KINH NGŨ VƯƠNG

Hán dịch: Thất dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Xưa có năm ông vua, cõi nước gần nhau, qua lại với nhau, không gây chiến tranh, chỉ làm bạn lành. Vua lớn nhất tên là Phổ An, thường tu tập hạnh Bồ-tát, còn bốn vua nhỏ kia thường làm điều tà vạy. Vua lớn thương xót, muốn độ các vua kia.

Một hôm, đại vương mời các tiểu vương đến cung điện mình để cùng nhau vui chơi trong bảy ngày, cả ngày lẫn đêm, ca hát trổi nhạc. Bảy ngày đã mãn, bốn tiểu vương cùng thưa đại vương:

–Việc nước còn rất nhiều, xin trở về lo liệu.

Đại vương bảo các quan tả hữu sửa soạn xe cộ, cùng quần thần và dân chúng đưa các vua trở về. Đi được nửa đường, đại vương thương xót, ý muốn độ các tiểu vương, bèn bảo bốn vua: –Các khanh hãy nói những điều ưa thích của mình.

Một ông vua nói:

–Thần muốn vào ba tháng mùa Xuân, cây cối sum suê, ra nhiều hoa đẹp, được đi dạo chơi ngoài cánh đồng. Đó là sở thích của thần.

Một ông vua lại nói:

–Thần muốn luôn được làm vua, yên ngựa được trang sức đẹp, lầu gác cung điện sáng sủa, rực rỡ, quần thần, quyến thuộc, dân chúng vây quanh hai bên, gióng trống khua chuông, ra vào đi tới, mọi người đều cúi đầu chào. Đó là sở thích của thần.

Một ông vua lại nói:

–Sở thích của thần lại khác, muốn được vợ đẹp, con xinh, nết na thùy mị không ai bằng, cùng nhau vui chơi rất là thích thú. Đó là sở thích của thần.

Một ông vua lại nói:

–Sở thích của thần lại khác. Thần muốn cha mẹ thần luôn sống mãi, có nhiều anh em, vợ con, y phục tốt đẹp, thức ăn ngon dư giả để tha hồ ăn uống, cùng vui chơi với những kỹ nữ đờn ca hát xướng. Đó là sở thích của thần.

Sau khi nói xong sở thích của mình, bốn tiểu vương quay đầu lại thưa:

–Đại vương ưa thích những điều gì?

Đại vương đáp:

–Trước hết, ta nói điều ưa thích của các khanh rồi mới nói điều ưa thích của ta. Các khanh, một người nói thích vào ba tháng mùa xuân cây cối sum suê, đơm hoa, dạo chơi ngoài đồng. Khi mùa thu đến, lá cây rơi rụng, xơ xác, vậy chẳng phải là thú vui lâu dài. Một người nói, muốn luôn được làm vua, yên ngựa được trang sức đẹp, lầu gác cung điện sáng sủa, rực rỡ, quần thần, quyến thuộc, dân chúng vây quanh hai bên, gióng trống khua chuông, ra vào đi lại, mọi người đều cúi đầu chào. Các vua xưa nay giàu có, hưng thịnh, nhưng do vui chơi sung sướng không cùng, nên phước đức mòn hết, rồi khi các nước đánh nhau, đột ngột băng hà, vậy chẳng phải là vui lâu. Một người nói, muốn được vợ đẹp, con xinh, nết na, thùy mị không ai bằng, cùng nhau vui chơi rất là thích thú, nếu chang may một mai tật bệnh, sầu khổ vô cùng, vậy chẳng phải là vui lâu. Một người nói, muốn cha mẹ luôn sống mãi, có nhiều anh em, vợ con, y phục tốt đẹp, thức ăn ngon dư giả để tha hồ ăn uống, cùng vui chơi với những kỹ nữ đờn ca hát xướng, nếu một mai có việc, bị quan bắt giữ, nhốt ở trong ngục, không có người cứu giúp, vậy chẳng phải là vui lâu.

Bốn vua nhỏ đều hỏi:

–Vậy vua ưa thích điều gì?

Vua nói:

–Tôi muốn không sinh, không chết, không khổ, không não, không đói, không khát, không lạnh, không nóng, sự còn mất đều tự tại. Đây là ý muốn của tôi.

Bốn vua đều thưa:

–Điều ưa thích này, ắt phải có bậc minh sư.

Đại vương đáp:

–Thầy tôi, hiệu là Phật, ở tinh xá Kỳ hoàn.

Các vua vui mừng, đều đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, lui ra ngồi một bên.

Đại vương quỳ gối, chắp tay thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ngày nay, chúng con được làm người, nhưng căn tánh đần độn, không có trí tuệ, chỉ tham đắm vào những thú vui ở đời, không biết tội phước. Nguyện xin Phật thuyết pháp khổ đế cho đệ tử chúng con.

