KINH PHẬT VỊ ƯU-ĐIỀN VƯƠNG THUYẾT VƯƠNG PHÁP CHÁNH LUẬN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa-môn Bất Không
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Bấy giờ, vua Ưu-điền ngồi trong tịnh thất, ở chỗ thanh vắng, suy nghĩ: “Làm thế nào để biết được lỗi lầm thật sự, công đức thật sự của các đế vương? Nếu biết ta sẽ xả bỏ các lỗi lầm mà tu tạo các công đức. Nếu Sa-môn nào có hạnh trong sạch hiểu rõ giảng giải giúp cho ta.”
Suy ngẫm hồi lâu, vua liền nghĩ tiếp: “Chỉ có Thế Tôn của ta là bậc Đại sư trong ba cõi, đầy đủ Nhất thiết trí, chắc chắn biết lỗi lầm thật sự, công đức thật sự của các vua. Nay ta sẽ đến gặp Phật
Thế Tôn để thưa hỏi việc này.” Nghĩ xong, vua đến chỗ Phật, thưa:
–Nguyện xin Như Lai giải rõ cho con. Bạch Thế Tôn! Thế nào là lỗi lầm thật sự của các vua? Thế nào là công đức thật sự của các vua?
Lúc này, Thế Tôn bảo vua Ưu-điền:
–Đại vương! Nay nên hiểu biết tội lỗi của vua, công đức của vua, những cánh cửa làm cho vua suy tổn, những pháp làm cho vua ưa thích và những pháp có thể làm cho vua đáng kính mến.
Thế nào là tội lỗi của vua? Đại vương nên biết! Tội lỗi của vua tóm lược có mười điều. Nếu vua có những tội lỗi này, tuy có kho chứa lớn, có các đại thần giúp đỡ, có quân lính mạnh, nhưng cũng không ai kính sợ. Mười điều đó là gì?
- Dòng họ không cao quý.
- Không có quyền lực.
- Bản tánh hung ác.
- Chính sách hà khắc hung dữ.
- Ít ban bố ân huệ.
- Nghe theo lời lừa dối nịnh hót.
- Làm việc không thuận theo quy chế của bậc tiên vương.
- Không hướng đến pháp thiện.
- Không xem xét việc phải trái, hơn thua.
- Chỉ ăn chơi buông thả.
Thế nào là dòng họ vua không cao quý? Nghĩa là: Vua sinh ra trong dòng họ thứ dân, thấp kém, chẳng phải là bậc tôn quý thay thế được ngôi vua. Đó gọi là dòng họ không cao quý.
Thế nào là vua không có quyền lực? Nghĩa là: Bậc đế vương bị các đại thần, phụ tướng, quan quyền cản trở, không cho làm theo ý muốn, việc làm của mình thường bị ngăn cản. Đối với năm sướng vui vua cũng không được tự tại thỏa thích. Như vậy gọi là vua không có quyền lực.
Thế nào là tánh tình của vua hung ác? Nghĩa là: Bậc đế vương thấy các quan thần, hoặc những người khác phạm các tội lỗi nhỏ liền ở trước mặt nói lời hung ác, la hét, sắc mặt bừng bừng, giận dữ, bức bách, giáng chức, gạt bỏ. Nếu không nói trước mặt thì ở sau lưng người đó, hướng đến người khác trút bỏ, mắng nhiếc… cho hả cơn sân giận, hoặc luôn giạn dữ không hề xả bỏ. Như vậy là trước mặt hung dữ, sau lưng cũng hung dữ. Đó gọi là đế vương tánh tình hung dữ.
Thế nào là vua có chính sách hà khắc, hung dữ? Nghĩa là: Quốc vương thấy các quần thần có lỗi nhỏ, có chút chống trái liền cách chức, cắt bổng lộc, đoạt lấy vợ và nàng hầu, dùng hình phạt nặng để trừng trị. Như vậy là vua có chính sách hà khắc hung dữ.
