KINH PHÁP HOA

B.S. Trần Văn Nghĩa

 

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Saddharmapundarika sutra, 妙法莲华经), gọi tắt là kinh Pháp Hoa (法华经), là một bộ kinh rất quan trọng của Phật giáo Đại Thừa. Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa ở Thành Vương Xa trên núi Linh Thứu (王舍城灵鷲山).  Theo kinh Pháp Hoa thì Ngài giảng kinh này sau khi Ngài thành đạo hơn 40 năm, như vậy lúc đó Ngài đã trên 73 tuổi.

A-) SỰ KẾT TẬP VỀ KINH PHÁP HOA

Theo các học giả về kinh Pháp Hoa thì những bài trong kinh này có lẽ được đức Phật giảng rời rạc trong nhiều năm, sau được kết tập và sắp xếp thành bộ kinh này vào khoảng từ 100 năm trước công nguyên cho đến 150 sau công nguyên. Theo các nhà khảo cứu về sử học của kinh Pháp Hoa thì sự tạo thành bộ kinh này gồm bốn giai đoạn: Giai đoạn 1 là kết tập phần kệ của các phẩm 1 đến phẩm 9 và phẩm 17. Sự kết tập này có lẽ được tiến hành ở 100  năm trước công nguyên. Giai đoạn 2 là thêm vào phần văn xuôi của các phần kệt này, có lẽ được kết tâp vào khoảng 100 năm sau công nguyên. Giai đoạn 3 là kết tập của các phẩm 10, 11, 13 đến16, 18 đến 20, và phẩm 27 có lẽ cũng vào khoảng 100 năm sau công nguyên. Giai đoạn 4 là kết tập phẩm 21 đến 26 có lẽ trong khoảng 150 năm sau công nguyên.

Cũng có nhiều giả thuyết khác đưa ra những giai đoan kết tập khác những điều kể trên. Vì phạm vi của bài, ở đây tôi chỉ ghi lại giả thuyết được nhiều người nói đến nhất mà thôi.

Theo các nhà sử hoc, dựa vào nội dung của kinh Pháp Hoa, thì kinh nay có lẽ xuất hiện sau Kinh Hoa Nghiêm và các kinh Bát Nhã. Điều này cũng phù hợp với sự phân chia tứ thời bát giáo của Thiên Thai Tông.

B-) VĂN BẢN CỦA KINH PHÁP HOA

1-) BẢN TIẾNG PHẠN

Hiện nay người ta tìm được vào khoảng 40 bản kinh Pháp Hoa viết bằng tiếng Phạn ở 4 nơi khác nhau.

a-) Những bản kinh lá bố tìm được ở vùng  Kashmir gọi chung là Kashmir Manucripts còn gọi là Gilgit  Manucripts. Nhóm này gồm 5, 6 loại kinh lá bối khác nhau, được tìm thấy ở một di tích của một Phật tháp cổ ở vùng Gilgit của  Kashmir vào tháng 6 năm 1931. Dưa vào những đồ cổ có đề niên hiệu của các triều đại, tìm được cùng với những kinh lá bố này, người ta phỏng định được những nhóm kinh này được viết vào khoảng thế kỷ thứ 5 đến thứ 6. Bộ kinh này gồm có hai phần ba viết bằng chữ Phạn và một phần ba viết bằng chữ Magadhi, chữ của nước cổ Magadha ở đông bắc Ấn Độ. Nhóm kinh này khá rách nát, Hiện nay nhóm kinh lá bố này được lưu trữ tại viện văn khố quốc gia tại Tân Đề Ly (National Archives, New Delhi).

