QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

B.S. Trần Văn Nghĩa

 

SỰ PHÁT TRIỂN VỀ TÍN NGƯỠNG QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Từ đạo Phật Nguyên Thủy, đạo Phật Đại Thừa đã tách ra và trở thành một chủ lưu của Phật giáo với nhiều giáo lý mới, như bát nhã không đạo, duy thức học,  bồ tát đạo…Bồ tát đạo đã đem đạo Phật từ xuất thế trở lại nhập thế, để cứu độ chúng sinh. Năm vị bồ tát chính (Quan Thế Âm B.T, Địa Tạng Vương B.T, Đại Thế Chí B.T., Phổ Hiền B.T., Văn Thù B.T.) với năm diện cứu độ chúng sinh khác nhau, năm gương mẫu khác nhau để chúng sinh noi theo. Trong năm vị bồ tát này Quán Thế Âm bồ tát được nhiều người biết nhất, được nhiều người thờ phụng nhất. Tín Ngưỡng về Quan Thế Âm bồ tát gần như thành một tông phái riêng biệt trong Phật giáo Đại Thừa và Mật Tông.

Tín Ngưỡng về Quán Thế Âm bồ tát bắt đầu từ lúc nào thì nay khó mà khảo cứu vì tất cả các di tích của Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Á và Tân Cương đã bị người Hồi giáo và người  Ấn Độ giáo phá hủy gần hết từ thế kỷ thứ 11. Một di tích sớm nhất còn lại về Quan Thế Âm bồ tát là hình vẽ trên tường và tượng của Ngài ở trong những hang động Ajanta, ở vùng Aurangabad của tiểu bang Maharashtra, Ấn Độ. Những hang động này được các nhà thám hiểm người Anh tìm thấy vào năm 1819. Theo các nhà khảo cổ thì các hang động này được kiến tạo từ 300 năm  cho đến 100 năm trước công nguyên. Có những nhà khảo cổ  khác thì lại cho rằng nó được kiến tạo từ 100 năm trước công nguyên đến 100 năm sau công nguyên. Theo những di tích này thì sự phụng thờ Quan Thế Âm bồ tát đã có thể có từ hơn 300 năm trước công nguyên tại Ấn Độ, có lẽ không lâu sau khi thành lập Phật giáo Đại Thừa.

Trong sách Phật Quốc Ký (佛国) viết vào năm 416 của hòa thượng Pháp Hiển. Ngài qua Ấn Độ thỉnh kinh từ năm 399-413, ngài đi qua 32 nước ở vùng Trung Á và Ấn Độ, ngài đã ghi lại sự thịnh hành phụng thờ Quan Thế Âm bồ Tát ở những nước này.

Trong sách Đại Đường Tây Vực Ký (大唐西域記) viết vào năm 646 của hòa thượng Huyền Trang. ngài đi Ấn Độ thỉnh kinh từ năm 629 đến năm 643. Ngài đi qua hơn 34 nước ở vùng Tây Vực, Trung Á và Ấn Độ, ngài cũng tả phong trào cực thịnh thờ phụng Quan Thế Âm bồ tát.

Sau khi hoàng triều Maurya của Á Dục Vương (Ashoka) sụp đổ vào 185 trước công nguyên,  Phật giáo cũng bắt đầu suy yếu và từ từ biến mất trên đất Ấn Độ. Đạo Hồi đã truyền vào Trung Á từ thế kỷ thứ tám, đến thế kỷ thứ 11 thì đạo Hồi đã xóa sạch tất cả đạo Phật ở Trung Á, Iran, Pakistan, Afghanistan, Tân Cương…Nhưng đạo Phật Đại Thừa và sự Phụng thờ Quan Thế Âm bồ tát lại phồn thịnh tại Tây Tạng, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Quan Thế Âm bồ tát đã trở thành vị thần hộ quốc của Tây Tạng. Từ thế kỷ thứ 18 Đạo Phật Đại Thừa lại được truyền đến vùng Đông Nam Á, ở giữa thế kỷ thứ 20 đạo Phật Đại Thừa lại truyền qua Âu châu, Úc Châu và Mỹ Châu, Quan Thế Âm bồ tát cũng lại được truyền đến những nơi này.

 

QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT TRONG NHỮNG TÔN GIÁO KHÁC

Đối với người đạo Ấn Độ thì Quán Thế Âm bồ tát của Phật Giáo Đại Thừa chính là Tỳ Níu Thiên (纽天 Vishnu) của Ấn Độ giáo hóa thân.

Đạo Phật Tiểu Thừa không công nhận bồ tát đạo nên không thờ các bồ tát. Riêng Quan Âm bồ tát thì Đạo Phật Tiểu Thừa có thờ phụng nhưng  dưới những tên khác, Ngài cũng là một vị thần nam giới, chuyên đi cứu khổ độ nạn cho chúng sinh, có thể có 4 tay. Ở Tích Lan (Sri Lanka): Ngài tên là Natha-deva, ở Miễn Điện (Myanmar),  ngài tên là Lokanat, Lokanatha hay Lokabyuhanat, ở Thái Lan, Lào và Cam-bốt Ngài tên là Lokesvara.

Đối với người Đạo giáo thì Quan Thế Âm bồ tát là hóa thân của vị tiên cô gọi là Từ Hàng Chân Nhân (慈航真人) hay Từ Hàng Đại sĩ (慈航大士), ngài là một trong 9 vị đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn (元始天尊), Ngài chuyên đi cứu khổ độ nạn các chúng sinh. Vì vậy người theo Đạo giáo tôn thờ Quan Âm Bồ tát và gọi Ngài là Bạch Y Đại Sĩ. Theo huyền thoại của Đạo giáo thì  Từ Hàng Đại Sĩ nguyên là công chúa Diệu Thiện (妙善), người công chúa thứ ba của vua  Diệu Trang vương. Diệu Trang vương là vua của nước huyền thoại tên là Hưng Lâm quốc ở thời Nam Bắc triều (386-589). Công chúa Diệu Thiện đi tu Đạo giáo, đắc đạo với đạo hiệu là Từ Hàng Đại Sĩ. Từ Hàng có nghĩa là con thuyền từ bi. Đại sĩ là một thánh hiệu của Đạo giáo tương đương với chữ bồ tát.

Vào năm 1587 chánh quyền của Toyotomi Hideyoshi ở Nhật Bản hạ lệnh đuổi giáo sĩ ra khỏi nước Nhật và cấm đạo Thiên Chúa tại Nhật. Các tín đồ Thiên Chúa giáo bèn lấy hình Quan Âm bồ tát và hình tống tử Quan Âm bồ tát để thờ, tượng trưng cho Đức Me Maria và Đức Mẹ Maria với Chúa Hài Đồng. Hình Quan Âm bồ tát này được gọi là Quan Thế Âm Maria. Hiện nay một số nhà thờ vẫn còn thờ như vậy. Ngược lại có chùa lại thờ Quan Âm bồ tát với vẻ mặt của Đức Me Maria và gọi là Maria Quan Thế Âm.

