QUAN THẾ ÂM PHỔ MÔN PHẨM

B.S. Trần Văn Nghĩa

 

Quan Thế Âm Phổ Môn Phẩm là phẩm thứ 25 của kinh Pháp Hoa bản Hán văn và Việt văn. Phẩm này là phẩm thứ 24 của kinh Pháp Hoa bản tiếng Phạn và bản tiếng Tây Tạng. Nhưng phẩm này tách rời kinh Pháp Hoa và tự lưu hành một cách rộng rãi trong dân gian, từ vùng Trung Á, Tân Cương, Trung Quốc …rất sớm. Theo một số các học giả như Goto Daiyo (后藤大用) của Nhật…Thì phẩm này có lẽ được lưu hành và được dịch ra các tiếng ngoại quốc như Hán văn, Hồi Cốt văn (鹘文Uighur), Đột Quyết văn (突厥文 Turkic script) ……trước cả kinh Pháp Hoa. Nay người ta đã tìm được những mảnh kinh của bản Quan Thế Âm Phổ Môn Phẩm bằng những tiếng Hồi Cốt văn, Đột Quyết văn, tiếng Khotan,… ở vùng Trung Á, lưu trữ tại thư viện nước Nga.  Bản kinh bằng tiếng Đột Quyệt nay được dịch ra tiếng Nga, đăng tại tập san Bibliotheca Buddhica (Phật Giáo Văn Khố) của St Petersburg số 14 năm 1911. W. Radloff, học giả Nga, lại từ bản kinh bằng tiếng Hồi Cốt văn dịch Quan Thế Âm Phổ Môn Phẩm ra tiếng Đức.  

Ở Trung Quốc phẩm này được lưu hành dưới nhiều tên khác nhau: Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm (观世音菩), Quan Âm kinh Phổ Môn Phẩm (), Quang thế Âm Kinh (光世音经), Phổ Môn  Kinh (普门经), Quan Thế Âm Kinh (观世音经), Quan Âm Kinh (), Pháp Hoa Truyện Ký (传記). Trong sách  Hựu Lục (祐录)  viết vào năm 510, chương “Tân tập tuyển xuất kinh luật luận lục” (新集撰出经律论录)  có ghi là vào năm Thái khang thứ 8  (năm 287) có 3 bản dịch của kinh “Phổ Môn Phẩm kinh”, một bản không rõ dịch giả, một bản do ngài Trúc Pháp Hộ dịch ( năm 286), một bản do ngài Kì Đa Mật (祇多蜜) dịch. Trong sách Lịch Đại Tam Bảo Ký (历代三宝记) viết vào năm 597, thì cho rằng bản dịch không rõ dịch gia trong sách Hựu Lục cũng là của ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Hai bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ nay còn trong Đại Tạng Kinh  Đại Chánh Tân Tu và  Đại Tạng Viêt Nam với kinh số 315a và 315b.

Không phải tất cả những bản Quan Âm kinh lưu hành đều là bản Quan Thế Âm Phổ Môn Phẩm, phẩm thứ 25 của kinh Pháp Hoa. Trong bài Quan Thế Âm kinh khảo của thầy Thích Đạo Dục (釋道) đã chỉ rõ những bản Kinh Quan Âm khác có nội dung hoàn toàn khác với nội dung của kinh Quan Âm trích từ Kinh Pháp Hoa. Một thí dụ điển hình là cuốn Cao Vương Quan Thế Âm Kinh (高王), có trong Đai Chánh Tân Tu tạng kinh và Đại Tạng kinh Việt Nam kinh số 2898. Cuốn Quan Thế Âm Quan kinh (观世音观经) do Tự Cừ Kinh Thanh (沮渠京聲) Hán dịch. Ông là em của Vua Bắc Lương Tự Cừ Mông Tốn. Cuốn này nói về thiền định pháp môn. Một cuốn kinh khác Phổ Môn Phẩm kinh (普門品經) do ngài Trúc Pháp Hộ dịch ra Hán văn vào năm Thái Khang năm thứ 8 (năm 287), cuốn này dạy về Phổ môn định pháp môn….