b-) Nhóm kinh Pháp Hoa tìm được ở vùng Tân Cương, Trung Quốc. Nhóm kinh này được vị lãnh sự Nga tại  Kashgar,  ông N.F. Petrovsky sưu tập ở những vùng  Kashgar, Khotan,  Kuqa, Turpan ở tỉnh Tân Cương vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ thứ 20. Vì bệnh ông về Nga vào năm 1903 và tặng những kinh sách này cho viện nghiên cứu Nga. Nhóm kinh này khá rách nát, được viết bằng nhiều thứ chữ: Chữ Phạn, chữ Hán, chữ Khotan, chữ Uighur. Bản kinh Pháp Hoa bằng tiếng Phạn, viết trên giấy, khá đầy đủ, tìm được ở vùng Kashgar, bản này rất nổi tiếng. Có lẽ được viết vào thế kỷ thứ 7 đến thứ 8. Tất cả nhóm kinh tìm được ở vùng Tân Cương gọi chung là Kashgar Manuscripts hay Central Asia Manuscripts, nay được lưu trữ tại Viện Nghiên Cứu Đông Phương tại St. Petersburg, Liên Sô (The Institute of Oriental Studies, Academy of Science, Russia).

Trong khi ông Petrovsky về nước, ông chỉ mang về được phần lớn những kinh sách sưu tập được, còn một phần nhỏ ông gửi lại người bạn là lãnh sự Anh quốc tại Tân Cương, ông G. McCarty. Sau 3 năm được tin ông Petrovsky đã mất, ông McCarty cũng đem những kinh sách của ông Petrovsky gửi chuyển tăng cho viện Nghiên Cứu Nga. Nhóm Kinh sách này được gọi là McCarty Manuscripts.

c-) Nhóm kinh Pháp Hoa tìm thấy ở nước Nepal. Nhóm này gọi chung là Nepalese Manuscripts. Nhóm này được lãnh sự  Anh tại Nepal, ông Brian Houghton Hodgson sưu tập, có lẽ vào những năm 1819-1820. Các bản kinh này có lẽ được chép vào thế kỷ 11, hiện nay được lưu trữ tại  Royal Asiatic Society, London. Sau người ta cũng tìm được 9 bản kinh Pháp Hoa khác chép vào những thế kỷ sau,  nay được lưu trữ tại nhiều thư viện ở những nước  Ấn Độ, Pháp và Anh Quốc.

d-) Các chùa ở Tây Tạng có lưu trữ nhiều kinh Phật giáo cổ. Chùa Tát Già (萨迦寺) có lưu trữ một bản kinh Pháp Hoa chép trên lá bối, chép vào năm 1082 từ nước Nepal. Bản kinh rất hoàn chỉnh. Được xuất bản vào năm 1983.

Trong cung điện Potala còn lưu trữ nhiều bản kinh Pháp Hoa khác, viết trên lá bối. Bản với ký hiệu 0373, chép vào năm 1064, rất hoàn chỉnh. Bản với ký hiệu 0420, chép vào năm 1065, hơi rách nát…

2-) BẢN DỊCH RA NHỮNG TIÊNG KHÁC.

Kinh Pháp Hoa có lẽ cũng được dich từ tiếng Phạn thành những tiếng khác của vùng Trung Á. Sau bị người Hồi giáo tiêu hủy. Nay chỉ còn những mảnh kinh của bản dịch bằng tiêng Khotan, tiếng Uighur ở vùng Tân Cương. Kinh Pháp Hoa được dịch qua Hán văn, từ đó được dịch ra tiếng Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Từ bản Hán văn kinh cũng được dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiêng Tây Ban Nha và tiếng Đức.

Bản dịch của kinh Pháp Hoa ra tiếng Anh và tiếng Pháp trực tiếp từ tiếng Phạn cũng được nhiều học giả hoàn tất. Eugene Burnouf vào năm 1852 dịch kinh này ra tiếng Pháp. Hendrik Hern dịch ra tiếng Anh vào năm 1884. Taikaku và Chigun  (帝覺&智軍) dịch ra tiềng Nhật.

Kinh Pháp Hoa cũng được dịch ra tiếng Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII. Hiện nay cũng có những bản kinh Pháp Hoa dịch từ tiếng Tây Tạng ra tiếng khác như Ekai Kawaguchi  (河口慧海) dich ra tiếng Nhật vào năm 1924.

Kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Tây Hạ (西夏) vào thời Bắc Tống ( 960-1127) và nguyên bản còn giữ tại Đông Dương văn khố Nhật Bản.

Kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Đại Hàn vào đời nhà Lý, năm 1463, vua Thế Tôn đã ký sắc lệnh dịch kinh này từ Hán văn ra tiếng Triều Tiên.

Từ bản Hán văn, kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Mãn Châu, không rõ vào năm nào. Bản này được giữ tại Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa của Nhật.

Kinh Pháp Hoa được dịch từ tiếng Tây Tạng ra tiếng Mông Cổ, không rõ dịch vào thời nào.

Kinh Pháp Hoa cũng được dịch ra tiếng Thổ Nhĩ Ky không rõ từ thời nào  dưới nhan đề “Ein Turkishi Ubersetzung des XXV Kapithsderchi­neschen Ausgabe Des Sadharma Pundarika Sutram”.

3) BẢN DỊCH HÁN VĂN

Kinh Pháp Hoa được dich qua Hán văn  theo sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục (开元释教录) viết vào năm 730 ghi lại thì có  6 bản Hán dịch. Hiện nay chỉ còn ba bản dịch lưu hành.

a-) Ba bạn thất truyền là:

-Pháp Hoa Tam Muội kinh (法华三昧经), kinh gồm 6 quyển, do ngài Chi Cương Lương Tiếp (支疆梁接) Hán dịch vào đời Nhà Ngô, thời Tam Quốc, vào năm 256, tại Giao Châu, nay là Việt Nam.

-Sát Vân Phân Đà Lợi kinh (萨芸芬陀利经), kinh gồm 6 quyển,  do ngài Trúc Pháp Hộ (竺法護) Hán dịch vào đời Tây Tấn, vào  năm 265.

-Phương Đẳng Pháp Hoa kinh (方等法华经), kinh gồm 5 quyển, do ngài Chi Đạo Lâm (支道林) Hán dịch vào đời Đông Tấn, năm 335.

b-) Ba bản còn lưu hành

b1-) Bản dịch thời Tây Tấn, Thái Khang (太康) năm thứ 7 (năm 286) của ngài Trúc Pháp Hộ (竺法护 237-316? Dharrmaraksha ) gồm 10 cuốn 27 phẩm, tên là Chánh Pháp Hoa Kinh (正法华经). Thầy Trúc Pháp Hộ  cùng các cư sĩ  Niếp Thừa Viễn (聶承远), Trương Sĩ Minh (张仕明),  Trương Trọng Chánh (张仲政) dịch bản này tại Trường An. Có người cho rằng ngài Trúc Pháp Hộ  dùng bản kinh bằng tiếng Prakrit dịch ra Hán văn, chứ không phải dùng bản tiếng Phạn. Bản dịch này có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 263.

b2-) Bản dịch thời Diệu Tần (姚秦) Hoành Thủy (弘始) năm thứ 8 (năm 406) của ngài  Cửu Ma La Thập ( Kumaragupta , 鸠摩罗什344-413) gồm 7 cuốn 27 phẩm, tên là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Bản này cũng được dịch tại Trường An. Ngài Cửu Ma La Thập là người Ấn Độ sinh trưởng ở nước Khotan vì cha của ngài là phò mã của nước này. Nên có người cũng cho rằng bản dịch kinh Pháp Hoa của ngài là dịch từ tiếng Khotan qua Hán văn.

b3-) Sau Thầy Pháp Hiên (法献 423-497) vào  năm 478 tìm được bản tiếng Phạn của phẩm Đề Bà Đạt Đa (提婆达多品, Devadatta ) của kinh Phap Hoa ở nứoc Cao Xương (高昌, Qara-Hoja, nay ở tỉnh Tân Cương) đem về Kiến Khang (建康) nhờ thầy  Đạt Ma Ma Thị (达摩摩是)  ở chùa Ngõa Quan  (瓦官寺) dịch  ra Hán văn và thêm phẩm này vào thành phâm thứ 12 của bản dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, vì vậy kinh Pháp Hoa nay có 7 cuốn 28 phầm.