 

BẢN SINH VÀ BẢN SỰ CỦA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Mặc dù Quán Thế Âm bồ tát được phụng thờ một cách quản đại trong đạo Phật Đại Thừa nhưng ít ai biết rõ bản sinh và bản sự của Ngài.

Ngài được giới thiệu rải rác qua nhiều khía canh khác nhau ở rất nhiều kinh điển  Đại thừa dịch từ tiếng Phạn qua Hán văn  như trong Quan Thế Âm bồ tát phổ môn phẩm của kinh Pháp Hoa, Tâm kinh, Thành Cụ Quanh Minh Định Ý kinh (成具光明定意),  Kinh Duy Ma Cật (維摩詰經), Phóng Quang Bát Nhã kinh (放光般若經),  Quang Tán Bát Nhã kinh (般若經),  Kinh Đại Bảo Tích (大宝積) quyển thứ 82 và quyển thứ 100, Kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經) quyển thứ 6, cựu dịch kinh Hoa Nghiêm (译華严經) quyển thứ 52, tân dịch kinh Hoa Nghiêm quyển thứ 68, Bi Hoa kinh (悲華經), Địa Tạng Kinh (地藏經), A Di Đà kinh (阿弥陀經) quyển thượng, Quán Vô Lượng Thọ kinh (無量壽佛經)… Những kinh điển Mật Tông như những kinh:  Kim Cang Khủng Bố Tập Hội Phương Quảng Quỷ Nghi Quan Tự Tại Bồ Tát Tam Thế Tối Thăng Tâm Minh Vương  (刚恐怖集会方广轨仪观世音菩萨三世最胜心明王经), Đà La Ni Tập kinh (罗尼集经), Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương Kinh (一切功德庄严王经), Thanh Tịnh Quan Thế Âm Phổ Hiền Đà La Ni kinh (清静观世音普贤陀罗尼经), Bồ Đề Trường Sở Thuyết Nhất Tự Đỉnh Luân Vương Kinh (菩提场所说一字顶轮王经), Đại Phương Quảng Mạn Thù sư Lợi kinh (大方广曼殊师利经), Đại Nhật kinh sớ  (大日经疏) quyển thứ 5, Thiên Quang Nhãn Quan Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh (千光眼观世音菩萨秘密法), Lý Thú Kinh (理趣),  Tối Thượng Căn Bản Đai Lạc Kim Cang Bất Không Tam Muội Đại Giáo Vương Kinh (最上根本大乐金刚不空三昧大教王经  ), A Lê Đa La Đa La Ni A Lộ Lực Kinh (阿俐多罗陀罗尼阿噜力经), Bất Không Quyên Tác Thần Biến Chân Ngôn kinh (不空绢索神变真言经)…

Còn rất nhiều những kinh, tiểu sử, truyện không phải dịch từ tiếng Phạn, được những người do cảm ứng ở những nước Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản và Việt Nam viết, như truyện Ngài là công chúa Diệu Thiện  hay truyện Quan Âm Thị Kính ….ở đây vì phạm vi của bài này sẽ không bàn đến.

Ở đây tôi thử đem những chi tiết rải rác ở các kinh sắp xếp lại thành một bài để giới thiệu về ngài.

Theo kinh Bi Hoa (悲華經 Karuṇāpuṇḍarīka) quyển 2: Thì ở vô lượng kiếp trước, có vị chuyển luân thánh Vương Vô Tránh Niêm (無諍念), Ngài có 1000 người con. Người con trưởng tên là Bất Thuấn (不眴), người con thứ tên là Ma Ni (摩尼). Nhà vua và các hoàng tử đều đi tu và phát vô thương bồ đề tâm trước Bảo Tàng Phật (Ratnagarbha buddha). Bảo Tàng Phật bèn thọ ký thánh vương Vô Tránh Niêm sẽ thành Phật tên là Vô Lượng Thọ như lai, thái tử Bất Thuấn sẽ đắc đạo bồ tát, tên là Quan Thế Âm bồ tát, và sẽ thành Phật tại tây phương tên là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lại (普光功德山如來). Hoàng tử Ma Ni cũng được thọ ký sẽ thành bồ tát tên là Đại Thế Chí bồ tát, và cũng sẽ thành Phật ở tây phương tên là Thiện Trụ Chân Bảo Sơn Vương Như Lai (善住珍寶山王如來).

Trong kinh Quán Thế Âm bồ Tát Vãng Sinh Tịnh Thộ Bản  Duyên Kinh (觀世音菩薩往生淨土本) thì lại kể ở vô số A tăng kỳ kiếp trước, ở Nam Thiên Trúc, trong nước Ma Niết Bà Trá (摩涅婆). Có một phạn sĩ tên là Trường Na (長那), vợ là Ma Na Bà Trá (摩涅婆), lập gia đình lâu nhưng không có con. Hai người cầu tự rất lâu, sau sinh được hai người con trai. Con lớn tên là Tảo Ly (早離), con nhỏ tên là Thúc Ly (速離). Đến khi Tảo Ly được 7 tuôi thì mẹ mất. Trường Na lấy một người vợ thứ. Gặp năm đói, Trường Na vào núi Đàn La (檀羅), hái trái cây dại để nuôi gia đình. Ông đi lâu ngày không về, bà vợ lẽ nghĩ phạn sĩ đã chết. Bà không muốn mang gánh nặng nuôi hai người con chông nên bà đã lừa hai cậu bé đến một đảo hoang và bỏ ở đó. Không ngờ ít lâu sau phạn sĩ trở về, hỏi đến hai người con thì bà bảo hai người con theo bạn bè đi chơi không thấy trở về. Sau phạn sĩ biết bị bỏ ở ngoài hải đao, Ông ra đảo tìm con thì thấy hai di hài. Ông đau khổ khóc và lập năm trăm hoành thề nguyện đến kiếp tới lại cứu độ chúng sinh. Vô số kể kiếp sau, phạn sĩ trở thành đức Phật Thích Ca, người con trưởng trở thành Quán Thế Âm bồ tát, người con thứ trở thành Đại Thế Chí bồ tát, người mẹ đẻ của hai cậu bé trở thành đức Phật A Di Đà.