Phật bảo:

–Các ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ giảng nói. Con người sống ở đời thường có vô lượng các khổ bức bách thân thể. Nay ta sẽ nói tóm lược tám khổ cho các ông nghe. Thế nào là tám khổ? Đó là sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, tử khổ, thương yêu mà xa lìa là khổ, mong cầu không được là khổ, oán ghét mà gặp nhau là khổ, sầu lo buồn phiền là khổ. Đó là tám khổ.

Thế nào là sinh khổ? Khi người chết, không biết thần hồn đi về đâu, chưa biết chỗ sẽ sinh, tạm thọ thân “trung ấm”, đến hai mươi mốt ngày, cha mẹ giao hợp, liền đến thọ thai. Tuần lễ đầu như váng sữa, tuần lễ thứ hai như sữa đặc, tuần lễ thứ ba như cao sữa, tuần lễ thứ tư như thịt nát, năm bọc hình thành, gió vừa vào bụng, thổi vào thân thể, sáu tình bắt đầu hình thành ở trong bụng mẹ, sinh tạng ở dưới, thục tạng ở trên. Mẹ ăn một miếng thức ăn nóng thấm vào thân thể hài nhi, như vào vạc nước nóng. Mẹ uống một miếng nước lạnh cũng như băng giá cắt thân thể hài nhi. Khi mẹ ăn no, thân thể hài nhi bị mệt nhọc, đau khổ không thể nói được. Khi mẹ đói, bụng mẹ trống không, hài nhi cũng như treo ngược, chịu khổ vô cùng. Đến khi đủ tháng, sắp đến ngày sinh, đầu quay về sản môn như hai hòn núi đá kẹp lại. Lúc gần sinh, mẹ thì nguy đến tánh mạng, cha thì lo sợ. Hài nhi được sinh ra trên cỏ, thân thể mỏng manh, cỏ chạm vào thân như đao kiếm đâm chém, bỗng nhiên cất tiếng khóc lớn. Đấy là khổ phải không?

Mọi người đều thưa:

–Đây là khổ lớn.

–Còn thế nào là lão khổ? Cha mẹ nuôi con đến tuổi trưởng thành, thân thể mạnh mẽ, gánh vác được các công việc nặng nhẹ, không biết tự mình lo lường, khi lạnh rất lạnh, khi nóng rất nóng, khi đói rất đói, khi no rất no, không có điều độ. Dần dần đến khi tuổi già, đầu bạc răng rụng, mắt nhìn lờ mờ, tai nghe không rõ, thời mạnh mẽ đã qua, lúc suy yếu đã đến, da mặt nhăn nheo, trăm đốt xương đau nhức, đi lại khó nhọc, đứng ngồi rên rỉ, lo rầu khổ não, trí nhớ giảm dần, hay lẫn quên mạng sống ngày càng sắp hết, giọng nói phều phào, chảy nước miếng, đứng ngồi cần có người dìu đỡ. Đây là khổ phải không?

Đại vương thưa:

–Thật là rất khổ.

–Còn thế nào là bệnh khổ? Con người do bốn đại hòa hợp mà thành thân này. Bốn đại là: Đất, nước, lửa, gió. Một đại không điều hòa, sinh ra một trăm lẻ một bệnh, bốn đại không điều hòa, bốn tram lẻ bốn bệnh đồng thời phát sinh. Chất đất không điều hòa, toàn thân đau nhức; chất nước không điều hòa, toàn thân sưng phù; chất lửa nóng không điều hòa, toàn thân nóng bức, chất gió không điều hòa, toàn thân cứng đờ, trăm đốt xương đau nhức, cũng như bị gậy đập. Bốn đại sắp lìa, tay chân không dở nổi, khí lực kiệt quệ, ngồi đứng cần có người dìu đỡ, miệng khô, môi nứt, gân giãn, mũi sụn, mắt không thấy hình sắc, tai không nghe tiếng, các thứ dơ bẩn thường chảy, thân nằm trên đó, tâm bị khổ não, lời nói thảm thương, thân quyến ở bên cạnh ngày đêm chăm sóc từ đầu không dừng nghỉ, thức ăn ngon ngọt vào miệng thành đắng. Đấy là khổ phải không?

Đáp:

–Thật là rất khổ.

–Còn thế nào là tử khổ? Khi người chết, bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng thời phát sinh, bốn đại sắp tan rã, tinh thần không an. Khi gần chết, gió đao cắt thân, đau đớn khắp thân mình, mồ hôi chảy ra, hai tay quờ quạng trên không, bà con thân thuộc đều ở hai bên buồn rầu than khóc, đau đớn tận xương tủy, không kìm chế được. Người chết ra đi, gió hết, khí tàn, hỏa diệt thân lạnh, trước là gió, kế đến là lửa, thần hồn rã đi, thân thể cứng đơ, không còn biết gì, trong vòng một tuần lễ, thịt ra, máu chảy, phình trướng thối nát, không thể nào đến gần, đem bỏ ngoài đồng, các loài chim đến ăn thịt, thịt hết, xương khô, đầu lâu ở chỗ khác. Đấy là khổ phải không?