Thế nào là vua ít ban bố ân huệ? Nghĩa là: Quốc vương có các quần thần thân cận hộ vệ, họ rất trong sạch, có lòng tốt, nhưng do nghe theo lời nói ngọt ngào, dua nịnh, nên vua ban cho chức tước, bổng lộc, thưởng công không đầy đủ, không đúng phép nước, hoặc làm cho hao tổn, hoặc tìm cách chèn ép sau đó mới cho. Như vậy gọi là vua ít ban bố ân huệ.
Thế nào là vua nghe theo lời lừa dối, dua nịnh? Nghĩa là: Đế vương thấy các quần thần, thật ra chẳng phải là trung chánh, chẳng biết phép tắc, phàm làm việc gì đều đem lòng dua nịnh, kết bè đảng, không làm theo phép nước, lại ganh ghét người hiền lương. Vua lại tin dùng những lời tâu không thật của những hạng người như trên. Do nhân duyên này, sự nghiệp, của cải của vua tiêu tan, tiếng tăm bị thương tổn giảm suy. Như vậy gọi là vua nghe theo lời tà vạy, dua nịnh.
Thế nào là vua không thuận theo quy chế của bậc tiên vương? Nghĩa là: Quốc vương không chịu cứu xét kỹ để lựa chọn các quần thần. Đối với các việc nước, người không thể đảm nhận được mà lại giao phó, người có thể gánh vác được thì lại không giao phó, người đáng khen thưởng lại trừng phạt, người đáng trừng phạt lại khen thưởng. Lại nữa, có quần thần lúc thiết triều, bàn luận chưa xong đã nói lời cắt ngang, không kính nể, không kiêng sợ mà lại ngăn cản, không theo phép nước phụng hành, không tuân theo những chỉ dạy của bậc tiên vương. Như vậy gọi là không thuận theo pháp chế của bậc tiên vương.
Thế nào là vua không hướng đến pháp thiện? Nghĩa là: Quốc vương không tin nhân quả, không hiểu biết những việc làm tốt hay xấu, những quả báo trong trời, người ở đương lai, nên mặc tình để cho thân, ngữ, ý tạo các việc ác. Không dành chút thời gian nào để ban cho, tu phước, ăn chay, học giới, thực hành Đà-la-ni và pháp môn quán đảnh. Đối với bốn Vô lượng tâm không dùng cứu độ rộng khắp. Như vậy là vua không hướng đến pháp thiện.
Thế nào là vua không xem xét việc phải, trái, hơn, thua? Nghĩa là: Quốc vương đối với các đại thần, phụ tướng, quan quyền lại dùng tâm điên đảo, không hiểu biết rõ ràng, không phân biệt chính xác sự trung thành, lòng tin, tài nghệ, trí tuệ. Do không biết, nên người không trung thành đáng tin lại tưởng là trung thành đáng tin; người không có tài nghệ giỏi, lại tưởng là tài giỏi; người có trí tuệ mà làm việc ác, lại tưởng là có trí tuệ làm việc thiện; người có trí tuệ làm việc thiện, lại tưởng là có trí tuệ làm việc ác. Lại nữa, các quan thần tuổi lớn, suy yếu tức là đã có thời gian lâu dài, thân cận, hộ vệ. Vậy mà khi biết những vị đó không còn sức nữa, vua bèn không kính mến, lại không ban cho tước lộc, không thưởng công nữa. Những vị đó bị kẻ khác lấn hiếp, khinh thường, vua lại bỏ qua, không hỏi han đến. Như vậy là vua không xem xét việc phải, trái, hơn, thua.
Thế nào gọi là vua chỉ lo ăn chơi buông thả? Nghĩa là có đế vương chỉ lo vui chơi, chìm đắm, đam mê trong năm ham muốn, không bao giờ tự khuyên răn, nhắc nhở hay thận trọng dùng phương tiện làm những việc nên làm, nghĩ đến công lao của quần thần. Như vậy gọi là vua chỉ lo ăn chơi buông thả.