b4-) Đời Bác Châu (北周 561-581), ngài Đồ Na Quật Đa (Jnanagupta  闍那崛多523-600) ở Ích Châu chủa Long Uyên (益州龙渊寺) dịch phần kệ của phâm Quan Thế Âm phổ môn ra Hán văn. Sau này người ta thêm  phần kệ này vào phẩm Quan Thế Âm Phổ môn. Nay nếu so sánh phần kể bản Hán văn với phần kể của bản tiếng Phạn và phần kệ của bản tiếng Tây Tạng trong phẩm Quan Thế Âm Phổ Môn, thi bản Hán văn chỉ có 26 bài kệ, bản tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng có 33 bài kệ. Bản Hán văn thiếu 7 bài kệ. 7 bài kệ thiếu này tôi đã dựa vào bản tiếng Anh và tiếng Pháp dich từ bản tiềng Phạn, dịch lại ra Việt văn và Hán văn, bổ túc ở bài sau.

b5-) Đế đời nhà Đường thầy Huyền Trang (玄奘 602-664) lại dịch và thêm phần Dược Vương Bồ Tát chú (葯王菩薩咒) thêm vào Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Cuốn Kinh Pháp Hoa được dùng nhiều nhất ngày nay là bản dịch này. Bản này có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 262.

b6-) Bản dịch đời nhà Tùy (隋)  năm Nhân Thọ ( 仁寿 ) nguyên niên (601) do ngài  Đồ Na Quật Đa (Jnanagupta , 闍那崛多) và ngài Đạt Ma Cấp Đa ( Dharmagupata ,达摩笈多) dich, gồm 7 cuốn 28 phẩm, có thêm phần kệ trong phẩm Quan thế Âm phổ mon. Tên là Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (添品妙法莲华经).  Bản này không khác gì bản của ngài  Cửu Ma La Thập. Bản này có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 264.

So sanh ba bản dịch thì bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ có nhiều chi tiết nhất, sau đó đến bản dịch của ngài  Đồ Na Quật Đa, bản dịch của ngài Cu Ma La Thập thiếu nhiều chi tiết so với hai bản trên.

Bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ vì quá bám sát vào mặt chữ của nguyên văn nên không lưu loát, khó đọc,  khó hiểu. Bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập dịch nghĩa nhiều hơn, không bám sát vào mặt chữ, nên lưu loát, dễ đọc, dễ hiểu, lời văn rất hay nên được nhiều người thích hơn.

4-) BẢN DỊCH VIỆT VĂN

Theo sử sách thì Đạo Tràng Giao Châu ở Bắc Việt đã có từ đời Hậu Hán. Đây cũng là những trạm giao thông chính cho những nhà truyền giáo đạo Phật đi bằng đường biển từ Ấn Độ, Trung Á, Trung Đông… để đến Trung Quốc. Trong thời Tam Quốc, Giao châu thuộc về Đông Ngô, một nhà dịch kinh nổi tiếng của đạo tràng này là ngài Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư, đã được mời lên đế đô Kiến Nghiệp đê làm dịch kinh sư.

Bản kinh Pháp Hoa dich ra Hán văn đầu tiên cũng được ngài Chi Cương Lương Tiếp (支疆梁接) dịch từ tiếng Phạn ra Hán văn tại đạo tràng Giao Châu. Bản dịch này gọi là  Pháp Hoa Tam Muội kinh (法华三昧经), kinh gồm 6 quyển,  Hán dịch vào đời Nhà Ngô, thời Tam Quốc, vào năm 256.

Bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ nôm, khổng rõ dịch từ thời nào, nay được lưu trữ tại Đông Dương văn khố Tokyo.

Vào năm 1937 cư sĩ Đoàn Trung Còn đã dựa vào bản kinh Pháp Hoa bằng Hán văn và bản bằng Pháp văn dịch kinh Pháp Hoa ra chữ quốc ngữ.

C-) VỊ TRÍ CỦA KINH PHÁP HOA TRONG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Kinh Pháp Hoa và kinh Hoa nghiêm được coi là kinh vương của Phật giáo đại thừa.Kinh này cũng là kinh vương của nước Nepal. Là kinh chỉ đạo của Nhật Liên Tông (日莲宗) của Nhật và Thiên Thai Tông ở Trung Quốc.