A-) SƯ KẾT TẬP CỦA PHẨM QUAN THẾ ÂM PHỔ MÔN

Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa ở Thành Vương Xá trên núi Linh Thứu (王舍城灵鷲山). Theo kinh Pháp Hoa thì Ngài giảng kinh này sau khi Ngài thành đạo hơn 40 năm, như vậy lúc đó Ngài đã trên 73 tuổi. Theo các học giả về kinh Pháp Hoa thì những bài trong kinh này có lẽ được đức Phật giảng rời rạc trong nhiều năm, sau được kết tập và sắp xếp thành bộ kinh này vào khoảng từ 100 năm trước công nguyên cho đến 150 sau công nguyên. Như vậy Phẩm Quan Thế Âm Phổ Môn cũng được đức Phật giảng tại núi Linh Thứu và được kết tập vào kinh Pháp Hoa sau này.

Theo các nhà khảo cứu về sử học của kinh Pháp Hoa thì sự tạo thành bộ kinh này gồm bốn giai đoạn, từ 100 trước công nguyên đến 150 năm sau công nguyên. Phẩm Quan Thế Âm Phổ Môn được kết tập vào kinh Pháp Hoa ở giai đoạn thứ tư, vào khoảng 150 sau tây lịch.

Phẩm Phổ Môn là phẩm thứ 24 trong bản kinh Pháp Hoa tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Phẩm này là phẩm thứ 25 trong kinh Pháp Hoa Hán văn và Việt văn, tiếng Nhật , tiếng Đại Hàn, và tất cả các tiêng dịch từ bản kinh Hán văn.

Phẩm này gồm hai phần: Phần văn xuôi và phần kệ. Phẩm Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn của Chánh Pháp Hoa Kinh (正法华经) do ngài Trúc Pháp Hộ (竺法 237-316? Dharrmaraksha) dịch vào năm Thái Khang (太康) năm thứ 7 ( năm 286), chỉ có phần văn xuôi không có phần kệ. Bản dịch này có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 263.

Đời Bác Châu (北周 561-581), ngài Đồ Na Quật Đa (Jnanagupta  闍那崛多  523-600) ở Ích Châu chủa Long Uyên (益州龙渊寺) dịch phần kệ của phâm Quan Thế Âm phổ môn ra Hán văn. Sau này người ta thêm  phần kệ này vào phẩm Quan Thế Âm Phổ môn của cuốn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do ngài Cưu Ma La Thập ( Kumaragupta , 鸠摩罗什 344-413) dịch vào thời Diêu Tần (姚秦) Hoành Thủy (弘始) năm thứ 8 (năm 406). Bản này có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 262.

Đời nhà Tùy ()  năm Nhân Thọ ( 仁寿 ) nguyên niên ( năm 601)  ngài  Đồ Na Quật Đa (Jnanagupta , 闍那崛多) và ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupata ,达摩笈多) dịch lại kinh Pháp Hoa, gọi là Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (添品妙法莲华经). Trong kinh Pháp Hoa này,  Quan Thế Âm  Bồ Tát Phổ Môn phẩm đã có thêm phần kệ. Bản này có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 264.

Phần văn xuôi của các bản tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, Hán văn, Việt văn… không khác nhau nhiều.

Phần kệ thì bản tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng có 33 bài kệ, bản Hán văn chỉ có 26 bài kệ mà thôi. Bản tiếng Việt, dịch từ bản Hán văn, cũng chỉ có 26 bài kệ. Nay tôi dựa vào bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp trực tiếp từ tiếng Phạn để bổ túc 7 bài kệ thiếu trong bản Hán văn và Việt văn cho đầy đủ.