Nếu quốc vương nào có mười lỗi lầm như vậy, dù có kho tàng lớn, có quan đại thần phụ tá, có quân lính hùng mạnh thì không bao lâu cõi nước cũng sẽ bị tai họa loạn lạc, không ai kính nể.
Đại vương nên biết! Mười tội lỗi này, lỗi đầu tiên là lỗi thuộc về dòng họ vua, chín lỗi kia là lỗi thuộc về tự tánh của vua.
Thế nào gọi là công đức của vua? Đại vương nên biết! Công đức của vua tóm lược có mười điều. Đó là:
- Dòng họ cao quý.
- Được uy lực lớn.
- Tánh tình không hung dữ.
- Chính sách khoan hồng.
- Ân huệ sâu dày.
- Nghe theo lời nói ngay thẳng.
- Làm việc, suy nghĩ thuận theo lời dạy của bậc tiên vương.
- Hướng đến pháp thiện.
- Biết rõ sự sai khác.
- Không buông thả, phóng đãng.
Thế nào là dòng họ vua cao quý? Nghĩa là: Quốc vương trước đã gieo trồng căn lành. Do nguyện lực lớn nên được sinh trong dòng họ vua, được thừa kế ngôi vua, chăm lo cho dân chúng, có lòng tin trong sạch đối với Tam bảo. Như vậy là vua có dòng họ cao quý.
Thế nào là vua được uy lực lớn? Nghĩa là: Đế vương, tùy theo ý muốn của mình, đối với năm dục vui chơi thỏa thích, tùy ý ban thưởng cho người có công. Đối với trăm quan, vua ra mệnh lệnh tuyên bố điều gì không bị ngăn cản. Như vậy là vua được uy lực lớn.
Thế nào là vua có tánh tình không hung ác? Nghĩa là: Quốc vương thấy các quần thần có chống trái chút ít, phạm các lỗi nhỏ… nhưng có thể dung thứ, không giáng chức, không nói lời thô ác, cũng không ở trước mặt tỏ ve giận dữ, cũng không để bụng, ôm giữ ở trong tâm. Như vậy gọi là vua có tánh tình không hung ác.
Thế nào là vua có chính sách khoan hồng? Nghĩa là: Quốc vương đối với các quần thần có lỗi lớn, có chống trái lớn, nhưng không tước chức quan, bổng lộc, đoạt lấy vợ và nàng hầu, không dùng hình phạt nặng để trừng trị, phải tùy theo lỗi nhẹ, nặng, mà cảnh cáo hay giáng chức. Như vậy gọi là vua có chính sách khoan hồng.
Thế nào là vua có an huệ sâu dày? Nghĩa là: Quốc vương thấy các quần thần, thân cận hộ vệ, có tâm ý trong sạch, hòa thuận thì vua nên dùng chính sách ban cho đầy đủ, dùng lời nói nhu hòa, ban thưởng người có công, không làm cho họ bị tổn hao, bị cản trở, nhọc nhằn, oán hận, phải làm cho họ dễ thân cận, không gây khó khăn cho công việc của họ. Như vậy gọi là vua có ân huệ sâu dày.
Thế nào là vua nghe theo lời nói ngay thẳng? Nghĩa là: Quốc vương thấy cac quần thần thật là trung trực, liêm chính, không ác độc, không thiên lệch, biết rõ phép tắc, không làm phản. Vua phải tin dùng những lời thưa trình của những người như thế. Do nhân duyên này, sự nghiệp, của cải, châu báu sẽ được đầy đủ, tiếng tốt vang xa, dân chúng đều ca tụng. Như vậy là vua nghe theo lời nói ngay thẳng.
