên mà đến. Dè đâu bảy ngày chưa mãn mà đã có mang!” Sâu bên trong chỉ tự trách mình trí huệ thiển đoản, làm việc phương tiện không nắm được chắc, coi thường mà hứa hẹn như vậy, càng thêm hối hận: “Thái tử tính toán như thần, vượt ngoài xét đoán của con người. Sự việc ngày nay cũng là do cả lực của chư đại thiên, ta nay không nên bắt tội Xa Nặc nữa.” Thời vua Bạch Tịnh tâm lại suy nghĩ: “Thái tử xuất gia ắt không hồi lại được nữa. Cho dù có làm cách nào cũng không sao giữ chân lại được! Tuy đã bỏ nước, xuất gia học đạo, song đã có con không phải tuyệt tự. Ta nay phải truyền Da Thâu Đà La khiến phải khéo giữ gìn bảo bọc thai nhi.”

(3) Vua phái quần thần tìm Thái tử

Lại vua Bạch Tịnh do ái niệm tình thâm nên bảo Xa Nặc rằng: “Ta nay sẽ đi tìm gặp Thái tử. Không biết hiện giờ thực sự ở đâu? Con ta nay đã bỏ ta học đạo, thì ta đành nào mà sống lấy riêng mình! Ta phải theo tìm, con đâu ta đó!” Khi ấy vương sư cùng với đại thần nghe vua muốn bỏ đi tìm kiếm Thái tử, hai người cùng nhau đến can vua rằng: “Đại vương không nên tự sinh ưu não. Tại sao vậy? Chúng tôi xét thấy tướng mạo Thái tử thời trong đời quá khứ đã tu tập nghiệp xuất gia lâu rồi, thì cho dù có là Thích Đề Hoàn Nhân người cũng không màng, chứ đừng nói là ngôi vị chuyển luân vương hiện giờ mà có thể giữ chân người được. Đại vương không nhớ lúc Thái tử mới sinh ra đã đi bảy bước, đưa thẳng tay lên nói rằng: Kiếp sinh ta đã tận, đây là thân cuối cùng! Chư Phạm thiên vương, Thích Đề Hoàn Nhân đều xuống theo hầu. Người phi thường như thế, thì ưa thích thế gian này sao được!” Rồi lại bạch vua: “Tiên A Tư Đà thuở đó có coi tướng cho Thái tử đến năm mười chín mà xuất gia học đạo, thì sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí. Nay thời đã đến, đại vương lẽ gì lại sinh sầu khổ? Lại nữa đại vương truyền lệnh nghiêm ngặt trong ngoài thủ hộ Thái tử, lo sợ người xuất gia, mà chư thiên đến dẫn ra khỏi thành. Sự việc như thế nào phải sức người. Xin cùng đại vương hãy sinh hoan hỉ, đừng ôm sầu não. Không cần phải chính mình đi tìm. Nếu nhớ Thái tử không sao nguôi được, thì thần cùng với đại thần sẽ tìm kiếm xem Thái tử ở đâu.” Vua nghe lời ấy, tâm

Trang: 1 2 3 4