Kinh Pháp Hoa sở dĩ là kinh vương là vì kinh này đã giải đáp được rất nhiều vấn đề trong sự chuyển biến từ Phật giáo Tiểu Thừa đến Phật giáo Đại Thưa, kinh cũng đưa ra một hướng đi  mới cho Phật giáo mà ngày nay Phật giáo Đại Thừa vẫn còn đang đi theo hướng đó.

1-) VẤN ĐỀ THÀNH PHẬT

Trong đạo Phật Nguyên Thủy không nói rõ là chúng sinh có thể thành Phật không hay chỉ tu hết 37 đạo phẩm thành A La Hán và nhập Niết Bàn. Trong khi đức Phật giảng có kể 6 vị Phật quá khư và sẽ có vị Phật tương lai. Vậy phải có người thành Phật ngoài đức Phật Thích Ca. Vậy làm thế nào để thành Phật?

Trong kinh Pháp Hoa, Ngài giảng tất cả đều có thể thành Phật nếu chúng ta theo đúng con đường tu hành. Chính vì “nhất đại sự” này mà Ngài phải nhập thế để “khai, thị, ngộ, nhập” cho chúng sinh để tất cả cùng thành Phật đạo.

Trong Phẩm thứ 12,  Đề Bà Đạt Đa phẩm,  lại kể đến cô bé Long Nư (Nagakanya), con của Sa Kiệt La Long Vương (娑竭羅龍王,Sagara Nagaraja), mới 8 tuổi đã thành Phật. Chữ naga có nghĩa là con rắng hổ mang, trong văn hóa Ấn Độ được coi là một linh vật. Văn Hóa Ấn Độ  không có rông. Khi dịch qua Hán văn hay tiếng Tây Tạng,  văn hóa của những nước này coi cón răng là con vật đê tiện, nên đã dịch làm rồng vì nó là linh vật của hai nên văn hóa này. Như vậy kinh Pháp Hoa cho chúng ta thấy không những con người có thể thành Phật mà con thú cũng có thể thành Phât.

Hơn nữa kinh điển nói là phái nữ không thành Phật đươc. Ở đây Long nữ cũng thành Phật. Phật tính bình đẳng cho mọi chúng sinh.

2-) KHAI  BỒ TÁT ĐẠO.

Đạo Phật Đại Thừa tách ra từ đạo Phật Nguyên Thủy với 3 giáo pháp mới: Bồ tát đạo, bát nhã trung đạo và duy thức trung đạo. Bồ tát đạo đã giúp cho đạo Phật từ xuất thế trở lại nhập thế. Kinh Hoa Nghiêm đã đưa ra những đạo phẩm tu hành để thành bồ tát. Kinh Pháp Hoa đã đưa ra các vị bồ tát với những hoằng thề nguyện để đi cứu độ chúng sinh như Quan Thế Âm bồ tát, Phổ Hiền bồ tát, Dược Vương bồ tát, Dược Thượng bồ tát…Tất cả những vị bồ tát này là những gương mẫu cho chúng sinh noi theo để tu hành.

3) CHỈ CÓ NHẤT THỪA

Đức Phật giảng thanh văn thừa, duyên giác thừa, bồ tát thừa…Thừa này chê thừa kia là không phải chánh phái, là giả…Trong kinh Pháp Hoa, Ngài cho biết sở dĩ giảng thừa này, thừa nọ chẳng qua là tùy cơ duyên của chúng sinh. Khi giảng đến kinh Pháp Hoa thì Ngài nói  “ hội tam quy nhất” chỉ có một thừa đó là Phật thừa. Những điều này Ngài nói rõ trong phẩm thứ ba với thí dụ của nhà cháy và ba loại xe.