Thế nào là vua làm việc, suy xét, thuận theo giáo huấn của tiên vương? Nghĩa là: Quốc vương có thể cứu xét, lựa chọn các quần thần. Đối với việc nước, người không thể đảm nhận thì không giao phó, người có thể đảm nhận thì giao phó, người đáng thưởng công thì ban thưởng đúng mức, người đáng trị phạt thì trị phạt đúng phép, phàm làm việc gì đều suy xét kỹ, lựa chọn kỹ sau đó mới làm, không vội vàng. Các quần thần lúc thiết triều hoàn toàn không phát biểu chặn ngang lời người khác, chỉ chờ nói xong mới tranh cãi, thực hành theo giáo lệnh của vua. Như vậy gọi là thuận theo giáo huấn của bậc tiên vương.
Thế nào là vua hướng đến pháp thiện? Nghĩa là: Đế vương nên tin có nhân quả, có nghiệp thiện, nghiệp ác, quả báo luôn có trong cõi trời, người, phải luôn biết hổ thẹn, không buông thả, giữ ba nghiệp thân, ngữ, ý, không làm gì ác, thường ban cho, tu phước, an chay, xây dựng đạo tràng, thọ pháp quán đảnh, bày sự cúng dường Thánh chúng, luôn thực hành bốn Vô lượng tâm để tế độ rộng khắp. Như vậy gọi là vua hướng đến pháp thiện.
Thế nào là vua xem xét việc phải, trái, hơn, thua? Nghĩa là: Quốc vương đối với các đại thần, phụ tướng, bá quan văn võ, tâm không hề điên đảo, có thể phân biệt rõ người nào là trung thành đáng tin, tài giỏi, trí tuệ. Nếu có hoặc không đều biết như thật. Đối với người không có thì nên xa họ, đối với người có thì kính trọng họ. Lại nữa, các quan thần tuổi lớn, suy yếu, tức là đã có thời gian lâu dài thân cận, hộ vệ, tuy biết họ không còn sức lực nhiều để làm việc, nhưng vua cũng nên nghĩ đến ân họ trước kia, vẫn kính trọng, không nên khinh rẻ, vẫn nên ban cho bổng lộc, thưởng công mà không thay bỏ. Như vậy là vua có thể suy xét việc phải, trái, hơn, thua.
Thế nào là vua không buông thả, phóng đãng? Nghĩa là: Quốc vương đối với năm dục không bị vướng mắc vào, ung dung vui chơi mà không đắm chìm trong đó, thường dùng phương tiện dạy bảo, làm những việc nên làm, thăm hỏi an ủi quần thần. Như vậy gọi là vua không buông thả, phóng đãng.
Nếu vua thành tựu công đức như vậy, tuy không có kho tàng, không có nhiều phụ tá, không có nhiều quân lính, nhưng không bao lâu, cõi nước tự nhiên cũng sẽ được giàu mạnh và được mọi người kính nể.
Đại vương nên biết! Mười công đức của vua như vậy, công đức đầu tiên là công đức thuộc dòng họ, chín công đức kia là công đức thuộc về tự tánh của nhà vua.
Thế nào gọi là pháp môn làm vua suy tổn? Đại vương nên biết!
Pháp môn làm cho vua suy tổn, tóm lược có năm điều:
- Không khéo quán sát để nắm giữ quần thần.
- Tuy khéo quán sát nhưng không có ân huệ. Tuy có ân huệ nhưng không kịp thời.
- Chỉ lo vui chơi buông thả, không nghĩ đến việc nước.
- Chỉ lo vui chơi buông thả, không giữ gìn kho tàng.
- Chỉ lo vui chơi buông thả, không tu hành pháp thiện. Năm điều như vậy, gọi là pháp môn làm vua suy tổn.