Trong kinh Quán Thế Âm bồ Tát Thọ Ký Kinh (觀世音菩薩授記經) kể là trong vô lượng kiếp trước, ở Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai Phật Độ,  có vị vua tên là Uy Đức Vương (威德王), một hôm nọ nhà vua ở trong vường hoa ngồi thiền, vào thiền định tam muội, lúc đó có hai đóa hoa sen mọc lên. Trong mỗi đóa hoa sen có một thiên đồng ngồi ở trong, một tên là Bảo Ý (宝意), một tên là Bảo Thượng (). Uy Đức Vương là tiền thân của đức Phật Thích Ca. Bảo Ý và Bảo Thượng là tiền thân của Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát.

Trong kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm bồ tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni kinh (千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經) thì lại kể là Quan Thế Âm bồ tát ở vô lượng kiếp trước Ngài đã thành Phật, tên là Chánh Pháp Minh Như Lai (正法明如來) nhưng vì lòng thương xót chúng sinh Ngài hạ thân xuống làm bồ tát để cứu độ chúng sinh.

Trong kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經) lại kể ở vô lượng kiếp trước có một vị Phật tên là Quan Thế Âm như lai, Quan Thế Âm bồ tát theo Ngài tu tập, đắc bồ tát đạo vì vậy nên được thọ danh là Quan Thế Âm bồ tát.

Theo Mật Tông,  kinh Bát Nhã Lý Thú Kinh (般若理趣經Prajnaparamita-naya-satapancasatika) thì đức Phật A Di Đà ở thế giới tây phương thanh tịnh Ngài hiện Phật thân là đức Phật A Di Đà, còn khi Ngài vào thế giới ta bà thì Ngài hiện thân thành Quan Thế Âm bồ tát.

Theo Mật Tông, kinh Văn Thù Đại Giáo Vương kinh (文殊大敎王經), thì Quan Thế Âm bồ tát đã thành Phật, Phật hiệu là Bình Đẳng Quang Minh Phổ Chiếu Như Lai (平等光明普照如來).

 

DANH HIỆU CỦA QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Trong tiếng Phạn, danh hiệu của Quan Thế Âm bồ tát có hai danh hiệu khác nhau: Padma-pani và Avalokitesvara. Padma-pani trong tiếng Phạn có nghĩa là từ hoa sen sinh ra. Danh hiệu này ít được dùng trong kinh điển dịch của Hán văn.

Ở những kinh điển tiếng Phạn viết vào thế kỷ thứ V, tên của Ngài là Avalokitesvara. Avalokita có nghĩa là quan sát. Esvara theo từ nguyên của chữ Phạn là từ chữ isvara có nghĩa của Siva. Siva là thiên đế của Ấn Độ giáo, vì vậy isvara có nghĩa toàn năng, tự tại. Nên ngài Huyền Trang và các dịch giả của Tây Tạng dịch là Quan Tự Tai.

Kinh điển tiếng Phạn viết vào thế kỷ thứ VII thì tên Ngài là Avalokitasvara. Avalokita có nghĩa là quan sát. Svara có nghĩa là âm thanh, lời kêu cầu vì vậy dịch là Quan Âm. Ngài Khang Tăng Khải thêm chữ thế vào để làm rõ nghĩa chữ âm nên thành Quan Thế Âm.

Quan thế Âm Bồ Tát tên tiếng Phạn là Avalokitesvara, được phiên âm qua Hán văn la A Bà  Lô Cát Đê Xá Bà La (阿婆盧吉低舍婆羅)… con chữ Avalokitasvara được phiên âm là A Phược Lô Chỉ Đa y Thấp Phạt La (阿縛盧枳多伊濕伐邏)… Các tên phiên âm không thông dụng trong kinh Hán văn.

Tên dịch nghĩa của Ngài thì có hai cách, một dựa vào chữ  Avalokitasvara, hai dựa vào chữ Avalokitesvara.

Cách dịch Avalokitasvara cũng trải qua rất nhiều thay đổi. Ngài Chi Diệu (之曜) dịch là Quan Âm bồ tát vào năm 185, thời Hậu Hán, trong cuốn Thành Cụ Quanh Minh Định Ý kinh (成具光明定意經). Ngai Vô La Xoa (罗叉), vào năm 219, thời Tây Tấn dịch là Hiện Âm Thanh bồ tát (現音聲菩薩) trong cuốn Phóng Quang Bát Nhã kinh. Ngài Chi Khiêm (支謙), vào năm 223, đời Tam Quốc, dịch là Khuy Âm bồ tát (闚音菩薩) trong cuốn kinh Duy Ma Cật. Ngài Khang Tăng Khải (康僧鎧), vào năm 252, đời Tào Ngụy, dịch là Quan Thế Âm bồ tát trong cuốn Phật Thuyết Vô Lượng Thọ kinh. Ngai Trúc Pháp Hộ (竺法護), vào năm 286, đời Tây Tấn, dịch là Quang Thế Âm bồ tát trong cuốn Chánh Pháp Hoa kinh. Cách dịch là Quan Thế Âm bồ tát được nhiều dịch giả như ngài Cu Ma La Thập (鳩摩羅什Kumarajiva), ngài Bát Thứ Mật Đế (般刺蜜帝), ngài Đàm Vô Sấm (曇無讖), ngài Phật Đà Bạt Đà La (佛馱跋陀羅) và ngài Đàm Vô Kiệt (曇無竭) dùng trong những kinh dich từ những năm 406 đến 420.

Cách dịch của chữ Avalokitesvara cũng qua khá nhiều thay đổi. Ngài Bồ Đề Lưu Chi (菩提留支), vào năm 508, đời Bắc Ngụy, dich là Quan Thế Tự Tại bồ tát trong cuốn Pháp Hoa Kinh Luận (法華經論). Ngại Huyền Trang (玄奘), vào năm 650, đời nhà Đường, dịch là Quan Tự Tai bồ tát trong các kinh dịch của ngài. Ngài Trí Tuệ Luân (智慧輪 Prajnacakra). vào năm 861, đời nhà Đường, dịch là Quan Thế Âm Tự Tại bồ tát trong cuốn Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kink.

Cách dịch là Quan Tự Tại bồ tát cũng được dùng trong các kinh sách Phật giáo Tây Tạng.

 

TU TẬP VÀ HOẰNG THỀ NGUYỆN CỦA NGÀI

Tâm kinh nói rõ về sự chứng đắc về bát nhã pháp môn của Quan Thế Âm bồ tát.

Kinh Lăng Nghiêm nói về nhĩ căn viên thông pháp môn của Quan Thế Âm bồ tát.

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm nhập pháp giới, Thiện Tài đồng tử đến thỉnh Quan Thế Âm bồ tát chỉ dạy. Ngài đã thuyết giảng Đại Bi hạnh giải thoát pháp môn cho Thiện Tài đồng tử

Về hoành thề nguyện của Ngài thì kinh Quan Thế Âm bồ tát   nỏi rất rõ và đầy đủ. Kinh Bi Hoa cũng có nói qua những hoành thề cứu độ chúng sinh của Ngài.