4-) HÓA THÀNH VÀ BẢO SỞ

Trong khi giảng cho giới thanh văn, Ngài nói rõ là tu hết 37 đạo phẩm, đắc A La Hán quả, ra khỏi vòng luân hồi, nhập Niết Bàn. Nay khi giảng về bồ tát đạo Ngài lại nói tu hết 42 đạo phẩm, có kinh nói là 51 đạo phẩm mới vào Niết Bàn. Như vậy phải chăng có hai cõi Niết Bàn? Trong Phẩm 7 Hóa Thành Dụ, Kinh cho biết cái Niết Bàn nói trong Thanh Van thừa chỉ là một Hóa Thành, một trạm nghỉ chân, đó là hữu dư Niết Bàn và vô dư Niết Bàn, nhằm giúp những vị tu hành  bớt chán nản, lên tinh thần để đi đến Niết Bàn thật đó là Bảo Sở. Bảo Sở mới là Đại Niết Bàn còn gọi là vô trụ Niết Bàn.

Tùy căn cơ của chúng sinh mà đức Phật đưa ra những đường lối tu hành khác nhau. Nếu chúng sinh căn cơ đầy đủ thì có thể đi theo con đường đốn ngộ.

Nếu căn của cơ của chúng sinh còn yếu thì có thể đi theo con đường tiệm ngộ. Từ một phàm phu để tu thành A La Hán, nhanh thì một kiếp người, chậm thì bảy kiếp người. Từ A La Hán thành Bồ Tát, rồi thành Phật thì cần ba a tăng kỳ kiếp. Thời gian dài như vậy là chính vì các vị bồ tát này đều có hoằng thề nguyện, muốn ở lại tam giới để giúp chúng sinh, không muốn vào Niết Bàn ngay.

Sau cùng nếu chúng ta tiệm ngộ cũng không đi được, đốn ngộ cũng không đi được, đức Phật lại đưa ra con đường đới nghiệp vãng sinh, phương pháp niệm Phật trong kinh A Di ĐÀ, để chúng ta xin về Tây Phương Tịnh Độ tu tập. Chúng ta cũng có thể đới nghiệp vãng sinh, xin đến những thế giới của chư Phật khác như đức Phật Di Lặc, Đông Phương Dược Sư Lưu Ly Phật hay Tỳ Lô Giá Na Phật để tu tập những điều kiện của đức Phật A Di Đà là dễ nhất.

5-) KHAI QUYỀN HIỂN THỰC

Trí Giả đại sư trong cuốn Pháp Hoa Văn Cú  quyển ba giảng tất cả những kinh sách đức Phật giảng dạy trước thời Pháp Hoa đều là phương tiện tạm gọi là quyền giáo, để dẫn dắt chúng sinh vào một thực giáo mà Ngài muốn giảng trong kinh Pháp Hoa, đó là nhất thừa Viên giáo.

6-)  GIỚI THIỆU QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Trong hơn 40 năm giảng đạo, đức Phật đã giới thiệu rất nhiều nhân vật cho chúng sinh để học hỏi, nương nhờ. Ngài đã giới thiệu chư Phật quá khứ, vị Phật tương lai, … chư bồ tát, chư A La Hán, cư sĩ…Hai vị mà Ngài giới thiệu có ảnh hưởng lớn nhất cho chúng sinh phải là đức Phật A Di Đà và Quán Thế Âm bồ Tát. Hai vị này đã trở thành những hình ảnh chính của Phật giáo Đại Thừa. Ngài giới thiệu đức Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ. Ngài giới thiệu Quán Thế Âm bồ tát trong phẩm thứ 25 của kinh Pháp Hoa.

Chính vì những lý do trên mà kinh Pháp Hoa là kinh vương của Phật giáo Đại Thừa.

D-) BỐ CỤC CỦA KINH PHÁP HOA

Các vị cổ đức xưa thường chia một bài kinh Phât làm ba phần: Phần tựa tương đương phần nhập đề của bài văn ngày nay, phần chánh tông tương đương với thân bài của bài văn ngày nay, phần lưu thông có lẽ gần như phần kết luận và khai triển rông của bài văn ngày nay. Phân chia kinh thành ba phần này tùy tác giả cũng khá khác nhau.