B-) BỔ TÚC BẨY BÀI KỆ THIẾU

Nay tôi dựa vào bản dịch kinh Pháp Hoa tiếng Pháp  “Le Lotus de la bonne Loi” của  M.E. Burnouf  dịch vào năm 1852  và bản dịch kinh Pháp Hoa tiếng Anh “The Lotus of the true law” của Hendrik Hern dịch vào năm 1884 để dịch bổ túc  7 bài kệ thiếu của phẩm Quan Thế Âm phổ môn của kinh Pháp Hoa bản tiếng Việt và bản Hán văn. Tôi xin đính kèm bản dịch tiếng Pháp và bản dịch tiếng Anh để đọc giả tiện việc tham khảo.

Tôi dùng thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt để dịch ra Hán văn để cho nó giống với những bài kệ trong bản kinh Hán văn, Tôi dùng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt  để dịch ra Việt văn để có nhiều chữ hơn, để có thể gom tất cả ý của bản Anh văn và Pháp văn.

Bài thứ 27

27. Ce sage, si compatissant pour les créatures, sera dans un temps à venir un Buddha qui anéantira toutes les douleurs et les peines de Texistence; aussi m’incliné-je devant Avalôkitêçvara.

27. He, so compassionate for the world, shall once become a Buddha, destroying all dangers and sorrows; I humbly bow to Avalokitesvara.

慈悲念世间, Từ bi niệm thế gian,
佛果緩證成. Phật quả hoãn chứng thành.
消尽煩惱苦, Tiêu tận phiền não khổ,
頂礼觀世音. Đảnh lễ Quan Thế Âm.

Tư bi luôn tưởng niệm thế gian,
Phật quả cũng tạm khoan chứng thành.
Diệt tận nguy nan,  phiền não khổ,
Đảnh lễ Quan Thế Âm thánh danh.

Bài thứ 28

28. Ce Guide des rois des chefs du monde, cette mine des devoirs du Religieux , ce sage honoré par l’univers , après avoir rempli les devoirs de la conduit religieuse, s’est mis en possession de l’état suprême et pur de Bôdhi.

28. This universal Lord, chief of kings, who is a (rich) mine of monastic virtues, he, universally worshipped, has reached pure, supreme enlightenment, after plying his course (of duty) during many hundreds of Æons.

礼宇宙至尊, Lễ vũ trụ chí tôn,
世间王上王. Thế gian vương thượng vương.
成一切功德, Thành nhất thiết công đức,
證万劫菩提. Chứng vạn kiếp bồ đề.

Kính lễ vũ trụ đấng chí tôn,
Bậc vua các vua của trần hoàn.
Tu thành nhất thiết công đức quả,
Bồ đề vạn kiếp đã chứng toàn.

Bài thứ 29

29. Debout à la droite ou à la gauche du Guide [des hommes] Amitabha, qu’il rafraîchit de son éventail, s’étant rendu, à faide delà méditation qui est semblable à ime apparence magique, dans toutes les terres de Buddha, il adore les Djinas.

29. At one time standing to the right, at another to the left of the Chief Amitabha, whom he is fanning, he, by dint of meditation, like a phantom, in all regions honours the Gina.

執扇待寿佛, Chấp phiến đãi Thọ Phật,
左右至恭持. Tả hữu chí cung trì.
定中神游去, Định trung thần du khứ,
三介揚大雄. Tam giới dương đại hùng.

Quạt chầu tả hữu Phật Di Đà,
Thiền định thần du khắp gần xa.
Đâu đâu tuyên dương nước Cực Lạc,
Đại hùng đại dũng ấy Phật Đà.

Bài thứ 30

30. A l’occident, là où se trouve Sukhavatî, cet univers pur qui est une mine de bonheur, est établi le Guide [des hommes] Amitabha, qui dirige les creatures comme un cocher.

30. In the west, where the pure world Sukhâkara is situated, there the Chief Amitabha, the tamer of men, has his fixed abode.

西方極樂国, Tây Phương Cực Lạc Quốc,
弥陀佛悲憫. Di Đà Phật bi mẫn.
善導诸有情, Thiện độ chư hữu tình,
接引歸浄土. Tiếp dẫn quy Tịnh Độ.