Trong Quan Thế Âm bồ tát phổ môn phẩm, đức Phật đã giới thiệu Quan Thế Âm bồ tát cho chúng sinh vì Ngài có thể cứu độ chúng sinh trong tất cả các dạng khổ đau của thế giới ta bà nếu kêu cầu đến Ngài.

Trong kinh Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương kinh, cuổn 1 (大乘莊嚴寶王經,卷一), đức Phật lại nhắc nhở người lâm chung đừng quên cầu Quan Thế Âm bồ tát vì Ngài có thể dẫn độ  vong linh  “như một [thiên] nga vương [bay đi] theo làn gió, mau chóng được vãng sinh Cực Lạc thế giới, diện kiến Vô Lượng Thọ Như Lai, được nghe diệu pháp” (猶如鵝王隨風而去,速得往生極樂世界.面見無量壽如來聽聞妙). Kinh cũng kể, những ai sa vào tam ác đạo, kêu cầu đến danh Ngài, Ngài sẽ vào tận đến A Tỳ địa ngục để cứu giúp.

Vậy hạnh nguyện của Quan Thế Âm bồ tat không phải chỉ cho người sống mà cho cả người chết.

 

PHÁP MÔN CỦA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Vì thương chúng sinh, với vô duyên từ quảng đại, Ngài đã lập ra một pháp môn thật giản dị, Để thực hành, dùng trong mọi trường hợp cần đế Ngài dù từ trước không hề biết hay tu tập pháp môn này. Pháp môn của Ngài gồm hai điểm:

1)Trì danh

Trong lúc hoạn nạn, tai biến, bệnh tật, …chúng ta phải niệm thánh hiệu của Ngài. Thành tâm kêu cầu Ngài đến cứu độ: “Nam Mô Quan Thế Âm bồ tát”.  Hàng ngày trong cuộc sống an bình, chúng ta cũng nên tri danh Ngài, trong lúc trì danh Ngài, chúng ta phải cố gắng chuyển hóa thân ý khẩu nghiệp của mình để làm theo lòng đại từ đại bi của Ngài, không nên chỉ tụng niệm như một thối quen.

2) Niệm thần chú.

Thần chú tiếng Phạn là rddhi-mantra hay dharani, Hán văn phiên âm là mạn đặc la (曼特), hay đà la ni (陀羅尼) dịch nghĩa là chân ngôn, mật ngữ, thân chú. Nguyên nghĩa của chữ Phạn là câu văn có thể gây sự biến hóa. Vì vậy khi đọc những thần chú này thì vị thần sẽ hiện đến nhanh chóng. Thần chú của Quan Thế Âm bồ tát trong kinh điển Mật Tông rất nhiều nhưng những thần chú này nếu không được các thầy của Mật Tông cho phép không nên dùng, vì dùng sẽ bị coi là ăn cắp pháp sẽ bị họa. Ở đây tôi chỉ kể ba thần chú của Ngài được thường dùng nhất:

a-) “Nam mô Quan Thế Âm bồ tát” 

Là một câu dùng để xứng danh Ngài và cũng là một thần chú của ngài.

b-) “Om Mani Padme Hum”

Đây là  thần chú Lục tự đại minh đà la ni dùng chung cho tất cả Mật Tông. Sáu chữ này có nghĩa “quy kính, bảo châu, liên hoa, mãn nguyện”. Om tượng trưng cho kim cang bộ, Mani tượng trưng cho bảo bộ, Padme tượng trưng cho liên hoa bộ, Hum yết ma bộ (磨部). Bốn bộ này hợp lại là Phật bộ. Nó cũng có nghĩa trong lục ba la mật là thiền định, nhẫn nhục, trì giới, trí tuệ, bố thí và tinh tiến.

c-) Chú Đại Bi

Bài chú này tên là Thiên Thủ Quan Âm Đai Bi Chú (千手观音大悲咒), gọi tắt là Đại Bi chú, chú là phần chính trong cuốn Đại Bi Tâm Đà La Ni kinh. Cuốn kinh do ngài Gia Phạn Đạt Ma (伽梵達磨) dịch từ chữ Phạn ra Hán văn vào đời nhà Đường  vào khoảng những năm 650-660. Bản dịch của chú Đại Bi  trong kinh này gồm 82 câu.

Vi chú Đại Bi là một trong những chú quan trọng của Đông Mật tông nên ba vị tổ của Đông Mật tông  là ngài Kim Cang Trí (刚智, Vajrabodhi) dịch lại vào những năm 719-741, ngài Bất Không (不空,Amoghavajra) dịch lại vào những năm 723-774, ngài Chỉ Không (指空, Dhyānabhadra) dịch lại. Vì vậy chú Đại Bí có hai bản hơi khác nhau. Bản của các tổ của Mật Tông dịch là 84 câu. Số chữ 415 chữ của hai bản giống nhau, chấm câu của mấy câu chót hơi khác nhau.

Bản dịch của ngài Gia Phạn Đạt Ma chỉ có 82 câu.  Câu 81: Tất điện đô mạn đa ra bạt đà dạ. Câu này trong bản dịch của các tổ của Mật Tông được chia làm 3 câu như sau: Tất điện đô (81), mạn đa ra (82), bạt đà dạ (83). Vì vậy bản dịch của các tổ của Mật Tông có 84 câu.

Chú Đại Bi cũng được dịch qua tiếng Tây Tạng. Trong Mật Tông Tây Tạng, có nhiều loại thần chú gọi là chú Đại Bi. Nên để phân biệt chú Đại Bi loại có 84 câu gọi là chú Đại Bi trường chú, loại chú Đại Bi ngắn hơn gọi là chú Đại Bi trung chú, loại này trong Hán văn là Thập nhất Diện Quan Âm chú (十一面观音咒), loại chú Đại Bi ngắn hơn nữa gọi là chú Đại Bi Tâm chú; Đó là bài chú:  Om (quy kính) Vajra (kim cang) dharma(pháp) hrih (Quan Âm bồ tát).