Đáp:

–Thật là khổ lớn.

–Thế nào là thương yêu chia lìa là khổ? Bà con thân thuộc, anh em, vợ con thương mến nhau, một mai ly tán bị giặc cướp bóc mỗi người mỗi nơi, cha Đông, con Tây, mẹ Nam, con Bắc, không ở một nơi, làm người nô tỳ, tự mình buồn than, tuyệt vọng, xa xăm mờ mịt, không có kỳ hạn gặp nhau. Đây là khổ phải không?

Đáp:

–Thật là khổ lớn.

–Thế nào là cầu không được là khổ? Nhà có tiền của, còn mong tìm cầu nữa, quan lớn, thứ dân vì mong được giàu sang, nên chịu khổ nhọc, cầu mãi không dừng, nếu gặp cơ hội may mắn thì làm cho sự nghiệp càng thêm lớn, còn chưa gặp thời cơ thì tham lấy vật của dân, rồi bị người tố cáo, một mai có việc, bị xe tù tải đi, lúc sắp bị giết, buồn khổ vô cùng, không biết chết sống ngày nào. Đấy là khổ phải không?

Đáp:

–Thật là rất khổ.

–Thế nào là oán thù gặp nhau là khổ? Thói xấu của người đời là đang sống chung, thương yêu nhau, rồi tranh cãi việc không đáng gì, lại giết hại nhau, bèn thành oán lớn, rồi tự tránh nhau, không có chỗ ẩn nấp. Mỗi người tự mài dao, giũa tên, cắp cung, cầm gậy, lo sợ gặp nhau mà lại gặp nhau trên con đường hẹp, mỗi người tự giương cung, lắp tên, hai dao hướng đến nhau, không biết ai thắng ai thua, lúc đó sợ hãi vô cùng. Đó là khổ phải không?

Đáp:

–Thật là rất khổ.

–Thế nào là sầu lo buồn phiền là khổ? Người sống ở đời, sống thọ lắm cũng chỉ đến trăm tuổi, mạng sống ngắn ngủi là sẩy thai. Người sống thọ trăm tuổi, đêm ngủ mất hết một nửa, còn sống có năm mươi năm. Say rượu, bệnh tật, không biết làm người thì mất hết năm năm nữa, lúc nhỏ ngu si, trong khoảng mười lăm năm đầu, chưa biết lễ nghi, lúc quá tám mươi thì già yếu, lẫn lộn mất trí, tai điếc, mắt mờ, không có phép tắc lại giảm hai mươi năm nữa. Như vậy đã mất hết chín mươi năm, chỉ còn có mười năm thì gặp nhiều điều buồn khổ. Khi thiên hạ làm loạn cũng sầu khổ, thiên hạ lúc đại hạn cũng sầu khổ, thiên hạ lúc lụt lớn cũng sầu khổ, thiên hạ lúc sương muối nhiều cũng sầu khổ, thiên hạ lúc trời nóng bức cũng sầu khổ, bà con thân thuộc trong gia đình có nhiều người bệnh tật cũng sầu khổ, tiền của trong nhà để sinh sống sợ mất cũng sầu khổ, trăm thứ thuế cho quan chưa nộp cũng khổ, người nhà gặp nạn bị quan bắt nhốt trong ngục chưa biết lúc nào ra khỏi cũng sầu khổ, anh em, vợ con đi xa chưa về cũng sầu khổ, gia đình nghèo cùng không có cơm ăn áo mặc cũng sầu khổ, nhà cửa thôn xóm có việc cũng sầu khổ, quốc gia không yên ổn cũng sầu khổ, trong nhà có người chết không có tiền của để lo việc chôn cất cũng sầu khổ, đến mùa xuân làm các việc đồng áng không có trâu cày cũng sầu khổ. Các thứ sầu khổ như vậy thường không vui, đến ngày lễ tiết nếu cùng nhau hội hợp đông đủ thì vui vẻ, trái lại thì cùng nhau than khóc. Đấy có phải là khổ không?

Thưa:

–Thật là rất khổ.

Bấy giờ, năm ông vua, các quần thần, hang ngàn vạn người ở trong hội, nghe Phật thuyết các khổ đế, tâm ý đều hiểu rõ, liền đắc quả Tu-đà-hoàn, đều rất hoan hỷ, làm lễ rồi lui ra.

Bốn vua đều thưa với vua Phổ An:

–Đại vương thật là Bồ-tát có trí tuệ quyền xảo đã hóa độ chúng thần, làm cho được vào đạo. Đó là nhờ ân của đại vương. Chúng thần vốn tham đắm các cung điện không thể xa lìa, nay xem cung điện như nhà xí ô uế, không thể tham đắm.

Các vua liền xả bỏ ngôi vua, giao lại cho em rồi đi xuất gia hành đạo tu tạo công đức, ngày ngày không mệt mỏi.