Tây phương có Thế Giới Cực Lạc,
Phật Di Đà nhân ái từ bi.
Dạy chúng sinh tinh tiến tu trì,
Tiếp dẫn về an cư Tịnh Độ.

Bài thứ 31

31. Là il ne naît pas de femmes; là les lois de funion des sexes sont absolument inconnues; là les fils du Djina, mis au monde par des transformations surnaturelles, paraissent assis au centre de purs lotus.

31. There no women are to be found; there sexual intercourse is absolutely unknown; there the sons of Gina, on springing into existence by apparitional birth, are sitting in the undefiled cups of lotuses.

无婦女浄国, Vô phụ nữ Tịnh Quốc,
肉欲所不闻. Nhục dục sở bất văn.
男孩生此地. Nam hài sanh thử địa,
坐現蓮花心. Tọa hiện liên hoa tâm.

Đất Tịnh Độ không người phụ nữ,
Chuyện dục tình chẳng có ai hay.
Nam hài nhi sinh ở cõi này,
Trong nhụy sen hiện sinh thanh tịnh.

Bài thứ 32

32. Et Amitabha, le Guide [des hommes], assis sur un trône formé du centre d’un pur et gracieux lotus , resplendit semblable au roi des Çâlas.

32. And the Chief Amitâbha himself is seated on a throne in the pure and nice cup of a lotus, and shines as the Sâla-king.

与阿弥陀佛, Dữ A Di Đà Phật,
有情皆得度. Hữu tình giai đắc độ.
佛坐宝蓮上, Phật tọa bảo liên thượng,
威儀嘉臘王. Uy nghi Gia Lạp vương.

Và đây đức Phật A Di Đà,
Đấng độ chúng sinh cõi ta-bà.
Ngự  tọa trên tòa sen lọng lẫy,
Uy nghi như vua nước Ca-la.

Bài thứ 33

33. Ce Guide du monde dont je viens de célébrer les vertus accumulées, n’a pas son semblable dans les trois régions de l’existence ; et nous aussi, ôle meilleur de tous les hommes, puissions-nous bientôt devenir tels que tu es !

33. The Leader of the world, whose store of merit has been praised, has no equal in the triple world. O supreme of men, let us soon become like thee!

宇內大導師, Vũ nội đại đạo sư,
俱一切功德. Câu nhất thiết công đức.
三介无所比, Tam giới vô sở tỷ,
教人成佛道. Giáo nhân thành Phật đạo.

Vũ trụ đây một đại đạo sư,
Đủ mọi công đức bậc chí từ.
Tam giới nào ai so sánh được,
Lậy Ngài dẫn độ đến chân như.

C-) SỰ LINH ỨNG CỦA KINH QUAN THẾ ÂM PHỔ MÔN

Những các sách bàn riêng về Kinh Quan Âm ở Ấn Độ không có, thường thì được bàn chung trong kinh Pháp Hoa, như trong những bài của Thế Thân bồ tát, Long Thụ bồ tát…

Ở Trung Quốc, trước thời Trí Giả đại sư, các sách bàn về kinh Quan Âm có hai loại: Một loại là bàn về sự lưu truyền và các bản dịch của cuốn kinh này, một là kể sự linh ứng của Quan Thế Âm bồ Tát qua cuốn kinh. Không có sách nào bàn về ý nghĩa Phật học của cuốn kinh này. Trí Giả đại sư là người đầu tiên bàn về ý nghĩa Phật Học của cuốn kinh trong hai cuốn sách của ngài: “Quan Âm Huyền Nghĩa” và “Quan Âm Nghĩa Sớ”.

Đức Phật giới thiệu Quan Thế Âm bồ tát cho chúng sinh là Ngài muốn chúng sinh có nơi nương nhờ khi có hoạn nạn. Phẩm phổ môn rất là linh ứng.