Bản Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn nay đã thất truyền. Một số học giả về tiếng Phạn lại dựa vào bài chú của tiếng Tây Tạng và Hán văn dịch ngược lại tiếng Phạn để tìm ý nghĩa của bài chú. Bản Phạn văn tái tạo này thường dùng ngày nay là bản của cư sĩ Lâm Quang Minh. Có nhiều bài hiệu đính lại bản của cư sĩ Minh, tôi so sanh thấy sự khác biệt không nhiều, hơn nữa những bài đọc trên mạng lại thường dùng bản của cư sĩ Minh, nên ở đây tôi cũng dùng bài của cư sĩ Minh. Quý đọc giả muốn đọc Đại bi chú cho đúng giọng không nên dùng bản Hán Việt vì phát âm không đúng, nên nghe và đọc theo bải tiếng Phạn trên mạng. Ở đây tôi xin giới thiệu một mạng cùng quý đọc giả.

https://www.youtube.com/watch?v=AINne5CThxA

Về phần ý nghĩa của bài chú. Tôi xin để nghĩa của từng chữ trong ngoặc đơn ( ) theo sau mỗi chữ phiên âm Hán văn. Nghĩa của cả câu trong ngoặc đơn theo sau mỗi câu tiếng Phạn. Hòa thượng Tuyên Hoa có giảng rộng từng câu một bằng một bài thơ. Cư sĩ Từ Hoa có Việt dich. Chúng tôi có xuất bản và phát hành vào năm 2014. Quý đọc giả cũng có thể đọc trên mạng Thư Viên Hoa Sen.

 

CHÚ ĐẠI BI

1)Nam mô (quy y) hắc ra đát na đa ra dạ (Phật pháp tăng tam bảo) da (lễ tán).

namo ratna-trayāya (quy y Tam bảo)

2) Nam mô (quy y) a rị da (các thánh giả)

nama āryā (quy y các thánh giả)

3) bà lô yết đế(Quan), thước bát ra da (tự Tai),

Valokite śvarāya (Quan Tự Tai)

4) bồ đề (giác ngộ) tát đỏa bà da (các hữu tình chúng sinh),

Bodhi sattvāya ( bồ tát)

5) ma ha (đại pháp vô biên) tát đỏa bà da(nhất thiết hữu tình chúng sinh),

Mahā sattvāya (ma ha tát)

6) ma ha ca lô ni ca da (có lòng đại từ bi giả).

Mahā kārunikāya (đấng đại từ bi)

7) Án (quy mạng)

Om (làm cho tôi)

8) tát bàn ra (tự tại)  phạt duệ (thánh tôn),

sarva rabhaye ( xa ly tất cả các kinh khủng)

9) số đát na (vô thượng thánh địa) đát tỏa (thánh tôn).

Sudhanadasya (sinh long hoan hỷ, sinh lòng nhất thiết thanh tịnh)

10) Nam mô (quy y) tất kiết lật đỏa (lễ bái), y mông(vô ngã) a rị da (thánh giả),

namas krtvā imam āryā (nay xin kính lễ tất cả chư thánh giả)

11) bà lô kiết đế (quan), thất Phật ra (thế âm) lăng đà bà(đại bi pháp đàn).

Valokite śvara ramdhava (Quan Thế Âm bồ tát với uy nghi thần lực làm tôi tùy tâm tự tại)

12) Nam mô (quy y) na ra (hiền ái) cẩn trì(từ bi tâm)

namo narakindi (kính lễ thanh cảnh Quan Âm)

13) hê rị (vô nhiễm chân tâm), ma ha(quản đại vô biên)  bàn đa sa mế(quang minh luôn chiếu soi),

hrīh mahā Vadhasame (với kim cang trụ đại trí diệu dung bồ đề tâm)

14)tát bà (bình an tâm) a tha đậu (tâm thanh tịnh vô vi) du bằng (tâm kiến định),

sarva arthadu śubham (tiêu hủy tất cả phiền não, làm tôi diệu tịnh cát tường)

15)a thệ dựng (tâm vô nhiễm),

Ajeyam (có đầy đủ vô lượng công đức)

16) tát bà tát đa (nhất thiết đại thân tâm bồ tát), na ma bà tát  đa (biệt hiệu pháp vương tử), na ma(vô đẳng) bà già (thập phương chư Phật),

sarva sattva  namo vasattva namo vaga

(kính lễ nhất thiết chư Phật, bồ tát, kính lễ nhất thiết kim cang hộ pháp)

17)ma phạt đạt đậu (Thiên Thân Thế Hữu),

Mavadudhu (làm tôi tâm vô nhiễm trước, rời xa phiền não trói buộc)

18)đát điệt tha (vối lòng chí thành tâm và đạo nghe lời chú) .

Tadyathā (Liền nói chú rằng: )

19) Án, a bà lô hê, (kim cang giới đà la ni)

om avaloki (kính lậy Quan Thế Âm bồ tát)

20) lô ca đế, (tự tại quang minh)

Lokate  (hiển hóa trong thế gian để cứu độ chúng sinh)

21) ca ra đế (đạo tâm kiên cố được đại trí tuệ ),

karate (cúng dường chư thánh giả)

22) di hê rị (vô biên độ hóa chúng sinh),

e hrīh (Hoa sen diệu tịnh, trang nghiêm thù thắng)

23) ma ha bồ đề tát đỏa (bậc có tâm đại đao dũng mạnh),

Mahā bodhisattvā (đại bồ tát)

24) tát bà tát bà (lợi lạc nhất thiết hữu tình),

sarva sarva (nhất thiết, nhất thiết)

25) ma ra ma ra (tăng trưởng pháp ngữ như được bảo châu),

mala mala (thanh tịnh vô nhiễm)

26) ma hê ma (đại), hê rị đà dựng (tu đắc kim cang pháp thân tự tai),

mahima hrdayam (đại tự tại tâm)

27) cu lô cu lô (phát tâm tu đao cảm động thiên thân phù hộ), kiết mông (chăm chỉ tích lũy công đức)

kuru kuru karmam (tác pháp)

28) độ lô độ lô (định tâm tu trì), phạt xà da đế (siêu thoát sinh tử),

dhuru dhuru vajayate (an trụ, tối thắng)

29) ma ha phạt xà da đế (thù thắng đạo pháp),

mahā vajayate ( đại thắng tôn)

30) đà ra đà ra, (hãy ảntụ ở tâm vô vọng tưởngvà tạp niệm)

dhara dhara (đẳng trì)

31)  địa rị ni (tịch diệt phá hủy tội ác),

Dhrnī (kiên định phụng hành)

32) thất Phật ra da (Phật quang sáng soi),

Śvarāya (uy quang tự tại)

33) dá ra dá ra (hiện đại phẫn nộ tướng).

cala cala (chuyển hóa)

34) Mạ mạ (vì người thiện phá trừ tất cả tai nạn)  phạt ma ra (giúp rời khỏi mọi xấu xa),

mama vamara (làm tôi xa rời vọng tưởng chấp trước)

35) mục đế lệ (giải thoát),

Muktele (liền được giải thoát)

36) y hê di hê (thề cứu độ chúng sinh),

ehi ehi (thiện chiêu)

37) thất na thất na (được đại trí tuệ quang),

śina śina (giải được nguy nan)

38) a ra sâm (pháp tự tại) Phật ra xá lợi (tu được thanh tịnh pháp thân),

ārsam pracali (kim cang hộ pháp)