Thế nào là vua không khéo quán sát để nắm giữ quần thần? Nghĩa là: Quốc vương đối với các quần thần, không chịu quán xét kỹ, không lựa chọn kỹ những người trung thành đáng tin, có kỹ thuật, có trí tuệ để nắm giữ, làm kẻ thân cận, hộ vệ; kính trọng, ban cho họ chức tước, bổng lộc sâu dày, giao phó cho họ những công việc trọng yếu, dùng lời êm dịu an ủi họ… ngược lại đem của cải châu báu giao phó cho các quần thần, mà nhiều lần làm hao mất, quần thần mà nếu gặp kẻ thù, giặc ác, khi đánh trận thì thoái lui trước, sợ thất bại, nên chạy trốn, không nghĩ đến chủ nữa. Như vậy là vua không khéo quán sát mà nắm giữ quần thần.
Thế nào là vua tuy khéo quán sát mà không có ân huệ, tuy có ân huệ nhưng chẳng đúng lúc? Nghĩa là: Quốc vương có cứu xét, lựa chọn kỹ, biết là người trung thành đáng tin, có kỹ thuật, có trí tuệ, nắm giữ làm người thân cận, hộ vệ; nhưng không trọng đãi, không lường được tài của những vị ấy, không ban cho chức tước, bổng lộc, không giao phó những việc trọng yếu. Bỗng nhiên, vào một lúc nào đó, vua gặp kẻ thù giặc ác, đánh trận lo sợ. Đến lúc gặp nạn, đối với các quần thần, bấy giờ vua mới kính trọng, ban chức tước, dùng lời êm dịu an ủi. Khi ấy, các quần thần cùng bàn với nhau: “Nay vua vì gặp nguy ách, mới tạm ban ân huệ cho chúng ta, chẳng phải là lâu dài.” Biết vậy, nên quần thần dù có lòng trung thành đáng tin, có kỹ thuật, trí tuệ cũng đều ẩn mất. Như vậy gọi là vua tuy khéo quán sát nắm giữ quần thần nhưng không có ân huệ, tuy có cũng chẳng đúng lúc.
Thế nào là vua chỉ lo ăn chơi buông thả, không nghĩ đến việc nước? Nghĩa là: Quốc vương đối với việc nước, đúng ra là phải bàn bạc hợp lực mới hoàn thành. Vậy mà không chịu ở chỗ yên tịnh để cùng với các trí sĩ, suy nghĩ toan tính tìm phương cách, lại tránh né các việc ấy. Cả những việc đáng ban thưởng cho đến những việc trọng yếu trong quân trận cần phải làm và hoàn thành thì vua cũng không chăm lo gì đến. Như vậy, gọi là vua chỉ lo ăn chơi, buông thả, không nghĩ đến việc nước.
Thế nào là vua chỉ lo ăn chơi buông thả, không lo giữ gìn kho tàng? Nghĩa là: Quốc vương không chăm lo đến sự nghiệp, không coi ngó cung đình, kho tàng trong triều. Những điều bí mật của quốc gia, lại đem nói cho vợ nghe, lại còn săn bắt, cờ bạc, vui chơi, tài sản, của cải làm cho hao tổn, không giữ gìn cẩn thận. Như vậy gọi là vua chỉ lo ăn chơi buông thả, không lo giữ gìn kho tàng.
Thế nào là vua chỉ lo ăn chơi, buông thả, không làm theo pháp thiện? Nghĩa là: Quốc vương vẫn biết ở đời, có các Sa-môn, Bà-lamôn hiểu biết, nhu hòa, trong sạch, thông minh, có trí tuệ, giảng nói hay, đạt được nghĩa lý của sự giải thoát, nhưng vua không chịu gần kề, lễ kính, thưa hỏi thế nào là tốt lành, thế nào là ác, thế nào là có tội, thế nào là không tội, thế nào là phước lành may mắn, là pháp xa lìa các điều ác? Nếu được nghe pháp, cũng không chịu nương theo tu hành. Như vậy, gọi là vua chỉ lo ăn chơi, buông thả, không làm theo các pháp thiện.