1-) Theo ngài Thích Đức Thanh (1546-1623) trong cuốn Diệu Pháp Liên Hoa Chân Kinh Thông Nghĩa  (妙法莲华真经通义) thì bà phần được chia như sau:

a-) Phần tựa: Phẩm 1: “ Tựa Phẩm ”.

b-) Phần Chánh tông : Từ Phẩm thứ 2: “ Phương tiện phẩm ” đến phẩm thứ 28 : “ Phổ Hiền Bồ Tát khuyên phát phẩm” . Trong phần chánh tông lại được chia làm 4 ý chính:

-Từ Phẩm thứ 2 “ Phương tiện phẩm” đến phẩm thứ 10 “Pháp sư phẩm” là phần  khai Phật tri kiến.

-Phẩm thứ 11 “ Hiện Bảo Tháp Phẩm” là phần thị Phật tri kiến.

-Từ phẩm thứ 12 “Đề Bà Đạt Đa phẩm” đến phẩm thứ 22 “ Chúc lụy phẩm” là phần ngộ Phật tri kiến.

-Từ phẩm thứ 23 “Dược Vương bồ tát bổn sự phẩm” đến phẩm thứ 28 “Phổ Hiền Bồ Tát khuyên phát phẩm” là phần nhập Phật tri kiến.

c-) Phần lưu thông: Là phần kết luận là phần cuối của phẩm tứ 28, sau bài kệ cho đến hết.

2-) Trí Giả đại sư (538-597) trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa quyển 6 và quyển 10  chia kinh Pháp Hoa thành hai phần: Từ phẩm 1 đến phẩm 14 là phần “tích môn”, từ phẩm 15 đến phẩm 28 là phần “bổn môn”.

a-) Tích môn: Ý chính của tích môn được nói rõ trong phẩm thư 2, Phương tiện phẩm. Ngài lấy sự thuyết giảng tam thừa làm phương tiện để đưa đến nhất thưa viên giáo. Đó chính là khai quyền hiển thực, hội tam quy nhất. Nếu lấy lý và sự để xem  phần này thì phần này chính là cái lý viên dung của Viên Giáo. Nếu lấy hóa nghi và hóa pháp để xem phần này thì phần này thuộc về hóa nghi.

b-) Bổn môn: Ý chính của bổn môn được nói rõ trong phẩm thư 16, Như Lại Thọ Lượng phẩm. Ngài đã thành Phật ở nhiều A tăng ky kiếp trước, nay nhập thế, ở Buddhagay thành đạo chẳng qua để chỉ con đương cho chúng sinh mà thôi. Đó chính là khai tích hiển bổn. Nếu lấy lý và sự để xem  phần này thì phần này chính là sự viên dung của Viên Giáo. Nếu lấy hóa nghi và hóa pháp để xem phần này thì phần này thuộc về hóa pháp.

E-) SO SÁNH BẢN KINH PHÁP HOA CHỮ HÁN VỚI BẢN CHỮ PHẠN VÀ CHỮ TÂY TẠNG

Nếu đem so sánh bản kinh Pháp Hoa chữ Hán với bản kinh bằng chữ Phạn và chữ Tây Tạng thì bản Chữ Hán có 28 phẩm, bản chữ Phạn và bản chữ Tây Tạng chỉ có 27 phẩm vì bản chữ Hán có thêm phẩm Đề Bà Đạt Đa.

Nếu so sánh từng phẩm một thì số câu của những bài kệ trong ba bản kinh cũng hơn khác nhau, có thể nhiều hơn hay ít hơn một vài bài kệ. Ở đây vì phạm vi của bài này nên không thể đi vào chi tiết.

Riêng phẩm 25, Quán Thế Âm Phổ môn phẩm, là phẩm chính mà hai cuốn sách Quán Âm Huyền Nghĩa bàn luận đến, nên tôi làm phần so sánh và bổ túc những 7 bài kệ thiếu của bản Hán văn và Việt văn cho đầy đủ ở bài sau.

Về phần tóm tắt ý chính của từng phẩm một, ở đây vì phạm vi của bài, xin không đi vào chi tiết. Hơn nữa công việc này cũng đã có quý thầy làm rồi.