39) phạt sa (những người có đạo hạnh) phạt sâm (được thành đạo với đầy chân lạc không thể tả được),

vaśa vaśam (tùy thuận)

40) Phật ra (thân tử) xá da(giác ngộ của tượng vương),

Prasaya (hàng phục)

41) hô lô hô lô (quỷ thần tác pháp tướng), ma ra(hoan hỷ như tướng)

hulu hulu mara ( các ma [phiền não]chướng)

42) hô lô hô lô(quỷ thần tác pháp tướng) hê rị (tác pháp tự tại vô niệm),

hulu hulu hr (liên hoa diệu tịnh che phủ khắp pháp giới)

43) ta ra ta ra (kiên cường nghị lực),

sara sara (chân thực không hư cấu)

44) tất rị tất rị (làm lợi ích nhất thiết chúng sinh),

siri siri (phúc đức)

45) tô rô tô rô

suru suru (cam lộ)

46) bồ đề dạ, bồ đề dạ (dũng mạnh tinh tiến tâm),

bodhiya bodhiya (giác ngộ)

47) bồ đà dạ, bồ đà dạ (nhân ngã nhất thể không có phân biệt tâm),

bodhaya bodhaya (Vô thượng bồ đề)

48) di đế rị dạ (đại từ bi tâm)

Maitreya (đại từ đại bi)

49)  na ra cẩn trì (từ bi thân ái)

Narakindi (thanh cảnh Quan Âm)

50) địa rị sắc ni na (lập chí kiên quyết tu đạo),

Dhrsnina (uy mạnh tôn giả)

51) ba dạ ma na (danh nghe thập phương),

Bhayamana (làm mọi người kính sợ)

52) ta bà ha (thanh tịnh diệu hữu diệt tai).

Svāhā (cát tường viên mãn)

53) Tất đà dạ (đạo pháp vô biên thành tựu nhất thiết nghĩa),

Siddhāya (thành tựu đệ nhất nghĩa đế)

54) ta bà ha (minh biện chân ngụy trí tuệ).

Svāhā (cát tường viên mãn)

55) Ma ha tất đà dạ (đại thành tựu),

Mahā-siddhāya (đại thành tựu giả)

56) ta bà ha (cái lợi ích của tu đạo).

Svāhā (cát tường viên mãn)

57) Tất đà (cái lợi ích thành tựu) du nghệ ([như] vô biên hư không ),

Siddha-yoge (bát nhã không nghĩa, vô vi tương ứng)

58) thất bàn ra dạ (tự tại viên mãn),

Śvarāya (được đại tự tại)

59) ta bà ha (thành tựu pháp tánh tự tại).

Svāhā (cát tường viên mãn)

60)  Na ra cẩn trì (hiền ái thành tựu),

Narakindi (thanh cảnh Quan Âm)

61) ta bà ha (một lần nữa nhắc nhở sự thành tựu của pháp tánh tự tại).

Svāhā (cát tường viên mãn)

62) Ma ra (tu đạo như ý) na ra (vô thượng kiên cố),

Māranara (bất sinh bất diệt)

63) ta bà ha (nhận rõ chân ngôn).

Svāhā (cát tường viên mãn)

64) Tất ra tăng (yêu mến và bảo hộ chúng sinh) a mục khê da(bất không bất xã),

śira sam amukhāya (thân y khẩu tất được thanh tịnh, tịch tịnh liền hiện trước mặt)

65) ta bà ha (chỉ có đạo có thể trị được tâm bệnh của con người).

Svāhā (cát tường viên mãn)

66) Ta bà(chịu đựng và ăn nói hiền hòa) ma ha (đại thừa pháp), a tất đà dạ (thành tựu nhất thiết chúng sinh),

sarva mahā asiddhāya (nhất thiết đại nghĩa, chân không diệu hữu)

67) ta bà ha(chúng sinh đều được thành tựu).

Svāhā (cát tường viên mãn)

68) Giả kiết ra (Kim cang luân hàng phục thiên ma tà đạo) a tất đà dạ (sự thành tựu không ai so sánh bằng),

cakra asiddhāya (đại chuyển pháp luân)

69) ta bà ha ( thành tựu chúng sinh).

Svāhā (cát tường viên mãn)

70) Ba đà(hoa sen đỏ) ma yết(thiện tánh) tất đà dạ(đều được thành tựu),

padma kastāya (liên hoa diệu pháp thân)

71) ta bà ha ( phải luôn tự xét và tu trì).

Svāhā (cát tường viên mãn)

72) Na ra cẩn trì (người hiền mến yêu, người thiện hộ trì) bàn đà ra dạ (thi vô úy thủ),

narakindi vagarāya (thanh cảnh Quan Tự Tại đại thánh tôn)

73) ta bà ha (chánh tâm thành ý).

Svāhā (cát tường viên mãn)

74) Ma bà lị thắng (đại dũng anh hùng) yết ra dạ(bản tính),

mavari śankharāya (có đầy đủ uy đức đại pháp lực giả)

75) ta bà ha (tổng nhiếp đại bi chú toàn văn).

Svāhā (cát tường viên mãn)

76) Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da (quy y Phật pháp tăng tam bảo).

namah ratna-trayāya (quy y tam bảo)

77) Nam mô a rị da( đảnh lễ chư thánh),

namo āryā (kính lễ thánh giả)

78) bà lô yết đế (thanh tịnh đạt cực lạc),

Valokite (Quan)

79) thước bàng ra dạ (kính lễ đấng tự tại) ,

Śvarāya (tự tại)

80) ta bà ha (đã thành tựu tận tiêu trừ ngũ căn).

Svāhā (cát tường viên mãn)

81) Án (chư chú mẫu), tất điện đô (trung tâm tu đạo) ,

om sidhyantu (gia trì sở nguyện viên mãn)

82) mạn đa ra (đạo trường pháp hội),

Mantra ([nay tôi] xin tụng thần chú)

83) bạt đà dạ (tùy tâm viên mãn)

Padāya (chân ngôn)

84) ta bà ha(viên mãn thành tựu). (3 lần khi trì biến cuối cùng)

Svāhā (cát tường viên mãn thành tựu).

d-) THẬP NHẤT DIỆN QUAN ÂM CHÚ (十一面观音咒)

Bài chú này hiện nay có bốn bản Hán dịch: Bản dịch vào những năm 561-578 của ngài Da Xá Quật Đa (Yasogupta 耶舍崛多),  Bản dịch vào năm 653  của ngài A Địa Cù Đa (Atikuta 阿地瞿多), bản dịch vào năm 656 của ngài Huyền Trang và bản dịch vào năm 720 của ngài Bất Không (不空, Amoghavajra).

BẢN TIẾNG PHẠN THẬP NHẤT DIỆN  QUAN ÂM CHÚ

1)Namo ratna-trayaya.