Vua Bắc Lương Tự Cừ Mông Tốn (沮渠蒙 368-433)  lâm trọng bệnh, thuốc thang không lành, nhà vua cầu cứu tôn giả Đàm Vô Sấm (曇無, Dharmaksema, 385-433).Tôn giả bảo nhà vua đọc kinh Phổ Môn và cầu Quan Thế Âm bồ tát. Ít lâu sau nhà vua lành bệnh. Từ đó kinh được thịnh hành ở nước Bắc Lương một cách rộng rãi.

Đời Đông Tấn, Ta Khánh Tự (謝慶緒313-362) có soạn viết cuốn “Quang Thế Âm Ứng nghiệm Ký” (光世音應驗記), đây là cuốn sách đầu tiên nói về sự linh ứng của phẩm Quan Thế Âm Phổ môn. Trong sách kể 10 trường hợp nhờ đọc tụng kinh Phổ Môn và kêu cầu Quan Thế Âm bồ tát mà được tai qua nạn khỏi. Sách nay thất truyền.

Đời Nam Triều Lưu Tống, Phó Lượng (傅亮 374-426),có đọc qua cuốn “Quang Thế Âm Ứng Nghiệm Ký” vì ông Ta Khánh Tự có tăng cuốn sách này cho cha của ông là  Phó Viện (傅瑗). Nghe cuốn sách thất truyền, ông bèn viết lại cuốn sách dựa vào ký ước của mình. Ông chỉ nhớ lại được 7 trường hợp. Cuốn sách ông viết cũng tên là “Quang Thế Âm Ứng nghiệm Ký”

Đời Nam Triều Lưu Tống, Trương Diễn (張演438-?) đã soạn viết cuốn “Tục Quang Thế Âm Ứng nghiệm Ký” (續光世音應驗記). Trong sách này ông kể 10 trường hợp linh ứng về  đọc tụng Phổ Môn Phẩm và kêu cầu danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát.

Đời Nam Triều Lưu Tống, Lục Cảo (陸杲 459-532), vào năm 501 đã soạn viết cuốn “Hệ Quang Thế Âm Ứng nghiệm Ký” (繫觀世音應驗記). Trong sách ông kể lại 69 trường hợp linh ứng của Quan Âm bồ tát nhờ đọc tụng Phổ Môn Phẩm và trì danh Quan Thế Âm bồ tát.

Ba cuốn này đã được dùng để làm dẫn chứng trong nhiều sách ở những đời sau như “Quan Âm Nghĩa Sớ” (观音义疏) của Trí Giả đại sư đời nhà Tùy, “Pháp Uyển Châu Lâm” (法苑珠林) của thầy Thích Đạo Thế đời nhà Đường, “Tục Cao Tăng Truyện” (续高僧传) của thầy Thích Đạo Tuyên, đời nhà Đường…

Sau 3 cuốn sách về Quan Thế Âm Ứng Nghiệm Ký này thất truyền. Đến năm 1943, người ta tìm thấy ở Nhật Bản và được tái bản vào năm 1970 ở Nhật. Trung Quốc cũng tái bản ba cuốn này vào năm1994.

(Bác sĩ y khoa Trần Văn Nghĩa: sinh quán  Hưng Yên Bắc Việt. Đậu tú tài năm 1967. Tốt nghiệp trường Đại Học Y Khoa Saigon năm 1974. Thi đậu luận án tiến sĩ y khoa với hạng tối danh dự ngày 31/03/1975. Học hậu đại học ngành bệnh lý học tại bệnh viện Lankeneau, Philadelphia, Hoa Kỳ từ năm 1982 đến 1986. Tốt nghiệp hậu đại học năm 1986.  Làm y sĩ cho bộ y tế và bộ lao động tiểu bang Pennsylvania từ năm 1986 đến nay (2017). Dịch nhiều bài kinh trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, đồng tác giả cuốn “Thiên Thai Tứ Giáo Nghi”, “Quan Âm Huyền Nghĩa”, “Đường Phật Đi”, “Đại Bi Đà La Ni Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn” ).