Nếu quốc vương nào có năm pháp môn gây ra sự suy tổn như vậy, nên biết, quốc vương đó mất phước báo ở đời này, cho đến đời sau cũng mất phước báo sinh vào cõi trời, người. Nghĩa là bốn pháp môn trước làm mất phước lợi trong đời hiện tại, pháp môn sau cùng làm mất phước báo ở đời sau.
Thế nào là pháp làm cho vua được kính mến? Đại vương nên biết! Tóm lược có năm pháp. Nghĩa là, những pháp làm cho vua đáng yêu, đáng mến, đáng ưa, đáng thích. Đó là:
- Được người kính mến.
- Uy lực ngày càng được tăng lên.
- Có thể đánh bại kẻ địch.
- Khéo điều phục việc nuôi dưỡng thân.
- Luôn làm các việc thiện.
Năm pháp như vậy, sẽ làm cho vua đáng yêu, đáng mến, đáng ưa, đáng thích.
Thế nào là pháp khéo phát sinh làm cho vua đáng yêu? Đại vương nên biết! Tóm lược có năm pháp khéo phát sinh làm cho vua đáng yêu. Năm pháp đó là:
- Lấy ân nghĩa nuôi dưỡng quần sinh.
- Anh dũng đầy đủ.
- Khéo dùng các phương tiện hợp tình hợp lý.
- Lãnh thọ vật đúng cách.
- Siêng làm các pháp thiện.
Thế nào là vua dùng ân nghĩa nuôi dưỡng quần sinh? Nghĩa là: Quốc vương, bản tánh là phải biết đủ, làm việc cẩn thận, phải thật sự là trong sạch, không tham lam. Nếu có kho tàng thì tùy theo kha năng cung cấp, ban bố cho người nghèo cùng, cô độc. Nhu hòa, nhẫn nhục, dùng lời êm dịu, giải bày cho dân chúng. Nếu có các quần thần vi phạm tội lỗi không thể miễn cho thì nên so lường tội đó mà nghiêm trị hay tha thứ, phải đúng sự thật, đúng thời, đúng lý mà trị phạt. Như vậy gọi là vua dùng chánh pháp giáo hóa có ân nghĩa, nuôi dưỡng quần sinh nên được người thế gian kính mến.
Thế nào là vua anh dũng đầy đủ? Nghĩa là: Quốc vương có tinh thần, chính sách rõ ràng, võ lực, mưu lược đầy đủ. Những người chưa hàng phục thì làm cho hàng phục, những người đã hàng phục thì bảo vệ họ. Như vậy gọi là vua anh dũng đầy đủ.
Thế nào gọi là vua khéo dùng phương tiện hợp tình hợp lý? Nghĩa là: Quốc vương phải khéo hiểu biết, phân biệt rõ ràng tất cả các việc. Biết tìm đủ mọi cách để tạo sự hòa hợp, tóm thu và nắm giữ bọn cường đảng. Do đó mà thu phục được tất cả oán địch.
Thế nào gọi là vua lãnh thọ đúng cách? Nghĩa là: Quốc vương phải khéo tính toán và suy lường sự tăng giảm của kho tàng, không xa xỉ, không keo kiệt mà thọ dụng ở mức bình thường, tùy lúc, đúng thời cung cấp cho quần than, thân tộc, cho những người lo việc âm nhạc. Lại khi bị bệnh, phải ăn những món nên ăn, tránh ăn những món không nên ăn. Những món nào thầy thuốc cho phép ăn mới ăn. Nếu ăn chưa tiêu hoặc ăn mà bị kiết lỵ đều không nên ăn. Nên cùng ăn với người khác, không nên ăn một mình. Nếu có thức ăn ngon nên chia cho mọi người để cùng ăn cho vui. Như vậy gọi là vua hưởng thọ vật dụng đúng cách và như vậy mới có thể khéo điều dưỡng thân mình.