Kính lễ Tam Bảo

2)Nama arya  jnana-sagara vairocana vyuha rajaya

Kính lễ  thánh  trí hai biên chiếu  trang nghiêm  vương

3)Tathagataya  arhate samyak sambuddhaya

Như Lai ứng chánh đẳng giác

4)Namah sarva tathagatebhyah

Kính lễ nhất thiết Như Lai

5)Arhatebhyah  samyak sambuddhebhyah

Ưng chánh đẳng giác

6)Nama  aryavalokitesvaraya bodhisattvaya

Kinh lễ thánh Quan Tự Tai bồ tát

7)Mahasattvaya maha karunikaya

Ma ha tát  Đại bi giả

8)Tadyatha: Om, dhara dhara, dhiri dhiri, dhuru dhuru,

9)Itte vatte, cale cale, pra-cale pra-cale,

10)Kusume, Kusuma-vare,

11)Ili mili, ci li ci ti, jalamapanaya,

12)Parama suddha sattva, maha-karunika, svaha.

Câu 8 đến câu 12 không tìm được nghĩa của từng chữ nên đành ghi lại nguyên văn tiếng Phạn mà không chú giải nghĩa.

3) TU TẬP THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI

Trì danh và niệm chú không phải là đủ để theo pháp môn của Quan Thế Âm bồ tát. Như Ngài dạy Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, phải tu theo Đại bi tốc tật hạnh giải thoát môn (大悲速疾行解).

-Lấy lòng bồ tát vô duyên đại bi đáp ứng với chúng sinh một cách nhanh chóng ở mọi nơi.

-Dùng bồ tát tứ nhiếp pháp (菩薩四攝法) và nguyện lực của mình để đưa chúng sinh ra khỏi tất cả những lo sợ, đem chúng sinh hướng về vô thượng bồ đề.  Bồ tát tứ nhiếp pháp gồm có

1) Phổ môn thị hiên: Đến với chúng sinh ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh, tùy duyên ứng hóa, làm lợi ích cho chúng sinh.

2) Diệt trừ tất cả khủng bố, lo sợ… Như kinh Hoa Nghiêm kể gồm 22 loại, để đem bình an cho chúg sinh, đem chúng sinh hướng về vô thượng bồ đề.

3) Pháp môn này gồm đủ Phổ Hiền bồ tát diệu hạnh và nhất thừa pháp giáo.

4) Pháp môn này còn gồm: Bố thí, lấy bồ tát đại bi bình đẳng tâm đối với mọi người, lấy lòng hòa hợp, vui vẻ, viên mãn đối với chúng sinh.

Sau như Lục Tổ Đàn Kinh nói: “… Nếu chúng ta có lòng đại bi trong chúng ta, đó là Quan Thế Âm bồ tát…”. Như vậy chung ta không cân tìm cầu Ngài ở đâu nữa vì Ngài đã ở trong chúng ta.

 

TRANG PHỤC CỦA QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Trang phục của Quan Thế Âm bồ tát. Khi hình tướng của Ngài là một nam tử thì thường trang phụ của Ngai  là trang phụ lộng lẫy của một vị hoàng tử Ấn Độ: Tóc búi cao với những trâm vàng, bông tai, cổ có vòng vàng, chuỗi anh-lạc…tay và chân có vòng ngọc…Trang phụ này cũng là trang phục chung cho tất cả các bồ tát là vì có ai đã thấy các bồ tát ăn mạc như thế nào đâu. Người ta suy diễn là đức Phật trước khi thành Phật, Ngài là một bồ tát, Ngài cũng là một hoàng tử, từ đó tất cả các bồ tát được vẽ với trang phục sang trọng của một hoàng tử Ấn Độ.

Trang phục của Quan Thế Âm bồ tát khi Ngài là một nữ sĩ mà chúng ta thường thấy ngày nay, là bộ áo choàng dài mầu trắng có  mũ (hood) choàng trên đầu. Hình vẽ Ngài mặc trang phục này sớm nhất còn lưu lại trên bia đá là của nhà danh họa sĩ Ngô Đạo Tử (吴道子 680-759) vẽ vào thời thịnh Đường. Như vậy Quan Thế Âm bồ tát với trang phuc này có lẽ đã xuất hiện ở đầu nhà Đường.

Các ứng hóa tướng của Quán Thế Âm bồ tát: Theo kinh Phổ Môn Phẩm, Ngài có 33 ứng hóa thân, tùy duyên biến hiện: 1) Phật thân, 2) Bích Chi Phật thân, 3) Thanh Văn thân, 4) Phạn Vương thân, 5) Đế Thích thân, 6) Tự Tại Thiên thân, 7) Đại Tự Tại Thiên thân, 8) Thiên Đại Tướng Quân thân, 9) Tỳ Sa Môn Thiên thân, 10) Tiểu Vương thân, 11)Trưởng giả thân, 12) Cư sĩ thân, 13) Tề Quan thân, 14) Bà La Môn thân, 15) Tỳ kheo thân, 16) Tỳ kheo ni thân, 17) Ưu bà tắc thân, 18) Ưu bà di thân, 19) Trưởng giả phụ nữ thân, 20) Cư sĩ phụ nữ thân, 21) Tề quan phụ nữ thân, 22) Bà la môn phụ nữ thân, 23) Đồng nam thân, 24) Đồng nữ thân, 25) Thiên thân, 26) Long thân, 27) Dạ xoa thân, 28) Kiền thát bà thân, 29) A Tu la thân, 30) Già Lâu la thân, 31) Khẩn na la thân, 32) Ma la già thân. 33) chấp kim cang thân.

Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì nói Ngài có 32 ứng hóa tướng, tùy duyên hóa hiên: 1) Phật thân, 2)Bồ tát  thân, 3) Duyên giác thân, 4) Thanh văn thân, 5)Phạn Vương thân, 6)Đế Thích thân, 7)Tự Tại Thiên thân, 8)Đại Tự Tại Thiên thân, 9)Thiên Đại Tướng Quân thân, 10) Tứ Thiên Vương thân, 11) Tứ Thiên Vương thái tử thân, 12) Nhân Vương thân, 13)Trưởng giả thân, 14)Cư sĩ thân, 15) Tề quan thân, 16)Bà La Môn thân, 17)Tỳ kheo thân, 18)Tỳ kheo ni thân, 19)Ưu bà tắc thân, 20)Ưu bà di thân, 21) Nữ chủ thân, 22) Đồng nam thân, 23) Đồng nữ thân, 24) Thiên thân, 25) Long thân, 26)Dạ xoa thân, 27)Kiền thát bà thân, 28)A Tu la thân, 29) Khẩn na la thân, 30)Ma Hô La Già thân, 31) Nhân thân, 32) Phi nhân thân.

 

ĐẠO TRƯỜNG CỦA QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Ngoài Quan Thế Âm bồ tạt được thờ riêng biệt, một mình trong các chùa và ngoài trời, Ngài còn thường được thờ chung với đức Phật Thích Ca và Địa Tạng Vương bồ tát gọi chung là Ta Bà Tam Thánh. Là vì đức Phật là Ta Bà giáo chủ, ba vị này chuyên đi cứu khổ những hữu tình trong thế giới ta bà.

Ngài cũng thường được thờ chung với đức Phật A Di Đà và Đại Thế Chí bồ tát, gọi chung là Tây Phương Tam Thánh, vì ba vị này ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đón nhận những linh hồn được siêu độ đến đó để tu tập.

Một đôi khi Ngài và Đại Thế Chí bồ tát cũng được thờ chung với  Dược Sư Phật và được goi chung là Đông Phương Tam Thánh. Nhưng thường thì Đông Phương Tam Thánh chỉ Dược Sư Phật, Dược Hoàng bồ tát và Dược Thượng bồ tát hay Dược Sư Phật với Nhật Quang bồ tát và Nguyệt Quang bồ tát.

Ngài cũng được thờ chung với Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ.  Hai vị này gọi chung là Kim Đồng Ngọc Nữ. Trong kinh Hoa Nghiêm có kể Thiện Tài Đồng Tử (善才童子Sudhanakumara) đến gặp Quan Âm bồ tát để tu tập với Ngài. Nhưng Long Nữ (龙女Nagakanya) thì không thây kinh sách nào nói là có gặp Quan Thế Âm bồ tát cả. Có lẽ thờ chung để cho đủ đôi.

Như vậy Quan Thế Âm bồ tát ở khắp mọi nơi, trong cõi ta bà, trong Đông phương Lưu li tịnh thế giới, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vậy trên cói đất này Ngài ở đâu? Theo kinh Hoa Nghiêm phẩm nhập pháp giới: “Ở phía nam của nơi này có núi tên là Bổ Đát Lạc Già (Potalaka 補怛洛迦) trên đó có bồ tát tên là Quan Tự Tai” (於此南方有山,名補怛洛迦;彼有菩薩, 名觀自在. ư thử nam phương hữu sơn, danh Bổ Đát Lạc Già; bỉ hữu bồ tát, danh Quan Tự Tại). Potalaka nghia tiếng Phạn là sáng chói. Potalaka là một quả núi huyền thoại kể trong kinh Hoa Nghiêm.  Ở Nam Ấn Độ, tiểu bang Tamil Nadu, quận Ambasamudram, khu Tirunelveli có một quả núi tên là Potikai, từ thời Á Dục Vương, núi này được coi là quả núi Potalaka của kinh Hoa Nghiêm, là đạo trường của Quan Âm bồ tát và là nơi hành hương của Ngài. Ngài Huyền Trang cũng có đến núi này hành hương và có ghi lại chuyện hành hương núi Potikai trong cuốn sách Đại Đường Tây Vực Ký.

Ở Tây Tạng, các đức Đạt Lai Lạc Ma được coi là hiện thân của Quan Âm Bồ Tát nên chỗ ngài ở cũng gọi là Potala. Nó cũng là trung tâm hành hương của Quan Âm bồ tát cho những người theo Tây Mật Tông.

Ở Trung Quốc, ở ngoài biển của tỉnh Triết Giang có nui Phổ Đà (普陀), vì tên có phát âm gần với Potala nên dược coi là đạo trường của Quan Âm bồ tát; Hơn nữa vào đời nhà Đường, năm Đại Trung nguyên niên (năm 847) có vị Phan tăng lên núi cúng Phật, ở Động Triều Âm (潮音洞) thấy Quan Thế Âm bồ tát hiên đến. Vào đời nhà Đường, Hàm Thông năm thứ tư (năm 863), có vị sư người Nhật Thích Tuệ Ngạc (释慧锷) qua du học tại Ngũ Đài Sơn. Khi về nước ngài thỉnh một pho tượng Quan Âm Bồ tát mang về. Thuyền qua vùng biển ngoài khơi tỉnh Triết Giang, sóng gió nổi dậy, ngài bèn đem tượng Quan Âm bồ tát lên núi Phổ Đà, an vị trong động Triều Âm. Biển yên tịnh, ngài về nước bình an. Từ đời nhà Đường đến nay Núi Phổ Đà là đạo trường của Quan Thế Âm bồ tát, một trung tâm hành hương lơn tại Trung Quốc.

NGÀY VÍA CỦA QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Ngày vía của Ngài trong dân gian thường có ba ngày: ngày 19 tháng 2 là ngày giáng sinh,  ngày 19 tháng 6 là ngày xuất gia, ngày 19 tháng 9 là ngày thành đạo.

Chúng ta biết Quan Thế Âm bồ tát không hề có một ứng hóa thân  trên thế gian này. Ngài được giới thiệu bởi đức Phật Thích Ca trong các kinh của Ngài, như vậy những ngày kể trên thì đâu có thật. Tôi thử đi tìm nguồn gốc từ đâu mà ra những ngày này. Trong kinh Phật hoàn toàn không có kể đến những ngày này. Trong Đạo giáo thì lại có đủ cả ba ngày kể trên. Người theo Đạo giáo cũng thờ Quán Thế Âm bồ tát và cho rằng Ngài là hiện thân của công chúa Diệu Thiên, vị công chúa trong huyền thoại của Đạo giáo, đã đi tu, thành đạo và nay thành Từ Hàng đại sĩ. Ba ngày vía của Quan Thế Âm bồ tát có lẽ bắt nguồn từ đó. Câu chuyện của công chúa Diệu Thiện được kể là ở thời Nam Bắc triều (386-589), vậy những ngày vía này phải xuất hiện trong dân gian trong những triều dại sau đó.

(Bác sĩ y khoa Trần Văn Nghĩa: sinh quán  Hưng Yên Bắc Việt. Đậu tú tài năm 1967. Tốt nghiệp trường Đại Học Y Khoa Saigon năm 1974. Thi đậu luận án tiến sĩ y khoa với hạng tối danh dự ngày 31/03/1975. Học hậu đại học ngành bệnh lý học tại bệnh viện Lankeneau, Philadelphia, Hoa Kỳ từ năm 1982 đến 1986. Tốt nghiệp hậu đại học năm 1986.  Làm y sĩ cho bộ y tế và bộ lao động tiểu bang Pennsylvania từ năm 1986 đến nay (2017). Dịch nhiều bài kinh trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, đồng tác giả cuốn “Thiên Thai Tứ Giáo Nghi”, “Quan Âm Huyền Nghĩa”, “Đường Phật Đi”, “Đại Bi Đà La Ni Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn” ).