Thế nào là vua siêng làm các pháp thiện? Nghĩa là: Quốc vương phải đầy đủ sự trong sạch về niềm tin, về giữ giới, về hiểu biết, về xả bỏ và trí tuệ. Về niềm tin trong sạch là phải rõ biết và tin có đời sau, tin co quả báo trong cõi trời, người, tin có nghiệp thiện, nghiệp ác ở đời. Như vậy gọi là đầy đủ niềm tin trong sạch.
Về thọ giữ giới trong sạch thì mỗi năm ba tháng, mỗi tháng sáu ngày ăn chay giữ giới, xa lìa sát sinh, trom cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, xa các chỗ vui chơi buông thả. Như vậy gọi là vua đầy đủ giới trong sạch.
Về hiểu biết trong sạch là phải hiểu biết nghiệp đời nay là có quả đời sau, phải biết tu tạo, tấn tới các việc phước đức, ưa nghe Bát-nhã hoặc các pháp môn vi diệu, tâm cần ý tuệ được rốt ráo, được thông đạt. Như vậy gọi là vua đầy đủ sự hiểu biết trong sạch.
Về xả bỏ trong sạch là tâm xa lìa sự tham lam keo kiệt, nên tự mình ban bố trí tuệ cho mọi người, thường tu phước tròn đầy bình đẳng. Như vậy là vua đầy đủ sự xả bỏ trong sạch.
Đầy đủ trí tuệ trong sạch nghĩa là hiểu biết như thật những phương tiện nào là có tội, không tội; tu, không tu; hơn, thua; phải gần kề các Sa-môn học rộng và có giới hạnh, phải biết xa lìa các điều ác, các tà giáo, phải biết rõ ba pháp: quả báo viên mãn, sĩ dụng (công dụng) viên mãn, công đức viên mãn.
Quốc vương kế tục đế nghiệp, vua sinh vào thị tộc, trí tuệ thông minh, kho tàng, tài sản báu vật dùng hoài không hết. Như vậy là quả báo viên mãn.
Nếu các quốc vương khéo dùng phương tiện quyền xảo, luôn thành tựu được các việc, anh dũng trong đánh trận, tiến lui đúng lúc, thông đạt các môn kỹ nghệ. Đó là sĩ dụng viên mãn.
Nếu các quốc vương thọ trì chánh pháp, cùng với các nội cung, vương tử, đại thần thực hành bố thí, làm các việc thiện, ăn chay, giữ giới, lòng thành, tu các môn Tam-ma-địa, phạm hạnh cao tột, luôn làm các việc giúp đỡ người dứt trừ tai họa, tăng thêm ích lợi, thiết lập đạo tràng, thọ pháp quán đảnh. Đó là công đức viên mãn.
Nếu vua có thể thực hành như vậy tức là đầy đủ trí tuệ trong sạch.
Lại nữa, đại vương nên biết! Ta đã tóm lược tội lỗi của vua, công đức của vua, pháp môn làm vua suy tổn, pháp làm cho vua đáng kính mến và pháp phát sinh làm cho vua đáng kính mến.
Vì thế, đại vương mỗi ngày, vào lúc sáng sớm, hoặc đọc, hoặc tụng giáo pháp tối thượng bí mật này, nương theo đó tu hành, tức gọi là Thánh vương, là Pháp vương, được chư Phật, Bồ-tát, tám bộ chúng thiên, long, ngày đêm thường theo bảo vệ và giúp đỡ, có thể làm cảm động đến thế gian, gió mưa thuận hòa, chiến tranh chấm dứt, được các nước đến xin dâng nạp, phước lôc sẽ vô biên, nước nhà an vui, mạng sống được lâu dài. Vì thế nên được tất cả lợi ích, được vui suốt cả đời này.
Sau khi nghe Phật dạy, vua Ưu-điền tâm rất vui mừng, hớn hở tin nhận, nguyện tu hành.